Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Khảo sát thực tại

13/11/201018:02(Xem: 6121)
Khảo sát thực tại

KHẢO SÁT THỰC TẠI

Không phiêu lưu trong những thế giới luận thuyết siêu hình đạo Phật trở về thực tại, khảo sát thực tại và giải quyết vấn đề đau khổ của thực tại.

Vậy đạo Phật chú trọng hướng dẫn con người đi đến một nhận thức chân xác về thực tại để làm nền tảng cho những phương pháp thực hành nhắm mục đích giải thoát tình trạng khổ đau của con người trong thực tại và trước thực tại.

Con người khổ đau vì con người không có nhận thức chân xác về thực tại và trước thực tại. "Nguồn gốc của mọi đau khổ là vô minh", đức Phật đã lặp lại nhiều lần câu nói quan trọng đó. "Cái khổ của con lừa con lạc đà chở nặng, cái khổ của kẻ bị trôi lăn trong lục đạo chưa gọi là khổ. Ngu si không nhận thức được thực tại, không biết được hướng đi mới thật là đau khổ". (Sa di luật giải).

Tất cả những nghiệp nhân xấu ác và vụng của con người đều bắt nguồn từ vô minh, từ chỗ không nhận thức được chân tướng hiện hữu thực tại. Nhận thức sai lạc ấy được mệnh danh là biến kế chấp, và đối tượng nhận thức sai lạc ấy được mệnh danh là biến kế sở chấp.

Màn vô minh, dục vọng và tư kiến đã khiến cho trí tuệ con người yếu kém, vô năng, và vì vậy mang nặng biến kế chấp tính. Biến có nghĩa là cùng khắp tất cả; kế chấpnghĩa là nhận thức và suy tưởng sai lầm, rồi bảo thủ những nhận thức và suy tưởng sai lầm ấy. Cố nhiên khi phần nhận thức khách quan đã "sai lầm cùng khắp" như thế thì phần đối tượng nhận thức khách quan cũng không thể hiển lộ chân tướng được. Và vì vậy ta không nắm được thực tại, ta chỉ tạo trong nhận thức ta những hình bóng sai lạc méo mó về thực tại, và do đó ta hành động sai lạc để gặt lấy những nghiệp quả khổ đau.

Ví dụ tôi đi ngoài đường trong đêm tối, trong tâm trạng ngại ngùng lo âu. Tôi thấy một sợi dây thừng giữa đường. Trong tâm trạng ngại ngùng lo âu đó, tôi mất bình tĩnh, hoảng hốt cho đó là con rắn. Tôi hét lên, bỏ chạy, đâm đầu vào bụi tre, rách da, sưng trán. Vậy là thực tại "sợi dây thừng" đã bị nhận thức biến kế chấpcủa tôi biến thành con rắn, không hiển lộ được chân tướng của nó.

Kịp đến khi nghe tiếng tôi là cầu cứu, mọi người đem gậy và đuốc đèn ra, thì chẳng thấy rắn đâu, chỉ thấy sợi dây thừng. Bây giờ tôi mới đủ sáng suốt để nhận thấy sự thực dây thừng; trong trường hợp này, nhận thức của tôi hết… vô minh, hết biến kế chấp, và thực tại dây thừng được hiển lộ trong nhận thức sáng suốt ấy. Những con người phàm phu (có nghĩa là chưa đạt đến tri thức giá ngộ của thánh nhân) đều mang nặng ở nhận thức mình những lớp vô minh, dục vọng và tư kiến dày đặc khiến cho nhận thức ấy trở thành biến kế chấp và cũng do đó không thể nắm được thực tại mà chỉ biến thực tại thành những ảo tượng biến kế sở chấp, những con rắn trong tưởng tượng. Con người phải rũ bỏ vô minh, dục vọng và kiến chấp bằng học hỏi, bằng tham thiền, bằng suy tư, bằng thăng hóa để trừ diệt dần dần biến kế chấp tínhcủa nhận thức, để dần dần nắm được chân tướng của thực tại.

Đức Phật đã nhấn mạnh đến điểm này và đã khai thị cho mọi người những tính cách chân xác hiện thực của thực tại để giúp người cởi bỏ biến kế chấp tính.

Ngài trình bày cặn kẽ tính cách y tha khởicủa mọi thực tại.

