Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiết 3: Lâm hạ bành trướng về địa phương. Khuynh hướng mật tham

14/04/201114:17(Xem: 3162)
Tiết 3: Lâm hạ bành trướng về địa phương. Khuynh hướng mật tham

LỊCH SỬ THIỀN TÔNG NHẬT BẢN
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân - Bản Thảo 2009

Chương 3
Thiền lan rộng và thẩm thấu 
(thời Muromachi và Azuchi Momoyama)

Tiết 3 - Lâm hạ bành trướng về địa phương. 
Khuynh hướng mật tham 

Mạc phủ suy yếu. Thiền truyền bá về địa phương 

Sau cuộc loạn năm Ônin, Shôgun Ashikaga Yoshitane (Túc Lợi Nghĩa Thực, 1466-1523, tại chức 2 lần: 1490-93 và 1508-21) bị chức kanrei là Hosokawa Masamoto (Tế Xuyên, Chính Nguyên, 1466-1507) bức bách (chính biến năm Meiô, 1493), quyền lực trung ương của mạc phủ rơi vào tay họ Hosokawa. Sau đó quyền lực lại chuyển qua gia thần của dòng họ ấy là Miyoshi Nagayoshi (1522-64). Miyoshi lại bị buộc phải nhượng quyền cho gia thần của mình là Matsunaga Hisahide (1510-77). Masahide dồn shôgun đời thứ 13 là Yoshiteru (Nghĩa Huy, 1536-65) đến chỗ phải tự sát. Đó là một thời đại chính trị cực kỳ đen tối, thần hạ bên dưới lấn lướt chủ quân (gọi là gekokujô = hạ khắc thượng). Ở địa phương cũng vậy, các chức thủ hộ (sugo) ủy thác lãnh địa cho người đại diện (sugodai) cai quản để rảnh tay lên kinh đô làm quan với mạc phủ. Thế nhưng vì ảnh hưởng của cuộc loạn Ônin mà các "đại diện cho sugo" (sugodai) và giới samurai địa phương dần dần nắm được thực quyền.Nhân vì mạc phủ hoàn toàn không còn uy tín gì nữa nên chính quyền địa phương kiếm cách thoát khỏi ảnh hưởng của trung ương. 

Thử điểm mặt những thế lực địa phương thời đó: Ở miền Kantô (phía đông đảo Honshuu), Hôjô Sôun (Bắc Điều Tảo Vân, 1432-1519) nắm quyền bá chủ, ở vùng Chuugoku (phía tây đảo Honshuu) Ôuchi Yoshitaka (Đại Nội Nghĩa Long, 1507-1551) khống chế. Ngoài ra còn có Mori Motonari (Mao Lợi, Nguyên Tựu, 1497-1571), người đã thay thế Ôuchi, Imakawa Yoshitomo (Kim Xuyên Nghĩa Nguyên, 1519-60) cai quản từ Suruga đến Mikawa, Takeda Shingen (Vũ Điền Tín Huyền, 1521-73) giữ vùng Kai, Uesugi Kenshin (Thượng Sam Khiêm Tín, 1530-78) giữ vùng Echigo. Đó là những người xuất thân sugo hay sugodai mà sau đó đã chiếm lĩnh các vùng địa phương, tranh hùng để mục đích thống nhất Nhật Bản dưới quyền mình. Đó là những lãnh chúa (daimyô) thời Chiến Quốc (Sengoku Jjidai, 1467-1568), một giai đoạn chiến tranh không ngừng dài trên một thế kỷ. 

Cuộc nội loạn Ônin kéo dài 10 năm, Kyôto điêu tàn hoang phế, làm cho các học giả, cao tăng và nghệ sĩ như Ichijô Kanera (Nhất Điều Kiêm Lương, 1402-1481) [36], Sesshuu Tôyô Tuyết Chu Đẳng Dương), Keian Kenjuu (Quế Am Huyền Thụ), Banri Shuukyuu (Vạn Lý Thập Cửu), Gesshuu Jukei (Nguyệt Chu Thọ Quế), Sakugan Shuuryô (Sách Ngạn Chu Lương)...phải bỏ kinh đô về địa phương, gửi thân nơi các lãnh chúa. Những người này vốn ngưỡng mộ văn hóa của kinh đô từ lâu nên đã tiếp nhận họ một cách niềm nở. Như thế, chiến tranh đã vô tình đem văn hóa nghệ thuật truyền bá về các vùng xa xôi. 

Vào thế kỷ thứ 15, chức kanrei quản lĩnh vùng Kantô là Uesugi Kanezane (Thượng Sam, Kiến Thực, 1410-66) đã cho phục hồi Ashikaga Gakkô (Túc Lợi học hiệu), một hình thức trường đại học dạy Nho, Phật...do họ Ashikaga thành lập và một thời suy vi. Đến hậu bán thế kỷ 16, trường đổi tên thành Bandô [37] Gakkô (Bản Đông học hiệu), rất phồn thịnh, đào tạo được nhiều nhân tài. Ngoài ra, các trí thức như Kiyohara no Nobukata (Thanh Nguyên Tuyên Hiền, 1475-1550), Gesshuu Jukei, Asukai Masayasu (Phi Điểu Tỉnh Nhã Khang, 1436-1509) đến nương nhờ gia đình Asahara ở lãnh địa của họ tức thành Ichijôdani ở Echizen (tỉnh Fukui ngày nay). Ở Yamaguchi, đất của họ Ôuchi, có tăng sĩ và nhà thơ Sôki, họa gia Sesshuu Tôyô, thiền sư Sakugan Shuuryô ... Đặc biệt thủ lãnh họ Ôuchi, Ôuchi Yoshitaka (1507-51), là một người có nhiệt tâm với văn hóa và có công xuất bản nhiều thư tịch (gọi theo tên người hay tên đất thành ra Ôuchi-ban hay Yamaguchi-ban). 

Sự phát triển của các giáo đoàn hai chùa Daitokuji (Đại Đức Tự) 
và Myôshinji (Diệu Tâm Tự) 

Vào thời Sengoku, giáo phái Gozan cũng suy thoái dần cùng một nhịp độ với mạc phủ. Để thay thế vào vị trí của Gozan, các chùa "lâm hạ" [38] tức các chùa thứ yếu "dưới bóng rừng" mới ra sức bành trướng thế lực của mình. Họ không được sự bảo trợ của mạc phủ nên thường gặp khó khăn về mặt kinh tế. Để tìm cách sinh tồn, họ phải di chuyển địa bàn hoạt động về địa phương. Với nhiệt tình truyền đạo của họ, chẳng mấy chốc các chùa lâm hạ đã xâm thực được lãnh thổ của cựu Phật giáo và phái Gozan, làm cho sức mạnh tôn giáo (giáo thế) của mình ngày một tăng thêm. 

Những kẻ bảo trợ cho phái Gozan ở các địa phương là chức "thủ hộ" (sugo) sở tại nhưng ác chùa "lâm hạ" không chọn đối tượng đó. Họ tiếp cận các "đại diện thủ hộ" (sugodai) và tầng lớp thổ hào là những samurai cấp thấp. Sau cuộc loạn Ônin (1467-77), khi các "thủ hộ" suy vong thì các phó tướng của họ, "đại diện thủ hộ" mới nắm lấy thực quyền rồi thực sự trở thành lãnh chúa chiến quốc (sengoku-daimyô) [39]. Ảnh hưởng của Gozan từ đó bị ngừng lại ở ngưỡng cửa địa phương, nhờ đó ảnh hưởng của các "giáo đoàn lâm hạ" có cơ hội bung ra. Võ khí của họ trong việc truyền giáo và bành trướng thế lực là những buổi lễ tang, giỗ kỵ, cầu siêu...cũng như các buổi hội họp có tên là kôkoe (giang hồ hội, một pháp hội nửa đạo nửa tục) hay juukaija (thọ giới hội) để truyền thụ pháp môn cho các đệ tử tại gia (gọi là kechimyaku denju = huyết mạch truyền thụ) và ban phát ấn khả một cách dễ dàng cho những người đó. 

