Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Asoka: cuộc đời và sự nghiệp

19/12/201022:24(Xem: 11028)
Asoka: cuộc đời và sự nghiệp

ASOKA: CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Tuyển tập các bài viết về vua A Dục


Mục lục
Phật Giáo và A-dục Vương. K. R. Norman (Nguyên Tâm dịch)
Hoàng đế Asoka, Con người của hòa bình và tình nhân bản. Minh Chi
Đại đế Asoka và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Thích Quảng Đại
Đại đế Asoka Maurya và những pháp dụ khắc trên đá Trần Trúc-Lâm
Hoàng đế Asoka giã từ chinh chiến với nỗi thống khổ của người thắng trận. Trần Hương Lan
Trường ca Kalinga. Trúc Thiên

Phật Giáo và A-dục Vương
K. R. Norman
Nguyên Tâm dịch

QUAN ĐIỂM CHUNG ĐƯƠNG THỜI VỀ A-DỤC VƯƠNG

Trước đây không lâu tôi có đọc một quyển sách của một học giả Phật giáo lỗi lạc và tôi chú ý đến nhận định sau đây:

"Khái niệm thành lập nên Sàsana hay Phật giáo ở một quốc gia riêng biệt hoặc ở một nơi nào đó, lần đầu tiên do chính A-Dục Vương thai nghén nên. Ông ta là vị vua đầu tiên chấp nhận Phật giáo như là một quốc giáo, và khởi đầu cho một cuộc chinh phục tâm linh vĩ đại gọi là Dhamma-vinaya… Như một nhà chinh phục và cai trị mà thường thiết lập chính quyền ở những quốc gia bị chinh phục do chính mình bằng chính trị, cũng vậy A-Dục Vương có lẽ đã nghĩ đến việc thành lập nên cái gọi là sàsana ở những quốc gia bị ông ta chinh phục".

Trong một vài tác phẩm khác tôi cũng bắt gặp cùng một lập luận như vậy: "A-Dục Vương là vị vua Phật giáo đầu tiên", "A-Dục Vương được gắn liền với Phật giáo đại chúng, và với việc tiến hành rất nhiệt tâm những hoạt động tôn giáo như hành hương và chiêm bái các Xá-lợi qua vấn đề ông ta quan tâm đến việc xây dựng ngôi bảo tháp và điện thờ", rồi thì "A-Dục Vương là nhân vật chính trị và tâm linh vĩ đại nhất của Ấn Độ cổ xưa".

Những lời bình luận như vậy là theo kiểu mà như A-Dục Vương đã được miêu tả trong các tác phẩm viết về Nguyên thủy Phật giáo. Tôi đã cũng bỏ ra một quãng thời gian rất dài của đời mình để nghiên cứu về các bia ký của A-Dục Vương, song từ các bia ký ấy không khi nào tôi có thể tìm thấy được chân dung một con người hoàn toàn trùng khớp với những gì mà chúng ta đã viết về ông ta cả. Chính vì lẽ đó, hôm nay tôi muốn khảo chứng lại vai trò mà A-Dục Vương đã đóng trong lịch sử Phật giáo, và tôi cũng xin chia xẻ những gì chúng tôi biết về ông ta qua các văn bản Phật giáo với nguồn thông tin mà chúng tôi có thể lấy được từ các bia ký của ông.

DỊCH PHẨM BIÊN NIÊN SỬ PÀLI

Chắc hẳn là mọi người ai ai cũng biết về A-Dục Vương thông qua nguồn thông tin về vị vua nầy trong Biên Niên Sử tiếng Pàli, là đặc biệt là trong bộ Mahàvamsa, mặc dầu rất nhiều cùng câu chuyện được kể với chi tiết rõ ràng hơn trong các nguồn tư liệu bằng tiếng Sanskrit và Trung Quốc.

Trong bộ Mahàvamsa có ghi rằng sau khi phụ thân ông, Bindusàra, băng hà thì A-Dục Vương đã giết 99 trong số 100 người anh em của mình, chỉ còn để sót lại một mình Tissa mà thôi và ông nghiễm nhiên trở thành người trị vì độc tôn cõi Diêm-phù-đề (Jambudvìpa). Thế rồi sau khi nghe vị Sa-di Ni-câu-thuật (Nigrodha) thuyết giảng, ông thắm nhuần Tam quy và Ngũ giới…và trở thành một vị Ưu-bà-tắc (Upàsaka). Chúng ta cũng được biết rằng A-Dục Vương là người hộ trì vững chắc cho Phật giáo, ngăn chặn không cho bất kỳ tôn giáo nào bành trướng cả. Ông đã ngưng không bố thí thức ăn hằng ngày cho 60.000 vị Bà-la-môn mà trước đây cha ông đã từng bố thí, và thay vào đó cúng dường thực phẩm cho 60.000 vị Tỳ-kheo. Ông còn ra lệnh cho xây dựng 84.000 ngôi tịnh xá (vihàra) ở 84.000 thị trấn, trong số đó ngôi tịnh xá nổi tiếng nhất là ngôi tịnh xá do chính bản thân ông lập nên ở Pàtaliputra – tịnh xá Asokàràma; và ông còn dựng các ngôi bảo tháp (stùpa) ở những nơi mà Đức Phật đã đến viếng thăm. Tư tưởng muốn trở thành người kế Pháp đã thuyết phục đư?c ông cho phép người con trai Mahinda và cô con gái Sanghamittà gia nhập tăng đoàn vào năm thứ 6 khi ông tại vị, và chính sau nầy Mahinda đã được phái sang Srilanka (Tích Lan) với tư cách là một nhà truyền giáo. Vào thời điểm phân chia bộ phái Phật giáo trong Tăng đoàn thì chính đích thân ông lắng nghe các vị Tỳ-kheo tỏ bày những quan điểm của họ và có thể quyết định ai là thuộc phái chính thống và ai là ngoại đạo. Sau khi cuộc phân phái đã được giải quyết ổn thỏa, cuộc kết tập (sangìti) lần thứ III được tổ chức dưới sự bảo trợ của ông.

Bộ Mahàvamsa cho hay rằng vì những việc làm ác của ông nên mới đầu người ta gọi ông là Candàsoka (A-Dục Vương hung bạo), nhưng sao nầy nhờ những việc làm lương thiện của ông mà ông được gọi là Dhammàsoka (A-Dục Vương mộ đạo). Dĩ nhiên, sự thay đổi tên gọi cũng muốn nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa một A-Dục Vương không biết gì về Phật giáo và A-Dục Vương với tư cách là một Phật tử vậy.

VỀ CHÍNH BẢN THÂN A-DỤC VƯƠNG

Chúng ta có thêm một số thông tin về A-Dục Vương khi đọc các trụ đá của ông ta.

Tỷ dụ như, câu chuyện ông quay về với Phật giáo được ghi lại trong Biên Niên Sử hình như có chút gì đó hơi khác với thông điệp ông ghi trên trụ đá. Lịch sử đầu tiên A-Dục Vương để tâm đến Phật giáo được kể lại trong bức Đạo dụ khắc trên đá (Minor Rock Edict) đầu tiên. Nhưng trái lại, tôi như vừa mới nhấn mạnh ở trên, theo nguồn tư liệu Pàli, thì A-Dục Vương đã hồi tâm về với Phật giáo, đã cho xây dựng 84.000 tịnh xá, rồi thì cho phép người con trai và người con gái mình gia nhập vào Tăng đoàn trong suốt 6 năm tại vị của ông; tuy nhiên, chúng ta có thể cân nhắc từ những lời lẽ của A-Dục Vương rằng ông hồi tâm về với Phật giáo chỉ sự thật xảy ra đúng ngay sau cuộc chiến tranh ở Kalinga. Hơn nữa trong bức Đạo dụ thứ 13, ông còn nhấn mạnh rằng việc ấy chỉ xảy ra khi ông được tôn phong 8 năm. Việc ông hồi tâm có thể cho là đúng vì ông hối hận, cũng không phải vì ông giết anh chị em mình; việc này hình như bị phản bác lời xác chứng mà ông đã viết cho anh chị em mình trong Đạo dụ thứ 5. Thật ra lý do ông hồi tâm là vì việc ông đã đưa đi đày ải 150.000 người, việc ông giết 100.000 người và cái chết của rất nhiều người ở thành Kalinga. Bộ Biên Niên Sử quả là không biết tí gì về vụ tàn sát đẫm máu này. Vào thời điểm mà ông ban hành Đạo dụ thì ông đã là một cư sĩ Phật tử trong hơn hai năm rưỡi rồi, bao gồm cả một năm khi ông chưa thực sự thuận thành cho lắm - Điều này có nghĩa rằng sau khi ông đã hồi tâm về với Phật giáo thì ông vẫn chưa phải là một Phật tử nhiệt tâm - và rồi hơn một năm sau khi ông đã thuận thành, hộ trì Tăng đoàn với nhữngh kết quả tốt đẹp. Ông nói rằng: "tôi đã có tiến bộ tốt". Khi ông ban hành Đạo dụ đầu tiên thì cũng đúng vào thời điểm ông tại vị năm thứ 11. Ông ban hành Đạo vị thứ 3 vào năm thứ 12, vậy thì Đạo dụ đầu tiên và thứ 2, mặc dù không ghi niên đại, ắt là được ban hành trong cùng một năm này hay là vào năm thứ 11 vậy.

Tuy nhiên, như câu chuyện có liên quan trong Đạo dụ đầu tiên thì chẳng có bằng chứng trực tiếp nào chứng tỏ đó là Giáo đoàn Phật giáo mà ông tham gia. Mặc dù trong một đoạn văn của Đạo dụ (Đạo dụ ở Maski) mà ông diễn tả như là một Budhasake. Hultzsch đã dịch từ này là "(Tôi là) Buddha-Sakya" (Phật Thích Ca). Dường như có lẽ sự ghép chữ Budh được thực hiện bởi một người viết ở địa phương để "chỉnh lại" từ upàsake (Ưu-bà-tắc) mà A-Dục Vương đã thảo ra. Điều đáng chú ý là từ Budhasake hay tiếng tương của nó không hề xuất hiện trong bất cứ đoạn văn khác của Đạo dụ đầu tiên. Tất cả của những đoạn văn khác đều có chữ upàsaka.

Chắc hẳn là người khắc Đạo dụ biết được rằng chẳng có một dấu hiệu nào nhắc đến bộ phái mà A-Dục Vương tham gia để trở thành một Ưu-bà-tắc, mà ông ta cũng muốn cho được sự tình rõ ràng đối với các đọc giả sau này, nên đã ghép chữ "Buddha" vào trước chữ upàsáka, rồi khắc lên trụ đá.

Tuy nhiên, sự xác chứng về A-Dục Vương trở thành một Phật tử được công nhận qua việc ông đến viếng thăm cây Bồ-đề, việc này được diễn tả trong Đạo dụ thứ 8 ban hành lúc ông được tôn phong 10 năm. Đây chắc hẳn là một trong những kết quả đầu tiên sau khi ông hồi tâm trở về với Phật giáo, và điều này có lẽ cũng trùng khớp với cuộc viếng thăm Tăng-già mà nhờ đó đã cải thiện đời sống tôn giáo của ông.

Thật vậy, chúng ta có thể đoan chắc rằng đối với A-Dục Vương, thì Tăng-già có nghĩa là Tăng-già Phật giáo, bởi vì ngay trong Đạo dụ thứ 11, khi ông tổng kết hết những thành tựu của mình, ông tuyên bố rằng ông đã thiết lập những vị "Đại quan" (Mahamatra) có đức độ để trông coi về vụ việc của Tăng chúng, của các vị Bà-là-môn, các vị Ajìvika (Tà mạng ngoại đạo), Kỳ-na giáo đồ và các giáo phái khác thì có ghi rõ tên, nhưng Tăng-giàđây phải là Tăng-già Phật giáo.

Thế thì chẳng còn nghi ngờ gì rằng A-Dục Vương là một cư sĩ Phật tử, nhưng cũng không có lý do gì mà tin rằng tâm trí ông lại gắn liền với tôn giáo khác, và chúng ta có thể thấy trong Đạo dụ thứ 6 là ông tôn kính tất cả các bộ phái bằng nhiều hình thức khác nhau; và theo ông thì hình thức hay nhất là đích thân đến viếng thăm họ. Như chúng ta thấy, pháp hành của ông là đạo đức trái với tâm linh, cho nên nếu nói cho công bằng thì ông ta cũng có thể là tín đồ Kỳ-na giáo vậy.

PHÁP HÀNH CỦA A-DỤC VƯƠNG

Các Đạo dụ cung cấp khá nhiều thông tin về cách mà A-Dục Vương truyền bá Pháp (dhamma) của mình. Đó là dhammathambhas "những cột trụ pháp", dhammalipi "văn thư pháp", dhammamgala "tế lễ pháp", dhammadàna "bố thí pháp", dhammanuggaha "nhiếp thọ pháp", dhammayàtras "những cuộc lữ hành pháp", dhammasavana "nghe pháp", dhammamahàmàtras "những vị đại thần pháp", dhammavijaya "chinh phục pháp".

Vấn đề là phải biết xem thử pháp của A-Dục Vương có giống với pháp của Đức Phật hay không. Ông ta thể hiện rõ sự khác nhau giữa sự thực hành và thành lập thông thường, và lối giải thích về pháp của chúng. Một cột trụ là một thamdha. Nó trở thành một cột trụ pháp nếu pháp của A-Dục Vương được khắc lên đó. Cũng đã có những vị đại quan trước thời A-Dục Vương, nhưng chính ông là người đầu tiên thành lập nên những vị đại quan pháp để truyền bá pháp của mình. Trước thời ông, các vị vua cũng đã từng thực hành những chuyến lữ hành. Riêng ông thì thành lập các cuộc lữ hành để ông có thể thực hành pháp của mình trong suốt những chuyến lữ hành ấy. Người ta đã từng tiến hành tất cả những loại tế lễ trong trường hợp bị đau ốm, tại những cuộc đám cưới, để cầu xin con, hay cầu xin an toàn trước khi lên đường v.v… Tuy nhiên, tế lễ pháp lại là phương thuốc trị bệnh thích hợp cho những người dân nô lệ và đầy tớ, kính trọng các bậc tôn sư, là sự tự chế ngự đối với các xin vật sống, sự rộng lượng đối với những vị Sa-môn và Bà-la-môn v.v…

Pháp của A-Dục Vương còn được giải thích rõ ràng trong nhiều bia ký, tỷ dụ như dưới một hình thức vắn tắt trong bản Đạo dụ thứ hai như sau: "Hãy vâng lời cha mẹ mình; vâng lời người lớn tuổi; có từ tâm với sinh vật sống; nói sự thật". Người ta bảo rằng tất cả những điều này phù hợp với sự tự nhiên của cổ nhân (porana pakati), một diễn dịch của thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên là "trở về với nguyên sơ". Ở một nơi khác, trong bản Đạo dụ thứ 3, có xuất hiện một lối giải thích hơi rộng về vấn đề trên như sau "Vâng lời cha mẹ là tốt; hào phóng với bạn bè, người thân quen và bà con họ hàng, với các vị Sa-môn và Bà-la-môn là tốt; có tiết độ trong tiêu dùng, trong tài sản là tốt".

Một loạt Đạo dụ trên các trụ đá mà chúng ta thường gọi là Đạo dụ Trụ đá (Pillar Edicts), nhằm giải thích về pháp A-Dục Vương, với một bản tường thuật chính bản thân ông đã tuân theo pháp ấy như thế nào; đó là bằng cách ông đã trồng nhiều cây để tạo bóng râm hai bên đường đi, rồi đào giếng và tạo những nơi cấp nước cho người và súc vật. Đạo dụ một nói về sự cai trị bằng pháp; Đạo dụ 2 nhấn mạnh rằng pháp gồm có ít tạo tội, làm nhiều điều thiện, thể hiện lòng từ bi, bố thí nói thật và trong sạch tâm linh. A-Dục Vương đã làm nhiều việc thiện bằng cách không sát sanh. Đạo dụ 3 nói về thiện và ác và minh chứng rằng ác là hung bạo, tàn nhẫn, phẫn no, kiêu căng và thèm khát. Đạo dụ 4 nhấn mạnh đến nhu cầu và bình đẳng công lý và việc cải tạo các tù nhân. Đạo dụ 5 thì ngăn cấm việc giết hại một số sinh vật mà có nêu rõ tên. Đạo dụ 6 nhấn mạnh rằng mục đích chính là đem lại hạnh phúc cho tất cả. Mọi giáo phái đều được tôn kính, đặc biệt là những giáo phái đích thân ông đến viếng thăm. Đạo dụ 7 như là một bản tổn kết những việc mà A-Dục Vương đã làm. Ông giải thích lý do vì sao các vị vua ngày xưa đã tìm cách tăng cường pháp. Riêng A-Dục Vương quyết định thực hiện pháp ấy bằng cách thuyết giảng và dạy dỗ, rồi ông thành lập nên các cột trụ pháp (dhammathambaha) và đại quan pháp (dhammamahàmàtras) để đưa quyết định của ông thành thực tiễn. Các vị đại quan pháp gắn liền với tất cả giáp phái. Pháp một lần nữa được định nghĩa như là: vâng lời cha mẹ, vâng lời sư trưởng, kính trọng người già, cư xử thích hợp với các vị Sa-môn và Bà-la-môn, với người nghèo, nô lệ và đầy tớ. Pháp ấy càng ngày càng gia tăng là nhờ vào hiến pháp của A-Dục Vương, tỷ dụ như nói về việc không giết hại thứ vật, đó cũng là vì thái độ tâm linh… vì lương tâm cá nhân (nijhati).

Ở một nơi khác như trong Đạo dụ khắc trên đá lớn cho ta biết rằng người ta phải vâng lời và tuân theo pháp ấy. Món quà mà pháp ấy đem lại được xem như là phương thuốc chữa bệnh thích hợp cho những người nô lệ, vâng lời cha mẹ, v.v…, rộng lượng với các vị Sa-môn và Bà-la-môn, bất sát sanh. Chính pháp ấy đem lại công đức vô lượng.

A-Dục Vương gọi các Đạo dụ của ông là những văn thư pháp (dhammalipi) và chúng ta có thể đọc rồi thấy rõ ràng trong mỗi văn thư ấy chứa đựng pháp gì. Pháp đó dành riêng cho vấn đề đạo đức, đó cũng là lý do vì sao chúng ta thường dịch từ dhammalipi là "huấn dụ về đạo đức". A-Dục Vương đã cho phổ biến pháp của mình thật rộng rãi, rồi thiết lập nên những vị đại quan pháp để giám thị pháp ấy, cho dựng những cột trụ pháp để khắc pháp ấy lên, và phái các vị sứ giả (duta) để đem pháp ấy đi tuyên truyền khắp Ấn Độ và thậm chí đến tận miền Tây Hy Lạp. Trong một chừng mực nào đó thì có thể nói rằng những tư tưởng đạo đức này hoàn toàn phù hợp với những lời dạy về đạo đức của Phật giáo, ngoài ra chẳng có cái gì thuần túy Phật giáo trong tư tưởng ấy cả. Đối với sự nhấn mạnh về bất sát sanh (ahimsà) thì tư tưởng ông giống hệt Kỳ-na giáo. Quả thật vậy, người ta đã lập nên một bản so sánh tương đương về danh sách tên các sinh vật không được giết hại ghi trên Đạo dụ thứ 5 và danh sách các sinh vật trong Thánh thư Kỳ-na giáo.

Chúng ta thấy rằng, trong Đạo dụ ở Bairàt, dưới tên riêng của mình là Priyadasi, A-Dục Vương chào mừng Tăng-già và cầu chúc Tăng-già hưng long. Ông ta nói rằng đức tin của ông vào Phật, Pháp và Tăng thật vĩ đại biết bao. Rõ ràng là trong bản văn này, từ Dhamma (Pháp) có nghĩa thường dùng như là một trong ba yếu tố của Tam Bảo (Triratna), nhưng thật ra pháp mà A-Dục Vương ám chỉ đến không giống pháp của Đức Phật. Vì lẽ đó, đoạn trích dẫn mà tôi có đưa ra ở phần đầu bài diễn thuyết này về việc thiết lập nên cái gọi là sànana ở những quốc gia mà ông ta đã chinh phục bằng tâm linh, hình như dựa trên sự hiểu lầm về bản chất pháp của A-Dục Vương.

SỰ CHINH PHỤC VÀ CÁC SỨ GIẢ CỦA A DỤC VƯƠNG

Cũng một đoạn trích dẫn ấy hình như là sai lầm khi đề cập đến các quốc gia đã bị A-Dục Vương chinh phục bằng tâm linh, nếu như pháp của ông ta là pháp chinh phục (dhammavijaya). Theo như tôi biết thì A-Dục Vương đã bành trướng đế quốc mình bằng sức mạnh, nhưng sau đó lại nghĩ ra được nguyên tắc chiến thắng bằng đạo đức, và rồi truyền thừa nguyên tắc ấy cho hậu duệ của ông ta.

Theo tôi thì nguyên tắc chủ đạo của A-Dục Vương là bất sát sanh (ahimsa), hay nói cho đúng ra thì đó là kết quả sự hối hận của ông sau cuộc tàn sát đẫm máu ở Kalinga. Đạo dụ đầu tiên của ông ban ra hầu hết toàn bộ liên quan đến việc nghiêm cấm sát sanh trong đời thường, gồm cả việc giết súc vật để tế lễ và ăn thịt.

Trong Đao dụ thứ 13 ông kể đến câu chuyện sau chiến thắng ở Kalinga thì chết chóc và khổ đau xảy ra như thế nào, chính điều đó đã cắn rứt lương tâm ông và ông thiết tha mong mỏi có đạo đức (dhamma-pháp). Song điều làm A-Dục Vương đau lòng là chính những người tuân thủ theo pháp của ông ta, trong đó bao gồm cả các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thì chính họ lại chịu khổ đau. Lúc bấy giờ, điều ông muốn là một cuộc chinh phục bằng pháp, bao gồm cả sự an ninh cho mọi loài, sự tự chế ngự, tính trầm tĩnh và hòa nhã. Các sứ giả được phái đi khắp nơi để thuyết giảng pháp này, gồm cả những vương quốc miền Tây Hy Lạp. Cuộc chinh phục bằng đạo đức (dhamma) của ông được công bố với hy vọng rằng hậu duệ của ông sẽ không nghĩ rằng đó là chiến thắng bằng quân sự, bằng vũ trang mà thường dẫn đến thảm sát giống như ở Kalinga. Chiến thắng như vậy sẽ mang tính nhẫn nại (khantil) và trừng phạt nhẹ (lahudandatà). A-Dục Vương cầu mong sao cho những người dân trụ ngụ trong rừng núi (giống như ông ta) có thể ăn năn (những việc làm sát sanh xưa kia?) và chấm dứt sát hại (trong tương lai).

Và theo tôi thì chắc chắn những vị sứ giả được phái đến các Vương quốc Hy Lạp kia không phải là được giao cho sứ mạng truyền bá Phật giáo. Dường như họ được phái đến để nhằm tận lực thuyết phục các nhà cai trị ở các nước lân bang rằng họ cũng nên từ bỏ đi tham vọng chinh phục bằng chiến tranh, mà nên thiết lập một vương quyền hòa bình và an định, trên cơ sở nguyên tắc pháp của A-Dục Vương. Theo tôi việc A-Dục Vương cho tăng cường các phái đoàn sứ giả đến Hy Lạp, quả là một sai lầm vậy. Cố nhiên chúng ta cũng chẳng có bằng chứng nào về phía Hy Lạp cho biết rằng có bao nhiêu phái đoàn sứ thần đã đến nước này vào khoảng năm 250 trước Công Nguyên.

PHẬT GIÁO CỦA A DỤC VƯƠNG

Thật quá rõ ràng từ những điều tôi vừa mới nói về pháp của A-Dục Vương mà những ai cho rằng ông ta đã làm cho Phật giáo trở thành quốc giáo, thì quả thật quá rộng về nhận định. Trong các Đạo dụ của mình, A-Dục Vương đề cập rất ít hay thậm chí là chẳng nói gì về Phật giáo cả. Ông chẳng hề đề cập đến giáo lý căn bản của Phật giáo như là Luân hồi (samsàra), giải thoát (mokkha), Niết-bàn (nibbàna), Vô ngã (anatta), Bát Chánh Đạo, hay Tứ Diệu Đế. Một trong những Đạo dụ riêng khác có nhấn mạnh rằng mục tiêu mà ông nhắm đến là vì hạnh phúc của tất cả; và nhiều bia ký khác cũng có ghi lời tuyên bố rằng mục đích chính của ông là muốn cho dân chúng ông được sống trong hạnh phúc trên cõi thế, trên trời và ở các thế giới khác nữa. Ông ta khoe khoang rằng ông đã hòa lẫn con người với chư thiên. Tôi đưa ra điều này là để muốn nói rằng ông đã thành công trong việc đưa con người lên Thiên giới, mà nơi đó dĩ nhiên rồi một lúc nào đó họ cũng được tái sanh làm chư thiên. Theo tôi thì điều này lại hoàn toàn khác với giáo lý tái sanh luân hồi vô tận của Phật giáo.

Sự thất bại chung của ông là lý giải Phật giáo khác đi rất nhiều. Chắc có lẽ vì vô minh hay chăng, mặc dù ông đã nghiễm nhiên là một vị cư sĩ Phật giáo, song ông chẳng có một chút hiểu biết gì về giáo lý Phật giáo cả. Có lẽ ông cũng hiểu biết về Phật giáo, nhưng ông lại nghĩ rằng Phật giáo thường biệt đãi một giáo phái nào đó quá mức, và như thế nó sẽ phá hủy tính không thiên vị mà ông nhắm đến để bày tỏ một nơi nào đó. Cũng có thể là ông cho rằng Phật giáo không thích hợp cho việc ông ban hành Đạo dụ, hay nói trắng ra, là không phù hợp cho việc ông muốn lưu bố cái gọi là pháp hành cá nhân của ông, mà pháp này mục đích đem lại hòa bình cho đế quốc ông và có thể làm cho thần dân ông được sống trong tinh thần hài hòa bình đẳng với nhau.

Một trong những giải thích hơi kỳ lạ mà tôi đã có đề cập qua là quan điểm cho rằng những gì A-Dục Vương truyền đạt trong các Đạo dụ của mình chính là giai đoạn mà trong đó Phật giáo chính là thời kỳ của ông ta. Hultzsch cho rằng: "Pháp của A-Dục Vương được đồng ý khắp nơi dưới hình thức đạo đức Phật giáo mà đạo đức ấy là bảo tồn trong… Kinh Pháp Cú. Ở đây, chúng ta thấy rằng Phật giáo đang còn tuổi ấu thơ vậy…". Ông ta còn nói thêm rằng: "Trong một quan điểm trọng chính mà các bia ký của A-Dục Vương khác với Kinh Pháp Cú là không phản ánh giai đoạn khởi nguyên hình thành nên thần học và siêu hình học Phật giáo như đã diễn đạt trong kinh này. Ông chẳng biết tý gì về giáo lý Niết-bàn, thế mà giả định trước đức tin Ấn Độ giáo cho rằng phần thưởng của việc tu tập theo pháp của ông là sẽ được hạnh phúc trong đời này và phước báo cho đời sau ". Ông Hultzsch đã nêu lên một vấn đề rất lý thú về bản chất của siêu hình học Phật giáo. Có thể rằng giáo lý Niết-bàn là thuộc vào giai đoạn phát triển sau này của Phật giáo chăng? Tôi chẳng tin vấn đề lại như vậy, và vì lẽ đó tôi nghĩ rằng lý do mà ông Hultzsch đưa ra sự thất bại của A-Dục Vương khi đề cập đến Niết-bàn là không đúng.

