Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10. Thần Y Jīvaka Komārabhacca

26/10/201318:54(Xem: 28968)
10. Thần Y Jīvaka Komārabhacca
Mot cuoc doi bia 02



Thần Y

Jīvaka Komārabhacca




Yên tâm vì đại chúng bây giờ đã có hai vị đại đệ tử và các trưởng lão chăm sóc, hướng dẫn, đức Phật thường ôm bát ngoạn du đây đó. Nơi ngài thường đến ở trọn ngày là núi Linh Thứu hoặc các hang động sườn núi phía nam thành phố! Thường thì đức Phật hay đi một mình, tối, ngài dùng thần thông trở lại Trúc Lâm. Đôi khi mưa gió suốt mấy ngày, ngài cứ ở mãi trong các hang động, nhất là động Lợn Rừng, an hưởng định diệt thọ tưởng. Có những ngày mát mẻ, chư tỳ-khưu các nơi tìm đến để nghe những pháp thoại ngắn gọn, đôi khi là cả một thời pháp dài!

Trên đường đi và về, lên hoặc xuống núi Linh Thứu, đức Phật thường nghỉ chân tại vườn xoài mát mẻ và xanh tươi ở bên vệ đường. Đấy là vườn xoài của vị lương y Jīvaka Komārabhacca nổi tiếng của kinh thành Rājagaha.

Đức Phật cố ý đợi chờ nhân duyên chín muồi để gặp gỡ một người, một nhân vật đặc biệt quan trọng. Đấy là đại danh y, là thần y Jīvaka Komārabhacca. Vả chăng, tăng chúng càng ngày càng đông, nhiều bệnh tật sẽ phát sanh, nếu không có một lương y giỏi thì sẽ trở ngại vô cùng cho sự tu học của họ.

Câu chuyện về Jīvaka Komārabhacca là như sau.

Cách đây hơn hai mươi năm về trước, tại kinh đô Rājagaha này có một cô kỹ nữ tài sắc vẹn toàn. Không biết bao nhiêu là vương tôn, công tử quý tộc say đắm tìm đến cận kề hoa nguyệt cùng hân thưởng tài nghệ cầm ca của nàng. Giá một đêm phong lưu là một trăm đồng tiền vàng Kahāpaṇa, người ta cũng không tiếc. Nàng tên là Sālavatī. (1)

Rồi chuyện gì xẩy ra thì nó tự nhiên xẩy ra. Thời gian kia, cô kỹ nữ có thai. Sợ là sẽ bị ế khách, nàng tìm cớ cáo bệnh, trốn mọi người để dưỡng thai nhi. Đủ tháng đủ ngày, một đứa bé trai ra đời. Để cho rảnh tay rảnh chân, cô kỹ nữ đã sai đặt đứa hài nhi trong cái giỏ tre rồi quăng bỏ tại một đống rác bên vệ đường.

Hôm ấy, hoàng tử Abhaya (2)đi chầu vua từ sáng sớm, nhìn thấy một bầy quạ bu quanh chiếc giỏ thành một vòng tròn rất là lạ lùng, bèn cho quân hầu đến xem.

- Cái gì ở đó vậy?

- Là một đức trẻ, thưa hoàng tử!

- Thế nó còn sống không? Hoàng tử hỏi.

- Dạ, còn sống (Jīvati)! Quân hầu trả lời.

Sau khi biết là một hài nhi còn đỏ hỏn bị ai bỏ rơi, hoàng tử Abhaya tự nghĩ:“Đứa trẻ này được bầy quạ bảo vệ xung quanh thì quả là không đơn giản chút nào! Kiếp trước chắc nó đã từng bảo vệ sự sống cho nhiều người nên kiếp này, dù bị bỏ rơi bên đường, vẫn được đàn quạ bảo vệ sự sống? Biết đâu, nó là hiện thân của một nhân cách phi phàm?”

Thế rồi hoàng tử cho đem về cung, sai vú nuôi chăm sóc tử tế, nhân thể, do quân hầu bảo là còn sống (Jīvati) nên ngài đặt tên cho trẻ là Jīvaka. Cũng do được hoàng tử Abhaya quan tâm nuôi dưỡng nên mọi người gọi là Jīvaka Komārabhacca.

Lớn lên, Jīvaka đặc biệt thông minh, khôn ngoan nhưng ưu tư quá sớm. Nó đọc được từ trong đôi mắt của mọi người nửa như thương cảm, nửa như kỳ thị; dường như nó không phải là dòng dõi vương giả, quý tộc! Nó nghi ngờ xuất thân của chính mình. Hôm kia, nó đánh bạo hỏi hoàng tử Abhaya:

- Ai cũng có mẹ, tại sao con lại không có mẹ? Mẹ con là ai, thưa cha?

- Ta cũng không biết! Hoàng tử Abhaya thành thật đáp - Nhưng ta rất thương con, ta xem con như con ruột vậy.

“Thế mình rõ là đứa con hoang! Jīvaka buồn rầu, tự nghĩ - Vậy mình không thể sống mãi trong cung phủ giàu sang, quý phái này với sự thương hại của mọi người. Phải tự lập! Phải kiếm một nghề để tự mưu sinh!” Vài năm sau, mặc dầu đang theo học lớp học của hoàng gia, Jīvaka không ngớt suy nghĩ để lựa chọn cho mình một nghề nghiệp mưu sinh thích hợp. Duyên đã đến, Jīvaka quen biết với một ông thầy thuốc thường hay đến chữa bệnh cho vương phủ. Vị ấy còn khiêm tốn nói là mình học nghệ chưa tinh. Rồi mách cho Jīvaka biết rằng, ở phương bắc, cách đây mấy trăm do-tuần, tại quốc độ Gandhāra, thủ đô Takkasilā có trường đại học y khoa nổi tiếng. Hãy chịu khó đến đấy học trong mười năm mới trở thành thầy thuốc giỏi được!

Chí đã quyết, Jīvaka dành dụm tiền bạc, trốn nhà ra đi. Dãi nắng dầm sương, lang thang lếch thếch, Jīvaka cũng tìm được nơi cần đến.

Vị giáo sư già sau khi nghe chuyện người học trò không có tiền đóng học phí, không có tiền ăn tiền ở, chẳng được ai giới thiệu, nhưng thấy y đôi mắt rực sáng, ý chí nghị lực ngời ngời bèn chấp nhận cho theo học với điều kiện là phải chăm lo việc củi nước, vệ sinh cỏ rác sân vườn!

Sụp lạy tri ân vị giáo sư già, Jīvaka hứa hoàn tất mọi công việc được giao phó, đồng thời sẽ chăm chuyên học tập. Và quả đúng như vậy, Jīvaka sớm trở thành một vì sao sáng, một người học trò kiệt xuất về trí tài cũng như về đức hạnh. Vị giáo sư nào cũng ngạc nhiên về sự tiếp thu nhanh nhạy kiến thức chuyên môn của người học trò ưu tú; đồng thời, họ còn sững sờ, bàng hoàng vì những suy luận, những trực cảm bẩm sinh chính xác từng bệnh lý như ở trong gan ruột của người ta vậy. Phải nói là Jīvaka học một mà biết hai, biết ba. Thế là sau bảy năm học xong, học giỏi chương trình nội, ngoại khoa; sở đắc ưu việt nhất của chàng là chẩn bệnh, giải phẫu và bào chế dược thảo. Điều ai cũng kinh sợ và khâm phục người học trò này là trí nhớ; cả hằng ngàn cây thuốc, vị thuốc, tên gọi, dược tính... chàng thuộc nằm lòng, rồi còn nhận diện cây cỏ, rễ củ ngoài thiên nhiên chưa bao giờ sai trật.

Ngày mãn khóa, Jīvaka khiêm tốn hỏi thầy:

- Mới bảy năm, con ngại nghề thuốc chưa tinh...

Vị giáo sư già mỉm cười:

- Vậy con hãy cầm cái thuổng, từ đây đi ra phía ngoại ô Takkasilā, vuông vức chừng một do-tuần, nếu con thấy loại cây cỏ rễ củ nào không phải là thuốc thì con hãy đem nó về đây cho ta xem. Nhớ mang theo lương thực nhiều ngày!

