Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân hai bài thơ của Thiền sư Pháp Thuận.

09/04/201312:16(Xem: 3611)
Nhân hai bài thơ của Thiền sư Pháp Thuận.



Nhân hai bài thơ của Thiền sư Pháp Thuận,
nghĩ đến Hình ảnh Văn hóa và Văn hóa hình ảnh
(Tham luận tại Ðại hội Văn hóa Phật giáo Việt Nam ở San Diego, 4.1.2003)

Võ Văn ÁiÜ

Triển lãm, thuyết trình, đại hội, thường khi giới thiệu cho chúng ta những hình ảnh văn hóatrong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Ðây hẳn nhiên là thành tựu mà Ðại hội Văn hóa Phật giáo do Thượng tọa Thích Nguyên Siêu, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa, trực thuộc Văn phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trì và ra công tổ chức hôm nay tại San Diego.

Ðược Thượng tọa mời từ Paris đến tham gia góp ý về vai trò của Văn, Thi, Nghệ sĩ Phật giáo trong đời sống Văn học hải ngoại. Tôi tự thấy không đủ thẩm quyền, mà cũng không có thói quen, nói cho đúng là không muốn định nghĩa « vai trò » của người làm văn học, là lĩnh vực mà sự tự do hầu như bất khả xâm phạm. Thay vì làm cuộc định nghĩa, tôi xin đề cập đến hai bài thơ của Thiền sư Pháp Thuận trước tác vào thời Tiền Lê, thế kỷ thứ X Tây lịch. Tự thân hai bài thơ này thể hiện đặc sắc nền văn hóa hình ảnh,qua đó nói lên thế đứng hiến dâng của con người Văn Thi Nghệ sĩ Phật giáo trong xã hội loài người.

Năm Ðinh Hợi (987) nhà Tống sai Lý Giác đến Việt Nam. Tới bến Sách giang, vua Lê Ðại Hành nhờ thiền sư Pháp Thuận cải trang làm phu chèo đò đi đón sứ. Thuyền vừa rời bến, Lý Giác trầm ngâm ngắm phong cảnh hữu tình. Chợt thấy hai con ngỗng bơi trên dòng nước biếc, Lý Giác vụt miệng ngâm lớn :

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Nghĩa là :

Ngỗng kia ngỗng một đôi

Ngưỡng cổ ngóng chân trời[1]

Sư Pháp Thuận khoan thai chèo đò, nghe thế liền đọc tiếp hai câu :

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba

Nghĩa là :

Nước xanh lông tuyết trải

Sóng lục chân hồng bơi[2]

Sứ Lý Giác lấy làm kinh dị, như tự hỏi với chính mình : Lạ thật cho nước Nam này, một kẻ chèo đò cô lậu thế kia mà chữ nghĩa chẳng thua gì giới nho sĩ thượng lưu bên Trung quốc. Lý Giác thầm mang lòng kính trọng, nên khi về đến sứ quán liền viết tặng bài thơ thất ngôn, mà câu thứ bảy tôn sùng vua nước ta ngang đồng với vua Trung quốc : "Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu" (Ngoài trời lại có trời soi rạng).

Thực ra bài thơ này không do thiền sư Pháp Thuận trước tác, mà chỉ là trí nhớ và kiến thức về học thuật thi văn Trung quốc đem ra đối đáp. Bài tứ tuyệt vừa trích dẫn vốn là bài Vịnh Ngacủa Lạc Tân Vương sáng tác ba trăm năm trước đó, nay được nhuận lại đôi chút. Nhưng vấn đề đặc sắc ở đây vừa là cuộc đấu trí ngoại giao, vừa là một sáng tạo thù ứng mang tính văn học trong một không gian mới và ở thời điểm có tính quyết định về vận mệnh của một dân tộc.

Bài Vịnh Ngacủa Lạc Tân Vương là một tuyệt phẩm được cổ nhân khen "Thi trung hữu họa", trong thơ có họa, thơ vẽ nên một họa phẩm. Nhưng cùng hình ảnh mỹ lệ ấy, qua cuộc đối đáp giữa một danh sĩ và một tăng sĩ, bài thơ được nâng cấp thành "Thi trung hữu đạo", thi vị tân trang thành đạo vị.

