Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6- Vài giải đáp và va chạm của Sa-môn A-Nậu-Lâu-Đà

15/05/201316:46(Xem: 8196)
6- Vài giải đáp và va chạm của Sa-môn A-Nậu-Lâu-Đà

Tu Tập Hạnh Bồ Tát

Cuộc đời Tôn giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha)

6- Vài giải đáp và va chạm của Sa-môn A-Nậu-Lâu-Đà

Nguyễn Điều

Nguồn: Tác giả: Hellmuth Hecker, Dịch giả: Nguyễn Điều

Một hôm nọ, vị kiến trúc sư (có sách gọi là viên thợ mộc cất nhà) của triều đình, tên là Panõcakanga, đã mời Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà đến nhà để cúng dường thực phẩm. Đây là một cư sĩ Phật tử mà căn cứ theo những Kinh điển khác, là một người khá thông hiểu Phật giáo, và rất nghiêm túc trong việc tu hành.

Do đó, sau buổi trai Tăng, Panõakanga, liền vấn đạo Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà rằng :

– Bạch Thiền sư ! Đệ tử có một thắc mắc vi tế, muốn nhờ Thiền sư giảng giải. Đó là việc một số Sa-môn đã khuyên đệ tử nên thực hành pháp thiền giải thoát bằng cách "Mở rộng tâm ra đến vô cực" (Appamanïa( Ceto-vimutti). Và một số Sa-môn khác lại khuyến khích đệ tử hãy tu pháp thiền giải thoát cách "An trụ tâm vào một biên giới", hay một đề mục nhất định, tức là cho tâm "cô đọng" lại để "bành trướng", đồng hóa với một lãnh vực thiền định nào đó. (Mahaggata( Cetovimutti). Vậy đệ tử muốn biết hai cách tu tập thiền pháp ấy, tựu trung giống nhau hay khác nhau ?

A-nậu-lâu-đà vui vẻ phân tích rằng :

– Hai cách tu tập Thiền pháp này hoàn toàn khác nhau. Cách thứ nhất ám chỉ sự phát triển "Tứ Vô lượng tâm" (Brahma Viha(ra), một khả năng diệu dụng, khi hành giả đã thuần thục trong các bậc Thiền (Jha(na). Tứ Vô lượng tâm là sự biểu lộ bốn phẩm tánh, gồm : TỪ (Metta(), BI (Karuna(), HỶ (Mudita(), và XẢ (Upekkha(). Nhưng cách tu tập Thiền pháp thứ hai ám chỉ sự an trụ tâm trong một đề mục hay "giới hạn" nào đó. Chẳng hạn như "đề mục" có thể là một trong Tứ đại, tức đất (Pathav(), nước (Apo), lửa (Tejo), hay gió (Va(yo). Rồi khi tâm đã đắc định, an trú vững vàng trong các bậc Thiền (Jha(na), thì hành giả mới để tâm "hội nhập", "đồng hóa" hay "bành trướng" theo khuôn khổ hay giới hạn của đề mục ấy ! Chữ Phạn gọi là trạng thái này là Pat(ibha(ga( Nimitta. Tỷ dụ đề mục (Kamattha(na) của hành giả là nước, thì khi tâm của hành giả đã đắc định, thuần thục trong các bậc thiền rồi, "tâm định" ấy sẽ hội nhập, bành trướng và đồng hóa theo khuôn khổ hay giới hạn của tất cả nước trên mặt đất này, từ một điểm nhỏ nhất như bụi sương, cho đến toàn thể chất nước trên thế gian. Chữ Phạn đồng nghĩa với tánh "Hòa nhập toàn thể" ấy là "Mahaggata( Cetovimutti".

Tình trạng hội nhập, bành trướng và đồng hóa của tâm định trong pháp thiền này, cũng không phải chỉ biểu hiện trên phương diện thể chất, dung môi, mà còn biểu hiện cả trên phương diện hình thức và sắc thái nữa. Sự đồng hóa toàn diện đó, trong Kinh chữ Phạn gọi là Kasinïa.

