Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Một bài thơ ít người biết được của Ôn Già Lam

22/10/201009:15(Xem: 12087)
Một bài thơ ít người biết được của Ôn Già Lam
htthichtrithu
Tưởng niệm 25 năm
ngày Hòa Thượng Thích Trí Thủ viên tịch (02/4/1984-2009)
MỘT BÀI THƠ ÍT NGƯỜI ĐƯỢC BIẾT CỦA ÔN GÌA LAM


Tâm Không Vĩnh Hữu


Vào khoảng các năm 1972–1974, Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, thường được Tăng Ni-Phật tử gọi cung kính gần gũi là “Ôn Già Lam”, đang trong thời gian dài hoằng pháp tại Nha Trang và các tỉnh miền Trung, Ôn tạm an trú trên chùa Hải Đức, nơi có Phật học viện Trung Phần, trên ngọn đồi Trại Thủy. Khoảnh vườn và thềm hiên phía trước tịnh thất của Ôn dần dà trở thành một hoa viên nho nhỏ với nhiều cây cảnh hoa lá đẹp lạ, là nhờ ở bàn tay chăm sóc thương yêu của một vị cao tăng đức độ nhân từ.

Một ngày nọ, Ôn nảy ra ý tưởng xây một hòn non bộ trên một cái hồ nhỏ thả cá bảy màu. Theo sự hướng dẫn của Ôn, các thầy Minh Thông và Chơn Trí đã bắt tay vào thực hiện xong một hòn non bộ có hình dáng dài và cong theo hình chữ S. Hình ảnh của quê hương đất nước đã hiển hiện. Ôn hài lòng, gọi đó là hòn non bộ “Bản đồ Việt Nam”. Từ khi có hòn non bộ, Ôn thường hay dành thời giờ rỗi rảnh để chăm sóc, trang trí, điểm xuyết thêm những cảnh vật nhỏ cho tác phẩm tâm đắc ấy, và đôi lúc Ôn cũng có những giây phút tĩnh lặng đứng ngắm nhìn hình dáng của đất Mẹ với vẻ đăm chiêu trăn trở…

Và, thi phẩm “Vịnh bản đồ Việt Nam”của Ôn Già Lam được ra đời. Bài thơ này rất ít người được hay biết đến. Chỉ những ai được thân cận, gần gũi với Ôn, và yêu văn chương thi phú thì mới biết rõ và còn nhớ đến hôm nay. Đọc bài thơ này, chúng ta cảm ngay được một tấm lòng yêu nước thương dân, một nỗi niềm ưu tư khắc khoải của bậc chân tu luôn hướng về một ngày mai thanh bình an lạc khắp ba miền tổ quốc.

Từ trong Tăng nhân uy nghiêm, Thi nhân lộ diện, từng chữ từng câu như rút từ ruột gan, từng ý từng tứ như chắt lọc từ cái Tâm đã thấm nhuần đạo hạnh, những con chữ như từng giọt máu đào thay cho mực đen uyển chuyển từng nét trên giấy trắng, đọc lên nghe sao vừa hào sảng lại vừa bâng khuâng day dứt:

Dấn thân phiêu bạt giang hồ
Chạnh lòng quê Mẹ dư đồ Việt Nam
Kìa thắng tích, nọ danh lam
Máu xương trang trải, ai làm nên khung?
Đúc vun khí tiết hào hùng
Hai vai gánh nặng Quang Trung, Nguyễn Hoàng
Trường Sơn một dãy hiên ngang
Càng nhìn càng ngắm muôn vàn thân yêu
Non sông gấm vóc mỹ miều
Ngàn năm văn hiến nhiễu điều giá gương
Dù cho Nam-Bắc đôi đường
Đốt lò hương nguyện bốn phương một nhà
Sớm hôm hướng nẻo Phật Đà
Sắc Không tâm sự niềm xa nỗi gần
Mong sao giữ vẹn mười phần
Thanh cao dáng núi, trong ngần vẻ sông
Gấm non gương nước trăng lồng
Đạo Vàng- Dân Tộc chiếu hồng muôn Xuân…


