Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vì hạnh phúc và an lạc cho mọi người

10/05/201206:32(Xem: 8775)
Vì hạnh phúc và an lạc cho mọi người


candle-light

VÌ HẠNH PHÚC VÀ AN LẠC CHO MỌI NGƯỜI

Hòa Thượng Thích Thiện Siêu

---o0o---

... Người ta sinh ra đời không khác gì trái cây ở trên cành: có những trái lớn, có những trái nhỏ; có những trái xanh, có những trái già... Những trái cây ấy đã có lúc sinh ra tức có ngày rụng xuống: trái rụng trước, trái rụng sau... nhưng rồi trái nào cũng phải rụng xuống hết. Rụng xuống để biến thành cành hoa thơm hay rụng xuống để biến thànhcây cỏ dại... nhưng rồi trái nào cũng phải rụng xuống hết. Con người đã có sanh đều có chết. Chết để mà sanh theo nghiệp lực thiện ác, khổ vui, xấu tốt.

Sự có mặt của loài người ở đời cũng như thế: có người sống 50 tuổi, người 70 tuổi, người 80 tuổi, hy hữu có người sống đến 100 tuổi hay hơn trăm tuổi, nhưng rồi cũng có ngày phải qua đời. Người trước kẻ sau không ai tránh khỏi! Sự sống thật là bấp bênh nhưng cái chết lại là rất chắc chắn. Bấp bênh vì lẽ không ai biết được rằng mình sống được năm nào, sống được ngày nào, sống được giờ nào, sống được phút nào, nhưng sự chết lại không một ai tránh khỏi. Người chết trước, kẻ chết sau. Có sanh thì có chết, đó là định luật tất nhiên ở trên hành tinh này và của các pháp hữu vi sanh diệt.

Vậy thì một lần sanh là một lần chết, không luận là thánh phàm, không luận là ngu trí, không luận là giàu nghèo... về cái chết thì ai cũng như ai, nhưng khác nhau ở chỗ người biết chọn cách chết, người không biết chọn cách chết cho hay,cho đẹp mà thôi. Nói chọn cách chết có nghĩa là biết chọn cách sống. Sống như thế nào sẽ chết như thế đó. Cho nên nếu ta muốn cái chết được thanh tịnh, được nhẹ nhàng, được mọi người thương mến tức phải chọn lấy cách sống hiền lành, đạo đức, ích lợi cho mình, cho gia đình và cho tất cả những người khác.

Phậtdạy có bốn hạng người có mặt trên thế gian này [*]:

Hạng thứ nhất là hạng người lo làm khổ mình, chuyên làm khổ mình.
Hạng thứ hai là chuyên làm khổ người.
Hạng thứ ba là chuyên làm khổ mình và làm khổ người.
Hạng thứ tư là không làm khổ mình và không làm khổ người.

(1).Hạng thứ nhất là hạng chuyên làm khổ mình, tức là hạng người chỉ biết sống một cuộc đời buông xuôi, lêu lổng, lười biếng, cờ bạc rượu chè, say sưa đắm đuối, ỷ lại, buông thả cuộc đời mình theo con đường xấu xa, hẹp hòi tối tăm, không có lợi ích gì cả. Đó là hạng người làm khổ mình.

(2).Hạng thứ hai là hạng người chuyên làm khổ người, là những người sanh tâm điên đảo, xấu xa độc ác, để phỉnh gạt, để lấy của người khác về làm của mình, để sát hại người khác, không biết sự đau khổ của người khác chính là sự đau khổ của mình, không hiểu được lời dạy của đức Phật. Ngài dạy rằng:

"Ai cũng sợ gươm đao, ai cũng sợ sự chết, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, chớ giết, chớ bảo giết", "Ai cũng muốn xa tránh điều khổ, ai cũng muốn có hạnh phúc. Vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng gây điều khổ cho người khác, đừng phá hại hạnh phúc của người khác", "Ai cũng có gia đình, thân nhân muốn bảo bọc, muốn duy trì hạnh phúc được tốt đẹp. Vậy thì đừng phá gia đình, đừng phá thân nhân của người khác", "Ai cũng muốn của cải mình được trọn vẹn yên ổn, vậy hãy lấy lòng mình suy lòng người, giữ gìn của cải của người khác, đừng xâm phạm, đừng gian tham, đừng bóc lột, đừng cướp giựt!..."

