Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Giác Ngộ Và Giải Thoát

07/01/201716:43(Xem: 6855)
03. Giác Ngộ Và Giải Thoát

GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT

Giảng tại Hoa Kỳ - 2002

Hôm nay, tại Đạo tràng Tam Hòa tôi giảng về đề tài Giác ngộ và giải thoát. Đó là mục đích tối thượng hay tột cùng của người tu. Khi nói tới mục đích tối thượng thì chắc rằng không dễ. Vì khó nên tôi phải đi thứ tự từ thấp lên cao cho tất cả thấy chỗ cao siêu của Phật giáo như thế nào.

Trước khi nói giác ngộ và giải thoátchúng tanhớ lại đức Phật Thích-ca Mâu-ni tu dưới cội bồ-đề được giác ngộ giải thoát sanh tử, đó là mục tiêu cuối cùng Ngài đạt được. Như vậy với đề tài này, chúng ta sẽ đặt hai câu hỏi: Giác ngộ là giác ngộ cái gì? Và cái gì được giải thoát? Đa sốngười nói Phật giác ngộgiải thoát mà Ngài cũng chết như mình, tám mươi tuổi nhập Niết-bàn, thì giải thoát cái gì? Đó là nghi vấn mà đa số Phật tửkhông giải quyết được.

Trước hết nói về giác ngộ. Danh từ giác ngộ nhiều người đã biết, nhưng thật ra biết cạn chớ không được sâu. Thế gian có những trường hợp, như người say mê rượu chè được bạn bè khuyên nhắc, họ bỏ rượu thì người ta nói anh ấy giác ngộ. Như vậy giác ngộ theo thế gian là bỏ tật xấu tập hạnh tốt. Giác ngộ đó chưa phải nghĩa giác ngộ của đạo PhậtĐạo Phật nói giác ngộ là thấu triệt được lẽ thật nơi con người từ ban sơ cho tới cuối cùng, tìm được cái từ xưa đến giờ chúng ta chưa từng biết.

Chúng ta đọc lịch sử đức Phật, thấy Thái tử bỏ ngôi vua quyết chí đi tu là do thấy cái gì? Thấy cảnh sanh, già, bệnh, chết của con người. Ngài tự biết rõ rằng người kia già rồi ta cũng phải già, người kia bệnh rồi ta cũng phải bệnh, người kia chết rồi ta cũng phải chết. Sanh, già, bệnh, chết là một qui luật không ai chối cãi được. Thấy rõ như vậy nên Ngài quyết chí đi tu, với mục đích phăng tìm cho ra con người có mặt đây là lần số một hay đã vô số lần? Mai kia nhắm mắt đi về đâu? Muốn ra khỏi sanh tử phải làm sao? Đó là những thắc mắc băn khoăn lớn của đức Phật. Như vậy, Ngài xoáy thẳng vào con người, trước khi có mặt và sau khi mất thân này, phăng cho ra manh mối đó.

Khi tu gặp các vị tiên dạy từ Sơ thiền tới Tứ thiền, Ngài chứng qua hết nhưng chưa giải quyết được ba vấn đề trọng đại của con người mà Ngài đang phăng tìm, nên Phật bỏ đi. Đến thầy khác dạy Ngài tu chứng định Tứ không là Không vô biên xứThức vô biên xứVô sở hữu xứPhi tưởng phi phi tưởng xứ. Chứng được Tứ không rồi Ngài vẫn chưa giải quyết được vấn đề con người, nên cũng bỏ đi. Rõ ràng đức Phật đi tu là để giải quyết vấn đề con người, chớ không muốn tỏ ra mình là một nhà bác học gì hết, mà phải tìm cho được manh mối của con người.

Những vấn đề của Phật nêu lên ngày xưa, bây giờ chúng ta có thắc mắc không? Có người thắc mắc, có người thờ ơĐa số chấp nhận thôi phải sao chịu vậy, có mặt đây thì cứ ở đây, mai kia đi đâu cũng mặc. Đó là thái độ thờ ơ cho thân phận mình. Đức Phậtkhông đành lòng như vậy, Ngài quyết tâm phải phăng tìm cho ra manh mối. Đến dưới cội bồ-đề, Ngài nhập định bốn mươi chín ngày đêm. Đêm cuối cùng, canh thứ nhất đức Phậtchứng được Túc mạng minh, bừng sáng chuyện của mình từ vô lượng kiếp tới giờ. Trong kinh kể, Ngài nói: “Ta nhớ vô số kiếp về trước như nhớ chuyện mới xảy ra hôm qua.” Ngài biết rõ rằng con người không phải chỉ có mặt ở đây một lần, mà đã có vô sốlần.

Quí vị tin điều đó không? Nếu không tin thì chúng ta sẽ không giải quyết nổi tại sao cùng một gia đình, cùng một cha mẹ sanh ra năm bảy anh em, mà không ai giống ai. Nói theo khoa học ngày nay, gen nào sanh ra giống hệt gen đó như khuôn đúc. Nhưng trên thực tế có khuôn đúc không? Không. Đó là nói về thể xác. Còn tinh thần, người thì thích cái này, người lại ưa cái khác, không ai giống ai hết. Vậy những ưa thích đó từ đâu ra? Cha mẹ không dạy, xã hội không dạy, nhưng ta lại ưa thích. Người ưa văn học, người ưa toán học, nên vào trường mỗi người giỏi mỗi môn, không ai giống ai. Như vậy để thấy sự tích lũy từ trước vẫn còn đó, bây giờ ra đời nhớ lại những cái cũ mình thích. Do thích nên học hành đúng sở thích thì giỏi, thế gian thường gọi là khiếu thông minh. Như người tu chúng tôicha mẹ có dạy lớn lên đi tu đâu, sao lớn lên lại đi tu. Để thấy rằng, những gì chúng ta mang từ quá khứ vẫn còn đây, nên gặp duyên ta thích việc đó, chớ không phải ai dạy hết. Con người không phải mới có mặt lần này, mà đã vô số lần rồi, vì vậy trong mỗi chúng ta mang mỗi quá khứ còn tồn đọng từ trước.

