Đức Phật và Nền Văn Hóa Giác Ngộ
(Bài Tham Luận Đại Lễ Phật Đản Giáo Hội Phật lịch 2551, tại Houston, Texas)
Kính lạy Đức Thế Tôn, Ngài đã thị hiện vào cõi nhân gian nhiều khổ đau, phiền lụy này, bằng hạnh nguyện độ sinh, bằng trí tuệ siêu việt, để từ đó Đức Thế Tôn xây dựng một nền văn hóa người trong sáng, một nếp sống hướng thượng, tâm linh siêu thoát, bằng giáo pháp giác ngộ, bằng nếp sống văn hóa cao đẹp, lành mạnh có lợi ích cho tha nhân mà con người thời bấy giờ đã xưng dương, tán thán Đức Phật:
“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y tỳ kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”
Đây chính là tam đức: Trí đức, Đoạn đức và Ân đức mà Đức Phật đã thể chứng nơi tự thân và quyền bày phương tiện hóa độ, đem sự bình an và hạnh phúc đến cho mọi loài chúng sinh.
Để thấy được “những gì Đức Phật ban bố cho thế gian” qua phương diện Phật pháp và nền văn hóa giác ngộ, chúng ta thấy giáo pháp là những lời thuyết giảng của Đức Phật trong những pháp hội, khi thì ở trên các cung Trời, khi thì ở chốn nhân gian và có khi ở dưới Long cung. Tất cả những lời thuyết pháp này sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn được Tôn giả A Nan, người thị giả của Đức Phật, kiết tập gọi là Tạng Kinh. Tôn giả Ưu Ba Ly kiết tập Tạng Luật và riêng về Tạng Luật là do sự khai triển lý giải, sớ sao của chư vị Thánh đệ tử cũng như các vị Luận sư, Tôn giả Ca Chiên Diên tập thành, tổng hợp ba bộ gọi là Tam Tạng Kinh Điển: Kinh, Luật, Luận. Đó là Phật pháp, được lưu truyền suốt một dòng lịch sử Phật giáo hơn 2,500 năm qua và cho đến hôm nay, Phật pháp đã mang đến cho từng người, cho từng gia đình, cho từng quốc gia, dân tộc trên thế giới.
Phật pháp đã đóng một vai trò không nhỏ trong đời sống con người qua hai phạm trù: thế gian và xuất thế gian. Nơi thế gian thì Đức Phật thiết lập một nền Phật pháp để xây dựng một đời sống bình an hạnh phúc cho hàng nam nữ cư sĩ tại gia. Phạm trù xuất thế gian thì Đức Phật giảng dạy một hệ thống Phật pháp tu tập và chứng đắc thánh quả ngay trong đời này cho các vị tỳ kheo xuất gia.
Để hiểu được phần nào về hai chữ văn hóa, trong quyển Văn Hóa Việt Nam, phần II - Tinh Hoa Văn Hóa, tác giả Lê Thái Ất định nghĩa hai chữ văn hóa như sau:
“Văn hóa là cái đẹp riêng của con người, thể hiện lề lối sống hằng ngày, con vật không có văn hóa. Sinh hoạt văn hóa có tính hướng thượng, tạo thành cái đẹp cao quý của con người. Khi văn hóa phát triển tiến bộ đến một trình độ đáng kể trong đời sống thực tế gọi là văn minh. Khi nếp sống văn minh được sắp xếp hài hòa thành những định chế quy định cuộc sống tập thể xã hội đem lại sự thịnh trị, phồn vinh và hạnh phúc cho mọi người, khi đó gọi là văn hiến. Đó chính là tinh hoa văn hóa.”
Qua định nghĩa trên, chủ đề Phật Pháp và Văn Hóa được đề cập đến hôm nay, chúng ta hiểu Đức Phật xây dựng một đời sống văn hóa thanh cao, thánh thiện cho hàng đệ tử trong tinh thần Phật pháp giác ngộ giải thoát.
I. Phật Pháp và Văn Hóa cho Chúng Tỳ Kheo Tăng:
Chúng tỳ kheo tăng là những trang thiện gia nam tử, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, chấp nhận đời sống tập thể trên tinh thần hòa hiệp thanh tịnh trong cộng đồng Tăng lữ, để từ đó thăng tiến trên con đường tu tập.
