Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiểu sử nhà văn Quách Tấn

24/11/201010:41(Xem: 11134)
Tiểu sử nhà văn Quách Tấn

Quach Tan

Quách Tấn, tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, tiểu hiệu Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Cù Huân Khách v.v... Sinh ngày 04 tháng 01 năm 1910 tại làng Trường định tổng Trường định, huyện Bình khê, tỉnh Bình Định; nay là thôn Trường định, xã Bình hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

          Thuở bé học chữ Hán, đến 12 tuổi mới học Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1929 đậu bằng Cao đẳng Tiểu học, lần lượt làm việc tại tòa sứ Huế, tòa sứ Đồng nai, tòa sứ Nha Trang. Đến Cách mạng tháng tám 1945 bùng nổ thì cùng gia đình tản cư về Bình Định. Từ 1945 đến 1954 dạy Quốc văn tại các trường trung học phổ thông ở An nhơn, Bồng sơn, Bình khê. Từ 1954 đến 1965 là Phó Tỉnh trưởng Hành chánh tỉnh Bình Định một thời gian rồi bị đổi ra Huế, sau xin về làm tại Nha Trang rồi về hưu. Từ ấy, ông ở tại Nha Trang tiếp tục sự nghiệp sáng tác, biên khảo và dịch thuật đã bắt đầu từ năm 1932. Những năm cuối đời dù bị mục tật ông vẫn làm việc không hề biết mệt mỏi cho đến khi nhắm mắt lìa đời.

          Quách Tấn từ trần lúc 7 giờ 30 sáng ngày 21 tháng 12 năm 1992 (nhằm ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân) tại ngôi nhà do ông tậu từ thời Pháp thuộc, nay mang biển số 12 đường Bến Chợ - Nha Trang, sau một cơn đau tim đột ngột, hưởng thọ 82 tuổi.

 

Các tác phẩm đã xuất bản trong và ngoài nước:

Ø                                    Một Tấm lòng (Thơ, Hà Nội - 1939)

Ø                                    Mùa cổ điển (Thơ, Hà Nội - 1941, tái bản tại Sài Gòn - 1960)

Ø                                    Trăng ma lầu Việt (Truyện truyền kỳ, Sài Gòn -1960)

Ø                                    Nghìn lẻ một đêm (Lược thuật truyện cổ Ba Tư, Sài Gòn -1961)

Ø                                    Đọng bóng chiều (Thơ, Paris - 1965)Mộng Ngân Sơn (Thơ, Paris - 1966)

Ø                                    Nước non Bình Định (Địa phương chí tỉnh Bình Định, Sài Gòn - 1968)

Ø                                    Xứ trầm hương ( Địa phương chí tỉnh Khánh Hòa, Sài Gòn - 1969)

Ø                                    Giọt trăng (Thơ, Paris - 1973)

Ø                                    Tố Như thi (Tuyển dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Paris - 1973)

Ø                                    Họ Nguyễn Vân Sơn (Tiểu truyện danh nhân, Qui Nhơn - 1988)

Ø                                    Nhà Tây Sơn (Biên khảo lịch sử, Qui Nhơn - 1988)

 

Các tác phẩm chưa xuất bản Hơn mười tập thơ, trong đó có:

Ø                                    Mây cổ tháp (xong 1973)

Ø                                    Giàn hoa lý (xong 1979)

Ø                                    Bước lãng du: từ Huế đến Phan Rang (Biên khảo - ký sự, xong1963)

Ø                                    Cảnh cũ còn đây (Biên khảo - ký sự, xong 1963)

Ø                                    Đời Bích Khê (Truyện ký danh nhân, xong 1971)

Ø                                    Thi pháp (Phép làm thơ xưa, xong trước 1975)

Ø                                    Đôi nét về Hàn Mặc Tử (Truyện ký danh nhân, xong trước 1975)

Ø                                    Đôi nét về Đào Tấn (Truyện ký danh nhân, xong trước 1975)

Ø                                    Thơ chữ Hán của Thái Thuận (Tuyển dịch, xong trước 1975)

Ø                                    Dạo quanh hí trường (Giai thoại về hát bội, xong 1989)

Ø                                    Bóng ngày qua (Hồi ký, viết từ thiếu thời đến trước khi mất không lâu) v.v...

 

Quách Tấn làm thơ viết bằng... tay trái

          Cũng như hầu hết các nhà thơ nhà văn sống cùng thời với ông, dù đã chọn văn chương làm nghiệp dĩ nhưng bởi "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" như Tản Đà từng bảo nên ai cũng phải làm một nghề bằng tay mặt (công chức, nhà giáo v.v...) để có đồng lương chính đáng đủ nuôi sống chính mình, góp phần ổn định đời sống gia đình mình, rồi mới yên tâm mà theo đuổi mục đích đã chọn. Dù muốn dù không, yếu tố kinh tế vẫn chi phối cuộc đời họ nên khi gặp phải những biến động của lịch sử tạo nên những bước ngoặc quan trọng trên đường đời thì sự nghiệp văn chương của họ không thể không bị ảnh hưởng. Cho nên cuộc đời của nhà thơ họ Quách có thể chia thành mấy giai đoạn sau đây:

1910-1929: Từ sơ sinh đến đỗ đạt, sống lệ thuộc vào kinh tế gia đình.

1929-1945: Làm công chức cho "Chính phủ Bảo hộ", bắt đầu tự lập

1945-1954: Làm giáo viên trong vùng kháng chiến, vừa mưu sinh vừa được yên thân.

