Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tì Kheo Ni Pháp Dữ

25/03/201415:45(Xem: 5024)
Tì Kheo Ni Pháp Dữ


Buddha_17
TÌ KHEO NI PHÁP DỮ

HẠNH CƠ dịch


Thời Phật tại thế, ở kinh thành Vương-xá (thủ đô vương quốc Ma-kiệt-đà, miền Trung Ấn-độ)có hai ông trưởng giả tên là Thiên Dữ và Lộc Tử. Cả hai ông đều rất mực giàu có, tài sản to lớn không ai sánh bằng, có thể nói, họ chỉ đứng dưới vị quốc vương mà thôi.

Nhưng giữa hai ông ấy, ai giàu hơn ai?

Thực sự thì không ai có thể biết được là giữa hai ông ấy, ai giàu hơn ai. Cả hai người, ai cũng tự khoe là mình giàu hơn, tài sản của mình nhiều hơn đối phương, không ai chịu thua ai. Cuộc tranh hơn tranh thua đó giữa hai người, ban đầu còn xảy ra trong âm thầm, về sau thì công khai, đến nỗi kết oán, trở thành hai kẻ đối đầu không nhân nhượng nhau.

Nhưng tục ngữ có câu rằng: “Không phải oan gia, không họp mặt.”,khi sự tranh chấp giữa hai ông trưởng giả trở nên căng thẳng đến cực độ, thì một vị thiện tri thức tình nguyện đứng ra hòa giải. Nhờ đó mà hai ông cảm thông nhau, rồi trở thành bạn bè của nhau. Tình bạn của hai người ngày càng trở nên sâu đậm. Họ còn hi vọng, tình bạn thân thiết giữa hai gia đình vẫn được giữ mãi cho tới thế hệ con cháu. Một hôm họ tâm sự với nhau:

– Này huynh! Tôi nghĩ chỉ có biện pháp này là giữ mãi được tình thân hữu tốt đẹp giữa hai gia đình chúng ta cho đến đời con cháu.

– Biện pháp gì, xin huynh nói thử!

– Chúng ta hãy kết thành thông gia với nhau!

– Ý kiến của huynh rất hay, nhưng rất tiếc, chúng ta đều chưa ai có con cái gì cả!

– Giản dị thôi! Chúng ta đều đã có vợ, thế nào rồi cũng sinh con. Vậy, bất cứ là huynh hay tôi, một bên có con trai, một bên có con gái, thì cho hai trẻ chúng nó kết hôn với nhau; thế có phải tốt đẹp không?

– Rất tốt, chúng ta cứ quyết định như vậy đi!

Không lâu sau đó, trưởng giả Thiên Dữ sinh được một bé gái, dung mạo đoan chánh, sắc đẹp hơn người; rất tiếc, từ sau khi sinh ra đời, bé rất hay khóc, khóc hoài! Nhưng nếu chú ý thì thấy cô bé có điểm đặc biệt: Cứ khi nào trưởng giả Thiên Dữ thỉnh chư tăng đến nhà thuyết pháp, thì bé nín khóc; chẳng những thế, bé lại còn vểnh hai vành tai nhỏ xíu lên nghe pháp, nghe một cách chăm chú, say sưa! Ở tuổi bé thơ như vậy, cô nghe pháp có hiểu gì không? Điều đó không cần biết, chỉ biết rằng, cô bé rất thích nghe pháp, đó là sự thật. Chính vì cô bé ưa thích nghe pháp, cho nên, đến lúc cần đặt tên cho cô, ông trưởng giả đã suy nghĩ chín chắn, phải dùng một pháp tự sao cho vừa phù hợp với tính tình của cô, lại có liên hệ đến tên của ông. Nhân vì tên của ông là Thiên Dữ (nghĩa là: những gì ông có được là do trời cho – HC), cho nên ông đã đặt tên cho cô bé là Pháp Dữ (nghĩa là: những gì cô bé có được là do Phật Pháp cho – HC).

