Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự truyền thừa Ni Giới.....

24/06/201420:38(Xem: 5200)
Sự truyền thừa Ni Giới.....


gioi-dan-ni
SỰ TRUYỀN THỪA NI GIỚI ĐẮC PHÁP

TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO

(Thích Nữ Giới Hương)

Thứ Sáu ngày 20/6/2014 tại Trường Hạ Phật Học Viện Quốc Tế, (LA, California), vâng lời tăng sai, Tỳ kheo ni Giới Hương, TKN Nguyên Ý và TKN Đức Huy được lên diễn đàn trường hạ để trình bày về Lịch Sử Truyền Thừa của các bậc tôn túc ni đắc pháp từ thời Phật đến nay.

Theo nghĩa thông thường, đắc pháp có nghĩa là đắc pháp nhãn tịnh, chứng ngộ, không còn kiến thủ, giới cấm thủ và nghi ngờ Tam bảo, không còn trần sa hoặc và phiền não vi tế, tức khắc thành Phật, thành tổ, được truyền thừa y pháp, vv… Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, đắc pháp cũng có nghĩa rằng các bậc tôn túc ni có giác tỉnh và thông đạt được pháp Phật và do đắc pháp như vậy, chư ni sẽ hết lòng cùng với đại tăng hoằng pháp lợi sanh. Ngược lại, nếu không đắc pháp thì sự phục vụ đó sẽ bị giới hạn và vướng mắc. Cho nên, hình ảnh các bậc tôn túc ni trong bài viết này có thể là các thánh ni A la hán, các Bồ Tát nữ đã đắc pháp hay các sư bà, ni sư, sư cô đã giải ngộ và hết lòng tận tụy tiếp chúng độ ni.

1. Hình ảnh Ni giới đắc pháp trong thời Đức Phật còn tại thế: Ni sư Giới Hương trình bày vào thời Phật, lúc đầu chỉ có Đức Phật và chư tăng tu tập và hoằng pháp. Sau đó, nhờ sự khẩn xin của Tôn giả A nan mà Đức Phật đã đồng ý cho Dì Mẫu Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di (Mahapajupati - Ma Ha Ba Xà Ba Đề), công chúa Da du đà la và 500 công nương dòng họ Thích Ca xuất gia với điều kiện phải giữ Bát Kính Pháp và từ đó Ni đoàn đầu tiên được thành lập.

Kinh Gotami (Tăng Chi Bộ III) và kinh Cù Đàm Di (Trung A Hàm II) dạy rằng Di mẫu Đại Ái Đạo cùng 500 công nương dòng họ Thích đã hy sinh tất cả vinh hoa phú quý của một hoàng thân để khoác lên mình mảnh y vàng thô thiển, cam chịu gian lao khổ nhọc, chân trần lội bộ khoảng 200 cây số từ kinh đô Ca tỳ la vệ đến thành Tỳ xá ly để khẩn thiết xin Đức Phật cho phép hàng nữ lưu được “từ bỏ gia đình, sống đời không nhà, theo pháp và luật của đức Như Lai tuyên thuyết”. Đức Phật đồng ý với điều kiện phải tuyệt đối giữ gìn Bát kỉnh pháp vì Đức Phật công nhận khả năng thành tựu Thánh quả của hàng nữ giới. Sau đó, Di mẫu Đại Ái Đạo và 500 Thích nữ được thọ tỳ kheo ni giới, thành lập ni đoàn, sống đời phạm hạnh và giải thoát như chư tăng. Công nương Da Du Đà La cũng xin gia nhập ni đoàn và chứng quả A la hán với nhiều thần thông siêu vượt. Từ những sự kiện này, Di mẫu Đại Ái Đạo được xem như vị tổ ni đầu tiên đã chứng thánh quả A la hán và năm trăm tỳ kheo ni cũng lần lần gột rửa tất cả phiền não và đắc pháp thành A la hán liễu thoát sanh tử. Thật ra, Sơ tổ đã chứng quả Tu Đà Hoàn khi nghe Đức Phật thuyết bài pháp Dhammapala Jataka tại thành Ca tỳ la vệ và sau khi được xuất gia, sơ tổ đã chứng A la hán và lưu bài kệ đắc pháp của ngài như sau:

Liễu tri mọi đau khổ
Gột sạch nhân khát ái
Con đường Thánh Tám Ngành
Đoạn diệt – Ta chứng ngộ
Sanh tử đã đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.

