Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyện Đời Không Huyền Thoại Của Vị Thiền Sư Nổi Tiếng Nhất Trung Quốc

02/06/201100:45(Xem: 4775)
Chuyện Đời Không Huyền Thoại Của Vị Thiền Sư Nổi Tiếng Nhất Trung Quốc
CHUYỆN ĐỜI KHÔNG HUYỀN THOẠI
CỦA VỊ THIỀN SƯ NỔI TIẾNG NHẤT TRUNG QUỐC

Bằng Hư

Kể từ Bồ Đề Đạt Ma mang Thiền tông tới Trung Quốc cho tới thời Huệ Năng thì Thiền tông đã truyền được 5 đời, song chỉ tới vị tổ đời thứ 6 này thì Thiền tông Trung Quốc mới trở thành một dòng riêng, có đường lối rõ rệt và vững chắc. Vị trí cực kỳ quan trọng của Lục Tổ Huệ Năng đối với sự hình thành và phát triển của Thiền tông Trung Quốc đã khiến các đệ tử Phật môn luôn nhắc về ông với những câu chuyện đậm chất huyền thoại. Tuy nhiên, vẫn có một Lục Tổ Huệ Năng bằng xương bằng thịt và câu chuyện đời hoàn toàn không thần thánh…

Từ bài kệ xuất thần của kẻ ngoại đạo

Huệ Năng vốn mạng họ Lư, quê gốc tổ tiên vốn ở Hán Dương, Hà Bắc, đến đời cha ông là Lư Hành Thao thì gia đình chuyển đến Tân Châu, Lĩnh Nam, (nay là huyện Tân Hưng, Quảng Châu). Huệ Năng sinh vào năm 638, tức năm Trinh Quán thứ 12 đời nhà Đường. Khi Huệ Năng còn rất nhỏ thì cha ông qua đời, gia cảnh trở nên khốn quẫn, ông cùng mẹ phải chuyển tới Nam Hải, sống dựa vào nghề bán củi.

Một hôm, đang bán củi trong thành, Huệ Năng nghe có người trong quán tụng “Kinh Kim Cương”, tự nhiên thấy có hứng thú nên dò hỏi người tụng kinh nguồn gốc bài kinh vừa tụng. Người tụng kinh nói rằng đã tu học với thiền sư Hoằng Nhẫn tại chùa Đông Thiền, núi Phùng Mao, Hoàng Mai (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc).

Nghe xong, Huệ Năng đã có ý muốn tìm Hoằng Nhẫn để cầu học, nhưng lại sợ mình bỏ đi như vậy không ai lo cho mẹ già ở nhà. Sau đó, có người biết chuyện cho Huệ Năng 10 lạng bạc để lo cho mẹ. Huệ năng sắp xếp cho mẹ xong, quyết tâm bắc hành, tìm thầy cầu Phật. Hai năm sau đó, vào năm 672, Huệ Năng tìm tới chùa Đông Thiền gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

chuanamhoa-luctochuanamhoa-lucto2
Cổng và chính điện chùa Nam Hoa nơi thờ nhục thân bất hoại Lục Tổ Huệ Năng

Thời bấy giờ, người phương Bắc vẫn coi những tộc người thiểu số phương nam là dân di mọi, có ý rất xem thường. Huệ Năng vốn sinh ra ở vùng Lĩnh Nam, sau đó lại chuyển xuống Nam Hải sống bằng nghề bán củi, thành ra trong mắt những người phương Bắc, Huệ Năng cũng là dân di mọi, khó có thể giáo hóa được. Chính vì vậy, khi nhìn thấy Huệ Năng tìm đến chùa của mình, Hoằng Nhẫn đã hỏi: “Cư sĩ từ nơi nào tới, muốn cầu điều gì?” Huệ Năng thành thật trả lời: “Đệ tử là người Lĩnh Nam, chỉ cầu làm Phật!”.

Hoằng Nhẫn nghe xong nói: “Người là người Lĩnh Nam, lại là kẻ di mọi, làm sao thành Phật?”. Huệ Năng kiên cường đáp: “Người có chia Nam Bắc nhưng Phật tính thì nào chia Nam Bắc? Phật tính của thầy với Phật tính của kẻ di mọi không có gì khác biệt, thầy có thể thành Phật thì đệ tử cũng có thể thành Phật”. Hoằng Nhẫn thấy Huệ Năng đối đáp nhanh lẹ, lại tỏ ra là người thông hiểu Phật pháp, không nhận làm đệ tử nhưng cho ở lại chùa, sai làm công việc vặt trong nhà bếp.

Từ đó, Huệ Năng bắt đầu ở lại chùa Đông Thiền làm nhiệm vụ chẻ củi, gánh nước, giã gạo trong nhà bếp. Tuy nhiên, vì một lòng cầu Phật, nên mặc dù bị mọi người trong chùa khinh rẻ, coi thường, Huệ Năng vẫn nỗ lực học hỏi, mong một ngày có thể xuất gia, giác ngộ.

