- Tựa
- Chương I: Giới Thiệu Tổng Quan Lược sử về nguồn gốc Văn học Saṅskrit Phật giáo
- Chương II: Văn học Saṅskrit Phật Giáo trong Tam Tạng (Tripiṭaka) Văn học Saṅskrit trong Luật Tạng
- Chương III: Văn học Saṅskrit trong Kinh Tạng
- Chương IV: Saddharmapuṇḍarīka-sūtra (Kinh Pháp Hoa)
- Chương V: Lalitavistara sūtra (Kinh Đại Trang Nghiêm)
- Chương VI: Laṅkāvatāra sūtra (Kinh Lăng Già)
- Chương VII: Suvarṇaprabhāsa Sūtra (Kinh Kim Quang Minh)
- Chương VIII: Daśabhūmika (Daśabhūmaka/Daśabhūmīśvara,Kinh Thập Địa)
- Chương IX: Gaṇḍavyūha-sūtra (Kinh Hoa Nghiêm)
- Chương X: Văn học Saṅskrit Phật giáo trong Luận Tạng
- Chương XI: Mūlamadhyamaka-kārika (Luận Trung Quán)
- Chương XII: Madhyānta-vibhāga (Biện Trung Biên Luận)
- Nguồn Tư Liệu Tham Khảo
Lược Sử Văn Học Sanskrit
& Hán Tạng Phật Giáo
Thích Kiên Định
Chương VIII:
Daśabhūmika (Daśabhūmaka/Daśabhūmīśvara, Kinh Thập Địa)
Khái lược về Nguồn gốc và sự Phiên dịch:
Kinh văn thuộc hệ Saṅskrit khá quan trọng trong lịch sử của Phật giáo Đại thừa là Daśabhūmika-sūtra (Kinh Thập Địa). Nguồn gốc của kinh này, theo M. Winternitz, xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 3 sau CN, do Dharmarakṣa (Trúc Pháp Hộ) dịch sang Hoa ngữ vào năm 297. Thế nhưng A.B. Keit lại cho rằng, kinh này xuất hiện vào thế kỷ thứ 4; còn J.K. Nariman thì chẳng đề cập gì đến kinh này. A.B. Keit không mấy chú trọng, ngoài cách diễn đạt sơ sài rằng kinh này nhấn mạnh đến 10 giai đoạn tu chứng của Bồ-tát liên quan đến quả Phật. Ý kiến của M. Winternitz có lẽ đúng với nguồn gốc xuất hiện của kinh này. Nguồn tin khả tín là những bản dịch Hoa ngữ, như sẽ trình bày dưới đây.
Daśabhūmika hiện có 4 bản dịch Hoa ngữ với những đề kinh khác nhau. Bản sớm nhất do Dharmarakṣa (Trúc Pháp Hộ) dịch với tựa đề: “Bồ-tát Thập Trụ Hành Đạo Phẩm”, 1 quyển, đời Tây Tấn, ĐC 10-283. Bản thứ hai do Gītamitra (Kỳ-đa-mật) dịch với tựa đề: “Phật Thuyết Bồ-tát Thập Trụ Kinh”, 1 quyển, đời Đông Tấn, ĐC 10-284. Bản thứ ba do Kumārajīva (Cưu-ma-la-thập) dịch với tựa đề: “Thập Trụ Kinh”, 4 quyển, đời Diêu Tần, ĐC 10-286. Bản thứ tư do Śīlabhadra (Thi-la-bạt-đà-ra) dịch với tựa đề: “Phật Thuyết Thập Địa Kinh”, 9 quyển, đời Đường, ĐC 10-287.
Daśabhūmika nhấn mạnh đến công hạnh tu tập mà một Bồ-tát cần phải trải qua mười giai đoạn mới có thể chứng đắc Phật địa. Liên quan đến Daśabhūmika, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều trong những kinh Đại thừa thuộc văn hệ Saṅskrit như: Phẩm Thập Địa thứ 26 trong Avataṁsaka-sūtra (Kinh Hoa-nghiêm), Suvarṇaprabhāsa-sūtra (Kinh Kim Quang Minh), Laṅkāvatāra-sūtra (Kinh Lăng-già). Về sau Kinh này được chú giải ở quyển thứ 17 trong Daśabhūmika-vibhāṣā-śāstra (Luận Thập Trụ Tỳ-bà-sa) của ngài Nāgārjuna, và quyển thứ 12 trong Daśabhūmikasūtra-śāstra (Thập Địa Kinh Luận) của ngài Vasubandhu. Ngoài ra, kinh này còn có thể tìm thấy trong bộ luận Mahāvastu của Lokottaravādins (những người theo Xuất Thế Bộ) cũng được gọi là Caityakas, con đẻ của Mahāsaṅghikas (Đại Chúng Bộ). Daśabhūmika rất thiết thực, vì nó cũng là một trong những chủ đề thường được nhắc đến trong thời khoá lễ Công phu chiều[127]của Thiền môn.
b. Phân loại:
Trong 4 bản kinh Daśabhūmika vừa nêu trên, hai bản dịch đầu từ Phạn ngữ sang Hoa ngữ của Dharmarakṣa và Gītamitra được hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ 3, đời Tây Tấn và Đông Tấn. Nhưng cả hai bản dịch chưa mấy hoàn bị; vì chỉ có 1 quyển. Bản thứ ba gồm 4 quyển, được hoàn tất vào đầu thế kỷ thứ 5, tức là thời gian ngài Kumārajīva xuất hiện tại Trung Hoa. Hiện chưa rõ 4 quyển này được ngài Kumārajīva mang từ Ấn Độ sang Trung Hoa hay không; vì chưa thấy các sử gia đề cập. Điều chắc chắn là bản dịch của ngài Śīlabhadra (Thi-la-bạt-đà-ra) từ Phạn ngữ sang Hoa ngữ trong thời nhà Đường là hoàn bị nhất; vì sự phiên dịch Tam tạng giáo điển trong thời kỳ nhà Đường là hoàn bị nhất, như đã nói trước. Thế nhưng, bản dịch của ngài Kumārajīva thường được ưa chuộng hơn. Trong bốn bản này, đáng lưu ý nhất là bản Tần gồm 4 quyển do Kumārajīva dịch và với bản Đường 9 quyển do Śīlabhadra dịch.
Bản thứ ba (B3) đời Tần gồm 4 quyển (Q), do Kumārajīva dịch; còn bản thứ tư (B4) đời Đường gồm 9 quyển (Q) do Śīlabhadra dịch được liệt kê như sau:
Bản 3_Kumārajīva, Tần Bản 4_Śīlabhadra, Đường
Q1:Hoan Hỷ Địa (Sơ địa); Q1:Thứ nhất_Bồ-tát Cực Hỷ
Ly Cấu Địa (Nhị địa). Địa.
Q2:Minh Địa (Tam địa); Q2:Bồ-tát Cực Hỷ Địa,
Diệm Địa (Tứ địa); (tiếp theo).
Nan Thắng Địa (Ngũ địa).
Q3:Hiện Tiền Địa (Lục địa); Q3:Thứ ba_Bồ-tát Phát
Viễn Hành Địa (Thất địa); Quang Địa.
Bất Động Địa (Bát địa).
Q4:Diệu Thiện Địa (Cửu địa); Q4:Thứ năm_Bồ-tát Nan
Pháp Vân Địa (Thập địa). Thắng Địa.
Q5:(Thứ bảy) Bồ-tát Hiện Tiền Địa (tiếp theo).
Q6:Thứ tám_Bồ-tát Bất Động Địa.
Q7:Thứ chín_Bồ-tát Thiện Huệ Địa.
Q8:Thứ mười_Bồ-tát Pháp Vân Địa.
Q9:Bồ-tát Pháp Vân Địa (tiếp theo).
Nếu dựa vào sự phân loại trên, thì bản dịch của ngài Kumārajīva gọn và rõ hơn; do đó, nội dung khái quát của kinh này cũng chỉ cứ vào bản dịch thứ ba của ngài Kumārajīva.
c. Khái lược về Nội dung:
Daśabhūmika, một trong chín kinh của Nepal, là kinh văn Saṅskrit Đại thừa rất quan trọng được viết dưới hai hình thức văn xuôi và kệ tụng. Muốn chứng được Phật quả trước hết phải thể nhập vào Thập địa hay Bồ-tát địa xuyên qua quá trình tu tập Thập độ Ba-la-mật để diệt trừ Thập chướng, mới có khả năng chứng đắc Phật địa. Đây là điều kiện tất yếu mà một Bồ-tát phải trải qua mới thật sự trở thành Bồ-tát chơn chánh.
