Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

01. Karmapa Dusum Khyenpa

31/03/201107:52(Xem: 3707)
01. Karmapa Dusum Khyenpa

CUỘC ĐỜI SIÊU VIỆT CỦA 16 VỊ TỔ KARMAPA TÂY TẠNG
Nguyên tác: The History of Sixteen Karmapas of Tibet
Karma Thinley Rinpoche - Việt dịch: Nguyễn An Cư
Thiện Tri Thức 2543-1999

1
Karmapa Dusum Khyenpa

(1110-1193)

DUSUM KHYENPA sanh nơi rặng núi tuyết Tray Shu ở Do Kham vào năm Con Cọp Kim (1110). Từ cha mẹ là những hành giả thành tựu, Dusum Khyenpa được học giáo pháp. Năm lên bảy, ngài có một linh kiến về Mahakali, phương diện năng lực nữ tính của dharmapala (hộ pháp), biểu lộ năng khiếu tâm linh tự nhiên của mình.

Năm năm sau, Dusum Khyenpa vào tăng chúng làm một người tập sự, nghiên cứu Đại thừa Duy thức học của Asanga (Vô Trước) từ Geshe Jamarwa Chapa Cho Kyi Senge. Thời gian này, ngài cũng học Trung Quán của Long Thọ và Nguyệt Xứng từ Lotsawa Patsap Nyima Drak. Ngài còn thọ pháp của dòng Kadampa từ Geshe Shawarapa.

Năm hai mươi tuổi, thọ giới Tỳ Kheo với sư trưởng Mal Duldzin. Sau đó ở với thầy học Luật tạng. Từ đại sư Ga Lot-sawa, Dusum Khyenpa thọ pháp Kalachakra và pháp môn “Đạo và Quả” từ bậc thánh Ấn Độ Virupa.(1)

Năm ba mươi tuổi, Dusum Khyenpa du lịch đến Dak Lha Gampo để gặp Thầy là Gampopa, người chủ trì của phái Kagyupa. Khi gặp nhau, Gampopa dạy ngài về con đường tiệm giáo (lam-rim) của truyền thống Kadampa như là sự thực hành tiên khởi. Gampopa dạy ngài phải hành trì như chính Gampopa đã từng làm. Sau sự tu tập căn bản này, Gampopa truyền thụ cho ngài pháp Hevajra để tu tập. Suốt buổi lễ truyền thụ này, Dusum Khyenpa thấy Gampopa trở thành thân ánh sáng của Hevajra.

Sau đó ít lâu, ngài tu Chỉ trong chín tháng, nhập thất theo lời khuyên của Thầy. Suốt thời gian này, ngài không bao giờ mở hết bàn tay để khỏi bị khô vì thoát mồ hôi. Gampopa xem ngài như là đệ tử thiện căn nhất và dạy ngài phép Quán. Ngài tu Quán trong ba năm cho đến khi tâm như mặt trời hết mây che. Lúc ấy, Gampopa nói: “Con đã đoạn dứt mối ràng buộc với thế giới hiện tượng. Từ đây con không trở lại sanh tử nữa.” Gampopa dạy cho ngài khẩu truyền về Đại Ấn và Vajra-yogini. Gampopa bảo ngài thực hành các pháp này tại Kampo Gangra ở Kham, và tiên tri rằng ngài sẽ giác ngộ ở đấy.

Trước tiên, ngài đến Shau Tago, ở đây ngài dựng một thất nhỏ gọi là Drub Zhi Densa (bồ đoàn vuông) và tu Đại Ấn. Ngài đạt đến chỗ chứng ngộ rằng sanh tử và Niết Bàn là bất nhị. Một lời nói đến tai ngài rằng Thầy đã tịch, ngài bèn trở lại chùa Dak Lha Gampo, ở đó trong một linh kiến, ngài thấy Thầy trên bầu trời.

Ngài nhớ lại lời dạy của Thầy phải thực hành tu tập ở vùng Kampo Gangra. Vị sơn thần Kampo Dorje Paltseg, hiện thân của năng lực tinh hoa của vùng ấy, đến mời ngài trong một linh kiến. Phagmo Drupa, một đệ tử khác của Gampopa, chính từ ngài phát sanh ra tám dòng nhỏ của phái Dakpo Kagyu, khuyên ngài đừng đi, nói rằng : “Nếu huynh đến xứ Kham, huynh sẽ phải ban phát nhiều truyền thọ. Điều này sẽ làm đời huynh ngắn lại.” Ngài trả lời : “Cám ơn huynh có lời khuyên, nhưng mặc dù tôi làm điều đó, tôi cũng sẽ sống đến tám mươi tư tuổi.”