Hệ phái đứng ra chủ trì việc kinh dinh Daitokuji là của Yôsô Sôi (Dưỡng Tẩu Tông Di). Pháp hệ của Yôsô được truyền từ đệ tử của ông là Shunpo Sôki (Xuân Phủ Tông Di, 1416-96) đến Jitsuten Sôshin (Thực Truyền Tông Chân, 1434-1517). Môn hạ của Jitsuten có hai người: Kogaku Sôkô (Cổ Nhạc Tông Cắng, 1465-1548) và Tôkei Sôboku (Đông Khê Tông Mục, 1454-1517). Đệ tử của mấy người đó mới mở hai tháp đầu là Daisen.in (Đại Tiên Viện) và Ryuugen.in (Long Nguyên Viện) làm trung tâm để truyền bá về địa phương. Phái của Kogaku gọi là bắc phái (hoppa), còn phái của Tôkei gọi là nam phái (nanpa). Họ tiến về Suufukuji (Sùng Phúc Tự) ở Fukuoka (Chikuzen) và Zentsuuji (Thiền Thông Tự) ở Izumi (phủ Ôsaka), hai chùa của phái Đại Ứng và phái Gozan, biến nó thành chùa ngọn (mạt tự) của mình để bành trướng thế lực của mình xuống đến vùng đó. Vì lý do đó, việc quản lý chùa Daitokuji vào thời ấy đã chuyển từ "lưỡng ban" (đông tây đường) đến tay người đại diện của tháp đầu, có danh xưng là "tháp chủ" (tossu) và đứng đầu một nhóm thành viên chủ yếu gọi là "chúng bình" (shuuhyô). 

Trong tầng lớp ủng hộ giáo đoàn của Daitokuji có những lãnh chúa chiến quốc (Sengoku daimyô) đang mong muốn móc nối với triều đình và những samurai muốn đi tìm một điểm tựa tinh thần giữa thời chiến loạn . Ngoài ra còn có đám con buôn ở các đô thị thương mãi như Sakai và Hakata, ví dụ Tsuda Sôkyuu (Tân Điền, Tông Cập), Yamaoka Sô.mu (Sơn Cương Tông Vô, ? -1595) và Kamiya Sôtan (Thần Cốc Tông Đam (Trạm), 1551-1635), kể cả những bậc thầy chuyên nghiệp trong làng thơ renga như Sôki (Tông Kỳ), Sôchô (Tông Trường), Shôha (Thiệu Ba, 1525-1602), những soạn giả tuồng Nô hay lương y như Kanze và Konparu. Đặc biệt Sôchô đóng một vai trò trọng yếu, ông nổi tiếng vì đã xây cất ba cổng (tam môn) cho Daitokuji (1525-26). 

Một trong những lý do mà giáo đoàn Daitokuji thu hút được các nhân vật có thể nói là ở một trình độ văn hóa khá cao như vậy vì họ biết tích cực "phó pháp" (truyền thụ đạo pháp) cho giới cư sĩ tại gia.Những người này muốn học hỏi về Thiền Tông để thỏa mãn nhu cầu tri thức của mình. Khi phó pháp như thế, họ nhận được lễ vật hậu hỉ, rồi khi nhân vật đó chết đi, họ cũng được thừa hưởng ruộng đất cúng dường để có phương tiện cúng kiến mãi mãi cho vong linh thí chủ. Phó pháp kiểu này chính ra đi ngược với tinh thần xưa nay của Thiền Tông nhưng trong trường hợp của Daitokuji, xét ra nó thật được việc vì giúp cho chùa phát triển. Chúng ta đã biết Ikkyuu Sôjun đã nghiêm khắc chỉ trích hòa thượng Yôsô Sôi cũng vì hình như lý do là Yôsô và môn đệ đặc biệt có khuynh hướng đi sâu vào con đường này. Muốn biết trên thực tế, Yôsô và môn đệ đã hành động như thế nào, có thể tham khảo nội dung tác phẩm nổi tiếng Daitokuji Dawa (Đại Đức Tự Dạ Thoại), bản do Đại học Ryuukoku [40] tàng trữ. 

Thầy trò Yôsô đã thuyết phục mọi người về sự cần thiết của việc tham cứu công án. Họ rao rằng Hottô Kokushi (Pháp Đăng Quốc Sư) phải tham cứu 108 tắc, còn Tettô (Triệt Ông) và Yôsô (Dưỡng Tẩu) phải học xong 80 công án rốt cuộc mới giác ngô. Nhân đó, đối với tín đồ, họ nhấn mạnh đến việc tham cứu công án như con đường để đi tìm chân lý. Như vậy, tư thế của môn phái Yôsô có khuynh hướng tiến về hình thức mật tham. 

Sự giao lưu giữa các tăng nhân Daitokuji và con buôn ở Sakai đã hình thành được "trà đạo" (đọc là chadô, sadô) hay wabicha [41]. Người mở đường của trà đạo là Murata Jukô (Điền Thôn, Châu Quang, 1423-1502) một đệ tử của Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu). Thế nhưng vào thời đại này cũng đã thấy xuất hiện các nhân vật có công đưa vị trí của trà đạo lên cao như Takeno Jôô (Vũ Dã Thiệu Âu, 1502-1555), môn đệ của ông là Sen no Rikyuu (Thiên Lợi Hưu, 1522-91), Tsuda Sôkyuu (Tân Điền Tông Cập) và Imai Sôkyuu (Kim Tỉnh Tông Cửu, 1520-1593). Từ thời Murata Juukô (Châu Quang) trở đi, Thiền vẫn được coi như điểm tựa tinh thần của trà đạo. Điều này được trình bày qua phương châm "Trà Thiền nhất vị" (trà và thiền có cùng một vị, cùng một ý nghĩa). Takeno Jôô là người đã nhận pháp tự từ thiền sư Dairin Sôtô (Đại Lâm Tông Sáo, 1480-1568), còn Sen no Rikyuu đã tham học công án dưới trướng Shôrei Sôkin (Tiếu Lãnh Tông Hân, 1490-1568). Điều đó chứng tỏ rằng đối với người chuyên tâm đến nghệ thuật uống trà (gọi là chajin =trà nhân) thì việc tham thiền là điều kiện tất yếu.

Trà đạo giúp cho người ta tu dưỡng được ý thức thẩm mỹ đặc biệt qua những dụng cụ uống trà như bát gốm uống trà (chawan), chổi con bằng trúc đánh cho bột trà lên bọt (chasen) và thìa nhỏ (chashaku) bằng trúc, gỗ sơn, ngà hay kim loại để đong lượng bột trà vào bát, tranh cuốn (kakemono) treo bên chỗ ngồi uống trà (chaseki) và hoa trưng bày (rikka) trong phòng. YÙ thức thẩm mỹ đó cũng liên quan đến sự sáng tạo kiến trúc phòng uống trà (chashitsu) và sắp xếp quang cảnh vườn nhà của nó (cha-niwa, thường gọi là roji). Tóm lại, tư tưởng Thiền Tông thông qua trà đạo đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực văn hóa. Liên hệ giữa trà đạo và chùa Daitokuji hãy còn tiếp tục mãi về sau. Các bức tranh cuốn do tăng sĩ chùa ấy vẽ là những mặc tích (boseki) đặc biệt được ca tụng như dấu ấn của một truyền thống.. 

Riêng về Myôshinji (Diệu Tâm Tự), trong chiều hướng phát triển về địa phương, việc chùa đã được gánh vác bởi 4 người pháp tự do Sekkô Sôstan (Tuyết Giang Tông Thâm) đào tạo. Đó là Keisen Sôryuu (Cảnh Xuyên Tông Long, 1426-1500), Gokei Soton (Ngộ Khê Tông Đốn, 1416-1500), Tokuhô Zenketsu (Đặc Phương Thiền Kiệt, 1419-1506) và Tôyô Eichô (Đông Dương Anh Triều, 1426-1504). Đặc biệt Sôshin (Tông Thâm) vào năm 1475 đã định lệ cho 4 đệ tử cứ 3 năm một thay nhau giữ nhiệm kỳ trụ trì của Myôshinji. Qui tắc này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của môn phái Kanzan (Quan Sơn) [42]. Lý do là vì các môn phái dù là Ryuusen.am (Long Tuyền Am), Tôkaian (Đông Hải Am), Seitakuan (Thánh Trạch Viện), Reiun.in (Linh Vân Viện) đều lấy tacchuu (tháp đầu) của phái mình làm trung tâm để triển khai các hoạt động bố giáo. Như vậy, sau đó 4 phái Ryuusen, Tôkai, Seitaku và Reiun mang tên các "tháp đầu" đã được thành lập. Các chùa ngọn (mạt tự) hay tháp đầu được thiết lập hay được thu nhận sau đó bắt buộc lệ thuộc vào một trong 4 hệ thống kể trên. 

