Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưởng nhớ Thầy Pháp Ý

14/11/201414:24(Xem: 6794)
Tưởng nhớ Thầy Pháp Ý

Su Ong va thay Phap YThầy Pháp Ý - một sư anh lớn trong Tăng thân Làng Mai - đã thị tịch vào sáng thứ Sáu ngày 7 tháng 2 năm 2014. Thầy ra đi nhẹ nhàng, thanh thản trong vòng tay thương yêu của tăng thân. Trong suốt 14 năm gắn bó với tăng thân, thầy đã sống trọn vẹn, hết lòng và hiến tặng cho đại chúng sự có mặt tươi mát, vững chãi cùng nụ cười hồn nhiên, chân thật của mình. Sau đây là những lời tâm tình, chia sẻ của Thầy Làng Mai và các huynh đệ dành cho thầy Pháp Ý:

 

Chia sẻ của Thầy Làng Mai
 
(trong bài pháp thoại kết thúc khóa an cư kết đông 2013 - 2014 tại xóm Hạ):

"Mỗi buổi sáng ở xóm Thượng, thầy Pháp Ý đi ngồi thiền rất sớm. Thầy Pháp Ý là một trong những sư anh có mặt sớm nhất trong thiền đường. Mặc dù bị bệnh đã nhiều năm rồi, nhưng thầy tu học rất tinh chuyên, và biết trân quý những tháng ngày còn lại.

Mỗi bữa trưa ăn cơm ở tại nhà ăn, thầy Pháp Ứng ngồi ở bên tay mặt của Thầy, thầy Pháp Ý ngồi bên tay trái của Thầy. Trưa nào cũng vậy. Thường thường Thầy đều gắp thức ăn cho cả thầy Pháp Ứng và thầy Pháp Ý. Ngày chót là ngày 7/2, thầy vẫn đi lấy thức ăn sáng, nhưng đến 11h thì bị khó thở đột ngột và thầy ra đi rất mau.

Thầy Pháp Ý hồi còn trẻ đã là một Đảng viên của Đảng Cộng sản Ý, tranh đấu và chủ trương vô thần – không tin tưởng ở thần linh. Nhưng sau đó đi Ấn Độ, thầy được thọ giới sadi trong truyền thống Tây Tạng. Khi tới Làng Mai, xóm Thượng, thầy tới với tư cách một sa-di Tây Tạng. Và thầy được thay áo nâu của truyền thống Đại thừa ở Việt Nam. Sau nhiều năm tu học tại Làng Mai, Thầy được thọ giới lớn và được truyền đăng làm giáo thọ.

Mỗi lần được đi với Tăng đoàn về bên Ý để tổ chức khóa tu thì thầy hạnh phúc lắm. Thầy hướng dẫn tăng đoàn đi tham quan như là một người anh. Có một lần thầy giận Sư cô Chân Không. Không biết ai nói gì đó mà thầy giận sư cô Chân Không. Nghe như vậy, Thầy mới viết cho thầy Pháp Ý một lá thơ, chỉ có một hàng thôi và bảo thị giả đem vào Tăng xá cho thầy. Trong đó Thầy viết như thế này: “Này thầy Pháp Ý, thầy có biết người thương thầy nhất trong Làng này là ai không? Đó là sư cô Chân Không”. Thầy hết giận liền!

Trong lễ tẩy tịnh và cầu siêu cho thầy, mình có nói là: thân này không phải là tôi, hình hài này không phải là tôi. Tôi không bị hạn cuộc vào thân này, tôi là sự sống thênh thang. Và tôi vẫn tiếp tục đi như một dòng sông với Tăng thân về tương lai. Đúng như vậy! Thành ra trong đời sống hàng ngày, mình phải thấy được sự có mặt của thầy Pháp Ý – một sư anh lớn, đã xuất gia gần 20 năm, Thượng tọa Thích Chân Pháp Ý."

 

Chia sẻ của thầy Pháp Đăng:

Thầy Pháp Ý thương,

Pháp Ý có nghĩa là ý của chánh pháp, đại ý của Phật Pháp. Chữ Ý cũng có nghĩa nước Ý, bởi thầy là người Ý.

Thầy đã đến với tăng thân Làng Mai vào một ngày đẹp trời của khóa tu mùa Hè năm 1999 trong hình dáng sadi cuốn y màu đỏ của truyền thống Tây Tạng, và chú Sadi ấy đã thương ngay cái khung cảnh và đời sống tu tập tại đây.

