Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Những Tích Bố Thí

31/07/201201:54(Xem: 8029)
04. Những Tích Bố Thí

TÌM HIỂU PHƯỚC BỐ THÍ

Soạn giả: Tỳ khưu Hộ Pháp

 

NHỮNG TÍCH BỐ THÍ

Những tích bố thí dưới đây, được trích dịch tóm tắt từ các bộ Apādāna, bộ Vimānavatthu, bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakathā, bộ Chú giải Aṅguttaranikāya, v.v...

Tích Bố Thí Những Vật Dụng

Vào thời kỳ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Đại Đức Pilindavaccha [Bộ chú giải Aṅguttaranikāya, phần Etadaggavagga] là một cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Padumuttara.

Một hôm, người cận sự nam này đến nghe thuyết pháp, nhìn thấy Đức Phật tuyên dương một Tỳ khưu xuất sắc đệ nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử về đức hạnh, làm cho chư thiên yêu mến. Người cận sự nam này có nguyện vọng mong muốn được địa vị như vị Tỳ khưu ấy, nên làm phước bố thí cúng dường Đức Phật cùng chư Đại Đức Tăng những vật dụng như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh; và được Đức Phật Padumuttara thọ ký rằng: "Trong tương lai, còn 100 ngàn đại kiếp nữa, đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, người cận sự nam này sẽ xuất gia trở thành Tỳ khưu, rồi sẽ được địa vị xuất sắc đệ nhất đức hạnh, làm cho chư thiên yêu mến, như vị Tỳ khưu đệ tử của Như Lai".

Người cận sự nam ấy, sau khi chết, do phước thiện bố thí những vật dụng cho quả, khi thì tái sanh làm chư thiên cõi trời dục giới hưởng đầy đủ mọi sự an lạc trên cõi trời ấy; khi thì tái sanh làm người trong gia đình giàu sang phú quý, đầy đủ những món vật dụng quý báu trong cõi người, kiếp nào cũng như vậy, suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất không hề sa đọa trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh); chỉ tái sanh những cõi thiện giới: cõi người, cõi trời mà thôi.

Đến kiếp chót, được tái sanh làm người trong gia đình Bà la môn dòng dõi cao quý, đặt tên Pilindavaccha. Vào thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Ngài đến nghe pháp rồi phát sanh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, xin xuất gia trở thành Tỳ khưu, tiến hành thiền định và thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Đạo – A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích và Lục thông.

Đức Phật tuyên dương Ngài Đại Đức Pilinda-vaccha rằng:

"Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ devatānaṃ piyamanāpānaṃ yadidaṃ Pilindavaccho".

"Này chư Tỳ khưu, trong hàng Tỳ khưu Thanh Văn đệ tử của Như Lai, Pilindavaccha là Tỳ khưu cao quý nhất về đức hạnh, làm cho chư thiên yêu mến".

Như vậy, sự việc đã thành tựu đúng theo nguyện vọng của Ngài và đúng theo lời thọ ký của Đức Phật Padumuttara trong quá khứ.

Tích Bố Thí Thuốc

Tiền thân của Ngài Đại Đức Bākula được tóm lược như sau__

Thời kỳ Đức Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Bākula là một vị đạo sĩ chứng đắc 8 bậc thiền, có ngũ thông, đến hầu Đức Phật nghe pháp, xin thọ Tam quy nơi Đức Phật.

[Bộ Chú giải Aṅguttaranikāya, phần Etadaggavagga; Thời kỳ Đức Phật Anomadassī đến Đức Phật Padumuttara cách 1 a tăng kỳ]

Một thời nọ, Đức Phật Anomadassī bị lâm bệnh phong hàn, vị đạo sĩ (tiền thân Ngài Đại Đức Bākula)đi tìm thuốc đem về làm phước bố thí cúng dường đến Đức Phật. Nhờ uống thuốc ấy, Đức Phật khỏi bệnh.

Vị đạo sĩ cầu nguyện rằng: do nhờ phước thiện bố thí thuốc, trị khỏi bệnh của Đức Phật, kiếp nào con cũng có sắc thân không bệnh hoạn ốm đau.

Vị đạo sĩ ấy sau khi chết, do năng lực bậc thiền sở đắc của mình được tái sanh lên cõi trời phạm thiên, những kiếp kế tiếp suốt 1 a tăng kỳ tái sanh làm người hoặc chư thiên, phạm thiên.

Đến thời kỳ Đức Phật Padumuttara [*], tiền thân Ngài Bākula sanh trong gia đình quý tộc, thường đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Một hôm, Ngài nhìn thấy Đức Phật tuyên dương một vị Tỳ khưu xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau. Ngài rất hoan hỉ có nguyện vọng muốn được địa vị xuất sắc nhất ấy, Ngài cố gắng tạo mọi phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật cùng chư Đại Đức Tăng, nhất là bố thí cúng dường thuốc trị bệnh. Ngài được Đức Phật Padumuttara thọ ký, trong vị lai, vào thời kỳ Đức Phật Gotama, Ngài sẽ là bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau. Ngài vô cùng hoan hỉ tạo mọi phước thiện đến trọn kiếp, do thiện nghiệp ấy cho quả chỉ tái sanh làm người hoặc chư thiên nơi cõi trời mà thôi.

Đến thời kỳ Đức Phật Vipassī (Thời kỳ Đức Phật Padumuttara cách trái đất của chúng ta 100 ngàn đại kiếp trái đất. Thời kỳ Đức Phật Vipassī cách trái đất của chúng ta 91 đại kiếp trái đất) xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Đại Đức Bākula sanh trong dòng dõi Bà la môn cao quý. Khi trưởng thành Ngài xuất gia trở thành đạo sĩ chứng đắc các bậc thiền, thường đến hầu Đức Phật nghe pháp, thọ Tam quy nơi Đức Phật. Vị đạo sĩ thường đến hộ độ Đức Phật.

Một lần nọ, có một số Tỳ khưu bị bệnh, vị đạo sĩ đi tìm thuốc về làm phước bố thí chữa trị cho những vị Tỳ khưu ấy đều khỏi bệnh. Đến khi vị đạo sĩ hết tuổi thọ, do năng lực sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sanh lên cõi phạm thiên. Suốt 91 đại kiếp chỉ tái sanh làm người hoặc chư thiên nơi cõi trời mà thôi.

