Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mối quan hệ giữa tu sĩ và cư sĩ

16/11/201203:47(Xem: 5210)
Mối quan hệ giữa tu sĩ và cư sĩ

MỐI QUAN HỆ GIỮA TU SĨ VÀ CƯ SĨ

Hoằng Quảng

vua_bimbisara_quy_kinh_duc_phatSau khi Thế Tôn nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính tùy thuận bậc Đạo Sư; sống cung kính tùy thuận pháp; sống cung kính tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận học pháp; sống cung kính tùy thuận không phóng dật; sống cung kính tùy thuận tiếp đón. Đây là nhân, đây là duyên, sau khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài(1).

Từ dĩa bánh mật do hai anh em Tapussa và Bhallika phụng cúng sau khi Đức Phật thành đạo(2), cho đến bữa cơm của chàng thợ rèn Cunda trước khi Như Lai nhập Niết bàn(3); đã xác tín rằng, có sự liên hệ hỗ tương giữa hàng tại gia và đời sống của những bậc xuất thế. Trên phương diện lịch sử, mối quan hệ này xuất hiện trước khi Phật giáo ra đời và tồn tại đến ngày nay trong nhiều dạng thức tín ngưỡng, tôn giáo. Ở đây, với tâm và tuệ siêu việt, Đức Phật đã tiếp biến và thiết định lại mối quan hệ này theo những chuẩn mực đặc thù.

Trong các chúng đệ tử Phật, chúng tại gia có một số lượng đông đảo và giữ vai trò quan trọng, thậm chí ảnh hưởng đến sự tồn vong của Phật giáo nói chung. Theo Hajime Nakamura, sự kiện chúng tại gia xuất hiện trước chúng xuất gia có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì ngay cả khi không có một đệ tử xuất gia nào cả, một bậc xuất sĩ vẫn có thể an ổn sống đời tu hành(4). Đây là quan hệ tương thuộc lẫn nhau và diễn ra trên cơ sở tự nguyện. Ở một nghĩa nào đó thì sự hưng thịnh của Phật giáo các thời kỳ cũng đồng nghĩa với sự phát triển mối quan hệ giữa tu sĩ và cư sĩ.

Mặc dù giữa hai bộ phận này khác nhau về thứ bậc, phẩm vị và trách nhiệm tự thân; tuy nhiên trên phương diện giữ gìn sinh mệnh Phật giáo ở nghĩa rộng nhất có thể, thì tu sĩ và cư sĩ đều chung vai gánh vác sứ mệnh thiêng liêng đó bằng những điều kiện và khả năng riêng có của mình. Hướng tiếp cận đề tài phát xuất từ giác độ đó.

Về người cư sĩ

Điều kiện căn bản để trở thành người cư sĩ là phải quy y Tam bảo. Khẳng định này được xác quyết bởi kinh Tăng chi(5)và cả kinh Tương ưng(6). Xét về liên hệ cội nguồn, người tu sĩ là tiền đề để người cư sĩ hiện hành. Như vậy, từ định nghĩa cho thấy, không có người tu sĩ thì không có người cư sĩ, và đây cũng là điểm đặc thù giữa cư sĩ Phật giáo với người tại gia nói chung.

Sau khi phát nguyện quy y Tam bảo, trở thành người cư sĩ, ngoài việc hoàn thiện đạo đức tự thân như tuân giữ năm giới và thực hành các thiện pháp; người cư sĩ còn có những trách vụ hỗ tương trong mối liên hệ với những người xuất gia mà ở đây, gọi tắt là tu sĩ.

Theo Đức Phật, một người cư sĩ chân chính phải sống có trách nhiệm với chính mình, với cha mẹ, vợ con, người làm công, thân hữu và các bậc tu hành, trưởng thượng(7). Sự chu toàn về sáu trách nhiệm vừa nêu là chuẩn mực đạo đức lý tưởng của một người cư sĩ. Ở đây, theo kinh Bổn phận người gia chủ(8),Đức Phật dạy rằng, người cư sĩ nếu đủ phước, đủ duyên thì nên hộ trì các bậc xuất gia phạm hạnh về các nhu cầu sống thiết yếu, trên cơ sở của tự nguyện và tùy duyên.

Với người cư sĩ, dù thân phận và địa vị có khác biệt nhau nhưng nếu như có tâm, thì vẫn có thể yểm trợ các điều kiện sinh hoạt cho Tăng-già. Trong lịch sử kiến tạo đạo tràng, kinh điển đã lưu dấu công đức của những cư sĩ vang danh thời Phật như thương gia Anathapindika(9), tín nữ Visakha(10), hay quốc vương Bimbisara(11)cho đến nàng kỹ nữ Ambapali(12). Thậm chí, ngay như một người thợ gốm Ghatikara nghèo khó vẫn sẵn lòng tháo dỡ mái tranh của mình để tu sửa ngôi thất lá bị dột của Đức Phật Kassapa(13). Sự hỗ trợ không gian tu là một trong những sự yểm trợ quan trọng được Đức Phật tán thán: Ai cho chỗ trú xứ, kẻ ấy cho tất cả(14).