Ở một khía cạnh khác, vấn đề có vẻ giống hệt với những gì đã được tìm thấy ở Srilanka và được Richard Gombrich miêu tả nên. Richard tường thuật rằng: "Nhưng hầu hết người dân Tích Lan không muốn Niết-bàn… họ chỉ bảo rằng họ chỉ muốn sanh lên Thiên giới mà thôi". Vâng ít nhất là mấy người này cũng hiểu rõ về Niết-bành. Còn A-Dục Vương thì chưa từng bao giờ nghe đến điều ấy cả. Mặc dù lời tuyên bố của những người dân làng kia nghe có vẻ lạ thật, nhưng thật ra nó lại hoàn toàn trùng khớp với lời tuyên bố mà chúng ta có thể tìm thấy ở cuối Kinh Xà Dụ (Alagaddùpamasutta) của Kinh Trung Bộ (Majjhima-nikàya), ở đó đức Phậ tuyên bố rằng những vị Tỳ-kheo nào tu tập đúng pháp với pháp có tín tâm, thì sẽ được chánh giác (sambdhi); còn những ai chỉ có tín tâm vào Phật và kính quý Ngài thì người ấy sẽ được sanh lên Thiên giới. Như vậy những người dân làng này biết rất rõ về Niết-bàn, nhưng họ thích sanh lên Thiên giới hơn vì họ kính quýĐức Thế Tôn. Còn A-Dục Vương thì chẳng thể hiện sự kính quý nào đối với Đức Thế Tôn cả. Đối với ông ta, sanh lên Thiên giới làn nhờ làm những điều như đã quy định trong pháp của ông. Như ông đã từng đặt câu hỏi trong Đạo dụ thứ 9 rằng: "Còn có điều gì hơn là được sanh lên Thiên giới chăng?"

VỀ ĐẠO DỤ Ở BAIRÀT

Sự thể hiện mạnh nhất về mối liên hệ của ông với Phật giáo là ở trong Đạo dụ ở Bairàt mà tôi đã đưa ra trước đây, và chúng ta cũng nên lưu ý rằng điểm duy nhất mà ông có đề cập đến giáo lý Phật giáo là ở trong Đạo dụ viết cho Tăng-già này. Trong Đạo dụ này ông nói rằng tất cả những gì do Đức Phật thuyết giảng đều là đúng, và ông có giới thiệu 6 tên bản kinh cho Tăng-già. Ông cho giáo lý của Đức Phật là diệu pháp (saddhamma), mà có lẽ đó cũng là một việc làm cố ý muốn phân biệt pháp của Đức Phật với pháp của ông. Chúng ta cũng hy vọng rằng A-Dục Vương có thuyết giáo cho những người hồi tâm cải giáo. Có một vấn đề mà chúng ta vẫn chưa thể biết chắc chắn về tính đồng nhất của một số văn bản, song vì đôi khi chúng ta cũng thấy được rằng các luận sớ, tỷ dụ như về bộ Kinh Tập (Sutta-nipàta), thì có nhiều văn bản dưới nhiều tên khác nhau. Nên có lẽ chúng ta cũng không lấy làm ngạc nhiên gì khi chúng ta không tài nào nhận biết được tất cả những bản mà A-Dục Vương đã chọn. Câu hỏi đặt ra là liệu A-Dục Vương có khả năng kể rõ đích danh những bản ấy hay không? Câu hỏi này ám chỉ muốn nói rằng có một số Thánh điển đã thật sự hiện hữu trong thời ông ta, song Thánh điển ấy thật quá phức tạp đến nỗi ngày nay chúng ta chẳng tài nào giải quyết nổi.


Hoàng Đế Asoka, Con Người của Hòa Bình
và Tình Nhân Bản

Minh Chi


Bất cứ sử gia nào, dù là người phương Đông hay người phương Tây, dù có thiện cảm hay không đối với đạo Phật, đều phải thừa nhận đạo Phật đã tạo ra trong con người Asoka một biến đổi thần kỳ: Asoka, con người tàn ác (candasoka), sau khi theo đạo Phật đã trở thành Asoka, con người thiện lành (dharmasoka), hay con người thân thiết với thần linh (devanampiya), con người ai thấy đều vui mừng (pyadasi)...

Hoàng đế Asoka (Hán dịch âm A-dục) trị vì trên một nước Ấn Độ rộng lớn hơn bây giờ (trừ phần cực Nam của bán đảo), vào khoảng những năm 274-237 trước Tây lịch (TL). Asoka là cháu nội của Chandragupta, người sáng lập ra triều đại Maurya (Hán dịch là Khổng Tước). Cha của Asoka là Bindusara, có 16 người vợ và 101 con. Asoka chỉ có một người em trai cùng mẹ là Tissa, về sau cũng xuất gia và chứng quả A la hán.

Người ta kể lại, được tin vua cha lâm bệnh nặng tại thủ đô Pataliputra, Asoka lúc bấy giờ đang làm phó vương tại vùng Tây Bắc Ấn, vội vã kéo quân về, giết sạch tất cả anh em, trừ người em đồng mẹ là Tissa, và lên ngôi vua, vào năm 329 trước TL. Nhưng lễ đăng quang chỉ được tổ chức 4 năm sau, vào năm 325 trước TL. Sự chậm trễ này nói lên bầu không khí bẩt bình trong triều cũng như ở ngoài dân chúng, trước hành động tàn bạo, làm mất nhân tâm của Asoka lúc bấy giờ.

Vào những năm đầu của triều đại mình, để củng cố thêm vương quốc, Asoka đã mở chiến dịch đánh chiếm xứ Kalinga (nay là Orissa). Trong cuộc chiến, 10 vạn người bị giết, 15 vạn bị bắt. Cảnh tang tóc của chiến tranh đã làm cho Asoka vô cùng hối hận, và từ đó về sau trở thành rnột Phật tử thuần thành, một vị hoàng đế của hòa bình, của một tình cảm nhân bản, sâu sắc bao gồm cả người và loài vật.

Sự nghiệp vĩ đại của Asoka được ghi lại bằng chính các cáo văn của ông, khắc trên các bia đá là trụ đá, do chính ông dựng lên rải rác tại khắp nhiều nơi trên vương quốc rộng lớn của ông, mà các nhà khảo cổ phương Tây và Ấn Độ đã dần dần phát hiện được từ nửa cuối thể kỷ XIX trở lại đây.

Lịch sử cho biết Asoka đã bãi bỏ tội tử hình trong vương quốc mình. Trong Dụ đá Kalinga, Asoka nói :

"Cũng như tôi mong cho con cái tôi được hưởng mọi hạnh phúc và an lạc ở đời này và đời sau, tôi cũng cầu mong cho tất cả mọi người đều cũng được hưởng hạnh phúc và an lạc như vậy.

Có tình hình xảy ra là có một số ngườí bị bắt giam mà không có lý do xác đáng gì, và rất nhiều người khác bị đau khổ vô cùng.

Vì vậy mà các người phải theo con đường trung đạo, có mực thước. Nhưng sẽ không thể nào noi theo được con đường trung đạo ấy, nếu các người còn làm nô lệ cho những tật xấu như đố kỵ, không kiên nhẫn, tàn ác, nóng vội, thiếu chuyên sâu, lười biếng và thụ động.

Các người phải mong sao cho đừng phạm vào những tật xấu nói trên.

Dụ này được khắc ra ở đây, để cho các pháp quan trong thành phố tránh không bắt giam dân chúng mà không có lý do xác đáng.

Và cũng vì mục đích ấy mà cứ năm năm một lần, ta gửi các phái viên đi công cán, những phái viên của ta phải có thái độ từ ái, dễ thương, quan tâm đến sự sống thiêng liêng của mọi loài."

Dụ trên đây cho chúng ta biết đường lối trị dân của Asoka: Các pháp quan phải công minh, không được bắt giam người mà không có lý do xác đáng. Vua quan tâm tới hạnh phúc của toàn dân, như là quan tâm tới hạnh phúc của con cái mình vậy. Asoka lên án mọi biểu hiện của đố kỵ, đàn áp, lười biếng, thụ động, thiếu chuyên cần v.v...

Trong Dụ thứ hai của 14 Dụ trên đá, Asoka viết:

"Trong tầt cả mọi nơi của vương quốc ta và cũng vậy trong các nước láng giềng, như các nước Cholas, Pandyas, Satyaputra, Keralaputra.

Trên đảo Tambapanni (Lanka), trong vương quốc của vua Hy Lạp Antiochus, và cả trong vương quốc láng giềng của vưong quốc của Antiochus.

Tại khắp mọi nơi, ta đã cho dựng lên hai loại nhà thương, nhà thương cho người và nhà thương cho súc vật."

Copleston, trong cuốn "Đạo Phật nguyên thủy và hiện đại" (Buddhism Primitive and Present) thừa nhận rằng "Công lao xây dựng những nhà thương đầu tiên chắc chắn là thuộc về đạo Phật" . Nhưng cần nói thêm là ngoài những nhà thương đầu tiên cho người, Asoka còn cho xây dựng những nhà thương cho súc vật nữa! Chúng ta biết nhà thương sớm nhất do người Tây phương xây dựng là nhà thương Diu ở Paris (Pháp) vào thế kỷ thứ VII TL, nghĩa là khoảng 1.000 năm sau các nhà thương của Asoka.

Lòng thương yêu của Asoka đối với loài vật thật là có một không hai. Dụ đầu tiên trong số 14 Dụ trên đá viết: "Ở đây không một súc vật nào được giết và hiến tế."

Trước đây, trong bếp nhà vua, mỗi ngày, hàng trăm súc vật bị giết thịt để làm món càri. Nhưng từ nay, sau khi đạo dụ thành tín này được khắc trên đá, thì chỉ còn đưọc giết thịt hai con công và một con nai mỗi ngày, nhưng đối với con nai thì không thường xuyên. Nhưng từ nay trở đi thì cả ba súcvật đó cũng sẽ không bị giết thịt.

Trong Dụ thứ 5 trên trụ đá, Asoka viết:

"Ngay cả rơm rạ, nếu có sinh vật ở trong đó, cũng không bị đốt.

Rừng cũng không được đốt, hoặc vì sai lầm, hoặc là vì hung bạo và tàn ác đối với sinh vật.

Không được nuôi sinh vật bằng sinh vật."

Dụ thứ hai trên đá cho biết, chính những Phật tử đã xây đựng những nhà thương đầu tiên ở Châu Phi và Châu âu.

Nhà thương cho các súc vật là sáng tạo riêng có của đạo Phật. Các nhà thương súc vật hiện còn ở Ahmedabad, Surat và trong nhiều thành phố khác ở Ấn Độ là những tổ chức còn lại, hay là được xây theo mô hình của những nhà thương súc vật dưới triều đại Asoka. Theo bác sĩ Cumsron, tác giả cuốn Lịch sử y học, thì nhà thương súc vật hiện còn ở Surat chính do Asoka đầu tiên xây dựng nên. Về nhà thương đó, trong cuốn Quan cảnh xứ Ấn Độ, Hamilton viết như sau:

"Tổ chức đáng được chú ý nhất ở Surat là nhà thương Cây Đa (Banyan Hospital). Đó là một cái sân rộng , xung quanh có tường cao bao bọc, và được chia thành những sân nhỏ tiện nghi đối với súc vật. Súc vật ốm được chăm sóc rất chu đáo ở đây, và nếu già yếu tàn tật, thì đây cũng là nơi an dưỡng thật tốt cho chúng. Nếu một con vật bị què chân, hay là bị thương tật, thì chủ nó đem nó đến nhà thương và nó sẽ được chăm sóc rất chu đáo, không phân biệt chủ nó thuộc quốc tịch hay đẳng cấp nào. Năm 1772, nhà thương đó chữa bệnh cho ngựa, lừa, bò cái, cừu, dê, khỉ, gà, vịt, bồ câu và rất nhiều loại chim. Kể cả một con rùa già, nghe nói đã an dưỡng ở đây từ 75 năm nay."

Cựu Thủ tướng Ấn Độ Nerhu nói rằng: "Chính gương sáng của Asoka và sự truyền bá của đạo phật đã khiến cho tập quán ăn chay trở thành phổ biến trong dân chúng Ấn Độ."

Yêu quý con người, cỏ cây và loài vật tức là thương yêu và trân trọng sự sống, bất cứ sự sống đó biểu hiện dưới dạng gì, đó là đặc điểm riêng có của đạo Phật mà vua Asoka đã thể hiện một cách sinh động và có hiệu quả không những trong vương quốc của vua, mà còn trong các vương quốc khác nữa, gần và xa, cả ở Châu Âu và Châu Phi. Điều này nói lên uy tín lớn lao của vua Asoka, sức thuyết phục của chính sách hòa bình và thành tín của vua đối với các vương quốc khác, các vị vua khác.

Thi hành một chính sách như vậy, Asoka đã thực hiện đúng theo những lời khuyên của chính Đức Phật, khi Ngài tại thế, trong kinh Cakkavatti Sihananda Suttta (Kinh Chuyển Luân Vương).

Đúng như vậy, lý tưởng mà Asoka theo đuổi suốt đời mình là "Đảm bảo hạnh phúc vật chất và tâm linh cho toàn thế giới , bao gồm cả người và sức vật và các sinh vật khác, không những trong vương quốc của nhà vua, mà trong cả thế giới mà vua được biết hay là có quan hệ." (Giáo sư Bhanhrkar). Tiến sĩ Bhanhrakar cho biết rằng "Asoka đã sử dụng sứ quán của nước mình tại triều đình các vua Hy Lạp đương thời để phổ biến chánh pháp của Phật, phổ biến chính sách cai trị nhân đạo của mình, cũng giống như vua sử dụng các quan chức của mình để làm công việc đó ở trong nước...". Vì vậy , chúng ta không ngạc nhiên rằng đạo Phật đã ảnh hưởng tới đạo Gia Tô không những trên bình diện lễ nghi bên ngoài, mà cả trên bình diện lý thuyết và đạo đức nữa.

Dụ thứ 13 trên đá cho biết Asoka đã từ bỏ chiến tranh theo chính sách hòa bình trong thời điểm và hoàn cảnh như thế nào.

"Khi vua Piyadasi, được các thần linh yêu mến, lên ngôi cách đây 6 năm, vua đã chinh phục vương quốc Kalinga, có đến 150 ngàn người bị tù đày, 100 ngàn người bị giết, và một số lớn hơn nữa bị chết sau đó. Nay vương quốc Kalinga đã bị chinh phục rồi, trong lòng vua sinh ra mối quan tâm đối với tôn giáo, lòng quí mến tôn giáo, muốn giải quyết vấn đề tôn giáo. Và vua hối hận về cuộc chinh phục vương quốc Kalinga. Trái lại, cuộc chinh phục bằng tôn giáo mà hiện nay vua đang tiến hành, đem lại cho vua một sự thỏa mãn rất lón. Nhưng sự thỏa mãn đó vẫn không đáng kể. Vì vua cho rằng, chỉ sự thưởng phạt ở kiếp sống sau mới quan trọng hơn."

"Đạo dụ về tôn giáo này được ghi lại bằng chữ viết, nhằm mục đích sau này để cho cháu chắt ta sẽ không bao giờ tiến hành một cuộc chinh phục quân sự nào nữa . Và nếu một cuộc chinh phục quân sự là cần thiết, thì cháu chắt ta phải tỏ ra có lòng từ ái, rộng lượng, chỉ trừng phạt nhẹ, và phải thấy cuộc chinh phục tôn giáo là cuộc chinh phục chân chính. Cuộc chinh phục tôn giáo đem lại kết quả tốt trong kiếp sống này và trong các kiếp sống sau. Chúng ta phải có niềm vui hỗ trợ cho tôn giáo. Bởi vì tôn giáo đem lại kết quả tốt trong kiếp sống hiện nay và trong kiếp sống sau này"...

Dụ này còn cho biết Asoka tin ở thuyết tái sinh, là một trong những chủ thuyết của triết lý đạo Phật. Từ nay, Asoka trở thành một Phật tử thuần thành. Trong Dụ đá Virata nổi tiếng (hiện nay được giữ lại trong Viện Bảo tàng Calcutta), Asoka viết:

"Hỡi các vị Thượng thủ tôn quý, các vị đã biết lòng quý trọng, lòng tin tưởng của tôi đối với Phật, Pháp, Tăng lớn lao đến dường nào!

Thưa các vị Thượng thủ quý mến, mọi điều do Phật, đấng chí tôn nói đều hay đẹp cả..."

Vua muốn đích thân nêu gương sáng cuộc sống đạo hạnh của vua cho mọi người noi theo. Trong Dụ trên trụ đá thứ VII, Asoka viết:

"Tôi có làm bất cứ một công việc thiện lành nào, thì dân chúng noi theo gương tôi cũng làm và sẽ làm mọi công việc thiện lành như vậy.

Và dân chúng sẽ lớn lên với những đức tính vâng lời cha mẹ, vâng lời thầy giáo, tôn trọng bậc lớn tuổi, tôn trọng và có thái độ đúng đắn đối với các bậc Thánh, đối đãi thân ái với những người nghèo và bệnh tật".

Các Dụ đá của Asoka nói chung, không chứa đựng những giáo nghĩa cao siêu gì, mà chủ yếu là những lời khuyến cáo có tính chất đạo đức: Tình thương người và súc vật, lòng bao dung đối với mọi tín ngưỡng, không phải chỉ tín ngưỡng Phật giáo... Tuy nhiên, trong Dụ Bhabra, có thể được công bố vào năm thứ 13 của triều đại Asoka, vua có khuyến cáo Tăng chúng nên nghiên cứu một số đoạn kinh Phật, mà chúng ta có thể nhận biết như là một phần của Kinh tạng Pàli:

"Vua Magadha gởi lời chào Tăng chúng, chúc Tăng chúng đưọc an lạc và sức khỏe.

Các Đại Đức kính mến, các Đại đức đã biết rõ lòng kính trọng và lòng tin của tôi đối với Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng là sâu rộng đến dường nào.

Thưa các Đại Đức, Thế Tôn nói mọi lời đều hay.

Thế nhưng, thưa các Đại Đức, theo quan niệm của riêng tôi, thì có thể chỉ ra một số văn kiện đặc biệt:

1. Đề cao giới luật.
2. Hành trạng của các bậc Thánh vĩ đại.
3. Nỗi lo sợ điều có thể xảy ra.
4. Bài ca của người ẩn sĩ.
5. Đàm thoại về cuộc sống của người ẩn sĩ .
6. Câu hỏi của Upatishya.
7. Thuyết pháp cho Rahula đề tài tà kiến.

Tôi mong rằng đông đảo Tăng Ni sẽ thường được nghe và suy tư trên những bài kinh đó. Cả những cư sĩ cũng như vậy, nam cũng như nữ.

Vì lẽ đó, tôi cho ghi lại lời nói của tôi, để dân chúng biết rõ tôi có ý định như thế nào."

Dụ trên được ghi bằng tiếng Magadhi. Văn kiện 1 "Đề cao giới luật" chính là giới bổn Patimokka, văn kiện 3 "Mối lo sợ điều có thể xảy ra" rút trong kinh Pancaka Nipata thuộc Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ kinh, cuốn III). Văn kiện "Đàm thoại về cuộc sống của người ẩn sĩ", nói tới cuộc sống không còn dục vọng, cuộc sống trong đó cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều được bình lặng. Upatisya hay Upatissa là Xá Lợi Phất hay Sariputta, một trong những đệ tử lớn nổi danh của Phật. Đức Phật trả lời Tôn giả Xá Lợi Phất về những nguy cơ đe dọa người tu hành.

Bài thuyết pháp cho Rahula (La Hầu La) có trong Trung Bộ kinh I, tr.414-420, bản Anh ngữ.

Trong một Dụ khác, Dụ Sarnath, ông có giọng nói không phải của một Phật tử bình thường, mà là của một vị lãnh đạo giáo hội. Trong Dụ, ông viết:

"Vâng, đúng như vậy, ngay cả đối với tôi tớ và nông dân, cũng phải cư xử như vậy.

Sự tiến bộ của dân chúng trong chánh pháp được thực hiện bằng hai con đường, bằng nghe thuyết giảng chánh pháp, và bằng suy tư nội tâm.

Trong hai biện pháp đó, thì biện pháp suy tư nội tâm cao cấp hơn nhiều. Hiệu quả siêu việt của biện pháp suy tư nội tâm được thể hiện trong sự tăng trưởng lòng tin đạo của dân chúng, và trong việc hoàn toàn chấm dứt tệ giết hại sinh vật.

Tôi sẽ sử dụng các vị Tăng quan (Dharmamahamatras) để bày tỏ mối quan tâm của nhà vua đối với các vị tu khổ hạnh cũng như các vị tu tại gia, đối với tất cả mọi tín đồ các tôn giáo. Tôi cũng dùng họ để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc an lạc của Tăng già. Tôi cũng dùng họ với mục đích như vậy đối với Bà la môn, các vị tu khổ hạnh phái Ajivikas, phái Nighantas, trên thực tế tức là đối với tất cả mọi tu phái.

Họ và các quan chức chủ yếu khác được giao nhiệm vụ phân phối vật phẩm cúng dường của vua và các hoàng hậu, và ngay tại triều, ở đây, tại kinh đô cũng như tại các tỉnh, các quan chức nói trên sẽ thực hành các biện pháp khác nhau, những biện pháp sùng tín đạo giáo và bố thí đem lại niềm an lạc.

Tôi cũng thu xếp để cho các quan chức đó giúp việc phân phối vật phẩm cúng dường của con cái tôi, của các hoàng tử và công chúa khác. Vâng, họ sẽ được dùng để thúc đẩy mọi công việc thiện lành theo chánh pháp, để thúc đẩy việc thực hành chánh pháp.

Họ có chức trách thiêng liêng lo lắng để cho trong dân chúng có được sự tăng trưỏng lòng nhân từ, tính trung thực, lòng rộng lượng, trong sạch, từ hòa, thánh hạnh...

Chính nhằm mục đích ấy mà đạo Dụ này được khắc lên đá, bền lâu như mặt trời và mặt trăng để cho con cái, cháu chắt tôi, mọi ngưòi nối dõi tôi sẽ theo đúng chánh pháp.

Bởi vì những người theo đúng chánh pháp sẽ được hưởng hạnh phúc trong đời này và cả trong những đời sau".

Dụ thứ 4 viết:

"Nay do tôi thực hành chánh pháp, tiếng trống trận của chiến tranh không còn vang lên nữa, mà thay vào là tiếng trống của chánh pháp."

Sau trận chiến thắng Kalinga, Asoka đã vô cùng hối hận và long trọng tuyên bố từ nay sẽ loại bỏ chiến tranh trong chính sách của vương quốc mình, và thay vào đó, dùng chánh pháp, dùng Phật pháp để chinh phục lòng người. Mà chánh pháp, đúng như Asoka hiểu, tức là sự quan tâm đến đời sống vật chất và tâm linh của tất cả mọi dân chúng, sự quan tâm đến đời sống của mọi loài.

"Trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, tôi đều quan tâm đến tình hình và công việc của toàn dân.

Dù đang khi ăn, dù là ở trong phòng của hoàng hậu, trong phòng ngủ của tôi, nơi đồng ruộng, trong xe hay trong viên, khắp mọi nơi, các quan chức phải báo cáo cho tôi biết mọi công việc của dân chúng, và tôi lúc nào cũng sẵn sàng giải quyết công việc của dân chúng ở khắp mọi nơi.

Tôi đã ra lệnh mọi công việc của dân chúng phải được báo cáo cho tôi biết, ở khắp mọi nơi, bất cứ vào giờ nào.

Vì rằng tôi không bao giờ thỏa mãn về sự cố gắng của bản thân tôi. Đúng như vậy, bổn phận cao nhất của tôi là đảm bảo cho toàn đất nước được hạnh phúc và an lạc. Không còn chức trách nào cao quí hơn là đảm bảo hạnh phúc cho toàn dân.

Và nếu tôi có cố gắng hết sức mình: thì cũng là nhằm mục đích trả món nợ của tôi đối với tất cả moi chúng sinh, đảm bảo cho mọi loài được hưởng hạnh phúc trong đời sống này và hạnh phúc của cõi trời trong kiếp sống tương lai.

Chính nhằm mục đích ấy mà tôi cho khắc lời Dụ này trên đá, để cho chánh pháp mãi mãi lưu tồn, để cho con cái và cháu chắt tôi có thể thực hành theo chánh pháp, vì hạnh phúc và an lạc cho toàn đất nước.

Nhưng đó là một mục đích khó thành tựu được, trừ phi là có cố gắng hết sức, hết lòng mình".

Dụ trên cho thấy Asoka quan niệm chức trách, bổn phận của một ông vua Phật tử phải như thế nào, cho thấy một vị vua Phật tử, trước hết, phải toàn tâm toàn ý phục vụ cho hạnh phúc và an lạc của toàn dân như thế nào.

Dụ Maski (địa danh nơi tìm ra Dụ đá) viết:

"Thật sự như vậy, từ nay trở đi, tôi phải lo lắng, đảm bảo cho hạnh phúc vật chất và tâm linh cho toàn đất nước. Noi theo con đường hòa bình, tôi sẽ dắt dẫn toàn thế giới từ bỏ dục vọng đến với hòa bình.

Từ ngày tôi gặp được Tăng chúng, tự tôi, tôi đã gắng sức rất nhiều.

Hậu quả tốt của sự cố gắng không phải chỉ dành riêng cho các vĩ nhân. Nếu anh ta muốn, thì người bình thường cũng có thể gắng sức mà vươn tới được cõi trời hạnh phúc và an lạc.

Chính vì mục đích ấy mà những lời này được công bố. Tất cả mọi người, lớn cũng như bé, hãy cố gắng hết sức mình."

Dụ Maski trên đây cho thấy Asoka coi trọng và thực hành đức hạnh tinh tấn, siêng năng như thế nào. Một ông vua Phật tử phải là một ông vua hết sức tích cực và chủ động giải quyết mọi việc có ích lợi cho dân chúng trên cả hai mặt vật chất và tâm linh, tinh thần. Asoka quan niệm như thế nào là con đường hạnh phúc và an lạc. Dụ trên viết tiếp:

"Phải biết vâng lời cha mẹ. Cũng như vậy, các thầy giáo và mọi người xứng đáng phải được tôn kính. Phải thương yêu mọi loài vật. Phải nói sự thật.

Đó là những đức tính cao cả cần được thực hành và đề cao.

Cũng như vậy, học trò phải phục vụ thầy dạy, mọi người quan hệ với nhau phải nhã nhặn và lịch sự.

Đó là tín điều chân chính và cổ xưa, tín điều ấy sẽ giúp sống thọ.

Vì vậy dân chúng hãy hành động theo đúng tín điều này".

Các học giả phương Tây đánh giá cao các Dụ đá của Asoka

Các Dụ đá của Asoka được tất cả mọi học giả phương Tây đánh giá cao. Robert Blatchford trong cuốn "Thượng đế và người láng giềng của tôi" (God and My Neighbor) đã viết rằng:

"... Jesus và các Cha của nhà thờ chưa từng bao giờ cấm chế độ nô lệ, chưa từng bao giờ cấm tệ kỳ thị tôn giáo, cấm thái độ tàn ác đối với loài vật.

Còn đạo Phật trên thực tiễn đã xóa bỏ nô lệ chế và tệ khủng bố tôn giáo, dạy đức hạnh tiết độ, cuộc sống trong sạch và lòng nhân hậu, và xây dựng được nền đạo đức cao cấp hơn, đề cao tư tưởng toàn nhân loại đều là anh em.

Các Phật tử đã thực hành và truyền bá một tôn giáo nhân bản, một tình huynh đệ bao quát toàn loài người trước kỷ nguyên của Jesus. Mà không phải chỉ giảng thuyết mà còn thực hành, đó là điều mà những người đạo Gia Tô không bao giờ thành tựu được, trước kia cũng như hiện nay.

Và hơn nữa, các Phật tử không truyền bá nhân hậu và huynh đệ của họ bằng gươm giáo, cùm tra tấn, đinh đóng tay, củi thiêu người. Các Phật tử đã giải phóng người nô lệ và mở rộng lòng thương của họ, bao trùm cả loài vật.

Đạo đức của người Phật tử không ghi lại trong sách. Nó được ghi trên đá. Không có một lý lẽ nào có thể xóa bỏ các Dụ đá của vua Asoka..."

Về các phái đoàn truyền giáo dưới thời vua Asoka

Dưới thời Asoka, các phái đoàn truyền giáo được gởi đến Hy Lạp, Trung á, Sri Lanka và các xứ mang tên gọi chung là Suvannabumi (nay là bán đảo Đông Dương).

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dòng chữ khắc trên đá: Supurisasa Moggaliputtatissa. Sapurisasa là con người thiện, con người lành. Moggaliputtabssa là vị A la hán dưới thời vua Asoka đã lănh đạo kỳ Đại hội kết tập kinh tạng lần thứ ba. Và sau Đại hội này, nhiều phái đoàn truyền giáo của vua Asoka được phái đến các nước ngoài.