Đó là những lời dạy sáng suốt, rõ ràng, thiết thực trước mắt mà đức Phật đã ban cho chúng sanh cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm rồi. Nhưng bài học đó thật hiếm người theo được. Cho nên cuộc đời của chúng ta ít đem lại niềm vui cho mình, cho người, ngược lại gieo rắc xấu xa, gieo rắc khổ đau, gieo rắc rối loạn cho mình, cho người và cho gia đình.

(3).Hạng người thứ ba là hạng người làm khổ mình, làm khổ người. Đó là hạng người sống hoàn toàn không có đạo đức, không có lý tưởng, không có nhân nghĩa. Chuyên sống với một tâm tình nhỏ hẹp, xấu xa, vị kỷ, làm những việc độc ác để bồi bổ cho béo cái thân mình; nói những lời độc ác để thu lợi về cho mình, phỉnh gạt, lừa đảo, giết chóc, không tôn trọng tài sản, sự sống của kẻ khác. Chiếm đoạt tài sản của người, giết hại người cũng chẳng có lợi ích gì cho mình hết. Đó là hạng người làm khổ mình và chuyên làm khổ người.

(4).Hạng người thứ tư là hạng người không làm khổ mình, không làm khổ người. Tức là hạng người biết sống đạo đức, biết sống theo lẽ phải, biết sống thế nào để đem lại an vui, hoan hỷ mà không gieo rắc tai họa, khiếp hãi; biết sống thế nào để đem lại hân hoan cho kẻ khác chứ không sống mà đem lại sự e dè, sợ sệt cho người. Đó là những người luôn luôn nghĩ đến hạnh phúc của mình, hạnh phúc của người để tạo dựng một cuộc đời hạnh phúc cho cả hai bên, vì biết được rằng người có hạnh phúc thì mình mới có hạnh phúc, mình có hạnh phúc người mới có hạnh phúc. Nếu mình chỉ lo hạnh phúc cho mình mà phá hại hạnh phúc của người khác thì không thể nào riêng mình có hạnh phúc trong khi xung quanh mọi người không được hạnh phúc. Nếu mình giàu có đủ ăn một ngày ba bữa trong khi xung quanh mình toàn là những người thiếu ăn thiếu mặc, thì không thể nào an vui giữa những sự thiếu thốn của những người khác được.

Vậy giữa mình với người có một sự tương quan chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau mới tồn tại, mới yên vui, nếu phá hại lẫn nhau thì cả hai đàng đều đau khổ.

Ngay một chuyện hằng ngày sống với nhau nếu biết nhẫn nhịn - trong chừng mực ấy -người ta cũng có thể tạo hạnh phúc yên lành cho nhau. Ở đời ai mà tránh được cái ngã, cái ngã chấp của mình! Khi thấy mình có một cái bản ngã hơn cái bản ngã của người khác thì cho đó là sang, là quý, là đáng trọng mà quên rằng người khác cũng có cái ngã đáng quý đáng trọng của họ. Nhưng vì cố tình không biết cho nên nếu có ai đụng đến cái ngã của mình là mình sân si tật đố. Sân si tật đố đó một ngày không nguôi, hai ngày không nguôi, rồi ba ngày không nguôi, cho đến khi làm thế nào để cho người đó phải vong gia bại sản, phải đảo điên, phải khổ sở mất mát... khi đó mới thỏa lòng mình.

Xét cho kỹ thì những việc làm đó hoàn toàn bị điều động bởi một thứ tâm trí bệnh hoạn, hẹp hòi vì vô minh điên đảo mà đức Phật từ xưa đã chỉ dạy cho chúng ta. Thử hỏi rằng mình có một cái ngã, cái ngã của mình đó là cái gì? Cái ta của mình đó, ở nơi đâu?

Thật tình khi ta nói Ta, nhưng tìm cho ra cái Ta đó chẳng biết nó nằm ở đâu hết. Khi cha mẹ mình sinh ra chỉ sinh ra một cái thân, chẳng có tên, tuổi gì, nhưng rồi cha mẹ đặt cho một cái tên: có khi đặt một cái tên rất đẹp, có khi đặt một cái tên rất xấu; nhưng từ cái tên đó, mỗi lần được kêu lên là ta liền có ý thức nhận đó là ta.

