Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

17/10/202313:14(Xem: 2817)
Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập

Cuu Ma La Thap 4




CAO TĂNG TRUYỆN
Hán dịch: Sa Môn Thích Tuệ Kiểu, Đời Lương
PHẦN MƯỜI SÁU

NGÀI CƯU MA LA THẬP



Cưu Ma La Thập dịch là Đồng Thọ. Ngài là người Thiên Trúc, gia thế làm Tướng Quốc. Tổ Phụ là người thành đạt cao nhưng thong dong không màng danh trọng trong nước. Cha là Cưu Ma Viêm là người thông minh có chí tiết, thừa tự ngôi vị Tướng Quốc, bèn từ bỏ mà đi xuất gia lên ngọn núi Thông Lãnh ở Đông Độ. Vua Quy Tư nghe nói ông bỏ vinh hoa thì rất kính mộ, tự lên nghinh thỉnh về làm Quốc Sư.

Vua có người em gái mới hai mươi tuổi, vốn thông minh tài tuệ, điều gi qua mắt đều thông hiểu, một lần nghe đều thuộc hết, lại có trên thân một nốt ruồi son sẽ sanh con tài trí. Các nước đem sính lễ tới hỏi nhưng bà không chịu, khi thấy Cưu Ma Viêm lòng liền ưa thích, mới bức làm chồng. Từ đó hoài thai La Thập.


La Thập khi còn trong thai người mẹ tự biết thần ngộ thông suốt hơn ngày thường. Nghe nói Chùa Tước lợi đại bậc danh đức rất nhiều, lại có tăng đắc đạo. Bà liền cùng quí nữ trong vương tộc cùng chư ni đức hạnh, trọn ngày thiết lễ cúng dường thính pháp. Người mẹ hốt nhiên thông thuộc tiếng Thiên trúc, những từ khó hỏi tự nhiên uyên bác. Mọi người đều khen ngợi.

Có vị La Hán tên Đạt Ma Cù Sa nói: Đây là do hoài thai được trí tử.

Rồi Ngài nói mẹ Xá Lợi Phất lúc mang thai cũng tự nhiên thông minh như vậy. Sau khi Ngài La Thập sanh ra thì mẹ không còn như trước. Không bao lâu người mẹ muốn xuất gia. Người chồng không cho.

Sau đó bà sanh thêm người con trai nữa đặt tên là Phất Sa Đề Bà. Nhơn một hôm ra khỏi thành chơi trông thấy nơi gò mả hoang xương cốt nằm vương vãi khắp nơi. Thấy vậy càng tư duy về gốc khổ nên nhất định thệ nguyện xuất gia, nếu không được thì không ăn uống.

Cho đến đêm thứ sáu hơi thở gần dứt, sợ không đến sáng mai, người chồng bèn cho. Vì chưa cạo tóc nên không chịu dậy. Thế là bèn sai người cạo tóc rồi mới dậy ăn uống. Hôm sau thọ giới lại ưa thích thiền pháp, chuyên tinh không giải đãi học đắc đến sơ quả.

La Thập lên bảy tuổi cũng đều xuất gia. Theo thầy học Kinh ngày tụng một vạn bài kệ, một kệ có ba mươi hai chữ gồm ba vạn hai ngàn chữ. Ngài tụng qua Tỳ Đàm thầy nói nghĩa tức liền thông thuộc. Người dân Quy Tư lúc bấy giờ, vì mẹ Ngài là em Vua nên lợi dưỡng rất nhiều.

Thế là bà dắt La Thập trốn đi. Năm đó La Thập lên chín tuổi. Ngài theo mẹ vượt qua sông Tân Đầu đến nước Kế Tân, gặp được Pháp Sư danh đức là Bàn Đầu Đạt Đa tức là em Vua Kế Tân, là người uyên bác lại có đại lượng, tài trí, bác thông ít có đương thời. Tam tạng chín bộ Ngài đều thông suốt. Từ sáng tới trưa tay viết ngàn bài kệ. Từ trưa đến tối cũng tụng ngàn bài kệ, là bực danh sư nổi tiếng khắp các nước xa gần.

