Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Một Vầng Nhật Nguyệt

14/03/201418:31(Xem: 23961)
25. Một Vầng Nhật Nguyệt


Mot_Cuoc_Doi_01

25. Một Vầng Nhật Nguyệt





Đêm. Dòng sông Nerañjarā lấp lánh ánh trăng. Gió thổi rì rào xuyên qua rừng cây trầm mặc. Hương hoa cỏ dịu dàng, thoang thoảng giữa không gian. Siddhattha Gotama sau khi chiến thắng nội ngoại ma, ngài ngồi yên tĩnh theo dõi hơi thở với tâm và trí hoàn toàn tỉnh thức và thanh khiết...

Bây giờ, cả một khối thân tâm đã trở nên thuần nhất, được giác niệm lung linh soi chiếu; không thấy trong, không thấy ngoài, không thấy ngã, không thấy ngã sở; ngài chỉ thấy hơi gió vào ra, càng lúc càng nhẹ, càng mỏng... Rồi dần dần, làn gió ấy chợt trở nên trong vắt, sáng như ánh trăng rằm vừa ra khỏi sương mù... Siddhattha Gotama lần lượt đi vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền một cách dễ dàng, không có một gắng sức nào... Với năng lực của tâm định hoàn toàn vững chắc, kiên cố, Siddhattha Gotama xuống cận hành, sử dụng tầm và tứ hướng tâm đến tiền kiếp... Chỉ một sát-na sau, ngài lần lượt thấy rõ các kiếp sống quá khứ của mình. Từ một kiếp, hai kiếp... mười kiếp, hai mươi kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, kiếp quả đất, nhiều đại kiếp quả đất vô giới hạn... Ngài thấy rõ mỗi kiếp, với hình ảnh rõ ràng, với vóc dáng như vậy, dòng họ như vậy, tuổi tên như vậy, y báo, chánh báo như vậy, khổ vui như vậy, nghiệp đến đây như vậy, nghiệp ra đi như vậy... Nhờ định tĩnh sâu xa, và cũng nhờ nội tâm đã lắng dứt mọi tùy miên kiết sử nên Siddhattha Gotama không hề khởi lên kinh cảm khi thấy mình từng mang lốt nhiều kiếp thú như chó, ngựa, voi, chim, chuột... Còn làm cả dạ-xoa, a-tu-la, thọ thần, chư thiên, phạm thiên... cũng rất nhiều kiếp nữa. Nhưng nhiều nhất là làm người: thương gia, triệu phú, nông dân, tiều phu, giáo sư, vua chúa, quan đại thần, quốc sư... Và vô lượng kiếp tu tập, xuất gia, hành các pháp ba-la-mật... Trong vô lượng vô biên kiếp sống ấy, ngài không tìm thấy đâu là con người thực của mình. Tất cả chúng đều do dòng nghiệp vẽ ra, tạo nên. Sự sinh, sự diệt trùng trùng, hóa thân trùng trùng, sầu bi khổ ưu não cũng trùng trùng... Tất cả chúng đều như từ sương khói mà hiện ra, từ sương khói mà diệt mất, dường như vô căn, vô cội nhưng chỉ có một dòng chảy, dòng chảy của sinh mệnh, nghiệp lực là liên lỉ từ vô thỉ đến vô chung... Tuy liên lỉ nhưng không phải hằng hữu. Chúng chuyển biến, dịch hóa, thay đổi liên tục, mới mẻ liên tục... Chẳng có gì mất đi mà cũng chẳng có gì thường tại...

