Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đóng Góp Của Phật Giáo Vào Phúc Lợi Xã Hội Ở Úc

15/09/201100:55(Xem: 3781)
Đóng Góp Của Phật Giáo Vào Phúc Lợi Xã Hội Ở Úc
ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO
vào phúc lợi xã hội ở Úc

Patricia Sherwood
(Phân khoa Nhân loại học xã hội, Đại học Edith Cowan)

Bài viết này phác thảo những kết quả nghiên cứu được thực hiện vào năm 2000 về những đóng góp của các tổ chức Phật giáo vào phúc lợi xã hội ở Úc. Việc nghiên cứu này minh chứng rằng, Phật giáo Úc rõ ràng là tôn giáo nhập thế, không chỉ ở trong thực tiễn, mà còn xuất phát từ quan điểm các thành viên của những tổ chức Phật giáo, họ cho rằng sự thực hành như vậy luôn là điều quan yếu đối với những tổ chức Phật giáo của họ và không phải là một hiện tượng mới.

54 trong số 319 tổ chức Phật giáo ở Úc (xấp xỉ 17%) được chọn làm đối tượng nghiên cứu. Số lượng những tổ chức Phật giáo từ các truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Phật giáo Tây Tạng được đưa ra làm mẫu nghiên cứu là xấp xỉ bằng nhau, với tổng số 96% các tổ chức đã dấn thân tích cực trong những hoạt động phúc lợi xã hội và giáo dục.

Một bảng câu hỏi mở đã được sử dụng với mỗi tổ chức để thăm dò những hoạt động xã hội dấn thân mà các tổ chức đang thực hiện. Các vị đại diện của các tổ chức cũng được hỏi lý do về công việc dấn thân xã hội của họ, và họ có thấy công việc đó như là một sự thực hành tương đối mới trong những tổ chức của họ hay không, hay là một sự thực hành cốt yếu được tiếp nối tương tục ở trong truyền thống Phật giáo?

Có một sự tranh luận đáng kể về việc Phật giáo nhập thế có phải là một hiện tượng mới được vun trồng ở phương Tây, hay nó là một bộ phận của truyền thống Phật giáo, nhưng bây giờ được phát triển theo một cách thức rõ ràng ở phương Tây. Kraft đã đặt ra những câu hỏi trong bài viết “Hòa bình đang được thiết lập: Tinh thần nhập thế ở Phật giáo phương Tây” về cách thức Phật giáo được truyền bá đến phương Tây, sẽ dấn thân vào công việc phúc lợi xã hội như thế nào. Trong lời giới thiệu của mình cho tuyển tập những bài tiểu luận của Eppsteiner do những người nhập thế có ảnh hưởng trong Hiệp hội Hòa bình của Phật giáo (Buddhist Peace Fellowship) viết, và được xuất bản với tên gọi là “Con đường Từ bi”, Kraft cho rằng những truyền thống Phật giáo nhập thế đã luôn tiềm tàng trong Phật giáo từ thời Đức Phật. Ông tiếp tục thảo luận tỉ mỉ tại sao Phật giáo nhập thế ở phương Tây đã làm cho những phẩm chất này hưng thịnh:

“Những phẩm chất mà chúng được thừa kế ở nơi môi trường Á châu tiền hiện đại… bây giờ có thể thực hiện qua việc chuyển hướng của Phật giáo đến phương Tây, nơi tình cảm đạo đức, chủ nghĩa tích cực xã hội và chủ nghĩa quân bình được nhấn mạnh”.

Tuy nhiên, trong quyển sách gần đây của mình, “Phật giáo nhập thế ở phương Tây”, Queen nhấn mạnh rằng, Phật giáo nhập thế chỉ xuất hiện trong bối cảnh gần đây liên quan đến những quan tâm toàn cầu về nhân quyền và công bằng xã hội. Ông định nghĩa Phật giáo nhập thế như là sự áp dụng Phật pháp vào việc giải quyết những vấn đề xã hội. Yarnall, trong bài viết “Phật giáo Nhập thế: Mới và Phát triển? Được làm ở Hoa Kỳ bằng nguyên liệu châu Á”, tóm tắt một cách sắc sảo hai luận điểm căn bản trong số các học giả về Phật giáo nhập thế. Một nhóm, chẳng hạn như Queen, người mang danh xưng là “những nhà cách tân” đề xuất rằng, mặc dù có thể có những lý thuyết liên quan đến chính trị xã hội tiềm tàng trong Phật giáo Nguyên thủy, nhưng chúng đã không được phát triển, mãi đến khi Phật giáo tiếp xúc với xã hội phương Tây hiện đại. Sự thực, Phật giáo nhập thế có những khác biệt quan trọng so với Phật giáo truyền thống.