La Thập đến gặp liền tôn trọng Ngài, lễ Ngài làm thầy theo học tạp tạng trung Trường A Hàm gồm bốn trăm vạn lời. Đạt Đa thấy La Thập thông tuệ như vậy bèn tâu lên vua. Vua liền thỉnh vào cung, và cho tụ tập ngọai đạo lại để cùng vấn nạn.

Cuộc luận nghị vừa bắt đầu, ngoại đạo xem thường Ngài tuổi nhỏ nhưng khi Ngài đem lý luận ra bẻ gãy, ngoại đạo thua lý xấu hổ không biết nói gì. Vua càng kinh dị, bèn cúng dường cho Ngài các thứ vật thực như đã cúng cho ngoại đạo trước kia.

Chư tăng ở Chùa bèn sai năm đại tăng và mười Sa Di lo việc quét dọn giặt giũ như đệ tử, mới thấy Ngài được tôn sùng như thế. Đến năm mười hai tuổi người mẹ lại dắt trở về nước Quy Tư. Các nước đều đem lễ vật đến hỏi thăm và muốn trọng dụng, nhưng La Thập không thuận. Bấy giờ người mẹ đem Ngài đến núi Nguyệt Thị bắc.

Có vị La Hán lấy làm lạ, nói với người mẹ: Phải nên giữ lấy vị Sa Di này cho đến năm ba mươi lăm tuổi không được phá giới thì làm cho Phật Pháp đại hưng độ, chúng sanh vô lượng cũng giống như Ưu Ba Cúc Đa vậy. Nếu giơí pháp không hoàn toàn thì không được vậy, chỉ có thể làm bực tài minh giữ chức Pháp Sư mà thôi.

La Thập đến nước Sa Lặc đảnh lễ bát Phật, trong tâm tự nghĩ: Bát này quá lớn làm sao lại nhẹ vậy.

Nghĩ thế thì bát trở nên nặng không thể bưng nỗi bèn thất thanh hạ xuống. Mẹ hỏi ra bèn Vì tâm con có sự phân biệt cho nên bát có nặng nhẹ.

Ngài dừng lại Sa Lặc một năm, thông hết A Tỳ Đàm. Các phẩm tu trí trong thập môn đều học cả và thông đạt đến chỗ kỳ diệu. Lại đối với các câu hỏi lục túc không có điều gì ngăn ngại.

Nước Sa Lặc có Sa Môn tam tạng tên là Hỷ Kiến, bạch với Vua rằng: vị Sa Di này không thể xem thường.

Vua nên thỉnh về để Ngài khai pháp môn sẽ có hai điều lợi ích: Một là Sa Môn trong nước thấy xấu hổ tất sẽ nỗ lực tu, hai là Vua Quy Tư thấy La Thập ở đây ắt sẽ đến hoà hiếu, tôn trọng La Thập cũng sẽ tôn trọng ta. Vua ưng thuận, liền cho thiết bày đại hội mời La Thập thăng tòa thuyết pháp.

Vua Quy Tư quả có đem lễ vật giao hiếu. Ngài La Thập khi rãnh rỗi liền tìm đọc các sách của ngoại đạo, lại khéo học về Luận Vi Đà Hàm Đa, hiểu rõ văn từ. Ngài làm các câu vấn đáp, lại thông lãm tứ Vệ Đà và các luận ngũ minh, âm dương tinh tú đều biết qua. Nói những lời kiết hung diệu đạt đều phù hợp. Tính lại thông thoáng không chấp vào tiểu tiết. Người tu có người nghi nhưng Ngài La Thập tự biết tâm mình chưa từng trái ý.

Bấy giờ có hai anh em là Vương Tử Thảo Sa và Vương Tử Tham Quân, bỏ việc quốc sự quyết chí làm Sa Môn. Người anh tự là Tu Lợi Da Đạt Đà, em là Tu Da Lợi Tô Ma. Tô Ma tài nghệ tuyệt luân chuyên đem pháp Đại Thừa để giáo hoá người. Người anh và các học giả đều tôn trọng. Ngài La Thập cũng kính phục, mời đến. Tô Ma thuyết Kinh A Nậu Đạt cho La Thập nghe.