Y có nghĩa là căn cứ vào, lệ thuộc vào, nương tựa vào. Tha có nghĩa là tất cả hiện tượng khác. Khởi có nghĩa là phát sinh và hiện hữu. Mọi hiện tượng đều phát sinh và hiện hữu tùy thuộc và căn cứ vào tất cả những hiện tượng khác, và như vậy là đều có y tha khởi tính.

Điều này tuy giản dị nhưng thật quan trọng.

Nhận thức thực tại trong tính cách y tha khởi của nó, ta sẽ gạt ra được không biết bao nhiêu là cố chấp sai lạc của trí thức ta. Trước hết, là những cố chấp về tính cách đồng nhất và bất biến của các hiện tượng.

Vạn vật tùy thuộc nhau mà sinh khởi và tồn tại, luôn luôn chuyển biến và có tính cách vô thường. Nhưng trong nhận thức ta chỉ có những khái niệm về những sự vật đồng nhất bất biến; mỗi khái niệm như thế được mệnh danh bằng một từ ngữ nhất định. Ví dụ từ ngữ "xe đạp của tôi". Từ ngữ này dùng để gọi một hiện tượng phát sinh trong một thời gian nào đó, tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó. Trước hết tôi nhận thấy từ ngữ "xe đạp của tôi" gợi cho tôi khái niệm về chiếc xe đạp của tôi, cả từ ngữ, cả khái niệm đều như có những khuôn khổ nhất định. Nhưng chính thực tại - chiếc xe đạp - thì không thế. Nó luôn luôn chuyển biến cho đến nỗi sau ba năm thay sườn, thay lốp, thay sên, cũ kỹ, không giống gì với chiếc xe đạp tôi mua mấy năm về trước, mà nó vẫn mang tên "xe đạp của tôi" như thường. Đó là chưa kể đến sự cắt xén của trí thức. Tôi chỉ nhận biết sự hiện hữu của chiếc xe đạp khi nó thành hình, mà không nhận biết được nó trong những nhân duyên y tha của nó. Tôi đã cắt xén, trong thời gian và không gian, một mảnh thực tại và đặt tên cho nó, đóng khuôn nó lại trong một khái niệm, trong một cái tên, trong khi chính nó, nó không hề chịu đựng được sự khuôn khổ và luôn chuyển biến trong thời gian và không gian. Trong từng sát na, sự chuyển biến được thực hiện : luôn luôn có một cái gì đang bớt đi và có một cái gì đang thêm vào. Và như vậy, không có những hiện tượng bất biến, chỉ có một thực tại bao la gồm có nhiều giòng hiện tượng hỗ tương tác động sinh khởi, bù đắp và thay thế nhau. Tri thức tôi hay cắt xén thực tại ra từng mảnh và nhận thức từng mảnh bằng từng khái niệm, hay suy tưởng bằng cách sắp xếp so sánh các mảnh khái niệm ấy. Cho nên mọi sai lạc siêu hình đều bắt nguồn từ chỗ cắt xén thực tại ra từng mảnh và đặt cho mỗi mảnh một cái tên cứng nhắc,trong khi chính thực tại thì linh động vô cùng và không thể bị cắt xén mà không biến hình. Chắp nối những mảnh cứng nhắc đó, và dựng nó thành hệ thống, tôi đã đánh mất bản lai diện mục (bộ mặt thực từ xưa đến nay) của thực tại, và đã tạo ra một bộ mặt kỳ lạ buồn cười cho thực tại. Mà như thế tôi đã không nắm được thực tại. Cái mà tôi cho là thực tại không giống gì với bản thân của thực tại cả.

Các hiện tượng trong thực tại thì linh động, chuyển biến và vì vậy, vô thường. Các hiện tượng ấy không phải bao giờ cũng như bao giờ, luôn luôn hỗ tương tác động bù đắp nhau, phút trước khác phút sau, và vì vậy, vô nga�. Ngã là tính cách đồng nhất của sự vật. Nhưng thực tại chứng minh rằng không có sự vật nào mà có tính cách đồng nhất cả : tất cả đều chuyển biến. Vì vậy khi công nhận tính cách vô thường, ta phải công nhận luôn tính cách vô ngã. Vô thường và vô ngã chỉ là một : đứng trên thời gian thì gọi vô thường, đứng trên không gian thì gọi vô ngã. Các hiện tượng vật lý sinh lý (sắc pháp) đều vô thường, vô ngã. Các hiện tượng tâm lý (tâm pháp) cũng đều vô thường, vô ngã.