Ông trưởng giả Lộc Tử, khi biết tin bạn mình vừa sinh một bé gái sắc nước hương trời, thì mừng rỡ vô cùng. Ông nghĩ: “Tuy mình hiện giờ chưa có con, nhưng nếu như mình đã có con rồi, thì có phải cháu bé kia sẽ là con dâu tương lai của mình không?” Nghĩ vậy, ông liền sắm sửa một mâm lễ phẩm gồm y phục, chuỗi ngọc v.v..., đem sang nhà trưởng giả Thiên Dữ để chúc mừng, trông chẳng khác gì đem đưa sính lễ. Ông Thiên Dữ vui mừng vô kể, nói:

– Nhờ phước đức của lão huynh mà tôi có được một đứa con gái. Sau này lão huynh có được con trai thì nhất định chúng ta sẽ thành thông gia.

Ông Lộc Tử cũng vui mừng không kém, đáp lời:

– Xin cám ơn lão huynh. Đúng vậy, tôi tin chắc rằng, nhất định tôi sẽ có con trai.

Quả thật vậy, sau đó không lâu, bà vợ ông trưởng giả Lộc Tử sinh được một bé trai. Vì ngày em bé được sinh ra thuộc tháng Tì-xá-khư (tháng 2 của lịch Ấn-độ), nên bé được đặt tên là Tì Xá Khư.

Ông trưởng giả Thiên Dữ nghe được tin này, cũng vô cùng mừng vui, tại vì, sự ra đời của cậu bé Tì Xá Khư thật là đúng lúc để hai gia đình trở thành thông gia. Để mừng mình có thằng con rể, ông Thiên Dữ liền sắm sửa một mâm lễ phẩm quí giá, đem sang nhà ông Lộc Tử để chúc mừng...

*

Ngày qua tháng lại, dần dần cô bé Pháp Dữ đã đến tuổi trưởng thành, nhưng tâm tư của cô không giống với các cô gái cùng lứa tuổi trong xã hội; cô hoàn toàn không để ý đến chuyện lập gia đình. Thế rồi, một sự việc đã xảy ra thật ngoài sức tưởng tượng của mọi người, làm ai cũng kinh ngạc!

Một hôm nọ, với dáng vẻ nghiêm túc, cô đến trước phụ thân, và quì xuống. Cử chỉ ấy của cô thật quan trọng, từ trước đến giờ cô chưa từng làm như thế bao giờ. Ông trưởng giả Thiên Dữ có vẻ lo lắng, hỏi:

– Pháp Dữ! Con đang có chuyện gì khó khăn phải không?

Cô thưa:

– Dạ có, thưa Ba! Nhưng trước hết xin Ba chấp thuận cho điều con sắp thưa.

– Ba chấp thuận rồi, con cứ nói đi!

– Thưa Ba! Điều này con đã suy nghĩ và muốn thưa với Ba từ lâu rồi, nhưng con sợ, chưa dám thưa.

– Con đừng sợ! Ba đang đứng đây, con cứ nói đi!

– Thưa Ba! Con muốn đi xuất gia học đạo! Con rất thích đi xuất gia tu hành!

– Cái gì? Con muốn xuất gia?

Ông Thiên Dữ thật hoàn toàn bất ngờ, nên giọng nói có vẻ gay gắt. Nhưng bản tính ông vốn hiền từ, hòa ái, chưa bao giờ ông nặng lời, lớn tiếng, làm cho con buồn. Bởi vậy, ông vội nén xuống niềm kích động, nhỏ nhẹ nói:

– Con à! Con đừng nói đùa như vậy! Con không thể làm hỏng chuyện được đâu! Hôn sự của con, ba và bác Lộc Tử đã đính ước từ trước khi con sinh ra đời kìa. Con không nên gây khó cho ba! Con đừng nói nữa! Chuyện gì con xin cũng được, ngoại trừ chuyện con đi xuất gia.

Chắc chắn là ông trưởng giả từ chối, chuyện ấy Pháp Dữ đã dự liệu trước. Vì vậy, khi nghe xong những lời trên của thân phụ, cô đã không lặp lại lời thỉnh cầu, không tiếp tục nài nỉ, không nói thêm gì nữa. Tuy nhiên, cô vẫn kiên quyết giữ vững ý chí, vẫn tích cực với con đường xuất gia học đạo. Cô đang suy nghĩ để tìm một biện pháp khác khả dĩ giúp cô hoàn thành chí nguyện xuất gia.