Siddhattha Gotama xả thiền, lúc ấy chỉ vừa mới qua canh một. Thế là ngài đã chứng đắc thắng trí túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiññāṇa) khi mặt trăng từ hướng đông mới lên đến đầu tàn cây Assattha. Mỉm nụ cười vi diệu như nụ hoa hàm tiếu ở trong tâm, rồi không để uổng phí một sát-na nào, Siddhattha Gotama lại nhiếp niệm đi vào tứ thiền sắc giới, kiên trú định; trở lại cận hành, dùng tầm và tứ, hướng tâm đến sự sanh tử của chúng sanh. Thế rồi, như cuốn phim quay nhân quả hiển hiện rõ ràng trong nội tâm, ngài thấy sự đi về, tới lui, thấp hèn, cao thượng, xấu đẹp, khổ vui của tất cả chúng sanh từ quá khứ, hiện tại hay vị lai. Nếu thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác thì rơi vào bốn cảnh khổ. Ngược lại, thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện thì được sanh thú cõi người, cõi trời nào đó tương ứng với hành nghiệp ấy. Tiếp tục đi sâu, đi xa, theo dõi dòng nghiệp của chúng sanh, Siddhattha Gotama còn thấy được tâm hướng của từng chúng sanh một, với quả báo vị lai xa xăm cho đến hằng sa sinh diệt của quả địa cầu! Vậy là tất cả tác nhân, quả báo tạo nên sanh thú của tất cả chúng sanh đều được ngài nhìn thấy rõ như các đường chỉ trong lòng bàn tay của mình. Như thế là vào cuối canh hai, khi mặt trăng vừa chênh xế cội cây Assattha, Siddhattha Gotama chứng đắc thắng trí thiên nhãn minh (Dibbacakkhuññāṇa).

Trở lại tứ thiền, nuôi dưỡng phỉ lạc thâm sâu, vào an chỉ định, trở lại cận hành, dùng tuệ minh sát quán chiếu tự thân; ngài thấy rõ rằng, chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến ngũ trần (kāmasavakilesa), chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến những chấp thủ ta, của ta, người và chúng sanh (diṭṭhāsavakilesa), chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến những dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu (bhavāsavakilesa), chẳng còn một phiền não nào liên hệ đến si mê, vô minh (avijjāsavakilesa). Khởi chánh tư duy, Siddhattha Gotama tự nghĩ: Tất cả những phiền não ngủ ngầm, vi tế ấy chẳng có ai hay biết dẫu loài người thông tuệ hoặc chư thiên, phạm thiên có nhiều năng lực. Cho chí những đạo sĩ tuyệt luân đắc bát thiền và ngũ thông như Kāḷadevila cũng đành chịu. Hai vị đạo sư nổi danh về chứng đắc cùng với sự chấp thủ của họ cũng chỉ làm duyên nối dài cho sự sanh tử, luân hồi vô tận mà thôi!

Thế rồi, với tuệ giác vô nhiễm, rạng ngời, trong sáng như pha lê, Siddhattha Gotama thấy rõ gốc nguồn căn cội của mọi khổ đau, phiền não là vô minh và ái dục. Nó tạo ra tất thảy thế gian sinh tử. Vì vô minh, si mê, lầm lạc nên chúng sanh tạo tác các nghiệp trắng, nghiệp đen, nghiệp không trắng không đen. Duyên các nghiệp ấy, và cũng do năng lực của nghiệp ấy, một thức tâm tái sanh đi tìm kiếm cảnh giới tương thích. Nó nương gá tinh cha và huyết mẹ để tượng thành một thai bào, ở đấy có sự sống và ẩn tiềm dòng nghiệp riêng biệt của chính mình. Khổ vui, hèn sang, giàu nghèo, trí ngu, thọ yểu... kể cả di truyền, cá tính, thói quen, văn hóa, tín ngưỡng... đều được hạt giống ấy mang theo, bất ly, bất hoại để hình thành một chúng sanh mới, đời sống mới. Những danh tâm và sắc tướng với đầy đủ chủng nghiệp sẽ tượng hình nên mắt tai mũi lưỡi thân ý. Rồi, với thời gian, trong tương quan xúc đối với ngoại giới, chúng sẽ xuất hiện cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức. Cái gì vừa lòng, thích thú thì ôm nắm, níu giữ; cái gì không vừa ý, bất toại nguyện thì ghét bỏ, chối từ, phủ nhận. Tham sân khởi sanh để tạo tác những nghiệp hữu trong ba cõi, sáu đường. Rồi sanh, rồi già, rồi chết, rồi sầu, bi, khổ, ưu, não... như một vòng quay tất định không bao giờ ra khỏi. Vòng luân hồi luẩn quẩn loanh quanh ấy được kết nối với nhau bởi những chiếc khoen trong sợi xích sắt vĩ đại... Vào giữa canh ba, Siddhattha Gotama đã thấy rõ chúng. Muốn chấm dứt luân hồi sinh tử, khổ đau, phiền não thì phải biết tháo gỡ những chiếc khoen- mà chiếc khoen vô minh, si mê, lầm lạc là quan trọng nhất. Nếu sáng suốt, tỉnh giác, tỉnh thức, tuệ minh chiếu soi thì sẽ không có hành nghiệp, tạo tác nhân để mai sau gặt quả. Thức tìm kiếm tái sanh không còn thì ước vọng trở thành sẽ không có cơ hội nẩy mầm. Và nếu không tham đắm, mê say các cảm thọ thì các chấp thủ làm sao hiện hữu được? Thủ không có thì hữu, tái sanh, già lão, sầu bi khổ ưu não sẽ rã tan như những hạt sương treo trên đầu nắng...

