VÀI CẢM TƯỞNG PHÁT BIỂU TẠI ÐẠI HỘI VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM Ở SAN DIEGO NGÀY 4.1.2003
Ỷ LANÜ
Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa có đề nghị tôi phát biểu đôi lời cảm tưởng về Ðại hội Văn hóa Phật giáo hôm nay. Xin thành thật cảm ơn mỹ ý của Thượng tọa.
Thực sự, tôi rất xúc động đến tham dự Ngày hội Văn hóa Phật giáo tổ chức lần đầu tiên ở hải ngoại. Từ sáng đến giờ chúng ta đã được nghe những Ðại gia văn hóa Phật giáo, từ trong nước ra đến ngoài nước, phát biểu. Riêng tôi, là ngoại nhân của nền văn hóa ấy, vì tôi chỉ là một người ngoại quốc chưa hề có vinh hạnh đặt chân lên đất nước Việt Nam, nên sự hiểu biết về nền văn hóa lớn lao này hết sức thô thiển. Nhưng theo dõi và lắng nghe, tôi mừng rỡ một điều, là mình không hiểu sai lạc nền văn hóa ấy, mình đã đi đúng đường khi tháp tùng và sống với nền văn hóa này bao nhiêu năm qua.
Hình ảnh của Việt Nam và Phật giáo gây chấn động tâm tư tôi hồi còn trẻ, hồi tôi chưa hề biết Việt Nam ở đâu trên quả địa cầu. Ðó là hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Ðức tựï thiêu mà tôi nhìn thấy trên truyền hình bên Anh quốc vào tháng 6 năm 1963. Lúc ấy, lòng từ bi trong tôi được thức tỉnh, cùng lúc với một nguồn Ánh sáng vô biên chọc thủng màn sương mù Anh quốc, soi sáng thế giới trầm lặng yên ả nơi quê hương tôi. Tôi bắt đầu thấy còn nhiều điều mình phải lưu tâm trên trái đất, còn có những thế giới khác ngoài thế giới mình đang sống, còn có nhiều nền văn hóa, văn minh ngoài nền văn minh Tây phương. Nghĩ lại thời ấy mình chẳng khác chi con ếch nằm đáy giếng. Thời gian sau, tình cờ mà cũng là may mắn lớn, tôi đến nghe anh Võ Văn Ái thuyết trình về Văn hóa Việt Nam và Phật giáo tại cố đô York của tôi. Hồi đó nhiều phong trào đấu tranh rầm rộ ở phương Tây cho hòa bình Việt Nam. Nhưng hầu như tất cả các phong trào này chống Mỹ và ủng hộ lập trường chính trị của Hà Nội. Ðiều gây ngạc nhiên và chú ý cho chúng tôi ở York là anh Ái nói đến một thực tại khác về đa số thầm lặng của nhân dân Việt Nam đang là nạn nhân của cuộc chiến tranh thừa sai của các siêu cường.
Ðó là con đường đưa tôi đến với Việt Nam : qua hình ảnh của một vị Bồ Tát cứu đời, như một nền văn minh của Ánh Sáng Thức tỉnh, rồi qua trung gian của anh Ái, tôi được học tập và thấm nhuần nền văn hóa Việt Nam và Phật giáo.
Ngày nay, đi thuyết trình đây đó trong cộng đồng người Việt hải ngoại, thỉnh thoảng tôi nghe có số người chủ trương rằng, bây giờ chỉ nên chuyên lo “tu học, tu hành”, chỉ nên “làm văn hóa” mà thôi, đừng “tranh đấu”, đừng “làm chính trị”.
Tôi ngạc nhiên vì sao nền tư tưởng Bất Nhị của Ðông phương bỗng tha hóa thành lối suy nghĩ Nhị nguyên như thế ? Khi đọc sách và nghiên cứu về Việt Nam, tôi thấy suốt quá trình 2000 năm, những nhà Sư, những Cư sĩ Phật giáo luôn đứng đầu trên mọi trận tuyến bảo vệ nền độc lập dân tộc, phát triển xã hội và chiến đấu cho sự tự do, an lạc và no ấm của con người. Trong quá trình lịch sử ấy, tôi không hề thấy sự phân biệt giữa văn hóa với chính trị, giữa xã hội với tôn giáo, giữa đời và đạo. Trong những năm qua, khi tiếp xúc và làm việc chung với người Tây Tạng, tôi cũng nhận thấy tính chất không phân haiy hệt như lối suy nghĩ và hành động của người theo đạo Phật trong quá khứ lịch sử Việt Nam.
