Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tổ sư Khánh Anh (1895-1961)

23/04/201320:14(Xem: 12158)
Tổ sư Khánh Anh (1895-1961)
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Tổ Sư Khánh Anh (1895-1961)

Thượng Tọa Thích Nhật Quang
Nguồn: Thượng Tọa Thích Nhật Quang


Hòa thượng (HT) Khánh Anh, ngài là một trong ba cột trụ của phong trào chấn hưng Phật giáo (PG) Việt Nam để chúng ta học tập công hạnh của người xưa, soi lại việc làm của mình ngày hôm nay, để có một phương hướng hành động luôn phù hợp với hiện tình đất nước, để không thẹn với người xưa và làm tròn trọng trách đối với hàng hậu học, trên con đường phụng đạo giúp đời.


I.- HÀNH TRẠNG

1- Thân thế : HT Khánh Anh, thế danh là Võ Hóa, pháp danh Chân Húy, pháp hiệu là Khánh Anh. Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại làng Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 21 tuổi, ngài thọ quy giới tại chùa Cảnh Tiên. Năm 22 tuổi (1917), ngài xuất gia tu học tại chùa Quang Lộc với pháp danh là Chân Húy. Nhờ có căn bản về Hán học và thế học cộng với quyết tâm cao, nên ba mươi tuổi ngài tinh thông Phật học và trở thành một giảng sư Phật học nổi tiếng.

Năm 1927, ngài được mời vào Nam dạy Phật học tại trường gia giáo chùa Giác Hoa, tỉnh Bạc Liêu.

Năm 1928, dạy Phật pháp tại chùa Hiền Long, tỉnh Vĩnh Long. Đến năm 1931, ngài làm trụ trì chùa Long An thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, trong thời gian này có nhiều học tăng đến học đạo.

Ngài tích cực tham gia phong trào chấn hưng Phật pháp do các HT Khánh Hòa, Huệ Quang chủ xướng, để đào tạo Tăng tài hoằng dương chánh pháp, đoàn kết nội bộ PG để đi đến thống nhất Giáo hội. Với chủ trương đó, các ngài vận động Phật tử hỗ trợ tài chánh để mở các trường Phật học:

- Năm 1933 thành lập Liên đoàn Học xã.

- Năm 1935 thành lập Hội Phật học Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh. Một số chư Tăng xuất thân từ trường này đã trở thành những vị giáo phẩm hàng đầu của Giáo hội PG Việt Nam Thống nhất, như các HT Thiện Hòa, Thiện Hoa, Huyền Quang, Hành Trụ, Quảng Liên...

Ngoài việc tham gia giảng dạy, ngài còn cộng tác với tạp chí Duy Tâm Phật học (cơ quan truyền bá đạo Phật của Hội). Ngài đã viết nhiều bài để cổ xúy phong trào chấn hưng PG nước nhà.

- Năm 1940 làm Pháp sư dạy tại chùa Thiên Phước ở Tân Hương (tỉnh Tân An).

- Năm 1941, ngài dạy giáo lý cho Đại giới đàn mở tại chùa Linh Phong ở Tân Hiệp.

- Năm 1942, Phật học đường Lưỡng Xuyên tạm nghỉ, ngài về trú trì chùa Phước Hậu ở Trà Ôn, mở lớp dạy giáo lý cho Tăng Ni và Phật tử tại đây.

- Năm 1945, Hòa thượng Huệ Quang mời ngài về dạy trường gia giáo tại chùa Long Hòa, thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đa số Tăng sinh theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp "ca sa" mặc chiến bào tham gia cứu quốc, ngài lui về nhập thất tại chùa Phước Hậu (từ năm 1945 đến 1955. Trong thời gian này, ngài đã soạn và phiên dịch nhiều tác phẩm như: Hoa Nghiêm nguyên nhân luận, Nhị khóa hợp giải, Hai mươi lăm bài thuyết pháp (của Thái Hư), Tại gia cư sĩ luật, Duy thức triết học, Qui nguyên trực chỉ, Khánh Anh văn sao (3 tập).

- Ngày 31-3-1957, Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt họp tại chùa Ấn Quang đã suy tôn ngài làm Pháp chủ của Giáo hội Phật học Nam Việt và Hội Tăng già Nam Việt.

