Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 2: Tăng Ẩn Nguyên đến Nhật. Cuộc vận động phục hưng của Phật giáo (Edo trung kỳ)

14/04/201114:17(Xem: 3682)
Tiết 2: Tăng Ẩn Nguyên đến Nhật. Cuộc vận động phục hưng của Phật giáo (Edo trung kỳ)

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 4 
Phát triển của Thiền thời tiền cận đại (thời Edo)
Tiết 2 - Tăng Ẩn Nguyên đến Nhật. 
Cuộc vận động phục hưng của Phật giáo (Edo trung kỳ) 

Thời chính quyền ổn định. Văn hóa Genroku 

Từ thời shôgun thứ 4 Tokugawa Ietsuna (Gia Cương, tại chức 1651-1680) cho đến shôgun thứ 7 là Ietsugu (Gia Kế, tại chức 1713-16), thể chế mạc phiên tương đối ổn định, ảnh hưởng văn hóa ngoại quốc thối lui và văn hóa độc đáo của Nhật Bản gọi là văn hóa Genroku (gọi theo niên hiệu Genroku hay Nguyên Lộc, 1688-1704) có cơ hội chói sáng. Đó là thời hoạt động của tiểu thuyết gia ukiyosôshi Ibara Saikaku (Tỉnh Nguyên Tây Hạc, 1642-93), hai nhà thơ haikai Matsuo Bashô (Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-94) và Uejima Onitsura (Thượng Đảo Quỷ Quán,1661-1738), nhà soạn tuồng búp bê jôruri Chikamatsu Monzaemon (Cận Tùng Tả Vệ Môn, 1653-1724). Về phương diện học thuật, trong giai đoạn này, các nhà tư tưởng như Itô Jinsai (Y Đằng Nhân Trai, 1627-1705) và Ogyu Sorai (Địch Sinh Tồ Lai, 1666-1728) đã hình thành được một hệ thống tư tưởng Nho giáo có màu sắc đặc biệt Nhật Bản. Ngoài đạo Nho, các lãnh vực khác như đạo Phật và các ngành khoa học tự nhiên cũng đều có sự phát triển đáng kể. Người đã đem đến một kích thích to lớn cho chúng không ai khác hơn là thiền sư Ẩn Nguyên Long Kỳ (âm Nhật là Ingen Ryuuki, 1592-1673, đến Nhật năm 1654) và nhà nho Chu Thuấn Thủy (âm Nhật Shu Shunsui, 1600-1682, đến Nhật năm 1659), hai nhà văn hóa lớn triều Minh sang trú ngụ. 

Bối cảnh của văn hóa Genroku là sự phồn vinh về mặt kinh tế có được trong một thời kỳ mà chính trị ổn định lâu dài. Đặc biệt nó đã kéo theo sự hưng thịnh của ngành xuất bản làm cho văn hóa ấy được quần chúng tiếp thu rộng rãi. Kể từ thời ấy trở đi giữa Phật giáo và Nho giáo cũng như trong nội bộ Phật giáo đã có những cuộc tranh luận về nhiều vấn đề, chúng nhờ sức của ngành xuất bản mà trở nên sống động hơn. Mặt khác, trong giai tầng võ sĩ, đã thấy xuất hiện những người nghèo khó, nền kinh tế của mạc phủ và các phiên trấn cũng bắt đầu lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. 

Việc Ẩn Nguyên đến Nhật và tông Hoàng Bá thành hình 

Trong khoảng thời gian này, các tăng Trung Quốc đến Nhật Bản hết người này đến người khác. Trong đó đáng kể Nhất là hai tăng phái Lâm Tế, Đạo Giả Siêu Nguyên (Dôsha Chôgen, ? - 1660, đến Nhật năm và về nước năm 1658) và Ẩn Nguyên Long Kỳ, cũng như tăng Tào Động tên Tâm Việt Hưng Trù (Shin.etsu Kôchuu, 1639-1695, đến Nhật 1677). Bối cảnh của những chuyến đi ấy là việc người Mãn Thanh đã tiến chiếm trung nguyên và tiêu diệt nhà Minh (1644). Ẩn Nguyên đến Nhật dường như cũng là một chuyến đi nằm trong sách lược ngoại giao của di thần nhà Minh là Trịnh Thành Công (Đài Loan), với hy vọng nhận được sự hổ trợ từ phía Nhật Bản. 

Những tăng nhân này đã đem thiền đời Minh với nghi thức tu hành hoàn toàn khác lạ đến với nước Nhật. Không những nó đã gieo được một sự kích thích cho Thiền Tông Nhật Bản lúc ấy đang trầm trệ trong lối tu mật tham mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa Nhật Bản thời ấy nói chung. 

