Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

08. Các Ông Hoàng Quý Tộc Ra Đi

26/10/201318:50(Xem: 31019)
08. Các Ông Hoàng Quý Tộc Ra Đi
Mot cuoc doi bia 02



Các Ông Hoàng

Quý Tộc Ra Đi


Suốt hai tháng về thăm quê hương, tuy công việc hoằng hóa không được thành công rực rỡ cho lắm nhưng đức Phật cũng đã đặt được một nền móng vững chắc! Như một luồng gió mới thổi qua kinh thành Kapilavatthu cổ xưa, những thời pháp của đức Phật đã bắt đầu thay đổi một số tư duy cũ kỹ của giới cấp lãnh đạo về vấn đề trị an. Các giá trị tinh thần cũng như các quan niệm vui, khổ xưa nay đều phải được đánh giá lại! Đạo đức bản thân và vấn đề thiện ác cũng phải được nhìn ngắm từ bên trong, nội quán, bởi phản tỉnh, bởi những dấy khởi từ tâm niệm!

Những ông hoàng bạn cũ thuở xưa của đức Phật, họ không nóng nảy, không vội vã khi thấy con cháu dòng họ Sākya xuất gia. Họ nhiều lần gặp nhau, nhiều lần thảo luận, đặt lại vấn đề nhân sinh, các định thức giá trị qua những thời pháp được nghe từ đức Phật. Họ đã mất ngủ nhiều đêm, thao thức, trăn trở rồi thấy rõ đời sống vinh hoa, phú quý, ngũ dục thật không nghĩa lý gì! Niềm vui nào cũng mau qua, mau chán; và thường sau đó thì đối diện với cái rỗng không, vô vị! Lại đi tìm sinh thú mới, lạc thú mới rồi lại buồn, lại chán, lại rỗng không! Họ nhớ lại từng dáng đi, từng nụ cười, từng ánh mắt của đức Phật... và họ càng xác quyết là ngài đã tìm ra, tìm được niềm an lạc vĩnh cửu, là sự an lạc không có điều kiện, sự an lạc không có các đối tượng khả ái, khả ý từ bên ngoài. Nó tự có một mình, độc lập, không phụ thuộc không gian và thời gian! Nó là cái gì vậy? Mà đức Phật đã có nó và hầu hết chư tỳ-khưu, hội chúng đệ tử của ngài cũng có nó!

Hoàng tử Ānanda là người muốn khởi tâm xuất gia đầu tiên, tìm đến rủ Anuruddha cùng đi. Khi thấy Anuruddha dễ dàng chấp thuận thì Mahānāma, vị quan đại thần đương triều được đức vua Suddhodana trọng dụng, là anh ruột của Anuruddha, ngăn em lại:

- Em phải ở nhà vì cha mẹ thương yêu em nhất! Em lại còn trẻ trung, thanh xuân, chưa lập gia đình, tương lai tốt đẹp đang còn ở phía trước. Việc xuất gia hãy để cho anh, anh là người đã quá mệt mỏi chuyện gia đình và chuyện quan trường lắm rồi. Hãy để ưu tiên việc xuất gia ấy cho anh, em nhé!

Anuruddha cười ha hả:

- Anh có nói nhầm không đấy! Chính anh là người đang đảm nhận trọng trách quốc gia đại sự! Chính anh là người đang bận bịu chuyện gia đình, vợ con! Anh ra đi thì những gánh nặng kia biết quăng bỏ cho ai hả?

Quan đại thần Mahānāma nín lặng.

Anuruddha đến xin thân mẫu nhiều lần nhưng bà một mực từ chối, sợ con trai mình, vốn chỉ biết ăn chơi không kham nổi đời sống khổ hạnh của các sa-môn! Thấy Anuruddha dọa tuyệt thực, dọa tự tử, bà tìm cách chối từ rất khéo:

- Thôi được rồi! Nếu con đã cương quyết như thế, mẹ cũng cho đi, nhưng với một điều kiện...

