Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 5. Quán tưởng chung cuộc về một đời sống tâm linh

13/05/201319:38(Xem: 8589)
Phần 5. Quán tưởng chung cuộc về một đời sống tâm linh

HẠNH PHÚC CHÂN THƯỜNG

THE ART OF HAPPINESS

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bác Sĩ Howard C. Cutler 

Nguyên Dực chuyển ngữ

---o0o---

PHẦN 5.

QUÁN TƯỞNG CHUNG CUỘC VỀ MỘT ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Chương 15

CÁC GIÁ TRỊ TINH THẦN CĂN BẢN

Nghệ thuật của hạnh phúc có nhiều nhân tố. Như chúng ta đã thấy, nghệ thuật này bắt đầu bằng việc phát huy sự thông hiểu những uyên nguyên chân thật nhất của hạnh phúc rồi đến việc lựa chọn thứ tự ưu tiên của cuộc sống dựa trên sự vun bồi những nguyên uỷ này. Chúng ta cần những nguyên tắc nội tại, cần một tiến trình nhổ tận gốc rễ các trạng thái tâm thức có tính cách phá hủy và từ từ thay thế bằng những yếu tố tích cực/xây dựng như thân ái, khoan nhượng và tha thứ. Để nhận diện những nhân tố dẫn đến một cuộc sống trọn vẹn và thoải mái, chúng ta sẽ bàn đến nhân tố cuối cùng dùng làm kết luận: Tâm Linh.

Người ta có khuynh hướng coi tâm linh và tôn giáo vốn là một. Quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về hạnh phúc đã được định hình bởi những năm dài luyện tập cam go để trở thành một tu sĩ Phật giáo. Ngài cũng được người đời xưng tụng là một học giả Phật giáo uyên bác. Tuy vậy, đối với số đông, sự hiểu biết thâm thúy về những vấn đề triết học phức tạp của đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là yếu tố quyến rũ, mà chính là tính bình dân, tính hài hước và tính nồng nhiệt trong bản chất của Ngài đã thu phục lòng người. Thực ra, trong tất cả các buổi nói chuyện của chúng tôi, nhân tính căn bản của đức Đạt Lai Lạt Ma đã vượt hẳn lên trên các phương diện khác kể cả vai trò tu sĩ của Ngài. Dù cạo tóc, dù mặc áo tràng, dù là một trong các khuôn mặt xuất chúng về tôn giáo, giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma trong các buổi đàm thoại với tôi chỉ đơn thuần là giọng nói giữa một con người với một con người, cùng thảo luận những vấn đề mà mọi người đều chia xẻ. 

Nhằm giúp chúng ta thông hiểu ý nghĩa chân thực của TÂM LINH, đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu giải thích về sự khác biệt giữa tâm linh và tôn giáo:

"Theo tôi nghĩ thì điểm trọng yếu là chúng ta phải trân quý tiềm năng của con người và nhận thức được tầm quan trọng của các chuyển hóa nội tại. Nhưng điều này có thể đạt được qua một tiến trình gọi là sự khai triển tâm thức. Đôi khi, tôi gọi đây là những chiều kích tâm linh của cuộc đời.

"Người ta có thể chia ra làm hai cấp độ của tâm linh. Cấp độ thứ nhất có liên hệ đến tôn giáo. Thế giới của chúng ta có nhiều hạng người khác nhau và nhiều thiên hướng khác nhau. Chúng ta có 5 tỷ con người và ở một phương diện nào đó, tôi cho rằng chúng ta cần 5 tỷ tôn giáo khác nhau để đáp ứng những thiên hướng quá khác biệt. Tôi tin rằng mỗi người đều cần một lộ trình tâm linh phù hợp với thiên hướng, sở thích tự nhiên, tính khí, niềm tin, gia đình và bối cảnh xã hội của riêng mình ...

"Thí dụ như tôi chẳng hạn, vì là một tu sĩ Phật giáo nên tôi cho Phật giáo là thích hợp nhất và vì thế, đối với tôi, Phật giáo là tốt đẹp nhất. Nhưng điều này không có nghĩa Phật giáo sẽ tốt đẹp cho tất cả mọi người. Rõ ràng là như vậy và chắc chắn là như vậy. Nếu tôi nghĩ Phật giáo là tôn giáo tốt đẹp nhất của tất cả mọi người thì thật là một ý tưởng điên rồ vì thiên hướng của mỗi người rất khác nhau. Cho nên nhiều người thì cần phải có nhiều tôn giáo. Mục tiêu của tôn giáo là phục vụ con người nên nếu chúng ta chỉ có một tôn giáo, mục tiêu phục vụ đó sẽ tàn lụi sau một thời gian. Cũng như nhà hàng chỉ cung cấp một món ăn ngày này qua ngày khác, tôi chắc rằng sau một thời gian, thực khách sẽ chẳng còn là bao. Người ta cần và thích nhiều món ăn khác nhau vì con người có nhiều khẩu vị khác nhau. Cũng cùng một cách thế như vậy, tôn giáo là để nuôi dưỡng tâm linh con người nên tôi nghĩ rằng chúng ta nên chào đón tính đa dạng của tôn giáo và chấp nhận nhiều tôn giáo khác nhau. Có rất nhiều người nhận thấy Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo rất thích hợp đối với họ nên chúng ta phải chấp nhận và tôn kính những giá trị tinh thần của các truyền thống tôn giáo quan trọng khác nhau trên thế giới. 

"Tất cả các tôn giáo lớn này đều có những đóng góp hữu hiệu cho lợi dưỡng của nhân loại. Các truyền thống này đều được sáng tạo để làm cho con người được hạnh phúc hơn và làm cho thế giới này thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để các tôn giáo có thể thực hiện được mục tiêu này, mỗi người trong chúng ta phải thực hành những giáo lý với tất cả thành tâm. Người ta phải kết hợp những giáo điều vào cuộc sống của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào để có thể sử dụng chúng như là mạch nguồn của những năng lực nội tại. Người ta cũng cần phải đạt được sự thấu hiểu sâu xa về những tư tưởng của tôn giáo, không chỉ trên bình diện tri thức nhưng là những cảm xúc sâu thẳm, những chứng nghiệm nội tâm.

"Tôi tin rằng người ta có thể phát huy cảm giác tôn kính đối với tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau. Một trong những lý do căn bản là tất cả các truyền thống này đều cung ứng những khuôn mẫu đạo đức để điều hướng hành vi của chúng ta cũng như những ảnh hưởng tích cực của chúng. Trong truyền thống Cơ Đốc chẳng hạn, niềm tin ở Thiên chúa được coi là những mẫu mực đạo đức rõ rệt và dứt khoát để hướng thiện hành động và lối sống con người. Đây là một khuynh hướng rất mạnh mẽ vì các tương quan mật thiết trong mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đã tạo dựng ra loài người, cũng như cách thế biểu lộ tình thương của Ngài trong con người chúng ta như yêu thương và từ ái với đồng loại.