Cuốn Mahavamsa, tập biên niên sử của Sri Lanka, cho biết sau cuộc Đại hội kiết tập lần thứ ba, bốn vị A la hán cùng với Maijhima Thera được phái đến vùng núi Himalaya để truyền giáo. Nhưng đến lúc sắp nhập Niết bàn thì cả bốn vị này cùng với vị trưởng đoàn trở về xứ sở quê hương của họ. Trong hai hộp đựng xá lợi tìm thấy ở bảo tháp Sanchi, có khắc tên hai vị: Kassapagotta , vị đạo sư của vùng Himalaya và Majjhimagotta. Majjhima Thera chính là vị trưởng đoàn truyền giáo vùng Himalaya.

Đoàn truyền giáo đi Sri Lanka cũng để lại nhiều dấu vết quan trọng. Đoàn gồm bốn vị cao tăng Itthiya, Utthiya, Baddhiya, Sambala và vị trưởng đoàn A-la-hán Mahinda. Dòng chữ khắc được phát hiện thấy tại vùng Rohana, vùng phía Nam Sri Lanka, ở nơi mang tên Rajagala , có dòng chữ khắc trên đá bằng chữ Brahmi, cột đá dài tới 18 feet. Có chữ dài tới 1 foot (*): "Ye ima dipa patamaya idiya agatana ulika (terana) hide teraha tube". Nghĩa: "Đây là bảo tháp, chứa xá lợi của các Thượng tọa Itthiya và Mahinda đã đến đảo này bằng phép thần thông".

(*) foot là đơn vị chiều dài ở nước Anh, bằng 3 tấc rưỡi

Hai cuốn sử biên niên Mahavamsa và Dipavamsa viết về Mahinda: "Ngài đến trên không bằng phép thần thông". Tất nhiên đối với các bậc A-la-hán, bay trên không là chuyện dễ dàng.

Nhưng Paranavitana, một trong những nhà khảo cổ học lớn nhẩt của Sri Lanka, lại giải nghĩa đoạn câu: "Idiya Agatana" là "đến đây, vì sự an lạc của những người dân Sri Lanka". Có lẽ vì ông cho rằng bấy giờ, ít người tin ở các phép thần thông, nhưng ở một đoạn sau, ông viểt thêm "Nhưng có sự giống nhau phần nào giữa điều tôi nói ở đây với câu trong tập Mahavamsa: "Thượng tọa Mahinda đã bay trên không từ xứ Vidisa đến". Được biết sau khi Mahinda tịch, xá lợi của ngài được chia cho nhiều nơi để cho nhân dân Sri Lanka xây bảo tháp cúng dường. Bảo tháp đựng xá lợi của Mahinda được tìm thấy tại một nơi cách hàng trăm dặm nơi hỏa táng ngài tại Anuradhapura.

Mahintale là nơi Mahinda trú ngụ lâu dài. Giáo sư Paranavitana nói rằng hộp xá lợi phát hiện ở đây chắc chắn cũng là một hộp xá lợi của Mahinda. Vua Asoka và vua Tissa ở Sri Lanka, người đồng thời với Asoka là bạn thân. Vua Tissa gởi biếu Asoka nhiều quà tặng, toàn là châu báu và ngọc quý. Theo yêu cầu của Asoka, vua Tissa thực hành một lễ đăng quang lần thứ hai với tên Devanampiya, nghĩa là thân thiết đối với Thần linh. Cần nhắc rằng các vua Ấn Độ triều đại Maurya cũng có cùng một danh xưng đó. Từ vua Devanampiya trở đi, trong hàng nhiều thế kỷ, các vua Sri Lanka đều theo danh xưng như vậy. Danh xưng này là một bằng cớ về sự du nhập sớm của đạo Phật vào đất nước Sri Lanka. Một bằng cớ nữa là cây Maha Bodhi (cây Bồ đề) ở Anuradhapura là một nhánh của cây Bồ đề tại Maha Bodhi Gaya bên Ấn Độ (Bồ Đề đạo tràng).

Giáo sư Paranavitana, khi phân tích bia đá ở Rajagala đã khẳng định là bia đá còn mang tên vị cao tăng Itthiya Thera, cùng đi với Mahinda sang Sri Lanka.

Sri Lanka hiện nay là trung tâm của Phật giáo Theravada, phổ biến tại các nước Đông Nam Á. Mahinda - người đầu vào xứ này, vốn là một đệ tử của cao tăng Moggaliputtatissa, thầy học của Asoka đồng thời là vị lãnh đạo cuộc Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ ba. Ông là người biên soạn bộ luận nổi tiếng Kathavatthu, là nòng cốt của Luận tạng (Abhidharma Pitaka), được kiết tập ở kỳ Đại hội này.

Các bia đá khắc bằng chữ Brahmi cho biết đạo Phật vào thời kỳ này được tất cả mọi tầng lớp xã hội Sri Lanka nhiệt liệt đón chào và tiếp thu. Các quan chức lớn trong triều gọi là Upasikas và Upasakas, Hán dịch âm là Ưu-bà-di và Ưu-bà-tắc, nghĩa là những Phật tử tại gia nữ và nam. Hoàng hậu Anuda xuất gia và trở thành người lãnh đạo Ni giới của Sri Lanka.

Cho đến nay đã phát hiện thấy có khoảng 1.200 bia đá khắc chữ Brahmi, kể lại các sự kiện xảy ra ở Sri Lanka trong thời gian từ thế kỷ IV trước TL đến thế kỷ I TL. Nội dung các bia đó đã được địch ra và xuất bản. Chữ Brahmi tương tự như thứ chữ khắc trên các bia và trụ đá của vua Asoka. Các bia đá đó kể về lịch sử du nhập và truyền bá đạo Phật ở Sri Lanka.

Lúc bấy giờ, Sri Lanka đã có hai dân tộc là dân tộc Sinhalese và dân tộc Tamil. Dân tộc Tamil từ lục địa Ấn Độ di cư qua đây từ lâu đời. Họ tiếp thu đạo Phật và sống yên ổn với dân tộc Sinhalese bản xứ. Các Phật tử người Tamil cũng cúng dường cho Giáo hội nhiều quà tặng. Các kỷ vật của họ thường kèm theo các dòng chữ khắc: "Damida Upasaka", "Damada Gahapathi", nghĩa là "của Ưu bà tắc người Tamil...". Đạo Phật du nhập đến đâu cũng trở thành một nhân tố đoàn kết mạnh mẽ ở đấy.

Về 5 vị vua Hy Lạp có ghi tên trên bia đá của Asoka

Tên của 5 vị vua Hy Lạp ghi trên Dụ đá thứ 13 là:

1. Antiochos Theos ở Xi-ri (Syria).
2. Ptolemy Philadelphos ở Ai Cập
3. Atigonos Gonatas ở Ma xê đoan (Macedonia).
4. Magas ở Cyrène.
5. Alexandre ở Epire.

Antiochos Theos là cháu của Seleuceus, biệt hiệu Nikator, nghĩa là người chiến thắng, vì Seleuceus đánh thắng nhiều trận và lập ra vương quốc Xi-ri (Syria). Là bộ tướng của Alexandre đại đế, Seleuceus đã nổi bật lên trong chiến dịch xâm lăng Ấn Độ. Sau khi Alexandre đại đế qua đời, Seleuceus một lần nữa vượt sông Indus, đánh quân đội của Chandragupta, là ông nội của Asoka. Nhưng Seleuceus thua trận, phải ký hòa ước với Chandragupta, gả con gái cho Chandragupta và nhường cho ông này các tỉnh Aria, Arachosia, Paropanisadai và Credosia.

Nhưng Seleuceus vẫn còn trị vì trên một vương quốc rộng lớn, tàn dư của đế quốc của Alexandre đại đế. Tương truyền, ông ta đã xây dựng 75 thành phố tại vương quốc của ông. Kế vị Seleuceus là con trai ông, Antiochos Soter mà vương quốc kéo dài từ bờ biển Bosphore và bờ Tây của Tiểu Á đến Indus và từ Xi-ri đến các dãy núi Jaxartes và Pamir. Antiochos Soter mất năm 261 trước TL, để lại ngôi cho con là Antiochos II, được người Milesians suy tôn là Theos vì ông đã có công giải phóng họ khỏi nạn áp bức của Timarchus, một bạo chúa. Vị vua Hy Lạp được ghi tên trong Dụ đá thứ 13 của Asoka chính là Antiochos này. Triều đại Antiochos không được yên, vì phải chiến tranh liên tục với người Hy Lạp, và ông ta cũng bị mất nhiều đất đai. Nhưng Asoka, vị hoàng đế hùng mạnh nhất thời bấy giờ, đã giúp đỡ ông, và cho xây dựng nhiều nhà thương cho người và súc vật tại vương quốc của ông.

Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho biết các đoàn truyền giáo của Asoka đã đến tận Ai Cập, Iran và Palestine (theo Robert Blatchford trong "God and my Neighbour"). Sự kiện này nói rõ "nguồn gốc Phật giáo" của đạo Gia Tô. Như Blatchford viết: "Con đường truyền bá của đạo Phật đã được theo dõi từng bước một từ Ấn Độ đến Jerusalem". Kinh sách Phật được tìm thấy nhiều trên đất đai thuộc đế quốc Parthian (Ba Tư cũ), một đế quốc lớn nằm giữa Ấn Độ và Palestine. Bactria và Đông bộ của đế quốc Parthian đầy dẫy chùa chiền Phật giáo và người ta tìm thấy các đồng tiền đúc, mang hình ảnh Phật với chữ khắc Hy Lạp.

Tên vua Ptolemy trên Dụ dá của Asoka là Ptolemy Philadelphos, con của Ptolemy Soter và hoàng hậu Berenice. Ptolemy Philadelphos lên ngôi năm 285 trước TL. Ông đã tham chiến liên miên với Antiochos II. Chiến tranh chỉ chấm dứt vào cuối triều đại ông bằng một hiệp ước hòa bình. Ông gả con gái cho Antiochos Thera. Euclid, nhà toán học nổi danh đã sống dưới thời vua Ptolem này. Vương quốc của Ptolemy gồm có ngoài Ai Cập ra, một bộ phận của Ethiopia, Libya và Arabia, còn có một số các tỉnh ở Xi-ri, cùng với một số các đảo như Cyrus, Lycia, Caria và Cyclades.

Lịch sử cho biết chính các đoàn truyền giáo của Asoka đã đem lại cho Ai Cập và Châu Âu mô hình lý tưởng của cuộc sống khổ hạnh. V M.Flinders viết trong cuốn "Tôn giáo của Ai Cập cổ đại":

"Lịch sử chứng minh rằng, Ai Cập và Châu Âu đã học được ở các đoàn truyền giáo của Asoka lý tưởng của đời sống khổ hạnh....

Nếp sống khổ hạnh của những người ẩn sĩ được thiết lập dưới thời vua Ptolemy và các tu sĩ ở đây chứng minh có một lý tưởng sống mà lúc bấy giờ phương Tây chưa từng biết tới".

E.B.Hawell trong cuốn "Lịch sử của nền thống trị Aryan" đã viết: "Có thừa lý lẽ để chứng minh rằng các đoàn truyền giáo của Asoka đã chuẩn bị môi trường từ đó nảy sinh ra Gia Tô giáo và Hồi giáo sau này".

Giáo sư T.W.Rhys Dvids nói thêm: "Không phải quá lời khi nói rằng toàn bộ những lời dạy đạo đức trong Phúc âm, nếu không kể các đoạn có tính chất giáo điều, đều đã tồn tại trong kinh sách Phật, xưa hơn sách Phúc âm hàng nhiều thế kỷ. Thí dụ những chủ thuyết đạo đức tổng hợp lại trong bài "Thuyết giảng trên núi", tất cả những gì không dính dáng tới tín điều thần quyền, đều đã có trong ba tạng kinh điển của Phật giáo cả rồi".

Vượt qua Ai Cập, các sứ giả của Asoka lập các nhà thương cho người và súc vật cũng như các công trình công lợi khác tại xứ Cyrenaique, do vua Magas trị vì, vua này là "anh em cột chèo" với Ptolemy Philadelphos. Ptolemy cưới con gái của Antiochos Theos, và có con gái cũng đặt tên là Berenice.

Hai vị vua Hy Lạp còn lại, được ghi tên trên Dụ đá số 13 là Antigonos Gonatas và Alexandre II. Gonatas là cháu nội của một trong các vị tướng của Alexandre đại đế. Ông trị vì ở xứ Ma-xê-đoan (Macedonia), nguyên trước đây là vương quốc của Phi-líp, cha đẻ ra Alexandre đại đế. Các sứ giả của Asoka cũng dựng ra ở đây những nhà thương cho người và súc vật.

Alexandre II là vua xứ Epire. Con trai của Pyrrhus và Lanassa, ông ta lên ngôi năm 272 trước TL, ông chiến tranh với Antigonos Gonatas và đánh đuổi Gonatas ra khỏi Ma-xê-đoan. Xứ Epire cũ hiện nay là miền Nam của Albania. Epire từ Hy Lạp nghĩa là "Lục địa", lúc bấy giờ chỉ cho toàn bộ bờ biển phía Tây, phía Bắc của vịnh Corinthe. Theo Aristotle, Epire là xứ sở đầu tiên của dân Hellènes tức người Hy Lạp. Homere dùng địa danh Epire để chỉ toàn bộ bờ biển phía Tây của Hy Lạp. Epire phía Bắc giáp Illyria và Ma-xê-đoan, phía Đông giáp Thessalia, phía Nam giáp vịnh Ambracian, phía Tây giáp biển Ionian. Các tù trưởng bộ tộc Molossians, cuối cùng thống trị toàn xứ Epire, tự xưng là con cháu của Achille, đã đánh chiếm thành Troy và truyền ngôi vua cho Molossus, là người con trưởng trong số ba người con của Achille, vợ là Andromaque, một nữ nhân vật nổi tiếng đức hạnh trong bản anh hùng ca Illiad.

Lý tưởng của Asoka đã thúc đẩy Asoka làm nên sự nghiệp vĩ đại nhất là "lo lắng cho hạnh phúc vật chất và tâm linh của toàn thế giới, bao gồm không những người mà cả súc vật và nhũng loài vật khác, không những trong vương quốc mình, mà cả trong toàn thế giới, mà ông được biết hay là có quan hệ".


Đại đế Asoka và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp
Thích Quảng Đại biên soạn


Cuộc đời của Đại đế Asoka chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, thế nhưng tiểu sử, sự nghiệp cũng như hoàn cảnh xuất thế của ông từ xưa chưa được xác minh và công bố rộng rãi. Người viết bài này xin thu thập một số tư liệu để giới thiệu đôi nét về vị Hoàng đế lỗi lạc này, hầu giúp độc giả có được một cái nhìn xác đáng hơn về vai trò, vị trí của Asoka trong lịch sử phát triển Phật giáo.

I. Tiểu sử của Đại đế Asoka trước và sau khi tức vị:

Trước đây, khi các nhà khảo cổ chưa khai quật được những thánh tích và bia ký thì các nguồn sử liệu thường viết bị lệch về dòng dõi, năm sinh của Đức Phật cũng như của Asoka. Vì thế không xác nhận được rõ ràng về con người và thân thế của Đại đế cũng như sự nghiệp vĩ đại của người. Về sau, cách đây không lâu thì sự việc được sáng tỏ, bởi đã phát hiện, khai quật được những Thánh tích, bia ký do tự tay Đại đế Asoka khắc lên trên đá và bị vùi sâu vào lòng đất. Lấy những bút ký đó đem so sánh vào kinh luận thì có một số đồng nhưng cũng không tránh được chỗ dị biệt mà ranh giới không quá xa. Âu đó cũng chỉ là một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta tìm hiểu sau đây:

1. Thân thế:

Về niên đại xuất thế của Đại đế Asoka có nhiều nguồn sử liệu ghi chép khác nhau, nhưng đại khái là nằm trong khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Căn cứ vào pháp sắc trên bia đá lớn đã ghi rằng: "Các vua của năm vương quốc Hy Lạp tại vị cùng đồng một số năm là 261 BC hoặc trong khoảng 272 - 258 BC". Do đó quán đảnh lên ngôi trong khoảng 270 BC. Như vậy năm sanh cách đó không bao xa. Theo các tài liệu như: Tiểu sử Asoka, Asokava - dàna, Dviyavadanà hoặc Vamsathakàsinì thì cho rằng: Ông nội của Asoka là Chandragupta (Chiên-đà-la Cấp-đa), vị vua khai sáng vương triều Khổng Tước. Thân phụ người là Bindusara (Tân-đầu Sa-ra). Thân mẫu là bà Àsokàvadàna (A-dục Vi-đạt-na).

Triều đại Khổng Tước trị vì được ba đời, nhưng hưng thịnh và nổi bậc nhất là đến đời Asoka. Nhà vua lúc còn nhỏ tính tình rất cuồng bạo, tướng tá lại không khôi ngô nên không được vua cha yêu mến. Vả lại ngài là con thứ, là 1 trong 101 người con, thì làm sao được chiều chuộng như những hoàng tử khác? Thế nhưng Asoka có tài xuất chúng, thông minh và mưu mô hơn những hoàng tử kia.

2. Hoàn cảnh đất nước trước khi tức vị:

Vào đời ông nội của Asoka là Chandragupta đã nhiều lần đem quân dẹp những trận quấy nhiễu của Đại đế Alexander I và II ở nước Hy Lạp nằm về phía Tây Ấn. Đến đời thân phụ của người là Bindusara khéo léo trị vì, hòa hiệp thỏa thuận với vương quốc Hy Lạp, tạo thành nền văn minh phồn thịnh cho Ấn Độ đương thời. Thế nhưng, ở giữa vùng Bắc và Trung Ấn thường có những trận nhiễu loạn, vua Bindusara phải tuyển chọn những người thông minh tài giỏi trong hàng vương tử phong làm Thái thú để đi nhiếp loạn. Đồng thời, vùng Tây Ấn là một nơi có địa thế rất hiểm trở và quan trọng. Ở đấy có thành Ujjayant (Ô-xà-diễn-ni), các nước phương Tây hay dòm ngó đến, bởi nơi đây có một nền kinh tế tập trung, rất phong phú. Để chọn người ra đó coi sóc, Asoka được bổ nhiệm làm Thái thú ở Bắc Ấn và các vương tử đã phân bố bộ hạ cai trị thành Ujjayant. Việc đi dẹp loạn của Asoka do Bindusara sai đi nhằm mục đích là muốn để cho Asoka bị chết trong chiến trận. Thế nhưng Asoka đã bình định được quân phản loạn, quyền uy và tiếng tăm vang lừng.

Sau đó vài năm, Asoka được tin cấp báo là phụ vương bị bệnh nặng nên lập tức trở về Hoa Thị thành. Sau khi vua cha băng hà, người kế vị là con trai trưởng Susima vào năm 272 BC. Susima vì vụng về nhiếp chính nên khiến cho dân chúng nhiễu loạn ở Takkasìla, ở trong triều lại tranh nhau ngôi vị và kéo dài suốt bốn năm trường. Cuối cùng Asoka được thắng lợi. Đồng thời được sự giúp đỡ của Tể tướng Ràdhagypta cùng các nhân vật cao cấp trong triều đình, tất cả đã đồng tình suy cử Asoka lên ngôi. Lúc ấy vào năm 268 BC, sau Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn 218 năm.

Lại có chỗ cho rằng Asoka trước khi lên ngôi đã giết tất cả 99 người anh em, và tính tình rất cuồng bạo. Khi lên ngôi xong, vẫn còn giết những vị đại thần và phụ nữ, xây dựng lao ngục, tàn hại nhân dân vô tội. Vì thế ông bị nhân dân mỉa mai đặt tên là Candasoka (A-dục bạo ác). Nhưng "Theo chương 4-5-6 của pháp sắc khắc trên vách đá lớn, chương 7 trong pháp sắc khắc trên trụ đá và trong pháp sắc của Hoàng hậu đều chép rằng: Thời gian vua Asoka trị vì còn có anh em, chị em. Cho nên những truyền thuyết trên có thể do đời sau nói quá". (Dẫn theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang, quyển I, tr. 23).

3. Asoka sau khi lên ngôi và gặp Phật pháp:

a/. Sau khi lên ngôi: Asoka lên ngôi trong vòng 9 năm, vì mục đích thống nhất toàn cõi Ấn Độ nên đem quân chinh phạt các nước lân cận như Kalinga thuộc nam Ấn Độ (nước này là một cường quốc, rất mạnh về kinh tế và quân sự) và các nước khác như Peshàwar, Pùri, Ganja, Thàna, Bhopal, Hyderabàd, Mysore, Bihàr, Afghanistan, Népal … Asoka đã chinh phục toàn bộ cõi Ấn. Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, với sự đẫm máu này, Đại đế thấy ghê tởm chiến tranh. Nhà vua thấy cảnh chiến tranh như thế lấy làm buồn thảm và hối hận về thảm họa đó. Biết bao nhiêu người dân vô tội bị giết hại, cô nhi quả phụ phải bị tai ương. Vì thế Asoka quyết định bỏ vũ lực, không động đến binh đao nữa.

Cuộc chiến tranh kết thúc. Asoka đã thống nhất thiên hạ cõi Ấn và một nửa nước Đại Hạ, phía Nam Án-đạt-la, phía Đông đến bờ bi?n, dọc ngang mỗi chiều vài ngàn dặm, và lấy Hoa Thị thành làm thủ đô.

Bởi do hối hận cuộc chiến tranh đẫm máu, Asoka muốn được sám hối và ăn năn những tội lỗi đã gây ra. Vì thế nhà vua quyết định trở về quy y Phật đạo và trở thành một Phật tử. Do tâm thành sám hối những tội lỗi đã gây ra cũng như sự học hỏi Phật pháp được mở rộng, lòng tin Tam bảo ngày càng tăng trưởng, nên nhà vua rất nhiệt tình ủng hộ Phật pháp. Vào năm thứ 12 (sau khi tức vị) và trở về sau, Asoka ban bố nhiều sắc lệnh chấn hưng Phật giáo. Vua đã tự mình giữ gìn trai giới, bỏ sự săn bắn và ăn chơi xa xỉ, mà còn hạ lệnh cấm sát sanh, bảo hộ các sinh vật, tiết kiệm không phung phí, bỏ bớt xa hoa, thỉnh Tăng cúng dường, thuyết pháp và tu tập. Nhà vua tại vị được 41 năm, thọ 70 tuổi. Những sự nghiệp của Asoka đối với quốc gia Ấn Độ rất to lớn, nhưng đối với đạo Phật càng to lớn hơn, điều này được trình bày rõ về sau.

b/. Về năm tháng Asoka quy y Phật: Có nhiều thuyết nói khác nhau. Nhưng căn cứ vào chương 8 của pháp sắc được khắc trên đá lớn có ghi: "Quán đảnh lên ngôi hơn 10 năm thì đến với Tam Bồ-đề", nên biết vua trở thành Ưu-bà-tắc vào khoảng năm thứ 7 sau khi lên ngôi. Vì trong vòng ba năm đầu tuy đã quy y Tam bảo nhưng vua chưa dốc lòng tin Phật, sau đó mới thân cận chư tăng và trở thành người Phật tử nhiệt thành.

Từ khi trở về quy y Tam bảo, nhà vua đem tất cả khả năng của mình để phụng sự xã hội hầu chuộc lại tội lỗi ngày xưa. Vì thế Asoka đã thi hành chính sách cai trị thích hợp với quần chúng, bằng cách lồng giáo lý Đức Phật vào quốc chính, dốc hết tâm lực vào việc giáo dục xã hội, ban bố những điều lệ, những sắc lệnh rất phù hợp với nhân dân, giảm bớt những khắt khe cho nhân dân, lấy lòng dân làm lòng mình, dụng tinh thần bác ái ưa chuộng chân lý để đem lại sự bình an hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời tôn trọng tự do tín ngưỡng, khéo léo hòa giải những sự xung đột của các giáo phái tôn giáo khác nhau, cấm những nghi lễ giả dối, cung cấp vật dụng cho dân nghèo. Asoka quả là một ông vua nhân từ, ít có trong lịch sử Ấn Độ. Ông là một vị vua có công rất lớn đối với nền hòa bình Ấn Độ thời bấy giờ.

II. Sự nghiệp Asoka đối với Phật giáo:

Ngoài những công cuộc cai trị đất nước, nhà vua còn tự mình xin thọ giới Ưu-bà-tắc, nghe pháp, lễ Phật, tu tập. Đặc biệt là đối với nền tảng chấn hưng Phật giáo, vua có những sự nghiệp lớn lao như sau:

1. Ban bố những sắc lệnh quan trọng:

Trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, từ năm thứ 12 cho đến năm thứ 39, gần 28 năm nhà vua thường ban bố những sắc lệnh rất quan trọng để chấn hưng Phật giáo. Những sắc lệnh được khắc trên các bia đá, hang núi và các trụ đá rải rác nhiều nơi trên cõi Ấn Độ được phát kiến bởi các nhà khảo cổ gần đây. Những sắc lệnh này là những mốc lịch sử quý báu cho các Sử gia cũng như sự tồn tại của Phật giáo ngày hôm nay, đồng thời để biết được Phật giáo thời bấy giờ ảnh hưởng đến giới vua chúa, thế lực trong xã hội như thế nào; điển hình là các trụ đá ở vườn Lâm-tỳ-ni (Lumpinivattu) và các bia ký, vách núi khác.

Những lời lẽ pháp sắc được khắc trên trụ đá, những bản văn khắc trên bia ký cũng như vách núi phần nhiều ăn khớp với những dữ kiện ghi trong Đại sử và Đảo sử của Tích Lan. Niên đại của những bản khắc văn này vào khoảng năm 250 BC. Văn tự này là một thứ tiếng địa phương, gần với tiếng Pàli và Sankrit. Hiện nay phát hiện có năm loại vách đá lớn, bảy loại vách đá nhỏ, mười trụ đá, bài minh khắc trong hang đá và bảng đá … Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang, trong mười trụ đá được phát hiện có sáu trụ cao từ 10 - 13m, kích cỡ không đồng nhau, trên mặt trụ có khắc những pháp sắc của Asoka. Nội dung nói về việc tôn trọng Phật pháp, khuyên làm việc lành, đoạn trừ các điều ác, cấm sát sanh và làm những việc phước lợi nhân từ bình đẳng … Đặc biệt, trên trụ đá có khắc sự tích của Asoka … Còn bốn trụ đá kia chiều cao khoảng 7, 5m, ghi lên những việc đích thân vua Asoka đảnh lễ các Phật tích và các pháp sắc khác, như cấm phá hòa hiệp Tăng … Ngoài những trụ đá còn có rất nhiều pháp sắc được khắc trên vách đá lớn, nhỏ khác nhau và trải rộng khắp Ấn Độ. Trên những bài minh có ghi tên của Asoka cũng như "Thiên Ái Thiện Kiến" - niên đại của Asoka. Trong đó đa số những pháp sắc trên đá nhỏ thì lấy tên Asoka, còn các loại pháp sắc khác đều lấy tên niên hiệu là Thiên Ái Thiện Kiến.

Nói chung, nội dung được khắc lên đá là những lời đúng với lời dạy của Đức Phật cũng như lịch sử của Ngài, đồng thời trong đó cũng có khắc lên ý nghĩa phục vụ mục tiêu chính trị dựa trên nền tảng giáo lý Phật-đà để cai trị nhân dân. Thực hiện chính sách khoan dung độ lượng với nhân dân trên tinh thần Phật giáo.

2. Truyền bá đạo Phật:

Asoka năm thứ 13 - 14, nhà vua đã phái các nhà truyền đạo, các bậc chánh pháp đại quan đi truyền bá giáo pháp khắp toàn cõi Ấn và ra nước ngoài như Hy Lạp, Ai Cập, Siria, các nước châu Phi và Viễn đông, các địa phương phương Đông, bờ biển Địa Trung Hải, các nước phương Bắc, Nam. Đặc biệt là Asoka cho con trai của mình là Mahinda xuất gia và truyền đạo tại Tích Lan. Có thuyết viết, sau khi kết tập kinh điển lần thứ ba xong, Mahinda đem cả Tam tạng Thánh điển Pàli qua Tích Lan truyền giáo, và Mahinda là người dày công xây dựng nền móng cho Thượng tọa bộ Nam phương Phật giáo.