Từ khi có ni đoàn, ni giới thoát khỏi cảnh nô lệ của kiếp nữ nhi thường tình dưới xã hội Ấn Độ “trọng nam khinh nữ” và bắt đầu từ đó trang Phật sử Ni giới huy hoàng được mở ra cho đến ngày nay.


2. Hình ảnh Ni giới đắc pháp trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy: Sư cô Nguyên Ý trình bày trong Trưởng Lão Ni Kệ có 75 vị ni chứng A-la-hán, trong đó tiêu biểu như có ba thánh Ni A la hán như sau:

i) Ni sư Sukha: trong thời Đức Phật còn tại thế, nàng Sukkha được sanh vào một gia đình quyền quý ở thành Vương Xá (Rajagada) và được đặt tên là Sukha (sáng suốt). Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phát tâm tin Phật và trở thành một tín nữ thuần thành. Về sau, khi nghe ngài Dharmamdinna thuyết pháp, nàng đã xuất gia với ngài và tu tập thiền quán, chứng được pháp tín thọ, nghĩa tín thọ và trở thành một pháp sư giỏi. Tại đây, Ni sư Sukha thuyết pháp cho toàn thể ni chúng. Tất cả đều ngồi nghe, hoàn toàn im lặng, nhiệt tâm tín thành, tăng sâu lòng tin vào Phật, pháp, tăng. Khi đó, có một vị thần cây đứng ở cuối sân đã đến nghe pháp và đã tán thán hạnh thuyết pháp tuyệt diệu của nàng với bài kệ như sau:

Chúng tôi nghĩ bậc trí

Uống được nước cam lồ

Dòng nước thật thuần tịnh

Không gì chướng ngại nổi

Chẳng khác kẻ đi đường

Đón nhận nước mưa rơi.

Khi nghe thần cây nói như vậy, dân chúng rất lấy làm phấn khởi và thường đến nghe ni sư thuyết pháp. Một thời gian sau, trước khi nhập Niết bàn, Ni sư đã để lại bài kệ như sau:

Hởi này nàng Sukha

Người con của ánh sáng

Được ly tham định tĩnh

Nhờ ánh sáng chánh pháp

Hãy mang thân cuối cùng

Sau khi thấy ma quân.

Như vậy, chúng ta thấy ni sư Sukha, nhờ tu pháp tín thọ và nghĩa tín thọ mà chứng được quả A-la-hán. Nhờ ánh sáng trí tuệ phát ra khi tu thiền quán và nhờ gươm trí tuệ đó, ni sư đã chặt phá tất cả ma quân phiền não, đoạn trừ tất cả lậu hoặc, chứng quả A-la-hán và trở thành một pháp sư lỗi lạc. Như vậy, nữ lưu ni giới có thể chứng quả và có thể trở thành những nhà Như Lai Sứ giả hoằng pháp độ sanh.

ii) Sư cô Abhirupa Nanda: trong thời Đức Phật còn tại thế, nàng Abhirupa Nanda được sinh ra ở Kapilavatthu, con gái của vua Khemala, dòng họ Thích Ca (Sakya). Vì nàng đẹp, nên được đặt tên là Abhirupa Nanda (Nanda đẹp). Sau khi xuất gia, sư cô vẫn tự kiêu với sắc đẹp của mình và sợ Đức Thế Tôn quở trách, nên sư cô thường tránh né ngài. Đức Thế Tôn biết hạnh sư cô Nanda đã thuần thục, nhưng chưa chứng quả vì còn tự kiêu và dính mắc về sắc đẹp của mình, nên Đức Thế Tôn bảo tổ ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahapajupati) quy tụ các vị tỳ kheo ni để ngài dạy bảo. Sư cô Nanda nhờ người khác đi thế, nhưng Đức Thế Tôn không chấp nhận và buộc lòng sư cô phải đi đến dự. Lúc đó, Đức Thế Tôn hóa thành một nữ nhân rất đẹp, đẹp hơn cả sư cô Abhirupa Nanda, nhưng dần dần bị bịnh hoạn già nua rồi chết. Khi đó, sư cô rất xúc động, tỉnh ngộ và phát ra ánh sáng trí tuệ để đoạn trừ tâm tham đắm sắc đẹp. Đức Phật liền nói bài kệ như sau:

Nàng Nanda hãy nhìn

Tấm thân chỗ quy tụ

Nhiều bịnh hoạn bất tịnh

Đầy hôi hám thối nát

Tâm nàng hãy tu tập

Quán tri, tánh bất tịnh

Đạt cho được nhất tâm

Tâm tư khéo thiền định.

Hãy tu tập vô tướng

Hãy bỏ mạn tùy miên

Do thắng tri được mạn

Sư sẽ sống an tịnh.

Sau khi nghe Đức Thế Tôn nói bài kệ này xong, sư cô Abhirupa Nanda nhận thấy được các pháp vô thường và ngộ ra rằng tấm thân này chỉ chứa toàn là đồ bất tịnh và bịnh hoạn. Vậy mà lâu nay, sư cứ tham đắm lấy nó và sinh lòng tự kiêu, tự mãn. Chính vì sự say mê đó mà sư không thể chứng được đạo quả. Nay nhờ Đức Thế Tôn chỉ bảo mà sư đã phát sanh được trí tuệ và dùng gươm trí tuệ đó chặt tan tâm tham đắm sắc đẹp, do đó mà sư đã chứng được quả A-la-hán.

iii) Sư cô Sumana: trong thời Đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Savatthi, là quận chúa, chị của vua Kosala. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, nàng chứng được quả Bất Hoàn và xin được xuất gia dù tuổi đã lớn. Sư cô tu tập rất nghiêm mật và Đức Phật thấy được sự trưởng thành thuần thục và trí tuệ của sư cô, nên nói bài kệ như sau:

Hởi này lão ni kia

Hãy an lạc nằm nghỉ

Chính tự mình làm lấy

Lòng tham người an tĩnh

Người mắt lạnh tịch tĩnh.

Nghe xong, sư cô thấu triệt ý nghĩa bài kệ và chứng quả A-la-hán.

Như vậy, chúng ta thấy từ khi được Đức Từ Phụ Thế Tôn cho phép ni giới nữ lưu xuất gia gia nhập dòng họ Thích Tử thì Ni giới cũng đã nỗ lực tu tập tinh tấn, chuyển hóa phiền não để chứng quả như đại tăng.

3. Hình ảnh Ni giới đắc pháp trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa: Sư cô Đức Huy trình bày rằng trong kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy có một vị nữ bồ tát đã đắc pháp chứng ngộ là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát và Đại Thế Chí vốn là một vị cổ Phật. Vì xét thấy, chúng sanh phước mỏng nghiệp dày, trầm luân sanh tử luân hồi nên ngài đã phát nguyện trở lại làm bồ tát nữ trụ trong ta bà để điều phục và tiếp độ chúng sanh cang cường. Bồ tát có sức tinh tấn, điều phục các phiền não và giáo hóa chúng sanh không mệt mõi. Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật khen ngợi: “Nhân vì chúng sanh phát tâm đại từ bi, nhân lòng từ bi mà phát bồ đề tâm, nhân vì phát bồ đề tâm mà thành ngôi chánh giác.” Hình ảnh bồ tát Đại Thế Chí là vị nữ cư sĩ, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm hoa sen xanh, tâm định như gương sáng, thanh tịnh như nước lặng. Hạnh nguyện của ngài về tinh tấn, tu tâm dưỡng tánh hành bồ tát đạo là một gương sáng cho chư ni học hỏi.

