Nhập thất - con đường tìm về ánh sáng
Gia Quốc
Hàng nghìn năm trước, các ẩn sĩ tu tập theo nhũng trường phái khác nhau đã xem việc sống tách biệt với môi trường bên ngoài như là một phương cách để rèn luyện tâm thức nhằm đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về thế giới xung quanh. Trong sự yên tĩnh và cách biệt của việc sống ẩn cư - như là hình thức “nhập thất” - nhà tu hành có thời gian tư duy và nhìn thấy những nơi sâu thẳm nhất của chân lý về sự tồn tại.
Martin Lowenthal, một bác sĩ tâm lý, giáo sư dạy thiền và là một môn đệ lâu năm của Phật giáo Tây Tạng, ông đã tu hành theo phương pháp nhập thất từ 14 năm qua. Trong cuốn sách Ánh sáng phương Đông: người phương Tây tiếp cận phương pháp nhập thất của Thiền Tây Tạng, Martin Lowenthal đã mô tả khá cặn kẽ về quá trình “nhập thất” của mình.
Kết quả của cuộc trò chuyện giữa “ẩn sĩ” Martin Lowenthal với nhà báo David Ian Miller tại văn phòng Học viện Dedicated Life Institute Newton, Massachusetts, Hoa Kỳ là một bài báo khá dài về đề tài lý thú này. Chúng tôi xin trích dịch cuộc đối thoại kể trên, để giúp bạn đọc hiểu về một con người đang dành cả cuộc đời mình cho một phương pháp tu hành độc đáo: nhập thất.
Việc nhập thất có thể giúp ta sáng tỏ vạn vật. Xin ông giải thích về vấn đề này?
Có rất nhiều câu trả lời cho vấn đề này. Một trong số đó là năng lực quan sát hàng ngày của chúng ta thường bị dao động, chi phối quá nhiều bởi những yếu tố ngoại cảnh. Thông thường, tạp niệm khởi lên không nhiều bằng những gì chúng ta tưởng tượng. Việc nhập thất không chỉ tạo cho bạn một không gian yên tĩnh, không bị ngoại cảnh chi phối, mà còn giúp cho thân tâm bạn được bình yên, tỉnh thức để tập trung tư tưởng vào những lĩnh vực cần thiết. Điều đó rất hiển nhiên. Một khi năng lực quán sát được nâng cao thì sự thật được hiển hiện.
Hàng thế kỷ qua, con người đã từng nhập thất trong hang động hay những nơi kín đáo, linh thiêng. Còn bây giờ thì người thường nhập thất ở đâu?
Tôi học được đôi chút về truyền thống của Phật giáo Tây Tạng. Những nhà sư đã xây dựng những căn phòng chuyên dành cho việc nhập thất trong các tu viện. Họ cũng xây dựng những trung tâm tu tập như thế tại Hoa Kỳ, mặc dù không nhiều. Lúc đầu tiến hành nhập thất, tôi đã chỉnh sửa một căn phòng trong nhà mình bằng cách khóa kín tất cả các cửa sổ.
Thời gian nhập thất thường kéo dài bao lâu?
Điều đó tùy thuộc vào từng người. Người Tây Tạng thường nhập thất 49 ngày. Nhưng cũng có nhiều vị nhập thất liền mấy năm. Lúc mới bắt đầu, tôi chỉ nhập thất ba ngày, rồi nâng dần lên. Sau đó, thời gian lâu nhất tôi nhập thất là một tháng, và tôi thường nhập thất ít nhất 2 tuần trong năm.
Ông làm gì trong thời gian nhập thất? Ngồi thiền suốt thời gian đó hay đi loanh quanh?
Thông thường, người ta hay buồn ngủ vì bầu không khí yên tĩnh xung quanh. Phấn đấu để vượt qua cơn buồn ngủ cũng là một phần quan trọng trong tiến trình tu tập. Khi không thể ngủ, bạn có thể ngồi thiền khoảng hai hay bốn lần mỗi ngày; tất cả những điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm tu tập mà bạn có được. Thời gian còn lại dùng để thư giãn và suy ngẫm. Ban đầu, bạn rất nản khi làm những việc tay chân, do vậy, cơ thể bạn sẽ không có được sự năng động cần thiết. Bạn muốn mọi thứ đều lắng xuống. Nhưng con người lại luôn có xu hướng lúc căng thẳng những lúc bình yên.
Ông thực tập theo phương pháp thiền nào trong khi nhập thất?
Lúc đầu tôi tập quán sổ tức - tập trung suy nghĩ cho từng hơi thở, quan sát những gì khởi lên trong suy nghĩ, cảm xúc. Đến khi điều phục được tâm mình đến một mức độ ổn định cần thiết và có khả năng quán sát thực tại, chúng ta chuyển sang quán tưởng, tư duy về từ bi và trí tuệ. Phật giáo cho rằng Phật tính có mặt ở trong mỗi chúng sanh nhưng vì vô minh nên chúng ta không thể nhận biết. Việc nhập thất là cơ hội để chúng ta tiếp xúc với bản tâm của mình.
Và đó là thành tựu đạt được do sự tu tập, chứ không chỉ là một hình thức thư giãn?
