Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giáo dục của Đức Phật.

09/04/201313:26(Xem: 5163)
Giáo dục của Đức Phật.

GIÁO DỤC CỦA ÐỨC PHẬT

Thích Hải Tín

Giáo dục là phương pháp truyền đạt và phát triển văn minh của nhân loại. Như chủ tịch tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học của Liên hiệp quốc J. Delors nói: “Giáo dục là cơ sở trưởng thành của cộng đồng nhân loại, phương hướng giáo dục đúng đắn, chính xác sẽ phát huy nâng cao tư chất chân thiện mỹ của nhân loại”.(Just like United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization President J. Delors once said that: “The education, is humanity's common growth foundation, the education direction correct, humanity's the true, the good and the beautifuls intelligence can carry forward the promotion, the world harmonious progress is easy to achieve”.)

Phật giáo hiện nay là một trong ba tôn giáo lớn của thế giới, người sáng lập ra Phật giáo là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng thuận theo lý rõ ràng Ðức Phật cũng được gọi là Nhà tôn giáo.

Kỳ thực, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni suốt cuộc đời tận tụy với giáo dục, là bậc Thầy của nhân loại từ xưa cho đến nay, cho nên chúng ta không những tôn xưng Ðức Phật là giáo chủ của đạo Phật, Nhà tôn giáo mà còn tôn xưng Ðức Phật là nhà giáo dục.

Sau khi thành đạo, Ðức Phật thấy sự quan trọng của giáo dục, nên trong 49 năm trụ thế, đã giảng dạy giáo hóa khắp nơi, mục đích là vì giáo dục chúng sanh, mở mang trí tuệ chơn như tự tánh, để đạt được cuộc sống hạnh phúc an lạc tự tại giải thoát. Mười hai phần giáo trong tam tạng mà Phật đã dạy, cho đến thân giáo vô ngôn, không những làm mẫu mực cho giáo dục hiện đại ngày nay, kỳ thực cũng chính là một bộ sử giáo dục phong phú rộng sâu, bao gồm cả kỹ năng, tư tưởng, đạo tức, tri thức… của thế gian, đều tổng nhiếp hết trong phạm vi giáo dục của Ðức Phật.

Giáo dục mà Ðức Phật Thích Ca đã thực hiện, có hai nguyên tắc: một là khế chân lý, hai là hiệp căn cơ. Khế chân lý là thực hiện giáo dục nhất định phải phù hợp với thực tướng của các pháp, đây là bản chất giáo dục của Ðức Phật; khế căn cơ là thực thi giáo dục nhất định phải phù hợp với trình độ của đại chúng, đây là tác dụng giáo dục của Ðức Phật. Ðức Phật làm giáo dục cả cuộc đời, vì đối tượng không giống nhau cho nên nội dung giáo dục cũng cao thấp sâu cạn khác nhau, nhưng mục tiêu vẫn là một, cho nên nói: quy nguyên vô nhị lộ, phương tiện hữu đa môn.

Lịch sử cuộc đời Ðức Phật, nếu không nói đến những gì liên quan đến giáo dục thì dường như không có gì để nói, cho nên tôn xưng Ðức Phật là một nhà giáo dục, quả thật danh phó kỳ thực (danh tiếng đúng với thực tế).

Ðức Phật là một nhà đại giáo dục của một nước văn minh cổ Ấn Ðộ cách nay hơn 2500 năm. Ngài tinh thông các tư tưởng học thuật cổ đại Ấn Ðộ, chứng ngộ và kiến giải một cách chính xác, thấu triệt. Ðể nói về giáo dục của Ngài , chúng ta có thể chia làm ba phần để nói.

1. Mục đích giáo dục

Ðức Phật vốn là một vị hoàng tử, vì Ngài thông minh đĩnh ngộ hơn người, do đó yêu cầu giáo dục rất cao. Từ nhỏ Ngài đã được giáo dục, đến tuổi trưởng thành học vấn của Ngài thâm sâu uyên bác, tinh thông võ thuật, nhưng những học thức này vẫn chưa có thể khiến Ngài yên thân gửi phận. Thế là Ngài rời hoàng cung xuất gia, trải qua cuộc sống tầm sư học đạo. Lần lượt Ngài đã theo học với nhiều vị Thầy của các tôn giáo lớn lừng danh ở Ấn Ðộ thời bấy giờ. Tuy đã học thông học thức của những vị Thầy nhưng vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu giáo dục của Ngài. Cuối cùng, Ngài chọn gốc bồ đề làm nơi tĩnh tọa và Ngài đã thâm nhập thiền định. Rạng sáng bình minh ngày thứ 49, khi sao mai vừa mọc, Ngài hốt nhiên đại giác đại ngộ hoàn toàn, chứng được đạo vô thượng, thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni. Ðức Phật khám phá thấy được đại bí mật của nhân sinh và vũ trụ, Ngài thấy được tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Từ đó, về chân lý vũ trụ và thật tướng nhân sinh, Ngài thấy rõ như lòng bàn tay. Lúc này Ðức Phật mới thật sự yên thân gửi phận, thỏa mãn nhu cầu giáo dục cao nhất của Ngài.

