Hương Sen Tinh Khiết
Thích Nhuận Châu biên dịch
Phần 2
L.N.Đ:Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bởi Mike Hellbach, do Sherpa Tulku phiên dịch tại Pháp hội lần thứ hai, vào ngày 5-8 tháng 11 năm 1982 tại New Delhi, Ấn Độ. Nội dung này đã được ấn hành lần đầu tiên bởi Trung tâm Tusíta Mahãyyana Meditation ở New Delhi, 1982.
Hỏi:Kính thưa Ngài, ngay ở Dharamsala và cũng như những cuộc viếng thăm gần đây, Ngài đã tạo được những mối quan hệ mật thiết đối với người phương Tây, là giới đang quan tâm sâu sắc đến truyền thống tâm linh của Phật giáo Tây Tạng. Bất luận khi nào Phật pháp được hấp thụ vào một xã hội mới, thì nó luôn luôn được phát triển, định hình để có ảnh hưởng lớn lao đến tâm thức con người. Điều gì nên và điều gì không nên phát triển và định hình, riêng trong phạm trù Phật pháp ở phương Tây?
Đạt-lại lạt-ma:Cơ bản nguyên lý tu tập Phật pháp không bao giờ thay đổi. Chẳng hạn, nền tảng của Bồ-đề tâm[1](thể hiện lòng vị tha cho đến khi đạt được quả vị Phật như một phương tiện làm lợi ích cho tất cả chúng sinh), và Tính không[2](bản thể tối thượng của tâm và pháp giới) đều luôn luôn cần phải được thông qua tu tập. Tuy nhiên, để đạt được tinh yếu của các pháp tu này, chi tiết thứ yếu – như trình tự của phương pháp đang áp dụng, những khía cạnh chi tiết của việc quán chiếu mà người ta đang ứng dụng – sẽ phải được định hình rõ để xứng hợp với các dạng tinh thần khác nhau mà con người đã được thọ bẩm.
Có nhiều sự khác nhau trong phương pháp thực hành của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Tây Tạng cổ đại, nhưng tinh yếu của Bồ-đề tâm, cốt tủy của Phật giáo Đại thừa thì đồng nhất. Sự khác nhau chỉ là bằng cách nào để Bồ-đề tâm được biểu hiện mà thôi. Ngay cả đối với Ấn Độ, cũng đã có nhiều phương pháp thể hiện. Chẳng hạn phương pháp “Chuyển hóa ngã ái bằng cách yêu thương mọi người” được Tịch Thiên[3]dạy trong tác phẩm quan trọng của Ngài là Nhập Bồ-đề hành luận (bodhisattvacaryavatara) và “Phương pháp lục nhân nhất quả” (the method of six causes to on effect) được A-đề-sa[4]dạy trong tác phẩm Bồ-đề đạo đăng – (Bodhipathapradipa). Những kỹ thuật khác nhau này nhắm đến sự thích hợp cho những căn cơ khác nhau, vừa nhắm đến sự phát triển Bồ-đề tâm giống nhau, và toát yếu phương pháp thực hành lục độ[5].
Thế nên, những chi tiết của các phương pháp tu tập đa dạng có thể có sự khác nhau để phù hợp với tâm hồn của người Tây phương, và không những chỉ phù hợp với tâm hồn người Tây phương nói chung mà còn phải thích hợp với từng căn cơ cá biệt của người tu tập.
Hỏi:Tất cả các bậc Đạo sư lớn đều nhấn mạnh tầm quan trọng phải có một đạo sư tâm linh để giúp người tu tránh được nhầm lẫn về mặt giáo pháp và cả về mặt kinh nghiệm thiền quán. Không may, hiện nay có rất ít chân sư mà lại có rất nhiều người muốn tu học. Những người này có nên đọc một cẩm nang về thiền rồi theo đó tu tập là tốt hơn chăng?
Đạt-lại Lạt-ma:Điều này có thể được. Đi sâu vào một pháp thiền nào đó cao hơn thì rất nguy hiểm nếu không được một vị chân sư hướng dẫn, nhưng với pháp thiền quán đơn giản, như quán chiếu sự vô thường, lòng từ và bi hay nhằm phát huy định lực thì rất tốt. Khi chưa gặp được chân sư, tốt hơn hết là mình nên tự giới hạn trong các pháp thiền quán đơn giản.
Hỏi: Nhiều người muốn dấn thân vào việc tu tập nhưng cảm thấy ảnh hưởng đến thời gian và công việc mưu sinh cho gia đình…Liệu có thể chuyển hóa sự bận tâm này vào trong nguồn suối tâm linh?
Đạt-lại Lạt-ma:Cách xử lý chính đáng cần phải thể hiện là lòng yêu thương và Bồ-đề tâm. Rất khó giải thích Bồ-đề tâm một cách vắn tắt mà vẫn chính xác. Có lẽ đó là động lực muốn cứu giúp chính mình bằng cách cứu giúp những người khác. Phong cách xử sự độc đáo này được gọi là Bồ-đề tâm, là cốt tủy của Phật giáo Đại thừa.
Để có được những biểu hiện của đời sống tâm linh thường nhật, lòng từ bi phải được phối hợp với mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày. Có một số thiền pháp không thể thực hành khi các bạn đang làm việc, chẳng hạn khi đang làm trong xí nghiệp, nhưng thực tập từ bi quán thì có thể được. Nếu các bạn nổ lực một cách chân thành, thì Phật pháp luôn luôn được thể hiện.
Hỏi: Phật pháp mà người Tây Tạng tu tập liên quan nhiều đến pháp thiền quán về vô số biểu tượng và thần linh. Ngài có thấy từ điều này sẽ phát sinh một số vấn đề sẽ phải đối chiếu như quan niệm nhất thần giáo của người Tây phương?
Đạt-lại Lạt-ma: Điều này tùy thuộc vào đặc tính của từng cá nhân. Một số người rất thích những vị thần này…(cười). Mỗi người phải tự chiêm nghiệm giáo pháp nào khế hợp với mình nhất.
Hỏi: Một số người cho rằng nên có sự thay đổi những biểu tượng và thần linh này để thích nghi với truyền thống văn hóa của riêng họ.
Đạt-lại Lạt-ma: Điều này không nên. Nếu các bạn đã hành trì theo Phật pháp, thì những vị thần biểu tượng cho thiền định, chắc hẳn phải có ấn tượng mạnh mẽ liên hệ với giáo lý Phật giáo Kim cang thừa[6]. Họ không thể lập ra một cách tùy tiện, cũng không thể pha trộn với những pháp tu khác. Điều tốt nhất là hành trì một cách tinh tấn pháp môn thích hợp nhất đối với các bạn. Nếu các bạn đã chọn Phật pháp, thì hãy thực hành một cách thuần nhất. Rồi các bạn sẽ đạt được kết quả, thì đó là điều rất tốt. Còn nếu các bạn pha trộn giáo lý này với truyền thống khác trong tu tập, thì kết quả thế nào, các bạn không nên đổ lỗi cho Phật pháp.
Trong Phật giáo, vị có năng lực thiền định tối cao nhất là Đức Phật. Nếu các bạn thích những truyền thống khác, thì hãy thử. Còn nếu không, đơn giản là hãy làm Phật.
Hỏi:Có phải “sự ưa thích” này như là một thiên hướng của nghiệp lực?
Đạt-lại Lạt-ma: Để hiểu rõ về nghiệp, phải biết rõ nhiều điều. Có nhiều điều phải hiểu về nghiệp lực. Đạo Phật nói về biểu nghiệp và vô biểu nghiệp, thường kết hợp chung với ý thức, hoàn cảnh và đó là cách tạo nên nghiệp lực của con người. Đây là những yếu tố chính quyết định con đường mà ta nên theo.
Hỏi:Nhiều người Tây phương dịch kinh từ tiếng Tây Tạng nhấn mạnh rất nhiều đến khía cạnh bên ngoài hơn là những vấn đề nội tại của lĩnh vực huyền bí tâm linh. Làm thế nào để tránh được khuynh hướng này trong văn học Phật giáo Tây Tạng, khi kinh văn Mật tông lại được phiên dịch trực tiếp từ tiếng Phạn (sanskrit) sang tiếng Tây Tạng?
Đạt-lại Lạt-ma: Dường như điều này không phải là một vấn đề nổi cộm quá mức ở Tây Tạng. Tuy nhiên, chắc chắn đã có nhiều người đã không vận dụng tương ứng giáo pháp trong phong thái tinh thần. Trên thực tế, bất kỳ hành giả Mật tông nào vận dụng phương pháp này vào những mục đích như chống phá kẻ thù thì đó không phải hành giả tâm linh chân chính. Dù muốn hay không, một người thật sự là hành giả tâm linh phải được xác định bởi lợi lạc lâu dài do sự tu tập của họ mang lại, không phải do ở phương pháp hành giả ấy sử dụng.
Phật giáo Kim cương thừa truyền dạy Mật chú để giúp chúng sinh đạt được giác ngộ, chứ không cung cấp cho họ một dụng cụ để hãm hại người khác. Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh rằng Mật tông là một giáo lý bí mật. Nếu giáo lý này ở trong tay của những ai không có Bồ-đề tâm và không có những phẩm tính khác thì có thể rất nguy hiểm và chẳng có lợi ích gì cho ai cả.
Trong một luận giải về “Văn-thù-sư-lợi nhất thiết chú[7]”, có một mẩu chuyện về một người Bà-la-môn tên là Kanaka, là một hành giả tu luyện Diệm ma thần chú[8]. Mặc dù ông ta là một hành giả với định lực thiền quán rất mạnh mẽ, nhưng ông ta vẫn đọa vào địa ngục. Khi thực hành, ông ta mong sẽ đạt đến sự giác ngộ, nhưng ngược lại, ông đã bị tai họa. Trong một luận giải khác, Bí mật tập hội tantra[9]cũng nhấn mạnh vào điểm này.
Bất cứ những sự kiện nào xảy ra ở Tây Tạng theo ý nghĩa này đều không tốt và dù bất kỳ điều gì mọi người khác ưa thích cũng không đúng.
Hành giả Mật tông chân chính phải tự hứa là không bao giờ thi triển bất kỳ một pháp thuật nào mà họ có được. Theo giới luật của người xuất gia, dù là một A-la-hán, cũng không được tiết lộ cho người khác quả vị của mình đã chứng đắc. Trong Mật thừa cũng như vậy, nếu hành giả chỉ vì tiểu tíết mà thi triển pháp thuật, dù hành giả ấy có đạt được một phẩm tính nào đó, thì nền tảng tu tập của hành giả ấy sẽ bị thoái hóa dần.
Hỏi:Trong tất cả các phương pháp tu tập của Phật giáo, Mật tông đã thu hút được người Tây phương nhiều nhất, đó không còn là những pháp thực hành mật tông sơ cơ nữa, mà rất cao cấp. Pháp thực tập “thành tựu vị”[10]là pháp thiền quán về những luân xa[11]và đạo quản[12]tương giao với nhau. Những pháp được ưa thích này có điều gì lợi và bất lợi, và pháp thực hành Mật tông sơ cơ là gì?
Đạt-lại Lạt-ma: Rất hay khi người Tây phương có niềm say mê với pháp tu “Thành tựu vị”. Tuy nhiên, áp dụng pháp tu này sẽ có ít hiệu quả nếu trước hết không có được thành quả trong khi thực hành theo pháp “tạo tác vị”[13]trong đó, cảnh giới thiền định được phát huy và oai nghi của hành giả trong nghi quỹ mật chú đã chín muồi qua các phương pháp thiền quán về sự huyền diệu của hệ thống mạn-đa-la. Hơn thế nữa, điều quan tâm này nên được khởi phát từ nền tảng là động cơ muốn làm lợi ích cho mọi chúng sinh. Đó là điều tiên quyết khó khăn nhất. Nếu sự quan tâm đến pháp tu này chỉ phát xuất từ sự hiếu kỳ tầm thường thì sẽ thiếu đi nền tảng phát tâm châm chính.
Thiền quán về “Thành tựu vị” trong Mật thừa có thể rất nguy hiểm, có thể dẫn đến bệnh tật hoặc tử vong cho những hành giả yếu kém căn cơ. Y dược không thể nào chữa trị được bệnh hoạn phát sinh do tu tập pháp này không đúng, chỉ có chất hóa giải duy nhất là áp dụng chính xác một pháp thiền quán đặc biệt.
Hỏi:Xin Ngài giải thích vắn tắt điều khác nhau giữa Mật thừa Ấn Độ giáo[14]và Mật thừa Phật giáo.
Đạt-lại Lạt-ma: Rất khó để hiểu được toàn vẹn sự khác nhau ấy. Tuy nhiên, nói vắn tắt, có sự khác biệt về cả hai phương diện thực hành và triết lý.
Về mặt thực hành, Mật thừa Phật giáo căn cứ trên động lực là Bồ-đề tâm (bodhicitta) trong khi Mật thừa Ấn Độ lại thíếu chất liệu đó.
Về phương diện triết lý, Mật thừa Phật giáo lập nền tảng trên lý thuyết vô ngã (anatman), trong khi Ấn Độ giáo căn cứ trên lý thuyết về một bản ngã tồn tại thực sự[15]. Những bài tập luyện Du-già (yoga) khác, như luân xa (cakra) và đạo quản (nadi), thì có nhiều điểm tương đồng, nhưng điểm khác nhau rất vi tế.
Hỏi:Vì ngã ái và ngã chấp là những nghiệp lực mà ta đã tạo nên từ vô thỉ kiếp, khi tiến hành một lộ trình tu tập tâm linh không cần phải phát triển một bản ngã tiêu cực, liệu có thể dẫn đến tà kiến ngoại đạo không?
Đạt-lại Lạt-ma: Để tránh điều ấy, cần thiết phải biết chắc rằng pháp bạn đang thực hành thực sự là một pháp môn chân chính. Nếu được như vậy, dù tập quán quen thuộc của bản ngã quá sâu nặng, thì ảnh hưởng của nó cũng không lan tỏa đến đâu. Còn nếu các bạn học hỏi giáo pháp mà không ứng dụng, thì những hoạt động tinh thần của bạn có thể được gọi là dễ dàng trở nên hướng đến mục tiêu danh và lợi trong tình trạng chỉ có tự ngã và những tính xấu như nóng giận, chấp trước và bè phái…phát triển. Tuy nhiên, mỗi ý nghĩa của giáo pháp mà các bạn lĩnh hội đều được dùng để đào luyện tâm linh, nên mỗi lời pháp đều mang đến lợi lạc mà thôi, bất luận bạn lĩnh hội được nhiều hay ít. Hiểu được càng nhiều, bạn sẽ không bao giờ có khuynh hướng phát triển tự ngã.
Điểm quan trọng nhất là lúc sơ cơ, phải hết sức nghiêm túc trong động cơ tiếp nhận giáo lý để hành trì. Nếu tinh thần này mạnh mẽ và chu đáo, sẽ hạn chế được nguy hiểm.
Hỏi: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni có dạy trong kinh rằng tà kiến sẽ tạo nên nghiệp còn nặng hơn cả giết ngàn vị Phật. Tại sao như thế?
Đạt-lại Lạt-ma: Mục đích tối hậu của chư Phật là dạy cho chúng sinh phương cách giải trừ trạng thái mê muội của tâm thức và cả sự khổ đau. Đây cũng là nguyên do mà chư Phật đã tu tập và đạt được giác ngộ. Chư Phật chỉ có một động cơ duy nhất là làm lợi ích cho mọi chúng sinh, hoàn thiện thông qua giáo pháp của chư Phật, thế nên xem thường bất kỳ giáo pháp nào của chư Phật được coi là còn tệ hơn cả phỉ báng chư Phật. Điều này còn hàm ý khi đã theo một giáo pháp này rồi thì không nên coi thường các truyền thống tu tập khác.
Hơn thế nữa, chính Đức Phật rất tôn trọng các truyền thống của giáo lý khác. Thế nên đối với chúng ta, không tôn trọng các truyền thống khác cũng có nghĩa là phỉ báng chư Phật.
Có nhiều phương pháp để chiêm nghiệm các trích dẫn từ kinh điển. Điều gì là ước nguyện bản hoài của chư Phật? Chỉ là truyền dạy giáo pháp. Và đó cũng chính là giáo pháp đã đưa chư Phật đến nơi chứng ngộ. Ngay trong Phật pháp, chúng ta không chấp nhận lý thuyết có một Đấng sáng tạo (creator), mà xem mọi pháp đều tùy thuộc vào chính mình. Chư Phật không thể trực tiếp thành tựu ước nguyện cứu giúp chúng sinh mà các Ngài chỉ có thể thực hiện được bản nguyện ấy thông qua giáo pháp. Chúng ta có thể xem đó là một sự thiệt thòi. Do vậy, giáo pháp chư Phật ban cho chúng sinh quý báu và quan trọng hơn chính các Ngài rất nhiều. Vì căn cơ và thú hướng đa dạng của nhiều loài hữu tình khiến chư Phật phải dùng nhiều phương pháp thực hành và triết lý khác nhau để truyền dạy. Nếu chúng ta tu tập theo giáo pháp này rồi chê bai các giáo pháp khác, đó là chúng ta đã phỉ báng pháp cũng như phỉ báng chư Phật vậy.
Hỏi: Đức Đạt-lại Lạt-ma có nghĩ rằng các tôn giáo khác trên thế giới đều lập nên bởi sự lưu xuất từ hiện thân của chư Phật để khế hợp với tâm thức của từng căn cơ và cộng đồng riêng biệt hay không?
Đạt-lại Lạt-ma: Điều này rất có thể. Người sáng lập một tôn giáo nào đó có thể là một hóa thân của một đức Phật đặc biệt nào đó. Do vậy, rất hợp lý khi chúng ta nhìn các tôn giáo khác với lòng kính trọng sâu sắc.
Hỏi:Thế tại sao các tôn giáo này lại thường chống đối nhau?
Đạt-lại Lạt-ma: Đây là một vấn đề khác, vì một tín đồ chân chính không bao giờ lập cước trên sự bàn cãi hoặc tranh luận cả. Thực tế đã có cái gọi là chiến tranh tôn giáo. Tuy nhiên, những người dính líu vào cuộc chiến tranh này không phải là những người tu tập mà họ chỉ lợi dụng tôn giáo như một thế lực. Động cơ của họ thực tế là ích kỷ, không phải là tâm linh.
Chiến tranh tôn giáo không phải là vấn đề mâu thuẫn giữa các tôn giáo chút nào cả. Hãy để qua một bên sự khác biệt của giáo lý giữa các tôn giáo, có rất nhiều điều có vẻ như mâu thuẫn trong Phật pháp. Chẳng hạn, đối với những người có căn cơ nào đó, Đức Phật dạy rằng không có tự ngã tồn tại chân thực, trong khi đối với những căn cơ khác, Đức Phật lại bảo rằng có (một tự ngã tồn tại chân thực). Thế nên cái gì là mục đích lời dạy của Đức Phật? Đó chẳng phải là khoa trương, cũng chẳng biểu lộ tầm hiểu biết của Ngài, mà chỉ để làm lợi ích cho chúng sinh. Cũng thế, Đức Phật không chỉ quan tâm đến một lớp hậu duệ, mà quan tâm đến vô số môn đệ cùng các hạng người khác nhau. Do đó, giáo pháp của Đức Phật chắc chắn phải có nhiều từng bậc ý nghĩa khác nhau, nên thường thấy, một số giáo pháp dường như mâu thuẫn nhau. Biết vậy, nên ta hiểu các cuộc tranh cãi, bài bác giữa các tôn giáo với nhau sẽ không bao giờ có được một lý do chân chính.
Hỏi:Đức Lạt-ma Tông-khách-ba, người sáng lập tông phái Cách-lỗ[16]đã tham học với hơn 45 bậc đạo sư biểu tượng cho tất cả truyền thừa Phật giáo Tây Tạng. Phải chăng điều này có nghĩa là qua tông phái Cách-lỗ, chúng ta có thể tìm thấy tất cả các pháp tu của các tông phái Phật giáo Tây Tạng? Nếu không, điều gì là chuẩn mực trong việc truyền thừa?
Đạt-lại Lạt-ma: Về cơ bản, những gì Lạt-ma Tông-khách-ba đã làm là chọn những hệ truyền thừa giá trị nhất trong số các tông phái đang được mến mộ. Chẳng hạn, từ tông phái Ca-nhĩ-cư[17]Ngài chọn “Bí mật tập hội tan tra”[18]và Na-rô lục pháp[19], từ phái Ninh-mã[20], Ngài chọn dòng truyền thừa bởi Lạt-ma Lhodak Nam-kha Gyal-tzen, từ phái Tát-ca[21], Ngài chọn sự truyền thừa của Hô Kim Cương[22]và Du-già Kim Cương[23]…
Một đặc điểm nổi bật trong giáo lý của Rinpoche Je (Tông-khách-ba) là những điều ngài đối chiếu được giải thích trong các bộ luận của Ngài, như trong “Luận giải về Bí mật tập hội” với nhiều hệ thống giáo lý khác nhau, như:
-Lượng thích học[24]
-Giới luật học[25]
-Trung quán luận[26]
Cũng vậy, Ngài trình bày vắn tắt các luận giải về những điểm trọng yếu và chi tiết hóa về các luận giải ấy nên rất khó hiểu.
Hỏi:Có đặc điểm chung nhất nào về tông phái Cách-lỗ chăng?
Đạt-lại Lạt-ma: Không, tôi chỉ nói về Ngài Tông-khách-ba, trên phương diện Ngài là vị sáng lập tông phái Cách-lỗ, qua 18 luận giải Ngài sáng tác để lập thành tông phái của mình. Còn những giải thích từ các môn đệ của Ngài chúng tôi đều không được biết.
Trường hợp tương tự cũng tồn tại giữa các vị sáng lập và các môn đệ trong bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng[27]. Không có sự khác biệt trong chiều sâu thẳm của giáo lý trong bốn tông phái kể trên, nhưng trong giải thích của các nhóm môn đệ từ bốn tông phái đó thì có những tranh luận không cùng tận.
Vị Ban Thiền Lạt-ma thứ nhất[28]có viết: “Dù những tông phái có tên gọi khác nhau về mặt lý thuyết, như Đại Thành Tựu (the great completion), Đại Thủ Ấn (the great seal), Trung Đạo (the middle way), nhưng khi một hành giả có kinh nghiệm, đạt được trí tuệ thâm hậu về tri thức kinh luận khảo sát các pháp môn ấy, hành giả sẽ thấy chúng như một thực thể thống nhất”.
Hỏi: Trong kinh luận thường nói đến Tam Thừa. Tại sao Đức Phật dạy có ba thừa như thế?
Đạt-lại Lạt-ma: Mặc dù kinh điển nói nhiều đến ba thừa: Thanh văn thừa (hearer’s vehicle), Độc giác thừa (solitary realizer’s vehicle) và Bồ tát thừa (bodhisattva vehicle) – hai thừa trước được xem là một, là Tiểu thừa (hinayana). Còn Bồ tát thừa, hay còn gọi là Đại thừa (mahayana), được phân làm hai là “Nhân thừa thực hành Lục độ” và “Quả thừa thực hành Mật chú”. Nên ở Tây Tạng, chúng ta thường đề cập đến hai thừa, Tiểu thừa và Đại thừa.
