Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Mội kinh thành Ấn Độ cổ đại

20/04/201100:32(Xem: 4071)
6. Mội kinh thành Ấn Độ cổ đại

ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ
The Historical Buddha
H.W. Schumann (1982) M. O' C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Xuất Bản


Chương 01
563 - 528 trước CN
Thời Niên Thiếu - Cuộc Tầm Cầu - Giác Ngộ


MỘT KINH THÀNH ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

Có lẽ thái tử Siddhattha không ham thích công việc đồng áng vì bản chất thiên về suy tư. Đời thái tử có nhiều thời kỳ ẩn cư xen lẫn những thời kỳ tiếp xúc với quần chúng. Vị thái tử trẻ tuổi này ắt hẳn đã nhiều phen đi quanh quẩn khắp kinh thành Kapilavatthu với đôi mắt mở to để quan sát việc đời: hoặc trao đổi vài câu chuyện với người thợ nhuộm, hoặc nêu vài nhận xét với người luyện voi, hoặc chào hỏi người cho vay nào đó. Các chuyện ngụ ngôn tỷ dụ về đủ ngành nghề mà ta thấy trong kinh ngài thuyết giảng chứng tỏ ngài hẳn đã quan sát mọi hoạt động khác nhau trong kinh thành một cách tinh tế và đầy hiểu biết.

Dù ta biết rất ít về thành Kapilavatthu, ta vẫn có thể dựng nên phần nào hình ảnh kinh thành ấy. Các nguồn văn học, các tác phẩm nghệ thuật, nhất là tranh tượng của tháp Bharahat (hay Bhàrhut) đem lại cho ta một ấn tượng rõ rệt về các cổ thành Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước CN.

Các thành phố thời ấy thường nằm ven sông và nếu vùng đất ấy cho phép, chúng được xây hình chữ nhật, còn cách thiết kế đô thị hình tròn là điều bất thường ở cổ Ấn Độ. Đô thị được hào vây quanh thường rất sâu và rộng do dẫn nước sông vào để đám thanh niên vui đùa bơi lội. Bên trong hào, đất được đào lên để xây dựng thành lũy, phía trên rào cọc nhọn hay tường đá có lối đi bộ. Mỗi pháo đài đứng cách khoảng 50 m hay một tầm cung bắn tên của pháo đài kế tiếp, vì vậy một pháo đài lân cận có thể di tản khi bị xạ thủ của đám quân thù leo thang lên bắn phá. Ở bốn góc thành được đục thông có cổng xây kiên cố.

Ở trung tâm của khu vực có tường bao bọc ấy, trên nguyên tắc, được phân chia thành mạng lưới đường sá thẳng góc, là “cung điện” của vua. Cung điện của một số quốc vương -- mặc dù hình như không phải là cung vua Suddhodana -- thường gồm năm ngôi nhà riêng biệt, ba ngôi đứng song song với nhau và hai dãy nhà công cọng ở các góc phải, đóng kín phía cuối vì thế cả khối nhà tạo thành hình chữ nhật hở.

Về hai sân bên trong, một sân để làm đình hội họp, một sân để vui chơi giải trí. Sân này thường trồng nhiều cây có một cái đu với chỗ ngồi rộng rãi treo vào bốn sợi dây xích bằng đồng, vì đánh đu là một thú tiêu khiển được các bà quý phái Ấn Độ ưa chuộng.

Ngôi nhà chính là kiến trúc quan trọng nằm giữa hai sân. Nhà này thường có hai ba tầng, mỗi tầng trên thường nhỏ hơn tầng dưới để có các sân thượng lộ thiên. Mái thường có hình ống tròn.