Nhóm khác, mà ông gọi là “những nhà truyền thống”, đã không bao giờ chấp nhận một sự phân đôi Phật giáo thành hai lĩnh vực tâm linh và xã hội; và từ quan điểm này, Phật giáo với hai trụ cột trí tuệ và từ bi, tất yếu liên quan đến hạnh phúc con người cả ở phương diện cá nhân và xã hội. Những hình thức Phật giáo hiện đại về bản chất là tiếp giao với những hình thức truyền thống, bất chấp vũ đài xã hội và ngữ cảnh văn hóa khác biệt. Quan điểm này của những nhà truyền thống được những Phật tử trong các tổ chức Phật giáo ở Úc ủng hộ mạnh mẽ. Họ ủng hộ quan điểm rằng, những hoạt động phúc lợi xã hội luôn là phần cốt yếu ở trong Phật giáo, mặc dù truyền thống văn hóa có thể khác nhau. Họ không tách sự giác ngộ ra khỏi nhập thế. Trong kinh nghiệm của họ, điều đó là bất nhị. Giác ngộ và nhập thế, công việc bên trong và công việc bên ngoài, không được quan niệm như một sự tách rời, mà, thay vì vậy, hỗ tương và gắn kết với nhau. Ken Jones ủng hộ quan điểm này, biện luận thêm rằng, trong triết học và thực hành của Phật giáo không thể có sự tách biệt giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.

Quan điểm của Bucknell về Phật giáo nhập thế ở Úc, mặc dù là bài viết đầu tiên về chủ đề này, có khuynh hướng xem những hoạt động nhập thế nói chung là ngẫu nhiên đối với những tổ chức Phật giáo, đặc biệt đối với những tổ chức không phải của người nhập cư. Ông cho rằng, những tổ chức Phật giáo cùng sắc tộc đóng vai trò như là những trung tâm phúc lợi và văn hóa chủ yếu dành cho những cộng đồng người nhập cư. Những kết quả của việc nghiên cứu bao quát này về các tổ chức Phật giáo ở Úc trong các lĩnh vực hoạt động xã hội dấn thân không ủng hộ quan điểm này của Bucknell.

Có một sự dấn thân quy mô lớn trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và hoạt động giáo dục của 96% trong số các tổ chức Phật giáo, của cả những người nhập cư và người bản xứ. Trong đa số các trường hợp, đóng góp của những tổ chức Phật giáo thuộc những người nhập cư vượt ra ngoài cộng đồng văn hóa hay sắc tộc của họ. Quan điểm của Bucknell là không chính xác, rằng có hai loại hoạt động Phật giáo nhập thế ở Úc: những hoạt động ở lĩnh vực chăm sóc người bệnh và những hoạt động ủng hộ cứu tế xã hội ở hải ngoại và những đề án phát triển. Mặc dù hai lĩnh vực này là điển hình trong số những hoạt động nhập thế ở Úc, phạm vi bao quát và rộng rãi hơn lại thuộc về chín lĩnh vực hoạt động được liệt kê bên dưới.

Trong bài viết này, tôi định nghĩa Phật giáo nhập thế là sự thực hành Phật giáo mà nó bao hàm một sự đóng góp giúp giải thoát nỗi đau khổ của chúng sanh, gồm cả chính chúng ta. Quan điểm này được nhà cải cách người Thái, ông Sivaraksa, giảng giải một cách thuyết phục khi nói về bản chất của Phật giáo, ông cho rằng: “nó có nghĩa là trách nhiệm sâu sắc và sự chuyển đổi con người. Để phụng sự, chúng ta phải trở nên vô ngã hơn và giảm bớt sự vị kỷ. Để thực hiện điều này, chúng ta càng phải có trách nhiệm đạo đức hơn trong xã hội. Đây là điều cốt tủy của tôn giáo, từ thời xa xưa cho đến hiện tại”.