Tăng "độ lai" từ Trung Quốc và sanbukushi (tam phúc tự) 

Nagasaki là một thành phố đông người Hoa ở. Từ khi có chế độ terauke bắt nguồn từ đạo luật của mạc phủ bắt mỗi người dân phải đăng ký làm đàn việt (đàn na) ở một ngôi chùa thì người Hoa cũng có nhu cầu lập ra những ngôi chùa đàn việt hay dannaji (đàn na tự) nơi mình sinh sống để trực thuộc vào nó. Do đó mới xuất hiện cái tên sanbukushi (ba ngôi chùa có chữ phúc) để chỉ Tômeizan Kôfukuji (Đông Minh Sơn Hưng Phúc Tự (do tăng Shin.en tức Tâm Viên khai sơn và dựng lên năm 1620), Bunshizan Fukusaiji (Phần Tử Sơn Phúc Tế Tự do tăng Kakkai tức Giác Hải khai sơn và lập ra năm 1628) và Shôjuzan Suufukuji (Thánh Thọ Sơn Sùng Phúc Tự do tăng Chô.nen tức Siêu Nhiên khai sơn năm 1629). Sau khi nhà Minh bị diệt vong, chính ba ngôi chùa này là nơi trú chân cho những nhà sư từ lục địa "độ lai". Trong số đó, đặc biệt có những nhà sư học lực cao thâm như hai vị Mokusu Nyojô (Mặc Tử Như Định (1597-1657) và Itsunen Shôyuu (Dật Nhiên Tính Dung, tức Ryôun anshu, Lương Vân am chủ, 1601-1668) của chùa Kôfukuji,các tăng Unken Kaien (Uẩn Khiêm Giới Uyển, 1608-1673) của Fukusaiji và Dôsha Chôgen (Đạo Giả Siêu Nguyên, đã nhắc đến bên trên) của Suufukuji. Tuy nhiên đến khi Ẩn Nguyên từ trong nước sang thì cả 3 ngôi chùa tên có chữ phúc này đều bị phái Hoàng Bá (Bích)(Ôbaku-shuu) chiếm cả. Ngay Unken Kaien sau đã trở thành đệ tử của Ẩn Nguyên.Chùa Manfukuji (Vạn Phúc Tự) ở Uji (gần Kyôto) đóng vai trò móc nối giữa Trung Quốc và 3 chùa tên có chữ phúc.Riêng trường hợp Itsunen Shôyuu thì ông trước kia là người đến Nhật buôn thuốc bắc, sau gặp Mokusu Nyôjo thì đi theo và xuất gia. Đến khi đã mời được Ẩn Nguyên qua Nhật thì xem như trách nhiệm đã hoàn thành nên về chùa Kôfukuji làm trụ trì.Ông là người điêu luyện về nghệ thuật hội họa, đã truyền bá kỹ thuật Nam họa cho người Nhật. 

Quan hệ tế nhị giữa tăng "độ lai" và tăng bản địa 

Dôsha Chôgen (Đạo Giả Siêu Nguyên) là người mà cả Kengan Zen.etsu (Hiền Nham Thiền Duyệt, 1618-96) và Bankei Yôtaku của tông Lâm Tế lẫn Dokuan Genkô (Độc Am Huyền Quang, 1630-98), Gesshu Shôko (Nguyệt Chu Tông Hồ, 1618-96) cũng như Tesshin Dôin (Thiết Tâm Đạo Ấn, 1593-1680) của tông Tào Động đều tìm đến hỏi đạo. Đặc biệt Dokuan là người được xem như tiên khu của Tenkei Denson (Thiên Quế Truyền Tôn, 1648-1735), đã theo học với Dôsha suốt 8 năm trời, sau đó lại thân giao với Shin.etsu Kyôju rồi qua thư tín, trao đổi được với cả Qui Lâm Đạo Bái (1715-1702) bên Trung Quốc. Mặt khác, những người theo học với Ẩn Nguyên là Gesshu Sôko (Nguyệt Chu Tông Hồ) và Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch, 1636-1715) của tông tào Động, Ryuukei Sôsen (Long Khê Tông Tiềm, 1602-1670) và Tetsugyuu Dôki (Thiết Ngưu Đạo Cơ, 1628-1700) của tông Lâm Tế. Ryuukei Sôsen, Tangetsu Jôen (Đam (Trạm) Nguyệt Thiệu Viên, 1607-1672), Tokuô Myôshu (Ngốc Ông Diệu Chu, năm sinh và mất không rõ)và Jikuin Sômon (Trúc Ấn Tổ Môn, 1610-77) đã hết sức vận động để Ẩn Nguyên được trụ trì ở Myôshinji. Riêng Ryuukei là một người trong đám họ đã đón Ẩn Nguyên về chùa Fumonji (Phổ Môn Tự) ở đất Settsu là nơi bản thân ông trụ trì. Nhân việc này mà ở Myôshinji xảy ra sự rắc rối vì có phe theo phe chống. Kết cuộc Gudô Tôshoku (Ngu Đường Đông Thực,1577-1661) không đồng ý cho nên câu chuyện bất thành. Ryuukei bị gạch tên ra khỏi tông Lâm Tế, mới chuyển qua theo Hoàng Bá Tông. Ryuukei nhân đó mới đổi tên thành Shôsen (Tính Tiềm). Chủ trương chống đối tông Hoàng Bá của chùa Myôshinji đã được trình bày trong tác phẩm Kôbaku Geki (Hoàng Bá Ngoại Ký, 1720) của Mujaku Dôchuu (Vô Trước Đạo Trung, 1653-1744). Còn như tông Tào Động thì nhiều người trong bọn họ vẫn gần gũi với thiền Hoàng Bá ví dụ như học tăng Geppa Tôin (Nguyệt Pha Đạo Ấn, 1637-1716), một người đã để lại nhiều trứ tác. 