Việc trước tiên, cô xin qui y Tam Bảo. Cô xin làm đệ tử của tôn giả ni Liên Hoa Sắc. Do nhân duyên này, tôn giả rất thường lui tới nhà trưởng giả Thiên Dữ để dạy dỗ Pháp Dữ, và được mọi người trong nhà đều kính ngưỡng. Và cũng do nhân duyên này mà Pháp Dữ đã có cơ hội trình lên tôn giả chí nguyện của mình:

– Bạch Tôn giả! Trước hết con xin thành tâm tri ân Tôn giả đã thương xót con mà dạy dỗ bấy lâu nay. Giờ đây con thỉnh cầu một việc, không biết Tôn giả có hoan hỉ thành tựu cho con hay không?

– Phật pháp thành tựu cho tất cả chúng sinh, thì đương nhiên con cũng được thành tựu.

– Bạch Tôn giả! Con thỉnh cầu Tôn giả độ cho con xuất gia, thọ giới cụ túc, làm tì kheo ni.

– Tâm nguyện của con rất tốt! Nhưng trước hết phải được song thân con chấp thuận.

– Bạch Tôn giả, không được! Tại vì phụ thân con không bao giờ chấp thuận! Con xin Tôn giả giúp cho con được xuất gia một cách âm thầm ở tại nhà mà thôi.

– Việc xuất gia là phải công khai, không thể thực hiện trong âm thầm bí mật được. Tuy nhiên, thầy sẽ đem việc này về thỉnh ý đức Thế Tôn, Ngài sẽ có biện pháp tốt giúp con toại nguyện; bởi vì, con đã phát tâm xuất gia chân chánh, thì đó là công đức tối thượng.

Quả vậy, tôn giả ni Liên Hoa Sắc, đã ngay tức khắc, đem chí nguyện của cô Pháp Dữ trình lên đức Phật để xin chỉ thị. Đức Phật quán xét biết rõ tâm nguyện của Pháp Dữ; đồng thời Ngài cũng biết rõ cơ duyên của Pháp Dữ đã đến lúc thành thục. Cho nên Ngài đã cho phép tôn giả được âm thầm độ cho Pháp Dữ được đặc biệt xuất gia tại nhà.

Vâng lãnh ý Phật, ni sư vẫn tới lui nhà trưởng giả Thiên Dữ bình thường như bấy lâu nay, để dạy dỗ cô Pháp Dữ. Và thừa dịp những lần lui tới này, ni sư lần lữa từng bước một, kín đáo truyền giới cho Pháp Dữ: trước tiên là năm giới tại gia; một thời gian sau thì truyền mười giới Sa-di-ni; rồi đến sáu pháp học của Thức-xoa-ma-na-ni. Nghi thức truyền giới bí mật này chỉ là phương tiện hóa độ đặc biệt, trước hết được đức Thế Tôn cho phép, sau đó được thông qua tăng đoàn Tì-kheo-ni, và tôn giả ni Liên Hoa Sắc đã thừa lệnh “tăng sai” mà thi hành, để thành tựu giới thể cho cô Pháp Dữ. Cho nên, tuy nói là “bí mật”, mà kì thật là “công khai”.

Nhờ có thiện căn sâu dầy đời trước, sau khi được thọ giới Thức-xoa-ma-na, và nghe lời khai thị của tôn giả Liên Hoa Sắc, cô Pháp Dữ liền ngộ đạo, chứng được Sơ-quả Dự-lưu. Cô vô cùng hoan hỉ, và càng tin tưởng vững chắc vào tiền đồ giải thoát của mình.

*

Kì hạn hai năm thọ giới Thức-xoa-ma-na của cô Pháp Dữ trôi qua như nháy mắt. Và cũng đã đến lúc hai bên gia đình trưởng giả Lộc Tử và trưởng giả Thiên Dữ lo chuẩn bị hôn sự cho cậu Tì Xá Khư và cô Pháp Dữ. Cả mọi người trong hai gia đình đều không biết gì về việc xuất gia của cô Pháp Dữ. Hai gia đình thật là “môn đăng hộ đối”. Ai cũng vui mừng hớn hở về ngày cưới sắp tới, và không cần nói thì ai cũng thấy rõ, người sung sướng nhất trong lúc này chính là cậu Tì Xá Khư, con trai ông trưởng giả Lộc Tử. Nghĩ tới chuyện mình sắp làm chồng một cô gái “thiên kim tiểu thư”, cậu thấy hạnh phúc của mình sao mà lớn lao quá! Cậu háo hức trông mong cho mau tới ngày cưới.