Một tuần lễ sau, Jīvaka thất thểu trở về:

- Bạch thầy, con đã rất công phu tìm kiếm, nhưng chẳng thấy một cây cỏ nào không được gọi là dược phẩm; cái gì cũng là thuốc cả, thưa thầy!

- Đúng vậy, này con yêu! Nghệ của con đã tinh rồi đấy!

Trìu mến nhìn người học trò trí tài nhưng khiêm nhu, hiền thiện, vị giáo sư già lần lưng lấy mấy đồng tiền vàng tặng làm lộ phí, với lời khuyến hóa sau cùng:

- Làm thầy thuốc giỏi phải có lương tâm nghề nghiệp; phải yêu bệnh, yêu người, yêu chúng sanh như bà mẹ hiền với đứa con một vậy, hãy ghi nhớ điều ấy!

Đường trở lại quê nhà xa xăm diệu vợi. Mới đi được gần hai phần đường thì lộ phí đã hết sạch sành sanh; nhưng Jīvaka không lo, chàng sẽ tìm cách chữa bệnh cho ai đó để kiếm chút lương thực đi đường.

Tại thị trấn Sāketa, có phu nhân của một vị triệu phú mang bệnh đau đầu đã bảy năm, không thầy thuốc nào chữa trị được; bao nhiêu vàng bạc châu báu lần lượt đội nón đi theo những ông thầy từ phương này sang phương khác. Jīvaka đứng giữa phố đông, cất giọng lớn:

- Tôi là thầy thuốc đây! Có ai trong thị trấn này cần chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo không?

Người ta mách chỗ ông triệu phú, Jīvaka tìm đến. Thấy chàng trẻ quá, không ai tin. Sau rốt, Jīvaka thuyết phục là hãy chữa bệnh cho lành trước đã, còn tiền bạc chút ít chi đó, tính sau.

Sau khi quan sát sắc diện, bệnh tình (cũng vọng, văn, vấn, thiết như Trung y vậy); Jīvaka chỉ xin chừng năm bảy muỗng bơ lỏng hòa với một số dược thảo mang sẵn rồi tìm cách cho đổ vào đường mũi, thông qua miệng phu nhân; chàng tự tin, nói:

- Chứng đau đầu sẽ dịu ngay tức khắc thôi mà!

Phu nhân triệu phú thấy bơ tràn miệng, bèn nhổ bơ ấy vào vật đựng, căn dặn người tớ gái:

- Con hãy thu hồi bơ lỏng nầy bằng cách lọc qua một lớp bông gòn. Nó có thể dùng để thoa chân hoặc đốt đèn còn được đấy!

Jīvaka nghe vậy, rầu rầu nghĩ bụng:“Ôi thôi, chẳng nước non gì! Cho chí chút bơ bỏ đi ấy mà bà này còn tìm cách sử dụng, thiệt là kiết cóp vắt chày ra nước; mình còn hy vọng gì một chút công lao còm cõi nhỉ?”

Bà triệu phú vừa được chữa trị xong, cảm giác cái đầu nhẹ hẫng, sự đau đớn bảy năm trường, thoáng chốc đã tiêu tan, cứ ngỡ như giấc mộng. Sung sướng quá, bà ngồi dậy, nụ cười rạng rỡ:

- Hết đau đầu rồi! Đúng là phước quả bảy đời mới gặp được vị thần y trẻ tuổi nầy. Quản gia đâu, hãy đền trả công ơn một cách hậu hĩnh, không dám nói là thù lao, cho vị ân nhân của chúng ta.

- Bao nhiêu thưa nữ chủ?

- Bốn ngàn đồng tiền vàng Kahāpaṇa!

Jīvaka giật thót mình, tự nghĩ:“Hóa ra không phải là bà ta hà tiện, quả mình đã hiểu lầm. Các bậc triệu phú họ thường tiết kiệm, nhưng khi cần, họ rất hào phóng, rộng rãi nữa là khác”.

Sau đó, cả nhà vui mừng đổ xô lại. Con trai, con dâu cảm kích, vét hết tiền tích cóp để dành, biếu thêm tám ngàn, mừng cho mẹ mình đã lành. Ông triệu phú hể hả thưởng bốn ngàn, tặng thêm một chiếc xe ngựa, một tớ trai, một tớ gái nữa để trả công lao trời biển.

Về đến vương phủ, việc đầu tiên, chàng tìm gặp hoàng tử Abhaya, xin ông tha thứ cho lỗi lầm là bỏ nhà ra đi không xin phép, lý do là muốn tự lập nghiệp mưu sinh. Rồi chàng kể lại sự chăm chuyên học tập trong bảy năm qua, những gian lao, khổ nhọc như thế nào...

- Và đây là thành quả của con, thưa cha! Jīvaka vập đầu nói - Con đã chữa trị được một căn bệnh hiểm nghèo chỉ với một chút bơ và một ít thuốc bột con đã tự pha chế. Phần thưởng của gia chủ: Mười sáu ngàn đồng tiền vàng Kahāpaṇa, chiếc xe ngựa, tớ trai, tớ gái, con xin dâng hết cho cha như là lòng thành sám hối vậy!

Hoàng tử Abhaya không những không chấp mà còn thành thật mừng vui cho chàng, ông nói:

- Con đã thật sự khôn lớn, trưởng thành, này Jīvaka! Ta đã tha thứ cho con rồi! Con hãy sử dụng số vàng ấy để mua một khu vườn, làm một căn nhà, sau đó, dùng nghề nghiệp chơn chánh của mình để giúp đời, cứu người!

Lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra mắc bệnh âm sang, tức là một loại mụt nhọt cứ rò rỉ hoài mủ và máu (bhagandalābādha) rất khó chịu. Các lớp vải choàng vừa mới thay liền bị lấm lem máu mủ. Các vương phi được vua sủng ái được dịp chọc ghẹo vui: “Lúc này, chúa công đã đến kỳ kinh nguyệt, rồi cũng sẽ sinh con như chúng thiếp vậy!” Các quan ngự y dẫu đã dùng phương này và thuốc khác nhưng thảy đều vô năng! Đức vua rất hổ thẹn, tâm sự điều ấy với con mình là hoàng tử Abhaya. Sau đó, Jīvaka được gọi vào cung; rồi chỉ với một ít thuốc bột giấu ở những đầu móng tay, chàng đã làm cho những mụt nhọt bất trị ấy đều khô mủ và máu, ít hôm là lành hẳn.

Xiết bao cảm kích, đức vua cho mở kho châu báu, gọi năm trăm cung nga thể nữ trang điểm đầy đủ lên đầu tóc, cổ và tay của mỗi người. Tổng cộng số nữ trang ấy chính là phần thưởng mà đức vua hiến tặng cho vị thần y.

Jīvaka nhìn đống châu báu, tâm không động, chàng nói:

- Hạ thần không dám thọ nhận số châu báu vượt ngoài khả năng tài nghệ có được. Chỉ xin đại vương ban cho một chức tước xứng hợp với nghề nghiệp nuôi mạng của mình là tốt rồi!

Nghe nói vậy, đức vua càng sinh tâm quý trọng, bổ nhiệm cho chàng được làm quan, đứng đầu các quan ngự y, nhận bỗng lộc của triều đình. Từ đây về sau, Jīvaka chỉ có nhiệm vụ săn sóc sức khỏe cho đức vua, hoàng hậu, vương phi, thái tử, công chúa; và sau này còn có thêm đức Phật và tăng chúng ở Trúc Lâm tịnh xá mà đức vua rất tôn phục và kính trọng. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp đặc biệt, Jīvaka phải chữa bệnh cho một số đối tượng khác.

Viên thị trưởng kinh thành Rājagaha có người bạn thân là một gia chủ đại triệu phú, đau đầu đã mấy năm, tất cả mọi thuốc thang đều bất lực. Gần đây nhất, sau khi thăm bệnh, một vị lương y nổi danh từ chối vàng bạc, không dám chữa trị, vì thấy rõ, trong năm ngày nữa, gia chủ sẽ chết. Vị lương y nổi danh khác, cũng từ chối, bảo rằng, bảy ngày nữa gia chủ sẽ chầu trời! Tin đồn vị tân quan ngự y trẻ tuổi chữa bệnh cho vua như thần đến tai viên thị trưởng. Thương bạn, vả, còn nước còn tát, viên thị trưởng vào khẩn cầu đức vua, nhắc đến công đức của vị gia chủ đại triệu phú đối với kinh thành bấy nay, nhất là đối với người nghèo, mong vua thương tình cho phép quan ngự y chữa trị cho.