lichsuthientong-nhatban-04-02
Ẩn Nguyên Long Kỳ (Ingen Ryuuki), 

tổ phái Hoàng Bá Nhật Bản

Ẩn Nguyên từ khi ở Trung Quốc đã người đã nổi tiếng. Ông có một thiền phong đặc biệt cho nên những giáo đoàn Thiền Tông đã có sẳn không chấp nhận sự có mặt của ông. Thế nhưng Shôgun Tokugawa Ietsuna lại ủng hộ ông, dựng một ngôi chùa mới ở vùng Uji (gần Kyôto) mời ông khai sơn, từ đó một tông phái mới tức là tông Hoàng Bá (Ôbaku-shuu) đã được sinh ra. Lúc còn sinh tiền, Ẩn Nguyên đã nhường chức trụ trì Manfukuji cho Mokuan Shôtô (Mộc Am Tính Thao, 1611-1684). Dưới sự chỉ đạo của Mokuan, chùa ấy hầu như đã tạo được một cảnh quan và phong cách đặc biệt của một chùa Thiền Trung Quốc. 

Mokuan dốc sức vào việc đào tạo đệ tử. Từ trong đám môn hạ của ông đã xuất hiện những tăng nhân Nhật Bản như Tetsugan Dôkô (Thiết Nhãn Đạo Quang, 1630-82), Chôon Dôkai (Triều Âm Đạo Hải, 1626-1695), Tetsugyuu Dôki (Thiết Ngưu Đạo Cơ, 1628-1700). Tetsugan và Tetsugyuu có những nỗ lực lơn lao trong việc tế bần, riêng Tetsugan sau trên mười năm làm việc, đã hoàn thành việc phiên khắc và xuất bản một bộ Địa Tạng Kinh (1668-1681) từ bộ kinh Địa Tạng thời Vạn Lịch. Bộ kinh của Tetsugan có tên là Hoàng Bá Bản Đại Tạng Kinh hay Thiết Nhãn Bản Đại Tạng Kinh. Mặt khác Chôon đã trứ tác Fusô Gobutsushin-ron (Phù Tang hộ Phật Thần luận, 1687) và và Saijaron (Thôi Tà Luận, 1688) để chống trả những lập luận bài Phật của hai nhà nho Hayashi Razan (Lâm La Sơn, 1583-1657) và Kumazawa Banzan (Hùng Trạch Phiên Sơn, 1619-1691). Để giáo hóa dân chúng, ông lại viết ra các sách như Fusô Sando Kenyoroku (Phù Tang Tam Đạo Quyền Dư Lục) đề xướng tư tưởng Thần Nho Phật nhất trí, lại dựa và tinh thần tam giáo nhất trí ấy để biên tập và phát hành (1675-79) Sendai kuji hongi daiseikyô (Tiên đại cựu sự bản kỷ đại thành kinh) nhưng với dụng ý đề cao vai trò của Phật giáo (sách nầy về sau bị coi là ngụy thư nên cấm lưu hành). Tokuô Ryôkô (Đức Ông Lương Cao) của tông Tào Động đã chịu ảnh hưởng của nó như đã thấy trong tác phẩm Shinpi Kochuten (Thần bí hồ trung thiên (1708) của ông. 

Chùa Manfukuji của tông Hoàng Bá được mạc phủ bảo bọc như thế cho nên các lãnh chúa cũng theo gương ấy mà chi viện cho nó. Về phần nhà chùa, họ nỗ lực trong hoạt động xã hội giáo hóa dân chúng cho nên công việc truyền đạo dần dần được mở rộng. Con số tháp đầu trong Manfukuji lên đến 33, trong danh sách chùa chính và chùa chi nhánh của tông Hoàng Bá ở vùng Yamashiro (phạm vi quanh Kyôto) cho biết con số các mạt tự của tông lên đến 1413. Từ lúc khai sáng Manfukuji, nhiều tăng Trung Quốc đến cư trú và tăng Trung Quốc đã thay phiên nhau giữ chức trụ trì trong một thời gian dài. Do đó, phương pháp Thiền và niệm Phật mãi đến về sau vẫn duy trì theo phong cách của nhà Minh. 

Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kỳ (Ingen Ryuuki) 

Ông người tỉnh Phúc Kiến, tương truyền năm mới 10 tuổi đã thấu hiểu diệu lý của thiên địa tự nhiên nên đầu thân cửa Phật, 23 tuổi thì đến Phổ Đà Sơn học đạo với Chôon Dôshu (Triều Âm Động Chủ, năm sinh và mất không rõ). Năm 29 tuổi, xuống tóc theo Giám Nguyên Hưng Thọ (năm sinh và mất không rõ) ở Hoàng Bá Sơn thuộc Phúc Châu. Sau khi đi hỏi đạo nhiều nơi, trở lại Hoàng Bá Sơn, chỉ đạo cho lớp hậu tiến và chỉnh đốn chùa chiền dưới sự chỉ dạy của Phí Ẩn Thông Dung (1593-1661), cuối cùng, nhận pháp tự của thầy. Trụ trì nhiều nơi trong một thời gian, đến năm 1646, lại trở về núi cũ và trở thành trụ trì của Manfukuji. Đến năm 1654, theo sự dàn xếp của Trịnh Thành Công, mới cùng 30 đệ tử lấy thuyền vượt biển sang Nhật, trụ trì ở hai chùa Kôfukuji (Hưng Phúc Tự) và Suufukuji (Sùng Phúc Tự) ở Nagasaki.Về sau, theo lời mời của Ryuukei Sôsen (Long Khê Tông Tiềm, đến trụ trì Phổ Môn Tự (Fumonji). Năm 1658 lại lên Edo bái yết shôgun Tokugawa Ietsuna, được sự ngoại viện của nhà chúa và năm 1663, được mời về khai sơn chùa Manfukuji lúc đó mới được dựng lên. Năm 1673, viên tịch lúc 82 tuổi, được Thiên hoàng Go Mizu-no-o ban tặng thụy hiệu là Đại Quang Phổ Chiếu Quốc Sư. Trứ tác của Ingen gồm có Hoàng Bá Sơn Chí (1638) viết lúc còn ở Trung Quốc, khi sang Nhật rồi thì có soạn Hoàng Bá Hòa Thượng Phù Tang Ngữ Lục (1664), Hoàng Bá Thanh Quy (1672) vv...Ông là con người độc lập, có phong thái uy nghi, đã truyền đến Nhật một lối thiền niệm Phật đặc sắc sau được gọi là Minh triều thiền. Cùng với người đến Nhật trước ông cách đó không lâu là Đạo Giả Siêu Nguyên (Dôsha Chôgen) là hai thiền sư đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với thiền giới đương thời và đã đóng góp rất lớn vào công cuộc vận động phục hưng của hai tông Lâm Tế và Tào Động. 

Ảnh hưởng của tông Hoàng Bá. 
Vai trò văn hóa của tăng sĩ Hoàng Bá 

Điều làm người ta chú ý nhất nơi thiền sư Ẩn Nguyên cũng như các tăng sĩ Trung Quốc sang Nhật Bản là họ đã tái lập hình thức tu hành tập đoàn ở thất đường già lam. Đây là hình thức tu hành cố hữu của thiền gia nhưng nó đã bị bỏ quên từ khi Nhật Bản chọn phương thức thiền mật tham vào giai đoạn giữa của thời Muromachi (trong tác phẩm nhan đề Mukai Nanshin =Vụ hải nam châm hay "La bàn để định hướng trong biển sương mù" (1672), Chôon Dôkai (Triều Âm Đạo Hải) đã cực lực lên án lối thiền mật tham). Do đó, hoạt động của Ấn Nguyên và tăng sĩ "độ lai" đã có hiệu quả đối với công cuộc vận động phục hưng Phật giáo lúc đó đang chớm lại. Những qui phạm sinh hoạt chép trong Ôbaku Shingi (Hoàng Bá Thanh Qui) đã ảnh hưởng đến nghi thức và hành động của các tông phái Thiền. Mô phỏng theo phong cách của tông Hoàng Bá, các thiền đường đã được đặt ra trong chùa chiền ở khắp nơi thay thế cho hình thức tăng đường vốn có từ trước. 

Ngày nay, trong các đạo tràng chuyên môn của tông Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản), người ta không theo lối xưa nữa mà tổ chức theo cách hướng ra phía hành lang ngồi thiền còn việc thụ trai thì ở tại phòng ăn. Tổ chức như thế cũng vì có ảnh hưởng của tông Hoàng Bá (ngày xưa, ở trong tông Hoàng Bá, khi đi ngủ thì ai nấy đều phải về liêu xá (phòng ngủ) của mình). Nếu để mắt đọc một phần qui tắc của chùa Daijôji (Đại Thừa Tự) được chép lại trong Shôjuurin Shingi (Xương (?) Thụ Lâm Thanh Qui) của hai tăng Gesshuu Sôko (Nguyệt Chu Tông Hồ, 1618-1696) và Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch, 1618-1696), chúng ta sẽ thấy tông Sôtô (Tào Động Nhật Bản) cũng chịu ảnh hưởng của Hoàng Bá rất mạnh. Tuy nhiên, về sau, Menzan Zuihô (Diện Sơn Thụy Phương, 1683-1769) và Gentô Sokuchuu (Huyền Thấu Tức Trung, trụ trì đời thứ 15 của Eiheiji, 1729-1807) đã khởi xướng một cuộc vận động phục cổ nhằm trở về với các qui tắc cũ. Cuộc vận động ấy đã để lại dấu vết trong Tăng Đường Thanh Qui Hành Pháp Sao (1753) của Menzan và Vĩnh Bình Tiểu Thanh Qui (1805) của Gentô mà ngày nay tông Tào Động Nhật Bản vẫn còn sử dụng như một điểm tựa cho phương pháp tu hành của họ. 

