Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thành Tựu Lòng Tin Vào Tam Bảo và Ngũ Giới

20/12/201608:43(Xem: 15499)
Thành Tựu Lòng Tin Vào Tam Bảo và Ngũ Giới



chua thai lan

THÀNH TỰU LÒNG TIN VÀO TAM BẢO VÀ NGŨ GIỚI:

NỀN TẢNG VỮNG VÀNG CHO SỰ NGHIỆP GIẢI THOÁT, NIẾT BÀN


Đức Phật xuất hiện ở đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người. Sau 49 năm thuyết pháp, độ sinh, ngài đã để lại cho chúng ta vô số pháp môn tu tập tùy theo căn cơ của mỗi người nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau, mang lại hạnh phúc an vui, giải thoát, niết bàn.  Chỉ xét riêng thánh quả Dự Lưu (Tu Đà Hườn), trong kinh điển Nikaya (Pali) Thế Tôn và ngài Xá Lợi Phất chỉ ra hơn năm cách[i] khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở trường của hành giả xuất gia cũng như tại gia để chứng đắc thánh quả đầu tiên này trong bốn thánh quả.  Trong những cách này, cách dễ nhất, căn bản nhất, phổ quát nhất và hợp với đại đa số chúng đệ tử nhất (chiếm hơn 90 phần trăm trong hàng chục các bài kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chị Bộ Kinh, Tiểu bộ Kinh, Trường Bộ Kinh), là thành tựu lòng tịnh tín bất động vào Tam Bảo (Phật, Pháp và Tăng) và các học giới (5 giới căn bản cho phật tử tại gia). Những hành giả nào thành tựu bốn chi phần (bốn Dự Lưu Phần) này là chính thức bước vào dòng thánh đầu tiên và đặt nền tảng vững vàng cho sự nghiệp giải thoát. Bài kết tập này tập trung triển khai bốn Dự Lưu phần từ kinh tạng Nikaya ngõ hầu giúp cho các đạo hữu có cái nhìn khách quan, đúng đắn qua đó có duyên lành làm phát sanh lòng tịnh tín vào Tam Bảo và hành theo lời Phật dạy (nhất là ngũ giới) để hiện đời được an vui, gia đình hạnh phúc, thế giới hòa bình và tương lai được tươi sáng, hướng đến giải thoát, niết bàn.

1)     Tin Bất Động vào Phật, tin bất động vào Pháp, tin bất động vào Tăng và thành tựu các học giới (đại giới tỳ kheo, 10 giới sadi và 5 giới cho cư sĩ)

Trong hàng chục các bài kinh  nhất là trong Tương Ưng Dự Lưu thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, Thế Tôn thuyết giảng và tuyên bốn Dư Lưu phần này mà những ai thành tựu là chính thức bước vào dòng Thánh Dự Lưu. Như Lai tuyên bố từ đó về sau họ đã đoạn tận địa ngục, từ đó về sau họ đoạn tận sanh vào loại bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Họ không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Những ai thành tựu quả Dự Lưu này sẽ không bị phá hoại bởi Sa môn, Bà-la-môn, Chư thiên, Mara (Ma vương), phạm thiên và bất kể ai trên cõi đời này [1].   

Bài kinh Nam Cư sĩ chứng quả dự lưu trong Tăng Chi Bộ Kinh là một trong những bài kinh điển hình mô tả rõ ràng cách chứng quả một cách dễ dàng, không khó khăn như sau:

“Gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc) với khoảng 500 nam cư sĩ đoanh vây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn bảo Tôn giả Sàriputta:

Này Sàriputta (Xá Lợi Phất), Thầy có biết người gia chủ mặc áo trắng nào mà sở hành được bảo vệ trong năm học giới, và có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú, nếu vị ấy muốn, có thể tự đáp về mình như sau: "Ta sẽ đoạn tận địa ngục, đoạn tận loài bàng sanh, đoạn tận loài ngạ quỷ, đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc đạt được Chánh giác"? Sở hành được bảo vệ trong năm học giới nào?

Ở đây, này Sàriputta, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Sở hành được bảo vệ trong năm học giới này.

Vị ấy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú nào?

Ở đây, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử có lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ nhất đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được kẻ trí tự mình giác hiểu". Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ hai đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn! Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời". Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ ba đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

Lại nữa, này Sàriputta, vị Thánh đệ tử thành tựu giới được bậc Thánh ái kính, không có bể vụn, không bị sứt mẻ, không tì vết, không ô nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, làm cho an lạc, hướng đến Thiền định. Đây là tăng thượng tâm hiện tại lạc trú thứ ba đã chứng được nhờ làm cho thanh tịnh tâm chưa được thanh tịnh, làm cho trong sáng tâm chưa được trong sáng.

Bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú này được chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, chứng đắc không phí sức.

Này Sàriputta, người gia chủ mặc áo trắng nào mà Thầy biết sở hành được bảo vệ trong năm học giới, và có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức bốn tăng thượng tâm hiện tại lạc trú; nếu vị ấy muốn, có thể tự đáp về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận loài bàng sanh, đoạn tận loài ngạ quỷ, đoạn tận cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không còn phải thối đọa, quyết chắc đạt được Chánh giác" [2].

Nghe theo lời Phật dạy: giữ ngũ giới trong sạch có thể nói rằng đó là quả từ lòng tịnh tín bất động vào Tam Bảo kiên định bền lâu. 

2. Công đức của Tam Bảo (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng Bảo)

Những lời này Phật tử thường hay nghe thấy: Quy y Phật không đọa địa ngục, quy y Pháp không đọa ngạ quỷ, quy y Tăng không đọa bàng sanh, nhưng những lời quy y này có hợp với ý tâm thanh tịnh tin bất động vào Tam Bảo hay không là một vấn đề mà chỉ tâm mình mới biết rõ.  Pháp Tối Thắng là một bài thuyết pháp của Đức Thích Tôn cho 500 ngoại đạo, bạn của ngài Cấp Cô Độc (Anàthapindika) khi họ xóa bỏ Tam quy y, như một lời xác quyết của Như Lai vào công đức vô thượng của pháp Tam quy y như sau:

Này các nam cư sĩ, có thật chăng các ông đã phá vỡ Tam quy y, và đi theo quy y ngoại đạo?

Và khi không thể che giấu, họ thú nhận:

- Thật vậy, bạch Thế Tôn.

Bậc Đạo Sư nói:

- Này các cư sĩ, không có một chỗ nào dưới từ đáy địa ngục, trên cho đến chư Thiên, không có một chỗ nào trong các thế giới vô lượng trải rộng bề ngang, không có ai bằng, chớ đừng nói cao hơn đức Phật về những công đức như giữ giới v.v...

Rồi Ngài trình bày cho họ những công đức của Ba ngôi báu, như đã được nói đến trong kinh điển:

- Này các Tỳ-kheo, giữa các chúng sanh không chân, hai chân, hay bốn chân, Như Lai được gọi là tối thượng. Nếu có những tài sản nào ở đời này hay đời sau... Và thật vậy, tối thượng giữa những tín đồ...

Rồi Ngài nói tiếp:

- Không có một cư sĩ nào, nam hay nữ đã quy y Ba ngôi báu, những ngôi báu đầy đủ công đức tối thượng như vậy, phải tái sanh trong các địa ngục v.v... nhưng họ được thoát khỏi sanh vào đọa xứ, họ được sanh vào thế giới chư Thiên và đắc Thiền chứng lớn. Do đó, khi các ông phá vỡ quy y như vậy, và đi đến quy y ngoại đạo, các ông đã làm một việc sai lạc.

Và ở đây, để nêu rõ rằng không có ai đã quy y Ba ngôi báu với sự giải thoát tối thượng, lại phải sanh vào đọa xứ, những đoạn kinh này phải được nói lên:

Những ai quy y Phật
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.

Những ai quy y Pháp
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.

Những ai quy y Tăng
Sẽ không đi đọa xứ,
Từ bỏ thân làm người
Sẽ tràn đầy thiên giới.

Loài Người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp,
Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng,
Quy y các chỗ ấy
Không thoát mọi khổ đau.

Ai quy y đức Phật,
Chánh Pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến
Thấy được Bốn sự thật,
Thấy Khổ và Khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành
Đưa đến khổ não tận.
Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy
Mới thoát mọi khổ đau
[3].

