Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3. Chuyển hóa đau thương

13/05/201319:36(Xem: 7716)
Phần 3. Chuyển hóa đau thương

HẠNH PHÚC CHÂN THƯỜNG

THE ART OF HAPPINESS

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bác Sĩ Howard C. Cutler 

Nguyên Dực chuyển ngữ

---o0o---

PHẦN 3. CHUYỂN HÓA ĐAU THƯƠNG

Chương 8

ĐỐI DIỆN VỚI KHỔ NÃO

Lúc đức Phật còn tại thế, có một người đàn bà tên là Kisagotami đã vô cùng đau khổ khi đứa con trai duy nhất của bà tử nạn. Bà chạy hết người này đến người kia với hy vọng tìm ra thuốc cải tử hoàn sinh cho đứa con. Bà nghe người ta nói đức Phật có thứ thuốc đó. Kisagotami tìm đến, đảnh lễ đức Phật rồi nói :

"Ngài có biết thuốc gì để cứu sống con tôi ?"

"Ta có thể chế được thuốc ấy." Đức Phật trả lời: "Nhưng ta cần một ít hương liệu"

Người đàn bà như thoát nạn vội hỏi: "Ngài cần những gì ? "

"Bà hãy kiếm cho ta một ít hột mù tạc."

Người đàn bà cam đoan sẽ kiếm ra và vội vã chạy đi. Nhưng đức Phật nói thêm :

"Hột mù tạc mà ta muốn phải được lấy từ một gia đình chưa hề có con cái, vợ chồng, cha mẹ, hay người giúp việc bị chết."

Người đàn bà chấp nhận yêu sách đó và bắt đầu đi từ nhà này sang nhà khác để kiếm hột mù tạc. Nhà nào cũng sẵn lòng cho Kisagotami một ít hột mù tạc, nhưng khi hỏi thăm thì bà ta không tìm ra một gia đình nào không có người chết: không cha mẹ thì vợ chồng, không con cái thì người giúp việc.

Trực ngộ được rằng không phải chỉ có mình bị khổ não, người đàn bà buông xác con và quay lại tìm đức Phật. Bậc Đại Giác vỗ về: "Bà tưởng chỉ một mình bà mất con? Luật sinh tử nói rằng không có gì trường cửu trên thế gian này cả."

Cuộc tìm kiếm của Kisagotami đã khiến bà hiểu rằng không một ai trên cõi đời này tránh được khổ đau và mất mát. Khổ nạn ấy không phải của riêng bà. Hiểu được điều đó, không phải người ta sẽ không khổ đau khi bị mất mát nhưng nỗi đau khổ sẽ giảm thiểu rất nhiều khi chúng ta chấp nhận sự thật buồn bã đó của cuộc đời. 

Mặc dù đau đớn và khổ não là một hiện tượng có tính cách toàn cầu của loài người, con người vẫn không muốn chấp nhận chúng. Nhân loại đã tìm ra không biết cơ man nào là những phương pháp để tránh đau đớn và khổ não. Có khi người ta dùng những hình thức ngoại vi như hóa chất chẳng hạn để xoa dịu hoặc ngăn chận những cảm giác này. Chúng ta cũng có những khả năng nội tại, những phòng thủ tâm lý để chống lại đau khổ. Tình trạng ngất xỉu cũng được coi là một cách thức chống lại đau đớn của thể xác. Trong một số trường hợp, những năng lực nội tại này khá sơ đẳng như khi người ta cứ nhất định không nhìn nhận sự hiện diện của một khó khăn nào đó, hoặc biết rằng mình đang gặp phải một vấn nạn nhưng lại tìm cách tránh né, không nghĩ tới nó bằng cách buông thả vào những thú vui thế tục. Cũng có khi người ta dùng phương pháp phóng chiếu: không chấp nhận sự khổ não đó là của mình và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Thông thường nhất là đổ cho xếp lúc nào cũng tìm cách hành tội mình, tại bà vợ/ông chồng lúc nào cũng chèn ép mình ...

Người ta chỉ có thể tạm thời tránh né khổ đau. Nhưng giống như một căn bịnh không được chữa trị (hoặc chữa trị không đúng cách: triệu chứng bên ngoài có thể thuyên giảm nhưng gốc rễ bên trong vẫn còn nguyên) nó càng ngày càng nặng hơn. Các dược chất có thể giúp chúng ta làm dịu cơn đau hoặc rượu có thể giúp chúng ta quên đi niềm khổ não, nhưng nếu sử dụng lâu dài, sự tàn phá của chúng đối với cơ thể vật lý cũng như cuộc sống xã hội của chúng ta còn nguy hại gấp bội so với những đau đớn và khổ não mà chúng ta phải chịu đựng lúc ban đầu. Các phương thức phòng thủ tâm lý nội tại của chúng ta như từ chối chấp nhận sự thật, đè nén cảm giác ... cũng giúp chúng ta chịu đựng một thời gian, nhưng chúng không thể làm cho các đau đớn và khổ nạn biến mất.

Bố của Randall qua đời vì bịnh ung thư đã được hơn một năm nay. Randall rất gần gũi với bố và mọi người đã hoàn toàn khâm phục khi thấy Randall kềm chế cảm xúc của mình trước cái chết của người cha. "Dĩ nhiên là tôi buồn khổ. " Randall giải thích bằng một giọng khắc kỷ: "Tôi thương nhớ bố lắm nhưng còn nhiều chuyện phải làm. Tôi không thể ngồi ì ra đó để khóc lóc, tôi phải thu xếp đám tang, dàn xếp sự sản cho mẹ.... Cuộc đời vẫn phải tiếp tục.... Không sao đâu, tôi khoẻ mà !" Tuy nhiên, không bao lâu sau ngày giỗ đầu của bố, Randalll bắt đầu bị chứng trầm cảm khá nghiêm trọng. Anh ta đến phòng mạch của tôi và giải thích: "Không thể hiểu được do đâu mà tôi lại bị chứng bịnh này. Hiện giờ mọi chuyện có vẻ suông sẻ. Tôi không nghĩ cái chết của cha tôi là nguyên nhân của căn bịnh. Cha tôi mất hơn một năm rồi và tôi đã quen với cuộc sống mồ côi."

Chỉ xem qua một ít triệu chứng, tôi đã tìm thấy nguyên nhân của chứng bịnh: Mặc dù kềm chế được cảm xúc, tỏ được cho người ngoài thấy rằng mình vững chãi, Randall chưa bao giờ thực sự đối diện với nỗi buồn khổ sâu đậm của mình do sự ra đi của bố. Nỗi khổ đau thật ra cứ âm thầm lớn mạnh và cuối cùng đã tạo ra chứng trầm cảm nghiêm trọng mà anh ta phải hứng chịu. Trong trường hợp của Randall, vì nguyên nhân của căn bịnh khá rõ ràng nên chúng ta có thể chú mục vào đấy để điều trị, thành thử anh ta mau chóng phục hồi. Trong nhiều trường hợp khác, từ vô thức, người bệnh đã nhất định không chịu đối diện với vấn đề, và căn nguyên của bịnh trạng đã hằn sâu vào cá tính của bịnh nhân khiến cho việc chữa trị vô cùng khó khăn. Ai trong chúng ta cũng đã có dịp biết một người bạn, người quen, người thân nào đó đã tránh né vấn đề, tìm cách đổ lỗi cho người khác trong khi thật sự chính họ là người có lỗi. Đây dĩ nhiên không phải là phương pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn nạn của đời sống và loại người thường tìm cách tránh né những vấn nạn này cũng không tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phân tích rất tỉ mỉ sự khổ đau của kiếp người. Quan điểm của Ngài cho rằng người ta có thể giảm bớt khổ đau bằng cách chấp nhận khổ đau là một phần tự nhiên của đời sống và bằng cách can đảm trực diện với chúng: "Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta không thể tránh khỏi các khó khăn. Những khó khăn lớn lao nhất lại là những cái mà không ai tránh né được như già yếu, bệnh tật và tử vong. Tìm cách lẫn tránh chúng, không nghĩ đến chúng có thể giúp chúng ta thoát nạn trong chốc lát, nhưng tôi cho rằng có một phương pháp hữu hiệu hơn: Bạn sẽ ở một vị trí thuận lợi hơn, hiểu thấu bản chất thực sự các khó khăn của đời sống hơn nếu bạn nhìn thẳng vào chúng. Trong một cuộc chiến đấu, nếu không hiểu rõ bản chất và khả năng của kẻ địch, chúng ta sẽ hoàn toàn bị động và nỗi khiếp sợ sẽ làm tê liệt chúng ta. Trái lại, nếu biết khả năng kẻ địch đến đâu, vũ khí nào được chúng sử dụng ... thì chúng ta sẽ dễ dàng chuẩn bị cho mình. Cũng thế, bạn sẽ đối phó dễ dàng hơn với những khó khăn trong đời bằng cách nhìn thẳng vào chúng thay vì lẫn tránh chúng.

Phương pháp giải quyết vấn đề này rõ ràng là hợp tình hợp lý, nhưng vì muốn đức Đạt Lai Lạt Ma giải đáp tường tận hơn nên tôi hỏi: "Vâng, nhưng nếu chúng ta trực diện với vấn nạn rồi không tìm được giải pháp nào thì làm sao ?"

"Tôi vẫn cho rằng tốt hơn nên trực diện với chúng" Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp lời tôi với một tâm trạng hăng hái: "Giả dụ như anh cho rằng những chuyện như tuổi già, nỗi chết là những chuyện tiêu cực, không ai muốn nói đến nên chúng ta tìm cách quên chúng đi. Nhưng quên chúng thì chúng vẫn đến kia mà ? Và nếu cứ tìm cách lẫn tránh, không chuẩn bị trước, khi chúng đến, anh sẽ bị chấn động, bị sốc. Tuy nhiên, nếu đã dành thì giờ suy nghĩ về những khổ nạn này, tâm trí chúng ta sẽ ở trong một trạng thái vững chãi hơn rất nhiều khi những chuyện này xảy đến vì anh đã chuẩn bị, đã làm quen, đã chấp nhận chúng.

"Do vậy mà tôi cho rằng chuẩn bị tinh thần, làm quen với những khổ nạn mà mình có thể gặp là điều hữu ích. Sử dụng phương pháp loại suy, nghiền ngẫm các khổ nạn cũng giống như thực tập các hoạt động quân sự. Một người chưa bao giờ nghe đến chiến tranh, súng nổ, bom rơi ... nếu phải giáp mặt với chiến trường, chắc họ sẽ chết ngất vì sợ hãi. Nhưng nếu được luyện tập thường xuyên, tâm trí chúng ta sẽ quen với những âm thanh của bom đạn và nếu phải đối mặt với chiến trường, chúng ta sẽ ít bị hãi hùng hơn." 

Tôi ngắt lời đức Đạt Lai Lạt Ma: "Đồng ý rằng làm quen với khổ nạn sẽ giảm thiểu nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta, nhưng tôi nghĩ rằng có những trường hợp tấn thối lưỡng nan mà chúng ta không cách nào tránh khỏi. Trong những tình huống như vậy, làm sao để người ta bớt lo âu ?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi: "Thí dụ như tình huống nào ?"

Tôi cân nhắc một chút rồi đáp: "Lấy trường hợp một người đàn bà đang có thai chẳng hạn. Kết quả các cuộc thử nghiệm cho thấy đứa bé bị khuyết tật khá nặng về tâm thần hoặc thể chất. Do vậy người đàn bà rất sợ hãi và không biết làm sao. Giả dụ như muốn tránh cho đứa bé phải sống một cuộc đời đày đọa, người đàn bà có thể chọn giải pháp phá thai. Nhưng làm như vậy, bà ta sẽ phải chịu đựng một sự đau khổ và mất mát lớn lao, đồng thời phải mang mặc cảm phạm tội. Hoặc người đàn bà phó mặc cho định mệnh an bài và sẽ cưu mang đứa bé nghĩa là phải gánh chịu một cuộc sống khổ não cho cả mẹ lẫn con."

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe tôi nói một cách chăm chú và đáp lại bằng một âm điệu bâng khuâng: "Dù giải quyết theo quan điểm Tây phương hay dựa trên giáo lý nhà Phật, người ta đều gặp rất nhiều khó khăn đối với những hoàn cảnh khó xử như vậy. Trong thí dụ mà anh vừa đưa ra về một bào thai khuyết tật, trong đường dài, không ai dám nói chắc rằng đâu là sai và đâu là đúng. Dù bị khuyết tật, đứa bé có thể là một điều tốt cho người mẹ, cho gia đình và cho chính bản thân nó nữa (nghịch duyên). Nhưng cũng có thể nó là một gánh nặng mà một số người không cưu mang nổi về dài về lâu, cho nên phá thai trong trường hợp này chưa hẳn là điều xấu. Nhưng ai có quyền phán xét ? Rất khó nói. Theo quan điểm nhà Phật, những trường hợp này nhiều khi cũng vượt khỏi phạm vi hành xử của chúng ta". Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng một lúc rồi nói tiếp: "Có điều là niềm tin và quá trình lớn khôn của người ta đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành quyết định ..."

Chúng tôi ngồi lặng yên. Sau cùng, đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu rồi nói tiếp: "Khi suy ngẫm về những khổ nạn mà con người phải gánh chịu, chúng ta có thể sửa soạn tâm tư để đón nhận chúng ở một mức độ nào đó; tuy nhiên đừng quên rằng sự sửa soạn trước như vậy không làm cho khổ nạn vơi bớt đi. Sự sửa soạn tinh thần chỉ giúp chúng ta bớt sợ hãi, yên tâm hơn để đón nhận chúng. Trở lại thí dụ về đứa bé khuyết tật, cho dù có sửa soạn bao nhiêu đi nữa, chúng ta cũng phải chấp nhận một giải pháp nào đó cho vấn đề, và bất cứ giải pháp nào cũng khó khăn cả."

Có một âm hưởng buồn thảm trong giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma tuy không phải là vô vọng. Ngài ngừng nói, nhìn đăm chiêu qua khung cửa. Một phút sau, Ngài tiếp: "Khổ não là một-phần-không-thể-tránh-được của cuộc đời mặc dù khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là không thích chúng. Nhưng nói một cách tổng quát, tôi cho rằng con người không phổ quát hóa sự khổ đau trong cuộc sống của chúng ta ...". Tự nhiên đức Đạt Lai Lạt Ma bật cười và nói đùa: "Anh thấy không, khi kỷ niệm ngày chúng ta chào đời, ai cũng nói 'Chúc mừng sinh nhật' trong khi thật ra, đó là ngày của những khổ đau bắt đầu. Nhưng có ai nói chia buồn với chúng ta đâu ?

"Khi chấp nhận khổ não là một phần của cuộc sống, chúng ta có thể bắt đầu bằng sự khảo sát những nguyên nhân đưa đến tình trạng không hài lòng, không hạnh phúc. Thông thường thì người ta cảm thấy vui vẻ nếu chúng ta hay người thân của mình được tán dương, nổi tiếng, gặp hên... và ngược lại, chúng ta cảm thấy buồn rầu nếu không nhận được những điều tốt đẹp đó. Chúng ta cũng không vui khi đối thủ của mình gặp may như vậy. Tuy nhiên, nhìn vào cuộc sống thường ngày, anh sẽ thấy có vô số những dữ kiện đưa chúng ta đến tình trạng không hài lòng, bực bội, đau khổ ... trong khi những nguyên nhân đưa đến sự vui vẻ, hạnh phúc lại tương đối hiếm hoi. Đây cũng là một đặc điểm khác của đời sống mà chúng ta phải chấp nhận dù thích hay không. Và vì đây là những thực thể của cuộc đời, chúng ta phải thay đổi thái độ của mình đối với khổ đau. Thái độ của chúng ta đối với khổ nạn ảnh hưởng sâu đậm đến phương thức ứng xử của người ta khi những khổ nạn này xuất hiện. Thái độ thông thường của chúng ta là không có thiện cảm và khoan nhượng đối với khổ não. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể chuyển hóa thái độ của mình, chấp nhận một quan điểm với nhiều khoan nhượng hơn, may ra, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những cảm giác bất toại nguyện, bất như ý, bất hạnh của cuộc đời.

"Riêng cá nhân tôi, phương cách hữu hiệu nhất để chấp nhận khổ đau là nhìn rõ và hiểu thấu bản chất của ý niệm LUÂN HỒI[1], do vô minh sai sử ... Khi gặp khó khăn hay đau đớn thể xác, người ta thường có ý nghĩ rằng 'Ôi đau đớn quá, khổ não quá' . Đó là một cảm giác chối bỏ, cảm giác cho rằng lẽ ra ta không phải chịu đựng như vậy. Nhưng nếu cùng lúc đó, nếu nhìn vấn đề từ một góc độ khác để nhận thức rằng những khó khăn, đau đớn đó là tự nhiên, là không tránh được thì cảm giác chối bỏ sẽ giảm đi: Bạn không cảm thấy mình bị đày đọa, không phải là tội nhân nữa. Khi đã hiểu và chấp nhận sự thật này, khổ não đối với người ta chỉ là một cái gì tự nhiên, thông thường. Do vậy, khi nói về những đày ải mà người dân Tây Tạng đang phải gánh chịu, một mặt, người ta có thể bị chìm ngập, thúc thủ mà nghĩ rằng 'Làm sao lại có thể như vậy được ?' Nhưng mặt khác, người ta có thể cho rằng người dân Tây Tạng đang ở giữa biển trầm luân (đang trả quả) như hành tinh này đang chơi vơi trong dãy thiên hà vậy.

"Vậy thì cách nhìn đời của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc chấp nhận khổ não. Nếu cho rằng khổ đau là tiêu cực, là thất bại, phải tránh xa bằng mọi giá thì khi phải đối diện với khổ đau, chúng ta sẽ bị rối loạn, không chấp nhận và có cảm giác chìm đắm, thúc thủ. Ngược lại, nếu chấp nhận khổ đau là một phần tự nhiên của đời sống, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận những nghịch lý của cuộc đời. Không chịu khoan nhượng với khổ đau, cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng khốn khó, sẽ như đêm dài vô tận, không bao giờ chấm dứt."

Tôi nói: " Nghe Ngài trình bày về khía cạnh khổ đau, không toại ý của kiếp người, tôi có cảm tưởng đây là một cái nhìn yếm thế, khá nản lòng."

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhanh nhẩu khai thông vấn đề: "Khi đề cập đến tính chất bất như ý trong cuộc sinh tồn, chúng ta nên hiểu rằng vấn đề này được nhắc đến khắp nơi trong giáo lý nhà Phật, cho nên phải được hiểu một cách đúng đắn theo bối cảnh Phật giáo. Nếu khổ não không được thông hiểu bằng nhân sinh quan nhà Phật, tôi nghĩ rằng người ta sẽ hiểu lầm và đưa đến ý niệm cho rằng đây là những ý tưởng bi quan, tiêu cực. Do đó, người ta phải hiểu rõ lập trường của Phật giáo về toàn bộ ý niệm khổ đau. Chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy trong những lần thuyết giảng trước công chúng, đầu tiên, Đức Phật đã dạy về Tứ Diệu Đế, và trong bốn sự thật căn để này, khổ đế được đề cập trước nhất: Sự hiện hữu của con người, tự bản chất, là khổ đau.

Điều cần ghi nhớ là sự quán sát khổ đau rất quan trọng vì con người có thể tránh được đau khổ, chúng ta có thể có một sự chọn lựa khác. Bằng cách khai trừ những nguyên nhân của khổ não, chúng ta có thể đạt được tình trạng giải thoát, một tình trạng sinh tồn trong đó không có khổ đau. Theo tư tưởng Phật giáo, những nguyên nhân của khổ đau là Vô Minh, Tham Dục và Thù Hận. Đó là ba thứ độc dược của tâm thức. Trong Phật giáo, những danh từ này có một ý nghĩa đặc biệt sâu rộng hơn. Như khi nói vô minh, người ta không chỉ đơn thuần đề cập đến sự ngu dốt, không thông hiểu trong đời sống thường nhật mà còn ngụ ý về nhận thức sai lầm căn bản về bản chất của NGÃ (ta) và PHÁP (vạn hữu). Hoặc khi thấu hiểu bản chất chân thật của sự vật, khai trừ những nguyên nhân đưa đến khổ đau như tham dục và hận thù, tâm ta có thể đạt đến tình trạng thanh tịnh nghĩa là không còn khổ não. Cũng theo quan điểm nhà Phật, suy ngẫm đến cuộc sống bị khổ đau chi phối từng ngày sẽ thúc đẩy người tìm cách trừ khử các nguyên nhân gây ra đau khổ. Vì nếu không có hy vọng, không có khả năng tránh được khổ đau thì những suy ngẫm về đau khổ chỉ là những ý tưởng bệnh hoạn, tiêu cực và hoàn toàn vô ích."

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma giảng giải, tôi bắt đầu nhận ra rằng sự suy ngẫm về 'bản chất khổ đau' có thể giữ một vai trò quan hệ trong việc chấp nhận những buồn khổ không thể tránh được của cuộc sống. Hơn thế, nó có thể trở thành một phương thức hữu hiệu để đặt lại những vấn nạn của cuộc đời vào một vị trí thích hợp hơn. Tôi cũng nhận ra rằng khổ đau cần phải được nhận thức trong một bối cảnh rộng lớn hơn, rằng nó là một phần của hành trang tinh thần, đặc biệt là trong phạm trù Phật giáo, trong đó nói rằng con người có thể tránh được khổ não nếu thanh lọc được tâm. Nhưng thay vì suy nghĩ về những vấn đề triết học lớn lao, tôi lại thích tìm hiểu xem đức Đạt Lai Lạt Ma đã ứng xử thế nào đối với những khổ đau ở tầm mức cá nhân của Ngài như khi mất người thân chẳng hạn.

