Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Nghiệp Sát hại

26/02/201115:33(Xem: 3379)
04. Nghiệp Sát hại

THANH TỊNH TÂM
Lê Sỹ Minh Tùng

04. Nghiệp Sát hại

Trong thế gian nầy thì quan niệm về thưởng phạt của thiện ác thay đổi tùy theo địa phương, hoàn cảnh xã hội, khoảng cách thời gian và giá trị đạo đức…Vì tất cả đều mang tính cách tương đối bởi vì cùng một hành động mà có người cho là đúng còn kẻ khác nói là sai. Những người lãnh đạo chánh quyền luôn luôn cố gắng tìm sự công bằng cho xã hội, nhưng thật ra từ xưa tới nay cái công bình do con người tạo ra bằng những khuôn mẫu pháp luật chỉ đạt được kết quả giới hạn mà thôi. Chẳng hạn như có một bộ lạc bán khai có tục lệ giết một trinh nữ mỗi năm để làm lễ tế thần. Mặc dù cô gái được chọn cũng cảm thấy vinh dự về sự hy sinh của mình và đối với họ hành động nầy là thiện trong khi những dân tộc khác thì cho hành động nầy là man rợ, độc ác. Một ví dụ khác là chúng ta rầy la con cái để chúng siêng năng học tập. Hành động nầy mới thấy thì có vẻ bất thiện, nhưng về sau nếu con của chúng ta trở thành người tốt thì việc làm của chúng ta ngày nay là việc thiện.

Có một câu chuyện thần thoại nói về sự phân biệt giữa thiện và ác. Lúc đó có hai ông tiên, một già, một trẻ xuống trần thăm dân cho biết sự tình: Địa điểm đầu tiên mà hai vị đi tới là một dinh thự nguy nga lộng lẫy để xin ngủ qua đêm. Nhà thì rộng mà chủ nhà chỉ cho tá túc ở dưới basement lạnh lẽo. Trên đường xuống nơi tạm nghỉ, vị tiên già thấy một lỗ trống trên tường nên dùng phép để lấp lại. Đêm kế tiếp, hai vị ghé căn nhà của một cặp vợ chồng nghèo sanh sống nhờ vào một con bò và khu vườn nhỏ. Cặp vợ chồng này tiếp đãi hai vị tiên nồng hậu. Hai vị tiên được mời ăn uống và họ nhường cái gường của mình cho hai vị tiên ngủ. Sáng hôm sau, khi mọi người thức giấc thì thấy con bò bị chết. Cặp vợ chồng khóc nức nở nhưng chẳng than Trời oán Phật chi cả.

Thế rồi hai vị tiên ghé một sòng bài để giải trí. Trong sòng bạc có một người đang say mê đánh bài. Lúc đó anh ta thắng liên tục với đống tiền rất to trước mặt. Vị tiên già tới gần và vô tình đụng vào ly rượu trên bàn người đánh bài làm ly rượu rớt xuống đất bể tan. Người đánh bài tức giận mắng chửi vị tiên già rồi ôm đống tiền bỏ đi và phàn nàn rằng:”Mình đang thắng mà tới phá phách làm cho người ta xui”. Khi về đến thiên giới, vị tiên trẻ nói với vị tiên già bằng một giọng bực bội rằng:” Tôi chẳng hiểu đầu óc của anh dạo nầy làm sao ấy. Tưởng đi với anh để học được chuyện khôn ngoan, đạo đức nào ngờ thấy toàn là những chuyện trái tai gai mắt không à. Tại sao anh lại giúp tên nhà giàu bần tiện đối xử bạc đãi với anh em mình? Hắn cho anh em mình ngủ dưới hầm lạnh lẽo mà anh lại lấp lỗ tường dùm cho hắn? Còn cặp vợ chồng kia thì họ rất tử tế với mình mà anh không dùng quyền phép cứu con bò để họ làm kế sinh nhai? Còn chuyện người đánh bài đang thắng có đụng chạm gì tới anh đâu mà anh lại hất ly rượu của ông ta xuống đất? Vậy là thế nào?

