Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Phật giáo dưới ba triều đại: Chu - Tùy - Đường

03/05/201319:25(Xem: 5191)
Chương 05: Phật giáo dưới ba triều đại: Chu - Tùy - Đường

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

(Từ thế kỷ thứ I sau CN đến thế kỷ thứ X)

Soạn giả: Viên Trí


Chương Năm

PHẬT GIÁO DƯỚI BA TRIỀU ĐẠI:
CHU - TÙY - ĐƯỜNG

I. Dưới thời nhà Chu (557-581)

Trước khi đạt đến đỉnh điểm phồn thịnh của nó trong triều đại nhà Tùy và Đường, Phật giáo đã trải qua một cuộc khủng bố khốc liệt của vua chúa Bắc Chu. Theo “Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc”, với hoài bão thống nhất lễ giáo và thôn tính Bắc Tề, lấy tư tưởng Nho giáo làm văn hóa chính, hai hoàng đế của nhà Chu-Hiếu Mẫn Đế và Hiếu Ninh Đế- đã hạ lệnh phá hủy Phật giáo, mặc dầu họ vẫn tin tưởng đạo Phật[1]. Tuy nhiên, Kenneth K.S. Ch’en cho rằng cuộc khủng bố trên xảy ra vì một vài nguyên nhân khác. Trước hết là sự tranh luận giữa Phật giáo và Lão giáo, liên quan đến Lão Tử và đức Phật, vốn đã âm ỉ từ rất lâu. Vào năm 520, một cuộc tranh luận lịch sử giữa Trương Tân (đạo Lão) và Đàm Vô Thắng (Phật giáo) được tổ chức ngay tại triều đình trước sự chứng kiến của Hiếu Minh Đế (Bắc Ngụy). Chủ thuyết của Trương Tân cho rằng Lão Tử sanh vào năm 605 T.CN, và đã cải hóa đức Phật trở thành hầu cận của mình vào năm 519 T.CN trong chuyến Tây du của ngài. Luận cứ của Trương Tân dựa trên “Lão Tử Khai Thiên Kinh”. Kinh sách hiện tồn của đạo Lão có tác phẩm này, nhưng không hề đề cập đến sự kiện Tây du và cải hóa man di[2].

Đối lại thuyết trên, Đàm Vô Thắng nói rằng đức Phật sanh vào ngày 8 tháng 04 năm 1029 T.CN và nhập Niết-bàn ngày 15 tháng 02 năm 950 T.CN. “Châu Thơ Dị Ký và Hán Pháp Bổn Nội Truyện” là nền tảng của luận cứ trên. Hai cuốn sách này là do giới Phật giáo ngụy tác trước năm 520. Niên đại 1029-950 T.CN rõ ràng là quá khác biệt với lịch sử đức Phật, nhưng mục đích của Phật giáo đồ khi ngụy tác chúng là nhằm giải quyết một số vấn đề. Trước hết, một trong những lời buộc tội của chủ nghĩa địa phương đối với Phật giáo rằng tôn giáo ngoại lai này là điềm xấu và đã làm cho các triều đại sớm bị sụp đổ. Để chống lại luận điểm ấy, giới Phật giáo ngụy tác sách vở với nội dung rằng đạo Phật du nhập vào Trung Hoa ngay sau ngày Phật Niết-bàn (950 T.CN). Điều đó chứng tỏ rằng Phật giáo đến Trung Quốc vào lúc nhà Thương lập nước, nhưng triều đại nhà Thương lại tồn tại hơn 800 năm. Do vậy lời buộc tội ấy hoàn toàn không có cơ sở. Thứ đến, giới Phật tử cũng loại bỏ giả thuyết cho rằng giáo chủ của họ là đệ tử của Lão Tử. Để đạt được mục đích này, họ ngụy tác một số kinh điển với nội dung rằng trong thực tế Lão Tử là học trò của đức Phật; cụ thể là cuốn “Chính Vu Luận”, có lẽ được biên soạn vào triều đại Đông Tấn. Một tác phẩm khác đề cập chi tiết về vấn đề này là “Thanh Tịnh Pháp Hành Kinh”, ghi rằng đức Phật đã phái ba đại đệ tử đến Trung Quốc để truyền bá Phật pháp và cải hóa quần chúng. Một trong ba người ấy là Đại Ca Diếp (Mahàkàśyapa), và người Trung Hoa gọi là Lão Tử. Sau cuộc tranh cãi vào năm 520, Hiếu Mẫn Đế chỉ định một hội đồng gồm 170 học giả để biên soạn lịch sử triều đại Bắc Ngụy và kiểm chứng chủ thuyết của Trương Tân và cuốn “Khai Thiên Kinh”. Sau đó, hội đồng ấy đi đến kết luận Lão Tử chỉ truyền lại cho hậu thế cuốn “Đạo Đức Kinh”, gồm 5.000 từ và không còn gì khác nữa. Nhà vua ra lệnh hành hình Trương Tân vì tội dối gạt dân chúng, nhưng nhờ Bodhiruci (Bồ-đề-lưu-chi) can thiệp nên được miễn tội chết. Tất nhiên, giới đạo sĩ không dễ dàng chấp nhận thất bại ấy; vì vậy mâu thuẫn mỗi ngày mỗi căng thẳng và bùng nổ dưới thời trị vì của Võ Đế (561-577).

Ban đầu tuy không có ác cảm với Phật giáo, Võ Đế vẫn không hài lòng với sự phổ biến rộng rãi của tôn giáo ngoại quốc này. Mặc dù sinh ra trong bộ tộc biên cương, Võ Đế vẫn tự xem mình là dân tộc Trung Hoa chính thống, cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Ông cho rằng tôn giáo ngoại lai (Phật giáo) thật sự là không phù hợp với phong tục và thể chế người Hán và cần phải loại trừ. Nhưng là một vị vua thông minh, Võ Đế không biểu lộ sự đối lập ấy một cách công khai vì ông nhận thức rõ ảnh hưởng lớn lao của Phật giáo đối với nhân dân. Một nguyên nhân khác khiến Võ Đế lo sợ Phật giáo vì có lời đồn Phật giáo muốn cướp đoạt ngai vàng của ông. Người ta lưu ý rằng, vào thời điểm ấy, vua chúa Bắc Tề và Bắc Chu luôn bị ám ảnh bởi lời đồn rằng giới mặc đồ đen sẽ chiếm đoạt ngôi báu, mà tu sĩ Phật giáo lúc ấy cũng mặc y phục màu đen, cho dù màu đen không những phổ biến giữa quần chúng mà cả giới quan chức triều đình. Nhưng nguyên nhân đối lập chính của Võ Đế dẫn đến cuộc khủng bố Phật giáo phải kể đến vai trò của Vệ Nguyên Tung, người rất thích chuyện huyền bí và bói toán. Cần lưu ý lúc nhỏ ông ta từng là sa di của Tăng đoàn và học tập với một vị sư vô danh. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở Szchuan nhưng ước ao có danh vọng để được bước chân vào triều nội, Vệ Nguyên Tung đến Trường An, kinh đô nhà Chu để tìm đường lập thân. Sớm nhận ra Phật giáo là tôn giáo thịnh hành nhất tại đây, Nguyên Tung nghĩ đến việc bôi nhọ và chống đối Phật giáo, vì đây là cách tốt nhất khiến triều đình chú ý. Ông ta lục lọi và tìm kiếm chứng cứ chống lại Phật giáo rồi làm cho nó đến tai của giới quan lại. Ban đầu dường như Võ Đế không quan tâm lắm, nhưng vì chuyện do Nguyên Tung bịa đặt luôn được mọi người bàn tán, vì thế tên tuổi của ông cũng đến tai nhà vua. Khi biết được nhà vua bắt đầu chú ý, vào năm 567 Vệ Nguyên Tung đệ trình bản kiến nghị lên bệ rồng, trong đó ông trình bày một số vấn đề mà đạo Phật đã và đang gây tổn hại cho quốc gia. Nguyên Tung nói rằng nhiều thành phần bất hảo của xã hội gia nhập Tăng đoàn, tạo nên mối lo cho chính thể; do vậy triều đình cần phải thanh lọc và thanh trừng Tăng già. Ông ta chống đối việc phụng thờ tháp tượng, vì việc làm ấy không làm tăng trưởng lợi ích cho nhân dân và nước nhà. Việc xây dựng chùa chiền làm tổn hao tài chánh của quốc gia và phí phạm sức lao động của người dân cần phải chấm dứt. Trong bản kiến nghị ấy, Nguyên Tung đề nghị tăng ni nên hoàn tục để lao động nhằm tạo ra nhu phẩm thiết yếu cho xã hội. Quan trọng hơn nữa, bản kiến nghị ấy đánh trúng suy nghĩ của Võ Đế khi xác định vua không phải là người man di mà là người Hán, vì nhà vua hoàn toàn ủng hộ phong tục và thể chế Trung Quốc. Nhờ vậy, nhà vua phong Nguyên Tung làm công tước. Tuy nhiên, vì cảm thấy chưa đúng lúc để ra tay đàn áp Phật giáo, Võ Đế giữ Vệ Nguyên Tung lại trong triều chờ đợi thời cơ. Trong thời gian này, Nguyên Tung dành nhiều thời gian vào việc thần thuật huyền bí. Nhờ sự tiến cử của ông, Trương Tân, một đạo sĩ khác cũng được trọng dụng. Cả hai cùng nhau mưu tính kế hoạch để khuấy động và làm gia tăng sự thù nghịch của Võ Đế đối với Phật giáo.