Đến thời kỳ Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, tiền kiếp Ngài Đại Đức Bākula sanh trong gia đình giàu sang phú quý; Ngài đã xây cất chánh điện, trai đường, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà thương dâng cúng đến chư Tăng, đặc biệt thích làm phước bố thí thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng. Khi hết tuổi thọ, do phước thiện ấy cho quả được tái sanh cõi trời và cõi người, không hề sa đọa trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).

Kiếp hiện tại, cũng là kiếp chót, Ngài sanh trong gia đình phú hộ xứ Kosambī. Ngài sanh ra đời đến ngày thứ năm, theo tục lệ, những người vú nuôi bồng ẵm Ngài xuống dòng sông Yāmunā để tắm cho khỏi bệnh. Một con cá lớn nhìn thấy đứa trẻ tưởng là miếng mồi, bơi đến nuốt chửng Ngài vào bụng. Dầu Ngài nằm trong bụng con cá vẫn cảm thấy an lạc. Do năng lực phước thiện của Ngài, làm cho con cá cảm thấy nóng nảy bơi suốt 3 do tuần đến xứ Bārāṇasi thì bị mắc lưới của dân chài xứ ấy. Dân chài bắt con cá đem bán cho gia đình phú hộ Bārāṇasī không có con. Do năng lực phước thiện của Ngài, khiến cho bà phu nhân phú hộ tự tay mình mổ bụng con cá phát hiện một đứa trẻ nằm trong bụng con cá, bà vô cùng vui mừng, hạnh phúc được một đứa trẻ, bà reo lên "tôi được một đứa con trong bụng cá".Tiếng lành phi thường lan rộng, ông bà phú hộ Kosambī đến nhìn nhận là đứa con trai của chính mình cưu mang đủ 10 tháng sinh ra, đứa bé bị con cá nuốt vào bụng. Như vậy, đứa bé này đúng là con của họ, không phải con của gia đình ông bà phú hộ xứ Bārāṇasī. Hai gia đình phú hộ tranh chấp, không bên nào nhường bên nào. Họ đem sự việc trình Đức vua phán xử. Đức vua phán rằng: đứa bé này là con chung của hai gia đình phú hộ:phú hộ xứ Kosambī và phú hộ Bārāṇasī. Do đó, đặt tên Ngài là Bākulakumāra có nghĩa là đứa bé của hai gia đình.Ngài được hai gia đình nuôi dưỡng, mỗi gia đình 4 tháng. Ngài ở gia đình bên này suốt 4 tháng rồi đến gia đình bên kia 4 tháng, và cứ thế thay phiên như vậy.

Cuộc đời Ngài hưởng sự an lạc của hai gia đình phú hộ suốt 80 năm.

Trong thời kỳ Đức Phật Gotama, một thuở nọ, Đức Phật ngự đến xứ Kosambī, Ngài Bākula đến hầu Đức Phật lắng nghe chánh pháp, nhàm chán đời sống tại gia, xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Sau khi đã trở thành Tỳ khưu được 7 ngày, qua đến sáng ngày thứ 8 Ngài tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Đạo – A-ra-hán Thánh Quả cùng với Tứ tuệ phân tích, hoàn thành xong phận sự của bậc xuất gia.

Đức Phật tán dương Ngài Đại Đức Bākula rằng:

"Etadaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ appābādhānaṃ yadidaṃ Bākulo".

"Này chư Tỳ khưu, trong hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai, Bākula xuất sắc nhất về đức hạnh ít bệnh hoạn ốm đau".

Những quả báu đều bắt nguồn từ phước thiện bố thí thuốc trị bệnh đến Đức Phật Anomadassī.

Ngài Đại Đức Bākula ít bệnh hoạn ốm đau nhất, xuất gia trở thành Tỳ khưu được 80 hạ. Ngài tịch diệt Niết Bàn lúc tròn 160 tuổi, là người có tuổi thọ, sống lâu nhất trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Tích Bố Thí Đèn

Tiền thân của Ngài Đại Đức Pañcadīpaka là một cận sự nam trong thời kỳ Đức Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian [Bộ Apādāna, tích Pañcadīpaka apādāna].

Người cận sự nam nhìn thấy những người Phật tử có đức tin nơi Đức Phật, thường đến lễ bái cúng dường tại đại cội Bồ Đề của Đức Phật Padumuttara. Một hôm, Ngài phát sanh đức tin trong sạch bố thí những ngọn đèn thắp sáng chung quanh cúng dường đại cội Bồ Đề.

Do năng lực bố thí đèn cúng dường đại cội Bồ Đề ấy, Ngài được tái sanh làm vua cõi Tam thập tam thiên hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy; khi tái sanh làm người là Đức Chuyển luân thánh vương, hoặc làm Vua một nước lớn hưởng sự an lạc trong cõi người, suốt 100 ngàn đại kiếp trái đất, chỉ tái sanh những cõi thiện giới: cõi người và cõi trời, không hề bị sa đọa trong 4 cõi ác giới.

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Ngài sanh trong gia đình quý tộc. Khi trưởng thành, một hôm đến nghe Đức Phật thuyết pháp phát sanh tâm nhàm chán đời sống tại gia, xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Sau khi trở thành Tỳ khưu, Ngài tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Đạo – A-ra-hán Thánh Quả với Tứ tuệ phân tích, Lục thông, hoàn thành xong phận sự của Sa môn.

Như vậy, tất cả quả báu đều bắt nguồn từ bố thí đènthắp sáng chung quanh cúng dường đại cội Bồ Đề của Đức Phật Padumuttara.

Tích Bố Thí Vật Thực

Trong bộ Vimāvatthu, tích Bhikkhādāyakavi-māna được tóm lược như sau:

Người cận sự nam ở trong nhà, rửa tay sửa soạn dùng vật thực, đang xới cơm ra đĩa để ăn, nhìn thấy một vị Tỳ khưu đi khất thực đang đứng trước cửa nhà. Người cận sự nam đem đĩa cơm, có một món đồ ăn ra để vào bát vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu cầu nguyện an lành xong rồi đi. Người cận sự nam vô cùng hoan hỉ nghĩ rằng: "Hôm nay, ta nhịn ăn, dành vật thực làm phước bố thí cúng dường đến vị Tỳ khưu ấy".

