Về một môi trường thích hợp cho sự tu tập
HT. Thích Minh Châu
Trong hơn 40 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để xây dựng một đường hướng giáo dục cho chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam dựa trên những lời dạy của Đức Phật. Con đường đã được mở ra và đã được vận dụng ít nhiều, tạo nên những hiệu quả thiết thực trong bối cảnh lịch sử văn hóa dân tộc. Chúng tôi cũng nương vào lời dạy của Đức Phật, kết hợp với truyền thống văn hóa nước nhà trong việc nỗ lực xây dựng các môi trường tu học cho Tăng Ni Phật tử, vừa đúng với tôn chỉ giác ngộ của Bậc Đạo sư, vừa hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.
Trong sự nghiệp thuyết pháp độ sinh của Ngài, Đức Phật rất quan tâm môi trường tu học thích hợp, không những cho các đệ tử của mình mà còn cho hết thảy mọi người. Trong bản kinh "Khu Rừng" thuộc Trung Bộ,Ngài nêu ra nhiều môi trường với các điều kiện khác nhau để nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường thích hợp nhất cho sự tu học của các học trò mình. Theo Ngài, một môi trường thích hợp cho sự tu tập và phát triển hài hòa, toàn diện của con người phải hội đủ hai điều kiện thiết yếu, vật chất và tinh thần. Về phương diện vật chất, Ngài nói đến các điều kiện vật chất cần thiết hỗ trợ cho sự tu học của các cá nhân ở trong môi trường đó. Về phương diện tinh thần, Ngài nhấn mạnh các nội dung tu học dựa trên Giới, Định, Tuệ hướng đến giải thoát, giác ngộ. Đức Phật cho rằng khi người nào tìm thấy một môi trường tu học hội đủ hai tiêu chuẩn trên, thời người ấy cần phải bám trụ môi trường đó để tu tập trọn đời, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi. Ngài dạy:
"Này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo sống tại một nơi nào hay sống gần một người nào, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm không định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt; và những vật dụng cần thiết cho đời sống của người xuất gia như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị người bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn, vị Tỷ kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: ‘Ta sống ở nơi này hay sống gần người này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn khỏi ách phược chưa được thành đạt được thành đạt; và những vật dụng cần thiết cho đời sống của xuất gia như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách dễ dàng’. Này các Tỷ kheo, sau khi suy nghĩ như vậy, vị Tỷ kheo ấy phải trọn đời sống ở nơi ấy hay theo sát người ấy, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi".
Đường hướng giáo dục của Đức Phật nhấn mạnh sự hoàn thiện hay giải thoát của con người trên cơ sở đánh thức, nuôi dưỡng và phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức của mỗi cá nhân. Do đó một môi trường tu học đáp ứng được mục tiêu trên cần phải có đủ Giới, Định, Tuệ và các điều kiện hỗ trợ cho việc phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức. Đạo Phật chú ý kiến tạo các môi trường giáo dục, khuyến khích sự phát triển giới đức, tâm đức, tuệ đức của cá nhân dẫn đến sự phát triển hài hòa của cộng đồng, và trong lịch sử các ngôi chùa Phật đã đáp ứng vai trò ấy.
Suy ngẫm nhiều về lời dạy của Đức Phật kết hợp với việc xem xét lịch sử văn hóa dân tộc, chúng tôi nhận ra rằng, ngôi chùa luôn luôn là một môi trường tốt và thích hợp nhất cho sự phát triển hài hòa của con người, đồng thời là nơi gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, bởi cứ theo lời dạy của Đức Phật ở trên, thì ngôi chùa chính là nơi ươm mầm và nuôi lớn truyền thống đạo đức và trí tuệ của dân tộc.
Người Việt Nam chúng ta tiếp thu đạo Phật từ rất sớm và ngôi chùa đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. "Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt" là hình ảnh rất gần gũi thân quen với người Việt. Làng là đơn vị hành chính nhỏ nhất của hệ thống quản lý nhà nước ở xứ sở ta từ xưa đến nay. Làng nào cũng có chùa. Chùa là của chung, mang tính cộng đồng, nên mọi người đều có thể đến chùa, không phải để tìm kiếm danh lợi mà để tìm lại chính mình, bởi ở đấy có đầy đủ các yếu tố cần thiết và thích hợp cho mỗi con người muốn tìm thấy chính mình thông qua việc học tập và phát triển hài hòa các phẩm chất giới đức, tâm đức, tuệ đức của bản thân. Chúng tôi cho rằng chư vị Tổ sư của chúng ta đã kế thừa đầy đủ lời Phật dạy trong việc xây dựng nên các thiền môn hội đủ hai tiêu chuẩn căn bản trên khiến trở thành các môi trường thích hợp cho sự phát triển hài hòa của cá nhân dẫn đến sự phát triển hài hòa của cộng đồng. Chính sự phát triển hài hòa, đồng bộ và thống nhất ấy của mỗi cá nhân và cộng đồng trong cùng một môi trường giáo dục đã tạo nên sắc thái văn hóa độc lập của dân tộc.
Đạo Phật đến Việt Nam, giúp soi sáng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, che chắn cho người Việt đứng vững và vượt qua mọi thử thách lớn của lịch sử. Có lẽ do hiểu rõ sự đóng góp thầm lặng nhưng hết sức thiêng liêng của đạo Phật đối với vận mệnh của dân tộc mà một thi sĩ đã thốt lên:
"Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống muôn đời của tổ tông".
Xã hội Việt Nam đang trải qua giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa; điều này đồng nghĩa với việc chúng ta thừa nhận nền văn minh khoa học kỹ thuật phương Tây trong điều kiện xây dựng và phát triển đất nước. Phát triển là bước tiến của lịch sử nhưng cần được xem xét và cân nhắc kỹ để có những bước đi hài hòa ổn định cho quê hương xứ sở. Chúng tôi nghĩ rằng càng theo đuổi sự phát triển mang tính hiện đại bao nhiêu, chúng ta cần ra sức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bấy nhiêu. Có như thế cuộc sống con người mới phát triển hài hòa, xã hội mới tiến bộ ổn định, văn hóa dân tộc mới không bị mai một.
(*) Tựa đề của Báo Giác Ngộ. Trích Diễn từ của HT. Thích Minh Châu đọc trong lễ khánh thành bảo điện TV Vạn Hạnh, ngày 24-10-2004.
---o0o---
Nguồn: Xuân Giác Ngộ 2005