Ðức Dalai Lama là hình ảnh đại diện của một nền Văn minh Ánh sáng Giác ngộ. Nghe Ngài nói chuyện, tôi không biết Ngài đang thuyết trình về một lập trường chính trị hay Ngài đang thuyết pháp ? Thế nhưng sự ăn nói của Ngài thuyết phục chúng ta và thế giới, vừa là một giải pháp chính trị cho toàn dân Tây Tạng, vừa là sự khai mở cho quê hương tâm linh nhân loại. Ðâu là biên giới giữa chính trị và tôn giáo ? giữa thế tục và tâm linh ? Tôi nghĩ rằng, phải chứng đắc Phật Pháp mới vượt qua khỏi mọi lằn ranh phân biệt làm thiệt hại cho hạnh nguyện Bồ tát cứu đời. Mấy năm trước, được Ðức Dalai Lama mời, tôi tháp tùng anh Võ Văn Ái đến thăm Dharamsala, thủ đô tị nạn của người Tây Tạng. Tại đây, tôi cũng nhận rõ sự không phân haitrong đời sống hằng ngày của người Tây Tạng. Họ hoạt động tại Quốc hội Tây Tạng, hay họ gia công trong các xưởng thủ công mỹ nghệ, họ tập luyện và bảo trì các vũ điệu truyền thống, hay họ công tác tại Trung tâm Nhân quyền Dân chủ, họ tụng niệm trong các tu viện, hay từ các văn phòng Ðại diện tại các thủ đô AÂu Mỹ họ về nhận chỉ thị ở Dharamsala... những hình thái sinh hoạt khác nhau, trên những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Nhưng tất cả họ đều hướng tới mục tiêu duy nhất : giải phóng Tây Tạng và phát huy nền văn hóa tâm linh của Tây Tạng.Không một thoáng giây phân biệt, đâu là văn hóa, đâu là chính trị, đâu là đạo, đâu là đời, đâu là tăng, đâu là tục. Việc gì họ cũng thong dong tham gia, vì họ mang lý tưởng duy nhất : Trên cầu Trí Giác, dưới cứu Chúng sinh. Ðó là chỗ khác với những quan điểm nhị nguyên đang phân hóa xã hội và làm khổ đau loài người.
Ý nghĩ cuối cùng tôi xin được nêu ra làm lời kết luận. Ðó là hình ảnh của Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, vị lãnh đạo Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và cũng là Bổn sư của tôi. Năm nay Ngài đang “kỷ niệm” năm tù đày thứ 20. Người ta dùng chữ kỷ niệm để nhắc những gì vui, ở đây tôi lại muốn kỷ niệm một chuyện buồn lòng của bậc Cao tăng mà cũng là chuyện bi thảm của người dân Việt. Những bậc Cao tăng giáo phẩm lâm hoàn cảnh tương tự, như Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, hay hai Thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu Lê Mạnh Thát, thì nhờ cuộc đấu tranh của toàn thể Phật tử hải ngoại, trong đó có Cơ sở Quê Mẹ và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, tạo nên áp lực quốc tế mạnh mẽ, ba vị đã được ân xá năm 1998. Dù rằng, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, đã bị nhà cầm quyền cộng sản bắt cầm tù trở lại kể từ tháng sáu năm ngoái.
Ở Ðại hội hôm nay, chúng ta vui mừng đón nhận hai thông điệp của hai Thượng tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu Lê Mạnh Thát từ trong nước gửi ra. Ðiều tôi vô cùng thích thú, là cách xa hàng chục nghìn cây số, không hề được gặp nhau, vậy mà thông điệp của Thượng tọa Lê Mạnh Thát nhắc đến bài thơ “Vận nước” của thiền sư Pháp Thuận, bài tham luận của anh Võ Văn Ái cũng nhắc đến thiền sư Pháp Thuận với bài “Vịnh Nga” đối đáp với sứ Lý Giác và bài “Vận nước” mà anh đã cho đăng trên giai phẩm Quê Mẹ Xuân năm 1987 như một Tuyên ngôn Dựng nước, một Tuyên ngôn Hòa bình.