Thoạt nghe bốn câu thơ, ta cảm nhận sự hữu tình của phong cảnh, mối thanh khiết của đôi ngỗng. Nhưng đồng lúc nói lên quan điểm vũ trụ và nhân sinh của đạo Phật. Quan điểm ấy là :

Vạn vật nghìn sai muôn khác, nhưng vô thường, sinh rồi diệt, tồn tại rồi hủy phá. Tuy nhiên trong muôn nghìn biến chuyển sinh diệt kia, vẫn có cái bất biến. Như muôn nghìn lớp sóng xô đẩy, sinh thành rồi biến hoại không ngưng nghỉ kia, nước vẫn thoát ly khỏi cuộc thành hoại của sóng, mà thuật ngữ Phật giáo gọi là Chân Như. Chân Như không sinh, không diệt, Chân Như cũng chính là vạn vật. Nhưng do vô minh che lấp làm cho chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tượng, tức vạn vật nghìn sai muôn khác, biến hiện vô thường, mà không nắm bắt được bản thể Chân Như. Vô minh làm cho chúng ta phân biệt ra chủ thể và đối tượng, chia thành tâm và cảnh, khiến chúng ta lặn ngụp trong sự phân biệt nhị nguyên tranh chấp. Làm cho chúng ta không thấy được tâm và cảnh chỉ là một (Tâm cảnh nhất như), nghìn sai muôn khác nhưng vẫn chung cùng bản thể (Vạn hữu nhất thể).

Sứ Lý Giác ngâm câu "Nga nga lưỡng nga nga",thì hai chữ Nga nga đầu tiên nói lên bản thể hồn nhiên bất biến. Nhưng do tâm phân biệt qua chữ "lưỡng"là hai, mà thành ra hai con ngỗng, tức hai chữ nga nga sau cùng. Sự phân biệt này phát sinh ra hiện tượng nghìn sai muôn khác của vạn vật. Càng trầm đắm vào đó ta càng lang thang đi lạc nơi chốn bụi hồng. Chẳng sao nắm bắt được thể tính Chân Như. Ngoại trừ ta biết ngưởng cổ, "quay đầu thấy bến", nhìn về Giác hải chân thường như đôi ngổng kia :

Ngưỡng diện hướng thiên nha / Ngưởng cổ ngóng chân trời

Như vậy thì hai câu Lý Giác đọc lên mang một ý nghĩa nhận thức về nhân sinh cũng như vũ trụ của đạo Phật. Ðó là vạn vật biến sinh từ Diệu giác và đều quy hồi Giác hải Chân Như.

Còn hai câu đáp lại của Sư Pháp Thuận nói lên sự định vị giữa Cư sĩ và Tăng sĩ, đồng thời làm cuộc phân công hợp tác để hóa đạo cứu đời :

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba

Nghĩa là :

Nước xanh lông tuyết trải

Sóng lục chân hồng bơi

Chữ Bạch mao, lông trắng tuyết, hàm ý sứ giả là một người Cư sĩ áo trắng (bạch y cư sĩ) đang đem thân lo việc đời, việc nước, việc người, đang thi hành hạnh bồ tát nơi nghìn trùng sóng nước sâu thẳm xanh um (Lục thủy). Lông trắng thanh khiết của ngỗng trải trên mặt nước mà không bị nước làm cho ướt đẫm, đắm chìm ; trái lại còn thắng lướt, thong dong hiện diện khắp nơi. Còn chữ Hồng trạo, chân hồng, ám chỉ vị Hồng y tu sĩ, tức người Tăng sĩ lắng sâu vào giới, định, tuệ, để khai mở chân tâm, hoằng truyền chánh pháp. Ðôi chân cắm sâu vào dòng nước vô lượng, đạp bơi tự tại giữa muôn trùng phiền não, dục vọng, tiến về bờ giác.

Sự định vị trên đây còn là cuộc phân công hợp tác trong dòng Văn hóa Giác ngộ của Phật giáo : Người Cư sĩ sống giữa đời giữ gìn tam nghiệp thanh tịnh (thân, khẩu, ý)để trước là đền đáp Tứ trọng ân(ân quốc gia-xã hội, ân Tam bảo, ân cha mẹ, và ân Thầy-bạn), sau diệt Tam đồ khổ(là 3 cõi dữ của ngạ quỹ, súc sinh, địa ngục, mà trần gian Việt Nam ngày nay đang hiện hình 3 cõi lầm than, khổ lụy ấy). Người Tăng sĩ thì chiến thắng phiền não và dục vọng, như đôi chân hồng đạp lội giữa muôn đợt sóng phiền não, khiến cho phiền não là bồ đề, viên thành chánh quả để dẫn dắc quần sinh lên ngôi vị Bồ tát, chứ không xa lánh phiền não để đi tìm giác ngộ giữa hư vô tịch mịch cho sự vui thú riêng mình.