Về sau người thí chủ ấy chết, do năng lực phước thiện bố thí vật thực ấy cho quả, được tái sanh làm vị thiên nam ở cõi Tam thập tam thiên có lâu đài bằng vàng cao 12 do tuần, xung quanh lâu đài có 700 phòng lớn, những cây cột bằng ngọc quý, những đồ trang trí toàn bằng những vật quý giá.

Vị thiên nam có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời mọi phương hướng, có nhiều thiên nữ hầu hạ ngày đêm....

Tất cả mọi quả báu phát sanh do phước thiện bố thí vật thực đến vị Tỳ khưu.

Tích Bố Thí Dép

Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna bay lên cõi Tam thập tam thiên, nhìn thấy một lâu đài nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nữ hầu hạ, bèn hỏi rằng:

- Này thiên nữ, tiền kiếp cô đã tạo phước thiện gì, kiếp này cô hưởng sự an lạc như vậy?

Thiên nữ Upāhanadāyikā trả lời Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna:

- Kính bạch Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna, con là thiên nữ Upāhanadāyikā. Kiếp trước, khi ở cõi người vào thời Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, con nhìn thấy vị Tỳ khưu đang đi bát, con có dâng một đôi dép đến vị Tỳ khưu. Do năng lực phước thiện bố thí dép ấy, cho quả được tái sanh lên cõi Tam thập tam thiên, trong lâu đài xinh đẹp, có thiên nữ hầu hạ, hưởng sự an lạc như thế này.

Tích Bố Thí Hoa

Thời kỳ Đức Phật Sikhi xuất hiện trên thế gian, một người bán hoa lài, đem hoa từ rừng ra, giữa đường gặp Đức Phật Sikhi ngự đi khất thực, người ấy phát sanh đức tin trong sạch, để giỏ hoa xuống đảnh lễ Đức Phật rồi cúng dường Đức Phật một nắm hoa lài. [Thời kỳ Đức Phật Sikhi cách trái đất chúng ta 31 đại kiếp trái đất.]

Đức Phật muốn làm cho người bán hoa phát sanh đức tin, nên hóa phép thần thông ghép những đóa hoa thành lọng che trên đầu Ngài, cho đến khi ngự trở về chùa mới biến mất. Người bán hoa nhìn thấy vô cùng ngạc nhiên, vô cùng hoan hỉ. Đến khi hết tuổi thọ, do phước thiện bố thí cho quả được tái sanh lên cõi Tam thập tam thiên. Do năng lực phước thiện bố thí hoa ấy, chỉ cho quả tái sanh cõi trời, cõi người suốt 31 đại kiếp trái đất, không hề bị sa đọa trong 4 cõi ác giới.

Thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của người bán hoa, cũng do năng lực phước thiện bố thí hoa ấy cho quả tái sanh làm người, gặp Đức Phật Gotama xin phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, hành thiền tuệ chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Quả.

Tích Bố Thí 4 Quả Xoài

Trong bộ Vimānavatthu, tích Phaladāyaka-vimāna được tóm lược như sau:

Một người làm vườn xoài của Đức vua Bimbisāra, một hôm, Đức vua truyền gọi người làm vườn xoài đến và phán rằng:

- Này ngươi, Trẫm muốn thưởng thức xoài; ngươi có thể làm cách nào để có xoài, đem đến dâng Trẫm được hay không?

- Tâu bệ hạ! Lúc này không phải mùa xoài, xin bệ hạ ráng đợi một thời gian ngắn, hạ thần sẽ cố gắng làm cho cây xoài ra quả sớm.

Đức vua ưng thuận, người làm vườn xoài chọn một cây xoài rồi chăm sóc đặc biệt, làm cho cây xoài ra bông, kết trái chín được 4 quả. Người ấy đem đến dâng Đức vua, trên đường đi, nhìn thấy Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna đang đi khất thực, liền nghĩ rằng: "Những quả xoài này trái mùa rất ngon, ta nên làm phước bố thí để bát đến Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna, dầu Đức vua có giết ta hoặc đuổi ta ra khỏi nước, ta cũng chấp nhận. Nếu ta đem 4 quả xoài này đến dâng cho Đức vua, thì ta chỉ được bỗng lộc trong kiếp hiện tại mà thôi; còn như ta làm phước thiện bố thí dâng 4 quả xoài này đến Ngài Đại Đức, thì ta không những được quả báu ở kiếp hiện tại mà còn vô lượng kiếp vị lai nữa".

Nghĩ vậy, người ấy đem 4 quả xoài đến cung kính làm phước để bát dâng đến Ngài Đại Đức. Khi dâng xong, tâm cảm thấy vô cùng hoan hỉ, đi đến hầu Đức vua tâu rõ mọi việc rồi xin chịu tội.

Nghe tâu xong, Đức vua truyền lệnh cho một vị quan điều tra xem chuyện này thực hư như thế nào, rồi về trình Đức vua.

Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna đem 4 quả xoài kính dâng đến Đức Phật, Đức Phật độ 1 quả, còn 3 quả, Ngài ban phát cho Ngài Đại Đức Sāriputta, Ngài Mahāmoggallāna, Ngài Mahākassapa mỗi Ngài 1 quả.

Vị quan trở về tâu Đức vua biết sự việc ấy, nghe vậy, Đức vua vô cùng hoan hỉ nghĩ rằng: người làm vườn là bậc Thiện trí, dám hy sinh sanh mạng để mưu cầu phước thiện thanh cao.

Đức vua ban thưởng cho người làm vườn một làng để thu thuế, vàng, bạc, vải, đồ đạc... và Đức vua yêu cầu rằng: "Nhà ngươi có cơ hội tốt làm phước thiện bố thí 4 quả xoài đến Ngài Đại Đức, vậy nhà ngươi hãy chia phần phước thiện ấy đến cho Trẫm với".

Người làm vườn xoài tâu rằng:

- Tâu bệ hạ! Kính xin bệ hạ hoan hỉ phần phước thiện ấy.

Về sau, người làm vườn xoài ấy chết, do năng lực phước thiện bố thí ấy cho quả tái sanh làm thiên nam cõi Tam thập tam thiên trong lâu đài bằng vàng cao 16 do tuần, có 700 phòng lớn, cột bằng ngọc quý, những đồ trang trí quý giàu; là một thiên nam có nhiều oai lực, có hào quang sáng ngời khắp mọi phương, có rất nhiều thiên nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Đó là quả báu của phước thiện bố thí 4 quả xoài đến Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna.

