Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Nữ Thánh đệ tử Uttarā

11/10/201318:45(Xem: 12202)
09. Nữ Thánh đệ tử Uttarā
Con_Gai_Duc_Phat_Minh_Duc_Trieu_Tam_Anh_2
09
Nữ Thánh đệ tử Uttarā
và cô kỹ nữ Sirimā

* Chuyện đất hóa vàng

Cuối canh ba hôm ấy, sau khi xả diệt thọ tưởng định bảy ngày, tôn giả Sāriputta đưa võng lưới quan sát khắp kinh thành và vùng phụ cận xem thử ai có nhân duyên để tế độ thì ngài thấy biết một việc.

Tại ngoại ô kinh thành Rājagaha, có một người nong dân nghèo tên là Puṇṇaka (còn được gọi là Puṇṇasīha) sinh sống bằng nghề làm thuê cho trưởng giả Sumana. Ông có

một người vợ và một cô con gái đã lớn tên là Uttarā, đều là nô tỳ trong gia đình của trưởng giả.

Hôm đức vua Bimbisāra cho tổ chức lễ hội vui chơi bảy ngày, ông Puṇṇaka hỏi vợ:

- Mọi người đều được nghỉ làm, còn tôi hôm nay thì sao bà nó ơi? Đi làm hay không đi làm?

Bà vợ suy nghĩ một chút rồi nói:

- Chẳng có ông chủ nào muốn cho kẻ ăn người ở nghỉ việc cả!

- Vậy bà nó bảo tôi phải đi cày như thường lệ hay sao?

- Ông nó hãy lắng nghe cách nói của ông chủ, khi ấy mới biết “nên” đi hay “không nên” đi!

Ông chồng vốn chậm hiểu nên ngạc nhiên hỏi:

- Ông chủ có thể có cách nói như thế nào, bà nó nhẽ?

- Ông nó hãy nhớ cho kỹ đây! Bà vợ khôn ngoan căn dặn - Nếu ông chủ nói: “Hôm nay khắp nơi đức vua cho mọingười nghỉ việc cả, nhà ta cũng vậy, con ạ!” Khi ông ta nói vậy là nói thật lòng nên ông nó sẽ cảm ơn ông chủ rồi nghỉ việc. Nếu ông chủ nói: “Hôm nay mọi người đều nghỉ việccả, còn ông nghỉ hay làm?” Khi nói với nghĩa hàng hai như thế là ông chủ không muốn chàng nghỉ việc, lúc ấy ông nó sẽ nói:“Thưa chủ, nghỉ lễ chỉ để dành cho giới giàu có, con làphận nô lệ, phải biết giúp ích cho chủ chứ!” Trả lời thế là ông chủ sẽ hài lòng, và ông nó cứ đi cày như thường lệ!

Người nông dân Puṇṇaka nghèo khổ và chất phác ghi nhớ đinh ninh lời vợ dạy, đến gặp ông chủ; và câu hỏi đáp giữa hai người y chang như bà vợ đã tiên tri, nghĩa là ông

chủ hỏi chàng muốn làm hay nghỉ!

Puṇṇaka về kể chuyện lại cho vợ hay rồi cười cười nói:

- Bà nó giỏi quá nhẽ! Như đi chân đất trong bụng của ông chủ vậy đó !

- Khen nhau mà làm chi! Không khó gì mà không hiểu tâm địa của người giàu, đã giàu rồi họ còn muốn giàu hơn nữa. Thôi đi đi, tôi cũng sẽ chuẩn bị phần ăn trưa cho ông nó đây.

Puṇṇaka ngoan ngoãn “tuân lệnh” vợ, chọn một cặp bò mạnh khỏe rồi vác cày ra đồng.

Tôn giả Sāriputta thấy vậy, nghĩ bụng:“Ta sẽ cho phước đến người nông dân chất phác này đây! Hóa ra ông ta có duyên với mình. Nhưng không biết có đầy đủ đức tin để dâng cúng vật thực không? Ồ, hóa ra là có! Mà là đức tin bất động rất mãnh liệt là khác! Rồi sao nữa? Ồ, thật là hy hữu! Chàng ta sẽ có quả báo hiện tiền, hưởng được gia tài lớn, có địa vị, có danh vọng! Và từ đó rất lợi lạc cho cả cô con gái Uttarā, lợi lạc cho giáo pháp nữa!”

Thế rồi, tôn giả Sāriputta đắp y, mang bát, bộ hành ra phía ngoại ô, đi thẳng đến đám ruộng cày của người nong dân nghèo thì trời cũng đã khá trưa. Đến nơi, dừng chân sát bờ ruộng, tôn giả ôm bát và đứng nhìn vào một khóm tre, cốt ý xem thử thái độ, cung cách xử sự của Puṇṇaka ra sao!

Thấy tôn giả, người nông dân phát tâm tịnh tín, bỏ cày, đến đảnh lễ năm vóc sát đất rồi tự nhủ:“Vị sa-môndáng dấp cao sang và quý phái này không nói, không rằng,

chỉ đứng nhìn vào bụi tre; có nghĩa là ngài cần tăm tre chăng? Tăm tre thì mình có sẵn đây!”

Puṇṇaka bèn đem dâng tăm xỉa răng!

Mỉm cười, tôn giả trao đãy lược nước và bình bát xem thử ông ta làm sao. Puṇṇaka tự nhủ: “Ngài cần nước uốngchăng? Ồ, nước uống thì ta cũng có sẵn đây!” Rồi lấy đãy lược nước, lược nước đầy bát rồi đem dâng cho tôn giả!i

Tôn giả bèn uống nước tại chỗ rồi rời chân đi, tự nghĩ:

“Đấy là xong phần việc của ông chồng! Ông ta chỉ có tăm xỉa răng và nước lã nhưng đã cúng dường với cái tâm vô cùng trân trọng và thanh khiết! Còn bà vợ? Bây giờ, ta sẽ đến đứng và đợi ở một lối rẽ nơi con đường mà bà ta sẽ mang thức ăn trưa cho chồng”.

Và quả thật vậy, tôn giả Sāriputta ôm bát đứng đợi một lát ở đầu con đường ruộng thì thấy bóng dáng bà vợ của Puṇṇaka hối hả đi ra.

Thấy một vị sa-môn y bát trang nghiêm, uy nghi, vầng trán sáng như tỏa hào quang, bà vợ chàng Puṇṇaka phát khởi đức tin trong sạch, tự nghĩ: “Khi mình có vật thựccúng dường thì không thấy một vị sa-môn nào cả! Khi mình không có cái gì dâng cúng thì lại gặp các vị sa-môn! Lần nào cũng thiếu duyên. Hôm nay, hy hữu thay, mình có vật thực lại được gặp một vị sa-môn tướng hảo quang minh dường kia! Thật là đại duyên, đại phước cho mình!”

Nghĩ thế xong, bà vợ Puṇṇaka đặt giỏ thức ăn xuống, đến quỳ năm vóc sát đất rất mực cung kính rồi thưa:

- Xin cho kẻ tôi tớ hèn mọn này được thành tâm cúng dường; và cũng xin ngài đừng nghĩ đến vật thực thô xấu của kẻ nô lệ. Đây là tấm lòng của chúng con và xin ngài phúc chúc cho chúng con!

Tôn giả đưa bát ra. Bà sớt cơm và thức ăn vào bát. Được phân nửa, tôn giả lấy tay ngăn bát lại:

- Thôi đủ rồi!

Người vợ thưa:

- Một phần ăn không thể chia hai. Xin ngài hãy thọ

nhận hết để phước báu nâng đỡ chúng con đời này và

đời sau.

Bà lại sớt hết phần cơm.

Tôn giả hỏi:

- Bà có ước nguyện gì?

- Con chỉ mong sao do phần phước ít ỏi này giúp con thoát khỏi cảnh đói nghèo và thân phận nô lệ mà thôi!

- Bà sẽ được như nguyện! Và còn hơn thế nữa, thí chủ!

Xong, tôn giả đọc một câu phúc chúc và ngồi xuống một nơi mát, sạch, thọ trai.

