Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cư Sĩ Bàng Long Uẩn

05/10/201102:50(Xem: 5680)
Cư Sĩ Bàng Long Uẩn

blank
Cư Sĩ Bàng Long Uẩn


Cư sĩ Phật giáo là người còn sống tại gia với gia đình, chưa có cát ái ly gia. Hành giả đã có Quy y với một vị thầy, có pháp danh và thọ ngũ giới. Ngũ giới 五戒(tiếng Phạn: पञ्चशीलानि pañca-śīlāni) là năm giới cấm cơ bản nhất của người tu hành theo Phật giáo, đó là:

Pànàtipàtà veramanì: 離殺生- Ly sát sinh(不殺生 - bất sát sinh) Tránh xa sát sinh.

Adinnàdàna veramanì: 離不與取 - Ly bất dữ thủ (不偷盜 - ly thâu đạo) Tránh xa sự trộm cắp.

Kàmesu micchàcàrà veramanì: 離欲邪行- Ly dục tà hành(不邪淫 - bất tà dâm) Tránh xa sự tà dâm.

Musà vàdà veramanì: (不妄語 - Bất vọng ngữ) Tránh xa sự nói dối.

Suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì: (不飲酒 - Bất ẩm tửu) Tránh xa sự dễ dãi uống rượu và các chất gây nghiện.

Tuy chỉ có 5 giới cấm cơ bản, nhưng trong cuộc sống thực tế, hành giả bị giới hạn rất nhiều, nếu nghiêm túc tuân thủ ngũ giới, hành giả sẽ phải đối diện với những vấn đề sau:

1.Về giới cấm sát sinh. Trong ăn uống hàng ngày, để tránh sát sinh, hành giả phải ăn chay bởi vì chỉ có ăn chay mới hợp với tư tưởng nhân đạo, tránh mọi sự giết chóc. Ngày xưa tu sĩ đi khất thực, ai cho gì thì ăn nấy, kể cả thịt cá. Nhưng ngày nay cư sĩ tại gia, thức ăn do mình chọn lựa, không lý do gì mà ăn thịt cá, gà vịt, nên phải ăn chay là cơ bản, có thể không tuyệt đối, chẳng hạn có thể ăn trứng không trống, uống sữa nhưng cơ bản vẫn là ăn chay.

Tránh sát sinh sẽ dẫn tới dung dưỡng kiến, muỗi, mối, nhện, các loại côn trùng. Hành giả sẽ phải hết sức hạn chế trong việc dùng thuốc trừ mối mọt, thuốc xịt muỗi, tránh quét mạng nhện, có lẽ mỗi năm chỉ quét mạng nhện một lần vào dịp tết và tránh giết chết các con nhện. Gặp rắn rết vào nhà cũng chỉ đuổi đi chứ không giết chết. Tuy nhiên cũng không thể tránh sát sinh một cách tuyệt đối, ví dụ hành giả vẫn phải đun sôi nước uống, lúc bệnh vẫn phải dùng thuốc kháng sinh diệt vi trùng.

2.Về giới không trộm cắp. Giới này tương đối dễ thực hiện, vì phù hợp với luật pháp thế gian. Tuy nhiên khi thực hành thì có rất nhiều vấn đề. Hành giả nếu có đi làm việc thì không được tham nhũng, không lấy của công làm của riêng, không ma giáo để tiền bạc của công ty, của tập thể, chạy vào túi của mình một cách bất chính, gặp của rơi cũng phải tìm cách giao trả về cho chủ. Giới này còn được mở rộng bằng cách hành giả không tìm cách phân phối lại thu nhập quốc dân dù chính đáng. Nghĩa là hành giả kiếm tiền chỉ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của bản thân và gia đình mình, khi nhu cầu này đã được đáp ứng thì hành giả sẽ không tìm cách kiếm thêm tiền dù là hợp pháp, hợp đạo lý. Bởi vì nếu hành giả chiếm một công ăn việc làm (không cần thiết) thì người khác có thể cần việc làm hơn, sẽ mất một chỗ làm. Nếu hành giả có mở công ty, dịch vụ kinh doanh thì cũng không phải vì mục đích kiếm tiền làm giàu cho mình, mà vì công ăn việc làm cho công nhân viên, người lao động, hoặc phục vụ cho một nhu cầu nào đó của xã hội, ví dụ trị bệnh, phổ biến kinh sách, băng đĩa Phật pháp. Ngày xưa Bàng Uẩn 龐蘊 (740-808CN) người huyện Hành Dương Tương Châu 襄州, tỉnh Hồ Nam sống vào đời Đường, là một người giàu có, có vợ cùng với một gái tên Linh Chiếu 靈照 và một trai tên Bàng Đại 龐大.

