Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

B.- Rèn luyện về thân thể

13/05/201317:29(Xem: 4567)
B.- Rèn luyện về thân thể

ĐẠO PHẬT VỚI CON NGƯỜI

HT. Thích Tâm Châu
Tổ Đình Từ Quang, Canada, 1982
---o0o---

B.- RÈN LUYỆN VỀ THÂN THỂ

" Sức khỏe là kết quả của một đời sống biết tuân theo luật sinh lý ".

Paul Carton

Thân thể khoẻ mạnh là yếu tố quan trọng trong sự tìm hiểu và thực hiện nghiã sống của con người

Chúng ta không ai là không có thân thể. Có thân thể chúng ta phải biết cách giữ gìn thân thể, làm nẩy nở thân thể, tất nhiên chúng ta sẽ thấy : " Một tinh thần minh mẫn, chứa đựng trong một thân thể khỏe mạnh ".

Đức Phật dạy : " Phải làm thế nào cho ta trở nên tinh tấn, quả quyết, sáng suốt..., thân ta trở nên mạnh khỏe, nhưng bình tĩnh... "

" Giữ thân tiết độ, ăn uống đúng giờ và sống một cách trong sạch ".

Căn cứ vào giáo lý trên đây, chúng ta nhận thấy vấn đề rèn luyện thân thể, đối với đạo Phật cũng được đặc biệt chú trọng. Nhưng sự chú trọng ấy, nó hướng về cả hai mặt " động " và " tĩnh ".

" Tĩnh " tức là phải rèn luyện tâm trí, không cho nó bôn xôn xao động

" Động " là những sự vận động có liên quan đến sức mạnh của cơ thể, làm cho cơ thể được tăng tiến, nếu sự vận động ấy được tiết độ và bình tĩnh.

Tọa Thiền Nghi nói : " Phóng xả các duyên, dứt nghĩ muôn việc, thân tâm nhất như, động, tĩnh không gián cách, lựa sức ăn uống vừa đủ không nhiều không ít, điều hòa ngủ nghỉ, không bắt buộc, không phóng túng ...".

đó là cả một chương trình rèn luyện thân thể một cách đầy đủ. Nơi đây chúng ta có thể dựa theo chương trình ấy mà phân tích thành bộ loại, để dễ dàng cho sự thực hiện :

1.- CẦN BIẾT VẬN ĐỘNG

" Lo cho thể thao và thể dục cũng ích lợi như lo cho nhà cửa và trò chơi "

Victor Pauchet

Có vận động cuộc sống mới hay !

Bắp thịt có nở nang, chất độc có bài tiết, tế bào mới được tiến triển, thân thể mới được khoẻ mạnh. Mà sự khỏe mạnh đều do chúng ta biết vận động điều hòa.

Hằng ngày phải biết phân chia thì giờ để tập thể dục, thể thao hay làm việc. Chúng ta nhận thấy sự vận động rất cần cho cơ thể cũng ngang với sự ăn uống và ngủ nghỉ. Có vận động máu chạy mới đều, gân, xương, mới mạnh, tinh thần mới khỏi mỏi mệt. Những nhà chiếm giải vô địch về thể dục, thể thao của thế giới, không phải là ít vận động mà có, những người thợ, những bác nông phu được một thân thể vạm vỡ cũng đều do sự vận động cả.

Đạo Phật với sự vận động

Đạo Phật với người tu hành cũng không quên sự vận động ấy được. Theo phương pháp " Thường hành Đạo " ( Pratyutpannasamàdhi ) và phương pháp " Kinh Hành " thì một ngày một đêm, người tu hành thường thường hành đạo vào sáu thời : ban sáng, buổi trưa, ban chiều, chập tối, nửa, đêm và gần sáng. trong khi hành đạo tất nhiên chân tay và mình mẩy, hơi thở đều được cử động, nhưng cử động có khuôn khổ và thì giờ quyết định. Thêm vào đấy mỗi ngày lại thường thường đi khất thực, đi hoằng đạo hay là đi nhàn tản nhiễu Phật, nghiã là luôn luôn được vận động, vận động có phương thức và đúng thời.

