Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Điện thờ Lục tổ Huệ Năng, Nam Hoa Thiền Tự, Tào Khê

01/05/201718:51(Xem: 6846)
Điện thờ Lục tổ Huệ Năng, Nam Hoa Thiền Tự, Tào Khê



luc-to-hue-nang

Điện thờ Lục tổ Huệ Năng, Nam Hoa Thiền Tự, Tào Khê


Lục tổ điện được xây lại vào năm Minh Hoàng Trì thứ 3, Canh Tuất (1490), Nam Hoa Thiền Tự trùng tu lần cuối vào năm Quý Dậu (1933).

Trong điện này hiện nay vẫn còn tôn thờ nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (sinh đường Trinh Nguyên năm 12, tịch Đường Khai Nguyên năm đầu 638-713), cùng với nhục thân ngài Đại sư Hám Sơn và ngài Đại sư Đan Điền. Nam Hoa Tào Khê – Bửu Lâm Đạo Tràng, nằm cách thành phố Thiều Quan thuộc miền đông nam Trung Quốc 25 km (15,5 dặm), tại thị trấn Tào Khê, huyện Khúc Giang. Địa danh này nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Đông, cách sông Bắc Giang vài km, trước đây là một tuyến giao thương giữa miền trung Trung Quốc và Quảng Châu.Ngôi Đại Già lam lưng dựa Sơn (núi) mặt nhìn Thủy (nước), phong cảnh hữu tình sơn xuyên tú lệ. Nam Hoa Thiền Tự là một đạo tràng Phật giáo nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc, cũng là nơi phát nguyên của thiền phái Nam Tông – Tào Khê với sự hoằng dương của Lục tổ Huệ Năng. Nam Hoa Thiền Tự được xây dựng vào niên hiệu Thiên Giám nguyên niên đời vua Lương Vũ Đế, Bắc triều, năm Quý Dậu (502), do đại sư Ấn độ Trí Nhàn Tam tạng khai sơn, đến nay đã có hơn 1500 năm lịch sử, là một đơn vị văn vật trọng điểm của toàn quốc. Diện tích kiến trúc của Nam Hoa Thiền Tự khoảng 12.000 mét vuông. Ngôi Già Lam nằm trải rộng trên một khu vực rộng hơn 42,5 héc-ta (105 mẫu). Các kiến trúc hiện nay trừ tháp Linh Chiếu và điện Lục tổ ra thì đều do ngài Thiền sư Hư Vân hóa duyên trùng tu năm Giáp Tuất (1934). Từ đó diện mạo của ngôi Cổ Tự uy nghiêm hùng vĩ. Các kiến trúc chính của ngôi Cổ Tự gồm có: 690 bức tượng Phật, Ngũ hương đình, Thiên vương điện, Đại hùng Bảo điện, Tàng kinh các, Tháp Linh chiếu, Lục tổ điện, các các điện đường được sắp xếp chủ thứ phân minh, kết cấu nghiêm mật. Ngũ hương đình có hình bát giác, dựng trên cầu phóng sinh, qua cầu chúng ta sẽ thấy sơn môn thứ hai treo tấm biển lớn đề bốn chữ: “Bảo Lâm Đạo Tràng”. Hai bên cổng có hai câu đối rằng: “Đông áo đệ nhất bảo sát, Thiền tông bất nhị pháp môn”.

Thiên vương bảo điện được xây vào đời Minh năm Thành Hóa 14, Giáp Ngọ  (1474), trước là La Hán điện trùng tu vào đời Thanh, giữa điện thờ tượng Phật Di Lặc, đâu lưng là Hộ pháp Vi Đà, hai bên hông điện là Tứ đại thiên vương. Phía sau Thiên vương điện là hai lầu chuông và lầu trống xây vào đời Nguyên Đại Đức năm thứ 5, Canh Tuất (1310) và gần đây được trùng tu vào năm Quý Dậu (1933), bên trong có đại hồng chung đúc vào đời Tống. Đại hùng bảo điện còn gọi là Tam Bảo điện xây dựng vào triều Nguyên, năm Đại Đức thứ 10, Bính Ngọ (1306), đã qua nhiều lần trùng tu và lần cuối là năm Giáp Tuất (1934). Trong điện có tôn thờ Tam Bảo Phật (Thích Ca, Dược Sư và Di Đà) cao khoảng 8 mét. Hai bên tường chung quanh có đắp tượng 500 vị La hán theo phong cách nghệ thuật đời Thanh, bối cảnh là cơn sóng dữ để nêu tinh thần “Khổ hải vô biên, Hồi đầu thị ngạn”. Tàng kinh các sau Đại hùng bảo điện hiện còn chứa nhiều kinh bản do các hoàng đế qua nhiều triều đại ban tặng.


Lục tổ điện được xây lại vào năm Minh Hoàng Trì thứ 3, Canh Tuất (1490), trùng tu lần cuối vào năm Quý Dậu (1933). Trong điện này hiện nay vẫn còn tôn thờ nhục thân của Lục tổ Huệ Năng (sinh đường Trinh Nguyên năm 12, tịch Đường Khai Nguyên năm đầu 638-713), cùng với nhục thân ngài Đại sư Hám Sơn và ngài Đại sư Đan Điền.