- Mẹ cứ nói!

- Con hãy chịu khó đến gặp quan tổng trấn Bhaddiya! Nếu Bhaddiya đồng ý xuất gia, mẹ sẽ cho con xuất gia!

Thân mẫu Anuruddha nêu điều kiện ấy tưởng là sẽ ngăn được con trai vì bà đơn giản nghĩ rằng, quan tổng trấn Bhaddiya tiếng tăm lừng lẫy, danh vọng, địa vị, sự nghiệp trùm lấp một phương; và nghe đâu, vừa mới hứa hôn với một công nương tài sắc vẹn toàn thì lẽ nào lại bỏ tất cả để đi xuất gia được! Quả thật, họ tuy gặp nhau nhiều lần, thảo luận giáo pháp nhiều lần; và đồng ý với nhau hầu như toàn diện về giáo pháp diệt khổ của đức Phật, nhưng nếu Anuruddha muốn thuyết phục Bhaddiya đi xuất gia là chuyện không đơn giản một chút nào!

Sau nửa ngày đường dong ngựa, đến dinh liêu rộng lớn, nguy nga, lầu cao lầu thấp, tòa ngang, dãy dọc của quan tổng trấn; thấy tường rào mấy lớp, quân lính canh phòng nghiêm ngặt trong ngoài, người lui, kẻ tới tấp nập, rộn ràng đây đó, Anuruddha bần thần, dừng lại, chợt nghĩ đến điều kiện khó khăn của mẹ!

Được quân canh và quân hầu kính cẩn thông báo, Bhaddiya bỏ công việc, tiếp bạn ngay như tiếp một vị thượng khách! Sau khi đãi đằng cơm nước, thấy khuôn mặt của Anuruddha rầu rĩ, khó đăm đăm, trước sau không thốt một lời, Bhaddiya ân cần và ái ngại hỏi:

- Có chuyện gì vậy? Tại sao em có vẻ buồn quá vậy?

- Tại anh cả đấy! Anuruddha bây giờ mới nói, giọng hờn trách – Tôi muốn theo đức Phật xuất gia tu học như các chàng trai Sākya khác, nhưng tại vì anh, tại vì chức quan tổng trấn của anh nên tôi đã không đi được!

Bhaddiya cả cười:

- Tại sao lại có chuyện lạ lùng đến thế? Tôi cản trở em hồi nào? Nếu em muốn xuất gia thì tôi sẽ tìm đủ mọi cách cho em được thỏa nguyện nữa là khác!

- Thật thế nhé! Anuruddha sáng mắt ra, cười vui, đưa ngón tay phải ra, móc ngoéo vào ngón tay của Bhaddiya như bắt bạn phải nhận một lời hứa khả! Chắc chắn vậy nhé!

Bhaddiya biết có chuyện gì đây, nhưng vốn tính tình phóng khoáng, cởi mở, chàng cũng vui theo niềm vui của bạn! Anuruddha kể tóm tắt chuyện của mình và điều kiện của mẹ đưa ra, rồi kết luận:

- Như vậy, có phải vì anh mà tôi không được xuất gia không! Anh đã hứa giúp tôi bằng mọi cách thì cách duy nhất, tốt nhất, mau nhất là anh phải cùng đi xuất gia với tôi!

Lời đã hứa rồi, Bhaddiya thấy mình kẹt quá, kẹt cha mẹ, kẹt chức vị tổng trấn và kẹt nhất là người vợ vừa mới hứa hôn! Thật ra, chàng cũng có dự định xuất gia vì thấy đời sa-môn như cánh chim giữa không rộng trời cao chẳng dính mắc, bận rộn gì cả, nhưng không phải là bây giờ!

- Thôi, bảy năm nữa nhé, tôi sẽ đi xuất gia cùng em!

- Không được! Anuruddha lắc đầu - Bảy năm lâu quá!

- Thôi, vậy thì ba năm. Ba năm để anh thu xếp mọi công việc trong ngoài cho đâu ra đấy đã!