Cách phát triển của Myôshinji về địa phương thường qua cách thức lợi dụng sự suy yếu của một phe phái khác mà gửi ngay người của mình về trụ trì ở chùa địa phương có vấn đề. Như thế, những ngôi chùa có tiếng trong "ngũ sơn thập sát" như Seikenji (Thanh Kiến Tự) vùng Suruga (tỉnh Shizuoka), Erinji (Đại Lâm Tự) vùng Kai (tỉnh Yamanashi), Ankokuji (An Quốc Tự) vùng Ise (tỉnh Mie), hay chùa bản sơn các phái khác như Kôgenji (Cao Nguyên Tự) ở Tanba (tỉnh Hyôgo), Kôkokuji (Hưng Quốc Tự, phái Pháp Đăng) đều lọt vào tay họ. Câu chuyện nổi tiếng vào thời này là việc Kaisen Shôki (Khoái Xuyên Thiệu Hỷ, ? - 1582) trước đã được lãnh chúa Takeda Shingen đất Kai mời về trụ trì ở Erinji, vì ăn nói mếch lòng lãnh chúa Oda Nobunaga, một trong ba người có công thống nhất Nhật Bản, mà bị đem giết. Môn hạ của ông có những người như Nanke Genkô (Nam Hóa Huyền Hưng, 1538-1604). 

Chứng tỏ được thực lực qua sự phát triển của giáo đoàn, vào năm 1509, Myôshinji được nhà nước giáng chiếu chỉ "tử y sắc hứa" (shie chokkyo), một vinh dự cao cả, đưa họ lên ngang hàng với Daitokuji. Trước đó, tăng sĩ chùa Myôshinji khi trở thành trụ trì Daitokuji thì được ban sắc chỉ và tử y, nhưng sau khi nhận được vinh dự này, điều đó trở nên không cần thiết nữa. Tuy nhiên, kể từ đó, hai chùa không còn thuận thảo với nhau như trước, chẳng những thế, họ còn tuyệt đường đi lại. (Để có thể giải tỏa những phức tâm này, phải đợi mãi đến năm 1716, nghĩa là vào giữa thời Edo). 

Tông Tào Động (Sôtô-shuu) phát triển về địa phương 

Sôtô-shuu tức tông Tào Động Nhật Bản có những hoạt động truyền đạo hết sức khởi sắc của giáo đoàn chùa Sôjiji (Tổng Trì Tự), chủ yếu là do hệ phái của Taigen Sôshin (Thái Nguyên Tông Chân) và Tsuugen Jakurei (Thông Huyễn Tịch Linh), đảm nhận. Khởi đi từ hệ phái Taigen (Thái Nguyên), Nyôchuu Tengin (Như Trọng Thiên Ngân, 1365-1440) đã thành lập 6 phân nhánh dưới trướng Nyôchuu gọi là Nyôchuu ka roppa (Như Trọng hạ lục phái). Cũng vậy, từ hệ phái Tsuugen (Thông Huyễn), môn đệ là Ryôan Emyô (Liễu Am Huệ Minh, 1337-1411), có đến 16 phân nhánh. Nhiều chùa thuộc Gozan xưa kia lần lượt cải tông theo họ nên Sôtô-shuu đã nới rộng ranh giới của tông phái mình. 

Trước tình huống mới này, Eiheiji (chùa Vĩnh Bình của Dôgen ngày xưa) vẫn còn được duy trì bởi một phái có từ Jakuen (Tịch Viên, 1207-1299). Một thời họ dã dược Thiên hoàng Go-Enyuu (Hậu Viên Dung, thứ 5 trong hệ Bắc Triều, trị vì 1371-1382) sắc cho mấy chữ (gọi là chokugaku = sắc ngạch) ghi trên biển của chùa là "Nhật Bản Tào Động Đệ Nhất Đạo Trường" và đưa lên hàng "xuất thế đạo trường" [43] (shusse dôjô) vào năm 1372. Uy nghi lẫm liệt như thế nhưng đến thế kỷ 15 thì Eiheiji đã trở thành hoang phế. Dù vậy, nhờ công sức của các vị trụ trì được mời đến như Gezô Gidon (Hoa Tạng Nghĩa Đàm, 1375-1455) phái Kangan (Hàn Nham) và Don.ei Eô (Đàm Anh Huệ Ứng, 1424-1504) phái Gazan (Nga Sơn) mà chùa được phục hưng. Năm 1539, chùa lại được Thiên hoàng Go-Nara (Hậu Nại Lương, thứ 105, trị vì 1526-1557) ban cho danh hiệu "xuất thế đạo trường" thêm một lần nữa và từ đó xác định uy thế lãnh đạo tông môn của mình. 

Tuy có mời những nhà tu từ phái khác (Kangan, Gazan) đến "tấn trụ" (shinjuu) như trên nhưng Eiheiji vẫn nằm dưới sự kiểm soát của một phái Jakuen. Trên thực tế, cho đến thời đó, họ vẫn tiếp tục thay nhau thừa kế và mỗi thế hệ, đều sinh ra lắm chuyện tranh chấp lủng củng. Được biết cuốn sách mang tên "Vĩnh Bình Khai Sơn Đạo Nguyên Thiền Sư Hành Trạng" (cuốn sách xưa nhất chép chi tiết về thân thế và hành trạng của Dôgen) do người trụ trì đời thứ 14 là Kenzei (Kiến Tê) soạn ra cũng nhắm mục đích chứng minh tính chính thống của phái Jakuen trong chùa Eiheiji. 

Hoạt động của Sôtô-shuu vì bao gồm cả những yếu tố có tính chất Mật Giáo và tín ngưỡng địa phương, sau khi được dung nhận bởi Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn), nên gắn lền với các hình thức phật sự pháp yếu. Thực tế này còn có thể thấy qua hình thức truyện "thần nhân hóa độ" (shinjin kedo setsuwa) còn truyền tụng ở các địa phương.Ngày nay, các tự viện mà thiện nam tín nữ thường lui tới để khấn nguyện, kỳ đảo phần lớn đều là những chùa Sôtô-shuu và đấy là một lời giải thích minh bạch nhất. Ba chùa tiêu biểu được mang danh hiệu "Động Tông Tam Kỳ Đảo Tự" (ba chùa Tào Động để kỳ đảo) là Saijôji (Tối Thừa Tự, Dôryôson, thành phố Minami-Ashigara, tỉnh Kangawa), Myôgonji (Diệu Nghiêm Tự, Yoyokawa Inari, thành phố Toyokawa, tỉnh Aichi) và Zenhôji (Thiện Bảo Tự, Ryuuô, thành phố Tsuruoka tỉnh Yamagata). Trong các chùa này, nơi dùng để hành lễ cầu đảo (goi là trấn thủ đường) có qui mô còn lớn hơn cả bản đường (thế nhưng đây chỉ là chuyện xảy ra từ thời Edo về sau lúc Sôtô-shuu hưng thịnh mà thôi). Nói chung việc coi trọng sự cầu đảo thì cũng đều thấy ở các tự viện khác. Pháp đường của tông Tào Động từ hồi ở Trung Quốc thường là làm bằng đất nện đã đổi ra thành lát chiếu và đặt các tượng Phật và bồ tát (honzon). Nguyên lai, pháp đường là nơi mọi người đến nghe trụ trì thuyết pháp và dành cho việc thực hành những nghi thức cầu đảo tu hành nay đã biến thành hội trường và cùng lúc, chỗ để thực hành các nghi thức cầu đảo. 

Truyện "thần nhân hóa độ"có nghĩa gì? 

Cấu tạo của chúng có thể tóm tắt như dưới đây: 

1) Có một thiền sư đến địa phương nào đó để truyền đạo. Một vị thần hiện ra mách cho ông nơi linh địa để trụ trì. 