Đối diện cung vua là hội trường mở thông ra mọi phía, thực ra chỉ là một mái đình dựa trên các cột trụ và nhà của vị thị trưởng. Kế đó là nhà các quan chức tức giới quý tộc phục vụ triều đình, hầu như gồm có bốn tòa hình vuông ở sân trong. Phía trước dùng làm phòng khách và phòng ngủ, còn các phần kia là nhà bếp, khu vực gia nhân và chuồng trại. Mỗi nhà này trông thật giống nhà ở nông trang được ngăn cách với nhà lân cận bằng một lối đi. Do cách sắp đặt này các quan chức hầu hết thuộc giai cấp võ tướng sống gần nhau, tạo nên một khu vực Sát-đế-lỵ dĩ nhiên là có cả đám gia nhân từ các giai cấp khác đưa vào.

Khu vực tế lễ -- một đồng cỏ cạnh hồ nước của kinh thành với một đàn dựng cao để làm nơi dâng lễ tế thần và ba lò lửa -- nằm bên trong bức tường thành, cũng như nhà của các vị Bà-la-môn sống một phần nhờ lễ tế đàn, nhưng phần lớn nhờ nông nghiệp. Ở vùng Trung Nguyên này, họ chưa được hưởng uy quyền thái quá nào như ở các thời đại về sau, vì họ là giai cấp xếp hàng thứ hai dưới các võ tướng quý tộc. Điều này khác với miền Tây xa xôi, có lẽ đến tận- miền tây xứ Payàga (Allàhabàd), nơi ấy các Bà-la-môn đạt được uy thế của giai cấp đệ nhất.

Quanh khu vực tạp hóa, không xa khu vực cư ngụ khá giả, là các cửa tiệm và xưởng chế tạo của các nghiệp đoàn thương mãi sang trọng và phồn thịnh hơn, mỗi nghiệp đoàn có một khu phố riêng: khu vực chủ ngân khố và tiệm vàng, tiệm khắc ngà voi, áo quần, hương liệu, nhà buôn đồng sắt, buôn lúa gạo, gia vị và bánh kẹo. Mỗi ngành kỹ nghệ hay thương mại họp thành một nghiệp đoàn (Seni) làm những chức vụ điều hành bao quát. Nghiệp đoàn quyết định vấn đề sản xuất và bán sĩ, quy định giá cả mà ngay các quốc vương cũng đều chấp nhận; họ cũng tham gia việc huấn luyện thợ thủ công và can thiệp vào nhiều việc gia đình của các thành viên, nếu cần nghiệp đoàn còn chăm sóc các quả phụ của các thành viên quá cố nữa.

Niềm tự hào của họ biểu lộ qua tấm huy hiệu nghiệp đoàn mang trên mình vào các lễ hội công cọng và cũng do việc nghiệp đoàn cấm những thành viên không xứng đáng hành nghề -- điều đó cũng tương đương với bản án làm sạt nghiệp khánh tận. Mọi quyết định đều do hội đồng của nghiệp đoàn thông qua, đứng đầu là vị chủ tọa nghiệp đoàn- (Jetthakahay pamukha). Trên nữa là vị thống đốc nghiệp đoàn (setthi) đại điện ngoại giao cho các quyền lợi của một ngành thương mại riêng biệt. Vị này cung cấp hàng hóa cho triều đình và thường lui tới cung vua.

Nghiệp đoàn chủ ngân khố là đám người giàu nhất. Nguồn lợi chính của họ phát xuất từ sự cho vay tiền với số lời cố định. Một món cho vay có bảo đảm hoàn toàn như vay để làm đám cưới hay hồi môn cho con gái, tính lời 15%, còn một món nợ chỉ bảo đảm một phần tính lời 60% mỗi năm. Những món cho vay thương mãi cũng hết sức cao giá do tính cách bấp bênh liều lĩnh trong đó. Tiền lời phải trả để làm một vụ đi buôn đường trường lên đến 120% mỗi năm, và đi buôn đường biển là 240%. Người chủ nợ hầu hết thuộc giai cấp thương nhân (Vessa, Vệ-xá) không có địa vị cao quý trong xã hội, nhưng về phương diện thế lực họ là giới cầm đầu. Vị thống đốc của họ thường đóng vai trò thủ trưởng (mahàsetthi) các chủ nghiệp đoàn địa phương, như vậy đó là người quan trọng nhất trong giới thương mại địa phương ấy.