Ngoài việc yểm trợ không gian tu, tùy theo điều kiện, người cư sĩ có thể phụ giúp chăm lo các điều kiện y tế, phương tiện đi lại và các điều kiện sinh hoạt tế nhị khác cho người xuất gia. Đơn cử như bà Visakha, vì thấy các vị Tỳ-kheo-ni gặp bất tiện trong việc tắm giặt nên đã phát nguyện suốt đời cúng y tắm mưa cho chư ni(15). Chuyện cư sĩ Jivaka chữa bệnh đầy hơi, khó tiêu cho Đức Phật(!6), chuyện cư sĩ cúng giày cho Đức Phật và chúng Tăng khi đi lại trên những vùng khó khăn(17)...

Theo kinh điển, buông xả là một chuẩn mực đạo đức của người cư sĩ. Cúng dường người xuất gia là một trong những cách thức thể nghiệm tâm buông xả. Hơn nữa, đã là một người đệ tử Phật, thì phải có trách nhiệm đến sự suy vong hay phát triển của đạo pháp. Sự hiện hữu của người xuất gia là sự hiện hữu của Tam bảo. Góp duyên để người xuất gia hoàn thành sứ mạng thiêng liêng đồng nghĩa với hạnh nguyện hộ pháp. Đây chính là phương diện tích cực trong trách vụ hỗ trợ người xuất gia.

Mặt khác, việc yểm trợ cho người xuất gia cũng là phương cách để dành năng lượng tâm linh tích cực, bồi bổ cho chuỗi sinh mệnh của chính mình. Vì chư Tăng chính là thửa ruộng; cho người cầu công đức(18). Từ những ý nghĩa đó, cho nên việc hỗ tương, yểm trợ về nhiều mặt cho người tu sĩ trong điều kiện khả dĩ của mình, là một sứ mạng quan trọng của người cư sĩ tại gia.

Qua khảo sát kinh, luật ở hệ thống Nikaya, cho thấy sự hỗ trợ của người cư sĩ đối với hàng xuất gia phần lớn giới hạn ở điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt và những phẩm vật đó là kết quả của quá trìnhthâu hoạch đúng pháp(19).

Trường hợp của nữ cư sĩ Mātikamātā được ghi lại trong Tích truyện Pháp cúlà một gợi ý tham khảo về người cư sĩ, dù đã chứng đắc thánh quả, nhưng vẫn hỗ trợ chư Tăng trong bốn món cần dùng(20). Chuyện kể rằng, nữ cư sĩ Mātikamātā phát nguyện hộ trì sáu mươi vị Tăng trong ba tháng an cư. Sau khi nghe pháp quán về ba mươi hai yếu tố về thân từ các vị này, bà miên mật hành trì và chứng đệ tam thánh quả trước cả những vị Tỳ-kheo mà bà đang phát nguyện hộ trì. Với sự hỗ trợ của tứ thông và những phép thần túc tương ứng, nữ cư sĩ biết được thể trạng, tâm tư của từng vị Tỳ-kheo và hỗ trợ các điều kiện vật chất như mong mỏi của các vị ấy. Kết thúc mùa an cư, cả sáu mươi vị Tỳ-kheo đều chứng đắc thánh quả A-la-hán.

Từ đây có thể thấy, dù chứng đắc Thánh quả, nhưng sự hỗ trợ cho chư Tăng của nữ cư sĩ vẫn khu biệt ở các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt. Trong một vài trường hợp đặc biệt, sự hỗ trợ của cư sĩ đối với hàng ngũ xuất gia liên quan đến đạo đức cá nhân, pháp thức tu tập hoặc kết tập kinh điển chỉ xuất hiện với những vị cư sĩ thượng căn, thượng trí, có tâm và tuệ vững vàng(21). Từ đây đã gợi mở ra những giới hạn, cũng như phương thức hỗ tương nhu nhuyến giữa cư sĩ đối với hàng xuất gia.

Bên cạnh đó, việc yểm trợ người xuất gia thì không nên giới hạn ở một vị tu sĩ cụ thể hay dựa vào sự thân quen. Vì Tăng là đoàn thể. Phải buông bỏ ý thức đây là thầy mình, kia là thầy xa lạ mà phải giữ tâm bình đẳng trong khi dâng cúng phẩm cho chư Tăng. Câu chuyện bà Gotami cúng y cho Đức Phật và được Phật yêu cầu bà cúng cho Tăng chúng là một minh chứng cho trường hợp này(22). Đây cũng là một lưu ý quan trọng về nguyên tắc yểm trợ chư Tăng.

Kế đến, việc phụng sự chư Tăng phải đi liền với tâm hoan hỷ. Vì khi cúng dường với tâm hoan hỷ, thì dù cúng phẩm nhỏ nhoi nhưng vẫn có ý nghĩa lớn(23). Và hơn thế, Đức Phật sẽ không nói lời tùy hỷ với các thí chủ, dù đó là nhà vua, nếu như không có tâm cung kính và sự gia tâm(24). Nhận thức đúng về các điều này là những định hướng quan trọng cho người cư sĩ, trong thiện hạnh yểm trợ người xuất gia.

Về người tu sĩ

Tu sĩ Phật giáo là người từ bỏ đời sống thế tục, nên cũng còn gọi là người xuất gia, sống trong những chuẩn mực đạo đức và hành trì theo những pháp môn đã được Đức Phật thiết định. Sự hiện hữu của hình bóng tu sĩ đúng nghĩa là sự hiện hữu của Phật pháp.