Nhờ sự vận động ấy, làm cho tâm trí người tu hành, được bình tĩnh thân thể không xao động, kích thích đem lại sự quân bình có lợi ích cho mình và có đủ sức làm những việc lợi ích cho người.

" Sức khoẻ là hạnh phúc "

2.- BIẾT CÁCH HÔ HẤP

" Người nào giữ hơi thở điều hòa, ý thức minh mẫn, lòng thương rộng lớn... người ấy đã thanh tịnh vàtự tại ".

Paul Adam.

Sự cần thiết của hô hấp

Hô hấp là sự cần thiết cho sự sống của chúng ta. Hô hấp được điều hòa và hợp pháp, thì dòng máu trong thân thể chúng ta được trong sạch và thân thể chúng ta sẽ nhờ sự cung cấp của máu ấy mà được khỏe mạnh. Nếu chúng ta không thở hết những thán khí ra, hít những dưỡng khí vào tất nhiên thân thể chúng ta sẽ dần dần suy yếu. cho nên Bác sĩ Victor Pauchet cũng công nhận : " Nếu dưỡng khí nhập vào được các cơ thể, thì làm giảm bớt được nhiều bệnh ".

Phương pháp hô hấp theo Đạo Phật

Trong đạo Phật đối với sự hô hấp rất cần thiết và cũng có phương pháp. mà phương pháp ấy, thường gọi là phương pháp đếm hơi thở, sổ tức quán, nghiã là mỗi một hơi thở ra từ từ, phải niệm ít nhất 10 câu danh hiệu Phật và khi hít dưỡng khí vào cũng đều đều đếm đủ 10 niệm như thế. Tức là khi thở ra chừng nào, khi hít vào cũng chừng ấy, không sai khác, cứ đều đều và liên tiếp mãi, dần dần trở thành thói quen. Đã thành thói quen thì không cứ là đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, nghỉ lúc nào cũng thế, khiến thân tâm người tu hành được bình tĩnh, điều hòa, không xao động và được khỏe mạnh.

Muốn phải làm, làm sẽ được !

Chúng ta muốn thành công trên đường đời, chúng ta muốn bình tĩnh, cương quyết trước mọi công việc khó khăn và phức tạp của đời, chúng ta không thể không cần sức khoẻ và không thể không biết cách hô hấp. Vì hô hấp là một phần quan trọng trong sự muốn cho thân thể khỏe mạnh của chúng ta. Chúng ta cần tập phương pháp đếm hơi thở này bằng cách đếm con số thay cho niệm danh hiệu Phật, nếu chúng ta không biết niệm.

Một vị Đại đức phương Tây viết : " Nhờ phép này ý thức và sinh lực trở nên trong sạch điều hòa, gây thành một hoàn cảnh thuận tiện, để suy nghiệm kỹ trong bước đường tu hành, thực hành " .

Nơi đây, chúng ta có thể nói rằng : " Thêm một lít dưỡng khí tức là bớt được một công Thầy thuốc ".

3.- CẦN BIẾT CÁCH ĂN UỐNG

" Sức mạnh sinh hoạt của cơ thể là do sự hấp thụ những sinh lực tinh túy trong các chất ăn uống mà ra ".

Paul Carton

Ăn để làm gì ?

" Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn ". Đó là câu người ta thường nói để nhắc nhở những ai ăn quá độ. Ăn để sống, nghĩa là không ăn thì chết. Chúng ta nên biết rằng thân thể chúng ta tuy bề ngoài thấy đầu, mình, tay, chân, mặt, mặt, mũi v.v... mỗi mỗi đều hình trạng khác nhau, nhưng các nhà khoa học phân chất ra biết là có những chất đạm, chất mỡ, chất bột, chất kim khí và nước hợp lại thành thân con người. Nhưng các tế bào trong thân chúng ta đây không phút nào giây nào là không biến đổi, lớp sinh ra, lớp bị hủy hoại. Vậy chúng ta muốn có tế bào mới luôn luôn để bồi bổ những tế bào đã bị hủy hoại đó, tất nhiên chúng ta phải cần thức ăn uống cho trong sạch, hợp vệ sinh nhưng phải có điều độ.