Tích Bố Thí Cơm Cháy

Trong bộ Vimānavatthu, tích Ācāmadāyikā-vimāna được tóm lược như sau:

Một bà già nghèo khổ ăn mày, sống nhờ đằng sau hiên nhà người khác, người ta nhìn thấy bà đáng thương nên thường cho cơm, cháo và miếng cơm cháy... để bà sống qua ngày.

Một hôm, Ngài Đại Đức Mahākassapa vừa xả diệt thọ tưởng định, quán xét nên đi khất thực để tế độ người nào. Ngài nhìn thấy một bà già nghèo khổ, gần chết, nếu bà chết có thể sa đọa địa ngục. Ngài nghĩ nên đi khất thực tế độ bà, để cứu vớt bà tránh khỏi bị sa đọa địa ngục, do nhờ phước thiện bố thí miếng cơm cháy, còn cho quả tái sanh lên cõi Hóa lạc thiên.

Xét thấy như vậy, vào buổi sáng, Ngài mặc y mang bát đi đến chỗ ở của bà. Trong khi đó vua trời Sakka biến hóa thành người già đem vật thực đến để bát dâng cho Ngài, Ngài biết người già đó là vua trời Sakka, nên bảo rằng:

- Này Đức vua trời, ông không nên giành phước báu của người nghèo khổ.

Ngài không chịu dỡ bát, vẫn đứng yên trước bà già nghèo khổ kia. Bà nghĩ rằng: Ngài Đại Đức là bậc có giới đức lớn, được phần đông tôn kính, phận ta nghèo khổ không có gì quý giá để làm phước thiện bố thí đến Ngài, ta chỉ có nước cơm và miếng cơm cháy không ngon lành gì cả. Vã lại, còn đựng trong một đồ dùng không sạch sẽ, ta nào dám làm phước bố thí để bát đến Ngài được.Nên bà bạch rằng:

- Kính xin Ngài đi nơi khác. Bạch Ngài.

Ngài vẫn đứng yên không đi nơi khác, những người khác đem vật thực đến để bát dâng cúng, Ngài vẫn không dỡ nắp bát để nhận. Bà già nghĩ rằng:chắc chắn Ngài Đại Đức đứng đây để tế độ ta. Bà phát sanh đức tin trong sạch muốn làm phước thiện bố thí. Bà đem miếng cơm cháy đến, Ngài liền dỡ nắp bát, bà để vào trong bát cúng dường Ngài một cách tôn kính.

Ngài Đại Đức tỏ vẻ muốn thọ thực, để cho bà thấy, càng phát sanh đức tin trong sạch, hoan hỉ trong việc phước thiện bố thí của bà. Mọi người hiểu ý, trải chỗ ngồi, Ngài ngồi thọ thực miếng cơm cháy ấy. Uống nước xong, Ngài thuyết pháp, làm cho bà già hoan hỉ trong phước thiện bố thí của mình và cho bà biết được rằng; bà đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền kiếp. Bà càng có đức tin trong sạch nơi Ngài Đại Đức và vô cùng hoan hỉ phước thiện bố thí đã làm. Về sau, bà chết, do năng lực phước thiện bố thí cho quả, được tái sanh làm thiên nam cõi Hóa lạc thiên (cõi thứ năm trong 6 cõi trời dục giới)có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy.

Tích Dâng Vật Thực Đến Đức Phật

Trong bộ Vimānavatthu, tích Bhikkhadāyikā-vimāna được tóm lược như sau:

Vào canh chót đêm, Đức Phật nhập đại bi định, khi xả định quán xét chúng sinh nên tế độ, Ngài nhìn thấy một người đàn bà sắp hết tuổi thọ, sau khi chết, do ác nghiệp của bà đã tạo sẽ bị sa vào địa ngục. Đức Phật muốn tế độ bà tránh khỏi cảnh địa ngục, được tái sanh cõi trời.

Sáng hôm ấy, Đức Phật một mình mặc y mang bát ngự đến kinh thành Uttaramadhura để tế độ người đàn bà ấy. Người đàn bà nấu cơm xong, lấy hũ đi lấy nước, trên đường về nhà gặp Đức Phật, bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã thọ nhận vật thực được hay chưa? Bạch Ngài.

- Chắc sẽ được. – Đức Phật đáp.

Người đàn bà biết Đức Phật chưa được vật thực, nên kính thỉnh Đức Phật đến nhà bà để dâng cúng, Đức Phật làm thinh nhận lời thỉnh mời của bà. Bà vô cùng hoan hỉ đi về nhà trước, sửa soạn trải chỗ ngồi chờ tiếp đón Đức Phật vào nhà, ngồi chỗ cao quý, chính tự tay bà dâng cúng những vật thực. Đức Phật thọ thực xong, thuyết pháp để cho bà hoan hỉ phước thiện bố thí của mình.

Sau đó 2 – 3 ngày bà chết, do năng lực phước thiện bố thí vật thực cho quả, được tái sanh làm thiên nữ trong lâu đài xinh đẹp, có ngàn thiên nữ hầu hạ, hưởng sự an lạc trong cõi trời.

Tích Bố Thí Bánh

Trong bộ Vimānavatthu, tích Uḷāravimāna được tóm lược như sau:

Cô gái sanh trưởng trong gia đình thường hộ độ Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna, cô có đức tin nơi Tam bảo, hoan hỉ trong việc bố thí, khi lớn lên cô có chồng, làm dâu trong gia đình ngoại đạo tà kiến.

Một hôm, Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna đi khất thực trong thành Rājagaha, đang đứng trước cửa nhà chồng, cô nhìn thấy liền thỉnh vào nhà, đảnh lễ Ngài xong, khi ấy mẹ chồng không có ở nhà, cô tự xem là con dâu trong nhà, cô mới dám lấy cái bánh mà mẹ chồng để trong tủ đồ ăn, đem làm phước thiện bố thí để bát đến Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna. Cô nghĩ rằng, khi mẹ chồng trở về, cô sẽ thưa lại, chắc mẹ chồng hoan hỉ lắm.

Ngài Đại Đức thuyết pháp, làm cho cô hoan hỉ phước thiện bố thí rồi đi ra.