gioi-dan-ni-2

Bồ tát Quan Thế Âm là một vị cổ Phật, đã đắc pháp chứng ngộ, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Vì thương chúng sanh, nên ngài phát nguyện ứng thân xuống ta bà, thực hiện từ bi, cứu độ chúng sanh. Theo Diệu Pháp Liên Hoa kinh, Phổ Môn phẩm, Đức Phật Bổn Sư có dạy rõ rằng do Bồ Tát Quan Thế Âm tu pháp môn nhĩ căn viên thông, hạnh lắng nghe tiếng kêu cứu, tiếng cầu nguyện mà cứu khổ, nên Đức Phật đã đặt cho ngài danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát. Do chúng sanh còn tạo nghiệp và còn trôi lăn trong nhiều cảnh giới sanh tử, nên ngài thị hiện 32 tướng để cứu chúng sanh thoát khỏi hiểm nguy, nên được gọi là Quán Tự tại Bồ tát. Bởi lẽ ngài hiện thân là một nữ bồ tát với đức từ bi thương chúng sanh như mẹ thương con nên gọi là Từ Mẫu Quan Âm.

Hình ảnh hai vị bồ tát nữ Đại Thế Chí và Quan Thế Âm và những đại nguyện vì người của các ngài đã giúp cho giáo pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật xóa được tư tưởng truyền thống trọng nam khinh nữ đã dai đẳng trong lịch sử Ấn Độ. Qua đại nguyện của các ngài đã cho chúng ta thấy: từ bi và trí tuệ là đôi cánh cần thiết để người con Phật đi đến giải thoát, là tấm gương để chư ni học và tu theo. Ni Giới đắc pháp trong truyền thống Đại thừa là những bậc tôn túc ni luôn ban vui và cứu khổ.

4. Hình ảnh Ni giới đắc pháp từ thế kỷ thứ XI đến nay: Ni Sư Giới Hương trình bày rằng trong Sử Thiền Sư Việt Nam của Hòa Thượng Thanh Từ, có Ni sư Diệu Nhân thuộc thế kỷ XI-XII vốn là công chúa Ngọc Kiều, đời Lê, xuất gia. Do một lòng trì giới, hành thiền, đạt tam-ma-địa và thấu đáo giáo nghĩa đại thừa nên ni sư trở thành pháp sư đại thừa nổi tiếng và một bậc tôn túc ni kiệt xuất trong hàng Ni chúng Việt Nam. Ni sư để lại nhiều bài kệ thiền như có người hỏi: Sao gọi ngồi yên? Đáp: Xưa nay không đi. Hỏi: Sao gọi là không lời? Đáp: Đạo vốn không lời. Kệ thị tịch của ni sư chứng tỏ ni sư đã đắc pháp đến nơi rốt ráo:

Sanh già bịnh chết

Từ xưa thường vậy

Muốn cầu thoát ly

Cởi trói thêm buộc.

Mê mới tìm Phật

Lầm mới cầu thiền

Thiền Phật chẳng tìm

Ngậm miệng không nói.

Ni sư tịch lúc 71 tuổi và thuộc thế hệ thứ 17 trong dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Đây là vị ni duy nhất chứng tổ sư thiền. Vào năm 1299, vua Trần Nhân Tông xuất gia hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, thành lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và lúc đó Hoàng hậu Khâm Từ, phu nhân của Vua Trần Nhân Tông, cũng xuất gia (Phật Giáo Tổng Quan, Trần Quang Thuận, trang 183).

Trong cuốn Am Mây Ngủ của Sư ông Nhất Hạnh đã kể rằng vào thế kỷ XIVđể giữ mối giao hảo giữa nước Champa/Chiêm (Kapuchia) và Việt, vua Trần Nhân Tông đã gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm để cả hai nước kết hợp mà chống giặc ngoại xâm Mông Cổ. Một năm sau khi Vua Chiêm chết, công chúa trở về Việt Nam xuất gia lúc đó chỉ mới 21 tuổi và trở thành Ni Sư Hương Đàm. Ni sư thường hành thiền trên núi Yên Tử nơi có nhiều mây nên tựa đề cuốn sách này gọi “Am Mây Ngủ” nghĩa là am thất trên đỉnh núi nên tiếp giáp với nhiều mây ngàn gió lộng. Cũng thuộc thế kỷ XIV, đời Trần có Ni Sư Từ Quán, sống ở am Thanh Lương, được vua Trần Nghệ Tông đặc hiệu là “Tuệ Thông Đại Sư” là vị ni duy nhất được ban hiệu Đại Sư. Ni sư đem thân thí cho cọp đói ăn, nhưng lòng từ của ni sư đã cảm đến loài hổ lang khiến chúng quì mọp chung quanh ni sư mà không ăn thịt ni sư. Một thời gian sau, ni sư thị tịch và để lại di chúc là: “Sau khi ta mất nên chia bớt xương ta lại đây để mài làm thuốc mà trị bịnh cho người đời. Vì đời đã khổ, ta nguyền cứu khổ.” Rõ ràng xương của ni sư đã cứu nhiều bịnh nhân.