- Cũng không được! Anuruddha lắc đầu nguầy nguậy - Sự chết có chờ đợi ai được đâu!

- Thế thì nhất định bảy tháng, chúng ta sẽ cùng đi! Ít ra cũng để anh có đủ thời gian trả lại quan tước, bàn giao chức vụ và thu xếp việc gia đình chứ!

Thấy Anuruddha cũng không chịu, Bhaddiya đành đưa cái hẹn bảy ngày!

Vui mừng, hớn hở, Anuruddha như bay trên lưng ngựa trở về kinh đô, sau đó, cùng với Ānanda, cả hai đi rủ thêm Kimbila, Bhagu và cả Devadatta tại kinh đô Devadaha, nước Koliya nữa! Và ai cũng khó khăn, vất vả lúc thuyết phục gia đình, nhất là Ānanda, nhưng do nhờ quyết tâm, họ được ra đi như ý nguyện!

Thế rồi, bảy ngày sau, họ gặp nhau tại Đông cung của thái tử Devadatta. Sáng ngày, họ leo lên cỗ xe lớn bốn ngựa kéo do người thợ cạo thân tín của hoàng gia, là thanh niên Upāli cầm cương, theo đường lữ hành vượt biên giới Koliya!

Vì trời nắng nóng, biết đức Phật và hội chúng sa-môn đi chậm và men theo đường rừng, có lẽ còn ẩn khuất đâu đó tại các thôn làng ngoại ô thành phố Mallā nên họ đã cho ngựa phi nhanh, hy vọng bắt kịp! Hai ngày sau, được biết đức Phật đang còn ở tại làng Anupiyā, chỉ còn cách mấy xóm nhà ven đường là tới; họ xuống xe, cởi bỏ hoàng bào cùng các món châu ngọc điểm trang, trao cho người thanh niên thợ cạo Upāli, rồi nói rằng:

- Bạn là người chân thực, trung tín mà từ lâu chúng tôi được biết nên chúng tôi đã cố ý nhờ bạn đánh xe đến đây! Bây giờ chúng tôi chỉ giữ lại một tấm áo và y bát để theo Phật, sống đời xuất gia vô sản, bần hàn, vậy chiếc xe bốn ngựa này, tất cả tư trang tư dụng này, chúng tôi xin tặng bạn để làm vốn liếng sinh nhai! Hãy cố gắng sống đời trong lành và hiền thiện!

Sau khi sáu ông hoàng đi khuất sau lùm cây, thanh niên Upāli nước mắt đoanh tròng, ôm mớ châu báu mà đứng sững! Upāli tự nghĩ: “Họ tốt quá! Họ giàu sang vương giả là thế, nhưng chức tước, địa vị, danh vọng, quyền uy, châu báu... họ đã quăng bỏ đi như mớ giẻ rách! Còn mình là gì? Một tên thợ cạo tầm thường, đủ ăn đủ mặc bấy lâu là nhờ ân đức của hoàng gia! Cái gì cũng không có cả thì ôm níu cái gì, mê đắm cái gì mà không chịu vứt bỏ, ra đi xuất gia như họ?” Sáu chiếc vương bào rơi xuống đất, một đống châu báu rơi ra, sáng lóe, chấp chóa đủ màu sắc dưới ánh mặt trời!“Chính cái này đây, trân bảo này đây, đống rắn độc này đây mà lòng tham con người phát sanh – Upāli nghĩ tiếp - Rồi cái được gọi là hạnh phúc do thỏa mãn ngũ dục kia sẽ đi liền theo đau khổ, nước mắt lẫn những hiểm họa khôn lường khác! Giả sử mình mang đống này về, thì mọi người sẽ nghĩ rằng mình là một tên giết người cướp của; ít hơn thế nữa cũng là một tên lường gạt, trộm cắp. Pháp luật quốc gia sẽ không dung thứ cho ta đâu! Trên đời này, biết còn bao nhiêu người tin vào những lời nói thật?”