Khi mẹ chồng trở về, cô thưa lại với bà rằng:

- Thưa mẹ, con đã lấy cái bánh mẹ để trong tủ đem làm phước để bát đến Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna rồi, xin mẹ hoan hỉ phần phước thiện bố thí này.

Mẹ chồng nghe như vậy, không hoan hỉ, lại còn tức giận mắng chửi nàng dâu thậm tệ rằng: Tại sao đem bánh cho Sa môn!

Vì tức giận quá, không còn biết tội lỗi nữa, bà mẹ chồng cầm cái chầy đâm tiêu đánh nàng dâu trọng thương, 2 – 3 ngày sau cô chết. Cô dâu vốn là người có đức tin nơi Tam bảo, có thiện tâm hoan hỉ trong sự bố thí, nhất là phước thiện bố thí để bát cái bánh cúng dường đến Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna hiện rõ trong khi sắp chết. Cho nên, sau khi chết, do năng lực phước thiện ấy cho quả, được tái sanh làm một thiên nữ có nhiều oai lực cõi Tam thập tam thiên, trong lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nữ hầu hạ đờn ca múa hát, hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Tích Một Lần Để Bát

Trong bộ Therī-apādāna, tích Ekapiṇṇapāti-katherī được tóm lược như sau:

Tiền thân của Đại Đức Tỳ khưu ni Ekapiṇṇapā-tikatherī là Hoàng hậu của Đức vua Bandhumā vào thời Đức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, trong thời đại con người có tuổi thọ khoảng 80.000 năm, cách kiếp trái đất này 91 đại kiếp trái đất. Một hôm, có nguyện vọng muốn để bát, bà hoàng hậu đến tâu lên Đức vua rằng:

- Tâu hoàng thượng! Thần thiếp có nguyện vọng muốn để bát một vị Tỳ khưu, kính xin hoàng thượng cho phép thỉnh một vị Tỳ khưu về cung để thần thiếp làm phước bố thí cúng dường vật thực.

Đức vua chuẩn tấu xong, truyền vị quan thỉnh một vị Tỳ khưu vào cung.

Hoàng hậu có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, vô cùng hoan hỉ cung kính lễ bái vị Tỳ khưu xong, tự tay mình để những vật thực vào bát cúng dường vị Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu nhận vật thực xong, phúc chúc hoàng hậu rồi đi ra.

Với tác ý thiện tâm hoan hỉ đầy đủ 3 giai đoạn: trước khi làm phước thiện bố thí, đang khi làm phước thiện bố thí và sau khi đã làm xong phước thiện bố thí; dầu chỉ một lần để bát cúng dường đến vị Tỳ khưu ấy, nhưng hoàng hậu vô cùng hoan hỉ phước thiện bố thí, thường niệm tưởng đến phước thiện bố thí (cāgānussati). Hoàng hậu đến khi hết tuổi thọ (chết), do năng lực phước thiện bố thí để bát cúng dường một lần đến vị Tỳ khưu ấy, cho quả tái sanh làm thiên nữ cõi Tam thập tam thiên; suốt 30 kiếp làm Hoàng hậu của Đức vua trời Sakka cõi Tam thập tam thiên; khi tái sanh cõi người, làm chánh cung Hoàng hậu của Đức Chuyển luân thánh vương 20 kiếp; suốt 91 đại kiếp trái đất không hề sa đọa 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh)chỉ tái sanh cõi thiện giới: cõi trời và cõi người mà thôi.

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, do thiện nghiệp ấy cho quả được tái sanh làm công chúa Mittā dòng Sakya, ở kinh thành Kapilavatthu. Khi Đức Phật ngự trở về thuyết pháp tế độ hoàng tộc Sakya, công chúa nghe pháp, thọ Tam quy và thọ trì bát giới, đến khi bà Gotamī từ bỏ cung điện đi xuất gia trở thành Tỳ khưu ni cùng với 500 cô gái dòng Sakya, trong đó có công chúa Mittā. Sau khi trở thành Tỳ khưu ni, tinh tấn tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Đạo – A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đến khi tịch diệt Niết Bàn chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Những quả phước thiện bắt nguồn từ phước thiện bố thí để bát cúng dường một lần đến một vị Tỳ khưu, do đó, có tên là Ekapiṇṇapātikatherī: vị Đại Đức Tỳ khưu ni một lần để bát.

Tích Bố Thí Nước

Trong bộ Apādāna tích Ngài Đại Đức Tỳ khưu ni Udakadāyikātherī tóm lược như sau:

Thời kỳ Đức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, tiền thân Ngài Đại Đức Tỳ khưu ni Udaka-dāyikātherī, là người đàn bà nghèo, sống bằng nghề đội nước dùng đến các nhà phú hộ, nhà các vị quan, nhà giàu có... khi nhìn thấy những người giàu có làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng, bà suy xét rằng: "người ta có nhiều của cải, họ muốn làm mọi phước thiện bố thí thật dễ dàng, còn ta nghèo khổ thiếu thốn, không có vật gì đáng để làm phước thiện bố thí được cả; kiếp này ta đã nghèo khổ, ta không bố thí, kiếp sau ta lại càng nghèo khổ hơn nữa; tốt hơn, ta nên đội nước để làm phước thiện bố thí vậy".

Bà suy xét như vậy, từ đó về sau, hằng ngày bà làm phước thiện bố thí nước đến chư Tỳ khưu Tăng để uống, để dùng. Trong chùa, chỗ nào có đồ đựng nước uống, bà đổ đầy nước uống, chỗ nào đựng nước dùng, bà đổ đầy nước dùng, vì thế chư Tỳ khưu Tăng được đầy đủ nước uống, nước dùng. Sau khi bà chết, do phước thiện bố thí nước cho quả tái sanh cõi thiện giới: cõi trời và cõi người hưởng được mọi sự an lạc

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân người đàn bà ấy, do phước thiện cho quả tái sanh làm người, đến hầu Đức Phật nghe pháp, xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu ni. Sau khi trở thành Tỳ khưu ni không lâu, bà tiến hành thiền tuệ, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo – Nhập Lưu Thánh Quả cho đến A-ra-hán Thánh Đạo – A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán, khi hết tuổi thọ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt khổ tử sanh luân hồi trong tam giới.