Trong Kinh Thừa Tự Pháp, Đức Phật dạy:
“Này các tỳ kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các người và Ta nghĩ: Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật.”
Vào thời Đức Phật còn tại thế, Ngài và các hàng Thánh đệ tử, vật dụng cần có chỉ được ba tấm y, một bình bát, một đãy lọc nước, một túi kim chỉ, một tích trượng và tọa cụ. Độ nhật nuôi thân bằng cách đi khất thực, ngày chỉ ăn một bữa, tối ngủ dưới gốc cây, trong khu nhà trống, trong đống rơm. Từ nếp sống này, các chúng tỳ kheo không phiền, không nhiệt, không vướng bận và ràng buộc, dành nhiều thời gian cho sự tu tập thiền định. Phần đầu bộ Kinh Kim Cang đã diễn tả phong thái, nếp sinh hoạt thường nhật của Đức Thế Tôn và các hàng đệ tử:
“Một thời, Đức Phật ở nước Xá Vệ, trong rừng của Thái tử Kỳ Đà, vườn Trưởng giả Cấp Cô Độc, cùng với chúng đại tỳ kheo tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị. Lúc ấy gần đến giờ ngọ Đức Thế Tôn, đắp y mang bình bát vào đại thành Xá Vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ tự đi khất thực. Khất thực xong, Ngài trở về lại tịnh xá thọ trai. Thọ trai xong, Ngài cất y bát, rửa chân, trải tọa cụ thiền định.”
Và nếu có một ngày nào đó, đàn việt phát tâm cúng dường trai tăng thì Đức Thế Tôn và Thánh chúng mang y bát đến thọ trai, xong rồi thuyết pháp và chúc lành cho vị đàn việt ấy. Cứ thế đời sống tu hành đơn sơ, nhàn tịnh, không quá khổ cực ép xác, mà cũng không quá hưởng thụ, phóng túng. Đó là phương pháp tu hành mà Đức Thế Tôn gọi là con đường Trung Đạo. Nơi đây được gọi là nền Văn Hóa Trung Đạo trong Phật pháp:
“Này chư Hiền, con đường Trung Đạo ấy là gì? Con đường khiến tịnh nhãn sanh, khiến chân trí sanh, hướng đến tịch tĩnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn. Đó là con đường Thánh tám ngành – Bát Chánh Đạo.”
Để đi vào cảnh giới nội tâm tịch tĩnh, tạo niềm an lạc và chánh niệm trong tứ oai nghi, trong từng hơi thở, trong mọi cảm thọ cho một vị tỳ kheo sống đời thiền định, Đức Phật đã trình bày tinh thần giáo pháp Tứ Niệm Xứ mà nơi đây được gọi là văn hóa tự tri. Chính nền văn hóa tự tri tỉnh giác này đã thực sự có một hương vị sống, thanh thản tự tại giữa núi rừng u tịch, một đời sống độc cư thiền định.
Nền văn hóa tự tri tỉnh giác, cũng là tinh thần giáo dục thiền định, một phương pháp giáo dục đặc biệt của đạo Phật mà xã hội hôm nay chưa được phổ cập vào nền giáo dục hiện đại cho con người.
Nguyên tắc giáo dục thiền định mang tính chất rất người và đưa đến kết quả khá quan trọng về lãnh vực tâm lý, tình cảm, kiện toàn tinh thần giáo dục tự tri, tự chủ, tự tín và trách nhiệm cá nhân, đồng thời cũng mở ra những hướng sáng tạo.
Tình cảm, thiền định xây dựng nền hỷ lạc hân hoan, tịch lặng, buông xả và đầy lòng thương yêu.
Tâm lý, thiền định là điều kiện làm chuyển hướng tâm lý con người, từ tâm lý tiêu cực, thành tích cực, từ tham sân si thành vô tham, vô sân, vô si, từ thất niệm trở thành tỉnh giác.
Cảm thọ, thiền định mang vào cảm thọ lạc và nhiếp phục cảm thọ khổ nơi thân tâm. Trong cảm thọ lạc này con người bắt gặp một niềm hỷ lạc, an nhiên, tự tại mà thực tế đời sống khó thể có.
Thiền định còn giúp con người có một sự nhớ nghĩ rõ ràng và trí năng mẫn tiệp. Nếu nền văn hóa thiền định được đưa vào xã hội con người một cách thiết thực thì đó chính là điều kiện tốt để con người gạn lọc thân tâm và tăng tiến kiến thức.
