Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ Bồ Đề Đạt Ma

04/02/201408:10(Xem: 13827)
Tổ Bồ Đề Đạt Ma


(Đầu thế kỷ thứ mười một sau khi Phật nhập Niết Bàn)

Ngài dòng Sát Đế Lợi ở Nam Ấn (Nam Thiên Trúc – Dekhan), cha tên là Hương Chí làm vua ở nước này. Vua Hương Chí có ba người con trai. Người con lớn tên Nguyệt Tịnh Đa La, thích tu pháp Niệm Phật Tam Muội; Người con kế của vua tên Công Đức Đa La, thích tu bố thí làm phước; Ngài là vương tử thứ ba tên Bồ Đề Đa La, thích thông lý Phật, lấy việc xuất thế làm trên. Thuở nhỏ, Ngài đã có chí siêu việt và đặc tài hùng biện.

Nhơn vua Hương Chí thỉnh Tổ Bát Nhã Đa La (Prajnatara) vào cung để cúng dường, Ngài có duyên gặp Tổ. Qua cuộc nghiệm vấn về hạt châu, Tổ đã biết Ngài là người siêu quần bạt tục sẽ kế thừa Tổ vị.

Sau khi vua cha băng hà, Ngài quyết chí xuất gia cầu xin Tổ Bát Nhã độ làm đệ tử. Tổ hoan hỷ làm lễ thế phát và truyền cụ-túc giới. Tổ bảo Ngài:

- Hoàng tử đối với các pháp đã được thông suốt, nên nay đổi hiệu là Bồ Đề Đạt Ma.

Từ đây, ngài luôn hầu hạ bên thầy.

Một hôm, Tổ gọi Ngài đến truyền pháp và dặn dò:

- Ông tạm giáo hóa ở nước này, sau sang Trung Hoa mới thật là nhân duyên lớn. Song, đợi ta diệt độ khoảng sáu mươi năm sau sẽ đi. Nếu ông đi sớm, e có việc không tốt.

Những điều kiết hung về sự giáo hóa ở Trung Hoa sau này, Ngài đều cầu xin Tổ chỉ dạy. Tổ dùng những lời sấm ký tiên đoán sự kiết hung vận số Phật pháp ở Trung Hoa, nói có hơn mười bài kệ.

Tổ tịch rồi, Ngài vẫn ở tại nước nhà giáo hóa. Người huynh đệ đồng sư với Ngài là Phật-Đại-Tiên cùng chung sức giáo hóa. Thời nhơn gọi hai Ngài là "Mở hai cửa Cam Lồ". Song, sau môn đồ của Ngài Phật-Đại-Tiên lại chia làm sáu tông: Hữu Tướng – Vô Tướng - Định Huệ - Giới Hạnh – Vô Đắc - Tịch Tịnh, đua nhau truyền bá. Ngài thấy sự chia ly ấy, ngại cho chánh pháp suy vi, vì thế, ngài dùng phương tiện cảm hóa họ hồi đầu quy về chánh pháp.

Vua Nguyệt Tịnh băng hà, con vua là Thái-tử Dị Kiến nối ngôi. Dị Kiến lên ngôi không bao lâu lại tin theo tà thuyết bài bác Phật giáo. Ngài lại sai đệ tử là Ba La Đề đến cung vua để nhiếp hóa. Sau khi cải tà quy chánh, vua Dị Kiến hỏi ra mới biết Ba La Đề là đệ tử của chú mình. Nhà vua cho người thỉnh Ngài về cung giáo hóa.

Về cung giáo hóa một thời gian, Ngài thấy cơ duyên sang Trung Hoa đã đến, bèn đem lời huyền ký của Tổ Bát Nhã Đa La thuật lại cho vua biết. Vua không còn lời gì dám ngăn cản, đành sắm một chiếc thuyền buôn, cho thủy thủ đưa Ngài sang Trung Hoa. Vua và quần thần đưa Ngài ra tới cửa biển.

Ngài ở trên thuyền gần ngót ba năm, thuyền mới cặp bến Quảng Châu, nhằm đời Lương, niên hiệu Phổ Thông năm đầu (520 sau kỷ nguyên chung), ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý. Thích-Sử tỉnh này ra đón tiến Ngài, đồng thời dâng sớ về triều tâu vua Luơng Võ Đế. Vua được sớ, liền sai sứ lãnh chiếu chỉ đến thỉnh Ngài về Kim Lăng (Kinh Đô nhà Lương). Trong cuộc diện kiến, vua Võ Đế hỏi:

-Trẩm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa chép kinh, độ Tăng ni, không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng ?

Ngài đáp:

- Đều không có công đức.

-Tại sao không có công đức ?

- Bởi vì những việc ấy là nhơn hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người và cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

-Thế nào là công đức chơn thật ?

- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.

- Thế nào là Thánh Đế Nghĩa Thứ Nhất ?

- Rỗng rang không thánh

- Đối diện với trẩm là ai ?

- Không biết.

Vua Lương Võ Đế không lãng ngộ được, lui về nghỉ. Ngài biết căn cơ chẳng hợp, tạm lưu lại đây ít hôm.

Đến ngài 19, Ngài bỏ vua Lương, lén sang sông qua Giang Bắc. Ngài nhập cảnh nước Ngụy, đi đến Lạc Dương, nhằm đời Hậu Ngụy, vua Hiếu Minh Đế, nên hiệu Chánh Quang năm đầu (520 sau năm kỷ nguyên chung) ngày 23 tháng 11.

Ngài dừng trụ tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn, trọn ngày ngồi xây mặt vào vách im lặng. Tăng chúng đều không hiểu được. Người đời gọi Ngài là "Thầy Bà-La-Môn nhìn vách" (Bích Quán Bà La Môn).

Có một vị tăng tên Thần Quang, học thông các sách, giỏi lý diệu huyền, nghe danh Ngài, tìm đến yết kiến. Thần Quang đã đủ lễ nghi mà Ngài vẫn ngồi yên lặng ngó vách không màng đến. Quang nghĩ: " Người xưa cầu đạo, chẳng tiếc thân mạng, nay ta chưa được một trong muôn phần của các ngài." Hôm ấy, nhằm tiết mùa đông (mùng 9 tháng chạp), ban đêm tuyết rơi lả tả, Thần Quang vẫn đứng yên ngoài tuyết, chấp tay hướng về Ngài. Đến sáng, tuyết ngập khỏi đầu gối, mà gương mặt Thần Quang vẫn thản nhiên. Ngài thấy thế, thương tình xây ra hỏi:

- Ông đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu việc gì ?

Thần Quang thưa:

- Cuối mong Hòa Thượng từ bi mở cửa cam lộ, rộng độ chúng con.

- Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay ! Huống là dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa ?

Thần Quang nghe dạy bèn lén lấy đao chặt cánh tay trái để trước Ngài để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Ngài biết đây là pháp khí liền dạy:

- Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân, nay ông chặt cánh tay để trước ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.

- Pháp ấn của chư Phật con có thể được nghe chăng ?

- Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà đưọc.

- Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.

- Ông đem tâm ra đây, ta an cho.

- Con tìm tâm không thể được.

- Ta đã an tâm cho ông rồi

Thần Quang nhơn đây được khế ngộ. Tổ Bồ Đề Đạt Ma liền đổi tên Thần Quang là Huệ Khả.

Từ đó, kẻ tăng người tục đua nhau đến yết kiến Ngài, tiếng tăm vang dậy. Vua Hiếu Minh Đế của nước Ngụy sai sứ ba phen thỉnh Ngài, Ngài đều từ chối. Nhà vua càng kính trọng, sai sứ đem lễ vật đến cúng dường: Một cây tích trượng, hai y kim tuyến, bình bát, v.v...Ngài từ khước nhiều lần, nhưng nhà vua cố quyết cúng dường, rốt cuộc Ngài phải nhận.

Mở cửa phương tiện, Ngài có dùng bốn hạnh để giáo hóa môn đồ:

1. Báo Oán Hạnh

2. Tùy Duyên Hạnh

3. Vô Sở Cầu Hạnh

4. Xứng Pháp Hạnh

Ở Trung Hoa gần chín năm, Ngài thấy cơ duyên đã đến, liền gọi đồ chúng hỏi:

- Giờ ta trở về sắp đến. Các vị mỗi người nên nói chỗ sở đắc của mình.

Đạo Phó ra thưa:

- Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đây là dụng của Đạo

Ngài bảo:

- Ông được phần da của ta

Tỳ Khưu Ni hiệu Tổng Trì ra thưa:

- Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A Nan thấy nước Phật A Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.

Ngài bảo:

- Bà được phần thịt của ta.

Đạo Dục bước ra thưa:

- Bốn Đại vốn không, năm ấm chẳng có. Chỗ thấy của con không một pháp có thể được.

Ngài bảo:

- Ông được phần xương của ta.

Huệ Khả bước ra đảnh lễ Ngài, rồi lui trở lại đứng yên lặng.