Bố thí nước có 7 quả báu

1- Được nhiều kiếp làm vua trời.
2- Được nhiều kiếp làm Đức chuyển luân thánh vương.
3- Tránh khỏi sa vào 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh.
4- Ở nơi nào, nơi ấy có nước đầy đủ.
5- Ít bệnh hoạn ốm đau, có sắc thân xinh đẹp.
6- Dầu mùa nắng hoặc mùa lạnh, khi cầu mưa, thì có mưa ngay.
7- Diệt được phiền não ô nhiễm.

Đó là 7 quả báu của phước thiện bố thí nước.

Nhân Và Quả Tương Xứng

Quả tuỳ thuộc vào nhân. Nhân thế nào, quả thế ấy; nghĩa là nhân tốt thì cho quả tốt, nhân xấu thì cho quả xấu, lâu hay mau tùy theo năng lực của nghiệp ấy.

Như trong bài kinh Manāpadāyīsutta [1] tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại giảng đường Kutāgāra trong khu rừng lớn gần xứ Vesāli. Vào buổi sáng, Đức Thế Tôn mặc y, mang bát ngự đi khất thực, vào biệt thự của ông cư sĩ Ugga, người dân thành Vesāli, ngồi trên toạ cụ cao quý. Khi ấy ông cư sĩ Ugga đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi nơi hợp lẽ, bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe từ kim ngôn của Ngài rằng: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, món ăn tên Sālapupphaka [2] thơm ngon như hoa sāla làm rất công phu, là món ăn mà con rất hài lòng ưa thích nhất; con đã kính dâng cúng đến Đức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận món ăn ấy của con rồi.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe từ kim ngôn của Ngài rằng: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng"

Như vậy, món thịt heo loại ngon [3] (sampanna-varasukaramaṃsa) nấu rất công phu thật ngon lành, mà con rất hài lòng ưa thích nhất; con đã kính dâng cúng đến Đức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận món ăn ấy của con rồi.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe...: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, món ăn Nāḷiyāsāka [4] là món rau trộn với bột gạo sāli chiên bơ rất thơm ngon, là món ăn mà con rất hài lòng ưa thích nhất, con đã kính dâng cúng đến Đức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận món ăn ấy của con rồi.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe...: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, cơm nấu bằng gạo Sāli thượng hạng, cùng với các món đồ ăn ngon lành, là món ăn rất hài lòng nhất đối với con, con đã kính dâng cúng đến Đức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ lãnh món vật thực ấy của con rồi.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, con đã từng nghe...: "Người nào bố thí vật hài lòng, thường được vật hài lòng".

Như vậy, một chiếc giường làm bằng gỗ quý có 4 chân chạm trổ hình thú dữ với nghệ thuật tuyệt vời, lót trải tấm vải làm bằng lông cừu màu trắng, phủ một lớp vải có thêu những đoá hoa rất xinh đẹp, có gối đầu, gối hai bên... là chiếc giường mà con rất hài lòng ưa thích nhất. Nhưng con biết rằng chiếc giường ấy không thích hợp với Đức Thế Tôn. Con có chiếc giường khác làm bằng gỗ trầm hương [5], giá 100 ngàn kahāpana [6] cũng là một chiếc giường mà con rất hài lòng ưa thích nhất, con đã dâng cúng đến Đức Thế Tôn, Ngài đã có lòng từ bi tế độ thọ nhận chiếc giường ấy của con rồi.

Sau khi ông cư sĩ Ugga bạch xong, Đức Phật thuyết bài kệ rằng:

Người có đức tin tốt, bố thí vật hài lòng,
Thường được vật hài lòng. Người bố thí y phục,
Vật thực, nước, chỗ ở, thuốc men, vật dụng khác,
Với tâm rất hoan hỉ, đến bậc có giới đức.
Những vật bố thí rồi, là vật đã xả ly,
Không nghĩ lấy trở lại. Người ấy có trí tuệ,
Hiểu biết rõ ràng rằng, bậc Thánh A-ra-hán
Như phước điền cao thượng. Bố thí vật khó thí,
Gọi là vật hài lòng, thường được vật hài lòng.

Thuyết bài kệ tế độ làm cho ông cư sĩ Ugga xứ Vesāli vô cùng hoan hỉ xong, Đức Phật rời khỏi tư thất của ông trở về chùa.

Sau đó thời gian không lâu, ông cư sĩ Ugga xứ Vesāli qua đời, do phước thiện ấy cho quả tái sanh lên cõi trời bậc cao trong nhóm chư thiên có tên Manomaya (thành tựu do tâm).

Đức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana gần thành Sāvatthi, khi ấy, vào canh giữa đêm, vị thiên nam Ugga có hào quang sáng ngời hiện xuống ngôi chùa Jetavana, làm cho toàn ngôi chùa sáng ngời, đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, đứng một nơi hợp lẽ.

Đức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

- Này Ugga, những điều mong ước của con đã thành tựu rồi hay chưa?

- Kính bạch Đức Thế Tôn, những điều mong ước của con đã được thành tựu rồi, bạch Ngài.

Khi ấy Đức Thế Tôn thuyết bài kệ rằng:

Người thí vật hài lòng, với thiện tâm hoan hỉ,
Thường được vật hài lòng. Người thí vật quý báu,
Thường được vật quý báu. Người thí vật tốt lành,
Thường được vật tốt lành. Người thí vật quý nhất,
Thường được vật quý nhất. Người thí vật quý báu,
Tốt lành và quý nhất, tái sanh cảnh giới nào,
Thường được sự sống lâu, sự hiển vinh, quyền lực.

Chú thích

[1] Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Manāpadāyīsutta.

[2] Sālapupphaka: một món ăn làm bằng bột gạo sàli trộn với các đồ gia vị ngon lành, chiên bơ... là món ăn làm rất công phu, rất ngon có mùi thơm như hoa sàla.

[3] Chiếc giường bằng gỗ trầm hương, Đức Phật cho cưa từng mảnh nhỏ, ban cho tất cả chư Tỳ khưu tán thành bột làm thuốc nhỏ mắt.

[4] Kahāpana: là thứ tiền vàng xứ Ấn thời xưa.

[5] Sampannavarasukaramaṃsa: món thịt heo ngon nấu với các đồ gia vị ngon lành, để cất kỷ một năm sau mới dùng.

[6] Nāḷiyāsāka: món rau làm rất công phu, rất ngon lành.

Ưu Thế Đặc Biệt Của Thí Chủ

Ở trong đời này, người có phước thiện bố thí luôn luôn có ưu thế hơn người không bố thí.

