Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Hòa Thượng Thích Trí Chơn Con đường Hoằng Pháp và Văn Hóa - Nguyên Siêu

17/03/201118:23(Xem: 5131)
05. Hòa Thượng Thích Trí Chơn Con đường Hoằng Pháp và Văn Hóa - Nguyên Siêu

thichtrichon

Hòa Thượng Thích Trí Chơn

Con đường Hoằng Pháp và Văn Hóa

Nguyên Siêu

Giờ thì Hòa Thượng đã ra đi, ra đi chung quanh quý Thầy, Cô trong môn đồ pháp quyến đang nhất tâm niệm Phật để cung tiễn Hòa Thượng về với Phật.

Đôi ngày nằm ở bệnh viện, nhiều người đến hỏi thăm và hầu chuyện với Hòa Thượng, nhất là Ni Sư Giới Châu túc trực bên giường bệnh đã nghe Hòa Thượng nói nhiều lần, khi bác sĩ bệnh viện muốn thử nghiệm một số cơ phận để tìm hiểu bệnh lý của Ngài, Hòa Thượng dạy:

“Theo sự hiểu biết của tui, thì sự văn minh tiến bộ y học là điều rất cần thiết để cứu người, nhưng hiện tại mình đã là ông Thầy tu, mình có niềm tin trong sáng nơi Phật pháp; mình có chư Bồ Tát, chư Phật gia hộ; mình có Phật Dược Sư phát nguyện cứu độ chúng sinh. Mình nhất tâm niệm danh hiệu đức Phật Dược Sư, nếu nghiệp lực mình chưa phải chết thì nương nhờ Phật lực mà được khỏe mạnh lại, chi bằng đến lúc phải xả bỏ báo thân thì ngày đêm mình thường niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì mình về với Phật trong tâm nhẹ nhàng, thanh thản. Đây là điều tui suy nghĩ cả một đời tu hành. Quý Thầy, Cô đưa tui về Bát Nhã để tĩnh dưỡng đôi ngày rồi về với Phật, đó là con đường cuối cùng của ông Thầy tu. Quý Thầy, Cô hoan hỷ, Mô Phật.”

Nghe lời dạy của Hòa Thượng, ai cũng nhìn nhau cảm phục, cảm phục niềm tin kiên cố vào tánh đức Từ Bi, vào hạnh nguyện cứu khổ chúng sinh của ba đời chư Phật, và hôm nay Hòa Thượng đã ra đi trong sự cứu độ của chư Phật. Thượng Tọa Trí Thành, pháp đệ của Hòa Thượng, kể lại: “Quý Thầy, Cô hầu bên giường bệnh trước khi Hòa Thượng viên tịch khoảng nửa giờ, Hòa Thượng hãy còn hỏi thăm từng người một, hỏi thăm Chùa Linh Mụ trong cũng như ngoài nước. Căn dặn quý Thầy, Cô hãy gìn giữ những ngôi Tam Bảo mà Hòa Thượng đã xây dựng nhiều thập niên qua, ở nhiều tiểu bang, quý Thầy phải biết thương nhau, đùm bọc nhau mà sống nơi xứ người. Chỉ có mình biết thương nhau, đoàn kết với nhau thì cuộc sống mới có ý nghĩa, mới làm lợi lạc cho ngôi Tam Bảo, lý tưởng của người xuất gia. Không khí thân tình, dù người bệnh hay người khỏe, đều diễn ra tự nhiên, thanh thản, không ai nghĩ rằng sau đôi mươi phút truyện trò Hòa Thượng ra đi nhanh và tự tại như vậy.”

Sắc mặt Hòa Thượng đôi chút thay đổi, mắt hơi nhắm, yên lặng,nhẹ nhàng, Hòa Thượng an nhiên thị tịch giữa những lời niệm Phật tiếp dẫn. Thượng Tọa Trí Thành đưa tay vuốt nhẹ đôi mắt và nâng cằm của Hòa Thượng lên. Tất cả sự ra đi của Hòa Thượng chỉ có thế. Một đời Tăng sĩ 46 hạ lạp, đã được hiến dâng tất cả bằng tâm huyết nhiệt thành cho đời, cho đạo.