Ngài bảo:

- Ông được phần tủy của ta.

Ngài gọi Huệ Khả đến dặn dò:

- Xưa Như Lai đem đại pháp nhãn tạng trao cho Tổ Ca Diếp, lần lượt truyền đến ta. Nay ta đem trao lại cho ông. Ông phải truyền trao không để cho dứt mất. Cùng trao cho ông Tăng-già-lê và bát báu, để làm pháp tín. Mỗi thứ tiêu biểu cho mỗi việc, ông nên biết.

Huệ Khả thưa:

- Xin thầy từ bi chỉ dạy mọi việc.

Ngài dạy:

- Trong truyền tâm ấn để khế hợp với tâm chứng, ngoài trao ca-sa để định tông chỉ. Đời sau nhiều người cạnh tranh nghi ngờ, họ nói: "Ta là người Ấn, ông là người Hoa, căn cứ vào đâu mà được pháp, lấy cái gì để minh chứng ?". Ông gìn giữ pháp y này, nếu gặp tai nạn, ông đem ra làm biểu tín, thì sự giáo hóa không bị trở ngại. Hai trăm năm sau khi ta diệt độ, y pháp này dừng lại không truyền, vì lúc đó, Phật pháp rất thạnh hành. Chính khi đó, người biết đạo thật nhiều, người hành đạo quá ít. Người nói lý thì nhiều, người ngộ lý thì ít. Tuy nhiên, người thầm thông lặng chứng có ngàn vạn. Ông cố gắng xiển dương, chớ khinh người chưa ngộ. Nghe ta nói kệ

Ngô bổn lai tư độ

Truyền Pháp cứu mê tình

Nhất Hoa khai Ngũ Diệp



Dịch:



Ta sang đến cõi này

Truyền Pháp cứu mê tình

Một hoa nở năm cánh

Kết quả tự nhiên thành (Nụ trái tự nhiên thành)

Ngài lại bảo:

- Ta có bộ kinh Lăng Già bốn quyển, là Phật nói tột pháp yếu, cũng giúp cho chúng sanh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật, nay ta trao luôn cho ông. Ta từ Nam Ấn sang đây, năm phen bị thuốc độc mà không chết, vì thấy xứ này tuy có khí đại thừa mà chưa ứng hiệp, nên ta lặng lẽ ngồi lâu chờ đợi. Nay đã truyền trao xong, đã có thĩ ắt phải có chung vậy.

Xong rồi, Ngài cùng đồ chúng đi đến võ môn ở chùa Thiên Thánh, dừng lại ba hôm. Quan Thái Thú thành này tên là Dương Huyễn Chi là người sùng mộ Phật Pháp. Nghe tin Ngài đến, liền tới đảnh lễ. Ông hỏi:

- Thầy ở Ấn Độ được kế thừa làm Tổ, vậy thế nào là Tổ, xin thầy dạy cho ?

Ngài đáp:

- Rõ được tâm tông của Phật, không lầm một mảy, hạnh và giải hợp nhau, gọi đó là Tổ.

- Chỉ một nghĩa này hay còn nghĩa nào khác ?

- Cần rõ tâm người, biết rành xưa nay, chẳng chán có không, cũng chẳng cố chấp, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Nếu hay hiểu như thế, cũng gọi là Tổ.

Huyễn Chi lại thưa:

- Đệ tử vì nghiệp thế tục, ít gặp được tri thức, trí nhỏ bị che lấp không thể thấy đạo. Cúi xin thầy chỉ dạy, con phải noi theo đạo quả nào ? Dùng tâm gì được gần với Phật Tổ ?

Ngài vì ông nói kệ:

Diệc bất đổ ác nhi sinh hiềm

Diệc bất quán thiện nhi cần thố

Diệc bất xả trí nhi cận ngu

Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ

Đạt đại đạo hề quá lượng

Thông Phật tâm hề xuất độ

Bất dữ phàm thánh đồng triền

Siêu nhiên danh chi viết Tổ

Tạm dịch:

Cũng đừng thấy dữ mà sanh chê

Cũng đừng thấy lành mà ái mộ

Cũng đừng bỏ trí mà gần ngu

Cũng đừng ném mê mà về ngộ

Đạt Đạo lớn chừ quá lượng

Thông Phật tâm chừ vô kể

Chẳng cùng phàm thánh đồng vai

Vượt lên, gọi đó là Tổ

Huyễn Chi nghe dạy, hoan hỷ đảnh lễ, lại thưa:

- Xin thầy chớ vội tạ thế, để làm phước lợi cho quần sanh.

Ngài bảo:

- Đời mạt pháp, kẻ tệ ác quá nhiều, dù ta còn ở lại lâu e chẳng lợi ích, mà thêm tai nạn, làm tăng trưởng tội ác cho người.

- Từ thầy đến đây, ai thường hại thầy, xin thầy chỉ họ, con sẽ sắp xếp.

- Nói ra ắt có tổn hại, ta nên đi vậy. Đâu cam hại người để mình được vui.

Huyễn Chi nài nỉ thưa:

- Con không hại người, chỉ muốn biết để đề phòng đó thôi.

Ngài bất đắc dĩ nói bài kệ:

Giang Tra phân ngọc lãng

Quản cự khai kim tỏa

Ngũ khẩu tương cộng hành

Cửu thập vô bỉ ngã

Tạm dịch

Thuyền con rẽ sóng ngọc

Đuốc soi mở khóa vàng

Năm miệng, đồng cùng đi

Chín, mười không ta người

Huyễn Chi nghe rồi ghi nhớ, đảnh lễ Ngài, rồi lui ra.

Ở đây đúng ba hôm, Ngài ngồi an nhiên thị tịch. Hôm ấy là ngày mùng Chín tháng Mười năm Bính Thìn, nhằm niên hiệu Đại Thông năm thứ hai nhà Lương (529 kỷ nguyên chung). Đến ngày 18 tháng chạp năm này, làm lễ đưa nhục thân của Ngài nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ.

Ba năm sau khi Ngài thị tịch, Tống Vân vâng chiếu vua Hậu Ngụy đi sứ Ấn Độ trên đường về, gặp Ngài tại Thông Lãnh, thấy Ngài tay xách một chiếc dép, một mình đi nhanh như bay. Tống Vân hỏi:

- Thầy đi đâu ?

Ngài đáp:

- Về Ấn Độ

Ngài lại nói thêm:

- Chủ ông đã chán đời rồi.

Tống Vân ngẩn ngơ, từ giả Ngài về triều. Đến triều thì vua Minh Đế đã băng, Hiếu Trang Đế lên ngôi. Ông đem việc ấy tâu lại, vua ra lệnh mở cửa tháp, dở quan tài ra; Quả nhiên là quan tài không, chỉ còn một chiếc dép. Vua sắc đưa chiếc dép về thờ ở chùa Thiếu Lâm. Đến đời Đường niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 15 (728 sau kỷ nguyên chung), môn đồ lại dời chiếc dép về thờ ở chùa Hoa Nghiêm. Đến nay không biết còn-mất và ở đâu.

Vua phong Ngài hiệu Viên Giác Thiền Sư, tháp hiệu Không Quán

Tập Thiếu Thất Lục Môn nói là tác phẩm của Ngài.



(Trích dịch trong quyển: Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa của Hòa Thượng Thích Thanh Từ soạn tại Tu Viện Chơn Không vào năm 1971.

Tham cứu thêm:

Chư Tổ Thiền Ấn Hoa của HT Thích Minh Tuệ.

Sáu cửa Thiền Thất – Trúc Thiên dịch )

dat_ma


Lịch sử và truyền thuyết về tổ Bồ Đề Đạt Ma
Về tên gọi

Tổ Bồ Đề Đạt Ma được Thiền tông Trung Quốc công nhận là Sơ tổ của Thiền tông Đông độ. Nhưng lúc vừa tới Trung Quốc không phải ngài liền tạo được sự ảnh hưởng rộng lớn trong Phật giáo, mà sức ảnh hưởng của Ngài giống như một hạt giống gieo xuống, mỗi ngày một sinh sôi nảy nở và cuối cùng là trùm khắp tất cả. Chúng ta không thể dùng nhãn quan của các thiền giả đời sau để nghĩ về ngài và xem thường ngài. Ý nghĩa chân chánh mà thiền Đạt Ma đại biểu có sức ảnh hưởng rộng lớn đối với Phật giáo Trung Quốc, nên muốn nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc thì vấn đề lớn nhất là phải hiểu rõ Thiền tông Trung Quốc.