- Năm 1959, Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc kỳ III họp tại chùa Ấn Quang đã suy tôn ngài lên ngôi vị Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc.

- Ngày 16-4-1961, ngài an nhiên thị tịch vào lúc 16 giờ tại chùa Long An, Trà Ôn (nơi Ngài đã trú trì từ năm 1931), hưởng thọ 66 tuổi, lạp thọ 45 tuổi.

2- Tinh thần phục vụ đạo pháp và dân tộc : Cuộc đời ngài là tấm gương sáng cho môn đồ và hàng hậu học noi theo về :

a)- Tinh thần nhập thế: Ngài đã kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc với tinh thần "Phật pháp bất ly thế gian giác" của đạo Phật. Ngài đã không ẩn mình trong cảnh non cao thanh vắng để đắm mình trong trạng thái an lạc giải thoát khỏi cuộc đời, mà trái lại đã lìa bỏ quê cha chốn Tổ để vào Nam "hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự". Qua phần tiểu sử, chúng ta thấy ngài đã tích cực nhập thế, đã cùng với quý HT: Khánh Hòa, Huệ Quang, Pháp Hải, Thiện Chiếu... chuyển xoay con thuyền PG Việt Nam thoát khỏi mê tín, đoàn kết nội bộ để đi đến thống nhất Giáo hội, tạo sức mạnh cho dân tộc chống chủ nghĩa thực dân.

b)- Góp phần xây dựng văn hóa dân tộc: Trong thời kỳ này, chữ quốc ngữ đã thay thế chữ Nho; trong chùa, kinh Phật toàn là chữ Nho, để cho Tăng Ni và Phật tử có thể hiểu lời Phật dạy, ngài đã trích dịch nhiều kinh sách từ Hán tạng sang quốc ngữ, góp phần Việt hóa những từ Phật học. Qua phần thi văn và những bài phục nguyện của ngài, chúng ta thấy lời văn mộc mạc, gần gũi với nhân dân, thể hiện tấm lòng thương dân, yêu nước vô vàn, như bài phục nguyện sau đây :

Phục nguyện:
Đất rêm sáu chủng
Trời tắm chín rồng
Mây từ mưa pháp khắp Tây-Đông
Quả phúc căn lành nhờ Phật Tổ
Cả thiên hạ, Bắc-Nam ba bộ, nước nhà giàu mạnh đạo đồng tu
Toàn địa luân thế giới năm châu, quốc tế hòa bình người đồng hóa.

Phổ nguyện:
Tăng già thường truyền bá
Cư sĩ vẫn hộ trì
Trăm họ đều quy y
Muôn loài thành Phật đạo.
Nam mô Thập phương thường trụ Phật Pháp Tăng Tam bảo".
(Trích Khánh Anh văn sao, "Lời phục nguyện hồi hướng", trang 60)

Nếu lòng yêu nước thương dân ở mọi người được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày qua tình làng nghĩa xóm, thì trong nhà đạo, nó được thể hiện qua những bài phục nguyện. Qua bài phục nguyện nhân ngày lễ Phật Đản sanh có làm lễ "cầu hồn trận vong uổng tử" sau đây, đã thể hiện rõ tinh thần yêu nước thương dân của ngài :

Cầu xin chư Phật chứng minh, xin chúng Tăng hộ niệm
Cầu cho bá tánh khỏi điều nguy hiểm, trẻ già nhà cửa vẫn bình yên
Cầu cho tứ dân không sự truân chuyên, tôi tớ chợ vườn đều thuận lợi.

Nào là Thiện Mỹ, Vĩnh Xuân, Vĩnh Thới, Mông Điềm, Tích Thiện, Lục Sĩ Thành; nào Bình Minh, Đông Hậu, Đông Thành, Nghĩa Tứ, An Hòa, Giang Thừa Tự; từ thôn quê chí thành thị, hết bị chiếm, đều giải phóng các khu vực, mỗi làng đồng hưởng phước tự do.

Nào là Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một; nào là Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Cổ Chiêm Thành; từ Cà Mau chí Cao Bình bỏ phân ly, liền thống nhất cả nước nhà, mỗi tỉnh chung vui đời sống mới.