Mùa hè là mùa vui nhất ở Làng Mai, đi đâu cũng thấy nụ cười, bước chân, đến đâu cũng có người chia sẻ, pháp đàm, thiền trà, thiền ngồi, và có cả tiếng cười, tiếng hát và tiếng vui đùa của trẻ thơ.

Thầy sinh năm 1939, tập sự xuất gia năm 1992 (53 tuổi), thọ giới Sa Di năm 1994 (55 tuổi) tại Ấn Độ, pháp danh Tenzin Chojor. Thọ giới lớn ngày 8 tháng 12 năm 2000 trong đại giới đàn Năm 2000. Thầy được Sư Ông Làng Mai truyền đăng năm 2006 trong đại giới đàn Văn Lang với bài kệ truyền đăng:

Pháp hoa nở cánh siêu trần.
Tinh chuyên thủ Ý cao thâm tìm về.
Xa rồi bến hoặc bờ mê.
Thênh thang phương ngoại tình quê thỏa lòng. 

Như thế đó, thầy ở lại với tăng thân cho đến lúc thu thần thị tịch vào sáng thứ Sáu ngày 7 tháng 2 năm 2014, một cách nhẹ nhàng, lặng lẽ, thảnh thơi, không có một tiếng rên siết, kêu la, sầu khổ. 

Hôm thứ Năm (mùng 6/2) là ngày chánh niệm ở Xóm Thượng. Đang sắp hàng lấy thức ăn, thầy xuất hiện bên cạnh để nói việc gì đó với sư em Tự Tại, tôi vỗ vai thầy. Thầy quay qua, bàn tay tôi đã nắm chặt bàn tay của thầy. Cử chỉ này, hai anh em thường làm mỗi khi gặp nhau, tôi luôn bắt tay thầy với một nụ cười thật lớn. Thầy nói: “Ôi! Ông sư đệ”! Cười lớn, tôi trả lời: “Ồ! Lão sư huynh”. Hạnh phúc tuyệt vời vậy đó! 

Mới ngày 23 trước tết Âm Lịch, thầy làm pizza thật ngon đãi đại chúng Xóm Thượng và Sơn Hạ! Ngồi gần bàn thức ăn, tôi thấy thầy tận tình đưa từng cái pizza cho mỗi người và nghe tiếng thầy rao lớn: “Pizza chay đây! Ai muốn ăn không?” Thật là dễ thương! Thỉnh thoảng, thầy còn đãi đại chúng món pasta Ý. Hai món này là hai món ngon nhất của thầy. Có thể nói rằng ở Làng Mai chưa ai làm hai món này ngon hơn thầy Pháp Ý.

Thầy tích cực tinh tấn trong sự thực tập hàng ngày, đặc biệt là các buổi họp. Buổi họp nào cũng mặt của thầy. Trong cuộc họp, có lúc thầy bộc lộ sự không đồng ý với người vừa phát biểu, có lúc thầy nổi nóng, nhưng thầy luôn biết nương tựa vào sự quyết định của tăng thân. Tính thẳng thắn, bộc phát ấy của thầy làm cho anh em chẳng biết nói gì hơn là cười huề. Tính tình ấy dễ sống, dễ hiểu nhau hơn, có phải không thầy?

Thầy cưng chiếc ghế ngồi thiền (a little bench) mà thầy thường dùng. Có lẽ, cái ghế này theo thầy mười mấy năm qua. Ai mà đụng tới cái ghế ấy là không xong! Tại sao? Tại vì thầy sẽ lấy lại cho bằng được. Điều này cũng dễ hiểu và dễ thương, bởi cái ghế ấy giúp thầy ngồi thiền có nhiều an lạc. Trước buổi lễ hỏa tán, mọi người đang xúc động bồi hồi tiễn đưa thể xác thầy vào lò thiêu, thầy Pháp Thạnh đưa chiếc ghế lên và nói rằng xin gửi chiếc ghế này cho thầy Pháp Ý ngồi thiền làm cho mọi người cười ầm lên. 