Tùy theo sự phát triển của Thiền pháp mà các truyền thuyết về Tổ Bồ Đề Đạt Ma trong truyện ký trước sau không hoàn toàn giống nhau. Đây là một hiện tượng rất bình thường trong các tôn giáo. Liên quan đến những truyện ký thuở thiếu thời của tổ Bồ Đề Đạt Ma có “Lạc Dương Già lam ký”, gọi tắt là “Già lam ký” (Đại Chánh, 51, 1000 giữa) của Dương Huyễn Chi (547); “Lược biện Đại thừa nhập đạo tứ hạnh cập tự” (Đại Chánh, 85, 1284 cuối-1285 giữa) của ngài Đàm Lâm (khoảng 585); Bồ Đề Đạt Ma truyện, quyển 16 trong “Tục Cao tăng truyện” (Đại Chánh, 50, 551 giữa và cuối) của ngài Đạo Tuyên. Đạt Ma truyện trong “Tục Cao tăng truyện” chủ yếu căn cứ vào hai quyển được nêu ở trên, chỉ bớt hoặc thêm một vài chi tiết khác mà thôi.

Bồ Đề Đạt Ma còn gọi tắt là Đạt Ma. Trong truyền thuyết của các Thiền giả đời sau, Ngài còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Trong “Bồ Đề Đạt Ma Nam tông định thị phi luận” của ngài Thần Hội, tác giả cũng gọi tên ông là Bồ Đề Đạt Ma. Ngài Thần Hội dẫn “Thiền tự kinh” để chứng minh tính truyền thừa của Bồ Đề Đạt Ma như trong “Thần Hội Hòa thượng di tập”. Theo đó, Ngài Thần Hội cho rằng Đạt Ma Đa La là Bồ Đề Đạt Ma. Vì vậy mà trong truyền thuyết có khi người ta gọi Ngài là Bồ Đề Đạt Ma, cũng có khi gọi là Đạt Ma Đa La. Trong “Lịch đại Pháp bảo ký” (774), tác giả đã tổng hợp hai tên này lại và gọi chung là Bồ Đề Đạt Ma Đa La. Đây là sự kết hợp nhầm lẫn trong các truyền thuyết, hoàn toàn không phải ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc truyền Thiền tông. Trong truyền thuyết cho rằng hai người – Bồ Đề Đạt Ma và Đạt Ma Đa La là một. Thậm chí tên của các ngài cũng bị viết khác đi như: Đạt Ma Đa La (達摩多羅) thành (達磨多羅), Bồ Đề Đạt Ma (菩提達摩) thành (菩提達磨).

Từ trước tới nay (thời đại của tác giả),Chữ Dharma thường được dịch là Đạt Ma (達摩) hoặc Đàm Ma (曇摩). Chữ dharma được viết thành đạt ma (達磨) bắt đầu từ Tống Nguyên Gia (khoảng trước sau năm 430), dịch ra từ “Tạp A tỳ đàm tâm luận”. “Tạp A tỳ đàm tâm luận” là tác phẩm của ngài Đạt Ma (Đàm Ma) Đa La – tức Luận sư Pháp Cứu. Luận sư Đàm Ma Đa La và Thiền sư Đạt Ma Đa La cũng bị ngộ nhận là một người.

Trong “Sa bà đa bộ ký mục lục tự”, quyển 12 trong “Xuất Tam tạng ký tập” của Lương Tăng Hựu ghi: những tác phẩm còn lưu truyền lại trong chùa Tế Công ở Trường An (phương Bắc) vẫn viết là Đàm Ma Đa La (曇摩多羅) Thiền sư, nhưng trong số 53 người có mặt trong “Cựu ký” của Tăng Hựu (phương Nam), tên Ngài được viết là Đạt Ma Đa La (達磨多羅) (Đại Chánh, 55, 89 trên-90 trên). Ngài Thần Hội (ở phương Bắc) cũng viết là Đạt Ma Đa La (達摩多羅) và Bồ Đề Đạt Ma (菩提達摩), nhưng những hệ khác sau ngài Thần Hội, và “Tào Khê biệt truyện” có liên quan đến phương Đông đều viết là Đạt Ma Đa La (達磨多羅). Những tác phẩm của hàng đệ tử (Mã Đại sư) ở Hồng Châu cùng với “Song phong sơn Tào hầu khê Bảo lâm truyện” có liên quan đến Giang Đông đều viết là Bồ Đề Đạt Ma (菩提達磨). Từ đây, Bồ Đề Đạt Ma (菩提達摩) được viết thành Bồ Đề Đạt Ma (菩提達磨) và trở thành định luận của thiền môn đời sau. Đạt Ma (達摩) đổi lại viết thành Đạt Ma (達磨), có thể nói đây là cách dùng Tân dịch để cải chính cho Cựu dịch, nhưng từ chỗ biến đổi trong cách viết này đã biểu thị được sự hưng thịnh của Thiền tông phương Nam. Thiền phương Nam đã phát triển hơn phương Bắc, và những ghi nhận trong truyền thuyết của phương Nam đã trở thành định luận trong Thiền môn.

Về nguyên quán

Về nguyên quán của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, trong “Già lam ký” có ghi: “Sa môn Bồ Đề Đạt Ma vốn là người Hồ ở Tây vực, nước Ba Tư”. Trong bài tựa của Đàm Lâm cũng viết: “Người nước Nam Thiên Trúc ở Tây vực, là con thứ ba của vua nước Đại Bà La Môn”. Hồ và Bà la môn – Phạn, Phật giáo đời Đường phân biệt rất rõ ràng nhưng trong lớp người bình dân thì quen gọi Tây Trúc là Hồ. Cho nên nói “người Hồ ở Tây vực” hay “dòng Bà la môn, nước Tây Trúc ở Tây vực” không nhất định là khác nhau. Trong sách sử Trung Quốc, những địa danh gần nhau mà được dịch là Ba tư thì những địa danh đó không hẳn là cùng một địa điểm. Ba tư – thời cổ đại là một địa phương thuộc nước An Tức. Đây là tên mà mọi người đều quen thuộc. Trong “Già lam ký”, quyển thứ năm có ghi: giữa Quy Đát và Xa Nhĩ có một địa danh là Tiểu quốc Ba Tư (Đại Chánh 51, 1019, cuối). Trong Nam hải cũng có dịch là quốc gia Ba Tư. Trong “Nam hải trung chi Ba Tư” do Phí Lang khảo định thì trong vùng nam hải, nơi mà được gọi là Ba Tư có hai địa điểm: một là Pathin thuộc Miến Điện ngày nay; hai là Pasa thuộc bờ Đông bắc Tô Môn Đáp Thích ngày nay. Địa phương được dịch là Ba Tư không chỉ có một chỗ, chúng ta cũng chẳng biết chắc ở vùng Nam Thiên Trúc có hay không âm đọc tương đương với từ Ba Tư. Thông thường mà nói, Đàm Lâm là đệ tử của ngài Đạt Ma, do đó những thông tin của Ngài chắc chắn có phần chính xác hơn so với những điều Dương Hoằng Chi nghe được. Trong “Tục Cao Tăng truyện”, tác giả cũng cho rằng Đạt Ma là người Nam Thiên Trúc. Và căn cứ vào thiền pháp được ngài Đạt Ma truyền lại thì càng thích hợp khi nói ngài là người Nam Thiên Trúc.

Về niên đại

Về niên đại của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, trong truyện ký đều không ghi rõ. “Tục Cao Tăng truyện” có nhiều truyền thuyết không giống nhau như: “Đạt Ma truyện” nói: “du hóa là nhiệm vụ, không định chỗ dừng chân an trụ”; trong “Huệ Khả truyện” cũng nói: “Tổ Bồ Đề Đạt Ma nhập diệt ở Lạc Tân”, thuyết này hợp với tài liệu mới mà ngài Đạo Tuyên có được. “Huệ Khả truyện”, quyển mười sáu trong “Tục Tăng truyện” (Đại Chánh, 50, 552, đầu) nói: “Tổ Đạt Ma tịch ở Lạc Tân, có thể được an táng ở Hà Sĩ”.

Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma

Huệ Khả là đệ tử của tổ Bồ đề Đạt Ma. Sau khi tổ Đạt Ma nhập diệt, Nhị tổ từng ở Hà Sĩ (một bên sông Hoàng Hà) hoằng hóa đến khoảng niên hiệu Thiên Bình mới đi Tân Nghiệp. Lúc dời đô đến đất Nghiệp (cố đô thuộc phía Tây huyện Lâm Chương tỉnh Hà Nam ngày nay) là năm đầu niên hiệu Thiên Bình, tức năm 534. Khoảng thời gian từ lúc Tổ Đạt Ma nhập diệt đến lúc Tổ Huệ Khả đi Tân Nghiệp có thể cũng vài năm. Vì thế năm Tổ Đạt Ma nhập diệt có thể là năm 530. Tổ Đạt Ma từng tán thán chùa Vĩnh Ninh, mà chùa Vĩnh Ninh được kiến thiết vào năm đầu niên hiệu Hy Bình, tức năm 516. Đến năm thứ ba niên hiệu Vĩnh Hy, tức năm 534, chùa bị sấm sét làm cháy rụi. Lúc tán thán chùa Vĩnh Ninh, Tổ nói ngài đã 150 tuổi, nếu như truyền thuyết này là sự thật thì Tổ Đạt Ma thọ hơn 150 tuổi.