Vị tiên già từ tốn và hiền hòa đáp:”Thấy vậy mà không phải vậy đâu chú ạ”. Sự thật là như thế nầy: Thứ nhất, vì ông nhà giàu mà ích kỷ không biết thương người, không muốn tạo thêm phước đức nên mặc dầu có đống vàng ở trong nhà mà cũng không hưởng được. Bởi vì trong lỗ hổng có giấu vàng mà hắn không tạo phước nên ta lấp lại cho hắn không thấy thì hắn không hưởng được. Như vậy phước đức chính là kho vàng trong nhà của mình đó mà không thấy. Chuyện thứ hai lúc ta đang ngủ trên giường của cặp vợ chồng nghèo khổ kia, ta thấy thần chết tới lấy mạng của người vợ nên ta đã cho thần chết con bò để thế mạng cho người vợ. Còn chuyện người đánh bài, vì cờ bạc mà ông ta vay mượn nhiều người làm cho vợ con đói khổ chẳng có tiền mua thức ăn. Ta thấy anh ta sắp thua trở lại nên làm cho anh ta “xui” để anh ta đem tiền về đưa cho vợ mua thực phẩm cho gia đình và trang trải nợ nần.

Tuy con người có quan niệm khác nhau về sự thưởng phạt của thiện ác, nhưng Luật Nghiệp Báo thì lúc nào cũng đại diện cho sự công bình tuyệt đối vì đó là sự thưởng phạt công minh và không bị biến thiên theo hoàn cảnh. Thật vậy, những gì một người làm cho kẻ khác dựa theo luật Nghiệp Báo thì nó sẽ đền bù trở lại cho họ một cách công bình, chắc chắn và hợp lý.

Một thí dụ là có một tay buôn bán ma túy số lượng lớn bị bắt và bị kết án chung thân. Nói theo luật pháp thì hắn ta đã nhận lấy hậu quả của tội lỗi mình một cách thích đáng, nhưng còn Luật Nghiệp Báo sẽ đối xử với hắn ta ra sao? Sau khi chết hắn sẽ tái sinh vào một gia đình mà cha mẹ là những kẻ nghiện ngập ma túy nằm trong đường dây buôn lậu của hắn ta từ kiếp trước. Sau đó cha mẹ hắn ta phạm tội rồi bị tống giam và hắn ta bỗng nhiên trở thành kẻ lêu lỏng rồi biến thành người nghiện ma túy. Hắn cần tiền để thỏa mãn tính nghiện ngập nên đi cướp bóc và bị bắn chết. Tuy vậy cái nghiệp ma túy của hắn chưa hoàn toàn chấm dứt, nên nhiều đời sau hắn ta lại tiếp tục tái sinh vào những gia đình có người nghiện ngập. Cái sa đọa đau thương mà hắn đã gieo rắc cho kẻ khác đã trở thành cái màng nhện quấn lấy hắn ta trong nhiều kiếp luân hồi.

Thí dụ trên cho thấy cái bản án của luật pháp dành cho kẻ phạm tội không phản ảnh trung thực được cái quả báo của Luật Nghiệp Báo. Rõ ràng Luật Nghiệp Báo chứng tỏ rằng kẻ vào tù chưa phải là đã trả xong nợ cũ bởi vì luật pháp xã hội của con người chỉ là một khía cạnh nhỏ mà Luật Nghiệp Báo mới thật sự biểu hiện một cách khách quan cho ân oán phân minh.

Chính Luật Nghiệp Báo rất phù hợp với lương tâm của con người nên không nhất thiết chúng ta là người Phật tử mới thấy nó hợp lý mà ngay cả những người không có khuynh hướng tín ngưỡng cũng chấp nhận sự thật của chân lý nầy. Họ tin rằng có một sự công bình mầu nhiệm chi phối đời sống của con người để người tốt sẽ hưởng được nhiều may mắn và kẻ ác tất nhiên phải gánh chịu nhiều tai vạ.

