Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

31. Mùa An Cư Đầu Tiên

14/03/201418:41(Xem: 22822)
31. Mùa An Cư Đầu Tiên

Mot_Cuoc_Doi_01

MÙA AN CƯ ĐẦU TIÊN

(Năm 587 trước TL)

31. Hoá Độ Công Tử
Yasa Cùng Với Bạn Hữu





Mới một vài trận mưa đầu mùa mà đây đó đã trở nên lầy lội, ướt át. Đức Phật bàn tính với năm vị tỳ-khưu là phải sửa sang, tu bổ cốc liêu, đường kinh hành để có thể an cư ở đây khi chưa tìm ra địa điểm thích hợp hơn. Nhờ đã quen với đời sống khổ hạnh nên họ xem những công việc này chỉ như sự nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Họ đi kiếm cây, kiếm lá. Và cũng may là nhờ có bọn trẻ chăn bò vui vẻ đến giúp sức. Mấy hôm sau, các mái lá và vách lá đã được ken dày có thể ngăn được mưa lớn và gió lớn; ngoài ra, họ còn bện được một số tọa cụ bằng cỏ, và làm thêm giường cây... Trong am lá của đức Phật, bây giờ đã khá rộng rãi, đã có đầy đủ giường, tọa cụ, nền đất được lót cây khá sạch sẽ. Khi đang làm thì mấy đứa trẻ mang đến những ghè đất nung đựng nước, to có, nhỏ có đem tặng cho mấy vị sa-môn. Thế là, bên chái hiên trái, họ hì hục lấy đá lót nền, đặt ghè nước để làm chỗ rửa chân cho đức Thế Tôn. Họ còn làm những đường kinh hành khá rộng rãi giữa các hàng cây. Có những tảng đá tự nhiên chỗ này chỗ kia thì họ sửa sang, quét dọn để làm chỗ hành thiền giữa trời. Tất cả trông đã có dáng vẻ tiện nghi của một khu rừng an cư lý tưởng. Khung cảnh càng có vẻ yên ổn và thanh bình hơn khi những chú nai lớn nhỏ đủ sắc màu nhởn nhơ gặm cỏ hoặc tò mò đưa mắt tròn to nhìn những những con người vô hại.

Ngày tháng từ từ trôi qua. Các vị tân tỳ-khưu, các bậc thánh A-la-hán vẫn thay phiên nhau đi trì bình khất thực, sống, chiêm nghiệm giáo pháp đã được học, đồng thời an trú lạc về thiền, lạc về quả. Vài ba hôm, các vị lại mang về những tấm vải tương đối còn tốt. Họ giặt phơi, kiếm rễ và củ để nhuộm trở thành màu hoại sắc. Cái nào trông có vẻ tốt nhất, họ dâng đến đức Phật. Họ còn chịu khó cắt, nhuộm những tấm vải nhỏ khác để quàng vào người những khi muốn tắm giữa trời mưa.

Koṇḍañña nói với các bạn đồng tu:

- Chúng ta như được thoát xác, trở thành những con người mới. Đạo lớn đã thấy rồi, việc cần làm đã làm xong rồi. Giáo pháp của đức Thế Tôn như một mặt trời, chiếu rọi vào mấy ngàn năm u tối của các giáo phái truyền thống. Mai này, một số kẻ trí trên thế gian sẽ tìm đến tu học, đấy là sự thật không cần phải tiên tri. Vậy thì những y cũ, bát cũ đã xả ra, chúng ta phải giặt giũ, xông khói, nhuộm lại để dành cho bạn hữu đến sau!

Thế là họ tất bật công việc khi đang còn một số ngày nắng ráo.

Đức Phật dường như để dành hết thì giờ cho việc ngồi thiền và kinh hành. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ngài thường trở lại cận định, sử dụng tầm và tứ, hướng tâm, sắp đặt lại nền tảng của giáo pháp, chia làm ba thời kỳ: Sơ thiện, trung thiện và hậu thiện. Sơ thiện là căn cơ ban đầu dành cho tất thảy những người đang tu tập, không kể người hay trời. Trung thiện để dành cho những căn cơ đã thấy pháp, đã Nhập lưu. Và hậu thiện dành cho những vị thánh đã đắc quả A-la-hán. Đức Phật đã dùng tuệ phương tiện để thiết lập một số bài giáo pháp thích hợp với ba giai đoạn ấy. Đối với sơ thiện thì nói về bố thí, trì giới, phước báu các cảnh trời; nuôi dưỡng đức tin và các bổn phận tại thế, các đức lý trần gian, tùy thuộc các vai trò, chỗ đứng trong xã hội. Đối với trung thiện, ngoài các bài pháp nền tảng ở sơ thiện, căn cơ này còn cần phải học hỏi và tu tập về thiền định và tuệ quán để làm cho yên lặng hoặc cắt đứt thêm một số kiết sử buộc ràng. Hậu thiện là bậc vô học, không còn học cách thức để đoạn trừ phiền não nữa nhưng họ sẽ là những cánh chim trời tự do, sau này bay lượn khắp nơi để tùy duyên hóa độ chúng sanh. Vậy cái mà họ cần học, là phải thuần thục, rành rẽ cách thức đi đứng, nói năng, cách thọ dụng tứ sự, cách nói pháp, giảng đạo... Nói cách khác, hậu thiện phải thể hiện được đời sống thiểu dục, tri túc và các trí phương tiện khác. Còn có một sự thực là, không phải ai cũng giảng pháp, thuyết pháp được. Và như vậy, mỗi vị vô học sẽ giáo hóa chúng sanh bằng chính đời sống giải thoát, bằng chính giới hạnh, thiền định, đức độ, tứ vô lượng tâm hoặc bằng chính cái học pháp mà họ đã thành tựu. Tuy nhiên, các cái gọi là phương tiện trí này rất nguy hiểm. Cái gì cũng phương tiện cả, và, các giáo phái chủ, giáo phái sư thường vận dụng phương tiện để mưu cầu danh vọng và lợi dưỡng cho bản thân họ. Cứu cánh biện minh cho phương tiện, và do vậy, các phương tiện được thực hiện khó phân biệt chính tà, thiện ác. Biên giới này rất mong manh. Các đệ tử của Như Lai, sau này xuống đời, Như Lai phải thiết lập tiêu chuẩn cho ranh vực này khi vận dụng trí phương tiện độ sinh. Đó là: Các phương tiện phải lợi mình, lợi người; lợi mình là làm cho mình muội lược tham sân si, hướng đến giác ngộ, giải thoát; và lợi người cũng phải đặt mục tiêu như thế.