Khi viếng thăm đức Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên ở Dharamsala cách đây nhiều năm về trước, tôi có dịp làm quen với Lobsang Samden, người anh của Ngài. Tôi rất thích ông ta và cách đây ít năm, tôi đã rất xúc động khi nghe tin ông ấy qua đời. Biết rằng ông ta và đức Đạt Lai Lạt Ma rất thân thiết với nhau, tôi nói :

"Tôi đoán rằng cái chết của ông Lobsang đã ảnh hưởng đến Ngài rất mãnh liệt ..."

"Vâng, quả có vậy"

"Không hiểu Ngài đã xử trí ra sao trong trường hợp ấy?"

"Dĩ nhiên là tôi rất buồn khi nghe tin anh ấy mất" đức Đạt Lai Lạt Ma nói như thì thầm.

"Và Ngài đã ứng phó với cảm giác buồn rầu như thế nào? Ý tôi muốn nói là có cái gì giúp Ngài vượt qua nỗi xúc động ấy?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp với giọng đăm chiêu: "Tôi không biết. Cảm giác buồn rầu bủa giăng lấy tôi trong vài tuần rồi dần dà bớt đi, nhưng tôi có cảm tưởng hối hận ..."

"Hối hận ?"

"Vâng, tôi ở xa lúc anh ấy mất. Nếu không phải đi xa, may ratôi có thể làm một vài chuyện gì đó để giúp anh ấy. Do vậy mà tôi cảm thấy hối tiếc." 

Suốt cả đời quán chiếu về những khổ-đau-không-thể-tránh-được của nhân loại có thể đã giúp đức Đạt Lai Lạt Ma rất nhiều trong việc chấp nhận nỗi đau khi mất người thân nhưng không làm cho Ngài trở thành một người lạnh lùng, vô cảm xúc. Điệu buồn trong giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma cho thấy Ngài vẫn là một con người chan chứa tình cảm. Nhưng đồng thời, vẻ bộc trực và phong thái chân thành của Ngài cho thấy Ngài đã hoàn toàn vượt lên trên tình trạng than thân trách phận hoặc bi phẩn ai oán. Cái phong thái đã tạo ra một ấn tượng không thể nhầm lẫn được là Ngài đã sẵn sàng chấp nhận những mất mát đó.

Ngày hôm đó, buổi đàm luận của chúng tôi kéo dài đến chiều tối. Những vệt nắng vàng xuyên qua khung cửa chắn, bò vào căn phòng đang chìm dần vào bóng tối. Một bầu không khí u sầu bao phủ căn phòng và tôi hiểu rằng giờ nói chuyện đã hết tuy tôi vẫn muốn hỏi thêm đức Đạt Lai Lạt Ma về những chi tiết như Ngài có cách nào giúp người ta chống chọi với nỗi khổ đau khi có người thân qua đời, chứ không chỉ đơn giản coi đó là một khổ đau không tránh được. Tôi định hỏi thêm nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma như bị phân tâm và tôi thấy ánh mắt của Ngài có vẻ mệt mỏi. Cùng lúc đó, người thư ký của Ngài bước vào phòng, nhìn tôi như báo cho biết rằng buổi đàm luận đã kết thúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với giọng phân trần: "Có lẽ chúng ta nên chấm dứt ở đây, tôi cảm thấy hơi mệt ..."

Ngày hôm sau, trước khi tôi có dịp trở lại đề tài này trong phần đàm thoại, một thính giả đã nêu lên thắc mắc này trong phần nói chuyện trước công chúng của đức Đạt Lai Lạt Ma:

"Ngài có đề nghị gì để giúp người ta đối phó lại những mất mát to lớn trong đời như khi mất con chẳng hạn ?"

Bằng giọng điệu đầy từ ái, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Điều này tùy thuộc phần nào vào niềm tin của đương sự. Nếu người ta có niềm tin vào sự tái sinh thì một cách nào đó, nỗi đau buồn sẽ bớt gay gắt. Người ta sẽ được an ủi đôi chút khi tin rằng con mình rồi đây sẽ được tái sinh. Đối với những người không tin tưởng vào ý niệm tái sinh, cũng có vài cách đơn giản để giúp đỡ họ. Trước hết, họ có thể suy nghĩ rằng nếu mình đau khổ quá đáng tức là cứ để cho nỗi đau khổ bao trùm lấy mình ngày này qua ngày khác, chẳng những họ sẽ bị suy sụp về tinh thần lẫn thể xác mà cũng chẳng có ích lợi gì đối với người quá cố. Hãy lấy thí dụ về cá nhân tôi. Tôi mất vị thầy đáng kính ngưỡng nhất, tôi mất mẹ và mất thêm một người anh nữa. Khi họ qua đời dĩ nhiên là tôi vô cùng khốn khổ. Nhưng rồi tôi liên tục suy tưởng rằng dù tôi có đau khổ bao nhiêu cũng không ích lợi gì và nếu tôi thật lòng thương yêu họ, tốt hơn là tôi nên thực hiện những ước mong của họ khi còn sống - và tôi đã thực hiện điều đó với tất cả sức mình. Khi những người thân yêu nhất của mình quá vãng, tôi nghĩ phương thức tốt đẹp nhất để nghĩ đến họ là giúp họ hoàn tất những ước vọng lúc sinh tiền.

"Thoạt tiên thì đau khổ và lo lắng là những cảm xúc rất tự nhiên khi xảy ra mất mát. Nhưng nếu cứ để mình bị chìm ngập vì những cảm xúc này mà không tìm cách kiểm soát chúng thì người ta có thể bị tình trạng chỉ còn quan tâm đến mình, chỉ nghĩ đến mình. Trong hoàn cảnh này, người ta có cảm giác rằng chỉ có mình bị đày đọa, khổ ải; và đây là bước đầu của chứng trầm cảm. Nhưng trên thực tế thì hầu như bất cứ ai cũng đều trải qua kinh nghiệm này. Thành ra, khi bị choáng ngợp vì khổ đau, chúng ta nên nhớ rằng người khác cũng bị khổ đau như thế và lắm khi còn tệ hại hơn mình nhiều. Hiểu được như vậy, người ta sẽ không còn cảm giác đơn chiếc, một mình một thân trên đường đời mờ mịt. Và từ đó, chúng ta được an ủi phần nào."

Mặc dù đau đớn và khổ não không chừa một ai trên thế gian này, tôi nhận thấy rằng ở phương Đông, người ta chấp nhận và khoan nhượng chúng dễ dàng hơn. Một phần có thể là do niềm tin của họ nhưng cũng có lẽ là khổ đau dễ nhận diện ở những quốc gia nghèo khó - như Ấn Độ chẳng hạn - hơn là các nước phát triển. Đói khát, lầm than, bịnh tật và cả tử vong nữa là những chuyện thông thường tại các xứ chậm tiến. Khi con người trở nên già yếu và bệnh hoạn, họ không bị gạt ra ngoài lề xã hội, không bị gởi đến nhà dưỡng lão, mà vẫn sống chung với cộng đồng, được bảo bọc bởi gia đình. Cho nên người ta chứng kiến mỗi ngày tất cả những hình thái của khổ đau, và vì vậy, họ dễ chấp nhận chúng, xem chúng là một phần tự nhiên của cuộc đời.

Các quốc gia Tây phương có khả năng giới hạn khá nhiều những đau khổ do đời sống cơ cực gây ra nhưng đồng thời lại mất đi cái khả năng chống chọi với những thứ khổ não khác. Những cuộc thăm dò của các nhà khoa học xã hội cho thấy đa số quần chúng ở các quốc gia tiền tiến Phương Tây cho rằng thế giới này là một cõi khá xinh đẹp để sinh sống, rằng cuộc đời tốt đẹp vừa phải và rằng họ là những người tốt, đáng được thụ hưởng những sự tốt lành của cuộc đời. Quan niệm này giúp người ta sống vui vẻ và khỏe mạnh hơn nhưng đồng thời cũng khiến người ta khó chấp nhận khổ đau, hoạn nạn hơn. Cũng trong chiều hướng này, một tai ương nhỏ cũng có thể gây ra những tác động tinh thần to lớn, có thể làm cho người ta mất hẳn niềm tin rằng thế giới này là một cõi xinh tươi, ân phước. Kết quả là sự đau khổ trở nên nặng nề hơn, cô đọng hơn.

Không có gì phải nghi ngờ rằng do sự phát triển của kỹ thuật, một cách tổng quát, sự thoải mái về đời sống vật chất được cải thiện rất nhiều tại các xã hội Tây phương. Cũng từ đó, nhận thức của con người đã thay đổi, rằng khổ đau đã vơi bớt đi nhiều, và người ta không còn xem khổ não là một bản chất căn để của kiếp nhân sinh. Ngược lại, người ta coi nó là một cái gì bất thường, một cái gì sai quấy khá trầm trọng. Trong vài phạm vi, đó là dấu tích của sự thất baị, một sự vi phạm vào quyền được sống hạnh phúc của con người.

Cách thế suy nghĩ này chứa đựng những nguy kịch tiềm ẩn. Nếu cho rằng khổ não là một cái gì không tự nhiên mà đúng ra, chúng ta không phải chịu đựng thì rồi ra, người ta sẽ tìm cách đổ tội cho kẻ khác khi phải đối diện với khổ đau. Nếu tôi không được hạnh phúc thì chắc chắn tôi phải là nạn nhân của một ai đó hay một cái gì đó, và quan niệm này khá phổ cập ở Tây phương. Nguyên nhân gây ra thiệt hại thường là chính phủ, hệ thống giáo dục, cha mẹ bạo hành, gia đình không hòa thuận, người phối ngẫu và ngay cả bạn thân. Cũng có khi người ta quy lỗi về phía trong tức là chính mình: Tôi không hoàn toàn bình thường, tôi là nạn nhân của bệnh tật, tôi bị di truyền ... Nếu cứ nhìn vấn đề từ vị thế của một nạn nhân và đổ lỗi cho một nguyên nhân nào đó thì nỗi thống khổ của chúng ta sẽ kéo dài vô tận, và lúc nào chúng ta cũng sống trong bực tức, khó chịu và oán trách.

Dĩ nhiên, mọi người đều mơ ước cái mục tiêu tối hậu là làm sao để thoát khỏi khổ đau, và đó là hệ luận tất yếu khi chúng ta mong được hạnh phúc. Cũng từ đó, thật là một điều hợp lý nếu người ta làm đủ mọi cách để tìm cho ra những nguyên nhân khiến cho chúng ta bị đau khổ, cũng như áp dụng tất cả những phương thức giúp chúng ta bớt đau đớn, làm khuây khỏa bớt những nỗi thương tổn từ mọi cấp độ: Toàn cầu, xã hội, gia đình và cuối cùng là bản thân. Nhưng đừng bao giờ quên rằng nếu không chịu chấp nhận khổ não là một tình trạng tự nhiên của cuộc sống, nếu cứ sợ hãi, tránh né và chối bỏ chúng thì không bao giờ người ta có thể loại trừ được cái gốc rễ của khổ đau để bắt đầu một cuộc sống hạnh phúc.

Chương 9

TỰ TẠO KHỔ NÃO

Khi đến phòng mạch của tôi lần đầu tiên, một người đàn ông trạc độ trung tuần, dáng dấp quý phái trong bộ âu phục Armani màu đen đắt tiền nhưng không phô trương, ngồi vào chiếc ghế với một phong thái từ tốn tuy hơi e dè và bắt đầu cho tôi biết lý do tại sao ông ta đến thăm tôi. Người đàn ông nói hơi nhỏ nhưng giọng điệu lại rất vững vàng cẩn trọng và ông ta trình bày khá đầy đủ những điều tôi cần biết: Tuổi tác, quá khứ, tình trạng gia cảnh, những khó khăn ...

"Đồ thứ đàn bà khốn nạn !" Bỗng nhiên ông ta la lên với một giọng giận dữ: "Vợ tôi đó, tôi đã ly dị bả. Bả đã dối gạt tôi để tư tình với người khác mặc dù tôi đã cung phụng cho bả không thiếu một thứ gì. Đồ cái thứ phóng đãng ... đồ dâm phụ ..." Giọng nói người đàn ông càng to hơn, giận dữ hơn và cay độc hơn trong suốt hai mươi phút nhằm kết tội người vợ đã ly hôn của ông ta. Nhận thấy người đàn ông không kềm chế nỗi cảm xúc của mình và với đà nay, ông ta có thể nói hằng giờ mà không mệt. Vả lại, thời gian ấn định cho một lần xem bịnh đã gần hết nên tôi nhắc khéo: "Đa số chúng ta đều rất khó khăn khi phải điều chỉnh cuộc sống sau khi ly dị và tôi nghĩ rằng trong lần tới, chúng ta sẽ có nhiều thì giờ hơn để nói về chuyện này ..." 

Tôi hỏi thêm: "À này, thế ông ly dị được bao lâu rồi ?"

"Tháng năm vừa rồi là tròn 17 năm."

Trong chương Tám, chúng ta đã đề cập đến sự quan trọng của việc chấp nhận khổ đau là một phần tự nhiên của cuộc sinh tồn. Thường thì khổ não là chuyện không tránh được trong cuộc sống nhưng nhiều lúc, chính chúng ta tạo ra khổ não cho mình. Chúng ta cũng biết là nếu không chấp nhận khổ đau là chuyện tự nhiên của cuộc sống thì hậu quả là ta sẽ có cảm tưởng mình là nạn nhân suốt đời của kẻ khác và đó là nguyên nhân gây ra những cảnh đời nghiệt ngã. Nhưng chính chúng ta cũng vô tình làm cho khổ nạn của mình thêm bi đát. Chúng ta thường kéo dài những sầu muộn, giữ cho chúng sống hùng sống mạnh trong tâm trí chúng ta bằng cách tưởng nghĩ tới chúng mỗi ngày. Chúng ta cũng lập đi lập lại những mong ước mà chúng ta tưởng nếu có xảy ra thì hoàn cảnh đã đổi khác, đã khá hơn - Nhưng những điều này thật ra không có - Tưởng nghĩ đến những khổ nạn đã qua làm cho đời sống nhiều thêm chất bi thảm, làm gia tăng sự thương hại của người chung quanh và chính chúng ta thì cứ kéo dài một cuộc sống không hạnh phúc.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giải thích về chuyện chính chúng ta làm tăng thêm những khổ đau trong đời sống: "Con người có nhiều cách để gia tăng cường độ khổ đau cũng như những bất ổn tinh thần mà mình đang gánh chịu. Thông thường thì những khổ đau vật chất lẫn tinh thần có thể xuất hiện một cách tự nhiên, nhưng chính cách ứng xử của người ta làm cho chúng thêm bi thảm. Giả dụ như khi mình giận ghét một ai đó, cảm giác này sẽ chẳng ăn nhằm gì nếu ta không để ý đến chúng. Nhưng nếu cứ suy nghĩ, cứ vẽ vời về những bất công mà mình đang chịu, những bất xứng mà người ta đang áp đặt cho mình (do mình phóng chiếu, tưởng tượng ra chứ thực sự chưa chắc đã có) thì mối căm hận và thù ghét sẽ đậm đặc hơn nhiều. Cùng một cách thế như vậy, khi ai đó 'hớp hồn' mình, chúng ta cứ liên tục nghĩ đến những điều như làm sao mà chàng/nàng lại xinh đẹp đến vậy, làm sao lại có người tốt đến thế ... Cứ vậy mà chúng ta bị hớp hồn nhiều hơn, mê đắm nhiều hơn. Vậy thì rõ ràng là chính chúng ta làm cho tình thế trở nên khó khăn hơn, nặng nề hơn bằng cách liên tục tưởng nghĩ đến chúng.

"Chúng ta cũng thường gia tăng cường độ của đau đớn và khổ não bằng thái độ quá nhạy cảm, phản ứng quá đáng với một chuyện không quan trọng và đôi khi, cứ tưởng mọi chuyện đều nhắm vào mình. Chúng ta có khuynh hướng làm cho sự việc trở nên quá quan trọng, thổi phồng sự thật, trong khi chúng ta lại thờ ơ, hờ hững với những chuyện quan yếu của cuộc đời, những chuyện có ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của mình do những hệ quả lâu dài của chúng. 

"Nói rộng ra, tôi cho rằng tùy vào thái độ của mình đối với hoàn cảnh mà chúng ta có bị đau khổ hay không. Lấy thí dụ như anh biết ai đó nói xấu sau lưng mình. Nếu chúng ta phản ứng lại bằng cảm giác bị thương tổn hay giận dữ thì chính chúng ta đã phá hủy sự bình yên trong tâm hồn và tự mình chuốc vào thân cảm giác khổ đau. Cũng một hoàn cảnh như vậy, nếu chúng ta tự chế được, coi sự vu khống đó chỉ như cơn gió thoảng ngoài tai thì chúng ta sẽ không bị cảm giác thương tổn, đau đớn. Vậy thì, tuy con người có khả năng tránh được hoàn cảnh khó khăn, nhưng tùy vào cách thế ứng đối với hoàn cảnh đó, chúng ta có thể làm tăng hoặc giảm mức độ đau đớn và khổ não của mình."

Chúng ta cũng thường làm gia tăng cường độ của đớn đau và khổ não bằng thái độ quá nhạy cảm, phản ứng quá đáng với một chuyện không quan trọng và đôi khi, cứ tưởng mọi chuyện đều nhắm vào mình. Đó là những lời mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã dùng để diễn tả các nguyên nhân làm tăng thêm chất bi đát của khổ nạn trong đời sống. Giới chuyên môn gọi đây là hiện tượng cá nhân hóa khổ đau, một khuynh hướng thu hẹp tầm nhìn về phương diện tâm lý bằng cách nghĩ (một cách sai lạc) rằng mọi chuyện xảy ra đều nhắm vào riêng mình, chỉ để làm khổ mình.

Một tối nọ, tôi dùng cơm với một đồng nghiệp tại một nhà hàng. Công tác phục vụ thực khách hôm đó có vẻ chậm chạp. Anh bạn tôi bắt đầu cằn nhằn: "Nhìn kìa, gã bồi bàn chậm không chịu được. Tôi có cảm tưởng như hắn cố tình làm lơ chúng ta". Mặc dù cả hai chúng tôi không làm gì về chuyện này, người bạn đồng nghiệp vẫn tiếp tục than phiền về công tác phục vụ của nhà hàng, rồi anh kéo qua thức ăn, chén bát và gần như mọi thứ khác của nhà hàng mà anh không thích. Sau buổi ăn, người bồi bàn đem đến hai phần tráng miệng miễn phí và giải thích với giọng thành thật: "Tôi xin lỗi về sự chậm chạp trong công tác phục vụ bữa nay vì chúng tôi không có đủ nhân viên. Một người làm bếp nghỉ việc tối nay vì trong gia đình có người quá vãng, rồi thì một người bồi bàn bị bịnh bất ngờ vào phút chót. Xin quý khách vui lòng tha lỗi...". Khi người bồi bàn đã quay đi, anh bạn đồng nghiệp làu bàu với vẻ bực bội: "Tôi vẫn không nghĩ là tôi sẽ trở lại đây nữa". 

Đây chỉ là một thí dụ nhỏ cho thấy chúng ta đã 'đóng góp' như thế nào vào sự khổ đau bằng cách tưởng mọi sự đều nhắm vào mình. Trong buổi tối tôi vừa nói, kết quả của thái độ kể trên chỉ làm buổi ăn mất vui. Nhưng nếu chúng ta cứ cư xử với mọi người, mọi chuyện trong cuộc sống thường ngày bằng thái độ này, nó sẽ là đầu mối gây tạo một cuộc sống vô cùng khốn khó cho chúng ta. Trên một bình diện rộng lớn hơn, Jacques Lusseyran là một trường hợp rất đáng để ý về chứng thu hẹp tầm nhìn trong phạm vi tâm lý. Lusseyran, bị mù từ năm lên 8, là sáng lập viên của một nhóm chống đối trong trận đại chiến thứ II . Anh ta bị quân Đức bắt và bị giam giữ tại trại tập trung Buchewald. Sau này, khi hồi tưởng lại những kinh nghiệm đau thương trong trại, anh nói : "Lúc đó, chúng tôi cho rằng nỗi bất hạnh đến với từng người trong chúng tôi vì nghĩ rằng chúng tôi là trung tâm của vũ trụ, vì chỉ riêng chúng tôi bị nhận lãnh sự đầy ải tàn nhẫn đến mức không chịu nổi. Niềm thống khổ như nằm sâu trong da thịt, trong óc não của từng người."[2]

NHƯNG VẬY LÀ BẤT CÔNG

Trong đời sống thường nhật, những khó khăn cứ đều đặn xuất hiện. Nhưng những khó khăn này không tự động gây ra khổ não. Nếu chúng ta xử lý chúng một cách trực diện, chú tâm vào việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề, những khó khăn này đôi khi trở thành những thử thách thú vị. Ngược lại, nếu nhìn vấn đề với cảm giác trời hành, thọ nạn thì chúng ta đã thêm dầu vào lửa, làm tinh thần chúng ta thêm bất an và làm gia tăng sự khổ não. Vậy là thay vì chỉ có một, chúng ta có đến hai khó khăn. Chẳng những thế, cảm giác trên còn làm chúng ta tiêu hao ý lực, phân tán sự chú ý của mình trong việc tìm kiếm một giải đáp cho khó khăn nguyên thủy. Nêu lên những ý nghĩ này với đức Đạt Lai Lạt Ma vào một buổi sáng, tôi hỏi: "Làm sao để chúng ta đối phó với ý tưởng 'bất công' thường hành hạ mình mỗi khi có những vấn nạn xuất hiện trong đời ?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Người ta có nhiều cách thế để ứng đối với cảm giác rằng khổ nạn mà mình đang gánh chịu là bất công. Chúng ta đã thảo luận về tầm quan trọng của việc chấp nhận khổ não như là một phần tự nhiên của đời sống. Trong một cách thế nào đó, người dân Tây Tạng đang ở trong một vị thế rất thích hợp để chấp nhận tính thực tế của hoàn cảnh khó khăn hiện tại, vì họ sẽ cho rằng: "Đây là nghiệp quả mà tôi đã gây ra trong quá khứ". Khi cho rằng vì mình đã gây ra chướng nghiệp trong hiện đời hay tiền kiếp, người dân Tây Tạng sẽ dễ dàng chấp nhận khổ nạn hơn. Trong quá trình định cư đầy khó khăn tại Ấn Độ, chúng tôi cũng gặp những chuyện tương tự: Điều kiện sống vốn nghèo nàn lại thêm con cái bị mù lòa, khuyết tật ... Thế mà rồi ra, những người đàn bà đáng thương này cũng xoay sở được, chỉ đơn giản cho rằng: "Đây là nghiệp chướng của chúng, tại số phần của chúng ..."