Mặc dầu Phật có dạy đời là biển khổ, nhưng trong nhân gian ai ai cũng cố bám vào sự sống. Có những người nghèo khổ, sống lây lất ở hè phố qua ngày không có mái nhà để che thân, còn kẻ khác thì vướng bệnh hiểm nghèo mà họ vẫn xem sự sống là một cái gì thật vô cùng quý giá. Thế nên hành vi tước đoạt mạng sống của kẻ khác được xem là sa vào một tội ác nghiêm trọng.

Nếu một kẻ giết người thì đối với luật pháp xã hội đôi khi có thể chỉ lãnh khoảng mười năm đến hai, ba mươi năm tù, nhưng Luật Nghiệp Báo sẽ quyết định về tương lai của hắn ta một cách công bình và hợp lý. Nếu trong khi bị giết mà nạn nhân khởi niệm căm thù và muốn trả oán thì những tư tưởng đó sẽ biến thành hành động cho đời sau và do đó chắc chắn người nạn nhân nầy sẽ trở thành thủ phạm ở đời sau. Một lần nữa Ý Nghiệp đời nầy sẽ chuyển thành Thân Nghiệp cho đời kế tiếp. Tuy nhiên có những trường hợp mà nạn nhân không có ý niệm trả thù bởi vì lúc đó họ chỉ chú tâm nghĩ đến người thân, tiền tài của cải …hoặc có thể họ đạt được hạnh nhẫn nhục cao độ thì đời sau thủ phạm sẽ bị giết bởi một người khác hoặc có thể họ bị một tai nạn như lật xe, rớt máy bay, bị sét đánh…

Nếu có kẻ đã giết người quá nhiều thì quả báo dành cho họ là thường xuyên bị giết hại ở nhiều kiếp về sau. Tệ hại là có thể bị hãm hại khi còn ở trong bụng mẹ nhiều lần. Đây là ứng dụng vào những vụ phá thai. Thêm nữa, khi giết người chồng có nghĩa là người vợ và những đứa con sẽ bơ vơ, côi cút và nghèo khổ do đó cái quả báo dành cho tên sát nhân là đời đời sinh ra bị bỏ rơi, nghèo khổ, lang thang và dốt nát. Đó là chưa kể khi giết một người tức làm đổ vỡ những sự nghiệp của người đó đang cố gắng xây dựng thì quả báo dành cho tên sát nhân là thường xuyên gặp thất bại ở đời sau. Chưa hết, một người bị giết sẽ làm cho nhiều người thân đau khổ thì cái quả báo dành cho tên sát nhân là thường xuyên rơi vào tâm trạng tuyệt vọng đau khổ giống như những kẻ bị bệnh hoang tưởng tâm thần.

Tuy nhiên không phải hễ giết người là phải hứng chịu lấy quả báo như nhau. Việc thọ nhận quả báo vẫn còn tùy thuộc rất nhiều tùy theo giá trị và hoàn cảnh của người bị giết. Chẳng hạn như người bị giết là một công dân lương thiện làm được rất nhiều lợi ích cho xã hội hay là một vĩ nhân thánh thiện như thánh Gandhi, người đã từng đem lợi ích lớn lao cho nhân loại thì quả báo mà thủ phạm phải trả là cực kỳ đau khổ. Hắn sẽ bị đày đọa hành hạ ở vô số kiếp, có khi làm súc vật bị đánh đập giết hại và có khi làm người bần tiện khốn cùng bị giết chết.

Ngược lại nhân viên cảnh sát trong lúc đang thi hành nhiệm vụ đã bắn chết một tên cướp nhà băng nguy hiểm đang gây án. Tên cướp nầy đã từng giết người cướp của gây kinh hoàng cho mọi người thì tội giết người trong trường hợp nầy không đáng kể. Chẳng những thế khi không còn tên cướp thì xã hội sẽ được bình yên hạnh phúc vì thế anh cảnh sát sẽ hưởng thêm một số phước đức. Đây chính là sự công bình của Luật Nghiệp Quả.