Tinh thần tự chủ, độc lập, giác tỉnh và sức mạnh của ý chí tự nguyện là yếu tố thuận lợi cho những tư tưởng trong sáng và ý thức hướng thượng được phát triển tốt đẹp hơn. Thiền định là một cảnh giới hoàn toàn mới mẻ do sự sáng tạo của tâm thức, là điều kiện xây dựng an toàn cho con người trên nền tảng trí tuệ mà không bị lệch lạc hay vướng vào những không tưởng. Thiền định là phương pháp thích hợp cho những người mang tinh thần sáng tạo trên lộ trình thiền quán. Sự thực tập thiền định là một pháp môn giúp đời sống tâm linh thanh thoát, tịnh lạc, bình an, làm con người thêm năng động, tích cực làm việc, yêu đời không bị những khổ đau, phiền muộn ảnh hưởng đến bản thân.
Văn hóa thiền định của Đức Phật biểu hiện cụ thể qua giáo pháp Tứ Niệm Xứ.
Tứ Niệm Xứ là bốn chỗ hay bốn trú xứ mà một hành giả thiền quán phải chú tâm quán sát và buộc tâm mình nơi đó:
1. Thân Niệm Xứ: Quán sát hơi thở ra vào và giữ chánh niệm tỉnh giác, xả trừ tham ưu ở đời.
2. Thọ Niệm Xứ: Quán sát các cảm thọ bên trong và bên ngoài, cảm thọ lạc, khổ, phi lạc khổ và giữ chánh niệm tỉnh giác, xả trừ tham ưu ở đời.
3. Tâm Niệm Xứ: Quán sát sự hoạt động của tâm đang sanh khởi là tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si và giữ chánh niệm tỉnh giác, xả trừ tham ưu ở đời.
4. Pháp Niệm Xứ: Quán sát năm triền cái, ngũ uẩn, lục xứ và tứ thánh đế, giữ chánh niệm tỉnh giác, xả trừ tham ưu ở đời.
Đức Phật đã đề bạt Tứ Niệm Xứ là con đường “độc đạo” để đưa con người đến địa vị tối thượng. Đức Phật đã chứng minh giá trị siêu việt của giáo pháp Tứ Niệm Xứ như sau:
“Này các tỳ kheo, con đường độc đạo nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt qua mọi sầu não, khổ ưu, thành tựu chánh trí, hiện chứng niết bàn, đó là con đường Tứ Niệm Xứ.”
Để cho chúng ta thấu rõ cách sống và sinh hoạt của chúng tỳ kheo tăng, và nền văn hóa tương lân, hỷ xả, hòa đồng và tôn trọng, Phật pháp đã hiển bày một nếp sống cao đẹp, vị tha, quên mình và hy sinh những tình cảm riêng tư để phụng sự cộng đồng, xã hội. Đức Phật đã thuyết giảng trong Tiểu Kinh Rừng Sừng Bò cho chúng tỳ kheo hành trì:
“Bạch Thế Tôn, do vậy, chúng con nghĩ như sau: “Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này.” Bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân, nhưng giống như đồng một tâm. Bạch Thế Tôn, như vậy chúng con sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau bằng cặp mắt thiện cảm.”
Chúng ta thường nghe tinh thần giáo pháp lục hòa, một nếp sống có lợi cùng chia, có kiến thức cùng luận bàn, có giới đức cùng tu của một đoàn thể tăng già, chính nếp sống này làm tăng trưởng bản thể của tăng.
Cũng trong Tiểu Kinh Rừng Sừng Bò, chúng tỳ kheo đã sống chung với nhau trong một trú xứ, đã cùng sống với nhau trong một lý tưởng, đã cùng sinh hoạt chia sẻ những việc hàng ngày trong ý thức trách nhiệm, bổn phận của từng mỗi cá nhân mà không ai phải nhắc nhở, thúc đẩy. Đây là tinh thần Phật pháp chan hòa, sống thực trong mỗi tâm tư hay nói cách khác hơn đó là tinh thần văn hóa tự giác, tự nguyện được tựu thành một cách linh hoạt từ nơi mỗi tâm hồn trong sáng của chúng tỳ kheo. Đây là giá trị Phật pháp tuyệt vời mà Đức Phật đã ban bố cho thế gian, cho loài người, cho tất cả chúng sinh.