2) Thiền sư cho thần được thụ giới, làm đệ tử của mình. Mỗi đêm, thần đều dến học thiền và chẳng bao lâu, nhận được ấn khả, nguyện hộ trì cho mảnh đất thiêng. 

3) Người trong vùng nghe đồn kéo đến xin qui y và cùng nhau ra sức xây dựng chùa chiền miếu mạo, hào tộc địa phương cũng trở thành đàn việt và xin tiến cúng. 

Những mẫu chuyện dưới hình thức đó đã kể lại mối quan hệ giữa thiền tăng Gennô Shinshô (Nguyên Ông Tâm Chiêu, 1329-1400) với thần Sesshôseki (Sát Sinh Thạch), Ryôan Emyô (Liễu Am Huệ Minh) với Daisen Myôjin (Đại Sơn Minh Thần), Nyôchuu Tengin (Như Trọng Thiên Ngân) với Hakusan Gongen (Bạch Sơn Quyền Hiện) [44], Jôan Shuzen (Định Am Thù Thiền, 1373-1432) với Sumiyoshi Myôjin (Trú Cát Minh Thần), Gekkô Shôbun (Nguyệt Quang Chính Văn, ?- 1462) với Hikawa Myôjin (Băng Xuyên Minh Thần) vv...Bằng lối đó, Sôtô-shu đã có thể mở rộng thế lực về các địa phương.Như thế, lòng tin của người dân vào thần thánh thổ địa trong vùng đã biến thành lòng tin vào Thiền như một tín ngưỡng. Sôtô-shuu đã biết lợi dụng phong tục tín ngưỡng địa phương để bành trướng khu vực ảnh hưởng của mình vậy. 

Thái độ các lãnh chúa thời Sengoku (Chiến Quốc Nhật Bản) đối với Thiền Tông 

Các lãnh chúa thời Sengoku sở dĩ nể trọng Thiền Tông cũng vì những hoạt động tích cực của các giáo đoàn "lâm hạ". Chính ra những hoạt động này mang lại lợi ích cho các lãnh chúa vì bảo đảm được việc cai trị, do đó, thái độ tỏ ra ưu ái đối với tôn giáo vừa giúp họ thống suất được đám gia thần bộ hạ, vừa thu phục được lòng dân. Đặc biệt hơn nữa, các thiền sư đều là những nhân vật hấp dẫn vì có trình độ văn hóa cao. Cả những khi đối phó với chiến tranh lẫn trong chính trị thời bình, các lãnh chúa đều có thể trông cậy vào sự cố vấn của các thiền sư, vốn có nhiều kiến thức từ binh pháp, Nho giáo, tư tưởng Thiền Tông cho đến Dịch học. 

Những phái tuy chỉ nằm ở trong hệ thống "lâm hạ" nhưng được nhiều lãnh chúa Sengoku xin đến quy y là Tettô-ha (phái Triết Ông, giáo đoàn Daitokuji)) và Kanzan-ha (phái Quan Sơn, giáo đoàn Myôshinji) bởi vì các phái này vốn có liên hệ mật thiết với triều đình. Các lãnh chúa muốn qua họ mà tiếp cận với triều đình và nâng cao uy thế của mình. Quá trình nối kết giữa hai giáo đoàn nói trên và nhóm lãnh chúa đã giúp các tháp đầu phát triển. Trong khi các tháp đầu Gozan dần dần suy vi trong giai đoạn cuối đời Sengoku (giữa thế kỷ 16) bước qua đầu thời tiền cận đại (cuối thế kỷ 16) thì ngược lại, tháp đầu của hai chùa Daitokuji và Myôshinji lại gia tăng con số. 

Những tháp đầu (tacchuu) này đã mở các viện mang pháp danh của những người bảo trợ cho nó. Tính cách chùa riêng dùng vào việc an táng cúng dường (bodaisho = bồ đề sở) cho một dòng họ trở thành mạnh mẽ và thiền tăng coi tháp đóng một lượt hai vai trò. Trong những tháp đầu của Daitokuji chẳng hạn, đã có Ryuugen.in (Long Nguyên Viện) của võ tướng thời Muromachi là Hatakeyama Yoshitaka (1557-1574), Daisen.in (Đại Tiên Viện) của Rokkaku Masayori (thế kỷ 15-16), Sôken.in (Tổng Kiến Viện), Tenzuiji (Thiên Thụy Tự) của Toyotomi Hideyoshi (1536-98), Sangen.in (Tam Huyền Viện) của gia thần Hideyoshi là Ishida Mitsunari (1560-1600), Hôshun.in (Phương Xuân Viện) của một gia thần khác là Maeda Toshinaga (1562-1614), Kôdô.in (Cao Đồng Viện) của Hosokawa Tadaoki (1563-1646), một võ tướng làm quan trãi 3 triều và là nhà thơ waka dòng dõi. 

Mỗi tháp đầu đều xây bên trong khuôn viên mình mộ địa của người bảo trợ và cử hành phật sự pháp yếu mỗi khi có mở những cuộc cúng dường bồ đề. Mặt khác, để đền bù lại, người chủ trì tháp thu hằng tháng món tiền gọi là tiền từ đường trả công các pháp sự. Họ cũng nhận một số đất đai gọi là "tự lãnh" được tiến cúng để có ngân quỹ giữ gìn, tu sửa tháp. Nhờ sự chi viện của những người bảo trợ mà các tháp đầu có được một cơ sở kinh tế vững vàng, giúp cho họ có thể hoạt động bố giáo để nâng cao uy tín môn phái, lập được nhiều chùa nhánh (mạt tự) trong vùng lãnh chúa cai quản và cứ như thế mà nới rộng mãi ra. Như vậy, nhờ có vai trò hết sức quan trọng của các tháp đầu mà các giáo đoàn mới có thể phát triển về địa phương. 

Thế nhưng đến cuối thời Sengoku, các giáo đoàn Thiền Tông vốn lấy việc nới rộng thế lực môn phái làm chính cũng phải thay đổi trong cách hành động. Các lãnh chúa đã nhận ra rằng phải thiết lập một hệ thống cai trị trong lãnh địa của mình vượt lên trên khuôn khổ một hệ phái tôn giáo.Các giáo đoàn đều lập ra những furegashira (xúc đầu) tức chùa đứng đầu có nhiệm vụ giao dịch và truyền đạt mệnh lệnh của cơ quan cai quản tôn giáo của nhà nước đến cho mỗi đơn vị tự viện nhỏ. Giới quyền lực đã lợi dụng mối quan hệ giữa chùa chiền và đàn việt có từ trước để tiện bề cai trị. Ngoài ra, hoạt động của các giáo đoàn từ đó đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Thí dụ cụ thể là chính sách của hai lãnh chúa Takeda Shingen (vùng Kai) và Imagawa Yoshimoto (vùng Suruga, Mikawa) lúc đó và cũng là chính sách đối với Phật giáo sẽ được tiếp nối bởi mạc phủ Tokugawa về sau. 

Sự suy thoái của hoạt động tham thiền. 
Khuynh hướng mật tham bành trướng 

Đến khoảng giữa thời Mạc phủ Muromachi (1333-1568) thì ở những danh sát vùng Kyôto, bắt đầu với các chùa Gozan, hoạt động tham thiền không còn được tổ chức nữa. Hết còn có chuyện lấy thể nghiệm khai ngộ làm bằng chứng cơ bản để truyền giao pháp tự. Việc kế tục ở các chùa bằng pháp tự theo pháp hệ của già lam dần dần trở thành phổ biến. Mặt khác, trong khi các chùa lâm hạ ở địa phương hãy còn có tục lệ "biến tham" (đi học đạo ở nhiều chùa khác nhau), việc xem ấn khả như bằng cớ của sự phó pháp vẫn còn tồn tại nhưng nội dung đã có nhiều thay đổi. Lối giải thích công án chịu ảnh hưởng của những cách thức truyền giao bí quyết như "thiết chỉ tương thừa" (kirigami sôjô) [45] của thần đạo và ca đạo, "cổ kim truyền thụ" [46] (kokindenjuu) của thơ waka và cách thức thần chú của Mật giáo mà trở thành một pháp môn khẩu truyền. Phương pháp phó pháp hay trao pháp tự bằng khẩu quyết đã trở thành phong trào. Lối tu thiền mới này có tên là missanzen (thiền mật tham), nội dung bí mật của nó được ghi lại trong những tư liệu mang tên missanroku (mật tham lục). Thế rồi, lối tu thiền mật tham dần dần được phổ biến và các dòng thiền lâm hạ không kể là Rinzai (Lâm Tế) hay Sôtô (Tào Động) đều trở thành thiền mật tham. Rốt cuộc, phái Gozan cũn theo con đường đó. Tông Sôtô trở thành mật tham kể từ thời Kaian Myôkei (Khoái Am Diệu Khánh, 1422-93) đến khai sơn chùa Daichuuji (Đại Trung Tự) ở tỉnh Tochigi, sau đó thì khuynh hướng này mới lan rộng ra. 