Vào thời gian này, vấn đề Phật giáo hay Lão giáo ra đời trước cũng được nhà vua quan tâm. Từ năm 568 trở đi, nhiều cuộc tranh luận về chủ đề “Hóa Hồ Kinh” do triều đình tổ chức, thậm chí có cả sự tham dự của hoàng đế, cho tu sĩ của hai tôn giáo này liên tục nổ ra. Có hàng trăm tu sĩ Phật giáo, Lão giáo cũng như học giả của Khổng giáo tham gia vào các cuộc tranh luận như thế. Vào năm 573, Võ Đế kết luận rằng Khổng giáo ra đời đầu tiên vì nó tiêu biểu cho hệ tư tưởng truyền thống của quốc gia; Lão giáo được xếp hàng thứ hai và sau cùng là Phật giáo. Phật giáo đồ không thỏa mãn với kết luận trên, thậm chí một số trong họ chỉ trích quan điểm của nhà vua. Điều đó khiến nhà vua điên tiết và làm cho ông ta càng chú ý đến lời khuyên của Vệ Nguyên Tung. Cuối cùng, Võ Đế ban hành chiếu chỉ bài trừ Phật giáo vào năm 574. Ảnh hưởng của Vệ Nguyên Tung đối với cuộc đàn áp Phật giáo có thể thấy rõ qua ngôn ngữ mà nhà vua dùng trong chiếu chỉ, vì nhiều ngôn từ được Nguyên Tung trình bày trong bản kiến nghị năm 567 được Võ Đế nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong chiếu chỉ 574, nhà vua ra lệnh phá hủy tất cả chùa chiền, Phật tượng và kinh sách; tăng ni phải hoàn tục; tài sản của Tăng già bị tịch biên và phân phát cho quan lại, hoàng tử và công tước. Cần lưu ý chiếu chỉ khủng bố ấy không chỉ nhắm đến Phật giáo mà cả Lão giáo, lý do là vì trong các cuộc tranh luận, số kinh sách ngụy tạo của đạo Lão đều bị học giả Phật giáo vạch trần. Do thế, nhà vua cho rằng Lão giáo cũng xấu xa như Phật giáo.

Năm 577, khi Võ Đế chiến thắng Bắc Tề, Phật giáo ở miền Bắc cũng chịu chung số phận. Sau khi tiến vào kinh đô Bắc Tề, Võ Đế ra lệnh triệu tập tất cả tăng ni trong vùng và tuyên bố chiếu chỉ loại trừ Phật giáo. Có một lần, nhà vua tuyên bố rằng cần phải khủng bố Phật giáo vì tôn giáo này không tôn trọng đạo hiếu, làm hao tổn tài sản và xúi giục bọn phản loạn. Theo Phí Trường Phòng[3], cuộc khủng bố dưới thời Võ Đế phá hủy toàn bộ chùa, tháp, Phật tượng mà nhân dân đã xây dựng qua hằng trăm thế kỷ. Hơn 03 triệu tăng ni phải hoàn tục và 40 ngàn ngôi chùa bị thành viên của các gia đình hoàng tộc chiếm cứ. Tuy nhiên, con số 03 triệu tăng ni trên có vẻ không chính xác và dường như bị khuyếch đại.

Theo một số sử gia, Vệ Nguyên Tung (cựu tu sĩ Phật giáo) là nhân vật chính đứng đằng sau cuộc khủng bố ấy nhưng giới sử gia Phật giáo như Tao-hsuan, Tao-shih, Chueh-an… thường đề cập cả Trương Tân và Nguyên Tung khi viết về giai đoạn lịch sử này. Tuy nhiên, Trương Tân lại bị họ buộc tội nhiều hơn là Nguyên Tung.

II. Dưới triều đại nhà Tùy

Cuộc khủng bố do Vệ Nguyên Tung xúi giục chỉ kéo dài từ năm 574 đến năm 577. Ngay sau khi Võ Đế băng hà (578), tình hình của Phật giáo đã được cải thiện vì vị hoàng đế kế vị, tức Tuyên Đế, rất có cảm tình với Phật giáo. Nhưng ba năm sau đó (581), Dương Kiên, một trong những nhân vật nổi bật nhất của lịch sử Trung Quốc, lật đổ triều đại Bắc Chu và lập nên nhà Tùy, lấy tước hiệu là Văn Đế. Vào năm 589, Văn Đế chinh phục nhà Trần ở phía Nam, thống nhất lãnh thổ Trung Hoa sau 300 năm bị chia cắt.

Trong những năm đầu trị vì, Văn Đế nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân để củng cố triều đại non trẻ của mình. Nhà vua sống rất giản dị, không xa hoa cầu kỳ, nghiêm chỉnh, nhẫn nại lắng nghe ý kiến của mọi người. Ông thưởng phạt phân minh, cắt giảm thuế má và lao động công ích, khuyến khích nông nghiệp và dệt may. Chính sách đúng đắn ấy sớm làm cho đất nước trở nên phồn thịnh. Để biện hộ cho đường hướng chính trị của mình, Văn Đế nghiên cứu và ứng dụng triết lý Khổng giáo trong những năm đầu xây dựng quyền lực. Ví dụ, ông miễn giảm thuế và thời gian lao động công ích cho những ai có hiếu với mẹ cha; xây dựng trường học tại mỗi địa phương và ngay kinh thành để dạy Tứ Thư, Ngũ Kinh… Tuy nhiên, đặc ân lớn nhất nhà vua lại dành cho Phật giáo. Trong khía cạnh này, Tùy Văn Đế là vị vua độc đáo nhất trong lịch sử của vua chúa Trung Hoa, vì nhà vua định rõ chính sách cai trị, lấy giáo lý Phật giáo làm hệ tư tưởng chính để thống nhất và củng cố đất nước.

Ngay cả khi còn phục vụ trong quân đội của triều đại Bắc Chu[4], Dương Kiên cố gắng làm giảm bớt sự thù nghịch khốc liệt đối với Phật giáo. Ông cho phép một chùa Phật giáo tại Trường An và một tại Lạc Dương được mở cửa hoạt động trở lại. Ông đích thân mời vị lãnh đạo giáo hội đương thời là Pháp Tạng xuống núi để giúp ông khôi phục lại đạo Phật. Dương Kiên cũng cho phép các Tỷ-kheo đức hạnh được trở lại chùa để hành đạo. Người ta nói rằng chính nhờ những việc làm ấy mà Yang Chien (Dương Kiên) nhận được sự ủng hộ của quần chúng sau cuộc khủng bố từ năm 574-577. Do vậy, sau khi lên ngôi, Văn Đế xúc tiến việc xiển dương Phật giáo. Trước tiên, vào năm 581 nhà vua ra chiếu chỉ xây dựng tu viện Phật giáo ngay dưới chân năm dãy núi thiêng, gồm Thái Sơn ở Shantung, Hoa Sơn ở Shen-si, Hoành Sơn ở Anhui, Hằng Sơn ở Hồ Bắc, và Tung Sơn ở Hồ Nam. Chiếu chỉ ấy cũng bao gồm việc cúng dường đất đai để hỗ trợ cho các tu viện. Đây là một sự khởi đầu vô cùng ý nghĩa vì năm ngọn núi này được nhân dân xem là nơi cư trú của chư thiên địa phương và các vùng lân cận. Trong cùng năm ấy, Văn Đế ra lệnh xây dựng một số chùa miếu tại một số địa phương mà cha ông và ông đã chiến thắng những trận chiến quan trọng như Hsiang-yang, Sui-chun, Chiang-ling, và Chin-yang. Số chùa miếu này là nơi để tổ chức lễ cầu nguyện cho vong hồn chiến sĩ tử nạn trong các chiến trận ấy.

Năm 583, Văn Đế ra lệnh xây cất lại tất cả chùa tháp bị hủy hoại trong cuộc khủng bố. Hai năm sau đó, một chiếu chỉ được ban hành với nội dung tái thiết số Phật tượng bị đập phá và phục hồi lại những kinh sách bị hủy hoại. Cũng chính trong năm 585, nhà vua xúc tiến xây dựng 40 ngôi quốc tự trong các huyện tổng với tên gọi là Đại Hưng Quốc Tự. Với sự khuyến vũ của hoàng triều, kinh sách Phật giáo sớm phổ biến rộng rãi khiến giới sử gia Khổng giáo phàn nàn rằng kinh sách Phật giáo được lưu hành nhiều hơn sách vở của Khổng giáo cả hằng trăm lần. Nhà vua công khai phát nguyện trở thành một tín đồ tại gia của đức Phật, do vậy ông được ban tặng tên gọi có ý nghĩa “Con trai Bồ-tát”. Tu sĩ có học thức và Tỷ-kheo đức hạnh thường được mời vào hoàng cung thuyết giảng kinh điển cho vua và giới phụ nữ hoàng tộc. Hoàng hậu, thái tử và nhiều đại quan đương triều đều cải đạo theo Phật.