3. Vấn đề ngũ giới cho các Phật tử tại gia:

Dẫu biết rằng ý thanh tịnh là quan trọng nhất vì ý dẫn đầu các pháp: thiện nghiệp hay ác nghiệp là do ý tạo ra và do ý sinh ra. Tuy nhiên đối với Phật tử tại gia, thành tựu 5 học giới thanh tịnh nghĩa là chỉ thân thanh tịnh và khẩu thanh tịnh. Chẳng hạn có người đã quy Tam Bảo có ý ăn cắp một đồng tiền vàng vì hoàn cảnh túng quẫn nhưng phập phồng lo sợ bị mất giới. Hữu tình này rất đau khổ vì đấu tranh giữa lấy hay không lấy đồng tiền vàng suốt cả ngày nhưng cuối cùng đã thắng chính bản thân mình bằng quyết định không lấy cắp. Như vậy hành động ăn cắp không xảy ra (đoạn diệt) và như vậy hữu tình này hoàn toàn thanh tịnh về thân.

Sau đây là bài thuyết pháp của Đức Phật dành cho các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra đầy ham muốn: ham muốn có thật nhiều con, ham muốn có thật nhiều vàng bạc châu báu, thích sức nước hoa từ xứ Kasi, đeo vòng hoa và phấn sáp và cũng ham muốn đời sau sanh về thiện thú. Có lẽ vì biết họ là những người còn nhiều ham muốn nên ý thanh tịnh khó giữ nên Thế Tôn từ bi giảng dạy cách giữ giới thanh tịnh và xác quyết là chỉ cần hoàn toàn thanh tịnh về thân và hoàn toàn thanh tịnh về khẩu.

Đối với khẩu nghiệp, không chỉ nói láo làm hại người khác và lợi mình mà con bao gồm cả không nói hai lưỡi, không nói lời thô ác và không nói chuyện phù phiếm, tổng cộng có bốn nghiệp về khẩu.

“… Các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi có ước vọng như thế này, có ước muốn như thế này, có chú tâm (adhippàya) như thế này: "Mong rằng chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con! Mong chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi! Mong rằng chúng tôi được trang sức bằng vòng hoa và phấn sáp! Mong rằng chúng tôi được sử dụng vàng và bạc! Sau khi thân hoại mạng chung, mong rằng chúng tôi được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này!" Mong rằng Tôn giả Gotama hãy thuyết pháp cho chúng tôi, những người có ước vọng như vậy, có ước muốn như vậy, có chú tâm như vậy. Hãy thuyết pháp như thế nào để chúng tôi được sống trong một nhà chật đầy trẻ con, để chúng tôi được sử dụng các hương chiên đàn từ Kàsi... để chúng tôi, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

-- Vậy này các Gia chủ, Ta sẽ thuyết cho các Ông một pháp môn đưa đến lợi ích (tự lợi cho tự ngã) (attuupanàyikam). Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, Tôn giả.

Các Bà-la-môn ở Veludvàra vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Gia chủ, thế nào là pháp môn đưa đến lợi ích cho tự ngã?

Ở đây, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh (kotiparisuddham).

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi,như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: "Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: "Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

Lòng tin bất động đối với Pháp...

Lòng tin bất động đối với chúng Tăng...

Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị điểm ố, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.

Này các Gia chủ, khi nào vị Thánh đệ tử thành tựu bảy pháp này và bốn lời nguyện xứ này, nếu vị ấy muốn, vị ấy có thể tuyên bố về mình: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loại bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự lưu, không có bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ".

Được nói vậy, các Bà-la-môn gia chủ ở Veludvàra bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng [4]!

4. Quả đức của những ai chứng quả Dự Lưu

Những ai thành tựu bốn Dự Lưu phần này sẽ được năm phước báu: Tuổi thọ, dung nhan, an lạc, danh xưng và tăng thượng như trong bài thuyết giảng của Thế Tôn cho Nadaka xứ Lychavi như sau:

Thành tựu bốn pháp này, này Nadaka, vị Thánh đệ tử liên hệ đến tuổi thọ chư Thiên và loài Người, liên hệ đến dung sắc, liên hệ đến an lạc, liên hệ đến thanh danh, liên hệ đến lực tăng thượng (adhipateyya) chư Thiên và loài Người.

Điểm này, này Nandaka, Ta biết chứ không phải nhờ nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào rồi Ta tuyên bố. Chính do tự Ta biết, tự Ta thấy, tự Ta ý thức rồi Ta tuyên bố [5].

Thành tựu bốn Dư Lưu phần này là vô cùng phước báu, vô lượng không thể tính kể như một trong nhiều đoạn kinh trong Tương Ưng Bộ như sau:

Ví như, tại chỗ mà các con sông lớn này gặp nhau, nhập vào một dòng với nhau, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Sarabhuu, sông Mahi, thật không dễ gì đếm được số lượng nước tại chỗ ấy là có bao nhiêu thùng, bao nhiêu trăm thùng, bao nhiêu trăm ngàn thùng. Chúng chỉ có thể gọi được là vô số, vô lượng nước lớn tụ tập... đại uẩn phước đức [6].