Đề cập đến NGHIỆP, có lẽ chúng ta nên nói rõ để tránh những ngộ nhận mà người ta thường gặp phải khi khảo sát lý thuyết của nghiệp. Người ta thường có khuynh hướng đổ mọi chuyện cho nghiệp để chạy tội cho mình, tránh phải giải quyết vấn đề, phủi tay đối với trách nhiệm. Chúng ta thường nghe: "Đây là nghiệp chướng của tôi nên không làm gì được. Đành chịu vậy thôi". Đây là một ý niệm hoàn toàn sai lầm về nghiệp vì dẫu rằng hiện tại là quả của duyên quá khứ, người ta vẫn có thể chuyển đổi được tình thế hoặc giúp cho hoàn cảnh bớt đen tối, và nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi phương diện của đời sống. Người ta không nên phủi tay, lẫn trốn trách nhiệm bằng cách đổ mọi chuyện cho nghiệp. Theo nguyên nghĩa, Karma trong tiếng Phạn là 'hành động', 'tạo tác'. Đã là hành động, tạo tác tức là đã có ý niệm năng động (chứ không phải thụ động, chịu đựng). Hơn nữa, hành động và tạo tác cần phải có một chủ thể. Trong trường hợp này chính là chúng ta (trong quá khứ). Vậy thì cái gì sẽ quyết định tương lai của mình nếu không phải là chính chúng ta bây giờ? Như vậy, quả vị lai mà chúng ta sẽ nhận lãnh hoàn toàn do duyên hiện tại quyết định vậy".

"Do đó, không nên nhìn nghiệp bằng quan điểm thụ động, một thứ tĩnh lực mà ngược lại, nghiệp là một quá trình chủ động - Và chính chúng ta (chứ không phải một cái gì hay một ai khác) đã đóng vai trò quyết định trong tiến trình tạo nghiệp. Hãy nói đến một chuyện nhỏ nhặt như ăn uống chẳng hạn. Chúng ta cũng phải tìm thực phẩm, nấu nướng, dọn bàn rồi mới ăn nghĩa là cả một chuỗi hành động, tạo tác nối tiếp nhau để thực hiện một mục tiêu rất tầm thường."

Nghe đến đây, tôi ngắt lời: "Tôi đồng ý rằng với niềm tin vào nghiệp duyên, người Phật tử có thể giảm thiểu cảm giác bị đối xử bất công. Nhưng còn những người không tin vào thuyết nghiệp báo thì sao. Đa số người Tây phương chẳng hạn ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Đối với những người tin vào quan niệm cho rằng có Thượng đế, một Tạo Vật Chủ cũng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận những trái ngang của cuộc đời vì cho rằng đó là ý muốn của Thượng đế. Trong những trường hợp tệ hại nhất, họ vẫn tin tưởng rằng Thượng đế lúc nào cũng toàn năng, đầy khoan dung và vì vậy, không ai biết được những ý muốn của Ngài phía sau những cảnh đoạn trường đày ải này cả. Theo tôi, niềm tin này cũng giúp người ta rất nhiều trong lúc phải trải qua những giai đoạn khó khăn trong đời".

Tôi hỏi tiếp: "Thế còn những người không tin vào thuyết nghiệp báo lại cũng không tin vào ý niệm Thượng đế sáng tạo thì sao?" Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lúc rồi đáp: "Đối với những người hoàn toàn không có niềm tin... thì có lẽ một giải đáp có tính cách khoa học và thực tiễn có thể có ích. Các khoa học gia vẫn bảo rằng nhìn sự vật một cách khách quan là điều rất quan trọng, nghiên cứu sự việc mà không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc ... Với dự kiến như vậy, hãy nhìn vấn đề với thái độ 'Nếu có cách nào để tranh đấu thì hãy tranh đấu để giải quyết vấn đề dù bạn có phải vác chiếu ra tòa' và 'Còn nếu không có cách nào để chiến thắng thì hãy quên nó đi'. 

"Lý giải một vấn đề hay một hoàn cảnh khó khăn một cách khách quan là điều quan trọng vì người ta thường tìm ra những nguyên do khác ẩn náu phía sau hậu trường. Giả như bạn có cảm tưởng bị đối xử bất công tại sở làm, có nhiều lý do mà bạn không ngờ tới đã khiến xếp bạn hành xử như vậy: Bực bội vì một người nào đó, cãi nhau với vợ sáng nay ... nghĩa là những chuyện thật ra chẳng ăn nhằm gì đến cá nhân bạn cả, vì vô tình nên bạn phải "lãnh đủ" mà thôi. Dĩ nhiên là bạn vẫn phải đối phó với hoàn cảnh xảy ra lúc đó nhưng ít nhất, với quan niệm như vậy, bạn không bị cảm giác băn khoăn làm cho mình thêm bối rối".

Tôi hỏi: "Phương pháp khoa học này ngoài việc giúp người ta lý giải vấn đề một cách khách quan, liệu có thể giúp người ta khám phá ra họ đã "đóng góp" như thế nào vào vấn đề? Và có giúp họ giảm bớt cảm giác "bất công" thường đi kèm theo những trường hợp nan giải.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp một cách rất nhiệt tình: "Có, chắc chắn là nó giúp ích rất nhiều. Tổng quát mà nói, nếu lý giải những hoàn cảnh khó khăn một cách vô tư và chân thật, chúng ta sẽ thấy rằng có thể mình cũng đã dự phần bằng một cách nào đó. Trong cuộc chiến vùng Vịnh, rất nhiều người đã qui trách cho Saddam Hussein. Sau này, trong nhiều cơ hội, tôi đã cho thái độ đó là bất công và cảm thấy tội nghiệp cho ông ta. Dĩ nhiên Hussein là một nhà độc tài, đã làm nhiều việc sai khuấy; nên nếu chỉ nhìn câu chuyện một cách qua loa, ai cũng cho rằng ông ta có tội: độc tài, chuyên chế và ngay cả đôi mắt ông ta trông cũng có vẻ khiếp đảm. Nhưng nếu không có quân đội, Hussein sẽ chẳng hăm dọa được ai, và nếu không có vũ khí tối tân, quân đội của Hussein cũng chẳng làm ai lo ngại. Và tất cả những vũ khí hiện đại này không phải từ trên trời rớt xuống. Cho nên nếu nhìn kỹ vấn đề, khá nhiều quốc gia trên thế giới liên hệ đến cuộc chiến này."

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp: "Vì thế, con người thường có khuynh hướng đổ tội cho người khác, những nguyên nhân ngoại vi, về những vấn nạn của chúng ta. Hơn thế, người ta còn tìm cách đổ vấy cho một nguyên nhân duy nhất và sau đó tìm cách phủi tay, không nhận trách nhiệm. Cho nên hễ ở đâu có tình cảm can dự vào thì ở đó có sự khác biệt giữa sự thật xảy ra và sự thật mà người ta trình bày trước công chúng. Trở lại cuộc chiến vùng Vịnh, dĩ nhiên Saddam Hussein là một nguyên nhân, nhưng chúng ta còn có nhiều nguyên nhân khác nữa cũng không kém phần quan trọng. Hiểu được nguồn cơn rành mạch như vậy thì người ta sẽ không còn đổ lỗi cho một mình Hussein nữa và sự thật về cuộc chiến sẽ hiển bày.

"Phương pháp xử lý này khiến người ta nhìn sự vật một cách tổng thể, nhận thức rằng có nhiều biến cố cùng nhau tạo nên một thực trạng. Thí dụ như trong vấn đề giữa chúng tôi và Trung quốc, cũng có những nguyên nhân do chúng tôi gây ra. Theo tôi thì thế hệ hiện tại cũng có dự phần nhưng chắc chắn là sự quan tâm không đúng mức của vài ba thế hệ trước đã gây ra tình trạng hiện nay. Nói cách khác, người Tây Tạng cũng có trách nhiệm phần nào trong cuộc chiến oan khốc này, và nếu chỉ đổ lỗi hoàn toàn cho Trung quốc thì cũng khá bất công. Nhưng chúng ta lại phải nói đến những mức độ khác nhau. Mặc dù chúng tôi cũng là một nguyên nhân gây nên cuộc chiến, nhưng lỗi không hoàn toàn do ở chúng tôi. Lấy thí dụ về việc người Tây Tạng chưa bao giờ cúi đầu khuất phục trước áp bức của Trung quốc - họ luôn luôn chống đối. Do chính sách mới của Trung quốc nhằm đưa một số lượng lớn lao người Hoa sang lập nghiệp ở Tây Tạng với mục đích biến người Tây Tạng thành thiểu số, nên người Tây Tạng bị chiếm chỗ, và phong trào tranh đấu cho tự do không còn hoạt động hữu hiệu nữa. Trong trường hợp này, chúng ta không thể nói rằng sự chống đối của người Tây Tạng là nguyên nhân gây ra tranh chấp".

Tôi lại hỏi tiếp: "Xét đến sự góp phần của mình vào một hoàn cảnh nào đó, xin Ngài cho biết trong trường hợp rõ rệt không phải lỗi của mình, hoặc mình chẳng dính dự gì cả dù một chút nhỏ xíu đi nữa như khi có người nào đó dối gạt mình chẳng hạn ... thì chúng ta phải làm sao?"

"Trong trường hợp này thì đầu tiên, dĩ nhiên là tôi có cảm giác thất vọng. Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh như vậy, nếu xem xét cho kỹ, có thể tôi sẽ hiểu được rằng động lực thúc đẩy sự che đậy thật ra không hoàn toàn xấu. Có thể ai đó không hoàn toàn tin tưởng nơi tôi. Thành ra khi cảm thấy thất vọng vì một vấn đề gì đó, tôi cố nhìn sự việc từ một góc cạnh khác: Người ta dấu tôi vì sợ tôi không giữ kín được câu chuyện. Tánh tôi khá bộc trực và vì thế không thích hợp để người ta nói cho tôi nghe về một chuyện gì đó. Người ta sợ tôi sẽ đem kể cho người khác nghe và cuối cùng thì câu chuyện cần phải giữ kín không còn kín nữa. Và nếu quả đúng như vậy thì chính tôi cũng có dự phần trong sự dấu diếm đó".

Mặc dù những lời này do chính đức Đạt Lai Lạt Ma thốt ra, tôi cũng có cảm tưởng rằng vấn đề hơi đi quá xa: Người ta không thành thật với mình và mình lại cố tìm xem mình có dự phần trong chuyện đó hay không. Tuy vậy, giọng nói của Ngài lại rất thành thật làm tôi có cảm tưởng rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đã áp dụng cách xử lý này trong đời sống của Ngài để giải quyết những nghịch lý của cuộc đời. Đối với bản thân chúng ta, sử dụng phương thức này trong cuộc sống không chắc lúc nào cũng thành công. Nhưng theo tôi thì dù thành công hay không, sự thành thật của chúng ta trong hoàn cảnh này cũng làm thay đổi lối suy nghĩ chật hẹp theo thói thường, mà trong đó, cảm giác bị đối xử bất công thường là nguyên nhân của những bất mãn lớn lao trong mọi người chúng ta và cả toàn thể nhân loại.

MẶC CẢM PHẠM TỘI

Vì là sản phẩm của một thế giới bất toàn nên tất cả chúng ta đều bất toàn. Mọi người trong đời đều đã có dịp làm một cái gì sai quấy. Có nhiều chuyện làm chúng ta hối hận: Hối hận về những chuyện đã làm, hối hận về những chuyện đáng ra phải làm. Thật tâm hối cãi về những sai quấy đã qua trong đời có thể giúp chúng ta đi đúng đường, khuyến khích chúng ta sửa sai những lầm lẫn và cố gắng làm đúng trong tương lai. Tuy nhiên, không nên để cho cảm giác hối hận làm mình bị thoái hóa, dẫn đến mặc cảm tội lỗi quá độ khiến tâm trí lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cảm tưởng phạm tội, ghét bỏ chính mình. Chuyện này không có ích lợi gì cả vì chỉ làm chúng ta thường xuyên tự hành hạ, tự đày ải mình. 

Trong một buổi nói chuyện trước đây, tôi có đề cập vắn tắt đến cái chết của người anh ruột của đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nhớ lại rằng Ngài đã đề cập đến cái chết này với một vài tiếc nuối. Tôi tò mò muốn biết đức Đạt Lai Lạt Ma đã ứng phó ra sao với cảm giác hối hận, có thể là mặc cảm phạm tội nữa. Vì thế, tôi tìm cách trở lại vấn đề này trong một buổi đàm luận khác và hỏi: "Khi đề cập đến cái chết của Lobsang, Ngài có nói đến hối hận. Vậy Ngài có bao giờ hối hận về một hoàn cảnh nào đó trong đời không?"

"Có chứ, thí dụ như tôi có biết một tu sĩ lớn tuổi ẩn cư. Ông ta thường đến nghe tôi nói pháp. Tôi nghĩ rằng ông ta hiểu đạo còn nhiều hơn tôi nữa, ông ta đến theo nghi thức mà thôi. Một ngày nọ, ông ta đến và yêu cầu tôi thực hành một phép bí truyền cao cấp. Tôi nhẹ nhàng nói cho ông ta biết bí phép này rất khó thực hành và thường thì những người trẻ tuổi dễ tiếp nhận hơn. Theo truyền thống, người ta bắt đầu thực tập lúc còn ở tuổi vị thành niên. Một thời gian sau, tôi được biết vị tu sĩ này đã tự sát để tái sinh làm một người trẻ tuổi hầu có thể thực tập bí phép này ..."

Khá sửng sốt vì chi tiết của câu chuyện, tôi nói: "Trời đất ơi ! Thật khủng khiếp. Tôi đoán là Ngài đã rất khổ tâm khi nghe ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma buồn bã gật đầu. Tôi nói tiếp: "Rồi Ngài đối phó thế nào với cảm giác hối hận đó? Ngài làm sao để nguôi ngoai ?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi trầm tư yên lặng một lúc lâu trước khi trả lời tôi :

"Tôi không quên được. Nỗi hối tiếc vẫn còn nguyên!" Ngài

lại ngồi lặng yên trước khi tiếp tục: "Tuy rằng cảm giác hối hận vẫn còn trong tôi nhưng nó không làm tôi cảm thấy nặng nề hay trì trệ. Tôi không bị chúng tràn ngập, vây bủa. Tôi không để chúng cản trở những hoạt động trong đời sống của mình ".

Nghe vậy, một lần nữa tôi lại ngạc nhiên đến sững người trước sự kiện một con người trong lúc tình cảm đang bị chi phối sâu đậm bởi thảm cảnh đang xảy ra lại có thể giữ cho mình không bị chìm đắm bởi nỗi niềm tiếc hận hay hổ thẹn với chính mình. Sự kiện một con người có thể chấp nhận hoàn toàn những giới hạn của mình, những nhược điểm cũng như những nhầm lẫn trong các quyết định của mình, buồn khổ nhưng không bi lụy vì thảm cảnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực lòng hối tiếc về chuyện xảy ra nhưng đồng thời vẫn giữ được phong cách bình tĩnh và trang trọng. Mang bên lòng nỗi nhớ tiếc khôn nguôi nhưng vẫn không bị chao đảo, tâm trí vẫn dõng mãnh để gánh vác việc đời.

Nhiều lúc tôi có cảm tưởng rằng cái năng lực giúp cho đức Đạt Lai Lạt Ma không bị đắm chìm trong những mặc cảm tội lỗi một phần do ở phong hóa của người Tây Tạng. Trong một lần nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma về một người bạn học giả của Ngài, tôi nhớ Ngài đã cho tôi biết rằng trong ngôn ngữ Tây Tạng, không có từ nào tương đương với chữ 'phạm tội' trong Anh ngữ. Mặc dù có những tiếng có nghĩa như ăn năn, hối tiếc nhưng đều hàm chứa ý tưởng cải thiện tình thế trong tương lai. Không hiểu yếu tố phong hóa quan trọng đến thế nào trong lề lối suy nghĩ của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi vẫn cho rằng cách thế suy nghĩ của chúng ta nếu được bổ sung bằng quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ khiến cho mọi người tránh được những sầu khổ vô ích gây ra bởi hậu quả của những mặc cảm lầm lỗi.

CHỐNG ĐỐI ĐỔI THAY

Chúng ta có cảm giác phạm tội khi nghĩ rằng mình đã làm một lỗi lầm không sửa chữa được. Cảm giác này trở nên nung nấu hơn nếu ta nghĩ rằng những lầm lỗi đó sẽ bất diệt. Nhưng thực tế cho thấy không có gì là bất biến nên nỗi đau đớn cũng suy khuyết theo thời gian và vấn nạn rồi cũng sẽ biến mất. Đây là khía cạnh tích cực của sự đổi thay. Mặt tiêu cực của vấn đề là con người chống đối lại sự thay đổi trong hầu hết mọi phương diện của đời sống. Muốn thoát ly khỏi cảnh khổ, trước hết, người ta phải tìm hiểu cái nguyên nhân tiên khởi: Tại sao chúng ta không chịu đổi thay?

Nói về bản chất luôn-luôn-thay-đổi của đời sống, đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: "Điều tối quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu những nguyên nhân, những cội nguồn của đau khổ, xem chúng xuất hiện ra sao. Để bắt đầu, chúng ta phải hiểu được tính VÔ THƯỜNG, bản chất ngắn ngủi, phù du của cuộc sinh tồn. Tất cả mọi thứ, mọi biến cố, mọi hiện tượng đều "động", biến đổi trong từng giây phút - không một cái gì "tĩnh". Suy nghiệm về sự tuần hoàn của máu huyết trong thân thể sẽ giúp chúng ta chứng nghiệm điều này: Máu luôn luôn chảy, luôn luôn di động nghĩa là không bao giờ đứng yên. Cái bản chất thay đổi, ngắn ngủi của mọi hiện tượng là một cấu trúc gắn liền với cuộc sống. Và khi hiểu được bản chất thay đổi không ngừng này, chúng ta sẽ hiểu rằng mọi sự không có khả năng trường tồn, không có khả năng giữ nguyên hiện trạng. Do vậy, tất cả mọi sự đều bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác nghĩa là bất cứ một giai đoạn nào đó trong đời dù vui vẻ sung sướng đến đâu cũng sẽ qua đi. Trong nhà Phật, sự đau khổ do đổi thay gây ra được gọi là Hoại Khổ.

Ý niệm Vô thường giữ một địa vị cốt lõi trong tư tưởng Phật giáo và quan niệm về vô thường cũng là điểm then chốt trong cuộc hành trì Phật đạo vì hai mục tiêu. Về phương diện quy ước tức là theo nghĩa thông thường trong cuộc sống hàng ngày, hành giả quán tưởng về tính vô thường trong cuộc sống của chính mình: thực tại mong manh của cuộc đời và chúng ta không bao giờ biết được khi nào mình sẽ chết. Khi sự quán tưởng này đi chung với niềm tin rằng được mang thân người là một cơ hội hiếm hoi trong cuộc trầm luân vô lượng kiếp, và chỉ khi mang thân người, chúng ta mới có điều kiện tu chứng hầu ra khỏi khổ đau và sinh tử thì sự phối hợp này sẽ giúp hành giả tăng trưởng quyết tâm trong việc tu học, sử dụng thời giờ của cuộc sống một cách hữu hiệu nhất. Ở một mức độ thâm diệu hơn, khi quán tưởng về những khía cạnh vi tế của vô thường, bản chất phù du của mọi hiện tượng, hành giả sẽ từ từ khám phá ra chân tính của sự thật. Từ hiểu biết này, chúng ta sẽ xua đuổi và dẹp tan được vô minh tức là nguồn gốc uyên nguyên của mọi khổ não.

Như vậy, trong khi quán tưởng về vô thường có một ý nghĩa vô cùng trọng yếu đối với Phật tử thì câu hỏi được đặt ra ở đây là: Thế thì sự quán tưởng này có ứng dụng thực tiễn nào trong cuộc sống thường nhật đối với những người không phải là Phật tử ? Nếu chúng ta nhìn ý niệm vô thường từ quan điểm "động" như vừa đề cập ở trên thì câu trả lời chắc chắn là có. Vì rằng dù chúng ta nhìn bằng cảm quan Phật giáo hay bằng quan niệm Tây phương thì thực chất cuộc sống vẫn như nhau: Luôn luôn thay đổi. Và nếu chúng ta không chịu chấp nhận sự thật này hoặc tìm cách chống lại tính đổi thay của cuộc sống thì chính mình đã tự lấp vùi mình trong vòng khổ não.

Chấp nhận đổi thay cũng là một yếu tố quan trọng giúp chúng ta tránh được rất nhiều những khổ não tự tạo. Một thí dụ rất phổ cập trong đời sống là chúng ta không chịu buông bỏ quá khứ. Nếu cứ bám víu vào một sắc diện, một vóc dáng của một thời nào đó đã qua trong đời hay cứ tưởng nghĩ về những điều mình đã làm được mà bây giờ không còn sức làm nổi nữa thì đó là một cái đai khá vững chắc giữ cho mình không được hạnh phúc khi lớn tuổi. Đôi khi, càng bám víu vào quá khứ, cuộc sống của chúng ta càng trở nên méo mó, kỳ quặc.