Mùa xuân năm ngoái, thầy được đi theo Sư Ông chuyến hoàng pháp ở Hồng Kông. Thầy thật là hạnh phúc! Thầy đi chơi với anh em, ăn tiệm, ăn bánh sandwich, uống cafe... Thầy mua sắm thật nhiều thứ như trà, thuốc Bắc, miso, sâm, đến cả cái ấm nấu nước sôi bằng điện. Thầy nói với thầy Pháp Hải: “Tôi không thể chờ đợi để thấy cái ấm nấu nước sôi ấy.” (I can’t wait to see that water boiling cooker.) Có lần thầy Pháp Hải hỏi: “Thầy Pháp Ý, thầy có muốn đi nghe Pháp Thoại công cộng không?” (Do you want to go to the public talk, thầy Pháp Ý?) Thầy trả lời: “Tôi không đi đâu hết, tôi đã mua sắm đầy đủ rồi.” (I am not going anywhere. I got everything that I need.) Pháp Ý ơi! Thầy có biết thầy đang trở về với tuổi thơ không? Thích gì thì ăn nấy, vui cười thoải mái...

Thầy có nhiều thứ bệnh trong thân thể như cao máu, bệnh tim, thiếu bạch huyết cầu, u... Có lần, thầy bị bệnh khá nặng phải nằm lại bệnh viện. Anh em lo ngại thầy sẽ không vượt qua cơn bệnh lúc ấy. Ai ngờ, thầy phục hồi và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ ngày ấy, thầy trở nên con người dễ thương, cởi mở, gần gũi,... Nói chung, tăng thân có một thầy Pháp Ý hoàn toàn mới lạ. Thầy rất thương Sư Ông, sư cô Chân Không và tăng thân, đặc biệt thương các sư em. 

Thầy đến với tăng thân một cách lặng lẽ mà ra đi cũng thầm lặng để lại trong lòng mọi người biết bao kỷ niệm đẹp, chứa cả bầu trời vui buồn, hờn giận lẫn thương yêu. Buổi sáng thầy tịch, thì buổi trưa Sư Ông và tăng thân có buổi lễ sái tịnh cầu siêu cho thầy. Sư Ông vừa đặt bàn tay trên trán thầy, vừa khai thị: “Pháp Ý mỉm cười đi! Đám mây không bao giờ chết. Đám mây chỉ trở thành mưa, thành tuyết...Pháp Ý đang có mặt trong Thầy, trong tăng thân, trong các sư anh, sư chị, sư em.” 

Ôi! Lời khai thị của Sư Ông Làng Mai ngắn ngủi, đầy thương yêu mà sâu thẳm vô cùng, lời pháp nhũ ngọt ngào ấy thích hợp với thầy biết mấy! Hiếm có vị đệ tử nào được Sư Ông Làng Mai đặt bàn tay khi thị tịch kể cả sư anh Giác Thanh. Pháp Ý ơi! Thầy may mắn lắm! Thầy hãy mỉm cười đi, yên nghỉ nơi Chân Tâm tỏa sáng, nơi hiện tại tuyệt vời. Đại chúng sẽ gặp thầy nơi mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi nụ cười. Thầy thử nghe bài thơ ‘Mỗi Mũi Tên Rơi Hai Cờ Huyễn Tượng’ của bổn sư nhé:

“Cũng như dòng suối về gặp đại dương
Ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới
Tiếng hát kia vẳng lại sẽ đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường.”

Tôi sẽ không ra đi 
Hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến
Nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím.
Là lá là hoa, em đã có từ tôi từ vô thỉ
Và màu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi
Nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi...
...
Em có nhớ ngày đầu tiên khi Mẹ đưa tôi về, nhờ năm nhóm nhiệm mầu, em mới trông thấy bóng hình tôi hiển lộ?
Ngày mai bóng hình mất đi
Em hãy mỉm cười
Và bình thản tìm tôi trở lại
Tìm tôi qua thanh sắc đã sinh và đã mất
Để thấy rằng tôi vẫn còn chân thực
Chưa bao giờ đi
Chưa bao giờ đến
Qua thời gian, qua nhận thức, qua chủ khách tồn sinh.

Tìm tôi và tiện dịp em tìm em
Nét khám phá nguyên sơ
Chỉ cho em thấy rằng em là bất diệt
Em sẽ thấy 
Không có gì đi, mất
Và với một mũi tên thôi, em bắn rơi một lần hai lá cờ huyễn tượng.