Sau khi Ðức phật giác ngộ, Ngài đi khắp nơi hoằng dương Phật pháp, thực hiện giáo dục giác ngộ, đem chân lý mà Ngài đã giác ngộ, truyền dạy cho người khác, khiến cho người nhận được sự giáo dục của Phật cũng đạt được giác ngộ như Phật. Do đó sự giáo dục của Ðức Phật là một nền giáo dục giác ngộ.

Cuộc đời con người có biết bao điều khổ sở bức bách, đây đều là do những phiền não trong nội tâm của chúng ta, những phiền não này xúi giục thúc đẩy chúng ta tạo nghiệp, từ từ dẫn đến biết bao điều đau khổ, nhưng phiền não khởi là do vô minh, vô minh là cái gì? Vô minh chính là không giác ngộ—không giác ngộ thật tướng nhân sinh, không giác ngộ bản lai diện mục của chính mình—Phật tánh, nên chính mình không có cuộc sống hạnh phúc an lạc. Nếu nghe phật pháp rồi, nhận sự giáo dục giác ngộ của Ðức Phật rồi, tuân theo phương pháp tu học mà Ðức Phật đã chỉ dạy mà thực hành, chắc chắn sẽ được giác ngộ, đoạn hoặc chứng chơn, được hạnh phúc an lạc xa lìa khổ đau. Ðây là mục đích giáo dục của Ðức Phật.

2. Ðối tượng giáo dục

Mục đích giáo dục của Ðức Phật tuy chỉ có một, nhưng chí hướng và cá tính của con người lại muôn vàn sai khác, Ðức Phật vì tùy cơ thuyết giáo, tùy bệnh cho thuốc nên đã khai thị rất nhiều loại giáo pháp khác nhau, tùy theo cá tính và chí hướng khác nhau của con người mà Ðức Phật phân loại giáo dục cho thích hợp:

Có những người tin nhân quả, tin phước đức, biết mạng sống của mình dài ngắn có ảnh hưởng đến phước đức, có đời trước cũng có kiếp sau; và tất cả những hành vi hiện tại của chúng ta nhất định sẽ ảnh hưởng đến tương lai, vì vậy muốn có một cuộc sống tương lai sung túc mỹ mãn tốt đẹp, thì phải làm phước làm lành… Ðể thích hợp với nhu cầu của hạng học trò này, Ðức Phật dùng pháp thiên thừa nhân thừa như “ngũ giới”, “thập thiện”… để giáo dục.

Có những người tiến bộ hơn một bước, hiểu rõ cuộc sống sung túc mỹ mãn, rồi cũng không được bao lâu, những cái khổ sanh già bệnh chết lúc nào cũng bức bách chúng ta, vì vậy sanh tâm chán ngán cuộc đời, muốn cầu giải thoát khổ đau sanh tử… Ðể thích hợp với nhu cầu của hạng học trò này, Ðức Phật dùng pháp Thanh văn thừa như “tứ đế”, “thập nhị nhân duyên”… để giáo dục.

Lại có những người hiểu được vũ trụ thiên nhiên và con người liên quan với nhau, dựa vào nhau mà tồn tại, tất cả mọi người và mình đều có quan hệ mật thiết với nhau, vì vậy phát nguyện quên mình vì người, tự lợi lợi tha, tự cứu mình sau đó cứu người, hy vọng tất cả chúng sanh đều được giải thoát. Ðể thích hợp với nhu cầu của hạng học trò này, Ðức Phật dùng pháp Bồ tát thừa “lục độ”, “tứ nhiếp”… để giáo dục.

Ba loại hình giáo dục trên, từ cạn đến sâu, từ thấp đến cao, tiến dần theo thứ tự, giống như giáo dục phổ thông được thực hiện rộng rãi ở các nước trên thế giới, từ tiểu học đến trung học, từ trung học đến đại học. Phương pháp giáo dục của Ðức Phật: Pháp thiên thừa nhân thừa tương đương với giáo dục tiểu học, pháp Thanh văn thừa tương đương với cấp giáo dục trung học và pháp Bồ tát thừa tương đương với cấp giáo dục đại học phổ thông.

Giáo dục thì phải nói đến thành tích, phải nói đến hiệu quả. Giáo dục có thành tích có hiệu quả, mới là giáo dục thành công; ngược lại là giáo dục thất bại. Nền giáo dục mà Ðức Phật thực thi, điểm đặc biệt là ở chỗ này: sở dĩ, hễ ai đã trải qua sự giáo dục của Ðức Phật rồi, bất luận người ấy vốn có hành vi gì xấu, có thói quen nào xấu, tất cả đều cải ác tùng thiện.

Lúc Ðức Phật còn tại thế, thường hay mở những cuộc họp kiểm thảo, kiểm điểm; để tất cả học trò tự do, thẳng thắn, thật thà nói ra kết quả tu tập, thực tập, chỗ hay chỗ dở của mỗi người, để tiện kiểm điểm thành tích và hiệu quả của mỗi người.

Có lần, trong cuộc họp kiểm thảo, có một học trò tên là Tu-đà đứng lên nói rằng: “lúc trước con là một người giữ tiền của nô dịch, thấy tiền như thấy tiên vậy. Sau khi được sự giáo dục của Ðức Phật, con thay đổi hoàn toàn, đem tiền tài bố thí cho người khác, như vậy tuy nhiên gia tài càng ngày càng giảm, nhưng trong lòng con lại ngày ngày vui lên, vì sao con có niềm vui làm việc thiện bố thí như vậy? Vì con được Ðức Phật giáo dục nhân quả báo ứng, biết trồng nhân lành được quả lành, để tương lai sau này có cuộc sống đầy đủ tốt đẹp hơn, con rất bằng lòng làm như vậy”.