Mỗi kinh thành thường có một phụ nữ sang trọng ngụ trong một ngôi nhà rộng lớn, người này vẫn được kinh điển nhắc đến tên tuổi. Các cô gái đứng đường rất thường thấy ở cổ Ấn Độ nên cũng được mọi người rẻ rúng buông tha. Nhưng một kỹ nữ thượng lưu có tài năng ở kinh thành (ganikà) lại được xem là đáng tự hào. Nàng kiều quí phái ấy không chỉ có dung sắc mỹ miều, thanh lịch, sang trọng mà còn là một phụ nữ thông minh với tài ứng đối linh lợi, đa mưu túc kế để quyến rũ bọn mày râu phần lớn nhờ kiến thức văn chương mỹ thuật của nàng.

Thường một nàng kiều như vậy được một tay hào hoa phong nhã bảo trợ, đôi khi người này trở nên sa sút và hết giàu sang thì nàng lại đón mời các vương tôn công tử khác đến dự các hội ca vũ của nàng, nơi ấy có đủ cả một ban nhạc chuyên tấu đàn đệm, hay các buổi tọa đàm và thi tài văn thơ. Giới thanh niên giàu tiền thường học tập mọi phong cách hào hoa lịch sự và lối sống sang trọng tại ngôi nhà này. Không một phụ nữ có học vấn theo kiểu thông thường nào thời ấy am hiểu nhiều thể loại âm nhạc như nàng, cũng không ai có thể đàm luận bằng ngôn ngữ lịch sự như nàng cả. Sự xuất hiện của nàng tại các đám cưới và lễ hội thường làm cho kinh thành mang một dáng dấp văn hóa cao. Các điệu vũ Ấn Độ cổ điển danh tiếng ngày nay một phần được phát triển từ đám kỹ nữ sang trọng ở kinh thành này.

Ta không biết rõ thành Kapilavatthu có kỹ nữ sang trọng nào không, nhưng rất có thể có. Danh tiếng một số kỹ nữ sang trọng các kinh thành Bắc Ấn đều được biết đến cùng với truyền thuyết về các cuộc phiêu lưu tình ái cũng như các cơ sở hoạt động tôn giáo của họ. Một kỹ nữ sang trọng bao giờ cũng có thể sống đời phú quý nhờ gặp mối lương duyên.

Nhà cửa ở vùng trung tâm thành phố thường xây vững chắc và được chăm sóc chu đáo với nhiều tranh vẽ và đồ vật trang hoàng, nhưng càng xa trung tâm cảnh tượng càng đổi khác. Ở vùng phụ cận, giới thợ thuyền và nô lệ sống trong nhà tranh vách đất hoặc lều tre dựng trên cọc chống kiểu nhà sàn. Họ cũng quy tụ thành nhóm theo từng nghề. Có những dãy phố thợ mộc, ráp cửa, đóng xe, khắc gỗ, làm dụng cụ, đúc kim khí, thợ nề, thợ dệt, thợ nhuộm, thợ may, thợ gốm, thuộc da, thợ vẽ, bán hoa, làm vòng hoa, bán gia súc, đồ tể, đánh cá, đầu bếp, thợ cắt tóc, tắm rửa, giặt giũ và gia nhân đi hầu hạ ở thành phố.