Thập nghe các nhập ấm giới đều không vô tướng, lấy làm lạ hỏi: Kinh đây sao lại có nghĩa này, như thế sẽ phá hoại hết các pháp.

Đáp: các pháp nhãn nhĩ… chẳng phải là thất có. Thập đã chấp vào nhãn căn, nhơn đó mà thành ra không thật.

Thế là nghiên cứu cùng tận các Kinh đại tiểu thừa lúc đó mới biết có chỗ sở quy, bèn chuyên tinh vào Phương Đẳng rồi than rằng: Ta xưa học tiểu thừa như người không biết vàng cho đá là diệu.

Nhơn đó cùng rộng cầu nghĩa yếu thọ tụng hai bộ Luận là Bách Luận và Trung Luận cùng mười hai môn. Không bao lâu lại theo mẹ đến nước Ôn Túc, tức nằm phía bắc nước Quy Tư.

Ở nước Ôn Túc có một Đạo Sĩ, thần biện luận thật anh tú, danh vang các cõi.

Vị này tự thệ rằng: Ai biện luận thắng ta sẽ tự chặt đầu.

Khi La Thập đến thì cả hai cùng biện luận tranh tài. Đạo Sĩ đuối lý cúi đầu quy y. Thế là danh tiếng Ngài La Thập vang xa ra ngoài khu vực các nước. Vua Quy Tư đích thân đến nước Ôn Túc đón Ngài trở về nước để rộng giảng Kinh pháp, bốn phương đều tôn sùng quy kính.

Bấy giờ có một vị vương nữ xuất gia làm ni tên là A Kiệt Da Mạt Đế, rất thông suốt Kinh tạng, hiểu sâu thiền yếu, cho rằng mình đã chứng nhị quả, nghe pháp thì lòng vui vẻ hẳn lên. Sau đó lại thiết lập đại hội thỉnh khai giảng Kinh Phương Đẳng. Ngài La Thập lại biện luận các pháp đều là không vô ngã, phân biệt các ấm giới giả danh phi thật. Bấy giờ trong hội thính ai cũng bi cảm, chỉ hận mình ngộ quá chậm.

Đến năm hai mươi tuổi Ngài thọ giới ở Vương cung, theo Tỳ Ma La Xoa học luật thập tụng.

Không bao lâu lại theo mẹ về Thiên Trúc, Ngài thưa với Vua nước Quy Tư là Bạch Thuần rằng: Nước sắp suy Vua nên lánh đi. Khi đến Thiên Trúc Ngài chứng tam quả. Người mẹ sắp lâm chung nói với La Thập: Kinh Phương Đẳng sâu xa con nên truyền rộng sang Đông Độ.

Duy chỉ lực của con, chỉ vì tự thân không được lợi thì biết làm thế nào?

Ngài nói: Đạo xuất thế lấy việc làm lợi cho người mà quên thân. Nếu có thể đem đại đạo lưu truyền rộng khắp thì thân này nhảy vào chảo lửa cũng không tiếc.

Thế rồi Ngài lưu lại nước Quy Tư, ở Chùa Vu Tân, về sau dời vào Chùa trong cung. Đầu tiên Ngài có được Kinh Phóng Quang mới mở ra xem. Nhưng quỷ ám che văn chỉ thấy sách không, Ngài La Thập biết nên phát nguyện càng kiên cố. Quỷ đi chữ lại hiện ra.

Khi tụng đọc lại nghe trên hư không có tiếng nói: ông là người trí sao lại đọc Kinh này?

La Thập nói: Ngươi là tiểu quỷ thì nên tránh xa. Tâm ta như đất không thể lay chuyển.

Ngài dừng lại đó hai năm, rộng giảng các Kinh Luận Đại Thừa, thấu rõ chỗ bí áo. Vua nước Quy Tư, tạo toà sư tử vàng, bao bọc bằng lụa gấm, mời Ngài La Thập lên đó thuyết pháp.

Ngài nói: Gia sư còn chưa ngộ Đại Thừa muốn đi du hóa khắp nơi không thể dừng lại lâu dài.