Ví dụ cha mẹ đặt cho mình cái tên là "Kèo", từ nhỏ kêu mình là Kèo, ngày thứ nhất kêu mình là Kèo, ngày thứ hai cũng kêu mình là Kèo, ngày thứ ba, thứ tư... cứ như vậy mãi. Mình sẽ yên chí mình chính là Kèo. Tự nhiên cái tên Kèo đó nó đồng hóa trở thành mình, và khi ai đụng chạm đến cái tên Kèo là mình cảm thấy khó chịu. Ai chê, ai mắng, ai phê bình cái tên Kèo làm mình cảm thấy tức giận. Nếu mình ngồi đây mà ai ở ngoài đường kia xướng cái tên Kèo mà mắng, mà chửi, nói rằng "Kèo là tên ăn trộm", chắc chắn rằng anh Kèo trong này không chịu nỗi, mà phải tìm cách để biết người nào đó dám cả gan nói ta là ăn trộm, tìm cho ra để trả thù. Ngược lại ở đàng xa kia có một người tán thán ca ngợi cái ông Kèo là một ông đạo đức, nhân nghĩa, đẹp trai, quý phái, người đời này có một không hai... Khi đó mình là Kèo chẳng có đạo đức gì cả nhưng mình cũng nhận là mình có đạo đức nên người ta mới khen như vậy, tán dương như vậy, mình sung sướng vô cùng. Mình sung sướng với cái tên Kèo bởi vì Kèo đã trở thành Ta rồi.

Đó chỉ là một cái danh từ suông, một cái tên suông nhưng khi ta đã cố chấp vào nó là ta, thì phải bị khổ lụy theo nó. Nếu không hiểu được Kèo chỉ là một danh từ giả tạm, một danh từ ước lệ của xã hội đặt ra để mà gọi. Mà cứ khư khư cho rằng Kèo là ta, ta là Kèo, nhất định sẽ đau khổ vì nó trong khi bị người ta chửi mắng và nhất định sung sướng vì nó trong khi được người ta khen ngợi tán thán. Nhưng sự thật, sự ca ngợi, sự chê bai cái tên Kèo không dính dáng gì đến ta hết, thế mà ta cứ cho ta là Kèo, không ai có quyền đụng đến ta được.

Đụng đến cái tên mà còn như thế, huống gì đụng đến da, đến thịt của ta thì sẽ như thế nào? Cho nên có người không nhẫn nhục nỗi mà phải đảo điên, phải mưu kế, phải tính toán trả thù cho bằng được. Người nào đụng đến mặt mũi, đụng đến da thịt, thân thể mình thì bị phản ứng ngay lập tức.

Những giả danh, những sắc tướng đều là những cái mong manh giả tạm mà cố chấp lấy nó nên ta phải đau khổ, phải điên đảo vì nó.

Khổ và điên đảo theo nó rồi tạo nghiệp theo nó; đã tạo nghiệp theo nó tức là sanh tử, luân hồi theo nó. Khi ta tạo nghiệp xấu nhất định sẽ mang quả xấu, nhất định sẽ không được yên vui. Đó là một điều rỏ ràng hết sức, nhưng vì vô minh che lấp, chúng ta không thấy rõ được điều mà đức Phật từ ngàn xưa đã chỉ rõ cho ta: "Tất cả chúng sanh đều vô ngã". Chính tên Kèo đâu phải là ngã mà mình cho là ta, là ngã; đó là sự vô minh, đó là sự sai lầm không che dấu được. Một khi đã lấy tên Kèo làm Ta, thì khi đi ngang qua một nơi nghe người ta mất gà, họ đang chửi rủa tên Kèo nào đó, nhưng mình thấy bực tức và đứng lại cãi:

--Ai lấy gà của mày, ai ăn cắp gà của mày mà thấy tao đi ngang là mày chửi, là mày gọi tên Kèo ra mà chửi?