Đức Phật còn cần phải trải qua thời gian dài nữa, dùng trí phân tích để triển khai từng điểm một, từng chữ, từng câu một từ hai bài pháp quan trọng là Chuyển pháp luân và Vô ngã tướng. Cả năm vị đạo sĩ tân tỳ-khưu đều là dòng dõi danh gia bà-la-môn, sở văn, sở học đều vững chắc, thế mà đã phải rất nhiều ngày mới lãnh hội được giáo pháp, huống gì đại chúng có trình độ giới hạn, thấp thỏi, đôi khi lại thiểu trí, ít học hoặc chẳng có chút sở học nào! Giai cấp sát-đế-lỵ như vua chúa, hoàng gia, quý tộc, tướng lãnh, chiến sĩ thường có học, có trình độ kiến thức dễ tiếp thu, dễ giáo hóa; nhưng chiến sĩ thì cũng như người dân bình thường mà thôi. Giai cấp bà-la-môn thì bây giờ đã sa sút, ngoại trừ các giáo chủ, giáo sĩ xuất gia, các danh gia vọng tộc, các gia đình bà-la-môn làm chủ những trang trại rộng lớn, giàu có thì con em họ được học hành chu đáo; còn đa phần giáo dân thuộc tập cấp này cũng nghèo khổ, cũng thất học. Giai cấp vệ-xá gồm thương gia, các ngành nghề trong xã hội thì bây giờ họ đã vươn lên: Làm chủ ngân khố, làm chủ tịch các nghiệp đoàn, làm chủ một ngành nghề, những đại thương gia nắm huyết mạch kinh tế xã hội. Họ đã nghiễm nhiên bước chân vào giới quý tộc để làm quan đại thần, cố vấn kinh tế cho các tổng, các trấn và cả triều đình. Một số gia đình giàu có thuộc thành phần giai cấp này đều có thuê các gia sư bà-la-môn dạy học tại tư gia nên kiến thức, sở học của con em họ cũng tương đương giới sát-đế-lỵ. Giới lao động thợ thuyền các ngành nghề khác thì đa phần nghèo đói và thất học. Giai cấp thủ-đà-la làm các công việc lao động chân tay vất vả, nặng nhọc thì hoàn toàn tối tăm. Còn giới chiên-đà-la, nô lệ, không thuộc giai cấp nào thì ở ngoài rìa xã hội, đời sống của họ được xem như chung thân khổ sai, làm những công việc dơ uế rồi còn bị xã hội coi khinh, phỉ nhổ, chà đạp còn tệ hơn súc vật. Thành phần này, mặc dầu họ thua các giai cấp trên về mọi phuơng diện, nhưng nếu hữu duyên, có căn cơ từ kiếp trước cũng có thể giúp một số người nào đó uống được những giọt nước trong lành của giáo pháp. Nói tóm lại, bất kể thành phần nào, nếu hữu duyên thì có thể tế độ trước, bằng vô duyên thì không thể. Vậy, cương yếu giáo pháp thì không thay đổi, nhưng tùy theo trình độ, căn cơ của chúng sanh để vận dụng giáo pháp cho thích hợp.

Bārāṇasī trước đây vốn là một giang cảng, là nơi tàu thuyền buôn bán từ phía bắc và phía tây sông Gaṅgā đổ vào; lại là nơi hợp lưu của hai con sông Varuṇā và Asī sau trở thành tên của thành phố. Kể từ thời cổ đại, Bārāṇasī đã là một thành phố kinh tế và thương mãi sầm uất, thịnh vượng. Nơi đây vốn nổi tiếng các loại gỗ tốt, vải vóc phong phú, tơ lụa tinh xảo, hàng gấm dày dệt chen những sợi chỉ vàng, vàng thật, được giới sang trọng, giàu có trong và ngoài lục địa ưa chuộng. Khi đời sống của lớp thị dân trở nên có của ăn của để thì nó kéo theo sự phát triển của tôn giáo, xuất hiện một số ngành nghề kỹ nghệ và những mặt hàng kinh doanh khác. Các giáo phái bà-la-môn chọn đất thịnh vượng này làm thủ phủ; thế là điện đài, đền miếu, am thất mọc lên như nấm. Các cơ sở kinh doanh liên hệ đến tôn giáo được dịp phát triển. Các thợ gốm, thợ đúc đồng sản xuất các loại bình lớn nhỏ để đựng nước thiêng soma dùng trong các lễ thánh tẩy, rảy nước. Việc buôn bán các loại trầm hương (chiên-đàn), hương nhu, hương hồi cùng một số nhiên liệu tương thích để đáp ứng cho việc tế thần lửa, thần sông, thần núi, thần gốc đa cùng mấy triệu vị thần khác đua nhau phát triển rất là thuận lợi, vui vẻ. Các lễ hiến tế súc vật, trái quả, hỏa thiêu bên bờ sông Gaṅgā không thể thiếu hoa; và thợ làm tràng hoa bắt đầu được xem như một nghề có thu nhập cao! Những người làm củi, chất đốt để hỏa thiêu lại có công ăn việc làm! Và ôi thôi, nào là các dịch vụ liên hệ đến các tế sư, tế đàn, hỏa táng, khách hành hương kéo theo xe ngựa, tàu thuyền đưa đón, các nhà nghỉ, nhà trọ, người hướng dẫn, ăn uống... có dịp đua nhau phục vụ! Có tiền, có bạc, có khách lữ hành làm ăn lui tới, có tiểu gia, có đại gia, tất là có tửu điếm, thanh lâu, có rượu chè bài bạc, có gái làng chơi và có hưởng thụ xa hoa, trụy lạc.