3. Từ thiện xã hội:

Công việc từ thiện là một công việc được nhà vua rất chú trọng đến. Asoka đã ban hành những sắc lệnh như: Trồng các loại cây thảo dược để trị bệnh cho nhân dân, đào giếng nước để cung cấp nguồn nước cho mọi người sinh hoạt, bố thí các vật dụng cho những người nghèo đói. Đặc biệt, nhà vua đã ra sắc lệnh tổ chức các "Thí liệu viện" nhằm cung ứng cho việc trị bệnh và có nơi chốn cho những kẻ già yếu, hoạn nạn, tật nguyền. Ngoài ra còn ban hành sắc lệnh cho quan và dân mở hội "Thí vô già". Hàng năm thường cúng dường các bậc Phạm hạnh, đồng thời đem giáo lý Phật-đà dạy dỗ cho dân chúng, phổ cập trong xã hội bằng những hình thức như thực hành năm giới tại gia, sống tri túc, hòa giải và an lạc. Điều đáng chú trọng là đích thân nhà vua trai giới, khuyên mọi người không nên sát sanh, dạy mọi người biết sống theo nếp sống văn hóa, tôn trọng lẫn nhau, kính trọng những người già cả, cha mẹ anh em, thương yêu kẻ tàn tật, tôi tớ, và khuyến khích làm việc thiện.

Qua đó cho chúng ta thấy rằng, con người Asoka là một con người thấm nhuần chánh pháp, và là một vị vua có tâm Bồ-tát vì lợi ích cho muôn dân, tấm lòng khoan dung không chút hẹp hòi. Có như vậy mới thật là xứng đáng với địa vị của một ông vua Phật tử. Công lao gầy dựng nền hòa bình an lạc của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ thật là lớn lao mà lịch sử không thể lãng quên được.

4. Asoka chiêm bái Phật tích:

Ngoài những công việc chính trị cũng như Phật sự ra, Asoka còn dành thời gian để chiêm bái các Thánh địa - Phật tích. Người đã thỉnh các bậc Cao tăng Thạc đức thuyết pháp nhằm đáp ứng sở hành tu tập cho mọi người. Đặc biệt Asoka đến chiêm bái Tứ Động Tâm - nơi di tích của bậc Đại giác đã để lại, đến đâu vua ra lệnh khắc bia đá để làm dấu ấn đến đó. Nhờ những dấu tích bia ký truyền lại cho đến ngày nay mà Phật giáo nói chung và Phật giáo Ấn Độ nói riêng có nơi y cứ một cách chính xác và thuận tiện cho việc lưu truyền, tạo niềm tin vào chánh pháp được rộng rãi và dễ dàng hơn. Tại Bồ-đề đạo tràng, Asoka cho dựng những trụ đá lớn, trên đầu trụ còn có khắc chạm hình sư tử. Nghệ thuật điêu khắc trên những đầu trụ đá rất tinh xảo, cho đến ngày hôm nay giới điêu khắc cũng phải kính phục.

Hơn nữa, Đại đế Asoka còn cho xây dựng nhiều tự viện, bảo tháp để tôn thờ xá-lợi của Phật. Theo Kinh A-dục Vương quyển 1 nói: "Vua nhờ Tỳ-kheo Hải mà biết việc Phật huyền ký, bèn đến thành Vương Xá lấy bốn thăng xá-lợi do vua A-xà-thế chôn. Lại lấy hết xá-lợi chôn ở sáu chỗ khác (sáu chỗ này có lẽ là nằm quanh vùng thuộc thành Vương Xá hay thuộc các thành khác chưa được rõ), rồi làm 84.000 cái hộp báu, mỗi hộp bỏ một viên xá-lợi. Lại làm 84.000 chiếc bình báu, 84.000 cái lọng báu, 84.000 xấp lụa và xây 84.000 ngôi tháp để tôn thờ". Việc này chúng ta có thể xác nhận rằng đây là việc làm có thật; bởi vì Asoka là một vị Hoàng đế đem hết tâm lực để vào việc hoằng truyền Phật pháp. Công lao của Asoka đóng góp vào nền văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là đối với nền văn hóa Phật giáo là vô cùng lớn lao. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, những ngôi tháp này trải qua thời gian dài bị mai một, hầu như không còn nữa. Vả lại, trong giai đoạn Phật giáo đang diễn ra sự phân chia bộ phái, Asoka đã làm chấm dứt được sự phân hóa trong nội bộ Phật giáo, đồng thời ông được giới Phật giáo ghi nhớ nh?t là việc kết tập kinh điển lần thứ ba mà sau đây chúng ta tìm hiểu đến.

5. Kết tập kinh điển lần thứ ba:

Trong lúc Phật giáo bắt đầu có sự phân hóa để đáp ứng việc phát triển nên không tránh khỏi những bất đồng trong nội bộ về một số kinh luận. Đại đế Asoka đã góp công chỉnh đốn lại một phần nào. Tương truyền Asoka đã làm chấm dứt tình trạng phân hóa của 60.000 tăng sĩ tại chùa Asoka đã kéo dài 7 năm. Trước tiên, nhà vua ra lệnh chư tăng tại chùa làm lễ Bố tát chung. Asoka đã cử các đại thần trong triều đ?n tại chùa để đốc thúc việc thi hành vương lệnh. Thế nhưng các vị Thượng tọa trưởng lão ở đây không chịu hành lễ chung cùng với đại chúng vì cho đó là tà giáo ngoại đạo. Điều này cho ta thấy, đây là nền tảng phân phái chia rẽ thành Bộ phái về sau.

Sau khi có một số vị Cao tăng bị chết oan, nhà vua đích thân đến chùa để xem xét việc này. Asoka đã hỏi chư tăng do đâu mà có sự cố này, và tội lỗi này có phải do nhà vua gây ra không? Trước ý kiến bất đồng của chư tăng không thể phân định được, Asoka sai sứ triệu thỉnh ngài Moggaliputtatisa (Mục-liên-đế-tu tôn giả), bấy giờ đang ẩn tu tại núi Ahoganga. Ngài từ chối, nhưng do sự khẩn thiết thưa thỉnh đến lần thứ ba nên Ngài đã nhận lời. Ngài hạ sơn, xuôi theo dòng sông Hằng đến thành Hoa Thị. Qua những nghi vấn của Asoka, ngài Moggaliputta đã trả lời: "Không có tội lỗi nếu không có ác tâm trong khi hành động". Nhờ đây mà Asoka gột sạch được những nghi ngờ cũng như hối hận. Nhân đó nhà vua ra lệnh mở đại hội kết tập kinh điển tại Hoa Thị thành kéo dài suốt 9 tháng.

Đại hội kết tập được sự chủ tọa của ngài Moggaliputta, Asoka ngồi sau một bức rèm chắn để nghe chư tăng trình bày về các điểm sai khác trong giáo pháp. Đồng thời nêu lên 62 kiến chấp của ngoại đạo mà Đức Phật đã nêu và lên án trong Kinh Phạm Võng. Nhà vua nghe xong, phân biệt được đâu là chánh, đâu là tà, là chơn, là ngụy. Từ đó Asoka ra lệnh trục xuất một số Tăng sĩ vốn là ngoại đạo đội lốt để phá hoại ra khỏi giáo đoàn, buộc họ trở về đời sống cư sĩ. Lệnh này được khắc vào văn ở Kiều-thưởng-di vào năm 26 và 27 niên hiệu Asoka trị vì.

Sau khi thanh lọc xong, nhà vua cầu thỉnh ngài Moggaliputta chọn lấy 1000 vị thông hiểu Tam tạng thánh điển để kết tập lại kinh điển. Có lẽ tạng Luận được ghi đầu tiên là vào dịp này, và cũng có thể do Moggaliputta là tác giả bộ luận có tên "Sách Luận" hay "Thuyết Sự" nhằm bài xích các tà thuyết.

Đại hội kết tập kinh điển này lấy tên là "Hoa Thị thành kết tập" và được ghi chép vào khoảng cách 236 năm sau Phật Niết-bàn, tức là năm 250 trước Công nguyên, nhằm vào năm thứ 18 niên hiệu Thiên Ái Thiện Kiến. Đại hội kết tập lại năm bộ Nikàya và một số kinh luận khác.

III. Nhận định:

1. Asoka, cương vị một người lãnh đạo đối với đất nước:

Ngài Huyền Trang đã nhận xét sau khi tham cứu các sử liệu đáng tin cậy, Ngài viết: "Chính cảnh đau thương, tàn hại của cuộc chiến Kalinga đã đánh thức Đại đế Asoka ra khỏi giấc mơ quyền lực, quay về với chánh pháp. Đấy là giọt nước mắt cuối cùng tràn đầy ly nước tỉnh giác". Đúng thế, sau khi lên làm vua, Asoka quay về đường chánh, quy y Tam bảo, nên đã áp dụng triệt để giáo lý Phật-đà vào việc cai trị đất nước. Ông đã lấy lòng nhân từ làm chính yếu và việc thưởng phạt được phân minh, khuyến khích giúp đỡ dân chúng, dùng chánh nghĩa để loại bỏ ác nghiệp. Việc đối đãi vua tôi và thần dân không phân biệt giai cấp hay chủng tộc, tín ngưỡng. Asoka đã gầy dựng cho xã hội Ấn Độ một nền tảng hòa bình, hạnh phúc, ấm no. Công lao ấy thật là lớn lao mà lịch sử đã khẳng định.

2. Trách nhiệm của một Phật tử đối với đạo pháp:

Như trên đã trình bày, sau khi quay về với chánh pháp, quy y Tam bảo, thọ trì Ưu-bà-tắc giới, tu tập giới định tuệ, nhà vua đồng thời là một Phật tử rất nhiệt thành, dốc hết tâm lực để hoằng dương chánh pháp, đó là công việc lớn lao nhất mà Đại đế đã nhận lãnh và hoàn thành trách nhiệm một cách tốt đẹp (điều này đã được chứng minh qua việc khắc ghi những pháp sắc trên những trụ đá, hang đá, bia ký … làm mốc lịch sử cho Phật giáo), đồng thời kết tập kinh điển, truyền bá giáo pháp phổ cập nhân gian. Đặc biệt là phái người ra nước ngoài để truyền bá Phật pháp, làm cho ngôi nhà Phật pháp được lan rộng ra cho đến ngày hôm nay mang tính toàn cầu. Sáng kiến truyền bá Phật pháp này rất quả cảm và trí tuệ.

3. Những thành tựu của Asoka:

Asoka đã xây dựng một đất nước được thành công trên mọi lãnh vực như chính trị, xã hội, giáo dục, văn hóa. Ông đã kiến tạo một xã hội yên bình an lạc và đem lại lợi ích rất thiết thực cho nhân dân như chiến dịch trồng cây, cung cấp nước sạch, xây dựng và bảo vệ môi sinh, sự sống của hữu tình. Điều này trên bia ký của Đại đế vẫn còn nghe rất thân thiết đối với thời đại cũng như nền văn minh hiện tại. Chủ trương tôn trọng tín ngưỡng dân gian, khoan dung, bất bạo động vẫn mãi mãi là những nét đẹp của văn hóa loài người.

Thành công xuất sắc nhất là việc truyền bá mạng mạch Phật pháp bằng những dòng bia ký, kết tập kinh điển … Đại đế đã cho xây dựng Phật tích, dựng những trụ đá khắc ghi dấu ấn của sự hiện diện ngôi Tam bảo tại thế gian, làm an lạc hạnh phúc cho cuộc đời. Hình thức tín ngưỡng Phật pháp từ đây được phát triển. Tam tạng thánh điển còn được giữ lại tại Tích Lan cho đến ngày hôm nay. Đây là nguồn văn hóa lớn lao của nhân loại đã một thời làm hưng thịnh tại xứ Ấn, chủ trương giới thiệu chánh pháp, chánh trí, chánh hạnh và thống nhất các dị biệt giữa 18 bộ phái Phật giáo vì an lạc hạnh phúc cho đời.

Đại đế Asoka đã từ giã cõi Ấn suốt cả 23 thế kỷ trôi qua mà cuộc đời và sự nghiệp vẫn còn sáng mãi ở trần gian. Đó là thành quả lớn nhất của Asoka đã đóng góp cho đời lẫn đạo mà trang sử không bao giờ lãng quên được. Đúng như lời người xưa đã tán thán:

"Mỗi bước chân là một bản đạo ca hùng tráng,
Mỗi bước chân là một trang sử oai hùng,
Mỗi bước chân làm chấn động khắp non sông,
Mỗi bước chân làm lợi ích muôn loài trên hoàn vũ".

Tài liệu tham khảo:
- Từ Điển Phật Học Huệ Quang.
- Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ (HT. Thanh Kiểm).
- Sử Phật giáo Ấn Độ (tài liệu dạy các trường CBPH Đồng Nai - Đại Tòng Lâm do Giáo thọ Thích Giải Quảng biên soạn).
- Một số tài liệu khác.

Đại đế Asoka Maurya
và những pháp dụ khắc trên đá

Trần Trúc-Lâm

PHẦN I: DẪN NHẬP

Để hiểu rõ thêm về vai trò lịch sử trọng đại của Hoàng Đế Asoka không những đối với dân-tộc Ấn, mà còn đối với nhân loại qua sự truyền bá Phật giáo đến các nước khác, ta nên ôn lại đôi chút về bối cảnh lịch sử Ấn độ đương thời.

Lịch sử Ấn Độ tồn tại rất lâu đời, đến cả 5 ngàn năm. Một cách khái quát, nếu tính từ thời văn minh thung lũng sông Indus cổ đại ở vùng tây bắc tiểu lục địa Ấn, dựa vào những phát hiện khảo cổ ở Harappa và Mohenjo-Daro thì nó đã xuất hiện khoảng 2, 500 năm TTL Nền văn minh này kéo dài hơn một ngàn năm, đã được xem như là một trong những nền văn minh cổ nhất của nhân loại, cùng với nền văn minh Ai-cập và Mesopotamia (ở Iraq ngày nay). Nhiều sử gia cho là giống dân Dravidian bản địa, vóc thấp, da sậm, mũi rộng, tóc xoắn, đã dựng lên nền văn minh đó với lễ nghi tôn giáo phát triển, thiết kế và kiến trúc đô thị ban sơ có kế hoạch, biết dùng đồ đồng và thau, biết dệt lông cừu và làm dấu mộc. tạc tượng vv...

Đến khoảng 1,500 năm TTL, có giống Aryan, vóc lớn, da trắng, mũi cao, nhiều râu, từ vùng Trung Á (ở mạn nam nước Nga ngày nay) theo ngã Iran xâm chiếm vùng tây bắc (Punjab ngày nay). Họ chuyển đổi từ lối sống du mục sang định cư nông nghiệp, biết quí trọng súc vật, nhất là ngựa và bò cái, biết chế tạo xe do súc vật kéo, biết làm lịch theo mặt trăng, tôn sùng các đạo sĩ và thầy tế lễ vv, Đến khoảng năm 800 TTL họ đã chia thành nhiều tiểu vương cai trị hết vùng đông bắc và nam Ấn. Họ đã đưa văn h?c, triết học, tôn giáo, tổ chức xã hội Ấn đến tột đỉnh, tạo nên nền văn minh Vedas, cốt lõi của Ấn giáo. Upanishads có lẽ được kết tập giữa thế kỷ thứ 8 và thứ 5 TTL.

Nhưng cũng từ đó xã hội Ấn đãbị phân chia ra nhiều đẳng cấp khác biệt, còn kéo dài đến ngày nay; đại để có bốn giai cấp (varnas) từ cao đến thấp là Brahmans (Bà-la-môn: gồm thầy tế lễ, trí giả), Kshatriyas (vương tướng), Vaisyas (thương nhân, địa chủ) và Sudras (kẽ lao động, thợ thuyền, nghệ nhân, gia nhân). Ba đẳng cấp trên dành cho người gốc Aryan, được xem là tinh khiết, được quyền học kinh Vedas để được tái sinh theo nghĩa tôn giáo (born again). Đẳng cấp thứ ba dành cho dân gốc bản địa, không tinh khiết và không được học kinh Vedas. Phải kể thêm một hạng người nữa khốn khổ thấp kém nhất chẳng được xếp vào giai cấp nào, gọi là Harijans hay Paraiyans (Hạng ghê tỡm), bao gồm những kẽ làm nghề sát sinh súc vật, thuộc da. Nên nhớ là trong mỗi đẳng cấp còn có sự phân chia ra rất nhiều thứ loại (jati) tạm gọi là phường hay nghiệp đoàn. Theo thống kê năm 1901 đã có đến 2,378 phường như thế.

Đến khoảng thế kỷ thứ 6 TTL, thời đức Phật Thích Ca còn tại thế, đã nẩy sinh nhiều trường phái đòi cải cách những quan nịệm bất công đối xử trong xã hội bắt nguồn từ Vedas và còn thách thức cả Ấn giáo. Hai tôn giáo mới có tầm nhìn khoan dung và cách mạng hơn đã xuất hiện: đó là Phật giáo và Kỳ Na giáo (Janism). Trong giai đoạn này, đất Ấn có khoảng 16 nước lớn nhỏ; và các vương quốc hùng mạnh đều tập trung ở vùng bắc Ấn (vùng Bihar bây giờ) như Avanti, Vaishali (Vệ-sá-lị), Kosala (Kiều-tát-la), Magadha (Ma-Kiệt-Đà) vv…. Sau nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tương tàn, Magadha dưới triều vua Bambisara (Tần-Bà-Sa-La, lại có nơi dịch là Bình-Sa-Vương) thuộc giòng họ Haryanka thâu tóm các lân bang trở nên một đế quốc khá rộng, đóng kinh đô ở Rajagrha (Thành Vương Xá), cách Patna ngày nay khoảng 35 dặm về phía đông nam.

Vua Bambisara lên ngôi lúc 15 tuổi, trở thành một cư sĩ Phật tử lúc 30 tuổi, và nhịệt tình hổ trợ đạo Phật. Ôâng trị vì được 52 năm, đã xây 16 tịnh xá ở Vương Xá và cúng dường Đức Thích Ca khu vườn trúc rộng lớn để Phật cùng tăng đoàn cư ngụmà hoằng hoá. Khu vườn này được nhắc đến nhiều lần trong Tam tạng kinh điển, đó là Tịnh Xá Trúc Lâm (Venuvan-arama). Nhiều tác giả nghiên cứu về Phật giáo đều cho rằng ngôn ngữ đức Thích Ca thuyết pháp thời bấy giờ là tiếng Magadhi phổ thông.

Đến khoảng năm 420 TTL triều đại Haryanka lại mất vào tay của giòng họ Nanda, nhưng họ Nanda chỉ tồn tại được trong vòng 100 năm rồi bị giòng họ Maurya lật đổ.

Đầu thế kỷ thứ 4 TTL, sau khi đánh bại quân Persians vào năm 326 TTL, Đại đế Alexander đã mở rộng đế quốc Hy lạp từ phía Tây đến biên cương Ấn rồi dừng lại ở vùng sông Bès (bây giờ là Lahore, Pakistan). Sau khi Alexander qua đời ở Babylon vào năm 323 TTL, Chandragupta Maurya lúc bấy giờ đã lật đổ triều đại Nanda vào năm 321 TTL đẩy lui nhiều đợt quân xâm lăng của Seleucus Nicator I, kẻ kế vị Alexander ở vùng Afghanistan, Baluchistan và Pakistan bây giờ, rồi mở rộng bờ cõi xuống phía tây nam đến Gujatt và thung lũng Daccan. Vua Chandragupta Maurya (trị vì từ 321 đến 298 TTL) đã dời đô đến Pâtaliputrâ (Thành Hoa Thị; tức thành phố Patna ngày nay) vốn là một pháo đài kiên cố trấn ngự ở châu thổ giao tiếp của hai con sông chính là Ganga (Hằng Hà) và sông Sona.

Sự sinh hoạt và cai trị theo lối trung ương tập quyền và những chính sách ngoại giao khéo léo của triều đại Chandragupta Maurya đã được ghi lại trong cuốn Arthasastra bởi Kautilya (còn được biết dưới tên Chanakya), là tể tướng của triều ông. Ngoài ra nhiều đoạn của một báo cáo do sứ thần của vua Seleucus tên là Megathenes ghi lại còn tồn tại đến nay qua sự trích dẫn của các sử gia Hy-La. Đến đời vua Bindusàra Maurya (trị vì từ 298 – 273 TTL) thì đế quốc này còn bành trướng thêm nữa từ Kashmir ở phía bắc đến Karntaka ở phía nam, và từ châu thổ sông Hằng ở phía đông sang đến mạn nam và đông của xứ Afghanistan bây giờ. Đế quốc Maurya đã nổi tiếng với những thành phố lớn phồn thịnh như Takshasila, Ujjain, Vidisha, Tosali, và Suvarnagiri.

Đến đời Hoàng Đế Asoka Maurya (còn được ghi là Ashoka, dịch là A Dục Vương, hay A-du-Ca: có nghĩa là Vô Ưu), vị vua thứ ba của triều đại Maurya, ông kế tiếp chính sách bá quyền, và thâu tóm gần hết tiểu lục địa Ấn. Đế quốc của ông hùng mạnh tột đỉnh và ông đã để lại cho hậu thế một chứng liệu miên viễn bằng đá, dưới dạng những pháp dụ, bởi nếu không thì những điều nói về vua Asoka chỉ được biết qua những huyền thoại ghi lại trong những kỷ yếu viết bởi các tăng sĩ Phật giáo ở Tích-Lan và Ấn như các bộ Divyavadana, Asokavadana, Mahavamsa vv..

Hoàng Đế Asoka Maurya sinh năm 304 TTL, lên ngôi năm 269 TTL lúc 35 tuổi, trị vì được 38 năm và mất năm 232 TTL thọ 73 tuổi. Ông là vị vua vĩ đại nhất của Ấn, và là vị hoàng đế đầu tiên đã cai trị một đế quốc Ấn rộng lớn.

Dựa vào bộ Mahàvamsa (Đại Sử) đã được biên soạn bởi tăng già ở Tích-Lan thì ngay sau khi vua cha là Bindusàra băng hà vào năm 273 TTL, đã có sự tranh dành ngôi vua rất gay gắt giữa các hoàng tử trong 4 năm. Giai đoạn này Sử ghi là thời không vua (Interregnum). Rốt cục Asoka, với sự hổ trợ đắc lực của vài đại thần ở kinh đô Pâtaliputrâ (Thành Hoa Thị), đã thành công và lên ngôi vào năm 269 TTL.

Tám năm sau khi kế vị vua cha, hoàng đế Asoka xua quân đánh chiếm nước Kalinga dọc vùng duyên hải mạn đôâng, nay là bang Orissa vì xứ này giàu có nhờ quặng mo,õ sung túc nhờ vựa lúa, vàvị trí hàng hải thuận lợi dẫn đến vùng thung lũng Krishna đầy mõ vàng và đá quí. Chiến dịch thành công nhưng đẩm máu. Theo các pháp dụ do ông sai khắc lên đá thì cuộc xâm lăng này đã làm cho 150 ngàn nguòi bị bắt làm nô lệ hoặc bị đầy ải, 100 ngàn quân sĩ bị giết, số thường dân bị sát hại còn cao hơn nhiều lần.

Trước trận Kalinga hai năm, có vẽ như là vua Asoka đã trở thành một Phật tử sau khi nghe vị Sa-di Nigrodha (Ni-câu-thuật) thuyết pháp, nhưng không mấy nhiệt tâm (xem Tiểu thạch pháp dụ số 1), mãi đến sau khi chứng kiến thảm cảnh đau thương của chiến dịch này ôâng quá xúc động và rất hối hận, rồi từ đó quyết từ bõ chiến tranh xâm lấn và hồi tâm để trở nên một Upàsaka (Ưu-bà-tắc: cư-sĩ Phật tử) thuần thành. Suốt quảng đời còn lại ông đã kiên trì ứng dụng Phật pháp vào việc trị nước một cách đầy nhân ái mà ông gọi là dhammavijaya (pháp chinh phục), và đã ủng hộ Phật giáo phát triển sâu rộng không những trên toàn đế quốc ông cai trị mà còn truyền bá đến các nước lân bang. Những sự kiện này xảy ra khoảng hai thế kỷ sau khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt.

Bộ Mahavamsa - vốn được viết trong tinh thần tôn giáo với nhiều huyền thoại với dụng ý răn đời đã muốn đề cao Asoka từ khi trở thành Phật tử đã từ bõ quá khứ đầy ác nghiệp, từ một Candàsoka (A-Dục Vương bạo chúa) trở thành Dhammàsoka (A-Dục Vương mộ Pháp) – nên bộ này đã ghi rằng trong cuộc tranh dành ngôi vua, Asoka đã giết 99 người trong số 100 anh em của mình, chỉ còn để sót lại một người tên là Tissa. Thực ra không có chứng cớ khả tín về điều này, vã lại trong Đại thạch Pháp dụ số 5 được ban ra 11 năm sau khi ông lên ngôi còn cho thấy vua Asoka nhắc đến anh chị em mình. Các học giả tin rằng trong vụ tranh ngôi này chỉ có một người anh (hay em) đã bị sát hại mà thôi. Hơn nữa với thời gian trị vì của ông, ngoài hai sự kiện là tranh dành ngôi vua và cuộc xâm lăng Kalinga trong 8 năm đầu, suốt quảng 30 năm còn lại ông đã trở thành một hoàng đế nhân từ đem Chánh Pháp ra ứng dụng vào đời, chứ không tàn bạo như Nero của La Mã hay Trụ Kịệt, Tần Thuỷ Hoàng của Trung Quốc, nên vịệc gán cho ông xú danh Candasoka xem ra thiếu cơ sở. Nhiều học giả nghiêm túc còn so sánh ông với những vĩ nhân khác như Hammurabi của Babylon, Charlemagne của đế quốc Tây Âu hậu La Mã hay Akbar của đế quốc Mogul.

Nhiều cổ thư ở Tích-Lan đã ghi lại sự kiện là Asoka nhờ đã áp dụng chính sách chinh phục ôn hoà bằng Chánh Pháp mà ông đã khôn khéo ổn định đời sống chính trị toàn vùng và nhiều lần dẹp yên các cuộc nổi loạn mà không đổ máu; trong đó đáng kể là cuộc nổi loạn của dân ở thành Takshasila thuộc vùng Gandhara chống lại sự áp bức hà khắc của quan cai trị địa phương. Về sau Gandhara trở thành thịnh địa của Phật giáo, mà từ đó phái Đại thừa phát triển qua phương Đông.

Để thần dân thông hiểu chính được những sự cải cách trong chính sách cai trị mới và những nguyên tắc về đạo đức ông đặt ra dựa theo Chánh Pháp cốt tạo dựng nên một xã hội đầy nhân bản và công chính hơn, Asoka đã ra lệnh khắc những pháp dụ này lên đá - có khi gọi là Lời ghi chánh pháp (dharmalipi) , có khi lại gọi là pháp lệnh (dharma-sravana) - đồng thời cho rao truyền rộng rãi khắp nơi trong nước. Những pháp dụkhắc trên đá của vua Asoka đã minh họa được hình ảnh của một vị minh quân luôn nhiệt tâm thực thi Chánh Pháp của Phật dạy để mang lại cho trăm họ một đời sống hiền hoà, no ấm phúc lợi, nhưng vẫn không cho biết thêm chi tiết nào về cuộc đời của ông.

Sự khai thị về các Pháp dụ của Asoka được xem như chỉ là gần đây mà thôi. Người nghiên cứu đầu tiên lại là một tu sĩ Thiên Chúa giáo, khi cha Tieffenthaler khảo sát những mảnh của pháp trụ Meerut tại Delhi vào năm 1756, nhưng không hiểu được nội dung. Mãi đến năm 1837 những pháp dụ của Asoka mới được nhà khảo cổ James Prinsep giải ám mã lần đầu tiên, rồi từ đó những pháp dụ được dịch thuật và in ấn quảng bá khắp nơi.