Tin tức về đám cưới của của hai nhà triệu phú giàu nhất kinh thành chẳng mấy chốc được loan truyền rộng rãi. Dân chúng khắp thành Vương-xá đều nô nức trông chờ được xem một đám cưới mà họ cho là “vô tiền khoáng hậu”.

Trong khi đó thì cô Pháp Dữ không hề để ý gì đến sự việc này. Thân phụ cô, vì đã một lần biết cô có ý muốn xuất gia, cho nên, tuy vẫn lo chuẩn bị mọi việc cho đám cưới của cô, nhưng ông không nói gì cho cô biết hết. Ông muốn để đến giờ chót, mọi việc đâu vào đó cả rồi, ông bảo sao thì cô phải làm vậy.

Hôm ấy, thấy trong nhà mình được trang hoàng cực kì lộng lẫy, tất cả gia nhân đều vô cùng bận rộn, cô Pháp Dữ tưởng thân phụ sắp tổ chức “Hội Trăm Hoa” như mọi năm. Cô bèn hỏi một gia nhân:

– Nhà ta sắp mở Hội Trăm Hoa phải không?

– Dạ không phải, thưa cô nương! Vả lại, mùa này đâu phải là mùa trăm hoa rộ nở!

– Lạ nhỉ! Vậy có tiệc vui gì mà sửa soạn linh đình thế?

– Dạ thưa, hoàn toàn nhờ phúc đức của cô nương mà chúng tôi sắp được uống rượu mừng đó!

Vừa nghe gia nhân nói thế, cô biết ngay là chuyện gì sắp xảy ra. Cô hốt hoảng, muốn khóc! Cô chạy nhanh đi tìm ông trưởng giả, và cũng như lần trước, cô quì xuống thưa:

– Thưa Ba! Từ lâu con đã thưa với Ba là con không muốn lập gia đình, con đã phát tâm xuất gia, và chỉ quyết một lòng đi xuất gia. Xin Ba cho con được toại nguyện, con gái của Ba chỉ muốn đi đến tinh xá để làm tì-kheo-ni!

– Con gái cưng của ba, không thể như thế được đâu! Con nên biết, từ lúc mẹ con mới mang thai con, ba đã hứa gả con cho con của bác Lộc Tử rồi. Hiện tại trong cả thành Vương-xá này, chỉ một mình con chưa biết mà thôi, chứ trên từ đức vua, xuống đến các vị đại thần, quan viên các cấp, và khắp cả dân chúng, không ai là không biết tin mừng: Ngày mai là ngày lễ thành hôn của con và Tì Xá Khư. Con đã chẳng mau đi chuẩn bị để làm dâu, lại còn đòi đi xuất gia! Con nên biết, vương pháp của nước ta, dối gạt hôn nhân và coi thường vua quan là hai tội rất nặng, con đừng làm cho ba của con phải phạm hai tội nặng ấy nhé!

Ông trưởng giả nói gì thì nói, vẫn không lay chuyển được ý chí của con gái ông. Cô Pháp Dữ vẫn cương quyết giữ tâm nguyện xuất gia của mình. Đến nước này thì không cần phải giấu giếm gì nữa, cô thưa rõ:

– Thưa Ba! Con hiểu rõ những điều Ba vừa nói. Nhưng bây giờ con cũng xin thưa rõ cho Ba biết: Con đã bí mật xuất gia rồi!

– Con đã xuất gia?

– Dạ vâng! Gần ba năm trước đây, con gái của Ba đã xuất gia, đã cạo đầu, đã thọ mười giới Sa-di-ni, và cũng đã thọ sáu pháp học Thức-xoa-ma-na-ni!

– Con nói sao? Con đã cạo đầu?

– Dạ vâng, thưa Ba! Đầu con đã cạo sạch tóc. Hiện tại trên đầu con chỉ là tóc giả mà thôi!

– Thật là bực mình! Con muốn hại ba của con hay sao? Nhưng thôi, bất luận thế nào, con phải chuẩn bị để đi làm dâu cho đúng ngày giờ!

