Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Nhân Vật Kiệt Xuất Của Á Châu Trong Sáu Thập Niên Qua

22/06/201102:44(Xem: 7487)
Những Nhân Vật Kiệt Xuất Của Á Châu Trong Sáu Thập Niên Qua


NHỮNG NHÂN VẬT KIỆT XUẤT

CỦA Á CHÂU TRONG SÁU THẬP NIÊN QUA
Tâm Hà Lê Công Đa trích dịch




Hình: Theo chiều kim đồng hồ, từ bên trái, phía trên: Freddie Mercury, Đặng Tiểu Bình, Mahatma Gandhi, Lý Tiểu Long, Aung San Suu Kyi, Lakshmi Mittal, Gong Li, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Salman Rushdie, Li Ka-shing và Mẹ Teresa.

Trong sáu thập niên qua, TIME đã không ngừng ghi chép lại những vinh quang cùng khổ nhọc của Á châu. Trong số đặc biệt kỷ niệm thường niên hôm nay, chúng tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng của mình đến những nhân vật nổi bật đã góp phần vào việc hình thành nên thời đại chúng ta. Những thập niên xáo động nhất của một lục địa đông dân nhất trên trái đất này đã sản sinh ra hàng loạt những nhân vật kiệt xuất. Trong sáu mươi năm qua, kể từ khi TIME bắt đầu cho xuất bản ấn bản Á Châu, chúng tôi đã có cái đặc ân là được gặp gỡ đa số những nhân vật ngoại hạng này –theo dấu cuộc vận động hay trên chiến trường, trong phòng hội hay trong phòng thí nghiệm, tại cơ sở sản xuất hay tại phim trường. Qua những cá nhân xuất chúng này, chúng tôi đã viết nên câu chuyện về sự chuyển mình của một Á Châu đói nghèo thành một trung tâm quyền lực, từ kẻ đi bắt chước trở thành một khuôn mẫu để noi theo, từ một vùng đất bị đô hộ trở thành kẻ dẫn đầu nền kinh tế thế giới bước vào một kỷ nguyên mới. Từ Gandhi đến Rushdie, từ Lý Tiểu Long đến Li Ka-shing, với số đặc biệt thường niên này, chúng tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đến những nhân vật –nam và nữ- đã hình thành nên vận mệnh và thời đại chúng ta.

dalailama-smh

Đức Đạt Lai Lạt Ma
Deepak Chopra

Vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, con người không thuộc về đời sống thế gian nhưng đồng thời lại rất mực gắn bó, dính líu mật thiết với thế gian này. Với sự tinh tế, ngài dạy cho ta một bài học về nhẫn nhục, khiêm tốn và từ bi.

Như một định mệnh, các nhà lãnh đạo tinh thần lớn vừa là ngọn hải đăng vừa là cột thu lôi. Đã không có ai đón nhận cả hai vai trò này một cách nhuần nhuyễn hơn là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Là ngọn hải đăng, ngài đại diện cho tiếng nói Phật giáo hầu như trên khắp thế giới vượt ra ngoài cả khuôn khổ Á châu. Được chào đón hoan nghênh ở khắp mọi nơi ngoại trừ chính quê hương mình, được tôn kính vượt lên trên những giới hạn hẹp hòi của chủ nghĩa bè phái, những cuộc thăm viếng của ngài thường quy tụ đông đảo quần chúng. Những gì mà họ khao khát tìm cầu chính là sự hiện diện của ngài và niềm an lạc mà ngài mang đến. Ngài du hành vòng quanh thế giới để nhắc nhở chúng ta về bản thân mình với những ý nghĩ, động cơ cao thượng hơn. Tuy nhiên sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Mađồng thời cũng gần gũi và rất mực thế gian. Ngài chẳng khác gì chiếc cột thu lôi cho Tây Tạng, biểu tượng của một đất nước đang nằm dưới ách thống trị của Bắc Kinh. Bao lâu mà sự bất công này còn ngự trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ vẫn còn đấu tranh vừa hoà bình lẫn sắc bén.