Mọt điểm đặc biệt khác đáng chú ý trong hoạt động của tông Hoàng Bá các pháp hội gọi là jukaie (thụ giới hội). Từ năm 1663 trở đi, khi lập ra giới đàn ở chùa Manfukuji, chính Ẩn Nguyên đã soạn ra qui tắc Gukai Hôgi (Hoằng Giới Pháp Nghi, 1658) để tổ chức sự thụ giới, thế rồi đệ tử của ông đã theo đó mà thực hành ở các địa phương. Bởi vì tổ chức quá rầm rộ, bị các phái khác lên tiếng cho nên về sau hình thức này chỉ còn được tổ chức ở Banfukuji và một chùa ở Edo là Zuihôji (Thụy Thánh Tự). Tuy bị hạn chế như vậy nhưng các pháp hội này đã là một kích thích cho cuộc vận động phục hưng giới luật vào thời kỳ Edo. Trong chốn thiền lâm, không thiếu gì các tăng Lâm Tế và Tào Động thụ giới ở các giới đàn Hoàng Bá hay tổ chức những "thụ giới hội" và mời tăng sĩ tông Hoàng Bá đến tham dự. Để đề kháng lại phong trào này, Manzan Dôhaku bắt đầu tổ chức thụ giới theo khuôn khổ những nghi thức đề ra bởi Suuden (Sùng Truyền) cho nên trong tông Tào Động, đã có những cuộc thảo luận sôi nổi về "thiền giới" (thiền và giới) mãi đến khi có Dôjô Denkaiben (Động thượng truyền giới biện, 1750) bàn về cách thức truyền giới của tông môn do Manjin Dôtan (Vạn Nhận Đạo Đàn (1698-1775) chủ trường thiền và giới chỉ là một (thiền giới nhất trí) thì tranh cãi mới tạm ổn định. 

Các tăng sĩ đến từ Trung Quốc không những đưa sang thiền phong mà còn cả những cái phong lưu của văn nhân đời Minh, để lại dấu ấn sâu xa trong văn hóa Nhật Bản. Người ta gọi nó là "văn hóa Hoàng Bá".Rõ ràng là các lãnh chúa và giới trí thức đã tiếp nhận các tăng sĩ Hoàng Bá với tư cách nhà văn hóa hơn là nhà truyền giáo. 

Tiêu biểu cho văn hóa Hoàng Bá là những nhân vật như Mokuan Shôtô (Mộc Am Tính Thao, đã nói ở trên) và Sokuhi Nyoitsu (Tức Phi Như Nhất, 1616-71) cũng như Dokutan Shôei (Độc Đam (Trạm) Tính Oánh, 1628-1706) trong lãnh vực hội họa. Những người được ca tụng như Ôbaku sanpitsu hay "ba cây bút của phái Hoàng Bá" (Hoàng Bá tam bút) là Ẩn Nguyên, Tức Phi và Mộc Am, đều giỏi về thư đạo. Dokuryuu Shôeki (Độc Lập Tính Dịch, 1596-1672) đại diện cho nghệ thuật khắc triện (tức khắc chữ triện lên gỗ, đá, kim loại để làm ấn tín), Nangen Shôha (Nam Nguyên Tính Phái, 1631-92) giỏi về thơ, Kôsen Shôton (Cao Tuyền Tính Đốn, 1633-95) giỏi về văn. Họ còn có những cống hiến lớn lao đối với trường phái Nam họa và thư đạo theo phong cách Trung Quốc (Karayô shodô), văn học chữ Hán của thời tiền cận đại của Nhật. Hơn nữa, còn có những nhân vật như tăng sĩ Nhật Bản của phái Hoàng Bá, Gekkai Genshô (Nguyệt Hải Nguyên Chiếu, 1675-1763), vốn có dị danh là "Mãi Trà Ông" (Baisaô) vì đã có công nâng cao và phổ biến nghệ thuật pha trà với loại trà sấy (sencha). 

Ngoài ra, như đã nhắc đến, ảnh hưởng của tông Hoàng Bá còn thấy trên lối kiến trúc chùa chiền theo kiểu Trung Quốc như ở Manfukuji mà người ta gọi là "kiến trúc kiểu Hoàng Bá", chưa kể lối tụng kinh thánh thót như hát của đời Minh gọi là bonbai (Phạm bái), tiệc trà chay đại chúng gọi là fucha (phổ trà) mà những món ăn chủ yếu là món điểm tâm làm bằng bột và dầu, đặt trên đĩa lớn rồi ăn chung. Ở đây văn hóa Hoàng Bá đã trở thành một bộ phận của văn hóa thiền. 