Jīvaka được lệnh vua, cụ bị y dụng cùng một số thuốc gói, bột, hoàn bỏ vào tay nải đến nhà người bệnh. Sau khi xem xét, hỏi han bệnh tình, lắng nghe diễn biến bệnh cùng cách chữa trị của các thầy thuốc trước đây, Jīvaka nói:

- Không phải là vô phương cứu chữa đâu, bệnh có thể lành được, thưa gia chủ, nhưng với một số điều kiện hơi khó khăn...

Vị đại triệu phú đôi mắt sáng rỡ:

- Nếu lành được, điều kiện gì tôi cũng xin khứng chịu.

Vì muốn thử lòng, Jīvaka hỏi với nụ cười nhẹ:

- Ví dụ thù lao?

Ông đại triệu phú khẳng khái nói:

- Tất cả tài sản, ruộng vườn, vợ con, tôi tớ... gì cũng được hết, nếu bệnh lành.

- Thôi, chuyện tiền bạc để đấy đã. Việc này mới quan trọng: Gia chủ có đủ sức chịu đựng không? Ví dụ như gia chủ có thể nằm một bên hông trong suốt bảy tháng chăng?

- Nếu lành bệnh được, tôi sẽ cố gắng!

- Chưa hết đâu. Còn hông bên kia nữa, cũng phải nằm yên bảy tháng như thế.

- Tôi cũng có thể.

- Còn nữa! Chàng tiếp lời - Gia chủ còn phải chịu khó nằm ngửa bảy tháng nữa, được không?

- Được!

Jīvaka đưa lên một ngón tay:

- Giữ lời hứa đấy nhé!

- Xin vâng!

Giao kèo, cam kết như vậy xong, Jīvaka mời tất cả mọi người ra ngoài, chỉ giữ lại người con trai của gia chủ, nhờ lấy dây cột chặt chân tay của người bệnh xuống giường. Sau khi cho bệnh nhân uống một loại thuốc chống giảm đau, Jīvaka lấy y cụ gồm dao, kéo, kim chỉ, sát trùng chúng cũng bằng một loại thuốc nước. Nhờ người con trai giữ chặt đầu, Jīvaka lấy con dao giải phẫu, rạch làn da đầu, đưa con dao tách một góc sọ não. Do máu chảy, chàng gảy một đầu móng tay, một loại phấn vàng bay ra, cầm máu tức khắc. Lách cây kìm, nâng võ não, nhìn sâu vào phía bên trong, chàng lấy một cây kìm khác, nhọn và dài, lần lượt gắp ra hai con sâu lăn tăn, một to một nhỏ. Rất thiện xảo, rất nhanh nhạy, Jīvaka cho khép hai mảnh sọ lại, bôi vào đấy một loại thuốc mỡ; lật làn da đầu trở lại y cũ rồi lấy kim chỉ khâu lại vết thương, bôi thêm một lần thuốc mỡ nữa. Tay rửa máu me xong xuôi, chàng lấy cây kim nhỏ chỉ vào con trùng lớn, nói:

- Bậc danh y thứ nhất nói, gia chủ năm ngày nữa sẽ chết, vị ấy đã nói đúng, vì con trùng lớn này, năm ngày nữa là nó sẽ đục khoét vào tận trung khu não bộ. Rồi chàng chỉ vào con trùng nhỏ hơn, nói tiếp - Bậc danh y thứ hai nói bảy ngày nữa gia chủ sẽ quy tiên, cũng đúng luôn; vì con trùng nhỏ này, bảy ngày nữa mới ăn tới tâm não...

Mọi người đã được phép vào thăm. Sau khi thấy, nghe mọi sự, ai cũng kinh dị.

Có người hỏi:

- Thầy có biết tại sao có hai con trùng lại nằm trong não?

Jīvaka nói:

- Cách đây chừng bốn năm, có lần ông đại triệu phú cỡi ngựa, bị té, đầu va đập vào chân ngựa, có hai con trùng từ nơi lông ngựa đã bám vào chân tóc, rồi chúng đi lần vào bên trong, xuyên vỏ não rồi ăn dần vào não. Đây là trường hợp hy hữu.

- Đúng thế! Con trai triệu phú xác nhận - Sau lần té ấy, non một tháng sau là cha tôi mắc chứng bệnh đau đầu.

Jīvaka giải thích:

- Bệnh gia tăng chậm, nhưng càng theo thời gian, càng đau nhức dữ dội vì càng lúc càng đi sâu vào não!

- Đúng thế! Con trai triệu phú lại gật đầu - Đến năm thứ tư nầy thì dường như không còn chịu nổi!

Jīvaka đều đều tiếp:

- Mỗi tháng chỉ có tám lần đau. Vì nửa tuần trăng, mỗi con trùng chỉ ăn hai lần no, sau đó chúng nằm ngủ. Khi chúng ngủ thì bệnh nhân yên hàn vô sự!

Mọi người kính phục quá, tán thán:

- Ôi! Đúng là có thần y xuất hiện trên đời rồi!

Bệnh nhân đang nằm ngủ yên, người quay về phía hông mặt. Jīvaka bảo với mọi người trong gia đình:

- Phải làm sao giữ yên tư thế nằm như vậy trong bảy tháng mới lành bệnh được. Chỉ nên cho ăn cháo gạo lứt loãng và muối trộn mè đen cùng với số thuốc tôi đã bào chế sẵn.

Jīvaka chào mọi người, ra về. Bảy ngày sau, chàng trở lại thăm bệnh nhân. Vị gia chủ than phiền:

- Tôi chết mất, thầy thuốc ơi! Tôi chẳng thể nào nằm như thế này trong bảy tháng được!

- Vậy tại sao gia chủ lại hứa? Ngài nuốt lời sao?

- Thật không dám thế. Nhưng tôi đã không thể chịu đựng được nữa rồi!

Trầm ngâm một chút, Jīvaka chợt gật đầu, có vẻ thông cảm:

- Thôi được! Vậy gia chủ có thể nằm nghiêng phía hông trái bảy tháng vậy.

Người con trai thay đổi thế nằm cho cha, Jīvaka đưa thêm một số thuốc đã bào chế rồi ra về.

Bảy ngày sau, đến thăm, bệnh nhân lại áo não than phiền là cũng đã hết sức chịu đựng, Jīvaka giả vờ cau mày một lát, sau đó, đồng ý cho nằm ngửa nhưng cũng phải bảy tháng.

Bảy ngày nữa, Jīvaka lại ghé thăm, gia chủ đại triệu phú lại than phiền như cũ, chàng cáu gắt:

- Chẳng lẽ nào cả ba lần ngài đều thất hứa mà không hổ thẹn?

Vị đại triệu phú quay mặt ngoảnh đi, trông bộ dạng rất tội nghiệp. Chợt nhiên, Jīvaka cười ha hả, nói lớn:

- Thôi, ngồi dậy đi, ngài hoàn toàn lành bệnh, khỏe mạnh rồi đấy!

Nghe thế, nửa tin nửa ngờ, vị đại triệu phú từ từ ngồi dậy, nhè nhẹ đưa tay sờ đầu thì thấy mọi vết cắt trên não đã liền lạc như cũ, chẳng còn đau đớn gì nữa; ông cảm giác sung sướng, nhẹ bưng, thần hồn như bay tít lên tận thiên đường. Nhưng ông còn bàng hoàng, ngạc nhiên:

- Thầy bảo bảy tháng, bảy tháng, bảy tháng... nhưng rõ ràng là mới có hai mươi mốt ngày?!

- Phải, tôi phải nói như vậy. Tôi biết chỉ cần hai mươi mốt ngày là vết thương sẽ liền da, nhưng phải cam kết khó khăn nhiều tháng như thế, ngài đại triệu phú mới chịu nằm yên được đúng với thời gian yêu cầu chứ!

Xiết bao cảm kích, cả gia đình sụp xuống lạy tạ, tri ân. Jīvaka lấy tay ngăn lại, chàng nói:

- Đừng làm tôi tổn thọ. Bây giờ, ngài đại triệu phú trả thù lao cho tôi như thế nào đây?

- Tất cả tài sản đều là của thầy; và tôi, vợ con tôi sẽ làm tôi làm tớ cho thầy!