Từ canh hai đến canh ba, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ chúng sanh sau khi chết theo nghiệp đi trong sáu đường luân hồi, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại một cách rõ ràng. Như vậy, chúng ta chết rồi có mất không? Không mất, mà đi theo nghiệp. Nên nhà Phật nói nhân quảnghiệp báo để cho chúng sanh tu. Những gì Phật thấy mới dạy, chớ không phải Ngài suy lý như những nhà triết học. Do thấy rõ nên Ngài nói không một chút ngờ vực.

Từ canh ba tới canh năm, khi sao Mai mọc Ngài chứng được Lậu tận minh, dứt hết mầm sanh tử tức là giải thoát sanh tử. Từ đó Ngài mới dạy chúng sanh phương pháp tu đểgiải thoát sanh tửĐức Phật đã chứng, đã biết, đã thấy rõ ràng, mới đem ra dạy cho mọi người.

Chúng ta ngày nay mê hay giác? Mê. Mê cái gì? Nhiều người cũng không biết mình mê cái gì. Đức Phật xoáy thẳng nơi con người, tất cả đều xoay lại nhìn ở con người. Cho nên, cái giác của Ngài là giác ngộ thẳng về con ngườiChúng ta mê cũng là mê nơi con người. Vậy chúng ta mê cái gì? Mê là thấy thân này thật, trong khi Phật thấy thân này giả. Phật thấy thân giả nên Ngài giác, chúng ta thấy thật nên mê.

Chúng ta đang đi đứng là sống còn, vừa có cái gì bất trắc ngã đùng ra chết thì mất. Thấy đó liền mất đó thì có thật được không? Vậy mà chúng ta ngỡ là thật, không mê sao được! Mê là mê như vậy. Bởi cho thân này thật nên quí thân, những gì nó ưa thích đều muốn được thỏa mãn. Mình muốn thân mình thỏa mãn, người khác cũng muốn thân họ thỏa mãn, tất cả đều muốn vậy thành ra giành giựt nhau. Nhỏ giành giựt theo nhỏ, lớn giành giựt theo lớn. Như anh em trong gia đìnhcha mẹ chết chia của cải, anh nhiều em ít không chịu, phải giành phần cho bằng cho hơn, không chịu thuaVì vậy thấy thân thật là nhân đau khổ. Đó là nói chuyện trong một gia đình. Nói rộng hơn như vua một nước, nếu thấy thân thật thì giang sơn cũng thật. Muốn cho dân mình sung sướng thì thấy nước nào tài nguyên phong phú liền đem quân đi chiếm, đó là nhân giặc giã. Do thấy sai lầm nên lòng tham nổi dậy, gây tai hại lớn lao cho nhân loại. Đó là hiểm họa đang lan tràn trên thế gian, không yên ổn chút nào hết.

Ngược lại, nếu thấy thân giả thì sao? Đa số sẽ nói tiêu cực. Giả thì lo chi, cần gì làm việc. Bồ-tát thấy thân mình giả, thân chúng sanh giả, các ngài lăn xả vào đời cứu độchúng sanh không niệm ngán sợ. Tại sao? Cái giả mà chúng sanh lầm cho là thật nên giành giựt, giết hại lẫn nhau, các ngài có bổn phận phải đánh thức họ, chỉ cho biết giả đừng lầm lẫn nữa. Như vậy các ngài càng biết giả càng thương những người mê. Chúng ta thấy thân thật nên ít thương ai. Chỉ thương những người thân thuộc của mình, còn chung quanh mặc kệ, không thương. Bồ-tát thấy cuộc đời tạm bợ, con người có đó rồi mất đó, không bền lâu mà chúng sanh lại chìm đắm đau khổ trong ấy nên các ngài dấy khởi lòng từ bi muốn cứu độ chúng sanh. Nhờ giác ngộ mới có từ binếu không giác ngộsẽ không có từ bi.

Chúng ta làm việc thiện nhưng không phải từ bi mà là ích kỷ. Ví dụ nói bố thí giúp người nghèo, sau sẽ được phước giàu sang. Như vậy bố thí vì mình chớ không phải vì người. Bố thí ấy không phải từ biTừ bi là vì người chớ không vì mình. Chúng ta mê lầm ở chặng thứ nhất là thấy thân này thật, nên cấu xé giành giựt, làm khổ cho nhau. Nếu thấy thân giả thì anh em trong nhà có mặt đây tạm bợ vài chục năm rồi cũng đi, tranh gia tàilàm chi, thôi thì chia nhau sống tạm mà. Đối với xã hội cũng vậy, mọi người cùng sống trong cõi tạm, biết rõ như vậy thì phải bảo bọc nhau sống ngày nào vui ngày ấy, giành giựt chi cho khổ. Nhờ biết đúng lẽ thật, chúng ta dễ thương nhau hơn. Đó là lẽ thật người Phật tử phải biết.

