Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Khi trở về

20/03/201110:34(Xem: 5732)
11. Khi trở về

VĂN MiNH NHÀ PHẬT
Đoàn Trung Còn soạn, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Khi trở về

Ngài Huyền Trang theo đường cũ mà về, có ghé lại xứ Câu-đàm-di trong hai tháng mùa mưa năm 643. Rồi Ngài lại ra đi. Đường đầy những quân cướp, ai cũng lấy làm lo sợ cho Ngài. Nhưng Ngài vẫn vững lòng, chắc rằng nếu gặp bọn cướp thì Ngài có thể dùng lời đạo đức mà làm cho chúng nó không hại mình, lại có thể độ cho chúng nó bỏ ác làm lành nữa. Có một hôm, Ngài nhờ một vị sư trong đoàn đến nói với bọn cướp rằng: Chúng tôi là người tu hành ở phương xa đi tìm đạo trở về. Chỉ có đem theo kinh điển và tượng Phật mà thôi. Xin anh em bảo trợ cho. Bọn cướp vui vẻ nghe theo. Nhiều lần như vậy, Ngài được bình yên vô sự.

Qua đầu năm 644, Ngài đi đến con sông Ấn Độ và cả đoàn phải qua sông bằng thuyền vì không có cầu. Tình thế nguy hiểm lắm. Kinh, tượng Phật và người đều lên cả trên một chiếc thuyền lớn, còn Ngài thì cỡi voi mà qua sông. Ngài có giao cho người lo việc giữ kinh. Nhưng khi đến giữa dòng nước, bỗng có sóng to, thuyền chao đảo mạnh, muốn chìm. Người giữ kinh hoảng hốt, ngã xuống sông, người ta cứu được ông, nhưng đã rơi chìm mất hết năm mươi bộ kinh. Ngài Huyền Trang buồn rầu lắm.

Sau khi Ngài qua sông, vua nước Ca-bì-xa nghe tin ấy liền thân hành đến thăm hỏi việc rủi ro và mời Ngài ghé qua kinh đô Ô-đạt-ca-hán-đà. Ngài nhận lời qua đó và ở lại 50 ngày để có thời gian cho người trở lại xứ Ô-trưởng-na chép một số kinh luận của phái Ca-diếp-ti-na thay cho số kinh vừa bị mất. Vua xứ Khắc-thập-mễ-nhĩ hay tin Ngài trở về và không tiện ghé qua, liền thân hành đến viếng và từ biệt Ngài. Khi Ngài tiếp tục lên đường, vua Ca-bì-xa lại theo đưa tiễn. Khi đi ngang mấy nước nhỏ, thuộc về quyền bảo hộ của vua Ca-bì-xa, thì các vị vua nhỏ đều ra nghinh tiếp rất trọng hậu. Các ông có lần lượt tổ chức các cuộc lễ bố thí, nhờ Ngài chứng minh và nhân đó cầu cho Ngài lên đường được bình an.

Ngài từ giã vua nước Ca-bì-xa và đi theo đường mòn của khách thương. Ngài phải qua hai dãy núi lớn là Hưng-đô-khố và Bạch-mễ-nhĩ. Vua Ca-bì-xa có lòng lo lắng trước, đã phái theo một viên quan với trăm người lính để bảo vệ và lo việc chuyên chở lương thực cho Ngài.