Sau đó, có một học trò tên là A-ca-đạt, cũng đứng lên nói: “Lúc trước con yếu đuối, nhát gan, lại sợ khổ, sau khi được sự giáo dục của Ðức Phật, con thay đổi rất nhiều, con đơn độc một mình vào trong rừng sâu tu học thực tập, một thời gian sau không còn sợ sệt nữa, rắn độc thú dữ cũng không sợ, khi đói bụng thì hái rau rừng để ăn. Sở dĩ con muốn tinh cần khổ luyện tu học thực hành như vậy là vì nghe lời dạy của Phật, hiểu được cuộc đời là vô thường, sanh tử bức bách, muốn cầu giải thoát, do đó buông bỏ tất cả, chuyên tu học thực tập thiền định”.

Sau cùng lại có một học trò bị mất hết một cánh tay, tên là Chiên-đà, cũng đứng lên nói: “con từ khi được sự giáo dục dạy dỗ của Ðức Thế Tôn đến nay, một mặt là chuyên lo tu học thực tập Phật pháp, một mặt tích cực làm lợi ích cho mọi người: Có một lần, trong làng bị lũ lụt, nhà cửa dân làng bị nước cuốn trôi, nhấn chìm, rất nhiều người chết. Con và một số người ngồi trên một chiếc xuồng, trôi theo dòng nước đến một ngôi làng bên cạnh và con ở bên đó phát động quyên góp vật thực để cứu giúp dân làng bị thiên tai. Lúc phát chẩn, dân làng bị thiên tai quá đông và quá khổ nên họ chen lấn nhau để giành lấy thực phẩm, con ở trong nhóm đông người ấy, bị chen lấn và bị đứt lìa hết một cánh tay, nhưng lúc đó tinh thần con rất phấn chấn, chỉ lo phát thực phẩm cho dân làng, vậy mà quên mất cái đau đớn trên thân. Vì sao con làm được như vậy? Vì con nghe và học Phật pháp, hiểu được đạo lý con người và thiên nhiên tương liên quan với nhau mà sanh tồn, cho nên con nguyện sống quên mình vì người.

Ba học trò trên vừa đủ đại biểu cho ba hạng học trò: người thứ nhất là Tu-đà vui vẻ làm việc thiện bố thí, tiêu biểu cho hạng học trò được giáo dục phương pháp tu học thiên thừa nhân thừa “ngũ giới”, “thập thiện”…; người thứ hai là A-ca-đạt tinh tấn khổ hạnh tu hành, tiêu biểu cho hạng học trò được giáo dục phương pháp tu học Thanh văn thừa “tứ đế”, “thập nhị nhân duyên”…; người thứ ba là Chiên-đà tiêu biểu cho hạng học trò được giáo dục phương pháp tu học Bồ tát thừa “lục độ”, “tứ nhiếp”… Từ trong báo cáo thẳng thắn thật thà của họ, chúng ta có thể thấy được thái độ của họ sau khi nhận được sự giáo dục của Ðức Phật hoàn toàn thay đổi so với trước đây. Ðiều này cho thấy, chứng minh sự thành công giáo dục của Ðức Phật.

Ðức Phật sau khi thành đạo, vừa rời gốc bồ đề, liền thực hiện rộng rãi sự giáo dục giác ngộ của mình, 49 năm cũng như một ngày. Phàm những học sinh được Ðức Phật giáo dục, đều được cảm hóa một cách sâu sắc và tín thọ phụng hành suốt cả cuộc đời. Học trò của Ðức Phật gồm đủ các tầng lớp trong xã hội, từ vua, chúa, quan đại thần, cho đến thường dân, ăn xin, nô lệ… tất cả đều có đủ các giai tầng trong xã hội. Về địa điểm, nơi Ðức Phật thực thi giáo dục, khái quát có thể chia làm ba loại:

(1) Tinh xá thuyết pháp:Sau khi thành đạo không bao lâu, Ðức Thế Tôn đến nước Ma-kiệt-đà trung Ấn độ. Vua Tần-bà-sa-la đã xây dựng tinh xá Trúc lâm, gồm 16 đại viện và 72 gian lễ đường, trong rừng trúc Ca-lan-đà ở thành Vương xá, cho Ðức Phật thuyết pháp. Sau đó, trưởng giả Cấp-cô-độc và thái tử Kỳ-đà nước Tát-la cùng nhau xây dựng tinh xá Kỳ viên đường hoàng hoa lệ, thỉnh Ðức Phật thuyết pháp. Do đó trong thời gian 49 năm thực hiện giáo dục, Ðức Thế Tôn thường qua lại thành Vương xá và Xá vệ, tức tinh xá Kỳ viên và Trúc lâm, do vậy những nơi này đã trở thành nơi giáo dục chủ yếu của Ðức Phật. Ngoài ra Ðức Thế Tôn còn giảng dạy Phật pháp ở tinh xá các nơi khác.