"Còn nhiều lý do nữa khiến chúng ta nên tôn kính những truyền thống tín ngưỡng khác biệt. Tất cả các tôn giáo lớn đã cung ứng những lợi ích khôn lường cho hàng tỷ người xuyên qua hàng ngàn năm trong quá khứ. Ngày cả giai đoạn hiện tại này, nhiều triệu người vẫn còn thừa hưởng những phúc lợi và cảm hứng từ các truyền thống này dưới một hình thức nào đó. Rõ rệt là như vậy. Và rồi trong tương lai, các tôn giáo lớn này vẫn tiếp tục là nguồn rung cảm cho hàng triệu người của các thế hệ sắp tới. Thực tế là như vậy. Cho nên chúng ta phải tôn kính và thừa nhận vai trò vô cùng quan trọng của các tôn giáo này.

"Người ta có thể củng cố mối tương kính giữa các đức tin khác nhau xuyên qua sự giao tiếp cá nhân. Trong ít năm qua, tôi đã cố gắng tiếp xúc và đối thoại với cộng đồng Cơ Đốc giáo cũng như Do Thái giáo và tôi đã có được những kết quả thật tích cực. Với hình thức giao tiếp rất gần gũi này, chúng ta có thể học hỏi về những đóng góp hữu ích cho nhân loại của một tôn giáo này, khám phá những phương thức mà chúng ta có thể chia xẻ được từ một tôn giáo khác. Khai triển được chất keo để nối kết các tôn giáo với nhau là điều vô cùng thiết yếu vì qua sự nối kết này, chúng ta sẽ gây tạo được một nỗ lực chung cho phúc lợi nhân quần.

"Thế giới chúng ta đã quá chia rẽ và quá rối rắm. Tôn giáo phải là liều thuốc làm giảm thiểu xung đột và đau khổ của con người chứ không phải làm chúng thêm trầm trọng.

"Chúng ta thường nghe thiên hạ nói rằng mọi người đều bình đẳng. Khi nói như vậy, rõ rệt là chúng ta có ý cho rằng mỗi người đều mong được hạnh phúc. Mỗi người đều có quyền làm một con người sung sướng và mọi người đều có quyền chế ngự được phiền não. Vậy nếu chúng ta tìm được hạnh phúc hay phúc lợi từ một truyền thống tôn giáo nào đó thì chúng ta phải tôn trọng quyền (tìm được hạnh phúc hay phúc lợi từ một tôn giáo khác) của tha nhân. Vì thế, rõ ràng là chúng ta phải tỏ lòng tôn kính đối với những tôn giáo lớn của nhân loại."

Trong tuần lễ diễn thuyết của đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tucson, tinh thần tương kính đã tốt đẹp hơn sự mong đợi của mọi người. Thính giả của các buổi nói chuyện này bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo quan trọng khác nhau, trong đó, một số lớn thuộc hàng giáo phẩm Cơ Đốc. Dù có sự khác biệt tín ngưỡng, một bầu không khí bình an và hài hòa đã bao phủ thính đường, rõ rệt đến nỗi người ta có thể sờ mó được. Người ta trao đổi với nhau và ngay cả những người không phải là Phật tử cũng chẳng tỏ vẻ nghi ngờ về việc hành trì tâm linh hàng ngày của đức Đạt Lai Lạt Ma. Một thính giả đã tò mò hỏi:

"Dù là Phật tử hay không, việc cầu nguyện đều được nhấn mạnh đối với mọi người. Tại sao cầu nguyện lại quan trọng như vậy trong đời sống tâm linh?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Theo tôi thì điểm cốt yếu của cầu nguyện là sự nhắc nhở mỗi ngày về những nguyên tắc nội tại và niềm tin của chúng ta. Cá nhân tôi lập đi lập lại lời giảng của bậc Đại Giác mỗi ngày. Những câu này nghe có vẻ như lời kinh nhưng thật ra chỉ là sự nhắc nhở. Nhắc nhở về cách nói chuyện với người khác, nhắc nhở cách giao tiếp với tha nhân, nhắc nhở cách ứng xử với những vấn nạn trong đời sống thường ngày ... Cho nên trong sự cầu nguyện của tôi, đa phần là những lời nhắc nhở về những điều quan trọng như từ tâm, tha thứ và dĩ nhiên là cũng bao gồm phần quán tưởng về bản thể của vạn pháp, thiền định. Mỗi ngày tôi cầu nguyện khoảng 4 tiếng đồng hồ. Cũng khá lâu đấy chứ?"

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày để cầu nguyện, một thính giả khác hỏi: "Tôi là một người mẹ với bốn đứa con và tôi có việc làm toàn thời nên có rất ít thì giờ rảnh. Làm sao để tìm ra thời gian để cầu nguyện và thiền quán đối với những người vô cùng bận rộn như tôi?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Ngay như trường hợp của tôi, nếu muốn, tôi cũng có thể than phiền rằng không đủ thì giờ. Tôi rất bận rộn nhưng nếu cố tình, chúng ta vẫn tạo được thời gian rảnh rỗi như vào lúc sáng sớm chẳng hạn; hay vào dịp cuối tuần, chúng ta có thể hy sinh một vài thú tiêu khiển phải không ?" Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và nói tiếp: "Thành ra tôi nghĩ ít nhất là nửa giờ mỗi ngày. Hoặc nếu cố gắng hơn, chúng ta có thể dành ra 30 phút buổi sáng và 30 phút vào buổi tối. Nếu thực lòng, quý vị sẽ tìm được thì giờ mà quý vị muốn.

"Tuy nhiên, nếu suy nghĩ thật cẩn trọng về ý nghĩa đích thực của công tác thực hành tâm linh, chúng ta sẽ thấy nó có nghĩa là sự phát huy và huấn luyện tâm thức, thái độ, trạng thái tâm lý, cảm xúc và cả bản ngã nữa. Không nên giới hạn sự hiểu biết về thực hành tâm linh của chúng ta vào những hành động thể lực hay lối nói như cầu nguyện hay tụng kinh. Nếu cho rằng thực hành tâm linh chỉ giới hạn vào những hoạt động như vậy thì dĩ nhiên là chúng ta cần đến những thời điểm riêng biệt, một lúc nhất định nào đó trong ngày vì không ai có thể vừa nấu ăn giặt giũ vừa đọc kinh trì chú được. Người chung quanh sẽ nghĩ là mình điên hay khùng gì đó. Nhưng nếu thấm nhuần ý nghĩa đích thực của hành trì tâm linh, chúng ta có thể sử dụng cả 24 giờ của một ngày. Tâm linh chân chính là một thái độ tinh thần mà chúng ta có thể thực tập vào bất cứ lúc nào. Tỷ như chợt nhận ra mình đang ở trong hoàn cảnh có thể làm cho ai đó bị sỉ nhục thì liền cảnh giác và tự chế để đừng làm chuyện đó. Hoặc gặp trường hợp mất bình tĩnh, cảm giác sân hận vừa trỗi dậy thì hãy lập tức tỉnh thức, tự nhủ 'không, đây không phải là giải pháp thích đáng'. Nếu hiểu được như vậy thì bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thực hành tâm linh, lúc nào cũng có thì giờ tu tập.