Không bao lâu Đại sư Bàn đầu Đạt Đa đến, Vua nói: Đại sư vì sao lại đến đây?

Đáp: Một là, nghe đệ tử có chỗ sở ngộ phi thường. Hai là, đại vương hoằng hoá Phật đạo. Cho nên không quản ngại xa xôi nguy hiểm tìm đến chốn này.

Ngài La Thập thấy thầy đến vui vẻ, xin thầy nói Kinh Đức Nữ Vấn, rõ được nhơn duyên không giả. Xưa cùng thầy đều có chỗ không tin, cho nên trước nói ra vậy.

Thầy bảo La Thập: ông đối với đại thừa thấy được dị tướng nào mà hướng theo?

Đáp: Pháp đại thừa rất sâu xa thanh tịnh nói rõ các pháp là không, tiểu thừa nhiều hạn cuộc nơi lậu thất.

Thầy nói: Ông nói tất cả đều không thật là đáng sợ. Vì sao bỏ hữu pháp mà chấp vào không. Như xưa có kẻ cuồng nhơn nhờ thầy dạy cho xe chỉ thật nhỏ. Người thầy gia ý bảo xe nhỏ như vi trần.

Cuồng nhơn không hiểu, vị thầy giận dữ mới chỉ vào chỗ không bảo: Đây là chỉ nhuyễn.

Cuồng nhân hỏi: Sao không thấy?

Thầy đáp: Thợ khéo như ta còn không thấy huống gì là người khác.

Cuồng nhơn vui mừng giao chỉ cho thầy. Thầy cũng nỗ lực để có được lời khen thưởng mà thật không có vật gì. Pháp không của ông cũng giống đây vậy. Ngài La Thập bèn trình bày rõ ràng ra.

Qua lại khổ chí trải qua hơn một tháng, thầy mới tin phục và khen rằng: Thầy không thể phản bác chí này, nghiệm ra là đây vậy.

Thế rồi lễ La Thập làm thầy và nói:

Hoà thượng là thầy Đại Thừa của ta. Ta là thầy tiểu thừa của hoà thượng.

Các xứ Tây đều phục tài trí của Ngài La Thập, mỗi năm Ngài thuyết giảng Kinh, các Vua đều quỳ một bên nghe, đủ thấy sự kính trọng như thế. Ngài La Thập đem đại đạo truyền khắp xứ Tây Vực, danh chấn cả Đông Xuyên. Bấy giờ Phù Kiên tiếm hiệu ở Quan Trung. Ngoại quốc có Tiền Bộ vương và Vua Quy Tư đều đến triều cống.

Khi ra mắt các Vua nói với Kiên: Tây Vực rất nhiều sản vật trân kỳ, xin dâng lên quý quốc để làm phụ thuộc.

Năm Kiến Nguyên mười ba đời Phù Kiên, nhằm tháng giêng năm Đinh Sửu, quan Thái sử tâu: Thấy có sao mọc nơi hướng ngoại quốc, chắc là có bậc đại đức trí nhân đã vào Trung Quốc phụ trợ.

Kiên nói: Trẫm nghe bên Tây Vực có Sa Môn Cưu ma La Thập.

Tương Dương có Sa Môn Thích Đạo An, chẳng phải là đây sao?

Vua liền cho sứ đi mời. Đến tháng 2 năm thứ bốn mươi bảy, có Tiền Bộ Vương, Thiện Bộ Vương v.v… lại nói Kiên xin đem binh Tây phạt. Tháng 9 năm thứ mười tám, Kiên sai Kiêu Kỵ tướng quân là Lữ Quang, Lăng Giang tướng quân Khương Phi đem Tiền Bộ Vương và Xa Sư Vương v.v… đem bảy vạn binh chinh phạt nước Quy Tư và các nước Ô Kỳ.

Lúc sắp xuất phát, Phù Kiên tiễn Quang ở cung Kiến Chương và nói với Quang: Phàm bậc Đế Vương nên theo ý trời mà trị, lấy sự yêu thương nhân dân làm căn bản, há vì tham đất đai mà chinh chiến sao?

Chính vì lòng mong muốn người biết đạo cho nên vậy.