– Con thà chết chứ không chịu lập gia đình! Con quyết chí xuất gia, từ bỏ ái dục!

– Con à! Đường đời con mới chập chững bước đầu, con không nên mù quáng, nếu về sau con không kham nổi nếp sống của người xuất gia, lúc bấy giờ ăn nói làm sao? Ba nghe nói, phải chứng quả A-la-hán thì mới li dục; bây giờ nếu con đã là vị A-la-hán li dục, thì ba cho con đi xuất gia liền.

– Thưa Ba! Hiện giờ con đang hướng đến quả vị A-la-hán, chứ chưa thành A-la-hán.

– Đã không phải là A-la-hán li dục thì con phải về làm con dâu của bác Lộc Tử. Con gái lấy chồng mới đúng với qui luật tự nhiên của trời đất. Hơn nữa, gia sản bên người ta cũng không thua kém gì nhà mình; mà công tử Tì Xá Khư cũng không thua kém gì con.

– Con không cần những thứ đó. Con muốn xuất gia, và chỉ muốn xuất gia mà thôi!

Trong lúc hai cha con ông trưởng giả Thiên Dữ đối đáp qua lại như vậy, thì thân bằng quyến thuộc dần dần tụ tập đông đúc. Họ đứng hết về phía ông trưởng giả. Họ được nghe câu chuyện giữa hai cha con, và ai cũng vào hùa với ông trưởng giả, góp lời khuyên lơn cô Pháp Dữ hãy bỏ ý nguyện xuất gia. Ai cũng phụ họa với ông trưởng giả để nói rằng, con đường đi đến quả li dục A-la-hán thật vô cùng khó khăn; người trẻ tuổi xinh đẹp như cô thì làm sao kham nổi đời sống phạm hạnh; v.v... Cô hoàn toàn bị cô lập giữa đám đông miệng lưỡi tục tình! Dù vậy, cô vẫn không mảy may sợ sệt, không chút nào tuyệt vọng. Khi thân phụ cô và tất cả thân bằng quyến thuộc vây quanh đều nhắc tới vấn đề “li dục”, cô thấy không tiện tranh luận với họ; trái lại, cô đã nhân cơ hội này mà tự sách tấn mình, chuyên tâm nhất ý tinh tấn tu tập, quyết cố gắng sớm chứng đạo Li Dục. Quả thật không ngờ, tâm chân thành, chí dõng mãnh của cô lúc ấy, đã cảm thông đến đức Thế Tôn!

*

Cùng trong thời khắc ấy, lúc bấy giờ đức Phật đang đi kinh hành trên một lối đi im vắng trong tinh xá Trúc-lâm, bỗng Ngài mỉm cười, từ miệng phóng ra ánh sáng năm màu vi diệu. Nếu không có nguyên do, không bao giờ đức Phật mỉm cười và miệng phóng ánh sáng như vậy. Cho nên, tôn giả A Nan đã cung kính thỉnh Phật khai thị:

– Bạch đức Thế Tôn! Con chưa từng thấy đức Thế Tôn vô cớ mà mỉm cười!

– Này A Nan, đúng vậy! Gần ba năm trước đây, Như Lai đã dạy chúng Tì-kheo-ni truyền thọ ba qui, năm giới, rồi mười giới, tiếp đến là sáu pháp học cho cô gái Pháp Dữ; thế nhưng ngày mai lại đúng là ngày hôn lễ của cô ấy!

– Bạch đức Thế Tôn! Việc này chính con cũng đã được biết.

– Nhưng có điều thầy không biết: Không bao lâu nữa cô ấy sẽ chứng quả Bất-hoàn, rồi lại chứng quả Vô-sinh! Chúng ta không thể để cô ấy ở lâu hơn nữa trong nhà thế tục. Chúng ta phải giúp cô ấy thọ giới Tì-kheo-ni, và ở chung với Ni chúng.

Tôn giả A Nan vâng lãnh ý Phật, đem truyền đạt cho chúng Tì-kheo-ni. Tôn giả ni Liên Hoa Sắc lại được Ni chúng suy cử làm Hòa-thượng, đến tận nhà trưởng giả Thiên Dữ, kín đáo truyền thọ giới Tì-kheo-ni cho Thức-xoa-ma-na-ni Pháp Dữ.