Người vợ nông phu về nhà nấu cơm khác. Puṇṇaka đã cày hết nửa mẫu đất, đói bụng quá bỏ cày, ngồi xuống gốc cây trông chừng về phía đường.

Khi người vợ mang cơm đến, thấy chồng ngồi trông, bà nghĩ: “Chắc ông ấy bị đói dữ lắm! Có lẽ ông đang đợi takìa, ông sẽ trách ta đến trễ, sẽ lấy gậy đập ta, khiến cho việcta vừa làm không có kết quả, chi bằng ta nói rõ lý do trước”.

Và bà nói to lên:

- Ông nó ơi! Hãy kiên nhẫn một chút và đừng làm mất hết thành quả hữu ích của việc tôi mới làm. Số là, hồi gần trưa, tôi đem phần ăn cho mình, may mắn gặp được một vị sa-môn và tôi đã cúng dường hết. Do phải về nhà nấu cơm khác nên đã quá trưa. Mình thông cảm cho tôi nhé?

Puṇṇaka do đói bụng, mệt, nghe loáng thoáng... phần ăn... cúng dường... gì gì đó, nên hỏi lại:

- Bà nó nói rõ lại đi?

Sau khi nghe rõ chuyện, Puṇṇaka mặt mày hớn hở, khen vợ rối rít:

- Giỏi quá! Giỏi quá! Bà nó đã làm được một việc tốt khi dâng phần ăn của tôi cho vị sa-môn. Tôi cũng đã đem tăm và nước uống dâng đến cho vị ấy sáng nay. Tôi cũng đã biết cúng dường chút chút đó bà nó ơi!

Bà vợ nghe được vậy, khoan khoái thở một hơi dài nhẹ nhõm. Khi bà ngồi xếp bằng xuống chuẩn bị dọn thức ăn ra ra bãi cỏ, thì Puṇṇaka do quá mệt nên đã gối đầu lên

bắp vế của bà, thiu thiu ngủ. Thấy vậy, thương chồng, không nỡ đánh thức, bà ngồi yên lặng mà cảm giác một hạnh phúc tuôn tràn.

Bấy giờ, tất cả đất được cày lên từ sáng đều biến thành vàng, sáng lấp lánh như hoa Kanikāra.

Puṇṇaka thức giấc, chợt nhìn thửa ruộng vàng sang một cách lạ lùng, ngồi dậy, nói với vợ:

- Bà nó xem kìa! Dường như đất đã biến thành vàng? Hay là tôi bị chóa mắt vì đã nhịn cơm trưa nay?

Bà vợ cũng ngạc nhiên, chăm chú nhìn:

- Hình như tôi cũng thấy nó là vàng đấy!

Puṇṇaka đứng dậy, bước xuống ruộng lượm một miếng đất đập thử lên cán cày và thấy nó là vàng. Chưa tin, ông lấy răng cắn thử rồi kêu lên thảng thốt:

- Ôi! Vàng thật rồi! Chúng ta cúng dường vị sa-môn kia, và phước báo đến ngay ngày hôm nay tức khắc! Bây giờ, kinh khiếp là vàng như thế này, chúng ta làm sao đây?

Bà vợ bước đến, nắm một cục vàng trong tay, suy nghĩ một lát rồi nói:

- Chúng ta là hạng tôi tớ nghèo nàn, nếu sử dụng vang này là mang họa đó!

- Hay là ta về trình lại với chủ?

Bà vợ lắc đầu:

- Không! Ông chủ rất tham lam! Còn ích kỷ, bỏn xẻn, keo kiệt nữa. Cả đời chỉ biết thu vô, chưa biết cho ra. Chưa hề biết đến việc nghĩa, và cũng chưa cho ai một xu, một cắc; không xứng đáng để chúng ta tin tưởng. Tốt nhất là nên đến trình đức vua để ngài xử lý! Đức vua là đấng minh quân, hiền thiện, là đệ tử của đức Phật. Ngài nổi tiếng biết cúng dường đến đức Phật và Tăng chúng, biết lập những trại phước xá để bố thí chẩn bần, lại còn biết chăm lo an vui và hạnh phúc đến cho muôn dân nữa.

Vậy, chỉ có đức vua mới biết sử dụng hữu ích cả cái ruộng vàng này!

Puṇṇaka gật đầu lia lịa:

- Phải! Phải! Bà nó luôn luôn khôn ngoan và sáng suốt, hơn tôi cả hai ba cái đầu!

Thế rồi, cả hai người hối hả ăn vội miếng cơm rồi cùng nhau chất vàng vào đầy giỏ thức ăn. Sau đó, bà vợ vác cày, dẫn bò về nhà, còn Puṇṇaka mang giỏ vàng hỏi thăm đường đến cung vua.

Sau năm lần bảy lượt năn nỉ xin với lính gác, năn nỉ trình với các quan, Puṇṇaka cũng được gặp vua. Ông lấy tất cả vàng trong giỏ ra cho vua thấy rồi nói:

- Tâu đại vương! Hôm nay do vợ chồng chúng con cúng dường vật thực, tăm xỉa răng và nước uống cho một vị sa-môn; sau đó, lạ lùng làm sao là tất cả đất con cày đều biến thành vàng. Đây là một số ít trong đám ruộng vang ấy! Con đem trình cho đại vương hay!

Đức vua Bimbisāra đưa mắt nhìn vàng - vàng mười láng mịn - thò tay lấy một cục, ngắm nghía rồi lại quay sang nhìn người nông dân, ông chậm rãi nói:

- Vàng là vàng thật! Chuyện xảy ra cả ruộng vàng, chắc cũng không phải giả! Nhưng sao ngươi không giấu vang ấy đi để tiêu xài, không nói lại với ông chủ, lại đem trình báo chuyện ấy với ta?

- Thưa, vợ con nói, ông chủ con tham lam, keo kiệt! Còn đức vua là một đấng minh quân, biết cúng dường đức Phật và tăng chúng, biết bố thí chẩn bần, biết lo cho an vui và hạnh phúc của muôn dân nữa.

Đức vua cười cười:

- Vợ ngươi nói thật như thế à?

- Thưa vâng! Cả đời, vợ chồng chúng con ăn ngay ở thật, chưa hề biết nói dối!

Đức vua lại hỏi:

- Tốt! Tốt quá! Thế ngươi tên gì?

- Con tên Puṇṇaka.

- Chủ của ngươi là ai?

- Thưa, ổng là triệu phú Sumana!

- Ồ, đúng là tay triệu phú đấy! Đúng là tên của ông trưởng giả keo kiệt rồi!

Nhà vua lại hỏi:

- Vị sa-môn mà vợ chồng ngươi cúng dường, tướng mạo ra sao, có thể tả lại cho ta nghe được không?

Puṇṇaka cố gắng hình dung tuổi tác, tướng mạo và phong cách rồi tả lại... Đức vua thốt lên:

- Với phước báu hiện tiền, với cốt cách như ngươi diễn tả thì đúng vị ấy là tôn giả Sāriputta, đại đệ tử của đức Tôn sư rồi! Chỉ có tôn giả ấy, sau bảy ngày tĩnh cư diệt thọ tưởng định mới cho được kết quả phước báo lạ lùng và hy hữu đến cho nhà ngươi như vậy đó!

Nghĩ ngợi một chút, vua nói tiếp:

- Phước ấy là của ngươi! Vậy ngươi tính sao với cái ruộng vàng ấy?

- Đại vương hãy cho chừng một trăm chiếc xe ngựa kéo đến chở vàng ấy về kho của triều đình. Chỉ có đức vua mới sử dụng hữu ích đống vàng ấy, vợ con nó nói như vậy!

Đức vua Bimbisāra, vốn là một vị thánh Nhập lưu, ngài đâu phải là ông vua thấy vàng là sáng mắt? Tuy nhiên, ở đây là đức tin, ngài tin cái phước báu huyền diệu của chàng nông dân; nên đã tức tốc sai sắm xe ngựa, do Puṇṇaka dẫnđường cùng với quân binh rộn ràng một trăm xe ngựa kéo để đi chở vàng về!