Nhất định cãi cho bằng được, cãi buổi sáng chưa xong, lại cãi buổi chiều, buổi chiều chưa xong lại cãi buổi tối... thậm chí đem bà con của mình xúm ra mà chửi bên kia, rồi bên kia cũng đem bà con ra chửi bên này.

Cãi cái gì? Cãi cái tên Kèo ăn cắp gà. Nhưng kỳ thật người ta chửi là chửi một anh chàng Kèo nào khác chứ không phải là chửi mình? Thế mà mình cứ khư khư cho tên Kèo là mình, mình không chịu nỗi, phải nghĩ cách trả thù. Muốn đi mà không đi được, muốn yên ổn mà yên ổn không được, lúc bấy giờ sẽ bị trói buộc lại một chỗ để cãi lộn. Không có dây mà cũng bị trói, không có ngục mà cũng bị giam.

Ai trói? Ai giam?

Chính mình tự giam giữ mình, chính mình tự trói buộc mình. Đó, chính mình giam mình lại đó.

Đức Phật nói: Chúng sinh bị trầm luân trong bể khổ luân hồi. Bể khổ đó không phải là bể nước mặn. Nếu bể khổ là nước mặn thì chỉ cần lên núi ở tức khỏi bị khổ, khỏi bị trầm luân. Nhưng ở đây cái bể khổ trầm luân chính là tham, sân, si, tật đố, ngã mạn của chúng sinh. Bể trầm luân này nằm ở trong lòng chúng sinh chứ không phải ở đâu xa hết. Vì nằm trong lòng chúng sinh, nên mỗi khi lòng tham nổi dậy quá mạnh thì nó chôn vùi con người vào trong chính lòng tham đó. Mỗi khi lòng sân nổi dậy quá mạnh thì nó chôn vùi con người vào trong lòng sân đó. Mỗi khi si, ngã mạn... nổi dậy quá mạnh thì nó nhận chìm con người vào trong si, ngã mạn... đó, chứ không ai đâu khác.

Vậy thì ai muốn thoát luân hồi, ai muốn thoát sanh tử, ai muốn thoát trầm luân? Chắc chắn ai cũng muốn thoát khỏi chỗ ấy, tức là thoát khỏi trầm luân, thoát khỏi sinh tử. Muốn thoát khỏi trầm luân, bể khổ, không có gì khó cả: chỉ cần dứt trừ lòng tham là thoát khỏi trầm luân, dứt trừ lòng sân là thoát khỏi trầm luân, dứt trừ lòng kiêu mạn là thoát khỏi trầm luân, dứt trừ lòng tật đố ganh tỵ là thoát khỏi trầm luân. Dứt trừ bao nhiêu tật xấu là thoát khỏi trầm luân.Cho nên tật xấu nhiều chừng nào bể trầm luân nhiều chừng đó, tánh xấu ít chừng nào biển trầm luân vơi cạn chừng đó. Vì vậy nếu ai tát cạn được bể ải, người đó thoát khỏi bể trầm luân. Ai không tát cạn được bể trầm luân, thì người đó chìm đắm trong luân hồi sanh tử. Như vậy những lời đức Phật dạy là những pháp hiện tiền trước mắt, chỉ ngay trong tâm ta chứ không đâu xa lạ hết.

Chúng ta đọc kinh, thấy pháp Phật dạy trong đó, nhưng kỳ thiệt Ngài không để gì trong kinh hết, mà Ngài chỉ rõ tâm của ta cho ta thấy đó thôi. Nếu không thấy cái tâm mình, không cải bỏ những tâm lý nhỏ mọn hung ác một tí nào, thì dù có đọc kinh suốt cả đời đi nữa thì trầm luân vẫn là trầm luân, tham lam vẫn cứ tham lam...Lúc bấy giờ dù có học muôn ngàn quyển kinh đi nữa thì cũng không làm sao vớt ta lên khỏi bể trầm luân được. Khi ta không biết chính bể trầm luân ở trong lòng ta, chính bể trầm luân ấy là tham lam, nhỏ mọn, tật đố, kiêu căng, hẹp hòi, nhỏ mọn, độc ác mà cứ cho trầm luân ở đâu xa, nhất định ta không thoát khỏi trầm luân. Vậy đức Phật ra đời cốt dạy cho chúng sanh thoát khỏi trầm luân, giải thoát sanh tử, và giải thoát sanh tử ngay trong hiện tiền, ngay trong tâm niệm, ngay trong giờ phút này vậy.