“Này các Anuruddha, như thế nào, các thầy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần?
Ở đây, Bạch Thế Tôn, chúng con, ai đi làng khất thực về trước, thì người ấy sắp đặt các chỗ ngồi, soạn sẵn nước uống, nước rửa chân, soạn sẵn một bát để bỏ đồ dư. Ai đi làng khất thực về sau, thì người ấy, còn đồ ăn thừa nếu muốn ăn thì ăn, nếu không muốn thì bỏ vào chỗ không có cỏ xanh hay đổ vào chỗ nước không có côn trùng và người ấy xếp dọn lại các chỗ ngồi, cất đi nước uống, nước rửa chân, cất đi cái bát để bỏ đồ dư và quét sạch nhà ăn. Ai thấy ghè nước uống, ghè nước rửa chân, hay ghè nước trong nhà cầu hết nước, trống không thì người ấy lo liệu nước. Nếu ai làm không nổi với sức mình, thì người ấy dùng tay ra hiệu gọi người thứ hai: “Chúng ta cùng lo liệu nước.” Dầu vậy, Bạch Thế Tôn, chúng con không vì vậy mà gây ra tiếng động và đến ngày thứ năm, Bạch Thế Tôn, suốt cả đêm chúng con đàm luận về đạo pháp. Như vậy, Bạch Thế Tôn, chúng con không sống phóng dật, chúng con nhiệt tâm, tinh cần.”
Những gì Đức Phật ban bố cho thế gian nhiều vô kể, sự ban bố đó về nhiều lãnh vực: từ văn hóa đến giáo dục, kinh tế, xã hội ... từ cá nhân đến tập thể, từ địa vị của người nghèo đến những bậc trưởng giả giàu có, từ kẻ nông nô đến vua chúa, triều đình. Tùy hoàn cảnh, môi trường, tùy căn cơ trình độ, Phật pháp được đem đến cho tất cả, và nền văn hóa giác ngộ được thiết lập khắp mọi nơi.
Phật pháp được trình bày cho một vị tỳ kheo để tôi luyện tự thân tâm và tiến tu, chứng đắc thì đồng thời Phật pháp cũng thuyết giảng cho tất cả, dù đó là một kẻ sát nhân như Angulimala, dù đó là một kỹ nữ như Ampabali, dù đó là anh chàng gánh phân như Nan Đề, hay dù đó là hàng ngoại đạo, ác ma. Phật pháp được tuyên thuyết một cách cặn kẽ, kỹ lưỡng, ngõ hầu đem lại niềm tịnh lạc cho đời sống thăng hoa thánh thiện.
Thành tựu của sự tu tập Phật pháp đã cho thấy bao nhiêu vị thánh giả tên tuổi còn lưu lại trong Kinh, cấp độ tu chứng quả vị đạt thành ngay trong đời hiện tại; mà cứ mỗi lần nghe được Phật pháp, ý tâm khai mở rũ sạch bụi trần sinh tử thì bậc thánh giả ấy nói bài kệ:
“Sự sanh dĩ tận
Phạm hạnh dĩ lập
Sở tác dĩ biện
Bất thọ hậu hữu”
Sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã thành tựu. Việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau.
Như một hôm Ngài Xá Lợi Phất khi chưa xuất gia nghe được bài kệ:
“Chư pháp tùng duyên sinh
Diệt phục nhơn duyên diệt
Ngã Phật đại sa môn
Thường tác như thị thuyết.”
Các pháp từ duyên sinh, diệt cũng từ duyên diệt. Phật, bậc đại sa môn, thường thuyết giảng như vậy.
Nơi đây chúng ta có thể nói, chính giá trị Phật pháp đó là nền văn hóa tu chứng, hay nền văn hóa tâm linh được khai triển, phủi sạch những vô minh, cắt đoạn sinh tử. Đức Phật đã ban bố cho thế gian là như vậy.
Hay một nơi khác, Phật pháp được tác thành làm giềng mối cho cộng đồng tăng lữ và chính giềng mối kỷ cương ấy đã là điều kiện hưng thịnh trong chúng tăng. Đó là bảy pháp không bị suy giảm của một chúng tỳ kheo.