Trẫm nghe bên Tây Vực có Ngài La Thập uyên hiểu pháp tướng học, khéo việc âm dương làm tông yếu cho hậu học. Trẫm rất suy nghĩ việc đó. Bậc hiền triết trong nước là đại bảo. Nếu chiếm nước Quy Tư, phải đưa La Thập về.

Quân của Lữ Quang chưa đến nơi, Thập nói với Vua Bạch Thuần nước Quy Tư rằng: Vận nước sắp suy rồi, nên lo tính trước. Ngày đó nếu có người từ phương Đông đến nên cung đón thừa mang chớ có chống cự.

Bạch Thuần không theo mà lo nghinh chiến, Lữ Quang tàn phá nước Quy Tư, giết Bạch Thuần, lập em Thuần lên ngôi. Quang bắt được La Thập chưa biết đó là bậc trí lượng, thấy còn trẻ tuổi bèn chê cười, sau đó cưỡng bức lấy vợ là con gái của Vua Quy Tư, La Thập cự tuyệt không chịu.

Lữ Quang nói: Tiết tháo Đạo Sĩ không qua được tiên phụ, sao lại cố từ?

Thế rồi ép La Thập uống rượu sau đó đưa vào mật thất. Ngài bị cưỡng bức phải phạm khí tiết. Lữ quang còn bắt Ngài cưỡi trâu và ngựa dữ, muốn cho Ngài bị té. La Thập nhẫn nhục mặt không hề đổi sắc. Quang xấu hổ đành thôi.

Khi trở về Quang dừng quân dưới một ngọn núi, tướng sĩ đã nghỉ ngơi, Thập bảo: không thể ở đây, sẽ có tai hoạ nên dời quân lên cao.

Quang không nghe, đến nữa đêm quả nhiên có mưa lớn, nước chảy xiết dâng cao đến mấy trượng. Quân chết đến mấy ngàn.

Quang mới lấy làm lạ hỏi thì Ngài bảo: Đây là đất hung hiểm không nên lưu lại lâu, suy vận số ứng nên nói mau quay về, giữa đường ắt có đất lành có thể lưu lại. Quang nghe theo, về đến Lương Châu nghe tin Phù Kiên đã bị Dao Trường hại. Quang kéo tam quân đến đóng ở thành Nam. Thế là tiếm hiệu ở Quan ngoại xưng là năm Thái An. Tháng giêng năm Thái An nguyên niên có trận gió to nổi lên.

La Thập nói: Đây là ngọn gió bất tường, sẽ có gian phản. Nhưng không sao sẽ tự yên định.

Không bao lâu có Lương khiêm, Bành Quang liên tục làm phản, đều bị tiêu diệt. Cho đến năm Quang Long phi thứ hai có Trương Dạ, Lâm Tùng, Lô Thuỷ… và tùng đệ Mông Tốn làm phản, suy tôn thái thú Kiến Khang là Đoạn Nghiệp làm chủ. Quang sai thứ sử Tân Châu thứ sử Thái Nguyên Công Toản, đem năm vạn binh đi thảo phạt. Đời luận về việc này gọi là Quân Ô hợp. Toản có uy thanh, thế lực tất sẽ toàn thắng.

Quan hỏi Thập, Thập nói: Quán xét chuyến đi này chưa thấy có lợi.

Quả nhiên Toản bị bại trận đành lui quân về Hợp Lợi. Không bao lâu lại có Quách Hương làm loạn. Toản đem quân trở về đánh bại Quách Hương. Quang xem sách của Trương Tư thấy văn từ nhã nhặn ôn hoà, rất lấy làm thích, Tư bịnh, Quang hết lòng chạy chữa.

Có Đạo Sĩ nước ngoài tên là La Xoa nói có thể trị hết bịnh Tư, Quang hoan hỷ ban ơn rất trọng.

La Thập biết Đạo Sĩ dối trá bảo với Tư rằng: Đạo Sĩ không thể trị hết bịnh, chỉ làm tốn kém, âm vận tuy ẩn mà việc này có thể thử.