"Chuyện này làm tôi nhớ đến Potowa, một vị đạo sư Tây Tạng. Vị này nói rằng đối với những hành giả đã đạt được một mức độ nào đó về sự tĩnh lặng nội tại và nhận thức thì bất cứ một biến cố, một kinh nghiệm nào mình đã trải qua đều là những bài học. Đó là kinh nghiệm học hỏi và tôi cho rằng điều này rất đúng.

"Từ viễn tượng này, ngay khi chúng ta đối diện với những cảnh ngộ xáo trộn làm rối loạn tâm trí như phim ảnh/truyền hình bạo động và tình dục, người ta cũng có thể xem chúng với một sự tỉnh thức rõ rệt để nhận ra sự quá độ của các ảnh hưởng tác hại. Như vậy, thay vì bị hoàn cảnh vây phủ, chúng ta có thể xem chúng là những ấn chứng nguy hại của cảm xúc tiêu cực không bị kiểm soát nghĩa là chúng ta vẫn học hỏi được".

Tuy nhiên vì là một hành giả Phật giáo, hành trang tinh thần của đức Đạt Lai Lạt Ma dĩ nhiên là có nhiều đặc tính của nhà Phật. Thí dụ như khi nói về những hành trì thường nhật, đức Đạt Lai Lạt Ma thường nói về sự quán tưởng đến bản thể của thực tại cùng với vài phương pháp quán chiếu khác. Trong phần thảo luận, đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ nói phớt qua về những phép quán này, nhưng trong những năm qua, tôi đã có dịp nghe Ngài diễn giải rất tường tận về các đề tài này, những buổi thuyết giảng vô cùng phức tạp và khó hiểu. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về bản chất của thực tại với phần phân tích và tranh luận đầy triết lý đủ làm người ta rối trí, sự diễn tả các phép quán Tantric phức tạp và chi tiết đến độ không hiểu được, quán tưởng về những mục tiêu chỉ có trong trí tưởng tượng của con người ... Đức Đạt Lai Lạt Ma đã học tập và thực hành những phép quán này trong suốt cuộc đời. Hiểu được các nỗ lực của đức Đạt Lai Lạt Ma có một phạm vi bao la và cao tột, tôi hỏi: "Ngài có thể giải thích về những lợi ích thực tiễn của công tác thực hành tâm linh trong đời sống thường ngày?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma yên lặng một lúc rồi trả lời: "Dù không có nhiều kinh nghiệm lắm, tôi có thể đoán chắc một điều là qua công tác hành trì Phật pháp, tâm thức của tôi đã tĩnh lặng hơn rất nhiều mặc dù sự thay đổi xảy ra rất chậm chạp, có thể là từng phân, từng ly một. Có sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của tôi đối với người khác cũng như với chính tôi. Mặc dù rất khó mà đưa ra những nguyên do của sự thay đổi này, tôi nghĩ rằng thái độ của mình đã bị ảnh hưởng sâu đậm bởi nhận thức, một sự nhận thức tuy chưa hoàn toàn nhưng rất chắc chắn về bản thể chân chính của thực tại. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những đề mục quán sát như vô thường, phiền não cũng như giá trị của từ ái, vị tha.

"Vì thế, khi nghĩ đến những người Cộng sản Trung Quốc đã gieo rắc tang tóc cho dân chúng Tây Tạng, với những thành tựu có được qua công tác hành trì Phật đạo, tôi cảm thấy một mối thương tâm ngay cả với những người tra tấn tội nhân vì tôi hiểu rằng những người này đã bị thúc đẩy bởi các quyền lực tiêu cực. Thêm nữa, với hạnh nguyện Bồ Tát[1]mà tôi đang theo đuổi khiến tôi không thể cảm hay nghĩ rằng một người nào đó phải nhận chịu hậu quả xấu hay không được hưởng hạnh phúc vì đã có những hành vi tiêu cực. Những hạnh nguyện này đã giúp tôi phát huy từ tâm, đã tỏ ra vô cùng hữu ích, nên tất nhiên là tôi trân quý chúng.

"Tôi nhớ đến một vị thầy tế cao cấp đã sống ở tu viện Namgyal. Vị này bị Trung cộng bắt giam với tội danh tù nhân chính trị trong suốt 20 năm qua. Có một lần tôi hỏi là trong thời gian bị giam cầm, hoàn cảnh nào được xem là khó khăn nhất và tôi đã vô cùng khâm phục khi vị ấy trả lời rằng nguy cơ lớn lao nhất là đánh mất lòng từ ái đối với Trung hoa.

"Còn nhiều chuyện khác nữa. Cách đây 3 hôm, tôi gặp một tu sĩ đã sống nhiều năm trong lao tù Trung cộng. Vào thời gian Tây Tạng nổi dậy chống lại sự xâm lấn của Trung quốc vào năm 1959, vị tu sĩ này được 24 tuổi và đã tham gia vào lực lượng yêu nước ở Norbulinga. Ông ta bị bắt cùng với ba người anh em khác và ba người này đã bị giết chết trong trại giam. Hai người anh em khác nữa của ông ta cũng bị Cộng sản Trung quốc giết chết và sau đó là cha mẹ ông ta qua đời trong các trại cưỡng bách khổ sai. Trong suốt thời gian tù đày, ông ta nói với tôi là đã suy ngẫm cẩn trọng về cuộc sống và đã đi đến kết luận rằng trong suốt thời gian sống tại tu viện Drepung, ông ta chưa xứng đáng là một tu sĩ mà chỉ là một người ngu xuẩn. Trong khi bị tù đày ông ta mới phát nguyện để cố gắng trở thành một tu sĩ chân chính. Do kết quả của công tác huấn luyện tâm thức và hành trì Phật đạo, vị tu sĩ này đã chịu đựng được những đau đớn ghê gớm của thể xác. Trong những lần bị tra khảo và đánh đập vô cùng khốn nạn bởi các cai ngục người Hoa, ông ta vẫn bình tâm nghĩ rằng đây là cơ hội để thanh lọc những chướng nghiệp của quá khứ và đã sống sót được đến ngày nay.