Ngược lại, chấp nhận những đổi thay không tránh được của cuộc đời, như là một nguyên tắc tổng quát, có thể giúp chúng ta đối phó thích nghi với rất nhiều vấn nạn của cuộc sống. Chúng ta sẽ giữ một vai trò chủ động hơn trong cuộc sống của chính mình, tránh được những lo lắng, những bất ổn vốn là đầu mối của rất nhiều phiền phức. Thí dụ sau đây cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự nhận thức về những đổi thay của cuộc sống: một bà mẹ mang đứa con mới sinh vào phòng cấp cứu vào khoảng 2 giờ sáng.

"Cháu bị làm sao vậy ?" Ông Bác sĩ chuyên về bịnh trẻ con hỏi.

"Con tôi ! Cháu bị nghẹt thở hay sao ấy" Bà mẹ rên rỉ trong nỗi lo sợ khiếp đảm: "Lưỡi cháu cứ thè ra ngoài. Làm như cháu muốn ói ra, nhưng không có gì trong miệng cả"

Sau vài câu hỏi và khám sơ qua, vị Bác sĩ trấn an bà mẹ: "Không có gì đâu, cháu bé ngày một lớn thêm và cháu bắt đầu nhận biết những bộ phận trong cơ thể của mình. Cháu đang khám phá ra cái lưỡi của nó."

Margaret, một phóng viên 31 tuổi là dẫn chứng về tầm quan trọng của việc hiểu biết và chấp nhận những đổi thay về phương diện liên hệ cá nhân. Cô ta đến phòng mạch và than phiền về cảm giác băn khoăn mà cô nghĩ là do việc đổi thay cách sống sau khi ly dị.

"Tôi nghĩ rằng nếu nói được với một người nào đó sẽ giúp tôi bớt lo lắng. Tôi muốn quên đi chuyện đã qua và trở lại cuộc sống độc thân. Thật tình mà nói, tôi hơi bị kích động ..."

Tôi hỏi cô ta rằng vụ ly dị đã xảy ra trong hoàn cảnh nào.

Margaret đáp:

"Theo tôi thì vụ ly dị đã xảy ra khá thân thiện, không có tranh chấp. Tôi và ông ấy đều có việc làm khá tốt nên không có vấn đề gì trong việc phân chia tài sản. Chúng tôi có một cháu trai nhưng cháu chấp nhận chuyện chúng tôi ly dị một cách khá hiểu biết. Chúng tôi chia nhau việc chăm sóc cháu và cũng không có gì trở ngại cả."

"Tôi muốn biết chuyện gì đã khiến hai ông bà ly dị?"

"À... Tôi cho rằng chúng tôi không còn yêu nhau nữa. Tình cảm giữa chúng tôi dần dà phai nhạt và tôi không còn thích gần gũi nhau như hồi mới cưới. Cả hai chúng tôi đều bận rộn vì công việc và có vẻ như chúng tôi ngày càng rời xa nhau. Chúng tôi cũng đã thử vài buổi về cố vấn hôn nhân nhưng không có kết quả. Chúng tôi ở với nhau mà như là anh em chứ không phải vợ chồng. Sau cùng thì chúng tôi đồng ý chia tay là giải pháp tốt đẹp nhất. Một cái gì đó đã không còn nữa ..."

Sau hai buổi nói chuyện để tìm hiểu về trường hợp của Margaret, chúng tôi đồng ý để cô ấy tham dự một khóa trị liệu ngắn hạn nhằm giảm bớt cảm giác băn khoăn và giúp cô ấy chấp nhận những đổi thay vừa xảy ra trong cuộc sống. Nói chung, Margaret là một người đàn bà thông minh và dễ điều chỉnh về phương diện tâm lý. Khóa trị liệu tỏ ra hữu ích và Margaret đã chấp nhận trở lại với cuộc sống độc thân.

Mặc dù vẫn chăm sóc lẫn nhau, Margaret và người chồng rõ ràng đã nhìn sự đổi thay về mức độ say đắm như là một dấu hiệu khiến cho cuộc sống vợ chồng nên chấm dứt. Mọi người thường cho rằng khi đam mê đã bớt vẻ nồng nàn thì chúng ta đã có vấn đề trong tương quan chồng vợ và hơn nữa, khi một vài thay đổi nho nhỏ xảy ra, người ta thường tỏ vẻ hoảng sợ, nghĩ rằng đang có vấn đề trầm trọng. Người ta cho rằng mình đã lấy không đúng người, rằng người bạn đời của chúng ta thật ra không phải là người trong mộng. Thế là những bất đồng hiện ra: Mình muốn được âu yếm thì anh ấy tỏ ra mệt mỏi. Mình muốn đi xem một cuốn phim đặc biệt nào đó thì cô ấy lại ra vẻ thờ ơ hay bận rộn. Chúng ta nhận ra những dị biệt mà trước đây chẳng bao giờ để ý đến ... Rồi thì chúng ta đi đến kết luận là tình yêu đã chết, rằng chúng ta không còn nhìn chung về một hướng, không còn như xưa nữa, và có lẽ xa nhau là tốt nhất.

Rồi chúng ta phải làm gì? Các chuyên gia đã viết hàng tá sách vở để khuyên chúng ta phải hành xử ra sao khi ngọn lửa đam mê và tình cảm lãng mạn đã xuống cấp. Họ đưa ra hằng hà sa số đề nghị nhằm thắp sáng lại ngọn lửa yêu đương: Sắp xếp lại thời khóa biểu hàng ngày để dành ưu tiên cho tình yêu, dự tính những buổi ăn tối thật trữ tình hay những cuối tuần đi chơi xa, ca tụng và tán dương người bạn tình, học cách nói chuyện cho thật nhiều ý nghĩa, vân vân và vân vân. Đôi khi, những khuyến cáo này tỏ ra hữu hiệu nhưng lắm khi, chúng chẳng ăn nhằm gì. Nhưng trước khi tuyên bố chấm dứt mọi liên hệ, một trong những điều vô cùng hữu ích là khi có thay đổi xảy ra, chúng ta hãy lùi lại một chút để lượng định tình thế và hãy trang bị cho mình càng nhiều càng tốt những hiểu biết về những dạng thức thông dụng của đổi thay trong mối liên hệ.

Dòng đời cứ tiếp diễn. Chúng ta phát triển từ trạng thái sơ sinh đến thời thơ ấu, từ thuở thành niên đến lúc bạc đầu và chúng ta đều chấp nhận những đổi thay này như là một diễn biến tự nhiên trong từng cá nhân. Mối liên hệ của chúng ta cũng là một tổng thể "sống" và "động", nó bao gồm hai cá thể tương tác trong cùng một điều kiện sống. Vì là một tổng thể "sống" nên cũng rất là tự nhiên khi nó phải trải qua những giai đoạn khác nhau. Trong bất cứ mối liên hệ nào cũng có những mức độ gần gũi khác nhau: thể xác, tình cảm và trí tuệ. Chung đụng thân xác, chia xẻ tình cảm, trao đổi ý tưởng đều là những phương tiện hợp pháp để chúng ta nối kết với những người thân yêu. Và cũng rất bình thường khi những phương tiện này tăng rồi giảm, trồi rồi sụt. Có khi chung đụng thể xác giảm xuống nhưng chúng ta lại gia tăng mức độ chia xẻ tình cảm với nhau. Hoặc có khi không muốn trao đổi bằng lời mà chỉ cầm tay nhau cũng đủ. Nếu nhạy bén với những chuyện này, chúng ta sẽ rất hân hoan mà thụ hưởng tình trạng nở rộ của cảm giác đắm say ban đầu. Hoặc trong trường hợp ngược lại, thay vì lo sợ hay bực tức, chúng ta có thể tự tạo một vài kiểu mẫu nối kết mới, thích hợp hơn, thoải mái hơn để tự do vui hưởng cuộc sống với người bạn đường.

Trong cuốn Intimate Behavior, tác giả Desmond Morris cũng có đề cập đến những thay đổi tự nhiên về nhu cầu gần gũi của con người. Ông ta cho rằng mọi người trong chúng ta đều trải qua ba giai đoạn như sau: "Hãy ôm tôi", "Để tôi xuống" và "Hãy để tôi yên". Chu kỳ này xảy ra từ những năm đầu tiên của cuộc sống: Thuở sơ sinh, lúc nào đứa bé cũng cần được bao bọc, che chở. Đó là giai đoạn "hãy ôm tôi". Đến lúc đứa bé bắt đầu khám phá thế giới chung quanh khi nó tập bò, tập đi và đạt được vài trạng thái độc lập, tự quản tức là giai đoạn "để tôi xuống". Mặc dù đây là sự phát triển thông thường nhưng không phải lúc nào các giai đoạn này cũng đi xuôi về một hướng. Có khi đứa bé cảm thấy lo sợ vì tách rời quá xa với người mẹ, chúng quay lại giai đoạn "hãy ôm tôi" để tìm lại cảm giác vỗ về, an ủi. Khi trưởng thành, đứa bé chật vật trong việc xác định bản ngã của mình và đây là giai đoạn rất quan trọng trong cuộc sống, đó cũng là giai đoạn "để tôi yên". Mặc dù đây là thời gian gây nhiều đau khổ cho các bậc cha mẹ, các chuyên gia nhận định rằng đó là chuyện thông thường và cần thiết để một đứa bé chuyển từ thời trẻ tuổi đến thành nhân. Xa hơn một bước nữa, người ta cho rằng có nhiều tiểu giai đoạn phối hợp với nhau trong giai đoạn này. Những người trẻ thường hay la lớn ở nhà rằng "Hãy để tôi yên" thì ngược lại, đối với bạn bè hay đồng trang lứa, họ có thể lại cần đến cảm giác "hãy ôm tôi".

Đối với các tương quan của người lớn cũng vậy. Mức độ gần gũi có khi được thay thế bằng mức độ xa cách và đây cũng là một chu kỳ rất bình thường trong tiến trình tăng trưởng và phát triển của mối tương quan. Để đạt được đầy đủ tiềm năng của một con người, chúng ta cần phải dung hòa nhu cầu thân cận với người ngoài và nhu cầu phát triển độc lập tính trong nội tâm. Có thế chúng ta mới lớn khôn và phát triển thành một cá thể biệt lập. 

Nếu hiểu được những giai đoạn phát triển như vậy là tự nhiên và thông thường thì chúng ta sẽ không bị sợ hãi, không phản ứng với cảm giác hốt hoảng khi những dấu hiệu rời xa, cách biệt xuất hiện từ người bạn đường, mà chỉ coi đó như ngọn sóng rút ra để rồi lại ập vào bờ bãi. Dĩ nhiên, cũng có khi tình trạng xa cách là dấu hiệu của những rắc rối nghiêm trọng có thể dẫn đến đổ vỡ, và trong những trường hợp như vậy, trị liệu tâm lý là chuyện cần thiết. Điều cần ghi nhận ở đây là những dấu hiệu xa cách không phải lúc nào cũng tự động mang ý nghĩa tai họa. Đôi khi chúng chỉ thuần túy là một thời khoảng trong chu kỳ tiến hóa để rồi sau thời gian suy thoái, chúng lại làm cho mối liên hệ trở lại nguyên trạng hay có khi trở thành tốt đẹp hơn.

Do vậy, thái độ chấp nhận, thông hiểu những sự thay đổi tự nhiên đóng một vai trò quan trọng trong quan hệ tương tác với tha nhân. Chúng ta có thể khám phá ra nhiều chuyển đổi sâu xa trong lúc tưởng như sắp gặp tai họa và những chuyển đổi này có thể lại là một tụ điểm để cho tình yêu chân chính đơm hoa kết trái. Mối liên hệ có thể không còn thuần túy đam mê, không còn thần tượng hóa, tuyệt đối hóa người yêu nữa mà thay vào đó, chúng ta bắt đầu hiểu rõ đối tượng, nhìn đối tượng như một cá thể biệt lập với những ưu cũng như khuyết điểm không khác gì chính chúng ta. Đây là một giai đoạn không thể thiếu vắng nếu chúng ta muốn thiết lập một cam kết chân thành, một tình yêu chân thật.

Nếu chấp nhận và thông hiểu những đổi thay này, cuộc hôn nhân của Margaret có thể đã cứu vãn được: Mối liên hệ giữa hai người đang dựa trên những yếu tố khác chứ không phải là đam mê, lãng mạn.

May mắn là câu chuyện của Margaret không chấm dứt ở đây. Độ hai năm sau buổi trị liệu cuối cùng, tôi gặp lại cô ấy trong một khu buôn bán (việc gặp lại các thân chủ cũ ở những nơi công cộng như vầy thường làm những chuyên viên trị liệu như chúng tôi cảm thấy không mấy thoải mái). Tôi hỏi:

"Sao? Lúc này cô thế nào?" Margaret vui vẻ đáp:

"Không thể nào tốt đẹp hơn nữa, chúng tôi đã trở lại với nhau vào tháng rồi."

"Thế hả?"

"Vâng, rất tốt đẹp. Vì cùng chăm sóc cháu bé nên chúng tôi vẫn gặp nhau thường. Lúc đầu hơi khó khăn ... Nhưng sau khi ly dị thì những áp lực không còn nữa. Chúng tôi không trông đợi gì đối với nhau và cùng nhận ra rằng chúng tôi vẫn còn yêu nhau. Dĩ nhiên, nhiều chuyện không còn như lúc trước nữa nhưng chúng tôi không coi là quan trọng nên chúng tôi rất vui vẻ với nhau. Thật hoàn toàn!"

Chương 10

CHUYỂN HƯỚNG VIỄN TƯỢNG

Ngày xưa có một triết gia Hy Lạp đã dạy đệ tử rằng mỗi khi bị người khác xúc phạm thì hãy trả công cho họ và người đệ tử này đã thực hành lời giáo huấn của sư phụ trong suốt ba năm. Sau khi mãn hạn, sư phụ nói với đệ tử rằng: "Bây giờ thì con có thể đi Athens để học khôn". Khi đến Athens, người đệ tử gặp một ông già từng trải đứng ở cổng thành. Ông ta lăng nhục tất cả những ai đi ngang qua cổng. Người đệ tử lúc đi qua cũng không tránh khỏi sự nhục mạ của ông già. Nhớ lại chuyện mình đã làm trong ba năm qua, người đệ tử bỗng mỉm cười. Ông già hỏi: "Sao bị ta lăng nhục mà nhà ngươi lại cười?". Người đệ tử đáp: "Suốt ba năm trời tôi đã phải trả tiền để học chuyện đó và bây giờ lại được ông cho không." Ông già nói: "Vào thành đi, tất cả là của ngươi đó".

Desert Fathers, những nhà tu khổ hạnh ẩn cư Cơ Đốc Giáo vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, là một giáo đoàn với những đặc tính rất khác thường đã dùng mẫu chuyện trên đây để nói về giá trị của những khó khăn và khổ ải trong đời sống. Nhưng "Thành phố của sự khôn ngoan" đã mở ngõ cho người đệ tử trong câu chuyện trên không phải chỉ do những khổ cực mà ông ta đã trải qua. Lý do khiến người đệ tử đối phó một cách rất hiệu quả với những hoàn cảnh khó khăn là khả năng chuyển đổi viễn tượng của mình, khả năng khiến ông ta có thể nhìn hoàn cảnh của mình từ một quan điểm khác.

Khả năng chuyển đổi tầm nhìn được coi là một phương tiện vô cùng mạnh mẽ và hữu hiệu để đối phó với những khó khăn của đời sống. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích như sau:

"Có được khả năng nhìn sự việc từ những viễn tượng khác nhau là một điều rất bổ ích. Với khả năng này, người ta có thể dùng một số kinh nghiệm hoặc bi kịch nào đó để phát huy tính tĩnh lặng của tâm thức. Chúng ta nên nhớ rằng bất cứ một hiện tượng, biến cố nào cũng đều có những khía cạnh khác nhau. Tất cả mọi chuyện đều có tính cách tương đối. Thí dụ như trong hoàn cảnh mất nước của tôi. Dĩ nhiên đó là một thảm nạn khủng khiếp nếu nhìn vào những đổ nát tang thương tại Tây Tạng. Nhưng đồng thời, tôi cũng nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác, và với địa vị một người tỵ nạn, tôi có một viễn tượng khác. Đại loại như tôi không còn cần đến những nghi thức, lễ lạc như xưa nữa. Nếu mọi chuyện vẫn như cũ, vẫn tốt đẹp thì trong rất nhiều cơ hội, người ta chỉ giả vờ, làm cho có lệ. Nhưng khi đã trải qua hoàn cảnh hiểm nghèo thì không ai có thì giờ để ngụy tạo nữa. Nhìn từ góc độ đó, thảm nạn vừa qua cũng khá hữu ích cho tôi. Ngoài ra, tư cách tỵ nạn đã tạo cho tôi vô số cơ hội để gặp gỡ nhiều người. Những người từ các truyền thống tín ngưỡng, các tầng lớp xã hội khác nhau, những người mà nếu tôi vẫn còn trong nước thì có thể không có cơ hội để gặp.

"Thông thường thì khi có những rắc rối xảy ra, tầm nhìn của chúng ta bị thu hẹp lại. Làm như tất cả đều chú mục vào tâm trạng lo lắng đối với vấn đề, làm như chỉ có mình phải chịu đựng khó khăn. Tâm lý này có thể dẫn đến tình trạng chỉ nghĩ đến mình mà hậu quả là vấn đề trở nên phức tạp hơn. Khi tình trạng này xảy ra, tôi nghĩ rằng sự quan sát từ một góc cạnh rộng rãi hơn sẽ rất có ích như hiểu được rằng rất nhiều người khác cũng trải qua những khổ nạn như mình hoặc còn khổ hơn mình nữa. Phương pháp thay đổi cách nhìn này giúp chúng rất nhiều trong những trường hợp bịnh hoạn, đau đớn. Dĩ nhiên là không dễ gì tập trung ý tưởng để thực tập thiền quán khi những đau đớn thể xác dâng lên nhưng nếu thực hành thuần thục sẽ giúp chúng ta so sánh mình với những trường hợp tương tự chung quanh, quan sát nỗi khổ đau của mình từ một góc cạnh khác của đời sống. Và điều này giúp ích chúng ta rất nhiều. Ngược lại, nếu chỉ chú tâm vào chuyện đang xảy ra, chúng sẽ trở nên to lớn hơn, nặng nề hơn hầu như không kiểm soát nổi. Khi mang nỗi khổ của mình ra so sánh với một hoàn cảnh bi đát hơn, hiểm độc hơn, chúng ta sẽ thấy rằng nỗi khổ của mình nhỏ bé hơn, dễ dàng hơn và do đó, dễ chịu đựng hơn. 

Trước một buổi đàm luận với đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi vô tình gặp một người quen vốn là quản lý viên thiết bị tại chỗ làm cũ. Trong thời gian thuê mướn cơ sở của ông ấy, chúng tôi không mấy hòa thuận với nhau vì tôi tin rằng ông ta đã không cung cấp đúng tiêu chuẩn dịch vụ săn sóc bệnh nhân để đổi lấy những lợi lộc tài chính. Tôi không gặp ông ta đã lâu vậy mà cảm giác tức giận đột nhiên dâng lên khi tôi tình cờ giáp mặt ông ấy. Khi vào đến phòng khách riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma trong khách sạn, tôi đã dịu xuống rất nhiều nhưng tâm trí vẫn chưa hoàn toàn êm ả. Tôi nói với đức Đạt Lai Lạt Ma khi buổi đàm luận bắt đầu:

"Giả như ai đó làm mình bực tức, phản ứng tự nhiên của chúng ta là cảm giác sân hận nổi lên. Trong đa số trường hợp, cảm giác giận dữ không chỉ dâng lên vào lúc đó mà kéo dài về sau, có khi rất lâu về sau. Và mỗi khi nghĩ đến, cảm giác sân hận vẫn trở lại như lúc câu chuyện xảy ra lần đầu. Xin Ngài cho biết chúng ta phải đối xử với tâm lý này như thế nào? Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu và nhìn tôi. Tôi có cảm giác rằng Ngài biết tôi có lý do khi đưa ra câu hỏi này chứ không chỉ thuần túy với mục tiêu thảo luận. Ngài đáp:

"Nếu nhìn vấn đề dưới một góc cạnh khác, chúng ta sẽ thấy rằng người đã gây ra cảm giác bực bội cho mình cũng có những điểm tốt, những mặt tích cực. Lại nữa, ngay chính hành vi làm chúng ta giận dữ cũng có thể đã gây tạo cho chúng ta một vài cơ hội, vài điều mà bình thường chúng ta không làm sao thấy được, ngay cả trong quan điểm của chúng ta. Cho nên chỉ với một ít cố gắng, chúng ta có thể nhìn vấn đề từ nhiều góc cạnh khác nhau. Đó là điều rất hữu ích".

"Nhưng trong trường hợp mặc dù đã cố gắng, chúng ta cũng không tìm ra một điểm tốt đẹp hay một khía cạnh tích cực nào của câu chuyện thì sao ?"

"Trong trường hợp như vậy, chúng ta phải cố gắng hơn. Chúng ta phải cần thì giờ để tìm hiểu vấn đề từ những viễn tượng khác nhau, những viễn tượng trực tiếp, chánh yếu chứ không phải giả tạo, tưởng tượng. Đồng thời, chúng ta phải nhận xét một cách khách quan chứ không để cho tình cảm làm sai lạc sự nhận xét. Thường thì khi thù ghét một người nào, chúng ta cho họ xấu hoàn toàn, 100% tiêu cực - hoặc cùng một cách thế tương tự, khi yêu thương một người nào, chúng ta cho họ hoàn toàn tốt, 100% tích cực.

Nhưng cách nhìn đời như vậy không phù hợp với thực tế, vì trong nhiều trường hợp, một người bạn rất thân thiết mà ta đối xử như bát nước đầy cũng có thể vì một lý do nào đó làm phật lòng mình. Hoặc một kẻ thù của ta nhưng thật lòng hối lỗi, cư xử hết sức tử tế với mình thì không lý gì mình cứ quay lưng với họ. Cho nên không có ai hoàn toàn xấu mà cũng chẳng có ai hoàn toàn tốt. Người thật xấu cũng có điểm tốt và ngườt thật tốt cũng mang trong mình dăm ba khuyết điểm. Bởi vậy, khi cho một người nào đó hoàn toàn xấu hay tốt thì chẳng qua đó là sự phóng chiếu tâm lý của chính chúng ta, nghĩa là ta gán cho họ như vậy chứ không phải là bản chất thật của họ.