Nhờ có phong trào thiền mật tham mà một giáo đoàn trong hệ thống lâm hạ là phái Genjuu (Huyễn Trú) mới có cơ hội hoạt động. Ngày trước phái này xuất phát từ Trung Phong Minh Bản (hiệu Huyễn Trú Am, 1263-1323), thiền sư đời Nguyên. Pháp ấy được truyền đến vị tổ Nhật Bản của phái là Enkei Soô (Viễn Khê Tổ Hùng, 1286-1344) ở chùa Kôgenji (Cao Nguyên Tự) trong xứ Tanba (nay là vùng Kobe, tỉnh Hyôgo) nhưng nếu Genjuu có thể trở thành một tông phái hẳn hoi là nhờ công lao của Ikke Sekiyuu (Nhất Hoa Thạc Do, 1447-1507) thời Sengoku. Thời ấy, tuy họ không có một ngôi chùa để làm cơ sở để thành lập giáo đoàn nhưng nếu họ dựa được trên pháp hệ của già lam [47] các phái khác thì cũng khó lòng phủ nhận sự tồn tại của họ. Hơn nữa, họ có những hoạt động bố giáo và trao ấn khả, hòa nhập được vào trong hoạt động Thiền Tông của khác tông phái khác. Chỉ cần những phương pháp như vậy, phái Genjuu cũng bành trướng được thế lực. Lần hồi, người của họ đã trở thành trụ trì của các danh sát như Nanzenji hay Kenninji, xâm lấn cả địa hạt của Gozan. Do đó, ta không thể phủ nhận một điều là qua các hoạt động của mình, phái Genjuu đã thúc đẩy khuynh hướng thiền mật tham và cũng không thể nào quên rằng trong việc hình thành tông Rinzai (Lâm Tế Nhật Bản) ngày nay, phái ấy đã đóng một vai trò cực kỳ to tát. 

Điều phải đề cập đến trước tiên là phái Genjuu đã giúp giải tỏa các sự đối lập về môn phái trong nhóm Gozan. Ở các chùa thuộc nhóm Gozan, nhiều môn phái đã dùng những tháp đầu làm điểm tựa và hoạt động theo ý mình. Thế nhưng dù là người thuộc các môn phái khác nhau, họ đều có một liên hệ chung theo hàng ngang với pháp hệ của phái Genjuu. Chính vì vậy họ đã có những dịp hành động chung không với danh nghĩa một môn phái nhưng với danh nghĩa một tự viện. Chẳng hạn việc khai sơn một tự viện là một điều đáng tôn trọng, vượt khỏi khuôn khổ một tông phái. Khuynh hướng này sẽ được đẩy mạnh hơn dưới thời Edo nhờ ở chế độ gọi là honmatsu hay "gốc và ngọn" (bản mạt chế độ) [48] và là cơ sở sửa soạn cho việc tổ chức các giáo đoàn như ngày nay. 

Một điều khác cũng không kém phần trọng yếu là trong nhóm chùa Gozan, bên cạnh việc nhận pháp tự theo pháp hệ già lam của mình còn có việc nhận ấn chứng để tự pháp theo cách của phái Genjuu nữa cho nên đã nẩy sinh ra việc một pháp hệ có hai cách tự pháp. Nếu tính từ thời tiền cận đại trở đi, đã có trường hợp người tự pháp bằng ấn chứng như Kogetsu Zenzai (Cô Nguyệt Thiền Tài, 1667-1751) và tự pháp theo pháp hệ như Hakuin Ekaku (Bạch Ẩn Huệ Hạc, 1685-1768) đánh đổi vị trí với nhau. Cách thức này vẫn còn được kế tục cho đến ngày nay. 

Mật Tham Lục (Missanroku) 

Missanroku là tên gọi một nhóm các tư liệu (lục) ghi chép hình thái của thiền mật tham (missanzen). Sôtô-shuu dùng chữ "môn tham" (monsan) thay cho mật tham.Đây là những điều ghi chép về cuộc đối đáp liên quan đến một công án.Đặc biệt kể từ thế kỷ thứ 15 trở đi, chúng được truyền thụ một cách bí mật trong vòng các thiền tăng. Loại tư liệu này thường được viết theo văn nói, bằng hệ thống chữ kana biểu âm của người Nhật và có thể xem như một thứ "sao vật"(shômono) nghĩa là sách chú thích. Sách còn được truyền lại nhiều nhất là các cuốn do dòng Rinzai của chùa Daitokuji soạn và các cuốn do người thuộc hệ phái của Ryôan Emyô (Liễu Am Huệ Minh) phái Tsuugen (Thông Huyễn) tông Sôtô (gọi là phái Ryôan) soạn ra.Ban đầu chúng chỉ được chú ý như những tư liệu văn học nhưng sau đó, các nhà nghiên cứu về tư tưởng Thiền Tông tin cậy chúng và dùng vào việc trám những lỗ trống vì thiếu tư liệu. Nội dung của chúng thường phản ánh nét đặc sắc của các môn phái được truyền thừa và hình như chúng còn được coi như vật làm tin chính thức trong việc truyền pháp nữa. 

Ngoài ra, tuy không liên quan gì đến những điều vừa kể, người ta nhận ra rằng Sôtô-shuu, thường dùng giáo nghĩa bí mật (Mật giáo) và ca đạo để truyền thụ bí mật . Đồng thời họ cũng sử dụng rất nhiều thiết chỉ (kirigami)tức là các chứng chỉ. Đến đời Edo thì tất cả đều truyền gộp lại làm một và người ta có khi biên tập chúng thành tập sách. 

Hệ Phổ Thiền Nhật Bản(2)[49] 

a- Chi lưu Nanpo Jômin (Nam Phố Thiệu Minh, tăng Nhật du học Trung Quốc): 

1 Tettô Gikô (Triệt Ông Nghĩa Hưởng) -> 2 (Ngôn Ngoại Tông Trung) -> 3 Kesô Sôdon (Hoa Tẩu Tông Đàm) -> 4 Yôsô Sôi (Dưỡng Tẩu Tông Di) -> 5 (Xuân Phố Tông Hi -> 6 (Thực Truyền Tông Chân) -> 7 (Đông Khê Tông Mục) -> 8 (Duyệt Khê Tông Ngộ) -> .....(Ngọc Trọng Tông Tú). Đồng 4 Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu Tông Thuần). Đồng 7 Kogaku Sôkô (Cổ Nhạc Tông Cắng) -> 8 (Truyền Am Tông Khí) -> 9 (Đại Lâm Tông Sáo) -> 10 (Tiếu Lãnh Tông Hân) -> 11 (Nhất Đông Thiệu Trích) -> Takuan Sôbô (Trạch Am Tông Bành). Đồng 11 (Xuân Ốc Tông Viên) -> 12 (Ngọc Thất Tông Phách) -> 13 (Chính Ẩn Tông Tri). Đồng 13 (Chính Nguyệt Tông Ngoạn). Đồng 11 (Cổ Khê Tông Trần) ... (Đại Tâm Nghĩa Thống). 