Khi thấy rõ toàn bộ sự vận hành duyên khởi ấy - tâm và tuệ của Siddhattha Gotama sáng trong như viên ngọc maṇi không tì vết. Ngài trú vào miền tĩnh lặng thâm sâu với sự hỷ hoan, lạc phúc như tràn đầy nội tâm và cả hư không giới. Như ai ăn người ấy no, như uống nước, nóng lạnh tự biết, Siddhattha Gotama chứng nghiệm được điều mà thế gian chưa từng ai chứng nghiệm. Sự sinh, sự diệt của từng sát-na duyên khởi vô ngã tính giải thích toàn bộ khối khổ đau, nguyên nhân của nó, và con đường dập tắt mọi ảo tưởng, ảo giác của chúng hữu tình. Khi ảo tưởng, ảo giác không còn thì những sanh niệm trôi lăn sẽ tự động chấm dứt. Sự chấp thủ các uẩn, các hữu chợt rã tan như những đốm hoa, không thực hữu - khi có tuệ nhãn, trí thông, trí minh chiếu soi. Mọi tham muốn lầm lạc, sái với các định luật của nhiên giới, tâm giới, pháp giới sẽ không còn ảo ảnh để đeo níu, mê đắm nữa. Tất cả đều được trả về nguyên trạng khi nó chưa từ biệt cố hương. Chưa bị vấy bẩn bởi bụi đỏ, bùn đen và cát tía. Trăng sáng. Hoa nở. Chim hót. Sương mù. Lá rơi. Suối chảy. Nhận biết. Lắng nghe. Cảm giác... Tất thảy chúng đều hiện ra như chân như thực. Không cái gì bị che kín. Không cái gì bị mất đi. Không cái gì thường còn. Bất tử là vậy. Giá trị hằng cửu và ý nghĩa tối thắng của cuộc đời này phải được lập cước từ cái thấy biết toàn diện và chơn chánh ấy. Và đó là chánh kiến. Có cái thấy đúng ấy mới có cái suy nghĩ đúng - chánh tư duy. Có cái suy nghĩ đúng mới có nói năng đúng - chánh ngữ. Có nói năng đúng mới có hành động đúng - chánh nghiệp. Có hành động đúng mới có nuôi mạng đúng - chánh mạng. Có nuôi mạng đúng mới có nhiệt tâm, nỗ lực, tinh cần đúng - chánh tinh tấn. Có nỗ lực, tinh cần đúng mới có chú tâm, ghi nhận đúng - chánh niệm. Có chú tâm, ghi nhận đúng mới có được yên tĩnh, bình tĩnh, định tĩnh, trạm nhiên bất động trước mọi cơn gió bão của nội ngoại ma - chánh định. Đấy là con đường. Là đạo lộ diệt tận khổ đau, phiền não. Là yếu chỉ, bí quyết giải thoát tất cả mọi bộc, mọi lưu, mọi triền, mọi phược, mọi kiết, mọi sử... ngủ ngầm trong hố thẳm vô thức từ vô lượng kiếp. Là giáo pháp vô năng thắng. Là cái mà từ quá khứ, hiện tại, vị lai chưa có mặt trên cuộc đời này!