Lúc ấy nhằm tháng 7 năm 644, tuy là đầu mùa thu mà việc qua núi cũng nguy hiểm lắm. Đi được bảy ngày đến một đỉnh núi cao, mười phần trắc trở. Đường càng đi tới càng thấy khác. Người ngựa đều mệt mỏi lắm. Bấy giờ Ngài phải xuống đi bộ, chống gậy mà leo núi. Bảy ngày nữa đến một hẻm núi, phía dưới có một làng chừng trăm nóc nhà, dân cư chuyên nghề nuôi cừu. Nghỉ lại đó một ngày, rồi ngài Huyền Trang mới tìm một người dẫn đường. Vùng này có nhiều con rạch nhỏ, trên mặt phủ đầy băng tuyết. Nếu không thạo đường rất dễ đi nhầm lên mặt nước phủ băng, băng vỡ ra thì phải chết chìm. Vì thế phải nhờ dân địa phương dẫn đường. Đi từ sớm cho đến tối mà qua chưa khỏi hết những chỗ có băng. Lúc bấy giờ còn lại bảy vị tăng sĩ trong đoàn, ngoài ra là hai chục người theo giúp, cùng một thớt voi, mười con lừa và bốn con ngựa. Như vậy là đã giảm đi quá nhiều so với con số lúc khởi hành. Phải lần qua vài trái núi cao, cao cho đến nỗi những đám mây dày đặc và sương tuyết không lên tới đỉnh. Trên đỉnh chỉ toàn là đá trắng phau, không có cây cỏ chi hết. Những đá to chất chồng với nhau. Khi đi lần xuống, ngài Huyền Trang thấy một khoảnh đất trống, bèn che trại mà nghỉ đêm. Qua hôm sau lại ra đi. Chẳng bao lâu đến một nơi thị tứ. Quan địa phương thuộc về dòng vua Thổ miền Tây. Ngài ở nán lại một tháng, được quan địa phương cấp cho người ngựa để qua núi Bạch-mễ-nhĩ. Càng đi càng lạnh vì đường càng lên cao. Lại thêm gió thổi, tuyết bay, đường trơ trụi không cỏ cây chi che chắn cả. Lạnh cho đến nỗi người và thú đều phải chung với nhau trong một hang đá mà nghỉ đêm. Núi Bạch-mễ-nhĩ này quả là cao chót vót, đi hơn bốn ngày mới tới đỉnh.

Đối với xứ đồng bằng thì chỗ này ở gần trời, người ta vẫn xem như đường lên trời. Một phía thì có sông chảy về hướng Đông, một phía lại chảy về hướng Tây, như chia rẽ trời đất ra, nên thấy mình như mình đứng giữa trung tâm vậy. Không có cây trái, cỏ hoa chi cả. Chung quanh toàn là tuyết với sương mù. Người ta đồn nhau rằng chốn này có nhiều vị tiên thánh. Ngài Huyền Trang có nghe thuật chuyện một toán thương gia gặp hai vị A-la-hán trong động núi. Thuở trước, hai vị tu đắc quả A-la-hán, bèn cùng nhau lên núi mà thị tịch. Hai vị nhập định trong một động núi, đã trên 700 năm mà thân thể vẫn còn như thường, không rã rục chút nào.

Ngài đi xa nữa, lại nghe người ta thuật một câu chuyện khác cũng lấy làm thú vị lắm. Cách thành Kie-pan-tô chừng hai trăm dặm về hướng Tây, có một hòn núi cao. Chỗ ấy duy có mây mù và một vách núi nghiêng, dường như muốn ngã mà vẫn còn vững hoài.

Ngày trước, có một lúc trời sấm sét, đánh ngã vách núi ấy ra. Người ta chạy lên thì thấy một cái động lớn, phía trong an tọa một nhà sư, mắt nhắm lại. Nhà sư to lớn lắm, nhưng da thịt tóp khô và râu tóc mọc ra dài, che lấp cả mặt và vai. Có người báo cho vua hay. Vua vội vàng đến nơi. Dân chúng cũng kéo nhau lại xem. Có một vị tăng đến, thấy vậy nói rằng: Vị này đã tịch lâu rồi, nhưng ngồi được như vậy mãi. Ngài lấy tinh thần mà giữ cho hình thể không bị hư hoại. Người đã không ăn uống từ trước đến nay, nếu thình lình làm cho người thức lại thì thân thể sẽ tan rã ra hết. Bây giờ nên lấy dầu ướp tay chân mình mẩy cho dịu lại, rồi đánh mõ mà thức tỉnh người. Vua truyền làm theo lời. Vị kia nghe tiếng mõ bèn mở mắt ra và ngó chung quanh. Ngồi tỉnh một lát ngài mới hỏi rằng: Các ngươi sao hình thể nhỏ thấp như vậy? Các ngươi là ai. Vị tăng liền ra đáp lời. Ngài bèn hỏi thăm đức Phật Ca-diếp. Vị tăng đáp: Phật Ca-diếp nhập Niết-bàn đã lâu lắm rồi. Ngài nghe, nhắm mắt lại dường như nản chí rồi thình lình hỏi nữa rằng: Còn đức Thích-ca Mâu-ni có ra đời chưa? Vị tăng đáp: Phật Thích-ca đã ra đời, là thầy của chúng tôi đó. Nhưng Ngài cũng nhập Niết-bàn lâu rồi. Ngài nghe nói cúi đầu xuống. Kế lấy tay mà vén tóc rồi bay bổng lên mây. Ngài dùng phép Tam-muội hóa lửa mà thiêu xác, chỉ còn tro tàn rớt trên đất. Vua có lập một đỉnh tháp để thờ tro tàn xá-lỵ của ngài.