Tổ Đạt Ma đến Trung Quốc bằng đường biển và từ Nam đi dần lên phương Bắc là điều mà các truyền thuyết đều giống nhau. Trong “Đàm Lâm tự” nói rõ: “vượt núi non biển cả, du hóa Hán Ngụy”. Hán và Ngụy là đại biểu cho hai vùng Nam và Bắc lúc bấy giờ. Trong “Tục Cao Tăng truyện” còn nói rõ hơn: “Đầu tiên đến biên giới nước Tống và Nam Việt, gần cuối đời lại đi lên phương Bắc, đến nước Ngụy. Mỗi nơi dừng lại Ngài đều đem thiền ra giảng dạy”. Tổ Đạt Ma đến Trung Quốc lần đầu tiên vào thời Lưu Tống (420-478) và nơi mà ngài đặt chân lần đầu tiên chính là Nam Việt, là bờ biển đối diện đảo Hải Nam hiện nay. Trước năm 478 đã đến Trung Quốc và mãi đến cuối đời mới vượt sông đến bắc Ngụy, điều này chứng tỏ Tổ Đạt Ma đã lưu trú ở miền Nam rất lâu.

Trong thời gian ở bắc Ngụy, Tổ có du hóa đến Tung Lạc. Tương truyền, Ngài cũng từng ở chùa Thiếu Lâm một thời gian, đây là ngôi chùa do vua Ngụy Văn Đế xây dựng vào năm 496 để cúng dường Thiền sư Phật Đà. Trong “Đàm Lâm tự” có nói về tình hình truyền thiền của Tổ Đạt Ma ở Bắc Ngụy trong thời gian này như sau: “ người tu hành quên tâm, tịch mặc không ai không tin tưởng; chỉ có kẻ chấp trước mới sanh tâm chê bai phỉ báng”. Vừa bắt đầu truyền giáo, Tổ Đạt Ma đã cho thấy sự vượt trội trong pháp thiền của ngài so với những giáo pháp thông thường khác. Lúc đó, người có thể thể ngộ được thiền pháp của ngài chỉ có hai vị là Đạo Dục và Huệ Khả. Hai vị này cũng chỉ được gần gũi Tổ trong vài năm, như trong “Đàm Lâm tự” viết: “mai mắn được gặp Pháp sư, hầu ngài được vài năm,……. Pháp sư cảm nhận được sự thành tâm của hai vị nên dạy cho chân đạo”. Trong “Tục Cao Tăng truyện” cũng viết: “Tìm cơ hội gần gũi hầu thầy, trải qua bốn năm năm,….cảm nhận được tâm chí thành nên dạy cho chân pháp”. Trong “Huệ Khả truyện” thì nói: “Thờ ngài làm thầy, hết lòng nghe lời chỉ dạy, theo học sáu năm, chuyên nghiên cứu nhất thừa”. Đại khái, Huệ Khả theo học năm sáu năm mới được Tổ truyền cho cái thâm thúy nhất trong thiền pháp của ngài. Trên đây chủ yếu là nương vào truyền thuyết của ngài Huệ Lâm, đệ tử của tổ Đạt Ma kể lại. Theo “Truyền pháp bảo ký” của Đỗ Phỉ, Bắc tông có ghi như sau: “Tổ Huệ Khả thờ thầy sáu năm, tâm nguyện cầu được thông ngộ pháp thiền……Tổ thầm đem phương tiện gợi mở, khiến tâm thức bất chợt vào thẳng pháp giới. Trong khoảng thời gian bốn năm năm, nghiên cứu và tìm tòi văn kinh, đem kinh Lăng Già truyền cho ngài Huệ Khả và nói: “Ta thấy người đi giáo hóa trên đất Hán, chỉ có kinh này là thích hợp”. Đỗ Phỉ dựa vào tư liệu vốn có mà giải thích là: Huệ Khả thân cận tổ Đạt Ma sáu năm, sau đó ngộ đạo. Lúc chưa đắc pháp, Ngài được tổ Đạt Ma giảng dạy kinh Lăng già. Cho nên nói: “Trong thời gian bốn năm năm nghiên cứu tìm tòi văn kinh” hay “bốn năm năm chuyên tâm nghiên cứu minh triệt”. Cách lí giải của Đỗ Phỉ hợp với những thuyết bốn năm năm hoặc sáu năm khác, cũng hợp với truyền thuyết được truyền kinh Lăng già và li ngôn đốn nhập. Truyền thuyết thời kỳ đầu là như vậy, còn các thuyết khác như ngồi xoay mặt vào tường chín năm .v.v.. đều là truyền thuyết sau này mới có.

Truyền thuyết

Do thiền pháp của Tổ Đạt Ma ngày một phát đạt nên các truyền thuyết về ngài cũng lần lượt phát triển theo. Có cái là truyền thuyết, có cái là thêm thắt thêm, cũng có cái hoàn toàn là ngụy tạo. Ở đây chỉ lược thuật để thấy rõ về ý nghĩa của truyền thuyết mà thôi. Có thể thấy có 3 truyền thuyết viết vào thời ngài Hoàng Mai): 1. “Truyền pháp bảo ký” nói: “Tổ Đạt Ma bị thuốc sáu lần, lần sau cùng cũng vì bị thuốc mà tịch; 2. “Truyền pháp bảo ký” nói: “Tống Vân đi Tây Vực về và gặp Tổ Đạt Ma trên núi Thông Lĩnh. Đệ tử Tổ mới mở nắp quan tài, trong quan tài vốn không có nhục thân ngài”; 3. “Nam tông Đốn giáo tối thượng Đại thừa Ma ha Bát nhã ba la mật đa kinh” – “Kinh Pháp bảo đàn” được Lục tổ Huệ Năng thuyết tại chùa Đại Phạm ở Thiều Châu kể: “Vua Lương Vũ Đế gặp Tổ Đạt Ma hỏi: cất chùa và độ Tăng có phúc hay không?” Trong ba truyền thuyết này, thuyết thứ nhất và thứ ba có chút ít căn cứ, còn thuyết thứ hai là ngụy tạo. Tống Vân đi Tây Vực vào năm đầu niên hiệu Thần Quy (518) và về vào năm thứ nhất niên hiệu Chánh Quang (520), lúc đó Tổ Đạt Ma đang truyền thiền ở Bắc Ngụy nên truyền thuyết Tống Vân gặp tổ trên núi Thông Lĩnh là không phù hợp với sự thật. Đây chỉ là ý tưởng mới dựa vào tư tưởng “du hóa là nhiệm vụ, không hẹn chỗ dừng” trong “Tục Cao Tăng truyện”. Tổ Đạt Ma sau khi tịch lại có người gặp ở nơi khác, đây là thần thoại ảnh hưởng tư tưởng Đạo giáo của Trung Quốc.

Những truyền thuyết được lưu truyền trong Tông Hà Trạch bao gồm: 1. Sáu lần bị thuốc, chỉ rõ người thuốc là Bồ Đề Lưu Chi và Tam tạng Quang Thống; 2. Tống Vân gặp Tổ Đạt Ma trong tay cầm một chiếc giày, khi mở quan tài thì trong quan tài chỉ còn lại một chiếc, thế là có câu chuyện “Chích lý quy Tây” (một chiếc giày về Tây). “Lịch đại Pháp bảo ký” (775) và các truyền thuyết khác (dựa theo lời môn hạ ngài Thần Hội kể) là những truyền thuyết được thêm thắt một chút từ “Truyền pháp bảo ký”; 3. Gặp Lương Vũ Đế hỏi đáp vấn đề có hay không có phước đức; 4. Tổ Đạt Ma tịch, chôn ở núi Hùng Nhĩ, Lương Vũ Đế dựng bia; 5. “Lịch đại Bảo ký” nói: “Tổ Đạt Ma trước khi đến Trung Quốc đã phái hai người đệ tử là Phật Đà và Da Xá đến nước Tần nhưng bị đuổi. Sau đó, Phật Đà đến Lô Sơn gặp Viễn Công và viết một bộ “Thiền môn kinh”. Đây là ám chỉ ngài Phật Đà Bạt Đà La. Ngài Thần Hội cho rằng Bồ Đề Đạt Ma là Đạt Ma Đa La trong “Thiền kinh tự” mà Đạt Ma Đa La và Phật Đại Tiên vốn đồng môn, Phật Đà Bạt Đà La lại là đệ tử của Phật Đại Tiên nên mới có truyền thuyết tổ Đạt Ma phái Phật Đà đi Trung Quốc. Phật Đà Bạt Đà La đến Trung Quốc (409-429) và năm 410 đã khoảng năm mươi tuổi. Nếu tổ Đạt Ma sống hơn một trăm năm mươi tuổi là sự thật thì năm 410 Tổ mới khoảng ba mươi tuổi, như vậy ngài Phật Đà Bạt Đà La làm sao có thể là đệ tử của tổ Bồ Đề Đạt Ma. Đây là câu chuyện nhằm để chứng minh sự truyền thừa của thiền pháp mà gán ghép thêm.