Tôi chưa có cơ duyên gặp hai Thượng tọa, nhưng đã biết tên tuổi hai vị từ lâu. Do anh Ái giới thiệu và cũng do cuộc vận động quốc tế mà tôi trực tiếp tham gia khi nghe tin hai Thượng tọa bị cộng sản kết án tử hình năm 1988. Cộng sản rất khôn, khi kết án họ chỉ gọi tên thế tục là Phạm Văn Thương và Lê Mạnh Thát, mà không nêu Pháp danh, Pháp vị. Thời ấy không như bây giờ, các hãng thông tấn quốc tế chưa có nhiệm sở ở Hà Nội, báo chí trong nước không phổ biến ra nước ngoài. Do hoạt động lâu năm, cơ sở Quê Mẹ của chúng tôi có đường dây riêng để theo dõi tin tức trong nước. Khi hay tin, chúng tôi báo động tức khắc cho các tổ chức Nhân quyền trong thế giới như AÂn xá Quốc tế, Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Human Rights Watch, v.v... nói cho họ biết Phạm Văn Thương là Thích Tuệ Sỹ đó, Lê Mạnh Thát là Thích Trí Siêu đó. Chúng tôi còn can thiệp đồng thời cho người lãnh án tử hình thứ ba là ông Trần Văn Lương, mà ít ai trong cộng đồng để ý. Cứu người như cứu lửa, xong việc thông tin, chúng tôi bỏ ra 13 ngày vận động khẩn cấp đến các chính phủ trong thế giới, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế lớn. Hầu như các Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch các Quốc hội AÂu, Mỹ, Úc, Á đều đáp lời của cơ sở Quê Mẹ lên tiếng bênh vực cho hai Thượng tọa. Tại Hoa Kỳ, nơi mà chúng ta đang mở Ðại hội Văn hóa hôm nay, tuy chưa có bang giao với Việt Nam thời ấy, nhưng chính phủ Hoa Ky øcũng đã đáp ứng lời kêu gọi của chúng tôi tham gia tạo áp lực. Chủ tịch Công đoàn Hoa Kỳ AFL-CIO, đại diện cho 14 triệu đoàn viên, chính thức viết thư về Hà Nội phản đối và yêu sách. Một sáng kiến của anh Ái mà sau này chúng tôi mới nhận thấy là độc đáo. Trong bữa họp của cơ sở Quê Mẹ, ai cũng lo âu thắc mắc : “Làm sao cứu gấp hai Thầy ? Cộng sản sẽ làm ẩu để giết hai nhân tài của Phật giáo ? Cứu hai Thầy cũng là cứu Phật giáo”. Bàn qua tính lại, anh Ái điềm tỉnh đưa ý kiến : “Mình đã thành công dấy động dư luận AÂu Mỹ rồi. Bây giờ phải đến nhờ các quốc gia thân hữu với Hà Nội thì may ra cứu được hai Thầy. Thụy Ðiển là nước ủng hộ Hà Nội từ trước năm 1975, phải lên đó một chuyến”. Ngày hôm sau, tôi và anh Ái đi Thụy Ðiển xin gặp Thủ tướng Ingvar Carlsson, tha thiết trình bày vận mệnh như tơ mành trước gió của hai nhà đại tri thức Phật giáo, và là nhân tài của Việt Nam, để xin cầu cứu. Bất ngờ thấy gương mặt Thủ tướng xúc động, ông liền đánh điện sang Thái Lan yêu cầu Ngoại trưởng Thụy Ðiển đi gấp sang Việt Nam can thiệp cho hai Thượng tọa, lúc ấy ông này đang công tác ở Bangkok. Trở về Paris mấy hôm, Thủ tướng Ingvar Carlsson viết thư báo tin vui cho anh Võ Văn Ái, rằng Ngoại trưởng đã đến Hà Nội gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và chính phủ Việt Nam can thiệp và đã được lãnh đạo cộng sản hứa hủy án tử hình cho hai nhà Sư, còn trường hợp ông Trần Văn Lương họ chưa tìm ra hồ sơ. Do anh Ái chất vấn liên tục tại các khóa họp nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, mấy năm sau Phái đoàn Hà Nội trả lời là ông Lương vẫn còn sống trong một trại giam.
Kể lại một kinh nghiệm có ý nghĩa đã qua liên hệ đến hai Thượng tọa mà tôi chứng kiến và tham dự. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây không là chuyện tù đày, là chuyện cơm bữa tại Việt Nam. Ðiều tôi muốn được quý liệt vị lưu tâm, là mấy mươi năm qua khi hàng giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo bị tù đày, thì mấy mươi năm ấy, nền Văn hóa Giác ngộ của đạo Phật cũng bị truy bức, bị xích xiềng.
Xin quý vị thử nghĩ đến bao nhiêu năm chư vị Cao tăng bị quan chế, tù đày ấy, biết bao là tác phẩm văn học Phật giáo không được quyền trước tác, xuất hiện, lưu truyền, thì chúng ta sẽ hiểu ngay tấn bi kịch văn hóa và cuộc đại nạn của Phật giáo và quê hương Việt Nam ngày nay.
San Diego, 4.1.2003
Ỷ Lan
ÜPhó chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, kiêm Phó Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đặc trách Vụ Quốc tế.
--- o0o ---