Dừng tại bờ ruộng. Vàng sáng cả một góc trời. Quân lính mở tròn mắt, chạy đến nhặt vàng, thấy vàng thiệt, chúng la toáng lên:

- Ôi! Vàng ơi là vàng ơi! Vàng của đức vua! Vàng của đức vua!

Lạ lùng làm sao! Khi chúng đồng la hét rầm trời như vậy:“Vàng của đức vua! Vàng của đức vua!”... thì cả một ruộng vàng chợt sẫm tối lại, nó vốn là đất cục hoàn lại với đất cục!

Đức vua Bimbisāra vốn là bậc trí tuệ, ngài hiểu chuyện gì xảy ra nên mỉm cười bảo quân lính:

- Ta là ai mà lại có được cái ruộng vàng ấy! Nó là của gia đình Puṇṇaka! Vậy, các ngươi hãy hô to như thế này:

“Ôi! Vàng! Ôi! Vàng! Vàng của gia đình Puṇṇaka! Vàng của gia đình Puṇṇaka!”

Và khi quân lính hô lại như vậy thì ruộng đất biến trở lại thành ruộng vàng như cũ. Thế rồi, một trăm xe bò kéo chở vàng về triều, đổ đầy cả một sân lớn trong cung điện, cao đến tám mươi cubit!

Nhà vua cho vời một số các quan đại thần, một số gia chủ trưởng lão uy tín trong kinh thành đến rồi hỏi:

- Có ai trong chư vị, trong các bậc triệu phú có nhiều vàng như thế này chăng?

- Tâu đại vương, không có, không thể có!

Đức vua kể tóm tắt lý do có được đống vàng rồi kết luận rằng:

- Như vậy, vàng này có được là do phước báo cúng dường với tâm tịnh tín và trong sạch của gia đình Puṇṇaka lên tôn giả Sāriputta. Vậy, hôm nay ta tuyên bố nó là sở hữu của gia đình Puṇṇaka!

Mọi người đồng tán thán:

- Đức vua anh minh!

- Đức vua liêm khiết!

- Tấm lòng đức vua trong sáng như mặt trời, mặt trăng!

Đức vua khoát tay, nói lớn:

- Thôi đủ rồi! Tài sản của các vị triệu phú cũng là tài sản của quốc độ. Hôm nay, kinh đô Māgadha của chúng ta có thêm một vị triệu phú, đấy là điều đáng mừng! Vậy, theo ý chư vị thì trẫm nên tặng cho Puṇṇaka cái gì đây?

Một vị đại thần nói:

- Chiếc lọng báu, tâu đại vương! Chiếc lọng báu là trân quý nhất!

- Vậy còn danh xưng? Trẫm sẽ cho Puṇṇaka cái tên gọi nào cho xứng hợp?

- Là trưởng giả đại phú gia (Bahudhanaseṭṭhi), tâu đại vương!

- Được rồi! Đúng rồi! “Trưởng giả Puṇṇaka đại phú gia”! Từ nay, cứ như vậy mà gọi!

Đức vua phán thế xong, quay sang Puṇṇaka, ngài bèn nói tiếp:

- Ta là đệ tử của đức Thế Tôn! Phước báu hiện tiền của ngươi có được cũng do uy lực bất khả tư nghị của tôn giả Sāriputta! Vậy, chúng ta đều là đệ tử Tam Bảo. Ngươi

phải biết sử dụng tài sản cho sự an vui của gia đình, an vui cho những người xung quanh rồi cùng nhau làm một vị hộ trì giáo pháp. Phía ngoài cung điện có một biệt phủ bỏ trống, ta tặng luôn cho gia đình ngươi, hãy chuyển về đó mà sinh sống. Ta cũng tặng thêm cho ngươi mười gia nhân biết việc, mươi đầy tớ trai, mười đầy tớ gái để chăm sóc, quản lý gia sản cùng mọi công việc phát sanh. Puṇṇaka chỉ biết cúi đầu lạy tạ, mắt lệ rưng rưng, tri ân khôn xiết:

- Con xin ghi khắc vào tấm lòng! Con nguyện sẽ làm một công dân tốt dưới chân bệ hạ!

Đức vua Bimbisāra mỉm cười hài lòng, nói nhỏ trong tâm rằng: “Cách xử sự quang minh chính đại, cùng với cáitâm quảng đại, bao dung như thế này, đệ tử cũng học được từGiáo pháp Vô thượng, bạch đức Đạo sư tôn kính!”

* Chuyện của cô gái Uttarā

Suốt gần nửa tháng, vợ chồng Puṇṇaka và con gái Uttarā dọn về nhà mới là một biệt phủ sang trọng; may nhờ có gia nhân, tôi trai, tớ gái giúp việc, đâu đó trong ngoài đã khang trang, sạch sẽ, ngăn nắp. Từ một than phận nô lệ, bây giờ họ là gia đình đại phú, mở mắt ra là giàu sang nhất nhì kinh thành, dù có nằm trong mộng cũng không có được sự đổi đời như thế. Việc đầu tiên hai vợ chồng bàn nhau là phải biết tri ân Tam Bảo nên họ đến tịnh xá Trúc Lâm, thỉnh đức Phật, hai vị đại đệ tử cùng chư Tăng để họ được đặt bát cúng dường trong bảy ngày tại tư gia. Đồng thời cũng là cơ hội để họ khánh thành tòa biệt phủ, ra mắt với mọi người, mọi giới trong kinh thành.

Cuộc lễ lớn quá, họ phải thuê mướn tất cả từ tổ chức, lều trại, trang hoàng, nấu ăn, bưng dọn cùng trăm việc linh tinh khác. Bà Puṇṇaka và con gái Uttarā tuy tháo vát, đảm đương nhưng họ chỉ chăm lo cẩn thận, chu đáo phần việc cúng dường đức Phật và chư Tăng mà thôi.

Cứ mỗi ngày, mỗi buổi như vậy, đức Phật và hai vị đại đệ tử lại thay nhau thuyết pháp đến cho gia đình và quan khách. Đức vua Bimbisāra, hoàng hậu Videhi cùng triều đình cũng đến tham dự buổi đầu tiên, là một vinh hạnh lớn cho gia chủ.

Hôm gặp lại tôn giả Sāriputta, vị sa-môn thù thắng cho họ có được ngày hôm nay, cả gia đình quỳ mọp xuống ôm chân bụi của ngài mà nước mắt ràn rụa, ngài phải phủ dụ:

- Nhân nào quả nấy! Cả gia đình đã có duyên lành từ kiếp trước chứ ta nào có tài cán gì, uy lực gì đâu! Hãy sống vì mọi người, vì an vui và hạnh phúc cho phần đông!

Trong bảy ngày đặt bát, có một thời pháp của đức Phật đã giúp cho hai vợ chồng Puṇṇaka, cô con gái Uttarā đều được chứng quả Dự Lưu! Từ đó, cả vợ chồng và cô

con gái không ngày nào là không cúng dường thức nàyvật nọ đến chư Tăng tịnh xá Trúc Lâm. Và hễ có cơ hội là họ lại cùng nhau đi nghe pháp, do đó, càng ngày họ càng khắng khít với đức tin Tam Bảo.

Trưởng giả Sumana thấy gia đình nô lệ Puṇṇaka, bây giờ với tài sản lớn, danh vọng lớn hơn cả mình nên cho người đến dạm hỏi cô con gái cho con trai của mình nhưng bị khước từ. Không hiểu lý do, trưởng giả Sumana đích thân tìm đến hỏi. Đại phú gia Puṇṇaka tiếp đón “chủcũ” của mình thật đàng hoàng, lịch sự, nhưng khi đề cập đến chuyện cầu hôn thì ông bảo:

- Xin lỗi! Con gái tôi theo đức Phật, có đức tin với Tam Bảo; con trai ông theo ngoại đạo, chẳng có đức tin chơn chánh, tôi không thể gả được!

Trưởng giả Sumana xuống giọng:

- Chúng ta dù sao cũng đã từng quen biết nhau mà! Đừng cạn tàu, ráo máng như thế! Được con gái ông làm vợ, con trai tôi biết đâu nó sẽ khá hơn, tốt hơn!