Đúng như câu tục ngữ nói: “Dưa chín muồi thì cuống rụng.”Vừa thọ giới Cụ-túc xong, Pháp Dữ tuân theo phương pháp tu trì mà dốc sức tu tập. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tâm trí cô bỗng bừng sáng, một niệm vô minh phiền não cuối cùng bị đoạn tận, cô chứng quả vị A-la-hán li dục, với đầy đủ thần thông của bậc A-la-hán. Giờ đây cô đã là tôn giả ni Pháp Dữ, phạm hạnh đã trọn, chỗ làm đã xong, không còn thọ thân sau. Tâm tôn giả không còn chướng ngại, hoàn toàn tịch tĩnh, không còn dấu vết, không phân biệt thương ghét, vàng ngọc và bùn đất không khác nhau, tất cả danh lợi, của cải, không thứ gì là không đáng xả bỏ.

Cô Pháp Dữ đã chứng thánh quả A-la-hán li dục, đó là sự thật, ông trưởng giả Thiên Dữ không thể nào phủ nhận! Nhưng ngày mai là ngày cử hành hôn lễ của cô con gái, đó cũng lại là sự thật, mà vì trách nhiệm, vì uy tín của một danh gia triệu phú, ông không thể hủy bỏ được! Ông phải tìm một kế sách thiện xảo, khả dĩ chu toàn tốt đẹp một lúc cả hai trường hợp khó xử này. Ông suy nghĩ một lúc, rồi nói với cô Pháp Dữ:

– Bây giờ thế này: Để ba khỏi bị phạm vương pháp, cũng không thất tín với ông trưởng giả Lộc Tử và các thân bằng quyến thuộc, ngày mai chúng ta vẫn cứ cử hành hôn lễ như đã dự định. Nhưng, trước khi cử hành hôn lễ, chúng ta thiết lễ trai tăng để cúng dường Phật và chư tăng. Sau khi thọ trai xong thì đức Phật và chư tăng trở về tinh xá, liền lúc đó, con theo chân Ngài ra khỏi nhà. Mong nhờ thần lực của Phật, và thần lực A-la-hán của chính con, việc kế tiếp sẽ diễn ra trong không khí thuận lợi, trang nghiêm, hoàn hảo.

Sáng hôm sau, lúc sắp cử hành hôn lễ, đức Thế Tôn suất lãnh chư tăng đến nhà trưởng giả Thiên Dữ. Bên nhà ông trưởng giả Lộc Tử, công tử Tì Xá Khư cũng dẫn bà con bạn bè kéo sang. Về phía quan khách, ngoài đức vua ra, còn có bao nhiêu triều thần, quan viên các cấp lớn nhỏ trong thành Vương-xá, đều đến tham dự đông đủ; đó là chưa kể đến sự có mặt đông đảo của dân chúng trong kinh thành Vương-xá.

Giờ cử hành hôn lễ đã tới! Tiết mục đầu tiên là lễ cúng dường trai tăng, đức Phật và chư tăng thọ thực. Theo lệ thường, sau khi thọ thực, đức Thế Tôn đã vì thí chủ cúng dường mà thuyết pháp. Bài pháp này của đức Phật thuyết, đã đánh thức tâm linh của nhiều người, làm họ rất xúc động. Nhưng đó mới chỉ là sự hiển nhiên, vì lời dạy của đức Thế Tôn, dù ở đâu, bất cứ trường hợp nào, cũng đem lại lợi lạc cho chúng sinh; còn sự việc xảy ra sau đây mới là sức tác động đặc biệt lớn lao đối với tâm ý mọi người trong buổi lễ ấy:

Sau khi nói xong bài pháp, đức Thế Tôn rời pháp tòa, ra khỏi nhà trưởng giả Thiên Dữ để trở về tinh xá. Tức thì, cô Pháp Dữ cũng đi liền theo sau Ngài ra khỏi nhà. Công tử Tì Xá Khư đứng ngay trước cửa chờ đợi đã lâu, bây giờ thấy cô Pháp Dữ ra khỏi cửa, tưởng là đã đến lúc bắt đầu hôn lễ, bèn bước tới trước nắm tay cô Pháp Dữ.