Con Đường Hoằng Pháp

Hòa Thượng là đệ tử của đức đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN, đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, chùa Linh Mụ, Huế. Suốt cả một đời hành điệu, cũng như khi lớn lên dưới mái chùa cổ kính nổi tiếng trên dòng Hương Giang ấy, Hòa Thượng đã luôn đặt trọng tâm vào công việc hoằng pháp và văn hóa. Con đường hoằng pháp của Hòa Thượng dù ở trong nước hay xuất ngoại du học Ấn Độ, tốt nghiệp học vị Tiến sĩ, du nhập vào đất nước Hoa Kỳ, Hòa Thượng luôn là người biểu tỏ tấm lòng cầu mong Phật pháp được lan truyền đến mọi tầng lớp xã hội, đến các quốc gia, dân tộc khắp nơi trên thế giới. Vì tâm nguyện này mà Hòa Thượng đã không từ nan, quản ngại mọi khó khăn, cách trờ xa xôi, Hòa Thượng đã dấn thân đi vào sinh hoạt các tổ chức Phật giáo của các quốc gia Á Châu như: Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Gia Ba, Tích Lan, Mã Lai, Mông Cổ… để nghiên cứu tinh hoa của Phật giáo bạn chắt lọc ứng dụng cho Phật giáo Việt Nam, ngõ hầu đem Phật pháp vào lòng người.

Từ những nghiên cứu cho công cuộc hoằng pháp ở các quốc gia Đông phương, Hòa Thượng cũng đã nỗ lực không ngừng để tâm nghiên cứu, tham khảo con đường hoằng pháp của các tổ chức Phật giáo và văn hóa của các quốc gia Âu Tây như: Anh, Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Hy Lạp, Tây Ban Nha… trước sau như một, Hòa Thượng đã thật sự hiến thân phụng sự đạo pháp. Qua bao thập niên, với tấm thân nhỏ nhắn, ốm gầy, trên vai một tay nải, trong tay một túi xách vật dụng tùy thân, một cuốn sổ nhỏ ghi lịch trình sinh hoạt thuyết giảng các Tự Viện, mà Hòa Thượng đã thành lập cho các Phật tử địa phương, Ngài đã rày đây mai đó đi khắp các tiểu bang Hoa Kỳ. Bằng tấm lòng phụng hành di ngôn của Phật: “Này các Tỳ kheo, các con hãy đi và đi một mình. Đi vì sự bình an, hạnh phúc cho con người và chư Thiên. Đi để đem giáo pháp giải thoát cho muôn nơi và chúng sinh trong cuộc đời này. Các con hãy lên đường vì hạnh phúc và lợi ích chung.” Hòa Thượng đã đi đến từng địa phương hẻo lánh ở các tiểu bang xa xôi, nơi có cư dân người Việt tha hương tị nạn để xây dựng cho họ đời sống tâm linh nơi hải ngoại. Trong công cuộc hoằng pháp này, Hòa Thượng đã đích thân lãnh đạo tinh thần, chứng minh Đạo Sư, hay cố vấn các Tự Viện, Hội Phật giáo, cộng đồng Phật giáo … khoảng 36 đơn vị của các tiểu bang Hoa Kỳ. Cuộc hoằng pháp đi sâu vào hạ tầng cơ sơ của Hòa Thượng đã tạo dựng nền móng vững chắc cho Giáo Hội, bồi đắp và giữ vững niềm tin Phật pháp của cộng đồng Phật tử nơi đó. Hòa Thượng đã được tôn xưng là vị Tổ khai sơn các Tự Viện, Hội Phật giáo, cộng đồng Phật giáo của các địa phương ấy. Ngài được phong tặng biệt danh “Hòa Thượng xe bus” để nêu cao công hạnh hy sinh, kham nhẫn, hoằng dương Phật pháp bằng những phương tiện di chuyển khiêm tốn trên những chuyến xe lửa tốc hành, trên những chuyến bus xuyên bang suốt đêm với những gói chip, những phần ăn thanh cảnh nơi các trạm xe mà hoàn thành Phật sự hóa độ sâu dày.

Con Đường Văn Hóa

Nếu nói rằng con đường Hoằng Pháp là tâm huyết của Hòa Thượng thì con đường Văn Hóa là tim óc một đời của Hòa Thượng để có được những dịch phẩm nổi tiếng để đóng góp cho ngôi nhà văn hóa Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Hòa Thượng có khoảng 22 dịch phẩm với chủ đề: Tổng Quan Phật giáo, Truyện Tích, Nhân Vật Phật giáo, Phật Giáo và Thời Đại, Phật Giáo và Xã Hội, Phật Giáo Thế Giới … Ngoài ra Hòa Thượng còn có những tài liệu khác nằm trong bản thảo chưa kịp xuất bản. Thật là một đóng góp lớn lao cho nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi hải ngoại. Một số các tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng cũng đã được Hòa Thượng phiên dịch và phổ biến trên các tạp chí. Có dịp ghé thăm Hòa Thượng tại Phật Học Viện Quốc Tế sẽ thấy cả một phòng đầy sách vở, từ trên kệ sách cho đến bàn ghế hay trên mặt đất, đó đây sách và sách. Hòa Thượng đã sống với kinh sách cho đến ngày từ giã ra đi.