Đại phú gia Puṇṇaka khăng khăng không chịu. Sau, do lời khuyên của nhiều nhà quyền chức, vọng tộc, phú hào đã khuyên Puṇṇaka đừng làm mất tình thân của trưởng giả kia, dù sao trước đây cũng đã có chút tình, chút nghĩa, chút duyên. Cuối cùng, Puṇṇaka nhận lời, vào ngày trăng tròn tháng Asalhi, gả Uttarā cho con trai trưởng giả Sumana là chủ cũ của mình.

Từ khi về nhà chồng, Uttarā không có dịp gặp gỡ chư vị tỳ-khưu Tăng Ni, hoặc cúng dường hoặc nghe pháp tại tịnh xá Trúc Lâm nữa. Hôm kia, nàng Uttarā hỏi người hầu:

- Mùa an cư còn bao lâu?

- Thưa phu nhân, nửa tháng nữa.

Uttarā nhắn tin về cha nàng: “Tại sao cha mẹ lại để cho họ nhốt con trong cái nhà ‘vô phước’ này vậy? Thà là cha mẹ đánh con, chửi con còn hơn là gả con cho một gia đình ngoại đạo như thế này. Từ ngày về đây, con không được gặp đức Phật, hai vị thượng thủ giáo hội, chư vị trưởng lão, cho chí một vị tỳ-khưu Tăng Ni gì đó cũng không thấy mặt! Ôi! Một chút công đức nhỏ cũng không làm được thì cuộc sống làm người có ý nghĩa, giá trị gì nữa?”

Cha mẹ nàng được tin, buồn bã nói với nhau rằng:

- Ôi! Con gái ta bất hạnh quá!

Rồi cả hai tính kế. Sau đó, ông bà Puṇṇaka gởi cho con gái mười lăm ngàn đồng tiền vàng, kèm theo lời dặn dò:

“Trong kinh đô Rājagaha này có cô kỹ nữ tên là Sirimā, nổi tiếng là một mỹ nhân trong thiên hạ; ai ở với cô ta một đêm phải bỏ ra một ngàn đồng tiền vàng, không thừa không thiếu.

Thế mà các vương tôn công tử phú gia tranh giành nhau đấy! Vậy, với số tiền này, con mời cô ấy về cho chồng con để thay thế con. Và con sẽ có được thời gian mười lăm hôm để đi làm phước, cúng dường, nghe pháp tùy thích!”

Vui mừng khôn xiết, nàng Uttarā cho mời kỹ nữ Sirimā đến, với lời dịu dàng, đề nghị làm bạn với chồng mình mười lăm hôm, với số tiền mười lăm ngàn đồng tiền vàng đưa trao ngay tận tay.

Sirimā tức thì ưng thuận, mà chồng của nàng Uttarā cũng vì say mê nhan sắc của cô kỹ nữ nên mau mắn đồng ý, hài lòng để Uttarā tự do như ý.

Như chim được sổ lồng, nàng Uttarā đi thỉnh ngay đức Phật cùng chư vị trưởng lão để đặt bát tại tư gia nửa tháng cuối cùng trong mùa an cư.

Ðược đức Phật nhận lời, nàng vô cùng vui sướng nghĩ thầm: “Từ ngày mai trở đi cho đến ngày mãn hạ, ta khôngcòn bị ràng buộc gì với ông chồng và công việc gia đình chồngnữa. Hãy để tâm vào việc sắp đặt bánh trái cơm nước chođược chu đáo!” Thế rồi nàng đích thân tính toán các loại thực phẩm, món ngọt, món mặn thượng vị cứng mềm đâu đó rồi cùng với các nữ tỳ đi chợ, vào bếp, chăm lo từ việc nhỏ đến việc lớn. Muốn cho việc đặt bát cúng dường được thành tựu tốt đẹp, nàng luôn nở nụ cười, thái độ dịu dàng, mềm mỏng khi chỉ bày công việc; và nàng lại còn vui vẻ ban thưởng tiền bạc cho những người phụ việc, kẻ làm công, tôi trai tớ gái nên ai cũng hoan hỷ, ai cũng thương kính cô chủ tốt bụng.

Đức Phật chỉ tham dự một hôm, sau đó là tôn giả Sāriputta, đôi khi thay thế bằng tôn giả Moggallāna hay tôn giả Ānanda dẫn đầu hội chúng. Và các thời pháp cũng

thay đổi như thế.

Vậy là ngày nào nàng cũng được như ý, ngày nào nàng cũng mãn nguyện. Và thời pháp nào nàng cũng chăm chú lắng nghe, do vậy, kiến thức về kinh giáo của nàng có

thêm được bề rộng và bề sâu. Điều đặt biệt, nàng thích bài giảng của tôn giả Ānanda về tâm từ, nên khoảnh khắc nào nàng cũng niệm tâm từ, tu tập tâm từ ngày cũng như đêm nên khuôn mặt nàng lúc nào cũng tươi rạng và mát mẻ.

Một hôm, tình cờ chồng nàng Uttarā đứng ở cửa sổ lầu cao, nhìn xuyên qua cửa bếp, chợt nẩy sinh ý nghĩ: “À, taxem thử cô vợ của ta làm gì ở trong đó mà suốt cả nhiều ngàykhông hề thấy mặt?” Rồi ông thấy Uttarā đi tới đi lui, mình mẩy đẫm mồ hôi, mặt mày dính đầy tro bụi, mồ hóng... với dáng dấp như đang tất tả với công việc. Ông rủa thầm:

“Họa là cái con điên! Không điên cũng khùng! Sống trong một gia đình giàu sang, danh giá như thế này, lại không thíchthọ hưởng ngũ dục, những tiện nghi xa hoa, những thú vui quý phái - mà lại đầu tắt mặt tối trong bếp núc như kẻ tôi đòi, hạ tiện, nấu nướng thức ăn, cung cung kính kính phục vụ cho những ông thầy tu trọc đầu!” Nghĩ thế xong, ông cấttiếng cười rồi bỏ đi!

Cô kỹ nữ Sirimā đứng gần đó thấy vậy, tự hỏi: “Ông ấy thấy ai mà cười vậy ha?” Nhìn thẳng qua cửa sổ nhàbếp, trông thấy Uttarā đang vuốt mồ hôi trên má, Sirimā

nghe ghen tức trong lòng: “Chỉ vì bà ta thôi! Ồ! Hóa ra giữa họ vẫn còn tình tứ với nhau lắm”. Sở dĩ có chuyện nhưvậy là vì, dù Sirimā sống chưa đầy nửa tháng trong nhàtriệu phú như một nàng hầu; nhưng chóa mắt vì sự giàusang, hào nhoáng, lộng lẫy của gia chủ, nàng quên mấtthân phận ‘chỉ là kẻ thế thân vui chơi cho người ta’, lại cứtưởng mình là ‘nữ chủ’! Vì vậy, Sirimā cảm thấy căm ghétUttarā, khởi ác tâm muốn hại nàng, muốn làm gì đó chonàng phải khổ sở, phải đau đớn mới cam lòng! Cô ta bènchạy xuống lầu, đi vào nhà bếp, đến bên chảo bánh, múcmột vá bơ đang sôi tiến về phía Uttarā.

Cô Uttarā vô tư, thấy Sirimā đi tới không biết có việc chi, nhưng cũng mở lời:

- Cô bạn đã giúp tôi rất nhiều. Trái đất này có thể to rộng, cõi trời Phạm thiên kia có thể cao lớn, nhưng long tốt của cô còn vĩ đại hơn nhiều. Nhờ cô, tôi được rảnh thời gian để cúng dường và nghe pháp. Cảm ơn cô nhiều lắm!

Vừa nói đến ngang đó, thoáng thấy đôi mắt cô kỹ nữ hằn lên tia lửa và cái cách cầm cái vá bơ sôi, đoán biết ngay chuyện gì. Cô Uttarā nhắm mắt lại, niệm tâm từ rồi bình

tĩnh, chậm rãi nói:

- Cô bạn làm gì thì làm, tuyệt đối tôi không nổi giận với cô đâu. Nếu điều tôi nói là chân thật thì vá bơ sôi kia chẳng thể làm gì tôi được, bằng lời kia là gian dối thì tôi sẽ bị hại!