 Cư sĩ Bàng Long Uẩn 龐蘊居士 (740-808CN)


Ông cảm thấy tài sản là trói buộc, giống như cục nợ, nên đã đem toàn bộ tài sản đổ hết xuống sông Tương, không giữ lại chút gì, hàng ngày chẻ tre đan sáo cho con gái đem ra chợ bán sống qua ngày. Suy nghĩ của ông thật khác với thói quen trọng tiền bạc, vật chất của con người thời nay.

Hành giả chỉ ăn uống đạm bạc để duy trì cuộc sống, chỉ cầu khỏe mạnh chứ không cầu ngon, do đó ăn uống phải rất đơn giản, tốt nhất là ăn uống theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa. Hành giả sẽ không đi du lịch một cách đơn thuần, nghĩa là đi chơi chỉ để tìm vui thú, ngắm cảnh đẹp, lạ. Không tìm cầu ở ngoại cảnh bởi vì Phật đã dạy tất cả là do tâm tạo, vậy những cảnh đẹp ở những xứ sở xa lạ thì có ý nghĩa gì nếu thực chất cũng chỉ là tâm tưởng tượng ? Như vậy hành giả đi đây đó chỉ vì công việc cần thiết chứ không vì bản thân mình, không tìm kiếm một cảm giác tuyệt thú nào đó như người đời thường mơ tưởng.

Hành giả cũng không cầu mặc đẹp, mặc quần áo chỉ để che thân, để thích ứng với khí hậu, thời tiết chứ không bao giờ vì mục đích thời trang. Những kiểu quần áo của tu sĩ và cư sĩ hiện nay đang mặc là những kiểu quần áo đời thường của người đời xưa đã mặc, thời trang của xã hội đã thay đổi rất nhiều trong khi quần áo của giới tu hành không thay đổi, do đó ngày nay nó mới khác với quần áo đời thường của xã hội, nghĩa là đời xưa tu sĩ mặc áo giống người đời nhưng đời nay thì khác do trang phục của người đời đã thay đổi. Hành giả chỉ có một hai bộ đồ để mặc khi đi ra ngoài và vài bộ để mặc ở nhà, giày dép cũng chỉ có một hai đôi, chỉ cần ở mức tối thiểu.

Nhà ở cũng phải đơn giản, chỉ cần tiện nghi tối thiểu. Những phương tiện vật dụng mà hành giả cần như xe cộ, điện thoại di động, cũng chỉ cần là loại phổ thông, rẻ tiền chứ không cần là loại sang trọng, mặc dù cấu hình cũng đủ để đáp ứng các nhu cầu cần thiết. Hành giả chỉ nên sử dụng loại điện thoại giá một vài triệu chứ không nên dùng loại điện thoại cao cấp giá mười mấy hai chục triệu.

3.Về giới bất tà dâm. Cư sĩ là người tại gia, còn sống chung với gia đình, vợ con, nên vấn đề tính dục không tuyệt đối cấm chỉ, nhưng chỉ có với người hôn phối, ngoài ra đều phải tránh.

Dâm dục là một trong tứ khoái của con người, bất kể là nam hay nữ, dục tính là rất mạnh. Trong các triều đình phong kiến thời xưa, các bậc vua chúa đều có hậu cung, trong đó chính thức nuôi chứa rất nhiều gái đẹp để hầu hạ nhà vua. Tần Thủy Hoàng có tới 3000 cung nữ. Trong tác phẩm A Phòng Cung Phú 阿房宮賦 nhà thơ Đỗ Mục 杜牧 mô tả có những cung nữ 36 năm chưa một lần được hân hạnh gặp vua, bởi vì vua có quá nhiều cung nữ:

縵立遠視而望幸焉 Mạn lập viễn thị nhi vọng hạnh yên đứng trông xa ngóng ân trên

有不得見者三十六年 Hữu bất đắc kiến giả tam thập lục niên có người băm sáu năm liền thấy đâu