Tôi chọn lựa và tập trung vào lĩnh vực giáo dục và phúc lợi xã hội. Đóng góp phúc lợi xã hội của Phật giáo ở Úc là bao quát và có thể được phân thành chín lĩnh vực sau:

1. Giáo dục cho người lớn trong cộng đồng.

2. Giáo dục trẻ em.

3. Hỗ trợ người bệnh trong các bệnh viện và các bệnh viện dành cho người hấp hối.

4. Hỗ trợ bệnh nhân và người sắp qua đời ở trong cộng đồng và chăm sóc bệnh nhân nan y.

5. Thăm hỏi tù nhân.

6. Hỗ trợ người nghiện ma túy.

7. Gây quỹ cho người nghèo khó (cả ở Úc và hải ngoại).

8. Diễn thuyết về nhân quyền và chống áp bức.

9. Tiến hành những hoạt động từ bi dành cho các loài động, thực vật.

Trên 96% trong số những tổ chức Phật giáo được nghiên cứu ở Úc là dấn thân vào những chương trình giáo dục cộng đồng. Những trường hợp khác nhau được lựa chọn để minh chứng cho phạm vị các hoạt động và những tổ chức liên quan. Đây không phải là một sự liệt kê hết mọi khía cạnh. Tổ chức Những người bạn của Giáo hội Phật giáo phương Tây (The Friends of the Western Buddhist Order), với các trung tâm ở Melbourne, Sydney và Toowoomba ở Queensland, thực hiện những chương trình giáo dục và giảng dạy rất toàn diện. Họ tổ chức những buổi pháp thoại công cộng để dạy về nguyên nhân và cách làm vơi bớt khổ đau, và những chương trình dành cho sức khỏe tinh thần, giảng dạy những kỹ năng chung về thiền định và kiểm soát sự căng thẳng. Chi nhánh Toowoomba cũng tổ chức một chương trình dạy võ công cộng để đẩy mạnh giáo dục sức khỏe hình thể.

Tổ chức Quốc tế Phật Quang Sơn, với các chi nhánh ở Wollongong, Perth, Sydney, Brisbane và Melbourne, cũng thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp phát triển những tư tưởng cao thượng, gồm các pháp thoại, thiền định và những chương trình phát triển. Những chương trình giáo dục văn hóa gồm có cắm hoa, thư pháp và các lớp dạy nấu ăn chay. Ngôi chùa tại Perth đã thực hiện một loạt các pháp thoại công cộng và các nhóm thảo luận về đạo Đức Phật giáo. Những buổi thảo luận này bao gồm việc nghiên cứu những vấn đề đạo đức nan giải như phá thai, ly hôn, đồng tính, tự tử, trầm cảm và nghiện ma túy. Mục đích là để phát triển những gì Đức Phật gọi là những “phương tiện thiện xảo” liên quan đến đời sống mà chúng giúp làm tăng trưởng hạnh phúc và giảm thiểu khổ đau của con người trong ánh sáng giáo lý Tứ Diệu Đế.

Chi nhánh Brisbane chứng minh một cách rõ ràng rằng, những tổ chức của người nhập cư không chủ yếu phục vụ những cộng đồng cùng sắc tộc của họ trong những lĩnh vực giáo dục và phúc lợi xã hội. Sự thật rằng họ thực hiện những lớp dạy Hoa ngữ và văn hóa hàng tuần, những lớp học ấy mở cửa cho công chúng, nhưng chủ yếu là người Hoa theo học; tuy nhiên, họ cũng thực hiện những chương trình ở trường công lập, giảng dạy về văn hóa Trung Hoa và Phật giáo, có hơn 10.000 trẻ em tham gia mỗi năm. Có một số chùa được giao nhiệm vụ điều hành những chương trình này toàn thời gian.