Hàng thế kỷ qua, Phật giáo đã được truyền bá một cách lặng lẽ hơn bất cứ tín ngưỡng hay triết thuyết nào. Trong cái truyền thống trầm lặng đó, ngài đương kim Đạt Lai Lạt Ma đã đứng một cách vững chãi. Đức Phật đã từng dạy rằng, “Bất cứ ai trông thấy ta là trông thấy giáo pháp, và bất cứ ai trông thấy giáo pháp là trông thấy ta.” Bất cứ lúc nào có dịp may được kề cận Đức Đạt Lai Lạt Ma, thành thực mà nói, tôi đều có cảm giác rằng mình đang được sống trong giáo pháp –và đồng thời giáo pháp cũng đang sống trong tôi. Với bóng dáng từ ái của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người ta cảm nhận sự buông xả mà không phải là sự lãnh đạm, dửng dưng. Đây là sự buông xả được khai sinh ra từ vô lượng nhẫn nhục. Nó được bắt nguồn từ niềm tin sâu xa vào sức mạnh của ý thức. Tôi chưa hề gặp người nào vừa dính líu sâu đậm vào cuộc đời nhưng đồng thời lại không thực sự tin tưởng ở nó như thế. Ngài cũng là người rất mực tinh tế -nếu như ta phải dùng một danh từ như vậy để nói về một con người quá đổi hồn nhiên. Chẳng hạn nếu bạn hỏi ý kiến ngài về một vấn đề gì đó, thông thường ngài sẽ thốt lên: “À. Cái này tốt hơn là tôi phải lắng nghe bạn thôi.” Lập tức bạn cảm thấy một chút gì đó của cái ngã mạn của mình tan biến đi, và tự trong sâu thẳm của tâm hồn, sự khiêm tốn lớn dậy.

(Time, số Apr. 20, 1959)

Như thế đó, tôi trân trọng ngã nón chào Đức Đạt Lai Lạt Ma như là một nhà lãnh đạo tinh thần có sức thu hút lớn lao. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được ngài đã góp phần thay đổi thế giới này –và cả chúng ta- đến mức nào, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra cho đến khi sự đổi thay đã thực sự xảy ra. Ngài là một trái bom từ bi nổ chậm, và đó chính là cỗi nguồn của sự vĩ đại của ngài.

Deepak Chopra, Tác giả, Giảng sư.

Thich Nhat Hanh

Thích Nhất Hạnh
Vị tăng sĩ Phật giáo đã góp phần vào việc chấm dứt
nỗi khổ đau của cuộc chiến Việt Nam
By Pankaj Mishra (*)
ILLUSTRATION FOR TIME BY ROBERT ANDREW PARKER

Ngày Ngày 11 tháng 6 năm 1963, một tăng sĩ Phật giáo có tên là Thích Quảng Đứcđã nổi lửa tự thiêu trên đường phố Sàigòn để phản đối lại chế độ áp bức kỳ thị của Miền Nam Việt Nam do Mỹ hỗ trợ. Hình ảnh của vị tăng sĩ ngồi an lạc trong thiền định với ngọn lửa quấn lấy thân mình đã trở thành hình ảnh đầu tiên trong số những hình ảnh liên quan đến cuộc chiến Việt Nam , một cuộc chiến lâu dài đã từng làm nhức nhối lương tâm nhân loại. Trong vài năm tiếp theo sau đó, hơn ba mươi tăng sĩ khác đã cống hiến xác thân mình trong cùng một kiểu cách nhằm phản đối lại cuộc chiến vô nghĩa và tàn bạo tại Việt Nam .