Võ Tắc Thiên, nữ hoàng đế duy nhất của TQ, là người đàn bà cực kỳ dâm dục, bà là thiếp của Đường Thái Tông 唐太宗. Khi vua băng, bà vào chùa Cảm Nghiệp (感業寺) làm ni cô, dan díu với chú tiểu Phùng Tiểu Bảo 馮小寶, sau lại lấy con của vua Thái Tông là Đường Cao Tông, cho Phùng Tiểu Bảo vào cung làm thái giám với tên mới Tiết Hoài Nghĩa  薛懷義 để tiếp tục quan hệ, rồi dan díu với quan Ngự y Thẩm Nam Cầu 沈南璆 và đạo sĩ Minh Sùng Nghiễm 明崇儼 , lại chung chạ với người tình Trương Xương Tông 张昌宗 của con gái mình là Công chúa Thái Bình 太平公主, và quan hệ luôn với anh của cậu ta là Trương Dịch Chi 张易之.

Những chi tiết trong sách sử cho thấy dục tính của con người là rất ghê gớm. Vì vậy Phật chế định bất tà dâm là một trọng giới. Những vị hoàng đế dù là nam hay nữ, nếu không có gì kềm chế bản năng thì sẽ bộc lộ ra những hành vi giống như Võ Tắc Thiên vậy. Hành giả phải hạn chế sắc dục, nghĩa là phải hiểu rằng sắc đẹp của phụ nữ cũng chỉ là vọng tưởng, là giả tạm không được mê đắm, không được si mê bất cứ vẻ đẹp nào, dù là sắc đẹp của mỹ nhân hay vẻ đẹp của phong cảnh hoặc cái đẹp của lời nói. Hành giả luôn phải nhớ tất cả là do tâm tạo, không có gì là thật, tất cả mọi biểu hiện, mọi lời nói ra hay diễn tả đều không có nghĩa thật. Phải hiểu rằng các nhà lãnh đạo chính trị khi gặp nhau một cách hữu nghị, họ luôn nói ra những điều tốt đẹp nhưng đều không có nghĩa thật, không phải họ cố tình nói một đàng làm một nẻo, nhưng có thể chính bản thân họ cũng không ý thức rằng mọi lời nói ra đều không có nghĩa thật.

4.Về giới cấm vọng ngữ. Hành giả được yêu cầu không nói dối vì nói dối là khẩu nghiệp, một nghiệp thuộc về ba tác nhân: thân, khẩu, ý. Thật ra tất cả mọi nghiệp đều xuất phát từ ý, tức Mạt-na thức, là thức chấp ngã của chúng sinh. Do Mạt-na chấp ngã từ đó nó huy động ý thức và huy động tiền ngũ thức để phục vụ cho cái ta. Tóm lại sự dối gạt từ Mạt-na đi qua ý thức và ra ngoài qua lời nói của cái miệng, nguyên nhân vì muốn lợi mình hại người. Chúng ta có thể mượn tin học hiện đại để diễn tả thì rất rõ ràng. Mạt-na chính là ổ đĩa cứng, nó tự phân biệt mình với các ổ đĩa cứng khác, phân biệt mình khác với internet (được ví với a-lại-da thức). Khi một tập tin nào đó của ổ cứng muốn hoạt động, nó phải chuyển dữ liệu qua bộ nhớ RAM (Random Access Memory = bộ nhớ truy cập tạm thời, ngẫu nhiên, được ví với ý thức) và ra thiết bị ngoại vi, nếu là âm thanh thì qua sound card và ra loa, nếu là chữ viết hay hình ảnh thì qua video card và ra màn hình. Như vậy chúng ta biết rằng tất cả mọi nghiệp đều xuất phát từ ý hay mạt-na thức. Phá ngã chấp tức là làm cho thức mạt-na hiểu rằng cái ta chỉ là giả lập, nó chỉ nhỏ bé, tự phân biệt, tự cô lập, chứ thực ra không có gì khác với tâm (a-lại-da thức) cả, hoàn toàn giống như ổ đĩa cứng, ngoài sức chứa nhỏ hẹp và tự phân biệt, thì dữ liệu của nó không có gì khác với internet.