Có nhiều cách nhìn khác nhau về hai thừa này. Trước hết, chúng ta xem xét từ quan điểm thực hành.
Rất quan trọng phải có một nền tảng khách quan khi khảo sát về giới luật (vinaya), chẳng hạn như một loại giới luật dành cho giới xuất gia gồm Tăng, Ni và loại giới dành cho cư sĩ tại gia.
Đối với Tăng Ni, ba pháp thực hành căn bản phải tuân theo là: an cư trong mùa mưa, sám hối, bố tát nửa tháng một lần và cử hành lễ Tự tứ vào cuối mùa an cư. Đây là những pháp thực hành theo giới luật Thanh văn.
Nữa, chư Tăng Ni cần phải thực hành lòng từ bi, phát Bồ-đề tâm và tu tập Lục độ, đó là pháp tu Nhân địa của Đại thừa.
Một người có thể tu tập các pháp này để đạt được giác ngộ, họ không được cản trở người khác cũng như không được gây ra sự cản trở đối với những người phát tâm tu tập. Do vậy, hành giả có thể thực hành tất cả các pháp môn mà không hề mâu thuẫn. Với sự tiếp cận căn bản giáo lý này, sẽ không có sự phê phán giữa Tiểu thừa với Đại thừa, Đại thừa và Tiểu thừa, Kinh thừa (sutra school) phê phán Mật thừa… Đó là sự liên quan giữa các thừa từ quan điểm thực hành.
Từ quan điểm triết học, Phật pháp có thể chia thành bốn trường phái:
1.Tỳ-bà-sa-độ (vaibhasika)
2.Kinh lượng bộ (sautrantrika)
3.Du-già hành tông hoặc Duy thức tông (yogacara)
4.Trung quán tông (madhyamaka)
Tất cả các trường phái này đều xuất phát tứ Ấn Độ. Nhìn từ một phía, những trường phái này như thể không công nhận nhau. Tuy nhiên, chủ đích của các giáo lý như thể chống trái nhau ấy lại nằm trong khuôn khổ đạo Phật. Triết học Phật giáo nhằm cung ứng phương cách tiếp cận dần dần với những tư tưởng siêu tuyệt hơn, dẫn đến tầm mức cao cả hơn và cuối cùng đưa con người đạt được trí tuệ siêu việt. Do vậy không có trường phái nào trong bốn trường phái trên bị loại trừ.
Ở Tây Tạng, có bốn tông phái chính: Ninh-mã, Tát-ca, Ca-nhĩ cư và Cách-lỗ. Từ quan điểm thực hành, các tông phái ấy đều là Đại thừa, thực hành theo sự phối hợp thống nhất của Kinh thừa (sutrayana) và Mật thừa (tantrayana), như đã được mô tả ở trên.
Từ quan điểm triết học, bốn tông phái trên đều theo Trung quán luận ( tu tập để khế hợp với bình diện triết học phát triển như đã nói trên). Các tông phái ấy không có gì khác biệt giữa các quan điểm thực hành và triết học. Sự khác biệt là do ở thời điểm các tông phái ấy du nhập vào Tây Tạng, và do sự truyền thừa của các vị Lạt-ma khi các ngài lập tông. Khác biệt là ở sự nhấn mạnh vào những phương diện thực hành và thuật ngữ đa dạng mà mỗi giáo lý được trao truyền. Tất cả bốn tông phái đều dẫn đến Phật quả. Do vậy, tuyệt đối sai lầm khi nói tông phái này siêu hơn tông phái kia hoặc phê phán lẫn nhau.
Hỏi:Xin Ngài vui lòng giải thích về sự khác nhau giữa việc tụng kinh trong đạo Phật-chẳng hạn như-với cầu nguyện của người Thiên Chúa giáo. Cũng thế, có khác biệt gì giữa việc thờ phượng Thiên chúa và thờ phượng chư Phật, chư Bồ-tát?
Đạt-lại Lạt-ma: Hầu hết những lời kinh chúng ta tụng đều mang ý nghĩa bừng chiếu từ nội tâm. Tụng kinh không phải để van xin hay cầu nguyện lòng từ bi của chư Phật mà đó là một phương pháp của thiền quán; nội dung của lời kinh là đối tượng của thiền quán.
Tuy nhiên, cũng có một dạng tụng kinh là để cầu nguyện đến tâm từ bi của chư Phật. Sự khác nhau giữa việc tụng kinh và thờ phượng Thượng đế tùy thuộc vào động cơ và nhận thức về việc mình đang làm. Bất kỳ lúc nào một người Phật tử theo truyền thống Đại thừa phát tâm cúng dường hay tụng kinh cầu nguyện đến chư Phật, Bồ-tát, là họ đều ngưỡng mong sự dẫn dắt và trợ lực cho họ đạt được giác ngộ vì lợi ích cho toàn thể chúng sinh.
Hỏi: Để kết thúc, xin Đức Đạt-lại Lạt-ma cho người Phật tử phương Tây những lời khuyên thiết thực nhất.
Đạt-lại Lạt-ma: Điều quan trọng là cần suy nghĩ kỹ trước khi theo một truyền thống tâm linh nào đó. Một khi các bạn đã bước vào rồi, thì hãy kiên trì thực hành. Đừng như người đi nếm thức ăn ở khắp các nhà hàng mà không bao giờ thực sự có được một bữa no. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi chọn lựa một pháp tu, rồi theo nó suốt đời. Theo cách đó, bạn có được kết quả dù chỉ dành một ít thời gian thực tập mỗi ngày. Thay vì vậy, nếu các bạn có nổ lực đi theo tất cả những con đường khác nhau, các bạn cũng không đến được đâu cả.
Cũng vậy, kiên nhẫn thực hành những điều cần thiết. Trong thời đại cơ giới này, mọi thứ dường như đều tự động. Các bạn có thể nghĩ rằng Phật pháp cũng như thế - chỉ cần bật nút lên là các bạn có thể được chứng ngộ. Hãy kiên nhẫn! Sự bừng chiếu nội tâm chỉ cần ở thời gian.
Các bạn nên duy trì nỗ lực thường xuyên tu tập. Thật vô ích khi hết sức nhọc công vài tháng, rồi lơ là, rồi lại nổ lực hết sức. Tốt nhất là tự ép mình vào một phương pháp thường xuyên và đều đặn. Cách này rất quan trọng.
Nếu các bạn đã hiến mình cho Phật pháp, thì các bạn không nên xem mình như là một người “Phật tử vĩ đại” rồi tức khắc bắt tay vào những việc làm quái dị. Ngạn ngữ Tây Tạng có câu: “Hãy chuyển hóa tâm mình, nhưng để mặc thân thể bình thường”.
Trong tất cả tông phái Phật giáo, đặc biệt là trong Phật giáo Đại thừa, việc làm lợi ích cho người khác rất được chú trọng. Trong lĩnh vực này, ngài Tịch Thiên có dạy trong “Nhập Bồ-đề hành luận[29]” rằng:
“Trước hết chiêm ngưỡng những gì được mọi người (trong xã hội mình đang sống) chấp nhận và điều gì họ không chấp nhận, rồi tránh những điều mà họ không chấp nhận”.
Dĩ nhiên, các bạn phải xem xét những điều chấp nhận và không chấp nhận là trong sự phủ nhận với pháp (dharma). Nếu chuẩn mực xã hội không mâu thuẫn với pháp, các bạn nên cố gắng sống hòa hợp với họ. Với cách này, mọi người sẽ kính trọng các bạn. Điều này không phải có nghĩa các bạn hành động xuất phát từ tính kiêu căng, tự phụ mà để mang lại lợi ích lớn nhất cho tất cả mọi người.
Khi thực hành Phật giáo, điều cần thiết nhất là tấm lòng thương yêu dành cho mọi người, vì đây là nền tảng của Bồ-đề tâm. Tình thương là một pháp thực hành đơn giản, thế nên rất lợi lạc cho người thực hành cũng như cho cộng đồng nơi họ đang sống, cho cả quốc gia và cả thế giới nữa. Lòng Từ và Bi luôn luôn được hoan nghênh. Dù các bạn tin có sự tái sinh hay không, các bạn cũng cần có tình thương ngay trong đời này. Nếu chúng ta có tình yêu, mới hy vọng có được một gia đình chân thực, tình huynh đệ chân thực, sự thanh thản chân thực, và hòa bình thực sự. Nếu lòng yêu thương bị đánh mất, nếu các bạn tiếp tục nhìn người khác như kẻ thù, thì bất luận bạn có tri thức phong phú hoặc được học hành nhiều đến đâu, bất luận bạn có nhiều khả năng phát triển về vật chất, thì các bạn chỉ gặt hái lấy đau khổ và khủng hoảng mà thôi. Các sinh vật thường tiếp tục lừa gạt và lấn lướt lẫn nhau, cơ bản là mọi nguời tồn tại trên bản chất của cái khổ vô cùng, thế nên lạm dụng hoặc nguợc đãi lẫn nhau là điều vô nghĩa. Nền tảng của mọi pháp tu tập tâm linh là tình thương. Để cho các bạn thực hành được điều này tốt đẹp, đó chính là ước nguyện của tôi. Dĩ nhiên, để có thể thực hành được điều này trong mọi hoàn cảnh, cần phải có thời gian. Nhưng các bạn đừng nên đánh mất lòng can đảm. Nếu chúng ta muốn đem hạnh phúc đến cho nhân loại thì chỉ còn một con đường duy nhất này thôi.
L.N.Đ
Những cuộc phỏng vấn này do Ron Gluckman tiến hành nhiều nơi trong thời gian Đức Đạt-lại Lạt-ma sống lưu vong ở Dharmasala, (Ấn Độ) từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1996.
Ron Gluckman là nhà báo người Hoa Kỳ, đã đi rất nhiều nơi để viết về nhiều đề tài phong phú và đa dạng. Những chi tiết từ loạt bài phỏng vấn này đã được đăng tải trong các tạp chí Asiaweek: Good Weekend, Sydney Morning Herald, Dagens Nyheter Manads Magasin và trong nhiều tạp chí khác. Sau khi loạt bài phỏng vấn được đăng tải, thì Hồng Kông thuộc chủ quyền của Trung Hoa. Ron Gluckman rời Á Châu, thực hiện những đề tài khác ở châu Mỹ La Tinh và châu phi. Trong khi đó, Đức Đạt-lại Lạt-ma vẫn ở lại Ấn Độ.
Đức Đạt-lại Lạt-ma bước vào căn phòng, nhưng trước đó đã lâu, căn phòng đã tràn ngập phong thái nhiệt tình, thanh thản và tư tưởng chân thực phát khởi từ thiện tâm. Nhưng cũng ngay trước đó, căn phòng như nổi bồng lên BỞI TIẾNG CƯỜI CỦA Ngài, vang dội thường xuyên và sâu thẳm, giàu nội lực phản kích. Ngài làm mọi người rung động nhiều lần bởi tiếng cười của mình và khuôn mặt hiếm khi thiếu vắng nụ cười dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi. Mắt Ngài, đặc biệt, lấp lánh sự linh động đầy sức thu hút, như đôi mắt của trẻ thơ.
Và cuộc trao đổi bắt đầu.
Hỏi:Ngài có lạc quan về tình hình Tây Tạng?
Đạt-lại Lạt-ma:“Vâng tôi rất lạc quan”. Ngài trả lời, rồi giải thích: “Lạc quan, có nghĩa là trong vài tháng tới, sẽ có một giải pháp. Khi tôi không có niềm hy vọng, thì ngay lúc ấy tôi không phải là người lạc quan. Nhưng thời gian trôi qua, tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ đổi thay. Từ viễn cảnh này, tôi rất lạc qua…”
Rồi Ngài cười khúc khích và nói thêm: “Và tôi đã lạc quan suốt 37 năm qua”.
Hỏi:Ngài sẽ trở lại Tây Tạng chứ?
Đạt-lại Lạt-ma:Chắc chắn (Đức Đạt-lại Lạt-ma trả lời không chút do dự với giọng nói vút cao pha lẫn tính khí vui nhộn). Vâng, tôi thấy rất chắc chắn, không nghi ngờ gì cả. Trước hết, tôi muốn nhìn thấy những gì đang thực sự diễn biến. Điều tôi quan tâm chính là nền văn hóa Tây Tạng. Tôi thường xem đó là nền văn hóa Phật giáo. Đó không chỉ là một nền văn hóa cổ, mà nó rất có ích cho thời đại hiện nay… Nền văn hóa ấy có thể phát sinh tình hữu nghị và hòa bình. (Ngài lại cười). Nó thật là có ích, là rất tốt.
Ngay cả khi chúng ta tiếp cận với những vấn đề khó khăn bằng một nụ cười, vấn đề sẽ trở nên dễ chịu hơn. Chúng ta sẽ ít gặp rắc rối hơn. Nếu các bạn nghiêm trang quá, các bạn chỉ đối diện với nhiều khó khăn mà thôi.
Cuộc đời đôi khi cũng rất nghiêm trang.
Hỏi: Ngài có khi nào hoài nghi và nuối tiếc không?
Đạt-lại Lạt-ma: “Hầu như không. Đến nay, nhìn lại suốt 44, 45 năm qua, khi nghĩ về những quyết định lớn lao, tôi vẫn không hối tiếc điều gì và tôi không nhớ có lúc nào niềm tin hay tinh thần của mình hoàn toàn biến mất hay dao động cả.
Phần mình, tôi suy nghĩ về những vấn đề xuất phát từ nền văn hóa Phật giáo, thái độ đối với cuộc đời, cuộc sống của chính mình đối với sinh mạng của toàn nhân loại, sinh hoạt trên hành tinh này, dường như hoàn toàn có ích rất nhiều cho sự hổ trợ ý chí tinh thần”.
“Một điều quan trọng nữa là, tôi hoàn toàn tin rằng mục đích của chính đời sống con người là hạnh phúc. Hạnh phúc chân thực, hạnh phúc chân chính sẽ đến khi các bạn thấy có chút lợi ích từ cuộc sống của mình mang lại. Thế nên các bạn có chút hài lòng. Cuộc đời tôi, chính ngay cuộc đời này, vì nhiều hoàn cảnh, và mặc dù khả năng của tôi hoàn toàn có hạn, tuy vậy, tôi vẫn nghĩ rằng sự tồn tại của đời mình ít nhất cũng đem lại chút lợi lạc cho sáu triệu dân Tây Tạng”.
“Không có một ai, chẳng có một người nào không có phiền muộn”. (cười lớn).
Những thứ rắc rối ấy luôn luôn hiện hữu ở đó. Nhưng, nếu ngay trong những phiền muộn ấy, các bạn tìm thấy những điều có ích, thì cũng đủ cho các bạn giữ vững tinh thần rồi. (Cười lớn)
Nếu các bạn chỉ nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực, thì các bạn sẽ chỉ thấy những điều tệ hại. Nhưng, cùng lúc đó, nếu các bạn biết nhìn vào khía cạnh tích cực, thì chỉ thấy những điều hay. Thế nên, bạn đã thấy rõ. Đó chính là sự chọn lựa của mình. Dĩ nhiên, trên bình diện thực hành, các bạn phải rất thực tế. Nhưng trên bình diện tâm linh, tốt hơn là phải suy nghĩ theo hướng tích cực và giữ vững ý chí của bạn. Dù các bạn có thành công hay không cũng không phải là điều quan trọng. Về phương diện tâm linh, chúng ta phải hoàn toàn giữ chất trong sáng. Nổ lực, nổ lực và nổ lực. Với mọi nổ lực, thì khi nhìn sự thất bại vẫn thấy không có gì là đáng tiếc cả. Đó là triết lý của tôi.
Hỏi: Làm thế nào để Tây Tạng có thể phát triển?
Đạt-lại Lạt-ma: Điều ấy quá xa. Theo quan điểm của tôi, tôi hình dung tùy thuộc vào sự tiếp cận của tư tưởng Trung đạo: quy luật tự thân vận động. Như về vấn đề kinh tế, Tây Tạng là quốc gia khép kín, thế nên rất khó khăn để phát triển nhanh chóng. Một vấn đề khó ở đây là khi tôi muốn Tây Tạng có thêm nhiều công xưởng hoặc xí nghiệp, thì cùng lúc đó, ngay khi khởi đầu, điều rất quan trọng là phải giữ cho được sự tinh khiết của môi trường, đặc biệt là trong sự tham dò và khai thác tài nguyên. Nếu chúng tôi chỉ nghĩ đến lợi nhuận, điều đó thật là nguy hiểm.
Trong lĩnh vực kinh tế, tôi không phải là chuyên gia. Ước nguyện của tôi là nêu lên vài ý niệm xã hội liên quan đến tầm quan trọng về lợi ích của con người, đặc biệt là cho những người có ít đặc quyền. Chúng ta sẽ cần đến một vài loại trách nhiệm, quyền kiểm soát của nhà nước để chăm sóc những người ít được hưởng quyền lợi này. Chúng ta sẽ cần có một nền kinh tế quân bình, ổn định, một hệ thống kinh tế thị trường, nhưng cùng lúc, vẫn duy trì những quan điểm về xã hội.
Trong nhiều năm qua, tôi muốn có sự quan tâm nhiều hơn đến phúc lợi xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và sức khỏe của chư Tăng Ni Phật giáo, cũng như các huynh đệ Thiên chúa giáo. Điều này rất quan trọng, mà chúng ta thì đang thiếu rất nhiều..
Hỏi: Vai trò của Đạt-lại Lạt-ma trong tương lai sẽ là gì?
Đạt-lại Lạt-ma: Dù sao đi nữa, đến lúc nào đó, tôi sẽ xin rút khỏi những trách nhiệm này. Tôi sẽ đem hết sức mình để cống hiến cho sự phát triển nâng cao nền văn hóa Phật giáo, đó là ước nguyện chính của tôi, không chỉ riêng cho Tây Tạng, mà còn cho Trung Hoa, vùng Bắc Ấn Độ và Mông Cổ. Và tôi cũng muốn giữ mối quan hệ mật thiết với những người bạn ở Tây phương và các nơi khác trên thế giới. Chúng ta đã phát triển một tình bạn chân thực, cũng như tình huynh đệ chân thành. Đó là tôi muốn mang đến sự hòa hợp chân thực và thường xuyên giữa các dân tộc. Trên phương diện này, tôi cảm thấy có chút hãnh diện là tôi đã tạo được sự chia sẻ giữa Phật giáo Tây Tạng và các huynh đệ Thiên chúa giáo. Chúng tôi đã tạo được mối quan hệ rất thân thiện và hiểu biết lẫn nhau.
Thế nên, trong tương lai, cho đến ngày cuối cùng của đời mình, tôi mong được làm điều gì đó để phát triển sự hòa hợp giữa con người của các truyền thống tôn giáo khác nhau.
Tôi đơn cử, ví như luân lý thế gian, đó là động lực chính của hạnh phúc cuộc đời, sự an vui của gia đình, sự an ninh của cộng đồng… mà không cần thiết phải là đức tin tôn giáo… Để phát triển gia đình, xã hội, quốc gia mình, các bạn cần phải có gia đình, đó là một trường hợp. Nếu lợi ích của mình chẳng đem lại gì cho lợi ích của người khác, thì các bạn có thể xem đó là chỉ nghĩ đến riêng mình nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Trong hoàn cảnh chúng tôi, để cho Tây Tạng phát triển thịnh vượng, hòa bình và cuối cùng, Tây Tạng sẽ phát triển thành một vùng hòa bình. Để điều đó xảy ra, chúng ta phải quan tâm đến lợi ích của nước Ấn Độ, lợi ích của nước Trung Hoa và lợi ích của các nước láng giềng khác. Đó là một trường hợp. Ngay cả đại lục này đối với đại lục khác cũng tùy thuộc với nhau rất nhiều. Đó là thực tế, hoàn toàn rõ ràng, cũng như trong nhân loại, đặc biệt là trong tầng lớp lãnh đạo. Nhưng trong thực tế, quan niệm về chúng ta và chúng nó, về căn bản, vẫn còn nhiều khác biệt.
Hỏi: Xin hỏi Ngài về sự nóng giận.
Đạt-lại Lạt-ma: Có lần tôi đã nổi nóng, nhưng hôm nay thì không (Ngài dừng lại hồi lâu như hồi tưởng lại những ngày đã qua). Ngày hôm kia, tôi có một cuộc họp với một nhân vật quan trọng. Tôi thấy mình mắc phải chút sai lầm. Sao vậy? Đó là việc riêng của tôi (Ngài nói rồi phá lên cười lớn).
Tranh giành quyền lực, Ngài nói tiếp: Thật là xấu hổ cho trò chính trị nhỏ mọn. “Cảm giác bực bội’. Ngài nói tiếp một cách nghiêm trang, “Thực ra nó không là gì cả. Khi tôi nghe về sự đàn áp dã man, về sự kỳ thị với dân Tây Tạng, thì dĩ nhiên, trong một thời gian ngắn, tôi thấy mình có chút cảm giác khó chịu, chút nóng giận, nhưng cảm giác ấy đến rồi đi. Có thể giải thích như thế này: Bản tâm ta ví như đại dương, thỉnh thoảng gợn lên vài cơn sóng vọng tưởng, như cơn giận chẳng hạn, nó đến rồi đi. Nhưng sóng vọng tưởng ấy chẳng ảnh hưởng gì đến bản tâm. Đó là nhờ tư tưởng Phật giáo và nếp sống văn hóa Phật giáo.
Cuộc đời rất thanh thản… các bạn có thể đánh mất hy vọng…hoặc giữ vững được đời sống tâm linh. Khi ấy, chất liệu tinh thần trở nên kiên định và rất bền vững.
Hỏi:Trong cương vị một nhà lãnh đạo với nhiều lễ nghi, Ngài thấy như thế nào?
Đạt-lại Lạt-ma: Với cương vị một Đạt-lại Lạt-ma, có thể rất có ích. Tôi có thể cống hiến được nhiều cho mọi người. Về mặt khác, trong quá khứ, đã có quá nhiều lễ nghi. Điều ấy tôi không thích, những ngày đó. Vì tôi thích sống tự nhiên hơn. Và tôi nghĩ rằng tôi chỉ là một người dân Tây Tạng. Thế nên, tôi thường nói chuyện và nhấn mạnh trên cơ sở này. Nhưng đôi khi người ta vẫn quá nghiêm trang. Điều ấy thúc đẩy cho vấn đề tôi muốn trình bày.
“Tôi thích giao tiếp với mọi người. Nhưng nếu mọi người đều quá nghiêm trang, họ sẽ bị bối rối trước lời tôi nói, điều ấy sẽ gây nên sự nhầm lẫn. Một số người đã vận dụng ý nghĩa lời nói của tôi. Họ đã quá nghiêm túc về những gì mà Đạt-lại Lạt-ma nói. Điều đó quá nghiêm trọng.