Do phát đại nguyện sâu rộng và nguyện duyên với hết thảy pháp Phật, tu tập đầy đủ 37 bồ-đề phần pháp cùng với mười nguyện bất khả tận, cho nên Bồ-tát an trụ vào địa thứ nhất, Sơ hoan hỷ địa. Nhờ nghiêm trì tịnh giới, tinh tấn hành đạo, trừ tâm cấu uế, tu tập đầy đủ 37 bồ-đề phần pháp cùng với sự phát sanh mười tâm thù thắng, cho nên Bồ-tát an trụ trong địa thứ hai, Ly cấu địa. Nhờ nguyện chuyển tiếp tăng trưởng, thấy được minh pháp, tu tập đầy đủ 37 bồ-đề phần pháp cùng với sự thực hành viên mãn mười tâm vi diệu, cho nên Bồ-tát an trụ vào địa thứ ba, Phát quang địa. Do phát nguyện lực sâu rộng và thấy được minh pháp, đủ công năng thể nhập vào đạo, tu tập đầy đủ 37 bồ-đề phần pháp cùng với sự vận dụng nhu nhuyến mười loại pháp minh và đắc được mười chủng trícho nên Bồ-tát an trụ vào địa thứ tư, Diệm huệ địa. Bởi tuỳ vào chánh pháp mà thuận hành theo pháp thế gian, tu tập đầy đủ 37 bồ-đề phần pháp cùng với sự vận dụng nhu nhuyến mười tâm bình đẳng, Bồ-tát an trụ vào địa thứ năm, Nan thắng địa. Nhập vào pháp môn sâu xa, đầy đủ 37 bồ-đề phần pháp cùng với sự vận dụng nhu nhuyến mười pháp bình đẳngvà quán chiếu 12 nhân duyên, Bồ-tát an trụ vào địa thứ sáu, Hiện tiền địa. Sinh khởi hết thảy pháp Phật, tu tập đầy đủ 37 bồ-đề phần pháp cùng với sự vận dụng tuệ phương tiện để khởi mười diệu hạnh, Bồ-tát an trụ trong Thất địa. Bồ-tát thể nhập vào địa này, được các trí tuệ sâu rộng, chứng đắc đạo quả và nhờ năng lực thiền-định sâu xa kiên cố; vì trong từng niệm phải tinh tấn hành Thập độ Ba-la-mật, Tứ nhiếp pháp, 37 bồ-đề phần pháp, Tam giải thoát môn, cho nên đắc được mười pháp tự tại, thì đệ Bát địa tự nhiên được thành tựu.
Quyển thứ nhấtđề cập đến hai địa: Sơ hoan hỷ địa (Pramuditā) vàLy cấu địa (Vimalā). Trước hết là Sơ hoan hỷ địa. Nó giới thiệu về cảnh giới của đức Phật đang trú trên bảo điện Ma-ni tại cung Trời Tha-hoá-tự-tại cùng với vô số Bồ-tát ở các phương khác đều đến tập hội. Những vị Bồ-tát này đều là những bậc không còn thối chuyến đối với quả vị Vô thượng Chánh đắng Chánh giác, năng lực thiền-định sâu xa, thần thông du hý, tự tại vô ngại, công đức vô lượng, luôn đem đại tâm của mình cung kính cúng dường mười phương chư Phật và nhiếp hoá vô số chúng sanh. Kế đó, nó kể lại chuyện Bồ-tát Kim-cang Tạng, từ thiền-định khởi, nói với chúng Bồ-tát như vầy:
“Này các Phật tử, là công việc của Bồ-tát, trước hết tự mình phải khéo quyết định, không có lầm lỗi, (tâm) vô phân biệt, rõ suốt thanh tịnh, rộng lớn như pháp tánh, rốt ráo như hư không, biến khắp hết thảy mười phương chư Phật và thế giới chúng sanh; vì muốn cứu độ hết thảy thế gian, vì được thần lực của hết thảy chư Phật gia hộ”.[128]
Kế đó, Ngài nói rằng những Bồ-tát muốn nhập vào trí địa của chư Phật trong ba đời, mà chư Phật trong ba đời đã nói, nay nói và đang nói; đặc biệt, trí địa này chính là trí địa của chư vị Bồ-tát ma-ha-tát, gồm 10 cấp độ: 1. Pramuditā (Hỷ địa); 2. Vimalā (Tịnh địa); 3. Prabhākarī (Minh địa); 4. Arciṣmatī (Diệm địa); 5. Sudurjayā (Nan thắng địa); 6. Abhimuktī (Hiện tiền địa); 7. Dūraṃgamā (Thâm viễn địa); 8. Acalā (Bất động địa); 9. Sādhumatī (Thiện huệ địa); và 10. Dharma-meghā (Pháp vân địa).
Thế nhưng, khi thuyết về danh hiệu Thập địa xong, liền yên lặng mà không giảng thuyết nghĩa lý; do đó, ngài Giải Thoát Nguyệt Bồ-tát đại diện hội chúng thỉnh cầu diễn sâu về nghĩa lý. Sau khi quán xét hội chúng, Bồ-tát Kim-cang Tạng nói kệ:
“Lý đạo của chư Phật,
Nhiệm mầu khó giải bày,
Phi tư lường mà được,
Chỉ bậc trí hiểu thấu.
Tánh nó tự xưa nay,
Vắng lặng không sanh diệt,
Từ xưa nay vốn không,
Diệt trừ các khổ não,
Xa lìa nơi các cõi,
Đồng với tướng Niết-bàn.
Không giữa cũng không sau,
Phi ngôn từ diễn thuyết,
Vượt thoát khỏi ba đời,
Tướng nó như hư không,
Nơi hoạt động chư Phật,
Thanh tịnh, sâu, vắng lặng,
Nói năng khó hiển bày;
Địa hành cũng như thế,
Nói về nó đã khó,
Huống gì chỉ bày người.
Trí tuệ của chư Phật,
Phải lìa các tâm số,
Không thể suy nghĩ thấu,
Chẳng phải ấm giới nhập,
Dụng trí có thể biết,
Chẳng phải thức sánh đặng,
Không dấu tích, khó nói.
Sao hiển bày tướng ấy?
Nghĩa Thập địa như thế,
Phi tâm vô biên (làm sao) biết...”[129]
Nói kệ xong, Bồ-tát Kim-cang Tạng lại bảo với đại chúng:
“Nếu chúng sanh khéo tích tập thiện căn, tu các thiện hạnh, hành pháp trợ đạo, cúng dường chư Phật, khéo tập các bạch pháp (śukladharma), được thiện tri thức giúp, thể nhập tâm rộng sâu, tin vui tâm đại pháp, tâm từ bi rải khắp, mong cầu trí tuệ Phật, những chúng sanh như thế, mới có khả năng phát tâm Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được nhất thế chủng trí, chứng đắc Thập lực cùng các pháp Tứ vô uý, được pháp Phật đầy đủ, tự tại chuyển đại pháp luân, rộng thị hiện thần lực của Phật... Bồ-tát sanh tâm như vậy, liền vượt qua các phàm phu địa, nhập Bồ-tát vị, sanh nơi nhà Phật, chủng tánh không thể cơ hiềm, vượt qua hết thảy các đạo thế gian, nhập vào đạo xuất thế, trụ trong pháp Bồ-tát, nơi các số Bồ-tát, nhập vào trong chủng tánh ba đời của Như Lai, thảy đều rốt ráo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ-tát trụ pháp như thế, gọi là tru Hoan hỷ địa”.[130]
An trụ Sơ địa này tâm Bồ-tát được hoan hỷ; vì nhớ nghĩ đến chư Phật, nhớ nghĩ đến pháp của Phật, cho nên tâm hoan hỷ; vì nhớ nghĩ đến công hạnh của chư Bồ-tát, nhớ nghĩ đến các tướng thanh tịnh Ba-la-mật, nhớ nghĩ đến chư Bồ-tát cùng với chúng thù thắng, cho nên tâm hoan hỷ.... Bồ-tát tiếp tục cần hành tinh tấn, phát 10 nguyện bất khả tận: 1. Chúng sanh bất khả tận; 2. Thế gian; 3. Hư không; 4. Pháp tánh; 5. Niết-bàn; 6. Phật xuất thế; 7. Trí tuệ chư Phật; 8. Tâm duyên bất khả tận; 9. Khởi trí; và 10. thế gian đạo chủng, pháp đạo chủng, trí tuệ đạo chủng bất khả tận.