(2) Ứng cúng khai thị:Người được Ðức Phật giáo dục gồm đủ mọi tầng lớp trong xã hội. Họ thường cung thỉnh Ðức Thế Tôn đến nhà để cúng dường, sau khi dùng cơm xong, Ðức Phật khai thị giảng dạy Phật lý cho mọi người trong nhà nghe, do vậy rất nhiều người quy y với Ðức Phật, cải ác tùng thiện. Ví dụ như: phụ thân của Da-xá thỉnh mời Ðức Phật về nhà để cúng dường, mẹ của Da-xá sau khi nghe Ðức Thế Tôn khai thị giảng dạy xong, liền quy y với Phật, làm nữ cư sĩ học Phật tại gia; trưởng giả Cấp-cô-độc có một con dâu tên là Ngọc-da, cô con dâu này ỷ mình có nhan sắc đẹp đẽ nên kiêu ngạo tự cao, xem thường cha mẹ chồng và những người trong nhà. Có một lần nọ, sau khi ứng cúng ở nhà Cấp-cô-dộc xong, Ðức Phật khai thị cho Ngọc-da rằng “gương mặt đẹp chỉ là vẻ đẹp ở bên ngoài, tâm hạnh đoan chính, lễ phép mới là đẹp bên trong, một người thật sự là người đẹp thì phải đẹp cả hình dáng lẫn đức hạnh…” Ngọc-da nghe xong, tâm kêu ngạo tự cao đã biến mất, quy y với Phật, làm học trò tại gia, tận tâm làm dâu hiền cháu thảo với gia đình bên chồng. Giống những trường hợp này, học sinh được khai thị ở nhà và được giáo dục hành thiện nhiều không sao kể xiết.

(3) Dân gian thuyết giáo:Sau khi Ðức Thế Tôn thành đạo, trong thời gian 49 năm thực hiện giáo dục, ngoài giảng dạy thuyết pháp ở tinh xá ra, Ðức Phật cũng thường đi vào dân làng ở thôn quê và các thị trấn dọc hai bên bờ sông Hằng, đồng thời Ðức Phật cũng phái các đệ tử, học trò giỏi di khắp các nơi để giảng dạy Phật pháp. Chế độ giai cấp xã hội Ấn độ lúc bấy giờ rất nghiêm ngặt, thấp nhất là giai cấp nô lệ, không có cơ hội được giáo dục, nhưng Ðức Phật đề xướng Phật tánh bình đẳng, xóa bỏ chế độ giai cấp, từ vương tôn quý tộc cho đến thường dân nô lệ đều được học tu Phật pháp, được sự giáo dục của Ðức Phật như nhau. Nền giáo dục của Ðức Phật là đại chúng hóa. Chân lý mà Ðức Thế Tôn chứng ngộ tuy rất thâm sâu nhưng Ngài phân tích dùng lời lẽ dễ hiểu, trích dẫn những câu chuyện dân gian làm thí dụ trong lúc giảng dạy, cho nên mọi tầng lớp nhân dân đều tiếp nhận giáo dục của Ðức Phật một cách dễ dàng.

Trên đã nói đại khái về ba loại hình giáo dục: tinh xá thuyết pháp, ứng cúng khai thị và dân gian thuyết giáo, giống như giáo dục trường học, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội hiện nay. Ba loại hình giáo dục của Ðức Phật tương đương với ba loại hình giáo dục hiện đại: Tinh xá thuyết pháp tương đương với giáo dục trường học, ứng cúng khai thị tương đương với giáo dục gia đình và dân gian thuyết giáo tương đương với giáo dục xã hội.

Thời Ðức Phật cách nay đã hơn 2500 năm, Ngài đã thực hiện nền giáo dục phổ biến rộng rãi, đã chú ý coi trọng như nhau về giáo dục trường học, giáo dục gia đình và cả giáo dục xã hội. Ðiều này, không thể không nói Ðức Phật là một nhà đại giáo dục đã sớm giác ngộ và biết trước.

3. Phương pháp giáo dục

Ðức Thế Tôn là một vị đại giác ngộ đại trí tuệ, phương pháp giáo dục của Ngài rất nhiều, tùy cơ ứng biến. Giáo dục của Ðức Phật, trước hết chú trọng sự tu dưỡng về tư cách phẩm chất đạo đức ở lời nói, hành vi, cử chỉ… đây là giới học; kế đến chú trọng về điều tiết thân tâm, gọi là định học; tiến thêm hơn nữa là chú trọng mở mang trí tuệ chân như tự tánh, tức tuệ học. Ðức Thế Tôn không những giỏi về trích dẫn trong giảng dạy như 12 phần giáo : bổn sanh, bổn sự, thí dụ, nhân duyên, trường hàng, trùng tụng .v.v… cho đến các pháp môn như tứ đế, tứ nhiếp pháp, tứ tất đàn .v.v… sự giáo dục của Ngài còn đặc biệt chú trọng đến giáo tài và phương pháp dạy học, còn gọi là tùy bệnh cho thuốc, quán cơ thí giáo. Ví dụ như, Phật dạy chư vị trưởng giả, liền đưa ra “mười đức của trưởng giả”; dạy nhi đồng thì đưa ra “bốn điều nhỏ không thể khinh thường”; dạy về bạn bè, thì nói rõ “bạn bè có bốn phẩm chất” .v.v… Trong các kinh điển như kinh Thiện sanh, kinh Ưu bà tắc giới… đều rất có ý nghĩa giáo dục về đạo cha con, vợ chồng, chủ tớ…