Bối cảnh hiện thực khái quát Bārāṇasī là như thế. Ở đây có một đại thương gia hào phú. Có lẽ ông là chủ của một nghiệp đoàn buôn bán tơ lụa có mối giao thương rộng rãi với những đoàn lạc đà, theo con đường thương mãi đến tận Ai Cập, Ả Rập, Hy Lạp, các xứ Tây Vực và sang cả tận Trung Hoa. Công tử Yasa là con trai duy nhất của vị cự phú, được gia đình xem như ngọc, như ngà, được cưng chiều từ thuở ấu thơ. Biết bao nhiêu là thầy giáo bà-la-môn làm gia sư chăm lo rèn cặp cho công tử được nên người. Công tử muốn gì được nấy. Đến tuổi trưởng thành, Yasa được người cha cự phú thương yêu, kiến lập cho ba tòa cung điện thích hợp với ba mùa tương tợ thái tử Siddhattha vậy. Ngoài người vợ chính môn đăng hộ đối, giàu có, đẹp người, đẹp tính, Yasa luôn được đoanh vây quanh mình hàng chục hầu thiếp trẻ trung, sen ngó, hàng chục ca nhi mỹ nữ phục vụ giải trí, rượu trà, đàn ca hát xướng, vũ điệu nghê thường, yến tiệc linh đình...

Sống đời hưởng thụ đế vương như thế nhưng Yasa thường không được vui, chàng luôn ưu tư và sầu muộn. Hôm kia, nửa đêm thức giấc, sau cuộc truy hoan mệt mỏi, nhìn đám hầu thiếp và vũ công, ca nhi xiêm áo trễ tràng, phấn hương nhễ nhại, nằm ngủ li bì, thở ngáy, nước dãi... trông như một đống thịt ươn thật đáng ghê tởm. Sợ hãi, chán ngán và kinh tởm tột cùng, Yasa không kịp thay áo ngủ, chỉ xỏ vội chân vào đôi hài nhung thêu chỉ vàng, mở cửa trốn đi như trốn một ám ảnh xấu xa, một ngục tù hôi tanh, bẩn thỉu. Yasa bước đi như bước trong cơn mê, miệng không ngớt lảm nhảm: “Ôi! khốn nạn thay cho tôi! Bi khổ thay cho tôi! Đọa đày thay cho tôi! Ghê sợ thay cho tôi! Bẩn thỉu thay cho tôi!” Yasa cứ mải miết lảm nhảm và cứ bước đi không định hướng. Đêm ấy, trời âm u nhưng khô ráo, sao tỏ mờ mờ, bước chân vô định của Yasa dẫn chàng đến Lộc Uyển khi vừa rạng sáng.

Hạnh phúc và duyên lành thay cho Yasa, vào cuối canh ba, tâm trạng rối ren, chán chường và những bước chân lang thang của Yasa lọt vào tầm võng lưới hướng tâm của Đức Phật; và ngài còn thấy rõ, chàng là một duyên lành không những cho bản thân mình mà còn trợ duyên cho những bước đi của giáo pháp vào buổi đầu.

Đức Phật, lúc ấy, đang ở cuối con đường kinh hành, nghe tiếng ta thán lảm nhảm của Yasa, thấy rõ tâm lý thống khổ cùng cực của Yasa, ngài dùng thần thông, khẽ đưa âm thanh của tiếng nói, xuyên thẳng vào tâm vào trí của Yasa như một luồng sáng giữa đêm sâu đen kịt, như một giọt nước trong veo và ngọt lành giữa sa mạc; lại còn như lời mẹ nói với con đầy bao dung và từ ái:

- Này Yasa! Này con! Ở nơi này không có khốn nạn, không có bi khổ, không có đọa đày, không có điều gì đáng phải ghê sợ và điều gì bẩn thỉu phải xa lánh! Này Yasa! Này con! Hãy đến đây, và hãy ngồi xuống đây, Như Lai sẽ nói chuyện với con!

Như một hồi chuông tỉnh thức, Yasa bàng hoàng như vừa rời khỏi một giấc mê dài. Ra khỏi rừng cây, xa xa thấp thoáng bóng một vị sa-môn giữa sương mù. Yasa nhè nhẹ cởi đôi hài, quăng bỏ bên vệ đường rồi đi chân đất, dè dặt lần bước tới... Đức Phật mỉm cười chỉ tay vào một tảng đá:

- Hãy ngồi xuống đây, Yasa, rồi con sẽ được nếm thưởng hương vị của sự an lành, thanh tịnh và những niềm vui vô nhiễm.