1954-1965: Làm công chức cho chính quyền miền Nam, ổn định kinh tế gia đình.

1965-1975: Nghỉ hưu, sống nhờ vào hưu bổng.

1975-1992: Quãng cuối đời, không còn hưu bổng nữa, sống nhờ vào sự cung dưỡng của con cháu. Vậy "quãng cuối đời" của quách Tấn kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, và những điều nghe biết về ông xin cũng bắt đầu từ thời điểm này.

 

Từ hai bài thơ tuyệt bút...

          Phải mấy tháng sau ngày 30-4-1975 tôi mới về tới căn nhà ọp ẹp của tôi ở đường Bạch Đằng, trước hãng Bia, cạnh đầm Thị Nại - Qui Nhơn, căn nhà mà dưới một bài báo tôi đã gọi đùa là Phong mãn lâu. Bấy giờ vợ con tôi đã về quê, tôi còn ở lại coi nhà.

          Một buổi sáng nọ, tôi vừa ngạc nhiện vừa mừng rỡ khi thấy Quách Tấn đến nhà tôi. Cùng đi với ông còn có họa sĩ Phạm Đình Khương. Vừa cầm tay tôi, ông có vẻ buồn, trầm giọng nói:

- Tôi vì chút việc nhà mà phải về Qui Nhơn từ hôm qua, sáng nay nhờ anh Khương đưa tới thăm ông.

Tôi mời ông vào nhà. Nhà sẵn còn mấy phong bánh bột đậu và lương khô vợ tôi để lại cho tôi dùng khi nào không muốn nấu cơm, tôi mang ra đãi khách. Ông lấy lại sự vui vẻ cố hữu, vừa thong thả ăn bánh uống nước, vừa oang oang nói, chuyện nọ chưa hết đã tiếp chuyện kia, xưa có nay có, trong làng văn có, ngoài làng văn có, nhưng ông không hề đả động tới "chút việc nhà" của ông và thời sự đất nước. Trước năm 1975, tôi có nhiều dịp hầu chuyện ông nên biết tính ông. Ông có nhiều điều muốn nói, khi gặp được người biết nghe thì ông nói say sưa đến nỗi quên uống quên ăn. Ở ông, yêu cầu được nói cũng cần thiết như yêu cầu được viết. Năm 1972, có lần tôi đến thăm ông, ông nói chuyện với tôi từ ba giờ chiều đến gần chín giờ tối mới cho tôi ra về. Ra khỏi nhà ông thì phố xá vắng hoe, trên đường phố nhiều chỗ vòng thép gai đã kéo qua đường vì gần tới giờ giới nghiêm. Tôi không muốn bị bắt vì đi trong giờ giới nghiêm nên phải chạy bộ hơn bốn cây số mới về tới nhà trọ. Dù có mệt, tôi đã được đền bù vì qua buổi nói chuyện, nghe ông nói thì đúng hơn, tôi thấy thú vị vô cùng. Cho nên suốt buổi sáng hôm ấy ở Phong mãn lâu, tôi chỉ được phép ngồi nghe ông nói, chờ mãi mới có dịp hỏi thăm sức khoẻ ông.

          Số là, khoảng năm 1973 ông bị chứng thiên đầu thống phải vào nằm ở nhà thương Chợ Rẫy. Bấy giờ báo Bách Khoa đưa tin, nhiều độc giả yêu mến ông đã mách ông nhiều phương thuốc Đông, Tây, Nam y thời đại đủ cả, có phương tùng được bách khoa đăng tải, nhưng ông không dùng phương nào mà chỉ dùng thuốc của bệnh viện, cho đến khi ra viện cũng thế. Tại bệnh viện, ông được bác sĩ cho biết trong tương lai ông sẽ bị hư hết một mắt, lúc ấy thì phải đến ngay bệnh viện để múc bỏ, nếu không thì mắt kia sẽ bị lây. Sau đó một thời gian thì mắt còn lại cũng bị hư nốt và ông phải chịu mù. Nỗi bất hạnh ấy xảy đến sớm hay muộn là tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể ông mạnh hay yếu, cho nên sau khi ra viện ông phải dùng thuốc thường xuyên. Những điều vừa nói tôi đã được ông bảo cho biết từ năm 1975 nên khi nghe ông thản nhiên nói ông không còn dùng thuốc nữa, tôi đã không giấu nổi sự ngạc nhiên. Ông thấy tôi có vẻ muốn hỏi, không để cho tôi kịp hỏi, ông đã kể tiếp một chuyện xảy ra trước đó mười năm.

          Ông kể rằng vào khoảng 1965, một buổi sáng nọ ông đang ngồi trong nhà nhìn ra ngõ thì thấy có người đàn ông đã đứng tuổi, qua lại trước nhà ông vài ba bận, rồi dừng lại ngắm nghía cảnh nhà ông, đầu gật gù, miệng như lẩm bẩm điều gì. Ông lấy làm lạ bèn ra mời khách vào nhà. Khách là một Hoa kiều, nói tiếng Việt chưa được sõi lắm. Khách cho biết mình ở Chợ lớn, nhân ra Nha Trang thăm bạn xong, bèn đi thăm một vòng thành phố cho biết. Khách tự nhận có biết thuật phong thủy, nhân thấy cảnh nhà ông mà tò mò muốn biết... Khách hỏi tới tuổi tác ông, hỏi ông làm chủ ngôi nhà này từ bao giờ... Sau khi được biết đầy đủ mọi chi tiết, khách trầm ngâm khá lâu rồi buột miệng nói:

- Theo tọa hướng của ngôi nhà cùng tuổi tác của chủ nhà và ngày giờ thủ đắc dương cơ nầy thì gia chủ nhất định phải bị mục tật. Nhưng quái lạ, ông đã ở đây mấy chục năm rồi mà sao điều đó lại chưa xảy ra?