Nhưng thật là không thể tưởng tượng nổi, rõ ràng kia là cánh tay ngọc ngà của người đẹp, và cậu đã nắm được nó, sao lại cậu có cảm giác như mình vừa nắm hư không! Trong khi đó thì cô Pháp Dữ đã ung dung bước ra sân nhà. Rồi trông kìa! Một cảnh tượng diệu kì lại xuất hiện làm kinh động lòng người: Rõ ràng là cô gái kiều diễm đó, nhưng lại bay lên không trung như một con đại bàng; cô phi hành tự tại, đi đứng nằm ngồi tự nhiên; rồi cô còn diễn bày nhiều loại thần thông biến hóa khác nữa!

Trước cảnh tượng huy hoàng ấy, mọi người có mặt ở hiện trường lúc bấy giờ, kể cả cậu công tử Tì Xá Khư, đều cảm thấy như có luồng gió mát thổi tới làm cho tỉnh mộng. Một cách tự nhiên, không ai bảo ai, họ đều ngưỡng vọng lên không trung, chí thành đảnh lễ vị Thánh ni Pháp Dữ! Cái ý niệm về “hôn lễ”bỗng chốc biến mất hết trong tâm mọi người – ngay cậu công tử Tì Xá Khư cũng vậy!

Thấy rõ được tâm ý của mọi người như thế, Thánh giả Pháp Dữ bèn từ không trung hạ xuống, vì đại chúng mà tuyên thuyết Phật pháp. Tất cả những người đi dự hôn lễ hôm đó, đều trở thành những chúng sinh có căn lành được Phật Pháp hóa độ. Sau bài pháp của Thánh giả Pháp Dữ, mọi người hiện diện đều quay về tín phụng Tam Bảo, mà nhiều người trong đó, nhân cơ hội này, còn chứng được cả Sơ-quả Dự-lưu!

Do thành quả này mà tì kheo ni Pháp Dữ đã được đức Thế Tôn khen ngợi là vị thuyết pháp đệ nhất trong Ni chúng.