Ban đầu Prinsep thấy rằng những dụ này đã được ban ra bởi một vị vua tự gọi mình là "Vua Piyadasi, Thiên tử" (phỏng từ "Beloved-of-the-Gods, King Piyadasi") hoặc "Devanampiya Piyadasi, Thiên tử, Người Nhìn Xuống với Từ Tâm" ("Beloved-of-the-Gods, He Who Looks On With Affection"). Các học giả phỏng đoán Vua Piyadasi có thể là Vua Asoka, thường được xưng tụng trong các huyền thoại Phật giáo. Cho mãi đến năm 1915, khi một pháp dụ khác được tìm thấy với tên vua Asoka, người ta mới khẳng định được rằng cả hai chính là một, đó là hoàng đế Asoka, và từ đó, sau hơn hai ngàn năm bị quên lãng, những pháp dụkhắc trên đá này của vua Asoka bỗng dưng làm sáng tõ thêm về một con người vĩ đại của lịch sử Ấn và của cả nhân loại, chứ không còn là một nhân vật chỉ đuọc biết đến qua huyền thoại. Một câu ghi lại trên đá đã phản ánh chiều hướng tâm linh của Asoka: "Tất cả thần dân là con của ta. Vì là con của ta, họ phải được chu cấp đầy đủ an sinh và phúc lợi trong đời này và đời sau, như ta vẫn hằng mong.”

Theo giáo sư Romila Thapar về môn Lịch sử Ấn cổ tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi thì hệ văn tự của các Pháp dụ này được xem là văn hệ sớm nhất của Ấn có thể nghiên cứu được. Văn hệ cổ hơn mà người ta khám phá ở Harappa thuộc văn minh thung lũng sông Indus chỉ là những nét vẽ tượng hình trên dấu mộc, vật trang sức và lọ gốm mà đến nay vẫn chưa ai hiểu được ý nghĩa.

Những pháp dụ khắc đá của vua Asoka đánh dấu thời kỳ chuyển biến từ khẩu truyền sang văn tự của xã hội Ấn vì chúng là những chữ tượng âm chứ không tượng hình như xưa. Nghiên cứu kỹ những bia ký, người ta thấy Hoàng Đế Asoka cho ghi lại Pháp dụ bằng bốn văn hệ cho ba ngôn ngữ khác nhau. Phần quan trọng và chiếm đại đa số bia ký là ngôn ngữ Prakrit - bấy giờ là ngôn ngữ đàm thoại phổ thông của xứ Magadhi, tức là ngôn ngữ chính thức trong triều Asoka, và phần còn lại bằng ngôn ngữ Hy-lạp và Aramaic.

Ngôn ngữ Prakrit lại được viết dưới hai dạng văn hệ Brahmi và Kharoshthi (gần với Sanscrit). Đa số pháp dụ được viết theo văn hệ Brahmi, truyền bá rộng khắp đế quốc. Nhiều học giả cho rằng văn hệ Brahmi do triều đại Maurya sáng tạo bởi nhu cầu hành chánh trong việc cai trị một đế quốc rộng lớn. Nó là dạng chuyển tiếp giữa Sanscrit xuất phát từ vùng tây bắc Ấn (thường dùng trong giới thần học, triết học, hoặc huyền học) và ngôn ngữ hiện đại Indo-European của Ấn. Văn hệ Brahmi, dù vậy cũng bị biến dạng đôi chút theo phát âm ở từng địa phương, ví dụ văn hệ để viết tiếng Tamil ở vùng phía nam vốn cải biên từ hệ Brahmi.

Sự sử dụng ngôn ngữ Prakrit trong các Pháp dụ cũng cho thấy rằng Asoka muốn đem Chánh pháp ra ứng dụng với đời thường chứ không chỉ để một số tăng lữ dùng để bàn luận theo ngôn ngữ Sanscrit. Văn phong dùng thể nói chuyện rất bình dân dễ hiểu và thuòng lập đi lập lại, cứ như Hoàng Đế muốn trực tiếp nói với quần chúng, chứ không kiểu cách cầu kỳ như các quốc vương khác đương thời hay xử dụng. Qua đấy nhiều học giả đã nhìn thấy bản tính bộc trực chân thật của Asoka.

Rất ít bản khắc bằng văn hệ Kharoshthi và bằng ngôn ngữ Hy-lạp và Aramaic. Những bản này chỉ thấy ở vùng tây bắc thuộc Afghanistan bây giờ, nơi có nhiều dân nói được hai ngôn ngữ ấy. Không rõ là những Pháp dụ thuộc loại này đã được triều đình ra lệnh hay là do các quan cai trị địa phương làm ra như là một bản dịch cho dân trong vùng, vốn đa chủng hỗn tạp. Trên một trong những pháp dụ ở vùng này, Hoàng Đế Asoka đã kể ra tên của 5 vị vua các nước phương tây đồng thời có bang giao, nhờ vậy đã giúp nhiều cho vịệc nghiên cứu sử đối chiếu. Đó là các vua Antiyoka (Anh ngữ: Antiochos II Theos ở Syria: 261- 246 TTL), Turamaya (Ptolemy II Philadelphos của Ai cập: 285 – 247 TTL), Antikini (Antigonos Gonatas của Macedonia: 278 - 239 TTL), Maka (Magas của Cyrene: 300 – 258 TTL) và Alikasudara (Alexander của Epirus: 272 – 258 TTT).

Dựa vào các bia ký bằng Hy ngữ vàAramaic này mà các nhà nghiên cứu Tây phương hiễu được những từ tương tự ở bản Prakrit. Nhưng cũng chính vì vậy đã gây khá nhiều ngộ nhận, ví dụ từ dharma lại không có lấy một chữ gốc Hy và Aramaic (và cả Anh ngữ ngày nay) tương đồng để dịch và ngay trong các bản văn bằng Hy ngữ vàAramaic này cũng không có nơi nào đề cập đến Đức Phật. Cho nên nhiều dịch giả phải phỏng dịch ra như là: thương xót (piety), đức hạnh (virtue), bổn phận thiêng liêng (sacred duty), hoặc dùng nguyên ngữ là dharma dạy bởi Đức Phật (the dharma taught by the Buddha). Trong bản khắc bằng Hy ngữ lại được ghi là eusebeia, với một nghĩa rất tổng quát như vừa kể.

Chính vì dựa vào những ngộ nhận này mà nhiều học giả Tây phương nghi ngờ rằng chữ dharma Asoka đã dùng không phải mang một nghĩa như Chánh pháp của đạo Phật mà là những khuyến dụ về đạo đức xã hội nói chung. Có kẻ còn bảo rằng vì trên những bia ký chẳng hề thấy Asoka đề cập đến giáo lý căn bản của Phật giáo như là Luân hồi (samsàra), Giải thoát (mokkha), Niết-bàn (nibbàna), Vô ngã (anatta), Bát Chánh Đạo (atthangika-magga), hay Tứ Diệu Đế (cattari ariya-saccani) nên đã giải thích chữ dharma theo lối suy diễn ngoại đạo chủ quan của mình. Thật là đáng tiếc, vì họ quên rằng dù Asoka đã trở thành một cư-sĩ Phật tử nhưng ông phải cai trị một đế quốc rộng lớn như một minh quân, phải công bằng với thần dân vốn đa dạng và đa tín ngưỡng, ở một xã hội có nền văn hoá bao dung chứ không cuồng tín độc tôn, độc thần. Asoka không thể nào dùng những ngôn từ thuần Phật pháp để phủ dụ thần dân được.

Nhưng qua một vài pháp dụ riêng cho tăng già ví dụ tiểu thạch pháp dụ số 3 hay còn gọi là Pháp dụ Bairàt, thì không còn nghi ngờ gì nữa về đức tin Phật giáo của Asoka. Trong dụ này sau lời vấn an tăng già, ông xác định đức tin vĩ đại của ông vào Phật, Pháp và Tăng. Ông bảo rằng tất cả pháp do Đức Phật thuyết giảng đều là chân diệu pháp và ông muốn nó được trường tồn. Ông còn cho ghi ra tên của 7 bản kinh để Tăng-già thường xuyên tu học.

Những pháp dụ khắc đá nói chung nhắm vào nhiều thành phần là các quan chức dưới triều, giới tăng già, và thần dân. Đối với thành phần đầu thì ông quan tâm đến sự an sinh phúc lợi của dân chúng, và kêu gọi các quan chức nên đề cao đạo đức và nhịêm vụ xã hội để cai trị dân tốt hơn. Ở thành phần giữa thì ông quan tâm đến việc tu tập của tăng chúng và vịệc điều hành các tịnh xá. Ở thành phần sau thì ông chỉ khuyến khích việc ăn ở theo Chánh pháp (Dharma).

Vua Asoka còn thường xuyên tuần du thiên ha, gọi là những chuyến vi hành Pháp (dhammayàtras) để giảng dạy Chánh pháp cho mọi người. Ông còn ra lệnh cho các quan đại thần cũng nên làm như thế. Hoàng Đế Asoka tự cho mình có trách nhiệm phải giải nghĩa, công bố và rao giảng Chánh Pháp (Dharma). Với sự minh mẫn siêu việt, Asoka đã chỉ ra trong đời thường, nó là sự tương tác nhiều mặt của đời sống đạo đức: Nó phản ánh những trách nhiệm và bổn phận của con người tuỳ vào vị trí của mình trong xã hội; nó phản ánh cái trật tự trong vũ trụ và chân lý cảm nhận được trong cái trật tự đó; nó là mối dây ràng buộc con người trong gia đình, xã hội, tôn giáo và đất nước; nó là cái tri kiến cơ bản làm nền tảng cho sự thông cảm và an hoà, vốn được biểu lộ khác nhau bởi các nền văn hoá và tôn giáo dị biệt; nó là sự chỉ đạo cho hành động và sự tự giác và hạnh phúc; nó chỉ đạt được bằng hành động, phát triễn thêm bằng thực hành, và bảo vệ bằng luật lệ, và nhờ vậy nó tạo nên cơ sở cho chính sách, giáo dục và công lý; nó được khám phá bằng tự quán, thiền định, và chuyển hoá, và nó đưa dần đến việc từ bõ những điều không thích nghi với nó. Suốt thời trị vì, ông đã kiên trì thực thi những tin tưởng của mình cho đến cuối đời khi ông đồng hoá với quan niệm chakraqvartin, (Chuyển luân vương); tự cho mình là một minh quân đang vận hành bánh xe chánh pháp khắp nơi để bảo toàn sự an sinh phúc lợi cho mọi người.

Ôâng lại đặt ra một bộ gọi là "Bộ thực thi Chánh pháp hay Bộ Pháp Hành", bổ nhiệm các quan đại thần gọi là dharmamahàmàtras (Pháp đại thần) vào năm 257 TTL (theo dụ số V, 13 năm sau khi ông lên ngôi) chuyên trông coi mọi công tác phúc lợi xã hội của người dân, quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu của phụ nữ, của dân sống ở biên cương, đến các cộng đồng tôn giáo khác nhau và phải vô tư khi thi hành công lý. Ôâng còn phủ dụ cho các quan chức các cấp nên thuyết phục dân trong vịệc ứng dụng Chánh pháp vào đời sống thường ngày hơn là ép buộc bằng lệnh lạc. Ôâng cũng uỷ thêm quyền cho những phán quan ở khắp nơi để ngăn ngừa sự chểnh mảng công tác, cũng như tránh việc đối xử dã man với súc vật và giải quyết nhanh chóng những khó khăn gặp phải. Pháp dụ còn liệt kê những thú rừng được triều đình bảo vệ không được săn bán. Ông còn ra lệnh là những việc khẩn cấp cần phải được đệ đạt đến ông ngay.

Những thành tựu đáng kể còn được ca tụng đến bây giờ là việc xây cất nhiều bệnh viện cho người và gia súc, cũng như cho trồng nhiều khu vườn thảo dược, việc xây dựng rộng rải một hệ thống đường sá với hàng cây đa và xoài phủ bóng bên lề, với giếng đào và nhà nghỉ dọc đường ở từng khoảng đều đặn cho khách lữ hành. Hệ thống giao thông này đã làm cho việc thương mại và hành chánh của đế quốc Maurya phát triễn thuận lợi nhiều mặt.

Đối với thần dân ít khai ngộ thì Hoàng Đế Asoka khuyến khích việc ứng dụng Chánh Pháp vào đời sống hằng ngày bằng thực hành những giới đức chân thật (sace), từ bi, ôn hòa (daya), tử tế với mọi người (samya pratipati) hơn là thường bày trò cúng tế cầu xin ơn phước; nên thường bố thí (dana) cho người nghèo khổ (kapana valaka), cho các vị tu hành, bạn bè, thân nhân vv..; hạn chế sát sinh, không hành hạ súc vật (avihisa bhutanam); không xa xỉ, không tham cầu, và tránh dữ làm lành (apa vyayata apa bhadata) [tựa theo lời dạy trong Kinh Tăng nhất A-hàm (Anguttara Nikaya, II:282)]; biết kính trọng các bậc trưởng thượng như cha mẹ, ông bà, sư phụ, và cả đối với bạn bè, tôi tớ và thầy cúng tế bà la môn [tương tự lời dạy của Đức Phật trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) Đoạn 31]. Ông dạy rằng nếu làm được như thế thì sẽ mang lại công đức vô lường.

Ông không đề ra và bắt phải theo một nghi lễ tôn giáo độc đoán nào, nhưng chỉ thuyết về Phật giáo riêng với giới tăng già mà thôi. Đối với các tôn giáo khác đương thời, gồm có Ấn giáo, Kỳ na giáo và giáo phái Ajivika chuyên tu khổ hạnh, ông rất công bằng và khuyến khích sống đời đạo hạnh (bhava sudhi), nhiệt tâm (usahena), tôn trọng lẫn nhau, đề cao giá trị nội tâm (bahu sruta), tự chế (sayame) và ngăn cấm việc xung đột tôn giáo. Ông đã không ngừng học hỏi đàm đạo với các vị chân tu của các tôn giáo.

Về hình thức thì các Pháp dụ đã được phân loại theo dạng bề mặt đã được chạm khắc: mặt núi đá tảng, trụ đá và hang động. Ngay cả bề mặt của vật liệu và nơi chốn cũng hàm cái dụng công của nó, cho nên nội dung của Pháp dụ cũng đổi thay tương ứng. Dựa vào các pháp dụ này mà người ta có thể đoán được niên kỷ của các sự kiện trong thời Asoka trị vì.

Có thể phân biệt được hai giai đoạn các bia ký được tạo ra. Giai đoạn đầu, 11 năm sau khi Asoka lên ngôi, các pháp dụ đước khắc trên vách đá một cách thô thiển, và tuỳ vào nội dung dài ngắn mà còn chia ra là Đại Thạch Pháp dụ (Major Rock Edicts) và Tiểu Thạch Pháp dụ (Minor Rock Edicts). Những Thạch Pháp dụ này thường được khắc trên những tảng núi đá lớn đến nay đã bị hư hỏng khá nhiều. Lấy trường hợp bia ký ở Sopara, chỉ vài mảnh của dụ VIII và IX còn sót lại. Nhờ vào những văn bản khác còn được bảo quản tốt mà người ta đọc được những đoạn bị mất ở những pháp dụ bị hư hỏng.

Cho đến nay người ta phát hiện có 14 đại thạch pháp dụ mang nội dung rất rộng rãi từ việc hạn chế sát sinh đến cung cấp các dịch vụ phúc lợi và y tế, rồi đến cuộc chiến ở Kalinga và những tác dụng của nó. Lại thêm hai pháp dụ Kalinga đựơc ban ra vào năm măm 259 TTL, có học giả còn gọi là pháp dụ số 15 và 16. (mà nội dung tương tự như 3 pháp dụ đã bị hư hõng, là các pháp dụ số XI: nói về việc cứu tế và sự tương thân của nhân loại, số XII: nói về sự khoan dung tôn giáo và XIII: nói về cuộc chíến tranh ở Kalinga, sự hồi tâm của Asoka). Hai pháp dụ này cũng có lời dành cho các quan cai trị vùng mới chiếm, nói về những vấn đề đạo đức, thi hành công lý, vấn đề làm giảm căng thẳng với lân bang và cải thiện hoà bình liên quốc.

Mười bốn đại thạch pháp dụ kể trên được tìm thấy ở 6 nơi khác nhau gồm: hai nơi gần biên giới phía tây của đế quốc Maurya bên biển Ả Rập là Sopara thuộc bang Bombay và Girnar thuộc bang Saurahtra; hai nơi gần biên giới tây bắc là Mansehra và Shahbazgarhi ở vùng tây Pakistan; một nơi ở phía bắc là Kalsi thuộc Uttar Pradesh và một ở phía nam Erragudi thuộc Andhra Pradesh. Mười một đại thạch pháp dụ cùng với 2 pháp dụ Kalinga còn được tìm thấy ở Dhauli và Jaugada thuộc Orissa, gần bờ biển phía đông bên vịnh Bengal.

Những Tiểu Thạch Pháp dụ có lẽ đã được ban ra vào năm 260 TTL và là những Pháp dụ đầu tiên, cùng lúc với những chuyến vi hành Pháp bắt đầu. Chúng tập trung hầu hết ở phía giữa và nam của đế quốc gồm Tiểu Thạch Pháp dụ I, được tìm thấy tại 7 nơi ở bắc Ấn và Hyderabad: là Bairat, Gavimath, Maski, Palkigundu, Gujarra, Rupnath và Sahasram. Tiểu Thạch Pháp dụ II được tìm thấy tại 5 nơi ở phía nam là Brahmagiri, Jatinga-Ramesvara và Siddaoura thuộc bang Mysore, Erragudi và Rajula-Mandagiri thuộc bang Andhra. Tiểu Thạch Pháp dụ III (pháp dụ dành cho tăng già ban ra vào năm thứ 12 sau khi lên ngôi) được tìm thấy ở Bairat.

Ở giai đoạn sau, vào năm thứ 27 đến 28 dưới triều của hoàng đế Asoka, những pháp dụ mới đươc khắc lên trên những cột đá đánh chà bóng loáng, được dựng lên ở nhiều thành phố quan trọng trong thung lũng sông Hằng và các đường lớn trong đế quốc, thường được gọi là Thạch trụ Pháp dụ (Pillar Edicts). Lúc ban đầu có lẽ có rất nhiều pháp trụ được dựng lên, nhưng đến nay chỉ còn lại có 10 trụ mà thôi. Mồi trụ trung bình cao khoảng từ 12 đến 15 thước, nặng đến 50 tấn. Trên đầu mỗi trụ đều được điêu khắc những hình tượng thật tinh xảo như sư tử gầm, con bò thần hay con ngựa thánh vv.. Tất cả thạch trụ đều được lấy từ các mõ ở Chunar, phía nam Varanasi và được kéo đến nơi được dựng lên, nhiều khi xa cả hàng trăm dặm. Dù sau bao nhiêu thế kỷ phơi giữa mưa nắng gió sương vậy mà nước bóng láng vẫn còn sáng như gương, đủ nói lên chất lượng cao tuyệt của nghệ thuật tạc đá của Ấn thời bấy giờ.

Hai đại sư Trung quốc hành hương Tây trúc (Aán) là Pháp Hiển (Fa Hien: 401 – 410 TL.) ghi là đã nhìn thấy 6 pháp trụ, và Huyền Trang (Hiuen Tsang hay Yuan Chwang: 629 – 645 TL) thì đã thấy 15, trong số ấy ngày nay chỉ 2 còn tồn tại đúng theo lời Huyền Trang mô tả trong ký sự. Những pháp thạch trụ dựng ở Meerut và Topra đã được vua Sultan Driuz Shah dời về Delhi ở thế kỷ 14. Trụ tại Kausambi (thuộc bang Kosam ngày nay) cũng đã được vua Akbar dời về Allahabad ở thế kỷ 16. Một số lớn khác có lẽ đã bị chôn vùi, che phủ bởi rừng rậm theo thời gian thăng trầm, vật đổi sao dời.

Các Thạch trụ Pháp dụ này gồm 7 dụ mà nội dung tương đối đơn giản: bắt đầu bằng hai trụ nói về tự tánh của Chánh pháp, đến 3 trụ nói về sự ứng dụng Chánh pháp vào việc chế ngự ác nghiệp và tham ái, việc truyền bá đạo đức và công lý, và những qui định về việc sát hại súc vật và tiệc tùng công cộng, và kết thúc với một pháp dụ (hoặc 2 như trong trường hợp của trụ Topra) nói về phương thức truyền bá đạo đức. Những thạch trụ Pháp dụ này đã được tìm thấy ở rãi rác trên 30 nới kháp toàn cõi đế quốc Maurya bao gồm Ấn độ, Nepal, Pakistan và Afghanistan ngày nay, như Meerut và Kausambi thuộc Utter Pradesh, Lauriya-Araraj, Lauriya-Nandangarh và Rampurva thuộc Bihar. Một trụ khác với dụ thứ 7 lại được tìm thấy tại Topra thuộc vùng đông Punjab. Văn bản của bia ký trên các Thạch trụ Pháp dụ này giống hệt nhau.

Trụ Allahabad lại có khắc thêm 2 dụ khác. Dụ thứ nhất, có khi được gọi là tiểu thạch trụ pháp du I, cũng còn thấy xuất hiện ở Sanchi thuộc bang Bhopal và tại Sarnath thuộc bang Uttar Pradesh. Bia ký không được bảo quản tốt nên văn bản của bia ký trên trụ ở ba nơi có nhiều thay đổi.

Trụ tại Sarnath (nơi có vườn nai: Lộc Uyển) lại còn khắc thêm phần tiếp theo của dụ trên trụ Allahabad, còn gọi là tiểu thạch trụ pháp dụ II. Ngày nay chính phủ Ấn dùng hình tạc bốn con sư tử đâu lưng với nhau trên thạch trụ Sarnath làm biểu tượng quốc gia. Dụ còn lại thứ hai trên trụ Allahabad có khi được gọi là tiểu thạch trụ pháp dụ III, là quà tặng của một bà hoàng hậu của vua Asoka, nên còn được gọi là Pháp dụ của Hoàng hậu.

Hai trụ tìm thấy ở Nepal là trụ ghi dấu thánh địa, một ở Rummindei hay Lumbini, nơi đức Phật đản sanh, một gần hồ lớn Nigali Sagar, gần tháp giữ xá lợi của cổ Phật Kanakamuni.

Những pháp dụ hang động (The Cave Edicts) được tìm thấy ở 3 trong số 4 hang trong dãy núi Barabar thuộc bang Bihar. Trong 2 hang trước có bia ký của Hoàng đế Asoka ghi vào năm thứ 12, hang thứ ba ghi năm thứ 19 sau khi ông lên ngôi, tặng các hang động như là nơi cư trú cho các nhà tu khổ hạnh thuộc giáo phái Ajivika, mà giáo chủ là Gosala cùng thời với Đức Thích Ca. Trong hang thứ 4 thì bia ký được ghi lại thuộc thế kỷ thứ 5 TL sau này. Ở một nơi khác là đồi Nagarjuni có 3 hang động nữa chứa bia ký đề tặng cho tu sĩ phái Ajivika của một vị vua dùng tước vị "Thiên tử ", nhưng lại do vua Dasaratha, cháu của hoàng đế Asoka cho dựng lên.

Vị trí của Hoàng đế Asoka trong Phật giáo thật là vinh hiễn, có thể nói là được tôn sùng lên hàng Hộ Pháp Vương. Những công đức của ông thường được giới Phật tử ca tụng là lòng sùng bái và hổ trợï Phật giáo của ông. Asoka cho xây cất nhiều tháp thờ xá lợi Phật (stùpa), nhiều tịnh xá (vihàra). Kinh sách còn ghi là 84 ngàn vihàras ở 84 ngàn thị trấn, và ngôi lớn nhất Asokàràma ở ngay kinh đô để vua thường đến cúng bái. Ông đã chu cấp thực phẩm cho hàng trăm ngàn tăng ni, vì thế thời bấy giờ đã có nhiều kẽ xấu lợi dụng khoác áo nhà tu gia nhập tăng chúng để được sống an nhàn. Điều này đã đưa đến tình trạng suy đồi trong việc tu tập Phật pháp. Khi biết ra tệ nạn, Asoka liền ra lệnh cho thanh lọc hàng ngũ tăng già và đã loại bõ đến 60 ngàn kẽ ngụy danh và ăn bám trước kỳ Đại hội kiết tập kinh điển (sangìti) lần thứ 3 tại kinh đô Pâtaliputrâ do ông bảo trợ.

Ông thường đi hành hương chiêm bái những Phật tích và cho dựng những cột trụ đá tán thán, mà gần đây nhiều cuộc khảo cổ đã phát hiện được ở Lumbini nơi Đức Thích Ca đản sanh, hay ở Bồ đề Đạo tràng (Bodh Gaya) mà thời ấy được gọi là Sambodhi hay Vajirasana. Riêng thạch trụ ở Bồ đề Đạo tràng lại có khắc Pháp dụ số VIII ban ra vào năm thứ 10 sau khi ông đăng quang. Ông còn đề ra một chương trình tu hïoc Phật pháp cho tín đồ. Ông cũng cho dựng những trụ đá ghi sự liễu ngộ Phật pháp của ông (như trên Tiểu thạch pháp dụ). Ông thường trực tiếp phân xử những cuộc tranh luận giữa các tông phái và cương quyết ngăn chặn những sự phân hoá trong tăng già.

Cũng nhờ sự hộ pháp của ông mà Phật giáo đã được lan rộng khắp đế quốc Maurya, và đến các nước lân cận. Cũng theo bộ Mahavamsa ở Tích Lan thi khi Hội đồng tăng già trong nước quyết định muốn truyền bá Phật pháp ra nước ngoài, vua Asoka liền giúp đở tích cực, còn phái ngay cả hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta, (và về sau cả đứa cháu Sumana) vào đoàn truyền giáo xuống Tích Lan vào năm thứ sáu dưới triều của ông, cũng như gởi những đoàn khác đến vùng Đông Nam Á và Trung Á. Ông còn gởi những đoàn sứ giả (duta) đến 5 nước phía tây thuộc đế quốc Hy lạp mãi đến vùng biển Địa Trung Hải (Mediteranean) từ Syria đến Macedonia, như đã ghi trong pháp dụ số XIII.

Trong khi những đoàn truyền giáo qua hướng tây không mấy thành công thì những tăng đoàn hoằng hoá do hoàng tử Mahinda và công chúa Sanghamitta hướng dẫn xuống phía nam lại thành công rực rỡ. Ngay từ buổi đầu cho đến nay Phật giáo đã trở thành quốc giáo ở Tích Lan. Có truyền thuyết cho rằng phái Thượng toạ bộ còn được truyền đến Miến Điện từ Tích Lan dưới triều Asoka, nhưng ai cũng bíết rằng Phật giáo chỉ du nhập Miến vào khoảng từ thế kỷ thứ 5 TL.

Đáng tiếc là sau khi ông mất vào năm 232 TTL thì đế quốc Maurya rộng lớn cũng tan rã theo khoảng 50 năm sau, và rồi bị giòng họ Shungas thay thế; và những công tác phúc lợi xã hội do ông đề xướng cũng không kéo dài được lâu trừ những pháp dụ khắc vào đá và ảnh hưởng truyền bá đạo Phật qua Đông Phương.

PHẦN 2: NỘI DUNG NHỮNG PHÁP DỤ KHẮC TRÊN ĐÁ
CỦA ĐẠI ĐẾ ASOKA MAURYA (304 TTL. – 232 TTL.)

Lời thưa trước: Hiện nay có khá nhiều bản dịch ra Anh ngữ về những Pháp dụ của Vua Asoka vốn được viết bằng tiếng Brahmi (Prakrit). Bản dịch Việt ngữ này đã dựa vào 2 bản Anh ngữ phổ thông nhất và được nhìn dưới 2 góc độ tiêu biểu: 1) Giới hàn lâm, của các tác giả Nayarayanrao Appurao Nikam và Richard McKeon thuộc Viện Đại học Chicago, ấn hành năm 1959 (Viết tắt "Bản Nikam") và 2) Giới tăng già, của Đại đức S. Dhammika thuộc Buddhist Publication Society, Sri Lanka, ấn hành năm 1993 (Viết tắt "Bản Dhammika"). Quí độc giả có thể vào trang http://www.accesstoinsight.org để xem bản Dhammika. Tuy vậy, trong khi đối chiếu để làm rõ nghĩa hơn giữa 2 bản này chúng tôi nhận thấy rằng ngoài những khác biệt về văn phong, ở vài đoạn các dịch giả nói trên đã có lối diễn dịch khác hẳn nhau. Vì thế chúng tôi đã cân nhắc chọn lối dịch nào gần với tinh thần nội dung của Pháp dụ để chuyển ra Việt ngữ, và dùng những từ ngữ hợp với đương thời hơn. Ngoài ra ngay dưới mỗi Pháp dụ, chúng tôi thêm phần ghi chú và nhận xét riêng (NXR) để giải thích những khác biệt, thay vì để ở cuối bài không được tiện dụng. Dù vậy vẫn không thể tránh được những sơ sót. Mong được quí vị cao minh chỉ giáo. Xin gởi góp ý đến [email protected]. Mong bài viết này đóng góp phần nào vào tài liệu Sử Phật Giáo. Đa tạ.