Ông nghe nói thế có vẻ phật ý, lại sẵn không tin thuật phong thủy nên lặng thinh chẳng nói gì. Khách thấy thế biết mình lỡ lời bèn đứng dậy cáo từ. Dù không tin những lời nói của ông khách kỳ dị kia ông không sao quên được, cho đến ngày ông lâm bệnh rồi được bác sĩ báo cho biết căn bệnh của ông, ông nhớ lại lời khách nói rồi đâm ra phân vân, cuối cùng thì đi đến một quyết định. Ông nói:

- Nếu đã bảo có định mệnh mà còn cố tránh né thì không nên. Phải bình thản sống như không hề hay biết gì.

Té ra ông không dùng thuốc nữa là không muốn cưỡng lại định mệnh, cái triết lý sống ấy nghe có vẻ bi quan quá, tôi đã trình bày tỏ sự không tán đồng, cũng may là chưa kịp nói, nếu không thì ắt bị ông chê là người nông nổi.

          Mải mê chuyện vãn mà trời đã quá ngọ lúc nào không hay, anh bạn họa sĩ nhiều lần đưa mắt xuống liếc thấy bếp núc lạnh tanh nên nhắc khéo ông về, ông tảng lờ như không nghe khiến anh bạn phải nhắc đến hai ba lần ông mới đứng dậy nói lời từ biệt. Tôi đưa ông ra cửa ngoài, ông chân trong nhà chân ngoài đường bèn dừng lại, cầm tay tôi, mắt trĩu buồn, đọc cho tôi nghe hai bài thơ thất ngôn bát cú mà ông bảo là tuyệt bút. Ông còn nói thêm rằng ông làm hai bài thơ nầy rồi thì không làm thơ nữa. Ông chỉ nhẩm trong bụng chứ không chép lên giấy nên ông cũng không muốn tôi chép lại. Nghe ông đọc xong, tôi yêu cầu ông đọc lại lần nữa, vừa nhẩm cho nhớ vừa tìm hiểu ý nghĩa của hai bài thơ... Ông thấy tôi như nghĩ ngợi đâu đâu và thấy khách đi đường cùng những người láng giềng của tôi nhìn ông có vẻ tò mò, bèn siết mạnh tay tôi mà hẹn ngày gặp lại. Tôi giật mình, cúi đầu chào ông rồi nhìn theo dáng ông bước thấp bước cao rẽ vào đường Lê Lợi... Ông đã khuất sau dãy nhà tôle mà tôi còn đứng thừ người trước cửa. Cả ông và tôi đâu có ngờ đó là lần duy nhất ông đến nhà tôi mà cũng là lần cuối cùng tôi được gặp ông.

          Ông về rồi, tôi vào nhà nhẩm lại hai bài thơ, đã lấy giấy bút ra định ghi nhưng nhớ lời ông dặn không dám trái mệnh. Tôi nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần để tìm xem ngoài nghĩa hiện còn có ý ẩn nào chăng nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy. Nghĩa hiện ở hai bài thơ rất rõ ràng: ông nhìn lại mấy chục năm trời kết bạn với nàng Thơ, xét thấy không có điều gì phải hổ thẹn. Nay ông tự thấy thơ ông không còn họp thời nữa nên làm hai bài thơ này để chia tay nàng Thơ và mong được yên ổn sống nốt chuỗi ngày tàn. Tôi nghĩ: thơ ông chỉ nói có thế thì việc gì phải cẩn thận tới mức ấy, nhưng sau này tôi được biết khi tiếp quản điện Tây Sơn thì việc làm đầu tiên của cơ quan văn hóa huyện này là cho chùi ngay bài Văn bia tại điện do ông soạn (Bài văn bia tại mộ anh hùng Mai Xuân Thưởng do ông soạn cũng chịu chung số phận sau đó không lâu) và nhất là khi biết được "chút việc nhà" của ông thì tôi cho rằng ông dè dặt như thế cũng phải.

          "Chút việc nhà" của ông lẽ ra tôi không nên nói ở đây vì nó động tới mối thương tâm của người trong gia đình ông, lẫn gia đình rể ông, nhưng ông là một danh nhân văn hóa, ông không còn là người của riêng ai mà là người chung của dân tộc. "Chút việc nhà" đã khiến ông quan tâm tới mức phải cấp tốc từ Nha Trang về Qui Nhơn như ông đã nói trên kia, thì chắc chắn có để lại dấu ấn trong thơ văn ông. Biết được "chút việc nhà" để biết tình cảm ông ký thác trong thơ văn là yêu cầu cần thiết và chính đáng của những ai muốn nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm ông. Vì lợi ích chung, xin ai đó chớ trách tôi đã thày lay mách lẻo.