Trước khi thuyết pháp giảng dạy, Ðức phật nhập định quan sát căn tánh của học trò, sau đó mới quyết định dùng phương pháp gì để dạy. Ðặc biệt nhất là khi dạy, Ngài dùng từ rất tài tình khéo léo, khiến cho những tri thức cao thấp, xuất thân không giống nhau đều có thể hiểu, mỗi người đều có thể giác ngộ lời của Phật dạy giống như Ðức Phật chuyên vì mình mà nói vậy, do đó học trò cảm thấy hoan hỷ vui vẻ hài lòng. Sau đây sẽ cử ra một vài điểm, để chúng ta có thể thấy một phần nhỏ, một mảng nhỏ về Phương pháp giáo dục của Ðức Phật:

(1) Cùng thực hiện tam học giới-định-tuệ:Sự giáo dục của Ðức Phật nhấn mạnh ở chỗ cùng thực hiện tam học giới định tuệ. Trước hết Ngài dạy môn học về giới, dạy học sinh tu dưỡng về tư cách phẩm chất đạo đức thể hiện qua lời nói hành vi cử chỉ; kế đến là dạy về định, dạy học sinh luyện tập điều tiết thân và tâm; sau đó dạy về tuệ, khiến cho học sinh mở mang trí tuệ. Vì do giữ giới mà sanh định, do định phát tuệ, đây là thứ tự nhất định mà Ðức Phật thực thi giáo dục. Ba tạng kinh luật luận của Phật giáo, sở dĩ nó trở thành kinh điển mấy nghìn năm để học trò đệ tử tín đồ của Phật giáo tín thọ phụng hành, là vì kinh tạng giải thích về định học (bao gồm cả giới và tuệ học), luật tạng giải thích về giới học và luận tạng giải thích về tuệ học. Giáo dục về ba môn học giới học, định học và tuệ học, giống như giáo dục về tam dục như đức dục, trí dục và thể dục hiện nay. Giới học gần tương đương với đức dục, định học gần tương đương với thể dục và tuệ học gần tương đương với trí dục. Tuy nhiên, nếu tiến hành phân tích và so sánh thêm chút nữa sẽ có ba điểm khác nhau như sau:

1. Ba môn học giới định huệ mang tính nhất quán, thứ tự trước sau rõ ràng và nâng cao hơn một bước nữa là ba môn học này mang tính liên hoàn; còn tam dục đức trí thể thì không liên quan gì với nhau, thực hiện riêng biệt.

2. Thể dục hiện nay chỉ chú trọng luyện tập thân thể; còn định học bao hàm cả luyện tập về tâm linh và thân thể, đặc biệt chú trọng về tâm linh.

3. Tam dục đức trí thể, chỉ là giáo dục thế gian; còn tam học giới định tuệ lại thông cả giáo dục thế gian và xuất thếgian.

Tam dục: giáo dục thế gian.

Tam học: giáo dục xuất thế gian.

Vả lại, tam dục đức trí thể hiện nay, có người lại thêm vào mỹ dục và quần dục, thành ra có dến năm dục. Ðiều này trong giáo dục của Ðức Phật đã có từ lâu rồi. Vì huấn luyện mỹ dục, mục đích là rèn luyện tánh tình để tánh tình của con người hướng đến chân thiện mỹ. Nhưng Ðức Phật dạy học trò ngồi tĩnh tọa, thu nhiếp tâm vương ý mã, đoạn trừ vọng tưởng tạp niệm, khiến cho tâm tánh được định tĩnh an lạc, để mong ngộ nhập vào bản tánh. Ðiều này hiệu quả càng cao hơn và vượt xa hơn so với mỹ dục rèn luyện tâm tánh. Còn về rèn luyện quần dục, mục đích là khiến cho mọi người yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cùng hòa mình với mọi người. Ðiều này, Ðức Phật cũng đã giáo dục rất lâu rồi, hãy sống quên mình vì người, hòa thuận với mọi người, với cả chúng sanh, cùng với chúng sanh vui vẻ hài hòa sống với nhau, phục vụ mọi người một cách vô điều kiện. Quả thực, tích cực hơn, hoàn chỉnh hơn quần dục hiện nay.

(2) Ngôn giáo và thân giáo đều coi trọng như nhau:Ngôn giáo là dùng ngôn từ để truyền đạt giáo dục; thân giáo là lấy thân mình làm mẫu mực, lấy thân mình làm gương giáo dục. Giáo dục ngày nay, chú trọng nhiều về ngôn giáo, coi nhẹ thân giáo. Giáo dục của Ðức Phật đều coi trọng cả ngôn giáo và thân giáo.