Ân cần nắm tay vị đại triệu phú, chàng nói:

- Tôi biết ngài sẽ giữ chữ tín, nhưng không cần thiết phải như vậy. Nghe nói, ngài có công đức rất lớn đối với nhân dân nghèo khổ trong kinh thành này; với nhân quả ấy, lý ra tôi không dám đặt vấn đề thù lao. Tuy nhiên, tôi bây giờ là người của đức vua, đang phụng sự cho đức vua; vậy ngài hãy dâng biếu đức vua cái gì đó và tặng tôi cái gì đó như vật kỷ niệm là đủ rồi. Sống với nhau còn có cái tình, cái nghĩa nữa chứ!

Cả nhà cảm động đến nghẹn ngào, rưng lệ. Sau đó, để biểu tỏ tấm lòng với vị vua nhân đức cũng như với chàng trai tốt bụng, vị đại triệu phú bắt ép chàng phải nhận trăm ngàn đồng tiền vàng Kahāpaṇa và đức vua cũng bằng chừng ấy ngân lượng.

Thế là danh tiếng của vị thần y tràn qua các vương quốc, tiểu quốc. Một vị triệu phú ở Bārāṇasī có người con trai thường hay chơi trò nhào lộn nên bị xoắn ruột. Suốt một thời gian dài không thể nuốt vào một chút cháo, một chút nước, lại còn bí cả đường đại tiểu tiện. Nhìn đứa con trai xanh xao, gầy ốm, chỉ còn trơ xương, chết dần chết mòn; và rồi thầy thuốc nào cũng bỏ chạy, vị triệu phú thở vắn, than dài. Hôm kia, danh tiếng của Jīvaka tràn đến thành phố này; vị triệu phú hối hả thắng ngựa, tìm đến kinh đô Rājagaha, nước Māgadha, vào tận vương cung, khẩn thiết vập đầu xin đức vua cứu cho con trai thân yêu của mình. Thấy cũng thương tình, đức vua Seniya Bimbisāra cho gọi Jīvaka đến.

- Thế nào, ngài trưởng ngự y? Bệnh như thế có cứu được không?

Jīvaka cẩn trọng hỏi han bệnh tình, rồi đáp:

- Có lẽ dễ thôi, tâu đại vương! Nhưng phải quan sát, xem xét tận mắt mới quyết chắc, mấy ngày, vị công tử kia mới ăn uống bình thường trở lại.

Vị triệu phú thở dài, nhẹ nhõm.

Thế rồi, Jīvaka lại theo xe về Bārāṇasī. Quan sát người bệnh một hồi, Jīvaka mời mọi người ra ngoài, kéo màn cửa che kín, chỉ giữ lại người vợ để nhờ phụ giúp một tay. Cũng tương tợ lần trước, Jīvaka bảo người vợ cởi áo cho thanh niên, rồi lấy dây buộc chặt chân, tay, đùi, ngực... vào cột nhà, chỉ chừa cái bụng trắng hếu. Soạn y cụ, lấy thuốc bôi làn da bụng, cho bệnh nhân uống một loại thuốc rồi xắn tay cầm con dao giải phẫu sắc lẻm, sáng lấp lánh. Người thanh niên và bà vợ tái mặt, run , sợ hãi...

Jīvaka mỉm cười trấn an:

- Tôi cho uống thuốc giảm đau rồi, chỉ như kiến cắn, đừng sợ! Còn nhanh hơn mổ gà, mổ vịt nữa đấy!

Rồi với bàn tay thiện xảo, Jīvaka nhẹ nhàng đưa lưỡi dao xuyên làn da bụng, rạch sâu một đường, vừa đủ cho bàn tay lọt vào. Tự nhiên như nhiên, vừa cười vừa nói, chàng thò tay vào bên trong lôi nắm ruột ra; rồi vừa đưa tay chỉ vừa giải thích cho người vợ trẻ:

- Hãy xem chùm ruột của tướng công bà! Đây này, nó xoắn lại như sợi dây thừng như thế này thì làm sao chảy trôi, thông thuận được nước hồ, nước cháo! Nó xoắn nhiều vòng như thế này thì làm sao mà đại tiểu tiện? Chưa chết là may lắm rồi đó!

Vừa nói, vừa chỉ trỏ, vừa đưa những ngón tay khéo léo như ảo thuật sắp xếp lại từng khúc ruột trên dưới cho đúng vị trí rồi đặt trở lại vào bên trong. Rồi, những ngón tay như có con mắt, không phí một sát-na nào, chàng lấy kim chỉ khâu vết thương, bôi một lớp thuốc mỡ bên ngoài, lau máu, lau tay sạch sẽ.

- Xong rồi đấy! Chàng nói - Nhờ bà chị làm phiền cởi dây trói, mặc áo lại cho công tử.

Khi mọi người được phép vào thăm thì Jīvaka đã đặt cho thanh niên nằm yên trên giường, chàng nói:

- Phải được giữ yên như thế, quan trọng nhất là vị trí cái bụng, đừng cho xê dịch! Chỉ nên cho ăn cháo loãng ba ngày, cháo đặc ba ngày; ngày thứ bảy ăn cơm được; và như thế có nghĩa là có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Còn cái trò chơi lộn nhào kia thì khuyên công tử phải bỏ hẳn đi, tái phạm, tôi không cứu nữa đâu!

Rồi chẳng khách sáo gì, Jīvaka nhận lãnh mười sáu ngàn tiền thưởng, về lại kinh đô với công việc cũ của mình...

Và còn nữa, còn nữa, không biết bao nhiêu huyền thoại, giai thoại, truyền thuyết về ông quan ngự y Jīvaka! Đôi khi biết là tánh mạng của mình bị đe dọa mà chàng vẫn cứ cứu người, như trường hợp sau đây.

Đức vua Pajjota nước Ujjenī nổi tiếng độc ác, bạo tàn nên được gọi là Caṇḍappajjota(1)bị bệnh vàng da, nhưng các quan ngự y của vua bó tay bất lực. Phần thưởng nghìn vàng vẫn còn treo lơ lửng ở đấy, nhưng chẳng có danh y nào dám thò tay nắm lấy. Danh tiếng thần y Jīvaka Komārabhacca hôm kia bay đến tai vua. Với lễ vật trọng hậu, một đoàn sứ giả thắng xa mã lên đường, bệ kiến đức vua Seniya Bimbisāra, quỳ lạy khẩn thiết, xin cho quan ngự y cứu đức vua của họ.

Đức vua Seniya Bimbisāra lẳng lặng không hứa khả điều gì, sau đó, hẹn ba ngày sẽ trả lời.

Gọi Jīvaka đến, vua hỏi:

- Học thuốc, khanh tâm đắc y thuật hay y đạo?

Nghe câu hỏi nặng tợ ngàn cân, Jīvaka giật thót mình, tuy nhiên, chàng trấn tĩnh rất nhanh.

- Tâu đại vương! Thuật hay đạo cũng đều là y cả. Sở dĩ gọi thuật là vì phải dùng phương, dùng thuốc để đối trị, bổ tả hay công thủ tùy nguyên nhân bệnh lý, cơ địa, mùa tiết... Nói cách khác, thuật, nó biến hóa vô cùng, vô biên giới nhưng đều gặp nhau một điểm là sử dụng ngoại công để trị liệu.

- Thế còn đạo?

- Đạo là tự mình cứu mình, tự mình chữa trị cho mình, không dùng ngoại công, chỉ sử dụng nội công, nội thủ...

- Trẫm hiểu! Nhưng cao nhất, tối thượng nhất của nội công, nội thủ là gì?

- Dạ thưa, là không làm gì cả, chỉ chú trọng hít thở để điều khí, điều tâm...

Đức vua chợt cười ha hả:

- Cái ông thầy thuốc con nít này nói cứ y như đức Phật nói vậy.

Jīvaka ngạc nhiên:

- Hạ thần đã nghe danh tràn tai về sự sâu nhiệm của tư tưởng cũng như giáo pháp của đức Phật ấy, tiếc là chưa có dịp diện kiến. Rồi hạ thần sẽ tìm gặp. Tại sao có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa y đạo và giáo lý thoát khổ, kỳ lạ đến vậy.

Trầm ngâm một lát, đức vua hỏi tiếp:

- Cứu người, có phân biệt người ấy là tốt, là xấu, là thiện, là ác không, hở Jīvaka?