          Số là, ông có cô con gái khá xinh được ông cưng nhất nhà. Thuở còn là con gái, cô ấy từng được nhiều chàng trai đứng đắn, học giỏi muốn gấm ghé. Sau này cô lấy chồng làm lính thủy, trước 30-4-1975 chồng cô làm tới sĩ quan cấp tá. Ngày dân Sài gòn di tản, chồng cô vì quân vụ tại thân không thể rời tàu về nhà đưa vợ con đi mà chỉ đi có một mình, cô ấy cùng mấy đứa con đành theo gia đình người anh trưởng trở về Qui Nhơn. Trong lúc buồn chán đến không thiết sống nữa, cô ấy bèn dùng độc dược cho con uống trước rồi mình uống sau. Người nhà hay tin được liền đưa mấy mẹ con vào bệnh viện Đa khoa cấp cứu nhưng rồi chỉ cứu được mẹ mà thôi."Chút việc nhà" của ông bi đát là thế. Suốt buổi sáng nói chuyện với tôi ở Phong mãn lâu, tuy không hề nhắc tới, nhưng có đôi lúc ông như lơ đễnh, thì vị tất ông đã không nghĩ tới? Rồi những lúc không còn người nói chuyện cho khuây khỏa lẽ nào ông không nhớ tới? Rồi khi làm thơ viết văn, ai dám bảo ông không gởi gắm chút nào vào tác phẩm mình sự nghĩ sự nhớ về "Chút việc nhà"?

          Trở lại nói với hai bài thơ "tuyệt bút"... Sau lần gặp ông chẳng bao lâu tôi bán đổ bán tháo Phong mãn lâu rồi dọn về sống nhờ quê vợ. Từ ấy trở đi, tôi phải làm ruộng rồi làm gạch ngói kiếm ăn, vất vả mấy năm liền, ít khi nghĩ đến chuyện văn chương chữ nghĩa, cho nên hai bài thơ quên bén lúc nào không hay. Cách đây hai năm, nhân có người bạn vào Nha Trang thăm ông, tôi có nhờ anh ấy xin ông đọc lại để chép hộ nhưng anh ấy lại quên mất. Nếu quả thực hai bài thơ ấy ông không viết lên giấy và nếu ông chỉ đọc cho mỗi một mình tôi nghe (anh bạn họa sĩ bị điếc nặng, tuy lúc ấy đứng cạnh ông cũng không nghe được gì) thì bây giờ nó đã theo ông xuống mồ, hóa ra thất truyền, tôi buồn vì thấy mình cũng có lỗi, không nhiều thì ít.đến bài thơ tục bút cùng thơ truyền miệng.

          Hơn một năm dọn về quê vợ, tôi mới có dịp đi Qui Nhơn, bèn ghé lại nhà anh con trưởng của ông để hỏi thăm ông. Gặp tôi, anh ấy vui vẻ nói:

- Ba tôi khoẻ rồi. Bài viết của ba tôi đã được đài Phát thanh Hà Nội đọc rồi đó!

Nghe anh nói, tôi mừng thầm cho ông "được yên thân" như ông từng ao ước. Tôi hỏi thăm sức khoẻ cô em gái đã nói trên kia, anh ấy buồn bã bảo: "Nó đi rồi!" Tôi sửng sốt. Không để tôi hỏi, anh nói tiếp:

- Sau bận ấy mấy tháng, nó làm lại lần nữa, không ai cứu được nên nó đi luôn!...

Tôi nói ít lời chia buồn rồi cáo từ.

Bẵng đi một dạo khá lâu, bỗng có anh bạn học cũ từ Sài gòn ra thăm tôi. Được biết tôi đang làm ngoài đồng, có lẽ anh muốn thấy tận mắt cách tôi cầm cuốc ra sao nên đã nhờ con tôi đưa anh ra đồng. Chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi, ngồi trên bờ ruộng, anh cầm tay tôi mà nói:

- Tôi nhớ các ông vô cùng. Được biết ông Hinh ở Nha Trang, ông ở đây, tôi phải đi thăm cho đỡ nhớ. À, Hinh có thư thăm ông ở đây. Kể cả cụ Quách nữa, cụ cũng gởi lời thăm ông..." Rồi anh vui vẻ đọc cho tôi nghe bài thơ mà anh bảo là Quách Tấn mới làm sau thời gian dài nghỉ làm thơ:

Lo buồn phỏng có ích chi?
Đời còn vui được ta thì cứ vui.
Một mai ba tấc đất vùi
Trần gian gởi lại nụ cười cho hoa.

Nghe bạn đọc xong, tôi mừng cho ông đã nguôi buồn vì "chút việc nhà" và nhất là vui mừng cho thi ca hậu chiến sẽ phong phú thêm vì lão tướng đã trở lại thi đàn. Lần này tôi không bị ràng buộc bởi lời dặn của ông nên lúc về nhà tôi đã kịp thời ghi lại. Nhưng sự cẩn thận của tôi lần này lại hóa thừa, bởi có một anh bạn trẻ đã nghe ông đọc, đã thuộc và gần đây có chép gởi cho tôi, đối chiếu với bản tôi có thì cả hai giống hệt. Điều này cho phép tôi hy vọng rằng cũng có người được nghe và còn nhớ hai bài thơ tuyệt bút, tôi mong sớm có ngày thấy nó để khỏi phải ân hận lâu hơn.