Mê thứ hai là mê tâm mình. Quí vị nghĩ cái gì là tâm mình? Là tinh thần phải không? Khi thương ai nói tôi thương người đó, ghét ai nói tôi ghét người đó, giận ai nói tôi giận người đó. Một trăm thứ, nghĩ cái gì cũng tôi hết, khởi nghĩ là tôi. Chấp thân tạm bợ là tôi, chấp tâm sanh diệt đổi thay là tôi. Tâm sanh diệt đổi thay cho là tôi thì có bao nhiêu cái tôi? Vô số. Tâm ấy là một dòng suy nghĩ sanh diệt, không phải cái thường còn. Cái sanh diệt làm sao chân thật được. Tâm sanh diệt không thật mà chấp thật nên khi nghĩ điều gì cho là đúng, ai phản bác mình giận, ai hoan nghênh mình vui. Thế gian không biết bao nhiêu cái đau khổ, vì người ta cho là lý tưởng. Thọ, tưởng, hành, thức, Phật bảo là không, chúng ta lại nói thật, rồi đặt thành lý tưởng. Thế là lý tưởng này chống lý tưởng kia. Một hai người chống nhau chỉ mới là luận chiến, nhiều người chống nhau thì kéo quân đánh ầm ầm. Như vậy con người chấp thân nên giành vật chất để hưởng, chấp tâm nên giành lý tưởng tốt về mình, do đó mà tranh đấu không dừng nghỉ. Đó là cái khổ của nhân loại.

Nói xa một chút, nhiều người thấy ai tài giỏi, thông minh đều gọi là nhà trí thứcTrí thứcvới trí tuệ giống nhau hay khác nhau? Đây là điều thế gian ít để ý. Trong nhà Phật chia tuệ làm hai trường hợp: Tuệ sanh diệt, từ chuyên môn chữ Hán gọi là Hữu lậu. Tuệ xuyên suốt không còn sanh diệt gọi là Vô lậuHữu lậu có ba: Văn, Tư, Tu. Người đến với đạo Phật trước phải học. Văn là nghe học, học giáo lý Phật cho hiểu. Đạo Phậtkhông chấp nhận học bằng cách nghe sao hiểu vậy, mà bắt chúng ta phải suy gẫm, đó là Tư. Nghe rồi suy gẫm xem có đúng không, chừng nào thấy đúng mới qua trường hợpthứ ba là Tu tức thực hành.

Vậy Văn tuệTư tuệ, Tu tuệ là ba trí tuệ còn trong sanh tử. Tại sao? Vì kinh do Phật nói, chúng ta học lời của Ngài, hiểu được lời Phật dạy ứng dụng tu, đó là trí tuệ nhưng là trí tuệ ở ngoài được, nên thuộc về hữu lậu. Còn thế gian người ta học lý thuyết này, lý thuyết nọ, thông hiểu nói ra lưu loát, đem lý thuyết chứng minh lập luận của họ gọi là trí thức. Nghĩa là đem cái thức phân biệt của mình để xét đoán những triết lý, rồi phê phán đúng sai v.v… Những nhà trí thức còn được gọi là học giả hay nhà bác học. Học là cái ở ngoài đem vào, nên chưa phải cái thật của mình.

Trí tuệ vô lậu mà đức Phật dạy có ba thứ Giới, Định, Tuệ còn gọi là Tam giải thoát môn. Nói cách khác từ giới sanh ra định, từ định sanh ra tuệ. Như vậy cái tuệ này từ định phát sanh, không do học bên ngoài. Thế nên trí tuệ vô lậu có sẵn nơi mình, khai thác được trí tuệ này là trí tuệ chân thật. Tuệ này khi phát hiện ra được có ba từ để gọi: Vô sư tríTự nhiên tríCăn bản trí. Nó là trí sẵn từ thuở nào nơi mình, mà chúng ta không biết dùng. Bây giờ muốn dùng nó phải đi từ Giới để gỡ bớt những buộc ràng bên ngoài rồi qua Định, tâm định Tuệ mới phát. Như vậy tuệ vô lậu là tuệ của mình chớ không phải học. Tuệ này từ tu hành mà hiển lộ.

Chúng ta học Phật, hiểu Phật là phải đi sâu vào trí tuệ vô sưChúng ta ngồi thiền để định. Định cái gì? Định tâm điên đảo sanh diệt của mình, cho nó dừng lại. Nó dừng hoàn toànrồi thì trí tuệ sẵn có hiện đủ. Có người nói ngồi thiền bỏ hết vọng tưởng rồi ngu sao? Vì họ cho rằng cái khôn đối đãi sanh diệt là khôn thật. Đó là hiểu sai lầmTrí tuệ chân thậtchỉ xuất hiện khi tâm an định.

Chúng ta giác ngộ là giác ngộ cái gì? Trước nhất giác ngộ thân này giả, kế đến giác ngộ tâm sanh diệt là giả. Biết hai cái đó giả rồi thì sự tu hành dễ như trở bàn tay. Sở dĩ chúng ta tu chậm tiến là vì cứ nhớ những chuyện liên hệ tới thân. Hôm qua mình bị ai rầy, hoặc làm ăn thất bại, tiền của suy giảmlý luận với ai bị thua, làm sao cho hơn họ…, cứ nhớ đi nhớ lại những thứ ấy. Do chấp thân, chấp tâm nên ngồi thiền không yên. Khi đã biết thângiả, biết tâm sanh diệt giả chúng ta ngồi thiền dễ yên lắm.

Biết thân giả, tâm sanh diệt giả, lúc đó là giác, mà giác thì thành Bồ-tát con rồi. Bồ-tát là phần giác tức giác ngộ từng phần. Như vậy Bồ-tát cách chúng ta xa gần? Chỉ như trở tay thôi. Chiều này là mê, lật ngược lại là giác chớ có gì đâu. Ai nhìn đúng lẽ thật là giác, nhìn sai lầm là mê. Trong kinh Kim Cang Phật dạy rất đơn giản: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.” Nghĩa là những gì có tướng đều hư dối, nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức là giả, đó là thấy Phật, vì Phật là giác.