Chân như sẽ xuất hiện mầu nhiệm nơi tử sinh
Tôi đang mỉm cười an nhiên trong phút giây hiện tại
Nụ cười nở mãi trong bài ca mùa xuân bất tận
Trong nụ cười kia em cũng sẽ thấy em còn mãi
Bởi vì em quả thực chưa từng bao giờ hiện hữu trong ảo tưởng tồn sinh.
...
Và suối chim khuyên em hôm nay
“Hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca.”

- Thơ từng ôm mặt trời từng hạt- trang 197- Sư Ông Làng Mai.

Chùa Sơn Hạ, Cốc An trú 
Sư anh Pháp Đăng.

Chia sẻ của thầy Pháp Dung (được chuyển ngữ từ tiếng Anh):

Chào thầy Pháp Ý,

“Cuộc hội ngộ giữa chúng ta chưa thể kết thúc và cũng sẽ không bao giờ kết thúc!” Cuộc hội ngộ này sẽ tiếp diễn khi những chiếc lá sồi chao liệng trước gió, khi những sợi nắng vàng vắt ngang qua khoảng sân bóng chuyền xóm Thượng, và khi những bông hoa thủy tiên bắt đầu hé nở vào mùa xuân năm nay, và nhiều mùa xuân nữa.

Thầy vẫn còn đây với huynh đệ - nụ cười của thầy làm sáng cả khu tăng xá, những bước chân nhẹ nhàng của thầy dọc hành lang, và dĩ nhiên không ai có thể quên những lời chia sẻ rất thẳng thắn của thầy. Những lời chia sẻ phát xuất từ tình thương mà thầy dành cho Sư Ông, từ sự quan tâm thầy dành cho huynh đệ và mong muốn bảo vệ tăng thân. Dù sống ẩn mình với cánh cửa phòng luôn khép kín, thầy không thể giấu đi ước muốn tiếp cận, kết nối với mọi người và yêu thương mọi người trong đại chúng, dẫu biết rằng để làm được điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Cảm ơn thầy đã ở lại với tăng thân và mở cửa trái tim mình để một vài huynh đệ có cơ hội được cảm nhận sự dịu dàng và dễ bị tổn thương của thầy, tiếp xúc với thầy như một con người thật sự. Từ nay trở đi, mỗi khi một sư em chăm sóc cho một sư anh là có sự hiện diện của thầy; khi ai đó đi tìm cái ghế ngồi thiền bằng gỗ trong thiền đường là có thầy ở đó; khi các huynh đệ cùng nhau thưởng thức pasta hay pizza, thầy cũng sẽ có mặt với mọi người.

“Cuộc hội ngộ này sẽ luôn tiếp diễn.” Sự chuyển tiếp của thầy để đi vào một hình thái mới không giới hạn và không hình tướng thật sự làm tất cả mọi người cảm động. Rất nhanh và rất quả quyết. Có rất nhiều bình an và sự tùy thuận trong thân và tâm của thầy. Không có sự giằng co, cũng không có chút hoang mang nào hết. Ngay cả khi cảnh sát và nhân viên cứu thương bao quanh cũng thế.

Sáng hôm ấy, thầy đã ra đi trong sự hiện diện của huynh đệ, những người yêu thương thầy. Ai cũng bình an. Mọi người chia sẻ những giây phút cuối, những hơi thở cuối của thầy. Không ân hận, không nuối tiếc. Đại chúng tiếp tục thở cho thầy, thở cùng thầy và mở lòng mình ra với thầy. Các huynh đệ đều quyết tâm tiếp tục ở lại cùng tăng thân để xây dựng và bảo vệ, cũng như thầy đã từng làm, và tiếp tục công việc của thầy - đó là làm sao cho Xóm Thượng và tất cả các xóm khác trở thành ngôi nhà chung cho tất cả chúng ta.

Thầy đã thách thức mọi người đối diện với bản thân, đối diện với thầy và đối diện nhau một cách thật trung thực. Đại chúng xin nguyện sẽ tiếp tục tin cậy nhau hơn, không sợ hãi, mở lòng ra cho nhau, đến với nhau, như thầy đã làm sau khi từ Israel trở về. Chuyến đi Israel đã giúp cho thầy tiếp xúc với ngôi nhà đích thực trong trái tim thầy. Chuyến đi ấy đã chuyển hóa thầy và giúp cho trái tim thầy mềm lại. Thầy đã mang sự ấm áp và mềm dịu đó trong trái tim về chia sẻ với huynh đệ ở Xóm Thượng. Đại chúng vẫn còn nhớ rõ ngày thầy ra đón các anh em trở về từ chuyến hoằng pháp Bắc Mỹ. Thầy ôm các anh em như một người ông, người chú, như một sư anh. Thầy ôm mọi người và giữ họ trong vòng tay lâu hơn thường lệ một chút. Có một cái gì đó êm dịu hơn, một cái gì đó rất con người, rất thật – chính cái đó ở thầy sẽ được mọi người tiếp nối.