Đồng 1 Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền) ->2 (Thụ Ông Tông Bật) -> 3 (Vô Nhân Tông Nhân) -> 4 (Nhật Phong Tông Thuấn) -> 5 (Nghĩa Thiên Huyền Thừa) -> 6 Sekkô Sôshin (Tuyết Giang Tông Thâm) -> 7 (Cảnh Xuyên Tông Long) -> 8 (Cảnh Đường Huyền Nạp)...(Mặc Thủy Long Khí) -> Vạn Nguyên Sư Man. Đồng 7 (Đặc Phương Thiền Kiệt) -> 8 (Đại Hưu Tông Hưu) -> 9 (Thái Nguyên Sùng Phu) ->...Setsugan Dôen (Tiết Nham Đạo Viên). Đồng 9 (Quy Niên Thiền Du) -> 10 (Trực Chỉ Tông Ngạc) -> ...(Đông Nguyên Huệ Đẳng). Đồng 10 (Tuyết Phong Thiền Hội) ->...(Trúc Ấn Tổ Môn) -> (Vô Trứ Đạo Trung). Đồng 7 Tôyô Eichô (Đông Dương Anh Triều) ->...(Đông Tiệm Tông Chấn) -> (Dung Sơn Cảnh Dung) -> Guudô Tôjitsu (Ngu Đường Đông Thực). Đồng hạng với Cảnh Dung là (Nam Cảnh Tông Nham) -> ...Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác). Đồng 7 (Ngộ Khê Tông Đốn) -> 8 (Độc Tú Càn Tài) -> 9 (Nhân Do Tông Thọ) -> 10 (Khoái Xuyên Thiệu Hỷ) -> 11 (Trạng Nguyên Tổ Quang) ->12 (Trí Môn Huyền Tộ) -> 13 (Đại Ngu Tông Trúc). Đồng 11 (Bách Đường Cảnh Sâm) -> 12 (Hư Am Huệ Hồng) -> 13 (Nhất Trụ Đông Mặc) -> (Vân Cư Hy Ưng). 

b- Chi lưu Nhất Sơn Nhất Ninh (Issan Ichi.nei, tăng Trung Quốc sang Nhật): 

1- Taisei Sôi (Thái Thanh Tông Vị) -> 2 (Thái Bạch Chân Huyền). Đồng 2 (Thái Truyện Hữu Thừa). Đồng 2 (Thúc Anh Tông Bá) -> 3 (Đại Khuê Tông Giới) -> Banri Shuukyuu (Vạn Lý Tập Cửu). Đồng 3 (Quý Quỳnh Chân Nhụy) -> 4 (Quy Tuyền Tập Chứng) -> (Nhân Như Tập Nghiêu). 

c- Chi lưu Vô Học Tổ Nguyên (Mugaku Sogen, tăng Trung Quốc sang Nhật): 

1- Musô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch) -> 2 (Vô Cực Chí Huyền) -> 3 (Không Cốc Minh Ứng) -> 4 (Thúc Phố Tu) -> 5 (Văn Uyển Thừa Anh) -> 6 (Trung Hoa Thừa Thuấn) -> 7 (Tây Tiếu Thừa Duyệt). Đồng 4 (Đàm Trọng Đạo Phương) -> 5 (Hoành Xuyên Cảnh Tam), đồng 5 (Trọng Phương Trung Chính). 

Đồng 2 Shunnoku Myôha (Xuân Ốc Diệu Ba) -> 3 (Nham Trung Chu Ngạc), đồng 3 (Ngọc Uyển Phạn Phương). Đồng 3 (Viên Giám Phạn Tương) -> 4 (Xuân Lâm Chu Đằng) -> 5 Sesshuu Tôyô (Tuyết Chu Đẳng Dương). 

Đồng 2 (Thanh Sơn Từ Vĩnh). Đồng 2 (Long Tưu Chu Trạch) ->3 (Tại Trung Trung Yêm) -> 4 (Dụng Đường Trung Tài) -> 5 (Cảnh Từ Chu Lân). 

Đồng 2 (Mặc Ông Diệu Giới) ->3 (Đại Nhạc Chu Sùng) ->4 (Trúc Vân Đẳng Liên) -> 5 (Tâm Ông Đẳng An) -> 6 (Sách Ngạn Chu Lương). Đồng 2 Đức Tẩu Chu Tá. 

Đồng 2 Zekkai Chuushin (Tuyệt Hải Trung Tân) -> 3 (Minh Viễn Tuấn Triết ) -> 4 (Đào Nguyên Thụy Tiên). 

Đồng 2 Gidô Shuushin (Nghĩa Đường Chu Tín). Đồng 2 (Đàm Phương Chu Ứng). Đồng 2 (Vô Cầu Chu Trọng) -> 3 (Thụy Khê Chu Phượng). Đồng 2 (Phương Ngoại Hoằng Viễn). 

d- Chi lưu Enkei Soô (Viễn Khê Tổ Hùng, tăng Nhật du học Trung Quốc): 

1-Ikke Sekiyuu (Nhất Hoa Thạc Do) -> 2 (Hồ Tâm Thạc Đỉnh) -> 3 (Tiêu Nham Đỉnh Hổ) -> 4 (Tế Âm Huyền Quang). Đồng 3 (Di Trọng Thạc Dưỡng) -> 4 (Tông Bá Thạc Hưng) -> 5 (Thiên Phủ Thạc Viên) -> 6 (Tổ Giản Xương Khâm), đồng 6 (Sơn Thúc Xương Tú), đồng 6 Quan Thúc Thạc Tam, đồng 6 (Tụ Vân Huyền Đoan). 

e- Chi lưu Eihei Dôgen (Vĩnh Bình Đạo Nguyên, tăng Nhật du học Trung Quốc) 

1-Myôhô Sotetsu (Minh Phong Tố Triết) -> 2 (Kỳ Đà Đại Trí) (kế nghiệp tổ). 

Đồng 2 (Chu Nham Đạo Trân) -> 3 (Triệt Sơn Chỉ Quách) -> .....Hakuun Genteki (Bạch Vân Huyền Trích) -> (Nguyệt Chu Tông Hồ) -> (Đức Ông Lương Cao) và ((Vạn Sơn Đạo Bạch). Từ cửa Đạo Bạch ...(Mục Sơn Cẩn Anh) (Tây Hữu) -> Miên Phương Duy An (Ngạn Trạch). 

Đồng 2 (Tùng Ngạn Chỉ Uyên), đồng 2 (Huyền Lộ Thống Huyền), đồng 2 (Nguyệt Am Quang Anh), đồng 2 (Nghiêu Nhân). 

1-Gazan Jôseki (Nga Sơn Thiều Thạc) ->2 (Mai Sơn Văn Bản) ->3 (Thái Nguyên Tông Chân) ->4 (Kiệt Đường Năng Thắng) ->5 (Nam Anh Khiêm Tông) ->...(Diên Sơn Thụy Phương) .Đồng 3 (Thái Sơ Kế Giác). Đồng 3 (Như Trọng Thiên Am) (?) ->4 (Thiên Quế Truyền Tôn) -> (Tượng Sơn Vấn Hậu) và (Trực Chỉ Huyền Đoan). Tượng Sơn truyền xuống (Huyền Lâu Áo Long) -> (Phong Ngoại Bản Cao). Trực Chỉ truyền xuống (Si Cực Đại Khiêm) và (Vô Quách Thiết Văn). Si Cực lại truyền xuống đến...(Đại Trung Kinh Xán) -> (Giác Tiên Đàn Sơn) (Hara). Vô Quách truyền cho (Phụ Ấu Lão Noãn). 

Đồng 3 (Liễu Đường Chân Giác) -> 4 (Trúc Song Trí Nham). Đồng 4 (Thái Dung Phạm Thanh). 

Đồng 2 (Thực Phong Lương Tú), đồng 2 (Vô Đoan Tổ Hoàng), đồng 2 (Nguyệt Tuyền Lương Ấn), đồng 2 (Nguyên Ông Tâm Chiêu), đồng 2 (Đại Triệt Tông Lệnh). 

Đồng 2 (Thông Huyễn Tịch Linh) -> 3 (Liễu Am Huệ Minh) -> 4 (Vô Cực Huệ Triệt) -> 5 (Nguyệt Giang Chính Văn) -> 6 (Hoa Tẩu Chính Ngạc) -> 7 (Tuyệt Phong Tổ Điều). Đồng 7 (Khoái Am Diệu Khánh), đồng 7 (Đại Lâm Chính Thông) ->...(Mục Anh Thạch Thiền) (Arai). Đồng 6 (Nhất Châu Chính Y), đồng 6 (Thiên Am Huyền Bành) ->...(Lĩnh Nam Tú Nhữ). Đồng 4 (Vô Cương Minh Tông) -> 5 (Ngô Bảo Tông Xán), đồng 5 (Xuân Ốc Tông Năng) ->......(Phật Sơn Khoái Thiên). Đồng 3 (Thạch Ốc Chân Lương) ->4 (Trúc Cư Chính Du), đồng 4 (Giác Ẩn Vĩnh Bản), đồng 4 (Định Am Thù Thiền), đồng 3 (Thiên Chân Tự Tính) -> 4 (Cơ Đường Trường Ứng) -> 5 (Tuyết Song Nhất Thuần) -> ...(Chỉ Nguyệt Huệ Ấn) -> (Hạt Đường Bản Quang). 