Nói thế xong, một năng lượng tâm từ như bao phủ con người cô, sắc mặt cô nên khi vá bơ sôi từ trên đầu hắt xuống, nó chợt như nhúm nước lạnh tưới nhẹ lên đầu lên

mặt mà thôi. Tức giận, Sirimā quay lưng định đi múc vá bơ thứ hai...

Tuy nhiên, những gia nhân giúp việc đã kịp thời ra tay. Người thì la hét, người thì nguyền rủa:

- Cút đi! Đồ mất nết!

- Mày là cái gì trong nhà này mà tưới bơ lên đầu bà chủ của tao!

- Hãy “tẩn” nó!

Rồi họ đồng ùa tới Sirimā, kẻ đánh bằng tay, kẻ đạp bằng chân, kẻ đập bằng chảo, bằng vung, người giật tóc, người xé xiêm áo... cho đến khi cô ta thân tàn ma dại luôn.

Nàng Uttarā can ngăn không kịp, chạy tới đẩy mọi người ra, còn nằm úp xuống trên thân để che chắn, bảo vệ cho cô kỹ nữ. Sau đó cô nói lớn tiếng rằng:

- Cô Sirimā đã hành động thô bạo là do sân si không kềm chế được mình; mà các người cũng bằng hành động thô bạo để đối lại thì xấu ác cũng tương đương! Làm cho người khác đau đớn như thế là không đẹp rồi, không tốt rồi!

Mọi người thấy tấm lòng quảng đại của cô chủ Uttarā, họ cúi đầu như hối lỗi. Nàng Uttarā đưa tay dịu dàng đỡ Sirimā dậy rồi nhờ mọi người mang cô ta vào phòng. Sau

đó, nàng tận tay tắm rửa cho cô ta bằng nước ấm, lấy khăn thơm lau khô rồi lấy dầu quý xoa bóp những chỗ bị sưng tấy! Nàng cũng đích thân vào tủ lấy xiêm áo tốt, đẹp, sang trọng để cho Sirimā thay đổi bộ đồ cũ đã bị dơ, rách.

Cảm động quá, Sirimā bưng mặt, thút thít khóc! Bây giờ, cô ta mới sực nhớ, mình chỉ là người hầu, lại được bà chủ rộng lòng tha thứ, chăm sóc chu đáo với bàn tay dịu dàng của người mẹ, cô suy nghĩ: “Thật là thô bỉ, hung ác vàcả vô lý nữa, khi mình đổ bơ nóng lên đầu cô chủ chỉ vì ghentức chồng nàng cất tiếng cười với nàng!? Và nàng, thay vì saigia nhân trói ké ta lại, hạch sách ta, mạt sát ta, đánh đậpta... thì nàng lại la mắng gia nhân, bảo vệ ta, lại còn tắm rửa cho ta, xoa bóp dầu thơm cho ta, hết lòng xoa dịu vết thươngđau cho ta nữa! Ôi! Nếu ta không ôm gót chân nàng mà xinlỗi thì cái đầu của ra sẽ bị bể làm bảy mảnh!”

Nghĩ thế xong, Sirimā lồm cồm bò dậy, quỳ dưới chân Uttarā, sụt sùi nói rằng:

- Xin phu nhân tha lỗi cho tôi! Tôi đã ăn năn, bứt rứt nhiều lắm!

“Trí tuệ” lúc ấy chợt đến với Uttarā nên nàng thản nhiên nói:

- Tôi là con của cha tôi. Nếu cha tôi tha lỗi cho cô thì tôi mới tha lỗi cho cô!

- Lành thay, thưa phu nhân! Cô Sirimā nói - Tôi sẽ thành tâm xin lỗi với người, đại phú gia Puṇṇaka!

- Không! Uttarā đáp - Puṇṇaka là cha thế gian của tôi! Tôi muốn nói đến đức cha xuất thế gian của tôi kìa!

Sirimā không hiểu.

Uttarā phải giải thích:

- Chính là đức Phật! Chính là bậc Tôn sư Vô Thượng Giác! Cả gia đình chúng tôi đều được sinh ra trong long giáo pháp. Cô phải thành tâm xin lỗi tôi, có sự chứng minh của đức Đạo sư mới được!

- Tôi đã hiểu rồi! Thế tôi phải xin lỗi với ngài bằng cách nào mới xứng hợp?

- Mai là ngày cuối cùng trong mười lăm ngày làm phước sự của chúng tôi. Vậy cô phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, cơm bánh vật thực để đặt bát cúng dường đến đức Phật cùng năm trăm vị tỳ-khưu! Chỉ có việc làm ấy mới nói lên lời xin lỗi chơn chánh nhất.

Nghe lời, cô kỹ nữ tức tốc về nhà, sai bảo gia nhân chuẩn bị đâu đấy mọi thứ, sáng ngày, cùng với chục chiếc xe ngựa kéo cùng với tỳ nữ mang thức ăn, vật uống, thượng vị loại cứng, loại mềm đến trang viện của gia đình Uttarā.

Khi đức Phật và hội chúng tỳ-khưu đến, cô kỹ nữ Sirimā cúi gầm mặt, không dám ngửng đầu lên, cũng không dám tận tay dâng vật thực đến cho ai cả. Biết được sự tự ti mặc cảm của cô bạn, nàng Uttarā sai bảo gia nhân, cùng với mình làm những công việc như lệ thường.

Trong lúc đức Phật và hội chúng thọ trai, Sirimā cùng một đoàn tỳ nữ của cô vẫn lặng lẽ quỳ ở phía trước.

Độ thực xong, khi tay vừa rời khỏi bình bát, đức Phật mỉm cười nói:

- Vật thực đặt bát cúng dường hôm nay, dường như không phải là của “con gái nhỏ” 1 của Như Lai?

Uttarā đang hầu bên, cung kính đáp:

- Đúng vậy! Bạch đức Thế Tôn! Phần phước sự hôm nay là do bạn con, cô Sirimā thành tâm xin sám hối với đức Thế Tôn vì một việc làm không được đúng, không được tốt!

Đức Phật với từ tâm mát mẻ, ngài nói:

- Này Sirimā! Hãy nghe, Như Lai muốn nói chuyện với con đây.

Và khi cô kỹ nữ lí nhí “thưa vâng, thưa vâng” rồi ngửng đầu lên, đức Phật hỏi:

- Con đã làm việc gì mà nghĩ là có tội vậy?

- Con đã tạt vá bơ sôi lên mặt của nữ chủ, bạch đức Thế Tôn!

- Ừ, ấy là việc xấu, ác! Rồi sao nữa?

Cô Sirimā bèn kể lại toàn bộ sự việc rồi nói thêm:

1 Hàm chỉ nữ thánh đệ tử vừa vào dòng Nhập lưu.

- Do vậy, con muốn xin lỗi thì cô chủ bảo, hãy “xin lỗi với cha xuất thế gian của tôi” nên hôm nay mới có phướcsự này! Cô còn bảo, nếu cha tôi tha lỗi thì tôi sẽ tha lỗi!

- Có đúng vậy không, Uttarā?

Rồi đến lượt, Uttarā kể lại.

Nghe xong toàn bộ sự việc, đức Phật khen ngợi:

- Này Uttarā! Hành động được vậy là quý lắm, là tốt lắm! Con đã thấy được sự thật muôn đời, và cũng sống được với sự thật muôn đời ấy! Chỉ có dòng nước mát ngọt của tâm từ mới tưới tắt tất thảy cơn lửa nóng của tâm sân, tâm hận. Từ bi mới có thể xóa sạch oán thù! Dùng không mắng chửi để thắng mắng chửi. Dùng bố thí để thắng

xan tham. Dùng thật ngữ để thắng vọng ngữ. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi đó con!

Rồi đức Phật đọc lên một bài kệ:

Không sân chế ngự hận sân

Với người xấu, ác; phải cần lành, vui!