Những nỗi khổ đau lớn lao và kéo dài tại Đông Dương cùng với nỗ lực nhằm xoa dịu nó của những người Phật tử trong những năm đó có thể nay đã chìm vào quên lãng, tuy nhiên Thích Nhất Hạnh, người tăng sĩ Việt nam, vị thiền sư với triết thuyết “Phật giáo dấn thân” đã gây cảm hứng cho những nỗ lực này vẫn còn đó với chúng ta. Là một trong những nhà tư tưởng và hoạt động tôn giáo quan trọng nhất trong thời đại này, Thầy Nhất Hạnh, bằng kinh nghiệm cá nhân của chính mình, đã thấu hiểu tại sao những ý thức hệ, và phong trào quần chúng thế tục -những chủ nghĩa quốc gia, phát xít, cộng sản và thực dân- đã gây ra những thảm họa bạo lực không lường trước được của thế kỷ hai mươi. Bài học của Thầy đã được bắt đầu khá sớm với một vài chiến trường đẫm máu như ở Việt Nam, nơi mà người Pháp rồi đến người Mỹ đánh nhau với người quốc gia và cộng sản VN. Thế nên mặc dầu thuộc một truyền thống vốn chuộng sự tĩnh lặng, Thầy Nhất Hạnh đã không thể ngồi yên mà không bị lôi cuốn vào cuộc chiến vây quanh. Thầy có thể thấy được cái nhu cầu khẩn thiết để đưa tinh thần từ bi -một giáo điều quan trọng của Phật giáo- vào một nền văn hoá đang gia tăng cường độ bạo lực. Thầy tin rằng, chiến tranh chỉ có thể chấm dứt bằng cách dập tắt những tình cảm vọng động -sợ hãi, tức giận, khinh miệt, trả thù- như luôn luôn chế dầu vào lửa.

Năm 1965, sau một vụ tự thiêu khác của Phật giáo, Thầy Nhất Hạnh đã viết cho Mục sư Martin Luther King Jr., vị lãnh tụ tranh đấu dân quyền của Mỹ rằng, “những tăng sĩ tự thiêu không hề nhằm đến mục đích tiêu diệt những kẻ áp bức mà chỉ muốn họ thay đổi chính sách. Kẻ thù của họ không phải là con người. Kẻ thù của họ là bất khoan dung, là cực đoan, độc tài, là tham lam, thù hận và kỳ thị- vốn sẵn có trong tâm của mỗi con người.” Thầy Nhất Hạnh đã dẫn dắt Mục sư King, và nói rộng ra, công luận Mỹ chống đối lại cuộc chiến Việt Nam . Những năm cuối thập niên sáu mươi, trong khi sống lưu vong tại Mỹ, Thầy Nhất Hạnh đã trở thành một trong những biểu tượng của phong trào phản chiến. Những bài tham luận của Thầy đã được đăng tải trên những tạp chí hàng đầu của Mỹ, cụ thể như New York Review of Books, những bài thơ của Thầy đã được hát lên như những ca khúc chống chiến tranh, được đệm bằng đàn ghi-ta trong các khuôn viên đại học Mỹ. Có thể nói mà không phóng đại rằng Thầy Nhất Hạnh đã góp phần thúc đẩy Hoa Thịnh Đốn rút lui khỏi cuộc chiến Việt Nam.

Thầy Nhất Hạnh, bây giờ đã tám mươi và hiện đang sống trong một thiền đường tại Pháp, đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc trao truyền một truyền thống tâm linh Á châu đến với một quần chúng hiện đại đông đảo tại phương Tây. Thầy đã từng viết rằng, “Đừng để mình bị vướng mắc vào bất cứ giáo điều, học thuyết, hay ý thức hệ nào, ngay cả Phật giáo. Tất cả các hệ thống tư tưởng đều chỉ là những phương tiện hướng dẫn chứ không phải là chân lý tuyệt đối.” Trong một thế giới mà các nhà lãnh đạo chính trị từ Hoa Kỳ cho đến Iran hiện đang lớn tiếng kêu gọi dân tộc mình tham dự vào những cuộc chiến ý hệ mới, tiềm ẩn nguy cơ biến thế kỷ này còn tàn bạo hơn cả thế kỷ trước, tất cả chúng ta không thể không quan tâm sâu sắc đến cái tuệ giác của Thầy Nhất Hạnh.

(*) Tác phẩm mới nhất của Pankaj Mishra là Temptations of the West:How to be Modern in India, Pakistan, Tibet, and Beyond

Tâm Hà Lê Công Đa



http://www.time.com/time/asia/2006/heroes/in_hanh.html

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]