5. Tự thân tuyên bố quả dự lưu:

Khi có tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ thân hoại mạng chung, ngài Ananda thường hay hỏi Thế Tôn sinh thú của họ là chỗ nào. Việc này làm quấy nhiễu Như Lai sau nhiều lần trả lời ngài Ananda. Thay vào đó, Thế Tôn ban Pháp Kính cho bất kể ai khi thành tựu bốn Dự Lưu phần (tin bất động Phật, tin bất động Pháp, tin bất động Tăng và thành tựu các học giới), tự thân tuyên bố ta đã chứng thánh quả Dự Lưu và tự cho rằng ta đã đoạn tận sanh vào địa ngục, đoạn tận sanh vào ngạ quỷ, đoạn tận sanh vào bàng sanh, đoạn tận ác sanh, đoạn tận sanh vào đọa xứ và quyết chắc chứng quả giác ngộ như đoạn kinh sau:

Này Ànanda, thật không có gì lạ vấn đề con người phải mệnh chung. Nhưng mỗi lần có người mệnh chung lại đến hỏi Như Lai về vấn đề này, thời này Ànanda, như vậy làm phiền nhiễu Như Lai. Này Ànanda, vì vậy Ta sẽ giảng pháp môn Pháp kính (gương Chánh pháp) để vị Thánh đệ tử sau khi thành tựu pháp môn này (bốn dự lưu phần này), nếu muốn, sẽ tự tuyên bố về mình như sau: "Ta đã đoạn tận địa ngục, đoạn tận khỏi sanh vào loài bàng sanh, đoạn tận cõi ngạ quỷ, đoạn tận ác sanh, ác thú, đọa xứ. Ta đã chứng quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ" [7].

Một cư sĩ chứng quả dự lưu mà không hề hay biết vì chưa được thọ nhận Pháp Kính từ Như Lai cùng với 500 cư sĩ đến đảnh lễ và xin Thế Tôn thuyết pháp. Lúc đầu Đức Phật nói ông tìm hiểu về pháp nghiêng về tính không hay vô ngã tướng nhưng ông ấy không lãnh thọ được vì còn tham muốn quá nhiều. Sau đó Như Lai thuyết về bốn Dự Lưu phần (Tam Bảo bất động và thành tựu học giới), thì vị cư sỹ này tuyên bố bốn pháp này sẵn có trong ông và Thế Tôn hoan hỷ cho rằng cư sĩ đã tự tuyên bố quả dự lưu như trong đoạn kinh sau:

“ Một thời, Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, ở vườn nai.

Rồi cư sĩ Dhammadinna với năm trăm cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, cư sĩ Dhammadinna bạch Thế Tôn:

 -- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho chúng con. Thế Tôn hãy giáo giới cho chúng con! Nhờ vậy chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

-- Nếu vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, nghĩa lý thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, cần phải thường thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

 -- Bạch Thế Tôn, thật không dễ gì cho chúng con, phải sống trong những ngôi nhà đầy những trẻ con, sử dụng hương chiên-đàn từ Kàsi, đeo các vòng hoa, hương và phấn sáp, thọ dụng vàng và bạc, đối với các kinh điển do Thế Tôn thuyết giảng thâm sâu, với ý nghĩa thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, có thể thường thường tìm đến những kinh điển ấy và học hỏi. Bạch Thế Tôn, chúng con là những người an trú trên năm học pháp, Thế Tôn hãy giảng cho chúng con các pháp khác!

 -- Do vậy, này Dhammadinna, các Ông hãy học tập như sau: "Chúng ta sẽ thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Đây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn" ... đối với Pháp... đối với chúng Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định. Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập.

-- Bạch Thế Tôn, bốn Dự lưu phần này được Thế Tôn thuyết giảng, các pháp ấy có mặt ở nơi chúng con. Chúng con thực hiện các pháp ấy.

Bạch Thế Tôn, chúng con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Đây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp.... đối với chúng Tăng... chúng con thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.

 -- Lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Thật khéo lợi đắc thay cho Ông, này Dhammadinna! Này Dhammadinna, Ông đã tuyên bố về Dự lưu quả [8].