Tuyệt vời thay được sinh ra làm người, được tu tập và được sống cùng nhau cuộc sống của những người xuất sĩ. Hẹn gặp thầy trên những con đường cũng như trong nhà bếp của xóm Thượng – hay còn gọi là "dưới phố" theo cách nói hài hước của thầy.

Chia sẻ của sư cô Mai Nghiêm (được chuyển ngữ từ tiếng Pháp):

Sư cha kính thương,

Sáng nay chúng con nhận được tin: sư cha Pháp Ý đang tiếp tục cười với chúng con qua hình tướng của một đám mây.

Sư cha thương quý, nụ cười của sư cha vẫn còn đang vang vọng trên cánh rừng Thệ Nhật, làm cho mấy con chim bồ câu đang bay ngang qua cũng phải ngạc nhiên, còn mấy con quạ thì phải giương mắt nhìn nghiêng ngó.

Trong tâm trí các sư con, sư cha có vẻ vẫn còn đang nằm nghỉ ngơi trên giường, với một nụ cười không bao giờ tắt trên môi… và kia rồi, sư cha lại bắt đầu chọc phá như thường lệ: cùng mấy chú ếch trong hồ sen nhảy phóc lên làm nước văng tung tóe, cất cao tiếng hót cùng với mấy chú én mùa xuân đang đậu trên mấy hàng dây điện, hoặc trốn trong ánh mắt nghịch ngợm của một chú sóc đang từ trên một gốc cây cao nhìn xuống …. Tất cả những cái đó đều là cách sư cha cho chúng con biết:“Đừng tìm tôi ở hình hài đang nằm trên giường! Ở đó tôi chỉ để lại một bì thư thôi. Lá thư đã được gửi vào vũ trụ rồi – gửi bằng một đường nhanh hơn cả email! Đừng để phí một giây phút nào nữa! Hãy đọc lá thư đi!”

Sáng nay khi nhận được tin sư cha ra đi, con nhớ lại trong một bài pháp thoại dành cho xuất sĩ, Sư Ông có nói: “Thầy Pháp Ý có nụ cười đẹp quá!” Nụ cười của sư cha rạng rỡ như nụ cười bé thơ, giọng nói của sư cha ồm ồm như giọng của một ông gấu, mỗi lần gặp con là sư cha lại la lên: “Chào Caroline! Về đây ở phải khôn?” (Có bao giờ sư cha gọi pháp danh Mai Nghiêm của con đâu.) Rồi sư cha cười vang một cách thật dễ mến, tiếng cười dễ làm cho người khác phải xiêu lòng.

Sư cha thương mến, nụ cười của sư cha là nụ cười của một người đã đi qua bao hiểm nguy và giông tố của cuộc đời, vì vậy mà nó luôn tỏa sáng, rạng rỡ. Chính nụ cười ấy của sư cha sẽ luôn sống mãi trong lòng tăng thân.

Khi nhận được bức thư pháp của Sư Ông vào lúc gần trưa, con đã cười qua nước mắt. Đẹp làm sao khi nhìn những dòng thư pháp như đang tươi cười nhảy múa! Đẹp làm sao nét mực của Sư Ông, thật nhẹ nhưng thật hùng, chứa đầy sức sống và tình thương của một người thầy dành cho đệ tử: dòng máu của người cha tâm linh đang luân lưu mạnh mẽ trong huyết quản của người con. Nhìn bức thư pháp, con thấy rõ rằng: nụ cười của sư cha sẽ không bao giờ chết.

Con đang cười nụ cười của sư cha đó!

Sư con Mai Nghiêm.

 

Xem thêm một số hình ảnh về thầy Pháp Ý:

Thầy Pháp Ý làm pizza đãi đại chúng

Thầy Pháp Ý trong Khóa tu WakeUp ở Israel, 7-9/03/2013

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567