Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Devadatta Muốn Chưởng Quản Tăng Đoàn

04/12/201320:06(Xem: 29134)
16. Devadatta Muốn Chưởng Quản Tăng Đoàn
blank

Devadatta
Muốn Chưởng Quản
Tăng Đoàn




Sau mùa an cư thứ ba mươi bảy tại Đông Phương Lộc Mẫu, đức Phật đột ngột ôm bát cùng với Ānanda, hai vị đại đệ tử và một số vị trưởng lão khác, chừng mươi vị, lên đường, xuôi hướng đông nam. Lúc này đức Phật đã bảy mươi hai sương tuyết, sức khoẻ có yếu đi nhưng trông vẫn còn dẻo dai như cỗi lão mai. Tôn giả Ānanda đi hầu bên, trông thấy bước chân thong dong khoẻ khoắn của đức Phật, ngài cảm thấy rất an lòng. Chư vị trưởng lão khác, ai đầu tóc cũng đã muối tiêu nhưng vẫn còn phương phi, xương kính như tòng, như bách. Lần này, đức Phật và phái đoàn lại lên núi Linh Thứu.

Lúc đi ngang qua vườn xoài của thánh y Jīvaka, đức Phật và chư vị trưởng lão ghé vào bên trong và dừng chân giây lát. Chư tăng nơi này du phương vắng cả. Cũng là nhân duyên lạ lùng, vị thánh y đang có mặt ở đây, ông đang hái thuốc để bào chế một số phương dược đặc biệt cho hoàng cung. Gặp đức Phật và chư đại thánh tăng, ông mừng quá, loay hoay tìm nước rửa chân, dâng nước uống và sắp xếp chỗ ngồi.

Khi đâu đó đã xong xuôi, thánh y Jīvaka ngồi bên chân, hầu Phật:

- Mấy năm đức Thế Tôn vắng mặt nơi này, tình trạng giáo đoàn tại kinh thành Rājagaha rất lộn xộn; và tại hoàng cung của đức vua Bimbisāra cũng không được yên ổn. Nơi nào lửa và khói cũng đang âm ỉ với dấu hiệu bất an...

- Ừ, ông cứ nói tiếp đi!

- Bạch Thế Tôn! Sau lần mới đây, khi hai vị tôn túc Sāriputta và Mahā Moggallāna vừa rời khỏi Trúc Lâm thì tôn giả Devadatta đã lộ rõ ý đồ lãnh đạo giáo đoàn thay đức Tôn Sư. Hiện tại, tôn giả ấy đã hình thành được một vây cánh rất lớn rộng. Có ba lực lượng được xem là khá mạnh mẽ đang ủng hộ và tiếp sức thêm tham vọng cho tôn giả ấy. Thứ nhất là thái tử Ajātasattu, không biết làm sao mà lại có đức tin rất mãnh liệt đối với tôn giả Devadatta. Nếu đức vua Bimbisāra tôn kính tuyệt đối đức Thế Tôn như thế nào thì thái tử cũng tôn kính Devadatta tuyệt đối như vậy. Vừa mới rồi, thái tử đã xây dựng cho Devadatta một tu viện lớn rộng bên kia dãy núi Gayāsīsa (Tượng Đầu sơn); và năm ba hôm lại cung cấp cả chục xe lương thực và đồ dùng đủ loại cho Tăng chúng ở đấy chừng trên dưới ba trăm vị. Thứ hai, tôn giả ấy kéo theo một số tỳ-khưu có trình độ pháp học nhưng cả tin, nhẹ dạ để tham mưu và làm tai mắt, tay chân cho mình, đó là các vị Tôn giả Kokālika, Kaṭamoraka-tissa, Khaṇḍade-viyāputta và Samudadatta... Thứ ba, do tôn giả ấy rất thông minh và có tài hùng biện nên đã quyến dụ rất đông tín đồ, lại còn lôi cuốn về phía “giáo hội” của mình khá nhiều phú hộ, gia chủ hữu danh cung cấp tứ sự thêm cho mình nữa...

Tôn giả Sāriputta nói với vị thánh y:

- Đúng như vậy đó, này Jīvaka ! Ông đã trình bày vấn đề rất chính xác. Tôi đã thấy rõ một vài sự kiên liên hệ và đã thưa bạch lên đức Tôn Sư rồi. Lúc ở Trúc Lâm, có một số đệ tử của tôi đã bị nhóm của Devadatta dụ dỗ. Chúng nói rằng, cách giáo huấn của đức Thế Tôn đã cũ kỹ, lạc hậu rồi, không còn thích ứng với thời đại mới nữa. Giáo pháp gì mà đã trên ba mươi năm rồi mà chỉ nói lui, nói tới tứ niệm xứ, ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên...! Đã trên ba mươi năm rồi mà chỉ nói tứ đế, bát chánh đạo... nghe mãi cũng nhàm tai! Quốc độ này, quốc độ kia càng ngày càng thịnh mãn về vật chất, nó đem đến những hạnh phúc cần thiết nhất định cho con người. Vậy thì giáo lý mới phải dạy cho con người cách thức tìm ra của cải xã hội, phải đi sâu vào các lãnh vực như kinh tế, nghề nghiệp đa dạng, cả hôn nhân gia đình và cả chính trịnữa... Tôn giả Devadatta rất khôn ngoan, biết rõ tâm lý của quần chúng ham giàu, chạy theo tư lợi, danh vọng nên ông ta phát triển các giá trị tại thế để đáp ứng mơ ước cho phần đông. Đấy là tà đạo biện minh cho chánh đạo! Đấy là đạo thế gian chứ không còn là xuất thế gian! Lại nữa, mấy vị tỳ-khưu thuộc nhóm Devadatta còn nói rằng: Ở Gayāsīsa, chư tăng khỏi phải lang thang buổi đói, buổi no đi trì bình khất thực; đã có thái thử Ajātasattu cúng dường đầy đủ mọi nhu cầu như vật thực, thuốc trị bệnh, sàng tọa, giường nệm, bơ, đường, sữa, mật... không thiếu thứ gì. Chư tăng nhàn hạ, thảnh thơi, chỉ còn lo pháp học , pháp hành mà thôi! Còn nữa, tôn giả ấy biết, thái tử Ajātasattu trước sau cũng làm vua nên đã tìm cách “nắm đầu” thái tử trước. Khi mà thái tử ủng hộ Devadatta thì các giới thương buôn đánh hơi giỏi nhất, cũng sẽ ủng hộ cho Devadatta để lấy lòng thái tử, sẽ có lợi cho việc kinh doanh, buôn bán làm ăn sau này!

Đức Phật nhè nhẹ gật đầu:

- Sự việc xảy ra đúng là như vậy.

Tôn giả Sāriputta lại thưa với đức Phật:

- Và có điều cuối cùng, quan trọng nhất, chúng đệ tử vừa cho biết, là Devadatta đã cố ý chia rẽ Tăng khi tổ chức tụng giới riêng trong hai kỳ uposatha - bạch đức Thế Tôn!

- Ừ, Như Lai cũng đã biết như vậy.

Thánh y Jīvaka tỏ vẻ lo lắng:

- Đức Thế Tôn biết, nhị vị thượng thủ của giáo hội biết, nhưng con vẫn bất an. Những gì xảy ra, con biết dù có động trời đi chăng nữa cũng không thể làm cho đức Tôn Sư e ngại. Ngọn núi chúa Suneru không dao động như thế nào thì đức Tôn Sư cũng an nhiên y như vậy. Do con thường hay vào trong cung chăm lo sức khoẻ cho đức vua và hoàng gia nên mới đây, con biết phong phanh một đôi điều bí mật. Đấy là thái tử Ajātasattu muốn sớm làm vua để thực thi mộng bá chủ, bá quyền của mình. Hiện Ajātasattu rất nôn nóng, thấy vua cha tại vị quá lâu, không biết thái tử có âm mưu soán đoạt ngôi vua không nữa! Tôn giả Devadatta cũng vậy, tâm ý là muốn lãnh đạo giáo đoàn thay thế đức Tôn Sư nên sớm hôm hay ra vào tư dinh của thái tử, bàn bạc thầm lén gì đó có vẻ rất ám muội. Có lẽ những ý tưởng, kế hoạch gì đó ở trong đầu thái tử là do Devadatta phác thảo, chỉ bày. Con cảm thấy sợ hãi, có cái gì đó xảy ra liên luỵ đến Tôn Sư và phương hại đến tăng đoàn. Xin đức Thế Tôn lưu ý.

- Ừ, đúng vậy! Như Lai biết nên Như Lai và chư đại trưởng lão đột ngột về đây. Cảm ơn ông đã quan tâm đến Như Lai và giáo hội nên đã cho Như Lai biết rõ tình hình. Tuy nhiên, dù đấy đều là những việc quan trọng, nhưng ông nên nhớ rằng, trên thế gian này, không có uy lực nào có thể phương hại đến Như Lai và giáo pháp của Như Lai được đâu. Chuyện có hung dữ thế nào chăng nữa thì nó cũng xảy ra đúng nhân duyên và quả của nó, ông đừng lo!

