Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Ở tu học tại chùa Na Lan Ðà

25/03/201103:16(Xem: 3950)
10. Ở tu học tại chùa Na Lan Ðà

ĐƯỜNG TAM TẠNG THỈNH KINH

Võ Đình Cường
(In lần thứ ba, năm 2000 TP. Hồ Chí Minh)

Ở TU HỌC TẠI CHÙA NA LAN ĐÀ

Chùa Na Lan Đà ở về phía đông bắc Bồ đề già, trong nước Ma Kiệt Đà (Trung Ấn Độ); dịch theo tiếng Trung Hoa, Na Lan Đà nghĩa là Thí Vô Y. Chùa này được dựng lên từ thế kỷ thứ nhất (Tây lịch) và là một ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất ở Ấn Độ. Chùa gồm trên 10 tịnh xá, có phòng họp, phòng tịnh niệm, tịnh thất cao 4 tầng lầu, có vườn hoa, hồ sen, thành quách, như cả một đô thị. Chính Ngài Huyền Trang cũng đã viết trong tập bút ký của Ngài: "Tịnh xá ở Ấn Độ kể có hàng ngàn, nhưng không có cái nào sánh kịp chùa Na Lan Đà, cả về phương diện lộng lẫy, giàu có và đồ sộ". Vào đây, người ta có cảm tưởng như đi lạc vào một rừng lâu đài, điện các, cái này chồng lên cái kia, với những pho tượng và những bức tường chạm trổ công phu.

Na Lan Đà thật xứng đáng là một học phủ tối cao, một trung tâm văn hóa của Ấn Độ thời bấy giờ. Các kinh điển Đại thừa, Tiểu thừa, tụng tán Phệ đà, các sách y dược, thiên văn, địa lý, kỹ nghệ đều tập trung ở đó, tóm lại là đủ cả các thứ sách vở dạy Ngũ minh.

Vị cao Tăng chủ trì tại chùa này là Ngài Giới Hiển, thường được gọi là Chánh Pháp tạng. Khi Ngài Huyền Trang đến đây thì Ngài Giới Hiển đã già trên 100 tuổi rồi, và là vị học giả thông thái nhất Ấn Độ thời bấy giờ.

Số Tăng sĩ trong chùa, kể cả chủ lẫn khách, không bao giờ dưới 10 ngàn người. Các vị Tăng sĩ này đều nghiêm trì giới luật và siêng năng tu học. Hằng ngày vào khoảng 100 vị giảng sư túc trực giảng dạy trên pháp tọa. Cho nên từ 700 năm nay, từ khi chùa mới thành lập cho đến khi Ngài Huyền Trang đến tu học, chùa này luôn được sự trọng nể của các hàng vua chúa và dân chúng khắp nơi. Trong số 10.000 tu sĩ ở đây, có 1.000 vị thông giảng được 20 bộ kinh luận, 500 vị thông giảng 30 bộ, 10 vị thông giảng được 50 bộ, và chỉ có Ngài Giới Hiển là thông hiểu hết toàn thể các bộ.

Để cung cấp mọi chi phí trong chùa và tứ sự cúng dường cho toàn thể Tăng chúng, nhà vua đã trích số tiền thu thuế của 100 thành phố, và mỗi ngày 200 gia đình thu thuế đem cơm nước, bơ, sữa đến cúng dường. Nhờ thế chư Tăng ở đây khỏi phải mất thời giờ đi khất thực và có đủ phương tiện và nhiều thời gian để tu học.

Khi nghe Ngài Huyền Trang sắp đến, chùa phái 200 vị Tăng sĩ và1.000 tín đồ đi nghinh đón với cờ quạt, lọng tàng, hương hoa ... Khi Ngài vào đến chùa, toàn thể Tăng đồ và cư sĩ tụ lại, vây quanh Ngài hoan hô. Họ đặt trên bệ cao một cái ghế, mời Ngài Huyền Trang ngồi. Sau khi khách chủ đều ngồi, vị phó giám đốc của chùa đứng dậy, cất tiếng mời Ngài lưu lại chùa và cùng họ chung sống trong giáo lý lục hòa.

Ngài được dẫn vào ra mắt Pháp sư Giới Hiển. Khi thấy Pháp sư, Ngài Huyền Trang, theo lễ phép Ấn Độ, quỳ xuống và bò vào đến gần chân Ngài Giới Hiển, lạy Ngài làm lễ ra mắt. Sau khi hỏi han và không tiếc lời khen ngợi, Ngài Giới Hiển truyền đem ghế và mời Ngài Huyền Trang ngồi.