Cần lưu ý trong trận chiến chống sự xâm lăng của quân đội nhà Tùy, vua quan nhà Trần[5] ở phía Nam huy động tất cả nguồn nhân lực trong lãnh thổ, bao gồm cả giới tu sĩ Phật giáo và Lão giáo. Do vậy, sau khi chinh phục được nhà Trần, Tùy Văn Đế áp dụng một số chính sách cứng rắn đối với Phật giáo tại đây. Tất cả tăng quan do nhà Trần bổ nhiệm đều bị Tùy Văn Đế bãi chức. Hoạt động của Tăng già bị giám hộ chặt chẽ nhằm ngăn ngừa tình trạng chống đối triều đại mới. Nhiều chùa viện bị chiến tranh hủy hoại không được sửa sang; trong khi ấy số còn lại bị quân đội trưng dụng. Mỗi khu vực dân cư sinh hoạt chỉ có hai chùa được phép hoạt động. Nói chung, trong giai đoạn đầu của nhà Tùy, Phật giáo phía Nam tạm thời gặp khó khăn. Nhưng người ta nói rằng Tùy Văn Đế không có ý chống đối Phật giáo, vì vào năm 590 nhà vua đã gửi một bức thư cho Trí Giả đại sư, người sáng lập ra Thiên Thai Tông và là vị tăng được kính trọng nhất ở miền Nam Trung Hoa thời bấy giờ, thành tâm mời ngài hợp tác với triều đình để phục hưng sức mạnh vốn có của Phật giáo. Bắt chước vua cha (Văn Đế), thái tử Quang cũng tranh thủ sự ủng hộ của vị danh tăng này. Thực ra, lòng tôn kính của thái tử đối với Trí Giả đại sư nhằm đến mục đích riêng tư, vì thái tử biết rằng cha ông là một Phật tử thuần thành. Bằng việc biểu hiện lòng thành kính của mình đối với Phật giáo, thái tử hy vọng cha của ông sẽ hài lòng và truyền trao đế vị cho mình.

Cần lưu ý rằng sau khi kiểm soát hoàn toàn hai miền Nam Bắc, lấy giáo lý Phật giáo làm nền tảng chính trị, Tùy Văn Đế bắt đầu chiến dịch thống nhất đất nước. Ông tự xem mình là Nhân Vương Hộ Quốc. Khác với vua chúa thời Bắc Ngụy tự xem họ là Như Lai, Văn Đế tuyên bố rằng sự đăng vị của ông là nhờ vào Phật pháp. Trong chỉ dụ năm 594, nhà vua tuyên bố là đệ tử của đức Phật để chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà vua và Ngài. Sắc lệnh ấy cũng ghi rõ sự hối hận của vua đối với việc phá hoại tu viện, kinh tượng và chùa tháp trong thời đại Bắc Chu. Vào năm 601, thông qua Phật pháp, hoàng đế tỏ rõ quyết tâm củng cố đế chế của mình với chỉ dụ rằng nhà vua đã quy y Tam Bảo và mong muốn rằng toàn thể nhân dân phát triển thiện tâm, nuôi dưỡng thiện nghiệp. Để biểu lộ tấm lòng hộ pháp, Văn Đế phái 30 vị Tỷ-kheo mang theo hương và xá lợi Phật đến 30 trung tâm khác nhau khắp đất nước. Sau khi đến, các Tỷ-kheo tìm kiếm những vùng đất thích hợp và xây dựng bảo tháp để tôn trí xá lợi. Trong dịp này, 30 ngôi bảo tháp được xây dựng nên. Vào rằm trăng tròn tháng chín năm 601, lễ tôn trí xá lợi, được nhà vua đích thân bài trí cẩn thận trong 30 chiếc bình quý, đồng loạt cử hành khắp cả nước. Tất cả quan lại triều đình đều được nghỉ một tuần để tham dự buổi lễ thiêng ấy. Cùng lúc ấy, tại kinh thành, Văn Đế cũng tổ chức một buổi lễ trang trọng ngay hoàng cung để kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Tuy nhiên, việc ấy không chỉ xảy ra một lần mà vào năm 602, 51 ngôi tháp khác được lệnh xây dựng để tôn trí xá lợi. Vào năm 604, thêm 30 ngôi tháp với cùng mục đích được xây cất khắp toàn lãnh thổ. Nhìn chung, từ năm 601 đến 604 nhà vua xây dựng tổng cộng là 111[6] ngôi tháp với mục đích truyền bá Phật pháp. Nhằm bày tỏ hơn nữa sự ủng hộ Phật giáo, vào năm 601, nhà vua ra lệnh đóng cửa các trường học của Khổng giáo ở nhiều quận thị và thôn quê, đồng thời nghiêm khắc giới hạn số học trò ở cấp đại học.

Có thể nói, trong kế hoạch xây dựng tháp miếu, Văn Đế mô phỏng theo gương “Nhân Vương Hộ Quốc” của đại đế Asoka (A-dục) Ấn Độ; vì truyền thống Phật giáo nói rằng Asoka đã xây 84.000 ngôi tháp khắp lãnh thổ Ấn để thờ phụng xá lợi Phật. Với việc làm này, nhà vua hy vọng tất cả mọi tầng lớp trong xã hội Trung Hoa có thể vun trồng phước đức bằng việc thờ cúng xá lợi thiêng của Phật. Thông qua lễ tôn trí xá lợi với sự tham dự của toàn thể quan chức và tăng lữ, nhà vua có cảm tưởng rằng toàn thể đế chế đã thống nhất lại. Rõ ràng, chưa hề có một vị vua nào trước Tùy Văn Đế dùng việc truyền bá đạo Phật như là chính sách để thống nhất đất nước. Phương pháp này không chỉ thấy ở Trung Hoa, mà còn được áp dụng ở Nhật Bản và Hàn Quốc, ví dụ thời Thánh Đức Thái Tử của Nhật Bản. Cần lưu ý, để hỗ trợ cho việc hoằng dương Phật pháp, nhà vua tổ chức nhiều hội đồng Tỷ-kheo; mỗi đơn vị gồm 25 người. Lãnh đạo của mỗi hội đồng ở tại kinh đô, trong khi ấy số thành viên còn lại phân tán khắp nơi để xiển dương giáo pháp. Có hằng trăm đơn vị hội đồng như thế hoạt động khắp đất nước. Theo tài liệu thống kê, lúc Văn Đế mới lên ngôi, Lạc Dương chỉ có 64 tu viện dành cho Tỷ-kheo và 27 dành cho ni. Vào cuối đời của vua, chùa viện Phật giáo tăng lên đến 120 ngôi, trong khi ấy đền miếu của đạo Lão vẫn duy trì như trước.

Mặc dù đã làm rất nhiều lợi ích cho Phật giáo, Tùy Văn Đế lại bị chính con ruột của mình là thái tử Quang hành hạ cho đến chết, sau khi Quang kế vị ngôi báu với tước hiệu là Dạng Đế trong năm 604. Tuy nhiên, Dạng Đế cũng hỗ trợ đắc lực cho đạo Phật. Vì thế, trong khi giới sử gia Khổng giáo chỉ trích Dạng Đế là loại bạo chúa, tàn bạo, ích kỷ và ngông cuồng nhất trong lịch sử Trung Hoa, các sử gia Phật giáo như Chih-p’an lại không chỉ trích nhà vua. Họ biện hộ hành động của Dạng Đế là do nghiệp quá khứ bằng cách trích dẫn chuyện Ajatasatru (A-xà-thế) giết vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) để cướp ngôi báu.

Khi còn giữ chức tổng trấn ở Nam Trung Hoa, thái tử Quang đã tiến hành một số kế hoạch để biểu lộ lòng nhiệt thành của mình đối với Phật giáo. Thái tử ra lệnh thu lượm số kinh sách bị hư hoại trong cuộc chiến giữa nhà Trần và Tùy, sau đó đem về Dương Châu và lập hội đồng để phục hồi, san định. Ông ta cũng xây dựng hai tu viện và mời tất cả danh tăng ở miền Nam đến cư trú ở đó. Hai tu viện này có một vị trí quan trọng trong việc phục hưng Phật giáo tại miền Nam Trung Quốc thời bấy giờ. Sau khi lên ngôi, trong dịp về thăm lại Dương Châu, Dạng Đế tổ chức một lễ cầu nguyện cho Thiên Thai Trí Giả đại sư vừa mới viên tịch. Sau đó, nhà vua cúng dường tài chánh để xây dựng một ngôi chùa tưởng niệm ngài.