Như vậy là cái thấy của Siddhattha Gotama đã ở ngoài sinh tử, đã vượt thoát sinh tử. Chẳng còn cái lưới nào bủa vây, nhốt kín tuệ giác của ngài được nữa. Sáng trong vằng vặc. Ngài mỉm cười như nụ hoa sen hàm tiếu. Hào quang từ nơi vầng trán của ngài chợt tỏa ra, vừa rực rỡ, ấm áp như tia nắng mặt trời, vừa dịu dàng mát mẻ như ánh sáng mặt trăng...

Thế là vào canh cuối, trăng sắp lặn, sao mai vừa mọc, tháng Vesākha, dưới cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần tụ lạc Uruvelā, Siddhattha Gotama đã chứng đắc quả vị Đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác; lúc ấy ngài vừa đúng ba mươi lăm tuổi...

Mười ngàn thế giới ngay sát-na ấy rung động dữ dội, quả đất dày bốn mươi do-tuần chao qua đảo lại như địa chấn. Giờ phút ấy đi vào vĩnh cửu. Chư thiên, phạm thiên hoan ca, vui mừng vì một đấng Toàn Giác đã xuất hiện trên thế gian. Giữa hư không, hoa trời tung bay và nhạc trỗi để cúng dường thời khắc linh thiêng và trọng đại này. Nếu ai có thiên nhĩ, sẽ nghe những lời đồng vọng tự lưng chừng trời:

- Sādhu! Sādhu! Buddho uppanno! Sādhu! Sādhu! Buddho uppanno! (Lành thay! Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian rồi!)

Và cũng nhiệm mầu thay là những hiện tượng phi thường ở ngoài mọi định luật tâm giới và nhiên giới, chưa từng có trên thế gian, lại đồng lúc phát sanh một cách diệu kỳ. Đó là:

- Dẫu trái tiết, trái mùa nhưng muôn hoa đua nhau nở rộ và tỏa sắc, tỏa hương...

Mọi quả trái dù đắng, dù chua, dù chát chợt trở nên ngon, ngọt, thơm...

Những kẻ mù lòa, thong manh bẩm sinh, vui mừng vì đôi mắt bỗng trở nên sáng quắc, thấy rõ mọi vật xung quanh mình.

Những kẻ điếc lãng từ lúc chào đời chợt nghe được mọi âm thanh..

Những kẻ bại liệt, từ nay có thể đi lại một cách dễ dàng...

Đặc biệt là tại địa ngục Lokantarika - cõi giới có từ quả báo của những chúng sanh dày sâu tà kiến, dù bảy mặt trời cũng không bao giờ rọi tới - hôm ấy, hào quang của đức Phật từ cội Assattha xuyên qua những lớp bóng tối để chiếu soi tận ngục sâu âm u lạnh lẽo. Những chúng sanh này bỗng thấy được lẫn nhau.

Đức Phật Gotama, bây giờ chúng ta gọi ngài là thế, đang rọi ánh sáng để nhìn ngắm tự tâm nhưng đồng thời, ngài thấy biết luôn toàn bộ thế gian, thế giới. Thật bi mẫn, thương xót thay chúng sanh ngu muội. Chúng đã tạo tác những nhà tù thể xác rồi tự nhốt mình vào đấy, rồi khóc lóc, rồi sầu bi khổ ưu não. Ta cũng đã lang thang muôn triệu kiếp mới tìm ra khuôn mặt của kẻ tạo tác ấy. Nó chính là vô minh và ái dục. Chính nó đã tạo nên các uẩn, chồng chất từ lớp này đến lớp kia. Nói rõ và chi tiết hơn, người thợ, tên kiến trúc sư sinh tử xây cái nhà tù chính là ái dục (taṇhā - rāga), cái đòn dông chính là vô minh (vijjā). Còn toàn bộ cái sườn nhà là những ô nhiễm, phiền não (kilesa) như: Tham (lobha), sân (dosa), si (moha), ngã mạn (māna), tà kiến (micchādiṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), tật (issā), hối (kukkucca), xan (macchariya), hôn trầm (thīna), thụy miên (middha), phóng dật (uddhacca), không biết hổ thẹn tội lỗi (ahirika), không biết ghê sợ tội lỗi (anottappa); rồi còn phỉ báng, cố chấp (mukkha-thambha), sợ hãi (bhaya), bạc ơn, phản phúc... Khi có định lực sung mãn, tuệ giác vằng vặc chiếu soi thì chúng hoàn toàn rã tan, rỗng không, vô tự tánh... Bất giác, đức Phật Gotama thốt lên một cảm hứng ngữ nội tâm trầm hùng, siêu thoát, có thể vang xa đến tận cùng vô lượng, vô biên thế giới:

“- Lang thang muôn kiếp luân hồi

Tìm không gặp kẻ xây ngôi nhà tù

Não phiền, đau khổ mịt mù

Vòng xoay, dòng chuyển thiên thu nhọc nhằn

Hỡi này anh thợ làm nhà!

Rui, mè, kèo, cột tiêu ma hết rồi

Đòn dông ái dục gãy đôi

Vô minh tạo tác muôn đời hoài công

Như Lai giải thoát sạch không

Niết-bàn vô lậu thong dong vĩnh hằng”(1)

Đạo lớn đã tìm ra. Con đường bất tử đã được khai quang. Đức Phật Gotama xả thiền, rời cội cây Assattha, bây giờ được gọi là cây bồ-đề hoặc cây tuệ giác (bodhirukkha) lúc ấy phương đông trời vừa hửng sáng. Tràn đầy, sung mãn trạng thái giải thoát, ngài đi tới đi lui thọ hưởng hạnh phúc siêu thế. Gió ban mai nhè nhẹ thổi, mát lạnh mang theo rất nhiều mùi thơm hương rừng cỏ nội. Ngài cảm nhận rất vẹn toàn, sâu sắc và tinh tế ngay cả những âm thanh cao thấp, gần xa của chim, của giun dế, của từng chiếc lá rơi khẽ. Mù sương bàng bạc lan kín cả mặt sông. Hoa đủ màu, đủ sắc từng chùm li ti chợt lay động, loang loáng nước. Dường như vạn vật xung quanh đều hiển hiện những niềm vui thầm lặng, nhiệm mầu. Tất cả đều nhiệm mầu dưới một ánh sáng khác lạ, mới mẻ. Có cái gì đổi mới, khoác lên cảnh vật một chiếc áo phiêu diêu, nhẹ nhàng, thanh khiết. Khổ đau không có mặt. Phiền não không có mặt. Nhưng cảm giác, tri giác, tâm hành, nhận thức đều trôi chảy hòa bình, an lạc, trong lành và vô nhiễm. Sự sống bây giờ được vận hành trong dòng chảy tinh khôi, trong lành và vô nhiễm ấy…