Ngài Huyền Trang nghe thuật chuyện, lấy làm thích ý. Cả đoàn lại cùng ra đi. Đến một chỗ rậm, có một đám ăn cướp núp trong đá thình lình xông ra, khiến ai nấy đều hoảng kinh. Mấy người thương khách tháp tùng theo đoàn của Ngài liền chạy mất, bỏ lại những voi, ngựa, đồ đạc. Bọn cướp thâu lấy sạch rồi thả cho mọi người đi.

Bấy giờ đi lần xuống núi, ai nấy đều nhọc mệt hết sức. Ngài Huyền Trang lúc ấy vào thành Cát-sa. Xứ này không mấy phồn thạnh vì nằm gần vùng sa mạc, nhưng nhờ phong thổ dễ chịu và có mưa thường nên người ta trồng được cây trái nhiều. Tăng chúng đều tu theo Tiểu thừa. Tuy trong xứ có một trăm nhà chùa với mười ngàn thầy tăng, nhưng kiến giải của họ hẹp hòi không đáng chú ý lắm. Ngài Huyền Trang có luận đạo với một số vị sư trưởng, nhưng nhận thấy học lực của những vị này kém cỏi lắm. Các tăng sĩ ở đây trì tụng kinh điển mà không thấu hiểu nghĩa lý trong kinh.

Dừng đây không bao lâu, Ngài lại tiếp tục ra đi. Ngài đi ngang một nước phồn thạnh là xứ Giát-căng và có vào đến kinh đô. Xứ này giàu nhất về nghề nông, có nhiều lúa, bắp, nho và trái cây. Tăng chúng ở đây tu theo Đại thừa, có lòng thành tín và thực hành theo giáo lý đại từ bi, thường bố thí, cúng dường. Trong xứ này có một hòn núi rất linh thiêng. Dân bản xứ đều nói rằng trong núi thường có tiên, Phật hiện xuống. Núi cao, hang sâu thẳm, đường vào rất khó. Và bởi lạnh quá nên cây cối mọc khít nhau. Trên núi có nhiều suối nước rất trong và nước đọng lại trong mấy hòn đá to. Nhiều vị tu đắc quả A-la-hán, khi muốn tịch thường bay tới núi này và chọn chỗ để lánh trần. Lúc Huyền Trang lại, người ta nói hiện trong núi có ba vị A-la-hán. Trong khi ba vị ngồi nhập đại định đời đời trong động, râu tóc cũng cứ dần dần mọc ra. Rồi lâu lâu mấy nhà sư trong xứ lên núi làm lễ xin cắt bớt đi, mang về mà thờ kính.