" Ăn uống vật chi nên coi như uống thuốc "

Theo quan niệm Phật Giáo thì ăn phải có chừng, ăn vừa đủ để sống còn, ăn trongsạch, ăn cho người và vật khỏi oán hận, vừa lợi ích cho thần xác mình và khỏi hại cho chúng sinh khác. Nói đúng là ăn chay. Ăn chay tức là ăn những món gì thuộc về loại thực vật, như gạo nếp, đậu, khoai, vừng, rau, dưav. v...Vì ăn những thứ này có nhiều chất sinh tố do trực tiếp ánh sáng của thái dương. Nghĩa là ăn chay cũng đủ các chất đạm, chất mỡ, chất bột, chất kim khí và nước, mà lại còn có tâm từ bi và hợp vệ sinh là khác. Đức Phật dạy : " Ăn các món gạo, nếp, bắp, đậu, rau, quả... thân thể khoẻ mạnh, ít đau ốm, còn dùng những món huyết nhục hay sinh bệnh hoạn ". Thật thế, 90% các bệnh đều do sự ăn uống các món huyết nhục mà sinh ra, nó làm cho người ta bị no hơi , chướng bụng, chậm tiêu hóa..., vì nó có chứa nhiều chất độc, nhất là nó ít chất bổ, do sự gián tiếp hấp thụ ánh sáng của mặt trời.

Uống sao cho hợp ?

Theo sự quan sát của Đức Phật, thì trong nước có rất nhiều vi trùng. Mỗi bát nước có thể có tới 84.000 con. Và nó có thể phá hoại cơ thể, một khi nó đã truyền vào cơ thể chúng ta. Cho nên việc uống chúng ta cũng phải thận trọng lắm. Chúng ta nên uống những thứ nước gì hợp với chúng ta, giúp thêm cho sự tiêu hóa được dễ dàng. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng trước khi uống chúng ta cần phải gạn lọc kỹ lưỡng theo như lời Phật đã dạy các vị tu sĩ, nhất là chúng ta không nên dùng các thứ rượu, vì rượu có chất mạnh hay kích thích cơ thể, làm cho cơ thể tiêu hao, tâm thần tán loạn, hay sinh ra các chứng bệnh và hay làm điều phi pháp.

Chúng ta không nghe một Bác sĩ Tây Phương thường nói : " Giữa lúc chúng ta mơ tưởng là cường tráng thì tinh lực chúng ta đã thấy tiêu hao từ đấy rồi ". Như thế, chúng ta thấy rằng sự ăn uống rất quan hệ đến thân thể và tâm trí chúng ta. Chúng ta muốn được thân thể và tâm trí mạnh khỏe, bình bĩnh, chúng ta không nên dùng những món gì có hại cho chúng ta và lây đến sự đau khổ của muôn loài. Chúng ta chỉ cần ăn uống để bảo vệ cho sự sống, để làm tròn nghiã vụ cho chính mình và cho xã hội. Chúng ta hãy nhận lấy lời sau đây cuả Bác sĩ người Pháp :

" Con người phải y cứ vào bản năng chân chính, phải dùng trí tuệ sáng suốt mà suy xét, để cung dưỡng cho thân thể những đồ ăn uống cần dùng ".

4.- CẦN BIẾT NGỦ NGHỈ ĐIỀU HÒA

" Ngủ nghỉ là là một liều thuốc an định, bổ dưỡng thân thể và tâm thần sau khi làm việc mỏi mệt ".

Biết điều hòa là hạnh phúc

Chúng ta sống ở đời để hoạt động, đã hoạt động chúng ta không thể không có mặt ở bao nhiêu công việc vất vả suốt ngày hoặc về tinh thần cũng như về lao lực nên chúng ta cần phải có sự ngủ nghỉ. Nhưng chúng ta cần biết điều khiển cho sự ngủ nghỉ ấy có điều độ. Nghĩa là chúng ta không nên bắt buộc nó phải chịu đựng một cách quá đáng, nếu quá đáng, thân thể và tâm thần chúng ta bị mỏi mệt, suy giảm. Suy giảm và mỏi mệt là một sự nguy hại cho công việc, cho sự nghiệp của chúng ta trên đường đời. Song, cũng đừng phóng túng quá. Phóng túng quá, sự tai hại cũng tương tự như sự bắt buộc.