Cũng nên nhắc đến Shin.etsu Kôchuu (Tâm Việt Hưng Trù) tuy không thuộc phái Hoàng Bá, nhưng cũng là một thiền tăng đời Minh sang Nhật. Ông đã được trọng thần và cố vấn của mạc phủ là Tokugawa Mitsukuni (Đức Xuyên, Quang Quốc, 1628-1700) mời đến lãnh địa ở Mito để hoạt động. Ông đặc biệt có tiếng về khắc triện và thư đạo. 

Tiến trình của cuộc vận động phục hưng Phật Giáo 

Cuộc vận động phục hưng Phật giáo do ba thiền sư Taigu Sôchiku (Đại Ngu), Gudô Tôshoku (Ngu Đường) tông Lâm Tế và Ban.an Eishu (Vạn An) tông Tào Động khởi xướng, đã phát triễn đến mức độ cao vào giai đoạn này. Trong phong trào ấy xuất hiện hai tăng sĩ ưu tú là Bankei Yôtaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác) thuộc phái Quan Sơn tông Lâm Tế và Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch ) tông Tào Động. Cũng nên biết rằng Manzan là học trò của Gesshuu Sôko (Nguyệt Chu Tông Hồ), người từng tham học với cả Ingen (Ẩn Nguyên) và Dôsha (Đạo Giả). Điều này cho thấy cuộc vận động phục hưng Phật giáo thời này đã mang dấu ấn của các tăng sĩ "độ lai". 

Tuy Bankei Yôtaku (Bàn Khuê) là người "vô sư độc ngộ" nhưng tương truyền vì không có vị thầy người Nhật nào chứng minh cho nên ông phải nhờ đến Đạo Giả (Dosha). Bankei chủ trương fushôzen (bất sinh thiền) [6], chỉ dạy giáo đồ bằng một thứ tiếng Nhật dễ hiểu cho nên có uy lực cảm hóa được đám đông. Khi giảng pháp, ông loại bỏ từ ngữ chuyên môn, chỉ dùng ngôn ngữ bình dị và đưa ra nhiều ví dụ cụ thể để trình bày cốt lõi của tư tưởng thiền gia. Kể từ khi Thiền du nhập vào Nhật Bản cho đến nay, những hiểu biết về thiền phải dựa vào sự giải thích các công án hiểm hóc hay các điển tịch viết bằng chữ Hán rất khó hiểu. Lối thiền của Bankei giúp cho người đi tu khắc phục những khó khăn đó. 

lichsuthientong-nhatban-04-03
Bankei Yôtaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622-1693) 

dạy thiền với ngôn ngữ đời thường.

Thiền sư Bankei Yôtaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác) 

Ông người vùng Harima (gần Kobe bây giờ), con một y sĩ. Năm lên 11 tuổi, cha mất, 17 tuổi vào chùa Akkô Tsuiôji (Xích Huệ Tùy Âu Tự) theo học với Unpo Zenshô (Vân Phủ Toàn Tường, 1568-1653). Vì mang mối nghi ngờ khi đọc đoạn văn có viết "Đại học tại minh minh đức" (cái học lớn nằm ở chỗ làm sáng cái đức sáng) trong sách Đại Học, năm 20 tuổi, mới bỏ chùa ra đi, tu theo lối khổ hạnh. Đến năm 24 tuổi, ông trở về với Unpo, đóng cửa tu luyện và khai ngộ. Mới đề xướng fushôzen (bất sinh thiền), xem "tất cả mọi vật đều chưa hề sinh ra mà đâu vẫn ra đấy". Năm 1651, ông đến Nagasaki, hỏi đạo thiền sư người Minh là Đạo Giả Siêu Nguyên (Dôsha Chôgen), được ông ấy chứng minh. Sau khi cư ngụ ở Yoshino (Nara) và Okayama, ông lại đi Nagasaki tìm Đạo Giả, rồi sống rày đây mai đó từ Kaga (tỉnh Ishikawa), Edo đến Iyo (tỉnh Ehime) rồi về quê hương. Năm 1657, nhận ấn khả của Bokuô Sogyuu (Mục Ông Tổ Ngưu, ? -1694) và đến 1659 thì trở thành trụ trì Myôshinji. Năm 1611, lập ra Ryuumonji (Long Môn Tự) ở quê nhà rồi năm 1669, lập thêm Nyôhôji (Như Pháp Tự) ở Iyo. Năm 1672, trở về trụ trì Myôshinji, được triều đình ban tặng áo tía. Năm 1678, lập ra chùa Kôrinji (Quang Lâm Tự) ở Edo và khai sơn. Năm 1690, được Thiên Hoàng Higashiyama (Đông Sơn) tứ hiệu Phật Trí Hoằng Tế Đại Sư. Năm 1693, viên tịch ở chùa Ryuumonji, trụ thế 72 năm. Vì biết giải thích tư tưởng Thiền Tông bằng một thứ tiếng Nhật bình dị cho nên được từ lãnh chúa đến thứ dân tuyệt đối ủng hộ, lại thêm qua 44 năm đi khắp nơi truyền đạo nên đã đào tạo đông đảo đệ tử mà có người tính con số đó lên trên 5 vạn. Ông cũng tích cực dạy dỗ phụ nữ, trong số những người mến mộ ông có ni sư trưởng Teikan Zenni (Trinh Nhàn Thiền Ni), một nhà hoạt động tôn giáo năng nỗ. Ông có cả những mối thân giao với những nhân vật như tăng Tenkei Denson (Thiên Quế Truyền Tôn) phái Lâm Tế và Kogetsu Zenzai (Cổ Nguyệt Thiền Tài, 1667-1751) phái Tào Động. Dầu bận rộn đến thế, ông vẫn để lại các tác phẩm như Bàn Khuê Thiền Sư Pháp Ngữ và Bàn Khuê Thiền Sư Thuyết Pháp. Đứng trước những thắc mắc của đủ mọi hạng người từ thiền tăng, nho gia đến thứ dân, ông thường dựa vào tâm cảnh mà mình đạt được, để có những lời chỉ vẻ đích xác, cực kỳ thân ái và giản dị bằng ngôn ngữ đời thường. Đó là hình ảnh ông để lại. Lối biểu hiện dù có khi thấp kém tầm thường nhưng toàn thể đều phảng phất cái phong cách của các ngữ lục đời Đường. 