Là người Việt Nam thì không ai quên được cuộc chiến kéo dài bao năm trên đất nước khổ đau nầy. Nếu người chiến sĩ chiến đấu ở tuyến đầu để bảo vệ sự an bình cho người dân ở hậu phương thì việc bắn giết là điều không thể tránh. Nhưng cái tội đó có thể được bù đắp bởi công lao đã giữ gìn cho sự yên ổn của rất nhiều lương dân ở sau chiến tuyến. Chỉ khi nào người chiến sĩ nằm trong quân đội đi xâm lăng nước khác thì lúc đó tội của anh ta mới lớn.

Sát hại con người thì như thế còn sát hại thú vật thì Luật Nghiệp Quả định đoạt như thế nào?

Khi giết một con vật thì nghiễm nhiên chúng ta đã tước đoạt sự sống của nó, do đó chính mình đã tạo nên nghiệp rồi. Nhưng tùy theo giá trị của con vật mà có sự phân biệt nặng nhẹ giữa tội và phước.

Khi con người nuôi súc vật để lấy thịt như bò, heo, gà, vịt…thì cái phước nhỏ ở đây là cung cấp thực phẩm cho nhân loại, nhưng cái tội lớn là giết hại biết bao mạng sống của con vật. Thêm nữa, con người càng ăn thịt thì họ sẽ sinh ra nhiều bịnh tật như đau tim, ung thư, nhiễm thú tính…vì thế họ đã gây ra một số tội nghiệp nữa rồi. Một cái phước nhỏ mà phải đổi lấy bao cái tội lớn thì Nghiệp Báo của họ sẽ khủng khiếp về sau.Trong xã hội hiện nay, chúng ta đôi khi nghe có người làm nghề giết thịt như mổ bò, heo, gà, vịt…Đến khi gần chết họ bỗng trở bệnh kêu la rên xiết như heo và thấy ảo ảnh có vô số thú vật đến cắn xé, đòi mạng. Ngay cả con cháu đứng kế bên đâu có thấy gì mà họ cứ gào thét. Thật là bi thảm. Khi mạng chung để chuyển qua kiếp sau thì chắc chắn họ phải đọa làm thú để chịu cảnh đau đớn khi bị mổ giết. Dù chỉ hành nghề trong một đời, mà đã giết hại quá nhiều thú vật nên họ phải đọa làm thú liên tiếp nhiều kiếp về sau để trả cho hết oan trái ngày xưa. Thân người mà phải đọa làm thú thì thật là thê thảm.

Vậy còn có những trường hợp nào khác mà con người sẽ bị đọa làm thú vật ở kiếp sau?

Thông thường những kẻ nào tạo những nghiệp thấp hèn, đê tiện làm mất nhân phẩm và giá trị sẽ bị đọa làm thân thú vật ở đời sau để gánh chịu sự khinh rẻ, coi thường.

Trước hết là phạm vào tà dâm, loạn luân và phá vỡ luân thường đạo lý của xã hội loài người. Nếu con người không thể kìm chế dục vọng của mình, tà dâm không tiết độ thì rõ ràng hạnh nghiệp tương đương với dục vọng của loài thú rồi.

Có người đời trước thọ nhận rất nhiều tài vật của người khác một cách bất chính như trộm cướp, giật nợ hoặc tu sĩ nhận cúng dường nhưng không giới hạnh cộng thêm với tư cách ích kỷ hèn kém thì kiếp sau họ sẽ bị đọa làm các loài lao động như trâu, bò, ngựa…để trả nợ. Còn nếu họ chỉ mắc nợ tài vật mà có tư cách tốt thì đời sau vẫn được làm người nhưng phải lao động quần quật để trả nợ. Do đó chỉ những tài sản được tạo nên từ công lao của mình một cách chân chính, dù ít hay nhiều, thì mới thật là thành quả đền bù của cuộc sống và sẽ không lo sợ trả nợ về sau. Đây mới là sự công bình thật sự trong cuộc đời.