Upāli dẫu sanh thuộc giai cấp hạ tiện, nhưng chàng thông minh, sáng dạ, giải quyết sự vụ rất nhanh. Vì biết ngựa quen đường cũ nên Upāli tháo ngựa ra khỏi xe, tháo cương ra khỏi ngựa, lấy roi, quất nhẹ cho ngựa trở về đường cũ! Còn châu báu, Upāli gói thành sáu gói khác nhau, cứ đi một đoạn, chàng móc lên cành cây, thầm mong cho ai là người hữu phước sẽ sở hữu được tài sản vô chủ này! Xong xuôi, thở một hơi dài, Upāli nhắm hướng ngôi làng Anupiyā, ra sức chạy...

Xế chiều, lúc các ông hoàng đang ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây thì Upāli bắt kịp; chàng hổn hển kể lại tâm sự và ý nghĩ của mình trước đống hoàng bào và châu báu; sau đó là cách giải quyết chúng như thế nào...

Bhaddiya cười ha hả:

- Thế là ông bạn cũng muốn xuất gia, tốt, tốt!

Devadatta hơi nhăn mày:

- Ông là Sudrā...

- Không sao! Anuruddha xen lời - Đức Thế Tôn từng dạy rằng: Trăm con sông dầu tên gọi khác nhau, nhưng khi vào biển, hòa với biển chỉ được gọi chung là biển. Cũng vậy, chúng ta dầu tên tuổi, giai cấp, địa vị khác nhau; nhưng khi xuất gia rồi thì hòa nhập với tăng đoàn, sống với tăng đoàn, cùng chung trong một biển lớn là giáo hội của đức Tôn Sư!

Ai cũng gật đầu, mỉm cười, khen phải!

Sau một đêm gối đất nằm sương, cảm nhận thấm thía đời sống không cửa, không nhà của hội chúng thánh hạnh, họ đi vào làng Anupiyā và gặp được đức Phật. Thật ra, đức Phật đang tạm cư ở đây ba ngày, vừa thuyết pháp cho cư dân trong vùng, vừa có ý chờ đợi họ!

Sau khi đảnh lễ đức Phật, họ trình bày ý nguyện lên ngài, đồng xin xuất gia!

Ānanda thưa:

- Xin đức Thế Tôn hãy cho Upāli xuất gia trước để chúng đệ tử phải xem cậu ta như một vị sư huynh; lợi ích thứ nhất là nhằm xóa bỏ sự kỳ thị giai cấp, lợi ích thứ hai là dập tắt cái tính tự cao, tự đại của dòng dõi hoàng gia Sākya và Koliya!

Đức Phật lặng yên chấp thuận. Mọi việc đã được chuẩn bị sẵn. Lễ xuất gia thọ giới tỳ-khưu cho Upāli và sáu nhân vật quan trọng của hoàng gia được diễn ra rất dị giản. Thế là Upāli, Ānanda, Devadatta, Bhaddiya, Kimbila, Bhagu, Anuruddha được tôn giả Sāriputta ân cần hướng dẫn cách mặc y, mang bát, cách trì bình khất thực, cách thọ thực và cả cách đi đứng ngồi nằm của một sa-môn khất sĩ trong giáo hội của đức Tôn Sư. Còn đức Phật thì dạy họ những pháp sơ cơ về cách hành trì tu tập, một vài căn bản về định và tuệ!

Được gặp lại các ông hoàng quen biết, Nanda vui mừng lắm; và có lẽ vui mừng nhất là Rāhula! Tỳ-khưu Nanda, từ khi xuất gia đến nay, không hề tìm thấy niềm vui, luôn luôn buồn bực, sầu khổ vì nhớ nhung vị hôn thê xinh đẹp, nàng luôn luôn hiển hiện trước tầm mắt, khi đi đứng ngồi nằm, và cả trong giấc ngủ chập chờn, mộng mị! Thấy các ông hoàng vương giả, cao sang tột bực đồng một lúc đến xuất gia, Nanda cảm thấy như mình được an ủi một phần nào! Sa-di Rāhula thì tâm lý đơn giản hơn, được gặp lại nhiều người quen thân; và ai trong họ cũng yêu thương mình cả, nên cậu cảm thấy mình không còn lẻ loi, cô độc nữa, mà ngược lại, thấy thân thiết và ấm áp vô cùng!

