của Đông triều hầu Trần Đình Ân
thời chúa Nguyễn (1624-1705)
Trần Đình Sơn
Suốt hai thế kỷ XVII-XVIII, đạo Phật gặp nhiều thuận duyên, phát triển nhanh chóng từ vùng đất Thuận Quảng đến khắp đồng bằng Nam Bộ.
Sở dĩ được thế là nhờ trong chốn thiền môn nối nhau xuất hiện các bậc cao tăng như Viên Cảnh, Viên Khoan, Minh Châu, Nguyên Thiều, Liễu Quán... Ngoài xã hội thì các chúa Nguyễn và triều thần hết lòng hộ trì Tam bảo. Trong số các vị cư sĩ hộ pháp mà danh tiếng còn lưu truyền đến nay có Trần Đình Ân.
Tổ tiên Trần Đình Ân nguyên quán ở làng Hà Trung, xứ Thanh Hóa, sau theo chúa Nguyễn Hoàng vào lập làng Hà Trung ở huyện Minh Linh, phủ Quảng Bình, xứ Thuận Hóa (nay thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Trần Đình Ân sinh năm Giáp Tý (1624). Trưởng thành, ông ra làm quan Thủ bạ đời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan. Đời Hiền Vương Nguyễn Phước Tần, trong trận chiến lần thứ 7 với quân Trịnh (năm 1672), ông hiến kế “dĩ hư phá hư” giúp cho quân Nguyễn chiến thắng. Từ đó chấm dứt chiến tranh, hai miền Nam Bắc hòa bình 100 năm. Đời Minh Vương Nguyễn Phước Chu, vua sáng gặp tôi hiền, Trần Đình Ân đem hết tài năng ra phụng sự. Ông được trao chức vụ Tham chính đoán sự, tước Đông Triều Hầu, làm mưu thần thân tín bên cạnh chúa. Nhờ tài nội trị của ông mà hậu phương Phú Xuân vững mạnh, giúp cho danh tướng Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) yên tâm lo việc bình định, mở mang đất nước ở phương Nam. Công nghiệp của ông còn lưu dấu mãi với lịch sử dân tộc.
Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược công đức của Trần Đình Ân đối với đạo pháp.
Trần Đình Ân là một Phật tử thuần thành, chính thức quy y có pháp danh Tịnh Tín, đạo hiệu Minh Hồng. Như vậy ông cùng thế hệ với Tổ sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715); có thể là đệ tử tại gia của Thiền sư Viên Cảnh (Lục Hồ) hoặc Viên Khoan (Đại Thâm), là hai vị danh tăng đương thời tại quê hương ông. Dòng thiền này có ảnh hưởng mạnh mẽ ở xã hội Nam Hà, trước khi có cuộc cải cách Phật giáo dưới thời Minh Vương.
Năm Bính Ngọ (1666), Trần Đình Ân phụng mệnh Hiền Vương làm hội chủ xây dựng chùa Vinh Hòa trên núi Quy Cảnh (núi Cổ Rùa, về sau gọi là núi Linh Thái gần cửa biển Tư Hiền, Thừa Thiên). Năm Đinh Mùi (1667), chùa xây dựng xong rất quy mô tốt đẹp, cử hành đại lễ khánh thành. Sau đó chúa cho thỉnh Thiền sư Minh Châu Hương Hải đang tịnh tu ngoài đảo Tiêm Bút La (nay là cù lao Chàm - Quảng Nam) về trú trì và thành lập đạo tràng Thiền Tịnh, hướng dẫn việc tu tập cho vương thất, quan dân ở Thuận Hóa. Ngày nay chùa Vinh Hòa, Thiền Tịnh viện đã điêu tàn hoang phế, nhưng bài thơ ca ngợi công đức Trần Đình Ân vẫn còn truyền:
Lồng lộng tôn nghiêm bóng Phật đài,
Theo làn gió tuệ quét trần ai.
Bồ đề cây ấy vốn không có
Gương sáng không đài há thấy đài.
Lương Đế, Đàm Tăng nào vượt quá
Đường Tông, Huyền Lão há thua tài,
Mới hay đức lớn quỷ(1) thần phục
Lại thấy thiền môn tỏa ánh ngời.
Năm Đinh Tỵ (1667), Trần Đình Ân được cử làm hội chủ xây dựng chùa Bình Trung tại quê nhà. Ngày nay chùa đã bị binh lửa thiêu hủy, nhưng may mắn chiếc khánh đồng của chùa vẫn được bảo tồn tại quốc tự Thiên Mụ. Chiếc khánh dài 1m60, rộng 0m80, trên hai mặt trang trí “Nhật nguyệt, tinh tú”. Mặt trước ghi “Bình Trung quán khánh” và “Vĩnh Trị nhị niên, tuế thứ Đinh Tỵ trọng thu tạo" (Khánh của quán Bình Trung đúc vào tháng 8 năm Đinh Tỵ - 1677, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 triều Lê Hy Tông). Mặt sau ghi “Hội chủ Trần Đình Ân, đạo hiệu Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín” và “Thập phương công đức”. Đây là một văn vật quý hiếm thời chúa Nguyễn còn sót lại; là một pháp khí vô giá của Phật giáo Việt Nam, được đúc trước đại hồng chung Thiên Mụ 23 năm.