Kế tiếp là Vimalā-bhūmi (Ly cấu địa). Bồ-tát phải nên sanh mười tâm đầy đủ mới có thể nhập nhị địa. 1. Nhu nhuyến tâm; 2. Điều hoà tâm; 3. Kham thọ tâm; 4. Thiện tâm; 5. Tịch diệt tâm; 6. Chơn tâm; 7. Bất tạp tâm; 8. Vô tham lạc tâm; 9. Khoái tâm; và 10. Đại tâm.[131]Lại nữa, Bồ-tát muốn trụ Ly cấu địa phải từ bỏ sát sanh, tâm không sân hận, thường sống tàm quý, khởi từ bi tâm đối với hết thảy chúng sanh; lìa bỏ trộm cướp, sống thiểu dục tri túc; lìa bỏ tà dâm; nói lời chân thật; thành tín Tam bảo, thường hành thiện nghiệp. Bồ-tát vì người thuyết thập thiện nghiệp, khéo dụng phương tiện, cứu vớt chúng sanh, cầu trí tuệ Phật, thanh tịnh các địa Bồ-tát và các Ba-la-mật, năng hành sâu rộng, có khả năng chứng đắc Thập lực[132]của Phật, Tứ vô sở uý[133]và Bốn vô ngại trí,[134]trải tâm đại từ bi cho đến chứng đắc đầy đủ nhất thiết chủng trí.
Quyển thứ haiđề cập đến ba địa: Prabhākarī-bhūmi (Minh địa), Arciṣmatī-bhūmi (Diệm địa) và Sudurjayā-bhūmi (Nan thắng địa). TrongPrabhākarī-bhūmi (Minh địa), Bồ-tát đã nhập vào địa thứ hai rồi, muốn đắc địa thứ ba phải dụng 10 tâm mới có thể nhập.
Mười tâm này là: 1. Tịnh tâm; 2. Mãnh lợi tâm; 3. Yếm tâm; 4. Ly tâm; 5. Bất thối tâm; 6. Kiên tâm; 7. Minh thạnh tâm; 8. Vô tuệ tâm; 9. Khoái tâm; và 10. Đại tâm.[135]Với mười tâm này, Bồ-tát có thể quán hết thảy tướng chơn thật của pháp hữu vi, như: vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh, bại hoại không lâu bền, tướng không đáng tin, mỗi niệm mỗi niệm sanh diệt. Lại nữa, (tâm) không sanh không diệt, không từ đời trước (mà có), không bỏ đời sau, hiện tại (tâm) không trụ. Bồ-tát quán tướng như thật của tất cả các pháp hữu vi, biết các pháp này, không do tạo tác, không sanh khởi, không đến không đi...
Thấy như vậy rồi, Bồ-tát đối nơi tất cả các pháp hữu vi nhàm chán chuyển hoá, xa lìa, mới có thế chứng đắc trí tuệ Phật. Bồ-tát biết trí tuệ của Như Lai là bất khả tư nghì, bẩt khả xứng lượng, có thể lực lớn, không gì hơn được, không có tạp tướng, không có suy não ưu bi, có công năng đạt đến đại thành vô uý, an ổn, không còn thối chuyển, có công năng cứu vớt chúng sanh khổ não, như thật thấy biết trí Phật vô lượng, thấy pháp hữu vi khổ não vô lượng, đối với hết thảy chúng sanh chuyển hoá để phát sanh mười tâm thù thắng. Đó là: 1. Chúng sanh đáng thương xót; 2. Cô độc không (người) cứu giúp; 3. Bần cùng không nơi nương tựa; 4. Lửa tam độc thiêu đốt không dừng; 5. Lao ngục kiên cố giam cầm trong ba cõi; 6. Phiền não thường trụ, đầy dẫy xấu ác; 7. Đối trong các pháp thiện, không có năng lực chánh quán; 8. Tâm dục lạc ít; 9. Mất hết diệu pháp của chư Phật, mà thường xuôi theo dòng sanh tử; và 10. Sợ hãi Niết-bàn.
Phát tâm như vậy, lại như pháp được nghe, tâm thường hỷ lạc, đều có khả năng chánh quán. Bồ-tát nghe các pháp rồi, hàng phục tâm mình; tâm nhớ nghĩ như vậy rồi, đúng như thuyết hành, mới đắc pháp của Phật, không thể chỉ nói năng. Bồ-tát như thế, mới có khả năng an trụ minh địa, nhập vào Sơ, Nhị, Tam và Tứ thiền.[136]Bồ-tát tiếp tục nhập vào Tứ không[137]và hành Tứ vô lượng tâm. Bồ-tát thấy như thật rằng “các pháp không sanh không diệt, vì chúng do các duyên hợp thành”.
Kế đó là Arciṣmatī-bhūmi (Diệm địa). Nếu Bồ-tát đầy đủ thanh tịnh hạnh địa thứ ba rồi, muốn đắc địa thứ tư, phải dùng 10 loại pháp minh (Dharmālokapraveśa) mới có thể nhập. Mười pháp minh này là: 1. Tư lương Chúng sanh tánh; 2. Tư lương Pháp tánh; 3. Tư lương Thế giới tánh; 4. Tư lương Hư không tánh; 5. Tư lương Thức tánh; 6. Tư lương Dục giới tánh; 7. Tư lương Sắc giới tánh; 8. Tư lương Vô sắc giới tánh; 9. Tư lương Khoái tín giải tánh; và 10. Tư lương Đại tâm tánh.[138]Từ đệ tam địa, Bồ-tát dùng 10 pháp minh môn này để nhập vào địa thứ tư, tức là ở nhà Như Lai; vì thế lực chuyển hoá, cho nên chứng được nội pháp với mười chủng trí. Những gì là mười? 1. Bất thối chuyển tâm; 2. Đối trong Ba ngôi báu, đắc trí cứu cánh bất hoại tín thanh tịnh; 3. Tu tập quán sanh diệt; 4. Tu tập (quán) các pháp bản lai bất sanh; 5. Thường tu tập chuyển hoàn thế gian hành; 6. Tu tập biết nghiệp nhân duyên cho nên có sanh; 7. Tu tập phân biệt sanh tử Niết-bàn môn sai biệt; 8. Tu tập (quán) sự khác nhau của nghiệp chúng sanh; 9. Tu tập (quán) sự khác nhau của đời trước và đời sau; và 10. Tu tập (quán) hiện tại thường diệt bất trụ hành. Chứng đắc 10 trí tâm này tức sanh vào nhà của Phật, chuyển được thế lực. Bồ-tát tinh tấn tu tập, nhất tâm quán chiếu Ba mươi bảy pháp trợ đạo để diệt trừ tham ái thế gian.
Kế đó là Sudurjayā-bhūmi (Nan thắng địa). Bồ-tát đã nhập vào địa thứ tư rồi, muốn đắc địa thứ năm phải dùng 10 tâm bình đẳng mới có thể nhập. Mười tâm bình đẳng (samatā) là: 1. Quá khứ Phật pháp bình đẳng; 2. Vị lai Phật pháp bình đẳng; 3. Hiện tại Phật pháp bình đẳng; 4. Giới tịnh bình đẳng; 5. Tâm tịnh bình đẳng; 6. Trừ kiến nghi hối bình đẳng; 7. Tri đạo phi đạo tịnh bình đẳng; 8. Hành tri kiến tịnh bình đẳng; 9. Các Bồ-đề phần pháp chuyển thắng tịnh bình đẳng; và 10. Đẳng hoá chúng sanh tịnh bình đẳng. Lại nữa, Bồ-tát khéo biết: thế đế, đệ nhất nghĩa đế, tướng đế, sai biệt đế, thị thành đế, sự đế, sanh khởi đế, tận vô sanh đế, khiến nhập Đạo đế; thứ lớp thành các địa của Bồ-tát và khéo biết: tập Như Lai trí đế.