Tìm hiểu bài kinh Sumanāsutta [Aṅguttaranikāya, Phần Pañcakanipāta, kinh Sumanāsutta] tóm lược như sau:

Sumanā là công chúa của Đức vua Paseṇadi xứ Kosala. Cô công chúa có một đoàn nữ tuỳ tùng 500 người đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong bạch rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn, hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Thế Tôn có 2 vị cóđức tin,giới,có trí tuệ đồng đều nhau. Song, một vị này có phước bố thí và một vị kia không có phước bố thí; cả hai vị ấy khi từ bỏ cõi đời này, do thiện nghiệp cho quả tái sanh làm chư thiên cùng một cõi trời dục giới giống nhau. Vậy, có gì đặc biệt khác nhau giữa hai chư thiên ấy hay không? Bạch Ngài.

Đức Phật dạy rằng:

- Này Sumanā, hai vị thiên nam ấy có sự khác biệt nhau là:

Vị thiên nam vốn có phước bố thí có ưu thế hơn hẳn vị thiên nam vốn không có phước bố thí bởi 5 điều trong cõi trời là:

- Tuổi thọ sống lâu.
- Sắc đẹp tuyệt vời.
- An lạc tuyệt vời.
- Danh tiếng, tuỳ tùng đông.
- Quyền lực lớn trong cõi trời ấy.

Này Sumanā, vị thiên nam có phước bố thí đặc biệt hơn hẳn vị thiên nam không có phước bố thí bởi 5 điều trong cõi trời ấy như vậy.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu hai vị thiên nam ấy sau khi chết từ cõi trời, đều tái sanh làm người. Cả hai người này cũng là loài người giống nhau. Vậy có gì đặc biệt khác nhau giữa hai người ấy hay không? Bạch Ngài.

- Này Sumanā, hai người này có sự khác biệt nhau là: người có phước bố thí có ưu thế hơn người không có phước bố thí bởi 5 pháp: sống lâu, sắc đẹp, an lạc, danh tiếng, tuỳ tùng đông và quyền lực lớn trong cõi người.

Này Sumanā, người có phước bố thí ưu thế hơn người không có phước bố thí bởi 5 pháp như vậy.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu cả hai người đều xuất gia trở thành Tỳ khưu giống nhau. Vậy, có gì đặc biệt khác nhau giữa hai vị Tỳ khưu ấy hay không? Bạch Ngài!

- Này Sumanā, hai vị Tỳ khưu này có sự khác biệt nhau, vị Tỳ khưu có phước bố thí ưu thế hơn vị Tỳ khưu không có phước bố thí bởi 5 pháp là:

Tỳ khưu có phước bố thí,

- Nếu cần y, thì có được nhiều y; không cần y cũng có được ít y.

- Nếu cần vật thực, thì có được nhiều vật thực; không cần vật thực cũng có được ít vật thực.

- Nếu cần chỗ ở, thì có được chỗ ở to lớn; không cần chỗ ở cũng có được chỗ ở vừa.

- Nếu cần thuốc trị bệnh, thì có được nhiều thuốc trị bệnh; không cần thuốc trị bệnh cũng có được ít thuốc trị bệnh.

- Khi sống chung với những bạn đồng phạm hạnh nào, những người bạn ấy thường có thân, khẩu, ý đối xử tốt, đáng hài lòng nhiều hơn là đối xử xấu, không hài lòng; thường đem lại điều hài lòng nhiều hơn là điều không hài lòng.

Này Sumanā, vị Tỳ khưu có phước bố thí ưu thế hơn vị Tỳ khưu không có phước bố thí bằng năm pháp như vậy.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, nếu hai vị đều chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán giống nhau. Vậy, có gì đặc biệt khác nhau giữa hai vị thánh A-ra-hán hay không? Bạch Ngài.

- Này Sumanā, Như Lai không nói đến có sự khác biệt giữa sự giải thoát (A-ra-hán Thánh Đạo) của người này, với sự giải thoát (A-ra-hán Thánh Đạo) của người kia.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, thật là điều phi thường!

Kính bạch Đức Thế Tôn, thật là điều chưa từng được nghe như vậy bao giờ!

Kính bạch Đức Thế Tôn, như vậy, nên làm phước thiện bố thí, nên làm mọi phước thiện, bởi vì phước thiện này làm duyên hỗ trợ sau khi tái sanh cõi trời, cõi người, hay ngay sau khi xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Đúng như vậy Sumanā! Nên làm phước thiện bố thí, nên làm mọi phước thiện, bởi vì phước thiện này làm duyên hỗ trợ sau khi tái sanh cõi trời, cõi người, hay ngay sau khi xuất gia trở thành Tỳ khưu.

Bố Thí Có Quả Báu Vô Lượng

Bố thí để có được quả báu vô lượng, sự bố thí ấy phải hợp đủ 6 pháp. Thí chủ hợp đủ 3 pháp và người thọ thí hợp đủ 3 pháp, gồm đủ 6 pháp, chắc chắn quả báu vô lượng, đáng hài lòng hoan hỉ.

A- Đối với người thí chủ hợp đủ 3 pháp là:

1- Trước khi bố thí, thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch và hoan hỉ.

2- Đang khi bố thí, thí chủ có tác ý thiện tâm, có đức tin trong sạch, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp là của riêng mình.

3- Sau khi bố thí xong, thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch, có thiện tâm hoan hỉ phước thiện bố thí đã tạo xong; mỗi khi nghĩ đến phước bố thí ấy, thí chủ phát sanh thiện tâm trong sạch và hoan hỉ, không để ác tâm nào phát sanh xen lẫn làm cho tâm ô nhiễm.

B- Đối với người thọ thí hợp đủ 3 pháp là: c

1- Người thọ thí là bậc Thánh không còn tham ái (hoặc hành giả tiến hành thiền tuệ cốt để diệt tận tâm tham ái).

2- Người thọ thí là bậc Thánh không còn sân hận (hoặc hành giả đang tiến hành thiền tuệ cốt để diệt tận tâm sân hận).

3- Người thọ thí là bậc Thánh không còn tâm si mê (hoặc hành giả đang tiến hành thiền tuệ cốt để diệt tận tâm si mê).