Đó là câu chuyện của ngài Xá Lợi Phất khi trông thấy đạo phong trang nghiêm của Tôn giả Assājiđã cảm sinh lòng quy ngưỡng Phật pháp, làm nhân duyên ban đầu để được Phật hóa độ(25). Xem ra, trang nghiêm tự thân đôi khi cũng là nhân duyên để đưa người quy ngưỡng Tam bảo.

Trong mối quan hệ với người cư sĩ của hàng xuất gia, hoạt động khất thực được Đức Phật dành nhiều quan tâm, chú trọng vì từ hoạt động này làm nảy sinh ra nhiều vấn đề quan thiết. Xuất phát từ thực tế chúng sanh tồn tại là nhờ vật thực(26); cũng vậy, người xuất gia cũng phải dựa vào thức ăn để sống, để chuyển hóa bản thân cũng như giáo hóa người. Muốn sống thì phải khất thực, xin ăn. Với người xuất gia theo kinh tạng Nikaya, chất lượng vật thực không là vấn đề quan ngại. Vì, người tu sĩ thọ dụng món ăn khất thực nhằmđể hỗ trợ phạm hạnh(27).

Ngay như bản thân Đức Phật, trong ba tháng an cư ở vùng Veranja, do sơ suất của người phát nguyện hộ trì, Ngài đã phải thọ dụng nước lã và cám rang(28). Câu chuyện của ngài Maha Kassapa khi nhận cúng phẩm từ người cùi là một sự thực rúng động. Theo tự thuật, Tôn giả Maha Kassapa vào thành khất thực, ngang qua một người cùi với bàn tay lở loét. Kẻ ấy phát nguyện cúng cho tôn giả một muỗng cơm, ngay khi bỏ muỗng cơm vào bát của tôn giả, ngón tay cùi kia bị đứt ra và cùng rơi vào trong bát. Tôn giả thọ dụng tất cả những gì người cùi đã hỷ cúng mà không sanh một chút ghê tởm nào(29). Sự kiện đó đã cho thấy, bậc xuất sĩ lý tưởng luôn hoan hỷ và an vui với những gì nhận được.

Cần phải thấy, hoạt động khất thực vừa là phương cách duy trì sự sống cho người tu sĩ vừa là phương tiện để hóa độ những ai hữu duyên. Phải ý thức rằng, không phải ai xin ăn, cũng gọi là khất sĩ(30). Vì khất thực là cả một nghệ thuật tinh tế. Kinh Tương ưngđã ghi lại lời căn dặn của Đức Phật đối với các Tỳ-kheo khi đi khất thực: Này các Tỳ-kheo, hãy giống như mặt trăng khi đi đến các gia đình, thân phải dè dặt, tâm phải dè dặt, luôn luôn là người mới giữa các gia đình, không có đường đột xông xáo(31).

Hoạt động khất thực của người xuất gia khác với kẻ ăn xin ở chỗ là không cầu cạnh, xin xỏ(32), vì người xuất gia lấy việc khất thực làm hạnh tu, là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống(33).Hình ảnh vị xuất sĩ ôm bát đứng tĩnh lặng trước từng nhà trong một khoảng thời gian vừa phải, là biểu tượng thanh thoát, an nhiên. Do không phải cất lời xin xỏ, nên dù không có gì để cúng, thì người cư sĩ cũng không bị ái ngại, buồn lòng. Ý nghĩa biểu tượng của hành trạng khất thực đặc thù ở điểm ấy. Không những thế, tâm thế khi nhận vật phẩm của tu sĩ thời Phật cũng rất thanh cao, khác biệt với việc xin ăn của người thường tục. Theo kinh Trung bộ, những thiết định về nhận vật phẩm rất chi tiết và rõ ràng: không nhận từ hai người đang ăn, không nhận từ người đàn bà có thai, không nhận từ người đàn bà đang cho con bú… không nhận tại chỗ có chó đứng, không nhận tại chỗ có ruồi bu(34).

Mục đích của những quy định khắt khe đó nhằm thể hiện tính không thương tổn đến đối tượng được khất thực, dù đó là một đứa trẻ, một con chó hay một con ruồi. Phần duyên khởi của chuyện tiền thân Đức Phật số 137 kể lại rằng, vì lo phụ mẹ làm bánh cúng dường Tỳ-kheo mà nàng cư sĩ Kānā bị chồng chối bỏ(35). Rúng động hơn, đó là chuyện nữ cư sĩ Suppiya do vì không tìm được dược liệu thích hợp, đã tự cắt thịt đùi làm thuốc để chữa bệnh cho một vị Tỳ-kheo(36). Do đó, Phật dạy rằng cần phải cân nhắc khi thọ dụng cúng phẩm, phải xét xem cúng phẩm đó có gây đau khổ cho ai không thì mới được thọ dụng. Không cân nhắc, thẩm sát trước khi thọ dụng vật phẩm cúng dường là hành động tự sát, giống như kẻ ngậm con súc sắc đã bị tẩm độc(37).