Bấy giờ Bồ-tát thường ở nơi Nhất thừa, khéo biết đệ nhất nghĩa đếlà tuỳ ý chúng sanh, khiến họ hoan hỷ; biết thế đếlà biết phân biệt tự tướng các pháp, biết tướng đế, mỗi một của các pháp đều khác nhau; biết sai biệt đế là biết phân biệt các ấm giới nhập; biết thị thành đế là dụng khổ não của thân và tâm. Biết Khổ đế là biết các đạo sanh khởi liên tục. Biết Tập đế là biết sự tận diệt rốt ráo hết thảy nhiệt não. Biết Diệt đế là biết pháp bất nhị sanh khởi. Biết Đạo đế là biết dụng nhất thiết chủng trí, biết thứ lớp của tất cả pháp, thành các địa của Bồ-tát. Khéo biết tập Như Lai trí đế là dụng năng lực tín giải; biết chẳng phải chứng đắc trí đế vô tận. Bồ-tát nhờ dụng các trí đế này mà như thật biết hết thảy các pháp hữu vi là tướng bại hoại, luống dối hư ngụy, giả dạng tạm thời luống dối kẻ phàm phu.[139]
Đối với chúng sanh, Bồ-tát khởi đại bi thù thắng chuyển hoá mà ứng hiện, có thể sanh khởi đại tâm từ bi, chứng được lực trí tuệ, nguyện cứu giúp chúng sanh, thường cầu trí tuệ Phật, như thật quán chiếu tất cả các pháp hữu vi đời trước đời sau. Bồ-tát bấy giờ trụ trong địa Nan thắng thứ năm này không quên các pháp, cho nên gọi là niệm; trí tuệ quyết định, trí; biết ý thứ tự của kinh thơ, đạo; tự bảo hộ và bảo hộ cho kẻ khác, tàm quý; không bỏ việc trì giới, tâm kiên cố; khéo tư duy là xứ hay chẳng phải xứ, giác; không tuỳ tha, tuỳ trí; khéo phân biệt nghĩa lý chương cú của các pháp, tuỳ tuệ; khéo tu thiền-định, thần thông; tuỳ thế gian pháp hành, phương tiện; khéo tu tập phước đức tư lương, vô yểm túc; thường cầu nhân duyên trí tuệ, bất xả; tu tập nhân duyên đại từ đại bi, vô bì quyện; thường nhớ nghĩ chơn chánh, viễn ly phá giới; thâm tâm cầu Thập lực, Tứ vô sở uý, Thập bát bất cọng pháp của Phật, cho nên gọi là thường niệm pháp Phật; thường khiến cho chúng sanh lìa ác tu thiện, trang nghiêm Phật quốc; gieo trồng: 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp phước đức trang nghiêm, hành chủng chủng thiện nghiệp; cầu trang nghiêm như thân khẩu ý của Phật, hành tinh tấn; cúng dường hết thảy Bồ-tát thuyết pháp, lạc đại cung kính; hết thảy Bồ-tát và các thế gian bằng các phương tiện tâm vô sân ngại, tâm vô ngại; thường vui giáo hoá chúng sanh, trú dạ viễn ly chư tâm.[140]
Quyển thứ ba đề cập đến ba địa: Abhimuktī-bhūmi (Hiện tiền địa), Dūraṃgamā-bhūmi (Thâm viễn địa) và Acalā-bhūmi (Bất động địa). Bồ-tát, sau khi đã nhập vào địa thứ năm rồi, muốn chứng đắc địa thứ sáu, phải dụng 10 pháp bình đẳng mới có khả năng thể nhập. Mười pháp bình đẳng là: 1. Vô tánh; 2. Vô uý; 3. Vô sanh; 4. Vô diệt; 5. Bản lai thanh tịnh; 6. Vô hý luận; 7. Bất thủ bất xả; 8. Ly; 9. Tất cả các pháp như ảnh, như hưởng, như huyễn mộng; và 10. Hữu vô bất nhị.
Bồ-tát quán tất cả pháp tánh, có khả năng nhẫn tuỳ thuận địa thứ sáu. Vô sanh pháp nhẫn tuy chưa hiện tiền, nhưng tâm được lợi ích rõ ràng, cho nên thành tựu thuận nhẫn. Bồ-tát quán tất cả các pháp tướng như vậy, dụng đại bi làm đầu, tăng trưởng đầy đủ, lại dùng thắng quán, quán tướng sanh diệt của thế gian, cho nên suy nghĩ rằng có thế gian là do nơi chốn thọ thân, đều vì tham trước vào ngã; nếu xa lìa sự tham trước vào ngã, thì không có thế gian. Bồ-tát thuận quán 12 nhân duyên thấy rằng vì không biết tuệ tri đệ nhất nghĩa đế là do vô minh che lấp tâm. nghiệp quả của vô minh gọi là hành; nương vào các hành, cho nên có thức; do thức sanh, có 4 thủ ấm; nương vào thủ ấm, có danh sắc; danh sắc thành tựu, có sáu nhập; do căn tác động với trần, có thức; theo sự hoà hợp này, xúc hữu lậu sanh, có thọ; tham muốn nơi thọ gọi là ái; ái tăng trưởng gọi là thủ; từ nơi thủ, khởi nghiệp hữu lậu, cho nên có nghiệp, có quả bảo ngũ ấm thì gọi là sanh; ngũ ấm chín mùi, già; ngũ ấm hoại, tử.
Bồ-tát thấy 12 nhân duyên này vốn không có ngã và ngã sở, không có tác giả, không có tác giả sai sử. Trong đệ nhất nghĩa đế, không có tác giả cũng không có tác sự. Biết rõ tam giới là hư vọng, chỉ do tâm tạo tác. Đức Như Lai dạy rằng có 12 chi phần nhân duyên là đều do tâm. Vì tuỳ sự việc sanh tâm tham dục, tâm này tức là thức; sự việc là hành; hành dối gạt tâm gọi là vô minh; thức nương vào nơi danh gọi là sắc; tâm tham nhập vào sanh khởi gọi là sáu nhập; căn trần thức hoà hợp cho nên có xúc; xúc cùng sanh gọi là thọ; tham đắm thọ, khát ái; khát ái không từ bỏ, thủ; vì sự hoà hợp này, hữu; có hữu này lại có hữu khác liên tục gọi là sanh; sanh biến hoại chín mùi, lão; lão hoại, tử. Mỗi chi trong 12 nhân duyên này đều có 2 loại riêng.[141]
Do vô minh làm nhân duyên với các hành tức là sự việc quá khứ; thức danh sắc lục nhập xúc thọ, sự việc hiện tại; ái thủ hữu sanh lão tử, sự việc vị lai; từ đây mà có ba đời lưu xuất. Do vô minh diệt cho nên hành diệt gọi là thuyết đoạn tương tục; thuyết 12 nhân duyên gọi là Ba khổ. Nghĩa là vô minh hành thức danh sắc lục nhập gọi là Hành khổ; xúc thọ, Khổ khổ; ái thủ hữu sanh lão tử ưu bi khổ não, Hoại khổ. Vô minh diệt cho nên hành diệt, cho đến lão tử diệt gọi là thuyết đoạn ba khổ tương tục. Tuỳ vào 12 nhân duyên, quán vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ mạng, vô nhân không tánh, lìa tác giả, tác giả sai sử thì chúng không có chủ, không có nhân duyên.
Quán như vậy thì Không giải thoát môn hiện tại tiền; diệt sự việc này thì sự việc khác không thể tiếp tục Vô tướng giải thoát môn hiện tại tiền; biết 2 loại này cho nên không sanh tâm vui mừng, chỉ còn tâm đại bi, giáo hoá chúng sanh thì Vô nguyện giải thoát môn hiện tại tiền. Biết pháp hữu vi là nhiều lỗi lầm, là vô tánh, lìa tướng kiên cố, không sanh không diệt cùng hoà hợp với đại từ bi, cứu giúp tất cả chúng sanh, thời đắc được trí tuệ Ba-la-mật vô chướng ngại, hiện tiền rõ biết; chứng đắc trí tuệ như vậy, tu tập đầy đủ, hướng đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà không cùng với pháp hữu vi an trụ. Quán pháp tánh hữu vi, tướng nó thường vắng lặng, không trụ trong pháp hữu vi, chỉ mong chứng Phật quả. Bồ-tát trụ trong Hiện tiền địa, được thiền-định[142]kiên cố. Bồ-tát trụ trong Hiện tiền địa, chí tâm, quyết định tâm, diệu tâm, thâm tâm, bất chuyển tâm, bất xả tâm, quảng tâm, vô biên tâm, lạc trí tâm, tuệ phương tiện hoà hiệp tâm, những tâm như thế, v.v... sự chuyển tiếp tăng trưởng thù thắng, tuỳ thuận vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Kế tiếp là Dūraṃgamā-bhūmi (Viễn hành địa). Bồ-tát, sau khi thể nhập địa thứ sáu rồi, muốn đắc địa thứ bảy này phải dụng tuệ phương tiện để khởi 10 Diệu hạnh mới có khả năng thể nhập. Mười Diệu hạnh này là:
1. Bồ-tát khéo tu tập ‘không’ ‘vô tướng’ ‘vô nguyện’ mà dụng tâm từ bi đối xử với chúng sanh;
2. Tuỳ vào pháp bình đẳng của chư Phật mà không bỏ việc cúng dường chư Phật;
3. Trí thường thích tư duy về không mà rộng tu tập tư lương phước đức;
4. Xa lìa ba cõi mà có công năng trang nghiêm ba cõi, vắng lặng rốt ráo các phiền não mà có công năng vì chúng sanh dấy khởi pháp diệt trừ các phiền não tham nhuế si;
5. Tuỳ thuận các pháp, như huyễn như mộng, như ảnh như tiếng vang, như hoá như trăng trong nước, như hình tượng trong gương, không có nhị tướng mà khởi phân biệt các phiền não và không quên quả báo của nghiệp;
6. Biết hết thảy quốc độ của Phật thanh tịnh, là không, như hư không, các quốc độ khác đều là tạp tướng mà khởi công hạnh thanh tịnh quốc độ của Phật;
7. Biết hết thảy pháp thân Phật là không thân mà khởi sắc thân, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp dùng để tự trang nghiêm;
8. Biết âm thanh của chư Phật là tướng bất khả thuyết;
9. Tín giải tướng của Như Lai xưa nay là tướng vắng lặng mà tuỳ thuận hết thảy chúng sanh, khởi những thứ âm thanh trang nghiêm; và
10. Biết chư Phật đối trong từng niệm ngắn ngủi đều thông đạt ba cõi mà biết các thứ tướng, thời và các số kiếp, đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác do tuỳ thuận tâm chúng sanh mà tín giải.
