KỶ NIỆM 700 NĂM NGÀY MẤT CỦA ĐỨC VUA TRẦN NHÂN TÔNG
NGƯỜI ĐỂ LẠI BAO LƯU LUYẾN CHO ĐỜI
Lâm Tuyền
Lịch sử dân tộc VN không có nhiều vị vua có được sự ghi chép đầy đủ về sự mến mộ của người dân sau khi đã mất như Vua Trần Nhân Tông. 50 năm cuộc đời, nhà vua để lại bao lưu luyến cho những người đương thời và hậu thế... - nhận định của GS-TS Lê Mạnh Thát - Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo VN tại TPHCM.
Từ 26-29.11, tại Thiền viện Trúc lâm Yên Tử, Giáo hội Phật giáo VN, Viện Khoa học xã hội VN, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức hội thảo khoa học "Vua - Phật Trần Nhân Tông và thời đại nhà Trần và đại lễ kỷ niệm 700 năm ngày mất của ngài". Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS Thát - thành viên BTC hội thảo.
Thưa, có thể gọi GS bằng danh xưng "Nhà Trần Nhân Tông học" được không?
- Chúng tôi không dám nhận. Thế kỷ 20, những học giả lớn của nước ta đều tham gia nghiên cứu ngài, cụ thể là Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn; ngoài ra, có những chuyên gia về thời Trần như Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Huệ Chi, một số nhà nghiên cứu khác với các bài viết... Trước đó, TK 19 có Thiền sư An Thiều.
Vì sao GS chú tâm nghiên cứu ngài?
- Thời trung học, đọc sách về lịch sử Phật giáo VN của thầy Mật Thể, chúng tôi bắt đầu quan tâm tới ngài. Trong thời gian du học nước ngoài, chúng tôi cũng lưu ý sưu tầm tài liệu về Trần Nhân Tông.
Có thể nói, chúng tôi đã góp phần vào quá trình nghiên cứu tác phẩm của ngài bằng việc tìm thấy, dịch 22 văn thư ngoại giao từ bản chép tay Tứ khố toàn thư thời Vua Càn Long. Những văn bản này có giá trị lớn, là những văn kiện mở đầu cho đường lối "Vừa đánh-vừa đàm" của dân tộc ta.
Thưa, làm thế nào để hiểu đúng tinh thần các văn bản, diễn giải chính xác để thế hệ sau có thể tham khảo, học hỏi, tự hào?
- Quá trình đi từng bước một. Trong nghiên cứu văn bản cổ, có những quy ước chung về học thuật, cụ thể như, từ đó, cấu trúc câu văn đó, trong ngữ cảnh như thế phải hiểu như thế, cùng nhau nghiên cứu như thế.
Trong bài "Lên núi Bảo Đài", vua có viết: "Vạn sự thuỷ lưu thuỷ/Bách niên tâm ngữ tâm". Ta có thể hiểu: Muôn việc như nước chảy xuôi/ Chuyện trăm năm chỉ mình hiểu lòng mình...
Theo chúng tôi, Trần Nhân Tông là một vị vua cảm thấy tính bức xúc của việc đề ra một giải pháp vừa có lợi cho nước cho dân, vừa có ích cho đạo.
Phật giáo VN đã hình thành truyền thống riêng: Tiếp thu lý tưởng, thông điệp của Phật giáo Ấn Độ, các vị tăng lữ ta áp dụng vào tình hình thực tế của đất nước, phù hợp với yêu cầu đời sống của con người của từng thời điểm lịch sử.
Vua Trần Nhân Tông đã làm được điều này. Do đó, có thể nói, Vua - Phật là một đặc trưng của Phật giáo VN. Chúng ta nên chú ý: Ngay hình ảnh của vua hiện được thờ phụng tại Yên Tử, chùa Bảo Lâm và hình ảnh trong bản in gỗ của Ngô Thì Nhiệm thì vẻ tiên phong đạo cốt cũng rất khác nhau. Theo chúng tôi, con người Trần Nhân Tông hoà nhuần nhuyễn ba hình ảnh này.
Thưa, quan điểm của GS về vua?
- Đúc kết thứ nhất: Coi tác phẩm "Cư trần lạc đạo" là một trong những văn bản xưa nhất của tiếng Việt hiện có. Bộ từ vựng của nó gồm cả thảy 1.688 hạng từ, đây có thể được coi như cuốn từ điển tiếng Việt nho nhỏ TK 13-14.
Nó thể hiện rõ nét tinh thần "Hoà quang đồng trần" ngài tiếp thu từ người thầy tinh thần của mình - người bác ruột Trần Quốc Tung - Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Đúc kết thứ hai: Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, thiên tài chính trị, thiên tài quân sự lỗi lạc.
Vua tiếp thu, vận dụng lời khuyên "Chớ bảo người không đáng" - có thể hiểu là nguyên tắc "Nói với ai cái gì, thế nào, lúc nào" của Tuệ Trung Thượng Sĩ để mở hai hội nghị quan trọng trước khi đánh trận: Hội nghị Diên Hồng với các bô lão: Nên hoà hay nên đánh và Hội nghị Bình Than với các tướng lĩnh: Đánh như thế nào.
Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi rực rỡ nhờ vào tài chỉ huy của ngài và sự lãnh đạo của nhiều tướng tài nước ta thời đó. Chúng ta có thể học được từ ngài bài học về lòng khoan dung đối với những kẻ chiến bại sau chiến tranh. Nghiên cứu sự nghiệp văn trị, võ công của ngài, có thể nói, thời đại ngài trị vì là thời đại hội nhập sâu, rộng của đất nước ta...
- Xin cảm ơn ông.
Lâm Tuyền
(Lao động)
11-30-2008 09:23:13