Xan tham, bố thí diệt rồi

Lấy lòng chân thật thắng lời dối gian! 1

Sirimā nghe xong bài kệ, cô đắc quả Nhập lưu, sung sướng quá, cô quỳ lạy đức Phật và cô đã khóc như chưa từng bao giờ được khóc. Chỉ có đức Thế Tôn và một số trưởng lão là đọc được “ngôn ngữ” của tiếng khóc ròng rã ấy.

1 Pháp Cú 223: “Akkodhena jine kodhaṃ, asādhuṃ sādhūna jine. Jine kadariyaṃ dānena, saccena alikavādinaṃ”

Đức Phật dịu dàng cất tiếng hỏi:

- Con có học được bài học gì đấy, có phải thế không, Sirimā?

- Thưa vâng! Bạch đức Tôn sư! Như đám mây phủ ngàn năm đã được xua đi mãi mãi! Như đêm tối trời, chân cao chân thấp trên bờ vực thì giáo pháp của đức Đạo sư đã cho con một ngọn đèn. Xin cho con được trở về nương tựa nơi Tam Bảo, để từ rày về sau sống cuộc đời lành, tốt hơn!

- Ừ! Vậy là con đã sám hối rồi đấy! Như Lai chứng nhận hành động sám hối thiết thực ấy của con.

Chợt một tiếng nói bên sau vọng lại:

- Đệ tử cũng nhìn nhận sự sám hối ấy hôm nay của Sirimā là chân thật, là đại chân thật, bạch đức Tôn sư!

Mọi người quay mặt nhìn lại, hóa ra là vị thần y Jīvaka

- ông ta chính là anh ruột của cô kỹ nữ.

Thần y Jīvaka bước vào quỳ bên cạnh Sirimā, đảnh lễđức Phật rồi nói tiếp:

- Bao nhiêu năm qua, bạch đức Tôn sư! Đệ tử đã không nhìn mặt nó, đã đoạn tuyệt với nó; từ rày về sau, đệ tử sẽ nhìn nhận nó là em, một đứa em chân chính, lang thang lưu lạc nay đã trở về. Ôi! Trong mịt mù cát bụi lầm lỡ, may nhờ uy đức của Tam Bảo, anh em con mới nhìn thấy rõ mặt nhau! Tri ân đức Vô Thượng Giác.

Thần y Jīvaka cũng quay sang, chấp tay xá sâu, cảm ơn ánh sáng trí tuệ và năng lượng từ bi của nữ gia chủ Uttarā đã cảm hóa, đưa em ông trở về với chánh đạo! Những người có mặt ở trang viện, ai ai cũng xúc động.

Uttarā cảm thấy mừng vui đến nghẹn ngào, nàng cũng chấp tay xá chào lại:

- Tôi cũng cảm ơn người bạn của tôi, cô Sirimā, đã

giúp tôi tu tập được chút ít tâm từ mà đức Ānanda đã chỉ dạy.

* Chuyện cô Sirimā

Cô kỹ nữ Sirimā sau khi đắc quả Nhập Lưu, không những cô đã hoàn lương mà còn thu xếp đời mình để sống theo giáo pháp một cách rất thuần thục nữa.

Mùa an cư mãn hạ đã lâu, sợ đức Phật và chư Tăng không biết sẽ tản mác ra đi du hóa lúc nào, nên nàng đến Trúc Lâm thưa bạch với đại đức Mahāpaṅthaka xin mỗi ngày được đặt bát cúng dường tám vị tỳ-khưu tại tư gia. Thế là, nàng trích mười sáu đồng tiền vàng mỗi ngày, sắm sanh vật thực với những món cứng mềm thượng vị rất

chu đáo. Sau khi chư tỳ-khưu thọ thực tại chỗ xong, nàng còn tận tay, khi thì sữa chua, khi thì sữa tươi sớt đầy bát cho các vị nữa, nhiều đến nỗi ba bốn người dùng phi thời có lẽ cũng không hết.

Hôm nọ, có một vị đại đức, sau khi độ thực xong ở nhà nàng, ông du hành đi đến một nơi xa, cách thành phố chừng ba bốn do-tuần rồi ngụ tại một tịnh xá trong làng.

Trong lúc rảnh rỗi, chư tỳ-khưu tại trú xứ thăm hỏi sức khỏe của đức Thế Tôn, sau đó hỏi han đời sống tứ sự ở Trúc Lâm giờ ra sao; và riêng đại đức thì đi trì bình ở đâu, có đủ cứng mềm, ngon bổ không. Vị đại đức thành thật đáp:

- Khỏi nói! Tại Trúc Lâm, khi nào có đức Đạo sư thì tứ sự sung mãn, không hề thiếu thốn thứ gì.

- Đúng là vậy rồi! Còn nếu đi trì bình trong kinh thành thì lúc này như thế nào?

- Nơi nào cũng tạm đủ. Ngày nào cũng đủ no lòng. Tuy nhiên, có những lúc gặp những thí chủ đặc biệt.

- Đặc biệt ra làm sao?

- Ví như lúc nào họ cũng cúng dường thượng vị. Ví như lúc nào, họ cũng cúng dường thêm thức ăn phi thời như mật, đường, sữa tươi, sữa chua cả một bát đầy!

- Lúc nào cũng thế sao?

- Ừ, có một nữ thí chủ đặc biệt hình như lúc nào cũng thế! Tròn vành vạnh. Lại còn biết cách cúng dường như lễ độ, khéo léo. Lại còn ngôn ngữ dịu dàng, khả ái. Lại còn

nụ cười duyên dáng làm cho ai cũng thấy mê, thấy mệt!

Có một vị tỳ-khưu trẻ nghe kể vậy, lần tới một bên, xen vào một câu góp chuyện:

- Vì thấy mê, thấy mệt nên đại đức bỏ trốn từ đó về đây phải chăng?

- Không dám thế đâu! Nhưng quả thật là tôi đã thấy nguy hiểm thật đấy!

Một vị hỏi:

- Nữ gia chủ ấy đẹp lắm sao?

- Dĩ nhiên rồi! Đệ nhất kinh thành đấy!

Thêm sau câu chuyện kể, vị đại đức vô tâm còn cho biết là không phải ai cũng tùy tiện đến tư gia cô ấy để khất thực được đâu. Tịnh xá Trúc Lâm được điều hành quy củ đâu ra đó. Tư gia cô gái kia mỗi ngày chỉ thỉnh tám vị, không dễ gì đến phiên mình đâu. Nhưng nếu ai biết cách, đi thật sớm, khi mặt trời vừa lên là có mặt ở phòng phát

thẻ rồi. Tám vị tỳ-khưu đầu tiên sẽ được vị đại đức tri sự trao cho tám thẻ tre ưu tiên đến nhà cô ấy.

Họ thắc mắc:

- Thế chư vị trưởng lão, họ đến sau, không có thẻ ưu tiên sao? Và nếu nhiều vị muốn đi, không phát sanh việc mất trật tự sao?

Vị đại đức cười:

- Chúng ta là phàm Tăng nên mới đưa ra những câu hỏi như vậy. Từ khi mấy ông sư cứng đầu, lộn xộn bị chư trưởng lão tẩn xuất đi rồi thì Trúc Lâm rất bình yên, không có chuyện tranh trước, tranh sau đâu. Còn chư vị trưởng lão thì không bao giờ đến phòng phát thẻ, ngoại trừ có yêu cầu; và quý ngài cũng không cần bất cứ một ưu tiên nào cả. Quý ngài thọ dụng đâu cũng được, ngon dở, bổ béo gì, các ngài có để tâm đâu!

Chư tỳ-khưu nghe xong, một vị nói:

- Đúng vậy! Chư trưởng lão là tấm gương cho chúng ta. Trường hợp là tôi, nếu cô ta dịu dàng, khả ái như thế, tôi cũng sẽ trốn chạy như đại đức vậy.

Riêng vị tỳ-khưu trẻ mới nghe qua chuyện cô nữ chủ, tuy chưa biết mặt mũi ra sao, trong tâm mình đã cảm nghe xao xuyến, trái tim mình đã đập rộn trong lồng ngực. Không nói với ai, ông lặng lẽ thu dọn chỗ ở, ôm y bát bộ hành ngay về Trúc Lâm tịnh xá trong đêm ấy. Sớm hôm sau, trời vừa rựng sáng thì vị tỳ-khưu kia đã có mặt trong phòng phát thẻ. Thế là ông được đi bát tại tư gia kỷ nữ Sirimā.