Những thế kỷ tiếp theo chưa tìm được văn sử nói về Ni giới đắc pháp. Riêng thế kỷ XX và XXI chúng ta có rất nhiều bậc cao ni như:

1) Sư Bà Như Thanh: đã nuôi chí xuất trần giữa tuổi hoa niên tươi đẹp và thế phát xuất gia lúc 22 tuổi. Sư bà nghiêm trì giới pháp, thường dạy luật Tỳ Kheo Ni cho ni chúng ở miền tây, trung và nam bộ. Ngài là bậc lương đống cho ni giới, tiếp chúng độ ni đến hàng trăm vị, thường mở khoá an cư kiết hạ cho ni chúng từ các nơi về. Sư bà đã kêu gọi vận động ni ở các miền tây, trung và nam bộ thành một đoàn thể thống nhất Ni bộ. Sư bà đã làm đàn chủ và Hòa thượng đàn đầu cho 16 giới đàn ni, đã khai sơn và trùng tu trên 10 tự viện, mở các cơ sở tự túc, hoạt động từ thiện xã hội, mở trường dạy văn hóa và phòng thuốc. Bên cạnh đó, sư bà cũng có cống hiến rất lớn về mặt văn hóa, dịch thuật và trước tác như 12 tác phẩm, 7 dịch phẩm, 9 thi phẩm. Sư bà trụ thế 89 tuổi và 67 tuổi đạo. Một bài kệ rất thiền vị do sư bà cảm tác như sau:

“Duyên xưa định sẵn lẽ thâm huyền,

Ni bộ thành đoàn thẳng cội nguyên.

Vui đẹp cơ thiền do lặng ngắm,

Sáng soi trí Thánh bởi lưu truyền.

Nhọc chi Đông tới Tây về nữa,

Chỉ đến sông mê nẻo giác thuyên.

Năm sắc mây lành theo nguyện đến,

Niết-bàn thanh tịnh tại lòng thiền”.

2) Sư Bà Diệu Không: xuất gia năm 27 tuổi, đã thành lập ni viện Diệu Đức và Hồng Ân để tiếp chúng độ ni. Sư bà cũng trùng tu nhiều chùa ni khác như cơ sở Kiều Đàm tại Sàigòn và lập nhiều cô nhi viện cũng như tham gia từ thiện xã hội. Vốn dòng dõi quý tộc, thiên tư thông thái và rất thâm sâu về Phật pháp, nên sư bà có nhiều cống hiến cho các mặt văn hóa, giáo dục, dịch thuật, trước tác, thi phú và cộng tác với nhiều tạp chí Phật giáo. Nhiều dịch phẩm của sư bà rất có giá trị như Đại trí độ luận, kinh Di lặc hạ sinh thành Phật, Thành duy thức luận, Lăng già Tâm ấn, Du già Sư địa luận, Hiện thật luận, Trung quán luận lược giải, v.v… Sư bà là một vị tôn túc Ni đạo hạnh tiêu biểu cho tinh thần ni giới xứ Huế. Năm 1997, sư bà thị tịch, hưởng thọ 93 tuổi đời với 53 hạ lạp. Hai câu đối liễn trong kỷ yếu đã về nói những đạo hạnh của ngài như sau:

Chiêm ngưỡng hạnh tiền đức, lòng vời vợi thương đạo thương đời, ngày tháng Hồng Ân báo ân.