Vì tôi là một Đạt-lại Lạt-ma, đôi khi tôi cảm thấy có chút xa cách với mọi người. về mặt tinh thần, tôi luôn luôn đồng cảm với người bình dân. Nhưng vì vị trí của một Đạt-lại Lạt-ma, cácbạn thấy đó, một số yếu tố đóng khung cô lập đến theo. Khi tôi còn trẻ, đôi khi tôi cũng có cảm giác hay mong ước được theo đám bạn nhỏ chơi đùa. Khi tôi ở Potala, nơi tôi thường ở qua mùa Đông, căn phòng của tôi thường rất lạnh và tối.
Đặc biệt, vào lúc hoàng hôn, tôi nhìn mặt trời lặn rồi nhìn xuống bóng mình, thấy nó trở nên lớn hơn.
Đôi khi, tôi cũng thấy hơi buồn. Đến nay, cảm giác ấy chỉ giúp cho tôi thêm cơ hội để ngồi thiền. Nhưng vào lúc ấy, khi còn ở Potala vào mỗi lúc hoàng hôn, những đứa trẻ từ đồng cỏ ca hát khi trở về nhà chúng. Lúc ấy tôi nghĩ, thích thú biết bao khi được đi cùng các bạn ấy.
May mắn thay, lúc đó, tôi rất có nhiều bạn tốt, mặc dù tuổi tác cách biệt nhau khá nhiều, nhưng các bạn ấy vẫn chơi với tôi như bạn bè cùng trang lứa. Tôi thấy thời thơ ấu của tôi rất hạnh phúc.
Hỏi:Ngài dùng thời gian nào để ngồi thiền?
Đạt-lại Lạt-ma: “Vào buổi sáng, dù lúc đi xa. Thường vào lúc 4 hoặc 5 giờ sáng. Ở đây thường là 3 giờ 20 sáng, đôi khi 4 giờ. Khi tôi đi xa thì bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, nếu ngày hôm trước bị trể, thì tôi bắt đầu vào lúc 4 giờ 30. Thông thường, chương trình làm việc trong ngày bắt đầu từ 8 giờ 30 hay 9 giờ sáng, thế nên dành 3-4 giờ để ngồi thiền trong ngày là hợp lý”.
“Đôi khi trong chuyến hành trình dài bằng xe hơi, đó là thời gian tốt nhất để thiền quán. Trên máy bay cũng thế, nếu không có điều gì làm xáo trộn. Nếu có quá nhiều xáo trộn thì…” (Ha, ha, ha).
“Từ trước đến nay, tôi không bao giờ ngủ khi đi máy bay. Tôi rất sợ. Khi tôi bước vào lòng máy bay và họ đóng cửa lại, thì không còn một chọn lựa nào khác. (Ha, ha, ha!)
Hỏi: Tình hình sức khỏe của Ngài ra sao?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi lại Phật hàng ngày. Tôi dành 10 phút mỗi ngày tập thể dục bằng cách đạp xe, rồi tập nhảy. Nhưng theo kinh nghiệm hạn hẹp của tôi, trạng thái an tĩnh của tâm dường như là một yếu tố chính của sức khỏe. Một bác sĩ cho biết áp huyết của tôi giống như áp huyết của trẻ thơ.
Trước đây, tôi đã bị bệnh hoàng đản[30]và loét bao tử. Ngay cả trước khi sang định cư sang Ấn Độ cũng không được khỏe cho lắm. Nhưng thời gian qua tôi đã sử dụng thuốc. Nay đã khá hơn nhiều. Bây giờ tôi có thể dùng được thức uống lạnh, mà trước đây thì không thể, như nước cam vắt, trước đây thì hoàn toàn không. Tôi bị nững cơn mưa giông và sấm sét…(ha, ha, ha!). Sấm sét trong bao tử tôi…(Ha, ha, ha!)
Hỏi:Ngài có ý tưởng gì về những Đạt-lại Lạt-ma tiền nhiệm?
Đạt-lại Lạt-ma: Nhiều bậc đại sư xem Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ V[31]như là hiện thân của một vị thần trí tuệ. Nói cách khác, như là Đức Phật, hay là một người đã đạt đến kinh nghiệm chứng ngộ tâm linh cao nhất. Người như thế có thể thị hiện hằng triệu hóa thân cùng trong một lúc. Trong trường hợp hóa thân của Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ II[32], ngài biểu hiện 100 hóa thân cùng một lúc. Cuối cùng, chỉ một đứa bé công nhận là hóa thân của Đạt-lại Lạt-ma… còn nhiều nữa…
Điều quan trọng là đảm đương công việc mà vị Đạt-lại Lạt-ma trước đã đặt nền móng. Mục đích chính của việc tái sinh trở lại đều với mục đích giống nhau, là để tiếp tục công việc của vị tiền nhiệm. Trường hợp tôi, có một giấc mơ gặp gỡ vị Đạt-lại Lạt-ma thứ V và được nói chuyện với Ngài. Khi tôi gặp Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ V, tôi rất kính trọng. Khi tôi gặp Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ XIII trong mơ, tôi cũng có một niềm xúc cảm rất lớn về Ngài. Có một lần trong giấc mơ, tôi hỏi tình trạng khó khăn nhất mà Ngài đang gặp phải là gì? Câu trả lời, bất hạnh thay, không được rõ ràng chút nào… (Ha ha ha!)
Hỏi:Ngài quan niệm như thế nào về sự tái sinh như là một phương pháp chọn lựa người lãnh đạo?
Đạt-lại Lạt-ma:Từ trước tới nay, sự tái sinh rất là huyền nhiệm. Nhưng trong tương lai, chúng tôi sẽ thực hiện rất lõ ràng, người lãnh đạo trong ý nghĩ nắm quyền lực điều hành đất nước nên được chọn lựa qua bầu cử. Chúng ta đã tiến hành việc đó lâu nay rồi”.
Nhưng người dân Tây Tạng trong nước lại không đồng ý như thế. Họ không tán thành sự thay đổi này và không bầu chọn Đạt-lại Lạt-ma. Vâng, thật đấy! Và đây là điều nguy hiểm. Thời gian trôi qua, mọi việc đều phụ thuộc vào kinh nghiệm của mình. Trong trường hợp này, cần phải có sự xác định rõ, nhưng cũng có nhiều sự bất tiện đặc biệt”.
Suốt đời, tôi chỉ muốn làm những việc tâm linh, không muốn làm những việc hành chính và quản lý. Việc ấy có thể được điều hành bởi những người được bầu cử ra hơn là bởi tôi. Trong những lĩnh vực khác, như làm tăng trưởng giá trị nhân văn hay giá trị Phật pháp, tôi nghĩ là tôi có thể làm được tốt hơn. Người được bầu cử ra không thể làm được việc này.
Tôi cảm thấy một vấn đề nào đó, một lĩnh vực nào đó không thể được điều hành bởi những người nào khác, vì đây là những trách nhiệm của tôi, cho đến khi tôi chết, tôi sẽ tiếp tục tiến hành. Tôi không muốn người khác đối diện với những chướng ngại của các vấn đề nếu tôi còn giữ cương vị lãnh đạo chính phủ… Việc điều hành những việc hành chính sẽ được tốt hơn bởi những người khác”.
Tự nhiên, trong giai đoạn khởi đầu của nền dân chủ, chúng ta phải đối diện với một số vấn đề. Thế nên trong giai đoạn này, nếu tôi ở Tây Tạng, nếu tôi còn sống, sẽ như là nhân vật thứ 3, tôi có thể giúp xử lý mọi việc được êm đẹp.
Hỏi:Có phải Ngài sẽ là vị Đạt-lại Lạt-ma cuối cùng không?
Đạt-lại Lạt-ma:Bây giờ, các bạn thấy đó, thực hiện là tùy thuộc vào nhân dân Tây Tạng. Từ năm 1969, tôi đã đề cập trong phát biểu chính thức vào ngày 10 tháng 3. Tôi nói rằng, dù việc lập ra một Đạt-lại Lạt-ma có nên tiếp tục hay không là tùy thuộc người Tây Tạng. Như đối với trách nhiệm của tôi, trách nhiệm chính trị. Còn đối với vị Đạt-lại Lạt-ma tiếp theo, lúc ấy, tôi không biết nữa. Nếu dân Tây Tạng muốn có một vị Đạt-lại Lạt-ma tiếp theo, và dù vị Đạt-lại Lạt-ma ấy phải điều hành công việc chính trị, đó cũng là tùy vào người dân Tây Tạng.
Như các bạn biết, nay tôi đã 61 tuổi. Có lẽ chỉ vài năm nữa, nếu chúng ta có cơ hội để trở về Tây Tạng, lúc ấy tôi đã 65 tuổi, rồi phần còn lại của đời mình, tôi chân thực muốn hiến mình cho một số lĩnh vực khác nhau. Đến lúc đó, tôi sẽ quyết định. Người Tây Tạng đang đòi hỏi ở tôi, nhưng tôi cũng có quyền này.
Hỏi:Nhưng với quan điểm cá nhân, Ngài có tái sinh trở lại như một Đạt-lại Lạt-ma nữa không?
Đạt-lại Lạt-ma:Không nhất thiết phải là Đạt-lại Lạt-ma. Các bạn thấy đó, sự tái sinh của tôi là được rồi! Dĩ nhiên, dù muốn hay không, tôi vẫn phải tái sinh (cười lớn với vẻ khôi hài). Đó là luân hồi mà. Tôi không tự cho mình là người cao quý. Tôi vẫn còn trong luân hồi (samsara). Thế nên tương lai tôi không nằm trong bàn tay tôi. Tôi như một hành giả, tôi luôn luôn sống trong cầu nguyện…
Lời kinh tôi thích nhất là: “Hư không thế giới vô tận, nỗi khổ đau của chúng sinh cũng vô tận. Con nguyện hiện thân ở đây để đem lại sự an vui lợi ích cho tất cả mọi loài”.
Bài kệ này ban cho tôi sức mạnh. Thế nên, dù nếu tôi có vào Niết bàn, chẳng bao lâu cũng phải tái sinh trở lại. Lúc ấy, hiện thân của tôi sẽ luôn luôn ở cõi này, đó là quyết định của tôi.
Nếu tôi chết, dù trong vài năm sắp đến, tôi vẫn nghĩ về người dân Tây Tạng… Trong trường hợp này, người Tây Tạng sẽ muốn tôi có một thân tái sinh khác. Nếu tôi còn sống 20-30 năm nữa, lúc ấy toàn bộ tình hình sẽ đổi khác, với những cải tổ mới và tình hình trở nên bình thường và hòa dịu, lúc đó có lẽ nhân dân Tây Tạng bây giờ sẽ không còn xem việc lập nên một Đạt-lại Lạt-ma là quan trọng nữa. Lúc ấy, trong trường hợp đó. Tôi sẽ là vị Đạt-lại Lạt-ma cuối cùng.
Nhưng sự tái sinh của tôi sẽ chấm dứt chăng? Không, chắc chắn không. Cương vị Đạt-lại Lạt-ma vẫn hiện hữu. Nhưng người dân Tây Tạng không còn muốn công cử một Đạt-lại Lạt-ma nữa.
Nhưng vì câu hỏi của bạn, nếu tôi sẽ chết trong một thời gian ngắn nữa, tất nhiên tôi sẽ có một cuộc tái sinh chắc chắn.
Hỏi: Ngài nghĩ như thế nào về sự lan tỏa của Phật giáo Tây Tạng ở phương Tây?
Đạt-lại Lạt-ma: Theo tôi, trong tình hình phương Tây, tôi cho rằng sự lan tỏa này cần đặt trong bối cảnh của một quốc gia Thiên Chúa giáo. Và tôi nghĩ điều tốt hơn là các bạn nên theo giá trị truyền thống của riêng mình, bao gồm cả giá trị tâm linh riêng của các bạn.
Có một vài cá nhân người Tây phương quan niệm như thế về Tây Tạng, về phương diện lễ nghi tôn giáo. Đôi khi tôi cảm thấy quá nhiều và thật nguy hiểm khi bỏ quên hay đánh mất những điều thiết yếu trong khi tập trung vào những nghi thức long trọng. Nhưng người bình dân lại thích những hình thức này hơn.
Các bạn cần có một nổ lực mạnh mẽ, tạo nên một lực chuyển biến thực sự. Điều này đòi hỏi phải có thời gian. Những tín đồ thích lễ hội, điều đó quá dễ dàng. Có một mối nguy thực sự ở đây là sẽ đánh mất ý nghĩa chân thực, đánh mất trí tuệ, ảnh hưởng sâu sắc từ sự chuyển hóa tâm thức và thay đổi phong cách sống.
Tôi để ý có một vài người Tây phương cũng thích lễ nghi và những sinh hoạt dạng này. Tôi chắc chắn điều này không kéo dài được lâu. Đó giống như thời trang, sự ưa thích này, nó đến rồi đi. Sau một thời gian, họ sẽ nhận ra, thông qua kinh nghiệm của mình, chẳng có ảnh hưởng gì cả…(Ha ha ha!)
Tôi nghĩ ở phương Tây hoặc ở các nước đạo Phật chưa lưu hành, có hai dạng người: một dạng rất hời hợt, chỉ bị hấp dẫn bởi các lễ nghi, màu sắc và mọi hình tướng khác. Sự ưa thích đó không được dài lâu. Dạng người thứ hai có thể thông tuệ hơn.
Tôi chỉ xem mình là một tăng sĩ Phật giáo, nhưng một số lời giải thích về quan niệm của đạo Phật và thế giới, không phải làm cho tôi tin ngay tất cả. Các bạn thấy đấy, chúng ta phải có tự do suy nghĩ, tự do tham cứu. Rồi thông qua tham cứu, mới nhận ra một số vấn đề, thấy nó trở nên rõ ràng hơn, từ đó quý vị mới chấp nhận được. Nếu có điều gì trái nghịch, thì các bạn có quyền tự do không chấp nhận lý thuyết kinh điển. Chính Đức Phật đã nói rõ điểm này: “Các con không nên chấp nhận lời ta nói qua sự tôn kính, mà đúng hơn là nên thông qua sự chiêm nghiệm của chính mình”.
Hỏi:Nhưng tại sao đối với người Tây phương Ngài rất được ngưỡng mộ?
Đạt-lại Lạt-ma: Về tôn giáo, đối với người Tây phương, tôi nghĩ là rất đa dạng. Có một số người rất thành tâm, một số khác lại hiếu kỳ. Cũng vậy, nên khi nghĩ về Phật giáo ngày nay, tôi cho rằng; điều quan trọng nhất là nắm giữ khía cạnh tâm linh và không chỉ là văn hóa Phật giáo thôi. Mỗi quốc gia có một nền văn hóa khác nhau. Rốt ráo, sẽ có một đạo Phật phương Tây, đạo Phật châu Âu, có cùng một bản chất, nhưng biểu hiện qua những truyền thống văn hóa đa dạng khác nhau.
Hỏi: Ngài muốn được mọi người nhớ đến mãi bằng cách nào?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi chẳng quan tâm. Các bạn biết đó, một lần nữa, một vài bạn bè tôi muốn viết tiểu sử tôi. Tôi nói với các bạn rằng, những gì quan trọng là lúc tôi đang sống. Tôi sẽ đem hết sức mình, mang sự hiện hữu sinh tồn của mình để dành cho cái thiện, cho sự lợi ích của toàn thể mọi người. Điều ấy rất quan trọng. Đó là tôi đã hoàn thành sứ mệnh. Lúc ấy, dù mọi người có nói tốt nói xấu cũng chẳng thành vấn đề. Hãy để cho họ nói. Tôi chẳng mong muốn ghi lại những gì tôi đã làm.
Khi nào tôi vào Niết bàn, tôi sẽ nói cho mọi người biết. (ha ha ha!..)
GIÁO LÝ SIÊU VIỆT: SỰ HÒA GIẢI CHO THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
Bài dịch này được thu thập từ tập sách của Nhà xuất bản North Atlantic Books năm 1996, bao gồm những cuộc phỏng vấn khi Ngài viếng thăm nước Pháp vào cuối năm 1993. Để dễ theo dõi, chúng tôi tạm sắp xếp theo từng chủ đề và cố gắng dịch sát với nguyên tác, dùng lối văn ghi lại rất trung thực các cuộc phỏng vấn. Những chú thích ở cuối trang là của người dịch.
Hỏi:Theo Ngài, phải chăng cái chết chỉ là một tiến trình sinh học, một hiện tượng y khoa hay chỉ là một sự biến chuyển tâm linh của từng con người? Thực sự chúng ta có cần phải đem hết sức cứu chữa để ít nhất có thể kéo dài đời sống nạn nhân? Hay ngược lại, phải chăng không hợp lý khi liều lĩnh để cho thân nhân của mình chịu đựng cái chết, trong khi có thể cứu chữa được nhờ kỹ thuật y khoa tối tân, và bệnh nhân cách ly hẳn với gia đình, cùng bạn bè thân thuộc?
Theo Ngài, cái chết tốt hay xấu? Nói chung, có phải những nỗ lực của Tây y nhằm can thiệp vào tiến trình cái chết dường như là một vấn đề khiến Ngài rất quan tâm?
Ngược lại, nếu như cái chết chỉ là một sự kiện bình thường, nên để người thân trong gia đình được biết và gần gũi, cho đến thời điểm nào thì sự can thiệp của y khoa nên chấm dứt? Cần có sự trợ duyên nào để chúng ta thông báo cho người thân biết họ không cần phải có tâm lý né tránh cái chết nữa?
Trả lời:Trước hết, chúng ta nên có nhận thức rõ rằng cái chết thực sự là một phần của cuộc sống, tự nó chẳng có gì xấu cả. Trong Tử thư Tây Tạng (Tibetan book of thr dead) có nói: “Chết chỉ là một khái niệm”. Nói cách khác chết chỉ là biểu hiện sự kết thúc của tâm thức trọng trược này và sự chấm dứt của vật nâng đỡ tâm thức ấy – cái túi da hôi thối. Tiến trình này xảy ra ở mức độ tập tung cao nhất của tâm thức. Nhưng cả sinh lẫn tử ở mức độ vi tế của tâm thức đều chẳng phải là cái được gọi là “cực quan tâm thức[33]”.
Nói chung, dĩ nhiên chết là một cái gì đó mà ta thường sợ hãi. Tuy vậy, chết – điều mà ta chẳng muốn tiếp xúc với nó chút nào cả - lại không thể nào tránh được. Đây là nguyên nhân rất quan trọng. Khi ta còn đang sống mà đã quen thuộc với ý niệm chết, nên sẽ không phải là một cú sốc khi biết cái chết sẽ đến, không phải chúng ta thường suy niệm về cái chết để mong tiến trình ấy đến nhanh hơn, ngược lại, cũng như mọi người khác, chúng ta cũng muốn được sống lâu hơn. Vậy mà, ta không mời, cái chết vẫn đến. Chúng ta nên tin rằng nếu bắt tay vào việc chuẩn bị cho tiến trình chết của mình sớm hơn, thì đến khi ta tiếp xúc với tiến trình chết, ta sẽ thoải mái chấp nhận nó hơn.
Theo tôi, chẳng có một quy luật phổ quát nào được xem là sự quan tâm chu đáo thường dành cho bệnh nhân để giúp họ kéo dài mạng sống. Đó là một vấn đề rất tế nhị. Để khảo sát, chúng ta cần phải có rất nhiều yếu tố, tùy thuộc vào nhiều trường hợp riêng biệt. Chẳng hạn, nếu chúng ta tìm cách kéo dài sự sống của một người bệnh rất nặng nhưng tinh thần vẫn còn ổn định, nghĩa là chúng ta giúp cho người ấy cơ hội để họ tiếp tục tư duy về đạo lý mà chỉ loài người mới có được. Chúng ta cần phải xem xét bệnh nhân có hưởng được lợi lạc gì không, khi cố gắng kéo dài mạng sống? Ngược lại, bệnh nhân sẽ phải chịu một sự đau khổ tột cùng về thể xác cũng như tinh thần, hoặc trải qua tâm lý cực kỳ sợ hãi.
Nếu bệnh nhân đã nằm liệt giường, lại là một vấn đề khác. Ước muốn của gia đình người bệnh cũng phải được cứu xét kỹ lưỡng, cũng như chi tiêu một khoảng tiền lớn do việc trị liệu để kéo dài mạng sống.
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cố gắng hết mình để bảo đảm cho người chết ra đi một cách thanh thản, trong sự trầm tĩnh và an lạc. Có sự khác biệt rất rõ ràng trong tiến trình chết của một người có tu tập và một người chưa có niềm tin tôn giáo. Bất luận trong trường hợp nào, dù người chết có niềm tin tôn gíao hay không, tôi vẫn tin sự ra đi trong thanh thản và an lạc là điều tốt nhất.
Hỏi:Vừa rồi có nhiều người thường đặt vấn đề với một vị tiến sĩ, liệu sẽ có một ngày nào đó, con người không còn bị bệnh tật nữa. Ngài có nghĩ rằng sau những trò bịp ấy hoặc là sau hàng trăm buổi hội thảo như thế này, ngày đó sẽ đến khi thế gian này thực sự được gội nhuần trong niềm an lạc?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi rất tin và tiếp tục hy vọng rằng chúng ta sẽ đạt được sự bình an nơi thế gian này. Nhưng dĩ nhiên sẽ phải luôn luôn có những vấn đề rắc rối nhỏ nhặt xảy ra.
Hỏi:Qua những ấn tượng rất đẹp trong phim “Tại sao Phật pháp lại đến với phương Đông?”, chúng tôi biết được sự an tĩnh của tâm thường gắn liền với sự giác ngộ, và được vận hành trong sự tương quan mật thiết giữa con người và môi trường họ đang sinh sống. Nhưng Phật giáo cũng thừa nhận tính chất vô ngã của hiện tượng giới mà chúng tôi hiểu một cách đơn giản là “bản chế”[34]. Xin Ngài chỉ cho chúng tôi rõ những lĩnh vực mà ý niệm về “không tự tính” chứa đầy trong kinh luận Phật giáo và về cách nhận thức “tính không” của hiện tượng giới như thế nào để có thể dẫn dắt chúng tôi thay đổi cách nhìn ngay trong môi trường xã hội đương thời?