"Qua những thí dụ này, chúng ta có thể thấu hiểu được giá trị cao quý của việc thực hành tâm linh trong đời sống thường ngày của mọi người."

Như vậy, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến yếu tố sau cùng của cuộc sống hạnh phúc: Các chiều kích tâm linh. Xuyên qua lời dạy của đức Phật, đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như nhiều người khác đã tìm ra một cấu trúc có ý nghĩa trọng đại giúp họ kinh qua và đôi khi, chuyển hóa những đau đớn và phiền não mà cuộc sống đã mang đến cho kiếp người. Và giống như đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận định, các tôn giáo lớn đã cống hiến những cơ hội giống nhau giúp con người có được một cuộc sống hạnh phúc hơn. Sức mạnh của đức tin vốn được các truyền thống tôn giáo này khai triển đến một bình diện rất rộng lớn và đã đan kín cuộc sống của hàng triệu con người. Hằng hà sa số những trường hợp người ta đã sống sót qua những giai đoạn khó khăn nhờ vào niềm tin tôn giáo. Chuyện này đôi khi xảy ra thầm lặng trong một phạm vi nhỏ bé nhưng cũng có lúc diễn ra trên một bình diện quy mô và ồn ào hơn. Vào một lúc nào đó trong đời, bất cứ ai trong mỗi người chúng ta đều có dịp chứng kiến hay nhận biết sự hiện hữu của sức mạnh này đang xảy ra cho một thành viên trong gia đình, bạn hữu hay người quen.

Đôi khi, những thí dụ cụ thể về sức mạnh của đức tin tôn giáo đã xuất hiện trên trang nhất của báo chí. Nhiều người trong chúng ta còn nhớ đến trường hợp của Terry Anderson, một người dân rất bình thường bị bắt cóc trên đường phố Beirut (thủ đô của Lebanon) vào một buổi sáng năm 1985. Hezbollah, một nhóm Hồi giáo chính thống quá khích đã bất thần chụp một cái mền lên đầu Terry, tống anh ta vào một chiếc xe và chở đi giam giữ suốt 7 năm ròng. Đến năm 1991, Tery bị biệt giam trong một xà lim dơ dáy và ẩm thấp, bị bịt mắt và xích xiềng cũng như bị tra khảo và đánh đập thường ngày. Đến khi được phóng thích, cả thế giới quay lại và nhận ra một Terry vô cùng vui vẻ vì được xum họp với gia đình, được trở lại với cuộc sống. Nhưng cả thế giới cũng đã rất ngạc nhiên khi thấy Terry không mấy tỏ ra cay đắng hay thù hận đối với những người đã bắt cóc anh ta. Khi được các phóng viên hỏi về nguyên nhân của sức mạnh khác thường này, Terry cho biết đức tin và cầu nguyện là những tác nhân chính yếu đã giúp anh ta chống chọi với nghịch cảnh.

Không thiếu gì những trường hợp mà niềm tin tôn giáo đã là điểm tựa vững chắc cho chúng ta lúc nguy khốn. Và ngày nay, các cuộc sưu tầm rất rộng rãi cũng đã nhìn nhận rằng đức tin có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc đạt đến một đời sống hạnh phúc. Những cuộc nghiên cứu do các chuyên gia và các tổ chức độc lập (như công ty Gallup) cho thấy những người theo đạo (bất cứ tôn giáo nào) thường tỏ ra hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống so với những người không có tín ngưỡng. Người ta cũng thấy rằng đức tin không những giúp chúng ta vui sống mà còn giúp người ta ứng phó với tuổi già, những hoàn cảnh khó khăn hay khủng hoảng cá nhân một cách có hiệu quả hơn. Thêm nữa, thống kê còn chỉ rõ là những gia đình có đức tin tôn giáo vững mạnh thường ít có con cái phạm pháp, nghiện rượu, ma tuý và tan vỡ hôn nhân. Người ta cũng tìm thấy những chứng tích cho rằng sức mạnh của niềm tin tôn giáo còn giúp con người gia tăng sức khoẻ kể cả những người bị các căn bệnh hiểm nghèo. Thực ra, hàng trăm các cuộc nghiên cứu khoa học đã thiết lập mối liên hệ giữa đức tin tôn giáo, tử xuất thấp và cải thiện thể lực. Trong một cuộc sưu tầm, một số quý bà lớn tuổi với niềm tin vững mạnh đã đi được xa hơn sau khi giải phẫu hông so với những người khác và họ cũng ít bị suy thoái sau khi giải phẫu.

Ronna Casar Harris và Mary Amanda Dew thuộc trung tâm y khoa đại học Pittsburgh trong một cuộc nghiên cứu đã thấy rằng các bệnh nhân có niềm tin tôn giáo sau khi thay tim đã chấp nhận chế độ điều dưỡng hậu giải phẫu một cách tốt đẹp hơn, đồng thời chứng tỏ một sức khoẻ tinh thần lẫn thể lực vượt trội hơn trong trường kỳ. Trong một cuộc nghiên cứu khác, bác sĩ Thomas Oxman và các đồng nghiệp tại trường y khoa Dartmouth nhận thấy những bệnh nhân trên 55 tuổi có tín ngưỡng, đã bị giải phẫu về những bệnh có liên quan đến tim mạch, có khả năng sống sót 3 lần cao hơn nhưng người không có niềm tin tôn giáo.

Những lợi dưỡng có được từ đức tin là sản phẩm trực tiếp của một vài tín lý và truyền thống tôn giáo khác biệt. Nhiều Phật tử đã chịu đựng được các khổ não vì đã tin tưởng mãnh liệt vào chủ thuyết duyên nghiệp. Tương tự như thế, những người có niềm tin không gì lay chuyển được đối với Thượng đế cũng kinh qua các khổ nạn bởi niềm tin ở Thượng đế toàn năng và đầy tình thương, tin rằng những dự định của Ngài có thể bí mật đối với chúng ta trong hiện tại nhưng cuối cùng, trong sự hiểu biết uyên áo của Ngài, Thượng đế sẽ hiển bày tình thương cho chúng ta. Với tất cả niềm tin vào lời giảng trong kinh Thánh, người ta có thể tìm thấy sự an ủi khi đọc những đoạn như Romans 8:28 chẳng hạn "Mọi sự đều được xếp đặt nhắm đến sự tốt lành cho những ai mến yêu Thượng đế, cho những ai được ơn cứu gọi bởi những mục tiêu của Ngài".