Bồ-tát tu mười Diệu hạnh này mới có khả năng nhập vào địa thứ bảy. An trụ trong địa này, Bồ-tát nhập vào tánh chúng sanh vô lượng, nhập vào pháp giáo hoá chúng sanh của chư Phật vô lượng, nhập vào tánh thế gian vô lượng, nhập vào quốc độ thanh tịnh vô lượng của chư Phật, nhập vào các pháp sai biệt vô lượng, nhập vào trí của chư Phật vô lượng mà chứng đắc đạo vô thượng... nhập vào chư Phật vô lượng thuyết đạo nhân duyên khiến cho chúng sanh tín giải... Bồ-tát trong từng niệm phải tinh tấn hành Thập độ Ba-la-mật, Tứ nhiếp pháp, Ba mươi bảy bồ-đề phần pháp, Tam giải thoát môn, nêu lên những ngôn từ trọng yếu, trợ giúp (hết thảy chúng sanh phát tâm dõng mãnh, cần cầu) pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Kế đó là Acalā-bhūmi (Bất động địa). Bồ-tát đã tu tập thành tựu mười hạnh vi diệu ở đệ Thất địa, dụng tuệ làm phương tiện đạo, khéo tu tập các pháp trợ đạo thanh tịnh; vì năng lực nguyện lớn, tâm an trụ bất diệt, được thần lực của chư Phật gia hộ, thiện căn được năng lực, thường niệm tuỳ thuận tu Thập lực, Tứ vô sở uý và pháp Thập bát bất cọng của Như Lai, tâm an lạc tâm sâu xa khéo thành tựu thanh tịnh, phước đức trí lực, tâm đại từ bi, cứu giúp hết thảy chúng sanh, tu hành vô lượng trí đạo, năng nhập các pháp xưa nay, không sanh không diệt, vô tướng, không xuất, không mất, không đi, không lại, không có tánh sở hữu. Chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối đều bình đẳng, không khác Như Lai, trí vô phân biệt, hết thảy tâm ý thức, ức tưởng phân biệt, không có tham trước, nhập vào hết thảy các pháp, như tánh hư không, thì gọi là Bồ-tát đắc Vô sanh pháp nhẫn, thể nhập vào địa thứ tám, liền chứng đắc Bất động địa gọi là công hạnh sâu xa của Bồ-tát, khó có thể biết được, không có khả năng phân biệt, xa lìa hết thảy các tướng, các tưởng, những sự tham đắm, vô lượng vô biên, bất khả tư nghì, hết thảy Thanh-văn, Bích-chi-Phật không có thể hoại diệt, sâu rộng xa lìa mà ứng hiện trước mắt.
Ví như Tỳ-kheo, chứng được thần thông, tâm được tự tại, thứ lớp mới có thể nhập vào Diệt tận định, hết thảy động tâm, ức tưởng phân biệt, tâm hành các việc, thảy đều dứt sạch. Bồ-tát cũng vậy, an trụ Viễn hành địa, hết thảy sự việc thảy đều tận diệt, việc không phải do thân khẩu ý hành, trú đại viễn ly... Bồ-tát cũng vậy, phát đại tinh tấn, rộng tu hành đạo, đến Bất động địa, hết thảy sự việc, thảy đều buông thả, chẳng hành nhị tâm, các thứ ức tưởng, đều không hiện tiền. Ví như tiên nhơn sanh nơi Phạm thế, phiền não cõi dục không còn hiện tiền. Bồ-tát trụ Bất động địa, hết thảy tâm ý thức đều không hiện tiền, cho đến Phật tâm, Bồ-đề tâm, Niết-bàn tâm cũng không còn hiện tiền, huống gì sanh tâm thế gian; tuỳ thuận là địa, do nhờ năng lực bổn nguyện. Hiển hiện thân mình, trụ nơi các địa, trong dòng chảy pháp, trí tuệ Như Lai, vì nhân duyên tạo...Chư Phật đều có nói như vầy:
“Lành thay, lành thay! Này các thiện nam, (pháp) các ông chứng là nhẫn đệ nhất, thuận theo tất cả các pháp của Phật. Này các thiện nam, Ta có Thập lực, Tứ vô sở uý, Thập bát bất cọng những pháp của Phật, nay ông chưa đắc, phải nên chứng đắc các công đức ấy, gia tâm tinh tấn chớ nên xả bỏ pháp nhẫn như thế. Này các thiện nam, các ông tuy đắc được sự giải thoát tĩnh lặng sâu xa như thế, nhưng hạng chúng sanh phàm phu bất thiện chẳng được giải thoát vắng lặng, thường khởi những thứ phiền não; vì những thứ giác và quán thảy đều bị hại. Các ông nên thương xót những chúng sanh này. Lại nữa, này các thiện nam, các ông nên nhớ nguyện lực cội gốc, muốn khiến chúng sanh được lợi ích lớn, giúp cho chúng sanh chứng đắc trí tuệ bất khả tư nghì. Lại nữa, này các thiện nam, hết thảy pháp tánh, hết thảy pháp tướng, hoặc Phật xuất hiện hay không xuất hiện, thường trụ không khác, chứ không phải vì những đức Như Lai chứng đắc pháp (tánh vô phân biệt) này mới gọi là Phật, Thanh-văn và Độc-giác-Phật cũng có khả năng chứng đắc tịch tĩnh pháp vô phân biệt này”.[143]
“... Nếu chư Phật không khiến cho Bồ-tát này trụ vào trí tuệ như thế, thì Bồ-tát bấy giờ thảy đều nhập vào Niết-bàn bỏ mất lợi ích hết thảy chúng sanh. Nhờ chư Phật cùng những Bồ-tát vô lượng vô biên phát khởi nhân duyên trí tuệ như thế, mà trong mỗi niệm, trí tuệ phát sanh. Từ Sơ địa đến nay nếu sánh với Thất địa, trăm phần không bằng một; ngàn vạn ức phần, trăm ngàn vạn ức na-do-tha cho đến vô lượng vô biên a-tăng-kỳ phần, không bằng một, cho đến toán số thí dụ cũng không sánh bằng. Vì sao? Vì trước tiên nhờ một thân hành đạo, tu tập công đức; nay trong địa này, đắc vô lượng thân, tu Bồ-tát đạo, dùng âm thanh vô lượng, trí tuệ vô lượng, sanh xứ vô lượng, quốc độ thanh tịnh vô lượng, giáo hoá chúng sanh vô lượng; vì cúng dường cung cấp hầu hạ chư Phật vô lượng; vì tuỳ thuận pháp Phật vô lượng; vì thần thông lực vô lượng; vì đại hội khác nhau vô lượng, thân khẩu ý nghiệp vô lượng, được hành đạo tu tập hết thảy Bồ-tát là nhờ pháp bất động này. Ví như tàu thuyền muốn vào biển lớn. Lúc chưa vào biển lớn, cần phải dụng nhiều công sức, hoặc phải dùng tay đẩy. Nếu vào biển lớn, đâu cần dùng lực, chỉ dùng sức gió mà đi. Ở trong biển lớn, nếu chỉ dùng sức, đi được một ngày bằng trăm ngàn năm, không thể sánh được. Bồ-tát cũng vậy, nhờ thiện căn tư lương nhiều tu tập theo con thuyền đại thừa nên công hạnh của Bồ-tát mới đến được biển đại trí tuệ, chỉ trong khoảnh khắc, không cần dụng công, mà cũng có khả năng tiếp cận với trí tuệ của tất cả chư Phật, vốn chẳng dụng công, hoặc một kiếp, hoặc trăm ngàn vạn kiếp, cũng không sánh được khả năng như thế. Bồ-tát chứng đắc đến địa thứ tám, từ tuệ đại phương tiện, tâm sanh vô công dụng”.[144]
Bồ-tát an trụ trong địa này, có thể tuỳ tâm ứng hiện hoá thân cứu giúp hết thảy chúng sanh. Đây là nhờ vào công hạnh diệu dụng mà có được mười pháp tự tại. Đó là: mạng tự tại, tâm, tài vật, nghiệp, sanh, nguyện, tín giải, như ý, trí và pháp tự tại...[145]Bồ-tát an trụ trong địa này, xa lìa hết thảy phiền não, cho nên trong tâm khéo an trụ năng lực thanh tịnh; tâm thường không lìa đạo, cho nên trong tâm khéo an trụ năng lực sâu xa; không bỏ rơi chúng sanh, năng lực đại bi; cứu giúp hết thảy thế gian, năng lực đại từ; không quên pháp được nghe, năng lực Đà-la-ni; phân biệt quyết trạch chọn lựa hết thảy pháp Phật, hết thảy năng lực của thuyết an lạc; hoạt dụng thế giới sai biệt vô biên, năng lực thần thông; không xả bỏ tất cả công hạnh của Bồ-tát, nguyện lực; tu tập hết thảy pháp Phật, năng lực Ba-la-mật; khéo khởi nhất thiết chủng trí, cho nên trong tâm khéo an trụ năng lực của Như Lai.[146]
Bồ-tát chứng đắc được trí lực như thế, chỉ bày hết thảy sự tạo tác không lỗi lầm. Bồ-tát an trụ trong địa này không thể bị hoại diệt, cho nên gọi là Bất động địa; vì trí tuệ không lay chuyển, bất chuyển địa; vì hết thảy thế gian khó lường biết nổi, oai đức địa; vì không mắc lỗi gia quyến, vương tử địa; vì tuỳ ý tự tại, Bồ-tát sanh địa; vì không tạo tác thêm nữa, thành địa; vì khéo chọn lựa trí tuệ, cứu cánh địa; vì khéo phát đại nguyện, hoá lạc địa; vì không phá hoại các pháp, thắng xứ địa; vì khéo tu khởi đạo trước tiên, vô công lực địa. Các Phật tử, chư vị Bồ-tát chứng đắc trí tuệ như vậy, cho nên gọi là được thể nhập vào cảnh giới Phật, gọi là công đức của Phật được chiếu sáng, gọi là tuỳ vào công hạnh oai nghi của Phật, hướng đến Phật pháp, thường được thần lực của Phật khéo hộ trì, thường được Tứ thiên vương, Thích-đề-hoàn-nhơn, Phạm thiên vương, v.v... cung nghênh phụng hành, thường được Thần Kim-cang Mật tích hộ trì, khéo có công năng sanh các thiền-định sâu xa, thường có khả năng tạo tác vô lượng thân khác nhau, đối trong những thân này đều có thế lực, được thần thông lực và quả báo lớn; đối trong tam-muội vô biên, được tự tại, có khả năng lãnh thọ sự thọ ký vô lượng, tuỳ vào nơi chốn chúng sanh thành tựu, chỉ bày Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thành tựu...[147]
Quyển thứ tưđề cập đến hai địa: Sādhumatī-bhūmi(Thiện Huệ địa) và Dharmameghābhūmi (Pháp vân địa).