"Tìm cái tốt trong những người xấu là điều hữu ích nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải thường xuyên nhắc nhở mình, thường xuyên thực tập phương pháp chuyển đổi tầm nhìn cho đến khi tâm lý của chúng ta quen với cách sinh hoạt mới. Tổng quát mà nói, khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta không dễ gì thay đổi quan điểm nếu chỉ áp dụng một vài lần các tư tưởng mới. Muốn thay đổi, chúng ta phải kinh qua một thời gian dài học hỏi, luyện tập để làm quen với quan điểm mới hầu có thể đối phó hữu hiệu với hoàn cảnh khó khăn".

Giữ vững lập trường thực dụng của mình, đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp:

"Tuy thế, nếu đã cố gắng bằng mọi cách mà chúng ta vẫn không tìm thấy một góc cạnh tích cực nào trong hành động của một người nào đó thì có lẽ cách tốt nhất là quên nó đi."

Cảm hứng về những lời thuyết giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tối hôm đó, tôi cố tìm cho ra vài "góc cạnh tích cực" về viên quản lý nói trên với dữ kiện là ông ta không phải 100% xấu. Không mấy khó khăn, tôi đã nhớ lại rằng ông ấy là một người cha rất thương con, bằng mọi cách muốn cho con nên người. Và tôi cũng nhận ra rằng những lần đụng chạm với ông ta đã dẫn tôi đến một quyết định tốt đẹp hơn: Tìm được một địa điểm thuận lợi hơn nhiều cho công việc. Không phải những khám phá này làm cho tôi trở nên thân thiện với ông ta, nhưng quả thực, chúng làm tôi bớt ác cảm với viên quản lý mà không phải tốn nhiều công sức. Sau này, đức Đạt Lai Lạt Ma còn thuyết giảng về một bài học sâu sắc hơn: Làm sao để chuyển hóa thái độ của chúng ta đối với kẻ thù và làm sao để quan tâm đến họ.

VIỄN TƯỢNG MỚI ĐỐI VỚI KẺ THÙ

Phương pháp đầu tiên để chuyển hóa thái độ của chúng ta đối với kẻ thù, theo đức Đạt Lai Lạt Ma, là sự phân tích có hệ thống và hợp lý những phản ứng theo thói quen của chúng ta đối với những người làm thiệt hại đến mình. Ngài nói:

"Ta hãy bắt đầu bằng cách xét qua thái độ đặc trưng của mình đối với kẻ địch. Thông thường thì không ai trong chúng ta mong cho kẻ thù gặp được những điều tốt đẹp, nhưng nếu họ bị đau khổ do những hành động của ta thì liệu chúng ta có vui sướng gì không trong chuyện đó? Hãy nghĩ cho kỹ về trường hợp này, liệu có gì đáng thương hơn thế? Mang trong lòng cảm giác thù hận và những ước vọng xấu xa. Có thật chúng ta ích kỷ, bất xứng đến như vậy?"

"Nếu áp dụng phương pháp rửa hận đối với kẻ thù, chúng ta sẽ tạo ra một vòng lẩn quẩn vì khi chúng ta trả đũa, đối phương sẽ không ngồi yên để chấp nhận. Họ sẽ phản ứng mạnh hơn, rồi chúng ta cũng hành động như vậy để đáp lại và câu chuyện cứ thế ngày càng tệ hại. Khi tình trạng này xảy ra ở cấp cộng đồng, những oán thù có thể kéo dài qua nhiều thế hệ và hậu quả là cả hai phía đều bị thương tổn, cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa tươi đẹp. Trong các trại tỵ nạn, các phe nhóm chống đối lẫn nhau kéo theo cả trẻ con và đây là điều rất đáng buồn. Hận thù giống như lưỡi câu của ngư phủ và điều quan trọng là chúng ta phải cố gắng để đừng mắc câu.

"Cũng có khi người ta cho rằng những hận thù cao độ giúp bảo vệ những lợi ích quốc gia, nhưng theo tôi thì đây là những ý kiến tiêu cực và thiển cận. Ngược lại với quan điểm này là tâm lý hiểu biết và bất bạo động". 

Như muốn thử thách thái độ thường có của chúng ta đối với kẻ thù, đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra một đường hướng mới có thể tạo ra những tác động cách mạng trong đời sống con người. Ngài nói: "Trong đạo Phật, thái độ của chúng ta đối với kẻ thù được xem xét khá cẩn trọng với lý do thù hận là rào cản lớn lao nhất trong việc phát triển từ tâm và hạnh phúc. Nếu chúng ta có thể gia tăng lòng kiên nhẫn, tâm khoan nhượng đối với kẻ thù thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều: Lòng từ ái đối với tha nhân sẽ tự nhiên phát tiết. Đối với hành giả đang khai triển tâm thức, kẻ địch giữ một địa vị quan trọng. Như chúng ta đã thấy, từ ái là tinh túy của đời sống tâm linh. Muốn thành công trong hạnh từ bi, người ta không thể nào bỏ qua ý niệm khoan nhượng và nhẫn nhục. KHÔNG CÓ DŨNG CẢM NÀO HƠN ĐƯỢC ĐỨC NHẪN NHỤC CŨNG NHƯ KHÔNG PHIỀN NÃO NÀO TỆ HƠN LÒNG SÂN HẬN. Cho nên chúng ta phải nỗ lực tối đa để đừng bị vây bủa bởi cảm giác thù hận đối thủ mà ngược lại, nên coi đây là cơ hội để mình thực hành lòng khoan nhượng, chí nhẫn nhục.

"Thật ra, kẻ thù là điều kiện cần thiết để thực hiện đức nhẫn nhục, vì thiếu kẻ thù, khoan nhượng và kiên nhẫn sẽ không có điều kiện phát triển. Bạn hữu hay tha nhân không cho chúng ta những cơ hội, cũng không thử thách ta. Chỉ có kẻ thù mới giúp chúng ta có cơ hội vun bồi tính nhẫn nhục. Bởi vậy, dưới nhãn quan này, chúng ta sẽ thấy kẻ thù là một vị thầy xuất sắc mà chúng ta phải tôn trọng vì đã giúp chúng ta những cơ hội quý báu để thực hành hạnh nhẫn nhục.

Trên thế gian này có vô số vô lượng nhân sinh nhưng những người mà chúng ta có cơ hội tiếp xúc thì không là mấy. Và trong số ít ỏi này, những người gây phiền lụy cho chúng ta lại càng ít hơn. Vì hiếm hoi như vậy nên chúng ta phải trân quý họ. Cũng như vô tình tìm thấy bảo vật chôn giấu trong nhà, chúng ta nên vui vẻ và cảm kích những cơ hội quý báu mà họ đã tạo nên cho chúng ta. Muốn thành đạt trong công tác hành trì nhẫn nhục và khoan nhượng tức là những điều kiện quan yếu để chống lại cảm xúc tiêu cực, chúng ta phải phối hợp các cố gắng cá nhân và các cơ hội do kẻ thù cống hiến."

"Dĩ nhiên là người ta vẫn có thể nghĩ rằng: 'Ơ hay, tại sao mình phải tôn trọng kẻ thù, mang ơn về những cống hiến của họ vì họ đâu bao giờ có ý định cung cấp những cơ hội quý báu này? Đâu bao giờ có ý định giúp đỡ mình? Chẳng những họ không có ý giúp đỡ mà ngược lại, họ còn chủ tâm ám hại mình nữa. Cho nên, thù ghét họ là điều thích đáng, họ không xứng đáng được mình tôn trọng' . Thật ra chính cái tâm địa xấu xa, cái chủ ý muốn ám hại mình của kẻ thù đã tạo ra những hành động độc nhất đó. Vì nếu không có chủ tâm thì lắm khi, chúng ta cũng có thể thù ghét mấy ông bác sĩ, coi họ như kẻ thù khi những vị này phải sử dụng những phương pháp trị liệu đau đớn như mổ xẻ chẳng hạn. Nhưng tại sao chúng ta không thù ghét mấy ông bác sĩ đã gây đau đớn cho ta? Phải chăng vì hành động gây đau đớn đó xuất phát từ ý tưởng giúp đỡ thay vì hãm hại? Vậy thì chính cái chủ ý gây đau khổ đã làm cho hành động của kẻ thù trở nên độc nhất vì đã cống hiến cho chúng ta những cơ hội để thực hành đức nhẫn nhục.

Đề nghị của đức Đạt Lai Lạt Ma về việc tôn trọng kẻ thù vì những cơ hội do họ cống hiến cho chúng ta xem ra có vẻ khó áp dụng. Nhưng nếu chúng ta xem xét trường hợp những người luyện tập thể lực thì hoàn cảnh cũng không khác nhau bao nhiêu: Ban đầu, việc sử dụng các quả tạ thật không thoải mái tý nào nhưng về lâu về dài thì chính sự nặng nề của các quả tạ, nỗi cực nhọc gian khổ mà người ta kinh qua đã đưa đến kết quả mong đợi. Nghĩa là chúng ta không thích sự khổ cực do quả tạ gây ra trong hiện tại nhưng là kết quả mà chúng mang đến cho ta trong tương lai.

Ngay cả ý niệm "hiếm hoi" và "quý báu" mà đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến trong hành động của kẻ thù cũng rất hợp lý và thực tế. Do nghề nghiệp, tôi thường kiên nhẫn ngồi nghe những khó khăn mà các thân chủ thường gặp đối với người chung quanh, và tôi đã nhận ra một cách dễ dàng rằng, ở tầm mức cá nhân, mọi người trong chúng ta không ai có nhiều kẻ thù hay địch thủ. Thường thì những đụng chạm chỉ xảy ra với một ít người như xếp, đồng nghiệp, vợ/chồng cũ hay anh chị em. Như vậy, quả thật chúng ta không có bao nhiêu kẻ thù, tức là kẻ thù khá hiếm. Và những tiến trình giải quyết các xung đột với họ - học hỏi, khảo sát, tìm cách đối phó ... đã cuối cùng giúp chúng ta trưởng thành, đã tạo ra những tâm lý liệu pháp rất hiệu quả.

Hãy tưởng tượng cuộc sống chúng ta không có khó khăn, thù nghịch. Nếu từ lúc nằm nôi cho đến khi xuống mồ mà ai cũng nuông chiều và ưu đãi mình, lúc nào cũng hoan hỷ và tán dương mình. Nếu suốt đời không phải đối diện với một khó khăn hay thử thách ... Nói gọn lại, tức là chúng ta được đối xử như một đứa trẻ con. Mới nghe thì có vẻ hay đấy, nhưng nó sẽ làm cho chúng ta trở thành một hiện-hữu-vô-tích-sự-và-kỳ-quái với sự phát triển tinh thần và cảm xúc ở mức độ của một con bò con! Chính những vật lộn với đời làm chúng ta khôn lớn, và chính kẻ thù là người đã thử thách, đã giúp chúng ta trưởng thành.

MỘT THÁI ĐỘ THỰC DỤNG ?

Giải quyết những vấn đề của chúng ta một cách hợp lý, quan sát những chướng ngại hay địch thủ bằng nhiều viễn tượng khác nhau xem ra rất hữu ích, nhưng tôi hơi hoang mang rằng phương pháp này sẽ chuyển hóa thái độ của chúng ta đến mức nào. Tôi nhớ lại đoạn kinh sau đây mà tôi đã có dịp đọc trong một buổi nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma. Đoạn này là một phần trong bài kinh có tên "Tám vần thơ tu tâm" được viết bởi Langri Thangpa, một vị thánh Tây Tạng vào thế kỷ 11 mà đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn trì tụng hàng ngày :

- Khi liên tưởng đến ai, tôi xin nguyện làm kẻ thấp hèn nhất và tận đáy lòng, xin nâng họ lên cao ...

- Khi gặp kẻ có tâm địa xấu xa, bị thúc đẩy bởi tội lỗi hung bạo, tôi nguyện coi họ là những cơ duyên hiếm hoi quý báu như thể đã tìm được một gia tài quý giá.

- Khi ai đó vì lòng đố kỵ đã nhục mạ hay vu khống tôi, xin nguyện làm kẻ thua thiệt và dâng tặng cho họ sự chiến thắng.

- Khi ai đó mà tôi đặt hết lòng tin tưởng lại hãm hại tôi thật tàn tệ, nguyện xin coi họ là vị đạo sư.

- ...

Tóm lại, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, xin nguyện dâng tặng tất cả lợi dưỡng và hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh và xin âm thầm gánh lấy tất cả khổ não cùng nguy khốn cho tất cả mọi loài.

Đọc xong bài kinh, tôi hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma: "Tôi biết Ngài suy nghiệm về bài kệ này rất nhiều, nhưng Ngài có cho rằng nó thực dụng trong thế giới ngày nay? Vì tôi nghĩ bài kệ được viết bởi một tu sĩ sống cả đời trong tu viện, nơi mà đôi khi, người ta chỉ nói xấu, dối gạt nhau hay cùng lắm, một cái bợp tai hay vài quả thụi. Trong hoàn cảnh đó, dâng tặng chiến thắng cho người không phải là chuyện khó. Nhưng trong xã hội ngày nay, sự thương tổn bao gồm cả hãm hiếp, tra tấn, giết người ... Từ bối cảnh đó, những ý tưởng của bài kinh xem ra không thực tế lắm với cuộc sống bây giờ." Tôi có vẻ tự hào vì đã đưa ra một nhận xét mà tôi cho là khá thích đáng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma im lặng mấy phút với vẻ suy nghĩ sâu xa rồi đáp: "Những điều anh nói có phần đúng". Sau đó, Ngài nói đến những thay đổi cần thiết cho hợp thời của những ý tưởng trên và cho rằng người ta có thể phải sử dụng những phương pháp mạnh bạo hơn để tránh tổn hại cho mình và cho người.

Tối hôm đó, tôi ngồi suy nghĩ lại những điều đã được đề cập đến trong buổi nói chuyện. Có hai điểm chính hiện ra rõ rệt: Trước hết, tôi hơi ngỡ ngàng về thái độ sẵn sàng chấp nhận một cái nhìn mới đối với niềm tin và phương pháp tu hành thường nhật của đức Đạt Lai Lạt Ma. Thái độ này cho thấy ý muốn tái thẩm định những niềm tin cố hữu vốn đã thành tập quán được lập đi lập lại mỗi ngày trong bao nhiêu năm qua. Điểm thứ hai không mấy thú vị lắm vì tôi nhận ra rằng mình khá si mê. Tôi đã nói với đức Đạt Lai Lạt Ma rằng những ý tưởng trong bài kinh ấy không thích hợp với hoàn cảnh sống đầy tai biến hiện nay. Tôi đã nói với một người mất quê hương vì một sự xâm lấn hung bạo nhất trong lịch sử nhân loại, một người đã sống kiếp lưu đày gần bốn thập niên trong khi niềm hy vọng được giải phóng của cả đất nước đang đè nặng trên vai ông. Một người với trách nhiệm cá nhân thật sâu sắc đã lắng nghe bằng tất cả từ tâm hàng loạt những câu chuyện bi thảm từ giết chóc, hãm hiếp, tra tấn và cả tình trạng thoái hóa của người dân Tây Tạng dưới gót giày xâm lược của Trung quốc. Đã hơn một lần, tôi tận mắt nhìn thấy nét bi ai cũng như vẻ chăm chú trên nét mặt đức Đạt Lai Lạt Ma khi nghe những người vượt rặng Hy Mã Lạp Sơn chỉ để được một lần nhìn mặt Ngài, một cuộc hành trình gian khổ thường mất khoảng hai năm đi bộ.

Những câu chuyện về sự đày ải người dân Tây Tạng không chỉ nhắm vào thể xác mà còn có mục đích phá nát tinh thần của họ. Tôi có lần được nghe một người tỵ nạn trẻ tuổi nói về các trường học do Trung quốc lập ra. Tất cả các thanh thiếu niên lớn lên ở Tây Tạng đều phải vào các trường này. Buổi sáng, họ phải học tập về tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ thuyết Cộng sản. Buổi chiều là phần khảo bài tập làm tại nhà. Các bài tập làm tại nhà đều nhằm vào việc phá hủy toàn bộ tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào tâm thức người dân Tây Tạng. Thí dụ như biết rằng Phật giáo cấm sát sanh và rằng tất cả mọi chúng sinh hữu tình đều bình đẳng về quyền được sống, một thầy giáo đã bắt tất cả học sinh phải giết một số sinh vật và đem xác chết đến trường vào ngày hôm sau. Các sinh vật bị giết hại sẽ được xếp hạng để cho điểm : ruồi 1 điểm, côn trùng 2 điểm, chuột 5 điểm, mèo 10 điểm...(Về sau, khi nghe tôi kể lại chuyện này, một người bạn đã lắc đầu ngao ngán: 'Không biết học sinh sẽ được bao nhiêu điểm nếu giết chết tên thầy giáo khốn nạn đó?')

Trong hoạt động trau dồi tâm thức như trì tụng bài kệ Tám vần thơ tu tâm, mặc dù hiểu rõ về thực chất cuộc sống hiện nay, đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn tích cực hoạt động cho tự do và quyền làm người của dân Tây Tạng trong suốt 40 năm qua. Trong lúc đó, Ngài vẫn giữ vững thái độ khiêm cung và từ ái đối với Trung cộng. Thái độ này đã khiến hàng triệu người trên thế giới ngưỡng phục Ngài. Và tôi ngồi đây, tự hào với ý nghĩ cho rằng những tư tưởng đó có thể không phù hợp với thực tế của thế giới hiện tại. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại chuyện này, tôi vẫn còn hổ thẹn.

KHÁM PHÁ VIỄN TƯỢNG MỚI

Vào một buổi chiều nọ, tôi vô tình rơi vào một hoàn cảnh thật thích hợp để áp dụng phương thức chuyển đổi tầm nhìn đối với kẻ thù của đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi biên soạn cuốn sách này, tôi có tham dự vài buổi thuyết giảng của Ngài tại bờ biển phiá đông và tôi trở về nhà ở Phoenix bằng một chuyến bay thẳng (không ghé các trạm phụ). Như thường lệ, tôi giữ một chỗ ngồi ở kế lối đi ... Mặc dù mới tham dự buổi thuyết giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi cũng không mấy thích thú khi phải chen lấn trên chuyến bay chật cứng hành khách. Và tôi nhận ra chỗ ngồi đã bị xếp lầm vào hàng ghế giữa. Bên này là một ông khách to lớn ngồi choán cả chỗ để tay. Bên kia là một người đàn bà trung tuần mà mới nhìn mặt là tôi đã thấy ghét vì nghi rằng bà ấy đã chiếm chỗ ngoài bìa của tôi. Có một cái gì đó ở người đàn bà này làm tôi khó chịu. Giọng nói the thé hay điệu bộ quá kiểu cách? Tôi không chắc lắm.

Sau khi máy bay cất cánh, người đàn bà bắt đầu nói chuyện không ngớt với người đàn ông ngồi trước mặt mà qua lời đối thoại, tôi được biết là chồng bà ta. Tôi lịch sự đề nghị đổi chỗ cho ông ấy nhưng bị từ chối vì cả hai người đều muốn ngồi ở hàng ghế ngoài. Sự việc làm tôi bực tức thêm. Tưởng tượng phải ngồi trong tình trạng hắc ám này trong suốt chuyến bay dài 5 tiếng đồng hồ làm tôi không chịu nổi. Bỗng tôi nhận ra là mình đã phản ứng quá đáng với một người đàn bà không quen biết, tôi bèn chú tâm suy nghĩ về tình trạng này: Có lẽ bà ta làm tôi liên tưởng đến một người nào đó lúc còn niên thiếu, cảm giác ghét bỏ không thể giải thích được đối với mẹ tôi hoặc một điều gì đó. Tôi lục lọi trí óc nhưng không thể tìm ra được một hình ảnh nào của thời đã qua.

Rồi thì tôi chợt nhận ra bà ta là một cơ hội toàn hảo để tôi thực tập phát triển tính nhẫn nhục. Tôi tập trung tư tưởng để hình dung ra địch thủ của tôi được xếp ngồi ở ghế ngoài bìa hầu có dịp cho tôi một bài học về nhẫn nhục và khoan nhượng, và tôi nghĩ rằng sự tập trung tư tưởng sẽ không khó khăn gì: Tôi vừa mới gặp bà ta, người đàn bà chẳng làm gì thiệt hại đến tôi cả, vân vân và vân vân. Độ hai mươi phút sau thì tôi đầu hàng, người đàn bà vẫn làm tôi bực bội suốt chuyến bay. Với tâm trạng hờn dỗi, tôi nhìn vào bàn tay người đàn bà đang gát trên chỗ để tay của tôi. Tôi ghét mọi thứ liên hệ đến bà ta! Tôi nhìn vào chiếc móng tay ngón cái của người đàn bà và tự hỏi có phải tôi không thích cái móng tay này? Không, chẳng có gì đáng ghét cả, nó trông bình thường. Kế đó, tôi nhìn đôi mắt bà ta và nghĩ: Tôi không thích đôi mắt này chăng? Đúng, đúng rồi! (dĩ nhiên là không có lý do và đây là hình thức thông thường nhất của tâm trạng ghét bỏ) Tôi quan sát kỹ hơn: Có phải tôi không thích đôi đồng tử? Không hẳn! Hay lớp võng mô, hay tròng mắt hay giác mạc? Cũng không đúng. Có chắc là tôi không thích đôi mắt người đàn bà? Tôi không chắc lắm. Vậy thì tôi ghét cái gì ở người đàn bà không quen này? Tôi nhìn đến các ngón tay, đến khuỷu tay ... và tôi nhận ra chẳng có gì đáng ghét cả.