6. Bốn Dự Lưu Phần là Pháp an ủi cho người bệnh (và Như Lai dạy cách hộ niệm)

Khi người Phật tử bị bệnh nặng, Đức Phật và đệ tử của ngài thường đến hỏi thăm bệnh, an ủi và an trú người bệnh bằng bốn Dự Lưu phần này (tin Phật, Pháp, Tăng bất động và các học giới trong sạch), rồi định tâm người sắp mất về các cõi lành và thậm chí hướng tâm đoạn thân kiến ngay phút lâm chung sẽ được giải thoát. Sau đây là một bài kinh tiêu biểu trong Tương Ưng Bộ Kinh Đức Phật dạy đệ tử cách hộ niệm:

Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng họ Thích, tại Kapilavatthu, khu vườn các cây bàng.

Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành.

Họ Thích Mahànàma được nghe: "Nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: "Khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành"". Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, con được nghe nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: "Sau khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi du hành". Chúng con chưa được tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn điều này. Bạch Thế Tôn, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được một cư sĩ có trí giáo giới như thế nào?

-- Này Mahànàma, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được an ủi với bốn pháp an ủi như sau (assàsaniya dhamma): Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với đức Phật: "Đây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn". Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với Pháp... Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của của Tôn giả đối với chúng Tăng... Tôn giả hãy yên tâm, với các giới của Tôn giả được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.

Một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, này Mahànàma, phải được một cư sĩ có trí giáo giới với bốn pháp an ủi này. Cần phải nói như vậy.

Tôn giả ấy có lòng thương nhớ cha mẹ. Nếu vị ấy nói: "Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ", thời nên nói với vị ấy như sau: "Thưa Tôn giả, Tôn giả thế nào cũng phải chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với cha mẹ của Tôn giả".

Nếu vị ấy nói như sau: "Lòng thương nhớ của tôi đối với cha mẹ, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận", vị ấy cần phải được nói như sau: "Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con hay không?" Nếu vị ấy nói: "Tôi có lòng thương nhớ vợ con", thời vị ấy cần phải được nói như sau: "Tôn giả thế nào cũng chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với vợ con của Tôn giả".

Nếu vị ấy nói như sau: "Lòng thương nhớ của tôi đối với vợ con, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận", vị ấy cần phải được nói như sau: "Tôn giả có lòng thương tiếc năm dục công đức của loài Người không?" Nếu vị ấy nói như sau: "Tôi có lòng thương nhớ năm dục công đức của loài Người", vị ấy cần phải được nói như sau: "Các Thiên dục đối với nhân dục, còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn. Vậy tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi các nhân dục, và hướng tâm đến Tứ đại thiên vương thiên".

Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ nhân dục và hướng đến Tứ đại thiên vương thiên", vị ấy cần được nói như sau: "Chư Thiên ở cõi Ba mươi ba còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn Tứ đại thiên vương thiên. Tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Tứ đại thiên vương thiên và hướng tâm đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba".

Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ Tứ đại thiên vương thiên và hướng đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba", vị ấy cần được nói như sau: "Chư Thiên Yamà, chư Thiên Tusità, chư Thiên Hóa lạc thiên, chư Thiên Tha hóa tự tại thiên còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba".

... "Chư Thiên ở Phạm thế còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở Tha hóa tự tại thiên. Tốt hơn Tôn giả từ bỏ tâm khỏi chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm đến Phạm thế, Phạm thiên giới".

Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm về chư Thiên ở Phạm thế", thời vị ấy cần phải được nói như sau: "Này Tôn giả, Phạm thiên giới là vô thường, không thường hằng, bị thân kiến giới hạn. Tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Phạm thế và hướng tâm đến đoạn diệt thân kiến (Sakkàya)".

Nếu vị ấy nói như sau: "Tâm tôi đã từ bỏ Phạm thế và hướng đến đoạn diệt thân kiến"; vị cư sĩ nói như vậy, này Mahànàama, và với Tỷ-kheo có tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, Ta nói rằng không có gì sai biệt, tức là về phương diện giải thoát [9].

Qua bài kinh này, bốn Dự Lưu phần là pháp an ủi đầu tiên mà người có trí cần phải an trú cho bệnh nhân. Sau đó bảo họ buông xả luyến ái và hướng tâm về các cõi lành. Đối với người tu niệm Phật vãng sanh thì có thể hướng tâm họ về Cực Lạc trụ xứ của Đức Phật A Di Đà thì sinh thú của họ là nơi đất Phật thanh tịnh này.  Trong một số trường hợp, Đức Phật dạy các đệ tử ngài an ủi bệnh nhân bằng pháp không hận thù, không sợ hãi. Đó là ngũ giới trong sạch của người sắp ra đi để họ an tâm bình thản ra đi như lời dạy của Đức Phật cho ngài Cấp Cô Độc khi cư sĩ bị bệnh cảm thọ nặng khó kham nhẫn nỗi như sau:

Thế nào là năm sự sợ hãi, hận thù được tịnh chỉ?