Thật ra tất cả mọi lời nói đều là vọng ngữ, nghĩa là không có nghĩa thật, nói dối là vọng ngữ, nói thật cũng là vọng ngữ. Ví dụ chúng ta chỉ con ngựa và nói : “đây là con ngựa” thì ta không phạm giới vì nói đúng với sự thật. Nhưng tại sao đó cũng là vọng ngữ ? bởi vì con ngựa cũng chỉ là tưởng tượng, không có thật, con ngựa chỉ là giả danh. Nếu ta phóng đại con ngựa và nhìn thấu tới quy mô nguyên tử và hạt cơ bản thì không còn thấy con ngựa nữa, mà chỉ có proton, neutron và electron. Nếu chúng ta không sử dụng tới 6 giác quan để nhìn ngắm khảo sát thì cả proton, neutron, electron cũng không còn, chúng chỉ là sóng tiềm năng vô hình, không phải vật chất, cái mà Đức Phật gọi là tánh không. Chỉ khi nhìn ngắm, tiếp xúc, đo đạc, electron cũng như nguyên tử mới hiển thị thành vật chất. Như vậy con ngựa thực chất chỉ là tính không, con ngựa là do tâm tạo, vốn không có thật. Sở dĩ năm 1982, tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, Trương Bảo Thắng có thể lấy một trái táo ra khỏi cái thùng sắt được hàn kín trước mắt các lãnh đạo và các nhà khoa học, là bởi vì trái táo cũng như cái thùng sắt vốn là không có thật, chỉ là tưởng tượng, chỉ là tính không.

Nói dối là vọng ngữ, nói thật cũng là vọng ngữ, vậy tại sao hành giả vẫn phải giữ giới, không được nói dối ? Bởi vì chúng ta chưa đạt tới vô phân biệt trí, chúng ta vẫn còn phân biệt có không, thiện ác, tốt xấu. Trong tình hình như vậy thì giới luật vẫn còn cần thiết để chế ngự dần dần sự chấp ngã của cái ta, đó là quá trình tu hành cần thiết.

5.Về giới cấm không uống rượu. Giới này cấm hành giả dùng rượu và các chất kích thích thần kinh, sợ hành giả mất kiểm soát bản thân, chẳng hạn không dùng ma túy, không hút thuốc. Giới này đối với tu sĩ thì nghiêm ngặt hơn nhưng đối với cư sĩ có lẽ không quá tuyệt đối, ví dụ trong những dịp lễ lộc, liên hoan, tết nhất, hành giả uống chút ít rượu cho đúng lễ cũng không sao. Đối với các chất ma túy như heroin, cần sa, thuốc phiện thì tuyệt đối không được đụng đến, nhưng với trà, cà phê, thuốc lá thì có thể châm chế vì các chất này không quá tai hại. Mỗi sáng hành giả có thể uống một cốc cà phê sữa cũng không hại gì. Đối với Đại thừa Phật giáo thì không quá câu nệ đối với giới luật. 

Chẳng hạn lục tổ Huệ Năng sau khi được ngũ tổ Hoằng Nhẫn truyền y bát, vẫn chưa ra hoằng pháp, mà còn trong thời kỳ bảo nhiệm, tức là thời kỳ rũ bỏ dần tập khí trước khi đại triển khai thiền pháp, ông sống chung với bọn thợ săn, hàng ngày ăn rau luộc, rau gửi nhờ luộc chung trong trong nồi thịt luộc của bọn thợ săn cho tiện. 

Thiển nghĩ, không phải ông không thể luộc rau riêng, nhưng Huệ Năng muốn thực hành vô phân biệt trí, không giữ giới mà vẫn không phạm giới, bởi vì ông không có tác ý, không phân biệt rau trong nồi thịt luộc và rau luộc trong nồi riêng, trong vô phân biệt trí thì rau cũng không mà thịt cũng không.

Kết luận

Trong đời sống hàng ngày của mình, cư sĩ nghiêm túc thực hành ngũ giới. Nhưng mặt khác, vì còn sống trong thế tục, hành giả phải hòa hợp với những người khác trong gia đình và hòa hợp với cư dân trong xã hội. Nếu không phát nguyện ăn chay trường, hành giả đôi khi phải dùng món mặn trong những dịp đám cưới đám giỗ. Cũng giống như tu sĩ khất thực thời xưa, nếu người cúng dường dâng thịt cá thì tu sĩ cũng phải ăn, thế nên cư sĩ đi đám cưới đám giỗ, có ngã mặn, uống chút rượu bia cũng không phải phạm giới, chỉ có điều là không tác ý, không phải ham thích ăn mặn, uống bia, mà đó chỉ là hòa hợp với xã hội.