Trên đây là bài thơ thứ nhất mang ý nghĩa chủ đạo của nền văn hóa hình ảnhmà tôi muốn đề cập. Nó khác xa với nền văn học như một chi lưu của cuộc sống trầm luân, khổ lụy. Nay xin nhắc thêm một bài tứ tuyệt nữa để kiện toàn sự suy nghĩ của tôi.

Bài này trước tác vào thời điểm nguy kịch của nước ta vào cuối thế kỷ thứ X. Trong nước thì nạn đảng tranh, bè phái tranh giành, tham quan ô lại, mặc dân đen thống khổ. Hoàn cảnh giống y như ngày nay. Bên ngoài thì triều nhà Tống dòm ngó lăm le xâm lược nước ta ; ở biên giới phía nam, Chiêm Thành gây sự. Do đó trong cơn lo âu, vua Lê Ðại Hành ưu tư hỏi ý kiến thiền sư Pháp Thuận về vận nước và vận mạng của triều đình. Sư đáp bằng một bài thơ tứ tuyệt:

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh[3]

Nghĩa là :

Vận nước như mây cuốn

Trời Nam mở thái bình

Vô vi trên điện các

Xứ xứ hết đao binh

Trong Giai phẩm Quê Mẹ Xuân Ðinh Mão, 1987, tôi đã nói lên ý nghĩa và bình gỉang bài thơ này và gọi bốn câu thơ ấy như bản Tuyên ngôn Dựng nước, bản Tuyên ngôn Hòa bình. Ðúng là một Di chúc chính trị để lại cho người làm chính trị hôm nay.

Bài thơ với những lời bình dị song vũ bão như sấm chẻ. Những câu đơn sơ nhưng chan chứa lý sống qua hành động ngút ngàn.

Quốc tộ như đằng lạc(Vận nước như mây cuốn).Quốc tộ là Vận nước mà vua Lê Ðại Hành thao thức trông chờ, có gì khác hơn sự quấn quýt của những sợi dây mây ? Sự kết hợp hòa hài giữa nhân dân và vua, tức người làm việc nước trong ngôn ngữ ngày nay. Vận nước chỉ dài lâu, thịnh trị, khi biết kết hợp lòng người, để thoát ly số phận, định mệnh nằm ngoài tầm tay con người, hoặc sự áp đặt nô lệ của nước ngoài xẩy ra trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tư tưởng. Lòng mọi người, ngưỡng vọng mỗi con người, như dây mây leo quấn, hướng cao lên ánh mặt trời tìm chỗ đứng thích hợp, huy hoàng. Dây mây mỏng manh nhưng bền vững, lại biết tương thân tương ái cộng sinh. Khác với cây, dù là cây đại thụ, mọc nơi cố định và biệt lập đứng riêng một mình một cõi, mất khả năng di động, biến hóa. Khi tương sinh, dây mây có thể trói cả rừng già hay ôm choàng mọi sức sống xanh.

Ðó là ý nghĩa đoàn kết dân tộc, kết hợp toàn dân, trong câu thơ đầu, mà cũng là trách nhiệm ưu tiên của những người cầm quyền. Nhờ sự kết hợp bất phân nguồn gốc, giới tính, chính kiến ấy, ý thức tự chủ dân tộc mới được hình thành, mở ra một nước Việt thái bình và hùng cường dưới cõi trời Nam :

Nam thiên lý thái bình / Trời Nam mở thái bình

Chấm dứt tranh chấp, chấm dứt củi đậu nấu đậu, chấm dứt thảm trạng gà một nhà bôi mặt đá nhau.