Vâng, tôi xem đó là phương pháp để đạt đến sự tỉnh thức, và điều đó rất linh thiêng. Cũng vậy, bạn bắt đầu nhìn thấy được năng lực của ánh sáng, và những cảnh tượng thật từ trong chỗ yên tĩnh - điều mà bạn không thể thấy được khi ở bên ngoài. Bằng cách đó, tôi nghĩ, sự linh thiêng luôn hiển hiện trong suốt thời gian nhập thất của chúng ta.
Ông đã thật sự thấy được những gì?
Nhiều, rất nhiều! Đôi lúc, tôi cảm thấy mình đang đi trong một khu rừng và nhìn thấy ánh sáng xuyên qua tàng cây. Lúc khác, tôi lại cảm nhận mình đang thấy ánh sáng của cầu vồng, của vòng tròn mandala hay những bậc thầy đáng kính.
Ông có nghĩ thật sự mình đã thâm nhập vào cảnh giới mà ông đã nhìn thấy? Ông có cảm thấy phiền không, khi đó chỉ là giả tưởng, hay những gì ông thấy là thật?
Tôi không biết phải trả lời như thế nào, vì kỳ thực, tôi không quá quan tâm đến những vấn đề đó. Đối với tôi, chúng đang hiện hữu và bạn chỉ nhìn thấy những gì xuất hiện. Đôi khi, tôi cũng nghe được những âm thanh và cả việc thưởng thức những hương vị mà tôi chưa bao giờ có được.
Sống trong môi trường văn hóa của mình, chúng ta được dạy rằng, nên sợ sự trống vắng và bóng tối. Có bao giờ ông cảm thấy sợ hãi khi nhập thất?
Không! Nhưng tôi biết, con người thường hay sợ hãi. Tôi đã từng có những cảm giác khác nhau khi nhập thất, và nói chung, tôi không thấy có vấn đề gì. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, không nên quan tâm đến những phản ứng của nỗi sợ hãi.
Ý ông muốn nói gì?
Đó là những xung lượng của não bộ, muốn chúng ta suy nghĩ về mọi thứ và tinh thần quyết tâm tạo cho chúng ta động lực tìm ra con đường, giữ cho chúng ta thức tỉnh trước sự cám dỗ của mọi thứ xung quanh. Khi thư giãn, chúng ta không cần ai động viên. Khi ở trong thất, tựa như được an toàn như ở trong bào thai mẹ.
Nhân duyên nào dẫn ông chọn phương pháp nhập thất?
Một vị sư Tây Tạng mà tôi quen biết, ngài Lon Gil Rinpoche, đã nói chuyện với tôi rất nhiều ở Boston; ngài giảng giải cho tôi nhiều về công dụng của việc nhập thất. Từ đó, tôi quyết định tạo cho mình một không gian riêng để nhập thất tu tập.
Ông lớn lên ở San Francisco. Vậy ông đã theo một tôn giáo nào chưa?
Gia đình tôi theo đạo Do Thái, thế nhưng họ cũng không cực đoan cho lắm, mặc dù ông nội tôi là một người mộ đạo Do Thái chính thống. Khi vừa trưởng thành, tôi bắt đầu đọc sách Phật và đọc rất nhiều. Đến khi bắt đầu cảm nhận được sự thôi thúc của nội tâm, tôi quyết định theo Phật giáo.
Theo ông, điều gì quan trọng nhất một người muốn nhập thất cần biết?
Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là anh phải biết giá trị tinh túy nhất của việc sống thư thái. Chúng ta hay nghĩ về sự thư thái, bằng cách nào đó, như là sống với tiềm thức, và như vậy, sống thư thái và hoàn toàn minh mẫn với cái nhìn sáng suốt về thực tại. Một vấn đề khác mà bạn có thể khám phá nhanh chóng là bạn đang suy tư như thế nào, bởi vì bất cứ dòng suy nghĩ nào khởi lên cũng đều được sinh ra từ thói quen suy tư hàng ngày của chúng ta. Nắm bắt được điều đó, ta tạo được lối suy tư mới và cảm nhận được sự vận động rất thực bằng cách chú tâm vào những gì đang biến động trong đời sống xung quanh chúng ta.
Ông có cho rằng những gì mình đang làm đều là sự thực hành hướng đến tâm linh, trong đó có cả việc nhập thất?
Rõ ràng như thế! Sau một thời gian tu tập theo nhiều truyền thống tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, tôi đã theo Phật giáo và hòa nhập hoàn toàn vào đời sống của Phật giáo. Vì thế, thiền định chẳng hạn, không đơn thuần chỉ khi bạn ngồi trên bồ đoàn hay khi bạn đang tụng kinh, mà là ngay lúc này, khi chúng ta đang trò chuyện. Một điều quan trọng trong Phật giáo là sự hữu ích trong hiện tại. Đây không chỉ là vấn đề của nội tâm hay khái niệm học thuật mà là con đường sống và tu tập cho bạn, cho tất cả mọi người.
Theo ông, làm thế nào để tiếp cận được với những ý tưởng đó?
Tôi đang thực hiện, và đó sẽ là công việc của tôi suốt cuộc đời này.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Special to SF Gate, March 20, 2006)
---o0o---
Nguồn: Giác Ngộ
Trình bày: Nhị Tường