Hành giả vẫn phải sử dụng những phương tiện hiện đại như xe hơi, xe máy để đi lại; sử dụng smartphone để liên lạc với người ở xa, truy cập internet để nắm được thông tin trong nước và thế giới. Đối với mọi loại thông tin, hành giả không nên để bị ảnh hưởng. Nghĩa là hành giả vẫn nắm được thông tin nhưng tâm vẫn tĩnh lặng không bị quá xúc động. Chẳng hạn đối với những trường hợp giết người dã man, hoặc tai nạn thảm khốc cũng không sinh lòng sợ hãi hoặc thù hận. Tại sao tâm phải tĩnh lặng, đối cảnh bất sinh tình ? Bởi vì Phật đã dạy rằng luân hồi nghiệp báo là điều không thể tránh khỏi. Việc xảy ra trong hiện tại không phải ngẫu nhiên mà là do duyên nghiệp trong quá khứ. Cũng giống như tiến sĩ vật lý Nguyễn Tường Bách đã nói, chúng ta không nên sợ quả vì quả là không thể tránh khỏi, chỉ cần sợ nhân, đừng gây ra nhân ác thì sẽ tránh được nghiệp ác trong tương lai.

Sợ Nhân Không Sợ Quả – Nguyễn Tường Bách

https://www.youtube.com/watch?v=IMqXf0s_ddo

Gặp những thông tin khác, chẳng hạn vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tranh giành biển đảo, hành giả cũng nên tiếp nhận thông tin một cách trí tuệ để tránh nổi lòng sân hận trái với Phật pháp. Nhận thức trí tuệ là thế nào ? Chúng ta nên nhớ rằng Phật dạy chấp ngã và chấp pháp là một căn bệnh khó chữa của chúng sinh. Ngã và ngã sở cũng như tất cả các pháp vốn là không có thật, ngã pháp đều là không, dân tộc, biển đảo cũng chẳng phải là ngoại lệ. Tranh giành biển đảo vốn là sự mê muội chấp thật, chấp ngã chấp pháp. Chính sự chấp trước đó là nguồn gốc của đau khổ. Vì tranh giành, chúng ta nổi lên lòng sân hận đốt cháy tâm can, chúng ta buồn rầu đau khổ vì bất lực không giải quyết được vấn đề, chúng ta trách móc nhà cầm quyền hèn yếu, trách móc đối phương ngang ngược. Nhưng chúng ta có thử tự hỏi, nếu chúng ta là nhà cầm quyền hoặc là đối phương thì có làm khác đi không ? Câu trả lời e rằng là không, con người đầy ham muốn, mê muội không hiểu sự thật là thế nào, cứ cho mình là đúng, mạnh hiếp yếu, cả hai phía hành động giống như con thiêu thân lao vào lửa đỏ, chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề. Ở đây xin bàn rộng thêm một chút về những vấn đề thời sự nóng bỏng của thế giới.