Nói rồi Ngài dùng chỉ năm sắc kết thành dây, đốt thành tro rồi ném vào nước. Tro nếura khỏi nước hoàn lại thành dây thì bịnh không thể bớt. Trong khoảnh khắc tro tụ lại thành dây như cũ. Đã vậy thì trị không công hiệu. Ít ngày sau thì Tư mất. Không bao lâu Quang lại mất.

Còn lại Thiệu được kế vị, qua vài ngày thì con thứ của Quang lại giết Thiệu để lên ngôi, xưng hiệu là Hàm Ninh, năm Hàm Ninh thứ hai có con heo sanh con có ba đầu. Rồng xuất hiện bên giếng phía đông rồi đến nằm trước điện tới sáng thì mất. Toản cho là điềm tốt, gọi đại điện là điện Long Tường.

Không bao lâu lại có rồng đen bay đến Cửu Cung Môn. Toản đổi Cửu cung môn thành Long hưng môn.

La Thập tâu: Đây đều là loại tiếm long xuất ra từ loài heo yêu quái. Rồng là loại âm xuất nhập có lúc, mà nay thấy mấy lần đó là điều tai hoạ, tất sẽ có hạ nhơn mưu biến loạn. Vua nên lo tu đức để trừ hoạn.

Toản không nghe lại nói: Chém đầu Hồ Nô.

Thập bảo: Không thể chém đầu Hồ Nô, mà Hồ Nô sẽ chém đầu người.

Lời nói đây ám chỉ mà Toản không hiểu. Em của Lữ Quang có con tên Triệu Triệu hồi nhỏ tên tự Hồ Nô, sau quả nhiên Hồ Nô chém đầu Toản, lập anh là Long lên làm vua. Người bấy giờ mới nghiệm lời của Thập là đúng vậy.

Ngài La Thập ở lại Kinh vài năm, cha con Lữ Quang đã không còn ý hoằng đạo, cho nên không thể tuyên hoá đạo mầu ở đây được.

Phù Kiên đã mất. Dao Tràng tiếm vị ở Quan Trung, cũng có tâm cầu thỉnh bậc cao danh thạc đức. Họ Lữ thấy Ngài La Thập đa mưu túc trí sợ họ Diệu trọng dụng nên không cho đi, sau khi Dao Tràng mất, Dao Hưng lên nối ngôi lại cho người sang thỉnh Ngài. Tháng 3 năm Hoằng Thỉ thứ 3 có cây sen mọc trong đình. Vườn Tiêu diêu hốt nhiên biến thành cỏ chỉ Mọi người cho là điềm lành, sẽ có bậc trí nhơn đến.

Đến tháng 5 Dao Hưng sai Lũng Tây cùng Thạc Đức đem binh đánh Lữ Long. Quân Long đại bại. Tháng 10 Long dâng biểu quy hàng. Lúc này mới cung đón Ngài La Thập vào Quan Trung. Đến ngày 20 tháng 12 Ngài mới đến Trường AnDao đãi Ngài theo lễ Quốc sư.

Từ khi Đại pháp truyền sang Đông Độ bắt đầu từ Hán Minh Đế, trải qua các đời Ngụy, Tấn, Kinh Luận dần dần nhiều lên. Mà chư sư Thiên trúc dịch ra phần nhiều đều trệ văn cách nghĩaDao Hưng tôn sùng Tam Bảo, có chí giảng tập. Khi Ngài La Thập đến, Vua thỉnh Ngài ở gác Tây Minh và vườn Tiêu Dao để dịch Kinh.

Ngài La Thập biết nhiều ngôn ngữ lại nghiên cứu sâu rộng, chuyển thành Hán ngữ rất lưu loát. Ngài xem qua các Kinh cựu bản, nghĩa phần nhiều đều sai lầm. Đây do người dịch trước không theo tôn chỉ, không tưng ứng với văn Phạm.

Thế là Dao Hưng khiến cho các vị Tăng Như, Tăng Bích, Tăng Thiên, Pháp Khâm, Đạo Lưu, Đạo Hằng, Đạo Tiêu v.v… gồm tám trăm vị đến học theo giáo với La Thập và cùng dịch đại phẩm. Ngài La Thập cầm phạm bổn, Hưng cầm Kinh xưa để cùng so sánh. Khi tân văn dị cựu nghĩa đều viên thông, tâm mọi người khen ngợi kính phục.