Năm mươi tuổi, ngài du hành đến Kampo Nenang ở đó ngài tức thời đạt đến giác ngộ qua sự thực hành Yoga Giấc Mộng. Ngài thành tựu sự nhất như căn bản giữa ngày và đêm, mộng và thức, thiền định và đời sống hàng ngày. Sự thành tựu này là bực thứ tư, bậc chót của Đại Ấn, được gọi là “vượt khỏi thiền định” (TT : bsgom-med).(2)

Một cách tâm linh, giờ phút Giác Ngộ của ngài được biểu tượng trong một thị kiến một Vương miện Kim cương đen dệt bằng tóc của các dakini do các dakini hiến cúng. Vương miện này, một cách biểu trưng, luôn luôn hiện diện trên đầu của mọi hóa thân Karmapa biểu thị sự chứng ngộ bản tánh thực tại của các ngài.

Vào lúc ấy, chín vị hóa thần trong mạn đà la của Hevajra và mười lăm vị hóa thần trong mạn đà la của Nairatmya, vị phối ngẫu trí huệ của Hevajra, cũng như nhiều hóa thần khác xuất hiện trong linh kiến của Dusum Khyenpa. Qua sự thành tựu Yoga Giấc Mộng(3) này, ngài “bay” đến Tích Lan, nơi ấy vị thánh mật thừa là Vajraghanta(4) truyền thọ cho ngài pháp Cakrasamvara và “bay” đến Đâu Suất, cõi trời của đức Phật tương lai Di Lặc, và được ngài Di Lặc dạy cho các phát nguyện của Bồ tát.

Ngài ở lại Kampo Nenang mười tám năm, dựng một tu viện và một trung tâm ẩn cư. Danh tiếng về sự chứng ngộ của ngài lan xa, và ngài được biết như là “vị thấu rõ ba thời quá khứ hiện tại vị lai,” biểu thị sự siêu việt của ngài khỏi thời gian nhờ vào sự thông thấu tính vô sanh của tâm.

Pháp sư người Kashmir, Sakyasri,(5) vị được mời đến Tây Tạng để lập một tăng đoàn mới, tuyên bố rằng Dusum Khyenpa là “người của Phật sự” hay Karmapa, đã được Phật Thích Ca tiên tri trong kinh Tam Muội Vương. Lạt ma Zhang, người lập nên phái Tsalpa Kagyu xác nhận điều này. Cả hai vị Thầy còn nói rằng Dusum Khyenpa hiện thân cho Tâm Từ Bi Tỉnh Giác (Quán Thế Âm) và sau thời của Phật Di Lặc, Lạt ma Karmapa sẽ sanh lại làm Phật Simha.

Năm bảy mươi tư tuổi, Karmapa Dusum Khyenpa du hành đến vùng Drelong xứ Kham, nơi đang xảy ra những tranh chấp lộn xộn. Ngài giải hòa những tranh chấp thù hằn và đem lại một thời yên bình. Ngài cũng làm việc tận lực để chữa bệnh, gồm nhiều bệnh đui mù và bại liệt. Năng lực chữa bệnh từ tâm Đại Bi của ngài rất hiệu lực. Ngài cũng xây dựng những tu viện ở Mar Kham và Karma Gon, nơi này ngài gặp Drogon Rechen, đệ tử chính và kế thừa dòng pháp.

Về cuối đời, ngài trở lại Dak Lha Gampo như đã được chỉ dạy bởi Gampopa. Ngài cúng dường cho các chùa, sửa sang lại các công trình xây dựng, và dạy cho chúng tăng ở đó. Sau đó, Karmapa xây dựng tu viện chính ở Tsurphu, nó còn nguyên là bổn tự của các Karmapa cho đến năm 1959. Vị trụ trì của chùa Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn đã gởi một cái tù và đến Tsurphu như một quà tặng, và sự tri ân về năng lực biểu hiện chánh pháp của ngài.

Khi ở Tsurphu, ngài đã chấm dứt những cuộc tranh biện mà Lạt ma Zhang của phái Tsala Kagyu đã dấn thân vào. Lạt ma Zhang là một thành tựu giả vĩ đại và là người nắm quyền xứ Tsala, nhưng ngài lại có một tánh khí mãnh liệt mà chỉ có Karmapa mới làm cho dịu được.