--Thử hỏi ngay trong giờ phút này chúng ta có tham không? Không, như vậy ngay trong giờ phút này chúng ta thoát khỏi trầm luân rồi.

--Giờ phút này chúng ta có si không? Có ngã mạn, tật đố, có ích kỷ hẹp hòi không? Không! Như vậy giờ phút này chúng ta thoát khỏi trầm luân rồi.

Nếu cái giờ phút chúng ta thoát khỏi trầm luân đó cứ tiếp tục kéo dài mãi, nhất định chúng ta sẽ thoát khỏi trầm luân. Thoát khỏi trầm luân cũng có nghĩa là thoát khỏi địa ngục. Địa ngục là nơi giam giữ, mà địa ngục đó tự mình tạo ra, tự vô minh của mình tạo ra chứ không ai tạo ra hết. Địa ngục mình tạo ra thì chỉ có mình mới giải thoát được thôi. Mà giải thoát bằng cách nào? Giải thoát bằng sự thực hành lời dạy của đức Phật, bằng sự giác ngộ lời của đức Phật dạy cho chúng ta. Muốn thoát khỏi địa ngục ta phải thực hành lời dạy của đức Phật không chờ đợi, vì chờ đợi thì vô minh sẽ che lấp trí tuệ không làm sao thấy để giải thoát được.

Nên hàng Phật tử chúng ta tụng kinh, đọc kinh, niệm kinh là để cho rõ lời Phật dạy, nhờ đó mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút luôn luôn tâm niệm, ta cố tìm cách gạt qua tất cả những tính xấu để chúng ta thoái khỏi trầm luân. Khi ta đã có một tâm bình tỉnh sáng suốt như vậy rồi, thì một mai nếu lại đi qua đó có gặp phải người nào mà họ chửi Kèo, lúc đó ta sẽ xem như không; khi đó ta không bị trói buộc, không bị trầm luân, không bị giam giữ ở lại đó nữa. Từ việc này ta được giải thoát, qua một việc khác ta được giải thoát, qua những việc khác nữa ta cũng được giải thoát. Tất nhiên ta đã được giải thoát ở hiện tại.

Nếu muốn thoát thì phải siêu, có siêu mới thoát! Siêu là gì? Siêu là vượt lên, vượt lên những cái nhỏ mọn, lặt vặt hằng ngày thì ta mới giải thoát được. Còn nếu cứ cố chấp, níu kéo các việc nhỏ mọn hàng ngày, tất nhiên phải sa lầy vào những chuyện đó mà không thể giải thoát được, bởi vì không siêu. Nghe ai nói động một tiếng, đã nổi giận, nghe ai chê bai một tiếng đã bực tức, ai đụng đến một tí cũng đã khó chịu...

Thậm chí có những Phật tử đi chùa đã lâu nhưng khi đến chùa rủi ro người khác vô ý đụng cái áo một tí thì đã quay lại nộ liền, gây liền: "Không có mắt hay sao mà lại đụng người ta."

Như vậy, chính tự mình không giải thoát. Vì vậy, lời của Phật dạy là những điều hết sức minh bạch, hết sức thực tế như giữa ban ngày... Nhưng chẳng qua chúng ta không học nổi, không tìm học hay chịu học mà thôi. Ai chịu học những lời dạy của đức Phật, người đó được an lạc, người đó sẽ được giải thoát. Giải thoát từng giờ, giải thoát từng ngày và giải thoát cả đời.

Làm được điều đó tức chúng ta đã là hạng người thứ tư như trong kinh Phật đã dạy, là hạng người không làm khổ mình, không làm khổ người. Và ngược lại làm vui mình và làm vui người.

Phật dạy: "Thân mạng vô thường". Có đó rồi không đó tựa như nước trên dốc chảy xuống, như sương đọng ban mai. Lời dạy đó nếu như ta không nghiệm kỹ, ta thấy hơi khó hiểu, bởi vì cái thân ta đây, ta bồi dưỡng, ta sống trong nhà cao cửa đẹp... tại sao như sương mai được. Nhưng kỳ thật nhìn cho kỹ: trăm năm là mấy? Chỉ như trong khoảng nháy mắt mà thôi; 70 năm, 80 năm là mấy? Chỉ trong nháy mắt mà thôi.