Sau khi đã chứng đắc địa thứ tám và muốn thể nhập vào địa thứ chín này, Bồ-tát phải dùng trí vô lượng để quán Phật đạo, lại muốn cầu chuyển thắng giải thành giải thoát tịch diệt sâu xa, muốn chuyển tư duy thắng giải thành trí tuệ của Như Lai, muốn nhập vào trong pháp thâm mật của Như Lai, muốn chọn lấy đại trí tuệ bất khả tư nghì, muốn chọn các Đà-la-ni tam-muội lại khiến thanh tịnh, muốn khiến thần thông quảng đại, muốn tuỳ thuận các hành sai biệt của thế gian, muốn tu Thập lực, Tứ vô sở uý và pháp Thập bát bất cọng của Phật, không thứ gì có khả năng huỷ hoại, muốn thuận hành theo năng lực chuyển pháp luân của chư Phật, muốn không xả bỏ nguyện đại từ đại bi, được nhập vào địa thứ chín. Chư vị Bồ-tát an trụ trong địa này, như thật biết rõ những pháp hành sanh khởi của: thiện, bất thiện và vô ký; hữu lậu và vô lậu; thế gian và xuất thế gian; có thể nghĩ nghì và không thể nghĩ nghì; quyết định và không quyết định; như thật rõ biết pháp hành của Thanh-văn và Bích-chi-Phật, Bồ-tát đạo và Như Lai địa; hữu vi và vô vi pháp đều biết như vậy...
Bồ-tát biết tướng sai biệt của tâm chúng sanh, tướng tạp nhạp của tâm, tướng chuyển nhẹ của tâm, tướng hoại và bất hoại của tâm, tướng vô hình của tâm, tướng vô biên tự tại của tâm, tướng sai biệt thanh tịnh của tâm, tướng cấu và vô cấu nhiễm của tâm, tướng trói buộc của tâm, tướng giải thoát của tâm, tướng siễm khúc của tâm, tướng chất trực của tâm, tướng tuỳ đạo của tâm, đều biết như thật... cho đến như thật biết 84.000 tướng sai biệt của thâm tâm. Bồ-tát phải như thật biết tướng sai biệt của chúng sanh, như tưóng sai biệt của địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, a-tu-la, trời, người, sắc giới, vô sắc giới, hữu tưởng, vô tưởng... Bồ-tát phải như thật biết các tập khí, hữu dư hoặc vô dư, tuỳ nơi sanh mà có tập khí, tuỳ chỗ chúng sanh ở mà có tập khí, tuỳ nghiệp phiền não mà có tập khí...
Bồ-tát an trụ trong địa này là Đại pháp sư, có công năng giữ gìn pháp tạng của chư Phật, là Đại pháp sư trong ý nghĩa sâu xa vi diệu, dùng tuệ phương tiện vô lượng, tứ vô ngại trí, phát khởi sự thuyết pháp ngôn từ của Bồ-tát. Bồ-tát thường tuỳ vào Tứ vô ngại trímà không phân biệt. Đó là: phápvô ngại, nghĩavô ngại, từvô ngại và lạc thuyết vô ngại. Bồ-tát dùng Pháp vô ngại trí, biết tự tướng của pháp; dùng Nghĩa vô ngại trí, biết sự sai biệt của pháp; dùng Từ vô ngại trí, biết các pháp của thuyết vô phân biệt; dùng Lạc thuyết vô ngại trí, biết sự không đoạn diệt thứ lớp của các pháp...An trụ trong địa thứ chín này gọi là đắc được pháp tạng của chư Phật, là vị Đại pháp sư, biết được các nghĩa và các pháp Đà-la-ni, khởi trí và các sự chói sáng Đà-la-ni....cho đến đắc được vô lượng Đà-la-ni. Bồ-tát trụ trong địa này, thiện căn chuyển thắng giải, ngày đêm niệm không ngớt, thâm nhập vào chỗ công hạnh của chư Phật, thường dự hết thảy Phật hội, thâm nhập vào sự giải thoát của Bồ-tát. Bồ-tát tuỳ thuận trí như vậy; thường thấy chư Phật, mà ở trong mỗi kiếp vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức, đem những thứ vi diệu cúng cụ, cúng dường chư Phật; ở chư Phật những thứ vấn nạn thảy đều thông đạt Đà-la-ni...
Sau cùng là Pháp vân địa. Với trí tuệ vô lượng như vậy, Bồ-tát khéo tu hành pháp đạo cho đến địa thứ chín, khéo tu tập các bạch pháp, khéo tu tập vô lượng trợ đạo pháp, hộ trì trí tuệ công đức lớn, rộng hành đại bi, biết phân biệt sâu xa sự sai biệt của tánh thế gian, thâm nhập vào nạn xứ của chúng sanh, đến các hành xứ của Như Lai, nhớ nghĩ tuỳ thuận hành xứ tịch diệt của Như Lai, hướng đến tu Thập lực, Tứ vô sở uý và pháp Thập bát bất cọng của chư Phật, giữ gìn kiên cố không xả bỏ, đạt đến nhất thiết trí. Bồ-tát tuỳ hành theo trí như vậy, gần gũi với Phật địa, tức chứng đắc được vô cấu tam-muội của Bồ-tát, mà ngay nơi hiện tại lại nhập vào pháp tánh sai biệt tam-muội, đạo tràng trang nghiêm tam-muội, tất cả thế gian mưa hoa quang tam-muội, hải tạng tam-muội, hải ấn tam-muội, hư không quảng tam-muội, quán xét chọn lọc tất cả các pháp tánh tam-muội, tuỳ vào tâm của hết thảy chúng sanh mà hành tam-muội, như thật chọn lựa tất cả các pháp tam-muội, chứng đắc được trí tín tam-muội của Như Lai, như vậy trăm vạn a-tăng-kỳ tam-muội, v.v...đều ở ngay trong hiện tại. Bồ-tát thảy đều nhập vào tam-muội này, khéo biết công dụng sai biệt của tam-muội, tam-muội sau cùng, gọi là địa vị của trí lợi ích tất cả.[148]
Bồ-tát an trụ vào Pháp vân địa, như thật biết tập Dục giới, tập Sắc giới, tập Vô sắc giới; như thật biết tập thế gian tánh, tập chúng sanh tánh, tập thức tánh, tập hữu vi tánh, tập vô vi tánh, tập hư không tánh, tập pháp tánh, tập Niết-bàn tánh, tập tà kiến các phiền não tánh,[149]như thật biết các pháp thành hoại của thế gian, như thật biết tập đạo của Thanh-văn và Bích-chi-Phật, tập đạo của Bồ-tát, tu tập Thập lực, Tứ vô sở uý và pháp Thập bát bất cọng của chư Phật, tập sắc thân và pháp thân, tập nhất thiết trí tuệ; tập như vậy đắc được Phật đạo; tập chuyển pháp luân, tập thị hiện diệt độ, nêu lên lời lẽ cần thiết, như thật biết thị hiện tập sai biệt của tất cả các pháp. Bồ-tát dùng trí tuệ như vậy, tuỳ thuận Bồ-đề hạnh, như thật thâm nhập chuyển biến, biết sự biến hoá của chúng sanh, của nghiệp, của phiền não, của các kiến, tánh thế gian, pháp tánh của Thanh-văn, Bích-chi-Phật, Bồ-tát, của Như Lai, của tất cả, của phân biệt và vô phân biệt, đều thể nhập như thật.