Một đêm khi đang thực hành Yoga Giấc Mộng, Dusum Khyenpa nhận được sự thực hành tâm linh về Vajrayogini bốn mặt mười hai tay từ bậc thánh mật thừa là Indrabhuti.(6) Sau đó, trong một linh kiến khác, ngài nhận được lời dạy từ Vajrayogini. Karmapa đem các giáo huấn này dạy cho các đệ tử, nhưng sau đó không lâu ngài mơ thấy năm cô gái mặc áo đỏ trang sức rực rỡ đến và nói: “Chớ đem những giáo huấn Kim Cương thừa bí mật này cho bất kỳ ai.” Vào ngày sau, ngài lại đem ra dạy và ngay đêm đó năm cô gái lại xuất hiện trong giấc mơ và nói: “Chúng tôi là các sứ giả của Công chúa Laks-minkara.(7) Chớ đem dạy những giáo lý bí mật Kim Cương Thừa cho bất kỳ ai.” Ba ngày sau, Karmapa dạy cho Lạt ma Khampa Kungba, đêm ấy trong giấc mơ các cô gái xuất hiện trên bầu trời, cỡi những đám mây trắng, nói rằng: “Chúng tôi đã nói ngài đừng dạy giáo lý bí mật Kim Cương thừa cho bất kỳ ai, nhưng ngài không nghe.”

Ba tháng trước khi thị tịch, có xuất hiện một số lớn mống cầu vồng, đất rung nhẹ và tiếng rầm rầm mà người ta nói đó là tiếng trống của các Dakini. Năm tám mươi tư tuổi, vào ngày đầu của năm Con Bò Nước (1194), Dusum Khyenpa đặt tự viện Tsurphu, các kinh điển và thánh tích dưới sự trông coi của Drogon Rechen, vị đệ tử chính. Ngài còn giao cho vị này lá thơ trong đó nói trước những hoàn cảnh trong đó vị Karmapa sắp tới sẽ tái sanh. Ngài phân chia mọi vật dụng sở hữu cho các nhóm tăng chúng Kagyu.

Buổi sáng ngày thứ ba của năm mới, Dusum Khyenpa dạy các đệ tử bài pháp cuối cùng. Thế rồi, trong tư thế ngồi, ngài nhìn chăm vào bầu trời và nhập định. Đến trưa thì ngài ra đi.

Trong lễ tang một tuần sau đó, nhiều người có những cái thấy đặc biệt ; một số thấy thân thể ngài trong đám khói bốc lên từ dàn hỏa táng, người khác thấy nhiều mặt trời trên không trung và các daka và dakini nhảy múa giữa chúng.

Khi lửa đã tắt rụi, trái tim của ngài, biểu thị tình thương của ngài, và cái lưỡi, biểu thị cho lời dạy dỗ của ngài, vẫn còn nguyên vẹn trong tro tàn. Các đệ tử còn khám phá ra nơi một số xương của ngài có xuất hiện các chữ chủng tử (bija) và một số thánh tích khác.

Tro xá lợi của Karmapa được cất giữ trong một cái tháp khuôn mẫu theo một cái tháp Dhanyakataka ở nam Ấn Độ, nơi đức Thích Ca đã giảng dạy giáo lý Kalacakra. Cái tháp này còn để ở tự viện Tsurphu.

Dusum Khyenpa có nhiều đệ tử thành tựu, qua họ ảnh hưởng của ngài thấm sâu vào các truyền thống khác cũng như giáo phái Kamtshang Kagyu của ngài. Người kế thế là Drogon Rechen, sau đó vị này giao lại cho Pomdrakpa, vị này lại truyền lại cho Lạt ma Karmapa đời thứ hai. Bốn vị sáng lập của các dòng khác đã được ngài giáo hóa là Taglung Thangpa, người lập ra phái Taglung Kagyu; Lingje Repa, vị hành giả Đại Ấn vĩ đại và là sơ tổ của phái Drukpa Kagyu; Tsangpa Gyare, người thực sự sáng lập phái Drukpa Kagyu; và Lạt ma Kadampa Desheg, người lập ra dòng Katok Nyingma. Lại có năm đệ tử đã phát triển được các năng lực đặc biệt. Đó là Dechung Sangjay trong lãnh vực hiểu biết từ xa, Dagden Batsa trong lãnh vực làm các phép thần biến, Tawa Kadampa trong lãnh vực các thần lực của Bồ tát, Drogon Rechen về ban phước cứu độ và Ge Chutsun trong lãnh vực các sự thành tựu sâu xa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]