Tóm lại, khi ta chiêm nghiệm được điều đó rồi, thấy cái thân ta như hạt sương trên đầu cỏ ban mai mà thôi. Đã biết như hạt sương trên đầu cỏ ban mai thế mà còn gây nhau, còn đánh nhau, còn tìm cách giết hại lẫn nhau, tìm cách bóc lột nhau,tìm cách làm khổ nhau thì đó là một điều mê lầm trọng đại. Gặp gỡ nhau trên cõi đời này là một duyên tốt, những không biết tu hành không biết cải sửa, đó làmột duyên xấu. Khi đã là duyên tốt thì sẽ làm thượng thiện nhơn với nhau trong cõi cực lạc, được sung sướng vĩnh viễn. Khi đã cùng nhau làm duyên xấu thì oan oan tương báo không thể tránh khỏi những điều khổ đau, cho nên hàng Phật tử chúng ta theo Phật, niệm Phật, tụng kinh, cố gắng làm lành. Làm hạng người thứ tư, hạng người không làm khổ mình, không làm khổ người và tránh không làm ba hạng người trước. Được như vậy tất nhiên chúng ta làm tròn chí nguyện giải thoát cho mình, đồng thời báo đáp công ơn sâu dày của đức Phật, của cha mẹ, sư trưởng, quốc gia xã hội vậy ./.