Có lần Đức Phật ở tại Vương Xá, núi Linh Thứu, nơi đây Đức Phật đã dạy các thầy tỳ kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Đức Phật sẽ dạy bảy điều làm hưng thịnh cho chúng tỳ kheo:
1. Khi nào chúng tỳ kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các tỳ kheo, chúng tỳ kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
2. Khi nào chúng tỳ kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc tăng sự trong niệm đoàn kết, sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
3. Khi nào chúng tỳ kheo không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành. Sống đúng với những giới đã được ban hành, sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
4. Khi nào chúng tỳ kheo tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc tỳ kheo trưởng lão. Những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng tăng và nghe theo những lời dạy của những vị này thời sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
5. Khi nào chúng tỳ kheo không bị chi phối bởi tham dục, tham dục này tác thành một đời sống khác, thời này các tỳ kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
6. Khi nào chúng tỳ kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh thời này các tỳ kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
7. Khi nào chúng tỳ kheo tự thân an trú trong chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở được sống an lạc, thời này các tỳ kheo, chúng tỳ kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Bảy điều kiện này là yếu tố xây dựng một hội chúng lớn mạnh, cũng như bảy điều kiện hưng thịnh một quốc gia.
II. Phật Pháp và Văn Hóa cho Nhà Vua, Hội Đồng Nội Các của một Quốc Gia:
Mười pháp cho nhà Vua, cho dân và vì dân:
1. Vua độ lượng, từ bi, bố thí.
2. Giữ giới: Có đạo đức cao, không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu.
3. Hy sinh tất cả vì lợi ích của toàn dân.
4. Đức tính thẳng thắn, thành thật và liêm khiết.
5. Lòng từ ái, hiền hòa.
6. Khổ hạnh trong nếp sống.
7. Không sân hận thù hiềm.
8. Bất hại: Không giết người, phải tạo lập hòa bình, chối bỏ chiến tranh và tinh thần bạo động.
9. Nhẫn nhục trước mọi khó khăn, bị chỉ trích vẫn bình tĩnh.
10. Không chống lại ý muốn của dân, thuận theo ý dân.
Có người quan niệm rằng, Phật pháp chỉ nghiêng về lãnh vực triết lý cao siêu, xa rời thực tế không có một nền văn hóa sống lành mạnh cho con người. Đây không phải là cái nhìn đúng trên tinh thần Phật pháp và nền văn hóa giác ngộ. Phật pháp là chất liệu xây dựng một đời sống hạnh phúc cho cá nhân cũng như nhân quần xã hội.
Trong đời sống con người, không thể tìm đâu ra một hạnh phúc chân thật nếu đời sống con người không lành mạnh, trong sáng, không đạo đức, thuần hậu, không có các thiện sự và tâm tốt. Chính những nhân tố giàu lòng yêu thương, từ tâm độ lượng, mở rộng vòng tay đến kẻ khác là điều kiện tác thành mà ngay trong Phật pháp đã hàm tàng đầy đủ chất liệu ấy. Có nghĩa là sự có mặt thường trực của một nếp sống đẹp, cao thượng, một nền văn hóa vị nhân sinh.
Phật pháp đã trình bày mười điều kiện cho một vị vua thực hành đúng những lời dạy của Đức Phật để áp dụng vào đời sống hàng ngày trong phương cách điều hành đất nước cho có hiệu quả tốt đẹp, cho việc giữ gìn xã tắc sơn hà, được bình an hạnh phúc.
Từ cái nhìn qua mười vương pháp của người lãnh đạo quốc gia, một hội đồng nội các, chúng ta lại thấy Phật pháp còn giảng dạy cho người dân ý thức bổn phận, trách nhiệm của mình đối với quê hương, trong sự hưng vong của đất nước.
Phật pháp cho thấy sự thịnh suy của đất nước không phải là việc làm riêng của người lãnh đạo mà là trách nhiệm chung của tất cả. Điều kiện tiên quyết để xây dựng một quốc gia hưng thịnh thái hòa trong đó có sự đóng góp đôi tay, tâm huyết của tất cả mọi người dân.