Rủi ro cho vị tỳ-khưu trẻ muốn diện kiến dung nhan của cô Sirimā vì nữ chủ đã bị bệnh từ chiều hôm trước. Tuy nhiên, cô cũng dặn bảo gia nhân chăm lo chu đáo vật

thực y như mọi ngày. Khi được báo chư Tăng tám vị đã đến, nằm tại giường trong, nàng bảo:

- Này các em! Hãy thỉnh các ngài vào nhà an tọa, dâng nước uống, khăn thơm lau mặt. Sau đó, kiểm soát lần cuối cùng vật thực chuẩn bị sẵn, thỉnh bát, sớt đầy bát rồi

dâng cúng đến quý ngài. Nhớ nói rằng, chủ của con, đệ tử Sirimā, hôm nay bị bệnh, không tận tay sớt bát cúng dường được, xin quý ngài cho nữ chủ con được sám hối!

- Thưa chủ, vâng!

Lát sau, gia nhân vào thưa:

- Công việc đã xong, thưa chủ!

- Tốt lắm! Giỏi lắm! Nàng cất giọng thều thào, trông có vẻ đã quá mệt - Hãy dìu ta ra bên ngoài để đảnh lễ quý ngài, nằm như thế này là không được, là thất lễ!

Cô Sirimā gắng gượng đi từng bước, có hai thị nữ dìu hai bên, đến phòng khách, nàng lảo đảo quỳ xuống đảnh lễ chư tăng. Vị tỳ-khưu cao hạ nhất, ái ngại nói với cô:

- Được rồi! Chúng tôi ghi nhận tấm lòng rồi! Nữ chủ hãy vào nghỉ ngơi đi.

Vị tỳ-khưu trẻ “phải lòng” cô, âm thầm quan sát mỹ nữ một hồi rồi nhủ thầm trong tâm rằng: “Trời đất ơi!Cô ta bị bệnh mà còn đẹp như thế kia, huống hồ khi vôbệnh? Huống hồ có thêm xiêm áo, son phấn, điểm trang?Chắc chắn cô ta đã cắt đứt hằng trăm, hằng ngàn trái timcủa vương tôn, công tử kinh thành Rājagaha này rồi!” Vị tỳ- khưu càng nhìn thì lòng ông như càng bị lửa nóng nung đốt. Trong khi các vị kia ngồi độ thực tại chỗ, còn ông thì lật đật ôm bát đứng dậy, rồi như người vô hồn, đi thẳng về Trúc Lâm. Vội vàng kiếm một phòng của khách Tăng, vị tỳ-khưu đặt nguyên bát vật thực còn nguyên trên kệ; rồi đến giường nằm vùi, cứ tơ, cứ tưởng hình bóng của nàng Sirimā trong tâm tưởng. Vậy là vị tỳ-khưu trẻ ôm cả mối tình si khó phân, khó giải suốt mấy hôm như thế, không ăn, không uống...

Hôm kia, cả Trúc Lâm tịnh xá đều hay tin, cô Sirimā, cận sự nữ Thánh đệ tử đã đột ngột qua đời do bệnh tim. Thần y Jīvaka đến ngay tức khắc nhưng không còn cứu kịp, tưởng là chỉ cảm sốt thông thường thôi. Ai ngờ! Ngay chính đức vua Bimbisāra cũng bàng hoàng, vì Sirimā là em gái của thần y Jīvaka, là kỹ nữ nối tiếng của kinh thành, nó có dính líu đến hoàng gia. Lễ hỏa táng của cô, nhà vua cũng muốn tham dự.

Một số đông chư Tăng đã từng biết cô kỹ nữ, họ bàn tán xôn xao, cái gọi là “hồng nhan bạc mệnh”. Có một số vị cảm thương cô vừa trở về đời sống của một cận sự nữ thuần thành đã vội lìa đời quá sớm. Đa phần họ thương tiếc.

Có vị chứng kiến sự si tình của tỳ-khưu trẻ, ông đẩy cửa phòng đến báo cho bạn hay:

- Cô Sirimā đã mất rồi!

Đang nằm mê man bỏ ăn cả ba ngày, nhưng mới nghe nhắc đến tên Sirimā, ông đã vội nhỏm dậy. Sau khi nghe bạn kể cô kỹ nữ đã từ trần, vị tỳ-khưu trẻ ngồi thừ rất lâu.

Đức Phật biết chuyện vị tỳ-khưu si tình nên cho tôn giả Moggallāna đến báo cho thần y Jīvaka hay, là đừng vội hỏa táng thi hài Sirimā, ngài sẽ đến nghĩa địa cùng với

chư Tăng.

Khi đức Phật và chư Tăng đến nơi thì thần y Jivāka ra đón rồi dẫn ngài đến bên hỏa đài. Lát sau, đức vua Bimbisāra với nghi vệ thiên tử và tùy tùng cũng vừa xuống ngựa. Rồi còn rất nhiều quan khách, đa phần là những vương tôn, công tử có kỷ niệm với cô kỹ nữ nên họ đến đây như thầm lặng từ giã giai nhân mà họ đã từng thầm yêu, trộm nhớ một thời.

Cô nằm nhắm mắt an lành trên giàn hỏa phủ đầy hoa, nhưng vẫn toát ra sự gợi cảm nhục dục một cách mãnh liệt, không khác gì lúc còn sống, làm cho không biết bao trái tim xung quanh phải xốn xang. Trong đó có vị tỳ-khưu trẻ, ông đã núp trốn sau lưng vị tỳ-khưu khác, nhưng đôi mắt thì đắm đuối, mê man bị cuốn hút vào thân xác vô tri.

Và dường như ai ai cũng đang lặng im chiêm ngưỡng cái đẹp của tạo hóa sắp bị thần lửa mang đi. Chợt đức Phật bước đến sát bên giàn hoa, tụng một bài kệ ngắn rồi nói lớn tiếng rằng:

- Như Lai đã tiễn biệt “con gái út” của Như Lai rồi đó!

Ngài lại nói với thần y Jīvaka: Ông hãy cho che một mái rạp và hãy cho người giữ gìn để nguyên thi hài cô mỹ nữ như vậy trong vòng bảy ngày. Như Lai sẽ có đề tài giáo hóa chúng sanh.

Rồi đức Phật lại quay sang đức vua Bimbisāra; và cuộc đối thoại giữa họ, người thứ ba không nghe được:

- Bắt đầu ngày mai, phiền đại vương cho người rao khắp kinh thành: “Ai muốn mua đệ nhất mỹ nhân Sirīma,nhà vua sẽ bán với giá một ngàn đồng tiền vàng!”

Đức vua chưa hiểu ý, cũng hỏi nhỏ:

- Ai họ sẽ mua, bạch đức Đạo sư?

- Nếu ngày thứ nhất không ai mua thì cho rao hạ giá xuống là năm trăm đồng tiền vàng!

- Thưa, nếu cũng không ai mua?

- Thì hạ giá xuống còn một trăm, hai mười đồng, một đồng, một cắc, một xu... cuối cùng là biếu tặng không! Đại vương hiểu ý Như Lai chứ? Đức vua mỉm cười, gật đầu:

- Đệ tử hiểu tôn ý rồi!

Xong, đức Phật và đại chúng tỳ-khưu trở lại Trúc Lâm tịnh xá. Mọi người lần lượt giải tán.

Hôm sau, quân lính đi khắp các ngã đường trong kinh thành, rao bán mỹ nữ Sirimā với giá một ngàn đồng tiền vàng, vọng từ nơi này sang nơi khác. Và có lẽ không ai mua nên ngày thứ hai, những toán lính rao truyền hạ giá xuống nữa. Và tuần tự hạ giá xuống một đồng, một xu; đến ngày thứ bảy, tặng không, biếu không cô mỹ nữ nhưng chẳng ai lên tiếng ừ hử!