Có người lòng dạ thật ích kỷ đã biến thành hành vi tranh giành cấu xé đồng loại không thương tiếc thì cũng giống như loài thú. Nhiều người vì quá ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, không ngại dùng mọi thủ đoạn hiểm độc để bức hại kẻ khác để thủ lợi cho mình thì tư cách nầy chẳng khác chi loài thú chỉ biết sống theo bản năng ích kỷ, tranh giành. Hành vi giống thú thì quả báo đọa làm thú là điều không tránh khỏi.

Khi nóng giận, có người hay chửi mắng kẻ khác là trâu, bò, chó, heo…Lời nói ác độc nầy được lập đi lập lại nhiều lần trong suốt cuộc đời sẽ đủ sức kết thành quả báo để đọa họ làm thân thú vật ở đời sau. Do đó ngậm máu phun người dơ miệng mình là như vậy.

Chó thì có chó Tây, chó Mỹ và chó Việt. Trong khi phần lớn chó Mỹ được cưng chiều, sung sướng còn chó Ta thì đói khổ mà còn bị con người làm thịt. Tại sao có sự bất bình đẳng nầy? Quả báo nầy có hai nguyên nhân, một là khi còn làm người ở đời trước thì nó có nhiều ân nghĩa với người chủ và đã giúp đở người chủ đắc lực mặc dầu nó đã gây ra một số nghiệp bỉ ổi, mất nhân phẩm. Do nghiệp kém nhân cách, nó phải đọa làm chó, nhưng do ân nghĩa lớn lao với chủ ngày xưa nên nó được cưng chiều như vậy.

Có người nói rằng cây cỏ, rau quả cũng có sự sống thì người ăn chay có mang tội sát sanh hay không?

Khi cắt một ngon rau tức là chúng ta đã xâm phạm đến đời sống của sinh vật thì việc tạo nghiệp là hiển nhiên có nhưng rất nhỏ. Khoa học ngày nay chứng minh rằng thực vật cũng có phản ứng tâm linh, nhưng những phản ứng về khả năng sinh tồn nầy quá thô thiển và đơn giản cho nên nói chung cây cỏ không có những dấu hiệu đau đớn khi chúng ta cắt cây, tỉa cành hay hái quả. Nếu một người suốt đời ăn chay, tiêu thụ rất nhiều rau quả thì cái cộng nghiệp nầy cũng không phải nhỏ, nhưng việc tu hành khiến họ làm rất nhiều điều phước thiện, giáo hóa để tăng trưởng đạo đức cho kẻ khác thì những cái phước nầy sẽ quá dư để bù lại cái tội kia.

Vào năm 1966, ông Backster, nhà bác học đã chế ra bộ máy điện tử để đo lường nói dối, đã làm một cuộc thí nghiệm chứng minh rằng khi sống cạnh nhau, cây cối để ý canh chừng nhau. Khi có một động vật chẳng hạn như con nhện tới gần tạo mối nguy hiểm thì cây cỏ quay sang canh chừng con nhện. Ngoài ra, cây cỏ còn có trí nhớ để nhận biết những chuyện phá hoại chúng và chúng còn biết thương yêu người chăm sóc và biết sung sướng khi người đó trở về.

Cây càng lớn và lâu năm thì năng lực tâm linh càng mạnh. Ở Việt Nam có những cây đại thọ mọc ở sau đình. Khi có người muốn đốn nó thì phản ứng tâm linh của cây đủ sức làm cho người kia mang bệnh mà chết, nhưng người dân không hiểu thì cho rằng động đến thần linh ở trên cây là tuyệt mạng. Như vậy đốn cây là tạo nghiệp còn việc trồng cây, bảo vệ rừng là một phước lớn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]