- Dạ thưa không! Chỉ có bệnh, nguyên nhân bệnh, phải chẩn trị cho hết bệnh với phương dược tùy nghi thế nào đó, tâu đại vương! Trong con mắt và trong cái tâm của người thầy thuốc, là không có người mà chỉ có bệnh!

- Nữa! Đức vua lại cười - Lại nói giống ông Phật con nữa rồi!

Cứ để cho Jīvaka thắc mắc, đức vua không giải thích, ngài kể lại cho chàng nghe về việc thỉnh cầu chữa bệnh của đức vua Pajjota, nước Ujjenī, vốn là một kẻ độc ác, bạo tàn. Đến chữa bệnh cho ông ta thì sống chết khó lường. Tuy nhiên, cái sự việc ấy, nhận hay không nhận, đức vua để cho Jīvaka tự do quyết định.

Rất tri ân đức vua đã có sự tôn trọng phải lẽ, Jīvaka muốn thử tài nghệ của mình, sau khi hứa với đức vua là sẽ rất cẩn trọng, sẽ rất thận trọng!

Nhìn thần sắc, tướng mạo của đức vua Pajjota, Jīvaka, biết rõ bệnh và biết rõ cả tâm địa, chàng nói:

- Đơn giản thôi, tâu bệ hạ! Nhưng chữa lành rồi, bệ hạ sẽ tái phát trở lại!

Vua Pajjota trợn mắt:

- Tại sao?

Jīvaka bạo gan, ướm thử:

- Bệnh của bệ hạ là do gan nóng, khô; gan nóng, khô lại là do bệ hạ uống nhiều rượu, hay nóng nảy, hay giận dữ... Hạ thần còn ngại rằng, không chỉ có vàng da mà khí nóng cứ mãi bốc lên làm cho đôi mắt càng ngày càng yếu, càng mờ đi; biến chứng có thể dẫn đến mù mắt!

Vua Pajjota thấy ông thầy thuốc nói đúng từ bên trong ra bên ngoài, việc mắt mờ cũng đã lờ mờ xuất hiện nên cứ hầm hừ, ầm è trong cổ họng; lát sau, ông mới nói:

- Cứ chữa lành bệnh cho ta đi, tái phát thì ta chịu, ngươi là thầy thuốc mà sao lắm lời đến thế, còn dạy khôn, dạy ngoan người ta nữa!

- Nhưng thưa bệ hạ, thần nói đúng chứ?

- Đúng!

Jīvaka không dừng lại, chàng tiếp:

- Vậy thì nhất định là hạ thần sẽ chữa lành! Thuốc quý hiếm cả hằng trăm loại, hạ thần đi kiếm được, nhưng khó nhất là nước dẫn...

- Nước dẫn gì?

- Dạ thưa! Chàng chọc tức - Nước uống để dẫn thuốc đi, ví dụ như nước tiểu bò, nước tiểu khỉ...

- Ta sẽ chém đầu ngươi!

- Vậy thì nước ao hồ, nước cống rãnh?

- Ngươi không muốn sống nữa à?

Chợt Jīvaka cười ha hả:

- Sau khi lành bệnh, một năm sau bệ hạ mới tái phát. Càng giận dữ chừng nào thì thời gian tái phát càng nhanh. Hạ thần muốn chọc giận bệ hạ, xem thử bệ hạ giận dữ đến cái cỡ nào, hóa ra còn có thể chữa trị được!

Nói thế xong, Jīvaka chậm rãi tiếp lời:

- Thôi! Hạ thần sẽ dùng nước bơ lỏng để làm thuốc dẫn vậy!

Đức vua chợt giận dữ, vùng đứng dậy, quắc mắc:

- Đấy là thứ mà ta rất cấm kỵ. Ta rất ghét. Ngươi mà sử dụng bơ lỏng, ta sẽ cho chặt ngươi làm ba khúc.

Jīvaka nghe ớn lạnh cả xương sống. Lát sau đã tìm ra giải pháp, chàng nói:

- Vậy thì bệ hạ có dùng nước cam, vị cam, hương cam chăng?

- Ừ, cái thứ đó thì được!

Ngẫm nghĩ một hồi, đã có kế, chàng bèn đưa ra điều kiện:

- Trong thời gian chữa trị, hạ thần cần đi tìm kiếm gấp rất nhiều loại thuốc quý hiếm xung quanh núi rừng ngoại ô kinh thành; vậy đức vua hãy cho phép hạ thần được tự do ra vào các cổng thành bất cứ lúc nào; sử dụng bất cứ phương tiện nào được xem là thuận lợi nhất, nhanh nhất, cũng vì lợi ích tối thượng cho bệ hạ!

Đức vua gật đầu:

- Điều kiện ấy thì ta chấp thuận, ta sẽ thông báo tức khắc. Nếu cần, ta còn cho phép ngươi sử dụng cả con voi thần Bhaddavatikā có thể đi năm mươi do-tuần trong một ngày.

Sau ba ngày công phu chế biến các loại dược thảo, trộn lẫn hương cam, vị cam trong một bát thuốc, Jīvaka dâng lên đức vua:

- Ngài uống bát thuốc này xong thì sẽ đổ mồ hôi, ấy là triệu chứng giải độc đấy, sau đó nên nằm ngủ một lát. Bây giờ hạ thần xin cáo lui!

Ra khỏi cung điện, Jīvaka thăm hỏi đường đến trại nuôi voi, vừa đi vừa nghĩ: “Phương thuốc này duy nhất có hiệu quả, là lấy bơ lỏng làm nước dẫn; vì đức vua có ác cảm với bơ nên ta đã dùng vị cam, hương cam đánh bạt mùi vị bơ đi. Nhưng khi thuốc tiêu hóa vào bao tử, vào đường ruột, bơ bị đốt cháy sẽ sinh ra ợ hơi. Do ợ hơi, vua sẽ biết đấy là bơ chứ không phải cam. Độc ác, bạo tàn, độc đoán là bản tính cố hữu của ông ta; nghịch ý ông ta thì mình sẽ bị chém đầu, không chỉ là lời hăm dọa suông đâu. Vậy, bây giờ, tốt nhất, muốn bảo vệ cho cái tính mạng sâu kiến nhỏ nhoi của mình, ta sẽ chuồn nhanh qua bên kia biên giới!”

Viên quản tượng đã có lệnh của đức vua khi biết đây là viên ngự y lừng danh, nên sẵn sàng trao voi thần, còn tìm cách chỉ bày cặn kẽ cách khiển voi, trị voi nữa!

Ngủ đẫy một giấc, thức dậy, đức vua ợ hơi và cảm nhận mùi bơ nồng nặc, rất khó chịu; ông hét toáng lên:

- Quân bây đâu! Tên thầy thuốc xảo trá đâu rồi? Nó dám cho ta uống bơ lỏng! Hãy gọi y đến đây gấp cho ta trị cái tội hỗn láo!

- Tâu bệ hạ! Quan cận vệ hớt hãi - Ông thầy thuốc ấy đã phi vun vút ra khỏi cửa cung bằng con voi thần Bhaddavatikā mất rồi!

Đức vua mắt trợn ngược, vỗ long sàng, quát lớn:

- Phải chém, phải chặt thành bảy khúc cái tên thầy thuốc nghịch tặc ấy! Hãy gọi nam nô lệ Kāka thân yêu của ta đến đây!

Thanh niên Kāka nô lệ của vua vốn là dòng dõi phi nhân, có thể chạy nhanh như gió, mỗi ngày chạy được sáu mươi do tuần, hơn cả voi thần, nghe vua gọi liền đến trình diện.

- Ngươi hãy ra sức thần võ! Vua phán - Đuổi bắt tên thần y quỷ quyệt ấy về đây cho ta, sẽ được trọng thưởng ngàn vàng. Nhưng hãy ghi nhớ điều này, ngươi đừng nhận bất kỳ thứ gì mà hắn giả vờ thân thiện trao cho; ở nơi móng tay, móng chân của hắn, xem chừng, chỗ nào cũng phục kích sẵn thuốc độc cả đấy!