Tuy nhiên, nỗ lực dùng Phật giáo như là một động lực thống nhất đất nước của nhà Tùy kéo dài không bao lâu. Sự bạo ngược và tàn nhẫn của Dạng Đế qua việc xây dựng kinh đào nối liền phía Bắc Trường An và Lạc Dương với sông Dương Tử đã hủy hoại nhiều trung tâm dân cư và tài sản lớn lao của đất nước, làm cho nhân dân lâm vào cảnh khốn khổ, nghèo đói. Bên cạnh ấy, cuộc sống xa hoa, phóng túng của vua quan nhà Tùy còn tăng thêm gánh nặng cho người dân. Dạng Đế không những duy trì cả Trường An và Lạc Dương làm kinh đô, mà còn ra lệnh xây thêm nhiều đền đài tráng lệ trong mỗi kinh thành. Để tiến hành công việc ấy, hàng triệu người bị sung làm lao dịch. Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của Dạng Đế là phái ba đoàn quân viễn chinh xâm lăng Triều Tiên với kết quả là cả ba đều thất bại. Cuối cùng, làn sóng bất mãn của binh lính và giới lao dịch dẫn đến cuộc nổi loạn, ám sát Dạng Đế năm 618 làm sụp đổ nhà Tùy[7]. Triều đại nhà Đường nối ngôi với một thay đổi quan trọng là trở về với truyền thống Trung Quốc, lấy ý thức hệ Khổng giáo làm nền tảng cho hệ thống chính trị quốc gia. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn là tôn giáo có thế lực nhất trong lãnh thổ, vì vua chúa nhà Đường không muốn loại bỏ đi đặc thù tôn giáo trong lòng người dân, mà phần lớn trong họ đều là Phật tử.

III. Dưới thời nhà Đường (618-907)

Sau khi lật đổ nhà Tùy, Lý Uyên lập nên nhà Đường, xưng hiệu là Cao Tổ, niên hiệu Võ Đức. Với tình trạng đất nước vẫn thống nhất sau cuộc binh biến, Đường Cao Tổ rồi đến Thái Tông (Lý Thế Dân) củng cố, xây dựng và phát triển đất nước Trung Hoa thành một lãnh thổ rộng lớn kéo dài đến cả vùng Trung Á. Hầu hết giới sử gia đều công nhận đây là một trong ba giai đoạn phồn vinh và phát triển nhất của văn hóa và văn minh Trung Hoa[8]. Do vậy, nó còn được gọi là “thời đại hoàng kim”. Danh từ “người Đường” (thoòng dần) cũng thông dụng như danh từ “người Hán” để chỉ người Trung Hoa.

Đường lối chính trị của Đường triều mang tính toàn cầu. Triều đại này tự xem họ là vua chúa không chỉ của Trung Hoa, mà là của tất cả các bộ tộc. Vì thế, trong chính sách mở mang bờ cõi, bất cứ bộ tộc nào không thuần phục hoặc có ý chống đối đều bị nhà Đường cử binh chinh phạt[9]. Về chính sách tôn giáo, mặc dầu có khuynh hướng nghiêng về đạo Lão, triều đại nhà Đường[10] chủ trương khoan dung đối với tôn giáo. Nhiều tôn giáo ngoại quốc như Nestorian Christianity (Cảnh giáo- một phái Ki Tô giáo ở Tây Á), Islam (Hồi giáo), Manichaeism (Ma Ni giáo) đã du nhập vào Trung Hoa trong giai đoạn này; nhưng hùng mạnh nhất vẫn là Phật giáo. Có thể nói rằng trong lịch sử tồn tại và phát triển ở Trung Hoa, thời đại nhà Đường là giai đoạn phát triển cao độ của Phật giáo. Mọi tầng lớp xã hội đều ủng hộ Phật giáo, mọi sinh hoạt của Phật giáo đều thu hút sự chú ý của mọi người. Cần lưu ý lúc này người Trung Hoa không chỉ tiếp thu giáo lý Phật giáo một cách thụ động, mà khuynh hướng bản địa hóa Phật giáo được họ ý thức một cách rõ ràng. Những tư tưởng và trường phái phản ảnh tính đặc thù Trung Hoa như Thiền tông, Thiên Thai tông, v.v… lần lượt ra đời. Có thể nói rằng đây là thành quả độc đáo của các thiên tài Phật giáo, mở ra một chương mới trong lịch sử triết học Trung Quốc. Nhưng do vì Phật giáo Đường triều không còn là một tôn giáo xuất thế với những ngoại lệ đặc biệt như ở Ấn Độ, nó dần dần bị đồng hóa thành một bộ phận của xã hội và cuối cùng đặt dưới sự kiểm soát của triều đình[11]. Ví dụ, trong các triều đại trước, Tỷ-kheo chỉ bị pháp luật triều đình xử trị khi phạm các trọng tội như giết người, cướp của v.v…, còn những tội lỗi nhẹ được xử theo giới luật Phật giáo. Vào thời nhà Đường, nếu vi phạm bất cứ pháp luật nào của triều đình, Tỷ-kheo cũng bị trừng phạt như người dân bình thường. Vấn đề “tu sĩ nên lễ lạy vua chúa hay không” được tranh luận từ các triều đại trước đã bị loại trừ. Lúc này, tu sĩ mọi tôn giáo đều phải lễ lạy vua chúa. Điều này chứng tỏ rằng triều đình nhà Đường đã thế tục hóa tôn giáo thành một tổ chức như các tổ chức khác của xã hội. Do vậy, không có bất cứ sự ngoại lệ nào đối với mọi đối tượng xã hội, bao gồm cả tu sĩ Phật giáo.

Cần lưu ý, ngay trong giai đoạn trị vì của Đường Cao Tổ, Phật giáo liên tục gặp sự chống đối của Lão giáo qua những biểu chương với lời buộc tội nặng nề. Theo họ, giáo lý Phật giáo toàn là ngoa ngôn và không hợp lý. Tôn giáo này khuyến khích sự phản bội và phá vỡ truyền thống hiếu đạo, vì nó dạy người ta không cần phải biểu lộ lòng tôn kính với cha mẹ và vua chúa. Các đạo sĩ nói rằng sống chết chỉ là vấn đề tự nhiên, trong khi ấy công lý, đạo đức, thưởng phạt là thuộc lãnh vực của con người; nhưng Phật giáo lại dạy là do nghiệp; bằng việc giải thích sai lầm ấy, Phật giáo đã cướp đoạt quyền hành của đấng sáng thế. Hàng trăm, hàng ngàn tu sĩ Phật giáo lười biếng, ăn bám và phung phí thời gian của họ qua việc rao giảng những điều xằng bậy đang là gánh nặng kinh tế của xã hội.

Làn sóng chống đối với những ngôn ngữ nặng nề như thế được lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không được xã hội quan tâm. Do được sự ủng hộ từ các gia đình quyền quý và hoàng thân quốc thích, tu sĩ Phật giáo rất có quyền lực và giàu có. Hơn thế nữa, Đường Cao Tổ dường như nhận ra được nguyên nhân thất bại chính của triều đại Bắc Chu là ngược đãi hoặc khủng bố Phật giáo. Không muốn đi theo vết xe đổ, Lý Uyên tránh tạo mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa triều đình và Phật giáo. Tuy nhiên, lời buộc tội của giới đạo sĩ cũng được nhà vua âm thầm thực hiện qua một chiếu chỉ ghi rằng phần lớn tu sĩ và đạo sĩ đánh mất lý tưởng xuất thế của tự thân là thanh bần và an tịnh, vì họ đã dấn thân quá sâu vào thế sự lợi danh. Nhằm phân biệt thành phần tu hành thật sự với phường giá áo túi cơm lợi dụng tôn giáo, Đường Cao Tổ ra lệnh số tăng ni và đạo sĩ đầy đủ phẩm hạnh, gương mẫu trong cuộc sống tu hành cần phải sống trong chùa viện và đền miếu. Nhu yếu thực phẩm hằng ngày sẽ được triều đình cung ứng. Số người phá giới, phản bội lý tưởng, lười biếng ăn bám đều phải hoàn tục. Tại kinh thành, ba ngôi chùa Phật giáo và hai đền thờ đạo Lão được phép xây dựng; đồng thời, mỗi tôn giáo được phép mở một trụ sở để hoạt động, tất cả số còn lại đều bị hủy bỏ. Tuy nhiên, sắc lệnh ấy không gây ảnh hưởng gì đối với hai tôn giáo này, vì chỉ sau vài tuần chiếu chỉ được ban hành, hoàng tộc xảy ra cuộc tàn sát lẫn nhau để soán đoạt quyền bính. Lý Thế Dân giết Đông cung thái tử Kiến Thành và Tề Vương Nguyên Cát, buộc Cao Tổ thoái vị và lên ngôi hoàng đế xưng hiệu là Thái Tông.