Sự sợ hãi, hận thù, này Gia chủ, ngay trong hiện tại khởi lên cho người sát sanh; do duyên sát sanh, sự sợ, hãi, hận thù khởi lên ở đời sau, sự khổ ưu do tâm người ấy cảm thọ. Với người từ bỏ sát sanh, thời sự sợ hãi, hận thù như vậy được tịnh chỉ.

... khởi lên cho người lấy của không cho...

... khởi lên cho người tà hạnh trong các dục...

... khởi lên cho người nói láo...

Sự sợ hãi, hận thù, này Gia chủ, ngay trong hiện tại khởi lên cho người say đắm rượu men, rượu nấu; do duyên say đắm rượu men, rượu nấu, sự sợ hãi, hận thù khởi lên ở đời sau, khổ ưu do tâm người ấy cảm thọ. Với người từ bỏ say đắm rượu men, rượu nấu, thời sự sợ hãi, hận thù như vậy được tịnh chỉ.

Năm sự sợ hãi, hận thù này được tịnh chỉ [10].

Như vậy, hộ niệm cho người bệnh nặng theo kim khẩu của Đức Phật là an trú họ vào bốn Dự Lưu phần, tịnh chỉ năm pháp không sợ hãi, không hận thù (do giữ ngũ giới trong sạch) để họ an tâm tự tại bỏ báo thân. Tiếp theo khuyên họ buông xả, không luyến ái gia đình, của cải, danh phận vv, cuối cùng hướng tâm về các cõi trời, cõi người và đối với hành giả tịnh độ thì hướng tâm họ về Cực Lạc.

  1. 7.  Tiềm lực vô song của quả dự lưu: Chết bất đắc kỳ tử, chết trong tai nạn cũng về thiện thú

Những bài kinh từ trong kinh tạng Pali này cho thấy tiềm lực vô song của những ai chứng bốn Dự Lưu phần này ngay cả cái chết dữ, chết trong tai nạn, chết bất đắc kỳ tử nếu xảy ra thì cũng sinh về thiện thụ, thiên giới hay cõi đời này như trong đoạn kinh trong Tương Ưng Bộ như sau:

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha.

Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

 -- Kapilavatthu này, bạch Thế Tôn, là phồn vinh, phú cường, dân cư đông đúc, quần chúng khắp nơi chen chúc, chật hẹp. Bạch Thế Tôn, sau khi con hầu hạ Thế Tôn hay các Tỷ-kheo đáng kính, vào buổi chiều, con đi vào Kapilavatthu, con gặp con voi cuồng chạy; con gặp con ngựa cuồng chạy; con gặp người cuồng chạy; con gặp cỗ xe lớn cuồng chạy; con gặp cỗ xe nhỏ cuồng chạy. Trong khi ấy, bạch Thế Tôn, tâm con nghĩ đến Phật bị hoang mang, tâm con nghĩ đến Pháp bị hoang mang, tâm con nghĩ đến chúng Tăng bị hoang mang. Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: "Nếu lúc ấy con mệnh chung, thời sanh thú của con là gì, sanh xứ đời sau chỗ nào?"

Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Chớ có sợ hãi, này Mahànàma! Không ác sẽ là cái chết của Ông! Không ác là cái chết của Ông! Do thành tựu bốn pháp, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Mahànàma, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: "Đây là bậc Ứng Cúng... Phật, Thế Tôn..".... đối với Pháp... đối với Tăng... thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.

Ví như, này Mahànàma, một cây thiên về phía Đông, hướng về phía Đông, xuôi về phía Đông, nếu bị chặt đứt từ gốc rễ, nó sẽ ngả về phía nào?

-- Bạch Thế Tôn, về phía nào nó thiên, về phía nào nó hướng, về phía nào nó xuôi.

-- Cũng vậy, này Mahànàma, do thành tựu bốn pháp này, vị Thánh đệ tử thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn [11].