Mặc dù có những tưởng thưởng dựa trên các giáo điều độc nhất và đặc trưng đối với từng truyền thống tín ngưỡng riêng biệt, có những đặc điểm do sức mạnh của đức tin tạo ra có tính cách thông dụng trong tất cả các tôn giáo. Tham gia vào hoạt động của các tổ chức tôn giáo khiến người ta cảm thấy sự liên hệ với cộng đồng, có sự quan tâm và chia xẻ với đồng đạo. Người ta thấy mình như có đồng đội, được chấp nhận bởi người khác và đồng thời làm cho mình thấy cuộc sống có mục tiêu và ý nghĩa. Các niềm tin này cho chúng ta hy vọng khi phải đối diện với nghịch cảnh, phiền não và cái chết. Chúng giúp con người chấp nhận một viễn tượng trường cửu, cho phép người ta vượt qua cái tôi của mình khi bị tràn ngập bởi những khó khăn của đời sống.

Tuy rằng các lợi dưỡng thiết yếu này lúc nào cũng dành sẵn cho những người thực hành giáo điều của các tín ngưỡng đã hình thành lâu đời trên mặt đất, người ta cũng thấy rõ rằng đức tin tôn giáo không đủ để đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc và bình an. Ngay khi Terry ngồi trong xà lim với xiềng xích trên mình và đang chứng nghiệm quyền năng của niềm tin tôn giáo thì ngoài kia, cơn bạo động do thịnh nộ và thù hận của đám đông đã chứng tỏ những đóng góp xấu xa của sức mạnh tín ngưỡng. Qua bao nhiêu năm tại Lebanon, nhân danh tín ngưỡng, cuộc chiến tranh đầy thù hận và bạo lực giữa các nhóm Hồi giáo chống lại Cơ Đốc và Do Thái giáo đã đưa đến những tàn độc không thể nói được. Câu chuyện này quá cũ, đã được lập lại nhiều lần trong lịch sử và vẫn được nhắc đến quá thường trong đời sống hiện tại.

Do bởi khả năng gây chia rẽ và thù hận, người ta có thể mất niềm tin vào các cơ chế tôn giáo, và những hình ảnh lớn của tôn giáo như đức Đạt Lai Lạt Ma đã cố gắng thanh lọc những thành tố của cuộc sống tâm linh nhằm đáp ứng ước vọng của bất cứ ai muốn có một cuộc sống hạnh phúc, không kể đến việc người ta theo tôn giáo này hay tôn giáo kia hoặc người ta có hay không có tín ngưỡng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma kết thúc buổi nói chuyện với viễn tượng của Ngài về cuộc sống tâm linh bằng một giọng điệu tin tưởng vững mạnh:

"Như thế, khi nói về các chiều kích tâm linh trong đời sống, chúng ta đã đề cập đến niềm tin tôn giáo như một cấp độ tinh thần. Nói về tín ngưỡng, nếu chúng ta tin ở một tôn giáo nào đó thì đấy là điều hay. Nhưng nếu không có đức tin tôn giáo, chúng ta cũng có cách giải quyết. Trong nhiều trường hợp, người ta còn thành công hơn nữa kia. Nhưng đây là quyền riêng của mỗi người. Bây giờ chúng ta đề cập đến một cấp độ khác mà tôi gọi là 'tâm linh căn để' tức là những phẩm chất căn bản của con người như sự tốt đẹp, hòa nhã, từ ái và quan tâm. Dù là tín đồ hay không, những tâm linh căn để này đều rất thiết yếu. Cá nhân tôi cho rằng mức độ thứ hai này quan trọng hơn mức độ thứ nhất rất nhiều vì rằng dù một tôn giáo có tuyệt vời đến đâu chăng nữa cũng chỉ được chấp nhận bởi một số người, một phần nhỏ của nhân loại. Trong khi tất cả mọi người, mỗi thành viên của cộng đồng nhân loại đều cần đến những giá trị tinh thần căn bản này. Không có chúng, sự sinh tồn của loài người vẫn khô cằn và cực nhọc, và hậu quả là không ai trong chúng ta được vui vẻ hạnh phúc, cả gia đình sẽ khổ lụy và cuối cùng, xã hội bị nhiễu loạn. Do vậy mà vun bồi những giá trị tinh thần căn để này là điều vô cùng hệ trọng.

"Để phát huy các giá trị tinh thần căn bản này, chúng ta cần nhớ rằng trong số 5 tỷ con người đang sống trên mặt đất, chỉ có 1 hay 2 tỷ là những người tin tưởng nhiệt thành vào tôn giáo. Khi nói tin tưởng nhiệt thành, tôi không có ý bao gồm những người ngoài miệng vẫn nói 'Tôi là tín hữu Cơ Đốc' chỉ vì gia đình họ theo Cơ Đốc, nhưng trong đời sống hàng ngày thì không mấy khi nghĩ đến những giá trị tinh thần hay thực hành những giáo điều của Cơ Đốc giáo. Nếu trừ lớp người này ra, có lẽ chỉ độ 1 tỷ người thực hành và tin tưởng với tất cả nhiệt tâm vào tôn giáo của họ. Điều này có nghĩa là còn lại 4 tỷ, đa phần nhân loại trên trái đất này không tin vào tôn giáo và chúng ta phải tìm cách cải thiện đời sống tinh thần của số đông nhân loại đó để họ trở nên những người tốt, có luân lý, có đạo đức mà không cần đến tín ngưỡng.

"Tôi nghĩ rằng ở đây, vai trò của giáo dục rất cần thiết: Làm cho người ta thấm nhuần với từ ái, khoan hòa tức là những phẩm chất tốt đẹp căn bản của con người chứ không chỉ là những mục tiêu của tín ngưỡng. Trước đây chúng ta đã bàn luận khá đầy đủ về tầm quan trọng của nồng nhiệt, trìu mến, từ tâm đối với sức khoẻ thể chất, hạnh phúc và bình an tâm thức. Các cảm xúc này là những mục tiêu thực tiễn chứ không phải là nguyên lý tôn giáo hay dự tưởng triết học. Chúng là những vấn đề then chốt và cũng là tinh túy của các giáo điều trong các tôn giáo khác nhau. Có theo hay không theo một tín ngưỡng, những mục tiêu này vẫn quan hệ như nhau và giáo dục có bổn phận nhấn mạnh đến ý tưởng rằng con người vẫn tốt đẹp, biết phán đoán, với những trách nhiệm và cam kết làm cho thế giới này trở nên một nơi chốn 

tốt đẹp và hạnh phúc hơn mà không cần đến tôn giáo.

"Nói chung, có những hình thức bên ngoài để cho người ta nhận diện một người đang theo một tôn giáo hay một lối sống tâm linh nào đó như trang phục, bàn thờ trong nhà, ca múa hay tế lễ ... tức là các chỉ dấu ngoại vi. Những ấn chứng này, tuy vậy, chỉ đóng vai thứ yếu so với các giá trị tinh thần căn bản để xây dựng một đời sống tâm linh thực thụ vì rằng những người mang nặng trong mình trạng thái tâm thức tiêu cực vẫn dễ dàng theo đuổi và thực hành các biểu tượng này. Chỉ có những ấn chứng tâm linh chân thực mới làm cho người ta trở nên tĩnh lặng hơn, hạnh phúc hơn và an bình hơn.