Mọi nhận thức không phù hợp lý vô thường vô ngã đều sai lạc, đều xa lìa thực tại. Tất cả những hệ thống đạo đức luân lý, tất cả mọi phương pháp thực hành, cải tạo, thăng hóa và tu chứng đều phải y cứ trên nhận thức vô thường vô ngã. Nếu không, tất cả đều đưa đến thất bại bởi vì đã chống đối thực tại.

Trình bày tính cách y tha khởi của mọi thực tại, đức Phật có chủ ý đánh tan nhận thức sai lạc cố chấp của con người, trao quyền cho con người một phương pháp nhận thức thực tại cao hơn phương pháp khái niệm suy tư mang nặng tính cách lầm lạc chỉ biết cắt xén thực tại và sắp xếp những bóng dáng đã đổi hình của thực tại. Giáo lý Pháp tướng Duy Thứctrình bày những sai lạc cố hữu của nhận thức và giúp ta khảo sát thực tại trên quan điểm hiện tượng luận (point de vue phénoménologique) nhắm mục đích đả phá lối nhận thức cố chấp thường, ngã. Giáo lý Pháp Tánh Không Tuệnhắm mục đích làm cho vô lý đi (reductio ad absurdum) tất cả những khái niệm của ta về sự vật để giúp ta đạt đến một nhận thức cao hơn. Giáo lý Như Lai tạngduyên khởi cũng trình bày luật trùng trùng duyên khởi, để giúp ta thấy rõ ràng trong mộttất cả, tất cả là một và như vậy cũng nhắm đến mục đích cản ngăn không cho ta cắt xén một cách sai lạc và ngây thơ cả dòng thực tại linh hoạt đang diễn biến hiện hữu.


Những hệ thống giáo lý Bắc phương cũng như những hệ thống giáo lý Nam phương đều nhắm đến sự khai thị chân lý vô thường, vô ngã, y tha khởi, nhân duyên sinh để giúp con người lay đổ lề lối nhận thức cũ, đào luyện một khả năng nhận thức mới, hoặc gọi là nhất thiết trí, hoặc diệu quan sát trí, vô lậu trí, bát nhã trí, vô phân biệt trí… tùy theo trường hợp, đối tượng và trình độ tu chứng. Nhưng dù sao, những giáo lý ấy cũng chỉ mới có thể gây trong ta những biến động cần thiết đủ để lay đổ lề lối nhận thức cũ. Ta phải tỉnh dậy và theo sự hướng dẫn của giáo lý mà sinh hoạt để đào luyện nhận thức mới, mới mong trực nhận thực tại trong tự tính y tha khởi của nó. Không phải chỉ cần học tập kinh điển mà tự khắc có được nhận thức duyên sinh về sự vật. Chừng nào ta cảm nhận, suy tư và hành động phù hợp hoàn toàn với thực tại, chừng đó nhận thức duyên sinh mới hoàn toàn thành tựu. Còn nếu ta chỉ học hỏi và công nhận tính cách y tha khởi của vạn vật mà nhận thức và hành động ta vẫn sai lạc không phù hợp với y tha khởi tính của hiện tượng thì ta chưa có thể nói rằng ta đã chứng nghiệm chân lý y tha khởi. Ta mới "kiến tạo" chứ chưa "chứng đạo". Phải tập rèn đào luyện nhận thức, nghĩa là phải tu tập diệt mê trừ vọng hằng ngày để mỗi lúc một tiến gần thực tại, mỗi lúc một nhận thức thực tại rõ ràng hơn. Nhận thức vấn đề mà không y cứ trên nguyên lý y tha khởi và hành động phản lại với nguyên lý ấy thì ta sẽ thất bại chua cay trong cuộc đời và trên lịch trình tu chứng. Ngày nào mà ta nhìn một sự vật, suy tưởng một vấn đề, thực hiện một hành động, nhất nhất đều phù hợp với nguyên lý y tha khởi, ngày đó ta mới chứng được nguyên lý y tha khởi của thực tại.

Nói tóm lại, tất cả mọi lầm lạc về nhận thức và về hành động của chúng ta đều phát nguyên từ chỗ không thấy rõ tính cách vô thường, vô ngã, duyên sinh và y tha khởi của thực tại. Nhân sự giới muốn đẹp đẽ phải mô phỏng tự nhiên giới; mà tự nhiên giới chỉ hiển lộ khi ta không cắt xén nó, không đóng khung nó trong khái niệm và danh ngôn.