" Chớ vì nhân duyên ngủ nghỉ khiến cho lỡ cả một đời không được ích chi ! " Bóng sáng có chờ ai, một ngày được mấy nỗi, một kiếp được bao lâu. Nếu chúng ta chỉ đắm chìm trong ngủ nghỉ, không có điều độ, thì còn đâu là thân thể khỏe mạnh. Thân thể, sự nghiệp, giá trị của chúng ta có được là do ở sự siêng năng, vận động, điều độ và hiểu biết nơi chúng ta chứ không thể có được ở một thân hình phì độn, xanh xao, yếu ớt và ngu muội.

Vậy chúng tacần lưu ý : ngủ nghỉ là lẽ đương nhiên cần có ở nơi chúng ta nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải có điều độ.

" Biết giữ điều độ, thích nghi, không bao giờ nhu nhược, ủy mị " Kim Thi.

5.- CẦN TẮM GIẶT SẠCH SẼ.

" Thân thể nhơ nhớp tinh thần khó kiện toàn được ".

Paul Carton

Sạch sẽ thêm khỏe mạnh

Ngủ nghỉ, ăn uống, hô hấp và vận động được liệt vào hạng phụ tá cho thân thể, thì vấn đề tắm giặt sạch sẽ cũng không đến nỗi là không có ích lợi cho thân thể.

Hư không có ánh sáng và bóng tối, đường đời có ngã thiện và ngã ác, tất nhiên thân thể chúng ta cũng có hai mặt sạch và bẩn. Bẩn là do các vi trần bên ngoài bám vào, do những chất độc bên trong tiết ra được sự che đậy bởi quần áo, khiến cho thân thể chúng ta phải bứt rứt, khó chịu nặng nề, đôi khi lại do đó mà phát sinh nhiều tật bệnh.

Muốn trút sạch những nỗi khó chịu ấy không gì bằng sau khi vận động chúng ta cần tắm giặt sạch sẽ, chúng ta sẽ có những cảm giác như Kinh Ôn Thất nói :

1/ Thân thể được nhẹ nhàng khoan khoái.

2/ Trừ được những bệnh phong khí.

3/ Trừ được những bệnh thương hàn.

4/ Trừ được những cấu uế nơi mình.

5/ Trừ được khí nóng, không bị oi ngạt.

6/ Trừ được những bệnh tê thấp.

7/ Thân thể được sạch sẽ, mắt sáng và không bị người khinh bỉ.

Vậy hoặc tắm không khí, tắm nắng, tắm nước nóng, nước lạnh... tùy ý chúng ta, nhưng vệ sinh bắt buộc chúng ta phải luôn luôn tắm rửa thân thể và giặt giũ quần áo cho sạch sẽ, để giúp thêm cho thân thể chúng ta được khỏe mạnh, tâm trí chúng ta thêm sáng suốt và khỏi đem lại sự khó chịu cho những người sống bên cạnh chúng ta.

6.- CẦN ĐƯỢC NƠI Ở

" Phải sửa sang nhà cửa cho sạch sẽ cao ráo ".

Bột Kinh

Sức mạnh sinh hoạt của cơ thể được hấp thụ ở nơi ăn uống, thì cũng phải được ở nơi ngoại cảnh đem vào.

Ở sao cho hợp ?

Chúng ta không thể thiếu không khí mà sống được, không khí là môn thuốc bổ thiên nhiên. Nhưng không khí trong sạch phải là ở nơi khoáng đãng với những căn nhà cao rộng, sạch sẽ hợp vệ sinh.

Thật thế, nhà cửa cần làm tại những nơi cao ráo, rộng rãi thoáng khí, tránh xa những ao đầm tù hãm và luôn luôn phải được quét tước sạch sẽ. Vì có thế chúng ta mới hít được những không khí trong sạch, mới có những điều kiện thuận tiện cho chúng ta làm hợp vệ sinh, mới khỏi được những tật bệnh do vi trùng gây nên và mới được thân thể khỏe mạnh.