“Bảo lâm truyện” của tông Hồng Châu (801) đối với các truyền thuyết từ trước truyền lại, ngoại trừ thuyết Phật Đà và Da Xá ra còn lại đều được kế thừa. “Bảo lâm truyện” cho rằng: Tổ Đạt Ma thị tịch vào năm thứ hai niên hiệu Đại Đồng nhà Lương (536), là năm thứ mười chín niên hiệu Thái Hòa nhà Ngụy. Lúc đó Thái tử Chiêu Minh làm văn tế và từ xa cúng tế Tổ Đạt Ma. Năm thứ mười chín niên hiệu Thái Hòa (495) vốn không phải là năm thứ hai niên hiệu Đại Đồng, và Thái tử Chiêu Minh thì đã mất vào tháng tư năm thứ ba niên hiệu Trung Đại Thông (531) nên văn tế tổ Đạt Ma của Thái tử Chiêu Minh đương nhiên là ngụy tạo. Lại nói, Lương Vũ Đế nghe Tống Vân thuật lại trên đường đi Tây Vực về gặp Tổ Đạt Ma, nên ông dựng bia cho Tổ nhưng Tống Vân đi Tây Vực về nước năm thứ hai niên hiệu Chánh Quang (520), lúc này Tổ Đạt Ma chưa tịch. Những truyền thuyết này không phải là truyền thuyết, cũng không phải là gán ghép và hoàn toàn là ngụy tạo. Đến “Tổ Đường tập” (952) lại có thêm chuyện về cuộc vấn đáp giữa Tổ Đạt Ma và Lương Vũ Đế về “khuếch nhiên vô thánh”. Đối với các Thiền sư đương thời (thế kỷ thứ X) mà nói, đây là một công án tuyệt vời nên mới đem công án này dựng nên cuộc đối thoại giữa Đạt Ma và Lương Vũ Đế.

Trích dịch từ quyển “Lịch sử Thiền tông Trung Quốc” của ngài Ấn Thuận

1%20%287%29


Sự thật về Bồ Đề Đạt Ma

đại sư sáng lập võ phái Thiếu Lâm

Bồ Đề Đạt Ma là cái tên vô cùng nổi tiếng với những ai quan tâm đến võ thuật truyền thống Trung Quốc. Người ta nói rằng, ông là tác giả của bộ tuyệt học Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh, là người sáng lập võ phái Thiếu Lâm lừng danh.

Thực ra, chuyện Bồ Đề Đạt Ma có phải là ông tổ của võ thuật Trung Quốc hay không, vẫn còn là chuyện phải bàn. Song có một điều chắc chắn rằng Bồ Đề Đạt Ma là vị đại sư không thể không nhắc tới trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc…

Chuyến du hành huyền thoại trên đất Đông thổ

Mặc dù được coi là ông tổ sáng lập nên trường phái Thiền tông Trung Quốc, nhưng Bồ Đề Đạt Ma lại có gốc gác từ tận bên Thiên Trúc. Người ta nói rằng, Bồ Đề Đạt Ma vốn có tên tục là Bồ Đề Đa La, là con trai thứ ba của quốc vương nước Hương Chí, nam Thiên Trúc.

Một lần, vị tổ thứ 27 của nhà Phật là Bát Nhã Đa La đến nước Hương Chí, gặp Bồ Đề Đạt Ma, thấy vị vương tử này có nhiều nét đặc biệt, mới bảo cùng hai anh của mình bàn luận về chữ Tâm. Bát Nhã Đa La thấy Bồ Đề Đa La là người có ngộ tính, nhỏ tuổi nhưng đã nói được điểm quan trọng của chữ Tâm, mới khuyên rằng: “Hoàng tử đối với chư pháp đã được thông đạt, vậy Hoàng tử nên lấy tên là Ðạt Ma, có nghĩa là rộng lớn, thông đạt”. Cũng kể từ đó, vị hoàng tử thứ 3 của Hướng Chí quốc có tên thành Đạt Ma, xuất gia làm sư, bái Bát Nhã Đa La làm thầy.


Sau nhiều năm tu hành, với trí thông minh và ngộ tính tuyệt vời của mình, Bồ Đề Đạt Ma được Bát Nhã Đa La lựa chọn là người kế thừa của mình, trở thành vị tổ thứ 28 của Phật giáo trên đất Thiên Trúc. Chuyện kể rằng, trước khi truyền pháp cho Đạt Ma, tổ thứ 27 cho gọi Đạt Ma đến và hỏi: “Trong mọi thứ, thứ gì vô sắc?" Bồ Đề Đạt Ma đáp: "Vô sinh vô sắc". Bát Nhã Đa La lại hỏi tiếp: "Trong mọi thứ, cái gì vĩ đại nhất?" Bồ Đề Đạt Ma lại đáp: "Phật pháp vĩ đại nhất”, nghe xong, Bát Nhã Đa La quyết định chọn Đạt Ma làm truyền nhân thứ 28 của nhà Phật.

Khi Bát Nhã Đa La qua đời, Đạt Ma nhớ lời thầy dặn, phải xuất dương truyền pháp thì mới nên sự nghiệp vĩ đại nên khi tuổi đã cao mới xuống thuyền ra khơi đến đất Đông Thổ. Đó là vào khoảng những năm 520 sau Công nguyên, tức đời Vũ Đế nhà Lương. Vũ Đế vốn là người sùng Phật, nghe tin có vị đại sư từ Thiên Trúc tới Đông thổ truyền giáo, mới mời đến Kiến Nghiệp, kinh đô nước Lương để gặp mặt, bàn chuyện Phật. Đạt Ma nhận lời đến gặp Vũ Đế, song nói chuyện không hợp.

Qua lần nói chuyện đó, Đạt Ma biết rằng, lý tưởng Phật giáo của Vũ Đế không giống với mình, khó có thể phát huy được những tư tưởng của mình nên quyết định cáo từ. Chuyện kể rằng, sau khi từ biệt Vũ Đế, Đạt Ma lấy một cọng cỏ ném xuống sông rồi đứng trên cọng cỏ mà qua sông Dương Tử, đi về phía bắc, đến thành Lạc Dương, kinh đô Bắc Ngụy. Năm Hiếu Xương thứ 3 đời vua Hiếu Minh Đế nhà Bắc Ngụy (tức năm 527), Đạt Ma lên Tung Sơn đến Thiếu Lâm Tự truyền bá Thiền tông. Đó là thời điểm diễn ra sự tích 9 năm thiền định nổi tiếng của Bồ Đề Đạt Ma.

Chuyện kể rằng, khi đến chùa Thiếu Lâm, Bồ Đề Đạt Ma ngồi quay mặt vào vách đá thực hành thiền định, suốt 9 năm liền không nói gì. Những người thời bấy giờ không hiểu gì, chỉ thấy lạ nên gọi ông là “Quan bích Bà la môn”, nghĩa là ông sư Bà la môn nhìn tường. Trong thời gian ấy, có nhà sư ở Tung Sơn tên là Thần Quang, học rộng biết nhiều, nghe chuyện của Đạt Ma nên đến xin bái kiến. Đạt Ma vẫn quay mặt vào bức tường, không nói năng gì. Thần Quang không nản, nhủ rằng: “Người xưa cầu đạo, đều phải trải qua gian nan thử thách, chịu những điều người thường không chịu được”. Giữa đêm tháng chạp, tuyết bay mù mịt, Thần Quang đứng chờ bất động bên ngoài chùa, sáng ra tuyết ngập đến đầu gối.

Đạt Ma lúc ấy mới hỏi: “Ngươi đứng mãi trong tuyết để chờ gì vậy?” Thần Quang khóc mà nói: “Chỉ mong được đại sư truyền đạo”. Biết Đạt Ma còn e mình chỉ nhất thời kích động, sợ không thể kiên nhẫn học đạo, Thần Quang liền rút đao tự chặt đứt cánh tay trái, đặt trước mặt Đạt Ma, bày tỏ quyết tâm của minh. Lúc bấy giờ, Đạt Ma mới nhận Thần Quang làm đệ tử, đổi pháp danh là Huệ Khả. Huệ Khả sau này chính là vị tổ thứ hai của dòng Thiền tông ở Trung Quốc.

Sau 9 năm lưu lại Trung Quốc truyền giáo, Đạt Ma có ý muốn quay về Ấn Độ nên cho gọi các đệ tử của mình đến nói: “Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình”. Các đệ tử mỗi người lần lượt đều tiến lên phía trước nói những điều mà mình học được, chỉ riêng Huệ Khả là đứng yên không nói gì. Đạt Ma mỉm cười nói với Huệ Khả: “Ngươi đã có được phần tủy của ta rồi”.