Đạt-lại Lạt-ma: Người ta cho rằng các vật thể vô tri (các loài vô hình) thường không tồn tại trên cơ sở tự tính (inherent existence), mà chỉ tồn tại trên quy ước (conventional existence). Điều này không những đúng với các vật thể vô tri mà còn đúng đối với vạn vật hữu hình, có nghĩa là chúng hiện hữu do tâm thức (thức biến). Trên phương diện này, vật thể vô tri cơ bản là bình đẳng với sự hiện hữu của pháp giới hữu tình. Xét trong mối tương quan giữa ngoại cảnh và nội giới (tâm thức), theo một số trường phái triết học, đặc biệt là trường phái Du-già hành tông (yogacara) – một hệ phái thuộc Trung Quán Y tự khởi tông (svatantrika) và theo trường phái Duy thức (cittamatra), thì thế giới khách quan không hề hiện hữu, mà tất cả sự hiện hữu của pháp giới đều do ở tâm thức. Pháp giới không có sự hiện hữu trên cơ sở tự tính hoặc là sự hiện hữu đích thực, mà tính chất của các hiện tượng ấy chỉ là sự phân biệt được tạo nên bởi tâm (thức). Thế giới khách quan hiện hữu tùy thuộc vào tâm (thức), vậy nên nó tồn tại như một biểu hiện của tâm thức tạo ra. Do vậy, nó không tồn tại một cách độc lập ngoài sự quy định của tâm (thức), cũng không tồn tại độc lập trong tự tính của tâm. Do vậy, hiện tượng giới chỉ có thể được xem là tồn tại một cách khách quan.
Nói chung, Phật giáo công nhận thế giới này là tập hợp của rất nhiều vật thể cực vi – xem con người là một phần trong tự nhiên giới và bởi yếu tố này – tất nhiên có sự liên quan giữa kiếp người và môi trường chung quanh. Rõ ràng hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc rất nhiều vào môi trường chung quanh. Đây là lý do tại sao kinh luận Phật giáo dạy chúng ta nên có cái nhìn chính xác về tự nhiên giới.
Chẳng hạn như trong giới luật tỷ-khưu có một điều cấm không được làm ô nhiễm hoặc hủy phá cây cỏ và thảo mộc. Theo sự ghi chép về công hạnh của Đức Phật, dường như có một sự liên hệ rất mật thiết với tự nhiên giới. Không phải Đức Phật được sinh ra trong hoàng cung mà sinh ra trong công viên, dưới tàng cây sa-la. Đức Phật hoàn toàn chứng ngộ dưới cây bồ-đề[35](bodhitree) và từ giã thế gian, nhập niết-bàn giữa các tàng cây Sa-la. Dường như Đức Phật rất yêu thích cây cỏ.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC VỀ ĐẤNG SÁNG TẠO
Hỏi:Ngài thường nói rằng theo triết học Phật giáo, không có một đấng sáng tạo, không có một vị thần linh chủ tể sáng tạo ra thế giới, và điều này có thể vô tình ngăn cản những người có niềm tin vào thần quyền (divine principle). Xin Ngài giải thích rõ sự khác nhau giữa Kim Cang Trì. Bản Sơ Phật và Đấng Thượng Đế sáng tạo?
Trả lời: Theo tôi được biết, Bản Sơ Phật (primordial buddha) cũng được gọi là Đức Phật Phổ Hiền[36], là thực tại tối thượng, biểu tượng cho Pháp thân – không tính – nơi mà tất cả mọi hiện tượng, thanh tịnh và ô nhiễm đều được hóa giải. Đây là giáo lý được xiển dương bởi cả Kinh thừa (sutra) và Mật thừa (tantra). Tuy vậy, trong vấn đề mà ông đang quan tâm, thì chỉ có truyền thống Mật tông mới giải thích Pháp thân (dharmakaya) theo thuật ngữ “cực quang bản hữu” (inherent clear light), chính là tâm thể. Điều này như thể hàm ý rằng tất cả các hiện tượng, luân hồi và niết bàn, đều sinh khởi từ bản nguyên trong sáng chiếu diệu này.
Ngay cả trường phái Tân dịch cũng có kết luận rằng “trạng thái an nghỉ” của một hành giả đã đạt được một cảnh giới thiền định, khi có được cảm nhận vi tế nhất về cực quang từ bản tâm – nghĩa là khi hành giả còn an trú trong cảnh giới vi diệu này, là hành giả hoàn toàn tự tại thoát khỏi mọi thứ vi tế che mờ bản tâm, khi ấy hành giả đã được gội nhuần trong trạng thái diệu lạc.
Vậy nên chúng ta có thể nói rằng điểm linh quang chiếu diệu, cội nguồn uyên nguyên này, rất gần với ý niệm về một Đấng sáng tạo, vì tất cả mọi hiện tượng, dù nó thuộc về luân hồi hay niết bàn, đều lưu xuất từ cội nguồn này. Nhưng chúng ta phải hết sức cẩn thận khi phát biểu về cội nguồn uyên nguyên này, thì chúng ta mới khỏi bị dẫn đến chỗ sai lầm. Ở đây tôi không cố ý nói đến sự hiện hữu đâu đó một loại ánh sáng hỗn hợp tương tự như trong khái niệm về Đấng Brahma[37]của ngoại đạo, như một nền tảng của mọi hiện hữu. Chúng ta đừng để bị nghiêng về khuynh hướng thần thánh hóa cảnh giới ánh sáng chiếu diệu này. Chúng ta phải hiểu rằng khi đề cập đến “điểm linh quang của tự tính” vi diệu này, là đang nói trên bình diện của cá nhân con người.
Cũng thế, khi ta nói về nghiệp như là nguyên nhân khởi đầu của pháp giới, chúng ta phải giải trừ ý niệm về một thực tế độc nhất được gọi là nghiệp hiện hữu hoàn toàn độc lập (với pháp giới). Đúng hơn, ý tưởng tổng thể về nghiệp được tích lũy một cách cá biệt, là ở ngay khởi nguyên về sự sáng tạo khô cứng của thế giới. Trong khi theo Mật thừa, chúng ta nói rằng pháp giới lưu xuất từ điểm linh quang này, chúng ta không nhìn khởi nguyên này như một thực thể độc nhất, mà như là một ánh sánh vi diệu tối thượng của từng sinh thể. Chúng ta cũng có thể nhận ra từ bản tâm thanh tịnh này, điểm linh quang của tự tâm chính là Đức Phật Bản sơ (primordial buddha). Tất cả mọi tầng bậc của sự sống mà mọi sinh thể trải qua – chết: thân trung ấm – tái sinh – đều chẳng biểu tượng cho một điều gì khác hơn là vô số biểu hiện của cực quang ẩn mật này, cả về mặt tâm thức vi diệu nhất và năng lực của tâm. Khi cực quang này càng giảm đi sự chiếu diệu, thì quý vị càng cảm nhận sự nặng nề khó chịu.
Theo nghĩa này, sự chết và giai đoạn trung gian là lúc mà những biểu hiện thô phù lưu xuất từ cực quang được tái hấp thụ. Ngay khi chết, chúng ta trở về lại với cội nguồn uyên nguyên này và từ đó, một dạng thể hơi thô trọng hiện lên để tạo thành tiền đề cho thân tái sinh (thân trung ấm). Tại giai đọan tái sinh này, cực quang hiện thành một thân thể vật chất. Lúc chết, ta cũng trở về lại nơi nguồn gốc này. Và cứ thế, năng lực nhận ra cực quang vi diệu này, cũng được gọi là Đức Phật Bản sơ, tương tự như trực nhận ra niết-bàn, còn khi không nhận ra được điểm linh quang từ bản tâm, sẽ khiến chúng ta lang thang trong những cõi giới luân hồi.
Đây là cách tôi hiểu được về Đức Phật Bản sơ. Sẽ nhầm lẫn nghiêm trọng khi hiểu về Đức Phật Bản sơ như là một hiện hữu độc lập và tự hữu từ vô thủy. Nếu chúng ta chấp nhận ý tưởng có một đấng sáng tạo độc lập, thì lời giải thích trong Lượng thích luận[38]của Pháp Xứng[39], và chương thứ 9 trong luận giải của Tịch Thiên hoàn toàn bác bỏ lần lượt sự hiện hữu của tất cả từng hiện tượng một, sẽ bị phủ nhận. Điều này, trở lại bác bỏ luôn ý niệm về Đức Phật Bản sơ. Quan điểm của Phật giáo không chấp nhận sự xác quyết hợp lý mà không đứng trên sự khảo sát chính xác. Nếu kinh điển diễn tả Đức Phật Bản sơ như là một thực thể tự có, thì lẽ ra chúng ta có thể phải giải thích sự quyết đoán này mà không cần dùng những ẩn dụ.
Hỏi:Sự quan tâm về những khám phá trong ngành vật lý thiên văn và lý thuyết “big-bang” làm khơi dậy cả hai vấn đề. Một là sự quan tâm lớn lao đến vũ trụ và một là cuộc phỏng vấn thăm dò bởi những thành viên trong thế hệ chúng ta về cội nguồn mà họ sinh ra, họ sẽ về đâu và sự hiện hữu tồn sinh của họ. Lý thuyết “big bang” đã có một ảnh hưởng rất quan trọng trong cách nhìn vào vật chất và bản thể; lý thuyết ấy đã giới thiệu một ý niệm mới có thể chấp nhận được. Những tư liệu về cấu trúc vũ trụ, có tác dụng tương dung tương nhiếp lẫn nhau và những khám phá mới tiếp tục được công bố, là một nguồn thắc mắc vô tận. Giống như các truyền thống tâm linh khác, Phật giáo cũng khảo cứu những huyền vi của vũ trụ. Nhưng Phật giáo lại từ chối ý niệm về Đấng sáng tạo – Tại sao?
Phần nhiều các khoa học gia Tây phưong nghĩ rằng cuộc sống và tâm là một kết quả hoàn hảo trong quá trình tiến hóa vật chất vũ trụ, thế nhưng họ chẳng biết vật chất hình thành như thế nào và tại sao qua một yếu tố cần thiết để làm sinh khởi sự sống và tâm thức hoàn chỉnh như thế. Những gì họ biết rành rẽ là những nhân duyên này vận hành rất sát sao. Tuy nhiên, nó đã hoàn chỉnh trong vũ trụ này theo cái nhìn của vật lý thiên văn. Ngài đã có một cái nhìn rất độc đáo và hoàn chỉnh về vấn đề này. Xin Ngài hoan hỷ cho chúng tôi được biết về tâm thức và mối tương quan của nó với vũ trụ vật chất.
Đạt-lại Lạt-ma: Vì sao đạo Phật không chủ trương có một Đấng sáng tạo? Đạo Phật cho rằng người ta không thể nào tìm thấy một sinh thể từ khởi nguyên của vũ trụ bởi vì nguyên nhân chủ yếu tạo nên mọi việc cũng không có sự khởi đầu. Nếu có một điểm khởi nguyên cho vũ trụ này, ắt cũng phải có một khởi nguyên của tâm thức. Nếu chúng ta chấp nhận tâm thức có điểm khởi đầu, thì… chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận nguyên nhân của nó cũng phải có một điểm khởi đầu, một nguyên cớ ngẫu nhiên nào đó bỗng dưng tạo nên tâm thức, điều này sẽ đưa đến rất nhiều vấn đề khác.
Nếu tâm thức phát khởi mà không có nguyên nhân hoặc từ một nguyên nhân thường hằng, thì nguyên nhân ấy sẽ phải tồn tại theo một nền tảng thường hằng, luôn luôn như vậy, hoặc hoàn toàn không tồn tại. Thực ra một hiện tượng tồn tại dù chỉ trong thoáng chốc cũng chứng minh nó tùy thuộc rất nhiều yếu tố nhân duyên. Khi tất cả các duyên đã hội đủ, thì hiện tượng được sinh khởi. Khi một trong những duyên này vắng mặt hoặc chưa hoàn chỉnh, thì hiện tượng ấy không hiển bày. Khi những nguyên nhân được xem là vô thủy và vô chung, thì sự có mặt của con người cũng được nhìn như là vô thủy vô chung. Thế nên có một đấng sáng tạo là điều không thể chấp nhận.
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một hiện tượng đặc biệt, một tảng băng đang tan chẳng hạn; thực vậy, nó có chỗ bắt đầu, nhưng nó được tạo ra như thế nào? Thế giới hiện tượng trình hiện như là kết quả từ sự tạo tác của các sinh thể sống trong thế giới này. Sự tạo tác hay nghiệp (karma), trở lại làm sinh khởi những ý định hay hành động của những sinh thể này khi không làm chủ được tâm thức của chính họ.
Đấng “sáng tạo ra thế giới” cơ bản chính là tâm. Trong kinh luận, tâm được mô tả là tác nhân. Kinh nói rằng tâm thức không có điểm khởi đầu. Nhưng ở đây chúng ta phải phân biệt cho được giữa tâm thức thô trọng và tâm thức vi tế. Tâm thức thô trọng phát sinh tùy thuộc vào hợp thể vật chất, tức thân thể. Đây là chứng cớ khi các bạn xem xét hệ thống dây thần kinh và chức năng của não bộ, nhưng nếu chỉ có những yếu tố vật chất tụ hội lại thôi thì chưa có nghĩa đầy đủ để tạo thành sự nhận thức.
Để có được nhận thức, có được chức năng quán chiếu và biết được một hiện tượng đang sinh khởi, cần phải có một nguyên nhân hợp nhất hoàn chỉnh. Nguyên nhân hợp nhất hoàn chỉnh cơ bản, có cùng một bản chất với kết quả, trong trường hợp này, chính là tâm thức vi tế. Đó chính là tâm thức thô trọng hay tâm thức vi tế đã siêu việt hẳn các tế bào do cha mẹ sinh ra ngay lúc vừa khởi niệm. Tâm thức vi tế không có chỗ khởi đầu. Nếu có, cái tâm được sinh ra từ một cái gì thì đó không phải là tâm. Thời luân Tan-tra (kalacakra tantra)[40]dạy rằng hành giả phải quay trở lại với từng hạt lân hư trần để nhận ra được nguyên nhân hợp nhất cơ bản của thế giới vật chất bên ngoài. Cũng như thân thể của con người.
Vũ trụ luận Phật giáo thiết lập vòng luân hồi của thế giới theo phương cách như sau: Đầu tiên là thời kỳ hình thành (thành), kế đến là thời kỳ vũ trụ này tồn tại (trụ), rồi đến giai đoạn bị tàn hoại (hoại), và tiếp theo là giai đoạn tiêu trầm để rồi biến mất (không) và tái tạo nên một vũ trụ mới. Trong cái không, tức các lân hư trần, từ các chất tử này mà một vũ trụ mới lại được hình thành. Chính trong những chất tử này mà nguyên nhân hợp nhất cơ bản của toàn thế giới vật chất được nhận thức.
Nếu chúng ta muốn mô tả sự hình thành của thế giới và thân thể vật lý của con người, mọi việc cần làm là phân tích và hiểu rõ phương cách mà các tiềm thể của các hóa chất và các phần tử mà vũ trụ có thể được cấu tạo thành hình dạng bắt nguồn từ các lân hư trần này. Chính là trên cơ sở tiềm năng đặc biệt của các chất tử này mà cấu trúc của vũ trụ và thân thể con người được tạo dựng nên. Những trước khi các phần tử hoàn thiện thế giới bắt đầu tạo nên những kinh nghiệm khổ đau, hạnh phúc trong các sinh thể, thì chúng tôi phải giới thiệu ý niệm về nghiệp (karma) – đó là những hành vi thiện và bất thiện đã được thực thi và tích lũy trong quá khứ.
Rất khó xác định đâu là nơi mà sự biểu hiện tự nhiên từ tiềm thể của các yếu tố vật lý chấm dứt và đâu là ảnh hưởng của nghiệp – nói cách khác, đâu là nơi mà kết quả các hành vi quá khứ của chúng ta bắt đầu. Nếu các bạn thắc mắc cái gì là mối quan hệ giữa nghiệp và môi trường ngoại giới được hình thành bởi luật tự nhiên, thì đó chính là lúc để giải thích nghiệp là gì.
Trước hết, nghiệp có nghĩa là hành động (actions). Chúng ta phân biệt một loại nghiệp, gọi là ý nghiệp (mental karma), là yếu tố tinh thần từ sự dự tính hay tự nguyện thực hiện. Ngoài ra, còn có thân nghiệp (physical karma), và khẩu nghiệp (oral karma).
Để hiểu rõ sự liên quan giữa ba nghiệp, thân, khẩu, ý, chúng ta phải liên hệ đến kinh luận của Mật thừa. Trong Thời luân tan-tra (kalacakra tantra), đặc biệt giải thích rằng từ trong thân thể của mình, có thể tìm thấy được sự hình thành từ thô phù đến vi tế và cực kỳ vi tế của năm đại chủng[41]tạo nên bản chất vũ trụ khách quan. Do vậy nên qua cuộc phỏng vấn này, tôi tin rằng chúng ta phải quán chiếu kỹ mối liên hệ giữa ba nghiệp thân khẩu ý của mình và năm đại chúng (element).
LỜI KHUYÊN CHO PHẬT TỬ PHƯƠNG TÂY
Hỏi:Thưa Ngài, xin Ngài cho chúng tôi, những Phật tử đang tổ chức và phát triển các cộng đồng tu học Phật pháp tại Tây phương những lời khuyên.
Trả lời:Như tôi thường nói với các đạo hữu của mình, nếu chúng ta muốn giữ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo đã được phát huy qua đời sống của người dân Tây Tạng, thì việc đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự tự do ở Tây Tạng. Vì mục đích đó, các bạn đã cùng làm việc chung với nhau rồi, tôi mong các bạn tiếp tục làm việc vì sự tự do của Tây Tạng như vừa qua các bạn đã từng làm.
Chúng ta hãy cố gắng phân biệt hai từ: “Tự do” và “độc lập”. Cách dùng từ “độc lập” có chút tế nhị. Hiển nhiên là tôi đã cố gắng thiết lập sự quan hệ với chính phủ Trung Hoa và bắt đầu có những cuộc đàm phán rất nghiêm túc. Trong suốt 14 năm, tôi đã cố gắng hết sức mình, kiên trì trong cuộc tiếp xúc này, và nỗ lực theo đuổi không ngừng để đưa cuộc đàm phán này đến kết quả tốt đẹp thông qua các cuộc thảo luận trực tiếp với chính phủ Trung Hoa.
Tôi muốn chia sẻ một số suy nghĩ của tôi với các bạn nam nữ Phật tử có mặt hôm nay. Trước hết, Phật giáo luôn luôn hài hòa với truyền thống mới, Phật giáo là một tôn giáo trước đây chưa có ở phương Tây. Do đó, rất bình thường khi các Phật tử đã tiếp thu Phật giáo với tinh thần Tây Tạng cũng sẽ thích thú khi được khuyến khích tiếp tục học tập theo một truyền thống tôn giáo khác. Điều này hoàn toàn tự nhiên. Tuy vậy, những người đã suy nghĩ rất nghiêm túc khi chuyển sang theo đạo Phật, đó là các bạn đã thay đổi truyền thống tôn giáo, thì rất quan trọng khi nghe những lời cảnh báo này. Việc ấy không thể do dự. Thực vậy, nếu một người chuyển đạo mà không suy nghĩ chín chắn, thường sẽ có rất nhiều khó khăn rắc rối dẫn đến sự rối loạn nội tâm. Thế nên tôi mới khuyên những ai muốn chuyển sang đạo Phật hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định.
Thứ hai, khi một người tin rằng Phật pháp thích hợp với khuynh hướng của người ấy hơn, tin rằng Phật pháp có tác dụng với họ hơn, thì việc chọn lựa tôn giáo này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, tính cách của con người là sau các cuộc thảo luận để phân định, những người này thường có khuynh hướng thích phê phán tôn giáo trước đây mình theo đuổi. Điều này phải tránh với bất kỳ giá nào. Cho dù tôn giáo cũ dường như không có gì hấp dẫn hoặc họ có vẻ không yêu thích (đây là lý do để họ thay đổi tôn giáo), đây không phải là lý do chính đáng để phê phán tôn giáo cũ, cho rằng chúng không có tác dụng gì đối với tâm linh nhân loại. Tôn giáo tiếp tục mang lại sự an lành vô biên cho hành triệu con người. Bởi lý do này, là Phật tử, chúng ta phải tôn trọng quyền của người khác, vì những tôn giáo khác đã giúp đỡ rất nhiều cho hành triệu người. Đặc biệt, chúng ta đang ở trong tiến trình nỗ lực tạo lập và duy trì sự hài hòa toàn diện trong các tôn giáo. Trong những trường hợp này, rất thiết yếu phải biết yêu cầu tôn trọng các tôn giáo bạn.
Thứ ba, điểm then chốt trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng là luôn luôn đặt vào sự phối hợp giữa học và tu. Dĩ nhiên, điếu ấy xảy ra khi các bạn tự nguyện hiến mình vào việc học nhiều hay ít. Có nhiều người theo đuổi việc học rất nhiều, những người khác hài lòng với một tầm mức giới hạn trong việc học. Bất kỳ trường hợp nào, cơ bản là các bạn không nên cách biệt việc học với việc quán chiếu và thiền định. Các bạn cũng phải hàm dưỡng truyền thống tu niệm, trong đó các việc học, việc quán chiếu và thiền định không thể nào tách biệt nhau được.
Thứ tư, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tư tưởng không bè phái[42]. Điều này đôi khi xảy ra, người ta quy hướng sự phóng đại vào sự quan trọng của một hay nhiều trường phái hay truyền thống khác nhau trong đạo Phật, điều này dẫn đến một sự tích lũy vô số hành vi tiêu cực khi nhìn về Pháp (dharma). Sự lợi ích của tư tưởng không giáo phái là sau khi thọ nhận lời khai thị, hoặc lễ điểm đạo[43]và những lời giải thích hợp lý từ mỗi truyền thống tôn giáo khác nhau, chúng ta sẽ có sự hiểu biết về những giáo lý đa dạng. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, về điều này, khi không có tâm niệm nghi ngờ, thì thường có rất nhiều lợi ích. Do đó, nếu ta duy trì tư tưởng không giáo phái, như khi ta thọ nhận giáo lý từ nhiều truyền thống khác nhau, thì hãy suy niệm kỹ về các giáo lý ấy, rồi đưa ra thật hành. Chắc chắn chúng ta sẽ được phát triển sự hiểu biết về pháp. Đây là lý do tại sao tư tưởng không giáo phái rất quan trọng.
Truyền thống Phật giáo Tây Tạng có hai cách tiếp cận đã được nhiều học giả danh tiếng và các đại thành tựu giả[44]vận dụng. Thực vậy, trong khi có người tập trung vào việc học và tu tập về truyền thống, về di sản tâm linh của mình, thì có những người khác lại làm lan tỏa sở học và kinh nghiệm tu tập Phật pháp của mình với quan niệm không giáo phái. Truyền thống này đã tồn tại ở Tây Tạng trong số những bậc đại sư, và tôi nghĩ rằng ngày nay tư tưởng không giáo phái này cực kỳ quan trọng và đó là phong cách Tây Tạng tuyệt diệu nhất để noi theo.