A. Mười Bốn Đại Thạch Pháp Dụ

ĐTPD I

Thiên tử, Vua Piyadasi, ban lệnh cho ghi pháp dụ này [1]. Trong lãnh thổ do trẫm cai trị không sinh linh nào được sát hại hoặc tế sống và không tịệc tùng liên hoan nào được tổ chức, bởi Thiên tử, Vua Piyadasi thấy nhiều điều xấu ác trong những cuộc tụ họp liên hoan ấy. Nhưng Thiên tử, Vua Piyadasi vẫn chuẩn y cho một vài cuộc liên hoan khác.

Trước đây, trong nhà bếp hậu cung của trẫm đã có hằng trăm ngàn sinh thú bị giết hằng ngày để làm thức ăn. Nhưng với Pháp dụ này kể từ nay chỉ có ba loại sinh thú được phép hạ thịt mà thôi, là hai con công và một con nai, nhưng thỉnh thoảng mới làm thịt nai. Và rồi nay mai cả ba thú này cũng sẽ khỏi bị giết.

Ghi chú:

1. Bia ký Girnar, ban vào năm 257 TTL. Bản Nikam còn viết là vua Priyadarsi. Trong các Pháp dụ, Đại đế Asoka luôn tự xưng là Thiên tử, Vua Piyadasi.

ĐTPD II

Khắp nơi [2] thuộc lãnh thổ do Thiên tử, Vua Piyadasi cai trị, và dân cư ngoài biên ải như dân Cholas, dân Pandyas, dân Satiyaputras, dân Keralaputras, và xa hơn nữa dân Tamraparni, và ở xứ Yona (Hy-lạp) do vua Antiyoka cai trị, và vua các xứ lân cận với vua Antiyoka [3]. Thiên tử, Vua Piyadasi ban cho hai loại săn sóc y tế: cho người và cho thú. Nơi nào không có thảo dược để trị liệu, trẫm cho du nhập và trồng. Nơi nào không có cũ rể hoặc trái cây làm thuốc, trẫm cho du nhập và trồng. Dọc các đường trẫm cho đào giếng và trồng cây để người và thú được hưởng lợi [4].

Ghi chú:

2. Bia ký Girnar, ban vào năm 257 TTL.

3. Dân Cholas vàPandyas ở phía nam ngoài đế quốc do vua Asoka cai trị. The Dân Satiyaputras và Keralaputras sống cận duyên vùng tây nam. Tamraparni là tên cổ của Tích Lan (Sri Lanka). Antiyoka tức là Antiochos II Theos của xứ Syria (261-246 TTL).

4. Asoka thực hành lời dạy của Đức Phật trong Samyutta Nikaya (Tương Ứng Bộ Kinh), I:33.

ĐTPD III

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng [5]: Pháp dụ này được ban ra sau mười hai năm trẫm đăng quang – Trẫm lệnh cho các quan Yuktas, Rajjukas và Pradesikas phải tuần du thanh tra khắp nơi thuộc lãnh thổ do trẫm cai trị mỗi 5 năm để huấn dụ Chánh pháp như dưới đây, đồng thời lo các chính sự khác [6].

Biết kính trọng vâng lời cha mẹ là việc tốt, hào phóng với bạn bè, thân hữu, bà con, các bậc tu hành [7] là việc tốt, không sát sanh là việc tốt, biết chừng mực trong tiêu pha và tiết kiệm là việc tốt, tất cả toàn là những điều phước đức.

Triều đình nên báo cho các quan địa phương phải tuân thủ nghiêm chỉnh những điều huấn dụ này đúng ý của trẫm.

Ghi chú:

5. Bia ký Girnar, ban vào năm 257 TTL.

6. Bản Dhammika: Không có tài liệu nào tồn tại cho biết rõ chức năng của các vị quan này. Bản Nikam: đó là các quan cai trị huyện (Yuktas), tỉnh (Rajjukas) và kinh đô (Pradesikas).

7. Bản Nikam: "priests and ascetics"; Bản Dhammika: "Brahmans and ascetics": "tu-sỉ (Bà-la-môn) và đạo sĩ khổ hạnh", chỉ cho giới tu hành thời bấy giờ. Đạo-sĩ khổ hạnh gồm cả các khất sĩ Phật giáo, Ajivika và Kỳ na giáo.

ĐTPD IV

Nhiều trăm năm trong quá khứ, việc sát hại sinh vật, đối xử tệ bạc với bà con, và thiếu tôn kính với các bậc tu hành đã gia tăng [8]. Nhưng nay do việc thực hành Chánh Pháp của Thiên tử, Vua Piyadasi, nên diệu âm của Chánh Pháp thay dần cho tiếng trống [9]. Đã nhiều trăm năm hiện tượïng về những thiên xa, voi lành, sao băng và những cảnh tượng thần linh đã không xảy ra. Nhưng nay do Thiên tử, Vua Piyadasi cổ xúy việc khồng chế sát hại sinh thú, đối xử ân cần với bà con, tôn kính các bậc tu hành, và kính trọng cha mẹ và bậc trưởng thượng, những cảnh tượng điềm lành ấy lại gia tăng [10].

Những điều này cùng với nhiều lối khác thực hành Chánh Pháp đã được Thiên tử, Vua Piyadasi khuyến khích, và ngài sẽ tiếp tục thăng tiến việc thực hành Chánh Pháp. Rồi cũng thế, các con, cháu và chắc của Thiên tử, Vua Piyadasi sẽ tiếp tục thăng tiến việc thực hành Chánh Pháp cho đến hết đời; an trú trong Chánh Pháp thì họ mới giáo huấn dân theo Chánh Pháp được. Thực vậy, giáo huấn theo Chánh Pháp là công tác cao cả. Tuy vậy kẻ thiếu đạo đức thì không thể thực hành Chánh Pháp được, bởi việc thực hành và thăng tiến Chánh Pháp là việc đáng ca tụng.

Pháp dụ này được ghi để những kẻ kế thừa của trẫm hoan hỉ tận lực mình thăng tiến Chánh Pháp và không để suy thoái. Thiên tử, Vua Piyadasi đã lệnh cho Pháp dụ này ghi lại mười hai năm sau khi ngài đăng quang.

Ghi chú:

8. Bia ký Girnar, ban vào năm 257 TTL.

9. Bản Dhammika: muốn nói đến tiếng trống đánh lên khi triều đình trừng phạt những kẽ phạm pháp. Bản Nikam: là tiếng trống trận. NXR: Ý kiến của Nikam và McKeon có vẻ đúng hơn.

10. Bản Dhammika: Giống như mọi người trong thời cổ đại, Asoka tin rằng dưới sự cai trị của một minh quân thì nhiều điềm lành xuất hiện. NXR: Bản dịch của Nikam và McKeon về đoạn này không sát bằng bản của HT. S. Dhammika.

ĐTPD V

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng [11]: Làm điều thịện thực khó. Kẻ nào làm điều thiện là làm được nan sự. Trẩm đã làm nhiều điều thiện, và nếu các con, các cháu và hậu duệ của trẩm, cho đến hết đời noi gương trẩm thì sẽ làm được những điều thật tốt. Nhưng ai trong bọn chúng bỏ bê dù một phần huấn dụ này thì chúng sẽ làm điều ác. Thưc vậy, làm điều ác thì rất dễ [12].

Trong quá khứ không hề có Pháp Đại thần (Dhamma Mahamatras), nhưng mười ba năm sau khi trẫm đăng quang chức vụ này được bổ nhiệm. Từ nay họ được ủy nhiệm làm việc với tất cả các tôn giáo cho việc cũng cố Chánh Pháp, cho sự thăng tiến Chánh Pháp, và cho an sinh và hạnh phúc của tất cả những ai ngưỡng mộ Chánh Pháp. Họ được ủy nhiệm làm việc với dân Yonas (Hy-lạp), dân Kambojas, dân Gandharas, dân Rastrikas, dân Pitinikas, và các dân khác ở biên cương phía tây của lãnh thổ. [13] Họ được ủy nhiệm làm việc với quân sĩ, các cấp chỉ huy, các bậc tu hành, các cư sĩ, [14] kẻ nghèo khó, người già cả, và những ai ngưỡng mộ Chánh Pháp để lo cho sự an sinh và hạnh phúc của họ và để họ khỏi bị nhũng nhiễu.

Các Pháp Đại thần được ủy nhiệm làm việc để cải thiện cách đối xử với tù nhân, đưa đến việc phóng thích chúng, và nếu các Pháp Đại thần nghĩ rằng "Kẻ này có một gánh nặng gia đình", "Kẻ kia bị vu cáo", "kẻ nọ đã già", thì họ tiến hành việc phóng thích các kẻ đó. Họ được ủy nhiệm làm việc khắp nơi, ở đây (nơi bia ký được khắc, dựng), ở những thị trấn xa xôi, trong những hậu cung thuộc các bào huynh hay bào tĩ của trẫm, và hoàng tộc. Các Pháp Đại thần chuyên lo truyền bá Chánh Pháp được cử đi khắp nơi thuộâc lãnh thổ, giữa ngừơi dân ngưỡng mộ Chánh Pháp để xem ai ngưỡng mộ Chánh Pháp, hay an trú trong Chánh Pháp, hay thựïc hành bố thí.

Pháp dụ này được khắc lên đá để nó có thể trường tồn và hậu duệ của trẫm có thể theo đấy mà thực hành.

Ghi chú:

11. Bia ký Kalsi, ban năm 256 TTL.

12. Theo lớiPhật dạy trong "Pháp Cú" (Dhammapada), câu 163.

13. Dân Hy-lạp (Yonas), định cư đông đảo ở vùng mà nay là Afghanistan vàPakistan sau cuộc xâm lăng của Alexander the Great.

14. Trong hai bản đều dịch là "householders: gia trưởng". NXR: Có lẽ Asoka muốn nói đến giới cư sĩ. Theo chúng tôi, dịch là "cư sĩ" thì đúng với tinh thần Pháp dụ hơn.

ĐTPD VI

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: [15] Trong quá khứ, quốc sự hoặc các biểu tấu không hề được đệ trình hoàng thượng thường xuyên. Nhưng nay trẫm ra lệnh này, khi các quan có chuyện bẩm báo về dân tình trong nước thì có thể đến gặp trẫm bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, dù trẫm đang ngự thiện, đang ở trong hậu cung, trong cấm cung, trên long xa, trong ngự giá, trong thượng uyển hay đang cầu nguyện. Và khi một ban bố hay tuyên dương bằng khẩu lệnh, hoặc vì quốc vụ khẩn cấp trẫm ủy quyền cho các Pháp Đại thần, mà gây nên sự bất đồng hay bàn cải trong triều thì phải cấp báo cho trẫm biết ngay bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Đó là mệnh lệnh của trẫm.

Trẫm không hề bao giờ bằng lòng với việc làm và canh cánh cho quốc vụ của trẫm. Trẫm cho rằng viêc thăng tiến an sinh của thần dân là nhiệm vụ cao cả nhất của trẫm, và cốt lõi của việc này là phải chính mình tận lực. Đối với trẫm, không có điều gì quan trọng hơn là viêc thăng tiến an sinh của thần dân, và tất cả những nổ lực của trẫm chỉ là trả cái nợ trẫm mắc chúng sinh để mưu cầu hạnh phúc cho họ trong đời này và đạt đến thiên giới trong kiếp sau.

Vì vậy trẫm lệnh cho Pháp Dụ này được khắc ra để trường tồn và các con, các cháu và chắt của trẫm noi theo vì sự an sinh cho mọi người. Tuy nhiên đây là một việc khó nếu không nhiệt tâm và tận sức.

Ghi chú:

15. Bia ký Girnar, ban vào năm 256 TTL.

ĐTPD VII

Thiên tử, Vua Piyadasi muốn rằng tất cả môn đồ của các tín ngưỡng đều chung sống trên đất nước của ngài, vì tất cả bọn họ đều mong cầu tự chế và thiện tâm. [16] Nhưng con người thường có nhiều xu hướng và khát vọng khác nhau, nên họ có thể thực hành được một phần hay tất cả những điều ấy.

Nhưng kẻ thiếu tự chế, lòng không trong sạch, thiếu ân tình và tín tâm mà lại nhận lắm phẩm vật cúng dường, thì kẻ ấy là gian ác. [ 17 ]

Ghi chú:

16. Bia ký Girnar, ban vào năm 256 TTL.

17. Bản Nikam lại dịch là: "Ngay cả kẽ không cúng dường được phẩm vật xa xỉ, không biết tự chế và lòng không trong sạch, không có ân tình, và tín tâm vững chắc vẫn đáng khen vàcần thiết."

ĐTPD VIII

Trong quá khứ, các thiên tử hay tuần du để săn bắn hoặc vui chơi. [18] Nhưng mười năm sau khi lên ngôi, Thiên tử, Vua Piyadasi đã đến thăm Bồ Đề Đạo Tràng [19] và như thế thiết chế những cuộc Pháp du hành (Dharma-yatras). [20] Trong những lần như thế, các việc sau đã được làm: viếng thăm và quà tặng cho các bậc tu hành, viếng thăm và tặng (tiền) vàng cho người già, viếng thăm dân ở thôn quê, huấn dụ họ về Chánh Pháp và thảo luận với họ về Chánh Pháp khi thích hợp. Những điều này đã làm Thiên tử, Vua Piyadasi đẹp mặt và lại được xem như là một mối thu hoạch khác. [21]

Ghi chú:

18. Vihar-yatras. Bia ký Girnar, ban vào năm 256 TTL. Ở đây vua Asoka dùng "Thiên tử" để chỉ cho các tiên vương.

19. Bản Dhammika: Thời bấy giờ có tên là Sambodhi hay Vijirasana chứ không gọi là Bodh Gaya như ngày nay.

20. Bản Nikam lại dịch đoạn này như sau: "Tuy nhiên, vua Priyadarsiđã giác ngộ (sambuddha) mười năm sau ngày đăng quang, nên từ đó những chuyến tuần du của ngài được gọi là Pháp du hành."

21. Bản Nikam dịch: "Những chuyến Pháp du hành này làm vua Priyadarsi rất vui lòng hơn những chuyến khác."

ĐTPD IX

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: [22] Người ta hay cúng nhiều lễ, nhất là những dịp đau ốm, khi cưới hỏi, lúc sinh nở, trước một chuyến đi xa. Đặc biệt là phụ nữ lại còn bày ra lắm lễ lặt vặt, vô nghĩa khác.

Không có gì quấy với những lễ cúng bái này nhưng thường thì chẳng đem lại kết quả nào. Chỉ có Lễ Chánh Pháp (Dharma-mangala) là mang lại rất nhiều kết quả. Nó bao gồm việc đối xử tử tế với nô tì và gia nhân [23], tôn kính thầy dạyï, đừng độc ác với sinh linh, và cúng dường cho các bậc tu hành. Những việc như thế được gọi là Lễ Chánh Pháp. Vì thế một người cha, một ngườ con, một người anh em, một người chủ, một người bạn, một người phối ngẫu, hay cả người hàng xóm thấy thế nên bảo: "Những việc này tốt, nên làm cho đạt đến mục đích, tôi nên tham dự."

Những buổi cúng lễ khác, dù đạt mục đích hay không vẫn chẳng có mấy giá trị. Nhưng những mục đích này, nếu có chỉ hạn chế trong đời này. Còn Lễ Chánh Pháp thì vô cùng. Cho dù nó không đạt được mục đích trong đời này, nó tạo ra vô lượng phước đức cho đời sau. Nếu Lễ Chánh Pháp đạt được mục dích trong đời này thì lại có cả phước đức trong đời này và đời sau. [24]

Lòng hào phóng thực đáng ca ngợi. Nhưng không có quà nào lớn bằng quà Chánh Pháp, hoặc bằng lợi lộc Chánh Pháp. Vì thế, một người bạn, người khách, bà con, hoặc người phối ngẫu nên cổ xúy người khác khi cơ hội đến và bảo rằng: "Điều này tốt, nên làm, rất đáng khen. Làm việc này ta có thể đạt thiên giới." Và có việc gì còn giá trị hơn là đạt thiên giới?" [25]

Ghi chú:

22. Bia ký Kalsi, ban năm 256 TTL. Asoka nghĩ đến Mangala Sutta (Sutta Nipata 258-269) khi ban Pháp dụ này.

23. Bản Dhammika: "công nhân và gia nhân".

24. Nhiều bản chấm dứt ngang đây.

25. Bia ký ở Girnar, Dhauli và Jaugada lại thêm đoạn này.

ĐTPD X

Thiên tử, Vua Piyadasi không xem vinh quang và danh vọng có giá trị gìù trừ phi thần dân của trẫm đều nghe đến Chánh Pháp và thực hành Chánh Pháp trong hiện tại vàtương lai. [26] Chỉ có điều này Thiên tử, Vua Piyadasi mới muốn được vinh quang và vang danh.

Tất cả mọi nỗ lực của trẫm chỉ nhắm đến giải thoát cho con người khỏi vòng nô lệ trong đời từ nay về sau. Bởi ác nghiệp là vòng nô lệ. Thật là nan sự cho kẽ giàu và người nghèo trừ phi họ tận lực và từ bõ tham vọng. Lại càng khó bội phần cho kẽ giàu hơn là người nghèo. [27]

Ghi chú:

26. Bia ký Girnar, ban vào năm 256 TTL.

27. Bản Dhammika dịch đoạn này như sau: "Tất cả mọi nỗ lực của trẫm chỉ nhắm đến an sinh trong đời sau cho thần dân, và để họ không vướng ác nghiệp. Vô phước đức là ác nghiệp. Thật là việc khó làm cho kẽ hèn hạ và người cao sang trừ phi họ tận lực và từ bõ tham vọng. Lại càng khó bội phần với người cao sang (hơn là với kẽ hèn hạ)."

ĐTPD XI

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: [28] Không quà nào bằng quà Chánh Pháp (Dharma-dana), [29] không sự quen biết nào bằng sự quen biết Chánh Pháp (Dharma-samstava), không sự san xẻ nào bằng sự san xẻ Chánh Pháp (Dharma-samvibhaga), và không sự thân thuộc nào bằng sự thân thuộc Chánh Pháp (Dharma-sambandha). Và nó bao gồm những điều này: đối xử tử tế với nô tì và gia nhân, kính trọng cha mẹ, hào phóng với bạn bè, phối ngẫu, bà con, các bậc tu hành, và đừng sát sinh. Vì thế một người cha, một người con, một người anh em, một người chủ, một người phối ngẫu, hay một người hàng xóm nên bảo rằng: "Điều này có phước đức, nên làm." Bằng cách biếu quà Chánh Pháp, người ta được lợi lộc ngay trong đời này và vô lượng phước đức trong đờùi sau".

Ghi chú:

28. Bia ký Girnar, ban vào năm 256 TTL.

29. Dharma-dana: Đàn thí Chánh Pháp. Tương tự "Pháp Cú" (Dhammapada) câu 354.

ĐTPD XII

Thiên tử, Vua Piyadasi tôn kính tất cả các bậc tu hành và các cư sĩ của các tôn giáo qua quà cáp ngài ban và nhiều sự vinh dự. [30] Nhưng Thiên tử, Vua Piyadasi không coi trọng quà cáp hay vinh dự bằng sự tăng trưởng về đạo hạnh của người có tín ngưỡng. [31] Sự tăng trưởng về đạo hạnh có thể đạt được bằng nhiều lối, nhưng cái gốc rễ vẫn là phải kềm chế lời nói, không được đề cao tôn giáo mình và lại phỉ báng tôn giáo khác một cách vô cớ, hoặc là khi đúng cớ thì lại quá đà.

Dù bất kỳ lý do nào, tín ngưỡng của kẽ khác cần phải được tôn vinh. Có như vậy thì tôn giáo của mình cũng được lợi lộc, và tôn giáo của kẽ khác nữa. Ngược lại thì tôn giáo của mình bị tổn hại, và tôn giáo của kẽ khác nữa. Kẽ nào huyênh hoang về tôn giáo của mình vì cuồng tín và phỉ báng tôn giáo kẽ khác với ác ý "Để ta làm vinh quang đạo của ta", thì chỉ làm tổn hại đến tôn giáo của mình. Vì thế, sự hòa đồng tôn giáo là điều tốt. [32] Ai cũng phải lắng nghe và tôn kính giáo lý của đạo khác.

Thiên tử, Vua Piyadasi muốn rằng mọi người nên tìm hiểu thêm giáo lý chân chính của tôn giáo khác.

Kẽ nào chỉ biết cố chấp với tôn giáo của mình thì phải được dạy rằng: Thiên tử, Vua Piyadasi không coi trọng quà cáp và vinh dự bằng sự tăng trưởng về đạo hạnh của mọi tôn giáo. Để đạt đến điều này, các Pháp Đại thần, các Đại thần chuyên lo về hậu cung, những quan lại trông nom những vùng xa xôi và những quan lại khác phải tận tâm. Và kết quả là tôn giáo của mỗi người đều thăng tiến và Chánh Pháp cũng được rạng rỡ.

Ghi chú:

30. Bia ký Girnar, ban vào năm 256 TTL.

31. Nguyên bản: "saravadi"dịch là "tinh túy tôn giáo" có nghĩa là "phẩm chất đạo hạnh".

32. Theo Bản Dhammika, vốn dựa vào bản bằng tiếng Pal, dịch theo câu "Ta samavayo eva sadhu"; mà "Samavayo" chiết tự ra thí có "sam + ava + i", có nghĩa là "đến với nhau".

ĐTPD XIII

Thiên tử, Vua Piyadasi xâm chiếm Kalinga tám năm sau khi ngài đăng quang. [33] Một trăm năm chục ngàn người bị bắt và bị đầy, một trăm ngàn người bị giết và rất nhiều người nữa chết vì những lý do khác. Ngay sau khi Kalinga được chinh phục, Thiên tử, Vua Piyadasi mạnh mẽ nghiêng về học hỏi Chánh Pháp, yêu thích Chánh Pháp và muốn phát triển Chánh Pháp.

Nay Thiên tử, Vua Piyadasi rất xúc động và lấy làm hối hận đã chinh phục Kalinga. Thực vậy Ngài rất buồn và hối tiếc việc chinh phục một dân tộc bất khuất qua tàn sát, chết chóc và đầy ải. Điều quan trọng hơn đã làm Thiên Tử hối hận là các bậc tu hành cũng như giới cư sĩ, tín đồ của các tôn giáo của nước này – tất cả đều thực hành kính trọng bậc trưỡng thượng, cha mẹ và thầy dạy, đối xử tử tế và trung thành với bạn bè, người quen, kẽ phối ngẫu, bà con, nô tì, gia nhân – đã bị thương, bị giết hay bị chia lìa với người thân. Ngay cả những kẽ không bi hề hấn cũng đau khổ khi thấy bạn bè, người quen, người phối ngẫu và bà con bị liên lụy. Những việc này làm Thiên tử, vua Piyadasi đau buồn.

Không có nước nào, trừ xứ của người Yonas (Hy Lạp) ở đó không có các bậc tu hành (giống như tu-sĩ Bà-la-môn và đạo sĩ khổ hạnh), và không ở nơi nào mà cư dân lại không phụng thờ tôn giáo này hay tôn giáo nọ. [33] Bởi thế, dù số tử vong hay số bị đày ải qua trận Kalinga chỉ bằng một phần trăm hay một phần ngàn của thực sự, điều này cũng làm Thiên tử, Vua Piyadasi đau buồn. Ngài nghĩ rằng những ai phạm lỗi nên được tha thứ nếu có thể. [34]

Ngay đối với dân mọi rợ nay sống dưới quyền cai trị của Thiên tử, Vua Piyadasi, cũng nên theo lối sống mới mà cư xử đàng hoàng. Chúng nên được khuyến cáo rằng dù Ngài hối hận nhưng Ngài vẫn còn đũ quyền lực để trừng trị bọn chúng nếu chúng phạm tội đáng chết. Thực vậy, Thiên tử muốn ai cũng được vô hại, tự chế, và công bằng, ngay cả những kẽ phạm lỗi.

Nay Thiên tử, Vua Piyadasi xem Chinh Phục bằng Chánh Pháp (Dharma-vijaya) mới là cuộc chinh phục quan trọng nhất. [35] Cuộc chinh phục này đã chiến thắng liên tục không những trong xứ mà còn cả với những dân sống ngoài biên cương xa đến sáu trăm do-tuầøn, (yojanas) [36] ở đó vua Yona (Hy-Lạp) là Antiyoka cai trị, và xa hơn nữa nơi của bốn vua khác cai trị, đó là vua Turanmaya, Antikini, Maka, và Alikasudara,[37] xuống phía nam với dân Cholas, dân Pandyas, và còn xa hơn nữa là dân Tamraparni. [38]

Ở đây trong lãnh thổ của Thiên tử, giữa dân Yonas, [39] dân Kambojas, dân Nabhakas, dân Nabhapamkits, dân Bhojas, dân Pitinikas, dân Andhras và dân Palidas, khắp nơi dân đều theo lời giáo huấn về Chánh Pháp của Thiên tử, Vua Piyadasi.

Cả đến những xứ mà sứ giả của Thiên tử, Vua Piyadasi chưa đến, dân ở đấy cũng đã nghe đến Chánh Pháp và những chiếu chỉ của Thiên tử về Chánh Pháp nên họ đã tuân thủ và tiếp tục tuân thủ. Cuộc chinh phục bằng Chánh Pháp này diễn ra khắp nơi và đem lại niềm hân hoan – niềm hân hoan chỉ do chinh phục bằng Chánh Pháp đem lại mà thôi. Nhưng niềm hân hoan cũng chỉ là kết quả nhỏ. Thiên tử xem quả gặt được trong đời sau mới thực quan trọng.

Trẫm cho ghi Pháp dụ này để các con và cháu của trẫm khi kế vị đừng lấy xâm lăng làm thành tích. Nếu chinh phục thì nên khoan hòa và nhẹ trừng phạt. Nên xem chinh phục bằng Chánh Pháp là cuộc chinh phục thật sự, bởi nó có kết quả trong đời này và đời sau. Hãy vui lấy niềm vui trong Chánh Pháp (Dharma-rati), bởi nó mang lại kết quả tốt rong đời này và đời sau.

Ghi chú:

32. Bia ký Kalsi, ban năm 256 TTL. Kalinga, bây giờ là bang Orissa.

33. Thời bấy giờAsoka nghĩ rằng Hy-Lạp là xứ vô tôn giáo.

34. Bản Nikam dịch: "Bây giờ, vua Priyarsi nghĩ rằng kẽ phạm lỗi với Ngài nên được tha thứ nếu lỗi ấy có thể tha thứ được."

35. Có thể Asoka nghĩ đến "Pháp Cú" câu 103-104.

36. Khoảng ba ngàn dặm.

37. Theo thứ tự, là các vua Antiochos II Theos của Syria (261-246 TTL), Ptolemy II Philadelphos của Egypt (285-247 TTL), Antigonos Gonatos của Macedonia (278-239 TTL), Magas của Cyrene (300-258 TTL) và Alexander của Epirus (272-258 TTL).

38. Xem ghi chú 3.

39. Xem ghi chú 13.

ĐTPD XIV

Thiên tử, Vua Piyadasi ra lệnh cho những Pháp dụ này được ghi. Vài bản được ghi ngắn gọn, vài bản được ghi vừa đủ hay vài bản được ghi dài hơn. [40] Không phải tất cả đều được trưng bày khắp nơi bởi lãnh thổ của trẫm rất rộng. Nhiều bản đã được khắc và trẫm sẽ còn sai làm thêm.

Vài Pháp dụ đã được lập đi lập lại vì lời hay ý đẹp của lời dạy để thần dân thực hành noi theo. Vài Pháp dụ không hoàn tất vì không thích hợp với địa phương, hoặc vì cần loại bõ, hoặc vì lỗi của người ghi khắc.