Như vậy tu dễ hay khó? Chỉ đổi cái thấy thôi. Giả biết giả, chuyện đó hợp lý trăm phần trăm sao lại nói khó! Lâu nay chúng ta đi trong mê nhiều kiếp nhiều đời quá, nên bây giờ chuyển lại giác khó, chớ không phải chuyện tu khó. Thấy thân thật chuyển qua thấy thân giả chừng bao lâu? Tích tắc hà, dễ quá chừng! Vậy mà chúng ta tu hoài không nổi. Kinh Kim Cang Phật nói, giả sử có người đem của bảy báu nhiều bằng núi Tu-di bố thí, không bằng người trì bốn câu kinh Kim Cang. Nhẹ làm sao! Trì tụng bốn câu kinh Kim Cang có khó gì? Còn của báu chất bằng núi Tu-di, muôn kiếp mình cũng chưa làm được nữa. Vậy tại sao Phật lại nói thế? Đó là để chỉ dạy chúng ta mê thân thật thì mê cảnh thật, mê tất cả sự vật hình tướng bên ngoài đều thật. Nhưng thật ra những gì có tướng đều do duyên hợp, tạm bợ, đủ duyên còn, hết duyên mất, chớ không còn mãi. Vậy được bao nhiêu cái giả đi nữa cũng chỉ là giả. Đem cái giả tạm đổi lấy cái thật thì không có gì sánh nổi. Trì bốn câu kinh Kim Cang tức là nhận và sống với cái thật của mình.

Đức Phật còn nói đem thân mạng này bố thí hết đời này qua đời khác, bao nhiêu đời cũng không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Quí vị nghe không sao hiểu nổi. Nhưng có gì lạ đâu, vì tất cả sanh mạng của chúng ta hiện giờ chỉ mấy chục năm rồi hoại, không thật. Còn bốn câu kinh Kim Cang là chân lý, là lẽ thật muôn đời không thay đổi. Nắm được chân lý thật mà sống thì mới siêu thoát, vượt hơn tất cả. Nếu chúng ta nhìn sự vật đúng với con mắt thức tỉnh thì kinh Phật nói rõ như ban ngày, không có gì nghi ngờ hết.

Nhà Phật dạy chúng ta giác thẳng nơi con người, chớ đừng tìm cầu bên ngoài. Nếu giác thẳng con người rồi thì ở ngoài cũng giác, nếu mê con người thì ở ngoài cũng mê luôn. Cho nên trọng tâm đặt ở con người. Tất cả chúng ta học Phật là học đạo giác ngộ, mà không chịu giác thì không biết học cái gì? Có người càng học lại càng mê, nên mới đi cúng chỗ này chỗ kia, cầu xin ông này bà nọ đủ thứ hết. Đó là sai lầm lớn của người học Phật. Đạo Phật là con đường, là phương pháp đưa chúng ta tới giác ngộ. Đã đi con đường giác ngộ mà lại trở thành mê, thật không có lý chút nào.

Giác ngộ rồi mới tới giải thoát, không giác ngộ thì không bao giờ giải thoát được. Trong kinh Viên Giác, Bồ-tát Văn-thù hỏi Phật: “Thế nào là vô minh?” Đức Phật dạy: “Chấp thân tứ đại là thật, chấp tâm sanh diệt duyên theo bóng dáng sáu trần là thật, đó là vô minh.” Vô minh là gốc của luân hồi sanh tử. Nếu thấy thân tứ đại không thật và tâm hư dốikhông thật, đó là minh. Như vậy vô minh với minh ở cạnh một bên, không xa xôi gì hết. Chúng ta tu muốn cầu cái gì? Cầu minh bỏ vô minh, cầu giác bỏ mê. Cầu ở ai? Ở mình, tất cả gốc từ mình mà ra. Thay đổi cái nhìn, từ sai lầm chuyển qua thức tỉnh thì hết mê. Hết mê là giác, giác một phần là Bồ-tát nhỏ, Bồ-tát con. Như vậy từ một kẻ phàm phuchuyển qua Bồ-tát có khó không? Không khó, rất là dễ. Cho nên một hôm ông bán thịt nghe lời Thiền sư dạy, liền thức tỉnh làm kệ:

Tạc nhật dạ-xoa tâm,
Kim triêu Bồ-tát diện,
Dạ-xoa dữ Bồ-tát,
Bất cách nhất điều tuyến.

Hôm qua mê là tâm dạ-xoa, ngày nay giác là mặt Bồ-tát. Bồ-tát với dạ-xoa không cách một đường tơ. Như vậy tại sao chúng ta cứ sợ khó, chớ chi có cái gì ngăn trở mình chuyển không được mới là khó. Đằng này mình trọn quyền chuyển mê thành giác, không thần Thánh nào xen vào ngăn cấm cả, chuyển không được là tại chúng ta không quyết chí chuyển thôi. Nếu đã trọn quyền thì có kêu trời kêu đất không? Việc gì đến là lỗi tại mình, chớ không phải trời Phật xui khiến đâu. Hiểu như vậy mới thấy tu Phật có một sức mạnh phi thườngChúng ta hiểu giác thì phải tập giác, ngày nay chưa được ngày mai tiếp tục. Ông hàng thịt còn chuyển cái một, chúng ta đâu có tội lỗi bằng ông hàng thịt. Nếu không chuyển được là chưa biết tu Phật.