Trong hành hoạt của người xuất gia, việc tương giao với người cư sĩ dù đó là thứ dân hay vua chúa thì phải hết sức cẩn trọng. Trong khi liên hệ với các bậc vương quyền, người xuất gia cần phải chiêm nghiệm mười điều nguy hiểm được Đức Phật cảnh báo(38). Trong quan hệ với người thường dân, kinh Tăng chi đã liệt kê năm nguyên tắc mà hàng xuất gia không nên làm(39). Đó chính là không thân mật với người không thân tín;nếu người cư sĩ không đảm bảo độ tin cậy thì không nên thiết lập quan hệ sâu sắc, không nên ký thác cho họ những công việc quan trọng. Thứ hai, khôngcan thiệp vào việc không có thẩm quyền;người tại gia hay gặp phải nhiều vấn đề phức tạp và đôi khi họ xin ý kiến, trong trường hợp không đủ chuyên môn thì vị tu sĩ không nên góp ý, can thiệp. Thứ ba, không ra vào với các phần tử chống đối; bởi nếu như giữ liên lạc với những người này thì dễ rơi vào tư tưởng phe, nhóm tạo ra những oán kết không đáng có đối với người xuất gia. Thứ tư, không nói một bên tai; đó là hành vi khuất tất, người xuất gia tâm, hành luôn quang minh chính đại, không có điều gì cần phải che giấu, cho nên không cần thiết phải nói với riêng ai. Thứ năm, không xin quá nhiều;xin xỏ đã là một hành xử không phù hợp với giới luật của người xuất gia, và xin xỏ quá nhiều cũng là điều không hợp lẽ. Vì việc xin xỏ quá nhiều làm thối thất tâm bồ-đề của người cư sĩ tại gia. Hành động đó, Đức Phật chê trách và gọi rằng đó là hành động vắt sữa bò cho đến khô kiệt(40).

Về phương diện hóa độ, việc khất thực thức ăn đôi khi cũng là một pháp thức chuyển hóa người hữu hiệu. Đó là câu chuyện ngài Moggalana độ ông trọc phú keo kiệt(41). Chuyện kể rằng, ông ta muốn ăn bánh bột chiên nên bảo vợ con lên lầu cao làm bánh để khỏi chia sẻ cho ai. Quán xét nhân duyên vị cư sĩ này đến thời khai ngộ, Đức Phật cử ngài Moggalana hóa hiện thần thông ôm bát hóa duyên ngoài không trung, gần cửa lầu vị cư sĩ. Vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi và sau vài hóa hiện thần thông của Tôn giả Moggalana, vị trọc phú đã quy ngưỡng Tam bảo.

Ở một phương diện khác, chính bản thân Đức Phật ôm bát hóa độ Bà-la-môn Kasibhāradvājakhi vị này đang phân phát thức ăn cho những người cày ruộng. Khi bị Bà-la-môn cật vấn Ngài không cày ruộng thì lấy gì nuôi thân? Đức Phật khẳng định rằng, Ngài vẫn cày ruộng đó thôi. Cách làm ruộng của Ngài lấy lòng tin là hột giống, khổ hạnh là cơn mưa, trí tuệ đối với Ta, là ách và lưỡi cày, xấu hổ là cán cày, ý là sợi dây buộc, và niệm đối với Ta, là lưỡi cày, gậy thúc(42).Sau cuộc hội thoại, Bà-la-mônKasibhāradvājaxác tín rằng: Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!Không lâu sau đó, vị này đã xuất gia và chứng quả A-la-hán.

Có thể nói, trách vụ quan trọng của người xuất gia trong mối liên hệ với người cư sĩ là giảng dạy và hóa độ họ. Đây chính là sứ mạng chính yếu của người xuất gia. Đọc kinh Giáo giới Phú Lâu Na(43), chúng ta có thể hình dung ra sứ mạng giáo hóa chúng sanh, bất kể nghiệp dĩ họ còn nặng nề là một sứ mạng thiêng liêng mà hàng xuất gia cần phải gánh vác. Theo kinh, Đức Phật đã đưa ra rất nhiều giả định, thậm chí phải mất mạng trong khi hoằng pháp, nhưng Tôn giả Phú Lâu Na vẫn kiên định hạnh nguyện dấn thân giáo hóa cho dân chúng xứ Sunaparanta. Với tâm lực và hạnh nguyện phi phàm đó, Tôn giả Phú Lâu Na chỉ trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp được khoảng năm trăm nam cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp độ khoảng năm trăm nữ cư sĩ(44). Câu chuyện là một bản trường ca về tinh thần giáo hóa không nề hà khó nhọc của người tu sĩ.

Một sự tương tác quan trọng kế tiếp giữa hàng xuất gia đó chính là tác thành giới thể cho người cư sĩ. Nếu như người cư sĩ có thể tự mình tiếp cận kinh điển, giáo pháp bằng cách này hay cách khác nhưng đối với giới pháp hành trì thì cần phải nương tựa vào chư Tăng, do chư Tăng tác pháp truyền thọ. Vì ngay trong định nghĩa của người cư sĩ đã nêu dẫn ở phần trên, yếu tố nương tựa Tăng bảo là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để người cư sĩ có mặt, định hình. Trường hợp quy y Tam bảo với số lượng đông đảo lên đến 600.000 người trong lịch sử cận hiện đại tại Ấn Độ do B.R. Ambedkar khởi xướng, là một ví dụ điển hình. Vì lẽ, mặc dù khá am tường kinh điển và là lãnh đạo tinh thần của nhiều người nghèo khó, nhưng khi tổ chức đại lễ quy y, B.R. Ambedkar đã phải cung thỉnh Hòa thượng Bhadant U.Chandramani truyền Tam quy và Ngũ giới cho mình và hội chúng(45).