Kāka cúi đầu vâng dạ, lời vừa dứt thì cái bóng đã loang loáng ngoài xa, rồi sau đó, đôi chân thoăn thoát của hắn dường như lướt trên đầu cỏ. Giữa đường, gần thành phố Kosambī, thanh niên nô lệ Kāka gặp Jīvaka Komārabhacca đang nghỉ chân ăn uống nơi chiếc quán bên vệ đường.

Kāka lễ phép nói:

- Thưa thầy, đức vua bảo, kẻ nô lệ nầy phải bắt dẫn thầy trở về!

Jīvaka đã nghe danh tên nô lệ nầy rồi, biết sự việc gay cấn rồi, nhưng chàng giả vờ phớt lờ như không có chuyện chi:

- Ta biết. Nhưng này chú em, hãy chờ cho ta ăn chút gì đã chứ! Chú em cũng ăn đi!

Kāka thật thà:

- Kẻ nô lệ nầy không được phép thọ nhận bất kỳ thứ gì từ nơi ông thầy thuốc cả!

Lúc ấy, Jīvaka đã ăn xong, rồi rất nhanh, rất thiện xảo, chàng gảy nhẹ móng tay, thế là một ít bột thuốc nâu vàng đã bay sang trái cây Amalaka. Chàng cầm một trái ăn và uống nước.

- Chú em cũng nên ăn trái cây và uống nước rồi hẳn lên đường!

Thanh niên nô lệ Kāka chất phác suy nghĩ:“Thầy thuốc không trao gì, ta không nhận gì. Chỉ ăn trái cây trên bàn và uống nước. Việc này chẳng có gì là sai trái cả.” Bèn vô tư thò tay cầm một trái...

Vừa cắn một miếng, vừa nhai tí chút, nô lệ Kāka đã xây xẩm mặt mày, tay chân bủn rủn mất hết khí lực, y ngây dại đưa mắt nhìn Jīvaka, nói thều thào:

- Kẻ nô lệ tội nghiệp nầy có còn được mạng sống không, thưa thầy?

Jīvaka vỗ vỗ vai hắn, thân mật, mỉm cười:

- Chú em là người tốt, ta không hại mạng sống của chú em đâu! Thuốc này chỉ để chú em thong thả ngồi đây chơi chỉ mấy khắc thời gian thôi, đủ để cho ta qua khỏi bên kia biên giới. Sau khi cử động chân tay được rồi, chú em hãy ăn một bụng no, khỏi phải trả tiền cho chủ quán. Con voi Bhaddavatikā ta cũng đã cho ăn no phành bụng, hãy mang nó về trả lại cho đức vua. Ta cũng nhờ chú em nói lại với ông vua rằng, tên thầy thuốc xảo quyệt Jīvaka luôn luôn đầy sẵn một bụng mưu ma, chước quỷ để đối phó với quỷ ma hung dữ; nhưng hắn chưa hại ai, hắn chữa bệnh như thần!

Thế rồi, khi an toàn về lại Rājagaha, Jīvaka kể lại mọi chuyện cho đức vua Seniya Bimbisāra nghe, ngài cười ha hả:

- Tuyệt lắm! Này Jīvaka! Mưu kế ấy tuyệt lắm! Đáng ghét thay cái loại người độc ác! Vua chợt ngẫm ngợi rồi tò mò hỏi - Nhưng bát thuốc đánh tráo hương, đánh tráo vị ấy, cái tên vua xấu xa, đê tiện kia có lành bệnh chăng?

- Chắc chắn chứ, lành hẳn chứ, tâu bệ hạ hiền đức! Thần đã nói là chỉ thấy bệnh, không thấy người kia mà!

Mấy ngày sau, bệnh vàng da của đức vua đã đổi sắc, ngày một hồng hào, ăn ngon, ngủ khỏe, đức vua vô cùng tri ân ông thầy thuốc giảo hoạt, cứng đầu, nhiều mưu kế, nhiều thủ đoạn khó lường. Nói chung là giỏi, rất giỏi... đáng khâm phục, đáng ngưỡng mộ! Càng nghĩ đến mưu chước quỷ quyệt của Jīvaka, đức vua càng khoái, ông tức tốc sai sứ giả đến gặp Jīvaka, nhắn rằng:

- Hãy đến Ujjenī để được trọng thưởng!

- Thôi đi! Jīvaka đáp - Ta nguyền rủa đức vua vô ơn của các ông! Nếu mà còn hung dữ, độc ác, bạo tàn... là ông ta đã tự giết mình đấy, ta không cứu chữa nữa đâu!

Thế đấy, đại lược con người Jīvaka là như vậy đấy! Thật xứng đáng để bước vào giáo pháp của đức Tôn Sư.

Riêng Jīvaka Komārabhacca thì nghe danh đức Phật đã lâu, qua cửa miệng của đức vua, triều thần cũng như các bậc thức giả, quần chúng... nên chàng rất kính trọng, rất ngưỡng mộ nhưng chưa có dịp hội diện ngài. Chàng rất tâm đắc ở chỗ, đức Phật đã thuyết một loại giáo pháp, nghe nói là do ngài độc sáng, chưa hề có trong tư tưởng của các giáo phái truyền thống, gần gần đúng như nghề nghiệp của chàng: Nêu ra thực trạng của bệnh khổ, nguyên nhân của bệnh khổ, sự chấm dứt bệnh khổ và phương thuốc chữa trị bệnh khổ ấy! Như vậy, chính đức Phật là một vị đại lương y, chữa trị bệnh tâm thâm căn cố đế của chúng sanh!

Mới đây, sau khi chữa lành bệnh âm sang cho đức vua, Jīvaka được ngài chỉ định chăm sóc sức khỏe cho đức Phật và Tăng chúng. Vậy, Jīvaka Komārabhacca cần yết kiến ngài để vấn nghi một vài điều còn thắc mắc trước khi nhận thêm nhiệm vụ mới.

Hôm đó, nhân duyên đã đến, Jīvaka được gặp đức Phật ngay chính nơi vườn xoài của mình, đảnh lễ ngài xong, chàng hỏi:

- Bạch đức Thế Tôn! Nội dung giáo pháp thoát khổ của ngài, tôi chưa có thì giờ, chưa dám hỏi đến. Tôi chỉ hỏi cái ngoài rìa! Nó như sau. Tôi nghe khá nhiều tin đồn đãi, loan truyền, không được hay cho giáo pháp, rằng là nhiều súc vật đã bị giết vì ngài; và sa-môn Gotama tuy biết thế, vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình! Chẳng hay điều ấy có đúng chăng?

- Này Jīvaka Komārabhacca! Ai nói vậy là không như chơn, không như thực, họ đã xuyên tạc lời nói của Như Lai. Chính Như Lai đã nói như sau: “Có ba loại thịt được thọ dụng, đấy là không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng con vật kêu rống đau đớn khi bị giết, không nghi ngờ con vật bị giết ấy là vì mình, bởi mình, cho mình! Không thấy, không nghe, không nghi, là ba loại thịt thanh tịnh (tam tịnh nhục)được thọ dụng, này Jīvaka Komārabhacca!”

- Vậy là chính xác, bạch đức Thế Tôn! Jīvaka Komārabhacca có vẻ trầm ngâm giây lát rồi nói tiếp – Tôi là một lương y, thường phải sử dụng cây cỏ rễ củ để chữa bệnh. Thảo mộc, chúng cũng có sự sống, nhưng tôi từng tâm nguyện rằng, khi làm như vậy là tôi không hại mình, không hại người, không hại cả hai!

- Đúng vậy, này Jīvaka Komārabhacca! Như Lai và đệ tử của Như Lai cũng bảo vệ nguồn nước, cây lá và cỏ xanh. Một vị tỳ-khưu sống đúng pháp và luật thì phải biết tôn trọng sự sống của muôn loài; do vậy, họ không được đào, cuốc, bẻ cây, chặt cành; dù mầm sống nhỏ nhoi của một hạt cỏ, một vi sinh cũng không được xâm hại. Ngoài ra, ông cũng còn thấy rõ sự quan trọng của sự khởi tâm lúc hành động; và tốt hay xấu, lỗi lầm hoặc không lỗi lầm, nó nằm nơi chỗ tư tác, chủ ý, cố ý (cetanā) ấy?

- Thế Tôn đã rất hiểu ý của tôi! Jīvaka nói - Tôi chỉ nghĩ đến việc cứu người!