          Năm 1988, sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình cùng một năm in của ông hai quyển "Nhà Tây Sơn" và "Họ Nguyễn Vân Sơn". Tôi tình cờ thấy hai quyển này bán ở hiệu sách Nhân dân Bồng Sơn, tôi cầm cả hai quyển trong tay, mắt đọc vội đọc vàng, lướt hết quyển này đến quyển kia để kịp trả cho cô bán hàng trước giờ đóng cửa. Tôi bắt gặp cả hai quyển ông đều có nhắc đến tên tôi và sách của tôi, mặc dù không phải nhắc để khen. Tôi còn lạ gì tính ông, ông rất hà tiện lời khen, trước năm 1975 trong giới trẻ cầm bút ở miền Nam tôi chỉ nghe ông khen có hai người là Phạm Công Thiện và Nguyễn Mộng Giác, mà quả thực hai anh ấy cũng đáng để ông khen. Cho nên đối với tôi, được ông nhắc tới cũng quí hóa lắm rồi, gia dĩ còn chứng tỏ được rằng trong quan hệ tình cảm ông chưa quên tôi. Lúc ấy tôi xúc động đến run cả tay là chính vì thế, nhưng tội nghiệp cho cô hàng sách đứng sau quầy thấy thế tưởng tôi bị nhiễm lạnh liền móc túi đưa dầu!...

          Tôi có thói quen sách viết xong mới viết tựa, bạt nên khi đọc sách của ai tôi cũng đọc phần chính cho biết nội dung rồi mới đọc tựa, bạt. Hôm ấy cũng thế, hai bài tựa tôi đọc sau cùng. Trước khi gấp sách trả cho cô bán hàng, mặc dù có bực mình cho kẻ nào đó nhẫn tâm đánh cắp sách vở tài liệu của ông để ông bêu riếu lên mặt giấy tôi vẫn thấy nao nao buồn khi được biết cái điều mà ông bình thản đợi như ông đã nói với tôi từ năm 1975 thì nó đã đến: Ông đã bị mù! Hỡi ôi! Đối với người ham viết ham đọc như ông mà không còn thị giác nữa thì còn có điều nào bất hạnh hơn? Sau này, tôi đọc thấy đâu đó, thơ ông có câu:

Ngày cũng như đêm chảng thấy gì
Không làm thơ nữa biết làm chi?...

Tôi nhớ tới hai chữ "phúc thảo" ông đã viết trong "Nước non Bình Định". Ông đã cắt nghĩa là "nháp sẵn trong bụng", tôi đã hình dung được cách làm thơ viết văn của ông! Ông "tác" theo lối "phúc thảo" rồi nhờ người sáng mắt "trước" lên giấy như khi cụ Đồ Chiểu trước tác Lục Vân Tiên! Trước tác theo kiểu này thì thơ ngắn còn được như ông đã làm, truyện thơ dài cũng còn được như cụ Đồ đã làm, nhưng làm sách biên khảo mà không được chính mắt mình đọc để so sánh, khảo chứng các tư liệu dùng tham khảo mà phải nhờ người đọc hộ khi sách đã được người sáng mắt "biên" xong mà cũng không được chính mắt mình "khảo" lại thì làm sao tránh khỏi sai lầm và nhất là thiếu sót! Ông có bài thơ "Đui", trong ấy có câu:

“Có đui mắt mới biết đui là khổ!”

          Ông than khổ không phải chỉ vì gặp khó khăn trong sinh hoạt bình thường của thể xác như ăn, uống, đi, đứng v.v... mà chính vì gặp trở ngại lớn lao cho nhu cầu tinh thần khiến ông phải buộc lòng chấp nhận cung cách đọc và viết như tôi đã mô tả trên kia.

          Từ ấy thỉnh thoảng tôi cũng có thấy ông đăng rải rác trên các báo "Tuổi Trẻ", "Mỹ thuật Ngày nay", “Lao động Chủ nhật” v.v... trong số cũng có lắm bài ông nói về mình (có nhà thơ nào làm thơ mà không nói đến cái tôi nhỉ?) nhưng tôi đọc mà không cảm thấy thấm thía bằng những bài thơ tôi gọi là Thơ truyền miệng. Số là từ năm 1985 đến giữa năm 1992 ông có làm một số thơ nói về mình, làm xong thì đọc cho những người thân tín nghe chứ không phổ biến rộng rãi. Trước đây một năm tôi có được một trong những người thân tín của ông đọc cho nghe mấy bài. Tôi không thể lục đăng ra đây bởi... lúc hấp hối, dường như ông có nhiều điều muốn trối trăn mà không thể nói được, ông chỉ còn kịp dùng ngón trỏ của bàn tay mặt viết lên lòng bàn tay trái của con trai ông là Quách Giao ba chữ là ĐỪNG BÁN SÁCH thì bây giờ tôi đâu dám công bố tác phẩm của ông mà chưa có ý kiến của người thủ đắc? Tôi chỉ mạn phép lục đăng sau đây một bài thơ truyền miệng do một người thân tín khác vừa cung cấp cho tôi nhưng lại được một ông bạn thơ bảo tôi biết là đã thấy nó trên mặt báo. Đó là bài thơ ông làm để đón Xuân Nhâm Thân (1992), mùa xuân cuối cùng trong đời ông.

GIAO THỪA NHÂM THÂN
Nghe pháo giao thừa chẳng thấy xuân
Như xa như cách lại như gần
Cỏ sương vườn cũ tình Quân Thụy
Hoa nến đình Hương giấc Thái Chân
Nét lạ in sâu dòng ảo hóa
Hơi dương thổi nhẹ lớp phong trần
Trải lòng ngồi đợi canh tàn pháo
Hưởng thái bình qua sấm Bạch Vân.