Hòa Thượng sống đời tự lập và tự dưỡng cho đến khi tuổi già sức yếu, răng không còn Hòa Thượng tự nấu cháo gạo lức xay nhuyễn để uống. Hòa Thượng quan niệm đó là văn hóa tự thân của Ngài, cố gắng tự lo mọi việc cá nhân để tránh làm phiền mọi người trong cuộc sống riêng tư. Hòa Thượng đi hoằng pháp, làm văn hóa một mình một bóng như những cánh vạc khuya giữa đêm trường cô tịch, khi đi cũng như lúc về chẳng ai hay biết, chỉ có con tàu và sân ga làm bạn đồng hành.

Từ nền văn hóa tự thân phát huy nền văn hóa quần chúng, Hòa Thượng đã để lại một kho tàng văn hóa dịch thuật cả đạo lẫn đời, biết bao nhiêu bút mực, dầu đèn sớm hôm khuya tối. Lời viết có hạn, công đức Hòa Thượng thì vô cùng. Vô cùng như hành trạng một bậc Cao Tăng hiện thân vào đời để hóa độ, khi công viên quả mãn thì nhẹ nhàng cất bước ra đi, không bận tâm lưu luyến.

Hai con đường hoằng pháp và văn hóa đã nuôi lớn Hòa Thượng trong chí nguyện độ sinh và ngày về với Phật. Hôm nay, những gì đáng độ, Hòa Thượng đã độ, ngày về với Phật thì Hòa Thượng cũng đã về, chỉ còn lại hàng hậu học với niềm thương nhớ đầy vơi.

San Diego, 16 tháng 03 năm 2011

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2023(Xem: 1118)
Đức Phật dạy trong Phật giáo có bốn hội chúng là chúng xuất gia (Tỳ kheo và Tỳ-kheo-ni) và chúng tại gia (nam nữ cư sĩ). Chúng xuất gia là trưởng tử của Như Lai, sống phạm hạnh nơi chốn thiền môn, bậc thầy mô phạm thay Như Lai giữ gìn và hoằng truyền giáo Pháp. Chúng tại gia tu tập ở nhà, làm lành tránh ác, bồi công tạo phước, hộ trì ngôi Tam bảo. Nhờ hai hội chúng này mà giáo pháp của Đức Thế Tôn xuất hiện cách đây hơn 2600 năm, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
06/11/2023(Xem: 2390)
Cáo Phó Tang Lễ Hòa Thượng Thích Thiện Huệ vừa viên tịch tại Chùa Long Thọ, Long Khánh, Đồng Nai
27/10/2023(Xem: 1332)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Với sở học rất uyên thâm, và lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc. Năm 1920, Ngài bắt đầu giảng dạy Phật pháp tại Bình Định và là một trong những bậc đống lương cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.
12/10/2023(Xem: 1369)
Sinh thời, Thầy có chí nguyện chuyên tu thiền định. Khởi đầu là phát tâm nhập thất tịnh tu tại núi rừng Vạn Giã, Khánh Hòa vào năm 1972. Những năm về sau, dù bộn bề Phật sự nhưng Thầy vẫn an nhiên với pháp hành thiền và các pháp tu tương hỗ khác. Trong phương châm giáo dục mà Thầy đã đề xuất, gồm Học lý – Quán chiếu – Tổ chức cũng phần nào biểu lộ chủ trương cân đối giữa pháp học và pháp hành. Thân mang bệnh duyên, sở tật thường đeo đẳng, nhưng nhờ tu tập tinh cần, Thầy đã vượt lên nỗi đau thân thể để chu toàn Phật sự.
18/09/2023(Xem: 1824)
Niềm vui sống đời dâng hiến (vần thơ kính mừng khánh tuế lần thứ 69 Hòa Thượng Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thích Thông Mẫn, 18/9/2023), Có thể… chính lối sống mình, làm thức tỉnh ? Bao người thoát ra giấc ngủ mê lầm Tự tin độc lập hơn với bản thân Vì cuộc đời không hề có những định luật, Cũng như giá trị một người không đo lường bằng tiêu chuẩn thiết lập !
04/08/2023(Xem: 2511)
Giáo lý Thượng Thừa (bài giảng của HT Thích Thanh Từ)
04/08/2023(Xem: 3719)
36- Tiểu Sử Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567