Những cuộc bắn giết bừa bãi đánh bom tự sát tại Paris, cuộc tranh giành biển đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông, chủ trương khủng bố tàn bạo của nhà nước Hồi giáo IS, suy cho cùng ai là người phải chịu trách nhiệm? Chúng ta đừng nghĩ rằng mình không có trách nhiệm gì trong đó, cũng đừng đổ hết trách nhiệm cho giới lãnh đạo cầm quyền. Thật tế, tất cả mọi người đều có trách nhiệm. Tại sao? Những sự kiện đó xảy ra là dựa trên những lầm lẫn cơ bản mà tất cả mọi người đều phạm phải. Những lầm lẫn cơ bản đó là gì ? Đó là ngã và pháp, Phật pháp từ lâu đã nói rất rõ rằng đây chỉ là hai thứ khái niệm giả tạo, giả lập. Ngã cũng không mà pháp cũng không. Thế gian chỉ là tưởng tượng, chỉ là huyễn ảo, chúng ta không nên cho rằng thế gian là tuyệt đối có thật. Vấn đề tu hành của phật tử, vấn đề lớn nhất mà Phật muốn dạy bảo loài người là phá ngã chấp và phá pháp chấp. Sở dĩ con người ngày nay lâm vào bế tắc vô phương giải quyết chính là vì con người mê muội, cứ mãi kiên cố nắm giữ Cái Ta (Ngã ) và cái của ta (Ngã Sở cũng tức là Pháp). Chính hai thứ khái niệm đó là nguyên nhân của tất cả mọi thảm họa kể cả thiên tai như động đất, sóng thần, bão tố, lụt lội, núi lửa; kể cả nhân họa là những thảm cảnh chiến tranh, khủng bố, bạo lực, hàng triệu người phải di cư, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ quê hương xóm làng đi tha phương cầu thực. Ai vẫn còn mang nặng tâm chấp ngã, chấp pháp thì phải chịu trách nhiệm về tất cả những tai ương đó. Phật đã nói tất cả là do tâm tạo (一切唯心造  Nhất thiết duy tâm tạo, Kinh Hoa Nghiêm). Ngày nay đã có chứng cứ khoa học rõ ràng về vấn đề tâm tạo ra vật chất, tâm tạo ra thế giới, tâm tạo ra vũ trụ mà blog Duy Lực Thiền đã đề cập rất nhiều. Phật đã nói rõ rằng tất cả các pháp đều không có tự tính, những cảnh giới vật chất mà chúng ta thấy và cảm nhận đều là tưởng tượng, đều là tâm niệm của cái ta giả tạo gán ghép cho cái tiềm thể là sóng vô hình phi vật chất mà khoa học gọi là sóng tiềm năng (potential wave) hay miền tần số (frequency domain), chính tâm niệm của cái ta biến sóng tiềm năng này thành vật chất, chính cái tập khí (thói quen lâu đời phổ biến, kinh điển gọi là thế lưu bố tưởng) biến sóng tần số phi vật chất thành vật chất mà khoa học đã lý giải và các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý đã chứng tỏ bằng thực nghiệm.

Nỗi đau khổ của chúng ta phản ánh sự ngu muội chứ không phản ánh trí tuệ. Cái hành giả muốn là làm chủ vũ trụ vạn vật, làm chủ tam giới, vì Phật dạy Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Tâm tạo ra vũ trụ, tất cả chúng sinh đều cùng một tâm, vậy đâu cần phải tranh giành, đâu cần phải chém giết lẫn nhau. Đây là vấn đề rất khó hiểu, rất khó nắm bắt khiến cho ngay cả những nhà khoa học hàng đầu thế giới vẫn còn nhầm lẫn. Tuy vậy sự thật vẫn có lúc được chứng minh.

Tranh Luận Giữa Bohr Và Einstein Về Cơ Học Lượng Tử

https://www.youtube.com/watch?v=E9RYW5_TGk0

Ngoài việc thực hành giới luật, hành giả cũng cần tham thiền nhập định để tự mình trải nghiệm tính chất không thật của thời gian và không gian. Qua thiền sử, chúng ta biết rằng Hư Vân hòa thượng có lần nhập định tại núi Chung Nam gần Tây An tỉnh Thiểm Tây, mùa xuân năm đó ngài nhập định khoảng nửa tháng nhưng cảm thấy chỉ mới chốc lát.

Xa xưa hơn nữa, sư Huệ Trì, em ruột của đại sư Huệ Viễn, nhập định hơn 700 năm tại Tứ Xuyên mà cũng tưởng chừng mới nhập định một lát.

Năm 1967, Pháp sư Khoan Tịnh nhập định tại chùa Mạch Tà Nham, thấy đi tới núi Cửu Tiên (cách chùa 200km) huyện Đức Hóa tỉnh Phước Kiến, TQ. Khi nhập định, tâm tưởng của ông đã thay đổi không gian, thấy mình đến cõi giới Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà. Năm 1980, pháp sư Khoan Tịnh có lần nhập định kéo dài 6 ngày rưỡi.

Những trải nghiệm này chứng tỏ không gian và thời gian chỉ là huyễn ảo, không gian và thời gian là do tâm tưởng tượng ra, điều đó đã rõ ràng, khoa học ngày nay có thể chứng minh. Chẳng hạn hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement), thuyết Big Bang về sự hình thành vũ trụ mà những người có học không xa lạ gì, nhưng có thể chưa hiểu hết ý nghĩa.

Tác giả: Truyền Bình

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]