Năm Ất Hợi (1695), Minh Vương thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Thuận Hóa để tổ chức đại giới đàn, cải cách Phật giáo. Trần Đình Ân lúc này là bậc “Tứ triều nguyên lão đại thần”, đã cùng với con đến tham học và xin thọ giới tại gia Bồ-tát với Hòa thượng Thạch Liêm. Hòa thượng rất cảm phục tài năng, đức độ, đạo tâm của Trần Đình Ân nên đặc biệt xưng tụng ông là Đại sĩ và giao tình rất tương đắc, mật thiết.
Năm Quý Mùi (1703) Trần Đình Ân đã 78 tuổi. Sau nhiều lần thỉnh cầu, ông được Minh Vương cho phép từ quan về an dưỡng tu hành tại chùa Bình Trung. Chúa ban thưởng trọng hậu, đích thân viết bài tựa và thơ vào lụa hoa trắng để tiễn tặng như sau:
“Quốc chúa Thiên Túng Đạo Nhơn ngự chế thơ và bài tựa ban cho Tham chính đoán sự Đông triều hầu Trần Đình Ân từ chức về làng. Khanh trải thờ bốn triều, quốc chính triều cương có nhiều giúp đỡ. Bề tôi siêng năng, duy khanh hơn cả. Lại tính hay nhún nhường, êm dịu, vui đạo thích lành cho nên lan quế thơm tho, một nhà vinh hiển. Tuổi gần 80 mà chưa suy hèn, thực là phước thọ của nước nhà ta. Nay vì mến đạo ưa tĩnh, từ quan chức xin về làng, ta hai ba lần cố giữ mà cuối cùng không cản được chí. Khi từ biệt ra về, ta đặc tứ 10 mẫu ruộng và 10 lính hầu, dùng để dưỡng lão. Sợ thế chưa phỉ lòng ta, nên tặng một bài thơ thất ngôn để trọn ý ta vậy”. Thơ rằng:
Phiên âm:
Trì thân chí thiện tính tinh thuần
Phụ tán ngô triều tứ thế nhân.
Chính nghiệp dĩ thành từ tử thụ,
Đạo tâm hằng hiện khước hồng trần.
Hy hy hạc phát đồng Thương hạo(2)
Nghiễm nghiễm tiên phong diệc Hán thần(3)
Thử khứ Quảng Bình hà sở sự
Thanh thiên lục thủy lạc thiên luân.
Dịch thơ:
Suốt đời giữ thiện tính tinh thuần
Giúp việc bốn triều bậc lão nhân,
Sự nghiệp đã thành từ mũ ấn
Đạo tâm thường hiện lánh hồng trần
Phơ phơ tóc bạc như Thương hạo
Phơi phới lòng tiên tựa Hán thần
Về ở Quảng Bình chi bận nhỉ?
Non xanh nước biếc thỏa tinh thần.(4)
Cảm động lẫn vinh dự trước ơn tình của quân vương đối với vị lão thần, con rể Trần Đình Ân là Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm viết lại bài tựa và thơ ngự chế khắc vào bia đá dựng trước cổng chùa Bình Trung vào ngày mồng 2 tháng 11 năm Quý Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 24 (năm 1703, tính đến nay đã 308 năm) để kỷ niệm. Trần Đình Ân ẩn cư tu hành tại đây đến năm Bính Tuất (1706) thì mệnh chung, hưởng thọ 81 tuổi. Được tin buồn, Minh Vương và triều thần vô cùng thương tiếc, truy tặng: Đôn Hậu Công Thần Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu, Đại Lý Tự Khanh; ban tên thụy: Thuần Thiện. Triều Minh Mạng năm thứ 5 (1824) truy phong ông làm thần Cảnh Lượng, cho dân xã Hà Trung phụng thờ.
Nhờ phước đức sâu dày mà dòng dõi của Trần Đình Ân trải qua nhiều đời hiển đạt như Đình Khánh, Đình Thuận, Đình Hỷ (dưới thời các chúa Nguyễn); Đình Trung, Đình Túc, Đình Phác (dưới các triều vua Nguyễn) danh thơm lưu truyền quốc sử.
Có dịp về quê ghé thăm di tích Bình Trung, tôi vô cùng cảm xúc khi tận mắt nhìn thấy tấm bia đá tồn tại hơn 300 năm giữa vùng đất luôn luôn bị thiên tai, chiến tranh ác liệt nhất. Không biết phép lạ nào đã gìn giữ cho tấm bia thoát khỏi cuộc nội chiến vào cuối thế kỷ XVIII, nhất là thời bom đạn tàn phá kinh hoàng từ năm 1945-1975. Phải chăng anh linh của các bậc tiền bối Phật tử, những vị đã đem hết thân tâm phụng sự cho lý tưởng dân tộc đạo pháp, bảo hộ cho tấm bia nguyên vẹn, để minh chứng rằng cái chân thiện cuối cùng sẽ chiến thắng cái tà ác?
_______________________________________
(1)Nguyễn Khoa Chiêm “Việt Nam khai quốc chí truyện”,Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga (Hà Nội: NXB Hội Nhà văn - 1994, tr. 506).
(2)Thương hạo: tức Thương sơn tứ hạo, chỉ 4 ông già ở ẩn trên Thương lĩnh, vua Hán cao tổ cho mời ra làm quan nhưng không thuận.
(3)Hán thần: câu này chỉ Trương Lương, khai quốc công thần triều Hán. Sau khi thành công, ông từ bỏ phú quý đi tu tiên.
(4)Xem Đại Nam liệt truyện tiền biên(NXB Thuận Hóa - Huế 1993), Đại Nam thực lục tiền biên (NXB Sử học Hà Nội - 1962), trang 160-161.
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ Số Vu Lan 185 / Tuyển Tập Vu Lan TVHS