Khi Huệ Năng làm việc trong nhà bếp chùa Đông Thiền được 8 tháng thì một hôm Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lệnh cho các học trò mỗi người viết một bài kệ trình bày kinh nghiệm giác ngộ của mình. Khi đó Hoằng Nhẫn tuổi đã cao nên muốn qua bài kệ của các học trò tìm ra người có đủ phẩm chất và trí tuệ để truyền y bát, kế thừa vai trò Tổ Thiền, trở thành Lục Tổ.

Trong đám học trò của Hoằng Nhẫn lúc bấy giờ, người nổi tiếng nhất có Thần Tú. Sau khi nhận lệnh của thầy, các học trò khác đều cho rằng, trong chùa chỉ có Thần Tú xứng đáng là người được truyền y bát, trở thành Tổ thứ 6 nên mọi người chẳng ai bảo ai, không có người nào làm bài kệ trình lên Hoằng Nhẫn, có ý nhường lại cho Thần Tú.

Thần Tú cũng biết việc đó, song nếu như làm bài kệ trình lên thầy thì hóa ra mình tham ngôi Tổ, còn nếu không làm thì lại sợ trái lệnh thầy nên băn khoăn mãi. Cuối cùng, Thần Tú nghĩ ra một cách là đem bài kệ mình làm ra viết lên bức tường dưới mái hiến đặt phía trước giảng đường, định rằng, nếu Hoằng Nhẫn thấy bài kệ của mình mà chấp nhận thì sẽ nói đó là kệ của mình, còn không thì tự mình sẽ lui về chốn rừng sâu để mai danh ẩn tích.

Bài kệ của Thần Tú viết rằng: “Thân thị Bồ đề thụ, Tâm như minh kính đài, Thời thời cần phất thức, Mạc sử nhạ trần ai”. Nghĩa là, bản thân con người như cây Bồ đề, tấm lòng giống như chiếc đài gương, vì vậy cần phải thường xuyên lau chùi, để giữ cho tâm hồn trong sạch, không nhiễm bụi trần.

nhuc_than_luc_to
Lục Tổ

Các đệ tử trong chùa thấy bài kệ, ai cũng tấm tắc khen hay truyền nhau tụng niệm. Đêm hôm đó, Hoằng Nhẫn cho gọi Thần Tú vào phòng, nói rằng, bài kệ ấy chứng tỏ Thần Tú vẫn chưa thấy được Phật tính, mới chỉ ở ngoài ngõ chứ chưa vào được bên trong. Ngũ Tổ bảo Thần Tú hãy lui ra suy nghĩ tiếp để làm kệ khác trình lại, nếu được thì Tổ sẽ truyền trao y bát, truyền lại ngôi Tổ cho. Thần Tú vâng lệnh lui ra nhưng qua vài ngày sau vẫn không làm được bài kệ, đi đứng chẳng yên, tinh thần không được vui vẻ.

Qua ngày hôm sau, khi Huệ Năng còn đang mải mê giã gạo trong bếp thì nghe thấy một chú tiểu ngâm nga đọc bài kệ của Thần Tú. Huệ Năng hỏi chú tiểu đọc bài kệ của ai, chú tiểu mới kể lại chuyện Hoằng Nhẫn lệnh cho các học trò làm kệ trình thầy và bài kệ trên vách của Hoằng Nhẫn. Huệ Năng nghe xong nhờ chú tiểu đọc lại cho mình nghe bài kệ của Thần Tú, rồi bản thân cũng tự làm một bài kệ. Làm xong bài kệ của mình, Huệ Năng cũng không biết làm cách nào trình lên Hoằng Nhẫn. Huệ Năng vốn không biết chữ nên cũng không thể tự mình viết bài kệ lên vách tường như Thần Tú được.

Cuối cùng, Huệ Năng đành phải tìm người giúp, viết bài kệ của mình lên vách tường. Bài kệ của Huệ Năng viết: “Bồ đề bản vô thụ, Minh kính diệc phi đài, Bản lai vô nhất vật, Hà xứ hữu trần ai?”. Nghĩa rằng, Bồ đề vốn không phải là cây, gương sáng vốn cũng chẳng có đài, Từ xưa tới nay vốn chẳng có vật gì, vậy thì làm sao mà có chuyện dính bụi được.

Đọc bài kệ của Huệ Năng, Hoằng Nhẫn biết căn cơ của Huệ Năng hơn hẳn so với Thần Tú, nhưng lại sợ nếu mình truyền ngôi Tổ cho một kẻ ngoại đạo lại di mọi như Huệ Năng thì sẽ khó tránh dị nghị mà lại làm hại cho Huệ Năng nên Hoằng Nhẫn quyết định bí mật truyền pháp cho Huệ Năng.