Điều thứ năm tôi muốn nói là trong suốt hơn 30 năm qua, Phật giáo Tây Tạng đã được truyền bá rộng rãi qua các lục địa khác nhau. Các vị Lama[45], Tulku[46]và Geshe[47]đã có nhiều nỗ lực vĩ đại để gieo trồng cho loài hoa Phật giáo Tây Tạng nở rộ khắp thế giới, và được hổ trợ bởi hàng trăm ngàn môn đồ và học chúng. Trong suốt thời kỳ đó, có một số trường hợp hơi thiếu lành mạnh đã sinh khởi, dẫn đến một số rắc rối. Ban đầu là do niềm tin mù quáng ở một số đệ tử và cũng do một số thầy đã lợi dụng sự non yếu của các đệ tử. Đã có nhiều vụ tai tiếng về tài chính và lạm dụng tình dục. Những thứ ấy rồi cũng xảy ra! Kết quả là tôi phải kêu gọi ngay vào thời điểm ấy, rất cần thiết cả đệ tử lẫn thầy phải nhắm đến mục đích tâm linh – hàm dưỡng diệu pháp thanh tịnh. Đó là trách nhiệm của chúng ta, loại tất cả các hành vi bất tịnh này vào chỗ cáo chung.
Đức Phật dạy bốn phương pháp để cho môn đệ sống hòa hợp với nhau (tứ nhiếp pháp), bốn pháp này bảo đảm cho sự hoàn thiện cho mọi thành viên trong đại chúng. Sáu ba-la-mật (paramita) được thực hành để đạt đến sự hoàn thiện cho cá nhân, còn Tứ nhiếp pháp nhằm đạt đến sự hoàn chỉnh cho toàn thể đại chúng. Từ nhiếp pháp bao gồm trước hết là sự giúp đỡ về đời sống vật chất (bố thí nhiếp), rồi dùng lời nói nhu hòa trong khi giao tiếp (ái ngữ nhiếp), rồi giúp đỡ nhau trong cuộc sống (lợi hành nhiếp) và cuối cùng là sự ứng dụng tương thích giữa lời nói và hành động (đồng sự nhiếp). Trước hết, rất quan trọng khi duy trì điểm cuối cùng (đồng sự) trong tâm mình. Nếu ta không tự chủ được tâm mình, thì rất khó hướng dẫn được tâm ý của người khác. Chúng ta không biết có thể điều khiển tâm ý của người khác hay không, nhưng đó lại là việc ta muốn làm! Bất luận trường hợp nào, điểm thiết yếu cho những người tuyên bố họ muốn giúp ích cho người khác là họ phải chủ được tâm mình. Ngày nay, việc thực hành điều này rất quan trọng đối với những bậc thầy, họ được nhắc nhở thường xuyên về giáo lý của Đức Phật, về cách giúp đỡ người khác trong sự hài hòa giữa lời nói và việc làm.
Xin trích dẫn câu ngạn ngữ Tây Tạng. Một đệ tử không nên trao mạng mình cho một vị đạo sư tâm linh “như con chó phó thác mình cho miếng thịt’. Người đệ tử không vội vã đặt để niềm tin tức thì vào ngay vị đạo sư, mà cần có thời gian quán chiếu sâu sắc và khảo nghiệm phẩm tính của bậc thầy trước khi thiết lập sự an định tinh thần với thầy qua việc thọ nhận sự truyền giáo của thầy. Lợi lạc hơn để tiếp nhận lời dạy của thầy khi nhìn thấy trước và trên tất cả là một người bạn tinh thần. Chúng ta không nên vội vã vừa nghe lời dạy của thầy đồng thời vừa thăm dò. Dần dần, nếu qua việc quan sát, ta tin tưởng đó là một vị đạo sư đích thực, hoàn thiện phẩm chất, xứng đáng tin tưởng, thì chúng ta có thể làm theo lời chỉ giáo và xem đó chính là bậc đạo sư của mình. Chúng ta phải đừng nên vội vã.
Điểm thứ sáu mà tôi muốn đi vào trọng tâm của giáo pháp, có liên quan đến lời kinh chúng ta tụng hằng ngày: “Nguyện cho mọi chúng sinh có được hạnh phúc và nhận ra nguyên nhân tạo ra hạnh phúc này”. Đây là những điều chúng ta nên áp dụng trực tiếp bằng cách làm một việc gì có ích cho xã hội, dấn thân vào các hoạt động từ thiện trong cộng đồng, bằng cách nổ lực giúp đỡ những người gặp khó khăn, chẳng hạn như giúp những người tổn thương tinh thần hay người gặp những nạn khác. Đây không có nghĩa nhất thiết phải dạy cho họ Phật pháp, nhưng tốt hơn là chính mình dùng giáo pháp để cứu giúp mọi người. Tôi nghĩ những hành động trực tiếp giúp người khác là những điều chúng ta cần nên phát huy. Đó cũng là kết quả tự nhiên xuất phát từ lời kinh hằng ngày khác: “Nguyện cho mọi chúng sinh đạt được hạnh phúc và thoát khỏi mọi khổ đau”.
Theo nguyên tắc này, nếu chúng ta mang đến điều thiện, dù chỉ cho một người, nghĩa là chúng ta đang hoàn thành lời nguyện ta vừa phát ra. Hơn thế nữa, toàn thể đại chúng trong những trung tâm Phật học nên tham dự vào các hoạt động xã hội bằng cách giúp đỡ cho những người khác và tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng đối với vấn đề hoạt động của các trung tâm Phật giáo này.
Đối với người Phật tử, ăn chay không phải là sự cưỡng chế. Tuy vậy, đối với chúng ta, những người theo truyền thống Đại thừa, thì rất quan trọng. Nhưng lời dạy của Đức Phật về vấn đề này rất rộng rãi và uyển chuyển, các tham dự viên có quyền chọn lựa trở thành người ăn chay hay không. Nhiều cuộc hội họp lớn thỉnh thoảng được tổ chức ở các trung tâm Phật giáo, khi có các cuộc lễ hội hay các buổi thuyết pháp, tôi nghĩ nếu có nhiều người cần phục vụ ăn uống thì việc chỉ phục vụ cho họ thức ăn chay trong suốt thời kỳ lễ hội là rất quan trọng.
Điều thứ bảy: Chúng ta thường tụng lời kinh: “Nguyện cho Phật pháp được truyền bá sâu rộng”. Cho nên có một sự liên hệ mật thiết giữa nền tự do của Tây Tạng với sự hoằng truyền Phật pháp trên thế giới. Nếu sự kiện này không phải là vấn đề, nếu vấn đề cơ bản, tự do của Tây Tạng đơn giản chỉ là tiêu điểm của chính trị, thì với tư cách là một tăng sĩ, một đệ tử Phật, tôi chẳng có lý do gì để có sự liên hệ như thế. Nhưng hai phương diện đều có sự liên kết rất chặt chẽ.
Dù ngay khi tôi tán trợ việc giải trừ quân bị ở Tây Tạng, tạo thành khu vực hòa bình, mặc dù thuật ngữ “giải trừ quân bị” chẳng phải là thuật ngữ Phật học, tuy nhiên dự án đó liên hệ rất mật thiết với Phật pháp. Rất nhiều người trong số các bạn ở đây là đại biểu hoặc thành viên của nhiều trung tâm Phật giáo, đều là trong số những người đã tham gia vào phong trào tự do cho Tây Tạng. Tôi xin cám ơn quý vị và mong quý vị tiếp tục nỗ lực, giữ trong lòng sự liên quan giữa Phật pháp và sự tự do của Tây Tạng, để ban tặng sự thực hành ý nguyện giáo pháp được hoằng truyền và phát triển sâu rộng.
Mục đích cuối cùng của tôi: các bạn phải giữ cho tâm mình an lạc và biết cách mỉm cười.
CƠ ĐỐC GIÁO VÀ PHẬT GIÁO MƯỜI HÀNH ĐẠO ĐỨC TRONG ĐẠO PHẬT – Ý NGHĨA SÁM HỐI
Hỏi:Thưa Ngài, vừa rồi ngài viếng thăm các nơi thánh tích Thiên chúa giáo. Ngài có mong một ngày nào đó, Ngài đến Jerusalem[48]hay Mecca[49]hay không?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi rất thích thú chuyến đi hôm nay, với tư cách cá nhân, đến chiêm bái thánh tích tại Lộ-đức (Lourdes), trái tim của cuộc hành hương mà tôi đã từng được nghe. Tôi rất xúc động. Dĩ nhiên tôi đang chú tâm vào việc phụng sự và tham gia vào việc trao đổi sự hòa nhập các tôn giáo trong một thời gian đã lâu. Trong suốt hai năm tôi hoạch định một chuyến hành hương chủ yếu đến những thành tích tiêu biểu của các tôn giáo khác nhau. Khi chúng tôi đến chiêm bái, chúng tôi cảm nhận được sự an lạc từ bầu không khí ở nơi đó, chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện, hoặc là chúng tôi chỉ ngồi thiền và cùng tạo nên sự cảm thông tư tưởng với nhau trong im lặng. Chúng tôi đã thực hiện việc này ở Ấn Độ, và nay lại có được sự an lạc lần nữa tại nơi đây. Tôi tin những quang cảnh này sẽ đánh thức trong ta cảm giác dung thông và hiểu biết sâu sắc hơn, đằm thắm hơn sự cảm nhận đơn giản qua tri thức. Tôi rất thích được khởi đầu một cuộc hành hương như thế này đến Jerusalem và Mecca, nhưng tôi chưa biết khi nào có được mọi điều kiện để cho phép tôi đến đó.
Hỏi:Có phải Ngài và các đại biểu tôn giáo khác đã cùng thảo luận những tiết mục về sự cải đạo từ tôn giáo này sang một tôn giáo khác, đặc biệt là các hình thái khác nhau giữa đạo Tin lành, Cơ-đốc giáo hoặc ngay cả Phật giáo ở nước Pháp?
Đạt-lại Lạt-ma: Trong cuộc gặp gỡ riêng với tôi, một người Cơ-đốc giáo trích dẫn một đoạn văn khắc trên đá của vua A-dục[50], nói về lòng khoan dung đối với tín đồ tôn giáo bạn có thể hoán chuyển niềm tin tôn giáo của riêng họ. Thật vậy, sự hưng thịnh của một tôn giáo là do sự quan tâm đến lòng kính trọng các tôn giáo khác.
Hỏi: Ngài nghĩ gì về sự gắn bó vừa chớm nở giữa người Cơ Đốc giáo phương Tây và Trung Hoa?
Đạt-lại Lạt-ma: Tín đồ Cơ-đốc giáo thường không có nhiều ở Trung Hoa, và họ cũng bị đau khổ như những giới khác. Hơn thế nữa, sự thiếu thông tin do thể chế chính trị đôi khi hạn chế tầm nhìn của họ về cục diện thế giới. Do đó, tôi nghĩ rằng bất kỳ một cuộc đối thoại nào đó được thiết lập giữa những người Cơ-đốc giáo ở ngoài nước Trung Hoa đều có thể giúp cho tâm thức của họ tự nhận ra được thực tại của thế giới.
Hỏi: Ngài có cho rằng một người có thể vừa theo Cơ-đốc giáo, vừa là Phật tử trong cùng một lúc không?
Đạt-lại Lạt-ma:Tôi…(trước đây đã có nói – xem phần trước) xin nhắc lại vấn đề này một cách gián tiếp, khi tôi nói rằng tin vào một đấng sáng tạo, là nên hiểu trong sự tương quan với nhận thức về tính không[51]. Tôi tin là có thể phát huy đời sống tâm linh trong tinh thần hợp nhất Cơ-đốc giáo và đạo Phật. Nhưng một khi đạt được một tầm mức nhận thức nhất định, thì việc chọn lựa giữa hai con đường sẽ trở nên rất cần thiết. Tôi vừa giảng một loạt đề tài về kham nhẫn và khoan dung ở Hoa Kỳ. Cuối khóa giảng là buổi lễ phát nguyện Bồ-tát giới. Một vị linh mục dự khòa giảng đã xin thọ giới Bồ-tát trong dịp này. Tôi hỏi vị linh mục đã suy nghĩ chín chắn chưa. Ông ta đáp: Rồi. Dĩ nhiên là vị linh mục ấy được thọ giới Bồ-tát nhưng vẫn là một tín đồ Cơ-đốc giáo.
Hỏi: Lời của Chúa Giê-su: “Hãy yêu thương đồng loại…” là thông điệp dành cho chúng tôi, những người Cơ-đốc giáo. Còn thông điệp của Ngài cho nhân loại khi Ngài tiếp xúc với mọi người là gì?
Đạt-lại Lạt-ma: Yêu thương đồng loại của mình, lòng từ bi. Những điều này, tôi tin đó là những yếu tố phổ quát và tinh yếu đều được các tôn giáo thuyết giảng. Mặc dù có nhiều sự giao thoa của các quan điểm triết học, nhưng chúng ta có thể thiết lập sự hài hòa giữa những truyền thống tâm linh trên nền tảng đặc điểm chung về lòng Từ bi và lòng khoan dung độ lượng. Tôi luôn chú tâm vào tinh thần này và nguyện đặt hết tâm lực vào đó. Hầu hết những vấn đề rắc rối giữa các tôn giáo là do những người đã thất bại trong việc tự chuyển hóa mình để có được sự an lạc nội tâm, không những họ chỉ ứng dụng niềm tin cho riêng họ mà còn áp đặt mọi hoàn cảnh cho người khác. Hành vi tệ hại này làm khơi dậy những xung đột nghiêm trọng, mặc dù tôi đã lưu ý hãy quan tâm đến việc tái tạo sự hòa hợp giữa các tôn giáo, đặc biệt là giữa Phật giáo Tây Tạng và Cơ-đốc giáo. Chúng ta phải thực sự lập một chương trình hữu ích, được trao đổi giữa giới tu sĩ của hai tôn giáo.
Hỏi:Mười hành vi đạo đức trong Phật giáo là gì?
Đạt-lại Lạt-ma: Ba điều liên quan đến thân: không được giết hại, không được trộm cắp và không tà hạnh dâm dục.
Bốn điều liên quan đến lời nói: không được nói dối, không nói xấu để hạ uy tín người khác, không nói lời thô lỗ, cộc cằn, gây nên chống trái; không nói những chuyện phù phiếm, những chuyện liên quan đến mọi thứ được diễn đạt trong sự ảnh hưởng của cảm xúc ái luyến.
Ba điểm cuối cùng là thuộc về tâm ý: không phát triển lòng tham, không để cho sự mong muốn thôi thúc hãm hại kẻ khác phát khởi và cuối cùng không được duy trì quan điểm sai trái trong tâm, chẳng hạn như những quan niệm cực đoan, như chủ nghĩa hư vô, đoạn diệt, hoàn toàn chối bỏ sự hoàn thiện tâm linh.
“Tà kiến” mà tôi nói đến thường bao gồm cả những chủ trương cực đoan, thường kiến và chủ trương đoạn diệt (đoạn kiến). Nhưng trong phạm trù 10 hành vi đạo đức Phật giáo, chỉ có quan điểm hư vô đoạn diệt là được đề cập đến. Vậy nên trên nền tảng đời sống giới luật đạo đức, người ta tránh xa việc vi phạm các hành động xấu ác, tức là 10 hành vi đạo đức. Khi đối diện với thực trạng có thể vi phạm những việc xấu ác này, các bạn mới có ý thức kiêng cử để khỏi phạm vào. Một đời sống lập cước trên nguyên tắc đạo đức đã tự có trong đó ý hướng khước từ 10 hành vi bất thiện với khuynh hướng hành động trái ngược với điều bất thiện ấy.
Hỏi:Nếu chúng ta phạm phải hành vi bất thiện nghiêm trọng, chúng ta phải theo pháp sám hối như thế nào?
Đạt-lại Lạt-ma: Trong trường hợp như thế, thường có nguy cơ mặc cảm tội lỗi và do vậy thường gây nên sự chán nán. Quan điểm Phật giáo khuyên nên áp dụng một suy nghĩ và hành vi nào đó để khơi dậy lại năng lực tự tin nơi mình. Một người Phật tử sẽ quán chiếu vào bản tâm Phật, vào thể tính vốn thanh tịnh của mình, và trong đó, vọng tưởng và các thứ tùy phiền não đều mang một tính chất khác biệt. Vì những vọng tưởng phiền não này đều là khách không mời mà đến, nên nó sẽ bị tiêu trừ. Quán chiếu về năng lực tiềm ẩn sâu kín mênh mông bên trong tự tâm mình, mới nhận ra được tự tính của tâm tuyệt đối thanh tịnh và từ bi. Trầm tư vào cõi giới chiếu diệu của tâm, sẽ khiến ta phát triển tính tự tin và lòng dũng cảm.
Đức Phật dạy rằng sự giác ngộ hoàn toàn và con người toàn năng, mà chúng ta xem là Đấng siêu việt, không phải từ trong lòng đất sinh ra, cũng chẳng từ trên trời rơi xuống, mà là kết quả của sự thanh tịnh hóa tâm linh. Những vị ấy cũng đã từng có lần đau khổ phiền muộn như chúng ta bây giờ, các vị ấy cũng có những yếu đuối và cũng có những bất toàn của con người phàm phu. Chính Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trước khi giác ngộ, đã trải qua vô số lần thọ sinh trong những kiếp sống khổ nhọc hơn chúng ta hiện nay rất nhiều. Nhận ra được điều này, với tất cả sự trân trọng, bản tâm thanh tịnh viên mãn của mình chính là chất thuốc giải độc cho những mặc cảm tội lỗi, cho sự hờn giận và sự thất vọng. Trong “Bảo hành vương chính luận”[52], Bồ-tát Long Thọ nói rằng bi quan thất vọng không bao giờ giúp ta tìm được giải pháp tốt để hóa giải mọi vấn đề. Ngược lại, sự kiêu mạn chính là một thói xấu. Nhưng để phô bày nó như một chất hóa giải cho phong cách khiêm tốn thì sẽ có khuynh hướng đẩy đến tình trạng thiếu tự tin, mở cánh cửa cho sự chán nản và nhụt chí đi vào, chỉ làm cho chúng ta đi từ cực đoan này đến cực đoan khác.
Tôi muốn nói rõ một điều, những ai muốn có một kỳ nhập thất ba năm với hy vọng và mong mỏi rằng mình sẽ được chứng ngộ mà chẳng gặp chút khó nhọc gì cả, thì điều này có thể biến thành tai họa, trừ phi các bạn tự xem đó là một dự định nghiêm túc nhất. Nếu các bạn tự đánh giá quá cao sự mong mỏi của mình và quá tự tin, thì các bạn sẽ phải đối đầu với nỗi buồn do bất như ý và ảo tưởng bị phá vỡ. Khi các bạn quán chiếu sâu vào những lời Đức Phật dạy – tính giác toàn mãn là kết quả của sự thanh tịnh hóa tâm linh và do tích lũy thiện nghiệp cũng như trí tuệ từ vô số kiếp – chắc chắn tính dũng mãnh và kiên định sẽ đồng hành với các bạn trên con đường tu đạo.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC VỀ TÂM THỨC
Hỏi:Được biết trong tôn giáo của Ngài có một cảnh giới thanh tịnh sáng suốt và có những tường thuật của những người đã chứng nghiệm được cảnh giới thanh tịnh vi diệu của tâm. Câu hỏi của tôi gồm có hai phần:
Thứ nhất, Ngài có nghỉ rằng cảnh giới không thể nhận thức của tâm, có thể nào trên lý thuyết, cảnh giới này được quán sát bởi các thiết bị bên ngoài chăng? Chẳng hạn, nếu chúng ta đưa ra một thiền giả đã đạt đến cảnh giới thanh tịnh sáng suốt của tâm vào trong một thiết bị máy móc hiện đại, do sức xung động của lực hấp dẫn, dùng kỹ thuật tân tiến ghi lại sự rung động của não (brain imaging), liệu chúng ta có thể thấy được dấu hiệu nào đó về cảnh giới tâm vi diệu này không? Có lẽ chúng tôi chưa biết làm sao để tiến hành thử nghiệm này, nhưng, trên lý thuyết, Ngài có cho rằng cuộc thử nghiệm này có thể đạt kết quả không? Nếu được vậy, theo Ngài, mối liên hệ giữa hai khía cạnh, thô trọng và vi tế là gì trong phạm trù tương duyên (interdependence)? Chúng tôi không muốn bị thuyết phục bởi một thuyết nhị nguyên mới về ý niệm thô trọng và vi tế. Bản chất của sự tương quan nhân quả giữa hai ý niệm này (thô trọng và vi tế) là gì?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi cho rằng có lẽ khó mà đo được hoạt động đặc biệt của tâm trong sự quán chiếu về tâm như một khách thể và nhận biết về chúng. Nhưng khi những kinh nghiệm của tâm thức thô trình hiện trong xung động của não bộ thì do đó, có thể quan sát như nó đang là. Đối với tôi, dường như điều ấy cũng cần có khả năng nghiên cứu sự biểu hiện vật lý của cảnh giới tâm vi tế. Cảnh giới vi diệu của tâm có liên quan đến thuật ngữ “điểm linh quan”, xuất hiện trong những sinh thể khác ngay tại thời điểm chết. Những người đã thực tập trạng thái này từ trước có thể duy trì trạng thái này vài ngày sau khi chết, và trong suốt thời gian duy trì trạng thái vi diệu ấy, thân thể họ không bị tan rã. Thiết bị khoa học hiện đại có thể được dùng để quan sát hiện tượng này, và thực tế, việc này đã xảy ra ở Ấn Độ. Mặc dù theo tôi, dường như khó có thể quan sát bản tâm vi diệu khi dùng toàn thể phương pháp hiện đại này. Tôi nghĩ là tất cả những sự kiện tương tự có lẽ sẽ cho ta một ý kiến.
Để trả lời câu hỏi thứ hai, liên quan giữa tâm thức thô trọng và tâm vi diệu, các bạn phải biết rằng tầm mức vi tế của tâm sẽ tùy thuộc vào một phần trong bình diện vi tế của thân và tùy thuộc vào quy luật riêng biệt của nhân duyên, là sáu giác quan. Nhưng các căn đều được chia sẻ bởi toàn bộ các nhận thức – quan sát vật thể và nhận biết về chúng lại đến từ tâm vi tế. Theo cách này, có thể hiểu được mối liên hệ cơ bản tồn tại giữa tâm vi tế và tâm thô trọng.
Giác quan và ý thức hiện khởi tùy thuộc vào các quy luật nhân duyên, đặc biệt, cho mỗi một trong sáu căn: nhãn căn dẫn đến nhãn thức, ý căn dẫn đến ý thức… Vì tính chất thô trọng của phần nương tựa của thức tâm lớn hơn, nên các giác quan nhận thức có liên quan đến phần thô trọng được so sánh với ý thức. Cũng vậy, tất cả đều có năng lực quán chiếu khách thể và nhận biết về nó, một năng khiếu lưu xuất từ cơ sở ẩn tàng sâu kín, đó là tâm vi diệu, là điềm linh quang. Kinh văn Phật giáo Mật thừa luận giải nhiều về tính cách mà tâm trọng trược liên kết với vi diệu tâm. Trong đó giải thích rằng có 80 trạng thái tâm thức tương ứng với bốn giai đoạn hội nhập của tâm trọng trược vào tâm vi diệu, chẳng hạn trong tiến trình chết. Sự liên kết giữa các tầng mức của tâm đã được minh họa rõ qua kinh văn, nhưng đó là một chủ đề rất phức tạp khó có thể thâm nhập đến trọng tâm được.