Trong những năm đầu trị vì, do dành quá nhiều thời gian cho chiến dịch quân sự, Đường Thái Tông có lẽ ít quan tâm đến tôn giáo. Riêng Phật giáo, Lý Thế Dân dường như không có thiện cảm, vì một trong những sắc dụ được nhà vua ban ra vào thời điểm ấy hàm ý rằng Phật giáo không phải là tôn giáo nhà vua chọn lựa. Thái Tông thường ám chỉ đến chuyện của Lương Võ Đế (502-549), người hết lòng ủng hộ Phật giáo, xây vô số chùa tháp; tuy nhiên cuối cùng dòng họ của Võ Đế cũng bị tàn sát, đền miếu điêu tàn. Có lẽ vì vậy mà Lý Thế Dân không hứng thú với giáo lý Nghiệp của Phật giáo; thay vào đó nhà vua đầu tư công sức để thuyết phục nhân dân chấp nhận sự thừa kế ngôi vị của mình. Bên cạnh ấy, với suy nghĩ rằng Đường tộc là con cháu của Lão Tử, Lý Thế Dân có khuynh hướng theo Lão giáo. Điều này thể hiện rõ trong sắc dụ năm 637 ghi rằng sự ổn định của đế chế là nhờ vào giáo thuyết vô vi, do vậy mọi nghi thức tế lễ cũng như đàm luận của giới đạo sĩ đều được đề cao hơn tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, Đường Thái Tông cũng tuyên bố rằng dù xem trọng Lão giáo do một vài lý do nhưng nhà vua cũng không hề có ý chèn ép Phật giáo[12]. Dù tự nhận là tín đồ Lão giáo, nhà vua cũng không cưỡng chế mọi người theo tín ngưỡng của mình. Điều này được thể hiện qua một vài việc làm của Thái Tông. Vào năm 692, nhà vua ra lệnh xây dựng bảy ngôi tháp và chùa tại những nơi chiến trận đã diễn ra để tưởng niệm chiến sĩ tử trận. Trước đó, nhà vua cũng ra lệnh tất cả chùa viện trong kinh đô và các huyện tổng chính phải ăn chay bảy ngày và làm thiện sự để tưởng nhớ các anh hùng chiến sĩ. Nhiều Tỷ-kheo cũng được nhà vua mời làm lễ cầu nguyện cho mùa màng vào tháng giêng và tháng bảy hằng năm. Có thể nói rằng trong những năm đầu trị vì đất nước, vì không muốn gây xáo trộn lòng dân nên Đường Thái Tông không thiên vị tôn giáo. Phật giáo được xem như là công cụ của triều đình trong việc thống nhất và ổn định nước nhà. Để làm an lòng nhân dân và giới tu sĩ Phật giáo, Lý Thế Dân ủng hộ việc xây cất thêm chùa viện, đặc biệt là các danh lam tại Ngũ Hành Sơn. Thái Tông thường tổ chức tiệc sinh nhật và những buổi lễ tưởng niệm thân nhân quá cố tại các chùa viện Phật giáo. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sau khi gặp gỡ và đàm luận triết lý nhà Phật với Huyền Trang, Thái Tông thật sự thích thú và quan tâm đến Phật giáo. Buổi sơ ngộ của nhà vua với vị danh tăng, diễn ra ngay sau khi Huyền Trang từ Ấn Độ trở về Trung Hoa đã làm thay đổi chính kiến của vị vua tài ba này. Càng ngày Thái Tông càng biểu lộ sự thích thú đối với Phật pháp, đặc biệt đối với công trình phiên dịch của Huyền Trang và cộng sự của ngài. Lúc này, nhà vua phát biểu Khổng và Lão không thể so sánh với đạo Phật; người đời đã sai lầm khi có quan niệm rằng cả ba tôn giáo này có chung điểm xuất phát. Vua khẳng định với Huyền Trang sẽ làm hết sức để xiển dương đạo Phật. Vua thường mời các danh tăng vào sống trong hoàng cung để có nhiều cơ hội thảo luận Phật pháp. Vua phát biểu rằng ông rất tiếc là đã chấp nhận đạo Phật quá trễ, vì thế không có nhiều thời gian để xiển dương Phật pháp vì lợi ích của nhân dân.

Sau khi Thái Tông băng hà, Cao Tông kế vị và tiếp tục ý hướng của tiền nhân. Vào năm 668, vua ban chiếu xây dựng ba ngôi chùa Phật giáo và ba ngôi đền Lão giáo tại nhiều địa phương khác nhau nhân dịp vua đến Đài Sơn cúng tế thiên địa; chi phí xây dựng do triều đình cung cấp. Cũng trong năm này, triều đình bảo trợ cho Đạo Thế biên soạn hoàn tất bộ Bách Khoa Phật Giáo với tựa đề “Pháp Uyển Châu Lâm”, bao gồm 100 chương. Mặc dầu Cao Tông hiền từ nhưng quá nhu nhược và lại hiếu sắc, mọi quyền hành đều rơi vào tay Võ Hậu, tên thật là Võ Chiếu, nguyên là một cung tần được Thái Tông sủng ái do bà vừa đẹp lại vừa thông minh. Khi còn là thái tử, Cao Tông thầm yêu Võ Thị. Sau khi Thái Tông qua đời, bất chấp hiếu đạo và lời đàm tiếu dị nghị của thần dân, nhà vua phong nàng làm phi và về sau trở thành hoàng hậu. Sau khi Cao Tông qua đời vào năm 683, Trung Tôn lên ngôi hoàng đế nhưng Võ Hậu vẫn nắm quyền nhiếp chính. Sau một vài lần phế lập, vào năm 690 Võ Hậu tự phong đế với hiệu là Tắc Thiên, đổi quốc hiệu Đường thành Chu. Mặc dầu nổi tiếng là ác độc, tàn bạo, hoang dâm vô độ, Võ Tắc Thiên vẫn được một số đại thần ủng hộ vì tài trị nước, và trọng dụng người tài. Trong số ấy có nhiều người được nhân dân trọng vọng như Lâu Sử Kính, Địch Nhân Kiệt, Tống Cảnh …

Cần lưu ý rằng hệ tư tưởng triết học Khổng Mạnh không cho phép phụ nữ tham gia chính trị. Do vậy, việc trở thành hoàng đế của Võ Tắc Thiên là sự kiện phi thường trong lịch sử chính trị Trung Hoa. Để thực hiện tham vọng ấy, Võ Hậu lấy giáo lý Phật giáo làm nền tảng, cụ thể là “Kinh Đại Vân” với hai bản dịch, một của Trúc Phật Niệm và một của Dharmakshema. Theo phẩm thứ tư của kinh này, đức Phật dạy nhờ nghe kinh Đại-bát Niết-bàn mà nữ thần Ching-kuang sẽ tái sinh làm Chuyển Luân Thánh Vương, trị vì một lãnh thổ rộng lớn. Phẩm thứ sáu của kinh Đại Vân đề cập đến lời dạy của đức Phật rằng 700 năm sau ngày Phật Niết-bàn, ở một đất nước nhỏ bé ở phía Nam Ấn Độ, một cô gái sẽ trở thành hoàng đế sau khi vua cha băng hà. Sau khi lên ngôi, nữ hoàng ấy sẽ thống lãnh toàn bộ thế giới Ta-bà. Tỷ-kheo Huai-I và đệ tử ông ta sao chép nguyên văn hai phẩm kinh trên cộng với một số lời bình luận rằng hoàng hậu Võ Chiếu là hiện thân của Di Lặc tại trần gian, do vậy xứng đáng với ngôi vị hoàng đế của nhà Chu[13]. Nội dung trên đáp ứng được mong đợi của Võ Hậu, do vậy Kinh Đại Vân sớm được lưu truyền khắp lãnh thổ. Nhằm thu phục sự ủng hộ của nhân dân, ngay sau khi xưng đế Võ Tắc Thiên ra lệnh xuất ngân khố xây dựng hai chùa Đại Vân, một tại kinh thành Trường An và một tại kinh thành Lạc Dương. Bên cạnh ấy, vốn được sinh ra trong một gia đình thành tín Phật giáo, ngay từ thiếu thời Võ Hậu đã chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Do vậy, khi nắm được quyền lực, vào năm 672-678, để bày tỏ lòng mộ đạo của mình, Võ Hậu ra lệnh khắc tạc tượng Phật, Bồ-tát, thiên thần trong dãy động Long Môn. Đây là một trong những công trình nghệ thuật điêu khắc vĩ đại nhất của Trung Hoa hiện còn tồn tại.

Với sự tác động và bảo trợ của triều đình, Phật giáo càng ngày càng thịnh vượng. Phật giáo được ưu đãi hơn Lão giáo. Chánh điện thờ Phật được xây dựng ngay trong nội thành của kinh đô Trường An và Lạc Dương. Các Tỷ-kheo thường được phép cư ngụ ngay trong chùa để hằng ngày tụng kinh, dâng hương và thuyết pháp cho hoàng tộc. Người ta nói rằng tiếng tụng kinh niệm Phật tại đó vang vọng ra ngoài bức tường của nội thành. Vào năm 705, sau khi Trương Giản Chi và triều đình truất phế Võ Tắc Thiên, lập Trung Tông hoàng đế trở lại và phục hưng danh hiệu nhà Đường, Phật giáo vẫn được vua chúa Hậu Đường ủng hộ.