Nói xong Đạt Ma quyết định truyền tâm ấn cùng cuốn kinh Lăng già cho Huệ Khả rồi nói: “Ta từ Nam Ấn sang đến phương Đông này, thấy Thần Châu có đại thừa khí tượng, cho nên vượt qua nhiều nơi, vì pháp tìm người. Nay được ngươi để truyền thọ y pháp, ý ta đã toại!”. Đến năm Thiên Bình thứ ba nhà Đông Ngụy, tức năm 536, Đạt Ma viên tịch ở Lạc Tân. Các đệ tử chôn cất ông ở chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Và cái chết bí hiểm của vị đại sư Thiên Trúc

Về cái chết của Bồ Đề Đạt Ma đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều người nói, sau khi truyền giáo ở Trung Quốc, Đạt Ma quay trở lại Thiên Trúc và qua đời ở đây. Có người lại nói, Đạt Ma viên tịch tại Trung Quốc vào năm 536 và được chôn cất tại đây. Tuy nhiên, khiến nhiều người tranh cãi hơn cả chính là câu chuyện Đạt Ma bị đầu độc mà chết.

2%20%283%29

Chuyện kể rằng, thời điểm Đạt Ma đến Trung Quốc truyền pháp, có một vị quốc sư nhà Bắc Ngụy là Bồ Đề Lưu Chi rất ghen ghét vì danh tiếng của Đạt Ma nên tìm mọi cách hãm hại. Lưu Chi sai người bỏ chất độc vào cơm của Đạt Ma, định hại chết ông. Đạt Ma biết trong cơm có độc nhưng vẫn ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn, từ miệng Đạt Ma nôn ra một con rắn, nhờ thế mọi chất độc đều tiêu tan hết, Đạt Ma bình an vô sự. Lưu Chi nhiều lần tìm cách hạ độc Đạt Ma, Đạt Ma vẫn biết, nhưng lần nào cũng không hề hấn gì. Lưu Chi có ý sợ, nhưng càng nuôi dã tâm hại Đạt Ma bằng được.

Khi chọn được Huệ Khả làm người kế thừa tâm ấn, nghĩ rằng, công việc của mình tại Đông Thổ đã toại nguyện nên Đạt Ma quyết định không tự cứu mình nữa. Đó là lần thứ 7, Lưu Chi sai người bỏ độc vào cơm của Đạt Ma. Đạt Ma vẫn ăn cơm như bình thường, nhưng lần này không có con rắn nào được nôn ra, Đạt Ma cứ ngồi như vậy an nhiên tịch diệt. Sau khi Đạt Ma viên tịch, các đệ tử mới cho thi thể sư vào trong một quan tài bằng gỗ, an táng tại chùa Định Lâm.

Câu chuyện viên tịch của Đạt Ma chưa dừng lại ở đó. Sử sách còn chép lại rằng, ba năm sau ngày Đạt Ma viên tịch, một vị quan nhà Ngụy tên là Tống Vân đi sứ Tây Vực khi qua ngọn Thông Lĩnh thì gặp một vị sư tay cầm chiếc giày đang đi như bay về hướng Tây. Tống Vân biết đó là sư Đạt Ma, từ Thiên Trúc đến Đông Thổ truyền pháp, mới chặn lại hỏi: “Đại sư, pháp của ngài đã truyền cho ai rồi?”.

Đạt Ma đáp: “Sau này ngươi sẽ biết, giờ ta phải đi Thiên Trúc rồi!”. Nói xong, Đạt Ma bỏ chiếc giày đang cầm trên tay đưa cho Tống Vân, nói: “Ngươi hãy dùng chiếc giày này mau trở về đi, chủ nhà ngươi khó mà qua được ngày hôm nay”. Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giã Đạt Ma rồi hấp tấp trở về kinh thành thì quả thực vua Minh Ðế đã băng hà.

Tống Vân thấy việc Đạt Ma nói rất đúng, nên đem Đạt Ma dự báo trước cái chết của Minh Đế tâu lên với vua Hiếu Trang mới vừa tức vị. Nhà vua không tin, cho lệnh tống giam Tống Vân vào ngục tối. Một thời gian sau, khi đã bớt giận, vua Hiếu Trang mới cho gọi Tống Vấn đến và hỏi rõ ngọn ngành. Tống Vân lúc này mới đem chuyện gặp Đạt Ma nói lại với vua. Vua nghe xong ra lệnh quật mộ Đạt Ma lên để kiểm chứng. Khi quan tài được mở ra, trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dày cũ. Các vị quan được lệnh khám xét quan tài thấy vậy vô cùng kinh ngạc, đem mọi chuyện về tâu lại với vua. Vua nghe thấy vậy, mới tin những gì Tống Vân nói là thực bèn ra lệnh cho đưa chiếc giày còn lại của Đạt Ma về chùa Thiếu Lâm để thờ ở đó.

Việc Đạt Ma được coi như ông tổ sáng lập nên võ phái Thiếu Lâm là vì một phần lớn thời gian truyền giáo ở Trung Quốc, Đạt Ma chủ yếu tu hành ở chùa Thiếu Lâm. Người ta nói rằng, trong thời gian ở chùa Thiếu Lâm tu Thiền, do suốt ngày thiền định không tránh khỏi cơ thể mệt mỏi, rất nhiều lần Đạt Ma thấy các đệ tử ngủ gật khi ngồi thiền quá lâu.

3%20%283%29

Lại thêm thời bây giờ, Thiếu Lâm Tự được xây dựng ở vùng rừng già núi sâu, khó tránh khỏi thời tiết khắc nghiệt cũng như sự tấn công của thú dữ. Để phòng tránh thú dữ cũng như rèn luyện thân thể cho người học đạo, Đạt Ma đã mô phỏng những động tác của người lao động xưa, sáng tạo nên “Hoạt thân pháp”, cũng tức là hình thức đầu tiên của “Thiếu Lâm Quyền” lừng danh sau này.

Việc Đạt Ma sáng tạo nên những hình thức ban đầu của các tuyệt kỹ Thiếu Lâm là rất có thể, tuy nhiên, việc người ta gắn tên tuổi của Đạt Ma với bộ tuyệt học Dịch Cân Kinh và Tẩy Tủy Kinh nổi tiếng trong lịch sử cho tới nay vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi. Song có một điều chắc chắn rằng Bồ Đề Đạt Ma là vị đại sư không thể không nhắc tới trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc…

dat_ma

Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Tâm Thái

Nói đến Thiền tông thì trước hết phải nói đến Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma vì Tổ là người đã tạo cho Thiền tông thành một tông phái quan trọng của Phật giáo, mặc dầu Thiền tông đã được truyền từ đức Phật Thích Ca cho Tổ Ca Diếp tại hội Linh Sơn. Từ Tổ Ca Diếp, tức Sơ Tổ, Thiền tông được nối tiếp truyền tại Ấn Ðộ cho đến Tổ thứ 28 là Bồ Ðề Ðạt Ma. Ðiểm đặc biệt là Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma lại rời Ấn Ðộ mà qua Trung Hoa rồi tạo lập ra một tông phái mà sau này trở nên riêng biệt trong 10 tông của Phật giáo. Từ đó mà Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma thường được gọi là Sơ Tổ Thiền tông tại Trung Hoa. Nghi thức truyền pháp là trao y và bát cho đệ tử nối pháp, chỉ tiếp tục cho tới Lục Tổ Huệ Năng (638-713) thì ngưng, theo lời sấm của Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, nhưng lý do chính là tới lúc đó, số người đắc đạo đã nhiều nên việc lựa chọn một người đệ tử để trao y bát sẽ gây chia rẽ và va chạm nên tốt hơn hết là không chỉ định một đệ tử chánh thức nối pháp. 

Cuộc đời Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma (?-529)
Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma (Tiếng Phạn: Bodhidharma, Nhật: Bodai Daruma) sanh tại Kanchi, Nam Ấn Ðộ con vua Hương Chí (Simhavarman ?). Ngài là đệ tử của tổ Bát Nhã Ða La (Phạn: Prajnatara) và được sư phụ dặn dò sau này sang Trung Hoa truyền pháp. Ngài rời Ấn Ðộ bằng thuyền và sau gần ba năm mới tới Quảng Châu khoảng năm 520. Vua Lương Võ Ðế có mời ngài tới gặp, sau câu chuyện trao đổi, tuy thấy nhà vua là người có lòng với đạo Phật nhưng ngài thấy không hợp căn cơ nên rời tới chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn. Ngài dừng nơi đó, suốt 9 năm ngồi xây mặt vào tường nên được gọi là "Bích quán Bà la môn" (thầy Bà la môn ngồi nhìn tường). Sau đó có vị tăng Thần Quang (487-593) được ngài thâu nhận làm đệ tử truyền pháp. Ngài Thần Quang được đổi tên là Huệ Khả và trở nên vị tổ thứ hai tại Trung Hoa. Ở Trung Hoa được chín năm, tổ Bồ Ðề Ðạt Ma trao áo ca sa và bát báu cùng bốn quyển của bộ kinh Lăng Già cho tổ Huệ Khả. Sau đó Tổ viên tịch vào năm 529, (có tài liệu ghi là năm 532), nhục thân của ngài được nhập tháp tại chùa Ðịnh Lâm, núi Hùng Nhĩ, Trung Hoa. (trích: Tổ Thiền tông) Có tài liệu ghi Tổ sống lâu trên 150 tuổi. (trích: Zen Buddhism, tr. 66).