Tuy nhiên, giáo lý vẫn được chuyên chở bằng danh ngôn và khái niệm, cho nên giáo lý không thể thuyết minh được thực tại. Giáo lý dùng danh ngôn và khái niệm để lay đổ danh ngôn và khái niệm. Ta phải nhận thức được chủ đích của giáo lý mà đừng chấp chặt ở giáo lý, bởi vì "chân lý thực tại là mặt trăng, giáo lý là ngón tay chỉ mặt trăng; đừng lầm ngón tay là chính mặt trăng". Vì dù sao ta cũng nhận thức những nguyên lý vô thường vô ngã bằng khái niệm và diễn tả chúng bằng danh ngôn. Mà như vậy, ta đã có những khái niệm về thực tại. Mà đã là khái niệm tức là có cắt xén có nhãn hiệu : như thế thực tại lại cũng thoát khỏi nhận thức ta. Phải luôn luôn nhớ rằng những khái niệm vô thường, vô ngã, duyên sinh có nhiệm vụ lay đổ mọi khái niệm và như thế phải tự lay đổ cả chính chúng nữa. Khái niệm cũng như danh ngôn, trong trường hợp này, lay đổ nhau, hủy hoại nhau và tiêu diệt nhau để nhường chỗ cho một nhận thức trực giác đặc biệt, có thể tạm gọi là vô phân biệt trí hay vô lậu trí chẳng hạn. Đọc một bộ sách của Tam Luận Tông hay Duy Thức Tông chẳng hạn ta sẽ nhận thấy rõ ràng điều đó. Và nếu đạt thấu như thế, ta sẽ vượt khái niệm y tha khởi và sẽ mầu nhiệm xúc tiếp thẳng với bản thân linh động của thực tại, với tính chất viên thành thựccủa thực tại. Thực tại là thực tại, "pháp nhĩ như thị", không có tính cách biến kế sở chấp cũng không phải không có tính cách biến kế sở chấp, không có tính cách y tha khởi cũng không phải không có tính cách y tha khởi : tính cách nó là viên thành thực. Và để nhận thức hoàn hảo để cho thực tại đúng là viên thành thực, ta phải thêm như sau : thực tại không phải có tính cách viên thành thực cũng không phải không có tính cách viên thành thực, do đó nó mới hoàn toàn là thành thực. Đó là chân lý mầu nhiệm mà Kinh Kim Cương muốn diễn tả. Đó cũng là điểm cao chót vót của nhận thức luận Phật giáo.

Những điểm hết sức thiết yếu mà chúng tôi đã cố trình bày một cách giản lược như trên, có thể tìm thấy trong mọi kinh điển căn bản ở Nam tông cũng như ở Bắc tông, ở Tiểu thừa cũng như ở Đại thừa. Những hệ thống Bát nhã Duy thức, Viên giác… có vẻ hình như là đặc biệt của riêng Đại thừa giáo nhưng kỳ thực chỉ là những khai triển của giáo lý Nguyên thỉ. Những hệ thống tư tưởng ấy không nhắm mục đích nào khác hơn là trao truyền phương pháp đào luyện nhận thức giác ngộ, mà khởi điểm là thuyết minh vô thường vô ngã để lay đổ nhận thức cũ, để cuối cùng tiêu diệt luôn khái niệm vô thường vô ngã mà đi đến nhận thức viên giác vô phân biệt. Tìm học ở những kinh điển Nam tông, ta sẽ nhận thấy sự hiện diện của những tư tưởng nhân duyên, vô thường, vô ngã, duy thức, bát nhã và cả viên giác nữa. Thiền học là một đóa hoa tuyệt vời nở trên nhận thức luận Phật giáo, tổng hợp được tinh ba của tất cả hệ thống giáo lý khác biệt.

Cho nên, những kinh sách nào những giáo lý nào không chuyên chở được nhận thức luận duyên sinh và viên giác của đạo Phật thì có thể xem như là không phải của Phật giáo, và ít ra không phải của Phật giáo chính thống. Giáo lý mênh mông và rất thiên sai vạn biệt nhưng đồng nhất vị, chính là ý ấy.