"Tất cả các phẩm hạnh của tâm thức - từ ái, khoan nhượng, tha thứ, quan tâm - là các pháp chân chính, là các giá trị tâm linh đích thực vì chúng không cộng tồn với những cảm xúc nguy hại và tâm thức tiêu cực. Cho nên, dấn thân vào công tác hay phương pháp huấn luyện các nguyên tắc nội tại là yếu tính của đời sống tôn giáo, những nguyên tắc có mục đích vun bồi tính tích cực của tâm thức. Vì vậy, người ta có đạt được một đời sống tâm linh hay không là tùy thuộc vào việc người ta có thành công hay không trong công việc rèn luyện và thuần hóa tâm thức, chuyển đạt tâm thức này vào đời sống hàng ngày."

Đến giờ đức Đạt Lai Lạt Ma tham dự một buổi tiếp tân nhỏ được tổ chức để tuyên dương một nhóm ân nhân đã mạnh mẽ ủng hộ cho cuộc vận động giúp đỡ Tây Tạng. Bên ngoài phòng khánh tiết, quan khách tụ tập đông đảo để chào đón đức Đạt Lai Lạt Ma và khi gần đến giờ khai mạc thì đám đông đã đầy nghẹt. Trong số khán giả, tôi nhận ra một khuôn mặt mà tôi đã gặp vài lần trong tuần này. Ngoại diện của anh ta rất khó mà xác định tuổi tác nhưng tôi đoán vào khoảng 25, gần 30, cao và rất gầy ốm. Bề ngoài lôi thôi xốc xếch của người này khiến tôi chú ý tới vẻ lo lắng, trầm uất nặng nề trên nét mặt (mà tôi thường thấy ở các bệnh nhân tâm thần). Tôi cũng nhận ra các cử động liên tục và không có chủ ý của các bắp thịt ở quanh miệng người đàn ông. Tôi nghĩ đến chứng Tardic Dyskinesia, một hiệu ứng thần kinh do việc dùng thuốc chống rối loạn tâm lý trong một thời gian dài. Tôi nhủ thầm "Tội nghiệp !" và rồi quên mất anh ta sau đó.

Khi đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện, đám đông vốn đã chật cứng mà ai cũng muốn đến gần để chào đón Ngài. Nhân viên bảo vệ, đa số làm thiện nguyện, đã rất khó nhọc để chống lại sức xô đẩy của quan khách hầu giữ được khoảng trống cho đức Đạt Lai Lạt Ma tiến đến phòng tiếp tân. Người đàn ông lúc nãy bỗng xuất hiện trong tầm mắt tôi, anh ta bị đám đông dồn ép đến sát lằn ranh của nhân viên bảo vệ và nét mặt trông càng bất an, bối rối. Lúc đức Đạt Lai Lạt Ma đi ngang qua, Ngài thấy người đàn ông. Ngài nhìn anh ta, tách khỏi đám bảo vệ và đến hỏi chuyện với người đàn ông này. Đầu tiên anh ta có vẻ sửng sốt nhưng sau đó đã nói thật nhanh với đức Đạt Lai Lạt Ma trong khi Ngài chỉ đáp lại rất ít. Vì đứng xa nên không nghe được họ trao đổi với nhau những gì nhưng tôi thấy người đàn ông càng nói càng lộ vẻ kích động, bối rối. Anh ta hỏi một câu gì đó và thay vì trả lời, đức Đạt Lai Lạt Ma nắm tay anh ta vào giữa hai bàn tay của mình, vỗ nhẹ. Ngài đứng yên và cúi đầu trong giây lát. Khi cầm chặt bàn tay và nhìn vào mắt người đàn ông, đức Đạt Lai Lạt Ma như quên hẳn đám đông quan khách đang vây quanh Ngài. Vẻ đau khổ và kích động trên nét mặt người đàn ông bỗng dịu hẳn đi khi hai giọt lệ hiện ra trên khóe mắt và lăn dài xuống gò má. Anh ta nở một nụ cười tuy vẫn còn gượng gạo và yếu ớt, ánh mắt người đàn ông đã lộ vẻ thoải mái, hân hoan.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh nhiều lần rằng các nguyên tắc nội tại là căn bản của đời sống tâm linh, rằng chúng là phương tiện không thể thiếu để đạt được hạnh phúc. Như đã trình bày trong suốt cuốn sách, theo quan điểm của Ngài, nguyên tắc nội tại bao gồm việc chiến đấu chống lại những tình trạng tiêu cực của tâm thức như THAM, SÂN, SI đồng thời phát huy các phương diện tích cực như HÒA NHÃ, TỪ ÁI, KHOAN NHƯỢNG. Ngài cũng nói rằng một cuộc sống hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng bình an, không giao động của tâm thức. Công tác hành trì các nguyên tắc nội tại có thể gồm những kỹ thuật thiền quán nhằm giúp tâm thức chúng ta được ổn định và tĩnh lặng. Hầu hết các truyền thống tâm linh trên thế giới đều nhắm đến sự tĩnh lặng của tâm thức, giúp chúng ta động chạm đến bản năng tâm linh sâu kín của mình. Để kết thúc tuần lễ nói chuyện với công chúng tại Arizona, đức Đạt Lai Lạt Ma đã hướng dẫn thính giả một phép quán nhằm hiểu rõ bản chất căn để của tâm thức đồng thời giúp chúng ta an tâm / tĩnh tâm.

Nhìn quanh thính đường, đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu nói với phong cách như thể đang nói chuyện, đang hướng dẫn từng người chứ không phải nói với cả đám đông. Có lúc như bất động vì chú tâm, có lúc diễn tả rất hoạt bát với các động tác như gật đầu, ra dấu, nghiêng người nhằm giúp thính giả lĩnh hội dễ dàng sự diễn đạt của Ngài.