Nền móng Thiền tông
Mấy trăm năm trước khi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma tới Trung Hoa thì Phật giáo đã du nhập ở đó rồi. Trong khoảng thời gian 384-413, vị tăng Ấn Ðộ Cưu Ma La Thập (Phạn: Kumarajiva) đã dịch nhiều kinh điển ra tiếng Trung Hoa và giúp ích nhiều cho việc hoằng dương Phật pháp. Việc tu hành lúc đó là thường tụng các kinh điển Ðại thừa và áp dụng đời sống tăng đoàn theo lề lối Ấn Ðộ. Nhưng ở xã hội Trung Hoa lúc đó thì ảnh hưởng của đạo Lão và đạo Khổng rất thịnh hành, họ có tinh thần thực tế, cụ thể, thực dụng nên họ muốn tìm trong đạo Phật những gì cụ thể hợp với nếp sống trong xã hội. Cho nên khi Tổ đem Thiền tông đến Trung Hoa, với một tông chỉ mới mẻ, thì ảnh hưởng của Phật giáo trở nên rất mạnh và thịnh hành trong dân chúng. Từ tổ Bồ Ðề Ðạt Ma cho đến thời Lục tổ Huệ Năng, tức khoảng gần 200 năm, Thiền tông từ hạt giống do Tổ gieo trồng đã thực sự nảy mầm và trổ thành cây tốt tươi. Kể từ sau Lục tổ thì Thiền tông đã đem lại những ảnh hưởng lớn lao, sâu rộng cho xã hội Trung Hoa, và sau đó là Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Như vậy công lao của tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, người đã thực sự khởi đầu đặt nền móng cho Thiền tông, có thể nói là vĩ đại và đáng kính phục. 

Ðường lối tu hành
Ý chỉ của Tổ về pháp tu của Thiền tông được thâu gọn trong bốn câu kệ :
"Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật."(Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật). Bốn câu đó trình bầy đường lối tu hành của Thiền tông khác hẳn với các pháp tu khác trong đạo Phật.

Hai câu đầu: "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền" là hai câu mà đức Phật truyền cho tổ Ca Diếp trong hội Linh Sơn. Mới đọc qua hai câu đó chúng ta có cảm tưởng như đức Phật mật truyền cho tổ Ca Diếp một pháp nào mà không dùng tới văn tự và ở ngoài các kinh điển. Nếu đọc bài kệ của đức Phật khi truyền pháp cho tổ Ca Diếp thì chúng ta hiểu rõ hơn, hai câu đầu bài kệ là: "Pháp bổn pháp vô pháp, Vô pháp pháp diệc pháp."Câu khó hiểu đó được John Blofeld lược dịch trong cuốn "Hoàng Bá ngữ lục" là: "Giáo lý căn bản của Phật pháp là không có pháp nào hết, nên cái pháp 'không có pháp nào hết' chính là Phật pháp". (tr. 64) Như vậy tới chỗ cứu cánh là chỉ có pháp "không có pháp nào hết", vậy thì văn tự nào có thể diễn tả được pháp đó, như vậy pháp đó cũng phải nằm ngoài giáo lý vì giáo lý cũng là văn tự. 

Hai câu "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền" đã chỉ tới chỗ cứu cánh của đạo Phật. Như trong kinh Duy Ma Cật, khi Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật thế nào là Bồ tát vào pháp môn Không hai (Bất Nhị). "Ông Duy Ma Cật im lặng không nói. Ngài Văn Thù Sư Lợi khen rằng: Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự, ngữ ngôn đó mới thật là vào pháp môn không hai." Tổ cũng đã nhận ra là tới chỗ cứu cánh thì không còn văn tự, ngôn ngữ nào, tức là kể cả kinh điển, có thể dùng để tỏ bầy được.

Còn hai câu "Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật" nói lên đường lối tu độc đáo của Thiền tông. Thiền tông "chỉ thẳng", tức là chỉ ngay cái ở trước mắt người tu, và ngay hiện tại, chứ không dùng những lời giảng, phương tiện huyền bí, tượng trưng, bóng bẩy, xa vời. Chỉ thẳng cái gì? đó là chỉ thẳng ngay cái tâm của người tu hành. Hiểu được cái tâm đó cũng là hiểu được bản tánh của tâm mình cùng vạn vật. Người nào "thấy tánh" thì sẽ thành Phật, tức người giác ngộ. Tổ nói rất giản dị :"Nếu thấy tánh tức là Phật, không thấy tánh tức là chúng sanh". (tr. 90). Giữa Phật và chúng sinh, hoặc nói rõ hơn là giữa người giác ngộ và người si mê, chỉ khác nhau có điểm căn bản đó thôi. 

Mục đích tu hành của Thiền tông thật là giản dị, nhưng không dễ dàng. Nhiều người nghe như vậy liền vội vã giở kinh, luận, ngữ lục, sách vở ra tìm kiếm định nghĩa thế nào là "tánh" để thao thao giảng nghĩa. Công việc đó sẽ chẳng mang lại kết quả gì, vì còn trụ, chấp vào văn tự, lời nói, lý luận mà hy vọng tìm thấy "tánh" thì chẳng bao giờ được. Vậy muốn tu theo Thiền tông thì phương pháp tu như thế nào. Tập "Sáu cửa vào động Thiếu Thất" (Thiếu Thất Lục Môn) của Tổ để lại đã chỉ ra pháp tu hành của Thiền tông.

Sáu cửa vào động Thiếu Thất
Sáu cửa vào động, tức là sáu pháp môn tu hành để đạt được đạo quả. Sáu pháp môn đó là: (1) Tâm kinh tụng, (2) Phá tướng luận, (3) Nhị chủng nhập, (4) An tâm pháp, (5) Ngộ tánh luận và (6) Huyết mạch luận. Muốn vào được động Thiếu Thất thì có thể vào bằng cửa nào cũng được, không nhất thiết phải qua cả sáu cửa. Tu theo bất cứ một pháp môn nào cũng đạt Ðạo, không nhất thiết phải tu cả sáu pháp môn. 

(1) Tâm kinh tụng.Tổ nhắc lại từng câu trong Bát Nhã Tâm Kinh, sau mỗi câu đều có những câu giảng. Ðại ý cũng là phát triển về tâm của tông Bát Nhã. Tổ chỉ rõ tướng "không" của muôn pháp để chúng ta hiểu được cái thể "Như lai không tướng", vốn thanh tịnh, chẳng phải có/không, chẳng sạch/nhơ, chẳng tăng/giảm, một khi giác được điều đó thì "chợt rõ bỏ ý tu, thênh thang vượt pháp giới, tự tại hết lo âu". Tổ còn căn dặn "chấp có đâu thực có, theo không lại lạc không", vì Tổ biết rõ chúng ta thường chấp chặt vào hoặc "có" hoặc "không". 

(2) Phá tướng luận.Phần này gồm những câu hỏi và đáp. 
"Hỏi: Nếu có người chí cầu Phật đạo thì phải tu pháp gì thật là tỉnh yếu (đơn giản và thiết yếu).
Ðáp: Chỉ 'quán tâm'. Ðó là một pháp tổng nhiếp hết các pháp cho nên rất là tỉnh yếu.
Hỏi: Sao nói một pháp hay nhiếp tất cả các pháp ?
Ðáp: Tâm là cội nguồn của muôn pháp. Tất cả các pháp chỉ do tâm mà sinh ra."
Người hỏi vẫn thắc mắc là tại sao chỉ 'quán tâm' là đủ, nên sau đó nêu ra những câu hỏi như: "Sáu đường, ba cõi rộng lớn bao la, nếu chỉ quán tâm thì sao thoát được những khổ đau không cùng tận?" - "Như lời Phật dạy: 'Ta đã trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp, chịu vô số khổ nhọc mới thành được Phật đạo', sao nay nói chỉ quán tâm thì chế được ba độc là giải thoát?" - "Các đại Bồ tát nhờ giữ ba giới tu tịnh, thực hành lục độ, mới thành Phật đạo. Sao nay nói người học chỉ cần quán tâm, chẳng tu giới hạnh thì thành Phật thế nào được? " - "Như lời kinh nói, 'dốc lòng niệm Phật chắc được vãng sanh qua cõi Tịnh độ Phương tây, chỉ cần theo một cửa ấy tức được thành Phật', sao còn nói quán tâm để cầu giải thoát là gì? ". Ðó cũng là những thắc mắc mà những người không hiểu Thiền tông thường đặt ra vì thấy pháp tu này khác với những pháp tu của các tông khác trong đạo Phật. 