Nếu hoàn cảnh xã hội không cho phép chúng ta được như những người giàu sang, thì ít nhất chúng ta cũng phải cố gắng tạo nên một căn nhà nhỏ bé có cửa rộng cao ráo, sạch sẽ và đúng phép vệ sinh thì quyết nhiên hoàn cảnh ấy sẽ đem lại cho chúng ta một kết quả tương đối trong sự mạnh khỏe và sáng suốt. Nghĩa là mặc dầu hoàn cảnh nào chúng ta cũng vẫn phải có nhà để ở. Đã có nhà chúng ta cần biết sửa sang nó cho thích hợp với điều kiện sức khỏe của chúng ta, để chúng ta nắm được sự may mắn trong đời chúng ta.

Được thế, tất nhiên chúng ta sẽ không phải cảm thụ lấy những lời khắc trách của Thánh Gandhi đã nói : " Họ thông thuộc ngọn núi Hy Mã ( Himalaya ) cao bao nhiêu thước, con sông Hằng ( Gange ) dài bao nhiêu cây số, mà những điều cần thiết cho sự sống là ăn làm sao, thở làm sao đúng phép vệ sinh thì họ chưa từng để ý đến bao giờ ".

7.- NÊN SUY NGHĨ VÀ LÀM VIỆC ĐIỀU ĐỘ

" ... Như người khôn biết đo lường sức trâu nhiều hay ít mà cho làm đúng mức, chứ không bắt làm quá độ, kiệt sức ".

Kinh Di Giáo

Hễ quá sức là có hại, mặc dầu về tinh thần hay thân thể.

Ở đời ai không muốn sống lâu và mạnh khỏe. Nhưng sự muốn ấy phải hiểu đúng, phải làm đúng theo tinh thần trung đạo mới có thể đạt tới kết quả được. Suy nghĩ và làm việc có điều độ, cũng là một phần lớn giúp cho sự mong muốn ấy.

" Suy nghĩ nhiều, khí huyết suy "

Trước những sinh hoạt để duy trì sự sống cho chính mình và làm trọn nghĩa vụ đối với gia đình, quốc gia, xã hội, chúng ta phải ném vào đấy không biết bao nhiêu hoạt lực về tinh thần. Hoạt lực ấy sẽ làm suy giảm bao nhiêu sinh lực của cơ thể, nếu chúng ta không biết giữ gìn điều độ. Chúng ta thường nghe, xưa kia có một vị tướng trẻ tuổi suy nghĩ về quân cơ một đêm, sáng mai thấy mái tóc trên đầu bạc trắng. Nhà thi sĩ Lý Thái Bạch Trung Quốc cũng nói : " Chiêu như thanh ty mộ như tuyết ". ( Mái tóc, sáng còn như tơ xanh, tối thành ra tuyết bạch ) đủ chứng tỏ sự suy nghĩ quá độ có hại lớn cho thân thể con người.

Làm quá sức thân sẽ mệt

Suy nghĩ đã thế, thì việc làm cũng thế. Chúng ta hãy im lặng nghe lời Phật dạy các vị tu sĩ : " Cầu đạo thái quá, tất nhiên thân phải mệt, thân mệt thì ý phát buồn bực, ý buồn bực thì chán bỏ cả việc tu hành, chán bỏ cả việc tu hành, thì tội càng thêm nặng. Cứ trong sạch, yên vui là không lỗi đạo ".

Với giá trị trên đây, đem áp dụng vào công việc làm, chúng ta cũng có thể nói được rằng : " Việc làm mà quá sức thân sẽ mệt, thân mệt thì chán, chán tất nhiên công việc bỏ và thân thể cũng do đó mà suy yếu thêm dần. Giữ điều độ là tốt hơn cả ".

Vừa phải là hơn !

Vậy trong phép vệ sinh về ăn uống cũng như trong phép vệ sinh về tinh thần, đều không nên để cho dục vọng lấn át mình. Nghĩa là tất cả đều phải giữ điều độ không nên tham quá. Tham vọng quá, hay tham ăn quá đều có hại. Vì quá sức tiêu hóa của trí tuệ hay của thân thể việc làm không được chu tất, kết quả chỉ đem đến sự kiệt lực và hư tổn thân thể cùng tinh thần mà thôi.

Chúng ta muốn mạnh khỏe, sống lâu hay thành công trên đường đời, cần phải lượng sức mình.