Ngài Huyền Trang tỏ ý định muốn được thụ giáo với Pháp sư Giới Hiển. Khi được biết ý định của Huyền Trang, Pháp sư Giới Hiển bảo một đệ tử thân tín kể lại cho Ngài Huyền Trang nghe điềm mộng mà Pháp sư đã thấy trước đây ít lâu, vì mang bệnh nặng, Ngài Giới Hiển muốn nhập diệt, nhưng một hôm Ngài nằm mộng thấy ba vị Đại Bồ-tát là Ngài Văn Thù, Ngài Quan Thế Âm và Ngài Di Lặc đến dạy Ngài phải ở lại truyền đạo và đợi một vị Tăng sĩ ở Trung Hoa qua để truyền giáo.

Ngài Huyền Trang nghe chuyện ấy, hết sức mừng rỡ, một lần nữa van xin Ngài Giới Hiển hãy rủ lòng từ bi nhận cho mình được làm đệ tử. Ngài hứa sẽ luôn là một đệ tử thuần thành và ngoan ngoãn vâng theo lời chỉ dạy của Pháp sư Giới Hiển.

Ngài Giới Hiển, vì tuổi đã quá già, lâu nay không giảng kinh nữa, nhưng lần này vì Ngài Huyền Trang, sẽ đặc cách giảng về Du-già-sư-địa-luận. Ngài Huyền Trang thật may mắn gặp được vị sư xứng đáng như thế. Ngài Giới Hiển là học trò Ngài Dharmapala (Hộ Pháp), Ngài Dharmapala là học trò của Ngài Luận chủ Dignaga; Ngài Dignaga lại là đệ tử của hai Ngài Vô Trước và Thế Thân Bồ-tát, hai vị đã sáng lập ra tông Duy Thức. Như thế là Ngài Huyền Trang đã trực tiếp hấp thụ được giáo lý chính tông của Duy thức; thật là một sự may mắn hiếm hoi.

Ngài Giới Hiển giảng về Du-già-sư-địa luận trong 15 tháng. Mỗi khi Ngài giảng, tín đồ xa gần nô nức tới nghe có đến ba, bốn ngàn người. Riêng Ngài Huyền Tràng, thì đêm ngày không phút nào chểnh mảng. Ngài vừa nghe giảng, vừa tìm tòi nghiên cứu thêm các kinh điển khác để được thông hiểu hết ý nghĩa sâu xa. Vì thế, thanh danh bác học của Ngài được lan khắp 5 xứ Ấn Độ, và được từ vua chúa cho đến dân chúng kính trọng, quý mến.

Ban đầu Ngài ở trong một tòa nhà hai tầng của một tịnh xá do vua nước Ma Kiệt Đà là Baladitya lập lên, sau Ngài lại dời sang ở kế cận ngôi nhà mà trước kia Ngài Luận chủ Hộ Pháp (Dharmapala) đã ở. Mỗi tháng vua nước Ma Kiệt Đà cúng dường cho Ngài ba thùng dầu, và các thứ bơ, sữa, thức ăn đủ dùng trong mỗi ngày. Vua lại truyền cho một vị Tăng sĩ và một vị Bà-la-môn cứ mỗi ngày hướng dẫn Ngài đi du ngoạn đây đó bằng xe, ngựa hay cán. Trong 5 năm ở tu học tại chùa Na Lan Đà, Ngài Huyền Trang đã nghe Pháp sư Giới Hiển giảng: 3 lần luận Du-già-sư-địa, một lần Thuận chánh lý luận, một lần Hiển dương luận, một lần Đối pháp luận, hai lần Nhân minh luận, hai lần Thanh minh luận, hai lần Tập lượng luận, 3 lần Trung luận, 3 lần Bách luận. Ngoài ra, những luận khác như Câu Xá, Bà Sa, Lục Túc v.v ..., đã học ở các nơi thì chỉ hỏi lại những điểm nào còn nghi ngờ thôi.

Sau năm năm thụ giáo với Ngài Giới Hiển và tiếp thu một số vốn học hỏi sâu rộng, Ngài Huyền Trang lại từ giã Na Lan Đà để đi du học ở Đông bộ, Nam bộ và Tây bộ Ấn Độ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]