Đức Phật mỉm cười nhìn vị lương y trẻ tuổi ra chiều thân thiện:

- Là vị thầy chữa bệnh thân, ông chú trọng nơi chỗ khởi tâm trong khi hành động. Như Lai là vị thầy chữa bệnh tâm cho chúng sanh nên Như Lai phải khởi tâm cả ba thời: Trước khi, trong khi và sau khi đó nữa, này Jīvaka Komārabhacca!

Chàng lương y có vẻ ngạc nhiên:

- Xin đức Thế Tôn cho tôi được nghe cao kiến?

- Này Jīvaka Komārabhacca! Như Lai và đệ tử của Như Lai khi sống dựa vào một ngôi làng, một ngôi rừng, một thị trấn hay thành phố nào thì luôn biến mãn một phương, nhiều phương với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Thế rồi, khi đêm đã qua, mặt trời lên, Như Lai và đệ tử của Như Lai với trạng thái tâm vô lượng ấy đi trì bình khất thực bình đẳng, tuần tự trước cửa mọi nhà, rỗng rang, tự tại, không hận, không sân, không hại mình, không hại người, không hại cả hai! Đấy được gọi là khởi tâmtrước khi, ông có hiểu không, này Jīvaka!

- Tôi hiểu, thật là tuyệt vời! Vậy còn trong khi thì thế nào, thưa đức Thế Tôn!

- Như Lai và đệ tử của Như Lai trong khi thọ thực, không hề nghĩ đến vật thực ngon bổ hoặc không ngon bổ, không cầu mong vật thực như thế này hoặc như thế khác, không tham đắm, không đam mê, không chấp trước; còn thấy rõ vị ngọt, sự nguy hại và ý thức rõ rệt sự xuất ly chúng nữa! Trong khithọ thực với tâm như thế, vị tỳ-khưu không hại mình, không hại người, không hại cả hai, có phải vậy không, này Jīvaka!

- Quả thật là minh nhiên, bạch đức Thế Tôn!

- Còn sau khi nữa, này Jīvaka Komārabhacca! Như Lai và đệ tử của Như Lai thấy rằng, với tứ vô lượng tâm cũng chưa đủ, với không hận, không sân cũng chưa đủ! Sau khi thọ thực xong, vị ấy tìm một góc rừng vắng, một gốc cây, một ngôi nhà trống, an trú chánh niệm trước mặt, vị ấy đi vào, đi ra các định, các thiền; sau đó dùng tuệ tri, tuệ giác, tuệ minh; ông ta bứng nhổ vô lượng tham sân, phiền não tùy miên, làm cho chúng không còn sanh khởi trong tương lai! Và như vậy thì, vị ấy trước khi thọ thực không có lầm lỗi, trong khi thọ thực không có lầm lỗi; và, sau khi thọ thực cũng không có lầm lỗi! Đấy là hành trình làm ông thầy thuốc chữa bệnh tâm của Như Lai và đệ tử của Như Lai, nó không những không hại mình, không hại người, không hại cả hai mà còn lợi mình, lợi người, lợi cả hai nữa, này Jīvaka Komārabhacca!

Jīvaka Komārabhacca thốt lên:

- Thật là tuyệt vời, bạch Đức Thế Tôn! Rồi chàng nói tiếp - Sự thọ thực như vậy là chơn chánh, nghiêm minh, phạm hạnh, không có ở đâu từ xưa đến nay ngoại trừ giáo pháp của đức Thế Tôn! Sự xuyên tạc của một số người do ganh tỵ danh vọng, do đố kỵ lợi dưỡng sẽ không có chỗ đứng trong tâm kẻ trí khi họ nghe được buổi pháp thoại tốt đẹp, viên mãn cả ba thời này!

Đức Phật nói:

- Dường như họ còn nói rằng, Như Lai đồng ý với sự hủy diệt, hoan hỷ với sự hủy diệt, đồng phạm với sự hủy diệt, ông có nghe người ta nói như thế không?

- Thưa có, tôi có nghe! Jīvaka Komārabhacca gật đầu – Tôi thì hủy diệt chúng vô tình hoặc được ghép vào tội danh hoan hỷ, đồng ý và đồng phạm! Đức Thế Tôn thì hủy diệt chúng hữu tình, cũng bị ghép vào tội danh hoan hỷ, đồng ý và đồng phạm như thế!

- Thế ông có thấy mình có tội không, này Jīvaka?

- Dạ thưa không, bạch đức Thế Tôn! Chỉ những ai khởi tâm cố ý hủy diệt, người ấy mới có tội!

- Cũng vậy, này Jīvaka Komārabhacca! Có năm phi công đức, năm nguyên nhân tạo tội mà người cư sĩ tại gia, những người cúng dường vật thực đến cho Như Lai và đệ tử của Như Lai phải nên thấy rõ, biết rõ. Hãy dắt con thú này đi! Đấy là khởi tâm có tội, là phi công đức thứ nhất! Khi con thú bị dẫn đi đến nơi lò mổ, nó bị kéo lôi, bị trầy cổ, nó sợ hãi, nhưng lòng người ta vẫn lạnh lùng, sắt đá, đấy là nguyên nhân, là phi công đức thứ hai! Hãy giết mổ con thú này! Đấy là khởi tâm có tội, là nguyên nhân, là phi công đức thứ ba! Khi con thú bị giết, nó quằn quại, nó kêu rống, nó cảm thọ đau đớn với lệ máu, nhưng người ta vẫn nhẫn tâm thọc huyết, xẻ thịt, đấy là nguyên nhân, là phi công đức thứ tư! Sau khi tích lũy bốn nguyên nhân có tội ấy, bốn phi công đức ấy, người tại gia cư sĩ cúng dường món ăn ấy đến cho Như Lai và đệ tử của Như Lai, chính là nguyên nhân, là phi công đức thứ năm!

Này Jīvaka Komārabhacca! Như Lai không có hoan hỷ, không có tán đồng, không có chủ trương, không có khuyến khích những vật thực cúng dường nằm trong năm loại phi công đức ấy! Cúng dường như vậy là phi pháp, không đúng với chánh pháp!

Còn như thế này nữa, Jīvaka! Trong thế gian tương đối, với bốn giai cấp có lợi dưỡng khác nhau, quan niệm khác nhau, có thói quen khác nhau về vật thực. Ví như giai cấp bà-la-môn chủ trương dùng ngũ cốc, rau trái, hoa quả; giai cấp sát-đế-lỵ chỉ thích dùng các loại thịt tươi sống, ngon bổ, rau trái quả thượng phẩm; giai cấp vệ-xá, có khá đông người giàu có, họ thọ dụng các loại thịt hoặc rau trái cũng không thua gì quý tộc đâu. Riêng giai cấp thủ-đà-la thì không có khả năng chọn lựa, cái gì rẻ, dễ kiếm thì dùng. Còn chiên-đà-la thì thức ăn vật uống của họ thì chỉ để mà tồn tại! Như Lai và đệ tử của Như Lai khi đi trì bình khất thực, phải giữ tâm bình đẳng trước mọi giai cấp, trước mọi nhà, không kể giàu nghèo, sang hèn. Và chính vật thực kiếm được trong chiếc bát, thường đủ đại biểu cho mọi giai cấp trong xã hội! Ông nghĩ thế nào, này Jīvaka! Giáo pháp của Như Lai, vì muốn giữ tâm bình đẳng, thực hiện giáo pháp trung đạo, lấy giới luật làm thành trì, lấy tâm ô nhiễm hoặc không ô nhiễm làm thước đo, lấy mục đích giác ngộ, giải thoát làm cứu cánh thì có nên đặt vấn đề chọn lựa hay không chọn lựa? Hỏi tức là đã trả lời! Do vậy, Như Lai chỉ cho phép chư tỳ-khưu tùy nghi thọ dụng rau trái, hoa quả, ngũ cốc, tùy nghi thọ dụng ba loại thịt thanh tịnh: Không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng con vật bị giết, không nghi con vật bị giết ấy là do mình! Như vậy, Như Lai không rơi vào cực đoan này, không rơi vào cực đoan kia, này Jīvaka Komārabhacca!

Cảm phục xiết bao lời dạy sáng tỏ đầu đuôi, thấy rõ gốc ngọn vấn đề của đức Phật, lương y Jīvaka Komārabhacca quỳ năm vóc sát đất xin được quy y, làm đệ tử, bắt đầu học tập bổn phận của người cư sĩ tại gia. Và việc đầu tiên là chàng hoan hỷ cúng dường vườn xoài của mình để đức Phật và Tăng chúng tùy nghi sử dụng!