Đức Phật biết tất cả chuyện gì xẩy ra ở nơi nội tâm của mỗi người, nhưng ngài chỉ giáo giới chung chung rằng: Lộ trình đi đến nơi giác ngộ, giải thoát, luôn thường trực chiến đấu với chính mình, với ma quân, phiền não; không phải dễ dàng, êm ái như bước trên tấm thảm nhung đâu! Phải để ý coi chừng từng bước chân, từng hơi thở!

Hôm sau, đức Phật thông báo lên đường, rời ngôi làng Anupiyā, hướng đến kinh thành Vesāli!

Đường xa, bộ hành vất vả, khá thương cho chú bé Rāhula dầm sương, dãi nắng, gối cây, nằm đất đã mười mấy ngày rồi. Tôn giả Sāriputta đã để tâm dành mọi tiện nghi có thể, chăm lo cho vị sa-di tí hon này từng ly, từng tí! Tỳ-khưu Nanda cũng đặt biệt quan tâm đến cháu của mình nên lúc đi bát có gì ngon thường mang đến san sẻ; ngay tấm y đắp, Nanda cũng phủ ấm cho Rāhula! Bây giờ, lại có thêm Ānanda, Anuruddha nữa, Rāhula cảm thấy như mình được đùm bọc, chở che trong vòng tay thân thuộc của hoàng gia; cậu nói cười liến thoắng, vui vẻ!

Chừng mươi ngày sau thì đến ngoại ô Vesāli, đức Phật và hội chúng trú tại rừng Mahāvana; ngài cũng ở lại đây ba hôm để thuyết pháp cho cư dân trong vùng, rồi từ đó, lần hồi qua sông Gaṅgā, về đến Trúc Lâm kịp an cư mùa mưa.