 

... và những nghi án

          Quách Tấn mất mà chưa kịp duyệt lại toàn bộ tác phẩm đã viết, chưa kịp hoàn thành tác phẩm đang viết khiến Văn học nước ta thiệt thòi không nhỏ. Đồng thời ông cũng để lại nhiều nghi án mà người đời khó nỗi tìm ra đáp án. Trong số những nghi án, tôi thấy có hai nghi án sau đây là đáng kể:

1- Trong "Nước Non Bình Định" và trong "Nhà Tây Sơn", ông đã dẫn ra nhiều truyền thuyết mà không hề trưng được nguồn gốc, lai lịch cùng thẩm định giá trị của từng truyền thuyết khiến lắm người nghi ngờ không ít truyền thuyết do ông... đẻ ra. Bây giờ, đứng trước cái mớ bòng bong của truyền thuyết, muốn lựa ra cái nào của người xưa cái nào của ông, cái nào đúng với thực tế lịch sử, cái nào chỉ có trong trí tưởng tượng của con người, họa có trời mới biết! Đã đành khi ông trưng những truyền thuyết, ông có bảo đó là truyền thuyết nhưng khổ nỗi trong 15 năm nay có lắm người viết về hai phong trào Tây Sơn và Văn Thân tại Bình Định đã "xây dựng lịch sử" trên những truyền thuyết do ông phổ biến, nhắm mắt mà tin, không hề kiểm chứng! Đến những bài thơ ngắn đề vịnh các thắng cảnh và di tích lịch sử điểm xuyết trong "Nước Non Bình Định", tôi biết là của ông nhưng có lẽ chưa hội đủ tiêu chuẩn thơ nên ông đã đật dưới những câu mào đầu đại loại như "Người Bình Định thường hát lên rằng..." hoặc "Có câu ca rằng..." Khi trích lại trong "Nhân vật Bình Định", tôi đã cẩn thận chú: "Thơ của một nhà thơ Bình Định do thi sĩ Quách Tấn phổ biến". Ấy thế mà có lắm người đã cho nó là ca dao, đơn cử như Đào Văn A đã không ngần ngại bê toàn bộ những bài ấy vào "Văn Học Dân Gian Nghĩa Bình"! Sử dụng tư liệu của người đi trước mà không biết cách, là "Lỗi tại ta! Lỗi tại ta mọi đàng!" nhưng ông đã dù vô tình mà khiến cho người ta lạc vào Bát trận đồ như sinh viên Văn khoa Sài gòn năm xưa lộn lạo trước ngõ Ô y thì chớ buồn có người đã than phiền như Đông Hồ từng than phiền trước kia.

2- Trước đây hai năm, có nhà xuất bản in quyển "Hàn Mặc Tử anh tôi" của Nguyễn Bá Tín. Tác giả quyển sách này đã nói nhiều điều không tốt cho Quách Tấn, bạn thân của anh mình. Quách Tấn đã trả lời lại trên mặt báo, có kèm theo bút tích của Bá Tín để làm chứng cớ, đủ để bày tỏ cho "hải nội chư quân tử" biết là ông bị vu khống với ác ý. Tuy nhiên, trong những điều Bá Tín nói cũng có điều đúng, đơn cử như cái việc xảy ra vào năm 1945 tại Nha Trang lúc ông tản cư về Bình Định đã không mang được hết bản thảo tác phẩm của Hàn Mặc Tử khiến có một số lọt ra chợ Đầm làm giấy gói hàng! Điều này ông không nói nhưng trong tập Thơ Hàn Mặc Tử do nhà xuất bản Tân Việt in tại Sài gòn trước năm 1960 có bài có câu đã bị tàn khuyết phải phục hồi theo trí nhớ của ông hoặc của bạn bè. Khổ thay "Trí nhớ là cái trí hay quên" (Bằng chứng như cái tên ông Bá Hộ ở Bình Định đã chửi Nguyễn Thân bằng bức trướng mừng có bốn chữ “Thiên lý nhân lương” sau bị Nguyễn Thân giết, ở "Nước Non Bình Định" là Trịnh Đình Huệ nhưng đến "Họ Nguyễn Vân Sơn" thì lại là Bùi Huệ. Chưa hết, theo sự tiết lộ của cô Huyền Trang - cháu gái ông, nguời được cung cấp tư liệu để viết nên quyển "Hàn Mặc Tử, Huơng thơm và Mật đắng" - thì trong "Họ Nguyễn Vân Sơn" có mấy bài thơ của ông ngoại ông là cụ Tú Võ Kiêm ông đã nhầm lẫn gán cho Nguyễn Bá Huân) thì những câu "phục chế" trong Thơ Hàn Mặc Tử có đúng như nguyên tác hay là thơ của ông?

 

Một chỗ ngồi cho Quách Tấn

          Hai nghi án trên tôi nêu ra đây nhằm giúp dữ kiện cho các nhà nghiên cứu văn học rộng đường nghiên cứu. Tôi thấy tự thân nó chưa đủ sức làm thành vết hà trên viên ngọc bích thì trước mắt nhiều người, Quách Tấn với dáng người tầm thước, trán cao mắt sáng, tâm hồn khoáng đạt, phong thái khoan nhàn, từ bao giờ đến bây giờ và mãi mãi về sau vẫn là hình tượng đẹp đẽ và rạng rỡ. Không nói tất ai cũng biết ông đã, đang và sẽ có chỗ ngồi ấm áp trong tâm hồn mỗi người yêu kính ông trước kia, bây giờ và mai sau. Nhưng còn chỗ ngồi chính thức trên đàn văn đàn thơ hiện đại thì ra sao nhỉ?

          1932-1992: Sáu mươi năm. Đó là thời gian mà ông đã đem hết tâm huyết phục vụ văn học nghệ thuật. Ông đã để lại một di sản tinh thần đồ sộ về lượng và vô giá về phẩm trong đó nổi bật nhất là thơ và địa phương chí.