Nói đến giải thoát là giải thoát cái gì? Nếu thân không thật, tâm suy nghĩ không thật, còn gì để chúng ta giải thoát? Cái gì ra khỏi sanh tử luân hồi? Tâm. Tâm nào? Đó là vấn đềsâu sắc tế nhị mà người đời không biết. Đức Phật khi thành đạo, Ngài trù trừ không chịu đi giảng, trải qua thời gian năm mười ngày. Khi chư thiên xuống yêu cầu xin Thế Tôn mở phương tiện để giáo hóa chúng sanhPhật bảo vì cái thấy của ta nói người khác không hiểu. Chư thiên năn nỉ nhiều lần Phật mới chấp nhận dùng phương tiện để độ chúng sanh. Sau đó Ngài đến vườn Lộc Uyển nói pháp Tứ đế. Ngài không chỉ thẳng cái mình thấy, mà dạy pháp khác. Như vậy hai cái có khác không? Kinh Phật thường hay nói: “Giáo lý của ta như ngón tay chỉ mặt trăng hay như bè đưa khách qua sông.” Đó là phương tiện, không phải cứu kính. Thấy mặt trăng thì phải bỏ ngón tay, qua bờ rồi phải bỏ thuyền bè. Biết được phương tiện chúng ta mới khỏi hiểu lầm. Như vậy chỗ Phật thấy nhưng không nói được là chỗ nào?

Tôi dẫn câu chuyện trên hội Linh Sơn, đức Phật ở trước đại chúng đông vầy không nói một lời, đưa cành hoa sen lên rồi nhìn khắp đại chúngMọi người đều ngơ ngác, tới ngài Ca-diếp thì Ca-diếp mỉm cười. Phật nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâmthật tướng vô tướng, nay trao cho Ca-diếp.” Lúc đó Phật có nói lời gì đâu mà trao. Chỗ này quí vị không suy gẫm nổi, suy gẫm là trật. Đây là chỗ bí hiểm, nhưng thật ra không bí hiểm chút nào hết mà tại chúng ta quên. Câu chuyện đó tạm dừng lại, tôi dẫn thêm câu chuyện khác.

Trong kinh Lăng Nghiêmđức Phật đưa tay lên hỏi A-nan: “Ông thấy không?” A-nan thưa: “Dạ thấy.” Phật để tay xuống hỏi: “Ông thấy không?” A-nan thưa: “Dạ, không thấy.” Phật quở: “Ông quên mình theo vật.” Tay là đối tượng của cái thấy. Tay đưa thì thấy có cái tay, tay để xuống thì thấy không có tay, sao lại nói không thấy! Cái thấy đó của ai? - Của mình. Nó có suy nghĩ không? - Không. Có biết không? - Biết. Thấy cái tay liền biết cái tay, có suy nghĩ gì đâu. Cái tay là đối tượng, cái thấy là của mình mà chúng ta quên. Khi có tay nói có thấy, khi không tay nói không thấy, đó là quên mất cái thật đang hiện tiền.

Phật bảo La-hầu-la đánh tiếng chuông, rồi hỏi A-nan: “Có nghe không?” A-nan thưa: “Dạ nghe.” Phật bảo đánh tiếng chuông nữa hỏi có nghe không. A-nan cũng thưa: “Dạ nghe.” Khi tiếng chuông im bặt, Phật hỏi A-nan: “Có nghe không?” A-nan thưa: “Dạ, không nghe.” Phật liền quở: “Tiếng chuông là tiếng ở bên ngoài, còn cái nghe là cái của ông. Tiếng chuông qua mất, còn cái nghe hiện tiền, sao lại không nghe?” Chúng ta có bị lỗi này không? - Có. Đó là quên mình theo vật. Cho tiếng là mình, có tiếng thì có mình, có nghe; không tiếng thì không có mình, không có nghe. Chúng ta quên mất cái hay nghe là mình, tiếng là cái bị nghe, vì vậy Phật quở quên mình theo vật.

Nghe tiếng chuông biết tiếng chuông mà khỏi suy nghĩ, nghe chim kêu biết chim kêu cũng không suy nghĩ. Biết mà không suy nghĩ thì cái biết đó thật hay giả? - Thật. Có suy nghĩ là có sanh diệt, biết mà không suy nghĩ thì không sanh diệt. Cái biết đó tuy có nhưng diễn tả không được vì nó không hình tướng, không dấy động. Lúc nào nó cũng thường trực nhưng chúng ta lại quên. Vì vậy Phật đưa cành sen lên không nói gì hết, mọi người không hiểu, tới ngài Ca-diếp, Ngài cười. Cười tức là biết Phật muốn nói gì rồi. Chỉ có cái chân thật từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý hiện tiền nên ta mới thấy. Vậy mà mình quên, chạy theo suy nghĩ lăng xăng trong đầu, nên không nhận ra cái biết thường trựcđó. 

Phật muốn chỉ cho đại chúng cái lâu nay mình có nhưng lại quên. Song vì nó không hình tướng nên thật khó chỉ. Vì vậy Ngài mượn phương tiện đưa cành hoa sen lên, ai khéo sẽ nhận ra cái hay thấy thường trực nơi mình. Cũng thế, những lúc chúng ta ngồi thản nhiêntự tại, đầu óc không suy nghĩ gì trong một hai phút, lúc đó chúng ta vẫn thấy nghe như thường. Rõ ràng cái biết hiện tiền, nhưng chúng ta quen chạy theo những suy nghĩ phân biệt nên bỏ mất cái biết chân thật. Bây giờ Phật dạy chúng ta dừng cái biết suy nghĩ, để cái biết chân thật hiện ra. Cái biết chân thật không tướng mạo nên nó trùm khắp, luôn hiện tiền không vắng thiếu nên nó thường trực. Cái thường trực không sanh, không diệt, không tướng mạo, làm gì có vô thường!