Phổ nguyện:
Điều lành thì đem tới
Điều dữ thì tống ra
Ba phần trăm họ lạc âu ca
Chín loại bốn sanh thành Phật đạo..."
(Trích Khánh Anh văn sao, bài Phục nguyện, trang 61)

Trong lúc "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", còn ông thầy tu suốt ngày tụng niệm, nguyện cầu, hay lim dim tọa thiền, như vậy có tiêu cực và ích lợi gì không?

Nơi chiến trận, người chiến sĩ ngày đêm cầm súng đánh đuổi ngoại xâm; ở hậu phương, vị chân tu ngày đêm trau giồi đạo hạnh, giới đức trang nghiêm, mọi người quý kính, dạy điều phải trái cho dân, một lời nói của họ có thể hoán cải một con người từ xấu ác thành người tốt, hiền lương, thấy rõ bổn phận đối với nước với dân, tác động lòng yêu nước nơi hậu phương, thì hiệu quả nào khác bài "Tiến quân ca" nơi trận tuyến.

Xã hội là một sự phân công lao động, dù anh ở ngành nghề nào, cương vị nào, nếu sống và làm việc vì mọi người, đem an vui hạnh phúc cho đời, cho xã hội, thì việc làm hay hành động tuy khác, nhưng cứu cánh vẫn đồng. Người tu hành, ngoài việc đem đạo lý vào đời, còn giúp cho mọi người có đủ duyên vượt thoát khổ đau, nỗi bức xúc do sự thăng trầm của cuộc sống mang đến, đem sự bình an cho mọi người, mọi chúng sinh, trong đời sống hàng ngày.

Đối với HT Khánh Anh, tấm lòng yêu nước thương dân không những chỉ thể hiện qua những lời tha thiết nguyện cầu cho "quốc thới dân an", mà còn bằng hành động. Với tư cách của một nhà lãnh đạo tinh thần, Ngài đã đi khắp nơi để thuyết giảng, vận động chấn hưng PG, tập hợp Tăng Ni và Phật tử thành một khối thống nhất, đã tạo thành sức mạnh cho Giáo hội trong những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chống chế độ độc tài gia đình trị sau này.

c)- Tinh thần tu học: Dù bận nhiều Phật sự bên ngoài, nhưng Ngài vẫn không xao lãng chuyện tu học. Ngài thường dạy môn đồ: "Sách nói "Hữu chí sự cánh thành", người mà có chí cố gắng thì rốt rồi sự gì cũng nên được.

Vậy chúng ta cố gắng thật học chân tu, thì cũng có ngày tiến đến bực Phật. Điều đáng lo hơn hết là chỉ e mình không thật học chân tu, chứ đừng lo không tiến đến bực Phật". (Trích "Gan anh hùng", Khánh Anh văn sao, trang 44).

Khi Hội Phật học Nam Việt xây chùa Xá Lợi xong, Hội trưởng Hội Phật học là Chánh Trí Mai Thọ Truyền có xin ngài vài câu châm ngôn để treo trong chùa, ngài viết:

"Tu mà không học là tu mù
Học mà không tu là đãy sách"

d)- Nếp sống bình dị: Hòa thượng tuy là một cao tăng, đạo cao đức trọng, uyên thâm Phật pháp, nhưng ngài sống rất bình dị, thân mật, gần gũi với nhân dân. Có một lần, Phật tử ở xa nghe danh ngài nên tìm đến để thăm hỏi Phật pháp, vị cư sĩ này đi từ ngoài đến trong chùa, để tìm HT trụ trì nhưng không gặp, chỉ thấy một ông già đầu đội nón lá, mặc áo cụt tay, quần xăn đến gối, tay xách thùng vòi, đang lui cui tưới cây, kiểng ở trước sân. Vị cư sĩ đến hỏi thăm để xin được gặp HT trụ trì, nào ngờ "ông già" tưới kiểng chính là bgài...

e)- Trân trọng ơn nghĩa: Trong bài tựa "Phần kỷ niệm" của Khánh Anh văn sao, ngài đã viết: "Kể từ năm Thành Thái bát niên, tuế thứ Ất Vị (1895) đến nay (Tân Mão 1951), đã 57 năm qua, hay còn về sau này bao năm nữa, mà tôi đã thụ, đương thụ và sẽ thụ: từ nào công sanh thành, ơn giáo dục, đức khai thị, nghĩa đề huề, cho đến được cả tứ sự cung cấp giữa: phụ mẫu, Sư Tăng, pháp lữ, đàn việt, bổn đạo, nay gồm tìm được phần ít chân dung, chùa, trường học, học chúng của các bậc ân đức kể trên, xin để trước bổn này kỷ niệm:

"Pháp tài tịnh thí thỉ thành công
Phước huệ song tu phương tác Phật..."