Suốt tuổi vị thành niên ưu tư, trăn trở, đến tuổi lập gia đình thấy mọi niềm vui, khoái lạc đều phù du, trống rỗng; tháng năm dài tìm cách giúp vua, cứu nước, đức Phật Gotama luôn cảm thấy mình làm cái việc của con dã tràng xe cát vì không giải mã được hố thẳm của lòng người. Với ý chí kiên định, ngài thoát ly gia đình, vợ con, vương vị, quyết tìm ra con đường thoát khổ, giải trình giá trị và ý nghĩa vĩnh cửu cho nhân sinh. Suốt sáu năm dài đằng đẵng, nếm mật, nằm gai, chịu đựng sự khổ hạnh tối thượng, với nỗ lực siêu phàm, bây giờ lộ trình bất tử mở toang cánh cửa, đã được khai thông. Chưa có ai vĩ đại như ngài, chưa có ai kiêu dũng như ngài, và cũng chưa có ai cô độc như ngài. Cho chí những giây khắc khó khăn nhất, bên mình ngài cũng chẳng có ai, may nhờ những giọt sữa vi diệu của cô bé Puṇṇā. Có thể nói rằng, ngài đã nỗ lực tự mình, không nương nhờ ai mà cũng không có bất kỳ một vị thầy nào trên lộ trình khám phá sự thật(1)Tuy thế, chẳng phải ngài sáng tạo con đường, mà ngài chỉ tìm ra con đường xưa cũ, đã bị mù sương của vô lượng thời gian che khuất. Ngài chỉ là một con người, sinh ra và lớn lên như một con người, với xương thịt, ngũ quan, tình cảm, tinh thần cũng chỉ là một con người; nhưng nhờ tư duy có chiều sâu, biết giữ cảm xúc chừng mực, biết tra vấn và học hỏi, biết hoài nghi và biết trung thực; không dễ dàng chấp nhận những chân lý có sẵn, những lối mòn sơn son thếp vàng; dám đơn độc chiến đấu với cám dỗ, với truyền thống, với bản ngã cho đến lúc đứng trên đỉnh đầu sinh tử để ca khúc khải hoàn. Vậy ngài đúng là một vị Toàn Giác, một bậc Chánh Đẳng Giác do sự thấy biết chơn chánh và toàn diện. Ngài còn có khả năng truyền bá giáo pháp nên người ta tôn xưng ngài là bậc Chánh Biến Tri, là người phi thường (Acchariya manussa), là bậc làm chủ giáo pháp (Dhammassāmi - Pháp vương), là người ban bố pháp bất tử (Amatassa dātā), là người cho vật báu (Varado- vật báu chính là tâm từ bi thanh khiết nhất, trí tuệ sâu xa nhất và chân lý vi diệu nhất). Ngài còn được gọi Như Lai (Tathāgata - bậc đến như vậy), Ứng Cúng (Arahaṃ - xứng đáng được cung kính, tôn trọng, cúng dường), Minh Hạnh Túc (Vijjā-carana-sampanno - Trí vô thượng, Đức vô thượng), bậc Thiện Thệ (Sugato - khéo đi ra khỏi luân hồi), bậc Thế Gian Giải (Lokavidū - bậc thông suốt tam giới), Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu (Anuttaro Purisadammasārathi - bậc trượng phu vô thượng có khả năng chế ngự, nhiếp phục thân, khẩu ý mình và chúng sanh), Thiên Nhân Sư (Satthādevamanussānaṃ - bậc thầy của chư thiên và nhân loại), Thế Tôn (Bhagavā - xứng đáng được xưng tán, tôn vinh), Phật (Buddho - bậc tỉnh giác, sáng suốt, tỉnh thức).

Thế là một vầng nhật nguyệt vừa xuất hiện trên thế gian. Lừng lững. Vằng vặc. Trí tuệ và từ bi. Còn soi sáng đêm ngày cho đến hết năm ngàn năm cùng nhân duyên với chúng sanh hữu trí.





(1)Anekajāti saṃsāraṃ. Sandhāvissaṃ anibbisaṃ. Gahakārakaṃ gavesanto. Dukkhā jāti punappunaṃ. Gahakāraka! Diṭṭho’ si. Puna gehaṃ na kāhasi. Sabbā te phāsukā bhaggā. Gahakūṭaṃ visaṅkhitaṃ. Visaṅkhāra gataṃ cittaṃ. Taṇhānaṃ khayam ajjhagā”

(1)Na me ācariyo atthi - một đạo sư, ta không có - ngài đã từng nói vậy..

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2013(Xem: 23049)
Nói về kiếp người Đức Lão Tử đã thốt lên rằng: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” Dịch : “ Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân, Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì ?”
11/12/2013(Xem: 23733)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
10/12/2013(Xem: 19653)
Cánh cửa của thế kỷ 20 sắp khép lại, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng thế giới đã trở nên nhỏ hơn, loài người trên hành tinh đã trở thành một cộng đồng lớn, các liên minh về chính trị và quân sự đã tạo ra những khối đa quốc gia, làn sóng của thương mại và công nghiệp thế giới đã cho ra nền kinh tế toàn cầu, những phương tiện thông tin của thế giới đã loại bỏ những chướng ngại về ngôn ngữ và chủng tộc.
10/12/2013(Xem: 24544)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
08/12/2013(Xem: 32449)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 58700)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23967)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19553)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
06/11/2013(Xem: 18346)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
30/10/2013(Xem: 39982)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]