Ghi chú:

40. Bia ký Girnar, ban vào năm 256 TTL.

B. Những Thạch Pháp Dụ Kalinga

TPDKa I

Thiên tử, Vua Piyadasi phán lệnh này cho các Đại thần ở Tosali cũng là các Phán quan thuộc thành ấy: [41] Trẫm muốn thấy những gì trẫm xem là chính đáng phải được thi hành nghiêm chỉnh. Trẫm phải chỉ thị cho các ngươi lối thực hiện điều này vì trẫm đã đặt các ngươi ở vị trí phải thu phục được nhân tâm của hàng vạn người.

Mọi người đều là con cái của trẫm. Những gì trẫm ước muốn cho con cái của trẫm, như phúc lợi và hạnh phúc cho đời này và đời sau, trẫm đều ước muốn như thế cho thần dân. Các ngươi không hiểu lòng trẫm muốn như thế nào về những điều này, và dù một vài người trong các ngươi hiễu đi nữa cũng không thấu đáo hết lòng của trẫm.

Các ngươi phải quan tâm đến điều này. Trong khi thi hành luật pháp nhiều người phải bị giam cầm, tra khảo và ngay cả bị giết vô cớ nên lòng dân ta thán. Vì thế các ngươi phải hành sự thật vô tư. Phải tránh tị hiềm, tức giận, tàn bạo, thù ghét, nhẫn tâm, trây lười hoặc mệt nhọc. Luôn phải tự hỏi "Những thói ấy có ở trong lòng ta không?" Cốt lõi vẫn là không tức giận và nên nhẫn nại. Quan chức nào chán mệt khi thi hành công lý không nên được thăng chức, kẽ khác thì càng thăng tiến và nên được đề bạt. Ai trong các ngươi hiểu được điều này nên nói với đồng sự "Có gắng thi hành nhiệm vụ mà Thiên tử giao phó. Như vậy, như thế này đúng là lời dạy của Thiên tử, Vua Piyadasi."

Thực hiện nghiêm chỉnh huấn dụ này thì gặt được nhiều kết quả, còn nếu làm khác đi thì chẳng đạt đến thiên giới và cũng chẵng làm Thiên tử hài lòng. Nếu các ngươi thất bại trong nhiệm vụ sẽ làm trẫm kém vui. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh thì các ngươi sẽ đạt thiên giới và đẹp lòng trẫm.

Pháp dụ này phải được tuyên cáo cho mọi người vào mỗi ngày Tisya. [42] Nó cũng có thể được đọc cho những cá nhân vào những dịp đặc biệt ở những ngày khác. Nếu làm được như thế là các ngươi thi hành nhiệm vụ.

Pháp dụ này đã được ghi ở đây để nhắc nhở các Phán quan trong thành này lúc nào cũng nên cố gắng tránh giam cầm và tra tấn không chánh đáng. Để đạt được điều này trẫm sẽ phái các Đại quan nhân ái đi thanh tra mỗi 5 năm xem các Phán quan có theo đúng lời dạy của trẫm. Hơn nữa, vị hoàng tử cai trị thành Ujjayini sẽ phái những vị quan thanh tra như thế mỗi 3 năm. Cũng làm như thế từ thành Taksasila. Những đại quan thanh tra này không được chểnh mảng công tác, và họ phải bảo đảm là những phán quan theo đúng huấn dụ của Thiên tử.

Ghi Chú:

41. Bia ký Dhauli, ban năm 256 TTL. Hai Pháp dụ Kalinga chỉ tìm thấy được ở Dhauli và Jaugada.

42. Bản Dhammika: còn viết là Tisa; là ngày rằm, trăng tròn.

TPDKa II

Thiên tử, Vua Piyadasi phán lệnh này cho các Đaị thần ở Samapa: [43] Trẫm muốn thấy những gì trẫm xem là chính đáng phải được thi hành nghiêm chỉnh. Trẫm phải chỉ thị cho các ngươi lối thực hiện điều này.

Mọi người đều là con cái của trẫm. Những gì trẫm ước muốn cho con cái của trẫm, như phúc lợi và hạnh phúc cho đời này và đời sau, trẫm đều ước muốn như thế cho thần dân.

Những dân tộc chưa bị chinh phục ở ngoài biên cương của lãnh thổ trẫm có thể đang thắc mắc: "Hoàng thượng đang tính toán gì về chúng ta?" Ý định duy nhất của trẫm là chúng sống mà không phải sợ hãi gì đến trẫm, và tin tưởng trẫm; là trẫm sẽ ban cho chúng hạnh phúc chứ không phải khổ đau. Hơn nữa, chúng nên ghi nhớ rằng trẫm tha thứ cho chúng những lỗi lầm có thể tha thứ được; và rằng chúng nên noi gương trẫm mà thực hành Chánh Pháp để hưởng phước trong đời này và đời sau.

Trẫm dạy điều này là để trả cái nợ mà trẫm đã chịu, và để các ngươi hiểu rõ lòng quyết tâm và lời cam kết không lay chuyển được của trẫm. Vì thế, để thực hiện được điều này các ngươi phải thi hành nhiệm vụ và làm bọn chúng an tâm tin tưởng rằng "Hoàng thượng cũng như là người cha vậy. Ngài thương chúng ta như thương chính Ngài. Chúng ta đối với Ngài cũng như là con cái của Ngài vậy."

Trẫm dạy các ngươi và cho các ngươi biết về lòng quyết tâm và lời cam kết không lay chuyển được của trẫm. Trẫm sẽ bổ nhiệm các quan chức thi hành điều này ở khắp các tỉnh. [44] Hẳn nhiên, các ngươi còn có thể khích lệ bọn chúng tin tưởng trẫm và bảo đảm an sinh và hạnh phúc cho chúng trong đời này và đời sau. Làm được như thế, các ngươi sẽ đạt thiên giới và giúp trẫm trả cái nợ cho chúng sinh.

Pháp dụ này đã được ghi khắc ở đây để các Đại thần có thể tận tụy khích lệ các dân ngoài biên cương luôn tin tưởng vào trẫm và khuyến khích chúng thực hành Chánh Pháp.

Pháp dụ này phải được tuyên cáo cho mọi người mỗi bốn tháng lúc đầu mùa, [45] vào mỗi ngày Tisya. Nó cũng có thể được tuyên cáo vào những kỳ giữa những ngày kể trên; và có thể được đọc cho những cá nhân vào những dịp đặc biệt. Làm được như thế là các ngươi thi hành nhiệm vụ.

Ghi Chú:

43. Bia ký Jaugada, ban năm 256 TTL.

44. Bản Dhammika dịch đoạn này như sau: "Bằng vào việc chỉ dạy và cho các ngươi biết về lòng quyết tâm và lời cam kết của trẫm, trẫm sẽ tự mình quan tâm để đạt đến mục tiêu này."

45. Ấn có 3 mùa: nóng, mưa và lạnh. Ngày Tisya: xem ghi chú 42.

C. Tiểu Thạch Pháp Dụ

TTPD I. (Còn gọi là Pháp Dụ Maski)

Thiên tử, Vua Asoka phán rằng: [46] Trẫm đã trở thành một cư sĩ Phật tử (Upasaka) hơn hai năm rưỡi, nhưng không mấy thuần thành. Mãi đến nay sau khi khi thường đến viếng Tăng già (Shanga hay Shamga) hơn một năm trẫm trở nên rất thuần thành. [47]

Thần dân của trẫm nếu chưa có tín ngưỡng thì nên noi theo. [48] Đây là kết quả của lòng nhiệt thành chứ không phải vì người cao cả mới làm được. Cho ngay đến cả người hèn ha,[49] nếu có lòng nhiệt thành vẫn có thể đạt thiên giới. Và tuyên ngôn này được ghi lại cho mục đích ấy. Hãy nhiệt thành lên hỡi người cao cả và kẽ hèn hạ, hãy để cho các dân ở ngoài biên cương biết và hãy để cho lòng nhiệt thành trường tồn. Và rồi lòng nhiệt thành sẽ tăng trưởng, nó sẽ tăng trưởng to lớn hơn, nó sẽ tăng truởng gấp một lần rưỡi. [50]

Thông điệp này đã được Thiên tử tuyên cáo hai trăm năm chục lần trong chuyến du hành. [51]

Ghi Chú:

46. Bia ký Gavimath, ban năm 257 TTL. Pháp dụ này đã tìm thấy ở 12 nơi khác nhau, với nội dung không đồng nhất. Đặc biệt là chỉ trong Pháp Dụ Maski nói với Tăng Già này Đại Đế mới xưng thực danh là Asoka (Asokaraja).

47. Nhiều học giả khi dịch đoạn Pali "yam me samghe upeti" (đã vào Tăng già), đã hiểu nhầm, cho là Đai đế Asoka đã trở nên một tỷ-khưu (tăng sĩ).

48. Nhiều bản khác dịch sát nguyên ngữ là "men unmingled with Gods: người không hòa lẫn với Trời". Hai bản Nikam và Dhammika dịch " the people who have not associated with the gods."

49. Bản Nikam dịch là "kẻ giàu và người nghèo". Nói chung là đều bình đẳng trong Chánh Pháp.

50. Bản Nikam dịch đoạn này như sau: [Ở cõi Diêm-Phù-Đề (Jambudvipa), trời vốn không hòa lẫn với người, nay đã hòa lẫn với họ. Nhưng những kết quả trẫm thu đạt chỉ bằng của (ngay cả) người nghèo nếu họ ngưỡng mộ Chánh Pháp. Thực không đúng nếu nói rằng điều này chỉ dành cho kẻ giàu. Kẻ giàu và người nghèo đều phải được bảo rằng: "Nếu các ngươi làm như thế thì những thành tựu đáng ca tụng này sẽ trường tồn và sẽ gia tăng một lần rưỡi."]

51. Bản Nikam không dịch đoạn này.

TTPD II. (Còn gọi là Pháp Dụ Brahmagiri)

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: [51] Phải kính trọng, vâng lời cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Phải tôn trọng sinh mạng. Đừng nói dối. Phải thực hành những giới này của Chánh Pháp.

Cũng như thế, học trò phải tôn kính thầy dạy, và trong gia đình phải lịch thiệp với thân nhân. Đây là lệ luật truyền thống của Chánh Pháp dẫn đến trường sinh. Ai cũng phải hành động như thế.

Ghi bởi người khắc (tên là) Chapala.

Ghi Chú:

51. Bia ký Brahmagiri.

TTPD III. (Còn gọi là Pháp Dụ Bairat hay Bhabra)

Thiên tử, Vua Piyadasi gởi lời chào Tăng già, và cầu chúc khỏe mạnh và an lạc, đồng thời thưa rằng:[52] Bạch chư tôn đức, chư vị đã rõ đức tin cao cả của trẫm vào Phật, Pháp và Tăng như thế nào rồi. Bạch chư tôn đức, những gì Đức Phật thuyết giảng đều là diệu ngôn. [53] Phải phép mà nói, thưa chư vị, diệu Chánh Pháp phải trường tồn. [54]

Bạch chư tôn đức, những bài pháp – trích từ Giới Luật, Lối Sống Cao Thượng, Âu Lo đến, Bài Ca Đạo Sĩ, Bài Giảng về Cuộc Sống Tinh Khiết, Những câu hỏi của Ưu-Bà-Đề-Xà, và Bài giảng về vọng ngữ do Đức Phật dạy cho La-Hầu-La - nhửng bài pháp này, kính thưa chư vị trẫm muốn tất cả Ty-Khưu và Tỷ-Khưu-Ni (tăng và ni) nên thường tụng niệm. [55] Những Ưu Bà Tắt và Ưu Bà Di (cư sĩ nam và nữ) cũng nên làm như thế. Trẫm cho ghi Pháp dụ này để chư tôn đức hiểu được ý trẫm.

Ghi Chú:

52. Pháp dụ này được tìm thấy trên một tảng đá nhỏ gần thành phố Bairat, và nay được bảo tồn trong Hiệp Hội Á Châu ở Calcutta.

53. Câu này đã dựa vào một đoạn trong Kinh Tăng Nhất A-Hàm (Anguttara Nikaya, IV:164.) "... thật là diệu ngôn, những lời do ĐứÙc Thế Tôn thuyết."

54. Bản Nikam dịch: "Cho phép trẫm liệt kê những bản kinh phản ánh Diệu Chánh Pháp, và làm Chánh pháp trường tồn."

55. Đã có nhiều thảo luận về những bản kinh Pali nào tương ứng với trích dẫn của vua Asoka:1) Vinaya samukose (Skt.: Vinaya samukasa: Xưng Tụng về Trì Giới): có thể là Atthavasa Vagga, Anguttara Nikaya, 1:98-100. 2) Aliya vasani (Skt.: Aliya vasani: Mẫu Mực về Đời Đạo Hạnh): có thể là Ariyavasa Sutta, Anguttara Nikaya, V:29, hoặc Ariyavamsa Sutta, Anguttara Nikaya, II: 27-28. 3) Anagata bhayani (Skt.: Anagata—bhayani: Âu Lo về Tương Lai) : có thể là Anagata Sutta, Anguttara Nikaya, III:100. 4) Muni gatha (Skt.: Muni-gatha: Bài Ca Đạo Sĩ): là Muni Sutta, Sutta Nipata 207-221. 5) Upatisa pasine (Skt.: Upatisya-pasine: Bài Giảng về Cuộc Sống Thánh Thiện): là Sariputta Sutta, Sutta Nipata 955-975. Và 6) Laghulavade (Skt.: Rahulavada: Bài giảng về vọng ngữ cho La-Hầu-La): là Rahulavada Sutta, Majjhima Nikaya, I:421.

D. Bảy Thạch Trụ Pháp Dụ

TTrPD I

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: [56] Pháp dụ này được ghi hai mươi sáu năm khi trẫm đăng quang. Hạnh phúc đời này và đời sau thực khó mà đạt được nếu không hết lòng yêu thích Chánh Pháp, hết lòng tự xét, hết lòng kính trọng, vâng lời, hết lòng kinh sợ (ác nghiệp), và hết lòng hăng hái.

Nếu theo đúng lời dạy của trẫm về tôn kính Chánh Pháp thì lòng yêu thích Chánh Pháp gia tăng mỗi ngày, và sẽ tiếp tục gia tăng. Mọi quan lại các cấp của triều đình từ thượng, trung và hạ cấp đều thực hành theo Chánh Pháp đúng như lời dạy của trẫm, và có khả năng cảm kích người khác làm như thế. Các đại thần ở biên cương cũng làm như thế. Và đây là những lời dạy của trẫm: cai trị theo Chánh Pháp, nâng cao sự an lạc của dân theo Chánh Pháp, và che chở họ theo Chánh Pháp.

Ghi Chú:

54. Bảy Pháp dụ này dịch từ bia ký Dehli Topra, sáu bản đầu được ban ra năm 243 TTL và còn thấy trên năm thạch trụ khác. Bản thứ bảy được ban ra năm 242 TTL.

TTrPD II

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Chánh Pháp thì diệu hảo, nhưng cái gì tạo nên Chánh Pháp? Nó gồm làm lành tránh dữ, nhân ái, hào phóng, chân thật và trong sạch. Trẫm đã ban cho sự sáng bằng nhiều cách. [55] Trẫm đã ban nhiều sắc chỉ nhân từ bao gồm quà của sự sống cho những sinh vật hai và bốn chân (người và thú), trên không và dưới nước, [56]. Và còn nhiều việc thiện khác do trẫm làm nên.

Pháp dụ này được ghi để thần dân noi theo, và để nó trường tồn. Và ai noi theo đúng sẽ làm nhiều thiện nghiệp.

Ghi Chú:

55. Theo tiếng Pali: "Cakhu dane" có nghĩa là "Trẫm ban cho sự thấy". Có thể là vua Asoka ban cho "con mắt trí tuệ"; nhưng đặt nó vào toàn bộ Pháp dụ thì có vẽ như là Asoka đã ra lệnh ngưng lối hình phạt làm mù mắt.

56. Có nghĩa là ngưng sát sinh.

TTrPD III

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Người ta chỉ thấy việc tốt của mình, bảo rằng: "Ta đã làm việc thiện này." Nhưng họ lại không nhìn thấy việc xấu họ làm mà bảo rằng "Ta đã làm ra việc ác này, điều này gọi là ác nghiệp". Nhưng sự tự giác rất khó thấy. [57] Người ta nên tự bảo thế này:" Những việc này đưa đến điều ác, đến bạo hành, đến hung hản, đến giận dữ, đến kiêu căng và ganh tị. Ta đừng mắc vào". Và hơn nữa, người ta nên nghĩ rằng: "Điều này đưa đến an lạc trong đời này và đời sau."

Ghi Chú:

57. Tương tự như lời Phật dạy trong "Pháp Cú" (Dhammapada) câu 50 và 252.

TTrPD IV

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Pháp dụ này đã được ghi hai mươi sáu năm sau khi trẫm đăng quang. Các quan đầu tỉnh (Rajjukas) đang cai trị dân, hằng trăm ngàn dân. Họ được giao cho trông coi việc thỉnh cầu của dân và thi hành công lý một cách vô tư và hiền hậụ, và nhờ thế họ mới chăm lo cho an sinh và phúc lợi của dân. Nhưng họ nên nhận rõ điều gì gây ra hạnh phúc và khổ đau cho dân, và bởi họ hằng ngưỡng mộ Chánh Pháp, họ nên khuyến khích dân làm như thế để có thể được an lạc trong đời này và đời sau. Những quan đầu tỉnh (Rajjukas) này hết lòng phụng sự trẫm. Họ cũng tuân lệnh những thượng quan (Purusas) đã hiểu ý trẫm và chỉ thị họ để làm trẫm vui lòng. Cũng như một người an tâm giao con mình cho vú nuôi ngĩ rằng: "Bà vú này sẽ săn sóc tốt con mình," nên trẫm đã bổ nhiệm các quan để lo cho an sinh và phúc lợi của thần dân.

Các quan đầu tỉnh được giao cho trông coi việc thỉnh cầu của dân và thi hành công lý nên họ đã thi hành nhiệm vụ một cách quả quyết, hiền hậu và vui vẻ, và nhờ thế họ mới chăm lo cho an sinh và phúc lợi của dân. Trẫm muốn rằng phải có một sự công bằng trong luật pháp và trong việc kết tội. Trẫm còn đi xa hơn, trẫm muốn gia ân triển hạn thêm ba ngày cho những tử tội trước khi hành hình. Trong thời gian ấy, thân nhân của chúng có thể khiếu nại để khỏi tội chết. Nếu không còn ai khiếu nại cho chúng, tử tội có thể bố thí hay chay tịnh để được phước trong đời sau. Trẫm thực lòng muốn rằng, theo lối này, nếu thời gian của tử tội không còn bao lâu hắn cũng có thể chuẩn bị cho đời sau, và rằng việc thực hành Chánh Pháp của dân qua tự chế và bố thí sẽ được gia tăng trong thần dân.

TTrPD V

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Hai mươi sáu năm sau khi đăng quang, trẫm ra lệnh những thú vật sau đây được triều đình bảo vệ: két, chim sáo sậu, ngỗng, vịt trời, dơi, kiến chúa, ba-ba, cá không xương, [58] rùa, nhím, sóc, hươu có gạc già, bò đực, thú nuôi trong nhà, tê-giác, lừa hoang, aruna, nandimukhas, gelatas, vedareyaka, gangapuputaka, sankiya, okapinda, bồ câu nuôi hoặc hoang và tất cả những thú bốn chân có ích hoặc không ăn được. [59]

Những dê cái, trừu cái, hoặc heo rừng cái đang nuôi con hoặc cho con bú cũng được bảo vệ. Cũng thế, những thú con dưới sáu tháng. Gà trống không định thiến, võ cây đang che chở sinh vật không được đốt, và rừng cây không được đốt nếu không có lý do hoặc chỉ để giết thú. Không được dùng một con thú để nuôi con thú khác.

Vào ba ngày Caturmasis,[60] ba ngày trăng tròn Tisya [61] và vào những ngày 14 và 15 của tháng Uposatha, [62] cá không được giết và bán. Vào những ngày này thú không được giết trong những khu bảo tồn voi và khu bảo tồn cá. Vào ngày thứ 8 và vào ngày 14 và 15 của tháng , vào ngày Tisya, ngày Punarvasu [63], ba ngày Caturmasis và những ngày thánh khác, bò đực, dê đực, hươu đực, heo rừng và những thú khác không được thiến. Vào ngày Tisya, Punarvasu, Caturmasis và mỗi nữa tháng của tháng Caturmasis, ngựa và bò con không được đóng dấu nóng trên da.

Hai mươi sáu năm sau khi trẫm đăng quang, tù nhân được ân xá trong hai mươi lăm dịp.

Ghi Chú:

58. Có thể là tôm, cua.

59. Hai bản Dhammika và Nikam vẫn để những tên thú theo nguyên ngữ, không dịch được.

60. Ngày đầu mùa. Xem 45.

61. Ngày Tisya: xem 42. NXR: Ở đây chỉ qui định ngày trăng tròn của tháng đầu mổi mùa.

62. Tháng an cư kiết hạ

63. ngày lễ hội

TTrPD VI

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Mười hai năm sau khi đăng quang trẫm đã cho ghi nhửng Pháp dụ về an sinh và hạnh phúc của thần dân, để họ sửa đổi mà phát triển theo Chánh Pháp.

Trẫm tin rằng chỉ với cách này an sinh và hạnh phúc của thần dân mới đạt được. Trẫm luôn quan tâm đến làm cách nào dể bảo đảm an sinh và hạnh phúc cho mọi người, không phải chỉ riêng bà con của trẫm hoặc dân sống ở kinh đô mà còn cả dân sống ở những vùng xa xôi hẽo lánh. Trẫm đối xử bình đẳng như thế với tất cả mọi người, mọi giới.

Hơn nữa, trẫm đã tôn kính mọi tôn giáo bằng mọi cách cúng dường nhưng cách tốt hơn hết là trực tiếp thăm viếng họ.

Pháp dụ này được ghi hai mươi sáu năm sau khi trẫm đăng quang.

TTrPD VII

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Trong quá khứ các vua đã nghĩ đến nhiều cách để tăng sự ngưỡng mộ Chánh Pháp của dân. Nhưng dù vậy, sự ngưỡng mộ Chánh Pháp của dân vẫn không tăng trưởng.

Về việc này, Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: "Việc này cũng đã xảy ra với trẫm. Trong quá khứ các vua đã nghĩ đến nhiều cách để tăng sự ngưỡng mộ Chánh Pháp của dân. Nhưng dù vậy, sự ngưỡng mộ Chánh Pháp của dân vẫn không tăng trưởng. Nay phải làm sao để khuyến khích thần dân tuân theo? Làm thế nào để sự ngưỡng mộ của thần dân gia tăng qua sự truyền bá Chánh Pháp? Làm sao trẫm có thể nâng cao họ qua sự truyền bá Chánh Pháp?

Về việc này, Thiên tử, Vua Piyadasi còn phán thêm rằng: "Việc này đã từng xảy ra với trẫm. Trẫm phải công bố Chánh Pháp và chỉ dạy Chánh Pháp. Khi thần dân nghe đến lời tuyên cáo và sự chỉ dạy, họ sẽ sống theo Chánh Pháp, tự nâng cao họ và tiến bộ qua sự truyền bá Chánh Pháp." Vì mục đích này mà trẫm phải công bố Chánh Pháp và trẫm phải chỉ dạy Chánh Pháp bằng nhiều cách, và những quan lại được lệnh phải gắng truyền bá và giải thích Chánh Pháp thực rõ ràng. Các quan đầu tỉnh cai trị hàng trăm ngàn người được lệnh như thế để hướng dẫn dân ngưỡng mộ Chánh Pháp.

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: " Với mục đích này, trẫm đã cho dựng những Pháp thạch trụ để công bố Chánh Phápï, và bổ nhiệm các Pháp Đại thần để truyền bá Chánh Pháp."

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Dọc đường, trẫm đã cho trồng nhiều cây đa để lấy bóng mát cho thú và người, và trẫm cũng đã cho trồng vườn xoài. Cứ cách khoảng tám krosas, [64] trẫm cho đào giếng nước, xây nhà nghỉ chân, và ở nhiều nơi trẫm cho xây bồn nước cho thú và người dùng. Nhưng đây chỉ là những thành tựu nhỏ mà thôi. Những việc như thế làm cho dân vui đã được nhiều tiên vương thực hiện. Trẫm làm những điều này chỉ với mục đích là mọi người có thể hăng say thực hành Chánh Pháp.

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Những Pháp Đại thần của trẫm bận rộn với những công tác giúp đở các bậc tu hành và cư sĩ các tôn giáo. Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho đời sống Tăng già. Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho đời sống của các tu-sĩ Bà-la-môn và đạo-sĩ Ajivika. Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho đời sống của Niganthas. [65] Trẫm ra lệnh cho họ nên chăm lo cho đời sống của các tông phái khác.

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Những đại thần này và những quan lại quan trọng khác bận rộn phân phát quà tặng của trẫm cũng như của các hoàng hậu. Trong hậu cung của trẫm, họ cũng tổ chức những sinh hoạt cứu tế khác, ngay ở đây (kinh đô) và ở các châu quận. Trẫm cũng ra lệnh cho các thái tử và hoàng tử nên ban phát quà để những việc thiện cao cả của Chánh Pháp và việc thực hành Chánh Pháp được thăng tiến. Những việc thiện cao cả của Chánh Pháp và việc thực hành Chánh Pháp bao gồm gia tăng lòng nhân từ, hào phóng quảng đại, chân thật, trong sạch, tử tế và thiện tâm giữa mọi người.

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Những việc thiện gì trẫm đã làm, đều được thần dân noi theo và thực hiện. Nhờ vậy mà họ tiến bộ và còn tiếp tục tiến bộ qua sự tôn kính cha mẹ, tôn kính các bậc trưởng thượng, lễ phép với người già và tử tế với các bậc tu hành, với người nghèo, kẻ khổ và ngay cả với nô tì và gia nhân.

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Những tiến bộ này của thần dân qua Chánh Pháp được thực hiện bằng hai cách, bởi những qui định Chánh Pháp và bởi thuyết phục. Những qui định Chánh Pháp thì không có hiệu quả mấy, trong khi thuyết phục thì hiệu quả hơn nhiều. Những qui định Chánh Pháp trẫm ban chẵng hạn như phải bảo vệ một số thú, và nhiều qui định Chánh Pháp khác. Nhưng chỉ bằng thuyết phục thì tiến bộ của thần dân qua Chánh Pháp có nhiều hiệu quả hơn liên quan đến không hành hạ sinh vật và không sát sinh.

Về việc này, Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Ở đâu có thạch trụ hay mặt đá thì ở đấy Pháp dụ được khắc ghi để nó trường tồn đến đời con cháu trẫm, và còn dài lâu như mặt trời và mặt trăng còn soi sáng để thần dân thực hành theo lời dạy Chánh Pháp. Bởi qua thực hành Chánh Pháp thì an lạc mới có trong đời này và đời sau.

Pháp dụ này được ghi hai mươi bảy năm sau khi trẫm đăng quang.

Ghi Chú:

64. Khoảng 1 mile.

65. Tu sĩ Kỳ-na giáo (Jaina hay Jains). Giáo chủ là Makkhali Gosala, cùng thời với Đức Phật Thích Ca.

E. Tiểu Thạch Trụ Pháp Dụ

TTTrPD I (Còn gọi là Thạch Trụ Pháp Dụ Rummindei)

Hai mươi năm sau khi đăng quang, Thiên tử, Vua Piyadasi đã viếng thăm và lễ bái nơi này bởi vì đây là nơi Đức Phật Thích Ca, Bậc Giác Ngộ đã ra đời. [66] Thiên tử đã cho xây một tường đá bao bọc xung quanh và dựng một thạch trụ. [67] Và vì Đức Thế Tôn đãn sinh ở đây, làng Lumbini [68] được miễn thuế và chỉ đóng một phần tám nông sản.

Ghi Chú:

66. Lời ghi này được khắc trên một thạch trụ tại Lumbini vào năm 249 TTL.

67. Bản Dhammika: "Thiên tử đã cho tạc tượng và dựng một thạch trụ."

68. Nay được gọi là Rummindei.

TTTrPD II (Còn gọi là Pháp dụ Sanchi, hay Allahabad)

Thiên tử, Vua Piyadasi lệnh cho Đại thần cai trị ở Kosambi rằng: [69] Kẽ nào đã chia rẽ tăng- giàkhông được thâu nhận vào tăng-già nữa.

Tăng-già của tỷ-khưu hay tăng-già của tỷ-khưu ni nay đã được hòa hợp, tiếp tục hòa hợp cho đến đời con và cháu của trẫm, và còn dài lâu như mặt trời và mặt trăng còn soi sáng.