Theo kinh Ưu-bà-tắc giới,việc thọ trì Năm giới hoặc Tám giới Bát quan trai của người cư sĩ đều được truyền thụ trực tiếp từ hàng ngũ xuất gia(46). Trường hợp tự phát nguyện thọ giới, dù đó là giới Bát quan trai chúng tôi chưa tìm thấy trong kinh văn chính thống.

Trên bước đường độ sinh, đôi khi người xuất gia phải tiếp cận với những hạng người còn cứng cỏi, chưa thuần thục hay chính xác hơn là chưa phải là người cư sĩ đúng nghĩa. Trong trường hợp này, cần phải thẩm sát kỹ lưỡng về khả năng của mình và cơ duyên của họ. Đôi khi có những trường hợp, dù cúng dường vật phẩm, nhưng thái độ của họ không như pháp thì không nên thọ nhận. Trong kinh Tăng chi, Phật nêu ra tám trường hợp mà ở đây là những trường hợp tiêu biểu: họ không hoan hỷ khi thấy Tỳ-kheo,không cẩn thận, không chu đáo khi cúng dường thức ăn, họ cho đồ hư xấu và không thích nghe pháp(47).

Gặp phải những trường hợp này, Phật khuyến khích Tỳ-kheo nếu chưa đến thời không nên đến, nếu đã đến thời không nên ngồi xuống(48).Tuy khất thực xin ăn nhưng phẩm hạnh Tỳ-kheo vẫn cao chất ngất, bởi bàng bạc trên mỗi bước chân hoằng hóa là thái độ vô cầu. Và, đã hóa độ thì tùy duyên, khi duyên chưa chín thì không nên gượng ép vậy.

Vài suy niệm về mối liên hệ giữa cư sĩ và tu sĩ

Cả cư sĩ và chư Tăng đều là đệ tử Phật, chỉ khác chăng là dung nghi, hoàn cảnh sống, mức độ tu tập, giới pháp hành trì và khả năng tâm linh. Cả hai chúng đệ tử này có sự liên hệ, hỗ trợ với nhau chặt chẽ. Sự tăng trưởng hoặc ngược lại của bộ phận này đều có sự tác động, ảnh hưởng đến bộ phận kia; xét về mức độ sâu xa thì đôi khi còn ảnh hưởng tới sự phát triển hay suy vong của Phật giáo.

Trong vai trò của mình, ngoài trách vụ hỗ trợ hàng xuất gia về các điều kiện sống, người cư sĩ còn có trách nhiệm tương hỗ, bảo vệ hình ảnh người xuất gia. Thậm chí trong một vài trường hợp người xuất gia bộc lộ tính chất yếu kém, sơ suất về phương diện giới luật thì người cư sĩ tùy theo hoàn cảnh của mình mà có sự trợ duyên cần thiết. Trợ duyên trong những trường hợp đặc biệt này không đồng nghĩa là sự bao che, mà chính là bảo hộ và bảo bọc với tâm thương yêu và sự thấu hiểu, để rồi đề đạt với chư Tăng ở phẩm vị cao hơn định liệu.

Cư sĩ không nên can thiệp quá sâu vào việc của người tu sĩ. Xuất phát từ thực tế, có những người cư sĩ nhân danh việc bảo hộ chư Tăng, trùng hưng Tam bảo, nhưng do chưa thoát khỏi sân tâm, chưa kiểm soát được tự ngã, chưa vững chãi về trí tuệ thẩm sát; nên việc làm của họ tuy mang danh là hộ pháp, nhưng thực tế thì gần với nghĩa là phá đạo hơn. Chuyện đứa con đuổi ruồi nhưng sơ ý làm người mẹ chết, được Đức Phật kể lại trong kinh Tiểu bộ(49)là những gợi ý tham khảo về việc này.

Trong giai đoạn gần đây, qua một số kênh truyền thông đại chúng, đã có một số trường hợp, chưa rõ đó có phải là người cư sĩ hay không, bằng những ngôn ngữ khô cứng, đã góp ý vào những việc chuyên sâu, liên quan đến phẩm hạnh của Tăng. Theo như Nho gia, từ câu chuyện của Huệ Tử và Trang Tử(50), thì người đứng bên ngoài, khó có thể biết được cái lo hay cái buồn của cá. Theo Phật giáo, là ngoại nhân, thì khó có thể nhận hiểu đầy đủ việc của hàng xuất gia, vì không thể căn cứ vào hiện tượng để quy kết bản chất. Đó cũng là điều được Phật dạy trong kinh Tương ưng: phải cộng trú mới biết được giới đức của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ(51). Hơn thế nữa, căn cứ từ lịch sử kinh, luật, những việc làm vừa nêu quá xa với vai trò của một người cư sĩ lý tưởng, theo chuẩn mực Phật dạy.

Do vậy, người cư sĩ cần phải thẩm sát thật sâu tâm và tuệ của mình trước khi dấn thân thực hiện hạnh nguyện cao cả đó. Vì lẽ, xét trong mối quan hệ giữa cư sĩ và chư Tăng thì tâm thế bảo vệ hình ảnh chư Tăng là bảo vệ cho chính hàng cư sĩ. Di ngôn các con phải hoan hỷ với nhau như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm(52)được Đức Phật lập lại trong nhiều trang kinh, vì đây cũng là cơ sở để giáo pháp được tồn tại lâu dài(53).