Bồ-tát như thật biết năng lực gia trì của Phật, pháp; như thật biết sự gia trì nghiệp, phiền não, thời, nguyện, đời trước, hành, sự sống và sự gia trì của trí. Bồ-tát an trụ trong địa này thâm nhập vào trí của chư Phật, hành trí tuệ vi tế. Nghĩa là sanh tử trí vi tế, thế trí vi tế, xuất gia, đắc đạo, thần lực tự tại, chuyển pháp luân, duy trì thọ mạng, hiển bày Niết-bàn trí vi tế và pháp cửu trụ trí vi tế, những trí vi tế như vậy, đều như thật biết... Bồ-tát an trụ địa này, tức là có khả năng thể nhập vào trí tuệ như vậy, tuỳ là hạnh của đất (địa hạnh); vì Bồ-tát chứng đắc và vận dụng Thập giải thoát làm đầu, chúng là: 1. bất tư nghì giải thoát; 2. vô ngại giải thoát; 3. hành giải thoát; 4. phổ môn minh giải thoát; 5. Như Lai tạng giải thoát; 6. vô ngại luận giải thoát; 7. nhập tam thế giải thoát; 8. pháp tánh tạng giải thoát; 9. giải thoát minh giải thoát; và 10. ly sai biệt giải thoát.[150]
Ngoài ra còn có vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức a-tăng-kỳ giải thoát, đều ở nơi địa này; Bồ-tát chứng đắc được trăm ngàn vạn a-tăng-kỳ tam-muội, trăm ngàn vạn vô lượng a-tăng-kỳ Đà-la-ni, trăm ngàn vạn vô lượng a-tăng-kỳ thần thông, cũng đều đắc được như vậy. Bồ-tát thành tựu trí tuệ như vậy, tuỳ thuận nơi Bồ-đề, thành tựu vô lượng niệm lực, có thể trong một niệm khoảnh khắc đến mười phương vô lượng cõi Phật, thọ vô lượng pháp môn, vô lượng pháp vũ (mưa pháp), đều có khả năng thọ trì. Ví như Bà-già-la Long vương tạo pháp vũ, chỉ trừ biển lớn, còn các địa khác đều không có khả năng lãnh thọ. Bồ-tát cũng vậy, vì lãnh thọ đại pháp vũ, có khả năng thâm nhập Như Lai mật xứ, là đại pháp vũ; còn hết thảy chúng sanh, Thanh-văn, Bích-chi-Phật, đều không thể. Bồ-tát từ Sơ địa cho đến Cửu địa, cũng không có khả thọ trì, duy chỉ có những vị Bồ-tát an trụ trong địa thứ mười: Pháp vân địa thì mới có đủ khả năng thọ trì.
Bồ-tát an trụ trong Pháp vân địa, có khả năng khiến cho vô lượng chúng sanh an trụ vào nhất thiết trí đạo. Bồ-tát an trụ trong địa này, mười phương chư Phật vì họ thuyết trí tuệ, khiến thông đạt tam thế, biết đúng tánh tướng của các pháp, dùng trí tuệ diễn thuyết phổ quát hết thảy thế gian, chiếu soi vào tánh thế gian, dùng đại từ đại bi, trải khắp cho tất cả chúng sanh, thấy biết tất cả các pháp một cách chơn chánh và phổ quát, nói lên những ngôn từ bí yếu của Như Lai, vì họ diễn thuyết đầy đủ, cho đến tất cả trí đạo. Đây là Bồ-tát an trụ Pháp vân địa.
Tóm lại, Bồ-tát chứng đắc Thập địa là nhờ vào nhân duyên trí của Phật. Ví như vì nhân duyên đại địa mà có Thập đại Sơn vương. Như Tuyết Sơn vương, tất cả dược thảo, tập trung trong núi tuyết này, số nhiều không cùng tận. Cũng vậy, Bồ-tát an trụ vào Sơ hoan hỷ địa này, tất cả thế gian, kinh thơ kỹ nhạc, văn tụng chú thuật, tập trung trong địa này, số nhiều không cùng tận. Như Hương Sơn vương, tất cả các thứ hương, tích tụ lại trong núi hương này, số nhiều không cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ vào trong Ly cấu địanày, trì giới đầu đà, oai nghi trợ pháp, tập trung trong địa này, số nhiều không thể cùng tận. Như Kha-lợi-la Sơn vương, đều dùng thành bằng báu, tập trung các thứ hoa vi diệu, số nhiều không thể cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Phát Quang địa này, tập trung tất cả thế gian, thiền-định thần thông, giải thoát tam-muội môn, số nhiều không thể cùng tận. Như Tiên Thánh Sơn vương, chỉ dùng thành bằng báu, đa số Thánh nhân có được năm thứ thần thông, số nhiều không thể cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Diệm Huệ địanày, tập trung khiến cho chúng sanh nhập vào nhân duyên đạo, những thứ vấn nạn, số nhiều không thể cùng tận. Du-càng-đà-la Sơn vương, chỉ dùng thành bằng báu, tập trung những đại thần Dạ-xoa, La-sát Dạ-xoa, số nhiều không thể cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Nan thắng địanày, tích tập tất cả những thứ vị tự tại, thần thông như ý, số nhiếu nói không cùng tận. Như Mã-nhĩ Sơn vương, chỉ dùng bằng báu, tích tập các thứ quả vi diệu, số nhiều không thể cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Hiện tiền địanày, tập trung những pháp nhân duyên sâu xa, nói về quả Thanh-văn, số nhiều nói không thể cùng tận. Như Ni-dân-đà Sơn vương, chỉ dùng thành bằng báu, tập trung hết thảy các vị Long thần đại lực, số nhiều nói không cùng tận, cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Viễn Hành địanày, tập trung những thứ trí tuệ phương tiện, thuyết về Bích-chi-Phật đạo, số nhiều không thể cùng tận. Như Sở-ca-bà-la Sơn vương, chỉ dùng bằng báu, tập trung những thứ tâm tự tại, số nhiều không thể cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Bất động địanày, tập trung tất cả những Bồ-tát tự tại đạo, thuyết về tánh thế gian, số nhiều nói không cùng tận. Như Chúng Tướng Sơn vương, chỉ dùng thành bằng báu, tập trung những vị đại thần lực, những vị A-tu-la, số nhiều không thể cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Diệu Thiện địanày, tập trung tất cả trí hành chuyển hoá chúng sanh, thuyết về tướng thế gian, số nhiều không thể cùng tận. Như Tu-di Sơn vương, chỉ dùng thành bằng báu, tập trung hết thảy những vị đại thần, số nhiều không thể cùng tận; cũng vậy, Bồ-tát an trụ trong Pháp Vân địanày, tập trung hết thảy Thập lực của Như Lai, Tứ vô sở uý, thuyết về các pháp của chư Phật, số nhiều không thể cùng tận. Là Thập Bảo sơn, cùng đồng trong biển lớn, nhân vì nước biển lớn, có tướng sai biệt, cho nên chư vị Bồ-tát Thập địa cũng lại như vậy, cùng đồng tại Phật trí, nhân vì có nhất thiết trí, cho nên có tướng sai biệt. Ví như biển lớn, vì có mười tướng, cho nên gọi là đại hải, không gì có khả năng làm hư hoại. Mười thứ này là:
1. Thứ lớp sâu dần;
2. Không dung chứa tử thi;
3. Những dòng sông khác mất tên gốc của chúng khi chảy vào biển này;
4. Thuần một vị;
5. Có nhiều châu báu tích tụ;
6. Sâu thẳm khó thể nhập;
7. Rộng lớn vô lượng;
8. Có nhiều chúng sanh thân hình vĩ đại nương sống;
9. Không vượt quá giới hạn bình thường; và
10. Có khả năng nhận lãnh tất cả những cơn mưa lớn có nhiều lợi ích lớn. Các hạnh Bồ-tát cũng lại như vậy, vì chỉ dùng mười nhân duyên, cho nên được gọi là không có khả năng làm huỷ hoại. Mười thứ nhân duyên này là:
1. Trong Hoan hỷ địa, nguyện thứ lớp dần dần sanh kiên cố;
2. Trong Ly cấu địa, không cùng sống với hạng phá giới mà cùng sống với những người giữ giới;
3. Trong Minh địa, xả bỏ hết những tên tuổi giả tạm của thế gian;
4. Trong Diệm huệ địa, đối với Phật đắc được sự nhất tâm không hoại tịnh tín;
5. Trong Nan thắng địa, sanh khởi thần thông phương tiện vô lượng của thế gian, khởi thế gian sự;
6. Trong Hiện tiền địa, quán pháp nhân duyên sâu xa;
7. Trong viễn hành địa, dùng tâm quảng đại, khéo chọn lựa các pháp;
8. Trong Bất động địa, có khả năng sanh khởi thị hiện sự việc đại trang nghiêm;
9. Trong Diệu thiện địa, có khả năng đắc được sự giải thoát thâm sâu, thông đạt các hành thế gian, sự thật đúng đắn không có lỗi lầm; và