Bước đầu của sự khảo sát thực tại, như thế, là nhận thức duyên sinh, tức là nhận thức vô thường, vô ngã. Câu kinh A Hàm sau đây có thể là đại diện căn bản cho tất cả các kinh điển về phương diện khai thị chân lý ấy :

"Thử hữu tắc bỉ hữu,
Thử vô tắc bỉ vô,
Thử sinh tắc bỉ sinh,
Thử diệt tắc bỉ diệt"
(Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu,
Cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu,
Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh,
Cái này hoại diệt thì cái kia hoại diệt).
Trên nhận thức duyên sinh ấy, ta thấy mọi kiến chấp về thường và ngã tan rã, mọi xây dựng tri thức lay đổ, mọi cố gắng hệ thống hóa trở nên vô nghĩa. Thực tại là thực tại nguyên vẹn linh động không thể cắt xén, không thể mệnh danh, không thể dán nhãn hiệu. Những khái niệm sinh, diệt, hữu, vô, khứ, lai, nội, ngoại đều là những kiến tạo của tri thức chủ quan sai lạc không thể được gán cho thực tại, và cả những khái niệm vô thường, vô ngã giúp ta lay đổ nhận thức lầm lạc cũ cũng phải đến phiên bị lay đổ. Và ta thấy :
"Nhất thiết pháp bất sinh,
Nhất thiết pháp bất diệt,
Nhược năng như thị giả,
Chư Phật thường hiện tiền".
(Mọi hiện tượng không sinh,
Mọi hiện tượng không diệt,
Nếu hiểu được như thế, ta sẽ thấy
Chư Phật thường hiện hữu trước mắt ta).
(bài kệ của Thiền sư Việt Nam Điều Ngự Giác Hoàng, sáng tổ của phái Thiền tông Trúc Lâm Việt Nam đời Trần).

Đến đây, viên thành thực tính của thực tại đã được hiển lộ, vì khái niệm danh ngôn đã đổ vỡ nhường chỗ cho nhận thức viên giác. Mà nhận thức được thực tại tức là thấy được chân tướng của thực tại, thấy được chư Phật, thấy được Niết Bàn. Niết Bàn chẳng có nghĩa gì khác hơn là chân tướng của thực tại. Ta vì không đạt đến chân tướng của thực tại, chỉ có thể vọng chấp được bóng dángcủa thực tại nên không thấy được Niết Bàn mà chỉ thấy luân hồi sinh tử khổ đau. Ba pháp ấn của Phật giáo là Vô Thường, Vô Ngã, Niết Bàn; khi chưa đánh đổ được nhận thức bằng khái niệm và danh ngôn, ta chỉ nhìn thấy thực tại qua vọng chấp thường, ngã. Theo sự hướng dẫn của giáo lý ta đào luyện nhận thức duyên sinh để thấy được tính cách vô thường vô ngã của thực tại, và sau đó khi đã lay đổ luôn được những khái niệm cuối cùng về vô thường vô ngã, ta sẽ trực nhận được thực tại trong tự tính Niết Bàn viên thành thực của nó. Vì vậy tuy Thường Ngã đã đành là vọng chấp, nhưng Vô Thường, Vô Ngã cũng còn là vọng chấp. Chỉ có Niết Bàn là viên thành thực. Tuy nhiên, ta phải thấy rõ rằng vọng chấp và viên giác là hai khái niệm tương thành tương lập, cả hai đều bất tương ly, cả hai là một, cả hai đều giả lập, hoặc cũng có thể nói rằng cả hai đều là thực tại. Có sự hiện hữu của Vọng chấp thực tại, tức là có sự hiện hữu của Viên giác thực tại. Nói khác hơn, nếu thế giới vô thường vô ngã hiện hữu, thì Niết Bàn cũng hiện hữu. Như thế, sinh tử với Niết Bàn là một, hoặc "Niết Bàn sinh tử thị không hoa" (cả hai thứ Niết Bàn và sinh tử đều là những hoa đốm trong hư không). Đó là chân lý mà giáo lý viên giác chủ ý diễn tả trong các kinh điển của mình,

Câu hỏi : "Có Niết Bàn không ?" và "Niết Bàn là gì ?" như thế, trở thành không quan trọng, và đôi khi ngớ ngẩn nữa.

Kinh điển Nam tông cũng nói đến thực tướng viên giác bất ly thế giới sinh tử :

"Phải có thực thể không sinh không diệt; bởi vì nếu không có thực thể không sinh không diệt ấy thì do đâu mà các hiện tượng có sinh có diệt ?" - (Kinh A Hàm).