Quan sát từng chi tiết nhỏ thay vì một cái nhìn tổng quát làm thay đổi tình cảm ghét bỏ của tôi đối với người đàn bà. Sự chuyển đổi tầm nhìn làm tôi mất hẳn thành kiến đối với bà ta và tôi thấy bà ta cũng bình thường như những người khác. Khi những tư tưởng này lần lượt diễn ra trong trí thì người đàn bà bỗng quay sang nói chuyện với tôi. Tôi không nhớ là chúng tôi đã trao đổi với nhau những gì - chỉ là chuyện xã giao - nhưng nhờ đó mà mối bực tức trong lòng tôi đã giảm hẳn. Người đàn bà không trở nên một người bạn mới của tôi nhưng cũng không còn là con mụ hắc ám đã chiếm chỗ ngồi phía ngoài của tôi nữa. Người đàn bà chỉ đơn thuần là một con người, như tôi, đang sống giữa chợ đời.

MỘT TÂM THỨC LINH HOẠT

Khả năng chuyển đổi tầm nhìn, khả năng nhìn các khó khăn của đời sống từ nhiều góc cạnh khác nhau là sản phẩm của một tâm thức linh hoạt. Một tâm thức linh động, mềm dẻo cho phép chúng ta dang tay ôm trọn cuộc sống, sống một cách trọn vẹn và đầy nhân tính. Sau một ngày dài nói chuyện với công chúng ở Tucson, đức Đạt Lai Lạt Ma tản bộ về phòng riêng của Ngài trong khách sạn. Trên trời, những đám mây chiều rực rỡ chiếu sáng cả vùng đồi núi Catalina và toàn thể cảnh vật mênh mông được nhuộm một màu đỏ tía. Quang cảnh thật hết sức lộng lẫy. Khí trời ấm áp, phảng phất hương thơm của các loài cây sa mạc, mùi cỏ sô thơm, mùi ẩm thấp, gió heo may ... tất cả như báo trước sự xuất hiện không thể nào kềm giữ được của cơn giông miệt Sonoran.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng bước, lặng lẽ ngắm chân trời, quan sát toàn thể cảnh vật rồi cuối cùng, đưa ra vài nhận xét về kiến trúc khu vực Ngài đang tạm trú. Đức Đạt Lai Lạt Ma cất bước rồi lại ngừng, Ngài cúi xuống mân mê một búp non của bụi oải hương. Ngài nhận xét vẻ mảnh khảnh của cành hoa và phân vân tại sao nó lại có tên như vậy. Tôi bỗng dưng khâm phục về tính linh động của tâm thức đức Đạt Lai Lạt Ma: Đang quan sát vẻ bao la vô tận của thiên nhiên bỗng quay sang một búp hoa nhỏ bé, đang thưởng ngoạn nét hùng vĩ của toàn vùng nhưng cũng không bỏ sót một chi tiết nhỏ nhoi. Cái khả năng bao quát tất cả mọi phương diện của đời sống, toàn bộ cuộc đời.

Tất cả chúng ta đều có khả năng làm cho tâm thức trở nên linh hoạt. Đây là kết quả của các cố gắng nới rộng tầm nhìn, cố gắng nhìn sự việc từ một quan điểm mới. Nó cho phép ta nhìn thấy toàn cảnh cùng lúc với chi tiết. Cách nhìn lưỡng thể này (vừa thấy đại thể vừa thấy tiểu thể cùng một lúc) cho phép chúng ta phân biệt cái gì quan trọng trong cuộc sống và cái gì không. Riêng trường hợp của tôi, trong những buổi đàm thoại, tôi cũng được ảnh hưởng chút đỉnh bởi thái độ của đức Đạt Lai Lạt Ma để thoát ra khỏi quan điểm hẹp hòi của mình. Do bản tính cũng như được huấn luyện bởi nghề nghiệp, tôi thường diễn đạt các vấn đề từ quan điểm cá nhân. Tôi cho rằng các diễn biến tâm lý hoàn toàn nằm trong phạm vi trí thức, còn các viễn tượng về chính trị và xã hội của vấn đề thường không được tôi quan tâm đúng mức. Trong một lần gặp gỡ, tôi đã hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma về tầm quan trọng của việc đạt được một tầm nhìn rộng rãi hơn. Đã uống hai ba ly cà phê trước đó, tôi diễn đạt một cách khá linh động và hào hứng về khả năng chuyển đổi tầm nhìn như là một diễn biến nội tại, có tính cách cá nhân và tùy thuộc hoàn toàn vào ý chí từng người trong quyết định chấp nhận một quan điểm mới. Đức Đạt Lai Lạt Ma thấy tôi có vẻ hơi quá đà nên ngắt lời: 

"Khi đề cập đến việc chấp nhận một quan điểm rộng rãi hơn tức là chúng ta nói đến sự hợp tác với tha nhân. Khi nói đến những vấn nạn có tính cách toàn cầu như vấn đề môi sinh, cấu trúc kinh tế hiện tại ... tức là chúng ta đã kêu gọi cố gắng hợp tác và hòa đồng từ nhiều người chứ không đơn thuần là sản phẩm riêng rẽ của cá nhân."

Không mấy hài lòng khi đức Đạt Lai Lạt Ma cứ đề cập đến ý niệm toàn cầu trong khi tôi đang chú tâm vào vai trò của cá nhân (và tôi phải công nhận rằng đây là trọng điểm của việc nới rộng tầm nhìn) nên tôi quả quyết: "Nhưng tại các buổi nói chuyện trong tuần này, Ngài đã nói về tầm quan trọng của sự thay đổi thái độ từ bên trong, của sự chuyển hóa nội tại. Ngài cũng nói nhiều về việc phát triển từ tâm, tâm trạng nồng nhiệt, khắc phục giận dữ, chế ngự hận thù, vun bồi nhẫn nhục và khoan nhượng ... toàn là các vấn đề cá nhân".

"Vâng, đương nhiên là sự thay đổi phải bắt nguồn từ bên trong của mỗi người". Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Nhưng khi tìm kiếm các giải pháp cho các vấn nạn có tính cách toàn cầu, chúng ta phải nhìn vấn đề từ quan điểm cá nhân cũng như quan điểm xã hội, cộng đồng. Cho nên khi nói đến tính cách mềm dẻo của tâm thức, nói đến một quan điểm rộng rãi hơn ... chúng ta phải có khả năng diễn đạt vấn đề từ nhiều cấp độ: phạm vi cá thể, mức độ cộng đồng và tầm mức thế giới.

"Trong một buổi nói chuyện tại trường đại học, tôi có đề cập đến nhu cầu hạn chế hận thù, giận dữ bằng cách vun trồng nhẫn nhục và khoan nhượng. Tối thiểu hóa thù hận cũng giống như giải giới nội tâm. Nhưng cũng trong buổi nói chuyện đó, tôi đã nêu rõ nhu cầu giải giới phải được thực hiện cả bên trong lẫn bên ngoài. Đây là một điểm rất quan trọng. May mắn là sau khi Đế quốc Sô viết sụp đổ, ít nhất vào lúc này, chúng ta không bị đe dọa bởi sự hủy diệt nguyên tử, và tôi cho rằng đây là thời điểm, là sự khởi đầu rất tốt đẹp mà chúng ta không nên để lỡ. Chúng ta phải tăng cường sức mạnh hòa bình, chân hòa bình chứ không phải chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh và bạo lực. Không có chiến tranh có thể là do sự sợ hãi đối với các loại vũ khí như mối đe dọa hạt nhân, nhưng tình trạng này không phải là một nền hòa bình chân chính và lâu dài. Hoà bình phải được thành hình từ sự tin tưởng lẫn nhau. Vì vũ khí là chướng ngại lớn lao nhất cho công cuộc phát triển niềm tin, nên tôi cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta tìm cách giải giới. Đây là chuyện lớn nên không thể quyết định hấp tấp và một giải pháp từng phần có thể rất hợp lý. Phải đặt rõ mục tiêu tối thượng của thời đại chúng ta là toàn thể thế giới phải trở thành phi quân sự. Do vậy, ở tầm vóc cá nhân, chúng ta phải phát triển an bình trong tâm thức, nhưng đồng thời ở mức độ toàn cầu, chúng ta phải nhắm đến mục tiêu giải giới và kiến tạo hòa bình. Bất cứ một đóng góp nào dù nhỏ nhoi cũng đều được cổ võ. Và đó là trách nhiệm của thời đại chúng ta.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA LỐI SUY NGHĨ LINH HOẠT

Có một sự liên hệ hỗ tương giữa tâm thức linh hoạt và khả năng chuyển đổi tầm nhìn. Tâm thức linh hoạt hay mềm dẻo giúp chúng ta diễn giải vấn đề từ nhiều viễn tượng khác nhau hay cố tình khảo sát vấn đề một cách khách quan từ nhiều vị trí khác biệt đều có thể được coi là những hình thức huấn luyện làm cho tâm thức trở nên linh hoạt, dễ uốn nắn. Trong thế giới ngày nay, những cố gắng đạt đến một lề lối suy nghĩ linh động không còn đơn thuần là những thao tác nhàn nhã của trí tuệ, mà nó trở thành vấn đề sống chết. Trong diễn trình tiến hóa, những loài dễ thích ứng với các thay đổi của môi trường sinh thái, dễ uốn nắn thường không bị hủy diệt và phát triển theo thời gian. Đặc trưng của cuộc sống ngày nay là bất ngờ và các thay đổi đôi khi nhuốm vẻ bạo lực, cho nên lề lối suy nghĩ linh hoạt giúp ta thỏa hiệp với những thay đổi xảy ra chung quanh. Nó cũng giúp chúng ta hợp nhất với những xung đột nội tại, những bất nhất, những lưỡng ước trong tâm tưởng. Không có một tâm thức mềm dẻo, cách nhìn đời của chúng ta sẽ dễ bị sứt mẻ và từ đó, sự liên hệ của chúng ta đối với cuộc đời mang màu sợ hãi. Nhưng nếu chấp nhận một khuynh hướng mềm dẻo đối với cuộc đời, chúng ta có thể duy trì tâm trạng bình tĩnh ngay trong các điều kiện khắc nghiệt. Do quyết tâm, chúng ta có thể đạt được một tâm thức linh hoạt để nuôi dưỡng chí dũng mãnh của tuệ giác.

Trong thời gian quen biết đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi vẫn khâm phục tính linh động, khả năng suy xét bằng nhiều nhãn quan của Ngài. Người ta có thể nghĩ rằng với vai trò độc nhất của Ngài (một tu sĩ Phật giáo được nhắc nhở, chấp nhận nhiều nhất), đức Đạt Lai Lạt Ma được người đời tôn vinh là KẺ BẢO VỆ NIỀM TIN. Mang ý tưởng đó, tôi hỏi: "Có khi nào Ngài thấy mình quá cứng rắn trong việc bảo vệ niềm tin của mình ?"

"À ..." Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lát rồi đáp: "Không, tôi không nghĩ vậy. Trái lại là khác. Nhiều khi tôi bị kết tội là thiếu nhất trí trong chính sách vì quá linh động". Đức Đạt Lai Lạt Ma phá ra cười: "Lắm khi ... một người đến gặp tôi và đưa ý kiến về một vấn đề gì đó. Khi hiểu lý do tại sao người ấy đưa ra đề nghị như vậy thì tôi bằng lòng và khen 'tốt lắm'. Rồi một người khác đến gặp tôi với quan điểm trái ngược, tôi cũng thấy lý do của anh ta và tôi cũng bằng lòng. Thành ra không thiếu gì dịp tôi bị trách cứ và được nhắc nhở là 'Trước đây, chúng ta đã đồng ý về giải pháp này và trong giai đoạn hiện tại, chúng ta phải tiếp tục chính sách đã được đề ra' ...".

Khi nghe như vậy, người ta có thể cho rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là thiếu quyết định, không có những nguyên tắc dẫn đạo ... Thật ra không phải như vậy. Ngài có những niềm tin căn bản làm hậu thuẫn cho các quyết định của mình: Tin tưởng rằng bản chất con người vốn thiện, tin tưởng vào giá trị của lòng từ bi, tin tưởng ở một chính sách khoan hòa và tin tưởng vào sự đồng đẳng giữa mọi loài. Khi nói đến tính linh hoạt, dễ thích hợp, tôi không có ý định cho rằng chúng ta sẽ trở thành một thứ hoạt đầu, theo gió, nghĩa là hễ thấy cái gì lạ, mới là hùa theo đến độ quên cả nguồn gốc, căn bản. Sự thăng tiến và phát huy tâm thức ở bình diện cao tùy vào sự chỉ đạo của những giá trị căn để mà chúng ta đã có. Hệ thống giá trị này giúp đời sống được liên tục và có mạch lạc qua những kinh nghiệm mà chúng ta gặp được trên đường đời. Nó cũng giúp chúng ta quyết định những mục tiêu nào là hữu ích, đáng theo đuổi và mục tiêu nào không. 

Câu hỏi được đặt ra là làm sao chúng ta vẫn nhất quán, không chao đảo trong việc duy trì những giá trị căn bản đồng thời lại linh hoạt, dễ chấp nhận các viễn tượng mới ? Đức Đạt Lai Lạt Ma xem ra đã đạt được mục tiêu này bằng cách đơn giản hóa những giá trị căn để của mình xuống 3 phương diện chính:

1- Tôi là một chúng sinh.

2- Tôi muốn được hạnh phúc và tránh xa khổ não.

3- Tất cả mọi người cũng muốn được hạnh phúc và tránh xa khổ não như tôi.

Nhấn mạnh vào những giá trị chung mà Ngài cùng chia xẻ với mọi người thay vì để ý đến những khác biệt đã khiến đức Đạt Lai Lạt Ma có được cảm giác kết nối với tha nhân, đồng thời dẫn đến niềm tin vào lòng vị tha và từ ái. Sử dụng phương pháp này có thể mang lại cho chúng ta sự tưởng thưởng lớn lao bằng cách nhìn lại những giá trị căn bản của mình rồi giản lược chúng vào một vài nguyên tắc chính yếu. Chính sự giản lược vào các trọng điểm này cho phép chúng ta được tự do và linh động trong khi ứng phó với hàng loạt những vấn nạn mà ai cũng gặp phải trong đời sống hàng ngày.

TÌM KIẾM SỰ QUÂN BÌNH

Phát triển tính linh hoạt trong đời sống không chỉ giúp chúng ta trong sự ứng xử, nó còn là yếu tố căn bản của cuộc sống hạnh phúc: sự quân bình. Một buổi sáng, ngồi thoải mái trong chiếc ghế, đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về giá trị của một đời sống quân bình như sau:

"Một khuynh hướng khôn khéo và quân bình, tránh các cực đoan là những yếu tố quan trọng của cuộc sống hàng ngày về mọi phương diện. Cũng như khi trồng một cây non, chúng ta phải cẩn trọng và khéo léo. Quá nhiều nước hay ánh sáng sẽ có hại cho cây, không đủ nước hay ánh sáng cũng không tốt cho cây. Nghĩa là chúng ta phải cung cấp một điều kiện sinh thái quân bình để cây non có thể phát triển. Đối với sức khoẻ thể chất của chúng ta cũng vậy, quá nhiều hay quá ít một chất gì cũng đều dẫn đến kết quả không tốt, kể cả chất đạm. 

"Khuynh hướng khôn khéo và hòa nhã, không vướng vào cực đoan cũng cần thiết cho sự trưởng thành của cảm xúc và tâm lý. Thí dụ như khi thấy mình trở nên kiêu mạn, thấy mình quá quan trọng vì những thành quả đạt được thì phản đề trong hoàn cảnh này là nghĩ đến những vấn nạn, những khổ não của chính mình, suy gẫm đến những phương diện bất như ý của cuộc sống. Làm như thế sẽ khiến chúng ta bớt kiêu ngạo mà trở nên khiêm tốn hơn. Ngược lại, khi soi rọi về những bản chất không thỏa đáng của cuộc sinh tồn, về các đau đớn và khổ não làm cho chúng ta bị chìm ngập bởi ý tưởng bi quan, thì nguy cơ là chúng ta lại rơi vào một thái cực khác mà hậu quả là chúng ta bị nản chí, vô vọng và suy thoái vì nghĩ rằng: 'Ôi, tôi không làm được gì cả, tôi vô tích sự'. Trong hoàn cảnh này, hãy nghĩ đến những thành công đã gặt hái, đến những tiến bộ đã đạt được hoặc những phẩm chất tích cực khác để đẩy lui các ý tưởng bi quan, chán nản. Nói gọn lại, cái mà chúng ta cần là một khuynh hướng quân bình và khôn khéo.

Khuynh hướng này không chỉ giúp chúng ta có được sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn giúp sự phát triển tâm linh. Chẳng hạn như trong Phật giáo, có rất nhiều kỹ thuật và phương pháp hành trì. Nhưng không phải tất cả các phương thức và kỹ thuật này đều thích hợp cho tất cả mọi người. Mỗi cá nhân phải chọn những hình thức thích hợp để không bị quá tải, nghĩa là chúng ta cũng cần đến sự quân bình và khôn khéo. Khi hành trì Phật đạo, chúng ta nên chọn một khuynh hướng phối hợp bao gồm cả nghiên cứu học hỏi lẫn thực tập thiền định. Nó tránh cho chúng ta tình trạng mất thăng bằng giữa học và hành vì nếu quá chú trọng vào phần hiểu biết, chúng ta sẽ thiếu phần thực tập, và nếu quá chú tâm vào thực hành, chúng ta sẽ không đủ tri thức ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng một lúc để suy ngẫm rồi nói tiếp: "Nói cho dễ hiểu thì hành đạo trên một phương diện nào đó cũng giống như bộ phận ổn định hiệu thế của giòng điện. Nó giúp chúng ta tránh được những gia giảm bất thường đồng thời giữ cho giòng điện lúc nào cũng ổn định và liên tục." 

Tôi chen vào: "Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tránh rơi vào các cực đoan nhưng chính những thái quá này làm cho đời sống trở nên kích động và thích thú. Nếu lúc nào cũng tránh quá đà, lúc nào cũng ở trong trạng thái 'trung đạo', liệu đời sống có trở nên nhạt nhẽo, vô vị?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu và đáp: "Tôi nghĩ rằng chúng ta phải thấu hiểu căn nguyên của cảm xúc quá khích. Hãy nói đến sự đeo đuổi vật chất thế tục như nhà cửa, đồ đạc, quần áo ... Một mặt, sự nghèo đói được coi là một thái cực mà chúng ta cần phải khắc phục vì con người có quyền được hưởng những tiện nghi tối thiểu. Mặc khác, quá xa hoa sung sướng cũng là một thái cực khác. Mục tiêu của việc theo đuổi những cám dỗ vật chất là sự thỏa mãn, sung sướng. Nhưng càng có nhiều, người ta càng cảm thấy chưa đủ và người ta mang tâm trạng không thỏa mãn, không hài lòng. Chính cảm giác không thỏa mãn này, cảm giác mong muốn ngày một nhiều hơn này không phát xuất từ những vật chất mà chúng ta có được, nó phát xuất từ trạng thái tinh thần của chúng ta.

"Vì vậy, tôi cho rằng khuynh hướng cực đoan thường được thúc đẩy bởi các cảm giác không thỏa mãn. Dĩ nhiên là cũng có những lý do khác đưa đến khuynh hướng cực đoan nhưng điều quan trọng là sự quá khích tuy có vẻ kích động và hấp dẫn, chúng thường đưa đến những hậu quả nguy hại. Có rất nhiều thí dụ về điều này và khi khảo sát chúng, người ta dễ dàng nhận ra rằng chính chúng ta là nạn nhân của các chủ trương quá khích. Ngư nghiệp chẳng hạn, nếu không chú trọng đến các hậu quả trường kỳ, hành động vô trách nhiệm bằng cách bắt cá bằng mọi phương tiện thì một ngày nào đó, cá sẽ bị tuyệt chủng. Tình dục cũng vậy. Chúng ta không chối cãi rằng con người có nhu cầu tự nhiên về truyền giống và sự thỏa mãn thể xác qua hoạt động tình dục, nhưng nếu không có trách nhiệm tương xứng, nó sẽ dẫn đến các tệ nạn như lạm dụng tình dục, loạn luân..."

"Ngài vừa đề cập đến những lý do khác đưa đến khuynh hướng quá khích..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu: "Vâng, đúng như vậy."

"Xin Ngài cho một thí dụ."

"Tư tưởng hẹp hòi cũng là một nguyên do đưa đến quá khích."

"Tư tưởng hẹp hòi theo nghĩa ...?"

"Thí dụ về ngư nghiệp mà tôi vừa nói ở trên là một điển hình về sự hẹp hòi và nông cạn của tâm thức theo nghĩa người ta chỉ nghĩ đến hiện tại mà không để ý đến tương lai. Ơ đây, người ta có thể sử dụng giáo dục và kiến thức để nới rộng tầm nhìn, giảm bớt tính nông cạn trong quan điểm của chúng ta."

Đức Đạt Lai Lạt Ma cầm xâu chuỗi ở chiếc bàn con bên cạnh ghế ngồi, xoa giữa hai tay và im lặng suy ngẫm về đề tài đang thảo luận. Cúi nhìn xâu chuỗi, Ngài nói tiếp: "Có nhiều cách khiến cho những tư tưởng nông cạn hẹp hòi dẫn đến sự quá khích, và chuyện này gây ra nhiều rối rắm. Tây Tạng là một quốc gia theo Phật giáo từ nhiều thế kỷ. Hậu quả là người Tây Tạng coi Phật giáo là tôn giáo hoàn hảo nhất và có khuynh hướng cho rằng nếu mọi người trên thế gian này đều là Phật tử thì thật là một điều tốt đẹp. Ý niệm cho rằng tất cả mọi người đều là Phật tử thật là cực đoan và lối suy nghĩ này đã gây ra nhiều hệ lụy.