Nam Hoa Thiền Tự còn có 360 tượng gỗ A La Hán vô cùng sinh động, khắc vào đời Bắc Tống. Sau chùa có Phục Hổ đình, kỷ niệm nơi ngài Thiền sư Hư Vân hàng phục hổ. Câu chuyện được kể rằng:

 

Một buổi tối nọ, khi bốn chúng đồng tụ hội tại chánh điện để hành lễ, bỗng phát hiện trước cửa chùa có hai luồng ánh sáng chói lòa. Nhìn rõ thấy đó là một con hổ nên mọi người đồng la lên hoảng sợ. Ngài Thiền sư Hư Vân bấy giờ bước ra và hổ bấy giờ quỳ xuống trước mặt ngài. Thiền sư Hư Vân thuyết pháp tam quy y và dạy nó rằng, hãy nên ẩn trong rừng sâu chớ ra hại người. Hổ cuối đầu ba lần rồi đứng dậy đi vào rừng, dáng điệu quyến luyến. Kể từ đó mỗi năm hổ đều xuất hiện một hai lần trong những kỳ lễ lớn. Thiền sư Hư Vân đôi khi ra rừng gặp nó, vỗ về an ủi lời lành.


Phía sau điện Lục tổ trên triền núi phía tay trái có một tháp đá trắng, nơi đây tôn thờ Xá lợi của Thiền sư Hư Vân, bậc được tôn xưng là Thiền sư đắc đạo đương thời và cũng nhờ có ngài mà đạo tràng Nam Hoa Thiền Tự mới được còn nguyên vẹn và hưng thịnh trong thời chiến tranh. Phía tay phải của tháp cách một đường mòn có ngôi điện thờ tượng ngài. Bên phải ngôi điện cách một triền núi là dòng suối Tào khê gọi là Trác tích tuyền (卓錫泉). Tương truyền khi xưa Lục tổ Huệ Năng chống tích trượng đến tại nơi đây xin với sơn thần cho dòng nước ngọt để nuôi tăng chúng, khấn xong ngài cắm tích trượng xuống đất, khi ngài rút lên thì dòng nước ngọc theo tích trượng vọt lên lan chảy khắp mặt đất.

“Lục Tổ sơ trú Tào Khê, trác tích tuyền dũng, thanh lương hoạt cam, thiệm túc đại chúng, đãi kim sổ bách niên hỉ (六祖初住曹溪、卓錫泉湧、清涼滑甘、贍足大眾、逮今數百年矣).

Cũng nhờ đó mà chư tăng các nơi tụ họp về đạo tràng Bửu Lâm có nước sinh hoạt uống dùng. Một điều kỳ lạ là vị của nước này ngọt và mát, chảy liên miên không dứt cho đến ngày nay trong khi các vùng phụ cận đến mùa nắng các giếng nước đều cạn, nhưng dòng nước này vẫn không bị cạn. Vì chư tăng các nơi đều vân tập về đây dưới sự giảng dạy của ngài Lục tổ, cùng uống chung dòng nước của mạch đất này nên từ đó có câu: “Một dòng Tào khê, chảy về phía đông lan, tỏa ngàn núi trăm sông, nơi đâu cũng là Phật pháp”, ý là chỉ nhờ dòng nước này giống như nước pháp của Phật tổ và chư tăng đem những Phật pháp này làm hưng thạnh khắp nước non.

Hiện nay Tào khê là Phật học viện Nam Hoa cùng với Phật học viện Linh Nham là những nơi tập trung đào tạo chư tăng cho Phật giáo Giang Nam.

Tào Khê là tên dòng suối bắt nguồn trên núi, nơi xưa kia Lục tổ Huệ Năng dừng chân dựng am cốc hành đạo. Từ đỉnh núi, dòng Tào Khê chảy từ từ xuống đồng bằng, chảy xuyên ngang tiểu bang Quảng Đông và rồi chảy mãi về phương Đông, chảy tới thủ phủ Quảng Châu thì trở thành dòng sông lớn... Từ chiếc am cốc bé nhỏ đó Tổ Huệ Năng đã biến thành đạo tràng lớn tên là Viện Phật Học Nam Hoa. Dòng suối pháp có tên Tào Khê ấy từ đó đã chảy khắp miền Nam Trung Quốc, sang Triều Tiên, Nhật Bản, tới Việt Nam.

Tào Khê một dòng biếc,
Chảy mãi về phương Đông,
Quan Âm bình nước tĩnh,
Tẩy sạch dấu phong trần,


Cành dương rưới cam lộ,
Làm sống dậy mùa Xuân,
Đề hồ trong cổ họng,
Làm lắng dịu muôn lòng,


Nam mô Bồ Tát Cam Lộ vị,
Nam mô Bồ Tát Cam Lộ vị,
Nam mô Bồ Tát Cam Lộ vị.

(bài Kệ của Thiền sư Nhất Hạnh)

 


Tổng Hợp

 

Thích vân Phong





Thiên Vương Bửu điện.











































Nhục thân Lục Tổ Huệ Năng -TS. Đan Điền - TS. Hám Sơn.


Tháp Linh Chiếu





***

Chen Tra Tao Khe2(mời vào xem)

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]