QUÁN TƯỚNG VỀ BẢN THỂ CỦA TÂM

"Mục tiêu của phép quán này là giúp chúng ta nhận diện bản chất của tâm thức con người." Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: "Ít nhất là trên bình diện thông dụng. Thông thường, khi nói đến tâm là chúng ta nói đến một ý niệm trừu tượng. Nếu không có những kinh nghiệm trực tiếp, người ta thường cho TÂM = TRÍ tức là bộ óc của chúng ta; hoặc nếu phải đưa ra một định nghĩa, chúng ta sẽ nói rằng đó là khả năng hiểu biết, một cái gì rõ ràng và nhận thức được[2]). Nhưng nếu không nắm bắt được bản chất của tâm bằng quán sát, các định nghĩa này chỉ là những danh từ trống rỗng. Cho nên phải hiểu tâm bằng kinh nghiệm trực tiếp chứ không phải bằng các ý niệm trừu tượng. Và mục đích của phép quán này là nhận thức, nắm bắt trực tiếp bản thể của tâm để có thể hiểu được những phẩm chất như 'trong sáng', 'nhận thức' bằng chính kinh nghiệm của mình chứ không qua sách vở.

"Phép quán này giúp chúng ta đình chỉ những ý tưởng liên miên bất tận trong đầu óc và từ từ kéo dài các thời gian đình chỉ này. Khi thực hành đều đặn phép quán này, nhiều lúc chúng ta có cảm giác trống vắng, chân không nhưng nếu cứ tiếp tục thực hành, chúng ta sẽ dần dà nhận ra bản chất của tâm, hiểu được tính trong sáng và tính nhận thức của nó. Cũng giống như một cái ly đựng đầy nước, nếu nước thật tinh khiết, chúng ta có thể nhìn rõ đáy ly (không bị một ngăn ngại nào) mà vẫn biết có nước trong ly.

"Hôm nay chúng ta thực tập phép quán Vô Niệm. Đây không phải là một tình trạng mờ đục hay rỗng không của tâm thức mà thực ra, chúng ta đang gây tạo một quyết tâm để đình chỉ các ý tưởng tán loạn trong tâm thức. Và đây là cách thực hành:

"Thông thường thì tâm chúng ta lúc nào cũng theo đuổi hay nghĩ đến những chủ thể ngoại vi. Sự chú tâm của chúng ta sau các ý tưởng này do bởi kinh nghiệm đã có, nó phân tích và so sánh các ý tưởng này ở mức độ ý niệm. Nói cách khác, sự hiểu biết của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các kinh nghiệm thể chất cũng như ý niệm tinh thần. Với phép quán này, chúng ta kéo tâm thức của mình vào phía trong, không để nó chạy theo trần cảnh. Khi làm như vậy, chúng ta phải cẩn thận, đừng để mình rơi vào trạng thái mê mờ, thiếu tỉnh thức mà phải hoàn toàn tỉnh táo để nhận ra bản chất tự nhiên của tâm thức chúng ta, cái bản chất không bị chi phối bởi kỷ niệm trong quá khứ, sự việc đang xảy ra trong hiện tại hay những dự phóng trong tương lai ... Đó là bản chất tự nhiên, vô tính của tâm thức.

"Cũng tương tự như giòng sông đang chảy xiết , chúng ta không dễ gì nhìn thấy đáy. Nhưng nếu bằng một cách thế nào đó mà chúng ta có thể làm cho nước không chảy vào ở đầu này và cũng không chảy ra ở đầu kia, tức là làm cho nước ngừng trôi thì chúng ta có thể nhìn rõ đáy sông. Cũng vậy, nếu có thể giữ cho tâm không chạy theo trần cảnh, không suy nghĩ đến quá khứ/hiện tại/tương lai đồng thời giữ vững sự tỉnh thức thì chúng ta sẽ nhận ra bản chất của tâm bên dưới các diễn biến loạn động của ý thức. Đây là bản chất tĩnh lặng, trong sáng của tâm thức.

"Giai đoạn đầu của phép quán này rất khó thực hành cho nên chúng ta hãy bắt đầu từ chỗ này: Đầu tiên, khi nhận ra bản chất tự nhiên của tâm thức, chúng ta có cảm tưởng trống rỗng. Đấy là vì chúng ta vốn quá quen thuộc với lối hiểu tâm qua trần cảnh, qua các chủ thể ngoại vi, chúng ta có khuynh hướng nhìn thế giới qua những ý niệm, những ấn tượng của chính mình. Và khi kéo tâm rời khỏi trần cảnh, chúng ta gần như không nhận ra tâm nữa vì cảm giác trống vắng rỗng không. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục, cứ làm quen với trạng thái này, dần dà, chúng ta sẽ nhận ra bản chất trong sáng, chiếu rọi của tâm. Và đây là lúc mà con người nhận thức, chứng ngộ được bản thể tự nhiên của tâm thức.

"Rất nhiều những kinh nghiệm quán sát sâu xa và chân chánh đều cần đến sự tĩnh lặng của tâm thức ... " Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và tiếp: "Nhưng tôi xin lưu ý quý vị là thực hành phép quán này rất dễ bị buồn ngủ, lý do là vì không có mục tiêu nào để chú tâm. Nàọ chúng ta hãy bắt đầu.

"Chúng ta hít vào và thở ra ba lần. Tập trung tất cả tư tưởng vào hơi thở. Hít vào-thở ra, hít vào-thở ra, hít vào-thở ra. Và chúng ta bắt đầu quán tưởng ..." 

Đức Đạt Lai Lạt Ma gỡ mắt kiếng xuống, xếp hai tay lên đùi và ngồi bất động. Một sự yên lặng hoàn toàn bao phủ thính đường khi 1,500 người quay về với nột tâm, tìm vào sự biệt lập của 1,500 tiểu thế giới, cố gắng định tĩnh giòng tư tưởng miên man với hy vọng thoáng thấy được bản tâm của mình. Sau 5 phút, bầu không khí yên tĩnh của căn phòng được giải tỏa bằng âm điệu trầm bổng của lời kinh do đức Đạt Lai Lạt Ma xướng lên để chấm dứt buổi quán niệm.

Khi buổi nói chuyện kết thúc, theo thói quen, đức Đạt Lai Lạt Ma chắp tay vái chào thính giả với vẻ kính trọng và trìu mến. Ngài đứng lên và rời khỏi phòng xuyên qua đám đông thính giả. Hai tay vẫn chắp lại, Ngài cúi chào mọi người thấp đến nỗi chỉ đứng cách xa ít thước là không thấy được Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma như chìm hẳn vào biển người lố nhố. Tuy nhiên, từ đằng xa người ta vẫn thấy được chỗ Ngài vừa đi qua do sự xê dịch của đám đông thính giả. Làm như thể đức Đạt Lai Lạt Ma đã biến mất trong tầm mắt của mọi người và sự hiện diện của Ngài chỉ còn là một cảm giác.