10. Trong Pháp vân địa, có khả năng lãnh thọ hết thảy đại pháp vũ của chư Phật...
Như vậy, là Bồ-tát chân chánh, cần phải tinh tấn tu tập rốt ráo để đạt đến Viễn hành địa, làm nền tảng kiên cố không còn thối chuyển, thì mới có thể thể nhập vào Bất động địa. Không dừng lại địa này, Bồ-tát cần phát vô lượng tâm để thể nhập vào Pháp vân địa xuyên qua Diệu Thiện địa. Được vậy, Bồ-tát ấy đã đến tận cùng đích của Bồ-tát địa, hành pháp lợi sanh, hưng long chánh pháp, diệt sạch ma quân, làm cho giòng giống Tam bảo và Phật pháp luôn được trường tồn, chúng sanh an lạc.
--------------------
[127]“Tứ sanh đăng ư bửu địa, Tam hữu thác hoá liên trì, hà sa ngạ quỷ chứng Tam Hiền, vạn loại hữu tình đăng Thập địa. Nam mô siêu Thập địa Bồ-tát ma-ha-tát”.
[128]ĐC 286, tr. 498bc.
[129]Sđd., tr. 500a.
[130]Sđd., tr. 500b.
[131]Sđd., tr. 504b. Mười tâm này hơi khác với Mười ý lạc(Śayatā) trong bản Đường của Śīlabhadra. Đó là: 1. Chánh trực (Ārjava) ý lạc; 2. Nhu nhuyến (Mṛḍā) ý lạc; 3. Kham năng (Karmanyā) ý lạc; 4. Điều phục (Damā) ý lạc; 5. Tịch diệt (Śamā) ý lạc; 6. Hiền thiện (Kalyāṇā) ý lạc; 7. Bất tạp (Asaṃsṛṣṭā) ý lạc; 8. Vô cố biến (Anāpakṣā) ý lạc; 9. Thắng diệu (Udārā) ý lạc; và 10 Quảng đại (Māhātmyā) ý lạc. ĐC 287, tr. 542b.
[132]1) Biết rõ chánh tà trong mỗi duyên; 2) Biết rõ nghiệp của chúng sanh trong ba đời; 3) Biết rõ những giai đoạn Thiền định giải thoát và Tam muội; 4) Biết rõ căn tánh cao thấp của chúng sanh; 5) Biết rõ sự tham muốn khác nhau của chúng sanh; 6) Biết rõ cảnh giới sai khác của mỗi chúng sanh; 7) Biết rõ chỗ đi và đến của phàm và Thánh, thế gian và xuất thế gian; 8) Biết rõ những nguyên nhân tốt xấu và thọ mạng dài hay ngắn của chúng sanh; 9) Biết rõ sự sinh diệt trong kiếp trước của chúng sanh và cảnh giới Niết-bàn của bậc Thánh; và 10) Tự biết rõ mình đã đoạn tận các lậu hoặc.
[133]1) Nhất thiết trí (trí biết rõ các pháp thế và xuất thế gian); 2) Lậu tận; 3) Thuyết chướng đạo (thuyết tà vạy làm chướng ngại Thánh đạo); và 4) Thuyết tận khổ đạo (thuyết những pháp có công năng diệt khổ).
[134]Hay Bốn vô ngại giải là: pháp (dharma), nghĩa (artha), từ (nirukti) và lạc thuyết (pratibhāna).
[135]ĐC 286, tr. 507a. Mười tâm này hơi khác với bản dịch của Śīlabhadra. Chúng là: 1. Thanh tịnh (śuddha); 2. An trụ (Sthira); 3. yểm ly (Nirviṇṇa); 4. Ly dục (Virāga); 5. Bất thối (Avivarta); 6. Kiên cố (Dṛḍha); 7. Xí nhiên (Uttapta); 8. Dõng kiện (Tṛpta); 9. Thắng diệu (Udāra); và 10. Quảng đại (Mahāymya). ĐC 287, tr. 545a.
[136]Bồ-tát xa lìa các dục ác bất thiện pháp, có giác có quán, ly sanh hỷ lạc, nhập vào Sơ thiền. Diệt giác, diệt quán, nội tâm thanh tịnh, không giác không quán, định sanh hỷ lạc, nhập vào Nhị thiền; vì xa lìa hỷ lạc. Xả niệm an tuệ, thân cảm thọ hỷ lạc của những bậc Hiền Thánh, năng thuyết năng xả, thường nhớ nghĩ đến cảm thọ hỷ lạc, nhập vào Tam thiền; vì đoạn khổ đoạn lạc. Trước diệt hỷ ưu, bất khổ bất lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập vào Tứ thiền. ĐC 286, tr. 507c
[137]Bồ-tát vượt qua hết thảy các sắc tướng, diệt hết thảy tướng có đối, không nhớ nghĩ đến các tướng riêng cho nên biết hư không vô biên, tức nhập vào Hư không vô sắc xứ định. Vượt qua hết thảy tướng hư không, biết thức là vô biên, tức nhập vào Thức vô sắc xứ định. Vượt qua hết thảy các tướng thức, biết vô sở hữu (không có vật gì), tức nhập vào Vô sở hữu vô sắc xứ định. Vượt qua hết thảy vô sở hữu xứ, biết phi hữu tưởng phi vô tưởng an ổn, tức nhập vào Vô sắc phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ; vì chỉ tuỳ thuận các pháp hành, nhưng không đắm trước lạc. ĐC 286, tr. 507c & 508a.
[138]Mười pháp minh này hơi khác với bản Đường của Śīlabhadra. Chúng là: 1. Hữu tình giới tư sát (Sattvadhātu-vicāraṇa) minh nhập; 2. Chư thế giới tư sát (Lokadhātu) minh nhập; 3. Chơn pháp giới tư sát (Dharmadhātu) minh nhập; 4. Hư không giới tư sát (Ākāśadhātu) minh nhập; 5. Thức giói tư sát (Vijñānadhātu) minh nhập; 6. Dục giới tư sát (Karmādhātu) minh nhập; 7. Sắc giới tư sát (Rūpadhātu) minh nhập; 8. Vô sắc giới tư sát (Ārūpadhātu) minh nhập; 9. Diệu ý lạc tư sát (Udārāśayāvimuktidhātu) minh nhập; và 10. Quảng đại ý lạc giải giới tư sát (Mahātmyāśayāvimuktidhātu) minh nhập. ĐC 287, tr. 547c.
[139]ĐC 286, tr. 511c & 512a.
[140]Sđd., tr. 512b.
[141]ĐC 286, tr. 515a.
[142]Như là không tam muội, tánh không tam muội, đệ nhất nghĩa không tam muội, đại không tam muội, hiệp không tam muội, sanh không tam muội, như thật bất phân biệt không tam muội, nhiếp không tam muội, ly bất ly không tam muội.v.v... vạn không tam muội hiện tiền, vô tướng vô nguyện tam muội cũng như vậy. Sđd., tr. 515c.
[143]Sđd., tr. 521a.
[144]Sđd., tr. 521b.
[145]Sđd., tr. 522a.
[146]Sđd., tr. 522b.
[147]Sđd.
[148]Sđd., tr. 528b.
[149]Những chữ “tánh” vừa nêu của đoạn này là bản dịch của ngài Kumārajīva, tương tợ với chữ “giới” trong bản của ngài Śīlabhadra, như “tập thế gian tánh, tập chúng sanh tánh, tập thức tánh,...tập Niết-bàn tánh, tập tà kiến các phiền não tánh” tức là “tập thế gian giới, tập chúng sanh giới, tập thức giới,...tập Niết-bàn giới, tập tà kiến các phiền não giới”. Chữ giới trong tình huống này khá rõ nghĩa và dễ hiểu hơn. Xem ĐC 286, tr. 519b và ĐC 287, tr. 568c.
[150]ĐC 286, tr. 519c.
----o0o---
Trình bày: Anna