(Trích dịch từ sách Thánh Giả Đích Cố Sự,

nguyên tác Hoa văn của Pháp sư Thích Thánh Nghiêm,

Đông Sơ Xuất Bản Xã ở Đài-bắc in lần thứ 6, năm 1990)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 3417)
Quan niệm về quyền lợi phụ nữ xưa nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi trên bình diện đạo đức xã hội. Sự ra đời cụm từ ‘quyền lợi phụ nữ’ (women’s rights) hàm ý người phụ nữ vốn chịu nhiều thiệt thòi hơn nam giới. Cụm từ này có thể đã dẫn đến sự hình thành nhiều phong trào tích cực trong lịch sử phát triển xã hội.
09/04/2013(Xem: 4821)
Trong bài viết này, dựa vào kinh nghiệm cá nhân, tôi sẽ trình bày khái quát về hiện thực Phật giáo Việt Nam và vai trò của ni giới Việt Nam ngày nay. Phần thứ nhất là giới thiệu về Phật giáo Việt Nam. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có 3 truyền thống lớn: Bắc tông (Mahayàna), Nam tông (Theravada), và Khất sĩ. Tuy hình thức sinh hoạt khác nhau, nhưng cả 3 truyền thống này đều có tăng ni tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam; và vai trò của Ni giới Việt Nam đã được thể hiện cụ thể trên nền tảng của tổ chức Phật giáo duy nhất này.
09/04/2013(Xem: 4789)
Giới thiệu : Bài này được trích từ tuyển tập những bài tham luận đọc tại các Hội Nghị Quốc Tế do Hội Ni Giới Phật Giáo Quốc Tế Sakyadhita tổ chức, nhan đề “ Bước Ra Khỏi Bóng Tối: Ni Giới Dấn Thân vào Xã Hội” (Out of the Shadows: Socially Engaged Buddhist Women), đo Ni Sư Karma Lekse Tsomo xuất bản năm 2006.
08/04/2013(Xem: 6776)
Từ lâu Ni giới có một vị trí thấp trong Xã Hội Campuchia, dường như họ không được thừa nhận và hoàn toàn bị lưu mờ bởi Tăng giới Phật giáo trong xứ sở này. Hầu hết các nữ tu không được học hành và không được tiếp nhận bất cứ một giáo dục Phật học nào. Hình ảnh đoàn thể của họ bị mang tiếng xấu bởi một số cá nhân đi khất thực trái phép.
08/04/2013(Xem: 3492)
Vai trò và vị trí của nữ giới và nam giới trong xã hội thường được ấn định khác nhau trong các vùng văn hóa khác nhau. Vì các lý do chính trị, xã hội hay tôn giáo, từ xưa nam giới thường được đề cao, nữ giới thì giữ một vị trí khiêm tốn hơn, có nơi bị xem nhẹ, như ở các xã hội chủ trương "đa thê", "phụ thê", "nam nhất viết hữu, nữ thập viết vô", phụ nữ ra đường phải che mặt, chỉ đảm nhiệm công việc gia đình, hay phải chịu tổn phí cưới hỏi.... Thậm chí thiếu mất quyền làm chủ gia đình và quyền lợi về giáo dục.
08/04/2013(Xem: 3192)
Ni sư Houn Jiyu Kennett, người khai sơn và làm Ni trưởng ni viện Shasta ở bang California, Hoa Kỳ, là một trong những nữ tu theo PG đầu tiên ở phương Tây. Trong 30 năm hoằng pháp tại Hoa Kỳ, bà đã đem lại lợi lạc cho người dân ở xứ sở này qua việc thuyết giảng, viết sách báo... Các tác phẩm đáng chú ý nhất của bà là "Con ngỗng trắng hoang dã" (The wild white Goose), xuất bản năm 1977 và tái bản năm 1978 ; và "Dòng sông bán nước" (Selling water by the river) in năm 1972, đến năm 1978, quyển sách này được tái bản với tựa đề mới là "Thiền là đời sống vĩnh hằng" (Zen is Eternal life). Đây là những cuốn sách rất được các thiền sinh phương Tây ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thời gian hoằng pháp tại các nước phương Tây, bà đã tự mình tách khỏi các tông phái thiền khác ở Mỹ và cả ở Nhật Bản.
08/04/2013(Xem: 6543)
Một học giả Phật giáo, dịch giả và tác giả người Hoa Kỳ, cô Besty Napper đã từ bỏ công việc dạy học của mình ở Đại học đường Stanford vào năm 1990 để đến làm việc tại Dharamsala - Ấn Độ, giúp đỡ sư bà Rinchen Khadro, điều hành một kế hoạch xây dựng một ni viện và một trường Phật học cho ni giới Tây Tạng. "Tôi có cái may mắn mà người phụ nữ Tây Tạng không có được", cô đã trả lời phỏng vấn với sư cô Robina Courtin vào tháng sáu trong chuyến đi ngắn trở lại Hoa Kỳ để in lịch Tây Tạng năm 1996.
08/04/2013(Xem: 3238)
Một lần nữa, Đức Đạt Lai Lạt Ma lại tới Nam California hôm Thứ Ba 26-9-2006, nói chuyện trước 13,000 phụ nữ trong hội nghị có tên là Honference on Women (Hội Nghị về Phụ Nữ), tổ chức bởi Thống Đốc Arnold Schwarzenegger và đệ nhất phu nhân tiểu bang Maria Shriver.
08/04/2013(Xem: 4402)
Hema Goonatilake đã nhận học vị Tiến sĩ tại Khoa Á Phi Hoc thuộc Viện Đại Học Luân Đôn năm 1974. Bà là giáo sư tại đại học Kelaniya của Sri Lanka cho đến năm 1989. Sau đó, bà phục vụ như một chuyên gia về phát triển và giới tính cho tổ chức UNDP và UNIFEM ở New York và UNDP ở Cam-Bốt, và là một Cố Vấn của Viện Phật Học Cam-Bốt. Bà là sáng lập viên của hội Tiếng Nói Phụ Nữ, một hội bảo vệ nữ quyền đầu tiên của Tích Lan, và là đồng sáng lập viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Phụ Nữ ở Tích Lan.
08/04/2013(Xem: 3425)
Ni trưởng thế danh Hồ Thị Hạnh, húy thượng Trùng Hạ Hảo, hiệu là Nhất Điểm Thanh, sinh năm 1905, là con gái út của cụ Hồ Đắc Trung và bà Châu Thị Lương, người làng An Truyền, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Cụ Hồ Đắc Trung là một vị đại thần trong triều đình Huế thời bấy giờ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567