Quán soi tâm hữu tình, trí miên man cứu nạn, cứu khổ, sớm chiều đại nguyện.

3) Sư Bà Đàm Lựu: xuất gia năm 16 tuổi và làm giám đốc cô nhi viện tại Sài gòn. Năm 1984, định cư tại Mỹ và thành lập Chùa Đức Viên, tại San Jose, California. Sư bà tổ chức bán cơm chay hàng tuần và lượm lon, ve chai, giấy bán… để gây quỹ xây chùa. Mở lớp dạy Việt Ngữ Đức Viên và có đài phát thanh Phật giáo hàng tuần. Sư bà luôn thể hiện tinh thần khiêm cung, hòa ái, nhẫn nhục, tận tụy như người mẹ hiền lo cho con trẻ trong sứ mệnh phụng sự chúng sanh. Dù Phật sự đa đoan nhưng lúc nào sư bà cũng niệm Phật khi đi, khi đứng, khi ngồi. Năm 1999, Sư bà viên tịch, thọ thế 67 năm, 48 hạ lạp. Theo như kỷ yếu của chùa Đức Viên cho biết sư bà đã đắc những năng lực giải thoát không thể nghĩ bàn và đã chứng pháp thân như kinh Niệm Phật Ba La Mật đã nói bởi lẽ đạo hạnh từ bi và tu tập của sư bà lúc sinh tiền và bởi lẽ sư bà đã để lại hàng trăm viên xá lợi nhiều màu như những chuỗi ngọc trai tuyệt đẹp.

Ai nói nữ lưu không huy quang Tam Bảo

Không đem Diệu Pháp sưởi ấm nhân hoàn?

Sư bà là bậc tôn túc lương đống trong hàng ni giới tại Mỹ đã thành tựu sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai báo ân Phật đức.

4) Tôn Sư Hải Triều Âm thường viết báo với bút hiệu Cát Tường Lan. Lúc 29 tuổi, xuất gia học đạo với Hòa Thượng T Đức Nhuận. Do túc duyên Phật pháp thâm sâu và rất chân thành giữ giới định tuệ như lời Đức Phật dạy nên chúng ni về tu học rất đông. Đệ tử tại gia cả ngàn, đệ tử xuất gia khoảng 800 vị và thầy đã thành lập hơn 10 chùa ni ở Đại Ninh, Lâm Đồng và Sài Gòn để chúng ni tu học. Thầy theo tông tịnh độ tam muội, phát nguyện vãng sanh tịnh độ. Hàng năm cứ đều đặn vào mùa xuân, thầy dạy kinh Lăng Nghiêm để chúng hiểu ý nghĩa đại thừa mà minh tâm kiến tánh, mùa hạ dạy luật để nghiêm trì giới thân, mùa thu dạy Tứ niệm xứ, quán thân, thọ, tâm, pháp để buông xả pháp thế gian mà một lòng cầu đạo giải thoát.

Thầy toát yếu lại các bộ kinh như Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bát Nhã, luật Tỳ kheo ni, Tứ Niệm Xứ… với cách hành văn đơn giản, dễ hiểu, ví dụ xác thực trong đời sống hàng ngày để ni chúng với trình độ học vấn trung bình cũng có nắm được tinh hoa lời Phật dạy mà thực tập tu. Thầy có gần 100 đầu sách nhưng không cuốn nào thầy ghi tên mình mà chỉ ghi tên các đệ tử của mình là tác giả hay soạn giả. Cả một đời của Thầy đã nêu cao tấm gương hết lòng vì pháp quên thân, vô ngã, vô pháp, nên thầy đã tận lực đùm bọc che chở, nuôi dưỡng thánh chủng cho hàng trăm ni chúng hậu học. Năm 2013, Tôn sư đã viên tịch, trụ thế 94 năm, 60 năm tuổi đạo.

Sông núi dẫu mai có chuyển dời

Ân tình thâm trọng chẳng thể vơi

Con nguyện khắc ghi lời dạy bảo

Làm gói hành trang suốt cuộc đời.