Đồng 2 (Vô Ngoại Viên Chiêu) ->3 (Vô Trứ Diệu Dung) -> 4 (Ngọc Ông Dung Lâm) -> ...(Nguyệt Chu Tông Lâm) -> (Độc Am Huyền Quang) -> (Nghịch Lưu Trinh Thuận) -> (Đam (Trạm) Nguyên Tự Trừng). 

Địa Lý Thiền Nhật Bản (2): 

Trong thời kỳ (Sengoku) này, các chùa Thiền vẫn tập trung ở đảo Honshuu. Vùng Đông Bắc Honshuu, đảo Shikoku và Kyuushuu hãy còn thưa thớt. 

Miền đông đảo Honshuu: 

Phía biển Nhật Bản: Quốc Thái Tự, Tổng Trì Tự, Vĩnh Quang Tự, Đại Thừa Tự, Vĩnh Bình Tự. Vùng nội địa: Túc Lợi (Ashikaga) Học Hiệu, Tuyền Long Tự, Trường Lạc Tự (trong thập sát), Vĩnh Nguyên Tự, Vĩnh Bảo Tự, THụy Tuyền Tự. Phía biển đông: Pháp Vân Tự, Kim Trạch (Kanazawa) Văn Khố, Ngũ Sơn Kamakura (Kiến Trường Tự, Viên Giác Tự, Thọ Phúc Tự, Tịnh Trí Tự, Tịnh Diệu Tự), thập sát Kamakura (Thiền Hưng Tự, Đông Thắng Tự, Vạn Thọ Tự), Thanh Kiến Tự (trong thập sát), Phương Quảng Tự. 

Miền tây đảo Honshuu: 

Vùng Kyôto: Ngũ Sơn chi thượng: Nam Thiền Tự, Kyôto ngũ sơn (Thiên Long Tự, Tướng Quốc Tự, Kiến Nhân Tự, Đông Phúc Tự, Vạn Thọ Tự), Kyôto thập sát (Đẳng Trì Tự, Chân Như Tự, An Quốc Tự), Kyôto chuẩn thập sát (Lâm Xuyên Tự, Muusô Soseki = Mộng Song Sơ Thạch trụ trì, nơi phát hành các văn bản Gozan), (Tây Phương Tự (Muusô cũng từng trụ trì), Kyôto lâm hạ (Đại Đức Tự, Diệu Tâm Tự, Long An Tự (Genshô =Huyền Chiếu trụ trì). Ngoài ra, còn có Cao Nguyên Tự, Phật Thông Tự, Bổ Nham Tự (Chigan = Trí Nham trụ trì) 

Miền bắc đảo Kyuushuu: 

Vùng Dazaifu: Thánh Phúc Tự (trong thập sát), Thừa Thiên Tự, Sùng Phúc Tự. Ngoài ra còn có Vạn Thọ Tự (trong thập sát). 

lichsuthientong-nhatban-03-02
Takuan Sôhô (Trạch Am Tông Bành, 1573-1645), 

kiếm khách và thầy của đế vương.


[1] - Shôgun sáng nghiệp mạc phủ Muromachi (địa danh một khu vực triong kinh đô Heian). Nguyên ông tên là Túc Lợi Cao Thị, được thiên hoàng ban cho chữ Tôn (cả hai chữ đều có âm là Taka). Lúc đầu ủng hộ cuộc vương chính trung hưng đời Kemmu, sau đổi thái độ, lập thiên hoàng Kômyô (Quang Minh) của Bắc Triều. Được phong Chinh Di Đại Tướng Quân, gọi tắt là Tướng Quân (Shôgun). 

[2] - Lợi sinh, trong ngôn ngữ nhà Phật, có nghĩa là làm lợi cho chúng sinh, làm cho chúng sinh hạnh phúc. 

[3] - Ankokuji (An Quốc Tự) vốn là tên một tự viện tông Nichiren (Nhật Liên) dựng lên vào thời mạc phủ Kamakura trên khu đất cũ nơi tăng Nichiren (1222-82) giảng "rishô ankoku ron" (lập chính an quốc luận) về đạo trị nước. Tư tưởng của Nichiren sau sẽ đúc kết thành một văn bản cùng tên gửi cho shikken Tokiyori họ Hôjô vào năm 1260. Việc đó làm ông bị nhà nước lưu đày. 

[4] - Thiên hoàng Go-Daigo được họ Ashikaga trước ủng hộ sau phản bội, phải lui vào rừng núi Yoshino lập chính quyền Nam Triều và chết đi trong uất hận. Do đó, việc xây Tenryuuji có mục đích an ủi vong linh thiên hoàng nhưng cũng để hòa giải hai triều đình Nam Bắc và thống nhất dân tộc. 

[5] - Saihôji (Tây Phương Tự) nhưng "phương" ở đây viết với thảo đầu, có nghĩa là hương thơm.Nguyên tên Saihôji là Tây Phương Tự mà "phương" là phương hướng, đã được xây từ năm Tenpyô (729-749) đời tăng Gyôki (Hành Cơ, 668-749). Nơi đây, đến đời Muusô, ông đã cho dựng vườn cảnh nhiều hoa cỏ, rêu phong nên còn có tên là Kokedera (Đài Tự) hay chùa rêu. 

[6] - Tháp đầu hay Tatchuu nếu đọc theo âm đặc biệt của đời Đường. Từ ngữ Phật giáo này được dùng để chỉ ngôi chùa nhỏ nằm trong khuôn viên một ngôi chùa lớn. Nó còn dùng để gọi nơi trú ngụ của các tăng sĩ (tăng phường) bên cạnh cái tháp chôn di hài thầy họ nằm trong khu vực chùa để tưởng nhớ ông ta, người thường là một cao tăng từng đứng ra lãnh đạo chùa. 

[7] - Nếu ở Âu Châu trung cổ có nghĩa là thời kỳ từ thế kỷ thứ 4 (khi tộc German di chuyển địa bàn hoạt động) đến cuối thế kỷ 15 (kết thúc cuộc chiến tranh trên 100 năm giữa Anh và Pháp) thì theo quan niệm Nhật Bản, trung cổ là giai đoạn cuối thế kỷ 12 (Mạc phủ Kamakura thành hình) đến cuối thế kỷ 16 (Mạc phủ Muromachi diệt vong) 

[8] - Phương = kata, ở đây có nghĩa là "sở", "nhóm". 

[9] - Tăng lục (Sôroku): chức sắc quản hạt các chùa thiền từ ngũ sơn, thập sát đến chư sơn. Người đầu tiên được bổ vào chức ấy là Shunnoku Myôha, về sau dành cho các viện chủ kế tiếp của Lộc Uyển Viện (Rokuon.in) chùa Tướng Quốc (Shôkokuji) vì đây là đạo tràng tu thiền của Shôgun Yoshimitsu.. Từ năm 1619 trở đi thì chức đó vào tay các viện chủ của Kim Địa Viện (Konchiin) chùa Nam Thiền Tự (Nanzenji). 

[10] - Công phương = kubô, xưa để chỉ thiên hoàng, triều đình hay mạc phủ. Đến đời Edo nó được dùng để nói về Shôgun. 

[11] - Lâm hạ = ringe. Tiếng chỉ chung thiền môn. Còn có nghĩa là các chùa lớn nhưng ở địa phương chứ không thuộc vùng Kyôto hay Kamakura. 

[12] - Một bằng chứng "phép vua thua lệ làng". Nếu theo chế độ nhà nước mà mời người thập phương đến trụ trì thì đường lối của nhà chùa sẽ mất cá tính và tùy thuộc vào chính quyền nhiều hơn. 