Về phương diện ngôn giáo, Ðức Phật thường tiếp nhận những câu hỏi của học sinh. Từ trong vấn đề giải đáp, trả lời, phát huy được ý kiến nhanh nhạy, để truyền bá tri thức cho học sinh. Ví dụ như nêu câu hỏi trong kinh Kim cang: “ Vân hà ưng trụ? Vân hà giáng phục kỳ tâm?” ( dựa vào nguyên tắc nào để an trụ? Dùng phương pháp gì để chế phục tâm phiền não?), điều này giống với phương pháp dạy học kiểu diễn giảng của phương pháp dạy học kiểu rót vào, dẫn vào trong giáo học pháp (phương pháp dạy học) hiện đại ngày nay. Nhưng giảng thuật của Phật có thể khai thác nội dung sâu sắc nhưng lời lẽ rõ ràng sinh động êm tai dễ hiểu, dù Ðức Phật giảng dạy hơn hai giờ rồi, học sinh cũng không cảm thấy chán và buồn ngủ. Có lúc, Ðức Phật nêu câu hỏi, học trò trả lời, sau đó tùy theo câu trả lời mà Ðức Phật bình phán và uốn nắn, chỉ ra chỗ chưa hoàn chỉnh của học trò. Ví dụ như trong kinh Lăng nghiêm: “thất xứ chủy tâm, thập phan biện kiến” ( Ðức Phật chỉ cho A nan biết 7 nơi không phải tâm và Ðức Phật cũng đưa ra 10 ví dụ về sự hiển hiện của chơn tâm). Ðiều này trong Phương pháp dạy học hiện đại thuộc về phương pháp dạy học kiểu gợi mở. Cũng có một vài học trò ngồi vây quanh Ðức Phật, cùng nhau hỏi đáp, nêu ra chân lý cuộc đời, ví dụ như trong kinh Ðại bảo tích, Ðức Phật và đồng nữ Diệu Huệ hỏi đáp liên tiếp, đã đưa ra mười điểm diệu đế của thế gian và xuất thế gian. Ðiều này giống như phương pháp dạy học kiểu vấn đáp của Phương pháp dạy học kiểu gợi mở trong phương pháp dạy học hiện đại.

Nói đến thân giáo, đây là đặc điểm giáo dục của Ðức Phật, Ðức Phật lấy thân mình làm gương mẫu để giáo dục. Ðiều này chúng ta có thể đã thấy rải rác trong nhiều kinh điển Phật giáo, ở đây xin được đưa ra vài thí dụ: Có một vị Tỳ-kheo già bị bệnh mắt, lúc vá y ca sa, cần xỏ kim nhưng không thấy, Ðức Phật đã giúp vị Tỳ-kheo ấy xỏ kim. Có một vị Tỳ-kheo ngày thường không chịu phục vụ người bệnh, đến lúc vị ấy bị bệnh không ai chăm sóc cho ông ấy cả, Ðức Phật thấy vậy đến chăm sóc ông ấy, rửa mình, phục vụ ẩm thực cho ông ấy và nhiệt tâm nói pháp cho vị Tỳ-kheo ấy nghe, khuyên ông ấy sau này nên nhiệt tâm phục vụ người bệnh nhiều hơn. Ðây là tấm gương giáo dục về phục vụ mọi người hay vì mọi người mà phục vụ. Nhiều lần người của dòng tộc Thích-ca và dòng tộc Câu-lợi tranh giành nguồn nước uống, Ðức Phật không từ lao khổ, từ nơi xa xôi đến để hòa giải cho họ. Khi thành Tỳ-xá-ly bị dịch bệnh lan tràn, Ðức Phật không sợ truyền nhiễm, đã vào thành để an ủi người bệnh, dạy dỗ người bệnh. Ðây là giáo dục gương mẫu về lòng từ bi cứu đời. Ðề-bà-đạt-đa ba lần bốn lượt mưu hại Ðức Phật, Ðức Phật không những không trách gì mà còn dùng lời từ hòa dạy bảo ông ấy. Ðây là giáo dục gương mẫu về oan thân bình đẳng. Kỳ thực, Ðức Thế Tôn vốn là một vị Thái tử sống trong nhung lụa, Ngài xem vương vị như chiếc giày rách, xem phú quý như phù vân, xuất gia sống cuộc đời thanh đạm tam y nhất bát, đây là nhân cách vĩ đại của Ðức Phật đã xả những điều khó xả, hành những điều khó hành, điều này đủ làm tấm gương cho học trò, là giáo dục thực hành gương mẫu tốt nhất.

(3) Giáo hóa dạy dỗ những người cá biệt, đặc thù: Mỗi lần Ðức Phật giảng dạy giáo pháp ở tinh xá hoặc ở dân gian, học trò thính chúng luôn có hàng nghìn hàng vạn người, ít nhất cũng có vài trăm người, đây chính là giáo dục tập thể. Ðức Phật khai thị giảng dạy sau khi ứng cúng ở nhà tín chủ, học trò nhiều thì có đến trăm mấy, ít thì có đến năm bảy người, điều này giống với dạy học phân tổ, phân nhóm trong phương pháp dạy học hiện đại. Nhưng vẫn còn một số học trò, do căn tánh đặc thù, Ðức Phật đã giáo dục riêng biệt cho từng cá nhân, phương pháp dạy học phụ đạo cá biệt này giống như nữ sĩ giáo dục người Mỹ Helen Parkhurst đã khởi xướng kiểu giáo dục “dalton plan”. Trong giáo dục của Ðức Phật, người được giáo dục cá biệt như vậy cũng rất nhiều, ở đây xin kể ra một vài thí dụ để chúng ta có thể thấy được một phần nhỏ của nó:

A. Kẻ khờ trở thành thông minh: Chu-lợi-đặc là một người khờ, theo người anh xuất gia, một bài kệ chỉ có bốn câu mà học ba tháng trời cũng không thuộc, người anh thấy vậy bèn đuổi về nhà, Chu-lợi-đặc tuổi thân và khóc, Ðức Phật hỏi ông ấy, ông ấy đáp: “Bạch Ðức Thế Tôn, con là một người ngu nhất, ba tháng trời mà học không thuộc một bài kệ, bây giờ con biết làm thế nào đây?” Ðức Phật an ủi và dạy rằng: “ngu mà mình không biết mình ngu mới thật là ngu, con biết mình ngu rồi thì không phải là ngu nữa”. Ðức Phật dạy ông ấy hai câu pháp ngữ đơn giản là “phất trần, trừ cấu” (chổi, quét), nhưng Chu-lợi-đặc khờ đến nỗi học thuộc chữ “chổi” thì lại quên chữ “quét”, học thuộc chữ “quét” thì lại quên chữ “chổi” . Chu-lợi-đặc ngày ngày lau chùi bàn ghế và quét dọn nhà cửa, qua một thời gian sau tâm đã tỏ ý đã tường. Vì từ việc lau quét bụi bặm bên ngoài, ông ấy tiến đến lau quét bụi bặm phiền não trong tâm mình, phiền não bị quét đi sạch rồi thì trí tuệ liền sáng tỏ.

B. Nhà âm nhạc ngộ đạo: Nhà âm nhạc Văn-nhị-bách-ức, là con cháu nhà giàu có. Người thanh niên này sống cuộc sống được nuông chiều từ nhỏ, khi sống cuộc sống của người xuất gia lại muốn cầu tiến nhanh, do đó tâm tánh nóng nảy và thân thể càng ngày càng yếu. Thấy vậy Ðức Phật đến dạy phương pháp tu tập cho ông ấy, Ðức Phật hỏi: “con đánh đàn, nếu dây đàn căng thẳng quá sẽ như thế nào?” Văn-nhị-bách-ức đáp rằng: “Bạch Ðức Thế Tôn, dây đàn sẽ bị đứt ạ!” Ðức Phật lại hỏi: “ngược lại nếu dây đàn chùng quá thì sao?” Văn-nhị-bách-ức đáp rằng: “ Bạch Ðức Thế Tôn, lúc ấy sẽ đàn không ra tiếng ạ”. Ðức Phật dạy: “Việc tu học cũng giống như đánh đàn vậy, đừng căng thẳng quá, căng thẳng quá tâm ý sẽ nóng nảy; cũng không được chùng quá, chùng quá sẽ phóng dật giải đãi lười biếng tán loạn, nên điều tiết tâm cho điều hòa, không căng thẳng cũng không phóng dật mới được”. Văn-nhị-bách-ức vâng theo lời dạy của Phật thực hành tu học, quả nhiên tâm tánh điềm tĩnh hòa nhã, không những sức khỏe dần dần hồi phục, mà không lâu sao liền ngộ đạo.

C. Kẻ hung bạo làm lại cuộc đời: Ương-quật-ma-la theo học với một vị thầy Bà-la-môn giáo, vợ của thầy đã yêu thầm thương trộm Ương-quật-ma-la, có lần bà ấy bày tỏ tình yêu thương của mình, bị Ương-quật-ma-la cự tuyệt. Vợ của thầy giáo thẹn quá hóa giận, phản ngược lại bà ấy vu khống Ương-quật-ma-la với chồng mình là Ương-quật-ma-la trêu ghẹo bà ấy. Thầy giáo tin lời vợ mình, nên muốn hại Ương-quật-ma-la, bèn dạy rằng: “con hãy đi giết 100 người, rồi lấy ngón tay của họ tết lại thành vòng để đeo lên đầu, như vậy sẽ được sớm sanh thiên”. Ương-quật-ma-la nghe lời thầy, ngang ngược cầm dao đi giết người, sau khi giết được 99 người rồi, mẹ của ông ấy đến, ông ấy nghĩ: “tôi đã giết được 99 người rồi, chỉ thiếu một người nữa thôi thì có thể sanh thiên rồi, tuy là mẹ mình, chỉ cần giết để góp cho đủ số là được rồi”. Lúc ông ấy đang muốn giết mẫu thân thì bỗng nhiên Ðức Phật xuất hiện, thế là ông ấy không giết được mẫu thân, muốn giết Phật, nhưng khi ông ấy đến gần Ðức Phật để giết, thấy dáng vẻ oai quang của Ðức Phật, tâm điên cuồng của ông ấy an định trở lại, buông dao xuống và quỳ phục dưới chân Phật. Sau khi trải qua sự giáo dục của Phật, kẻ hung bạo này đã hối lỗi, quy y Phật và làm lại cuộc đời.

Như những gì đã nói ở trên, thời Ðức Phật tuy đã cách chúng ta hơn 2500 năm rồi, nhưng các phương pháp giáo dục của Ngài đã thực hiện lại rất phù hợp với nền giáo dục mới nhất hiện nay. Sở dĩ sự giáo dục của Ðức Phật vẫn còn thích hợp cho đến ngày nay, là vì cùng thực hiện ba môn học giới định tuệ, công trình giáo dục ngôn giáo và thân giáo đều coi trọng như nhau. Nền giáo dục hiện nay chỉ coi trọng trí dục, thể dục và ngôn giáo, quả thực nền giáo dục của Ðức Phật từ xa xưa rồi mà vẫn còn có thể sửa sai bù sót cho nền giáo dục hiện đại nhất hiện nay.