NHỮNG VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC VỀ THỰC TẠI VÀ TÍNH TƯƠNG DUYÊN
Hỏi:Vài năm trở lại đây, tập thể các nhà vật lý đã bày tỏ sự tăng cường quan tâm đến những vấn đề liên quan đến nhận thức về hiện tại, lĩnh vực dường như ngoài tầm tay của các nhà khoa học, cho dù đã có sự chính xác và sức mạnh lớn lao về dự báo cho một lý thuyết mới, như vật lý lượng tử (quantum physics).
Thông thường, một nhà vật lý không chỉ tìm kiếm sự tường trình về việc xuất hiện và tương tục nhân quả của một sự kiện, mà còn hoàn thiện một cách tri thức để hiểu được cái gọi là “tự tính”. Sự sáng tạo của chúng ta dường như tùy thuộc quá lớn vào điểm này. Để hoàn thiện sự hiểu biết này, chúng ta tạo nên những biểu tượng thông qua những thuật ngữ: nguyên tử, hạt, lực, năng lượng, không, thời…
Phật giáo bao gồm rất nhiều kinh văn liên quan đến bản chất hiện tượng giới, đề cập về thực tại của các hạt nguyên tử, thể tính của không gian và thời gian. Xin Ngài giảng giải cho chúng tôi biết tại sao giáo lý đạo phật rất chú trọng vấn đề này? Ngài có cảm thấy điều đó rất quan trọng đối với các nhà khoa học trong quá trình khảo sát sự tương quan về những giải thích được tìm thấy trong triết lý Trung đạo, bác bỏ sự tồn tại trên cơ sở tự tính của iệnt ượng không?
Đạt-lại Lạt-ma:Đây là lý do tại sao các môn đệ của trường phái này thường phát biểu những lời phủ định, họ bác bỏ những kết luận xác định và chỉ thừa nhận những gợi ý phủ định. Môn đệ của trường phái Kinh lượng bộ[53]chủ trương rằng một hiện tượng nào đó, chẳng hạn như sự phủ định, chỉ là sự quy ước, mô tả về nhận thức không mạch lạc. Đây là trường hợp, ví dụ như không gian, gồm hiện tượng kép tách biệt hẳn với sắc và tâm hay tách bạch hẳn với cá nhân con người. Để nói rằng, ý nghĩa quy định ở đây với thuật ngữ “mệnh danh” hoặc “quy ước” có khác biệt chút ít so với trường phái Trung quán. Theo trường phái này, các hiện tượng chỉ tồn tại chỉ bằng sự “mệnh danh” và “quy ước’ mà thôi.
Theo trường phái Duy thức[54]bất luận trong vấn đề nào, khi ta nói về sự duy danh căn bản trên sự mô tả hay mệnh danh về “sắc” áp dụng cho một vật thể, hoặc rốt ráo về ý niệm cơ bản của nhận thức biểu tượng về sắc như là hình thể - sắc chất đã được biết là không tự tồn tại độc lập, theo tính cách riêng biệt nội tại. Tuy nhiên, nếu ta xem xét lại trong truyền thống Y tự khởi Trung quán tông[55]trước đây, như ý niệm cơ bản về nhận thức biểu hiện để hiểu được nó, được tồn tại bởi đặc tính riêng của chính nó.
Đến mức này, các trường phái Phật giáo đều chủ trương rằng các hiện tượng đều có một hiện hữu tuyệt đối. Tuy nhiên, các môn đệ của Trung quán tông lại bác bỏ sự hiện hữu tuyệt đối của các hiện tượng. Trong số môn đệ này, thuộc hệ phái đầu tiên Y tự khởi Trung quán tông (svatantrika), cho rằng các hiện tượng hiện hữu một cách quy ước, theo cách riêng của nó. Một hệ phái khác, Ứng thành Trung quán tông (prasangika)[56], chủ trương rằng ngay cả các hiện tượng quy ước cũng không hiện hữu thông qua đặc tính riêng của nó. Các trường phái đều chấp nhận vô ngã (non-self), nhưng phương cách mà các hệ phái nhận thức ngày càng phát triển vi tế hơn.
Một vấn đề được đặt ra. Nếu với “thực tại’ (reality) mà ta nói đến, một khi ta đã tìm cách định danh một vật thể, nó đã được an lập và tự thân nó đã hoàn chỉnh, thế thì triết học Phật giáo từ chối sự hiện hữu như thực tại chẳng hạn. “Thực tại” không hiện hữu, vậy mà chúng ta định nghĩa “thực tại” như là một cảnh giới, nơi mà, mặc dù chúng ta không thể nhận ra ý niệm khách thể như ta tìm kiếm nó, tuy nhiên chúng ta chấp nhận sự hiện hữu của “thực tại” ấy như một danh hiệu. Trong quán luận của triết học Trung quán đặt một dấu ấn vĩ đại trên sự hóa giải hai cực đoan này.
Những gì mà khoa học gọi là không thể nhận thức được đều có liên quan ít nhiều đến lĩnh vực có từng phần không định hình được và hạn cuộc trong khái niệm. Vì chính giáo pháp cũng chưa đủ yếu tố để khẳng định sự hiểu biết về ngã là sai lầm[57], và cái ngã tự động sẽ biến mất một khi chúng ta hiểu được đối tượng của nhận thức sai lầm ấy không còn hiện hữu nữa. Chúng ta phải giải trừ nhận thức sai lầm về bản ngã của ta, đó là, sự hiểu biết về ngã, và hoàn toàn vô ích khi nhận thức về ngã như là một định danh đơn thuần. Tại sao vần đề lại dẫn đến rắc rối như thế?
Như tôi đã giải thích vắn tắt trong đoạn trước, từ nhận thức sai lầm này, một cái nhìn cường điệu về bản ngã sẽ sinh khởi, cái bản ngã đã tách xa với “thực tại”. Từ điểm đó, ta có thể phân chia thế giới thành hai: một bên là mọi việc phải làm với bản ngã, và bên kia là những thứ khác. Chúng ta cảm thấy nghiêng về phía thứ nhất và đối nghịch với phía thứ hai. Rõ ràng là phải làm suy yếu sự vướng mắc và đối nghịch ấy đi trong cố gắng hóa giải nhận thức sai lầm về bản ngã.
Trường phái Trung quán đưa ra một nguyên lý để giải trừ hai cực đoan thường kiến và đoạn kiến (hư vô chủ nghĩa). Nếu chúng ta không giải trừ được cực đoan thường kiến, thì có nghĩa là ta không thể giải trừ được nhận thức sai lầm về bản ngã. Ở cực đoan khác, đoạn kiến hoàn toàn từ chối sự hiện hữu của ngã. Nếu chúng ta không giải trừ cực đoan ấy bằng cách chắc chắn đạt được sự nhìn nhận về các phương diện thiện và ác của một hành vi và người tạo tác trên bình diện quy ước, thì cũng vậy, chúng ta sẽ từ khước luật nhân quả, và đó là điều ta không thể đồng hóa được. Bằng cách bác bỏ cực đoan đoạn tiệt, ta mới hiểu được bất kỳ tác nhân nào, nhất thiết đều phải nhận chịu kết quả từ chính hành vi của nó. Bằng cách bác bỏ cực đoan thường kiến, chúng ta tránh được hiểu biết cường điệu về bản ngã. Đây là luận giải từ Trung quán luận của Trung quán tông. Tóm lại, chúng ta phải nỗ lực giải trừ nhận thức sai lầm của bản ngã và tăng cường củng cố quan niệm đúng đắn về ngã, không cần phải tự buộc mình vào giới hạn nghiêm khắc trong thứ hiểu biết có tính chất tri thức về những ý niệm này. Một khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta phải tiếp tục quán chiếu và thiền định trên đề tài này để có thể làm hiện khởi sự chuyển hóa thực sự ở nội tâm. Những ý niệm này sẽ rất lợi lạc cho chúng ta, như bản tâm thanh tịnh sẽ dần dần trở nên quen thuộc trong ý niệm đó.
Hỏi:Như Ngài vừa nói, cách đây vài phút, cảm xúc có thể là nguồn gốc của đau khổ. Ngài có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về bệnh tật, đặc biệt theo tinh thần Phật học không? Phải chăng bệnh tật là dấu hiệu của sự bất thường trong con người? Đó là hành vi sinh học hay tâm lý? Hay là một trục trặc về thân đẫn đến trục trặc tâm lý? Phải chăng thông thường đến một thời điểm nào đó trong đời, người ta sẽ trở nên bệnh hoạn? và cách can thiệp của y khoa vào những trường hợp này phải nên như thế nào? Có nên tìm cách lập lại sự bất bình thường đó bằng mọi phương tiện có thể được để giúp cho con người được sống không?
Đạt-lại Lạt-ma:Với cái nhìn về các trạng thái của tâm như là “cảm xúc”, chúng ta nên phân biệt hai trạng thái tích cực và tiêu cực. Chẳng hạn, chúng ta gọi những tình cảm như lòng từ bi, tình yêu thương là những cảm xúc tích cực. Nhưng điều này lại tương tự như khi nói về bản tâm của chư Phật, vì bản tính bình đẳng lưu xuất từ tâm của các Ngài. Không nên nhầm lẫn điều này với sự xác lập mà chư Phật luôn luôn quán chiếu trên tính không (emptiness). Một khi thể nhập vào Phật tính, thì sẽ không còn bất kỳ một biểu tượng hay bất kỳ thất vọng thức tàn mạn nào nữa cả. Điều còn lại chỉ là điều trực nhận về tính không. Nhưng khi các Ngài dùng trí tuệ quán chiếu về tính không thì tất cả phẩm chất như tình thương và lòng từ bi đều được biểu hiện từ tâm của chư Phật.
Còn về trạng thái tiêu cực của tâm, chúng ta sẽ đề cập đến ba món độc chính yếu[58](klesa) – những cảm xúc gây nên tình trạng phiền nhiễu – nói đơn giản là những độc tố của tâm, gồm tham, sân ,si. Đứng trên phương diện tu tập của đạo Phật, những yếu tố phiền não, hay độc tố tinh thần này chân thực là bịnh hoạn tinh thần. Nhưng chúng ta không thể chữa trị tình trạng ốm yếu nội tâm này cho đến khi ta có được tự do. Trước khi đạt được tự do, ta vẫn có thể nói về bệnh hoạn ít nhất là trên bình diện vi tế.
Thông thường, xã hội chúng ta xem một người hoàn toàn khỏe mạnh khi tâm của họ không bị phiền muộn hay quấy nhiễu bởi ba dạng phiền não của tâm, ngay cả khi những yếu tố tiêu cực này còn lưu giữ trong tâm thức người ấy. Tuy vậy, phiền não vẫn xảy ra, dưới ảnh hưởng ba độc tố của tâm, tâm bị quấy động dữ dội, rồi rơi vào mê muội. Đến đây ta có thể gọi tình trạng đó là khủng hoảng tinh thần. Chúng ta phân biệt hai tầng mức khủng hoảng tâm linh: thô và tế, cả hai đều có thể liên quan đến thân bịnh. Bởi lý do này, y khoa Tây Tạng nhìn một bệnh nhân qua một thực thể toàn diện. Đánh giá tình hình không chỉ vào thân mà cả về tâm của họ. Đây là lý do có người đã chữa trị khủng hoảng tâm linh bằng cách phối hợp tâm lý trị liệu của phương Tây với phương pháp của đạo Phật. Tôi cho rằng đây là một liệu pháp tuyệt hảo.
Bây giờ, ta nên có phản ứng gì với bệnh tật? Hoàn toàn dĩ nhiên khi mọi chúng sinh đều ước nguyện được hạnh phúc và họ có đủ mọi cách chính đáng để tìm kiếm sự hạnh phúc ấy. Cùng một lúc, họ ước ao không bao giờ bị phiền nhiễu bởi bệnh tật hay bất cứ dạng đau khổ nào. Chúng ta phải cố gắng ngăn ngừa bệnh tật bằng mọi cách. Nếu mặc dù ta đã cố gắng hết sức, nhưng một nhân duyên nào đó dẫn ta đến đau khổ và bệnh tật, thì ta phải cố gắng quán chiếu rõ ràng và không nên rước thêm nỗi lo âu vào nỗi đau của mình.
Hỏi:Chúng tôi có được cơ hội độc đáo để khảo sát cùng Đức Đạt-lại Lạt-ma những vấn đề liên quan đến trọng tâm của kỹ thuật thực hành từ quan điểm về tương duyên (interdependence). Trước khi vào cuộc thảo luận, xin Ngài giải thích sơ lược về tính tương duyên trong triết học Phật giáo và điều gì Ngài hy vọng sẽ đạt được thông qua cuộc hội thảo khoa học này?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi đã học được rất nhiều điều khi tiếp xúc với các nhà khoa học thuộc mọi ngành và được lợi lạc rất nhiều từ cuộc gặp gỡ này. Chắc chắn các luận giải Phật giáo cũng đã chứng minh sự hữu ích này cho các nhà khoa học, một khi các vấn đề đó kích thích họ quan sát các điểm đặc sắc từ các viễn cảnh khác. Hầu hết quý vị, tôi tin rằng đều đã quá quen thuộc với lối tiếp cận Phật học cơ bản, đặc biệt là với Phật giáo Đại thừa, truyền thống mà khởi đầu ta nên có hoài nghi để rồi thăm dò, khảo sát các vấn đề, và cuối cùng chấp nhận tư tưởng đó một khi đã tin tưởng sự xác thật của tư tưởng ấy. Ngay cả chúng ta còn có được quyền, dĩ nhiên, vì chúng ta là Phật tử, với lòng kính trọng cao nhất, để từ chối lời dạy của Đức Phật, nếu sự khám phá của mình tìm thấy có điều mâu thuẫn. Như các bạn thấy, chúng ta, đều ở trong một tình thế tự do để có ý thức phê phán, ngay với cả với triết lý của riêng mình.
Với quan điểm đó, tôi thấy chẳng có gì chướng ngại khi tham gia thảo luận với các nhà khoa học hoặc ngay cả với các nhà duy vật cực đoan (radical materialists). Mặt khác, đây là một sự kiện rất tuyệt. Thêm nữa, đó là, theo kinh nghiệm của tôi, có một vài ý tưởng cần nên được thừa nhận. Kết quả là tiến trình lý luận của ta vẫn còn chưa đủ. Những vấn đề phê phán khiến chúng ta suy nghĩ về chủ đề liên quan, do vậy nên rất hữu ích. Đối với những ai trưởng thành trong văn hóa Phất giáo, đã có một số ý niệm rõ ràng về vấn đề này. Bởi vì đôi khi chúng ta quên bẵng việc theo đuổi một mạch các lý luận phức tạp để dẫn đến kết luận. Đây là lý do tại sao các vấn đề nảy sinh bởi các thành viên thuộc các truyền thống triết học đa dạng, họ đã giúp chúng tôi mường tượng ra những vấn đề này theo phương cách mới.
Để bắt đầu, tôi sẽ trình vắn tắt quan điểm Phật giáo về tính “tương duyên”. Chúng ta có thể hiểu nguyên lý này cũng còn được gọi là “sự sinh khởi tùy thuộc”, ở tầm mức khác, bắt đầu với tương quan nhân quả. Tất cả bốn trường phái triết học Phật giáo[59]đều chấp nhận luật nhân quả. Có một phương cách khác để hiểu nguyên lý này, đó là nhìn vào mối liên quan với sự kiện mà toàn thể đều tùy thuộc vào từng phần của chính nó. Thực vậy, bất kỳ một hiện hữu nào đều được xem như là một toàn thể, đó là, hợp thể của nhiều bộ phận. Do vì nó cấu thành bởi nhiều bộ phận, nên nó tùy thuộc vào các bộ phận ấy. Sự hiện hữu của nó tùy thuộc vào từng bộ phận và nó không thể hiện hữu trong tình trạng độc lập tự chủ được.
Để có một giảng giải rõ hơn về nguyên lý tương duyên, chúng ta phải đặt nguyên lý ấy trong phạm trù kinh luận Phật học về thực tại. Trước tiên, tất cả mọi hiện tượng hữu hình , hoặc là thường hoặc là vô thường , không thể có trường hợp thứ ba. Trong hiện tượng vô thường, chúng ta thấy có hiện tượng vật chất , cũng được gọi là “sắc-form”, và mặt khác, phần hiện hữu phi vật chất , được gọi là hiện tượng về tâm (tâm pháp) là hiện tượng trừu tượng , được gọi là “hiện tượng song trùng hợp thể của sắc và tâm”. Tính tương duyên của hiện tượng vật chất được xác định trong sự liên quan với không gian, hiện tượng như vậy tùy thộc vào nhiều chiều. Tính tương duyên của hiện tượng phi vật chất được mường tượng trong sự tương quan với thời gian hoặc cả tùy thuộc vào chiều không gian. Tâm, chẳng hạn, là sự tương tục của nhiều khoảnh khắc, chúng ta gọi đó là sự tương tục của niệm tưởng. Chúng ta nói về hiện tượng song trùng bị tách rời giữa sắc và tâm, thì nó vẫn tùy thuộc vào các chiều. Như chính không gian vốn không có cặp đối lập, mà ta còn nói không gian phía Nam, không gian phía Đông…
Tôi vừa trình bày nguyên lý tương duyên một cách tổng quát theo tư tưởng Trung quán thuộc trường phái Trung đạo, gồm hai hệ phái[60], trong đó hệ phái Ứng thành (consequentialists) thì cao cấp hơn. Trường phái này bổ sung giải thích vi tế hơn về sự hiện hữu được hiểu là “sự sinh khởi tùy thuộc” – về cái “không thể nhận thức được”, “không thể phát hiện ra được” của bất kỳ vật thể nào tồn tại trên danh tướng. Nói cách khác, khi thông qua phương pháp phân tích để tìm kiếm thê giới hiện tượng đằng sau sự trình hiện của nó, thì đó là không thể nào tìm thấy được. Tuy nhiên, nếu nói rằng những cái-đang-là đều không thể tìm thấy được sau khi được tìm tòi thông qua tiến trình phân tích, thì liệu rằng chúng ta có nên kết luận không tồn tại được không? Để từ bỏ quan niệm hư vô (đoạn diệt) này, chúng ta sẽ trả lời với phạm trù “không”. Hiện tượng giới tồn tại không phải bằng một cách độc lập, tự có riêng biệt, ngược lại, đúng hơn là nó hiện hữu trong sự quan hệ tùy thuộc với những hiện tượng khác, chẳng hạn như tên gọi mà nó được định danh. Đây là cách sâu sắc nhất để hiểu được nguyên lý tương duyên. Vậy nên hiện tượng giới hiện hữu là nhờ vào tên gọi. Nếu không thì chẳng có hiện tượng nào hiện hữu cả. Tuy vậy, mọi vật đều có thể định danh bởi tâm thức mà không cần thiết phải hiện hữu mới có.
Điều khó khăn nhất là sự xác định, trong số những hiện tượng sinh khởi quy về tâm, thì hiện tượng nào hiện hữu và hiện tượng nào không hiện hữu. Ngay cả khi chúng ta từ chối tình trạng hiện hữu độc lập và tự riêng nó của các hiện tượng, chúng ta phải đừng để rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa cường điệu về tính tương quan khi xem mọi thứ được tâm biết đến đều như có thật. Vấn đề bây giờ là xác định tiêu chuẩn nào sẽ giúp ta nhận ra hiện tượng nào trong số các hiện tượng được định danh bởi tâm mà thực sự được hiện hữu. Kinh, luận của Trung quán Ứng thành tông mô tả có ba tiêu chuẩn: trước hết, một hiện tượng được nhận biết bởi tâm được gọi là hiện hữu nếu nó được nhận biết một cách trực tiếp, không qua suy luận lòng vòng. Thứ hai, được gọi là hiện hữu nếu nhận thức trực tiếp này không mâu thuẫn với cái biết bằng tri giác đã được quan sát trên bình diện quy ước. Thứ ba, được gọi là hiện hữu nếu nó không phủ nhận sự tồn tại bằng sự phân tích của tâm thức khảo sát đến trạng thái cực điểm sự tồn tại của các hiện tượng. Theo ba tiêu chuẩn này, chúng ta có thể xác định một hiện tượng có tồn tại trên bình diện quy ước hay không. Những tiêu chuẩn này chỉ liên quan đến tâm nhận thức khách thể trong câu hỏi, và điều này nhắc nhở chúng ta lại một lần nữa rằng, không có hiện tượng nào có thể hiện hữu độc lập, ngoài tâm nhận thức về hiện tượng ấy.
Điều này khiến chúng ta ấn định giới hạn ý niệm về tri giác. Vì tất cả các trường phái, ngoại trừ trường phái Trung quán Ứng thành, thì cho rằng tri giác nhận thức đối tượng của nó mà không có một chút sai lầm hoặc thiếu chính xác nào cả. Những trường phái này không dung chứa các ý niệm thiếu chính xác và bất toàn của tri giác, trong khi Trung quán Ứng thành tông xác định rằng , dù tri giác không sai lầm trong sự công nhận về sự nhận thức đối tượng, tuy nhiên một ý niệm bất toàn về vật thể có thể hiện hữu. Chúng ta hãy lấy thí dụ trường hợp tri giác tản mạn về sự bất thường của âm thanh, kinh nghiệm này chỉ xảy ra trong mối liên quan với sự nhận biết về đối tượng – tức sự bất thường của hiện tượng âm thanh – tuy nhiên, lại không chính xác với đệ tử của trường phái Ứng thành, vì họ chủ trương các đối tượng đã được phú cho, hơn thế nữa, một hiện hữu tuyệt đối, không tùy thuộc tất cả các trường phái khác chấp nhận thực tại quy ước tồn tại trên cơ sở tự tính[61]. Thế nên đối với họ, sự nhận biết mà hiện tượng tồn tại theo cách này là không đúng, chỉ vì tri giác lại xuất phát từ mọi khía cạnh sai lầm và không chính xác.
Theo trường phái Ứng thành Trung quán, nhận thức hoàn chỉnh chính xác độc nhất là siêu việt mọi hình thức và sai lầm, đó là kinh nghiệm trực tiếp và niềm tin vào tính không – đó là, nhận thức tính biểu tượng từ bản thể tuyệt đối của hiện tượng giới.
Đó là sự trình bày vắn tắt về nguyên lý tương duyên.
CUỘC PHỎNG VẤN ĐỨC ĐẠT-LẠI LẠT-MA THỨ 14 TENZING GYATSO
L.N.Đ: Cuộc phỏng vấn này được thực hiện bởi Dawn Engle và Ivan Suvanjieff tại Dharamsala, trụ sở của đức Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 Tenzin Gyatso tại Ấn Độ vào ngày 22 tháng 5 năm 1995.
Hỏi: Có bao giờ Ngài nôn nóng không? Có khi nào Ngài nản lòng muốn từ bỏ mục đích lý tưởng của mình không?