Bên cạnh bốn sư bà Như Thanh, sư bà Diệu Không, sư bà Đàm Lựu, Tôn sư Hải Triều Âm như đã nêu trên, còn có nhiều chư tôn đức ni đắc pháp khác như Ni trưởng Trí Hải, Ni Trưởng Bảo Nguyệt, và nhiều vị khác vv… đã thể hiện những nét đẹp cao quý trong hàng ni giới của thời đại hiện nay.

5) Những Đức Hạnh mà Chư Ni cần có

1) Giới tính không làm rào cản cho hạnh nguyện tự giác và giác tha: trong cuốn kỷ yếu có ghi Sư bà Diệu Không đã nguyện rằng đời đời kiếp kiếp ngài luôn mang thân nữ để độ cho nữ giới và không cầu sinh Tịnh độ: “Nguyện Phật chứng minh muôn vạn kiếp, con xin lăn lóc cõi Ta Bà”. Có lẽ do hạnh nguyện ấy mà đến đâu Sư bà cũng được chư ni và Phật tử đến cầu học rất đông. Như vậy, giới tính không làm rào cản cho hạnh nguyện tự độ và độ tha của mỗi chúng ta. Quý Sư bà mang thân ni giới mà vẫn có thể cùng đại tăng hoằng pháp, lợi sanh.

2) Ưu thế của nữ giới là mềm mỏng, nhẹ nhàng, dịu dàng, chịu đựng, đãm đang và bền bỉ nên có thể giúp ni giới dễ tiếp cận với Phật pháp, đắc pháp và hoằng pháp.

3) Với ý chí mạnh mẽ, tự tin và cương quyết, ni giới có thể cùng chia sớt gánh nặng với đại Tăng trong việc nâng đỡ, dìu dắt chư ni cũng như đào tạo ni tài để duy trì gia phong của Đức Từ Phụ.

4) Các bậc tôn đức ni như Sư bà Như Thanh, sư bà Diệu Không, sư bà Đàm Lựu, Tôn sư Hải Triều Âm đã mạnh dạn đứng lên như những bậc xuất trần thượng sĩ phụ với chư tăng, chia sớt gánh nặng với đại tăng trong sứ mệnh “Như Lai Sứ Giả”.

6) Sư bà Như Thanh cũng như Tôn sư Hải Triều Âm khuyên chư ni phải nhập thất tĩnh tu, hầu củng cố thêm đạo lực, đức lực, phước lực, trước khi ra phụng sự chúng sanh thì sẽ tránh nhiều lỗi lầm sơ xót và việc làm của chúng ta sẽ trở thành việc Phật.

Tóm lại, kinh A-hàm, Đức Phật đã dạy rằng: “Này Ananda, sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong pháp và luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Lai quả và A-la-hán quả.”

Trong kinh Đại thừa, Đức Phật cũng đã nhấn mạnh: “Ai cũng có tánh Phật, ai cũng có khả năng thành Phật và đắc pháp”. Lịch sử truyền thừa của các bậc tôn túc Ni đắc pháp, chứng quả và tiếp chúng độ ni từ thời Đức Phật Thích Ca đến thế kỷ XXI hiện nay như đã nêu trên là một tiếng chuông ngân vang thức tỉnh cho chúng ta biết rằng Phật giáo rất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa tăng và ni, không có phân biệt giới tính. Ai tu cũng có thể đắc pháp. Cho nên, chư ni nhất là các ni trẻ không nên tự ti mặc cảm và phải nỗ lực phát huy những khả năng đạo hạnh mà quý sư bà của chúng ta đã đi.

Hình ảnh của chư tôn đức ni luôn là những khuôn mẫu mô phạm xuất thế độ sanh cho hàng hậu học ni giới khát ngưỡng và tu học. Sự đắc pháp tựa như gỗ chiên đàn, khiến hương thơm trí tuệ, tài năng và lòng từ bi của các ngài đã lan toả và đã làm rạng danh cho hàng Thích Nữ nói riêng và Phật giáo nói chung.