Huyền Trang ra khỏi xứ Giát-căng, rồi đi lần theo đường của các đoàn thương khách. Còn cách quê nhà chẳng bao xa. Ngài có ghé lại nước Cô-tan, được vua và triều thần tôn trọng lắm. Cô-tan là xứ giàu có, thịnh về nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngày xưa, trong nước chẳng có một ai biết làm ra tơ lụa. Sau nhờ một vị hoàng hậu là người Trung Hoa về theo chồng về xứ này mà dạy cho dân trong xứ. Truyện tích còn ghi rằng lúc trước vua cưới một công chúa nước Trung Hoa. Công chúa về nhà chồng có lén mang theo ít hạt dâu và vài con tằm, vì người Trung Hoa không chịu truyền các nghề khéo léo của mình ra cho nước ngoài. Công chúa đem hạt gieo thành cây dâu, bẻ lá cho tằm ăn, rồi tằm nhả tơ. Từ đó về sau, nghề nuôi tằm phát triển mãi làm cho xứ này trở nên giàu thịnh lắm. Trong xứ lại cũng có nhiều ngọc thạch, mang ra nước ngoài bán rất đắt tiền. Người ta nói thổ dân nơi đây có tài tìm ngọc. Những hôm trời trong, trăng tỏ, họ lên núi đi kiếm ngọc. Hễ chỗ nào có bóng trăng soi sáng hơn hết thì chỗ đó có ngọc tốt nhất.

Việc nội trị rất nghiêm khắc và có trật tự lắm. Con người có lễ phép và thích âm nhạc, ăn ở ngay thẳng và thành thật. Chữ viết xứ này dường như giống chữ Ấn Độ mà tiếng nói thì khác hơn. Nhà vua từng giao thiệp với Trung Hoa. Từ lúc Hoàng đế Thái Tông nhà Đường lên ngôi làm cho khắp nơi được yên ổn, vua xứ này nghe danh hằng kính trọng lắm. Vì chính trị, vua muốn kết thân với Trung Hoa. Nay gặp ngài Huyền Trang ghé lại là một dịp may cho vua, nên người tiếp đãi trọng thể lắm. Ngài thấy vua ân cần và dân cư vui vẻ nên Ngài ở lại đây bảy tháng. Ngài dành thời gian này để chép lại một số trong những bộ kinh bị chìm mất trong khi qua sông dạo trước, vì xứ này tăng sĩ tu theo Đại thừa, có rất nhiều kinh điển chữ Phạn. Ngài cũng muốn chờ xem ý hoàng đế sẽ tiếp đón mình như thế nào. Cũng trong thời gian này, Ngài có giảng kinh và thuyết pháp cho tăng chúng nơi đây, và đem giáo lý của hai vị Bồ-tát Vô Trước và Thế Thân mà truyền dạy.

Rời khỏi xứ này, Ngài lại tiếp tục hướng ngay về biên giới. Chỉ còn phải vượt qua sa mạc Go-bi nữa thì đến nơi. Lúc ra đi, Ngài vượt qua biển cát mênh mông này một mình một ngựa, không có phần nào là chắc chắn. Vậy mà chẳng những đã vượt qua khỏi sa mạc, Ngài lại còn vượt nhiều non núi hiểm nguy và tìm được kinh Phật mang về. Nay trên đường về, cảnh sa mạc cũng vẫn mênh mông cát nóng, nhưng nhờ có đông người nhiều ngựa, đồ ăn nước uống đều đầy đủ nên không phải nhọc nhằn bao nhiêu. Ngài vào đến ải địa đầu là xứ Đôn-hoàng, nằm về hướng Tây nước Trung Hoa. Ngài nghỉ ngơi một thời gian ngắn, dâng sớ về triều và ở đây chờ lệnh nhà vua.

Xứ Đôn-hoàng tuy nằm về biên thùy mà vốn nổi danh về đạo Phật. Tăng chúng khá đông, chùa xưa cũng nhiều. Đây là chỗ các vị du tăng Ấn Độ xưa kia thường ngừng nghỉ trước khi vào nước Trung Hoa. Mỗi khi có vị nào muốn qua truyền đạo bên Trung Hoa thì đều ghé lại đây, vừa nghỉ mệt vừa chờ xem ý định của nhà vua. Trong những lúc ấy, các vị ngụ tại những ngôi chùa nơi đây và chỉ dạy cho tăng chúng.