Trên phương diện ngược lại, người xuất gia phải nâng đỡ hàng cư sĩ như những người con, em trong gia đình Chánh pháp, phải kiên nhẫn trong bước đầu hướng dẫn họ. Không trách cứ khi họ sai lầm, miễn làm sao họ tiến triển trong Chánh pháp là được. Không ỷ lại vì đã giúp người cư sĩ trong một vài nghi sự tang, hôn. Sự trưởng thành trong nhận thức về Chánh pháp, sự vững chãi về phương diện đạo đức tự thân, sự tiến triển về tâm linh của người cư sĩ có liên quan thâm thiết đến vai trò của hàng xuất gia.

Người xuất gia phải phát nguyện mạnh mẽ trong việc giáo hóa người cư sĩ như Tỳ-kheo Abhibhu khi đứng ở cõi trời Phạm thiên: Hãy đứng dậy, lên đường/ Hãy dấn thân Phật giáo(54).Ở đâu người cư sĩ có nhu cầu học Phật, thì hàng xuất gia nên phát nguyện dấn thân. Trong thực tiễn thời nay, với những nhu cầu của hàng cư sĩ như cưới gả, ma chay; hàng xuất gia phải xem đó như là cơ duyên để tùy duyên hóa độ mà không nên đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Đi cúng để họ đến với đạo, thâm tín trong Chánh pháp chứ không phải là dịp để mong họ tạ ơn. Phải trầm tư thêm lời dạy của Đức Phật trong kinh Tập:Ta không hưởng vật dụng, do tụng kệ đem lại, đây không phải là pháp, của bậc có chánh kiến(55).

Về phương diện tiếp thụ và sử dụng vật phẩm do người cư sĩ hiến cúng, người xuất gia nên giữ tâm bình đẳng trước mọi phẩm vật cúng dường. Không dính mắc vào tính chất của cúng phẩm, đó là thái độ cần có của một bậc xuất gia, vì Tỳ-kheo như giọt nước, không dính trên lá sen(56).Kinh điển ghi lại rất nhiều trường hợp hàng cư sĩ cúng Đức Phật những món trân quý, từ nhà cửa, đất đai cho đến vật dụng quý báu, Đức Phật vẫn hoan hỷ tiếp thụ và tùy nghi xử lý. Chuyện ngài A Nan được cúng năm trăm chiếc y làm cho vua Udena bàng hoàng và cả kinh thành xôn xao. Khi tiếp cận và được biết: tất cả các Sa-môn Thích tử này xử sự hợp lý, không phung phí kiểu trưởng giả(57), vua Udena rất hoan hỷ phát nguyện cúng thêm năm trăm chiếc y.

Xem ra việc thọ nhận vật cao sang và khéo léo xử lý là chuyện thường nhật từ khi Phật giáo có mặt trên đời này. Trên phương diện ngược lại, theo Đức Phật, sự tằn tiện, sử dụng vật buông bỏ, phế thải chưa hẳn đã nói lên đạo hạnh của một con người. Cullavaggaghi lại chuyện một Tỳ-kheo tận dụng cái đầu lâu khô trong nghĩa địa làm bát đựng thức ăn, bị Đức Phật cấm chỉ và ban lời huấn thị: Này các Tỳ-kheo, không nên sinh tồn chỉ nhờ vào các vật bị quăng bỏ(58).Thong dong giữa sự sang trọng của cúng phẩm hay dung dị với vật dụng giản tiện, đơn sơ là hành xử căn bản của người xuất gia.

Cần phải thấy, cư sĩ và tu sĩ là những người con ưu tú của Đức Phật, nếu cả hai trang nghiêm tự thân và hoàn thành những trách vụ đã được phân định, thuận thảo và thương nhau bằng con mắt tuệ; thì Đức Phật sẽ mỉm cười hoan hỷ, vì biết rằng, ngọn đèn sinh mệnh Phật giáo vẫn được duy trì và thắp sáng.

Chú thích

(1) Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm chư Thiên, kinh Tôn giả Kimbila.

(2) Mahacagga, Chương trọng yếu, Tụng phẩm thứ nhất, Câu chuyện về các thương buôn Tapussa và Bhallika.

(3) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết bàn,số 16, Tụng phẩm IV.

(4) Xem, Hajime Nakamura, Đức Phật Gotama, một tiểu sử căn cứ vào những bản kinh uy tín nhất,Trần Phương Lan dịch, NXB. Phương Đông, 2011, tr 323.

(5) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama.

(6) Kinh Tương ung, tập V, thiên Đại phẩm, chương XI, Tương ưng dự lưu, phần b, phẩm Phước đức sung mãn, kinh Mahanama.

(7) Kinh Tương ưng, tập 1, chương Ba, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Không con.

(8) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Bổn phận người gia chủ.

(9) Nam thí chủ cúng dường tinh xá Jetavana.

(10) Nữ thí chủ cúng dường Lộc Mẫu giảng đường (Migaramatu)

(11) Vua Magadha cúng dường Trúc Lâm tinh xá (Veluvana). Xem thêm:Mahavagga, chương trọng yếu, thứ nhất, tụng phẩm thứ tư, Sự cúng dường Veluvana, đoạn 64.