Đạt-lại Lạt-ma: Có lẽ ở mức độ cảm xúc, điều ấy đôi khi có thể xảy ra. Nhưng, tôi tin rằng, là một con người, cảm xúc của chúng ta phải song hành với trí khôn của con người.
Nếu các bạn không có cảm xúc, thì con người sẽ trở nên khô khan, lạnh lùng. Thế nên cảm xúc phải là một bộ phận trong cuộc sống con người.
Cảm xúc là một loại cảm giác tự nhiên và mù quáng, thế nên nó có thể vừa hữu ích vừa nguy hại. Thế nên ở đây, trí tuệ và khôn ngoan của con người có trách nhiệm ngăn ngừa những cảm xúc tiêu cực không có nguyên do cơ bản. Thực vậy, một vài cảm xúc như lòng từ bi thường phát sinh từ một nguyên do căn bản, và nó có thể song hành rất tốt với trí tuệ và sự khôn ngoan của con người.
Đây là pháp thực hành và niềm tin căn bản của tôi. Khi cảm giác chán nản, thất vọng phát sinh, thì trí tuệ sẽ đến để giúp chuyển hóa. Đôi khi vì không rõ nguyên do, các bạn liền có cảm giác tuyệt vọng đến ngay. Nhưng vì chúng ta là người, chúng ta có phương pháp và phương tiện để đối phó với chúng. Đó là quà tặng của con người được ban cho. Vì loài vật thì không có cảm xúc, nên khi gặp hoàn cảnh tuyệt vọng, thì loài vật không có cách nào để thoát khỏi.
Đối với tôi, khi cảm xúc sắp sửa đến, trí tuệ sẽ giúp tôi hóa giải, thế nên đó không phải là vấn đề lớn.
Hỏi:Một thanh niên ở Chicago hỏi, phải làm gì với tình trạng bạo động hiện nay. Anh ta nói rằng hàng ngày anh ta bị vay hãm bởi trộm cướp và súng đạn, trên đường phố cũng như trong trường học. Anh ta muốn theo đường lối bất bạo động, nhưng anh ta không biết nên thực hành điều này ra sao trong khi vẫn sinh hoạt bình thường.
Đạt-lại Lạt-ma: Với tình trạng như thế, câu hỏi phát sinh từ trường hợp đặc thù này, nên rất khó trả lời. Từ những hoàn cảnh này, với một trường hợp ngoại lệ như thế, bạn có thể cần có một hành động tương tự để phản đối sự bạo động này. Thật là đáng tiếc! Tôi không muốn nói hành động tương tự là đúng. Tôi không thể nói điều ấy. Nhưng câu trả lời thực tế là, chúng ta phải có một nỗ lực để chuyển đổi mọi tình huống. Điều này luôn luôn là một vấn đề thực tế.
Suốt vài thập kỷ qua, tôi nghĩ chúng ta đã thờ ơ với nhiều điều. Thế nên bây giờ, ngày hôm nay, một bối cảnh mới đã phát triển trong xã hội. Đường lối của nhân loại là tạo một nỗ lực để chuyển hóa toàn bộ không khí thù hận và bạo động. Nếu chúng ta có một hành động tương tự hay hành động phàn kháng với hoàn cảnh hiện thời, điều ấy có thể làm đẩy mạnh tình trạng hiện thời hoặc có thể không, nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời, đó không phải là vấn đề chuyển hóa toàn triệt, đó không phải là câu trả lời thực sự.
Khi tình trạng tuyệt vọng xảy đến, tôi chú tâm thật nhiều vào cách ngăn ngừa những việc như thế xảy ra từ trong tương lai. Tình trạng hiện thời thật khủng khiếp, rất khủng khiếp, nhưng chúng ta không làm được gì cả, chỉ biết chấp nhận. Như tình hình Bosnia hiện nay – đôi khi có người hỏi tôi chúng ta nên làm gì và tôi đáp, thực sự là chẳng có gì để làm cả. Đôi khi con người hầu như trở nên nóng nảy với những cảm xúc tiêu cực. Trong những hoàn cảnh ấy, chỉ vì để có thể đối phó với tình hình. Các bạn không thể dùng trí khôn của loài người để phản ứng những cảm xúc tiêu cực trong những hoàn cảnh cực đoan như thế. Nó quá trễ, quá trễ!
Nhưng chúng ta không nên cảm thấy thất vọng, điều ấy sẽ sai lầm. Chúng ta phải hành động để ngăn ngừa những việc như vậy trong suốt thời gian dài ở tương lai, đó là phương thức tốt nhất của con người mà ta có thể hành động. Đó là vấn đề của chúng ta, dù nó không xảy ra trong suốt cuộc đời mình. Nhưng chúng ta phải làm việc này cho thế hệ tương lai.
Thế nên điều đó luôn luôn giúp cho tôi hy vọng. Vâng, tình trạng hiện nay thì vô vọng và không xoay xở gì được. Nhưng không có nghĩa là vô vọng trong tương lai. Vì có sự quyết định làm điều gì đó cho tương lai, nên luôn luôn có niềm hy vọng dài hạn. Với vấn đề đặc biệt này, trong một hoàn cảnh đặc thù, tôi không biết trả lời sao. Nếu người ấy là tôi, với tất cả áp lực đặt vào tôi, như khẩu súng chĩa vào tôi, tôi không biết phải làm gì nữa. Có lẽ tôi sẽ làm như thế này (cười và giấu mặt vào sau hai bàn tay), hoặc có khi tôi sẽ làm như thế này (ra dấu cú đấm tưởng tượng bằng nắm tay), cũng sẽ là bạo động luôn (cười dài và lớn). Thực vậy, tôi không biết tôi phải làm gì nữa!
Hỏi:Nếu Ngài còn trẻ, chắc không có ai lắng nghe những điều Ngài nói. Làm sao để tôi có thể khiến mọi người chấp nhận tôi và chấp nhận mọi ý tưởng của tôi nghiêm túc hơn.
Đạt-lại Lạt-ma: (suy nghĩ rồi cười) Tôi không biết nữa. Tôi cảm thấy đôi khi, trong kinh nghiệm của tôi, tôi có vài ý tưởng và tôi không bao giờ nghĩ đó là điên rồ, nhưng nó thực sự là một ý tưởng điên rồ. Nhưng tôi cho rằng đó là một ý tưởng vĩ đại và tôi cố gắng thuyết phục người khác tin ý tưởng ấy vĩ đại biết bao. Rồi sau đó, các bạn mới hiểu ra cái điên rồ của ý tưởng ấy là gì. Lúc đó, sự phản ứng về ý tưởng của bạn sẽ không phải là tích cực, nhưng các bạn đã có sự tin tưởng rằng ý kiến của mình là rất vĩ đại. Cũng thế, những người lớn tuổi đôi khi họ cũng nghe một ý kiến từ lớp trẻ, họ nghĩ rằng: “Ồ! Chẳng có kinh nghiệm”. Và họ thực sự chẳng thèm nghe. Trường hợp ấy hoàn toàn có xảy ra. Thế nên đôi khi, bản chất của con người là thường dựa vào người nói hơn
là căn cứ vào bản chất của ý kiến được nói. Nếu một ý kiến được đưa ra từ người nào đó
rất quý phái và quan trọng, thì không cần phải suy nghĩ gì nhiều về ý kiến ấy, người ta vẫn có khuynh hướng chấp nhận ý kiến đó. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những giáo lý quan trọng của đạo Phật. Chúng ta phải nương tựa vào bản chất của ý tưởng, hơn là dựa vào quyền hạn của người đưa ra ý kiến.
Thế nên nếu ý kiến phát xuất từ giới trẻ mà có giá trị thực sự, thì chúng ta nên chấp nhận. Còn nếu đó là ý kiến điên rồ do hoàng đế hoặc thủ tướng nước Thụy Điển đưa ra thì cũng không chấp nhận. Chúng ta cần chú tâm vào nội dung, không phải vào người đưa ra nội dung ấy. Nếu chúng ta tuân thủ thái độ này, thì ngay với người rất trẻ, chúng ta vẫn có thể lắng nghe và chấp nhận ý kiến của họ.
Tôi cảm thấy đôi khi từ những người trẻ, tâm thức họ chưa được đào luyện, nên họ đặt mọi việc vào trong một lề lối khác hẳn. Họ rất tự nhiên và ngẫu hứng. Những người lớn có sự đào luyện tâm linh nhiều hơn và có khuynh hướng ảnh hưởng bởi xã hội và bản tính nghiêng về trí tuệ. Lớp trẻ thì ngây thơ hơn. Phẩm chất cơ bản của bản tính con người, bản chất toàn thiện bẩm sinh có sẵn trong mỗi người chúng ta, thì rất trong sáng. Những người lớn có khuynh hướng ít ngẫu hứng và nhiều thuần thục (cười). Nhưng, tôi cũng không biết nữa.
Hỏi:Ở trường chúng tôi được học về sự quan trọng của mưa rừng và sự bảo dưỡng môi trường. Ngài cảm thấy thế nàokhi thấy sự ô nhiễm rải rác, bụi không khí và rừng bị khai thác?
Đạt-lại Lạt-ma: Hiện nay, sự ô nhiễm là vấn đề nổi cộm. Cũng vậy, người ta dùng tài nguyên thiên nhiên đến mức cạn kiệt, điều đó cũng góp phần tạo nên vấn đề. Trong trường hợp cá nhân tôi, khi còn ở Tây Tạng, là một vùng đất mênh mông và ít dân cư, khí hậu lạnh và khô, nên ngay dù chúng tôi không quan tâm nhiều đến môi trường, nhưng thiên nhiên tự bảo quản lấy nhau, nên chúng tôi được ở trong một môi trường bình lặng. Bây giờ, trở nên rất rõ ràng rằng môi trường rất quan trọng và nhiều việc cần phải làm hàng ngày bởi mọi người để bảo vệ môi trường. Khi các bạn ra khỏi phòng làm việc, hãy tắt điện, chế biến lại rác thải, điều này rất dễ, nó trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của bạn và mỗi cá nhân có thể trợ giúp rất nhiều. Tương tự, nếu 1, 10, 100,1000 người không chú tâm, ảnh hưởng sẽ rất tồi tệ.
Mỗi cá nhân phải thực hiện một số kỷ luật này trong đời sống hàng ngày, để chúng ta cùng nhau tạo nên một tác động mạnh vào xã hội. Giáo dục cũng rất lợi ích, nhưng điều quan trọng nhất là những thực tập đơn giản này trở thành một phần của sinh hoạt hàng ngày.
Hỏi:Các kênh truyền hình tin tức, giải trí và phim ảnh đã trình bày và đề cao bạo động. Ngài có nghĩ rằng những điều này làm cho xã hội chúng ta nhiều bạo động hơn?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi nghĩ như thế. Tôi cho là như vậy, đặc biệt đối với những người không chịu quán chiếu sâu vào nội tâm, đặc biệt những thành phần này, sự ảnh hưởng của bên trong tạo nên một tác động mạnh vào nội tâm của họ. Nếu có một ai thường thiền định và quán chiếu vào nội tâm theo một nền tảng thường xuyên, thì tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của ngoại giới sẽ ít đi.
Trong xã hội ngày nay, đặc biệt đối với giới trẻ, phương tiện truyền thông có một trách nhiệm rất lớn. Tôi luôn luôn tin rằng trên hành tinh này, chúng ta là một gia đình nhân loại. Và bây giờ, vì nhiều sự kiện mới ngày nay, ý niệm về “họ” và “chúng ta” nên được giải trừ. Chúng ta nên nghĩ về toàn thể loài người là “chúng ta”. Sẽ không còn “điều tôi quan tâm” hoặc “điều các bạn quan tâm nữa”, tất cả những điều chúng ta quan tâm đều liên hệ đến toàn thể thế giới, đến toàn thể mọi người – bao gồm cả phương tiện truyền thông. Chúng ta bây giờ là một gia đình vũ trụ, thế nên khi có một vấn đề hay một mối đe dọa đến một người trong chúng ta, tất cả chúng ta đều đau khổ. Không có cách nào thoát ra khỏi được. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm chăm sóc thế giới.
Bây giờ thế giới đã trở nên một nơi quá chật hẹp, tùy thuộc rất nhiều vào mỗi người chúng ta. Để tiến về phía trước một cách tích cực, cần yếu tố chính là tâm thức nhân loại. Thế nên ở đây, ý thức cam kết vì mục đích tương lai thế giới tốt đẹp hơn, dạng ý thức trách nhiệm đó, là hy vọng thực sự của chúng ta. Tất cả các ngành chuyên môn đều đóng góp phần của mình: giới truyền thông, khoa học, các nhà lãnh đạo tôn giáo , kinh tế gia, và dĩ nhiên cả chính trị gia. Tất cả đều có những hoạt động khác nhau, nhưng tất cả đều vì lòng nhân từ, vì hiện nay khi nói về lòng nhân từ, ta không nên tạo nên sự kỳ thị giữa các phía chống trái nhau. Nên dĩ nhiên, phương tiện truyền thông có trách nhiệm rất lớn lao.
Cơ bản, tôi tin rằng bản chất con người là trong sáng, bản chất cơ bản của con người là lòng từ bi. Nhưng thế mà, não bộ con người, như tôi đã đề cập từ trước, cũng có phần ảnh hưởng đến sự thi tác, và vì thế, cũng góp phần tạo nên cảm xúc của con người.
Tôi luôn luôn tin tưởng rằng thân thể con người mà ta đang thọ báo, trong phần cấu trúc thân thể ấy được bao bọc bởi môi trường nhuốm đầy phiền não, thân thể ấy sẽ mạnh khỏe, tỉnh lại hơn và các chất năng vật lý của thân sẽ hoạt động một cách chính xác hơn. Nếu thân thể này ở trong bầu khí căng thẳng và bị stress, thì sự phản ứng từ thân sẽ rất tiêu cực. Thế nên điều rất tự nhiên đối với thân thể là nó làm việc tốt nhất khi nó được vay bọc chung quanh bởi phiền não của con người. Nó cần có sự phiền não ấy. Nếu trạng thái tâm lý của con người rầt mẫn cảm, giàu lòng từ bi, và ít sợ hãi , ít giận dữ, ít căng thẳng, thì kết quả áp lực máu trong thân sẽ hạ xuống… Sợ hãi, sân hận, là những điều rất xấu đối với thân. Vì những lý do này, tôi tin rằng bản chất của con người là rất trong sáng. Nhưng các bạn sẽ hỏi, thế thì tại sao lại có một số người quá kiêu mạn và hung hãn? Cơ bản là, tôi tin rằng đó là do suy nghĩ của từng người. Trí tuệ cho chúng ta sự tùy chọn. Tính thiện sẽ được thắng phục và trí tuệ con người cung cấp nhiên liệu cho những cảm xúc tiêu cực. Thế nên ngày nay, tôi tin rằng khi tính chất phá hoại của xã hội hiện thời đe dọa sự tồn tại của toàn nhân loại thế giới, thì trí tuệ con người có nhiều việc cần phải hóa giải.
Phương cách để vuợt qua khổ đau của toàn nhân loại cũng là thông qua trí tuệ của con người. Ngày nay, nói chung, tôi nghĩ rằng người ta mắc phải ấn tượng là bản tính con người trở nên tiêu cực hơn. Đó là khi những câu chuyện tiêu cực trở thành thông tin bởi vì nó muốn khủng bố chúng ta, và nó đánh vào tâm thức của chúng ta vì nó là một thứ gì đó không tự nhiên. Khi ta nghe một người nào đó quan tâm đến một ai đó, ta nghĩ rằng, đó là điều tự nhiên. Thế nên tôi nghĩ rằng sự biểu lộ ấy chính là lòng từ bi, chúng ta thể hiện bởi lòng khoan dung. Sự giết hại và thảm sát, đây là điều không tự nhiên đối với con người, thế mà những thứ ấy lại trở thành tin tức, chúng ta luôn luôn vị bao bọc bởi những tin xấu. Thế nên rốt cuộc chúng ta cảm thấy con người là tiêu cực và tạo ra sự thù hận về phía chính mình.
Phương tiện truyền thông có trách nhiệm thực sự tạo nên một toàn cảnh chân xác về bản chất thực tại của nhân loại. Và tôi cảm thấy điều này rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tâm thức con người và tác động đến quyết định tạo lập một tương lai tốt đẹp hơn cho chúng ta. Nếu chúng ta không tin chính mình và không tin vào bản tính toàn thiện của mình, thì làm sao ta tin được rằng mình có thể tạo lập một tương lai tốt đẹp hơn? Sự tự tin rất quan trọng. Thế nên nếu phương tiện truyền thông luôn luôn truyền đi những tin tức tiêu cực, làm cho tình hình có vẻ tuyệt vọng, nó sẽ làm xói mòn phẩm chất căn bản của con người.
Hỏi:Nếu một ngày nào đó, Ngài có khả năng tàng hình, hoàn toàn tàng hình chỉ trong một ngày thì Ngài sẽ làm gì?
Đạt-lại Lạt-ma: Thực ra, theo quan điểm đạo Phật, cũng có những lúc như thế. Đến lúc ấy, sẽ có những trách nhiệm mới, những việc mới phải làm. Nhưng bản tâm của các bạn vẫn như nhau, và mục tiêu vẫn là giúp đỡ người khác. Dù trong thân tàng hình hay với hiện thân thì công việc cơ bản của các bạn vẫn như nhau. Các bạn vẫn sẽ có những cảm nhận như nhau, vẫn muốn hạnh phúc như nhau và đều không muốn bị đau khổ. Dù thân bạn ẩn tàng hay hiện hình, không phải là vấn đề, vẫn như nhau thôi. Còn tôi cho rằng nếu tôi tàng hình được, tôi sẽ dễ dàng hơn để dò thám người khác (cười). Đó sẽ là một cơ hội mới, một dịp rất tốt (cười dài và lớn).
Hỏi:Phải làm gì khi bị cảm giác thất vọng toàn ngập? tại sao chúng ta phải tiếp tục sống trong khi tất cả mọi thứ dường như vô ích, và có rất ít hy vọng?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi nghĩ loại nhận thức như vậy hoàn toàn sai lầm. Dĩ nhiên, luôn luôn có nhiều rắc rối trong đời sống, nhưng cũng vậy, luôn luôn có những niềm hy vọng. Nếu các bạn có được ý niệm này thì sẽ có sức mạnh. Thế nên luôn luôn có một cơ hội tốt lành và niềm hy vọng luôn luôn nằm trong đó.
Hỏi: Ngài là một người vĩ đại, còn tôi là một người rất nhỏ bé. Bằng cách nào tôi có thể làm được mọi điều trên thế gian?
Đạt-lại Lạt-ma: Tôi không cho mình là điều gì đó đặc biệt. Tôi luôn luôn cho rằng tất cả mọi người đều đặc biệt, dù họ có học hay không được học, họ đều có tình người và tâm linh của con người, và đó là điều quan trọng nhất.
Thế nay bây giờ vấn đề là các bạn có dùng tiềm năng của con người thể hiện qua tính tự tin hay không? Đó là vấn đề. Mọi người đều có cùng một năng lực tiềm ẩn như nhau, không đánh mức niềm tự tin, và với sự quyết đoán mạnh mẽ. Các bạn cần phải cố gắng. Sự tu học rất quan trọng để nhận ra bản chất hoàn thiện của con người, tôi tin rằng sự huân tập rất cần thiết.
Hỏi: Chúng ta còn bao nhiêu thời gian để từ bỏ hành tinh này, sau khi môi trường bị phá hủy và mọi thảm trạng mà ta đã gieo vào trái đất? Có chăng niềm hy vọng để hồi sinh lại hành tinh này?
Đạt-lại Lạt-ma: Mặc dù có quá nhiều vấn đề, quá nhiều đau khổ, nhiều tình huống bi kịch, tôi vẫn tin loài người có năng lực hồi sinh hành tinh này, và không chỉ hồi sinh, mà tôi còn nghĩ rằng, do kinh nghiệm của chúng ta từ những thế kỷ qua, chúng ta đã học hỏi được rất nhiều. Có lẽ như là kết quả từ kinh nghiệm của chúng ta từ những giai đoạn phức tạp, khó khăn này, tôi nghĩ rằng nhân loại nói chung đang trở nên chính chắn hơn. Thế nên chúng ta thực sự tập trung nhiều nỗ lực hơn, với các nhìn trong sáng hơn về tương lai, tôi nghĩ thế kỷ đến chắc chắn là một thế kỷ hạnh phúc hơn.
Tương lai đang ở trên vai của chính mình. Nếu chúng ta gặp thất bại, ta lại tạo một nỗ lực khác. Gặp thất bại, càng cố gắng. Càng thất bại, càng cố gắng hơn. Luôn luôn có khả năng để có một tương lai tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta từ bỏ hy vọng và từ bỏ nỗ lực thì chúng ta sẽ rước lấy sự tàn phá và hủy hoại.
Hỏi:Có bao giờ Ngài lúng túng bởi những sự cung kính người ta dành cho ngài. Tôi muốn được trở thành một nhà lãnh đạo, nhưng tôi không biết cách rèn luyện mình như thế nào để đạt được và chưa biết cách duy trì tính khiêm cung?
Đạt-lại Lạt-ma: Thường thường, thái độ của tôi là thấy rằng mình chỉ là một con người, tiếp xúc với một con người khác. Trên bình diện đó, không có gì khác nhau nhiều lắm. Dĩ nhiên, trên bình diện khác, có nhiều vị trí, tướng trạng và danh xưng khác nhau…Nhưng đây là những điều thứ yếu. Nếu các bạn xem những thứ này là quan trọng thì thực sự, nó sẽ trở thành một chướng ngại khi tiếp xúc với những người khác. Nếu các bạn ở trong bình diện cơ bản của con người, thì sẽ không có một rào chắn nào cả.
Loại thái độ ấy rất có ích cho tôi. Theo cách đó, khi tôi tiếp xúc với nguyên thủ quốc gia hay người ăn xin, đối với tôi, có rất ít khác biệt. Miễn là đối với người đối diện, mình có một nụ cười chân thật, lòng thông cảm chân thành thì việc tiếp xúc sẽ thoải mái. Đó là giá trị chân thật và cảm xúc chân thật của con người, ước nguyện chia sẻ nỗi khổ hay hạnh phúc của người khác như anh chị em của mình.
Hỏi:Nếu Ngài có một điều để nói với giới trẻ khắp nơi trên thế giới, điều ấy là gì?
Đạt-lại Lạt-ma: Các huynh đệ thân mến, là con người sống trên hành tinh nhỏ này, thời gian luôn luôn thay đổi, luôn luôn chuyển biến. Trong một cách nào đó, phương thức vạn vật chuyển biến là rất tốt, vì nếu vạn vật không thay đổi, thì mọi hiện tượng tiêu cực vẫn còn đó. Vì mọi chuyện đều luôn luôn thay đổi, nên luôn luôn có niềm hy vọng.