Vài ba lần về sau, mặc dầu công việc ở hoàng cung khá bận rộn, lương y Jīvaka Komārabhacca vẫn thu xếp được thời gian viếng thăm Trúc Lâm, nghe pháp và quan sát sinh hoạt của tăng chúng. Trong vài lần đàm đạo với đức Phật về sức khỏe chung của chư tăng, Jīvaka nói rằng, đời sống hành thiền nhiều dễ phát sanh một số bệnh liên hệ do khí huyết thiếu lưu thông. Chàng mang đến một số dầu xoa bóp, thuốc nhuận tràng và hướng dẫn chư tăng cách bấm một số huyệt trên cơ thể để ai cũng có thể tự chữa cho mình khi nhức đầu, sổ mũi, mỏi vai, đau lưng... Ngoài ra, nước cốt trái cây và dùng nhiều rau quả tươi xanh sẽ rất tốt cho cơ thể. Chàng còn đề nghị đức Phật cho chư tăng tập thể dục, một số động tác Hattha-yoga, như Sāriputta đã từng chủ trương, làm việc nhẹ về tay chân, tắm suối nước nóng (Ở xung quanh Trúc Lâm và rải rác ngoại ô Rājagaha có khá nhiều suối nước nóng).Về mùa lạnh, không nên tắm ở ngoài trời, phải tắm ở trong lều có sưởi ấm. Thấy ý tưởng một bệnh xá tại mỗi nơi tu viện, Jīvaka Komārabhacca rất hoan nghênh, ông hứa cung cấp thuốc men và cho thêm một số lương y đến phụ trách!



(1)Gần đây có một số sách truyện nói rằng thần y Jīvaka là con rơi của đức vua Bimbisāra và kỹ nữ Ambapālī. Theo kinh sử Theravāda thì con riêng của hai người là Vimala Koṇṇdañña, sau xuất gia, có mặt trong Trưởng lão Tăng kệ. Còn Jīvaka (Jīvaka-Komārabhacca) và cô gái giang hồ Sirimā (trong truyện Con gái đức Phật), là anh chị em, đều là con của bà kỹ nữ Sālavatī tại Rājagaha (Sālavatī: A courtezan of Rājagaha, she was the mother of Jīvaka-Komārabhacca and of his sister Sirimā). Xem sách ở ghi chú dưới.

(2) Con trai lớn của đức vua Bimbisāra. Còn có tên là Abhayarājakumarā, là con rơi của đức vua và nàng kỹ nữ Padumavatī ở tại Ujjenī (Xem Dictionary of Pāḷi proper names, q.1, trang 127).

(1)Caṇḍa là dữ tợn, bạo tàn, hung dữ...




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/12/2024(Xem: 650)
Đây là lần đầu tiên quý Huynh trưởng cao cấp của tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hải ngoại có cơ hội tiếp cận, thăm hỏi với Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Cuộc hầu chuyện này xảy ra vào ngày 29 tháng 4, 2021 lúc 8:30PM trên hệ thống Zoom. Sau đó chúng tôi đã gởi đến toàn thể quý Ban Hướng Dẫn các cấp Hải Ngoại và Quốc Gia và những Huynh trưởng có thẩm quyền; sau một thời gian dài im lặng, chúng tôi, vì lợi ích chung của số đông và nhiều người cũng như để tưởng nhớ và biết ơn tình thương bao la của Thầy nói riêng và của Giáo Hội nói chung dành cho tổ chức GĐPT Việt Nam trong và ngoài nước, nên xin mạo muội chia sẻ chung cho đại chúng và quý hàng huynh trưởng các cấp, và xin tóm lược lại những ý chính của cuộc hầu chuyện và lời dặn dò của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ:
26/10/2024(Xem: 798)
Trong bất kỳ tổ chức nào, và Gia Đình Phật Tử không ngoại lệ, tính minh bạch và cởi mở là rất quan trọng trong việc duy trì niềm tin vào tổ chức và sự tin cậy giữa tất cả các thành viên. Để bồi dưỡng tinh thần minh bạch, khách quan, việc phổ biến biên bản họp một cách rộng rãi và kịp thời là điều cần thiết. Cách làm này không chỉ đảm bảo rằng tất cả các thành viên đều nhận được thông tin kịp thời mà còn tạo ra một môi trường cởi mở và có trách nhiệm giải trình.
04/06/2024(Xem: 2116)
“Kiếp xưa ắt có nhân duyên, Nếu không ai dễ chống thuyền gặp nhau”. HT đã giới thiệu, trên 50 năm tôi rời khỏi Huế từ Tết Mậu Thân đi du hóa, tu học phương xa, luôn vọng về quê hương đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của Tổ tiên ông bà, nơi đã có nhiều kỉ niệm của thuở ấu thơ tu học tại Huế, sinh hoạt tại Huế, trên 50 năm vắng mặt, chỉ có năm này với tuổi đã 87, năm nay Lễ Phật Đản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại Chùa Phật Ân, cử hành sớm vào ngày 12 vừa rồi
04/06/2024(Xem: 4453)
Cùng toàn thể giới tử thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm tại trú xứ Tăng già-lam Phước duyên, thành phố Huế, hiện diện quý mến. Một ngày một đêm quý vị ở trong Tịnh giới với niềm tin thanh tịnh, kiên cố, bất hoại đối với Tam bảo. Nhờ niềm tin này mà quý vị không để cho Giới pháp của mình bị sứt mẻ ở trong đi, ở trong đứng, ở trong nằm, ở trong ngồi, ở trong sự nói năng, giao tiếp. Quý vị có được niềm tin này là nhờ quý vị nuôi lớn sáu tính chất của Tam bảo, khiến cho ba nghiệp của quý vị được an tịnh, an tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành, an tịnh về ý hành. Sáu tính chất của Tam bảo, quý vị phải thường quán chiếu sâu sắc, để thể nhập và tạo ra chất liệu cho chính mình, ngay đời này và đời sau. Sáu tính chất của Tam bảo gồm:
30/04/2024(Xem: 3317)
Những lời trích dẫn trên đây thật đanh thép và minh bạch, chữ vu khống trong câu trích dẫn trên đây trong bản gốc bằng tiếng Pali là chữ abbhācikkhanti (abhi + ā + cikkh + a), các tự điển tiếng Anh dịch chữ này là accusation, calumny, slander…, có nghĩa là kết án, phỉ báng, vu khống…. Thế nhưng trong khi viết lách hay thuyết giảng đôi khi chúng ta không nghĩ đến những lời cảnh giác trên đây của Đức Phật. Sau hơn hai mươi lăm thế kỷ quảng bá, xuyên qua nhiều vùng địa lý, hòa mình với nhiều nền văn minh và văn hóa khác nhau, nền Tư tưởng và Giáo huấn của Đức Phật đã phải trải qua nhiều thử thách, thích ứng với nhiều dân tộc, do đó thật khó tránh khỏi ít nhiều biến dạng và thêm thắt. Thế nhưng thực tế cho thấy trong suốt cuộc hành trình kỳ thú và vĩ đại đó – nếu có thể nói như vậy – nền Tư tưởng và Giáo huấn đó của Đức Phật vẫn đứng vững và đã góp phần không nhỏ trong công trình cải thiện xã hội, nâng cao trình độ văn hóa, tư tưởng và mang lại ít nhất là một chút gì đó lý tưởng hơn, cao đ
30/04/2024(Xem: 3923)
Con người thường hay thắc mắc tại sao mình có mặt ở cõi giới Ta Bà này để chịu khổ triền miên. Câu trả lời thường được nghe là: Để trả nghiệp. Nhưng nghiệp là gì? Và làm sao để thoát khỏi? Then chốt cho câu trả lời được gói ghém trong 2 câu: “Ái bất trọng, bất sanh Ta Bà Niệm bất nhất, bất sanh Tịnh Độ” Có nghĩa là: “Nghiệp ái luyến không nặng, sẽ không tái sanh ở cõi Ta Bà Niệm Phật không nhất tâm, sẽ không vãng sanh về Tịnh Độ”
07/02/2024(Xem: 7921)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 9669)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 17345)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 15279)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com