Có nhiều bằng chứng trong Tiểu Bộ Kinh về cái chết thảm, chết dữ nhưng thần thức của họ sanh về thiện thù, thiên giới, cõi đời này. Như trong kinh Phật tử thuyết có 500 cung nữ bị chết cháy trong cung điện của Vua Udena là một ví dụ ấn tượng. Tất cả 500 cung nữ này Như Lai xác quyết đều chứng quả dự lưu trở trở lên:

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, vua Udena đang đi ngoài vườn, thì nội cung bị cháy và năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmavati.Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Các Tỷ-kheo ấy khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi vua Udena đi ra ngoài vườn, nội cung bị cháy, năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmàvati. Các nữ cư sĩ ấy, sanh thú họ là gì? Tương lai họ thế nào?

- Này các Tỷ-kheo, có nữ cư sĩ là bậc Dự lưu, có nhất bậc Nhất lai, có bậc Bất Lai. Này các Tỷ-kheo, tất cả các nữ cư sĩ ấy mạng chung không phải không có kết quả. [quả thánh = [noble] fruit trong bản Anh ngữ của Thanissaro Bhikkhu ] [12]

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

Đời bị si trói buộc,
Được thấy bị tái sanh,
Bị trói bởi sanh y,
Kẻ ngu bị mù vây,
Tự thấy mình thường còn, 
Nhưng với ai thấy được,
Sẽ không có vật gì [13]

8. Lời nhắn nhủ của Đức Thích Tôn

Vì thấy sự lợi lạc và dễ dàng cho số đông, cho đa số, cho nên Thế Tôn với lòng bi mẫn ân cần nhắc đi nhắc lại các đệ tử ngài đối với thân bằng quyến thuộc, người thân, bạn bè, bất cứ ai có thể thì hãy khuyên nhủ họ, áp đặt, an trú họ vào bốn dự lưu phần này như trong một trong những bài kinh sau:

Tất cả những ai, này các Tỷ-kheo, các Ông có lòng từ mẫn, và những người mà các Ông nghĩ cần phải nghe theo, những ai là bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; tất cả những vị ấy, này các Tỷ-kheo, cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú trong bốn Dự lưu phần. Thế nào là bốn?

Họ cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú vào tịnh tín bất động đối với đức Phật: "Đây là bậc Ứng Cúng,... Phật, Thế Tôn"... đối với Pháp... đối với Tăng... đối với các giới được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.

Những ai mà các Ông có lòng từ mẫn, này các Tỷ-kheo, những ai mà các Ông nghĩ là cần phải nghe theo, các bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; các người ấy cần phải được khuyến khích, cần phải được áp đặt, cần phải được an trú trong bốn Dự lưu phần này [14].

9. Kết luận

Bài kết tập xin khép lại bằng câu kệ trong Tương Ưng Dư Lựu b, phẩm Với Trí Tuệ như sau:

Với ai tin Như Lai,
Bất động, khéo an trú,
Với ai giới thiện lành,
Bậc Thánh kính, tán thán.
Với ai tịnh tín Tăng, 
Với tri kiến chánh trực,
Được nói: không phải nghèo,
Sống vậy không vô ích.
Do vậy, bậc Hiền minh, 
Cần tu tập tín giới,
Thấy rõ được Chánh pháp,
Không quên lời Phật dạy
[15].

 

Nguyện đem Công đức này

Hướng về chúng sanh khắp pháp giới

Đồng sanh cõi Cực Lạc.

Tâm Tịnh cẩn tập




Nguồn tham khảo

[1] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu (a,b). Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch – [Online] Available http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm

[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương 5 Năm Pháp.  Phẩm XIII Nam Cư sĩ. Phần IX (179): Gia Chủ. Hòa Thượng Thích Minh Châu Dịch [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi05-1318.htm

[3] Tiểu Bộ Kinh, Tập IV: Chuyện Tiền Thân của Đức Phật (1). Chương I Apannaka. Chuyện Pháp Tối Thượng. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo4/tb4-01.htm

[4] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu a. I. Phẩm Veludvara. Phần 7 VII. Những Người ở Veludvàra.  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55a.htm

[5] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu b. V. III Phẩm Saranàni. Phần 30. X Lichavi hay Nandaka.  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm

[6] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu b. V. Phẩm Đức Sung Mãn Với Kệ. Phần 42 II. Sung mãn.  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm

[7] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu a. I. Phẩm Veludvara. Phần 8 VIIi. Giảng Đường Bằng Gạch (1).  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55a.htm

[8] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu b. VI. Phẩm Với Trí Tuệ. Phần 53 III. Dhammadinna.  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm

 [9] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu b. VI. Phẩm Với Trí Tuệ. Phần 54 IV. Bị Bệnh.  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm

[10] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu b. V. III Phẩm Saranàni. Phần 26 VI. Ác Giới, hay Anàthapindika.  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm

 [11] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu b. V. III Phẩm Saranàni. Phần 21 II. Mahànàma (2).  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm

[12] Thanissaro Bhikkhu (2012) (translated from Pali). Udena Sutta: About King Udena. [Online] Available http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/ud/ud.7.10.than.html

[13] Tiểu Bộ Kinh. Kinh Phật Tự Thuyết Udena. Chương sáu. Phẩm Sanh ra đã mù. Phần X (Ud 79). Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. [Online] Available http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo1/tb13-ptt3.htm

 [14]  Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu a. II. Phẩm Một Ngàn hay Vườn Vua. Phần 16 VI. Thân Hữu (1).  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55a.htm

[15] Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V. Thiên Đại Phẩm, Chương XI Tương Ưng Dự Lưu b. VI. Phẩm Với Trí Tuệ. Phần 51. I. Với Bài Kệ.  Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch.  [Online] Availble http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-55b.htm



[i] 1. Tin bất động vào Tam Bảo + ngũ giới trong sạch

  2. Tin bất động vào Tam Bảo + hoan hỷ Thí xả

  3. Tin bất động vào Tam Bảo + thành tựu trí tuệ sanh diệt

  4. Thích gặp người có giới đức, nghe diệu pháp, như lý tác ý, tùy pháp hành pháp

  5. Tuệ tri về bát chánh đạo

  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/12/2013(Xem: 10557)
Nói đến tu hành là nói đến tội phước, nếu không rõ tội phước tức là không rõ sự tu hành. Nếu người tu mà cứ lao mình trong tội lỗi, ấy là người tạo tội cho không phải là người tu hành. Mọi sự an vui và đau khổ gốc từ tội phước mà sanh ra. Vì thế muốn thấu hiểu sự tu hành chúng ta phải thấu hiểu tội phước. Tội phước là những hành động thiết thực trong cuộc sống nầy, không phải là chuyện siêu huyền mờ ảo đâu đâu. Thế nên người tu hành phải thấu đáo, phải phân rành vấn đề tội phước.
11/12/2013(Xem: 22369)
Nói về kiếp người Đức Lão Tử đã thốt lên rằng: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân, Ngô nhược vô thân, hà hoạn chi hữu?” Dịch : “ Ta có cái khốn khổ lớn, vì ta có thân, Nếu ta không thân thì đâu có khổ gì ?”
11/12/2013(Xem: 22931)
Đi tu không có nghĩa là phải vào chùa, cạo bỏ râu tóc mà phải được hiểu rộng rãi hơn nhiều! Đi tu là một quá trình khám phá tâm linh. Chúng ta học ứng dụng những lời Phật dạy trong đời sống hàng ngày của mình. Tu là chuyển hóa bản thân, từ vô minh đến trí tuệ, là tìm kiếm, khám phá con đường đưa đến hạnh phúc và an lạc.
10/12/2013(Xem: 19322)
Cánh cửa của thế kỷ 20 sắp khép lại, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng thế giới đã trở nên nhỏ hơn, loài người trên hành tinh đã trở thành một cộng đồng lớn, các liên minh về chính trị và quân sự đã tạo ra những khối đa quốc gia, làn sóng của thương mại và công nghiệp thế giới đã cho ra nền kinh tế toàn cầu, những phương tiện thông tin của thế giới đã loại bỏ những chướng ngại về ngôn ngữ và chủng tộc.
10/12/2013(Xem: 24262)
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với câu chuyện đời của Đức Phật. Chúng ta biết rằng thái tử Siddhattha đã rời bỏ cung điện lộng lẫy của vua cha, để bắt đầu cuộc sống không nhà của người lữ hành lang thang đi tìm con đường tâm linh, và sau nhiều năm tu hành tinh tấn, Ngài đã đạt được giác ngộ khi đang nhập định dưới gốc cây bồ đề. Sau khi xả thiền, Đức Phật đã đi đến thành phố Benares, giờ được gọi là Varanasi. Ở đó, trong Vườn Nai, lần đầu tiên Ngài thuyết pháp về những gì Ngài đã khám phá về con đường đi đến hạnh phúc toàn vẹn. Lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng sâu sắc.
08/12/2013(Xem: 31940)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 57782)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 23547)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 19309)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
06/11/2013(Xem: 17982)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]