Vua Dao Hưng đem Phật Đạo sâu xa, hành đạo chí thiện. Tín là bến bờ tốt đẹp đưa người ra khỏi bờ bến khổ sanh tử ở đời cho nên Vua thác ý vào chín Kinh du tâm vào mười hai bộ, bèn trước cả tam thế luận, khai tỏ lý nhân quả. Từ hàng vương công trở xuống đều khâm phục noi theo. Các quan đại tướng quân, tả hửu tướng quân đều dốc lòng tin theo duyên nghiệp. Tất cả đều thỉnh Ngài ở lại Chùa Đại ở Trường An giảng thuyết tân Kinh.

Ngài tiếp tục dịch các bộ như: Tiểu phẩm Kim Cang Bát Nhã, Thập Trụ Pháp Hoa, Duy Ma Tư Ích, Thủ Lăng Nghiêm Trì Thế, Phật Tạng, Bồ Tát Tạng, Di Giáo, Bồ Đề, Vô Hạnh, Ha Dục, Tự Tại Vương Nhân Duyên, Quán Tiểu Vô Lượng Thọ.

Tân Hiền Kiếp Thiền Kinh, Thiền Pháp Yếu, Thiền Yếu Giải, Di Lặc Thành Phật, Di Lặc Hạ Sanh, Thập Tụng Luật, Thập Tụng Giới Bổn, Bồ Tát Giới Bổn, Thích Luận, Thành Thật, Thập Trụ, Trung Bách Thập Nhị Môn Luận… gồm hơn ba trăm quyển. Tất cả đều hiển bày thần nguyên, phát sáng đến chỗ u chí.

Bấy giờ hàng nghĩa sĩ ở trong bốn phương từ xa vạn lý đều cùng vân tập đến, trở thành một hội trường phiên dịch rộng lớn lâu dài đến nay vẫn còn tôn ngưỡng.

Ngài Long Quang Thích Đạo Sanh là bậc tuệ giải nhập vào chỗ huyền vi cấu thành văn ngoại. Mỗi khi dịch sợ lầm lộn đều vào Quan Trung thỉnh giáo. Lô Sơn Thích Tuệ Viễn học thông quán các Kinh, là bậc đống lương di hoá, mà vì đời nay cách Thánh lâu xa, nghĩa lý còn lâu chưa quyết, cũng tìm đến hỏi Ngài La Thập những yếu lý sâu xa. Samôn mới vào đạo là Tăng Duệ là người tài đức cao minh, thường theo Ngài La Thập truyền tả.

Ngài vì Tăng Duệ mà luận về từ thể của Tây Phương, lược giải những chỗ dị đồng rằng: Nước Thiên Trúc, phong tục rất chú trọng văn chế. Các cung thương thể vận đều nhập vào chỗ thiện. Phàm triều bái bậc Quốc Vương tất có chỗ tán đức, thấy rõ nghi của Phật, dùng ngâm nga là quý.

Trong phần kệ tụng của Kinh đều là nghi thức vậy. Khi dịch từ Phạm ra Tần cũng làm mất đi chỗ văn vẻ hoa mỹ. Tuy đắc đại ý mà cách xa với văn thể, cũnh như nhai cơm cho người không chỉ mất đi chất vị, mà còn khiến cho nôn mửa ra.

Ngài cũng từng làm bài tụng tặng Sa Môn Pháp Hoà:

Núi tâm dưỡng minh đức

Lưu chảy vạn do diên

Tiếng chim kêu đau thương

Trên ngô đồng côi cút

Thanh âm thấu cữu thiên

Gồm có mười bài kệ, từ dụ đều như vậy.

Ngài vốn yêu thích pháp đại thừa, chí tồn ở nơi phu diễn rộng rãi, thường than rằng: Ta nếu chấp bút viết A Tỳ Đàm Đại Thừa thì Ca Chiên Diên Tử chẳng thể so được. Nay ở đất Tần này có ít người thâm thuý. Triết lý ở đây sẽ luận ở chỗ nào.