[*] Tăng Chi, tập II A, trang 130.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/09/2010(Xem: 5223)
Khi thế kỷ hai mươi kéo màn kết thúc, chúng ta thấy rằng thế giới trở nên nhỏ hơn và loài người trên thế giới đã trở thành gần như một cộng đồng. Những liên minh quân sự và chính trị đã được tạo thành những nhóm đa quốc gia rộng lớn, công nghiệp kỷ nghệ và mậu dịch quốc tế đã sản xuất một nền kinh tế toàn cầu, và sự đối thoại toàn thế giới đang xóa đi những hàng rào cũ kỷ của khoảng cách, ngôn ngữ, và chủng tộc.
01/09/2010(Xem: 12504)
Theo dòng diễn tiến của những cuộc du hóa qua những quốc gia trên thế giới, giàu và nghèo, Đông và Tây, chúng tôi đã từng thấy con người say sưa với niềm vuisướng, và những con người khổ đau. Sự phát triển của khoa học kỷ thuật dường như có đạt được thêm một ít đường nét, một số cải tiến; phát triển thườngcó nghĩa thêm ít nhiều những tòa nhà ở thành thị.
01/09/2010(Xem: 4394)
Chúng ta cần một loại tỉnh thức tập thể. Có những người đàn bà và đàn ông trong chúng ta đã tỉnh thức, nhưng chưa đủ; hầu hết mọi người vẫn đang ngủ…Nếu chúng ta tỉnh thức về tình trạng thật sự của chúng ta, sẽ có một sự thay đổi trong ý thức tập thể của chúng ta. Chúng ta phải làm điều gì đấy để thức tỉnh con người. Chúng ta phải hổ trợ Đức Phật để đánh thức những người đang sống trong mộng.” Thiền Sư Nhất Hạnh, trong Sự Đáp Ứng của Phật Giáo đến Tình Trạng Khẩn Cấp của Khí Hậu.
31/08/2010(Xem: 3581)
Thảm trạng môi trường và xã hội đổ vở bây giờ lan rộng và khắp hành tinh trong sự đo lường. Những sự cải tiến kỷ thuật đã cung ứng cơ sở cho một loại tiến triến mới của xã hội, vượt khỏi những biên giới của văn hóa, tôn giáo, và tâm linh. Tuy thế, kỷ thuật không phải hoàn toàn được điều khiển trực tiếp bởi lý trí, nhưng bởi những động lực nội tại của xã hội học và tâm lý học. Những khuynh hướng bản năng của loài người có những phương diện phá hoại cũng như tốt đẹp. Chúng ta có thể ca tụng kiến thức nghệ thuật, khoa học hay lòng vị tha của chúng ta bao nhiêu đi nữa, thì chúng ta không thể quên đi sự thật rằng chúng ta cũng là những động vật nguy hiểm nhất.
31/08/2010(Xem: 3465)
Một sự phối hợp những nhân tố đang phá hoại một cách nhanh chóng vòng sinh vật – hệ thống sinh thái địa cầu hợp nhất tất cả những chủng loại sinh sống, sự liên hệ và sự tác động qua lại với đá, đất, nước và khí quyển. Hệ thống khí hậu trái đất đã từng cung ứng nền tảng cho nền văn minh nhân loại đến sự phát triển hơn 5.000 năm qua. Xã hội chúng ta bây giờ mới chỉ bắt đầu nhận ra chiều sâu của sự liên hệ hổ tương sinh thái này. Sự khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang đối diện là nguyên nhân bởi sự vượt quá giới hạn khí carbon kết quả từ sự tiêu thụ nhiên liệu lỗi thời (than đá, dầu mõ,…), và từ sự tàn phá rừng. Điều chỉnh hành động là khẩn thiết cho sự tồn tại của chính loài người chúng ta. Tất cả những kỷ thuật chúng ta cần để tránh khí hậu tan vở đã hiện diện rồi.
30/08/2010(Xem: 6454)
Chưa bao giờ con người ngưng tìm kiếm trong thiên nhiên đề mong thâu thập được nhiều thứ hơn nữa nhằm chất đầy cái nhà kho mãi mãi thiếu thốn của mình. Từ thuở chào đời, hình như định mệnh buộc nó phải đối mặt với một thế giới cứ muốn cắt giảm năng lực của mình, khi nó nhận ra hai bàn tay mình thì quá ngắn, hai chân mình lại quá chậm để có thể bắt kịp cái dòng chảy xiết của sinh tồn để hưởng thụ cuộc sống, nó phải nuôi dưỡng cơ thể.
30/08/2010(Xem: 8198)
Không giống những tôn giáo khác và những lý thuyết hiện đại về kinh tế học, đạo Phật cho rằng kinh tế học gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Mặc dù nhiều nhà kinh tế xem kinh tế học là một khoa học “tích cực” của một loại hiện tượng xã hội, nhưng dưới cái nhìn của đạo Phật, kinh tế học có quan hệ đặc biệt với đạo đức học. Lý thuyết kinh tế học của đạo Phật nhấn mạnh quan điểm về sự chủ tâm (cetan(, tác ý) trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Trong bài này, tác giả cố gắng giải thích vài khái niệm quan trọng trong kinh tế học như đã được mô tả trong kinh điển đạo Phật để cho thấy rằng đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học và do đó có một tầm quan trọng lớn đối với kinh tế học và ngược lại.
30/08/2010(Xem: 9884)
Nhiều người cho rằng Phật giáo là một tôn giáo nên không có sự quan hệ với vấn đề kinh tế đó là nhận định sai lầm, bởi vì con người là một hợp thể do ngũ uẩn tạo thành chia làm hai phần là Vật chất (sắc) và tinh thần (danh). Con người không thể chỉ dựa vào tinh thần không thôi mà có thể tồn tại được, nhưng con người cũng không thể chỉ là động vật thuần nhất về kinh tế vật chất.
30/08/2010(Xem: 10188)
Đạo đức là ngành học đánh giá các hành vi con người biểu hiện qua các hành động của thân, lời và ý do lý trí, ý chí và tình cảm cá nhân thực hiện. Các nhà tư tưởng và các nhà đạo đức thường quan niệm khác nhau về giá trị, tiêu chuẩn giá trị. Dù vậy, vẫn có nhiều nét tư tưởng gặp gỡ rất cơ bản về ý nghĩa đạo đức, nếp sống đạo đức mà ở đó giá trị nhân văn của thời đại được đề cao.
30/08/2010(Xem: 9438)
Tất cả chúng ta đều mong ước sống trong một thế giới an lạc và hạnh phúc hơn. Nhưng nếu chúng ta muốn biến nó trở thành hiện thực, chúng ta phải bảo đảm rằng lòng từ bi là nền tảngcủa mọi hành động. Điều này lại đặc biệt đúng đối với các đường lối chủ trương về chính trị và kinh tế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]