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/05/2015(Xem: 26351)
Thể theo lời yêu cầu của các bạn Đạo, tôi chọn một số bài nói chuyện về Phật pháp của tôi tại Tổ Đình Từ Quang ở Montréal và một vài nghi thức tụng niệm để in thành cuốn sách này, với hy vọng phổ biến Phật pháp. Cuốn sách được hình thành trong dịp Tết Canh Thìn, nhưng phải đợi đến Tết Dương Lịch 2001 mới đánh máy xong. Trong thời gian chờ đợi này, tôi đã cẩn thận kiểm điểm lại nội dung từng bài, nhưng chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót, những mong các bậc cao minh từ bi chỉ điểm cho. Montréal, Tết Dương lịch 2001 Hiển Mật, Đỗ Hữu Trạch
12/05/2015(Xem: 22577)
Video: Những Hiểu Lầm về Đạo Phật
01/05/2015(Xem: 30685)
Một tập sách với tựa đề như trên, trong xã hội hiện nay, không có gì đặc biệt; so với Kito giáo tại Việt Nam, cũng là việc làm bình thường, vì hàng năm, một số giáo xứ thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn giáo lý và hôn nhân cho thế hệ trẻ từ tuổi 18 trở lên; nhưng đặc biệt của tập sách nầy nằm trong hai lĩnh vực: 1/ Phật giáo chưa từng xuất hiện sách hoặc lớp hướng dẫn về hạnh phúc gia đình, mặc dù có những kinh điển nói qua vấn đề nầy, quá tổng quát, chưa thích ứng với từng cảnh trạng của từng xã hội biến thái khác nhau hiện nay. 2/ Sách không trực tiếp dạy giáo lý như các lớp “giáo lý và hôn nhân” của các giáo xứ, nhất là giòng Tên; nhưng sách hướng dẫn tháo gỡ nhiều vấn đề mắc mứu liên quan đến tâm lý xã hội và đạo đức nhà Phật.
08/02/2015(Xem: 9162)
Dĩ nhiên, theo quan điểm của Phật Giáo, không chỉ theo cảm nhận thông thường, có một sự bắt đầu và có sự chấm dứt. Như vậy là hợp lý; đấy là quy luật; đấy là tự nhiên. Cho nên bất cứ chúng ta gọi là Big Bang hay điều gì như vậy đi nữa, có một tiến trình tiến hóa hay một tiến trình của sự bắt đầu. Cho nên phải có một sự chấm dứt. Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa, tôi nghĩ sự chấm dứt hay tận thế sẽ không xảy ra trong vài triệu năm nữa. Bây giờ, sự ô nhiễm. Như quý vị biết tôi đến từ Tây Tạng. Khi chúng tôi ở Tây Tạng, chúng tôi không có ý tưởng về ô nhiễm. Mọi thứ rất trong sạch! Trong thực tế, lần đầu tiên khi tôi biết qua ô nhiễm và nghe mọi người nói về rằng tôi không thể uống nước, nó làm tôi ngạc nhiên. Cuối cùng kiến thức của chúng ta được mở rộng.
23/01/2015(Xem: 5678)
Các tôn giáo nên hợp tác với nhau hầu góp phần mang lại một nền hòa bình cho toàn thế giới. Nếu tìm hiểu cặn kẽ những lời ủy thác do các vị sáng lập tôn giáo đã lưu lại cho chúng ta ngày nay, thì tất chúng ta sẽ hiểu rằng những lời ấy đều đã được ghi sẵn trong kinh sách của mỗi tôn giáo, và nhất loạt nêu lên trọng trách của mỗi người chúng ta trong xã hội.
05/01/2015(Xem: 21577)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
05/01/2015(Xem: 19087)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
11/12/2014(Xem: 9905)
Ngày nay, nhân loại đã tiến bộ rất xa về mặt khoa học, kỹ thuật, đã làm thay đổi bộ mặt thế giới từng ngày, từng giờ và thậm chí từng phút, từng giây, nên đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội v.v… đều được nâng cao một cách đáng kể.
22/11/2014(Xem: 28743)
Có người khách mang đến cho tôi một gói quà. Bên trong là hai quyển sách: Đất nước Cực lạc, Ánh sáng và bóng tối. Tác giả: Liên Hoa Bảo Tịnh. Khoảng thời gian sau này, tôi có rất ít điều kiện để đọc thêm được những sách mới, nên không ngạc nhiên nhiều lắm với tác giả lạ. Dẫu sao, trong tình cảnh ấy mà được đọc những sách lạ, nhất là được gởi từ phương trời xa lạ, thì cũng thật là thú vị. Rồi càng đọc càng thú vị. Một phần vì có những kiến giải bất ngờ của tác giả, về những điểm giáo lý mà mình rất quen thuộc. Quen thuộc từ khi còn là một tiểu sa-di. Nhưng phần khác, thú vị hơn, khi biết rằng Liên Hoa Bảo Tịnh cũng là Đức Hạnh – đó là chú XUÂN KÝ, một thời ở Già-lam cùng với chú Sỹ.
15/11/2014(Xem: 20755)
Nên lưu ý đến một cách phân biệt tinh tế về thứ tự xuất hiện của hai kiến giải sai lầm trên. Đầu tiên là kiến giải chấp vào tự ngã của các nhóm thân tâm, và từ cơ sở này lại xuất phát kiến giải chấp vào tự ngã của cá nhân. Trong trường hợp nhận thức được Tính không thì người ta sẽ nhận ra Tính không của nhân ngã trước; bởi vì nó dễ được nhận ra hơn. Sau đó thì Tính không của pháp ngã được xác định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]