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 5689)
Đức Đạt-La Lạt-Ma đã đến Hamburg, Đức trong mười ngày từ 19 đến 28-7-2007. Ngài đến Hamburg lần nầy là lần thứ tư, chính thức như một quốc khách, và cũng là lần thăm viếng lâu nhất. Ba lần ghé thăm trước, 1982, 1991, 1998 với tính cách cá nhân.
09/04/2013(Xem: 5270)
Theo luật Phật chế và y cứ vào kinh điển, người xuất gia được phép nuôi dưỡng cha mẹ khi cha mẹ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Kinh Tiểu Bộ, tập 9, ghi lại câu chuyện hết sức cảm động về hạnh hiếu của người xuất gia (chuyện Hiếu tử Sama, . . .
09/04/2013(Xem: 5661)
Sự hòa thuận trong gia đình rất quan trọng. Gia đình xào xáo, tan vỡ gây khổ đau cho cha mẹ cũng như con cái. Nếu những cặp uyên ương tiến tới hôn nhân với ý nghĩ là hôn nhân sẽ mang đến cho họ lạc thú hay niềm vui thì họ sẽ thất vọng, rồi đi đến tan vỡ.
09/04/2013(Xem: 4633)
Lời người dịch: Nhận được tờ báo lá cải Bidzeitung, thấy có đăng bản tiếng Đức của Albert Link về “Những lời khuyên của ngài Tenzin Gyatso”, bài đăng bên cạnh những bức hình hở hang của các cô gái trẻ đẹp đã không làm tôi khó chịu, ngạc nhiên mà lại làm tăng thêm niềm cảm phục lâu nay tôi đã từng dành cho Ngài.
09/04/2013(Xem: 5003)
“Giê-su qua cái nhìn của người Phật tử” là một đề tài lý thú, nhưng quả thực là khó. Trước hết, trong tất cả những đạo lớn của thế giới, có lẽ đạo Phật là đạo xa cách đạo Ki-tô nhất trên những giáo lý cơ bản và trên nhiều điểm quan trọng, mặc dù vẫn gần gũi, hay có vẻ gần gũi, trên nhiều điểm khác.
09/04/2013(Xem: 10658)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật . Cùng tất cả trại sinh ngày Hạnh quý mến, Trong Lục Độ Tập Kinh, có dạy: “Thà mất nước không thà mất hạnh”. Thà mất nước, là thà mất biên cương, lãnh thổ, chứ không thà mất hạnh. Mất hạnh là mất văn hoá, mất nếp sống đạo đức, mất thuần phong mỹ tục, mất nhân tính, mất đi lý tưởng sống. Mất nước là mất biên cương, mất lãnh thổ, mất chủ quyền quốc gia, mà còn Hạnh, nghĩa là còn nền đạo đức của một dân tộc, còn nền văn hoá của một dân tộc, còn thuần phong mỹ tục của một dân tộc, và còn lý tưởng sống của một dân tộc, thì việc mất chủ quyền về chính trị, mất biên cương, mất lãnh thổ của dân tộc, sớm muộn gì cũng có thể phục hồi lại được, nhưng một dân tộc không mất biên cương, lãnh thổ mà mất Hạnh thì vĩnh viễn mất nước. Cũng vậy, người phật tử chúng ta, dù mất sinh mạng, nhưng không mất lý tưởng, thì chúng ta vẫn còn là một con người nguyên vẹn trong lý tưởng giác ngộ.
09/04/2013(Xem: 13013)
Trong cuốn sách này, rất nhiều những lời đối thoại với đức Đạt Lai Lạt Ma được kết tập lại. Những lần gặp gỡ riêng với Ngài tại Arizona và Ấn Độ được dùng làm cơ sở cho cuốn sách này với một mục đích rõ rệt là đưa ra những quan điểm của Ngài về một cuộc sống hạnh phúc hơn.
09/04/2013(Xem: 6281)
Trong mối tương quan liên hệ giữa con người, sự tương quan giữa vợ chồng là quan trọng nhất. Cho nên hôn nhân là một biến cố hết sức quan trọng cho đời sống của một con người.
09/04/2013(Xem: 6123)
Đoàn đi lúc 6:50g tối và trở về chùa Phước Hậu là gần 10g đêm. Cảm ơn Minh Bình đã phát tâm đưa rước thay cho Thức. Vì Minh Bình nói nếu Minh Bình đi thì chì có 2 vòng trong khi nếu để Thức (cha của Viên Bảo Mỹ) đến rước thì sẽ mất bốn vòng đến . . .
09/04/2013(Xem: 5533)
Hóa thân phải chăng là một hiện tượng siêu hình như ma quỷ hóa làm người, người hóa thành ông bình vôi trong truyện cổ tích? Hóa thân phải chăng là óc tưởng tượng không có thực trong sinh hoạt tâm lý của con người? Hay hóa thân không chỉ có thế mà còn có một ý nghĩa tích cực?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]