Bây giờ, điều tôi muốn chia sẻ với các bạn là luôn luôn có khả năng cho vạn vật chuyển biến và thay đổi tốt hơn. Sự thay đổi chứa đầy giá trị con người. Tôi nghĩ rằng đó là mục đích của chúng ta. Chúng ta có dịp may – đặc biệt là các bạn, những người trẻ tuổi – các bạn là nhân vật chính mang trên vai trách nhiệm tạo lập nên tương lai tốt đẹp trong lâu dài. Các bạn là hạt giống để phát triển thành một thế giới thịnh vượng, giàu có, thân thiện, hòa hợp và an lạc. Thế nên mọi việc đều tùy thuộc rất nhiều vào các bạn. Sự giáo dục rất quan trọng, nhưng chỉ giáo dục một mình thôi chưa đủ. Sự giáo dục cho bộ não và sự phát triển tâm linh hoàn thiện – hai điều này phải đi cùng với nhau. Con tim thánh thiện cho các bạn tính can đảm, sự tự tin và tính quả quyết. Đây là những động cơ thiết yếu cho một tương lai tốt đẹp. Và bộ não, giống như một thiết bị, có thể hóa giải mọi vấn đề. Nên với một thiết bị hoàn hảo, được điều khiển bởi một con tim thánh thiện, thì sẽ có hy vọng chân thật. Sẽ có một tương lai hoàn thiện thực sự. Nên các bạn hiểu rằng, phần nhiều điều tùy thuộc vào bàn tay và sự gánh vác trên vai các bạn. Chúng ta hãy cố gắng tạo lập được một thế giới hạnh phúc an lạc. Vâng – chắc chắn đó là một hy vọng tốt đẹp, đó là một tiềm năng diệu kỳ. Rất quan trọng khi có niềm tự tin vững mạnh và dứt khoát hướng đến thế giới an vui đó.
Với niềm lạc quan, dù sự việc khó khăn mấy vẫn có thể vượt qua được. nếu các bạn đánh mất niềm hy vọng và giữ mãi thái độ bi quan, thì ngay cả những việc dễ thành tựu, các bạn cũng sẽ không bao giờ đạt được. Vậy nên, phần nhiều là tùy thuộc vào phong thái tâm linh của các bạn. Đó là những gì tôi thật sự muốn chia sẻ với các bạn.
[1]Bodhicitta
[2]S: sunyata, e: Emptiness
[3]Santideva: Tịch Thiên; S: santideva; cao tăng thuộc phái Trung quán. Truyền thuyết cho rằng Sư là một vương tử miền Nam Ấn Độ, sống trong thế kỷ 7,8 và hoạt động tại viện Na-lan-đà. Sư là tác giả của hai tác phẩm quan trọng là Đại thừa Tập Bồ-tát học luận(s: siksasamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận(bodhicaryavatara). Một tác phẩm thứ ba cũng thường được nhắc đến là Tập kinh luận(s: sutrasamuccaya) đã thất truyền (theo Thánh Nghiêm thì được dịch ra. Hán ngữ dưới tên Đại thừa thật yếu nghĩa luận). Nhập bồ-đề hành luận rất thông dụng trong Phật giáo Tây Tạng, là kinh điển giáo khoa. Nhập bồ-đề hành luậntrình bày các bước tu học vị Bồ-tát, từ lúc phát Bồ-đề tâm (bodhicitta) cho đến lúc đạt trí Bát-nhã (prajna), dựa trên Lục độ (paramita). Nhập bồ-đề hành luận là tác phẩm nhằm hướng dẫn cho Cư sĩ hay người mới nhập môn. Tịch Thiên giảng giải trong tác phẩm này hai phương pháp nhằm giúp vị Bồ-tát tương lai nhận biết tại sao mình lại cứu độ cho người và xuất phát từ đó các hành động cần thiết. Một mặt hành giả phải tu học phép quán chiếu cái nhất thể giữa mình và người (paratmasamata), mặt khác phải học phép hoán đổi mình và người (paratmaparivartana, tức là đặt mình vào địa vị của chúng sinh để thấu rõ tâm trạng của Hữu tình (s: sattva).
[4]A-đề-sa: S: atisa; A-đề-sa là cách đọc theo âm Hán Việt, dịch ý là: “Người xuất chúng, xuất sắc”, cũng được gọi là Nhiên Đăng Cát Tường Trí (s: dipankarasrijnana);
Đại sư người Đông Ấn (982-1054), người đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền Phật giáo sang Tây Tạng. Sư chuyên nghiên cứu các phương pháp phát triển Bồ-đề tâm (s:bodhicitta). Là Tổ của dòng Ma-kiệt-đa (s: magadha) và thuyết sư tại đại học Siêu Giới (s: vikramasila), Sư được mời qua Tây Tạng và sống ở đó 12 năm cuối đời mình. Sư là người sáng lập trường phái Cam-đan (t: kadampa), có ảnh hưởng rất lớn cho nền Phật giáo Tây Tạng, nhất là dòng Cách-lỗ (t: gelugpa) của Tông-khách-ba (t: tsong-kha-pa). Đệ tử quan trọng nhất của sư là Lạc-mẫu-đông (hoặc Đông-đốn [t: dromton], 1003-1064). Thế kỷ thứ 10 được xem là thời đại truyền pháp lần thứ hai từ Ấn Độ qua Tây Tạng, thông qua vương triều miền Tây. Ban đầu nhà vua cử xứ giả qua Ấn Độ thỉnh kinh, như dịch giả Lâm-thân Tang-pha (t: rinchen sangpo). Về sau nhà vua mời hẳn một Luận sư Ấn Độ và người đó là A-đề-sa. Năm 1042, Sư đến Tây Tạng, sống ở Netang và bắt đầu giáo hóa.
Trong tác phẩm Bồ-đề đạo đăng (s: bodhipathapradipa), Sư trình bày toàn cảnh giáo pháp Đại thừa và chia hành giả theo ba căn cơ khác nhau: 1. Hạ sĩ: loại người mong được tái sinh nơi tốt lành, 2. Trung sĩ: loại người tu vì sự giác ngộ của chính mình (Tiểu thừa) và 3. Thượng sĩ: loại người tu vì sự Giác ngộ của tất cả chúng sinh (Bồ-tát). Công trình chính của A-đề-sa là sắp đặt thứ tự kinh sách, không phổ biến bừa bãi. Sư là người đưa Đa-la (s: tara) trở thành một vị nữ Hộ Thần quan trọng trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng. Trong các trứ tác, Sư thống nhất hai trường phái chính của giáo pháp Bát-nhã ba-la-mật: quan điểm tính không (s: sunyata) của Long Thụ (s: nagarjuna) và tính bao trùm của tâm thức giác ngộ theo Vô Trước (s: asanga).
[5]Lục Ba-la-mật: 1. Bố thí, 2. Trì giới, 3. Nhẫn nhục, 4. Tinh tấn, 5. Thiền định, 6. Trí tuệ
[6]S: vajrayana; Một trường phái Phật giáo xuất hiện trong khoảng thế kỉ thứ 5, 6 tại Bắc Ấn Độ. Kim cương thừa bắt nguồn từ Đại thừa (s: mahayana) và được truyền qua Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản (riêng bộ Vô thuợng du-già không được truyền sang Trung Quốc và Nhật).
Xuất phát từ Phật giáo Đại thừa, nhưng trường phái này lấy thêm những phương pháp tu học có tính chất bí truyền. Thường thường các phái này được hướng dẫn bởi một vị Đạo sư, kinh sách của họ trình bày nhiều phép tu gọi là Tan-tra. Kim cương thừa hay sử dụng Man-tra và có ảnh hưởng mạnh nhất tại Tây Tạng. Vì hay sử dụng Man-tra, Phật giáo Tây Tạng cũng gọi Kim cương thừa là Chân ngôn thừa (s: mantrayana). Giáo pháp của Kim cương thừa mang tính chất Mật giáo, bao gồm các yếu tố của phép Du-già và các tôn giáo thiên nhiên của Ấn Độ trộn lẫn với tư tưởng Phật giáo. Quan trọng nhất là ảnh hưởng từ Tây Bắc Ấn Độ với nhiều biểu tượng về Cực quang (s: abhasvara, ánh sáng rực rỡ) cũng như ảnh hưởng của Bắc Ấn về việc tôn thờ giới tính. Trong thời gian đầu, giáo pháp này chỉ được khẩu truyền, và đến giữa thế kỉ thứ 6 và thứ 10 mới được hệ thống hóa và kết tập hoàn chỉnh. Các tác phẩm quan trọng nhất của Kim cương thừa là Bí mật tập hội tan-tra(s: guhyasamajatantra) và Thời luân tan-tra(s: ka lacakratantra) cũng sinh ra trong thời gian này. Các kinh sách quan trọng nhất của Kim cương thừa được gồm trong các Tan-tra cũng như các bài thánh đạo ca của các vị Tất-đạt (s: siddha), là các bài diễn tả kinh nghiệm của phép tu Đại thủ ấn (s: mahamudra). Lúc Kim cương thừa truyền qua Tây Tạng thì cũng là lúc giáo pháp này đã có một chỗ đứng vững chắc trong Phật giáo nói chung. Muốn lĩnh hội Kim cương thừa, hành giả phải có một kiến giải sâu xa về giáo pháp của bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, giáo pháp theo cách luận giải của Long Thụ (s: nagarjuna) và Vô Trước (s: asanga). Vì vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng được gọi là “Nhân thừa” và Kim cương thừa được gọi là “Quả thừa”. Trong Kim cương thừa, có một yếu tố quan trọng khác là vai trò của vị Đạo sư, vị này Quán đỉnh và truyền lực, hướng dẫn đệ tử thiền quán, chú tâm vào một Nghi quỹ (s: sadhana) nhất định. Trong các phép này, sử dụng Man-tra, quán Man-đa-la và bắt Ấn là những phương tiện quan trọng. Trong Kim cương thừa, Kim cương chử (s: vajra; t: dorje) biểu hiện sự giác ngộ, đạt được sự nhất thể của vũ trụ, vượt lên mọi nhị nguyên thông thường.
[7]Manjusri mula tantra; e: Root text of Manjushri.
[8]Yamantaka tantra.
[9]Guhyasamaja mula tantra.
[10]Completion Stage, Nispanna Krama (s) – Rdzogs rim (tb)
[11]Cakras: còn gọi là các trung khu, nơi tập trung khí lực của con người. Có 7 trung khu, được sắp xếp từ đỉnh đầu đến hậu môn.
[12]Nadis: còn gọi là “năng tuyến”, “lực tuyến”, là những tuyến năng lực trong thân thể con người, qua đó, chân khí (prana) được truyền đi.
[13]Development Stage – Utpattikrama (s) – Bskyed rim (t).
[14]Hindu tantra
[15]A truly-existent self.
[16]Ge-lug-pa (T), nghĩa là tông phái của những hiền nhân. Một trong những 4 tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng. Còn gọi là Hoàng mạo phái.
[17]Kagyupa (T), nghĩa là “Thánh ngữ tương thừa giả” chủ trương thực hành Đại thủ ấn (mahamudra) và Narô bí mật lục pháp.
[18]Còn gọi là Tam nghiệp bí mật kinh, là Tantra đầu tiên của Phật giáo, được biên soạn vào thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 7, được xếp vào Vô thượng du già Tantra.
[19]Còn gọi là Na-lạc du-già tốc đạo, là sáu giáo pháp bí mật của Na-rô-pa.
[20]Nyingmapa (T): còn gọi là Cựu phái, hoặc Hồng giáo do Đại sư Liên Hoa Sinh (Padmasambhava) truyền từ Ấn Độ sang.
[21]Sakyapa: mang tên ngôi chùa Sakya: nghĩa là đất xám.
[22]Hevajra: một vị hộ thần của Hô Kim Cương Tantra, thuộc Vô Thượng Du Già Tan-tra
[23]Vajrayogini
[24]Pramanavarttika (Elucidation of Valid Perception): Lượng thích luậncủa Pháp Xứng, được xem là một môn trong Nhân minh học.
[25]Vinaya Discipline
[26]Madhyamaka – The Middle view.
[27]Cách-lỗ (gelugpa)2. Ninh-mã (nyingmapa)3. Ca-nhĩ-cư (kagyupa) và 4. Tát-ca (sakyapa)
[28]Danh hiệu do vị Đạt-lại Lạt-ma thứ 5 tặng cho thầy mình là vị trụ trì chùa Ta-shi Lhunpo vào thế kỷ 17. Ban thiền cũng được xem là dòng tái sinh (tulku), nhưng không có trách nhiệm lãnh đạo chính trị.
[29]Bodhicaryavatara (s),Venturing into the Deeds of a Bodhisvatta (e), cũng thường được gọi tắt là Bồđề hành luận hoặc Nhập Bồ Tát hành luận.
[30]Jaundice: bệng viêm gan vàng da.
[31]Losang Gyatso (1617 – 1682), phiên âm là La-bốc tạng Gia-mục-thố.
[32]Gendun Gyatso (1475 – 1542), phiên âm là Căn-đôn Gia-mục-thố.
[33]Clear light: ánh sáng bừng chiếu của tuệ giác một khi được chứng ngộ.
[34]Natural
[35]Cây Pippala (s); Assattha (p). Phiên âm là Tất-bát-la. Hán dịch là Cát tường thọ, Bồ-đề thọ Tất-bát-thọ. Là loại cây thân cao, họ đậu, mọc nhiều ở Trung Ấn Độ và Bangladesh. Do Đức Phật thành đạo dưới cây này nên từ đó, nó được gọi là cây bồ-đề.
[36]Theo Kim cương thừa (vajrayana). Đức Phật Phổ Hiền chỉ cho Bản sơ Phật (adibuddha), là biểu hiện cho pháp thân (dharmakaya),được vẽ bằng màu xanh đậm, tượng trưng cho Tính không. Trong pháp Đại thủ ấn, Phổ Hiền tượng trưng cho Báo thân (sambhogakaya),đóng vai trò trung tâm.
[37]Brahmanas : Phạm thiên; theo tư tưởng Ấn Độ giáo và Bà-la-môn giáo, đây là vị thần sáng tạo ra vạn hữu vũ trụ. Vị này cùng vị thần Siva (Thấp-bà), và thần Visnu (Tỳ-thấp-nô) là ba vị thần chính của Ấn Độ giáo và Bà-la-môn giáo. Phạm thiên thường là chỉ cho Đại Phạm thiên vương, tên là Thi Khí (Sikhi), hoặc là Thế Chủ (Prajapati). Theo truyền thuyết thì vào kiếp sơ, Phạm thiên từ Quang Âm thiên hạ sanh rồi tạo tác ra vạn vật. Trong Phật giáo thì Phạm thiên vả Đế thích đều là những vị thần hộ trì Phật pháp.
[38]Pramanavarttika-karika(s). Compedium of Valid knowledge (e)
[39]Dharmakirti:Pháp Xứng; S: Dharmakirti; Một trong những Luận sư quan trọng nhất của triết học đạo Phật, đại diện quan điểm của Duy thức tông (vijnanavada) và Nhân minh học (s: hetuvidya), sống trong thế kỷ thứ 7 (~600-650) tại Nam Ấn Độ và là môn đệ của Hộ Pháp (dharmapala) tại Na-lan-đà (Mười đại luận sư).
Sư sinh ra trong một gia đình theo đạo Bà-la-môn (s: brahmana) và đã tinh thông tất cả những môn học thời đó lúc còn trẻ. Sau đó, Sư bắt đầu nghiên cứu, tu học Phật pháp với tư cách của một Cư sĩ. Phật học lôi cuốn Sư đến mức Sư bỏ đạo Bà-la-môn, đến viện Na-lan-đà thụ giới cụ túc và tham học với Hộ pháp. Các tác phẩn của Trần-na (S: dignaga, dinnaga) tại viện Phật học này chính là yếu tố ngộ đạo của Sư. Sau khi kết thúc giai đoạn tu tập, Sư bắt đầu công việc hoằng hóa, xiển dương đạo Phật, viết nhiều luận giải, đại diện Phật giáo tham dự nhiều cuộc tranh luận. Trong những cuộc tranh luận này, Sư dùng Nhân minh học để hàng phục đối phương và trong lĩnh vực này, truyền thống Tây Tạng đặt sư lên một địa vị cao hơn cả Trần-na. Trong những năm cuối đời mình, Sư từ bỏ việc chu du đây đó và lui về trụ trì một Tịnh xá tại Orissa (bây giờ là Kalinga) và mất tại đây.
[40]Kalacakra Tantra: một trong 4 tác phẩm quan trọng của Vô Thượng Du-già Tan tra, chỉ dạy phương pháp tu luyện cao tột để thành Phật ngay trong kiếp này.
[41]Thông thường, theo kinh luận P.G, chỉ đề cập đến 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ thế giới. Đó là: đất, nước, lửa, gió. Theo Mật thừa, có đến 5 yếu tố (element). Đó là: đất, nước, lửa, gió và không. Còn theo Kinh Thủ-lăng-nghiêm, có đến 7 yếu tố, gồm: địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến và thức (thất đại).
[42]non-sectarianism
[43]initiation
[44]Siddhi (s) – great accomplished master
[45]Lạt-ma: theo P.G Tây Tạng, Lạt-ma là hiện thân của giáo pháp, gần như Gu-ru, bậc đạo sư của Ấn Độ. Danh hiệu cao nhất của Lạt-ma là Rinpoche (quý báu phi thường)
[46]Tulku (Chu-cô): Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Mông Cổ và tiếng Sanskrit. Có nghĩa là “Tự tái hóa sinh” và “Minh tâm kiến tính”, “Sinh tử tự chủ”. Phạn ngữ tương ứng là Nirmanakaya (ứng hóa tâm). Tại Tây Tạng, danh từ này để gọi các dòng tái sinh và các vị tái sinh, các vị khi chết mà không mê mờ bản tâm, nguyện trở lại thế gian để thể hiện hạnh nguyện độ sanh.
[47]Geshe: học vị tương đương Tiến sĩ Phật học.
[48]Jerusalem: Thuộc vùng Trung Đông, quê hương của Giê-su Ki-tô người sáng lập Cơ đốc giáo.
[49]Mecca: một thành phố của A-rập Xê-út, nơi sinh của giáo chủ Môhamét và trung tâm của đạo Hồi.
[50]A-dục; S:asoka; P: asoka; cũng gọi là A-du-ca, dịch nghĩa là Vô Ưu, không ưu sầu, lo nghĩ; Tên của một vị vua xứ Maurya, miền Bắc Ấn Độ, trị vì từ năm 272 đến 236 trước Công Nguyên, mất 231. Trong lịch sử Ấn Độ, ông đã để lại nhiều dấu tích quan trọng. Sau một cuộc viễn chinh đẫm máu năm 260 ông có dịp được nghe Phật pháp và tỉnh ngộ, quyết định thành lập một “Vương quốc phụng sự Phật pháp”. Ông đích thân đi khắp các miền trong nước để bảo vệ luật lệ và chính pháp. Ông cũng là người cổ vũ việc ăn chay và chống tệ nạn giết thú vật để cúng tế. Trong thời A-dục vương, đạo Phật phát triển mạnh ở Tích Lan. Người con trai của A-dục vương là Ma-hi-đà (Mahinda) cũng góp phần rất nhiều trong việc truyền bá đạo Phật.
Tài liệu về A-dục rất nhiều sai khác. Theo tài liệu từ văn hệ Pali thì ông là một quốc vương chỉ phụng sự cho đạo Phật. Theo một số tài liệu của giới khảo cổ, nhất là tư liệu khắc trên đá do chính A-dục cho ghi lại thì ông cũng ủng hộ rất mạnh các giáo phái khác , đúng như trách nhiệm của một nhà vua. Các tư liệu khắc trên đá hay dùng chữ “Pháp” (s:dharma). Người ta thấy rằng Pháp nói ở đây không chỉ phải là Phật pháp mà là một hệ thống luân lí do nhiều trào lưu tôn giáo thời đó tổng hợp lại. Quan điểm của A-dục vương là làm sao thần dân có một cuộc đời hạnh phúc; trong đó gồm sự tự do, lòng từ bi, tránh chém giết, biết tuân lời, tôn trọng sự thật, hướng nội…
[51]Sunyata, emptiness
[52]Rajaparikatha-ratnavali (s) – The Precious Garland for the King. Còn gọi tắt là Ratnavali: “Vòng bảo châu”.
[53]Sautrantika.
[54]Cittamatra.
[55]Svatantrika.
[56]Prasangika (s), Consequentialists (e).
[57]Mà cần phải có trí huệ Bát-nhã.
[58]Phiền não (s: klesa; p: kilesa)
[59]Theo Phật giáo Tây Tạng, đó là: 1. Trung quán tông (madhyamika)do Bồ-tát Long Thọ đề xuất; 2. Duy thức tông (vijnanavada, yogacara, cittamatra)do Vô Trước và Thế Thân sáng lập; 3. Mật tông (tantra);xuất phát từ Ấn Độ; 4. Kim cương thừa (vajrayana): Mật tông thịnh hành tại Tây Tạng.
[60]Y tự khởi tông (svatantrika) và Ứng thành tông (prasangika).
- Y tự khởi tông: do Ngài Thanh Biện (bhavaviveka) áp dụng luận lí học của Duy thức tông và Nhân minh học của Trần-na (dignaga)trong thuyết Trung luận của mình. Sư hay nhấn mạnh đến “tính hợp quy luật”, xây dựng luận thức độc đáo của chính mình và sau đó tiến tới bác bỏ lập luận đối phương. Vì thế nên hệ phái của Sư mang tên là Trung quán-Tự ý lập tông hay Trung quán-Y tự khởi tông (svatantrika-madhyamika). Sư cũng phân tích và phê phán các luận sư khác và công kích luôn cả Phật Hộ. Cho Trung quán tông thì việc Thanh Biện đưa những quan chút – chỉ làm thêm phong phú và thúc đẩy sự phát triển. Tất nhiên quan đó Thanh Biện có nhiều sai biệt với các luận sư khác, như về thể tính của ý thức, sư xem nó chỉ là một phần của thế giới hiện tượng.
- Ứng thành tông (prasangika): do Phật Hộ (buddhapalita) là người đại diện xuất sắc của Trung quán tông. Sư có viết bài luận về (Căn bản) Trung quán luận tụng ([mula-] madhyamaka-karika), tác phẩm chính của Long Thụ. Trong bộ này, với tên Phật Hộ căn bản trung quan luận thích (buddhapalita-mulamadhyamaka-vrtti), Sư đả phá quan điểm của những kẻ đối nghịch và những kết luận (prasanga) sai trái của họ, có thể gọi là “phá tà hiển chính”, nghĩa là không nêu quan điểm của chính mình , chỉ dựa vào những nhược điểm, những mâu thuẫn hiển hiện của đối thủ mà đả phá họ. Sư thành lập hệ phái Trung quán-Cụ duyên (cũng gọi là Trung quán-Ứng thành tông; prasangika-madhyamika) – tên gọi tông này dựa trên phương pháp đó.
[61]Inherent existence of conventional reality
---o0o---
Vi tính: Quảng Thảo Lê Thị Hòa Hội
Trình bày: Vĩnh Thoại