Tinh thần đoàn kết là một sức mạnh, chính tinh thần này nói lên sự hưng thịnh của một quốc gia, ý chí xây dựng của người dân là chất liệu kiện toàn để làm vững mạnh quốc gia, dân tộc. Nếu ý chí đó được chia sẻ với mọi người trên tinh thần phát triển vận mạng quốc gia thì đó là sức mạnh thăng tiến, giữ vững dân giàu nước mạnh. Đây chính là sức mạnh của tập thể, của một dân tộc đã ý thức vai trò làm dân của mình. Chữ “dân” ở đây phải hiểu là tập thể những người cùng sống chung trong một quốc gia và được quyền đóng góp khả năng của mình về mọi phương diện. Cơ quan chính phủ với người dân không thể tách rời vì các viên chức chính phủ là những đại diện cho dân trong mọi hệ thống cơ cấu lãnh đạo và điều hành đất nước. Đời sống, sinh hoạt của người dân gắn liền với guồng máy lãnh đạo quốc gia, các nhà lãnh đạo phải hiểu rõ nguyện vọng của người dân hầu mang lại phú cường thịnh trị cho đất nước để quốc gia dân tộc thoát khỏi nạn diệt vong.
Nơi đây, Phật pháp đã giảng giải cho mọi người cùng thấy, có bảy điều kiện để tạo thành một quốc gia hưng thịnh, xây dựng một nền văn hóa giàu đẹp với một nhân sinh quan thật người:
1. Hòa hiệp trong dân chúng:
“- Này A Nan, con có nghe dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?
- Bạch Đức Thế Tôn, con có nghe dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.
-Này A Nan, khi nào dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này A Nan, dân Vajji sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.”
2. Dân chúng đoàn kết.
3. Phật pháp công minh và có truyền thống dân tộc.
4. Dân chúng sống đạo đức, biết kính thương.
5. Xã hội an ninh.
6. Có tín ngưỡng và tôn trọng truyền thống tín ngưỡng.
7. Kính trọng và ủng hộ các Thánh Tăng.
Qua bảy điều kiện để một quốc gia hưng thịnh, Phật pháp được giảng dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh là những điều kiện vô cùng quan yếu, hữu ích cho dân, vì dân và của dân. Qua 7 điều kiện trên, chúng ta không thấy có một điều nào năm ngoài sự sinh hoạt của cộng đồng dân chúng. Mỗi điều kiện là một bức tường thành kiên cố để dựng nước và giữ nước. Một quốc gia cách đây hơn 2550 năm mà đã hội đủ bảy điều kiện vững chắc này, tưởng chừng cũng rất hiếm thấy trong thời đại hôm nay. Điều đó cho ta thấy, vào thời Đức Phật, Phật pháp đã được giảng dạy thật kỹ lưỡng, tường tận đến từng người dân, từng nhà, từng xã hội, từng quốc gia dân tộc. Một nền văn hóa từ bi, bình đẳng được tuyên thuyết cho tất cả dể từ đó con người vui sống trong chân hạnh phúc của chính mình. Quan niệm về nền văn hóa tự tồn, an ninh quốc gia, giữ vững sự tự chủ độc lập, Phật pháp cho thấy bảy phương pháp trang bị và bốn loại lương thực cho một thành trì nơi biên địa được kiên cố:
1. Trung tâm điểm của thành:
“Ở đây này các tỳ kheo, trong thành trì biên địa của vua có một cột trụ, đâm sâu vào đất, khéo đào sâu không bị giao động, không bị lay chuyển, với trang bị thành trì thứ nhất nay là thành trì biên địa của vua được khéo trang bị để bảo vệ những người ở trong thành và để chống cự với những người bên ngoài.”
2. Có giao thông hào bao bọc.
3. Con đường liên lạc.
4. Vũ khí chống quân địch.
5. Các loại binh chủng.
6. Người thủ thành dõng kiện, trí tuệ.
7. Thành trì kiên cố.
Ngoài ra còn có bốn loại lương thực để nuôi quân dân, mà không phải lo cơm ăn nước uống, có nghĩa là tích trữ đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực, đầy đủ quân trang, quân dụng...
1. Tích trữ nhiên liệu.
“Ở đây, này các tỳ kheo, trong thành biên địa của vua, có nhiều cỏ, củi, nước được tích trữ để những người dân trong thành được an vui, khỏi sự lo ngại, được lạc thú và để chống cự những người bên ngoài.”