Mỗi nghề trong số các nghề được quý trọng hơn họp thành một tiểu giai cấp (jàti) trong hệ thống bốn giai cấp (vanna). Ngoài hệ thống giai cấp là bọn vô loại mà các giai cấp trên không có liên hệ gì trong xã hội. Nhưng ý tưởng- “không được tiếp xúc”với bọn người ấy chưa phát sinh. Chuyện này chỉ mới được nói đến vài thế kỷ sau trong Bộ Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) ví dụ Tiền Thân số 377)*Ta sẽ phạm một sai lầm về phương diện lịch sử nếu ta giải thích hệ thống đẳng cấp vào thế kỷ thứ sáu trước CN theo những cách khắc nghiệt của “Ấn Độ giáo” về sau. Những người đồng thời với đức Phật, nhất là ở vùng Trung Nguyên, nơi mà tiến trình Bà-la-môn hóa không nhanh bằng miền Tây, thường xem hệ thống giai cấp như một tôn ti trật tự trong đời sống giữa các nghề nghiệp, chức vụ, ngành chuyên môn, và về trình độ học vấn, mà trật tự này có thể phá bỏ được. Như việc đổi nghề chuyên môn, bao gồm cả việc chuyển từ một tiểu giai cấp này sang một tiểu giai cấp khác là chuyện khó nhưng cũng có thể làm được, và ngay cả việc leo lên một giai cấp cao hơn cũng không phải là nan giải, ví dụ nếu quốc vương chọn một người có tài thuộc nguồn gốc hạ đẳng vào phụng sự nhà vua hay tuyển một chủ ngân khố đại phú lên làm đại thần lo việc tài chánh cho triều đình.

Nếu ta rời kinh thành bằng một cổng thường được đóng kín và canh giữ ban đêm, ta vượt qua bên kia bờ hào đến các dãy hang hốc che lá là nơi cư trú dành cho hạng cùng đinh có lẽ chỉ kiếm được vài đồng xu không đến 1 masakamỗi ngày, là đám người kiếm củi hay làm thùng đựng phân, hoặc đôi khi tìm được việc cắt cỏ trong các hoa viên nhà giàu. Hoa viên loại này thường thấy ở vùng lân cận mọi thành phố Ấn Độ, và một trong các thú giải trí của người giàu là đi du ngoạn hoa viên cùng hưởng làn khí mát buổi chiều về mùa hạ.

Đối với thái tử Siddhattha trẻ tuổi, các hoa viên này có sức thu hút đặc biệt vì chính nơi đây dưới bóng mát của các cây đa, đám du sĩ hành khất thường đến trú ngụ với dáng điệu xốc xếch dơ bẩn và tóc bện lại từng cuộn, đám người này là các tay phiêu bạt giang hồ thường có trí thông minh tinh tế mạo hiểm đi tìm giá trị tinh thần, lại khinh chê các thánh ca Vệ-đà và cách thờ cúng tế lễ của Bà-la-môn, nên đã chấp nhận đời sống không nhà cửa để tầm cầu ánh sáng giác ngộ. Chính vì vậy thái tử Siddhattha thích nghe đám người này bàn luận triết lý, đám Sa-môn, khất sĩ xuất gia (paribbàjakas),không tin theo đạo giáo nào cả, mà lại đi tìm kiếm kinh nghiệm tâm linh ngoài khuôn khổ truyền thống. Nhưng gia tộc Gotama lo ngại khi thấy thái độ không màng đến đời sống thế tục cùng sự hiếu kỳ mong tìm hiểu vấn đề siêu thế của chàng, nên cố tìm mọi cách ngăn cản việc này.

Truyền thuyết kể rằng vua Suddhodana canh giữ thái tử cho khỏi tiếp xúc với thế giới bên ngoài để chàng không thấy cảnh khổ, song lý do chính có thể là cố giữ cho thái tử khỏi có ý định rời bỏ thế tục.


*Tương Ưng Bộ I, Chương I Phẩm V, 7 - Trồng Rừng (tác giả ghi nhầm 47) (dg)
*
Tăng Chi Bộ, Chương Ba Pháp, 38, Được Nuôi Dưỡng Tế Nhị (tác giả ghi nhầm: 39)
*
Trường Bộ I Kinh Phạm Võng (dg)
*
(xem trước) *Tăng Chi Bộ I, Chương Một Pháp 1. Sắc (dg)
*
Jàtaka III, số 377: Setaketu (dg)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]