Rồi bằng giọng phạm âm với tám tuyệt hảo, với trí tuệ phương tiện dịu dàng, phong phú, quảng bác và sâu nhiệm, đức Phật từ từ, từng câu, từng chữ, từng ngữ nghĩa dìu dắt tâm và trí Yasa bước vào cõi pháp xán lạn và quang vinh. Ban đầu, ngài nói về sự nguy hiểm của đời sống trác táng, chúng sẽ làm cho cơ thể bị hủy hoại, sinh lực tiêu mòn, và tâm trí, theo đó cũng trở nên đần độn, mất dần sự nhạy bén, linh hoạt. Đắm mình trong đời sống dục lạc chỉ đem đến sự nhàm chán, ghê tởm; nhưng may mắn cho ai đã thoát ra khỏi vũng lầy dơ uế ấy. Bản chất của đời sống là dukkha, nó có hai mặt: Khổ đau và lạc thú, xấu và tốt, nước mắt và nụ cười. Nhưng chúng thường lẫn trong nhau, ở trong nhau, tan hòa trong nhau; và đôi khi là hai phạm trù đối lập. Nếu ta nỗ lực săn tìm lạc thú qua mắt tai mũi lưỡi thân ý thì ta sẽ đối diện với đau khổ trùng trùng. Có một đôi mắt xanh, trong suốt nó nhìn ngắm mọi sự mọi vật vượt xa và vượt trên khổ lạc, hai mặt của bản chất đời sống ấy. Nó thanh bình và vô nhiễm. Hãy để tâm và trí tỉnh thức để giao đối, tiếp xúc với vạn hữu thì thực tại mới mẻ, mầu nhiệm ấy hiện ra. Và rồi hãy nhìn xem: trời đất, sương mù, sông núi, cỏ cây... tất cả đều an bình và vô sự. Tất cả chúng đều trọn vẹn như chúng đang là. Chim ca, hoa nở, lá vàng, lá xanh, trăng mọc, trăng lặn... đều tuyệt bích và đại toàn. Khi tâm hồn ta u ám và buồn chán thì mọi sự mọi vật đều u ám và buồn chán. Khi tâm hồn ta trong lành và vui vẻ thì mọi sự mọi vật đều trong lành và vui vẻ. Tâm và cảnh ấy tương duyên, tương tác. Tùy thuộc cách nhìn mà thực tại như thị sẽ biến thành mặt này hay mặt kia. Đừng chìm đắm hoặc chán nản ở bên này mà cùng đừng thao thức, mơ ước phía bên kia. Bên nào cũng là sự thay đổi, biến dịch, hóa trang của dukkha cả. Là kẻ trí, là bậc thức giả thì phải đứng trên đỉnh cao ngàn tầm cây thốt nốt, bước ra khỏi sự cương tỏa bít bùng, mê hồn trận của võng lưới māyā ấy. Khi sống trong thế giới tương quan, đi bằng đôi chân đất hữu hạn của mình, bao giờ sự duyên sanh khổ, lạc vẫn là điều tất yếu. Rồi khổ đến, ta bị khổ cuốn đi; lạc đến, ta bị lạc cuốn đi. Và đấy là tử sanh, là ma vương, là sầu bi ưu não. Như Lai có một tấm bản đồ, có một con đường để thoát ra khỏi mê hồn trận ấy, ra khỏi lưới māyā ấy, ra khỏi nơi thống khổ điêu linh ấy, này con, này Yasa! Con có muốn nghe không?

Là bậc trí, nghe xong tức khắc hiểu, Yasa tin chắc là có con đường ấy, bèn quỳ xuống, vui mừng, rưng rưng, sụp lạy; chàng ôm bàn chân bụi của đức Thế Tôn, cất lời khẩn thiết, muốn nghe con đưòng bất tử...

Lúc ấy, trời lắc rắc mưa, đức Phật dẫn Yasa đi về hương thất của ngài. Cả năm vị thánh tỳ-khưu hay chuyện cũng đến hầu xung quanh và để nghe pháp. Đức Phật thấy tâm hồn của Yasa đã ổn định nên ngài từ từ, ân cần từng bước một, sử dụng phương tiện thuận thứ, giảng nói về bố thí, trì giới... là lộ trình sơ tu cho những cư sĩ tại gia để ly thoát bốn cảnh giới bất hạnh...

Hôm nay có thêm một vị khách nên bốn vị thánh tăng, đúng lúc, đảnh lễ đức Phật, rời hương phòng, lên đường trì bình khất thực. Đức Phật lại giảng tiếp về thời pháp. Khi biết tâm và trí của Yasa đã sẵn sàng, đức Phật nói tóm tắt Tứ Diệu Đế, chỉ nhấn mạnh Đạo đế, con đường ly thoát mọi khổ ách.

Thế là, như hằng triệu đêm hư vô, tăm tối được vén mở, Yasa dường như thật sự được mở mắt. Một bầu trời quang rạng, tinh khôi, trong lành chợt được trải rộng ra từ sau cánh cửa vô minh. Trong đống bùn dơ uế, hôi hám và bẩn chật của cõi đời tục lụy, đang từ từ, khiêm tốn, e ấp nở ra một đóa sen vô nhiễm. Yasa đã đắc Pháp nhãn, đã có lòng tịnh tín, bất động với con đường, đã xuôi vào dòng chảy thanh bình, an lạc. Vừa tri ân, vừa xúc động, Yasa quỳ mọp ôm bàn chân của đức Phật, nghẹn ngào không nói nên lời.