Tiếp theo, A-nậu-lâu-đà còn nhắc đến các loại chư thiên trên cõi trời Sắc giới (Ru(pa(vacara), để dẫn chứng và so sánh các bậc tu thiền khác nhau. Ông nói :

– Chư thiên trên cõi trời Sắc giới, tuy ở cùng một cảnh tượng, nhưng cũng có nhiều loại cao thấp khác nhau : Chư Thiên nào nhờ tu luyện từ kiếp trước thuần thục, mà mức độ định tâm hiện tại cao hơn, thì hào quang của họ sáng hơn. Còn vị nào mức độ định tâm tầm thường, thì hào quang của họ yếu ớt. Riêng những chư Thiên nào, trình độ định tâm đạt đến Tam thiền, Tứ thiền hay Ngũ thiền, thì hào quang của họ tỏa mạnh và xa vô cùng, không thể đo lường được.

Mặt khác, sự mạnh hay yếu của các loại hào quang đó cũng chứng tỏ rằng giác linh của các hạng chư Thiên ấy rất trong sạch, hay tương đối trong sạch, thanh tịnh nhiều hay thanh tịnh ít.

Và để trả lời một câu hỏi khác, do một Sa-môn nêu ra, liên quan đến các hàng chư Thiên vừa nói, A-nậu-lâu-đà còn xác nhận rằng ông sở dĩ biết rõ trình độ giác linh của chư Thiên chúng như thế, là bởi nhiều kiếp trước ông đã từng "sống" với họ, rồi kiếp này nhờ tu thiền tinh tấn, đắc được Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông v.v... mà ông có thể "giao cảm", "nói chuyện" với họ. (theo Trung A Hàm số 127 : Majjhima Nikàya 127)

(Ghi chú : Chư Thiên ở cõi trời Sắc giới, tiếng Phạn gọi là Abhassara( Deva(, có nghĩa là "Linh thức" sống trong một môi trường tuy còn sắc tố, nhưng rất tinh vi, thanh khiết, so với thân thể ô trược của loài người, và các giống sinh vật khác trên trần gian. Có sách nói "Sắc tố tinh khiết" ấy là các vi tử rất nhẹ, loãng trong ánh sáng, và có thể di chuyển ở ngoại tầng không khí một cách thần tốc. Thiên chúng ở cõi Sắc giới này, theo Kinh điển ghi rõ, thì trình độ định tâm của linh thức họ, tối thiểu cũng tương đương với đệ Nhị thiền trong "Thanh Tịnh Đạo" của Phật giáo).

Một điển tích khác cũng thuật lại rằng : Khi ấy, Đức Phật đang thuyết pháp cho các hàng đệ tử nghe, tại một quãng trường lộ thiên, nhân nói về hạnh tri túc, bỗng Đức Phật quay sang hỏi A-nậu-lâu-đà :

– Này A-nậu-lâu-đà ! Ông có hài lòng với đời sống Sa-môn hiện tại không ?

– Bạch Đức Bổn Sư ! Đệ tử hoàn toàn thỏa mãn, an vui với đời sống tri túc, giảm thiểu vật chất này.

Liền đó, Đức Phật bèn tán dương :

– Này chư Tỳ-kheo Tăng ! Ai là kẻ phát nguyện xuất gia ngay lúc còn trẻ, tuổi đời đang thanh xuân, quyền uy, tiền tài, danh vọng có đầy đủ, mà chối bỏ để chọn lấy đời sống phạm hạnh, là người đáng khen ngợi ! Kẻ ấy xuất gia, không phải vì để tránh bị vua chúa gia hình, cũng không phải vì mất hết của cải rồi thất vọng, lo sợ nghèo đói, hay nợ nần, mà tìm nơi ẩn dật. Họ xuất gia vì muốn sống trong Pháp bảo nhiệm mầu, giải thoát ! Do đó, những gì họ tinh tấn thực hành hằng ngày, vốn chẳng phải để khoe khoang, mà là để tìm thấy hạnh phúc chơn thật, nhất là hạnh phúc an tịnh trong các bậc thiền, hạnh phúc tẩy trừ được năm chướng ngại nội tâm, và hạnh phúc diệt tận những phiền não, ác pháp hằng làm cho họ sa đọa. Mục đích duy nhất của họ là tiến lên Thánh quả giải thoát.