Phước bố thí hợp đầy đủ 6 chi pháp như vậy, thì chắc chắn quả báu của phước bố thí vô lượng, sự an lạc vô lượng, tái sanh cảnh giới nào cũng được sự sống lâu, sắc đẹp, an lạc, sức mạnh, trí tuệ tuyệt vời trong cảnh giới ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/10/2014(Xem: 14144)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
20/10/2014(Xem: 33106)
Đa số Phật tử Việt Nam thường chỉ học hỏi Phật pháp qua truyền thống Trung Hoa; ít ai để ý đến sự sai biệt căn để giữa khởi nguyên của Phật giáo từ Ấn Độ và những khai triển của Trung Hoa. Người Ấn vốn có thái độ coi thường lịch sử; “bởi vì chư thiên yêu thương cái gì tăm tối”*, họ đẩy tất cả những gì xảy ra lui vào bóng tối mịt mù của thần thoại. Riêng Phật tử Ấn cổ thời, với lý tưởng cứu cánh là Niết Bàn, mọi biến cố lịch sử cũng không bận tâm cho lắm. Ngược lại, người Trung Hoa có thái độ lịch sử một cách xác thiết.
17/10/2014(Xem: 9838)
Sợ hãi và lo âu là sản phẩm tưởng tượng của tâm bị ảnh hưởng bởi những điều kiện ở thế giới bên ngoài. Chúng có gốc rễ từ tham và bám víu. Thực ra, cuộc sống giống như một cuốn phim đang diễn ra, trong đó mọi thứ đều luôn chuyển động và thay đổi. Không có gì trong cõi đời này là thường hằng hay bất biến. Những người trẻ tuổi, khỏe mạnh thì sợ chết yểu. Người già yếu thì lo âu phải kéo dài kiếp sống. Giữa hai nhóm người này là những kẻ ước muốn sống vui vẻ cả đời. Những tham vọng đầy hào hứng về lạc thú thế gian dường như qua đi quá nhanh. Những ước đoán đầy sợ hãi về những điều bất an tạo nên sự lo âu thì dường như không bao giờ chấm dứt. Các cảm xúc đó cũng tự nhiên thôi. Những thăng trầm của cuộc sống đùa giỡn với ngã tưởng của ta, xem nó như một con rối trên sợi dây kéo, nhưng tâm ta thì bản chất của nó là siêu việt. Sự rèn luyện tâm, còn được biết đến như là văn hóa tâm linh, là bước đầu tiên tiến đến việc huấn luyện tâm bất ổn định. Đức Phật đã dạy, Ái sinh ra k
18/08/2014(Xem: 58388)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
16/06/2014(Xem: 8338)
sanh trưởng trong một gia đình trí thức thượng lưu bên Pháp. Năm 20 tuổi, ông bỏ nhà sang Ấn Độ tu học Phật pháp dưới sự hướng dẫn của các thiền sư Tây Tạng, trong đó có Kangyur Rimpotché, sau này là sư phụ của ông. Đồng thời ông bắt đầu một luận án tiến sỹ về di tính tế bào. Về Pháp tiếp tục trong phòng thí nghiệm của François Jabob, ông trình luận án năm 1972. Sau đó, ông trở lại Ấn Độ theo học Phật pháp, tu hành, viết sách và tham gia xây dựng rất nhiều công trình từ thiện cho tới bây giờ. Nhờ sống bên Ấn Độ, ông rất thạo tiếng Tây Tạng và gần đây hay theo Đức Đạt Lai Lạt Ma dịch các diễn văn của Ngài sang tiếng Pháp.
14/05/2014(Xem: 8393)
Bài viết dưới đây được dịch từ một bản tiếng Pháp mang tựa là Compassion, medecin insurpassable (Lòng Từ Bi, một vị lương y vô song) của một học giả Phật Giáo rất uyên bác là bà Sofia Stril-Rever. Bài viết này được đăng trên tập san Dharma số 46 (tháng 10, 2003) với chủ đề Compassion et Médecine (Từ Bi và Y Khoa), độc giả cũng có thể tra cứu bài viết này trên mạng internet tại : http://www.buddhaline.net/La-compassion-une-energie-de Bài chuyển ngữ này là một trong loạt những bài với chủ đề "Quan điểm của Phật Giáo đối với sự đau đớn và bệnh tật". Các bài khác đã được phổ biến là: - Đức Phật thuyết giảng về sự đau đớn (Kinh Sallatha Sutta) - Đức Phật từng cảm nhận các giác cảm đau đớn (Kinh Sakalika Sutta) - Giáo huấn của Đức Phật về sự đau đớn và khổ đau (Rich Heller) - Thái độ của người Phật Giáo về sự đau đớn (Ajahn Brahmavamso Mahathera) - Cái chết là một thứ bệnh ung thư (Ajahn Liem) - Y khoa cũn
22/04/2014(Xem: 7924)
Một trong những nền tảng quan trọng của đạo đức Phật giáo là tuân theo tinh thần bất bạo động. Mục đích của tôi trong bài viết sau đây là trình bày những ảnh hưởng của lời nguyện ước này trong mối quan hệ với việc đối xử với phạm nhân. Chấp nhận trừng phạt có liên hệ đến chủ tâm bắt phạm nhân phải chịu thiệt hại, tôi lập luận rằng cách áp dụng trừng phạt là không phù hợp với nguyên tắc bất bạo động
26/03/2014(Xem: 6008)
Qua sự phát triển một thái độ trách nhiệm đối với người khác, chúng ta có thể khởi đầu thiết lập một thế giới thân ái và từ bi hơn mà tất cả chúng ta hằng mơ ước. Độc giả có thể đồng ý hay không sự ủng hộ của tôi về trách nhiệm toàn cầu.
12/03/2014(Xem: 28104)
Nghi thức Thọ Trì Đại Bi Sám Pháp (giọng tụng: TT Thích Nguyên Tạng) Kính lạy đời quá khứ Chánh Pháp Minh Như Lai Chính là đời hiện nay Quán Thế Âm Bồ tát Bậc thành công đức diệu Dũ lòng đại từ bi Nơi trong một thân tâm Hiện ra ngàn tay mắt
12/03/2014(Xem: 25014)
Trong một cuộc đàm thoại giữa thính chúng thuộc nhiều thành phân xã hội, là nhà truyền thông, nhà giáo dục, chính khách…Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi về nhiều vấn đề đời sống xã hội của người tham dự một cách thẳng thắn và có duyên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]