Hiện giờ chúng ta là những người đáng thương, quên cái thật chạy theo cái giả, chấp cái giả là thật nên không nhận ra được cái thật. Vì vậy Phật dạy ngồi thiền để chặn dòng suy nghĩ lăng xăng, bao giờ chúng lặng rồi thì cái biết chân thật trùm khắp hiện tiền. Khi tâm trong sáng không bị che lấp gì hết, chúng ta mới giải thoát sanh tử. Nói tới giải thoát, tôi dẫn một ít câu chuyện như sau:

Tổ Tăng Xán ở Trung Hoa, một hôm gặp chú Sa-di mới mười hai tuổi tên là Đạo TínĐạo Tín thưa: “Bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng dạy con pháp môn giải thoát.” Tổ hỏi: “Ai trói buộc ông?” Đạo Tín nhìn lại thưa: “Dạ không ai trói buộc.” Tổ bảo: “Không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì?” Ngay đó Đạo Tín liền ngộ. Không ai trói buộc mình, chỉ vì chúng ta có cái thật nhưng quên. Bây giờ nhận ra cái thật là giác ngộgiác ngộ thì giải thoát.

Câu chuyện thứ hai, ngài Trần Nhân Tông ở Việt Nam lúc tu ở núi Yên Tử ngộ đạo, Ngài có làm bài “Sơn phòng mạn hứng” tức là hứng thú ở hang núi:

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mịch thần tiên.
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát, là ai trói mà ta lại cầu giải thoát?

Bất phàm hà tất mịch thần tiên. Mình không phàm thì cầu thần tiên làm gì? Tại sao không phàm? Vì ngay nơi chúng ta có Tánh giác sẵn, mà Tánh giác là Phật rồi. Vậy nếu giác ngộ thì mình là Phật. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ cái sẵn có của mình. Vậy mà thiên hạ lo trèo non lội suối tìm Thánh tìm thần để học đạo, không biết quay lại mình.

Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão, tức là vượn nhàn ngựa mỏi, người đã già. Tất cả con vật trên thế gian cho đến người đều từ khỏe mạnh trẻ trung đi tới già lão rồi chết.

Y cựu vân trang nhất tháp thiền, tức là như cũ ở vân trang một võng thiền. Nghĩa là về thân tất cả loài vật đều đi tới chỗ sanh, già, bệnh, chết; chỉ có ở vân trang một vườn thiền còn nguyên. Hình ảnh này biểu trưng cho thân tâm sanh diệt đều bại hoại, còn cái chân thật không bao giờ bại hoại. Cái chân thật đó là chỉ cho tâm sẵn nơi mỗi chúng ta. Tâm là cái biết. Cái biết suy nghĩ gọi là vọng tâm, cái biết không suy nghĩ là Chân tâm. Tất cả chúng ta đều có sẵn hai cái biết đó. Suy nghĩ là một dòng tư tưởng liên tục. Còn biết không suy nghĩ có dòng nào không? Nó nguyên trạng không có cái gì lạ hết mà hằng biết. Gió qua nghe mát biết mát, chim kêu nghe tiếng biết chim, người đi thấy người biết người, không có chút suy nghĩChúng ta có cái biết sẵn như vậy mà bỏ quên, lại chạy theo cái biết sanh diệt lăng xăng cho là mình. Cái biết sanh diệt lăng xăng tạo nghiệp đi trong sanh tửchúng ta cứ bám vào nó trách gì không luân hồi sanh tử. Còn sống được với cái hằng biết không tướng mạo, không sanh diệt thì ra khỏi sanh tử.

Thật ra quí vị nói tu khó tôi thông cảm lắm. Tại sao? Vì một người tỉnh ở trong trăm ngàn người mê. Người tỉnh nói thì những người mê bảo điên, thành ra nói không được, riết người tỉnh cũng mê luôn. Đó là cái khó. Chớ nếu người tỉnh nói với những người tỉnh thì dễ biết mấy. Ví dụ, có một Phật tử đi chợ, vô cớ có người kiếm chuyện mắng nhiếc. Sau Phật tử có anh chị em đi theo. Người tu khá nhịn bỏ qua không cãi lại, nhưng mấy anh chị em đi theo chê chị ngu quá hoặc anh ngu quá. Nghe chê ngu, Phật tử tức cũng cãi lại, rốt cuộc ngu cả đám. Cho nên tu hành nên gần gũi những bạn lành để huynh đệ cùng nhau sách tấn, như vậy mới giữ được niệm hiền lành chân thật của mình. Ngược lại cứ ở trong đám mê hoài thì khó mà tu tiến.

Chỗ tu hành, nhất là tu thiền, ít ai hiểu được. Như Lâm Tế hồi xưa tới Tổ Hoàng Bá hỏi: “Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?” Hoàng Bá đập cho một gậy, không nói lời nào hết. Tàn nhẫn chưa! Năm ba hôm sau thầy Thủ tọa xúi Ngài hỏi Hòa thượng nữa đi. Ngài lên hỏi cũng ăn gậy nữa. Hỏi ba lần, ngài Hoàng Bá đều cho ăn gậy cả ba, Ngài chùi nước mắt lui xuống, trong lòng nghĩ chắc hết duyên rồi nên định cuốn gói đi. Thủ tọabiết nên bảo trước khi đi huynh lên từ giã Hòa thượng. Ngài Hoàng Bá hỏi: “Ông tính đi đâu?” Ngài thưa: “Vì con hết duyên ở đây nên phải đi nơi khác, chớ không biết đi đâu?” Hoàng Bá bảo: “Ông qua Đại Ngu sẽ chỉ cho.”