Đến ngày thứ tám, đức Phật và hội chúng tỳ-khưu đến nghĩa địa thì đức vua, tùy tùng, hoàng gia và quan khách rất đông cũng đã có mặt. Và cũng chính ngay lúc

ấy, chỉ có đức Phật và chư Thánh lậu tận có thắng trí mới thấy rõ cô kỹ nữ Sirimā đã hóa sanh làm bà hoàng hậu của vua trời Suyāma ở cõi Yama; và cô đã cùng với năm trăm thiên nữ ngự trên năm trăm cỗ thiên xa đồng ngự xuống đảnh lễ đức Phật và đại chúng tỳ-khưu.

Đức Phật chỉ tay vào thi hài, nói rằng:

- Quý vị hãy nhìn kìa! Lúc còn sống, kỹ nữ Sirimā được xem là đệ nhất mỹ nhân của kinh thành Rājagaha! Biết bao nhiêu thanh niên vương giả, quý tộc, đại phú gia, tiểu phú gia tranh giành nhau được cận kề mỹ nữ một đêm, phải trả đúng một ngàn đồng tiền vàng. Nhiều hơn, cô ta không cần, thiếu chút ít, kẻ tình si sẽ bị gia nhân tống ra khỏi cửa cho dù là một ông vua con! Cô ta làm vậy không phải vì tham vàng, ham bạc mà chỉ để biểu tỏ đẳng cấp và quyền lực của cái đẹp mà thôi! Này chư vị! Thuở sanh tiền, thức ăn vật uống tẩm bổ xác thân của nàng phải nói là ăn tinh, uống hoa. Việc giữ gìn nhan sắc, các vòng eo, vòng thắt phải nói là đã học hết “bí quyết” chân truyền của cổ xưa! Châu báu, kim ngân trang điểm của nàng có giá trị có thể mua đứt một chức quan tổng trấn! Xiêm áo, lụa là, phấn son... phải nói là có sẵn ở những cửa hiệu trứ danh của kinh đô Bārāṇasī hoa lệ. Như vậy đó! Giá trị thân xác mỹ miều gợi cảm và sắc đẹp “hoa ghen, liễu hờn” 1 của nàng đã được thế gian tôn vinh, quý trọng quả thật là đã hết ngôn ngữ diễn đạt.

Nhưng bây giờ thì sao? Trong bảy ngày qua, quân lính của đức vua hiền thiện đã khổ công rao bán nhưng chẳng ai thèm mua! Một xu, một cắc cũng không ai mua. Cho đến đỗi cho không, biếu không, tặng không cũng chẳng ai đoái hoài! Tại sao vậy? Tại vì cái thể xác mê hồn kia, cái sắc đẹp quyến rũ ong bướm kia, bây giờ chỉ còn là một

đống thịt thối cho dòi bọ tranh nhau, chỉ còn là một bọc máu mủ tanh tưởi cho ruồi lằn họp chợ! Rồi ngày qua tháng lại, nó chỉ còn như một trái bầu khô người ta quăng

bỏ bên vệ đường, chỉ còn là một đống xương trắng, chẳng có ai thích thú để đứng mà ngắm nhìn cả.

Này chư vị! Hãy thấy rõ sự thật của cái thân là như vậy! Là phải bị suy già, bệnh tật, ốm đau và dơ uế! Nó lại còn mong manh như gốm sứ dễ vỡ. Nó lại còn nguy hiểm

như một cục ung bướu không biết hờm sẵn chỗ nào ở lục phủ, ngũ tạng? Nói cách khác là tất cả chúng đều bị thời gian làm cho thay đổi, biến hoại từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nói cô đọng hơn thế nữa, tất thảy pháp hữu vi đều bị định luật vô thường và vô ngã chi phối. Nó không chắc thật, không trường cửu, không ổn định, thường phát sanh sầu ưu, khổ não.

Nhìn kia, thể xác mê hồn

Đống phân, hầm bệnh lại còn đớn đau

1 Mượn thơ Nguyễn Du: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Bậm tâm lo trước, tính sau

Có chi bền vững mà cầu trường sanh? 1

Rồi tiếp theo đó, đức Phật thuyết liên tục mười bốn kệ ngôn rồi giảng giải rất chi li, khúc chiết về sự cấu tạo của thân gồm ba trăm khớp xương được ràng buộc bởi chín

trăm sợi gân, được nối bởi bảy ngàn sợi dây thần kinh, được tô trét bởi chín trăm thớ thịt, bao bên ngoài bởi một làn da mỏng... Cái bao, cái túi da ấy đựng bên trong nào tim, nào phổi, nào thận, nào lá lách, nào gan, bao tử, ruột non, ruột già... Trong bao tử, ruột non, ruột già thì chứa thức ăn cũ, mới và phân, sán lãi, vi trùng... Trong tim thì có máu đen, máu đỏ; tuy nhiên, màu sắc của nó còn tùy thuộc trạng thái tâm mà biến dạng, đổi màu. Ví dụ người có tâm ái dục mạnh thì máu màu đỏ; tâm sân hận nhiều thì máu có màu đỏ sậm hay đỏ đen; tâm si mê nhiều thì máu có màu đỏ nhợt nhạt; tâm có đức tin nhiều thì máu đỏ thắm ửng vàng; tâm có trí tuệ thì màu máu đỏ trong...

Đức Phật nhấn mạnh sự bất tịnh của thân, nó chứa đầy ô trược và dơ dáy; thường bài tiết, rỉ chảy ra chín cửa như đại tiện, tiểu tiện, ghèn mắt, nước mũi, cứt mũi, đàm,

nước bọt, nước miếng, ráy tai... Và ngay cả cái đầu của con người mà ai cũng quý trọng, nó cũng đáng nhờm gớm chẳng khác gì. Kẻ si mê không thấy rõ sự thật như vậy nên bị ngã ái, ngã kiến chi phối, sống bít bùng trong ái dục, ngã mạn và dối lừa.

1 Pháp Cú 147:“Passa cittakalaṃ arukāyaṃ samussitaṃ. Āturaṃ bahusaṅkappaṃ yassa natthi dhuvaṃ ṭthiti”.

Thành trì kẹp cốt, bó xương

Đắp thêm máu thịt, tô hường, quét son

Mang thêm tật bệnh, tử vong

Chứa đầy ngã mạn lại gom dối lừa!1

Được biết rằng, sau buổi thuyết pháp ấy, rất đông chư Tăng và quan khách uống được hương vị Pháp bảo. Hoàng hậu của đức vua Suyāma (cô kỹ nữ hóa sanh) đắc quả Bất lai2. Riêng vị tỳ-khưu si tình thì đã có cuộc chuyển hóa vĩ đại, ông đã đắc pháp nhãn, bước vào dòng giải thoát.

Còn cô Uttarā, một lần tôn giả Moggallāna ghé thăm cung trời Tāvatiṃsa (Ba Mươi Ba hay Đao Lợi), thì ngài thấy cô đã là một vị thiên nữ ở trong một tòa cung điện, sau về thuật lại với đức Phật chuyện ấy3.

Như vậy, duyên khởi chỉ một lần đi khất thực của tôn giả Sāriputta mà đã làm cho một gia đình nô lệ biến thành một gia đình triệu phú (một trong năm triệu phú của quốc độ Māgadha), đã an trú không chỉ riêng cho hai gia đình mà còn làm cho rất nhiều người trôi chảy vào dòng giải thoát.

Câu chuyện của cô Uttarā và cô Sirimā quả thật là đã nổi bật hai nhân cách; và họ đều là những Thánh nữ đệ tử đặc biệt vậy.

1 Pháp Cú 150:“Atthīnaṃ nagaraṃ kataṃ, maṅsalohitalepanaṃ; yattha jāra

ca maccu ca mano makkho ca ohito”.

2 Trong Dictionary of Pāḷi Proper Names, q.I, tṛ 362 có chép rằng, Sirimā và

Uttarā đều đắc quả Nhất Lai (Tư-đà-hàm); chồng và cha chồng của Uttarā

thì đắc quả Tu-đà-hoàn.

3 Tư liệu như chú thích (2).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]