Trưa đến, bốn vị thánh đi bát về, lựa chọn những vật thực ngon nhất, họ mang đến, dâng cúng cho đức Thế Tôn. Sau khi giữ lại phần mình, họ cũng trân trọng dâng cúng cho vị trưởng lão tôn kính, ngài Koṇḍañña, và một phần phải lẽ cho ông công tử giàu sang quý phái. Yasa cảm động quá, đồng thời có một niềm vui mới mẻ tràn ngập tâm hồn làm cho chàng chỉ biết trào nước mắt. Lạ lùng quá là những thức ăn này! Đây là thức ăn của các bậc thánh nhân, thức ăn có được bởi những gót chân trần vô nhiễm, bởi sự tinh lọc của những năm tháng dài tu tập đã ưu ái chia sẻ cho, nên chàng thọ dụng rất cẩn trọng. Mấy mươi năm sống trong giàu sang nhung lụa, mọi thức ăn, thức uống cầu kỳ, quý hiếm trên rừng, dưới biển đầy đủ dưỡng chất và mỹ vị, không có gì Yasa chưa từng thọ dụng, thế nhưng, chàng đã chán ngán chúng. Còn ở đây, chỉ với những thức ăn tầm thường này mà sao nó ngon thế! Và khi nhìn đức Phật và các vị sa-môn ngồi kiết già, với bình bát trước mặt, đầu hơi cúi xuống, mấy ngón tay của bàn tay phải vo tròn thức ăn, cẩn trọng, nhịp nhàng, uyển chuyển như những ngón tay của nhạc công nắn vuốt điêu luyện trên những sợi dây đàn, chẳng có động tác nào là thiếu, thừa, chẳng có cử chỉ nào là không giác niệm, Yasa mới hiểu biết và cảm nhận được thêm rằng, giáo pháp và con người là một. Đức Phật và các vị thánh sa-môn này đã thể hiện được lý tưởng rốt ráo của Vệ-đà, là điều mà chưa vị thánh bà-la-môn nào làm được: Hòa đồng tiểu ngã vào đại ngã! Tuy nhiên, đại ngã ở đây không phải là vũ trụ nhất thể siêu hình, không phải là thượng đế hữu ngã toàn năng, không phải là năng lực huyền bí siêu linh mà nó hiện thực, cụ thể và có sự sống nhân văn hơn thế! Ở nơi các ngài: Hiểu và thấy, trí và giác, tri và hành, thân và tâm... đều được thắp sáng trong một niệm hiện tiền tỉnh thức, viên dung và nhất thể! Là một thanh niên có sở học vững chắc, Yasa chỉ nhìn ngắm, tư duy là có thể hiểu thêm, thấy thêm một tầng nữa của giáo pháp: Cái tiềm ẩn bên trong mà hiển bật ra bên ngoài!

Trong lúc ấy, tại tòa trang viện giàu sang bậc nhất ở thành phố Bārāṇasī, cha mẹ Yasa hốt hoảng khi thấy Yasa mất tích. Bà mẹ là người phát hiện đầu tiên khi lên lầu thăm con trai, bà đau khổ tột cùng, đầu bù tóc rối, hớt hải chạy tới chạy lui, nước mắt nước mũi dầm dề. Người cha hay tin cũng bàng hoàng cả người, nhưng ông đã sớm tỉnh táo, suy nghĩ rằng: Mỹ nữ, tiệc tùng, tửu sắc, ca vũ... đối với con trai ta, từ lâu, dường như nó nhàm chán rồi. Ta thấy trong đôi mắt nó là sự mệt mỏi, lờ đờ. Ta không thấy nó có được một nụ cười thật sự vui vẻ. Nó hay thở dài. Dáng đi của nó không còn nhanh nhẹn, toát ra cái sức sống thanh xuân nữa. Và nó cũng hay nhìn ra xa đâu đó ở cuối chân trời...

Ông bảo với gia nhân, hằng chục người đang chầu chực xung quanh đợi ông sai bảo:

- Các ngươi hãy tản mác ra xa thành phố, đi tìm kiếm trong các khu rừng ở ngoại ô, chắc chắn công tử của các ngươi đang lang thang đâu đó giữa núi đồi, giữa thiên nhiên tịch lặng...

Nói xong, các gia nhân lên những con ngựa khỏe lao vụt đi; và chính ông cũng tất tả lên đường. Do linh tính mách bảo, ông leo xe hai ngựa tiến lần về phía Isipatana. Tại chỗ ngựa không còn đi được, ông đi bộ lần theo con đường mòn để đến Lộc Uyển. Khá trưa, người quản gia lanh lẹn, phi ngựa ngược chiều, trên tay cầm đôi hài nhung thêu chỉ vàng:

- Là đôi hài của công tử, thưa chủ, con đã tìm thấy trong rừng tu của các sa-môn khổ hạnh!

Người quản gia dẫn đường. Buổi trưa, khu rừng tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng lá xào xạc, mấy chú nai hồn nhiên gặm cỏ, thỉnh thoảng rơi xuống vài tràng chim hót líu lo. Ông trưởng giả cảm nghe tâm hồn mình yên ổn trở lại. Theo con đường mòn, họ lần đến chiếc cốc lá có vẻ lớn rộng nhất, nằm giữa hai cội Assattha cổ thụ tàn lá xanh um, mát mẻ. Đức Phật đã đứng bên cửa, thân phụ Yasa cúi chào ngài, đưa đôi hài ra và thăm hỏi tin tức về con trai của mình. Đức Phật đã biết chuyện này và ngài đang có ý chờ đợi. Yasa đang ngồi bên cạnh, nhưng đức Phật đã sử dụng thần thông che giấu đi rồi nói rằng:

- Hãy bình tĩnh và hãy ngồi xuống đây, ông trưởng giả! Rồi ông sẽ tìm thấy con trai yêu quý của mình!