Mặt khác, thiền sư Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch) đã cùng với Baihô Jikushin (Mai Phong Trúc Tín, 1633-1707) và một só người khác có ý muốn lập lại pháp hệ thầy truyền xuống trò ngày xưa của thời Dôgen vốn đã bị những cơn binh lửa và thăng trầm lịch sử suốt thời Sengoku làm cho rối loạn hay đứt đoạn. Cuộc vận động của các ông mang tên là "tông thống phục cổ". Nhân vì cho đến lúc đó khuynh hướng coi trọng các thế hệ trong chùa hơn là quan hệ sư đệ rất mạnh mẽ, chức trụ trì mới được thầy truyền thường bị thay đổi một cách dễ dàng (gọi là việc "ỷ viện dịch sư" nghĩa là dựa vào quyết định trong chùa mà thay người trụ trì). Do đó chủ trương của Manzan là buộc họ sửa lại đường lối cho đúng với phương pháp "diện thụ" (truyền thụ mặt đối mặt giữa thầy và trò) căn cứ trên văn bản Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng) của Dôgen. Vì chủ trương của Manzan đi ngược lại truyền thống của tông môn - ông chỉ coi trọng hình thức "diện thụ" mà không lấy sự "ngộ đạo" làm chính - nên đã gây ra nhiều cuộc tranh luận. Đông đảo tăng sĩ tham gia vào cuộc luận chiến này và nhân đó, nhiều tác phẩm liên quan đến nó đã ra đời. Thế nhưng lập trường của Manzan lại được mạc phủ chấp nhận, ông thành công trong việc không cho phép việc thay đổi người đã được thầy truyền và xác định được nguyên tắc gọi là "nhất sư ấn chứng" (isshi inshô) (những việc này đã được chép rõ ngọn ngành trong sách Tôn Phong Phục Cổ Chí (1760) theo lời của Sanshuu Hakuryuu (Tam Châu Bạch Long, 1669-1760), đệ tử của Manzan, thuật lại). Manzan còn được biết như người đã lập ra học liêu Sendanrin (Chiên Đàn Lâm) [7] ở Kichijôji (Cát Tường Tự), mà từ nơi đó, sẽ có nhiều gakusô[8] tức tăng sĩ có học vấn đáng kể. 

Thiền sư Manzan Dôhaku (Vạn Sơn Đạo Bạch) 

Ông người Higo (tỉnh Hiroshima), họ Fujii. Năm 10 tuổi xuất gia, theo học Issen Dôha (Nhất Tuyến Đạo Bá, năm sinh và mất không rõ). Năm 17 tuổi, khai ngộ với Bunshun (Văn Xuân, năm sinh và mất không rõ). Về sau, ông còn đến tham học với Gesshuu Sôko (Nguyệt Chu Tông Hồ, 1618-96) rồi nhận pháp tự của thầy lúc đã 42 tuổi. Nối gót Gesshuu, ông trở thành trụ trì ở Daijôji (Đại Thừa Tự) ở Kaga (tỉnh Ishikawa) và định ra Sendanrin Shingi (Chiên Đàn Lâm Thanh Qui) để chỉnh đốn lại cương kỷ nhà chùa. Ông cũng có những hoạt động bố giáo ở các chùa Kôzenji (Hưng Thiền Tự) do thầy ông dựng ra ở xứ Settsu (vùng Ốsaka) cũng như ở Zenjôji (Thiền Định Tự) vùng Kyôto). Năm 1700, ông cùng với Baiô Jikushin (Mai Ông Trúc Tín) kiến nghị bài trừ tệ nạn tôn giáo với mạc phủ và điều này được chấp thuận vào năm 1703. Từ đó, ông có danh hiệu "phục cổ lão nhân". Trước tác của ông chủ yếu có Vạn Sơn Hòa Thượng Quảng Lục (1740), ngoài ra ông còn biên tập Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng) bản Manzan gồm 84 quyển, thêm 5 quyển thập di (nhặt sót) nữa, cộng lại 89 quyển). Đặc biệt ông là người đầu tiên đã cho khắc gỗ và xuất bản một bộ phận của sách là phần An Cư và Diện Thụ. Nhờ những hoạt động đó mà đời sau gọi ông là vị tổ trung hưng của tông Tào Động. 