[13] - Shoin-zukuri (thư viện tạo) là một hình thức thuần túy kiến trúc Nhật Bản được phổ biến khắp nước từ đời Muromachi cho đến đầu thời Edo và còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. Đặc biệt của nó là gian tiếp khách phải độc lập và trang trọng, chỗ ngồi chính được đặt cao, cột vuông vức, có sàn, giá để sách, lát chiếu dày. Giữa các cột đặt cửa kéo bằng giấy thật mỏng cho sáng sủa, bên ngoài có liếp che mưa... 

[14] - Trong tiếng Nhật, chữ kara tùy theo ngữ cảnh, có thể biểu hiện bằng nhiều chữ Hán khác nhau. Ví dụ Hàn, Đường hay Hán. Xưa karamono dùng để diễn tả những hàng hóa đến từ nước ngoài. 

[15] - Đốn Trí Đốt: Đốn Trí hay Đốn Tri là làm theo hứng, hành động theo cơ duyên. Đốt: chuyện đáng kinh ngạc. 

[16] - Renga (liên ca): hình thức thơ liên ngâm, do nhiều người đọc nối với nhau mà thành. Đã trở thành một trò tiêu khiển vào thời trung cổ và có những nhà thơ chuyên nghiệp, mưu sinh được với nghề ấy. 

[17] - Quân: cật tre già. Có thể đọc là chiku (trúc). 

[18] - Trong nguyên văn chính ra viết là kairô (hồi lang) tức hành lang chạy vòng chung quanh hiên chùa hay bao vây trung đình, nối các ngôi đền lại với nhau. 

[19] - Xem thêm về lý thuyết này trong Lịch Sử Thiền Tông Trung Quốc, phần nói về "ngũ vị". 

[20] - Cuộc phản loạn của tướng Ôuchi Yoshihiro (Đại Nội, Nghĩa Hoằng, 1356-1399), một công thần, cử binh chống lại mạc phủ ở vùng Sakai nhưng chóng bị tiêu diệt. 

[21] - Thời Muromachi, chức này (kanrei = quản lĩnh) tương đương với chức shikken đời Kamakura, là người phụ tá shôgun về chính vụ. 

[22] - Âu = 漚 bọt nước 

[23] - Hồ lô: bầu nậm. 

[24] - Xin đón xem Hán Thi Thiền Tăng Nhật Bản, một biên dịch khác của Nguyễn Nam Trân. 

[25] - Khi chết đi, Sugawara no Michizane được thờ ở đền Kitano Tenmanguu (Bắc Dã Thiên Mãn Cung) ở Kyôto như một bồ tát hóa thân nên Bắc Dã Thần Quân là nói về ông vậy. 

[26] - "Chử" nghĩa cây dó dùng làm giấy. "Khắc chử" ý nói một cách bóng bẩy sự viết lách. 

[27] - Cũng cần biết thêm là họ Tsushima và phiên Satsuma đã đóng một vai trò tích cực trong chính trường trước thời Minh Trị Duy Tân. 

[28] - Đỉnh tướng (Chinsô): Chin là cách đọc đặc biệt theo âm đời Đường. Chữ dùng để chỉ loại tranh truyền thần vẽ các đại sư Thiền, kèm thêm bài tán của các vị ấy, thường do thầy ban cho học trò như bằng chứng của sự truyền thừa pháp tự. 

[29] - Hội họa như một tài nghệ thứ yếu của khách văn nhân, không chú trọng về kỹ xảo nhưng về cá tính và sự phong nhã. Tuy đã có mặt từ xưa ở Trung Quốc nhưng chỉ hoàn thành vào thời Minh mạt với họa phái chú trọng về tranh sơn thủy gọi là Nam Tông của nhóm Đổng Kỳ Xương. 

[30] - Họa phái Kanô (Kanô-ha) bắt đầu với Kanô Masanobu. Họ nổi tiếng suốt giai đoạn Muromachi hậu kỳ cho đến suốt thời Edo. Họa phong được giai cấp quân nhân đặc biệt tán thưởng. 

[31] - Mặc tích (bokuseki): dấu vết mực viết bằng bút lông trên giấy hay vải. Còn gọi là thư tích hay bút tích nhưng mặc tích là chữ dùng chính xác hơn cả để chỉ "nét chữ của thiền tăng". 

[32] - Văn hóa Kitayama là văn hóa thời Muromachi sơ kỳ, khi các shôgun Yoshimitsu và Yoshimochi tại chức. Yoshimitsu có biệt thự trên Kitayama, một dãy núi phía bắc Kyôto. 

[33] - Tôcha (đấu trà): tranh đua với nhau xem ai biết phân biệt hương vị và phẩm chất của trà (trà thật trà giả, trà ngon trà dở) một cách chính xác. 

[34] - Nghĩa là "những lời Kôun để lại", một tập bình luận về thơ. Kôun (Canh Vân) là biệt hiệu của Kazan-in Nagachika, một nhà quí tộc, học giả và thi nhân thời Nam Bắc Triều, sau khi ông xuất gia. 

[35] - Kyôka (Cuồng ca): một loại thơ waka hài hước và hạ cấp, bắt nguồn từ dòng thơ trào lộng đời xưa và thịnh hành từ thời Kamakura, Muromachi cho đến thời Edo trung kỳ. 

[36] - Ichijô Kanera là một nhà quí tộc cuối đời Muromachi, làm quan cực phẩm, bác học đa tài, tinh thông cổ điển Nho, Phật lại giỏi về Waka. 

[37] - Bản Đông chỉ chung các tiểu quốc miền đông. 

[38] - Có hai cách đọc: rinka và ringe. Ringe đặc biệt là lối đọc Phật giáo. 

[39] - Chữ daimyô được dùng từ cuối đời Heian để chỉ những ai (myôshu) = danh chủ) có quyền nhận một diện tích đất đai nhà nước (công điền) có qui mô lớn (myôden =danh điền) để khai khẩn và đóng thuế. Sau đó nó biến đổi qua các thời để cuối cùng mang ý nghĩa lãnh chúa, chư hầu cho Shôgun, trong một thể chế phong kiến "quân sự chỉ huy". 

[40] - Đại học Ryuukoku (Ryuukoku Daigaku) là một tư thục vùng Kyôto, thuộc hệ phái Tịnh Độ Chân Tông chùa Honganji, trở thành đại học dưới thời Meiji (1888). 

[41] - Wabicha là một hình thức uống trà, lưu hành ở Nhật dưới thời Momoyama (hậu bán thế kỷ 16, lúc đại thần Toyotomi Hideyoshi cai trị). Tên Wabicha được gọi để phân biệt với Shoincha (thư viện trà) của thời kỳ văn hóa gọi là Higashiyama. (bắt đầu từ 1483, cuối thế kỷ 15, lúc Shôgun Ashikaga Yoshimasa lập sơn trang trên núi cùng tên. Sơn trang ấy nay là Ginkakuji. 

[42] - Xin xem hệ phổ (2). Sôshin (Tông Thâm) là đồ tôn 5 đời của Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền). 

[43] - Chùa thiền ở địa vị cao, người trụ trì được gọi là hòa thượng và được ban hoàng y, tử y. Xuất thế có một nghĩa là "có danh với đời" hay "nở mày nở mặt". 

[44] - Myôjin (minh thần) và Gongen (quyền hiện) là các thứ bậc của thần linh trong Thần Đạo. 

[45] - Thiết chỉ (kirigami) là "giấy cắt ra". Nói chung là hình thức chứng minh thư có mục lục cho biết người theo học đã học xong một bí quyết gì. 

[46] - Lời giải thích về những câu thơ trong Kokin Wakashuu (Cổ Kim Hòa Ca Tập), một tập thơ cổ điển, mà thầy chỉ hé lộ riêng cho học trò ruột có căn cơ. 

[47] - Già lam chỉ nơi thanh tĩnh để tu hành, sau dùng để nói về các tu viện Phật giáo. 

[48] - Bản sơn (bản tự) và mạt sơn (mạt tự). 

[49] - Với mục đích giản dị hóa lối đọc, chỉ phụ chú âm Nhật cho tên các thiền sư quan trọng, kỳ dư để theo âm Hán Việt trong ngoặc kép để cho biết không phải là người Trung Quốc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567