Rồi trước khi chấm dứt lời tán dương, Đức Phật còn nhấn mạnh :

– Này chư Tỳ-kheo Tăng ! Vì vậy, mỗi khi Như Lai công bố sự đắc quả Bất lai của một Sa-môn viên tịch, Như Lai không nói để đề cao một đệ tử Phật, mà là để khuyến khích những bậc phạm hạnh sanh tiền, nên theo gương giải thoát kia, mà tinh tấn đạt đạo quả cho chính mình.

Và những lời khen ngợi của Đức Phật đó, đã làm cho Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà được khích lệ không ít. (theo Trung A Hàm số 68 : Majjhima Nikàya No 68)

Riêng các câu chuyện nói về sự xuất hiện của A-nậu-lâu-đà trên cõi trời, thì Kinh Tạp A Hàm số 6/5 (Sam(yutta Nika(ya No. 6/5) có đoạn ghi lại như sau :

Khi ấy, Đức Phật phóng thần quang biết được một vị trời trên cõi Phạm Thiên (Brahma) đang lầm lạc, suy nghĩ rằng : "Các Sa-môn, đạo sĩ trần gian, dù tu tập tinh vi đến đâu, cũng không thể gia nhập vào cõi Phạm thiên được !".

Đức Phật liền hóa thân thành một vầng ánh sáng, bay thẳng lên cõi Phạm Thiên, và xuất hiện an tọa trước mặt vị trời đó. Thấy đức Bổn Sư tự nhiên biến mất, bốn đệ tử lớn là Đại Ca-diếp (Maha( Kassapa), Đại Mục-kiền-liên (Maha( Moggalla(na), Đại Ca-phi-na (Maha( Kappina), và A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), vội dùng "Thiên nhãn minh" tìm xem Phật đang ở cảnh giới nào, thì họ được biết Đức Phật đang ở cõi trời, để tiếp độ một Phạm Thiên lầm lạc. Cả bốn vị đại đệ tử không hẹn mà cùng hiển lộng thần thông bay lên hầu Phật. Khi đến nơi, họ đồng cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi tuần tự ngồi sau lưng Đức Phật, chừa một khoảng cách vừa phải.

Vị Phạm Thiên đang tư duy tự đắc về sự cao cả của cõi trời mình, bỗng thấy xuất hiện không phải chỉ một Đức Phật Cồ Đàm, mà còn có cả bốn vị đại đệ tử thần thông siêu đẳng nữa, thì ông lập tức thức tỉnh, dẹp bỏ ngạo mạn, và tán dương oai lực của Phật Toàn giác, cùng chư đại đệ tử.

Một lần khác, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà theo thói quen, thức dậy vào nửa đêm để tụng "Kinh Cứu Khổ" cho đến sáng. Bất chợt ông "nghe" tiếng một nữ ngạ quỷ rầy đứa con trai rằng :

– Này con ! Con hãy im lặng cùng mẹ nghe Phật ngôn ! Nếu chúng ta hiểu rõ lời Phật dạy và cố gắng hành đúng theo, thì chúng ta sẽ được rất nhiều hạnh phúc, và sẽ được giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, nhất là được giải thoát khỏi kiếp làm ngạ quỷ này !

A-nậu-lâu-đà lập tức dùng "Thần nhãn" quan sát, thì ông thấy hai mẹ con một nữ ngạ quỷ đang khép nép, cung kính đứng nhìn ông. (theo Tạp A Hàm số 10/6 : Sam(yutta Nikàya No 10/6).

Trở lại việc va chạm không thể tránh khỏi trong đời sống làm người, Thiền Tăng A-nậu-lâu-đà cũng bị "chỉ trích" vì đám học trò :

Số là khi ấy xảy ra vụ tranh luận giữa hai nhóm tu sĩ tại Kosambì. Tôn giả A-nan-đà (Ànanda) vào hầu Phật thì được Phật hỏi xem cuộc tranh luận ấy đã chấm dứt chưa. A-nan-đà tình thật thưa rằng :

– Bạch Đức Thế Tôn ! Cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục, vì một đệ tử của sư huynh A-nậu-lâu-đà, đang cứng đầu chia rẽ Tăng-già, mà sư huynh (ám chỉ A-nậu-lâu-đà) không khuyên răn lấy một tiếng.