Ngoài ra, vào thời này, nhân cơ hội sách Động Thượng Cổ Triệt [9] (1644) của Vĩnh Giác Nguyên Hiền (1578-1657), tăng Trung Quốc, được mang sang Nhật (sách được Baihô Jikushin cho khắc lại vào năm 1680), có phong trào nghiên cứu nó trong nội bộ tông Tào Động, nhất là về khái niệm "ngũ vị" tức năm địa vị của sự giác ngộ [10]. Taihaku Kokusui (Thái Bạch Khắc Túy, ?-1700) với tác phẩm Động Thượng Cổ Triệt Khẩu Biện, Manshitsu Sokai (Vạn Thất Tổ Giới, còn gọi là Mộc Ẩn Tổ Giới, ? - 1681) với Tào Động Ngũ Vị Sao, Tào Động Tông Ngũ Vị Sao Hoặc Vấn...Sau này khái niệm ngũ vị được tông Tào Động coi trọng như căn cước (identity) của họ và đã lần lượt được nhấn mạnh trong các tác phẩm như Báo Ân Biên, Tào Động Tông Ngũ Vị Biện Đích (1721) của Tenkei Denson (Thiên Quế Truyền Tôn, 1648-1735), Ngũ Vị Chỉ Quyết Văn Thư của Menzan Zuihô (Diện Sơn Thụy Phương), Bất Năng Ngữ Thiên Chính Ngũ Vị Thuyết của Shigetsu Ein (Chỉ Nguyệt Huệ Ấn, 1689-1764), Tào Động Giải Thích Động Sơn Ngũ Vị Hiển Quyết Sao, cũng như Ngũ Vị Hiển Quyết Nguyên Tự Cước (1792) của Zenbyô Gettan (Toàn Miêu Nguyệt Đam (Trạm), 1728-1803). 

Cũng cần nhắc thêm rằng trong thời kỳ này, người trụ trì đời thứ 30 của Eiheiji (Vĩnh Bình Tự) là Kôshô Chidô (Quang Thiệu Trí Đường, ? -1670) đã thu lượm thông tin từ các tác phẩm của Dôgen như Điển Tọa Giáo Huấn, Biện Đạo Pháp, Phó Chúc Phạn Pháp, Chúng Liêu Châm Qui, Đối Đại Kỷ Ngũ Hạ Xá Lợi Pháp, Tri Sự Thanh Qui để soạn Eihei Shingi (Vĩnh Bình Thanh Qui, còn gọi là Nhật Vực Tào Động Sơ Tổ Đạo Nguyên Thiền Sư Thanh Qui, 1667) và cho xuất bản. Đó là một điều trọng yếu vì đã tạo cơ hội cho việc phục hưng truyền thống và qui luật cổ xưa của tông Tào Động. 

Giữa cao trào phục cổ của Thiền Tông, nhiều truyện tích về các danh tăng lần lượt xuất hiện. Những người khởi xướng công việc trước tác này là các thiền sư tông Hoàng Bá. Trước tiên có Kôsen Shôton (Cao Tuyền Tính Đốn, 1633-95) với Phù Tang Tăng Bảo Truyện (1675) và Đông Quốc Cao Tăng Truyện (1688). Thứ đến phải kể tăng Lâm Tế Mangen Shiban (Vạn Nguyên Sư Man, phái Quan Sơn, 1626-1710) với Diên Bảo Truyền Đăng Lục (1678), Bản Triều Cao Tăng Truyện (1702), tăng Tào Động Tangen Jichô (Đam (Trạm) Nguyên Tự Trừng, ? -1699) với Nhật Vực Động Thượng Chư Tổ Truyện, 1694), Tokuô Ryôkô (Đức Ông Lương Cao) với Tục Nhật Vực Động Thượng Chư Tổ Truyện, 1708), Reinan Shuujo (Lĩnh Nam Tú Thứ, 1675-1752) biên tập Nhật Bản Động Thượng Liên Đăng Lục (1727). Những tác phẩm này có mục đích khẳng định lần nữa sự có mặt của một truyền thống Thiền Nhật Bản và nhắc nhỡ rằng truyền thống ấy từ đây sẽ được tiếp nối. Điều đó đã được chứng tỏ qua các tác phẩm biên tập mãi đến thời cận đại về truyện ký các thiền tăng xuất thân từ cửa Hakuin (Bạch Ẩn) và Kogetsu (Cổ Nguyệt) như Cận Đại Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện (1890) của Dokuon Shôju (Độc Viên Thừa Chu, tức Ogino Dokuon, 1819-95) và Tục Cận Đại Thế Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện (1928-38) của Kobata Buntei (Tiểu Bạch Văn Đỉnh, 1870-1945). 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]