1. Hành hương xứ Phật

Khi Phật giáo truyền bá sâu rộng và có ảnh hưởng lớn ở Trung Hoa cũng là lúc nhiều Phật tử bản địa lên đường hành hương Ấn Độ. Lý do chính của việc hành hương xứ Phật là vì người ta muốn học giáo lý ngay tại mảnh đất sinh ra đức Phật, đồng thời có cơ hội sưu tập nhiều Phật kinh hơn nữa để đáp ứng cho nhu cầu tri thức của tín đồ. Bên cạnh ấy, số kinh sách do các vị đạo sư Đại thừa như Asanga (Vô Trước) Vasubhandu (Thế Thân) đang thịnh hành tại Ấn Độ vào giai đoạn này cũng là động lực chính thu hút các đoàn hành hương. Quan trọng nhất là giới Phật giáo Trung Hoa đã nhận thức được sự thiếu sót và tương phản trong hệ thống kinh sách được phiên dịch từ Phạn văn sang Hoa ngữ đang hiện hành. Họ cảm thấy cần phải bổ sung và kiện toàn hệ thống ấy từ cội nguồn của chúng. Vào thời điểm ấy, ảnh hưởng chính trị, ngoại giao của nhà Đường đã lan rộng đến nhiều nước nhỏ ở vùng Trung Á. Để có được mối bang giao tốt đẹp với Đại Đường, số tiểu quốc ấy thường tạo mọi thuận lợi cho các phái đoàn Phật tử hành hương Ấn Độ mỗi khi họ đi ngang qua địa phương mình. Đây cũng là lý do khiến nhiều người lên đường đến Ấn Độ vào thời đại nhà Đường.

Một trong số người hành hương can đảm nhất lúc ấy là Huyền Chiếu, rời Trung Hoa vào năm 651. Sau khi đi qua vùng Trung Á đến Cổng Sắt (Iron Gate) và vượt qua núi Hindukush dường như Huyền Chiếu bị lạc đường nên phải tìm đường cũ trở về Tây Tạng. Nhờ sự chỉ dẫn của bạn bè hoàng hậu Tây Tạng (gốc Trung Quốc), Huyền Chiếu tiếp tục chuyến hành hương của mình. Khi đến Ấn Độ, ông ở lại bốn năm tại Jalandhara và Bodhgaya, ba năm tại Nalànda để học tập Sanskrit và triết học. Sau khi trở về quê hương cùng với đoàn đặc sứ của triều đình, Huyền Chiếu nhận chiếu chỉ của vua trở lại Ấn Độ để tìm một danh y. Mặc dù gặp được vị danh y ấy đang trên đường đến Trung Quốc tại biên giới Ấn Độ, nhưng Huyền Chiếu lại phải tiếp tục hành trình đến đất Phật để lấy một số dược phẩm theo yêu cầu của danh y ấy. Sau khi hoàn tất bổn phận, thăm viếng lại Phật tích và chuẩn bị về nước, Huyền Chiếu được biết người Ả Rập đã kiểm soát Bactria, các vùng phụ cận và chặn bít mọi ngã đường. Trong khi ấy, vào năm 670 người Tây Tạng cũng nổi dậy chống lại người Hoa, chiếm giữ Khotan, Yarkand, Kashgar và Kuccha. Vì thế, Huyền Chiếu buộc phải ở lại Ấn Độ cho đến ngày lâm chung.

Nhà chiêm bái, học giả nổi tiếng nhất giai đoạn ấy là Huyền Trang (596-664) [14], người không chỉ để lại cho hậu thế các công trình sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật về Phật học, mà còn cống hiến cho nhân loại nhiều thông tin giá trị liên quan đến lịch sử văn hóa-xã hội của miền Trung Á và Ấn Độ.

Cần lưu ý, trước chuyến hành hương Phật quốc, Huyền Trang[15] đã rất thiện xảo giáo lý, đặc biệt là triết học duy tâm của Duy Thức tông. Nhưng sự tương phản trong các bản kinh được phiên dịch sang Hoa ngữ, quá nhiều quan điểm bất đồng về Phật pháp không có hướng giải quyết khiến ngài lo lắng, ưu tư. Đây là lý do thúc giục Huyền Trang Tây du tìm câu giải đáp. Ngài lén lút rời Trung Hoa vào năm 629[16], vì lời thỉnh cầu xin xuất ngoại bị triều đình từ chối. Cuộc du hành ấy tưởng chừng bị chấm dứt ngay từ lúc khởi hành vì người hướng đạo có dã tâm giết ngài để trở về cố hương. Rất may Huyền Trang tránh được họa sát thân vì phát giác kịp thời. Theo “Bách Khoa Phật Học”, số lãnh địa ngài đã đi qua trước khi đến biên giới Bắc Ấn là Turfan, Agni, Kuche, ốc đảo trong sa mạc Gobi, Nujkend, Char, Ferghanad (ở Turkestan), Sutrishna, Samarkhand, Kesh, Kunduz, Bactria (hay Bhaktra), Bamiyan, và Kapisa. Sự cố khủng khiếp nhất xảy ra khi ngài phải đối mặt với nguy hiểm chết người của sa mạc Mo-kia-yen, dài 800 dặm. Sau khi vượt qua 100 dặm đầu, ngài bị lạc đường, lương thực cạn kiệt, nước uống hết sạch. Huyền Trang phải trải qua bốn đêm năm ngày tại sa mạc bao la trong tình trạng như thế Kenneth K.S. Ch’en nói rằng trong lần dừng chân lần đầu tiên của Huyền Trang tại Turfan, danh tiếng của ngài khiến tiểu vương xứ ấy kính mến và tìm cách mời ngài ở lại. Nhưng với ý chí sắt đá và lòng cương quyết vì mục đích cao đẹp của vị cao tăng, vua để ngài lên đường với một thư giới thiệu đến các nước, yêu cầu giúp đỡ ngài. Quả thật, bức thư ấy đã giúp ích ngài rất nhiều mỗi khi vượt qua các lãnh địa. Từ Turfan Huyền Trang tiến về Karashar, Tashkend, Samarkand, vượt qua dãy Hindukusk đến Kapisa. Từ đây, ngài vượt qua cao nguyên Iran xuống miền ôn đới Nagarahara. Sau khi viếng thăm Peshawar và Taxila tọa lạc ở Gandhàra, Huyền Trang tiến về Kasmir, lưu trú ở đây hai năm để học tập. Vào năm 633, ngài lên đường tiến về các thánh địa Phật giáo như Śràvastì, Kapilavastu, Kusinara, Banares, Vaiśàlì, Pàtaliputra, Bodhgaya. Sau khi chiêm bái Phật tích, Huyền Trang đã đến lưu trú hai lần tại đại học Nàlandà. Bên cạnh được học triết học của Duy Thức tông dưới sự dạy dỗ của Sìlabhadra (Giới Hiền)[17], Huyền Trang nghiên cứu và học tập Sanskrit, triết học Ấn Độ và giáo lý của các bộ phái Phật giáo.

Khi đạt được mục đích của chuyến Tây du, Huyền Trang quyết định trở lại quê hương vào năm 645, sau 16 năm xa tổ quốc. Ngài chọn con đường phía Nam xuyên qua vùng Trung Á để trở về Trường An, kinh đô của nhà Đường. Người ta nói rằng kinh sách được ngài đưa về Trung Quốc trong chuyến hành hương ấy là 657 danh mục, bao gồm 1.330 chuan. Theo “Bách Khoa Phật Học”, số kinh điển do ngài đem về Trung Quốc bao gồm 224 cuốn kinh và 192 cuốn luận thuộc Đại thừa; 15 tác phẩm thuộc phái Sammitiya; 22 cuốn thuộc phái Mahiśàsaka, 67 cuốn thuộc phái Sthaviravàdin; 17 tác phẩm thuộc phái Kaśyapiya; 42 tác phẩm thuộc phái Dharmagupta; 36 bản sao của luận Hetuvidỳa; 13 bản sao của luận Sabdhaviya. Tổng cộng là 520 tập, gồm trong 657 quyển được 20 con ngựa tải về[18].

Sau khi về nước, từ chối mọi đặc ân mà triều đình ban tặng, Huyền Trang dành thời gian còn lại của đời mình vào công tác phiên dịch số kinh điển ấy cho đến khi qua đời vào ngày 10 tháng 03 năm 664 trong sự ngưỡng mộ và tiếc thương vô hạn của vua dân nhà Đường. “Đại Đường Tây Du Ký” là tác phẩm vô cùng giá trị mà Huyền Trang biên soạn và để lại cho ngành sử học và khảo cổ học[19]. Đường Thái Tông ra lệnh cả nước không tụ họp, ăn chơi giải trí trong vòng ba ngày để tỏ lòng tôn kính vị danh tăng này.