Lâm Tế đi tới Thiền sư Đại NguĐại Ngu hỏi: “Ông từ đâu đến?” Lâm Tế thưa: “Con ở chỗ Hoàng Bá đến.” Đại Ngu hỏi: “Hoàng Bá đã dạy gì?” Lâm Tế thuật lại: “Con ba lần hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, ba lần đều ăn đòn. Không biết con có lỗi hay không lỗi?” Đại Ngu nắm hai vai Lâm Tế đẩy, nói: “Ông được Hoàng Bá chỉ chỗ tột cùng mà còn nói có lỗi không lỗi.” Nghe đến đây Lâm Tế liền ngộ, nói: “Phật pháp Hoàng Bá rất ít.” Đại Ngunắm đứng hỏi: “Khi nãy nói có lỗi không lỗi, bây giờ thấy cái gì mà nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít?” Lâm Tế liền thoi cho Đại Ngu một thoi. Đại Ngu xô ra, nói: “Thầy ngươi là Hoàng Bá, chẳng can hệ gì tới ta.” Lâm Tế trở về Hoàng Bá, sau trở thành vị khai Tổ nổi tiếng tông Lâm Tế, dòng thiền này truyền thừa tới Việt Nam.

Cũng ý đó, tôi dẫn một Thiền sư Việt Nam. Vua Lê Dụ Tông hỏi Thiền sư Hương Hải: “Thế nào là ý của Phật?” Thiền sư Hương Hải đáp bằng bốn câu thơ:

Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy,
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch:

Nhạn bay qua trong không,
Ảnh hiện đầm nước lạnh,
Nhạn không ý lưu bóng,
Nước không tâm giữ nhạn.

Ý nói chim nhạn bay qua trong không, bóng hiện dưới hồ, dưới sông. Chim nhạn không có ý lưu bóng dưới hồ, dưới sông. Nước sông cũng không có ý giữ lại bóng nhạn. Đó là Phật ý.

Tổ Lâm Tế hỏi đại ý Phật pháp bị đánh, vua Dụ Tông hỏi ý Phật được trả lời bằng bốn câu thơ: chim nhạn bay trên không, bóng rơi xuống dưới nước, nhạn không có ý lưu bóng dưới nước, nước cũng không có ý giữ bóng của nhạn. Đó là ý Phật. Hiểu được ý này thì hiểu cái đánh của Tổ Hoàng Bá.

Sự truyền pháp của Trung Hoa và Việt Nam về hình thức có khác, nhưng nội dung không khác. Nếu chim nhạn bay qua có ý để bóng dưới nước hay nước có ý giữ bóng chim nhạn, thì hai bên đều có ý dính mắc. Ở đây nhạn không có ý, nước cũng không ý, để nói rằng đối với tất cả cảnh, ta và cảnh không vướng mắc. Chim nhạn ví cho người, nước ví cho cảnh. Người, cảnh thấy là thấy, nghe là nghe, đừng thêm niệm đẹp xấu, khen chê, thì cái thấy, cái nghe đó là ý Phật.

Hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, đập cho một gậy là chỗ không suy nghĩ được. Vừa khởi nghĩ là trật rồi không phải ý Phật, cho nên đánh một gậy cho bặt không còn nghĩ gì hết. Nhưng Lâm Tế cứ nghĩ vì Ngài chưa hiểu. Tới chừng Thiền sư Đại Ngu hỏi, Ngài nói không biết con có lỗi hay không lỗi. Đại Ngu bảo Hoàng Bá là tâm lão bà chỉ tột cho ông, mà còn thấy có lỗi không lỗi, là còn hai bên. Nghe đến đó Ngài liền ngộ, chỉ chỗ không hai bên, không có niệm suy nghĩ mới là chỗ thật. Ngài Đại Ngu hỏi ông thấy gì mà nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít, Lâm Tế thoi cho một thoi vì chỗ đó nói không được, chỉ còn thoi thôi. Các Tổ ở Trung Hoa rất bạo, còn chư Tổ Việt Nam hiền lành hơn, dùng thơ nói vậy thôi, nhưng cũng đều chỉ cái ấy.

Ngài Điều Ngự Giác Hoàng, làm bài “Cư trần lạc đạo phú”, kết thúc bằng bốn câu thơ chữ Hán:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Câu “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, tức thiền ngay đó đừng hỏi nữa. Rõ ràng các ngài thấy tới chỗ tột cùng, như đức Phật đưa cành hoa sen, ngài Ca-diếp chỉ thấy thôi, không nghĩ gì hết là đúng, nên Ngài mới được truyền tâm ấn. Còn các thầy Tỳ-kheo suy nghĩkhông biết Phật muốn nói gì, nên không được truyền tâm ấn. Đó là chỗ uyên thâm của Phật pháp. Cái hiện tiền hằng biết của mình không một niệm, không hai bên, không vướng mắc, chính đó mới ra khỏi sanh tử. Như vậy chúng ta có hòn ngọc báu mà không biết dùng nên trở thành kẻ cùng tử lang thang, như trong kinh Pháp Hoa Phật đã nói.

Chúng ta tu Phật không gì khác hơn là trở về cái chân thật của chính mình. Cái chân thậtđó gọi là Phật tánhPháp thân v.v… Khi nhận và sống được tánh Phật rồi, ta có đầy đủ tất cả diệu dụng. Cho nên, Lục tổ Huệ Năng khi ngộ được Phật tánh, có người hỏi từ tám thức tu chuyển thành Tứ trí là thế nào, Ngài giải thích, khi sống được với Tánh thật rồi thì thức thứ tám là Tàng thức tức thức chứa tất cả chủng tử thiện ác chuyển thành Đại viên cảnh trí, thức thứ bảy là Mạt-na thức chuyển thành Bình đẳng tánh trí, thức thứ sáu chuyển thành Diệu quan sát trí, năm thức trước: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chuyển thành Thành sở tác trí. Như vậy là chuyển thức sanh diệt trở thành trí mầu nhiệm bất sanh bất diệt, chớ đâu phải tu tới đó hết.