(12) Nàng kỹ nữ cúng dường vườn xoài làm nơi trú ngụ cho tứ phương Tăng. Xem thêm: Mahavagga, chương Dược phẩm, thứ 6, tụng phẩm thứ Ba, Sự cúng dường vườn xoài,đoạn 77.

(13)Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Ghatikara,số 81.

(14)Kinh Tương ưng, tập 1, Tương ưng chư Thiên, phẩm thiêu cháy, kinh Cho gì?.

(15)Mahavagga, chương Y phục, thứ 8, tụng phẩm thứ nhì, Câu chuyện bà Visakha mẹ của Migara xin dâng tám vật trọn đời,đoạn 153. Xem thêm: Kinh Tiểu bộ, tập 8, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện đại vương huy hoàng,số 489.

(16)Mahavagga, chương y phục, thứ 8, tụng phẩm thứ nhất, Chữa bệnh cho Đức Thế Tôn,đoạn 135.

(17)Kinh Tiểu bộ, tập 7, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện Bà-la-môn Sankha, số 442.

(18)Kinh Tiểu bộ,kinh Tập, chương Ba, Đại phẩm, kinh Sundarika Bhāradvāja.

(19)Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dighajanu, người Koliya.

(20)Tích chuyện Pháp cú,bản dịch của Viên Chiếu, phẩm Tâm, Người đọc được tâm.

(21)Các đại cư sĩ như Bimbisara, Ajatasattu, Ashoka, Kanishka… đã yểm trợ chư Tăng về việc hình thành các thiết chế giới luật cũng như tài trợ cho các cuộc kiết tập kinh, luật.

(22)Kinh Trung Bộ, tập 3, kinh Phân biệt cúng dường, số 142.

(23)Kinh Tiểu bộ,tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện khó cho,số 180.

(24)Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện đạo sĩ Kesava,số 346.

(25)Mahavagga, chương trọng yếu, thứ nhất, tụng phẩm thứ tư, Câu chuyện về Trưởng lão Assaji,đoạn 64.

(26)Kinh Tăng chi,chương Mười pháp, phẩm Lớn, kinhNhững câu hỏi lớn. Xem thêm:1. 大 佛 頂 首 楞 嚴 經,卷 八.;2. 大 正 新 脩 大 藏 經 第 一 冊 No. 12, 阿 含 部, 佛 說 大 集 法 門 經 卷 上. Nguyên văn: 一 切 眾 生 皆 依 食 住.

(27)Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Tất cả lậu hoặc,số 2.

(28)Kinh Tiểu bộ,tập 7, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Tiểu anh vũ,số 430.

(29)Kinh Tiểu bộ, tập 3, Trưởng lão Tăng kệ, chương 18, phẩm 40 kệ, Trưởng lão Maha Kassapa.

(30)Kinh Tương ưng, tập 1, chương VII, Tương ưng Bà-La-Môn, phẩm Cư sĩ, Kinh Bhikkhaka.

(31)KinhTương ưng, tập 2, chương Năm, Tương ưng Kassapa, kinh Ví dụ với trăng.

(32)Kinh Tiểu bộ,tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện vua rắn Manikantha, số 253.

(33)KinhTương ưng,tập 3, chương 1, Tương ưng uẩn, phần d, phẩm Những gì được ăn, kinh Người khất thực.

(34)Kinh Trung bộ,tập 2, Kinh Kandaraka, số 51.

(35)Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện con mèo,số 137.

(36)MahaVagga, chương Dược phẩm, thứ sáu, tụng phẩm thứ nhì, Câu chuyện về nữ cư sĩ Suppiya, đoạn số 58. Xem thêm,kinh Tăng chi, chương Một pháp, phẩm Người tối thắng, kinhNữcư sĩ.

(37)Kinh Tiểu bộ, tập 4, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện chơi súc sắc ngộ độc,số 91.

(38)Kinh Tăng chi,chương Mười pháp, phẩm Mắng nhiếc, kinh Đi vào hậu cung.

(39)Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Andhakavinda, kinh Đi đến các gia đình.

(40)Kinh Trung bộ, tập 1, Đại kinh người chăn bò, số 33.

(41)Kinh Tiểu bộ,tập 4, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện vị triệu phú Illisa, số78.

(42)Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, chương Một, phẩm Rắn, kinh Bharadvaja - Người cày ruộng.

(43) Kinh Trung bộ,tập 3,Kinh Giáo giới Phú Lâu Na, số 145.

(44)Kinh đã dẫn.

(45)Theo, en.wikipedia. org.

(46) 大 正 新 脩 大 藏 經 第 二 十 四 冊 No. 1488, 優 婆 塞 戒 經 八 戒 齋 品 第 二 十 一: “善 男 子, 若 有 從 他 三 受 三 歸 三 受 八 戒 是 名 得 具 一 日 一 夜 優 婆 塞 齋”.

(47)Kinh Tăng chi,chương Tám pháp, phẩm Tiếng rống con sư tử, kinh Gia đình.

(48)Kinh đã dẫn.

(49)Kinh Tiểu bộ,tập 4, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện nữ tỳ Rohini,số 45.

(50) 莊子南華經卷六下, 第十七 秋水.