          Về thơ, ông đã vận dụng đủ ngũ ngôn, thất ngôn, trường thiên, bát cú tuyệt cú theo cổ thể, cận thể của thơ đời Đường nhưng "bình cũ" mà "rượu mới". Cái mới trong thơ ông đã có nhiều người nói rồi nhưng chưa có ai nói điều mà tôi sắp nói. Trong những năm 70 ông làm thơ rất nhiều, phần lớn là ngũ ngôn và thất ngôn tứ tuyệt. Ông làm thơ không dễ dàng lắm đâu, ông cân nhắc, đẽo gọt từng chữ từng câu, lắm khi một chữ một câu phải thay đổi năm bảy lần cũng chưa vừa ý. Cái mới của ông là người ta thì càng đẽo gọt lời thơ càng trở nên cầu kỳ, ý thơ càng trở nên bí hiểm, nhưng ở ông càng đẽo gọt thì lời thơ càng trở nên bình dị, ý thơ càng... tưởng chừng như dễ hiểu, bởi ai đọc cũng hiểu nhưng tùy theo mức độ nhận thức của từng người mà mỗi người hiểu theo một cách khác nhau, hoá ra chưa chắc đã có người hiểu đúng ý của tác giả. Cho nên thơ ông khi phổ biến thì chóng phổ cập và dễ biến thành của chung của nhiều người, nhưng bao giờ nó cũng vẫn là của riêng ông bởi chỉ có ông mới biết được những gì ông đã gởi gắm trong thơ. Thơ năm chữ bốn câu, bảy chữ bốn câu đã đạt tới mức tinh vi ấy.

          Về địa phương chí, ông có hai quyển đã trình làng: "Nước Non Bình Định" và "Xứ Trầm Hương". Cả hai quyển từ khi xuất bản đến nay đã được nhiều người khen ngợi, đây tôi chỉ nói thêm đôi điều nhằm giúp những ai muốn tìm hiểu hai tác phẩm này.

          Ở hai quyển sách này, phần hay nhất (mà cũng khó viết nhất đối với các người khác) là phần núi non. Ông không nhìn núi non với con mắt của nhà địa chất mà nhìn và cảm bằng mắt và tim của nhà thơ và nhà phong thủy dù không tin thuật phong thủy. Ông đã thấy và đã mô tả núi non có hệ thống liền lạc nhau, đến những hòn núi đột khở, đứng lẻ loi giữa đồng cũng có sơn mạch chạy ngầm dưới mặt đất nối liền dãy núi chính. Cách nhìn ấy khác nào cách nhìn của nhà phong thủy từ tổ sơn theo sa thủy tìm tới huyệt kết hay ngược lại? Và ông cũng đã hội đủ "thần tâm, thánh nhãn, tiều phu cước" như nhà phong thủy khi khảo sát để viết nên những chương thú vị về núi non Bình Định và Khánh Hòa. Nhưng ông khác nhà phong thủy ở điểm nhà phong thủy thì quý chuộng cái linh khí qui kết dưới mặt đất còn ông thì yêu mến cái tinh anh hiện thành hình thể ở bên trên là núi non. Ông từng nói với tôi rằng mỗi lần về thăm quê ông thấy núi non ở quê ông mỗi khác, khi thì thấy nó lớn thêm lên, khi thì thấy nó đã đổi thành dáng khác nhưng trong thực tế "núi vẫn là núi" như xưa. Mộ tổ nhà ông có mối đùn, người trong họ đòi cải táng, ông đem bàn với tôi, tôi thú thật là không dám có ý kiến. Ông bảo ông cũng không tin ở thuật phong thủy nhưng thấy mộ táng ở nơi này có cảnh trí nên thơ nên ông thích, bèn bàn ra. Ông thường nói ông yêu Bình Định như yêu bà mẹ đẻ, yêu Khánh Hòa như yêu bà mẹ nuôi, ông viết xong hai quyển sách ấy để đền ơn phần nào cho người đẻ ra người nuôi mình rồi là ông mãn nguyện. Ôi! Ông đem cả tâm hồn mà viết địa phương chí nên đương thời sách của ông hấp dẫn hơn sách của những người viết về loại này cũng không phải là điều lạ. Vậy chỗ ngồi của ông hiện nay trên đàn văn đàn thơ phải như thế nào nhỉ?

          Nếu đàn thơ có hình tướng hẳn hoi thì bởi có ông nên hai cái đàn thơ này phải đật khít cạnh nhau, trên mặt đàn, giữa nơi giáp ranh một chiếc chiếu hoa cạp điều được trải lên, mỗi bên một nửa, Quách Tấn - người tiêu biểu cho lớp nhà thơ cuối cùng từng làm quen với mực tàu giấy bản đã làm thơ luật Đường bằng chữ nước ta, người đã đem cả tâm hồn và tài năng viết nên những quyển sách địa phương khả dĩ đánh động tình tự dân tộc tình tự quê hương trong lòng người đọc thuộc mọi trình độ mọi nơi ở hôm qua và hôm nay và ngày mai - ngồi chễnh chệ giữa chiếu. Phải, chỉ có mỗi một mình ông ngồi một chiếu, bởi không có người thứ hai đủ tài và đủ tư cách ngồi chung, dù ngồi ké một góc chiếu! Chỗ ngồi thật khiêm tốn vì không ngồi giữa cái đàn nào mà thật vinh dự vì được ngồi giữa hai cái đàn, nhưng sao cô độc quá! Phải chăng ông đã thấy trước điều này khi ông viết:

“Sáu mươi tác phẩm, phận mồ côi!”