Bài thơ “Vịnh bản đồ Việt Nam” của Ôn lặng lẽ ứng tác, sau đã được các thầy Minh Thông và Chơn Trí cho khắc và phết sơn nguyên văn lên một tấm bia đá được chở từ Núi Sạn (Đồng Đế) mang lên đặt cạnh hòn bộ. Sau ngày đất nước thống nhất, thỏa nguyện “bốn phương một nhà”, Ôn rời khỏi chùa Hải Đức, vào hoằng pháp tại Tu viện Quảng Hương Già Lam ở Gò Vấp- Thành phố Hồ Chí Minh, để lại sau lưng một hòn non bộ độc đáo cùng một thi phẩm tuyệt diệu.

Thời gian trôi đi, Ôn Già Lam cao đăng Phật quốc, rồi chùa Hải Đức cũng trải qua nhiều đổi thay, qua đợt sửa chữa này đến cuộc đại trùng tu khác… Hòn non bộ “Bản đồ Việt Nam” không còn hiện hữu trong khuôn viên ngôi chùa xưa nữa, và bia đá khắc bài thơ của Ôn cũng từ đó không biết đã trôi dạt đi về nơi đâu?

May sao:

Trăm năm bia đá dẫu mòn
Ngàn năm thi phẩm vẫn còn truyền lưu”

Hàng hậu sinh hậu bối chúng ta vẫn còn được diễm phúc biết đến bài thơ hiếm quý của một bậc Danh Tăng Việt Nam!

Tâm Không Vĩnh Hữu
(viết lại theo lời kể của Nữ sĩ Tâm Tấn)


VIẾT TIẾP VỀ BÀI THƠ
VỊNH BẢN ĐỒ VIỆT NAM
CỦA CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ

Khi Nội San Vô Ưu số 36 (05-2009) “Kính Mừng Phật Đản-PL: 2553” được phát hành, tôi đến vấn an và không quên mang vài tập theo để kính biếu Nữ sĩ Tâm Tấn. Nữ sĩ xem thấy có đăng bài viết tưởng niệm Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ thì rất vui, rất mừng, và nhận những tập Nội san một cách trân trọng quý kính.

Ba hôm sau, tôi nhận được điện thoại của Nữ sĩ, bà nói rằng cần trao đổi một vài điều về bài thơ “Vịnh bản đồ Việt Nam”. Ngay tức tốc, tôi đã có mặt tại nhà Nữ sĩ để nghe lời chỉ giáo. Nữ sĩ nói: “Bài viết hay lắm, trang trọng lắm, đăng vào thời điểm có thể rất nhiều người quên tưởng nhớ đến Ôn, nhưng rất tiếc lại thiếu … chính xác!’. Tôi hơi bị bất ngờ, “choáng”, vì tôi rất “kỵ” cụm từ “thiếu chính xác” khi gắn bó với “nghiệp” cầm bút viết báo 20 năm qua. Không đợi tôi hỏi, Nữ sĩ giở tập Nội san Vô Ưu đã được đặt trên bàn sẵn từ trước, lật ra đến trang có bài viết tưởng niệm Ôn Già Lam, chỉ vào bài thơ “ Vịnh bản đồ Việt Nam”, nói:

- Con đã viết rất hay trong bài rằng “… từng chữ từng câu như rút từ ruột gan, từng ý từng tứ như chắt lọc từ cái Tâm đã thấm nhuần đạo hạnh, những con chữ như từng giọt máu đào thay cho mực đen uyển chuyển từng nét trên giấy trắng…”, vậy thì mình không được phép làm thay đổi, viết sai trật bất cứ một chữ nào trong bài thơ của Ôn. Ở đây, tôi thấy bài thơ khác với nguyên bản đến mấy từ, làm dở cho bài thơ giảm đi một phần giá trị, làm mất đi sự tài tình trong việc sử dụng ngôn từ của một “cao tăng -thi nhân”…

Tôi như đang co rúm người lại, ngồi lắng nghe Nữ sĩ chỉ ra những “hạt sạn” cần phải chỉnh lại cho chính xác, như sau:

- Câu thứ 3: “Kìa thắng cảnh, nọ danh lam”, Ôn Già Lam không dùng “thắng cảnh” (cảnh đẹp nổi tiếng) mà là “thắng tích” (di tích lịch sử nổi tiếng).