Hai chữ đệ nhất quan trọng của bài Quốc tộ nói trên là hai chữ Vô vitrong câu thơ thứ ba. Thông thường nói đến vô vi, nhiều người quan niệm là không làm gì cả, theo điệu "Xử thế nhược đại mộng, Hồ vi lao kỳ sinh"(Ðời như giấc mộng lớn, chuyện chi lo lắng dấn thân cho mệt ?!). Thế nhưng các Ðại sư Phật giáo đem thân cứu độ sinh linh, trần thế, với quá trình Dựng Văn, Mở Nước, rồi Giữ Nước từ thời Hai Bà Trưng trải tới triều đại nhất thống cơ đồ Ðinh, Lê, lẽ nào các Ðại sư lại chủ trương sự tụ thủ bàng quan, dửng dưng sống chết mặc dân, vô vi như thế ? Huống chi quan điểm Phật giáo không hề chủ trương vô vitheo nghĩa đen không làm gì cả. Cần có nhãn thức của Kinh Kim Cang thì mới nắm bắt dược nội dung của Vô Vi.

Theo Lục độ tập kinh, bản kinh Phật giáo bằng tiếng Việt đầu tiên và xuất hiện vào thế kỷ II – III Tây lịch, thì "các niệm lắng diệt đó là vô vi". Làm sao lắng diệt các niệm ? Ðại để được gỉai thích trong truyện 81 của Lục độ tập kinh : Giữ lòng cẩn trọng, đừng kiêu ngạo, đừng lấm bụi bặm của sáu tình, lòng thanh thản không một dấu vết các ái nhỏ dù như tơ tóc, thì các niệm lắng diệt, đó là vô vi"[4].

Lão Tử định nghĩa Vô Vi ở chương 3 Ðạo Ðức Kinh là "làm cái không làm tức chẳng điều gì mà không sửa sang" (Vi vô vi tác vô bất trị),hoặc ở chương 37 : "Ðạo thường vốn không làm gì nhưng chẳng việc gì là Nó không làm. Nếu bậc Hầu vương nào giữ được Ðạo như thế, muôn loài sẽ tự biến hóa đổi thay" (Ðạo thường vô vi nhi vô bất vi. Hầu vương nhược năng thủ chi, vạn vật tương tự hóa).

Ðối với Nho giáo, Vô vi được giải thích trong Luận ngữ như sự "nghiêm túc với chính mình" theo lối "vô vi nhi trị"của Vua Thuấn. Ngoài sự nghiêm túc với chính mình, còn phải có Trí, có Ðức lớn để lãnh đạo nhân dân.

Xem thế, thì ý nghĩa Vô vi trong "Vô vi trên điện các"của bài Vận nước, biểu hiện con đường hành động trong truyền thống phương Ðông, đề xuất một mẫu người lý tưởng lắng diệt các niệm (tức vứt bỏ cố chấp, thiên kiến, nhị biên), có trí và đức để lãnh đạo đất nước, thì mới chấm dứt tranh chấp, chiến tranh, mở ra kỷ nguyên thái bình, thịnh trị. Bài học này không riêng việc mở ra con đường chính trị cho đất nước ta ở thế kỷ thứ X, mà vẫn còn giá trị tư tưởng và hành động cho Việt Nam ngày nay.

Vì vậy, bài thơ Vận nước trên đây, ngoài sáng tạo văn chương còn hàm chứa một lý sống của tư tưởng. Tạo thành nền văn hóa hình ảnh,chủ đạo cho mọi biểu tượng và ngôn ngữ. Tôi phân biệt hình ảnh văn hóavới văn hóa hình ảnh do sự bị động hay chủ đạo sáng tạo của văn hóa. Hình ảnh văn hóa là nếp sống văn minh, tiến bộ đã thành và đang được suy luận, đánh giá, giới thiệu. Tuy vài khi chỉ còn là cái bóng mờ, khô chết của một nền văn hóa vàng son nhưng đã thành quá khứ, được gọi kêu để thoa vuốt sự tự hào, tự mãn vô vọng hay yếu hèn. Mất sinh lực sáng tạo, văn hóa chỉ là những hình ảnh quá thời. Trái lại, văn hóa hình ảnh là nền văn hóa đang chuyển hóa nhân sinh, hóa thân qua biểu tượng và ngôn ngữ sinh động, thần kỳ, để vượt thoát sự vong tính, hóa thạch, nơi các xã hội sống theo chủ nghĩa hư vô.