          Trường Xuyên tiên sinh! Tôi với tiên sinh có chút duyên tri ngộ. 1975-1992, mười bảy năm qua dù không gặp nhau, thậm chí không thư từ qua lại nhưng tiên sinh không quên tôi, tôi cũng thường nhớ đến tiên sinh. Tin tiên sinh qua đời do Nguyễn Hoài Văn báo cho biết giữa lúc tôi đang chú giải tập "Văn tế Bình Định", đang viết phần tiên sinh thì buồn quá không viết được nữa từ bấy đến nay. Nay gần đến tuần chung thất của tiên sinh mà trong điều kiện sống hiện nay không cho phép tôi vào tận Nha Trang để viếng hương linh tiên sinh, xin có mấy trang lỗ mỗ này vừa cung cấp tư liệu cho người sống vừa thay nén hương kính viếng tiên sinh. Chín suối có hay, tấc thành xin chứng.

 

          LỘC XUYÊN

          Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1995

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/06/2012(Xem: 14951)
Hòa thượng Thích Quảng Đức, Pháp danh Thị Thủy, Pháp tự Hành Pháp và thế danh là Lâm văn Tức, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa...
30/05/2012(Xem: 8825)
Tín Nghĩa tôi đến định cư Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 09 năm 1979, do nhị vị Hòa thượng Thích Thiên Ân và Hòa thượng Thích Mãn Giác bảo lãnh từ trại tỵ nạn Hongkong. Ngồi tính sổ thời gian thì cũng đã gỡ gần ba chục cuốn lịch. Giá như thời gian này mà ở trong tù thì cũng mục xương và chẳng bao giờ được thấy ánh sáng của thiên nhiên.
27/05/2012(Xem: 20693)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
15/05/2012(Xem: 6342)
Trong đạo lập thân của người xưa – lập công, lập đức, lập ngôn– thì lập ngôn thường được cho là quan trọng nhất, vì đó là phần “hình nhi thượng”, là tinh hoa tư tưởng cá biệt của một dòng đời mang tính truyền thừa lâu dài và sâu xa cho hậu thế. Người đem hết năng lực tinh thần và tri thức của đời mình để lập ngôn thì thành nhà tư tưởng, triết gia. Người đem chất liệu đời mình để viết lại thì thành tác giả tự truyện, hồi ký.
09/05/2012(Xem: 8713)
Sự xuất hiện của Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) như là một Bồ tát bổ xứ, thực hiện sứ mệnh lịch sử: Không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật pháp suy đồi mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo.
28/04/2012(Xem: 5791)
Nhà văn cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, còn có bút hiệu Hư Thân, sanh năm 1939 tại Trà Vinh, quê nội của ông. Suốt quảng đời niên thiếu ông sống nơi quê ngoại tại Cao Lãnh, tỉnh Sa-Đéc, Nam Việt Nam. - Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa( 1961 ), Đại Học Luật Khoa Saigon. - Tốt nghiệp Cử nhân Phật Học (1967), Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon. Là một công chức dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, ông đã nổi tiếng thanh liêm, chánh trực và hết lòng dấn thân để phục vụ đại đa số dân chúng Việt Nam theo hạnh Bồ Tát của Phật giáo. Ông đã từng giữ các chức vụ sau đây: - Lục sự tại Toà Án Saigon và Long An (1960 – 1962). - Chuyên viên nghiên cứu tại Phủ Tổng Thống (1962 – 1964). - Thanh Tra Lao Động tại Bộ Lao Động (1964 – 1965). - Dự Thẩm tại Toà Sơ Thẩm An Giang (1965 - 1966). - Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang (1966 – 1969) và Toà Án Long An (1969 – 1971). - Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Thị Xả Rạch Giá (1
26/04/2012(Xem: 19380)
Mùa Phật Đản 1963, có máu, lửa, nước mắt và xương thịt của vô số người con Phật ngã xuống. Nhưng từ trong đó lại bùng lên ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát Thích Quảng Đức
20/04/2012(Xem: 9679)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em. Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng. Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
08/04/2012(Xem: 6128)
Hòa thượng thế danh Đoàn Thảo, sinh ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 trong một gia đình nhiều đời theo Phật tại xứ Đồng Nà, tổng Phú Triêm Hạ, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Đoàn Văn Nhơn pháp danh Chơn Quang, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Có. Gia đình Ngài gần chùa Vạn Đức, lại thêm cụ thân sinh là tín đồ thuần thành của chùa, nên từ thuở nhỏ, Ngài thường theo cha đến chùa hàng đêm tụng kinh niệm Phật. Từ đó, chủng tử Bồ Đề lớn dần trong tâm và Ngài tỏ ra những biểu hiện rất có căn duyên với cửa Không môn của nhà Phật.
31/03/2012(Xem: 6943)
Hòa thượng thế danh Dương Đức Thanh, tự Liễu, pháp danh Như Nhàn, tự Giải Lạc, hiệu Trí Giác, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh năm Ất Mão (1915) tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhiều đời kính tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Dương Đức Giới pháp danh Chương Đồ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phụng pháp danh Chơn Loan. Năm lên 3 tuổi, thân phụ Ngài qua đời, thân mẫu tảo tần nuôi con và cho Ngài theo học chữ Nho với các cụ đồ trong làng, được 5 năm mới chuyển sang học Việt văn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]