"Nhưng bây giờ không còn ở Tây Tạng nữa, chúng tôi có dịp liên hệ và tìm hiểu những truyền thống tín ngưỡng khác. Điều này đưa người Tây Tạng đến gần với thực tế hơn, nhận thức được rằng có nhiều thiên hướng tinh thần khác nhau trong cộng đồng nhân loại. Cố gắng Phật giáo hóa toàn thế giới là một điều không tưởng. Qua sự liên hệ với các truyền thống khác, chúng ta tìm được những điểm tích cực ở họ và do đấy, khi đối diện với một tôn giáo khác, chúng ta sẽ có cảm giác tích cực và thoải mái. Chúng ta sẽ nghĩ rằng nếu ai đó tìm thấy một truyền thống thích hợp hơn, hiệu quả hơn cho họ thì đấy là một điều tốt. Cũng giống như khi đi nhà hàng, chúng ta có thể ngồi chung một bàn, gọi những món ăn khác nhau tùy theo sở thích. Chúng ta thưởng thức những món ăn khác nhau này và không ai bàn cãi gì về chuyện đó cả.

"Cho nên tôi nghĩ rằng, khi mở rộng tầm nhìn, chúng ta sẽ khắc phục được tư tưởng cực đoan với những hậu quả rất tiêu cực." Đức Đạt Lai Lạt Ma quàng xâu chuỗi vào cổ tay, thân mật vỗ lên tay tôi, đứng dậy và kết thúc buổi nói chuyện.

Chương 11

TÌM HIỂU MỤC ĐÍCH CỦA ĐAU ĐỚN VÀ KHỔ NÃO

Victor Frankl, một tâm lý gia người Do Thái từng bị Nazis cầm tù trong trận thế chiến thứ 2, đã nói: "Người ta sẵn lòng chịu đựng bất cứ khổ não nào miễn là họ thấy được ý nghĩa của nó". Do những kinh nghiệm tàn bạo vô nhân mà Frankl đã trải qua trong trại tập trung, ông ta có thể hiểu được tại sao người ta sống sót qua những đày ải hết sức tàn bạo. Quan sát kỹ càng ai đã vượt thắng và ai đã đầu hàng hoàn cảnh, ông quả quyết rằng sức mạnh thể chất hay tuổi trẻ không phải là lý do chính, nhưng là sức mạnh tinh thần tỏa ra từ việc nhìn thấy mục đích và ý nghĩa của sự tồn vong đã giúp người ta thành công.

Tìm hiểu về mục đích của khổ nạn là phương pháp rất hiệu nghiệm giúp chúng ta chống chọi với những giai đoạn khó khăn nhất trong đời. Nhưng đây không phải là chuyện dễ dàng. Những khổ nạn thường xảy ra một cách tình cờ, không có tính cách phân biệt và rất vô nghĩa. Trong khi đang bị vây phủ bởi đau đớn và khổ não, tất cả mọi năng lực của chúng ta đều tập trung vào mục tiêu làm sao để ra khỏi sự vây bủa này, và trong thời khoảng mà các thảm kịck hay khủng hoảng đang ở cao điểm, hầu như chúng ta không thể nào tìm hiểu được ý nghĩa hay mục đích của những khổ nạn. Trong những trường hợp này, chúng ta không làm gì được ngoài việc chịu đựng một cách kiên trì. Người ta thường cho rằng những khổ nạn mà mình phải cưu mang là không công bằng và vô nghĩa. Người ta tự hỏi "Tại sao lại là tôi?". Tuy vậy, cũng may là chúng ta có những thời điểm trước hoặc sau các giai đoạn khổ đau cao độ để suy ngẫm hầu tìm hiểu ý nghĩa cuả các khổ nạn. Thời gian mà chúng ta dùng để suy ngẫm và tìm hiểu này sẽ là phần thưởng quý báu khi bất hạnh xảy đến. Nhưng muốn được hưởng những phần thưởng này, chúng ta phải bắt đầu cuộc truy tầm khi mọi chuyện còn đang bình thường và êm đẹp. Muốn chống lại gió bão, cây cần phải có rễ bám sâu vào lòng đất, nhưng cây không thể mọc rễ kịp khi cơn giông đã xuất hiện ở chân trời.

Vậy thì chúng ta bắt đầu cuộc truy tầm mục đích của khổ não từ chỗ nào? Đối với đa số quần chúng, sự truy cứu thường khởi đầu từ truyền thống tín ngưỡng. Mặc dù các tôn giáo có những phương thức khác nhau để nhận thức ý nghĩa và mục đích các khổ đau của nhân loại, mỗi tôn giáo cung ứng các phương thức ứng phó với khổ não dựa trên những đức tin căn bản của mình. Thí dụ như trong Phật giáo hay Ấn giáo, khổ não là kết quả của những hành động tiêu cực trong quá khứ, và chính điều này là chất xúc tác trọng yếu nhất của sự giải phóng tâm linh.

Theo truyền thống Du Đà Cơ Đốc, vũ trụ được Thượng Đế dựng lên và mặc dù họa đồ chính của Ngài đôi khi có vẻ bí mật và không thể giải đoán được, lòng tin cẩn đối với Ngài đã khiến chúng ta khoan nhượng khổ nạn một cách dễ dàng và đầy tin tưởng hơn. Cũng như Talmud đã nói: "Mọi chuyện mà Thượng Đế làm, Ngài đều làm vì sự tốt lành nhất". Cuộc sống có thể đau khổ nhưng giống như khi người đàn bà sanh nở, chúng ta tin tưởng rằng kết quả tốt đẹp sau cùng sẽ biện minh cho sự đau đớn đó. Sự thử thách mà các truyền thống tôn giáo này phải đối diện là, không như tình trạng lâm bồn của sản phụ, các kết quả tốt đẹp thường không hiển bày cho chúng ta. Tuy vậy, đối với những người có một đức tin vững mạnh vào Thượng Đế, tin tưởng vào mục tiêu tối hậu của Ngài giúp họ chịu đựng được nghịch cảnh. Cũng như một nhà hiền triết Hasidic[3]đã nói: "Khi bị đày ải, người ta không nên than rằng 'Thật là tồi tệ!' vì Thượng Đế không áp đặt bất cứ một điều gì xấu xa lên con người. Nhưng người ta có thể nói rằng: 'Thật là cay đắng' vì khá nhiều loại thuốc được làm bằng những dược thảo đắng chát". Như vậy, theo quan niệm của truyền thống Du Đà Cơ Đốc, khổ nạn có nhiều mục đích: Thử thách và tăng cường lòng tin, giúp chúng ta đến gần với Thượng Đế một cách vững chắc và thân tình, giúp chúng ta tránh xa những cám dỗ vật chất và gắn bó với Ngài như là chỗ dung thân.

Trong khi các truyền thống tín ngưỡng có thể giúp con người tìm thấy những mục đích và giá trị nằm sau các khổ nạn, những người không phải là tín đồ của một tôn giáo cũng có thể dùng suy nghiệm để hiểu ra điều này. Tuy không mang cảm giác thú vị, các khổ nạn rõ ràng đã thử thách, tăng cường kinh nghiệm sống. Bác sĩ Martin Luther King Jr có lần đã nói: "Cái gì không hủy hoại được tôi, sẽ làm tôi dũng mãnh hơn." Mặc dù con người tự nhiên chùn bước trước khổ não, chính nó đã thách đố chúng ta, và trong nhiều trường hợp đã làm chúng ta phát huy tối đa năng lực của mình.

Trong cuốn Người thứ ba (The Third Man), tác giả Graham Green đã quan sát: "Trong 30 năm dưới triều đại giòng Borgia, Ý Đại Lợi đã tả tơi vì chiến tranh, khủng bố, ám sát và tắm máu; nhưng đồng thời cũng đã tạo ra Michelangelo, Leonardo Da Vinci và chủ nghĩa Phục Hưng. Tại Thụy Sĩ, người ta sống trong tình huynh đệ, 500 năm hòa bình và dân chủ của người Thụy Sĩ đã sản xuất được gì ? Chỉ có cái đồng hồ Cuckoo".

Trong nhiều trường hợp, khổ não giúp chúng ta cứng rắn, vững chắc hơn nhưng trong nhiều trường hợp khác, chúng gây ra những hệ quả trái ngược: chúng ta trở nên mềm mỏng, mẫn cảm và hòa dịu hơn. Những điều mà chúng ta chứng nghiệm được trong lúc kinh qua các đớn đau khổ não có thể làm chúng ta mở rộng tâm hồn; làm cho mối liên hệ với tha nhân trở nên sâu sắc, có ý nghĩa hơn. Nhà thơ William Wordsworth đã từng nói: "Nỗi đau khổ tột cùng làm tâm hồn tôi nhiều nhân tính hơn". Trong ý nghĩa này, tôi chợt nhớ đến một người quen tên Robert. Robert là nhân viên cấp lãnh đạo của một tổ hợp kinh doanh rất thành công. Cách đây vài năm, anh ta lâm vào tình trạng khó khăn tài chánh đã gây ra chứng trầm cảm bất động khá nghiêm trọng. Tôi gặp Robert trong giai đoạn ngặt nghèo này. Trước kia, tôi biết Robert thuộc loại người tự tin, đầy nhiệt huyết và tôi đâm hoảng khi thấy anh ta trông quá sức thảm hại. Với giọng nói ngập đầy thống hận, Robert cho tôi biết: "Chưa bao giờ cuộc đời tôi tàn tạ đến thế này. Không làm sao lay chuyển được tình thế. Tôi chưa từng bao giờ biết thế nào là cảm giác bị chìm đắm, vô vọng và ngoài tầm tay". Sau khi bàn thảo, tôi gởi Robert đến một đồng nghiệp để chữa trị.

Độ mấy tuần sau, tôi gặp Karen (vợ của Robert) và hỏi thăm anh ta có hồi phục không. Cô ta đáp: "Cám ơn Bác sĩ, anh ấy đã khá hơn nhiều. Vị đồng nghiệp do Bác sĩ giới thiệu đã cho anh ấy uống thuốc chống trầm cảm và ảnh có vẻ chịu thuốc. Chúng tôi vẫn cần một thời gian để giải quyết tình trạng tài chánh của doanh nghiệp, nhưng anh ấy đã khá hơn nhiều. Chúng tôi rồi cũng đâu vào đấy ..."

"Tôi rất mừng cho anh chị. "

Hơi do dự một lúc, cuối cùng Karen thú thật: "Bác sĩ biết đó, tôi không muốn thấy ảnh bị suy thoái. Nhưng cũng là một điều may! Một đêm nọ, trong cơn thất vọng cùng cực, Robert đã khóc nức nở, đến độ không thể nào kiểm soát được. Ảnh khóc cho đến khi ngủ thiếp đi. Trong 23 năm sống với nhau, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tình cảnh như vầy ... Và thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ thấy mình gần gũi với chồng đến thế. Bây giờ tuy cơn suy nhược của Robert đã thuyên giảm, sự việc có vẻ như khác hơn trước. Có cái gì đó đã hé lộ ra và cảm tưởng gần gũi thì vẫn nguyên như vậy. Cùng nhau chia xẻ nỗi khó khăn đã thay đổi mối liên hệ giữa chúng tôi, nó làm cho chúng tôi gần nhau hơn nhiều so với lúc trước."

Trong khi tìm kiếm những mục đích ở đằng sau các khổ não, chúng ta lại trở về với đức Đạt Lai Lạt Ma để tìm xem khổ não đã có những ứng dụng thực tế nào theo quan điểm của đạo Phật. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Trong Phật giáo, chúng ta có thể sử dụng những khổ não cá nhân để tăng trưởng từ tâm, coi đó là cơ hội để thực hành Tong-len.

Đây là một phương pháp quán tưởng trong hệ Đại thừa, theo đó, hành giả tưởng tượng rằng mình đang cưu mang tất cả đau đớn và khổ não của người khác, đồng thời, cho họ tất cả những gì mình có kể cả của cải, sức khoẻ ... Sau này, tôi sẽ hướng dẫn một cách chi tiết hơn phương pháp quán tưởng này.

"Như vậy, khi thực hành phép quán này, hoặc khi phải kinh qua những đớn đau khổ não, chúng ta sẽ suy nghĩ như sau: 'Nguyện xin nỗi khốn khó của tôi sẽ thay thế cho nỗi khốn khó của tất cả chúng sinh. Với nỗi thống khổ này, nguyện xin cho tất cả mọi loài không phải gánh chịu những nỗi thống khổ khác.' Tức là chúng ta dùng nỗi đau đớn của mình để thực tập cách gánh chịu nỗi đau đớn của người khác.

"Ở đây tôi muốn đề cập đến một chi tiết để tránh ngộ nhận. Khi thực hành phương pháp dùng khổ đau của mình để cưu mang khổ đau của người khác, tôi không có ý nói rằng chúng ta sẽ làm ngơ sức khỏe của chính mình. Khi đối diện với bệnh tật, điều quan trọng trước tiên là phải xử dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh tình trạng lây lan, và nếu chẳng may bị bịnh, chúng ta cũng không nên trông đợi quá đáng ở thuốc men hay các hình thức chữa trị thông thường. Sử dụng phương pháp Tong-lentrong khi bị bịnh có thể giúp chúng ta rất nhiều trong công tác đối phó với bịnh tật về phương diện tinh thần chứ không phải thể lực. Thay vì than vãn, tủi thân cũng như bị vây bủa bởi cảm giác băn khoăn lo lắng, chúng ta có thể tự mình tránh khỏi những đau khổ tinh thần bằng cách chấp nhận một thái độ đúng đắn. Tong-len, nói nôm na là cho và nhận, có thể không giúp chúng ta vơi bớt những đau đớn thể xác hay làm chúng ta khỏi bịnh, nhưng nó giúp chúng ta bớt đi những cảm giác không cần thiết trong tâm hồn như sầu muộn, sợ hãi...

"Khi chúng ta nguyện rằng: 'Do những đớn đau khổ não mà tôi đang gánh chịu, xin cho mọi người tránh được tất cả khổ não đớn đau' thì khổ nạn của chúng ta đã mang một ý nghĩa mới có tính cách tôn giáo và tâm linh. Không những nó giúp người ta trong nhiều trường hợp, tránh được những tình trạng buồn khổ mà đồng thời, cảm thấy vinh dự, đặc ân. Người ta sẽ coi đó là một cơ hội quý báu, và vui mừng vì thấy mình cao thượng hơn."

Tôi hỏi: "Ngài cho rằng chúng ta có thể dùng khổ nạn để thực tập Tong-len. Và trước đây, Ngài có đề cập đến sự kiện rằng suy ngẫm về bản chất của khổ não trước khi chúng xuất hiện có thể giúp chúng ta đối phó dễ dàng hơn ... với ý nghĩa chấp nhận khổ nạn là một phần tự nhiên của đời sống ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu: "Quả đúng như vậy ..."

Tôi nói tiếp: "Xin ngài cho biết còn có cách nào khác để tìm hiểu ý nghĩa của khổ đau, hoặc ít ra, suy ngẫm về chúng sẽ đưa đến những lợi ích thực tiễn?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Có, chắc chắn là có. Trước đây chúng ta đã nói rằng, trong phạm trù Phật giáo, suy nghiệm về khổ não là điều rất quan trọng vì khi nhận thức được bản chất của khổ não, chúng ta sẽ có quyết tâm vững mạnh hơn trong việc chấm dứt các căn nguyên của chúng, cũng như từ bỏ những hành động không lành mạnh vốn là nguyên nhân của khổ não. Nó cũng khiến chúng ta nhiệt thành hơn đối với những hành vi lành mạnh vốn là căn nguyên của hạnh phúc, vui vẻ."

"Suy ngẫm về khổ não có giá trị gì đối với những người không phải là Phật tử?"

"Có. Đối với một số trường hợp, sự suy ngẫm này có những giá trị thực dụng: Nó khiến chúng ta bớt đi tính kiêu căng tự phụ." Đức Lạt Lai Lạt Ma cười: "Dĩ nhiên là đối với những người coi kiêu mạn, hãnh diện là chuyện không có gì sái quấy thì có thể sẽ không có giá trị gì." Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp với vẻ nghiêm túc: "Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần phải để ý là: nhận thức về đớn đau khổ não của chính mình sẽ giúp chúng ta phát huy tính đồng cảm, tức là khả năng giúp chúng ta cảm thông với đau đớn và khổ não của người khác. Điều này làm tăng trưởng từ tâm, giúp chúng ta dễ nối kết với người khác, và đây là những giá trị chân chính."

Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận: "Nhìn khổ não từ viễn ảnh này, thái độ của chúng ta sẽ bắt đầu thay đổi. Những khổ nạn có thể không còn là vô ích và xấu xa như chúng ta vẫn tưởng".

ĐỐI PHÓ VỚI ĐAU KHỔ THỂ CHẤT

Suy ngẫm về khổ nạn vào những thời điểm bình yên của cuộc sống, khi mọi sự có vẻ êm xuôi và tốt đẹp có thể giúp chúng ta khám những giá trị và ý nghĩa sâu xa của khổ não. Tuy rằng đôi khi chúng ta phải hứng chịu những khổ nạn xem ra chẳng có nghĩa lý và mục đích gì cả. Các đau đớn của thể xác thuộc về loại này. Nhưng có một sự khác biệt giữa đau đớn thể chất tức là những diễn biến sinh lý và khổ não tức là trạng thái tinh thần tương ứng với các đau đớn này. Và các nghi vấn hiện ra: Nếu tìm ra mục đích và ý nghĩa đích thực của đau khổ, liệu rằng thái độ của chúng ta sẽ đổi thay? Và nếu thái độ của chúng ta có thay đổi thì mức độ đau đớn có giảm bớt?

Bác sĩ Paul Brand đã để tâm tìm kiếm mục tiêu và giá trị của khổ đau vật chất trong tác phẩm của ông với nhan đề "Đau đớn: Một tặng vật không ai muốn". Bác sĩ Brand, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về phẫu thuật và bịnh cùi, đã sống thời niên thiếu của ông ở Ấn Độ vì là con trai của một nhà truyền giáo. Ông đã sống với tầng lớp cơ hàn nhất trong xã hội, và ông đã nhận ra rằng tại đó, người ta chấp nhận và khoan nhượng những đau khổ thể chất nhiều hơn so với phương Tây. Cũng do vậy mà Bác sĩ Brand đã phát triển sở thích của mình về việc tìm hiểu cấu trúc gây ra đau đớn trong cơ thể con người. Dần dà, ông làm việc với các bịnh nhân bị cùi hủi ở Ấn Độ và đã khám phá ra nhiều điều đáng lưu ý. Một trong những khám phá của ông là sự tàn phá của bịnh cùi và sự biến dạng ghê tởm thật ra không phải vì sự hư thối của các bắp thịt mà vì tay chân bịnh nhân không còn cảm giác. Vì không có cảm giác đau đớn, bịnh nhân không biết rằng cơ thể mình đang bị thương tổn. Bác sĩ Brand đã chứng kiến những người bệnh đi đứng hay chạy nhảy trong lúc da thịt lở loét hay đưa cả xương ra ngoài. Sự kiện này làm cho bịnh trạng càng thêm trầm trọng. Vì không có cảm giác, nhiều người đã đưa tay vào tro nóng để tìm kiếm vật dụng ... nghĩa là những hình ảnh không thể tưởng tượng được của tình trạng tự hủy. Trong cuốn sách này, bác sĩ đã kể lại vô số những câu chuyện làm người đọc choáng váng về tình trạng sống không cảm giác đau đớn như người bịnh vẫn ngủ một cách bình yên trong khi chuột gặm mất ngón tay hay ngón chân.

Suốt cuộc đời làm việc với những bịnh nhân khổ sở vì đau đớn cũng như những bịnh nhân khổ sở vì không có cảm giác đau đớn đã khiến Bác sĩ Brand dần dà nhận thức được rằng đau đớn không hẳn là kẻ thù truyền kiếp của con người như Tây phương vẫn quan niệm, mà thật ra là một cấu trúc sinh học rất phức tạp nhằm báo động cho chúng ta về những tổn hại của cơ thể, và do đó, nhằm bảo vệ chúng ta.

Nhưng tại sao cảm giác đau đớn lại khó chịu đến vậy? Bác sĩ Brand đã đi đến kết luận rằng chính cái khó chịu, chính sự căm ghét của chúng ta đã làm cho cảm giác đau đớn trở nên vô cùng hiệu quả trong việc bảo vệ cũng như báo động cho chúng ta về những hiểm nguy và thương tổn của cơ thể. Chính cái 'phẩm chất khó chịu' của đau đớn đã làm cho toàn bộ cấu trúc của cơ thể đứng lên chống lại hiểm nguy. Mặc dù cơ thể có những cử động phản xạ tạo ra một lớp màng bao bọc phía ngoài để phòng chống và đưa chúng ta tránh xa cảm giác đau đớn khá nhanh chóng, chính cảm giác khó chịu đã động viên và bắt buộc toàn bộ cấu trúc của cơ thể tham gia và hành động. Nó cũng tàng trữ kinh nghiệm vào trong ký ức để bảo vệ cơ thể chúng ta trong tương lai.

Nếu tìm hiểu mục đích của khổ não có thể giúp chúng ta ứng phó với những vấn nạn của cuộc sống, bác sĩ Brand cho rằng tìm hiểu mục tiêu của các đau đớn thể xác cũng có thể giúp chúng ta giảm thiểu cường độ đau đớn khi chúng xuất hiện. Với lập luận này bác sĩ Brand đưa ra ý kiến "bảo hiểm đau đớn ". Ông cho rằng chúng ta có thể sửa soạn trước, trong lúc đang khoẻ mạnh, bằng cách tìm hiểu lý do tại sao con người phải chịu đau đớn cũng như suy ngẫm về cuộc sống không có sự hiện hữu của cảm giác đau đớn. Vì đau đớn có thể làm mất tính cách vô tư nên chúng ta phải suy ngẫm về chuyện này trước khi các đau đớn bộc phát. Nếu chúng ta có thể nghĩ rằng: 'đau đớn là một thứ thông điệp mà thể xác chúng ta muốn nhắn gởi, muốn lôi cuốn sự chú ý của chúng ta bằng phương cách hữu hiệu nhất' thì thái độ của chúng ta đối với đau đớn có thể thay đổi - và ngay khi thái độ của chúng ta bắt đầu thay đổi thì nỗi khổ đau của chúng ta cũng giảm bớt cường độ. Bác sĩ Brand đã nhận định như sau: "Tôi tin chắc rằng thái độ sẵn sàng đón nhận sự việc đóng vai trò quyết định về cường độ của sự đau đớn khi chúng xảy đến". Ông cũng tin tưởng rằng chúng ta nên tỏ thái độ biết ơn đối với sự đau đớn. Có thể chúng ta không biết ơn đối với chính cảm giác đau đớn, nhưng chúng ta phải tỏ lòng biết ơn đối với cấu trúc tiếp nhận đau đớn của cơ thể.