Văn học nước ta sáu mươi năm qua có khi diễm lệ, lãng mạn, khi yểu điệu hay hùng tráng, khi thì bạo lực, giết người... Nhưng nền văn học ấy còn trong dạng thức ra đi. Ra đi nhưng chưa Lên Ðường. Ra đi trong mơ ước cách mạng mơ hồ của Dũng trong Ðoạn tuyệt, ra đi thui thủi như Thâm Tâm trong"Ly khách, ly khách, con đường nhỏ, Chí lớn không về bàn tay không".Hay ra đi với quyết tâm làm cuộc cách mạng đổ máu của Tố Hữu và các đồng chí của ông :

Ta đã đi là ta quyết đi !

Ðạp bằng trở lực vượt gian nguy

Ngực còn thoi thóp tim còn đập

Còn nghiến răng giương thẳng nghĩa kỳ !

Thế nhưng tất cả những cuộc ra đi ấy, dù bằng hư cấu, bằng ước vọng, hoặc bằng thực thể dấn thân, đều không đưa tới đích nào cho kẻ ra đi, hay quần chúng đông đảo mà họ đòi dẫn dắc ra đi. Vì mọi cuộc ra đi ấy đều không có đích thăng hoa, không phương hướng dân tộc, phi văn hóa và phủ định con người. Nhất là những cuộc ra đi này nằm trong chi lưu của nền văn hóa Mác Lê. Một nền văn hóa chủ xúy đấu tranh giai cấp, chia rõ bạn thù, mà trận tuyến giăng ra yêu sách phải có kẻ thắng người thua. Kẻ thắng đóng vai đồ tể, người thua xếp hàng đi vào lò sát sinh. Nền văn hóa Mác Lê đang nô dịch hóa Việt Nam, vì chỉ lo nhào nặn tri thức ngoại lai, nhưng xao lãng, nếu không là tiêu diệt, tinh thần dân tộc và sự thanh cao của con người văn hóa Việt.

Trong khi ấy, bằng « những thiện ngữ vi diệu ở thế gian » (xem kinh Tăng nhất A hàm) nền văn hóa Phật giáo vừa khai mở trí tuệ vừa un đúc tình nghĩa dân tộc và bảo vệ Con Người. Ðích thị là nền văn hóa Giác ngộ, một nền văn hóa không đòi hỏi kẻ thắng người thua, mà tiêu đích nhắm hiển bày Chân lý Giác ngộ cho mình và mọi người.

Hai bài thơ của thiền sư Pháp Thuận đề cập trên đây không kêu gọi sự ra đi phiêu bạt như trong nền văn học Việt 60 năm qua. Thơ ở đây hiển lộ sự sống, nắm bắt sự sống, thương yêu, bảo vệ và hòa đồng con người, đất nước, vũ trụ. Thơ là sự Lên Ðường Giác ngộ.

Ở thời đại thảm sát ngày nay, chỉ còn lại người Thi sĩ như một khả năng vô biên cho sự quy hồi sử tính và tác tạo sự thơ mộng nơi trần gian diễm lệ.

Võ Văn Ái



ÜChủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Cơ quan thông tin và phát ngôn của Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

[1]Quánh Tấn, Những bức Thư Thơ

[2]Quánh Tấn, Những bức Thư Thơ

[3]Võ Văn Ái, Bản Tuyên ngôn Dựng nước, bản Tuyên ngôn Hòa bình, Giai phẩm Xuân Quê Mẹ Ðinh Mão, Paris, 1987.

[4]Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập, I, Tu thư Ðại học Vạn Hạnh, 1975, tr. 516, và Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II.



--- o0o ---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/12/2013(Xem: 25917)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 51965)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 20647)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 16661)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
30/10/2013(Xem: 34530)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
26/10/2013(Xem: 53451)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
19/10/2013(Xem: 10606)
Làm người biết thương yêu và bảo vệ hành tinh sống của chúng ta thì mớ thật sự làm người, mới xứng đáng làm người. Có làm người như vậy mới xứng đáng là người có đạo đức hiếu sinh. Còn ngược lại là phá hoại sự sống của nhau, làm đau khổ cho nhau. Phải không hỡi các bạn? Đạo Đức Hiếu Sinh! Có bốn chữ rất đơn giản, nhưng hành động của nó cao thượng và đẹp đẽ tuyệt vời.
17/10/2013(Xem: 36469)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 26536)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 22611)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567