Xiết đổi vui mừng, ông trưởng giả cung kính chấp tay xá chào rồi lặng lẽ ngồi xuống. Đức Phật bắt đầu vào chuyện. Ngài nói rằng, không ai là không đau khổ, không ai là không sầu muộn. Ông trưởng giả giàu sang tột đỉnh, ngồi trên đống châu ngọc, bạc vàng, của cải, tài sản nhưng dễ gì có được giây phút thanh bình, hạnh phúc, có phải thế không? Đêm ngày ông sống trong lo sợ. Lo sợ bị mất cắp, lo sợ nạn nước lửa, lo sợ kẻ phản bội, lo sợ và nghi kỵ cả kẻ ăn người ở, lo sợ thuế má và các tâm lý thất thường của vua quan, không biết họ sẽ bị vu oan, vu cáo, vu chụp và tịch thu gia sản lúc nào! Bây giờ, đứa con trai duy nhất được thương yêu, cưng chiều như trứng để đầu đẳng lại làm cho ông hụt hẫng, sầu muộn... là tại vì sao, nguyên nhân bởi đâu, ông trưởng giả?

Đức Phật, như một vầng trăng sáng, từ từ nói, và ông trưởng giả thì chăm chú lắng nghe. Thỉnh thoảng, ông lại ngước nhìn đức Phật: Ồ, vị này, không phải là người đâu, lại càng không phải những du sĩ lang thang khất thực nhan nhản trong thành phố. Từ cách phục sức y áo, râu tóc đến cung cách, cử chỉ, ngôn ngữ đều toát ra cái thanh sáng, cao đẹp và an bình một cách lạ lùng! Lại nữa, ông ta như nhìn xuyên thấu, thấy rõ cả những tâm sự, ý niềm lao xao của ta nữa! Ồ, ông ta đã nói đúng làm sao! Ta không có hạnh phúc, ấy là điều chắc thật, nhưng ngay chính cả vợ con, ta cũng không dám nói ra điều ấy! Ta đối diện với cô đơn và hư vô của chính mình.

Đức Phật đọc được ý nghĩ của ông trưởng giả, nên ngài từ từ khai mở. Khởi từ những dukkha hiện tại, đức Phật giảng nói đến con đường khả dĩ được thanh bình và an lạc hơn, cái gì tạo nên những trạng thái tâm lý thanh lương, nhẹ nhàng và mát mẻ. Thế là đức Phật chỉ nói sơ một chút về Khổ đế, sau đó giảng thêm những pháp thuận thứ, nhưng đã triển khai cách khác, hợp với căn cơ, trình độ và hoàn cảnh cụ thể của ông trưởng giả hơn!

Nghe xong thời pháp, nhờ có trí, ông trưởng giả đắc quả Tu-đà-hoàn, Pháp nhãn, ông sung sướng quá. Lần đầu tiên trong đời, ông cảm nghiệm sâu sắc sự biến chuyển lạ lùng của con người ông, từ cách nhìn về bản thân và cuộc đời, cho đến các quan niệm vui khổ giữa thế gian. Quả thật ông đã được chuyển hóa. Ý nghĩa về thời pháp của đức Thế Tôn như cơn mưa rào mát mẻ đã xối sạch một phần đau khổ và phiền muộn ở trong ông.

- Như Lai là người tỉnh thức, là người giác ngộ - Đức Phật chậm rãi nói - Là người mà không phải người, cũng chẳng phải thuộc nhóm những du sĩ lang thang, ta bà khắp thành phố quê hương của ông. Giáo pháp mà Như Lai giảng nói không ở trong truyền thống tôn giáo quen thuộc. Là con đường mà Như Lai đã tự tìm ra. Như Lai đã giải thoát tất thảy mọi phiền não; đã thông tỏ, thấu suốt tất thảy mọi tâm, mọi cảnh, mọi nhân, mọi quả, mọi tánh, mọi tướng, mọi duyên, mọi báo của tất thảy chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Như Lai là Phật, phải hiểu đúng như thế!

Ông trưởng giả lạnh người khi thấy đức Phật đọc được tâm ý của mình, bèn tỏ ra quy thuận:

- Bạch đức Tôn Sư! Nhờ hồng ân của ngài cùng với thời pháp vi diệu, con đã rất mát mẻ tâm hồn và đã thấy đường để đi. Ngài đã dựng lại ngay ngắn các đồ vật đã bị lật đổ. Ngài đã chỉ trỏ cho con thấy những cái gì đã bị giấu kín. Ngài đã chỉ lối đưa đường cho những người lạc bước. Ngài đã cầm ngọn đèn rọi sáng trong đêm tối để cho ai có mắt có thể trông thấy. Xin cho con được nương tựa nơi đức Thế Tôn và nương tựa nơi Giáo pháp ấy!

- Còn nữa, này ông trưởng giả - Đức Phật nói – Ông phải còn cần nương tựa nơi Tăng đoàn thánh hạnh của Như Lai nữa!

Cả năm vị thánh A-la-hán không biết từ đâu đã ngồi oai nghi, trang nghiêm, thanh tịnh xung quanh đức Phật. Sợ hãi quá, ông quỳ xuống, sụp lạy. Đức Phật bèn hướng dẫn cho ông trưởng giả cách đọc quy y. Và ông đã trở thành vị thiện nam thứ ba(1), và là cận sự nam (upāsaka) đầu tiên quy y Tam Bảo trong giáo hội của đức Tôn Sư.