Quí vị đừng sợ không suy nghĩ là mất mình. Chính mình dừng suy nghĩ rồi mới đạt tới chỗ chân thật. Khi đạt đến chân thật viên mãn rồi có những diệu dụng phi thường, tức là chân không mà diệu hữu, do công năng chuyển thức thành trí. Tóm lại khi được giải thoát, không phải là hết mà chúng ta có cái biết chân thật, không sanh diệt gọi là Chân tâmPhật tánh lưu xuất ra vô số diệu dụng. Hiểu sâu như vậy, trên đường tu chúng takhông nghi ngờ gì nữaNếu không hiểu thì tu như mù, đó là lỗi lầm do không nắm vững đường lối tu của Phật dạy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2010(Xem: 9389)
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực, chúng ta phải bảo đảm rằng lòng từ bi là nền tảngcủa mọi hành động. Điều này lại đặc biệt đúng đối với các đường lối chủ trương về chính trị và kinh tế.
30/08/2010(Xem: 3857)
Trong thời gian gần đây, nhiều sách đã được viết về đề tài kinh tế và lý thuyết kinh tế, tất cả đều từ quan điểm Tư Bản hay Xã Hội chủ nghĩa. Không có một hệ thống nào lưu ý đến hay xét đến sự phát triển nội tâm của con người, một yếu tố quan trọng trong sự phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 61328)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 7360)
Văn hóa và giáo dục Phật giáo là phương tiện để ươm mầm và nuôi dưỡng hạt giống bồ đề tâm trong từng cá thể xã hội. Khi những hạt mầm lớn lên sẽ là những con người đi vào cuộc đời bằng tâm bồ đề, bằng trí giác ngộ, bằng trái tim từ bi để không những thắp sáng lý tưởng cao cả của Phật Đạo, mà còn là những nhân tố hữu ích để góp phần xây dựng và phát triển xã hội.
28/08/2010(Xem: 5640)
Ngay cả trong thời đại văn minh khoa học, xã hội phát triển theo xu hướng hội nhập toàn cầu, thì định hướng trung tâm của tính cách con người vẫn có phần thuộc đời sống hướng nội và phần thuộc đời sống hướng ngoại mà Phật giáo Thiền gọi là nội quán và ngoại quán, bao gồm trong Tứ niệm xứ với các đề tài thiền quán về thân, thọ, tâm, và pháp, theo đó, thân thì bất tịnh, thọ mang lại khổ đau, tâm thì vô thường, và pháp vốn vô ngã. Từ các pháp quán, con người có thể đứng về mặt nhận thức luận để biết bản chất cuộc đời, rồi từ đó, đứng về mặt đạo đức học, con người có những hành động phù hợp với nhận thức.
28/08/2010(Xem: 58066)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
28/08/2010(Xem: 10296)
Viết về Thế Tôn, các nhà nghiên cứu Phật học thường đề cập đến Ngài như một đấng Giáo chủ đã tìm ra con đường giải thoát và chỉ rõ con đường ấy cho nhân loại, hoặc đề cập đến Ngài như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình đề cập đến Ngài như một nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.
27/08/2010(Xem: 23564)
Còn nghĩ rằng “Đời là thế, vốn dĩ đời là thế”, “giữa cuộc đời cũng chỉ thế mà thôi”. Trước hiên nhà, lá rụng đầy sân, Chớm lộc mới, ngát hương đường cũ. Vậy nên: Hương xưa còn đọng trên đường, Ngàn lau lách ấy xem dường trinh nguyên. Âm ba tiếng hát đỗ quyên, Lung linh trăng nước xe duyên sơn hà.
17/08/2010(Xem: 8526)
Tôi luôn luôn tự xem mình như một nhà sư Phật Giáo đơn giản. Tôi cảm thấy như thế mới là tôi thật. Tôi cảm thấy rằng Đạt Lai Lạt Ma với cương vị nhà cầm quyền thế gian là một định chế nhân tạo. Khi nào người ta còn chấp nhận Đạt Lai Lạt Ma, họ sẽ chấp nhận tôi. Nhưng, là một vị sư là một điều thuộc về tôi. Không ai có thể thay đổi điều đó. Tận sâu thâm tâm, tôi luôn luôn tự xem mình là một nhà sư, ngay cả trong các giấc mơ của tôi.
22/07/2010(Xem: 13195)
Tôi phải thú nhận rằng hình như có điều gì không ổn khi một người suốt đời sống trong thế tục như tôi lại viết lời giới thiệu cho một quyển sách về giáo lý của Đức Phật về sự thành đạt, trí tuệ và bình an nội tâm. Quan điểm của tôi về tôn giáo đã bị chỉ trích nhiều, vì tôi tin rằng hầu hết các tôn giáo đều là một hình thức tâm bị nhiễm vi-rút (virus) làm lây nhiễm chúng sanh bình thường mạnh khỏe –và thường là có tri thức. Chỉ có Phật giáo dường như tách biệt với các tôn giáo khác vì tính chất cởi mở, uyển chuyển và thực dụng. Do đã sống hơn nữa thể kỷ ở Sri Lanka, tôi đã nhìn thấy giáo lý của Đức Phật đã được áp dụng như thế nào bởi nhiều thành phần xã hội, bằng nhiều phương cách khác nhau. Dầu nghe có vẻ lạ, nhưng những người hoàn toàn có lý trí và những kẻ bảo thủ một cách điên cuống đều cho rằng niềm tin và thái độ củ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]