VÀI TÁC PHẨM CHỌN LỌC CỦA ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

(Chúng tôi xếp theo thứ tự thời gian và ghi tên nhà xuất bản để quý độc giả dễ tìm mua) 

Kindness, Clarity and Insight

Ithaca: Snow Lion Publication 1984

The Dalai Lama: A Policy of Kindness

Ithaca: Snow Lion Publication 1990

Freedom in Exile, The Autobiography of The Dalai Lama

New York: Harper Collins 1991

A Flash of Lightning in the Dark of Night

Boston: Shambhala Publication 1994

The World of Tibetan Buddhism

Boston: Wisdom Publication 1995

The Four Noble Truths

London: Thorsons 1998



[1]Bồ Tát hạnh là ước nguyện đạt được phẩm vị Bồ Tát của một hành giả tâm linh. Bồ Tát theo từ nguyên có nghĩa là "chiến sĩ tĩnh thức" tức là những người đã thoát khỏi sự trói buộc của sinh tử luân hồi, đã có khả năng đạt đến tình trạng giác ngộ tối thượng nhưng vì lòng yêu thương từ ái vô cùng vô tận đã tình nguyện trở lại cõi ta bà để cứu độ muôn loài cho đến khi không còn một chúng sinh nào bị khổ não nữa.

[2]Đối với quần chúng Tây phương, chữ MIND đơn thuần là TRÍ hay TRI THỨC tức là chức năng của não bộ. Đa số ngôn từ Âu Tây không có từ nào tương đương với chữ TÂM của Á Đông nhất là trong tư tưởng Phật giáo. Do vậy, đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích rành mạch về chữ tâm hay tâm thức theo phạm trù Phật giáo để người Tây phương không hiểu lầm. Xin xem lại phần đầu của chương I. (Phụ chú của dịch giả)

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/03/2014(Xem: 8279)
Cũng giống như một số nước đang phát triển khác mải lo bận rộn chuyện cơm áo cùng đủ thứ các vấn nạn về chính trị - xã hội, ở Việt Nam, vấn đề bảo vệ môi trường tuy ngày càng được chú ý nhiều hơn, nhưng một số khái niệm tương đối mới như Đạo đức học môi trường (Environmental Ethics), Đạo đức học về Trái Đất (Land Ethics, cũng gọi “Đại địa luân lý học”), Thần học sinh thái (Theology of Ecology),
11/03/2014(Xem: 11810)
Để thảo luận về vấn đề Hoà Bình theo quan điểm của Kim Cang Thừa ta cần tìm hiểu hai khái niệm Hoà Bình và Kim Cang Thừa cùng những truyền thống đặc sắc của Kim Cang Thưà. Trong phạm vi này, thì tìm hiểu tiến trình của Kim Cang Thưà trong mối quan hệ với các truyền thống Phật giáo khác và nhận thức về mối quan hệ gắn bó giữa Hoà bình và Kim Cang Thừa là vấn đề khả thi. Mặc dù Phật giáo Kim Cang Thừa có ở Trung Quốc, Nhật Bản và các nơi khác, nhưng tiểu luận sau đây sẽ đặt trọng tâm vào truyền thống Tây Tạng.
09/03/2014(Xem: 29879)
Ajahn Chah sinh năm 1918 trong một ngôi làng phía Bắc Thái Lan. Ngài xuất gia sa di từ lúc còn nhỏ và trở thành một vị tỳ khưu năm hai mươi tuổi. Ngài theo truyền thống hành đầu đà của các sơn tăng trong nhiều năm; hằng ngày mang bát xin ăn, chuyên tâm hành thiền và đi khắp nơi để truyền bá giáo pháp. Ajahn Chah hành thiền dưới sự chỉ dẫn của nhiều thiền sư danh tiếng
20/02/2014(Xem: 12359)
Trong kinh Pháp Cú, câu 103 Đức Phật có dạy: Người kia ở chiến trường Tuy thắng trăm muôn giặc, Chưa bằng thắng chính mình, Là chiến sĩ bậc nhất.
20/02/2014(Xem: 20024)
Chiều hôm nay, tôi đang ở trong cốc thì Thầy Viện Trưởng đến, Thầy gọi tôi và đưa cho tôi quyển sách này, Thầy nói: "Thầy thấy Từ Đức thích dịch sách của ngài Đạt Lai Lạt Ma nên Thầy mua quyển sách này, con đọc rồi dịch, khi nào xong thì đưa cho Thầy!" Tôi thích quá, thật khó tả. Tôi chỉ mĩm cười, khẻ nói "Dạ" và cầm lấy quyển sách. Thế là ngay hôm ấy tôi liền bắt tay vào dịch những dòng đầu tiên của quyển sách để lấy ngày, 20 – 11 – 2010.
20/02/2014(Xem: 8500)
Mỗi khi nổi giận ta thường cho rằng chính người kia là thủ phạm đã làm cho ta giận, như thể cơn giận đang ở trong ta là do họ đem tới vậy. Vì thế ta luôn tìm mọi cách để trả đũa, dù ít nhất là một câu nói hay một hành động khiến người kia phải đau điếng hay tức giận thì ta mới hả dạ. Ta cho rằng mình phải làm như thế thì mới mạnh mẽ, để họ không còn dám chọc giận mình nữa.
11/02/2014(Xem: 10946)
Có câu nói là mọi người đều có quyền tìm kiếm và thụ hưởng hạnh phúc. Không phải ai cũng đang nổ lực sống và làm việc miệt mài ngày đêm để xây đắp cho hạnh phúc tương lai đó sao? Còn bạn thì sao? Bạn có cảm giác là mình đang đi đúng hướng không?
11/02/2014(Xem: 13874)
Khi thắp nhang lễ Phật tâm cần phải thanh tịnh, nếu như có thể không nhiễm chút bụi trần, sẽ được phước lành vô biên. Nếu muốn cầu nguyện, nên buông bỏ ý nghĩ lợi mình, lợi người, lợi mình, hại người. Phát tâm nguyện rộng lớn, làm lợi ích cho xã hội, cho chúng sanh, thì công đức vô lượng. Trong kinh Phật có lời dạy: "Lễ Phật một lạy, diệt vô lượng tội; niệm một câu Phật, tăng vô biên phước" ấy vậy.
10/02/2014(Xem: 22137)
Lama Thubten Yeshe sinh năm 1935 tại Tây Tạng. Mới sáu tuổi, Ngài đã vào học tại Sera Monastic University ở Lhasa, một trong những tu viện lớn và nổi tiếng của Tây Tạng. Ngài học tại đây tới năm 1959
05/02/2014(Xem: 20789)
Bất cứ ai sinh ra trong thế gian này đều nghĩ rằng trong ta phải có một cái linh thiêng, làm chủ mạng sống của mình và gọi đó là “Cái Tôi” tức là bản Ngã. Từ đó những vật sở hữu của họ thì gọi là “Cái Của Tôi”. Khi cảm tính về “Cái Tôi” hiện lên thì tính ích kỷ, tính tư lợi hay là tự xem ta là trung tâm (self-centered) cũng bắt đầu bùng phát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]