Những lời chân tình mộc mạc này đã khéo nhắc chúng ta luôn quán xét lại mình, trau giồi công hạnh để báo đáp Tứ trọng ân.


II.- SỰ NGHIỆP TRƯỚC TÁC VÀ DỊCH THUẬT

Về phần trích dịch, gồm có các tác phẩm sau:
- Hoa Nghiêm nguyên nhân luận
- Nhị khóa hiệp giải
- 25 bài thuyết pháp của Thái Hư Đại sư
- Tại gia cư sĩ luật
- Duy thức triết học
- Qui nguyên trực chỉ
- Khánh Anh văn sao (3 tập), gồm có :

1- Phần "thư từ" có những bài:
- Thư thăm cha (văn lục bát)
- Phái quy y diễn ca
- Vịnh chùa Phước Hậu
- Vịnh chùa Tân Hòa
- Bốn mươi lăm bài thi bát cú
- Bài chúc thọ cho nhà thầy
- Lòng phái chùa Bảo An diễn ca

2- Phần "liễn đối":

Ngài đã để lại 206 câu đối, trong đó có 3 câu đối cho nhà thờ tổ tiên, còn lại ngài làm tặng cho các tự viện, riêng chùa Phước Hậu (Trà Ôn) có đến 118 câu đối (hiện nay còn treo 10 câu đối) và chùa Phật Quang ở Bang Chang có 8 câu đối. Qua các câu đối đó, chúng ta thấy rõ ý chí và hạnh nguyện của ngài, như các câu đối sau đây tại chùa Phước Hậu:

Phước địa kiến pháp tràng, đả đảo thần quyền trừ oán tặc

Hậu cơ doanh bảo điện, chấn hưng Phật lực định tâm vương

Ngài dịch: (Phước lớn nêu cờ phướn khắp nơi ; trừ mê tín, dẹp quân thù, mượn quyền Thượng đế. Hậu dày đúc nên chùa mỗi xứ ; vững giác thành, yên tu sĩ, học phép tâm vương)

Phước lộc thọ, vương tướng quân dân, tổng giai thị nhãn tiền sự vật

Hậu cao thâm sơn hà đại địa, đẳng vô phi thức nội sở năng

Ngài dịch: (Phước lộc chi, thọ yểu mà chi, vua chúa quan quyền trò dưới mắt. Hậu bạc rứa, cao thâm cũng rứa, núi sông trời đất cảnh trong mơ).

3)- Phần phục nguyện:

Ngài đặt rất nhiều bài phục nguyện, với nội dung khác nhau như:
1- Ở Lưỡng Xuyên Phật học hội Trà Vinh (7 bài)
2- Trường hạ Thiên Phước (Tân Hương)
3- Ở đàn chay Vu Lan, Trương Hoằng Lâu (4 bài)
4- Đặt cho Diệu Kim, phục nguyện chúc thọ (4 bài)
5- Trai tuần Hòa thượng chùa Long Phước - Vĩnh Long (1 bài)
6- Trai đàn Vu Lan chùa Phật Quang (3 bài)
7- Sắc tứ Tân Hòa tự (1 bài)
8- Ở Long Hòa tự, huyện Tiểu Cần (1 bài)
9- Lễ siêu độ cho trận vong, tử nạn (4 bài)
10- Lễ truyền quy giới (1 bài)


III.- PHẦN KẾT

Để kết thúc, chúng tôi xin mượn lời của tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận Nguyễn Lang đã viết: "Thiền sư Khánh Anh là một vị cao tăng bác học. Sự nghiệp đạo hạnh và văn hóa của ông là một viên đá lớn trong ngôi nhà Phật học Việt Nam.

Với sự vắng mặt của Thiền sư Khánh Anh, ba cây cột trụ đầu tiên của nền chấn hưng PG miền Nam đã không còn nữa. Những thế hệ mà họ đã đào tạo nên đã có khả năng tiếp tục công trình khởi xướng từ hơn ba mươi năm về trước".
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]