Nửa đêm hôm đó, Hoằng Nhẫn cho gọi Huệ Năng vào phòng và giảng giải toàn bộ “Kinh Kim Cương” cho Huệ Năng nghe. Nghe xong giảng kinh, Huệ Năng đại ngộ, Hoằng Nhẫn khi đó quyết định truyền lại y bát và ngôi Tổ lại cho Huệ Năng. Tuy nhiên, vì Huệ Năng xuất thân thấp hèn nên Hoằng Nhẫn sợ rằng sau khi mình chết đi, những đệ tử có danh vọng trong chùa như Thần Tú sẽ không phục, cho nên ông khuyên Huệ Năng đi về phương Nam và mở rộng Thiền tông ở đó. Huệ Năng nhận y bát, những tín vật truyền tư thời Đạt Ma chính thức trở thành Lục Tổ của Thiền Tông Trung Quốc và bí mật trở đi về phía Nam.

Đến vị thiền sư nổi tiếng nhất lịch sử

Các đệ tử của Hoằng Nhẫn biết chuyện Huệ Năng đã được truyền y bát của môn phái rồi bí mật đi về phương Nam rất tức giận, cho người thăm dò tông tích của Huệ Năng để cướp lại tín vật. Tuy nhiên, vì vùng Lĩnh Nam núi non trùng điệp hiểm trở, người phương Bắc không quen đi lại nên không cách nào tìm ra được tông tích của Huệ Năng.

Về phần mình, suốt hơn 15 năm sau đó, Huệ Năng tìm mọi cách mai danh ẩn tích, sống như một cư sĩ ẩn dật và hàng ngày nghiền ngẫm kinh Phật. Sau đó, vào năm 675, Huệ Năng đến chùa Pháp Tính ở Quảng Châu ở và tu hành. Sư trụ trì ở chùa này khi đó là Ấn Tông đang giảng về “Kinh Niết Bàn” thì trong đám học trò nổ ra cuộc tranh cãi về chiếc phướn vì sao lay động. Có người nói chiếc phướn lay động là do gió, có người lại tranh cãi bản thân chiếc phướn nó lay động, chẳng ai chịu ai, thành ra tranh cãi càng ngày càng gay gắt.

Lúc đó, Huệ Năng đứng ở bên ngoài nghe giảng, mới tiện miệng chen vào một câu rằng: “Gió chẳng động mà chiếc phướn cũng chẳng động, chẳng qua là tâm các người động mà thôi”. Mọi người nghe xong cảm thấy rất lạ, chỉ có Ấn Tông nghe thấy giật mình hỏi: “Nghe nói y pháp Thiền Tông từ Hoàng Mai đã truyền xuống phía Nam, chẳng lẽ lại là ngài đây?”.

Lúc này, Huệ Năng không giấu nữa, tự nhận mình là Tổ đời thứ 6 do Hoằng Nhẫn truyền lại. Ấn Tông nghe xong vội vàng mời Huệ Năng làm lễ cạo đầu, xuất gia, tôn Huệ Năng làm thầy. Hai tháng sau đó, dưới gốc cây bồ đề trong chùa Pháp Tính, Huệ Năng thành lập Thiền Tông phía Nam, gọi tắt là Nam Tông. Ở phía Bắc, sau khi Hoằng Nhẫn qua đời, Thần Tú cũng tự nhận mình là người kế thừa Ngũ Tổ, lập nên môn phái Thiền Tông ở phía Bắc, gọi tắt là Bắc Tông.

luc_to_che_cui
Lục Tổ chẻ củi

Nếu như Bắc Tông của Thần Tú chủ trương dùng suy luận, tu tập dần dần theo chỉ dạy của kinh sách để đi đến giác ngộ thì Nam Tông của Huệ Năng lại đề ra lý thuyết “đốn ngộ”, nghĩa là giác ngộ một cách nhanh và bất ngờ.

Cuộc đấu tranh giữa hai trường phái Nam và Bắc Tông còn kéo dài nhiều thế kỷ sau đó, tuy nhiên, Nam Tông với học thuyết đốn ngộ rất cởi mở của Huệ Năng ngày càng chứng tỏ được ưu thế của mình. Trong khi đó, phái Bắc Tông của Thần Tú chỉ vài thế hệ sau là đã khô kiệt, không thể phát triển được nữa.

Việc Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn quyết định truyền tâm ấn của Thiền Tông cho một người “thấp hèn” và “ít học” như Huệ Năng đã tạo nên một bước chuyển mới cho Thiền Tông Trung Quốc.

Với học thuyết mới mẻ của mình, Huệ Năng cùng với các thế hệ tiếp theo của Nam Tông đã đưa Thiền Tông Trung Quốc đi vào thời đại hoàng kim trong đời nhà Đường, nhà Tống, tạo nên sức sống bền bỉ Thiền Tông cho tới tận ngày nay. Chẳng phải ngẫu nhiên, cái tên Lục Tổ Huệ Năng lại được các đệ tử Thiền môn nhắc tới với sự kính trọng và sùng bái đến như vậy.

Bằng Hư (Phunutoday)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com