Thêm vào đó, những ngôi chùa thuộc Phật Quang Sơn ở Brisbane, Perth và Melbourne tổ chức các lễ hội lớn cho người dân ở Úc tham gia vào ngày lễ Vesak. Lễ hội ở Brisbane là một sự kiện lễ hội và giáo dục được thực hiện ở South Bank, trung tâm của thành phố, đã thu hút hàng ngàn người Úc bản địa. Lễ hội có sự tham gia của những nhóm văn hóa khác nhau, và thúc đẩy sự hòa hợp xã hội bằng việc giới thiệu đến công chúng những loại hình văn hóa và các truyền thống. Tổ chức Trợ tử của Phật mẫu Tara (Hospice of Mother Tara) ở Tây Úc tổ chức một số cuộc hội thảo công cộng về những vấn đề đạo đức đương đại từ quan điểm của Phật giáo, với mục đích cụ thể là trợ giúp các thành viên của cộng đồng phát triển sự hiểu biết đúng đắn.

Họ cũng tổ chức các khóa tu để khuyến khích cộng đồng tham gia thiền định. Hiệp hội Hòa bình của Phật giáo (Buddhist Peace Fellowship), với các chi nhánh ở Melbourne và Sydney, chỉ trên một thập kỷ, đã điều hành một chương trình giáo dục cộng đồng về những vấn đề then chốt liên quan đến phúc lợi xã hội rất năng động. Chương trình bao gồm những vấn đề về quyền của người thổ dân, những tác động của toàn cầu hóa, và quyền của những người Đông Timo. Hiện tại họ đang thực hiện một loạt các hội thảo về giáo dục đối với những phiến quân ở Mexico. Họ cũng điều hành những buổi hội thảo huấn luyện công cộng về những vấn đề chống bạo lực, thiền định, giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình. Họ tích cực trong việc chống toàn cầu hóa, giải trừ vũ khí hạt nhân, và đòi quyền cho những người thổ dân.

Tất cả những tổ chức Phật giáo đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc giảng dạy Phật pháp cho cộng đồng, vì khổ đau được cho là có nguồn gốc căn bản từ suy nghĩ và hiểu biết của con người. Họ cho rằng, nếu muốn giải thoát khỏi khổ đau, thì con người cần phải hiểu giáo lý Tứ Diệu Đế. Các nhóm người Tây Tạng giải thích rằng, nhiệm vụ trọng tâm của họ đối với việc giáo dục cộng đồng là vì hạnh nguyện Bồ tát. Bồ tát là người đã đạt được giác ngộ, nhưng thay vì từ bỏ cõi đời, các vị vẫn làm việc để giải thoát khổ đau. Chiều sâu của nhiệm vụ này gắn kết mật thiết với lời nguyện từ bi vô lượng của Bồ tát:

“Tôi nguyện giải thoát tất cả chúng sanh. Tôi nguyện cứu độ toàn thể thế giới hữu tình ra khỏi những sợ hãi của sanh, già, bệnh, chết và tái sinh, khỏi những sợ hãi của tất cả những gì chống trái với đạo đức, của tất cả những tình trạng đau khổ. Những nỗ lực của tôi không chỉ nhằm vào sự giải thoát cho riêng mình. Và với sự trợ giúp của con thuyền bát nhã, tôi nguyện cứu vớt tất cả những chúng sanh này ra khỏi dòng luân hồi sinh tử, một dòng xoáy rất khó vượt qua… Tôi quyết ở lại trong mỗi cảnh giới khổ đau từ vô lượng kiếp; và như vậy tôi sẽ giúp tất cả chúng sanh đều được giải thoát”.

Các tổ chức Phật giáo Trung Quốc nhấn mạnh rằng, động cơ dấn thân vào những hoạt động phúc lợi xã hội của họ là noi theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm, vị Bồ tát của lòng từ bi. Các tổ chức Phật giáo Nguyên thủy thì nhấn mạnh tầm quan trọng của Bát Chánh Đạo. Con đường này bao gồm việc phát triển Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Như là kết quả của việc giảng dạy con đường Trung đạo này, mỗi cá nhân có thể có cơ hội để tạo nên những phẩm chất ấy trong đời sống của họ. Họ nhấn mạnh những lời dạy của Đức Phật trong các bản kinh, chẳng hạn như: “Người có được sự hiểu biết này và có trí tuệ lớn thì không nghĩ đến việc làm hại mình hại người, không làm hại cả hai. Vị ấy nghĩ đến lợi ích của bản thân và lợi ích của người khác, lợi ích của cả hai, và nghĩ về lợi ích của toàn thể thế giới. Bằng cách đó vị ấy thể hiện sự hiểu biết và trí tuệ rộng lớn”.