Sau khi đường bộ ở phía Tây bị người Ả Rập và Tây Tạng chiếm cứ vào khoảng nửa thế kỷ thứ VII, giới hành hương Trung Hoa chọn đường thủy để đến Ấn Độ. Càng ngày càng có nhiều người đến đất Phật bằng đường biển. Tàu thuyền thường khởi hành từ cảng Canton và Tonkin (Hà Nội ngày nay) ở phía Nam để đến Ấn Độ. Vào năm 671, Nghĩa Tịnh[20] là người đầu tiên rời cảng Canton đến Tamralipti (Ấn Độ năm 673) trên thuyền buôn của người Persia (Ba Tư). Sau khi chiêm bái các thánh tích, ngài định cư 10 năm tại Nàlandà để học tập Thánh điển. Vì mục đích Tây du là sưu tập văn điển Phật giáo, Nghĩa Tịnh đã dành thời gian để tìm kiếm nhiều kinh sách quan trọng, mặc dầu luôn bận rộn học tập, nghiên cứu. Sau khi có được một lượng lớn kinh điển Sanskrit[21], Nghĩa Tịnh chuyển về Srivijaya (thuộc lãnh thổ Ấn Độ) để dịch sang Hoa văn. Tuy nhiên, vào năm 689 ngài quay về Canton để tìm thêm người cộng sự đối với một công việc to lớn như thế. Sau khi đã tuyển chọn được một số Tỷ-kheo có năng lực, ngài đã cùng họ trở lại Srivijaya để tiếp tục sự nghiệp phiên dịch. Nghĩa Tịnh chính thức trở lại Trung Hoa vào năm 695, sau hơn 5 năm sống và làm việc tại đó. Theo “Bách Khoa Phật Học”, hơn 20 năm kể từ ngày hồi hương ngài cống hiến toàn bộ thời gian và năng lực vào việc phiên dịch 56 tác phẩm, bao gồm 230 tập. Kenneth K.S Ch’en nói rằng cống hiến quan trọng nhất của Nghĩa Tịnh là công tác phiên dịch toàn bộ Luật tạng của Mùlasarvastivàda (Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ) sang tiếng Hoa. Bên cạnh ấy, theo các sử gia, các tác phẩm có ý nghĩa nhất do Nghĩa Tịnh biên soạn là (1) “Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện”, gồm bốn tập chia thành 40 chương. Đây là tác phẩm liên quan đến các vấn đề giới luật được xây dựng trên cơ bản của Luật tạng Mùlasarvastivàda, (2) “Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện”, gồm hai tập, đề cập đến 56 Tỷ-kheo (hầu hết đi bằng đường biển) đến Ấn Độ và một số nước lân cận để cầu pháp trong thế kỷ thứ VII.

Cần lưu ý rằng mục đích chuyến hành hương của Nghĩa Tịnh là sưu tập các nguyên bản về kinh luật để bổ sung, hiệu đính nhằm tránh tối đa sự sai sót trong công tác giảng dạy và hành trì như đã xảy ra tại Trung Hoa trước khi ngài lên đường. Với mục tiêu rõ ràng như thế, bên cạnh việc biên tác một vài cuốn sách rất quan trọng, ngài đã tự thân phiên dịch 56 tác phẩm quan trọng về kinh luật. Mức độ chính xác trong việc dịch giảng của ngài không những thể hiện sự nỗ lực không mệt mỏi của ngài, mà còn chứng minh cho sự thành công của ngài trong việc loại trừ rất nhiều ngộ nhận và sai sót trong nội dung của giáo lý Phật giáo.

2. Cuộc khủng bố của Hui Chang vào năm 845

Song song với những thuận lợi đối với Phật giáo trong thời nhà Đường, làn sóng đối lập chống đối tôn giáo này do tầng lớp Nho gia cũng như đạo sĩ lãnh đạo cũng liên tục nổ ra. Trong vô số văn kiện tố cáo Phật giáo trong giai đoạn này, bức thư nổi tiếng nhất là của Hàn Dũ, một trong những nhân vật ưu tú nhất của giới Nho gia, trình lên triều đình nhà Đường vào năm 819. Với mục đích làm suy yếu thế lực của Tăng đoàn để phục hưng vị trí ưu việt của Khổng giáo trong xã hội Trung Hoa, nội dung bức thư ấy nhắm đến tính ngoại lai của đạo Phật, những chủ trương không đồng nhất với văn hóa bản địa và tác động của tôn giáo này đối với sự thịnh suy của các triều đại. Trong thực tế, tuy nội dung không có gì mới mẻ, nhưng bức thư được một danh nho viết, do vậy nó cũng tạo ra một số ảnh hưởng nhất định.

Dường như không có sự nối kết trực tiếp nào giữa bức thư Hàn Dũ và cuộc khủng bố năm 845 của hoàng đế Wu-tsung. Theo các sử gia, cuộc khủng bố này xảy ra một cách bất ngờ và chỉ là biểu hiện của một giai đoạn chống đối lẫn nhau về ý thức hệ giữa Phật giáo và Khổng-Lão, bên cạnh những xung đột bè phái trong hoàng tộc, quan chức trí thức và sự ủng hộ của giới hoạn quan. Mặc dầu Đường sử không để lại nhiều sử liệu của cuộc khủng bố năm 845, Ennin (người hành hương Nhật Bản có mặt ở Trung Hoa vào thời điểm khủng bố ấy) ghi lại tất cả các sự kiện trong nhật ký hành hương của ông ta. Theo Ennin, Wu-tsung tỏ vẻ không thích Phật giáo ngay trong lễ sinh nhật của vua tổ chức vào năm 841. Tháng 10 năm 842, nhà vua ra sắc lệnh buộc tất cả tăng ni có gia đình vợ con, vi phạm giới luật phải hoàn tục. Thêm vào đó, tất cả tiền tài và nhà cửa, đất đai, ruộng vườn v.v… mà tăng ni ấy sở hữu đều bị sung công. Kết quả, 1.232 tăng ni thuộc phía Đông và 2.259 thuộc phía Tây kinh thành bị lột áo thầy tu vào tháng giêng năm 843. Cuộc khủng bố được khuyếch đại rộng lớn vào tháng 2 với sự tấn công các chùa viện thuộc phái Manichean. Điều này hàm nghĩa rằng Đường triều công khai chống lại người Uighurs, tín đồ của Manichean.[22]

Đầu năm 844, động thái chống đối Phật giáo được nâng lên một tầm mức mạnh mẽ hơn. Vào tháng 5 năm 844, hai nho gia đề nghị triều đình cấm chỉ việc ăn chay thường kỳ của Phật giáo. Trong cùng năm ấy, Phật giáo không được phép tổ chức lễ chúc thọ hoàng đế và hoàng tộc. Chùa miếu thờ Phật trong hoàng cung cũng bị bãi bỏ, tượng Phật bị hủy hoại, kinh sách bị đốt bỏ. Tỷ-kheo không được phép vào nội cung để thuyết pháp và lễ bái cầu nguyện. Tất cả cơ sở và hình thái sinh hoạt của Phật giáo được thay thế bằng Lão giáo. Tượng Phật được thay thế bằng Lão Tử và các thần thánh khác của đạo Lão; các đạo gia được phép tự do ra vào nội cung để hành đạo; vua chúa và quan lại đều xem Lão giáo là quốc giáo. Ngoài việc cấm thờ xá lợi Phật, vua Wu-tsung còn ra lệnh rằng bất cứ ai cúng dường tiền bạc cho các lễ nghi như thế đều bị đánh 20 trượng. Vào ngày lễ Vu-lan-bồn, trong khi toàn thể dân cư tại Trường An lễ bái, cúng dường tại các chùa viện Phật giáo, hoàng đế và quan lại cử hành lễ tại đền miếu của đạo Lão.

Đầu tháng 7 năm 844, làn sóng đàn áp Phật giáo trở nên thô bạo hơn, vì chính sách lúc này nhắm đến phá hoại sự phát triển của Tăng đoàn. Trước tiên, nhà vua ban hành một số chiếu chỉ, ra lệnh đóng cửa tất cả chùa viện cỡ nhỏ, đồng thời bắt buộc các tu sĩ không có tên trong sổ đăng ký hộ tịch của chùa phải hoàn tục. Tranh tượng và kinh điển của số chùa viện ấy được chuyển đến các chùa viện mang tầm cỡ lớn hơn; trong khi ấy chuông khánh và các thứ trang trí khác được sung vào đền miếu của đạo Lão. Theo Ennin, khoảng 300 chùa viện Phật giáo tại Trường An bị tàn phá trong thời điểm ấy. Tháng 3 năm 845, triều đình cấm xây chùa tháp trên đất đai có quyền sở hữu, đồng thời tiến hành kiểm kê số lượng nông nô cũng như tài sản gồm tiền bạc, lương thực… của các chùa. Chính sách tiếp theo của triều đình là giới hạn tối đa số lượng tu sĩ Phật giáo bằng cách trục xuất tất cả tăng ni không chấp hành nghiêm chỉnh giới luật và số Tỷ-kheo hành trì mật tông, bùa chú, phép thuật ra khỏi Tăng đoàn. Nghiêm trọng hơn nữa, số Tỷ-kheo dưới 40, và rồi 50 tuổi -bất kể học vấn, trình độ, đức hạnh- đều buộc phải hoàn tục. Số tăng ni trên 50 tuổi mà không có chứng điệp tu sĩ cũng bị trục xuất sau đó. Tăng sĩ ngoại quốc sinh sống ở Trung Hoa vào thời điểm ấy cũng phải tuân thủ các sắc lệnh ấy. Số tu sĩ ngoại quốc nào không có tăng tịch do Bộ Lễ của nhà Đường cấp thì bị lột áo thầy tu và đuổi về nước.