Bây giờ, ông trưởng giả mới sực nhớ là ông đến đây để tìm tông tích của người con trai! Đức Phật biết điều ấy, ngài thâu lại thần thông thì công tử Yasa đang ngồi bên cạnh! Gặp lại con, ông mừng mừng tủi tủi. Mà sao lạ, tâm hồn ông đã thay đổi. Và nhìn nét mặt an lành, thanh thản của Yasa, ông chợt hiểu là con trai ông còn thay đổi sâu sắc hơn cả ông. Và chỉ có đức Phật và chư vị thánh tăng mới biết rõ là vị công tử kia đã đắc quả A-la-hán sau khi nghe thời pháp mà đức Phật giảng nói cặn kẽ cho ông trưởng giả.

- Này con! Ông trưởng giả nói - Mẹ con đang đau khổ lắm. Con hãy trở về “để cho mẹ con đời sống”!

Yasa chợt đưa mắt nhìn đức Phật, hiểu ý Yasa muốn xuất gia nên ngài đỡ lời:

- Này ông trưởng giả! Ông là người đã thấy pháp, đã quy y Tam Bảo, đã trở thành một cận sự nam, bây giờ ông hãy suy nghĩ đi! Yasa, con trai ông, bây giờ đã là một vị thánh, một bậc A-la-hán, một người đã vĩnh viễn cắt lìa mọi ô nhiễm, phiền não, sống đời giải thoát, viễn ly các dục, các hữu. Một con người như vậy thì có thể nào trở lại với đời sống đoanh vây bởi dục lạc của trần thế? Như một con chim đã sổ lồng, có khi nào nó muốn chui trở lại vào trong cái lồng! Như kẻ đã ra khỏi tù, có bao giờ muốn trở lại chốn lao tù? Như con thú đã vùng vẫy ra khỏi cái bẫy của người thợ săn lại muốn trở lại nằm trong cái bẫy? Hãy trả lời đi và Yasa sẽ vâng theo tri kiến và chủ ý của ông!

Đưa mắt lặng lẽ nhìn đức Phật, năm vị thánh tăng và Yasa nữa, ông trưởng giả cảm nhận được cả một không gian an bình, thanh tịnh và siêu thoát; lại nữa, giáo pháp ông vừa được thọ hưởng mà dư vị của nó còn tràn đầy, thấm đẫm tâm và trí, ông hiểu rất sâu sắc rằng là Yasa đã chọn lựa đúng, bèn cúi gập đầu xuống:

- Bạch đức Thế Tôn! Con trai của đệ tử đã bước vào đạo lộ trong sạch rồi, không thể nào thích thú trở lại trong vũng bùn dơ uế nữa. Đệ tử đã thấy. Vậy thì ngay ngày mai, xin cung thỉnh đức Thế Tôn, có chư tăng và Yasa theo hầu đến nhà đệ tử để cho đệ tử có dịp đặt bát cúng dường buổi ngọ trai!

Đức Phật nhận lời trong im lặng. Đám gia nhân của ông trưởng giả ngồi đứng lố nhố đầy đặc ở bên ngoài. Họ dìu ông trưởng giả, có vẻ không còn sầu muộn nữa trở về nhà, còn Yasa thì ở lại với nhóm sa-môn khổ hạnh, họ không hiểu tại sao, nhưng không dám hỏi.

Đợi mọi người đi khuất, Yasa quỳ năm vóc sát đất, dưới chân đức Phật:

- Bạch đức Thế Tôn! Hãy cho con được sống trong Tăng đoàn thánh hạnh!

Ngồi lại trong tư thế kiết-già, đức Phật chứng minh rằng là Yasa đã là vị tỳ-khưu, rồi ân cần nhắc nhở rằng: Bây giờ con hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng trong sạch vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người! Quay qua Koṇḍañña, đức Phật nói:

- Phẩm mạo, tăng tướng, y bát, cách mặc y, mang bát, tứ oai nghi, cách trì bình khất thực của Yasa, bây giờ là phần việc của ông, do ông và huynh đệ sắp đặt, hướng dẫn!

Thế rồi, sáng hôm sau, sáu vị tỳ-khưu thánh tăng A-la-hán tháp tùng đức Phật, thong dong, nhàn nhã đi đến Bārāṇasī, vào trang viện gia đình của Yasa, tại trung tâm thành phố. Tướng mạo, phong cách của đức Phật cùng sáu vị thánh tăng, Yasa theo sau đều thuộc thành phần trí thức, tóc râu sạch sẽ, y áo tươm tất, lại còn được thu thúc thanh tịnh, trang nghiêm nữa, là hình ảnh mới lạ, lần đầu tiên tại thủ phủ của tôn giáo bà-la-môn này! Người ta không ngớt xôn xao, bàn tán. Người ta tụ họp từng nhóm nhỏ, lặng lẽ nhìn, tò mò hoặc đưa tay chỉ trỏ. Có lẽ là họ phát hiện Yasa, vị công tử giàu sang, con nhà cự phú nổi tiếng ăn chơi cũng ở trong đoàn sa-môn!

Những tấm thảm nhung đỏ được trải từ ngoài cửa, có nước rửa chân. Gia nhân đứng hầu ăn mặc đồng phục màu mè như lễ hội. Vào nhà, chỗ ngồi đâu đó được thu xếp chu đáo, cẩn trọng, sang trọng. Cha mẹ của Yasa và bà vợ chính của Yasa đích thân quỳ lạy, nghênh tiếp, sắp đặt, hầu soạn lễ phẩm, thực phẩm. Thỉnh thoảng, họ lại ngừng tay, chăm chú nhìn Yasa với tình cảm buồn vui xen trộn phức tạp.