2. Tích trữ lương thực.
3. Tích trữ đậu, ngũ cốc.
4. Tích trữ thuốc men.
Phật pháp và nền văn hóa Phật giáo đã tích cực đóng góp nhiều phương tiện để tạo dựng cho con người có một cuộc sống đúng nghĩa, nếu là ngôi vị của vua thì phải giữ đúng cương vị của vua. Nếu là cương vị của dân thì phải giữ đúng bổn phận của người dân. Phật pháp đã giảng giải rõ ràng từng cương vị, từng trách nhiệm, từng lãnh vực hoàn cảnh trong cuộc sống loài ngươi, dù thời Đức Phật còn tại thế hay sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn cũng vậy. Tất cả đều hướng đến một đời sống lành mạnh, an vui để tạo điều kiện sống thăng hoa giữa thế gian này.
III. Phật Pháp và Văn Hóa Cho Chúng Nam Nữ Phật tử
Tinh thần Phật pháp cao siêu giải thoát thế gian, nhưng sự cao siêu và giải thoát thế gian này không có nghĩa là xa rời thế gian để tự tồn. Theo quan niệm của một số ít người cho rằng đạo Phật là xuất thế gian nằm ngoài tầm tay của con người và chẳng có sự tương quan nào thiết thực với con người. Nhận định này hoàn toàn không đúng với Phật pháp, không thông hiểu Phật pháp.
Đạo Phật là đạo cho con người và của con người cho nên đã là con người thì có khả năng lãnh hội mà không nhất thiết phải dành cho hạng người này mà không đem lợi ích cho người khác. Trong những lời dạy của Đức Phật chúng ta thấy nhiều nơi đã nói lên tinh thần chứng đắc của hàng tại gia cư sĩ. Chẳng hạn như trong Tăng Chi Bộ Kinh đã cho thấy một nữ đệ tử Phật, trong khi làm bếp, nhìn thấy thức ăn đổi màu trong chảo dầu sôi, và ngộ được giáo pháp vô thường, sự vật vô ngã. Hay trong một dịp khác tu sĩ Vacchagatta trong khi du hành và đến chỗ Phật, ông ta đã hỏi Phật, có ai sống đời thế tục, vợ con gia đình, theo giáo pháp Đức Phật, thực hành tu tập và chứng đắc bậc Thánh ngay trong cuộc đời này? Đức Phật giải đáp rằng không phải chỉ có một người, mười người, hai mươi người mà có cả trăm ngàn người khác đã y theo Phật pháp hành trì và chứng ngộ. Từ đây chúng ta có thể hiểu sự tu tập chứng đắc của hàng nam nữ cư sĩ tại gia, chính là nền văn hóa giác ngộ được tựu thành trong tận cùng mỗi thâm tâm con người.
Phật pháp đã đi thẳng vào lòng người, đến từng cá nhân, Phật pháp đã vì “hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài trời, loài người.” Phật pháp đã thể nhập mọi giai tầng chúng sinh, trong đó Đức Phật đã không xem nhẹ vai trò tu tập của hàng nam nữ cư sĩ Phật tử sống đời thế tục. Đức Phật đã bằng tinh thần khế lý, khế cơ, bằng mọi phương tiện thiện xảo đã giáo hóa rất nhiều các nam nữ cư sĩ đủ mọi giai cấp và lứa tuổi. Giáo pháp và nền văn hóa ấy được dẫn ra từ Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt, trường hợp của Singàla – Thiện Sanh. Một chàng trai trẻ tuổi cứ mỗi buổi sáng thức dậy, tắm rửa sạch sẽ, thay áo quần mới, rồi lễ bái sáu phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ. Chàng làm điều này theo lời di chúc của Cha trước khi chết. Chàng làm một cách kính cẩn, nghiêm túc. Đức Phật thấy một người thanh niên có lòng thuần hậu, có niềm tin vững chắc y theo lời nói của Cha mà thực hành. Do vậy, Đức Phật đã giáo hóa người thanh niên đó, từ ý nghĩa đảnh lễ sáu phương theo cái nhìn thường tục trở thành đảnh lễ sáu phương trong Thánh pháp luật của bậc Thánh đã nói lên mối tương quan của con người.
Phương Đông quan hệ Cha Mẹ đối với con cái; phương Nam quan hệ thầy với trò; phương Tây quan hệ vợ với chồng; phương Bắc quan hệ với bạn bè quyến thuộc; phương Dưới quan hệ chủ nhân với tôi tớ; phương Trên quan hệ tu sĩ với cư sĩ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng vai trò người cư sĩ Phật tử, có một đời sống bình thường gia đình con cái cũng được đề cập một cách thân thiết trong Phật pháp. Đức Phật đã nâng cao và tôn trọng khả năng hành trì, tu tập của người tại gia cư sĩ trong Thánh pháp luật của Ngài.