Nhằm chuẩn bị cho cuộc khủng bố Phật giáo mang tính cách toàn diện, tháng 4 năm 845, triều đình ra lệnh thống kê số lượng tăng ni và tu viện. Kết quả của cuộc thống kê trên cho thấy rằng tổng số tăng ni vào thời nhà Đường là 260.000 người, 4.600 tu viện và 40.000 đền miếu. Sau khi nắm được số lượng chính xác, vào tháng 7 năm ấy Đường triều ra lệnh giữ lại mỗi quận huyện một ngôi chùa và phá hủy tất cả chùa tháp còn lại. Trong khi ấy, tại Lạc Dương và TrườngAn, mỗi nơi được duy trì 04 chùa viện, và tổng số tu sĩ tối đa của mỗi tu viện là 30 người. Triều đình tịch thu tất cả tài sản của Tăng đoàn. Tượng và pháp khí bằng đồng được nấu chảy để đúc thành tiền; tượng và đồ sắt được đúc thành dụng cụ nông nghiệp; vàng bạc và đá quý sung vào ngân quỹ quốc gia. Theo thống kê của triều đình, cuộc khủng bố năm 845 đã phá hủy hơn 4.600 tu viện, buộc 260.500 tăng ni hoàn tục; trên 40.000 đền miếu bị phá bỏ; 150.000 nô lệ của chùa chiền buộc phải đóng thuế cho triều đình. Phật giáo lại bị xem là tôn giáo ngoại quốc, tăng ni chịu sự kiểm soát của Khách Nha. Hơn 3.000 tu sĩ của đạo Nestorians và Zoroastrians cũng buộc phải hoàn tục trong thời điểm khủng bố ấy.

Cuộc khủng bố năm 845 rõ ràng mang tính sâu rộng và gây tác hại rất nặng nề đối với Phật giáo so với những diễn biến cùng loại trong quá trình tồn tại và phát triển của tôn giáo này tại Trung Quốc. Rất may, thời gian khủng bố chỉ kéo dài trong một năm, vì sau khi vua Wu-tsung băng hà vào tháng 3 năm 846, hoàng đế kế vị lập tức ra lệnh chấm dứt hành động khủng bố và chống đối Phật giáo. Số nho gia và đạo sĩ quá khích xúi giục và khích động cuộc khủng bố ấy đều bị Hsuan-tsung tẩn xuất và trừng phạt. Nhiều chùa viện được phép hoạt động trở lại; cụ thể tại Trường An và Lạc Dương, mỗi nơi được phép tăng từ 4 lên 12 tu viện; mỗi quận huyện từ 2 đến 3 ngôi chùa được phép sinh hoạt. Thêm vào đó, tăng ni trên 50 tuổi, bị buộc phải hoàn tục trong cuộc khủng bố năm 845, được phép tu hành trở lại. Vào năm 847, nhà vua ra sắc lệnh cho phép sửa sang lại các chùa viện bị hư hại và đổ nát sau cuộc khủng bố. Mặc dù vẫn bị xem là tôn giáo ngoại lai, chiếu chỉ ấy ghi rõ rằng đạo Phật không phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của đế chế Trung Hoa, do vậy người dân được phép thực hành nó.



[1] Xem Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Thích Thanh Kiểm, tr. 97.- Theo tài liệu này, sau khi Bắc Ngụy chia thành hai nước nhỏ là Ðông Ngụy và Tây Ngụy, Bắc Chu tiếp giáp với Tây Ngụy và Bắc Tề tiếp giáp với Ðông Ngụy. Cần lưu ý rằng, theo tài liệu của Kenneth K.S. Ch’en, Bắc Ngụy bị chia cắt thành hai nước nhỏ vào năm 534 và bị Bắc Tề tiếp quản vào năm 550-577. Bắc Tề lại bị Bắc Chu chiếm đoạt và o 557-581 ( Sđd , tr. 145).

[2] Cần lưu ý một đạo sĩ khác –Huang-fu Mi (215-246) ghi rằng Lão Tử sanh và thế kỷ thứ 12 T.CN. Bên cạnh ấy, cuốn “Hóa Hồ Kinh” được tìm thấy ở Ðôn Hoàng còn ghi là Lão Tử từng xuất hiện trong triều đại vua Yang-chia của nhà Thương (1400-1401).

[3] Học giả thuộc triều đại nhà Tùy.

.[4] Sau khi Võ Ðế băng hà.

[5] về Phật Giáo dưới triều đại nhà Trần, tham khảo Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Thích Thanh Kiểm, tr. 90

[6] về vị trí cụ thể của 111 ngôi tháp, xem Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, Thích Thanh Kiểm, tr. 136-139.

[7] Theo Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc của Thích Thanh Kiểm, nhà Tùy tồn tại 30 năm và truyền ngôi được ba đời (Xem Sđd , tr. 134)..

[8] Hai triều đại khác là thời nhà Chu và thời nhà Hán.

[9] Nhà Ðường cũng từng cử binh chinh phạt Triều Tiên (Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê).

[10] Cao Tổ lập ra nhà Ðường tự cho mình là con cháu của Lão Tử (Lý Nhĩ), vì nhà vua họ Lý

[11] Tham khảo phần tổ chức tăng đoàn ở chương sau.

[12] Trong thực tế, Lý Thế Dân là người có công lao lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà Ðường. Nhà vua cũng là một minh quân, trị vì thiên hạ thái bình nhưng do việc tàn sát huynh đệ để tiếp quản ngai vàng cho nên nhân dân cũng bất mãn, không thuần phục. (Chi tiết, xem Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê).

[13] Huai-I, tên thật là Feng Hsiao-pao, là một kẻ vô nghề nhưng giảo hoạt và dâm loạn. Theo giới Sử gia, sở dĩ Võ tắc Thiên sủng ái Feng vì ông ta rất mạnh mẽ, cường tráng, có thể thỏa mãn được dục vọng của nữ hoàng. Để có thể tự do ra vào hoàng thành, Võ hậu ra lệnh ông thế phát làm thầy tu và được phong làm tu viện trường của của Bạch Mã tọa lạc phía ngoài thành Lạc Dương

[14] Theo Bách Khoa Phật Học, Huyền Trang sinh vào năm 603, dưới thời trị vì của Văn Đế nhà Tùy, trụ thế khoảng 65 năm.Như vậy, ngài mất vào năm 668 (Xem Encyclopaedia of Buddhism, tập V, W.G.Weeraratna (chủ biên), tr. 472).

[15] Theo Wing-tsit Chan, năm 13 tuổi, Huyền Trang xuất gia tại một ngôi chùa thuộc Tịnh Độ Tông. Đến năm 618, ngài tới Trường An và học tập kinh luận với nhiều vị đại sư đương thời . Nhưng do không thỏa mãn được sở học, ngài quyết định Tây du cho dù triều định ra lệnh cấm (Xem A Source Book in Chinese Philosophy, Wing-tsit Chan, tr. 370).

[16] Theo Bách Khoa Tôn Giaïo, Huyền Trang khởi hành năm 627 (Xem The Encyclopaedia of Religion,tập VI, Mircea Eliade (chủ biên), tr. 481).

[17] lúc này Giới Hiền đã 106 tuổi và là đệ tử đích truyền truyền của dòng truyền thừa Asanga và Vasubhandu.

[18] Xem Encyclopeadia of Buddhism, tập V, W.G.Weeraratna (chủ biên), tr. 477.

[19] Xem Buddhism in China, K.S. Kenneth Ch’en, tr. 238.

[20] Theo Bách Khoa Phật Học, Nghĩa Tịnh sinh năm 635 tại Fan-yang (Cho-chou ngày nay) dưới thời của Đường Thái Tông (627-649). Lúc 7 tuổi, ngài đã được học Giáo lý dưới sự hướng dẫn của hai vị danh tăng. Có lẽ ngài cũng được học các hệ thống tư tưởng khác của Trung Hoa. Năm 12 tuổi, ngài chỉ chuyên tâm vào Phật pháp. Năm 14 tuổi gia nhập tăng đoàn và thọ đại giới ở tuổi 20. Nghĩa Tịnh là đệ tử của Hui-hsi, một trong những Tỷ-kheo rất quan tâm đến giới luật. Noi theo gương Thầy, ngài để dành 5 năm để Nghiên Cứu và hành trì Luật tạng. Thể theo lời khuyên của Hui-hsi, ngài đến Đông Ngụy để học Abhidharma (Luận) của Asanga, tiếp đó đến Trường An để học Abhidharmakosa (Câu-xá Luận) của Vasubhandu và Vidyaìmaìtra-siddhi của Dharmapaìla (Pháp Hộ). Trong khi ở Trường An, dường như Nghĩa Tịnh khởi lên ý nghĩ Tây du qua hình ảnh của Huyền Trang, đặc biệt là qua đại tạng của ngài. (Sđd, tr. 605).

[21] Theo Bách Khoa Phật Học, Nghĩa Tịnh sưu tầm được khoảng 500.000 Sïlokas (đoạn hay bài) (Sđd, tr. 606).

[22] Theo Kenneth K.S.Ch’en, người Uighurs là một trong những đội quân nước ngoài được Đường triều mời đến Trung Hoa vào thế kỷ thứ VIII để dẹp cuộc nổi loạn An Lộc Sơn. Sau cuộc binh biến ấy người Uighurs lưu lại Trường và dùng sức mạnh quân sự lấn áp người địa phương, chiếm đất, giành quyền sâu trong sự bất lực của nhà Đường, nên họ đã tạo ra hận thù với người Trung Hoa.Vì vậy khi hoàng đế người Uighurs băng hà vào năm 832, triều đình nhà Đường phản công. Chiếu chỉ 843 chủ yếu nhắm đến việc tịch thu tài sản của người Uighurs được cất giấu trong chùa viện phái Manichean.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]