Tôn giả A-nan-đà sở dĩ chỉ trích như vậy, vì ông vừa hay tin rằng trong lúc có chuyện lộn xộn giữa Tăng chúng, thì Thiền Sư A-nậu-lâu-đà lại cùng hai huynh đệ khác là Nandiya và Kimbila, bỏ vô rừng Gosinga để tu thiền nhập thất, chăm lo trau giồi thiền định của chính mình, chẳng ngó ngàng gì đến sự "xung đột" của những đồng đạo xung quanh.

Vì chỉ mới đắc quả Tu-đà-hoàøn (quả Thánh thấp nhất), nên A-nan-đà còn một ít phàm tánh. Đối với ông, trách nhiệm của một vị thầy rất quan trọng, bởi những Tỳ-kheo đang tranh chấp kia, có một số người, vốn là đệ tử của A-nậu-lâu-đà.

Sự chỉ trích của Tôn giả A-nan-đà sau đó được mô tả rõ rệt hơn nữa, qua câu nói ông đã "phàn nàn" với đức Bổn Sư :

– Bạch Đức Thế Tôn ! Sư huynh A-nậu-lâu-đà cứ thu nhận đệ tử mà không chú ý gì đến việc hướng dẫn họ cả !

Nhưng Đức Phật đã từ bi phân giải :

– Này A-nan-đà ! Ông chớ nên lẫn lộn giữa vai trò làm thầy với sự vô minh của một số học trò ! A-nậu-lâu-đà có thể có duyên lành cho các tu sĩ ấy xuất gia, nhưng ông lại không có "oai duyên" để quở trách ! Vậy thì trong khi vắng mặt A-nậu-lâu-đà, ba đại Sa-môn khác là A-nan-đà, Đại Ca-diếp, hay Đại Mục-kiền-liên, đều có thể can thiệp, chấm dứt cuộc tranh chấp giữa các Tỳ-kheo Kosambì. Ngoài ra, này A-nan-đà ! Cũng có những hạng tu sĩ không thể sửa đổi tật xấu, và họ rất hài lòng khi những đồng đạo xung quanh bị vướng mắc trong một cuộc tranh luận kéo dài. Nhờ thế, họ sẽ không bị các bậc Bổn Sư chú ý tìm ra ác tâm của họ, có thể trục xuất họ ra khỏi Tăng chúng. (theo Tăng Chi A Hàm 4/241 : Anguttara Nikàya 4/241)

Vả lại, hai người đệ tử trong hiện tại, có thể có hai ông thầy hướng dẫn hai cách khác nhau, nhưng hai người đệ tử đó, trong quá khứ lại có ác nghiệp đã tạo từ nhiều tiền kiếp giống nhau, nên kiếp này họ tự nhiên hành động như nhau. Đây là trường hợp của hai Tỳ-kheo mất nết : một đệ tử của A-nan-đà, và một đệ tử của A-nậu-lâu-đà. Cả hai Tỳ-kheo ấy đều rất ngạo mạn, luôn luôn muốn tỏ ra mình là người hữu lý nhất trong các cuộc tranh luận. Kết quả, Tôn giả A-nan-đà, dù thường xuyên quở trách đệ tử, vẫn không thay đổi hạnh kiểm học trò được. Còn A-nậu-lâu-đà cứ lo tu thiền làm gương thì đệ tử cũng chẳng nhận ảnh hưởng gì ! (theo Tạp A Hàm số 16/6 : Sam(yutta Nikàya No 16/6).

Thời Đức Phật và chư đại Thánh Tăng còn tại tiền, mà vẫn có những tu sĩ như thế, huống chi là thời bắt đầu mạt pháp của chúng ta. Người Phật tử đọc đến đây chắc có thể cũng thấy được cái tánh tương đối trong mọi vấn đề.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]