Thánh y Jīvaka cảm thấy an tâm, từ giã về hoàng cung còn đức Phật và chư trưởng lão lại bộ hành lên núi. Mặc dù bao năm nay, đường lên Linh Thứu đã được đức vua Bimbisāra cho sửa sang nhưng hễ sau mùa mưa lũ lại bị xói mòn thành khe thành rãnh trở lại. Tuy leo núi khó khăn nhưng đức Phật cứ từ từ, chậm rãi, hơi thở điều hòa, tay bát tay gậy vẫn có vẻ thung dung. Chư vị trưởng lão cũng vậy, dốc núi thì cao mà ai cũng có vẻ thảnh thơi như đi dạo mát!

Tại đỉnh núi Linh Thứu, đức vua có xây cất cho đức Phật một hương thất, nhỏ nhắn thôi nhưng trông rất xinh xắn, hài hòa, bao năm rồi mà vẫn còn vững chãi giữa mưa nắng tuyết sương. Chư đại trưởng lão thì ai cũng có những hang đá cho riêng mình. Họ nghỉ ngơi ít hôm.

Tại đây, vào dịp thuận tiện, đức Phật nói chuyện với chư vị trưởng lão, và câu kết là như sau:

- Giáo pháp của Như Lai trên thế gian này đã sắp hoàn thành giai đoạn cuối cùng của nó trên cuộc đời này. Rồi Như Lai, rồi chư vị cũng sẽ ra đi theo định luật tự nhiên của thế giới hữu vi sinh diệt, chẳng có gì phải cưỡng cầu, chẳng có gì phải trầm tư. Pháp và Luật của Như Lai giảng thuyết đây đó suốt ba mươi bảy năm qua đã gần đủ cho mọi căn cơ và trình độ học chúng, chỉ cần một thời gian bổ túc nữa là nó sẽ toàn mãn, khả dĩ so sánh với giáo pháp của chư Chánh Đẳng Giác quá khứ!

Đưa đôi mắt bi từ nhìn chư vị “lão tăng” , đức Phật lại sách tấn:

- Hãy cùng đi với Như Lai để vượt qua một vài gian nan, trở ngại nữa, là chúng ta đã làm hết công việc phải làm trên cuộc đời này, hỡi những “chú ngựa già” uy mãnh và kiêu hùng của Như Lai!

Ai cũng mỉm nụ tiếu sanh tâm.

Rồi phái đoàn lại xuống núi, về Trúc Lâm tịnh xá. Chợt đâu, nườm nượp mấy hôm sau, tăng chúng đệ tử của chư tôn giả Sāriputta, Mahā Moggallāna, Mahā Kassapa, Upāli, Ānanda... từ các nơi như Sāvatthi, Kapilavatthu, Koliya, Kosambī, Vesāli... không biết do ai thông tin mà cuồn cuộn như sông suối đổ về Trúc Lâm hơn hai ngàn vị; họ âm thầm hậu thuẫn cho đức Tôn Sư và giáo hội đó chăng?

Hôm kia, có lẽ đã chuẩn bị đâu đó sẵn sàng, tôn giả Devadatta dẫn một hội chúng chừng ba bốn trăm vị tỳ-khưu từ tu viện Gayāsīsa về Trúc Lâm tìm gặp đức Phật, ông ta cất giọng có vẻ cao ngạo:

- Bạch đức Thế Tôn! Lúc này Thế Tôn niên trưởng đã cao, sức đã yếu(1), đệ tử thấy đức Thế Tôn nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng là phải lẽ. Còn công việc của giáo hội, hãy để cho con làm chưởng quản, chăm sóc và lãnh đạo chư tăng.

Đức Phật biết rõ tâm địa cùng mưu đồ bất chánh của ông, cất giọng khuyến cáo:

- Này Devadatta! Như Lai cũng chưa hề nghĩ là Như Lai sáng lập ra một giáo hội rồi làm giáo chủ giáo hội ấy. Như Lai là một đạo sư, chỉ là một người dẫn đường, tầm thường và đơn giản thế thôi. Còn trách nhiệm về việc chăm sóc Tăng-già ư? Ngay chính hai vị đại đệ tử của Như Lai, Sāriputta và Mahā Moggallāna; về trí tuệ, tư cách, phẩm hạnh của họ đều ưu việt, được coi là gần như ngang hàng với Như Lai, nhưng Như Lai cũng chưa hề nghĩ là sẽ giao phó giáo hội cho hai ông ấy chưởng quản. Còn ông là ai, ông là gì mà đòi lãnh đạo giáo hội? Ông tưởng rằng giáo hội thánh hạnh này để cho một kẻ liệt tuệ, thiếu tư cách, thiếu phẩm chất như ông chưởng quản hay sao? Tất cả mọi việc làm của ông, ngoài ánh sáng hay trong bóng tối, Như Lai đều thấy rất rõ ràng! Chẳng có gì có thể che giấu được Như Lai đâu, ông nên biết như vậy! Ông hãy đi đi! Từ rày về sau, trong giáo pháp này không có chỗ cho ông nữa - một kẻ cuồng vọng!