6) Câu hỏi và vấn đáp: Với ước mong có đầy đủ hình ảnh các tổ ni trong lịch sử Phật giáo để góp thành một cuốn sách, Ni sư Giới Hương cầu thỉnh đại tăng bổ sung thêm hình ảnh của Ni giới đắc pháp mà sự hiểu biết của thuyết tri viên vẫn còn hạn hẹp chưa biết đến. Các ngài góp ý còn Thắng Man phu nhân, nàng Liên Hoa Sắc… (thuyết trình viên vẫn chờ đợi đại tăng và quý Phật tử xa gần chỉ dạy và bổ sung: [email protected]). Câu hỏi vì sao Long Nữ thoạt nhiên biến thành nam tử rồi mới thành Phật mà không trực tiếp từ thân nữ? Thượng Tọa Hóa chủ trường hạ Thích Minh Chí trả lời: Kinh Niết Bàn có 2 trang nói về ái dục của người nữ rất nặng, nên phải chuyển thành nam rồi mới thành Phật. Thầy MC Thượng toạ Nhật Trí nói rằng thật ra ái dục của người nam rất nặng vì tất cả việc hiếp dâm (rape) là do nam. Hoà thượng Thắng Hoan nói rằng vì long nữ là rồng, nên phải chuyển thành người rồi từ đó thành Phật và ngài đã tặng cho các con cháu của Sơ tổ Kiều Đàm Di một bài thơ “Gương Sáng Kiều Đàm Di” như sau:

Trăng trí tuệ muôn đời tỏ rạng

Kiều Đàm Di gương sáng vẫn còn đây

Chốn cung vàng điện ngọc màn chi

Ngôi hoàng hậu ra đi phủi sạch

Quyết tìm đạo sá gì ngăn cách

Hướng nẻo Chân thử thách gian lao

Phật quần thoa mong đạt pháp mầu

Làm ngọn đuốc nghìn sau mở lối

Chị em hởi cùng nhau tiếp nối

Dấu chân xưa kết hội hoa đăng

Độ chúng sanh thế giới ba ngàn

Thuyền Bát Nhã quay sang bến mộng.

Nhật Ký An Cư, Phật Học Viện Quốc Tế, California, ngày 20/6/2014

Kính tường,

Thích Nữ Giới Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2013(Xem: 22838)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
10/12/2013(Xem: 24217)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
08/12/2013(Xem: 31751)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 57651)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
25/11/2013(Xem: 19258)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
30/10/2013(Xem: 39058)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
26/10/2013(Xem: 62433)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
17/10/2013(Xem: 40961)
Tôi đọc kinh sách, nghe giảng và học hỏi, đồng thời rút kinh nghiệm trong những năm qua cùng các pháp hữu nghiên cứu và hoằng truyền chánh pháp, đặc biệt với đạo hữu Nguyên Phước. Thấy cần, rút ra một số nét cơ bản để chia xẻ cùng quý Phật tử thật dễ đọc, dễ hiểu, dễ thực hành trong niềm tin Phật pháp.
08/08/2013(Xem: 31310)
Năm 2010, tại Sài Gòn diễn ra đại hội “Con gái đức Phật” quy tụ hội chúng tỳ-khưu-ni và cận sự nữ Nam Bắc tông trên khắp thế giới về tham dự.Tôi không biết gì về nội dung cũng như hình thức đại hội ấy, nhưng cụm từ “Con gái đức Phật” tôi nghe sao nó dễ thương, bình dị và rất gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Từ đó, tôi khởi tâm biên soạn một cuốn sách để giới thiệu về những vị Thánh Ni và những cận sự nữ có hành trạng đặc biệt và thù thắng thời đức Phật và đặt tên đầu sách là “Con gái đức Phật”.
09/04/2013(Xem: 5842)
Một trong những vai trò phục hưng xã hội và cách mạng văn hóa của Đức Phật, điều mà đôi khi bị các sử gia lãng quên, đó là giải phóng phụ nữ. Đức Phật phát huy một cuộc cách mạng trong tư tưởng và trong lối cảm xúc của đại chúng bằng cách công khai và can đảm tuyên bố rằng người nữ có thể đạt đến mức tiến bộ tuyệt đỉnh, thành tựu trí tuệ thâm sâu dẫn tới Niết bàn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]