Không có gì nghi ngờ về thái độ và cảm quan của chúng ta đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cường độ của đau đớn thể chất. Thí dụ như có hai người đều bị thương ở ngón tay, một là thợ xây cất và một là người chơi dương cầm. Trong khi mức độ đau đớn có thể đồng đều đối với hai người thì người thợ xây cất ít bị khổ sở hơn, không chừng còn cảm thấy thích thú là đàng khác nếu vết thương đã là nguyên nhân khiến anh ta được nghỉ một tháng có lương theo luật bảo hộ lao động. Trong khi đó, người chơi dương cầm sẽ khắc khoải hơn nhiều nếu anh/chị ấy coi dương cầm là sở thích quan trọng nhất của đời mình.

Ý kiến cho rằng thái độ tinh thần đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và chịu đựng đau đớn không chỉ ở bình diện lý thuyết mà đã được chứng minh bởi rất nhiều cuộc khảo sát và thí nghiệm ... Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu vấn đề bằng cách theo dõi do đâu mà đau đớn đã được đón tiếp và cảm nhận. Đau đớn bắt đầu bằng một tín hiệu cảm giác. Hệ thần kinh sẽ dẫn truyền cảm giác này khi bị khởi động bởi một cơ duyên nào đó mà nó cho là nguy hiểm. Hàng triệu tín hiệu được gởi đến não bộ qua hệ thống tủy sống. Tại não bộ, các tín hiệu này được phân loại và sau đó, một báo cáo sẽ được hình thành và gởi đến phần cao cấp hơn trong óc, và từ đó, cảm giác đau đớn thành hình. Sau đó, não bộ sẽ dựa theo báo cáo này mà quyết định phương thức ứng phó. Chính tại giai đoạn này, não bộ sẽ quyết định về phẩm chất và mục đích của đau đớn và từ đó, gia tăng hay biến đổi mức độ cảm nhận của chúng ta. Do tâm thức, chúng ta đã chuyển hóa đau đớn(thể chất) thành khổ não(tinh thần).

Để giảm bớt cường độ đau đớn, chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng giữa nỗi đau đớn thật sự và nỗi đau đớn do chúng ta tạo ra bởi những ý tưởng vây quanh nỗi đau đớn thật sự. Sợ hãi, tức giận, phạm tội, cô đơn, bất lực ... đều là những phản ứng tâm lý làm gia tăng cường độ đau đớn. Do đó, để tìm cách ứng phó với đau đớn, chúng ta có thể nhắm vào hạ tầng cơ sở của cảm giác này bằng cách xử dụng thuốc men và các phương thức trị liệu tân tiến của y học; nhưng đồng thời, chúng ta cũng có thể nhắm vào thượng tầng kiến trúc của chúng bằng cách thay đổi thái độ và cảm quan của chúng ta.

Nhiều nghiên cứu gia đã khảo sát vai trò của tâm thức trong sự tiếp nhận đau đớn. Pavlov đã huấn luyện được loại chó khắc phục đau đớn khi phối hợp đồ ăn và điện giựt. Nhà nghiên cứu Ronald Melzak đã đi một bước xa hơn: Ông ta nuôi một số chó Scottish Terrior từ lúc sơ sinh tại các chuồng có nệm bao quanh khiến chúng không hề bị chấn động hay cào xướt cho đến lúc trưởng thành. Kết quả là những con chó này không biết xử sự ra sao khi bị đau đớn. Thí dụ như khi bị kim chích vào chân, chúng không tru tréo lên như những con chó sống trong điều kiện bình thường. Căn cứ vào kết quả này, Melzak cho rằng cái mà chúng ta gọi là đau đớn, kể cả cảm giác khó chịu của chúng ta đối với đau đớn là do thói quen chứ không phải bẩm sinh. Những thí nghiệm khác được thực hiện ở con người bao gồm thôi miên và thuốc trấn an (loại thuốc không có dược tính được các bác sĩ dùng để làm cho bịnh nhân yên trí rằng mình đã được uống thuốc) đã cho người ta thấy rằng, trong nhiều trường hợp, các chức năng của não bộ cao cấp có thể vô hiệu hóa các tín hiệu đau đớn trong giai đoạn đầu của lộ trình cảm giác. Điều này chứng minh rằng tâm thức có thể quyết định phương thức cảm nhận đau đớn, đồng thời giải thích những phát hiện rất đáng lưu ý của những nhà nghiên cứu như bác sĩ Richard Sternback và Bernard Tursky tại trường y khoa thuộc đại học Harvard (và sau đó được xác nhận bởi các công trình nghiên cứu của bác sĩ Maryann và đồng nghiệp). Các vị này nhận thấy rằng có sự khác biệt quan trọng giữa các sắc tộc về khả năng cảm nhận và chịu đựng đau đớn.

Như thế thì sự khẳng định rằng thái độ của chúng ta có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cường độ đau đớn không chỉ là những ý tưởng thuần về lý thuyết mà thực ra, được hỗ trợ bằng những chứng cớ khoa học.... Và nếu sự nghiên cứu về ý nghĩa và mục đích của đau đớn đưa đến sự thay đổi thái độ của chúng ta đối với cảm giác đau đớn thì quả là những nghiên cứu này đã không uổng phí chút nào. Bác sĩ Brand đã khám phá thêm một chi tiết rất thú vị và quan trọng trong khi tìm hiểu những mục đích căn để của đau đớn. Ông đã ghi nhận các lời phát biểu của những người bị bịnh cùi đại loại như sau: "Dĩ nhiên tôi vẫn biết đấy là chân tay của mình, nhưng không hiểu sao, tôi có cảm tưởng như chúng không phải là một phần thân thể của tôi, chúng chỉ là những dụng cụ thì phải!". Vậy thì đau đớn không chỉ có mục đích báo động và bảo vệ chúng ta, nó còn hợp nhất chúng ta nữa. Không có cảm giác đau đớn, chân tay hình như không còn là một phần của cơ thể.

Nếu đau đớn làm cho chúng ta có cảm tưởng hợp nhất trong cơ thể mình thì khổ não cũng hiện hữu với một cách thế tương tự: nó làm cho chúng ta kết nối với tha nhân và đây có thể là mục đích tối hậu của khổ não vậy. Chính khổ não là nguyên tố căn để nhất mà chúng ta chia xẻ với tha nhân, là nguyên nhân mà chúng ta thống hợp với mọi loài.

Chúng tôi kết thúc buổi nói chuyện về khổ não của con người và đức Đạt Lai Lạt Ma, như đã hứa trước đây, hướng dẫn cách thực tập Tong-len. Như đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ giải thích sau này, mục đích của phương pháp quán sát này là để phát triển từ tâm. Nhưng cách quán sát cũng là một phương thức rất hữu hiệu giúp chúng ta chuyển hóa khổ não. Khi phải kinh qua những khổ nạn hay khó khăn dưới bất cứ hình thức nào, chúng ta đều có thể sử dụng phương pháp này để tưởng tượng rằng mình đang mang nỗi khổ đau của mình để thế cho người khác, một thứ đau khổ được ủy nhiệm bởi tha nhân. Đức Đạt Lai Lạt Ma trình bày phép quán này trước một cử tọa đông đảo tại Tucson vào một buổi chiều oi bức của tháng chín. Không khí trong sảnh đường với thân nhiệt của 1,600 người đã hoàn toàn vô hiệu hóa hoạt động của hệ thống điều hòa không khí. Nhiệt độ trong phòng cứ chậm chạp gia tăng đã tạo nên một hoàn cảnh thật thuận lợi cho buổi ngồi thiền về khổ não.

THỰC TẬP TONG-LEN

"Buổi chiều hôm nay chúng ta sẽ thực tập phép quán Tong-len, Cho và Nhận. Phép quán này giúp chúng ta huấn luyện tâm thức và làm tăng trưởng từ tâm. Được như vậy là vì phép quán này khiến chúng ta giảm bớt lòng ích kỷ, đồng thời làm gia tăng tính can đảm để chúng ta có thể mở lòng ra trước khổ nạn của ngừơi khác.

"Để bắt đầu, hãy tưởng tượng bên cạnh chúng ta là một nhóm người cần được cứu giúp, đang sống trong những hoàn cảnh thật thương tâm, đang bị đày đọa bởi nghèo đói, đau khổ và khốn cùng. Hãy tưởng tượng thật rõ ràng đám người đang ở bên cạnh chúng ta. Cùng lúc đó, hãy tưởng tượng bạn là một người ích kỷ, tự tập trung và thờ ơ trước nỗi khốn cùng của người khác. Kế đó, giữa nhóm người đang bị đày ải và con người ích kỷ kia, hãy tưởng tượng bạn là một kẻ bàng quan đang đứng ở giữa.

"Sau đó, hãy quan sát xem bạn có khuynh hướng nghiêng về bên nào. Bạn sẽ nghiêng về phía con người ích kỷ kia hay có khuynh hướng cảm thông với nhóm người khốn khó cần được cứu giúp ? Nếu nhận xét một cách khách quan, chúng ta sẽ thấy rằng nhu cầu của số đông bao giờ cũng quan trọng hơn một cá thể. Vậy thì hãy chuyển sự chú tâm của bạn vào những người cần được cứu giúp này. Hãy ban cho họ một ít vật chất của cải, một vài thành tựu của bạn và sau đó, tưởng tượng rằng bạn đang xả thân để gánh vác những khổ não, những vấn nạn và tất cả những nghịch duyên của họ.

"Thí dụ như bạn đang quán tưởng đến một đứa bé vô tội đang bị đói khát hành hạ tại Somalia và suy nghĩ xem bạn sẽ cư xử ra sao về trường hợp này. Mối cảm thông sâu sắc đối với hoàn cảnh thương tâm của đứa bé không dựa trên những ý tưởng như đứa bé là thân nhân hay bằng hữu của mình. Bạn chưa từng biết đứa trẻ. Nhưng đứa bé ấy là một con người và bạn cũng là một con người và vì vậy, bạn đồng cảm với đứa bé để rồi vươn tay ra giúp đỡ nó.

"Khi quán tưởng như vậy, bạn nghĩ rằng "Đứa bé này không có khả năng để thoát khỏi hoàn cảnh khốn cùng và cơ cực mà nó đang thọ lãnh', rồi bằng ý lực của mình, bạn đưa tay ra để cưu mang tất cả những khổ đau như đói khát, nghèo nàn của đứa bé, đồng thời cũng bằng ý lực của mình, bạn cho đứa bé những vật chất của cải và thành đạt của bạn. Đây là phương pháp huấn luyện tâm thức của chúng ta qua phép quán Tong-len/Cho-Nhận.

"Khi thực tập phép quán này, đôi khi người ta bắt đầu bằng sự quán tưởng về chính bản thân mình, từ sự khổ nạn trong tương lai mà mình có thể gặp phải. Bằng từ tâm, người ta chấp nhận những khổ não ấy ngay từ bây giờ với ước nguyện rằng trong tương lai, chúng ta không bị hành hạ nữa. Sau khi đã thành tựu một ít trong việc khai triển từ tâm đối với chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc di chuyển mục tiêu đến tha nhân.

"Cũng trong phép quán này, khi dùng ý lực để cưu mang cho kẻ khác, chúng ta nên quán tưởng những khổ nạn dưới các hình thái thông thường như độc dược, khí giới, ác thú... tức là những thứ làm cho chúng ta rùng mình kinh sợ và sau đó, để cho những hình ảnh này thấm nhập vào tâm hồn mình. Mục đích của việc để cho những hình ảnh ghê rợn này thấm nhập vào tâm khảm chúng ta là đánh tan thái độ ích kỷ vốn đã thâm căn cố đế trong con người chúng ta. Cũng chính vì thế mà đối với những người vốn có vấn đề với tự kỷ, tự tập trung và thiếu tự trọng thì nên xét xem thái độ này có thích hợp với họ không. Có thể là không.

"Chúng ta sẽ dễ thành công hơn nếu phối hợp phép quán Tong-len và quán Sổ Tức (đếm hơi thở) tức là khi hít vào chúng ta quán NHẬN, và khi thở ra chúng ta quán CHO. Khi thực hành một cách thuần thục, người ta có cảm giác hơi khó chịu. Đó là dấu hiệu cho thấy sự quán tưởng đã đánh trúng mục tiêu (thái độ tự tập trung, tự cho mình là hơn hết). Bây giờ xin bắt đầu ..."

Vào lúc kết thúc buổi thực tập Tong-len, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến một quan điểm quan trọng. Không có một phương pháp nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người. Trong cuộc hành trình tâm linh, điều cần thiết là mỗi người chúng ta phải xét xem phương pháp nào thích ứng với mình. Đôi khi, một phương pháp mới đầu có thể không thích hợp và chúng ta cần phải tìm hiểu thêm nếu muốn thực hành có hiệu quả. Đây là trường hợp của chính tôi khi thực tập phương pháp Tong-len lần đầu tiên trong buổi chiều hôm ấy. Trong tôi như có cái gì phản kháng lại khiến tôi không tập trung được tư tưởng. Tuy nhiên, vào buổi tối hôm đó, khi suy nghĩ về những lời hướng dẫn của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi nhận ra sự đề kháng trong tôi xuất hiện vào thời điểm mà Ngài cho rằng số đông quan trọng hơn cá thể. Đây là một ý niệm mà tôi đã có dịp nghe qua như trong phim Star Trek chẳng hạn, Mr Spock đã xướng xuất tiền đề Vulcan như sau: Nhu cầu của số đông chế ngự nhu cầu của cá thể. Tôi không hoàn toàn đồng ý với lập luận này và dự định sẽ trình bày điều này với đức Đạt Lai Lạt Ma.

Tôi tình cờ gặp một người bạn vốn nghiên cứu Phật học từ nhiều năm qua và tôi đem ý tưởng này ra nói chuyện với anh ấy: "Có một điểm không ổn thỏa..." Tôi nói: "Cho rằng nhu cầu của số đông khống chế nhu cầu cá thể có thể đúng trên phương diện lý thuyết nhưng trong đời sống hàng ngày, chúng ta không tương giao với tập thể. Chúng ta tương giao với từng người, từng lúc và trên căn bản một đối một này, làm sao nhu cầu của người ấy lại chế ngự được nhu cầu của tôi? Tôi cũng là một người và chúng ta bình đẳng... " Người bạn suy nghĩ một lát rồi nói: "Anh nói đúng nhưng nếu suy nghĩ cho cùng, anh sẽ thấy một cá thể nào đó bình đẳng với anh, họ không quan trọng hơn anh nhưng họ cũng không kém anh. Chỉ như vậy cũng đủ để chúng ta bắt đầu."

Tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề này với đức Đạt Lai Lạt Ma nữa.



[1]Samsara trong Phạn ngữ có nghĩa là một tình trạng hiện hữu bị ràng buộc với Sống, Chết, Tái sinh. Trong đời sống, nó ám chỉ kiếp phong trần. Trong cách sống này, chúng sinh bị nghiệp duyên (tức là hậu quả do những hành động tiêu cực của mình gây ra) dẫn dắt và cứ trầm luân vô tận như vậy cho đến khi nào từ bỏ được hết những khuynh hướng tiêu cực để đi đến giác ngộ, giải thoát. 

[2]Ý tác giả muốn nói do triệu chứng cá nhân hóa, Lusseyran và bạn bè đã nghĩ rằng chỉ có bọn họ bị khốn khó. Thật ra, thực tế cho thấy nhiều triệu người khác cũng bị đày ải tương tự, hoặc tệ hơn, bị đưa vào phòng hơi ngạt bởi Phát xít Đức (phụ chú của dịch giả)

[3]Hasidism là một trường phái thuộc Do Thái Giáo được thành hình vào thế kỷ thứ 12 tại Đức quốc và trở nên rất nổi tiếng vào thế kỷ thứ 18 tại Ba Lan. Phái này chủ trương khổ hạnh và tin tưởng ở sự mặc khải tâm linh. Sau thời kỳ thoái trào vào đầu thế kỷ 19, tông phái Hasidic bị hủy diệt nặng nề trong trận đệ nhị thế chiến. Hiện nay đang có phong trào tái hồi phục chủ thuyết này. (Chú thích của người dịch)

---o0o---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2017(Xem: 136662)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
08/12/2017(Xem: 18585)
Những pháp thoại trong tác phẩm này là những lời dạy tiêu biểu truyền cảm hứng phi thường mà Lama Yeshe và Lama Zopa Rinpoche đã thuyết giảng tại nhiểu thời điểm. Các pháp thoại này là những gì truyền cảm hứng cho nhiều học trò của họ, như tôi, để buông xả những gì chúng ta đang làm và hiến dâng trọn đời mình đi theo các vị Lama[1]. Khi Rinpoche nói “mỗi người chúng ta cần nghỉ như vậy: tất cả chúng sanh đều vô cùng tử tế với tôi trong quá khứ, họ tử tế với tôi trong hiện tại, và họ sẽ tiếp tục tử tế với tôi trong tương lai. Họ là cánh đồng mà trong đó tôi nhận được tất cả hạnh phúc của mình—quá khứ, hiện tại và tương lai; tất cả các tài đức hoàn hảo của tôi đều xuất phát từ những chúng sanh khác. Do vậy, tôi phải chứng đạt giác ngộ. Chỉ tìm kiếm hạnh phúc miên viễn cho riêng tôi, không mang lại hạnh phúc cho những chúng sanh khác, từ bỏ những chúng sanh khác,không quan tâm đến hạnh phúc của họ, là rất ích kỉ. Do đó, tôi phải chứng đạt giác ngộ, hạnh phúc cao cả nhất, để
09/01/2017(Xem: 10259)
Phật pháp tại thế gian, chẳng thể lìa thế gian mà có. Thế nên biết, người muốn ngộ được lẽ thật của muôn pháp, cũng phải từ muôn pháp mà ngộ, muốn nhận rõ Bản tâm chân thườngcũng phải từ chiếc thân tứ đại vô thường mà nhận.
08/01/2017(Xem: 11515)
Phật pháp tại thế gian, chẳng thể lìa thế gian mà có. Thế nên biết, người muốn ngộ được lẽ thật của muôn pháp, cũng phải từ muôn pháp mà ngộ, muốn nhận rõ Bản tâm chân thường cũng phải từ chiếc thân tứ đại vô thường mà nhận.
07/01/2017(Xem: 12039)
Phật pháp tại thế gian, chẳng thể lìa thế gian mà có. Thế nên biết, người muốn ngộ được lẽ thật của muôn pháp, cũng phải từ muôn pháp mà ngộ, muốn nhận rõ Bản tâm chân thường cũng phải từ chiếc thân tứ đại vô thường mà nhận.
27/12/2016(Xem: 14311)
Lịch sử là bài học kinh nghiệm luôn luôn có giá trị đối với mọi tư duy, nhận thức và hành hoạt trong đời sống của con người. Không có lịch sử con người sẽ không bao giờ lớn khôn, vì sao? Vì không có lịch sử thì không có sự trải nghiệm. Không có sự trải nghiệm thì không có kinh nghiệm để lớn khôn.
25/12/2016(Xem: 6009)
Theo các nhà nghiên cứu Phật học thì Đức Phật Thích ca đã dùng tiếng Magadhi để thuyết Pháp. Tiếng Magadhi là ngôn ngữ thuộc xứ Magadha ở vùng trung lưu sông Ganges (Hằng hà). Rất nhiều sắc lệnh của Đại đế Asoka được khắc trên các tảng đá lớn và các cây cột lớn được tìm thấy có thể cho chúng ta biết một phần nào về ngôn ngữ mà Đức Phật đã nói như thế nào.
22/12/2016(Xem: 28297)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
20/12/2016(Xem: 15409)
Đức Phật xuất hiện ở đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người. Sau 49 năm thuyết pháp, độ sinh, ngài đã để lại cho chúng ta vô số pháp môn tu tập tùy theo căn cơ của mỗi người nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau, mang lại hạnh phúc an vui, giải thoát, niết bàn. Chỉ xét riêng thánh quả Dự Lưu (Tu Đà Hườn), trong kinh điển Nikaya (Pali) Thế Tôn và ngài Xá Lợi Phất chỉ ra hơn năm cách[i] khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở trường của hành giả xuất gia cũng như tại gia để chứng đắc thánh quả đầu tiên này trong bốn thánh quả. Trong những cách này, cách dễ nhất, căn bản nhất, phổ quát nhất và hợp với đại đa số chúng đệ tử nhất
16/07/2016(Xem: 12771)
Nếu trang phục truyền thống của một dân tộc hay quốc gia biểu đạt bản sắc văn hóa về y phục của dân tộc hay quốc gia đó, thì pháp phục Phật giáo thể hiện bản sắc đặc thù, khác hẳn với và vượt lên trên các quốc phục và thường phục của người đời, dù ở phạm vi dân tộc hay quốc gia. Lễ phục tôn giáo nói chung và pháp phục Phật giáo nói riêng thể hiện tình trạng tôn giáo và xã hội (social and religious status), được sử dụng trong hai hình thức, mặc trong sinh hoạt thường nhật và mặc trong các nghi lễ tôn giáo, nói chung các dịp đặc biệt.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]