Nói đến hàng nam nữ cư sĩ, trong Phật pháp, có lần Trưởng giả Cấp Cô Độc đến viếng thăm Đức Phật và cung thỉnh Tôn giả A Nan bạch Phật tạo phương tiện để Phật tử được nghe Phật pháp, được học hỏi Phật pháp, được tu tập Phật pháp và chứng đắc Phật pháp. Như vợ Trưởng giả là Punnalakkhana là người thuần hậu đạo đức và ba người con gái là Mahà Subhaddà, Cùla Subhaddà và Sumana tất cả đều học hỏi, hành trì Phật pháp và chứng đắc quả vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm. Đây chỉ là tiêu biểu một số người sống đời cư sĩ tại gia có khả năng tiếp thọ Phật pháp và thể chứng Thánh quả.
Giáo pháp được Đức Phật thuyết giảng không phân biệt hàng thính giả hay bất cứ một giai cấp nào. Đức Phật đã mang hương vị giải thoát đến cho tất cả chúng sinh. Đức Phật đã niềm nở, ân cần, khuyến khích từ mỗi cá nhân hãy tinh tấn tu tập theo con đường giáo pháp. Giáo pháp của Phật là giáo pháp công truyền, giáo pháp của vị giáo chủ mở nắm tay cho tất cả chúng sinh đều thấy. Giáo pháp của Phật đã thể hiện tinh thần tu chứng tuyệt đối đến cho con người. Giáo pháp ấy đã đi sâu vào đời sống của người dân và là chất liệu để xây dựng, gắn bó mối tương quan tốt giữa người và người: Mẹ biết yêu thương con, chồng biết kính nhường vợ, tôi tớ trung thành, thầy trò có nghĩa. Đây chính là nền văn hóa nhân bản. Để thấy rõ hơn về đời sống hiện thực hạnh phúc, đời sống của người cư sĩ hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, giáo pháp đã đề bạt bốn điều đem lại hạnh phúc trong hiện tại:
1. Đầy đủ sự tháo vát.
“Ở đây, này Byagghapàjja, thiện nam tử, phàm làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc là nghề bắn cung, hoặc làm nghề cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mỏi mệt, biết suy tư, hiểu phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm.”
2. Đầy đủ phòng hộ.
3. Làm bạn với thiện.
4. Sống thăng bằng điều hòa.
Bốn điều đem lại hạnh phúc trong tương lai.
1. Đầy đủ lòng tin.
“Ở đây, này Byagghapàjja, thiện nam tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn bậc Đạo Sư của chư Thiên và loài người, Phật, Thế Tôn... Đây gọi là đầy đủ lòng tin.”
2. Đầy đủ giới đức.
3. Đầy đủ bố thí.
4. Đầy đủ trí tuệ.
Tóm lại “những gì Đức Phật ban bố cho thế gian” thì nhiều vô cùng, không thể đem tâm lượng, ngôn từ hạn hẹp của thế gian mà lượng định, vì Phật pháp như đại hải thủy lưu nhập A Nan tâm. Phật pháp nhiều như nước bốn đại dương. Không thể nghĩ bàn, nơi đây chỉ nêu lên một vài ý niệm tiêu biểu trong buổi hội thảo nhân mùa Khánh Đản Phật lịch 2551 này. Phật pháp được thuyết giảng từ kim khẩu của Đức Thế Tôn hầu chuyển hóa sự khổ đau thành tịnh lạc. Sự tham, sân, si, thành vô tham, vô sân, vô si. Sự phàm phu thành Thánh giả. Và nền văn hóa giác ngộ thực thụ là chất dinh dưỡng ươm mầm để trưởng thành một đời sống người trong sáng, mầu nhiệm, thanh thoát, mà suốt trong thời gian hơn 2500 năm qua, nền văn hóa giác ngộ ấy vẫn tiếp tục lưu lộ, truyền thừa, là dấu ấn kim cương in đậm trong tâm thức của vạn loài sinh linh, để được sống trong ý vị từ bi, trí tuệ, trong tinh thần hùng lực của Bồ Đề Tâm.
San Diego, ngày 30 tháng 5 năm 2007
Thích Nguyên Siêu