Như vậy ta nhận thấy dù ở Bắc tông hay Nam tông, giáo lý Phật giáo đều chú trọng đặc biệt đến vấn đề khảo sát thực tại, đều trao truyền những phương pháp hướng dẫn diệt trừ mê vọng, giúp con người thoát bỏ nhận thức nông cạn và sai lạc để đạt đến nhận thức giác ngộ viên minh. Nhận thức càng chân xác thì hành động càng chân xác; trên quá trình nhận thức và hành động (quá trình tri, hành) con người diệt trừ dần dần đau khổ và thất bại, kiến tạo cho mình một nếp sống phù hợp chân lý, an lạc, hạnh phúc và sáng tỏ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/05/2011(Xem: 3330)
Dù rằng, người viết không hề tham vọng và miễn cưỡng đem các lãnh vực học thuật xã hội ra để so sánh, hoặc đem Phật pháp ra minh chứng cho các lãnh vực này. Phật pháp với đời cũng chỉ là:"ngón tay để chỉ mặt trăng"[1], hoặc chiếc bè để sang sông"[2], nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết đem lại bình an cho cuộc sống. Vậy, kinh tế, chính trị,v.v… không hẳn là Phật pháp, nhưng Phật pháp có thể bao gồm tất cả lãnh vực này. Nếu cho rằng Phật giáo là cái này hay cái kia, không khác gì người mù sờ voi! Rơi vào định kiến phiến diện đầy sai lầm! Chỉ có thể cho rằng: "Phật pháp là chân lý thực tại hay con đường thoát khổ"[3]mà thôi.
05/05/2011(Xem: 4334)
Đạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực, nhân bản, với phương châm từ bi hỷ xả xóa bỏ chấp thủ, hận thù sẽ tiếp tục sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.
28/04/2011(Xem: 5270)
Nhìn thế giới và tự nhìn mình, ta dễ có một nỗi mừng run và tri ân cuộc đời. May mắn thay, ta không rơi vào một ý thức hệ độc thần...
28/04/2011(Xem: 9359)
Đối tượng nghiên cứu của xã hội học là con người, trong khi đó, xã hội học Phật giáo có những bước nghiên cứu xa hơn không chỉ nói về con người mà còn đề cập đến các loài hữu tình khác...
11/04/2011(Xem: 17569)
Giác ngộ là sự hiểu biết đúng như thật; giải thoát là sự chấm dứt mọi phiền não khổ đau. Chỉ có sự hiểu đúng, biết đúng mới có sự an lạc và hạnh phúc...
29/03/2011(Xem: 8422)
Chúng ta điều hòa với đa nguyên tôn giáo như thế nào, điều rất cần thiết trong thế giới hiện nay, với sự quan tâm sâu sắc đến tín ngưỡng của chính chúng ta? Đức Đạt Lai Lạt Ma cống hiến giải pháp của ngài. Với nhiều tín đồ, chấp nhận tính chính đáng của những truyền thống tín ngưỡng khác đặt ra một thử thách nghiêm trọng. Để chấp nhận những tôn giáo khác là chính đáng có thể dường như làm tổn hại tính nguyên vẹn niềm tin tôn giáo của chính mình, vì nó đòi hỏi sự thu nạp những con đường tâm linh khác nhau nhưng hiệu quả.
22/03/2011(Xem: 6979)
Năm mới, nhân đọc một bài viết cũ của tác giả Nguyễn Hữu Liêm vừa mới được đăng lại trên báo điện tử Phật Giáo Việt Nam, Xuân Tân Mão 2011, nhan đề là: “Tính Không và Thượng Đế: Từ thoái trào Phật giáo đến cao trào Tin lành ở Việt nam” [1] đồng thời, có tiếng nói tương tự của một tác giả nước ngoài, Allen Carr, qua bài điểm sách với nhan đề khá... hấp dẫn:“Lên Kế Hoạch Ngày Tàn của Phật Giáo”[2], kẻ viết bài nầy xin được góp đôi lời.
20/03/2011(Xem: 11289)
Trong các vị cao tăng Trung Hoa, ngài Huyền Trang là người có công nghiệp rất lớn, đã đi khắp các nơi viếng Phật tích, những cảnh chùa lớn, quan sát và nghiên cứu rất nhiều.
18/03/2011(Xem: 4915)
Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về Phật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo, chọn lọc từ các bài diễn văn, phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma.
17/03/2011(Xem: 3397)
Phật giáo là một phương cách sống và cũng là một quan điểm. Hai yếu tố này đã tạo thành một đạo Phật độc nhất trên thế gian. Vậy, phương cách sống của Phật giáo là gì và bằng cách nào để Phật giáo hội nhập vào giới hiện đại?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567