- Câu thứ 6: “Hai vai gánh vác Quang Trung, Nguyễn Hoàng”, Ôn không dùng “gánh vác” (gánh lấy công việc khó khăn, nặng nề) mà là “gánh nặng” (nói về một quãng ở trên vai, như trong thơ Nguyễn Công Trứ: “Giang sơn một gánh giữa đồng”).

- Câu thứ 14: “Sắc Không tâm sự đường xa nỗi gần”, Ôn không hề dùng “đường xa” mà là “niềm xa” đi cặp với “nỗi gần” (nỗi niềm gần xa), bởi nếu dùng “đường xathì phải dùng “nẻo gần” mới đúng cặp, mà dùng “đường nẻo gần xa” thì … dở, hỏng cả câu thơ!

Tôi ghi chép vào sổ tay, cảm ơn Nữ sĩ, rồi xin cáo từ để trở về nhà kiểm tra ngay lại bản thảo bài viết tay, so lại với bản thảo trên máy vi tính, thì biết là mình bị mắc lỗi. Đến giờ này, tôi vẫn chẳng hiểu nổi thần hồn của mình để đâu khi viết lại bài thơ của Ôn mà lại “tự ý” đánh sai đến 3 từ trong bài. Một sai sót đáng trách! Và, sự sai sót này cũng là một bài học quý giá nhắc nhở cho người cầm bút rút kinh nghiệm để những lần sau thận trọng hơn, chính xác hơn.

Tác giả bài viết xin cung kính cúi đầu tạ lỗi trước giác linh Ôn Già Lam, chân thành xin lỗi Nữ sĩ Tâm Tấn cùng bạn đọc ở khắp “đường xa nẻo gần”.

Bài viết ngắn này xin được phép thay cho lời đính chính của Ban biên tập Nội san Vô Ưu, được kết thúc bằng bài thơ “Vịnh bản đồ Việt Nam” của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ đã sửa chữa hoàn chỉnh:

Dấn thân phiêu bạt giang hồ
Chạnh lòng quê Mẹ dư đồ Việt Nam
Kìa thắng tích, nọ danh lam
Máu xương trang trải, ai làm nên khung?
Đúc vun khí tiết hào hùng
Hai vai gánh nặng Quang Trung, Nguyễn Hoàng
Trường Sơn một dãy hiên ngang
Càng nhìn càng ngắm muôn vàn thân yêu
Non sông gấm vóc mỹ miều
Ngàn năm văn hiến nhiễu điều giá gương
Dù cho Nam-Bắc đôi đường
Đốt lò hương nguyện bốn phương một nhà
Sớm hôm hướng nẻo Phật Đà
Sắc Không tâm sự niềm xa nỗi gần
Mong sao giữ vẹn mười phần
Thanh cao dáng núi, trong ngần vẻ sông
Gấm non gương nước trăng lồng
Đạo Vàng- Dân Tộc chiếu hồng muôn Xuân…