(51)Kinh Tương ưng, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Bện tóc.

(52)KinhTrung bộ,tập 1, Tiểu kinh rừng sừng bò,số 31.

(53)Xem thêm, Kinh Tăng chi, chương Sáu pháp, phẩm chư Thiên, kinh Tôn giả Kimbila.

(54)KinhTương ưng, tập 1, chương 6, Tương ưng Phạm Thiên, phẩm thứ hai, Arunavàti.

(55)Kinh Tiểu bộ,kinh Tập, chương Một, phẩm Rắn, kinh Bharadvaja - Người cày ruộng.

(56)KinhTiểu bộ,kinh Tập, chương Hai, kinh Dhammika.

(57)Cullavagga, chương liên quan đến năm trăm vị, thứ mười một, Câu chuyện vua Udena: Sự dâng cúng năm trăm thượng y, đoạn 625. Xem thêm, Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện Tiền thân Đức Phật, Chuyện công đức, số 157.

(58)Cullavagga, chương các tiểu sự, thứ năm, tụng phẩm thứ nhất và thứ nhì, giảng về bình bát,đoạn số 34.


Hoằng Quảng

Source: thuvienhoasen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 11058)
Bạo lực hung tàn sẽ không bao giờ chế ngự được niềm khao khát căn bản nhất của con người là có được tự do. Hằng ngàn người đã xuống đường nơi những thành phố Ðông Âu trong những thập niên qua, niềm cương quyết không hề lay chuyển của dân tôi nơi quê nhà Tây Tạng, . . .
09/04/2013(Xem: 5517)
Sau sự kiện Việt nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức WTO và sự kiện tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14, báo điện tử: w.w.w.tuoitre.com.vn có mở diễn đàn công khai thảo luận với chủ đề: “Vươn ra biển lớn”. Trong đó tôi tâm đắc nhất là bài “Tầm vóc truyền trưởng, tầm vóc dân tộc” của Luật sư Lê Công Định và bài “Phải biết tự ty dân tôc” của Lưu Đình Long.
09/04/2013(Xem: 7196)
Suốt 45 năm đi qua các nẻo đường của vùng Bắc Ấn Độ, với đôi chân trần, “bay[1], một bát”, Đức Phật tế độ cho nhiều người vượt qua trầm luân khổ hải để đến bờ bến an vui. Nhờ giáo pháp của Ngài, những người hữu duyên đã tìm ra chân lý tối thượng, giải thoát, Niết-bàn.
09/04/2013(Xem: 12157)
Nếu chúng ta cứ coi mình là trung tâm và chỉ quan tâm tới chính mình, sẽ dẫn tới sự thiếu tin tưởng, sợ hãi và nghi ngờ. Quan tâm tới lợi ích của người khác sẽ làm giảm sợ hãi và nghi ngờ, trong khi đó một tâm thức rộng mở và minh bạch làm phát sinh niềm tin và tình bằng hữu.
08/04/2013(Xem: 13479)
Tập sách này in lại những bài viết về Trung Quán Luận, đã đăng trong Nguyệt San Phật Học. Ngài Long Thọ, tác giả Trung Quán Luận và những kinh sách khác, được chư thiền đức xưng tán là Đệ nhị Thích Ca, đã vạch ra thời kỳ chuyển pháp lần thứ hai. Trong những tác phẩm của người, Trung Quán Luận trình bày tánh Không, phần tinh túy của giáo lý đạo Phật.
08/04/2013(Xem: 4196)
Có biết bao là sự biến cố giữa cuộc đời và cũng có biết bao sự khổ đau giữa cuộc sống trầm luân sanh tử, vì do những cái giả tạm không thực mà tạo nên. Nếu giáo dục được hiểu là suối nguồn văn hĩa và văn minh của nhân loại, thì đâu sẽ là một nền giáo dục đích thực để có thể đưa đến chấm dứt khổ đau trầm luân cho lồi người ?.
08/04/2013(Xem: 19387)
Trong cuộc sống, có người quan niệm tâm lý là sự hiểu biết về ý muốn, nhu cầu, thị hiếu của người khác, là sự cư xử lý tình huống của một người. Đôi khi người ta còn dùng từ tâm lý như khả năng “chinh phục đối tượng”.
08/04/2013(Xem: 7620)
Khi còn trong bụng mẹ, chờ đợi được sinh ra con người đã phải quờ quạng tự muốn giải thoát khỏi tù túng tối tăm này. Và rồi khi chào đời, con người lại tiếp tục quờ quạng muốn giải thoát những trói buộc phiền lụy cuộc đời. Như thế đó, cả hai hoàn cảnh trước khi được sanh ra, sau khi có mặt, con người đều nằm trong vòng cương tỏa mất tự tại an lạc.
05/04/2013(Xem: 21590)
Lịch sử luôn trao tận tay từng số phận thuận nghịch của duyên trần (biệt nghiệp) để từ đó hòa mình vào vận mạng chung của cộng nghiệp.
05/04/2013(Xem: 7508)
Các vị giới tử, hôm nay quý vị đến đây để lãnh đạo giáo pháp của Phật. Đó là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng. Nhờ sự thọ giới mà chúng ta trở thành một Phật tử chân chính, lợi mình, lợi người, lợi tất cả chúng sinh, và làm cho Phật giáo miên trường giữa thế gian.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]