Ngài vừa về đến Đôn Hoàng, tin tức nhanh chóng truyền ra khắp nước. Ai nấy đều xôn xao, người người đều mong được một phen được gặp qua cho biết mặt Ngài. Chỉ nghe qua việc làm của Ngài, trải qua mấy cảnh sa mạc cát cháy, núi cao vực thẳm, đến tận Thiên Trúc mà tìm đạo, thỉnh kinh, nay thành công trở về, ai ai cũng phải kính nể chí khí cao cả và lòng thành tín, hy sinh xưa nay chưa từng có của Ngài.

Vào đầu mùa xuân năm 645, ngài Huyền Trang về đến kinh đô Trường An. Ngài vào thành chưa bao lâu, công chúng truyền nhau kéo đến tiếp rước, đầy các nẻo đường, vây kín quanh Ngài. Hôm ấy hoàng đế không có ở tại triều, nhưng các quan đều ra đón rước long trọng vì kính nể đức độ của Ngài. Các vị tăng sĩ nơi đây đều đến chào, lại thỉnh kinh, tượng và các di vật của Phật mà Ngài mang về đến đặt tại chùa Hồng Phước. Cuộc lễ nghinh tiếp được tổ chức rất lớn. Cờ xí rợp đường, trống kèn dậy đất và hương trầm xông khắp nơi thơm nức. Mỗi nhà đều đặt bàn hương án, chư tăng mặc lễ phục trang nghiêm. Các vị tăng đi đầu vừa đi vừa tụng kinh. Người theo xem cũng chen chúc đông ngẹt. Người ta kéo đi dài đến mấy dặm đường. Hai bên đường đầy những vị quan tước chức sắc và các nhà danh giá trong thành. Bởi công chúng quá đông, triều đình sợ việc chen lấn xô đạp lẫn nhau, nên có lệnh truyền cho người xem chỉ được đứng yên một chỗ, không được di chuyển theo đoàn rước.

Trong lễ rước, người ta nghe có mùi ngào ngạt từ trên không trung bay thoảng xuống. Lại theo những kinh sách và tượng Phật đều có mây lành năm sắc vờn che bên trên. Ai cũng tin là có Phật và chư thiên xuống trần.

Ít hôm sau, ngài Huyền Trang được thỉnh vào cung vua. Hoàng đế Thái Tông làm lễ thỉnh Ngài lên lầu Phụng tại thành Lạc Dương là nơi vua thường ngự. Khi kể qua việc du hành của Ngài, hoàng đế hỏi sao không thấy báo lên để triều đình giúp đỡ. Ngài đáp rằng có lẽ lúc xưa tên tuổi Ngài còn chưa ai biết đến, nên dù có gởi nhiều lá sớ mà người ta không dâng lên đến vua. Và bởi Ngài đã nguyện đi tìm đạo nên phải đánh liều mà ra đi. Vua Thái Tông khen ngợi hết lời, nói rằng nhờ Ngài chẳng quản mạng sống nên mới có thể tìm thỉnh được kinh Phật về mà cứu độ chúng sanh. Vua thật lấy làm lạ vì sa mạc mênh mông, suối sông nguy hiểm, núi non chập chùng, vạn phần nguy hiểm mà Ngài đều vượt qua khỏi và đến tận Tây phương. Vua tin rằng chắc hẳn nhờ Ngài dốc lòng tu niệm, có Phật phù trợ cho nên mới một mình vượt qua được các tai nạn trên đường, bởi xưa nay đường qua Thiên Trúc cả trăm người đi chưa thấy được năm ba người về.

Vua là một nhà chính trị giỏi. Thấy Ngài trải qua các nước, biết các giống người, vua mừng lắm vì định sẽ nhờ Ngài chỉ dạy cho về tình hình chính trị ở các nước miền Trung Á.

Trong khi giao thiệp với các vị vua chúa, Huyền Trang đã từng làm cho họ kính mến oai đức của vua Thái Tông, làm cho họ biết nước Trung Hoa là vĩ đại, phú cường. Nay về Ngài sẽ vui lòng cho vua biết những điều nghe thấy của mình.