Các hoạt động giáo dục cộng đồng quan trọng khác bao gồm cả việc đối thoại liên tôn giáo và những hoạt động hòa giải. Ni sư Sumedha, đến từ Trung tâm Phật giáo Quốc tế ở Darwin, đã tham gia tích cực vào những hoạt động liên văn hóa và tôn giáo. Tổ chức này nhấn mạnh vào việc xây dựng hòa hợp xã hội trong một cộng đồng đa văn hóa. Họ dấn thân vào chương trình hòa giải quốc gia với những cộng đồng thổ dân. Nền tảng triết học của chương trình này nằm ở sự nhận thức Phật giáo về sự kết nối lẫn nhau của tất cả chúng sinh và kết quả của hòa hợp xã hội có thể được tạo ra thông qua việc thực hành tuệ giác này. Đề án Tara ở Sydney cũng dấn thân tích cực vào quy trình hòa giải và đối thoại liên tôn giáo. Tổ chức này thực hiện việc định hướng văn hóa, tôn giáo và giáo dục cho những người dự định làm việc ở nơi môi trường thế giới thứ ba. Ở đây lại nhấn mạnh đáng kể vào việc tôn trọng sự đa dạng và vào sự gắn kết tuyệt đối vào nhau của tất cả chúng sanh.

Chỉ có hai tổ chức trong số 54 đối tượng nghiên cứu đã không tham gia vào bất cứ chương trình giáo dục hay phúc lợi xã hội nào. Một tổ chức thuộc Phật giáo Nguyên thủy và một tổ chức thuộc Thiền tông. Cả hai nói rằng, lý do hiện diện của họ là để đem lại một đạo tràng thực hành thiền định chuyên sâu dành cho những thành viên của họ. Cả hai biện luận rằng, đã có đủ những chương trình giáo dục và phúc lợi xã hội cho cộng đồng do những tổ chức Phật giáo khác thực hiện.

(còn tiếp)

Nguyên Hiệp lược dịch

(Journal of Buddhist Ethics, Vol. 8, tr. 61-74)

(NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 186)
(Thư Viện Hoa Sen)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/06/2021(Xem: 8114)
LỜI ĐẦU SÁCH Cứ mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch là mùa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng mà Đức Phật cũng như chư Tổ đã chế ra từ ngàn xưa nhằm sách tấn cho nhau trên bước đường tu học, cũng như thực hành giới pháp; nên đâu đâu chư Tăng cũng đều y giáo phụng hành. Ngày nay ở Hải ngoại mặc dầu Phật sự quá đa đoan, nhưng chư Tăng cũng đã thực hành được lời di huấn đó. Riêng tại Tây Đức, chư Tăng Ni đã thực hiện lời dạy của Đức Thế Tôn liên tiếp trong 3 năm liền (1984, 1985 và 1986). Đó là thành quả mà chư Tăng đã tranh thủ với mọi khó khăn hiện có mới thực hiện được. Đây là một công đức đáng tán dương và đáng làm gương cho kẻ hậu học. Vì giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật không được tuân giữ thì việc truyền thừa giáo pháp của Đức Như Lai không được phát triển theo chánh pháp nữa.
07/05/2021(Xem: 16380)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
29/11/2020(Xem: 12390)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
03/10/2020(Xem: 19808)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
29/04/2020(Xem: 4408)
Xưa nay trên lịch sử loài người, chưa có nhà cách mạng nào đại tài như Đức Phật Thích Ca. Ngài đã thành công vẻ vang trên đường cách mạng bản thân, cách mạng xã hội và cách mạng tư tưởng để giải phóng con người thoát ách nô lệ của Bà La Môn thống trị. Đường lối và phương thức cách mạng của Ngài không giống những nhà cách mạng khác, có thể nói đi trước thời đại và cũng là tiên phong cho những phong trào cách mạng về sau. Sự cách mạng của Ngài khởi điểm tại Ấn Độ, khởi đầu bằng sự thành đạo nơi gốc Bồ đề, sau bốn mươi chín ngày nhập định, tìm ra lối thoát và lẽ sống cho chúng sanh.
23/04/2020(Xem: 4300)
Nhiều người trong chúng ta đang vật lộn với phản ứng của chúng ta, trước những khổ đau của quốc gia dân tộc và thế giới. Chúng ta có thể làm gì khi đối mặt với nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, bất công và tàn phá môi trường? Theo dòng thời sự, thật dễ dàng để tuyệt vọng, trở nên hoài nghi hoặc tê liệt. Hướng về phía nó là cách tiếp cận của Phật giáo đối với sự đau khổ chung này. Chúng ta hiểu rằng, hạnh phúc và thực sự ý nghĩa sẽ đến, thông qua xu hướng khổ đau. Chúng ta vượt qua tuyệt vọng của chính mình, bằng cách giúp đỡ người khác vượt qua mọi chướng nạn khổ đau.
21/04/2020(Xem: 4999)
Hôm thứ Hai, ngày 20/4/2020, Mạng lưới Phật giáo Dấn thân Quốc tế (The International Network of Engaged Buddhists, INEB) đã tuyên bố công khai trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Virusconrona gây ra, kêu gọi tất cả mọi người, các quốc gia vùng lãnh thổ và chính phủ, bất kể nền tảng tôn giáo hoặc cá biệt văn hóa chủng tộc hoặc liên kết chính trị, nhận ra tính chất liên kết và “Toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau”. Nhân loại là cơ sở cho một phản ứng toàn cầu thống nhất đối với cuộc khủng hoảng, đã gây nguy hiểm đến hàng triệu người trong các cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn thế giới.
15/04/2020(Xem: 4234)
Chỉ riêng khoa học và công nghệ không thể dừng và tiếp tục chiến tranh, phân biệt chủng tộc, hủy họa môi trường. Ảo tưởng về sự tách biệt thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng toàn cầu và sự tham lam ích kỷ, sợ hãi và thiếu hiểu biết cần phải được chuyển hóa, bằng việc thực hiện “thực tế tự nhiên” của sự phụ thuộc lẫn nhau, sự soi sáng của trí tuệ và từ bi tâm. Mỗi người trong chúng ta phải tìm ra cách riêng để đóng cho điều này bằng trí tuệ và thực hành, năng lực độc đáo của riêng mình.
08/04/2020(Xem: 4222)
Do có nguy cơ bị đại dịch Virus Corona tấn công, các cơ sở tự viện Phật giáo tại các quốc gia trên thế giới đều đóng cửa (bế môn), để cho công chúng tuân thủ các biện pháp giãn cách toàn xã hội trong thời gian nhất định nào đó. Chư tôn đức giáo thọ Phật giáo đang đưa ra những giáo lý đạo Phật, nhằm nhắc nhở cộng đồng Phật tử từ xa về các yếu tố chính của sự thực hành.
05/04/2020(Xem: 11536)
Luận Đại Thừa Trăm Pháp do Bồ tát Thế Thân (TK IV TL) tạo nêu rõ tám thức tâm vương hàm Tâm Ý Thức thuộc ngành tâm lý – Duy Thức Học và là một tông phái: Duy Thức Tông - thuộc Đại Thừa Phật Giáo. Tâm Ý Thức như trở thành một đề tài lớn, quan trọng, bàn cải bất tận lâu nay trong giới Phật học thuộc tâm lý học. Bồ Tát Thế Thântạo luận, lập Du Già Hành Tông ở Ấn Độ, và sau 3 thế kỷ pháp sư Huyền Trang du học sang Ấn Độ học tông này với Ngài Giới Hiền tại đại học Na Lan Đà (Ấn Độ) năm 626 Tây Lịch. Sau khi trở về nước (TH) Huyền Trang lập Duy Thức Tông và truyền thừa cho Khuy Cơ (632-682) xiển dương giáo nghĩa lưu truyền hậu thế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567