Tâm Không Vĩnh Hữu


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/08/2013(Xem: 22749)
Do tuổi cao sức yếu đã an nhiên thị tịch tại trụ xứ chùa Dược Sư, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, vào lúc 11 giờ 56 phút, ngày 24 tháng 6 năm Quý Tỵ (thứ Tư, 31/7/2013). Trụ thế 94 năm, 60 hạ lạp.
01/08/2013(Xem: 13652)
Bồ đề chủng tử diệu tâm Ứng thân đồng ấu nẫy mầm thiên lương Đức Thầy bình dị chơn phương Phụng thờ Phật Tổ hạnh thường khiêm cung.
30/07/2013(Xem: 13410)
Cố Thượng tọa THÍCH CHÁNH LẠC, thế danh Nguyễn Ngọc Quang, Pháp danh Nguyên An, hiệu Chánh Lạc, sinh ngày 07 tháng 12 năm Canh Dần (1950) trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, tại thôn Khái Ðông, xã Hòa Hải huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Ðà Nẵng, thuộc danh lam thắng tích Ngũ Hành Sơn - Non Nước.
19/07/2013(Xem: 11281)
Phật Giáo Việt Nam có sự gắn bó như nước và sữa với dân tộc và đất nước Việt Nam suốt quá trình lịch sử tồn tại và phát triển trên hai ngàn năm qua. Đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Trong quá trình tồn tại và phát triển đó, Phật Giáo Việt Nam đã trải qua nhiều cơn thăng trầm, vinh nhục. Nhưng chưa bao giờ Phật Giáo Việt Nam đánh mất bản nguyện hoằng dương Chánh Pháp giải khổ quần sanh và góp phần giữ nước và phát triển đất nước.
13/07/2013(Xem: 17900)
Linh Sơn Chốn Tổ Nguồn Tâm
30/06/2013(Xem: 9936)
Năm nay Sư Ông Nhất Hạnh đã 87 tuổi. Nếu tính từ ngày xuất gia hồi 16 tuổi tới nay thì người đã có 71 tuổi hạ. Vậy mà Sư Ông vẫn chưa nghỉ một ngày, cứ mãi miết làm việc với một hạnh nguyện duy nhất là "Chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc". Nếu không viết sách thì Sư Ông Sư Ông cũng dành thì giờ viết thư pháp, biến những lời Bụt dạy thành những câu thiền ngữ cho mọi người thỉnh về nhà, treo lên và tự nhắc mình tu tập như có thầy luôn ở phòng khách nhà mình, nhắc mình nhớ làm chủ thân tâm, nắm giữ chánh niệm, ý thức sự có mặt của người mình thương, vừa có tiền cho quỹ Hiểu & Thương của Làng nuôi dạy trẻ em nghèo đói ở Việt Nam và Ấn Độ.
23/06/2013(Xem: 6265)
Nam Mô Thanh Tịnh Pháp Thân TỲ LÔ GIÁ NA PHẬT Nam Mô Viên Mãn Báo Thân LÔ XÁ NA PHẬT Nam Mô Thiên Bá Ức Hóa Thân THÍCH CA MÂU NI PHẬT Nam Mô Vị Pháp Thiêu Thân THÍCH QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT Nam Mô Đại Hùng, Đại Lực CHƯ BỒ TÁT Vị Pháp Thiêu Thân
22/06/2013(Xem: 7271)
Đã tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Thời gian đủ để chúng ta bình tâm nhìn lại sự kiện lịch sử nầy để rút ra bài học cho những bước tiến tương lai của dân tộc và cho chính mỗi con người nhỏ bé chúng ta trong cõi ta bà mê muội nầy.
17/06/2013(Xem: 10513)
1963-2013! Năm mươi năm đã trôi qua. Nửa thế kỷ là thời gian đủ dài để chúng ta có thể an nhiên nhìn lại quá khứ hầu rút ra được những bài học cho tương lai. Đối với Phật tử thì đó là một bài học về đạo lực vận dụng giữa trí tuệ và từ bi, giữa hạnh nhẫn nhục và lực đại hùng một cách hài hòa và vì lợi lạc của chúng sinh. Còn đối với tương lai dân tộc ta thì Pháp nạn Phật giáo năm 1963 đã cống hiến cho chúng ta một bài học lớn về niềm khao khát và lòng tôn trọng một cuộc sống cộng sinh trong một môi trường hòa bình, an lạc.
12/06/2013(Xem: 8469)
Ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức thể hiện sự phản đối đầy bi phẫn bằng việc tẩm xăng tự thiêu ngay giữa một giao lộ đông đúc ở Sài Gòn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567