Vua với Ngài từ đây gần gũi nhau, yêu mến nhau và thành ra hai bậc nhân tài vượt trội của Trung Hoa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/05/2011(Xem: 3418)
Dù rằng, người viết không hề tham vọng và miễn cưỡng đem các lãnh vực học thuật xã hội ra để so sánh, hoặc đem Phật pháp ra minh chứng cho các lãnh vực này. Phật pháp với đời cũng chỉ là:"ngón tay để chỉ mặt trăng"[1], hoặc chiếc bè để sang sông"[2], nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết đem lại bình an cho cuộc sống. Vậy, kinh tế, chính trị,v.v… không hẳn là Phật pháp, nhưng Phật pháp có thể bao gồm tất cả lãnh vực này. Nếu cho rằng Phật giáo là cái này hay cái kia, không khác gì người mù sờ voi! Rơi vào định kiến phiến diện đầy sai lầm! Chỉ có thể cho rằng: "Phật pháp là chân lý thực tại hay con đường thoát khổ"[3]mà thôi.
05/05/2011(Xem: 4407)
Đạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực, nhân bản, với phương châm từ bi hỷ xả xóa bỏ chấp thủ, hận thù sẽ tiếp tục sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.
28/04/2011(Xem: 5354)
Nhìn thế giới và tự nhìn mình, ta dễ có một nỗi mừng run và tri ân cuộc đời. May mắn thay, ta không rơi vào một ý thức hệ độc thần...
28/04/2011(Xem: 9400)
Đối tượng nghiên cứu của xã hội học là con người, trong khi đó, xã hội học Phật giáo có những bước nghiên cứu xa hơn không chỉ nói về con người mà còn đề cập đến các loài hữu tình khác...
11/04/2011(Xem: 17698)
Giác ngộ là sự hiểu biết đúng như thật; giải thoát là sự chấm dứt mọi phiền não khổ đau. Chỉ có sự hiểu đúng, biết đúng mới có sự an lạc và hạnh phúc...
29/03/2011(Xem: 8487)
Chúng ta điều hòa với đa nguyên tôn giáo như thế nào, điều rất cần thiết trong thế giới hiện nay, với sự quan tâm sâu sắc đến tín ngưỡng của chính chúng ta? Đức Đạt Lai Lạt Ma cống hiến giải pháp của ngài. Với nhiều tín đồ, chấp nhận tính chính đáng của những truyền thống tín ngưỡng khác đặt ra một thử thách nghiêm trọng. Để chấp nhận những tôn giáo khác là chính đáng có thể dường như làm tổn hại tính nguyên vẹn niềm tin tôn giáo của chính mình, vì nó đòi hỏi sự thu nạp những con đường tâm linh khác nhau nhưng hiệu quả.
22/03/2011(Xem: 7035)
Năm mới, nhân đọc một bài viết cũ của tác giả Nguyễn Hữu Liêm vừa mới được đăng lại trên báo điện tử Phật Giáo Việt Nam, Xuân Tân Mão 2011, nhan đề là: “Tính Không và Thượng Đế: Từ thoái trào Phật giáo đến cao trào Tin lành ở Việt nam” [1] đồng thời, có tiếng nói tương tự của một tác giả nước ngoài, Allen Carr, qua bài điểm sách với nhan đề khá... hấp dẫn:“Lên Kế Hoạch Ngày Tàn của Phật Giáo”[2], kẻ viết bài nầy xin được góp đôi lời.
20/03/2011(Xem: 11392)
Trong các vị cao tăng Trung Hoa, ngài Huyền Trang là người có công nghiệp rất lớn, đã đi khắp các nơi viếng Phật tích, những cảnh chùa lớn, quan sát và nghiên cứu rất nhiều.
18/03/2011(Xem: 4947)
Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về Phật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo, chọn lọc từ các bài diễn văn, phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
17/03/2011(Xem: 3429)
Phật giáo là một phương cách sống và cũng là một quan điểm. Hai yếu tố này đã tạo thành một đạo Phật độc nhất trên thế gian. Vậy, phương cách sống của Phật giáo là gì và bằng cách nào để Phật giáo hội nhập vào giới hiện đại?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567