Nói tóm lại

Thân thể con người do sự tổ hợp của các tế bào. Các tế bào chuyển biến thân thể sẽ nẩy nở hay suy giảm tùy theo sự dinh dưỡng của mình và do đó, nó sẽ phản chiếu thành đời sống vui tươi hay đen tối. Con người có thể cải thiện được tất cả, một khi con người biết sống một đời sống hợp lý, biết điều hòa thân thể, tâm trí và hoàn cảnh. Con người biết cách rèn luyện thân tâm thì sự đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói không gì chẳng phải là hạnh phúc, là đạo sống chính đáng.

" Muốn thành công trên đường đời, điều kiện trước nhất là biết làm một con vật tốt đã".

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 5331)
Cuốn sách này là kết quả ủa ba ngày hội luận giữa đức Đạt lai lạt ma cùng tám bác sĩ tâm thần và học giả Hoa Kỳ về ngành tâm lý. Cuộc hội luận diễn ra vào tháng 10 năm 1989 tại NewPort Beach, California.
09/04/2013(Xem: 12763)
Thuốc Phật dược,Tiên đơn,Thần Thánh vị Nhiều danh y, dược sĩ thuở nghìn xưa Đã ra tay,chữa trị cứu nhiều người Được thoát khỏi,tay tử thần sắp đến.
09/04/2013(Xem: 4487)
Khi những làn sóng phát triển tột đỉnh của nền văn minh khoa học kỹ thuật hiện đại ngày càng phát triển, sự đòi hỏi về trí thức và nhu cầu sống của con người ngày càng trở nên gia tăng, đặc biệt là giới trẻ thanh thiếu niên ngày nay.
09/04/2013(Xem: 4205)
Stepping into the threshold of the third millennium, amounts to the millennium of warm welcome to supreme invention and development of modern science and technology, to modernization of new human attitude and knowledge, and to reformation of Buddhist clergies’ role for skilful adaptation to the new age.
09/04/2013(Xem: 6107)
Thiền sư Ajahn Brahmavamso là vị trụ trì tu viện Bodhinyana (Giác Minh), bang Tây Úc, Australia. Ngài cũng là vị cố vấn tinh thần của Hội Phật giáo Tây Úc. Ngài đã từng tu học tại Thái Lan, trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, dưới sự hướng dẫn của ngài Thiền sư Ajahn Chah.
09/04/2013(Xem: 5408)
Mục đích của đời sống là gì? Đó là câu hỏi quan trọng mà tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta, dù trí thức hay bình dân, giàu nghèo sang hèn vẫn thường nghĩ tới. Theo tôi, sống ở đời ai cũng mong có được hạnh phúc.
09/04/2013(Xem: 4363)
Tôi nghĩ rằng mọi người ai cũng ước mong sống hạnh phúc và không thích khổ đau. Tôi cũng tin mục đích của đời sống là thành đạt nguồn hạnh phúc này. Tôi tin rằng mỗi chúng ta đều có khả năng tu tập, kiềm chế giữ tâm thanh tịnh giống nhau để có hạnh phúc và an lạc.
09/04/2013(Xem: 6673)
Sự tuần hoàn của hoàn vũ cứ hết Xuân đến Hạ, rồi hết Thu sang Đông, mở đầu bằng mùa Xuân tươi đẹp nhưng lại kết thúc bằng mùa Đông giá lạnh. Sự vận hành của vũ trụ cũng trải qua bốn giai đoạn: thành, trụ, hoại và không; hai giai đoạn đầu là hình thành, . . .
09/04/2013(Xem: 5619)
Thời hậu hiện đại là một minh chứng cho sự phát triển tột đỉnh trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng sự suy thoái về tư cách và đạo đức cũng theo đó len lỏi vào. Quan điểm này đã được học giả nổi tiếng P.A. Payutto phát biểu rất thuyết phục rằng.
09/04/2013(Xem: 5356)
Trong hơn 40 năm qua, chúng tôi đã nỗ lực để xây dựng một đường hướng giáo dục cho chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam dựa trên những lời dạy của Đức Phật. Con đường đã được mở ra và đã được vận dụng ít nhiều, tạo nên những hiệu quả thiết thực trong bối cảnh lịch sử văn hóa dân tộc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]