Nghĩ vậy nên không viết ra. Duy chỉ vì Dao Hưng mà trước thuật hai quyển Thật tướng luận, cùng chú thích Kinh Duy Ma, lời nói ra đều thành chương không có chỗ nào để san cải, từ ngữ rõ ràng đạt đến chỗ huyền ảo. Ngài La Thập là người thần tình tỏ sáng, thanh cao xuất quần, người ứng cơ lãnh hội đều dốc lòng. Tánh Ngài nhơn hậu, lấy vịêc phiếm ái làm tâm, làm thiện trọn ngày không mệt mỏi.

Vua Diêu thường nói với La Thập rằng: Đại sư thông minh siêu ngộ khắp thiên hạ.

Nếu một mai tạ thế, chẳng phải làm cho pháp chủng vô tự sao?

Thế là Vua đem mười thể nữ, bức bách Ngài nhận lấy. Từ đó về sau không trụ trong tăng phường, biệt lập ra doanh sở, cung cấp mọi thứ đầy đủ.

Mỗi khi đến giảng thuyết trước thường tự nói: Ví dụ như hoa sen sanh trong chốn bùn nhơ, chỉ hái hoa mà không đụng đến bùn. Ngày trước Ngài ở tại nước Quy Tư, theo học luật với Ngài Tỳ Ma La Xoa. La Xoa sau vào Quan Trung. La Thập nghe tin rất vui mừng hết lòng cung kính thầy.

Tỳ Ma chưa biết việc bức bách kia, hơn đó hỏi La Thập: Ông ở đất Hán rất có trọng duyên Đệ tử thọ pháp có được bao nhiêu?

La Thập đáp: Đất Hán này Kinh luật chưa đầy đủ Kinh mới và các bộ luận phần nhiều do tôi dịch ra. Ba ngàn đồ chúng đều thọ pháp của Thập. Chỉ do Thập này nghiệp duyên sâu nặng, cho nên không thọ lời dạy của thầy.

Lại có Bôi độ Tỳ Kheo ở tại Bành Thành, nghe Ngài La Thập ở Trường An, bèn than rằng: Ngài với ông cách biệt đã hơn ba trăm năm, tra ra thì chưa đến hạn kỳ, chắc đợi gặp ở đời sau vậy.

Ngày Ngài La Thập sắp lâm chung, biết là tứ đại không ổn, tự mình nói ra ba câu thần chú, bảo đệ tử tụng để tự cứu. Khi sức khoẻ đã suy yếu, mới từ biệt chúng tăng rằng: Nhơn chỗ ngộ của pháp tướng tâm chưa đạt đến chỗ kì diệu.

Thương cho hậu thế chẳng biết làm sao?

Phàm chỗ kinh dịch hơn ba trăm quyển, còn một bộ thập tụng là chưa san định, còn các bổn chỉ chắc không sai sót, xin chư vị tuyên dịch truyền lưu cho hậu thế. Nay ở trước chúng phát nguyện thành thật: Nếu chỗ kinh dịch không có sai lầm xin khiến cho sau khi thiêu thân này lưỡi không bị cháy.

Đến ngày 20 tháng 8 năm Hoằng Thỉ thứ mười một, Ngài tịch ở Trường An, tức đời Tấn Nghĩa Hy năm thứ năm vậy, y vào Pháp Hoả thiêu như bên Thiên Trúc để trà tỳ thi thể Ngài tại vườn Tiêu Diêu. Thân bị thiêu cháy hết duy chỉ còn lại lưỡi.

Sau có Sa Môn ngoại quốc đến nói rằng: Ngài La Thập sự hiểu của Ngài mười chỉ nói ra có một. Ngài tên là Cưu Ma La Kỳ Bà. Xứ Thiên trúc đặt tên phần nhiều lấy theo tên cha mẹ. Cha Ngài là Cưu Ma Viêm, mẹ tên là Kỳ Bà, gom chung lại đặt tên cho Ngài. Nhưng về ngày mất có chỗ ghi không đồng. Hoặc ghi năm Hoằng Thuỷ thứ bảy hoặc nói thứ tám. Hoặc ghi năm thứ mười một.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]