Mỗi câu hỏi đều được Tổ giải đáp rõ ràng nên cũng giúp cho những người tu Thiền hiểu hơn. Tổ nói rõ , nếu muốn đạt tới cứu cánh thì phải thấy được tâm là Phật, và muốn thấy được tâm thì cần phải bỏ những chấp về tướng. Tất cả những câu hỏi trên cho thấy đều vì chấp tướng, hướng ngoại, quên tâm nên không thể thấy được tâm. Tổ không nói những pháp tu theo chấp tướng là sai, nhưng Tổ thấy rõ những pháp tu đó chỉ là phương tiện thôi. 

(3) Nhị chủng nhập.Phần này chỉ pháp tu hành một cách cụ thể: 
"Phàm vào đạo có nhiều đường, nhưng nói cho cùng thì không ngoài hai đường là: lý nhập hay hạnh nhập."
"Lý nhập là mượn 'giáo' để ngộ 'tông', tin sâu rằng tất cả sinh linh đều chung đồng một chân tánh, chỉ vì khách trần bên ngoài và vọng tưởng bên trong che lấp nên chân tánh không hiển lộ được."
"Hạnh nhập là nói về bốn hạnh, ngoài ra các hạnh khác đều bao gồm trong ấy.
Bốn hạnh là: (a) báo oán hạnh, (b) tùy duyên hạnh, (c) vô sở cầu hạnh và (d) xứng pháp hạnh". Báo oán hạnhlà khi gặp cảnh khổ thì hiểu là vì trước có gây ra nghiệp dữ nên nay nhẫn nhục chịu. Tùy duyên hạnh là hiểu nay được quả báo tốt cũng là do nhân lành thủa trước, mọi khổ vui đều do nhân duyên sanh, nhưng tâm người không vì vậy mà được thêm hoặc bớt mất gì. Vô sở cầu hạnhlà hiểu muôn vật đều là không, nên không cầu mong gì mới thực là đạo hạnh. Xứng pháp hạnhlà bậc trí tin hiểu "pháp" chính là cái lý thanh tịnh của tự tánh, tức cái thể tánh thanh tịnh của mình, nên vẫn tùy xứng theo pháp mà hành nhưng không có chấp. 

(4) An tâm pháp.Sau đây là vài đoạn trích: 
"Khi mê, người đuổi theo pháp. Lúc tỉnh, pháp đuổi theo người."
"Tự trên 'sự' vươn lên mà tỏ suốt, đó là hàng khí lực mạnh. Theo chữ nghĩa mà thông rõ , đó là người khí lực kém."
"Hỏi: Các pháp đã là không thì dựa vào gì mà tu đạo? - Ðáp: Nếu có dựa vào gì thì cần tu đạo. Nếu không có gì để dựa, tức chẳng cần tu đạo."
"Chẳng thấy gì hết, gọi là thấy đạo. Chẳng làm gì hết, gọi là hành đạo."

(5) Ngộ tánh luận.
Phần này chỉ về điểm quan trọng trong khi tu hành là phân biệt được giữa mê và ngộ, và tu hành sao để ngộ. Cũng nên lưu ý là có ý kiến cho rằng phần này nói về làm sao ngộ được bản tánh của chính mình. 
"Phàm đem tâm cầu pháp, ấy là mê. Chẳng đem tâm cầu pháp, ấy là ngộ."
"Khi mê thì có bờ bên này, khi ngộ thì không bờ bên này.
Tại sao vậy? Vì kẻ phàm phu mỗi mỗi đều có xu hướng trụ ở bên này. Vì giác được phép tối thượng thừa thì tâm chẳng trụ bên này cũng chẳng trụ bên kia, nên lìa được cả hai bờ bên này và bên kia vậy."
"Phàm mê là mê ở ngộ. Còn ngộ là ngộ nơi mê. Không có mê ngộ mới gọi là chánh giác, chánh kiến."
"Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não, sanh tử. Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là pháp niết bàn, không sanh tử."
"Khi mê thì có Phật, có pháp. Khi ngộ rồi thì không Phật, không pháp. Tại sao vậy? Vì ngộ tức là Phật pháp."

(6) Huyết mạch luận.
Phần này chỉ rõ nếu không thấy tánh thì việc tu hành sẽ không thể đưa đến chỗ đạt đạo được. 
"Nếu muốn tìm Phật hãy cần thấy tánh. Tánh tức là Phật. Nếu chẳng thấy tánh thì chay lạt, giữ giới đều vô ích cả."
" Nếu không thấy tánh thì dầu giỏi nói mười hai bộ kinh, vẫn là ma nói."
"Chúng sanh điên đảo không biết tự tâm là Phật, cứ hướng ngoài mà gìn giữ, cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, lạy Phật."
(Trích: "Sáu cửa vào động Thiếu Thất") 

Tóm lược
Tổ đã đến Trung Hoa trong lúc mà đạo Phật đã được truyền bá từ lâu nhưng không thể phát triển mạnh vì Trung Hoa vốn có một nền văn hóa cao và khác biệt với tinh thần tu hành theo Ấn Ðộ. Các nhà trí thức thời đó vốn thấm nhuần tinh thần Lão- Khổng nên không thích hợp với tinh thần có tính cách huyền bí, thần bí, biểu trưng, nhiều nghĩa bóng của kinh điển. Họ thành tâm theo đạo Phật nhưng muốn tìm hiểu thẳng ý chỉ của kinh điển. Vì vậy như khi Tổ giảng câu "Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền" thì họ có thể hiểu được liền vì đạo Lão cũng có nói "Ðạo mà nói ra được thì không phải là đạo". Từ khi Thiền tông du nhập Trung Hoa thì gặp điều kiện thuận lợi nên ngày càng phát triển mạnh.
Câu chuyện Tổ gặp vua Lương Võ Ðế ngay khi mới tới Trung Hoa đã điển hình chứng tỏ sự khác biệt giữa Thiền tông và cách tu hành thời đó:

"Vua Võ Ðế hỏi: 'Trẫm từ lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng Ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?' -Ngài đáp: 'Ðều không có công đức', -'Tại sao không có công đức?', -'Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người, cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.', -'Thế nào là công đức chân thật?', - 'Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không-lặng, công đức như thế chẳng thể do thế gian mà cầu.'(Trích: Tổ Thiền Tông)

Pháp tu của số đông theo đạo Phật thời đó còn nặng về hình thức, chấp tướng nên Tổ đã chỉ thẳng chỗ thiếu sót đó cùng cho thấy phải cần thấy tâm thì mới là công đức chân thật.

Tổ đã chỉ ra một phương pháp tu khác hẳn các tông phái khác trong đạo Phật, nhưng mục đích của Thiền tông vẫn theo đúng mục đích của đạo, chỉ đặc biệt là nhằm thẳng vào yếu chỉ của đạo. Thiền tông đòi hỏi người tu phải tự lực, biết lìa mọi hình tướng, trong đó có ngôn ngữ, văn tự, kể cả kinh điển, để "thấy" được "tánh". Tổ xác định: "Dầu có giỏi nói được ngàn kinh, muôn luận mà không thấy tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là pháp Phật."- "Thấy tánh tức là Phật."Những người có ý kiến quá khích lại cho rằng như vậy là dẹp bỏ các kinh luận, nhưng không hiểu là khi tu hành thì phải nương theo kinh, luận để thấy được nghĩa của những lời Phật, Tổ dạy. Cho đến khi đã tu hành tới mức khá cao rồi mà vẫn còn bám lấy kinh, luật mà không biết y theo nghĩa thì cũng là sai lầm, giống như người dùng bè qua sông mà khi tới bến rồi mà vẫn ôm bè không chịu buông. Còn những người mới rời bờ được một chút mà đã tính buông bè thì chìm lẹ, cũng như những người chưa tu hành tới đâu mà đã buông kinh, luật thì rồi chỉ ngơ ngơ ngáo ngáo bị dẫn theo đạo tà, chẳng phải con đường Phật dạy. 

Nhờ công lao tạo lập của Tổ mà Thiền tông sau gần 1500 năm vẫn còn tồn tại mạnh mẽ tại nhiều nước Á châu, và đang được Tây phương say mê học hỏi.

Tài liệu trích dẫn :
- Sáu Cửa Vào Ðộng Thiếu Thất do Trúc Thiên dịch. 
- Tổ Thiền Tông, Thiền Sư Thích Thanh Từ. 
- The Zen teaching of Bodhidharma, Red Pine 
- The Zen teaching of Huang Po, John Blofeld
- Zen Buddhism, D.T. Suzuki
- Essays in Zen Buddhism, First Series, D.T. Suzuki

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567