Kẽ nào, dù là tỷ-khưu hay tỷ-khưu-ni, quấy rối trong tăng già bị buộc phải mặc bạch y [70] và không được sống trong tịnh xá. [71] Ước muốn của trẫm là tăng-già hòa hợp và trường tồn mãi mãi.

Ghi Chú:

69. Phần đầu của Pháp dụ này đã bị hư hỏng; chỉ có câu "chia rẽ" còn đọc được mà thôi. Người ta phải dựa vào những Pháp dụ nơi khác để đọc được toàn bộ nội dung của Pháp dụ này.

70. Chỉ tăng và ni mới được mặc y vàng.

71. Anabasasi.

TTTrPD III (Còn gọi là Pháp dụ Sarnath)

[……] [72] không ai được gây xáo trộn tăng-già.

Nếu một tỷ-khưu hay một tỷ-khưu-ni quấy rối trong tăng già, tăng hay ni ấy phải bị buộc phải mặc bạch y và không được sống trong tịnh xá.

Pháp dụ này phải được công bố trong tăng-già của tỷ-khưu và trong tăng già của tỷ-khưu-ni.

Thiên tử, Vua Piyadasi phán rằng: Treo một bản của Pháp dụ này trong hành lang của tịnh xá; trao một bản cho tất cả tín đồ. Tín đồ phải tụ họp mỗi ngày chay để học tập về Pháp dụ này. Mỗi quan lại phải thường xuyên đến dự mỗi ngày chay để làm quen và hiểu rành rẽ Pháp dụ này.

Lại nữa, ngươi (chỉ vị quan đầu tỉnh) phải ra lệnh xuống khắp nơi thi hành nghiêm chỉnh Pháp dụ này. Các phó quan thuộc quyền của ngươi cũng phải làm như thế ở khắp các châu huyện.

Ghi Chú:

72. Ba dòng đầu của Pháp dụ đã bị hư hỏng. Những mảnh còn sót đọc được cho người ta gợi ý rằng Vua Piyadasi (Asoka) lệnh cho các quan phải ngăn ngừa những kẻ quấy rối trong tăng già. Bản Dhammika không có Pháp Dụ này.

F. Pháp Dụ Hang Động Karna Chaupar

Mười chín năm sau khi đăng quang, Thiên tử, Vua Piyadasi [73] tặng hang động này, trong dãy đồi thơ mộng Khalatika, không hề bị ngập nước vào mùa mưa.

Ghi Chú:

73. Bản Dhammika không cóPháp dụ này. Dãy đồi Barabar (thời Asoka gọi là Khalatika) có 7 động: 4 ở đồi Barabar, 3 ở đồi Nagarjuni. 5 động được tặng cho các đạo sĩ Ajivika làm nơi cư trú.

Trần Trúc Lâm
Seattle, trọng thu 2001

Tài Liệu Tham Khảo

1. Ven. S. Dhammika, "The Edicts of King Asoka" Buddhist Publication Society, Kandy, Sri Lanka, 1993

2. Nayarayanrao Appurao Nikam và Richard McKeon, "The Edicts of Asoka", The University of Chicago Press, 1959.

3. Kenoyer, J.M., "Ancient Cities of the Indus Valley Civilization", Oxford University Press, Oxford, New York, Delhi, 1998.

4. Possehl, G.L., "Indus Age; The Beginnings", Oxford and IBH Publishing, New Delhi, 1999.

5. Possehl, G.L., "Harappan Civilization: a Recent Perspective", Oxford and IBH Publications, New Delhi, 1993.

6. Possehl, G.L, "Indus Age – The Writing" Oxford and IBH Publications, New Delhi, 1999.

7. Shaffer, J.G., "The Indo-Aryan Invasions: Cultural myth and Archaeological Reality" in "The People of South Asia" edited by J.R. Lukas, Plenum Press, New York, 1984.

8. Chris J.D. Kostman, M.A., "The Demise of Utopia: Contexts of Civilizational Collapse in the Bronze Age Indus Valley", JAGNES, the Journal of the Association of Graduates in Near Eastern Studies, 2001.
9. Romila Thapar, "Languages and Scripts of Asoka's Inscriptions". Microsoft Encarta DVD, 2001.

10. John Snelling, "The Buddhist Handbook", B&N, NY. 1991

Hoàng Đế Asoka Giã Từ Chinh Chiến
Với Nỗi Thống Khổ Của Người Thắng Trận

Trần Hương Lan dịch

Những tàn tích vùng Dhauligiri, một làng nhỏ trong bang Orissa, thường khơi dậy ký ức về một biến cố lịch sử vĩ đại nằm cách thủ phủ Bhubaneswar của tiểu bang Đông Ấn này chừng 10 km, làng Dhaulirigi vẫn còn giữ được gò đất và con lạch nhỏ dưới chân gò. Đối với một du khách chiêm bái hay một học giả chân chính, cả hai vật này đều là bảng chỉ đường về lịch sử và truyền thống văn hóa Ấn Độ cổ đại. Bên dưới đống đá lởm chởm và con lạch kia là cả câu chuyện thương tâm về việc cảm hóa một anh hùng viễn chinh của Ấn Độ thành một sứ giả nhiệt tình vì hòa bình và nhân ái trên khắp thế giới (A-dục vương).

Sự kiện này xảy ra trong cuộc đời của vị đại đế cổ Ấn Độ Asoka (A-dục vương 273 - 236 trước công nguyên) tiếp theo sau trận chiến Kalinga lẫy lừng, có lẽ đó là chiến trận bạo tàn nhất từng diễn ra trên đất Ấn. Kể từ năm 231 trước CN, trận chiến Kalinga đã có khoảng 100.000 người bị giết, hàng trăm ngàn người thương vong và 150.000 bị bắt làm tù binh. Ngày nay, vùng Dhauligiri luôn nhắc nhở cho con người thấy sự vô nghĩa của bạo lực và khiến cho họ phải lắng lòng suy nghĩ thật sâu sắc.

Đường đi đến Dhauligiri rất dễ dàng, phi cảng gần nhất là Bhubaneswar, nối với Delhi, Calcutta, Bombay, Hyderabad và Bangalore. Những chuyến tàu siêu tốc cũng có thể đưa bạn đến Bhubaneswar từ nhiều đô thị lớn khắp Ấn Độ. Mọi tiện nghi đều sẵn có trong các khách sạn do Công ty phát triển Du lịch Orissa quản lý hoặc các nhà trọ tư nhân. Xe buýt và taxi, sẵn sàng phục vụ ngay tại Bhubaneswar đi đến Dhauligiri và nhiều thắng cảnh thu hút khách du lịch trong vùng quanh đó rất dễ ra vào.

Trong khi theo đuổi chủ nghĩa bành trướng một cách bạo tàn, hoàng đế Asoka đã mở rộng vương quốc khắp mọi phía. Thực ra ngài đã thừa hưởng một vương quốc khá lớn do vị Tiên vương để lại, trải dài từ Persia (Iran ngày nay) đến Nam Ấn. Ngài còn bành trướng thêm bằng cách sáp nhập lãnh thổ Kalinga. Các sử gia cho rằng vương quốc của ngài là đế quốc vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ - Văn hào H. G. Wells còn miêu tả ngài là "Đệ nhất Đại đế của xứ sở này".

Song Kalinga là trận chiến thắng cuối cùng của Đại đế Asoka. Cuối cùng, chính là vì những nỗi khổ đau của kẻ chiến bại và lòng hối hận của người chiến thắng tràn ngập trong lòng Đại đế đến mức độ ngài từ giã chiến chinh mãi mãi, vì hoàng đế ăn năn đã chấp nhận đạo Phật thành một tín ngưỡng được tôn trọng suốt đời mình và đem hết những năm tháng còn lại ra sức thuyết giảng giáo lý phổ biến đạo từ bi khắp mọi tầng lớp quần chúng không chỉ trong quốc độ ngài mà còn vượt cả biên thùy Ấn Độ mãi cho đến bao đời sau!

Sừng sững giữa di tích ở Dhauligiri là một thạch tượng oai nghi, đẽo bằng đá tàng, dễ thu hút khách chiêm bái. Thạch tượng dáng cao cả, đơn độc như là nhân chứng câm lặng và bất lực trước cuộc chiến kinh hoàng. Người ta cho rằng con suối nhỏ kia tên là Daya (Từ tâm) cũng đã nhuộm thắm máu đào của cuộc tàn sát tập thể thời ấy. Đứng bên bờ suối, bạn có cảm tưởng như con suối kia chảy lờ đờ vì nó vẫn còn mỏi mòn kiệt quệ với nỗi đau do cuộc chiến Kalinga gây nên. Tàn tích Dhauligiri vẫn còn đó, suốt đời hậu chiến cho đến bao thế kỷ hậu lai.

Đặc điểm phi thường nhất trong biến cố trọng đại này là Đại đế Asoka đã không đổi đời vì bất cứ một động lực chính trị nào thúc đẩy từ trong nước cũng như ngoài nước, mà đơn thuần vì lòng từ bi đột nhiên sinh khởi đưa đến sự chuyển tâm toàn diện, một sự thay đổi trong tư duy lẫn hành động. Ngài vẫn là vị Đế vương tối thượng đầy đủ mọi uy quyền. Ngài được quần thần, chư hầu khắp nơi tôn trọng và kiêng oai. Song nỗi thống khổ do cuộc chiến Kalinga gây ra quá nặng nề đến độ ngài không thể nào chịu đựng được nữa.

Đại đế Asoka đầy ăn năn liền đi tìm gặp vị danh Tăng thời ấy là Tỳ kheo Upagupta. Ngài phủ phục trước vị Tỳ kheo và thỉnh cầu vị Pháp sư đem lại cho ngài sự bình an trong tâm trí. Do đó ngài được đưa dần vào đạo Phật và đạo Phật đã dần dần cảm hóa ngài, thu hút ngài mãnh liệt. Trong mọi nỗ lực hành trì giáo lý Bất hại (Ahinisa) và Từ tâm (metta) là nền tảng của đạo Phật, ngài truyền nhiều phái đoàn Phật giáo đi đến tận những vùng đất xa xôi vượt biên giới Ấn Độ để truyền đạo của Đức Thế Tôn.

Ngài lại ban các sắc dụ giải thích mọi công đức thiện sư này cho toàn dân thông hiểu và tuân hành. Các sử gia xem Đại đế Asoka là vị quốc vương Ấn đầu tiên ban hành các sắc dụ để truyền bá lý tưởng cao cả của ngài.

Sử gia Ấn Độ lỗi lạc, tiến sĩ Radha K. Moorkerji, chia các sắc dụ này thành ba loại. Loại thứ nhất là "Sắc dụ Kalinga"; bao gồm mười bốn sắc dụ trong đó có cả các sắc dụ liên hệ vùng Dhauligiri này. Sắc dụ XIII khắc trên trụ đá diễn tả nỗi khổ đau sâu sắc của vua Asoka vì đã gây nên sự việc, mà theo lời ngài, là cuộc bạo hành đối với nhiều người vô tội đầy lòng mộ đạo trong suốt cuộc chiến Kalinga này. Vì thế, ngài cầu mong mọi người hưởng được niềm hạnh phúc của nếp sống bất hại, từ điều thân, bình đẳng và thân ái. Quan niệm "chinh phục bằng vũ khí" trước kia đã được thay thế bằng lý tưởng chiến thắng bằng Đạo pháp. Và đạo ngài theo đuổi không phải là đạo cuồng tín, mà thấm nhuần tính nhân đạo giải thoát.

Đối với Đại đế Asoka, an lạc hạnh phúc của toàn dân là điều tối quan trọng. Ngài tuyên bố : "Tất cả thần dân đều là con ruột của Trẫm và ví như Trẫm ước mong các con Trẫm được hưởng mọi thứ an lạc hạnh phúc trong đời này lẫn đời sau, Trẫm cũng ước mong mọi thần dân được như nguyện".

Bằng các thiết lập một mối quan hệ đầy tình người giữa nhà vua cai trị và thần dân bị trị, ngài cho phép mọi triều thần và cận vệ trình tấu ngài mọi việc từ quốc sự đến dân tình vào bất cứ giờ phút nào, ngay cả khi ngài ở trong các hậu cung của các vương phi.

Là vị vua sáng lập ra một quốc gia hưng thịnh ở Ấn Độ, ngài nhấn mạnh đức tính vị tha và thông cảm giữa các tôn giáo qua các sắc dụ của ngài, chính ngài vẫn phán bảo quần thần "Nếu người nào chỉ ca ngợi giáo pháp của mình và chê bai các giáo phái khác thì chính người ấy đã làm hại giáo phái mình một cách nghiêm trọng".

Theo đúng giáo lý bất hại của đức Phật, vua Asoka nêu bật tầm quan trọng, tính cách thiêng liêng của cuộc sống không chỉ giữa loài người mà cả với loài vật. Ngài tuyên bố "Không sinh vật nào được giết hại hay đem ra tế lễ trong quốc độ Trẫm".

Quả thật, vua Asoka đã cống hiến hầu hết cuộc đời mình - khoảng hai thập niên - sau trận chiến Kalinga để thực hiện các phận của một Phật tử thuần thành. Một số sử gia có thể không tán đồng việc này, song một số khác cho rằng công cuộc ngài theo đuổi trong thời hậu chiến này còn có giá trị đối với nhân loại hơn cả thành tích chiến thắng của nhiều người khác.

Trên đỉnh đồi của quần thể vùng Dhauligiri ngày nay có dựng lên một Phật đài rộng rãi được thiết kế rất mỹ thuật. Nó thu hút sự chú ý của mọi người từ xa như một chứng tích thể hiện công cuộc mưu tìm hòa bình của Đại đế Asoka qua đạo Phật. Các Phật tử khắp nơi trên thế giới đã đến đây để chiêm bái vùng Thánh địa cao cả này.

Song ý nghĩa trọng đại hơn đối với đất nước Ấn Độ ngày nay là sự việc vua Asoka đã đặt nền tảng vững chắc cho một cơ chế dân chủ yêu chuộng hòa bình cao cả. Trên thực tế quốc huy nước Ấn Độ độc lập ngày nay là khuôn mẫu lấy từ Thạch trụ Asoka có hình bốn con sư tử lớn trên đỉnh cột hình tròn được dựng lên khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Dưới quốc huy là phương châm: Chỉ có chân lý chiến thắng (Satyameva Jyate). Cũng vậy, hình bánh xe với 24 căm xe mà xanh dương trên nền quốc kỳ màu trắng, phát xuất từ Pháp Luân (Dharma Cakka) trên Thạch trụ Asoka. Bánh xe nằm nổi bật trên hình hoa sen nở trên đỉnh trụ.

Quả thật các tàn tích trận chiến Kalinga, các Thạch trụ của vua Asoka và quần thể Phật đài ở Dhauligiri tượng trưng ba giai đoạn trong cuộc đời ngài: giai đoạn đầu tiên giai đoạn ngài trưởng thành qua đạo Phật và sau cùng là những ước mơ về tương lai cho chính ngài cùng hậu thế. Chính phần cuối cùng này đã đem lại lợi lạc cho quốc dân ngài và toàn thể nhân loại mãi mãi về sau./.
GOPÁL SEXNA (Realist Budhhist, 1993)

Trường ca KALINGA
Trúc Thiên


Chỉ có sự chiến thắng của Đạo Pháp mới thực là một cuộc chiến thắng vô thượng; ai ai cũng nhờ cuộc chiến thắng ấy mà được an cư lạc nghiệp.

Hộ pháp Chuyển luân vương
Đại đế A DỤC

Lời mở đầu

Ngày kia, trên đường du hóa, Phật gặp một cậu bé con nhà trâm anh ngồi giữa đường nhồi đất nặn đồ chơi giả làm thành trì sông núi. Cậu bé đem hết thành trì cúng dường cho Phật và nguyện sau nầy sẽ thống trị muôn dân, gồm thâu thiên hạ. Phật nhận lời nguyện, và báo trước kiếp sau cậu sẽ làm Chuyển Luân Vương tích cực hộ trì pháp Phật.

Quả nhiên, với nguyện lực tinh tấn ấy, lối 200 năm sau, sau khi Phật nhập Niết bàn, cậu bé ngày xưa thoát sanh làm hoàng tử, tên A Dục (Asoka), lên ngôi năm 273 trước TL, chinh phục toàn thể chư hầu bằng sắt và máu mà làm chúa tể cõi Diêm Phù.

Tám năm sau, nhà vua đánh xứ KALINGA, một nước nhỏ nằm bên vịnh Bengale hiện nay. Bị chống trả bất ngờ, nhà vua ra lịnh tàn sát. Kết quả: 10 muôn quân địch bị giết, 15 muôn khác bị cầm tù, vài mươi muôn thường dân khác chết lần chết mòn sau đó.

Nhưng, mầu nhiệm thay, hồi loa chiến thắng vừa rúc lên là nhà vua đột ngột hồi tâm và sám hối mà trở về với Phật. Ngài tuyên bố: Chỉ có đạo từ bi mới chinh phục được lòng người.

Tự đó, và từ trung tâm KALINGA, phát động khắp trong nước, khắp ngoài nước, những đợt truyền giáo hùng hậu không cùng, tung hoành như vũ bão. Nhà vua còn cho hai con là Đại đức Mahinda và công chúa Singhamiha xuất ngoại qua Tích Lan hoằng pháp, mang theo ba tạng kinh và một chồi bồ đề, nay vẫn còn. Ngài trùng tu lại các Phật tích, xây khắp xứ 84.000 thánh tháp thờ ngọc Xá Lợi, mở cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba, ký hiệp ước năm năm ở Cận Đông để truyền bá pháp Phật, v.v...

Nếu không có vị Chuyển Luân Vương siêu việt ấy thì khuôn mặt của Phật giáo chắc không thể được rạng rỡ như hiện nay, nhứt là sau thế kỷ thứ VI Phật giáo Ấn Độ bị càn quét khỏi quê nhà, nhưng Phật giáo hải ngoại vẫn còn đó, khắp nẻo lưu vong, đủ vững mạnh để thừa truyền mối đạo.

I. Bạo chúa A Dục

1

Kalinga! Kalinga!
Kalinga ngày nào một bãi trường sa!
và giáo và gươm, và hịch truyền loa rúc
và ngựa và người, và chiến xa chen chúc
dưới gầm trời sát khí nghẹn mây đen
và A Dục Vương lẫm liệt giữa rừng tên
trên bạch tượng nghiêng mình xoay ngọn kiếm
xua hết máu xương vào vòng hỗn chiến

Tiếng vọng:
«dừng tay lại bớ Đại Vương
« tiền thân hẹn có Chuyển Luân Vương hội nầy

2

và ngút trời lửa dậy đốt mông mênh
và thành trôi trong sóng máu bập bềnh
loang loáng chiếu gươm trần loe ánh đuốc
ngựa dày lên voi nghiến bước
xe chồm lên xác cày qua
người gục dưới người sõng sượt
máu đùn lên máu oan gia
giữa màn đêm u uất giục hồi loa

Tiếng vọng:
«dừng tay lại bớ Đại Vương
« tiền thân hẹn có Chuyển Luân Vương hội nầy

3

Kalinga! Kalinga!
Kalinga ngày nào một bãi tha ma!
người ta hỏi nhau : nước còn hay mất?
người ta hỏi nhau : ai còn ai mất?
ôi tử sĩ mười muôn vùi nghiêng liệm sấp
sài lang ơi, xin nhận lấy thịt da
xương trắng đó đùn lên từng nấm đất
hồn phiêu tám nẻo gió mưa nhòa
ôi tử sĩ mười muôn vùi nghiêng liệm sấp
đêm nghe quỉ rú dưới trăng tà
bầy quạ đói từ đâu về tới tấp
từng tử thi thâu dọn bãi trường sa
từng mảnh thịt xóa đi niềm ô nhục
hỡi ơi -- người chiến thắng Kalinga -- !

Tiếng vọng:
«quay đầu lại bớ Đại Vương
«tiền thân hẹn có Chuyển Luân Vương hội nầy

4

Kalinga! Kalinga!
Kalinga ngày nào lởm chởm bóng tù xa chuyển về đâu
-- đâu cũng là địa ngục --
những hình hài dở thú dở người ta
ôi những tù xa ...
rồi những tù xa ...
bánh chuyển vồng lên tang tóc
bánh chuyển đèo theo oan gia
bánh chuyển về đâu hì hục
-- pháp trường hay hỏa ngục? --
chuyển về đâu những tội ác của can qua
chuyển về đâu những hiện thân của ô nhục
hỡi ai -- người chiến thắng Kalinga --?

Tiếng vọng:
«dừng tay lại bớ Đại Vương
« tiền thân hẹn có Chuyển Luân Vương hội nầy

II. Chuyển luân vương A Dục

1

Kalinga! Kalinga!
Kalinga ngày nào Máu Lửa hóa Sen Toà!
Kalinga, lau đi dòng nước mắt
hỏi làm chi ai còn ai mất
bạo chúa giờ đâu?
đây chỉ có Chuyển Luân Vương
bạo chúa là ai?
đây chỉ có đau thương
đây chỉ có một tâm hồn ray rứt
quằn quại giữa muôn niềm đau ấm ức
Vương gục đầu cắn lệ nuốt trong sương
Vương suốt một đời ngang dọc ngọn trường thương
uy vũ lệch nghiêng trời đất
đầu lâu rắc nẻo biên cương
mà hôm nay
khi chiến thắng hồi loa vừa ngây ngất
níu xương máu vút trời lên chất ngất
Vương gục đầu cắn lệ nuốt trong sương
và chùa xa chuông vẳng tiếng du dương ...
mà tiếng vọng cứ triền miên trong gió rít
như giục giã như chan hòa như quấn quít
như nức lên từ giữa khối hư không
hồn ai kêu ơi ới giữa mông lung
như chuỗi máu nhiểu dài trong bóng tối
Vương ngắm đôi tay: tay đầm những máu
Vương ôm hồn gục xuống giữa hoang vu
và chùa xa chuông vẳng tiếng vi vu ...
đầu gục trên niềm hối tiếc
tay buông nhẹ hết triều nghi
chắp lại một lời tha thiết :

« Con nguyền sám hối qui y
« gươm giáo đó sẽ là chuông là tượng
« thân tâm này sẽ là bát là y
« con thành kính dưng lên niềm tin tưởng
« trên khung đời tạc lại nét từ bi
«Nam Mô Thích Ca Mâu Ni ! »

2

« đây : chồi Bồ Đề
« đây : ngọc Xá Lợi
« đây : Ba Tạng Pháp Bửu Pa Li
« trẫm cung kính trao về chư Đại Đức

« đây : Muôn đời Thông Điệp của Từ Bi
« xin hãy lên đường hoằng pháp
« khung đời tô lại nét huyền vi
« mặt người tạc lại niềm u hiển
« tâm người khơi lại ánh vô vi
« đâu đâu chẳng hồn mơ từng tia nắng mỏng?
« đâu đâu chẳng môi khát từng giọt từ bi?

« Nam Mô Thích Ca Mâu Ni!»

rồi từng đoàn người đi ...
rồi từng đoàn người đi...
đi từ thành Kalinga
kinh đô của Ánh Sáng
đi từ hồn Asoka
nguồn lửa của Từ Bi
đạo theo đoàn khất sĩ
kinh theo nẻo vân du
hành trang : một bình bát
võ khí : một lòng tu
đốt lên từng ngọn đuốc
kéo qua cõi Diêm phù
đường đi dầu có vi vu
núi rừng dầu có hoang vu
truông đèo dầu bao chớn chở
sông ngòi dầu bao trắc trở
hiểm nguy dầu khắp nẻo chắn đường tu
nhưng Sứ Giả của Như Lai có bao giờ nhũn bước?
nhưng Chiến Sĩ của Tình Thương có bao giờ lỗi ước?
hào quang khoác áo chinh phu
... và Pháp Phật tràn lan như sóng nước
và Bồ Đề bóng ngả mát mười phương
từ kinh kỳ ra hải ngoại
nối liền lục địa với trùng dương
pháp nào là chẳng Pháp Phật ?
tâm nào là chẳng Tâm Thương ?
tung ra thì đạo mở muôn đường
khép lại thì bặt từng mảy bụi

ai ngàn xưa mở núi
ai ngàn sau hành hương
thấy chăng trong nhịp hoằng dương
bóng Người Hộ Pháp lồng khuôn Phật đà ?

tuần Phật Đản 2509

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/09/2019(Xem: 5978)
Lễ Giỗ Sư Ông Thích Đồng Thiện lần thứ 18 tại Hoa Kỳ
08/09/2019(Xem: 7776)
Trưởng Lão Hòa thượng Thích Chơn Thành, một nhà sư bình dị, hài hòa, dễ mến, luôn nở nụ cười hoan hỷ, được giới trí thức, sinh viên du học Nhật thương mến, được cộng đồng người Việt và người Ngoại quốc rất quý kính với tên gọi thân thương: “Happy Monk.” Hòa thượng được trưởng dưỡng từ những dòng Thiền Phật Giáo Nhật Bổn, thăng hoa đời sống tâm linh. Thầy có cái nhìn mới và thời đại dẫn đến những việc làm lợi ích cho đạo và cho đời. Thế danh của thầy là Nguyễn Thứ, sinh ngày mùng 9 tháng 8 năm 1934, tại Xã Xuân Thọ, Quận Sông Cầu, Tỉnh Phú Yên, Việt Nam. Thân phụ của thầy là Cụ Ông Nguyễn Thanh, thân mẫu là Cụ Bà Võ Thị Đạt. Ngài là đệ tử của cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Liên, vị tu sĩ Phật Giáo Việt Nam đầu tiên được đi du học tại Hoa Kỳ vào năm 1956 với học bổng do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Cơ Quan Văn Hóa Mỹ cấp tặng.
06/09/2019(Xem: 9776)
Chúng con toàn thể Tăng Ni và Tín Đồ Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu cũng như Môn Đồ Pháp Quyến Chùa Phật Huệ tại Đức Quốc xin cáo bạch đến Chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi trên thế giới cùng đồng bào Phật Tử là: Thượng Tọa Thích Từ Trí Viện chủ chùa Phật Đạo Trú trì chùa Phật Huệ Sinh ngày 01.01.1940 Vừa an nhiên thị tịch tại bệnh viện thuộc Thành Phố Frankfurt am Main, Đức Quốc vào lúc 10 giờ sáng (giờ Đức Quốc) ngày 03 tháng 09 năm 2019, nhằm ngày mồng 05 tháng 08 năm Kỷ Hợi. Trụ thế 80 Tuổi. 35 Tăng lạp, 28 Hạ lạp.
29/08/2019(Xem: 6138)
Hành Trạng Và Sự Nghiệp của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (bài thuyết trình của HT Thích Nguyên Siêu nhân ngày Khánh Thành Chùa Đôn Hậu tại Na Uy, 23, 24, 25 tháng 8 năm 2019)
04/08/2019(Xem: 10809)
Thư Mời Lễ Vu Lan 2019 & Lễ Đại Tường HT Thích Minh Tuyền tại Chùa Việt Nam, Nhật Bản
28/07/2019(Xem: 5643)
Hòa thượng Thích Giải An Thế danh: Nguyễn Hòa (Nguyễn Giải An) Pháp danh: Như Bình Đạo Hiệu: Huyền Tịnh Ngài sinh ngày 23/7/1914 (tức 01/06 Giáp Dần), Phật lịch 2458, tại xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Thân sinh Ngài là Cụ ông Nguyễn Văn Đây và Cụ bà Phạm Thị Bàn. Cụ ông, Cụ bà đã sinh được ba người con gồm: hai trai, một gái mà Ngài là con trai út.
05/07/2019(Xem: 7340)
Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Hòa thượng húy là Trần Hữu Phước, pháp danh Thích Thanh Từ, sau đổi lại húy là Trần Thanh Từ. Sinh ngày 24 tháng 7 năm 1924, tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Vĩnh Long).
21/06/2019(Xem: 30245)
Trong năm 2018 Chùa Viên Giác đã tổ chức Lễ Kỷ Niệm 40 năm thành lập Chùa Viên Giác (1978-2018) và 40 năm thành lập Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức (1978-2018). Sang năm 2019, Chùa sẽ tiếp tục tổ chức Lễ Kỷ Niệm 40 năm thành lập Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Đức (1979-2019) và 40 năm xuất bản báo Viên Giác (1979-2019).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]