Nước rửa tay đựng trong những chiếc bình bằng vàng. Khăn lau tay là gấm lụa thượng hạng tẩm hương chiên-đàn. Thực phẩm cứng mềm thượng vị công phu và cầu kỳ. Họ dâng vào bát cho đức Phật và chư vị tỳ-khưu. Các ngài thọ dụng trong lặng lẽ.

Quán cơ duyên, thời pháp sau đó của đức Phật cũng đưa hai vị phu nhân vào quả vị Nhập lưu, tịnh tín bất động tâm nên việc xuất gia của công tử Yasa lại trở thành hỷ sự trong gia đình. Và hai bà cũng xin được quy y Tam Bảo, trở thành hai cận sự nữ (upāsikā) đầu tiên trong giáo hội của đức Phật.

Ít hôm sau, sự kiện Yasa xuất gia, đi theo đoàn sa-môn một tôn giáo lạ, có một vị Phật vừa mới ra đời, xuất thân là một thái tử tạo nên một chấn động lớn làm cho cả thành phố Bārāṇasī xôn xao, dư luận bàn tán sâu rộng nhất là trong thành phần trí thức. Một thanh niên có một gia sản cự phú, sống trong giàu sang nhung lụa, có cả ba tòa biệt điện, kẻ hầu người hạ, hưởng thọ dục lạc như một vị tiểu vương thế mà phất tay bỏ đi sống đời không cửa, không nhà! Giáo lý ấy chắc hẳn có một sức thu hút mãnh liệt? Giáo lý ấy chắc hẳn có một tư tưởng phi thường? Giáo lý ấy ở trong truyền thống hay ở ngoài truyền thống? Những nghi vấn ấy tạo nên sự tò mò, cuốn hút bốn vị công tử các gia đình thương gia danh giá, giàu sang khác: Đó là Vimāla, Subāhu, Puṇṇāji và Gavampati là bạn thân của Yasa tìm đến Lộc Uyển để hỏi đạo. Rồi sau thời pháp vi diệu, cả bốn công tử đều đắc quả A-la-hán, thọ giới tỳ-khưu, theo chân đoàn sa-môn khất sĩ không trở về thăm gia đình nữa! Chưa hết, năm mươi thân hữu khác của năm vị đều là thành phần ưu tú, trí thức ở rải rác trong thành phố và các vùng phụ cận, nghe tin lạ lùng, kẻ sau, người trước tìm đến, rồi họ cũng đắc quả A-la-hán, trở thành tỳ-khưu chẳng màng đời sống ngũ dục, gia đình và sự nghiệp thế gian!



(1)Hai vị thương gia Miến Điện là hai cư sĩ đầu tiên quy y Nhị Bảo!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/10/2024(Xem: 1806)
Bầu không khí chính trị trên thế giới hiện nay đang nóng bỏng vì khuynh hướng độc tài, cực đoan, chia rẽ, hận thù và cuồng vọng không thua kém gì bầu khí quyển của địa cầu đang nóng dần lên do khí thải nhà kính gây ra. Cả hai đều do con người tạo ra và đều là thảm họa cho nhân loại! Nhưng thảm họa này không phải là điều không thể giải quyết được, bởi lẽ những gì do con người gây ra cũng đều có thể do con người ngăn chận và hóa giải được. Cụ thể là hàng chục năm qua, Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực kêu gọi, bằng các nghị quyết, các quốc gia cố gắng thực hiện các biện pháp giảm khí thải nhà kính, với các chính sách cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, gia tăng sản lượng xe chạy bằng điện năng, v.v… Dù kết quả chưa đạt được mức yêu cầu, nhưng cũng đã gây được ý thức và thể hiện quyết tâm của cộng đồng thế giới trong việc giải quyết thảm họa của khí thải nhà kính.
04/06/2024(Xem: 4483)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 3935)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
07/02/2024(Xem: 7950)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 9676)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 17414)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 15314)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
03/05/2023(Xem: 11749)
Khi Phật giáo (PG) du nhập vào Trung Hoa (TH) lần đầu tiên từ Ấn-độ và Trung Á thì những TH theo PG có khuynh hướng coi tôn giáo này là một phần hay một phái của Đạo Giáo Hoàng Lão, một hình thức Đạo Giáo bắt nguồn từ kinh sách và pháp thực hành được coi là của Hoàng Đế và Lão Tử. Những người khác chấp nhận ít hơn tôn giáo “ngoại lai” xâm nhập từ các xứ Tây Phương “man rợ” này PG là xa lạ và là một sự thách thức nguy hiểm cho trật tự xã hội và đạo đức TH, Trong mấy thế kỷ, hai thái độ này tạo thành cái nôi mà ở trong đó sự hiểu biết PG của người TH thành kính, trong khi các nhà
21/04/2023(Xem: 12533)
Thượng Tọa Thích Trí Siêu từ Pháp Quốc sẽ giảng pháp tại Úc Châu vào tháng 4 năm 2023 -- Thượng Tọa Thích Trí Siêu sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Theo cha mẹ tỵ nạn qua Pháp năm 1975. Năm 1985 nhập chúng tu học tại Tự Viện Linh-Sơn, tỉnh Joinville-le-Pont, Paris. Năm 1987 thọ cụ túc giới với Hòa Thượng Thích Huyền-Vi. Tuy xuất thân từ Đại Thừa, nhưng Thầy đã không ngần ngại du phương tham vấn và tu học với nhiều truyền thống khác như : Nguyên Thủy, Đại Thừa, Kim Cang Thừa Tây Tạng.
20/04/2023(Xem: 14451)
Học đạo quý vô tâm Làm, nghĩ, nói không lầm Sáng trong và lặng lẽ Giản dị mới uyên thâm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]