Do đức Phật không chấp thuận yêu cầu của Devadatta, nên ông ta cảm thấy bất mãn, căm thù ngài. Và cũng bắt đầu từ đây,Devadatta vạch ra một chiến lược, rồi từng bước, từng bước đi theo chiến thuật, kế sách đã tính toán sẵn, hầu giết hại đức Tôn Sư.

Khi Devadatta đi rồi, đức Thế Tôn cho gọi ngay tôn giả Sāriputta, dạy rằng:

- Ông, Mahā Moggallāna cùng với chư đệ tử, hãy đi khắp thành Rājagaha công bố về tất cả những hành động bất chánh, cố ý chia rẽ tăng của Devadatta. Và xác định cho mọi người hay rằng, Devadatta đã ở ngoài giáo hội tăng đoàn; việc làm của ông ta sau này là trách nhiệm của chính ông ta, chứ không còn liên hệ gì đến Như Lai, liên hệ đến tăng chúng cũng như giáo pháp của Như Lai nữa!

Tôn giả Sāriputta ngại ngần:

- Trước đây, cũng tại kinh thành Rājagaha này, đệ tử đã từng đi công bố cho mọi người hay về phẩm hạnh trang nghiêm, trong sạch của Devadatta rồi. Lẽ nào, hôm nay đệ tử lại tuyên bố ngược lại?

- Trước đây, ông công bố về Devadatta như thế có đúng sự thật không?

- Thưa, đúng sự thật.

- Vậy bây giờ ông đi công bố những điều Như Lai vừa nói, có đúng sự thật không?

- Thưa, đúng sự thật.

Ðức Thế Tôn liền phán:

- Vậy thì các ông hãy đi công bố đi! Ðệ tử của Như Lai bao giờ cũng nói đúng sự thật cả!

“Phán lệnh” của đức Phật – dù trường hợp nào cũng y cứ trên sự thật như vậy đó!



(1)Ở tư liệu nào cũng nói như vậy, nhưng, chúng ta lưu ý: Đức Phật và Yasodharā cùng tuổi; Devadatta là anh ruột của Yasodhrā, vậy thì ông ta tối thiểu cũng lớn hơn đức Phật một hoặc hai tuổi? Thế thì câu nói, đức Thế Tôn đã già yếu – thì Devadatta lại càng già yếu hơn?!!!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/12/2024(Xem: 495)
Đây là lần đầu tiên quý Huynh trưởng cao cấp của tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại có cơ hội tiếp cận, thăm hỏi với Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Cuộc hầu chuyện này xảy ra vào ngày 29 tháng 4, 2021 lúc 8:30PM trên hệ thống Zoom. Sau đó chúng tôi đã gởi đến toàn thể quý Ban Hướng Dẫn các cấp Hải Ngoại và Quốc Gia và những Huynh trưởng có thẩm quyền; sau một thời gian dài im lặng, chúng tôi, vì lợi ích chung của số đông và nhiều người cũng như để tưởng nhớ và biết ơn tình thương bao la của Thầy nói riêng và của Giáo Hội nói chung dành cho tổ chức GĐPT Việt Nam trong và ngoài nước, nên xin mạo muội chia sẻ chung cho đại chúng và quý hàng huynh trưởng các cấp, và xin tóm lược lại những ý chính của cuộc hầu chuyện và lời dặn dò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ:
26/10/2024(Xem: 745)
Trong bất kỳ tổ chức nào, và Gia Đình Phật Tử không ngoại lệ, tính minh bạch và cởi mở là rất quan trọng trong việc duy trì niềm tin vào tổ chức và sự tin cậy giữa tất cả các thành viên. Để bồi dưỡng tinh thần minh bạch, khách quan, việc phổ biến biên bản họp một cách rộng rãi và kịp thời là điều cần thiết. Cách làm này không chỉ đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều nhận được thông tin kịp thời mà còn tạo ra một môi trường cởi mở và có trách nhiệm giải trình.
04/06/2024(Xem: 2020)
“Kiếp xưa ắt có nhân duyên, Nếu không ai dễ chống thuyền gặp nhau”. HT đã giới thiệu, trên 50 năm tôi rời khỏi Huế từ Tết Mậu Thân đi du hóa, tu học phương xa, luôn vọng về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên ông bà, nơi đã có nhiều kỉ niệm của thuở ấu thơ tu học tại Huế, sinh hoạt tại Huế, trên 50 năm vắng mặt, chỉ có năm này với tuổi đã 87, năm nay Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Phật Ân, cử hành sớm vào ngày 12 vừa rồi
04/06/2024(Xem: 4096)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 3047)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3615)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
07/02/2024(Xem: 7546)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 9380)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 16917)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 14981)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]