Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3

13/05/201312:40(Xem: 4779)
3


Tuổi Trẻ Tình Yêu Lý Tưởng

Nói với tuổi 20 Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21

Thiền Sư Nhất Hạnh

--- o0o ---

3

Vốn Liếng Lên Đường

Dựng lại tình thâm, đó là phần căn bản của giấc mơ chung . Người xưa gọi đó là tề gia . Tề gia là xây dựng một gia đình có hòa điệu, có hạnh phúc. Mà nếu không có cái thấy chính xác, không có sự tỉnh thức, không có sự tu tập bản thân ( tu thân ) thì không thành công được trong việc tề gia. Tu thân phải đi với tề gia. Cơ cấu gia đình vững chãi thì đất nước mới hùng mạnh. Giúp cho đất nước hùng mạnh, đó là trị quốc . Đất nước có chân đứng vững vàng mới đóng góp được cho nền hòa bình an vui của thế giới. Quốc trị thì thiên hạ mới bình . Tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ là như thế. Đó là giấc mơ của những người trẻ. Mang giấc mơ đó trong tim thì dù anh đã trên sáu mươi anh cũng còn là người trẻ, dù chị đã trên sáu mươi chị cũng còn là người trẻ. Tôi cũng còn là một người trẻ, vì chưa bao giờ tôi đánh mất giấc mơ, và ngày nào tôi cũng sống để thực hiện từ từ giấc mơ.

Người bạn trẻ ơi, nếu anh, nếu chị có khó khăn với các bậc cha mẹ, với anh chị em, thì anh hay chị phải cấp tốc sử dụng các phương pháp đã đề nghị trên để tái tập được truyền thông, khôi phục lại hạnh phúc. Bởi vì đó là vốn liếng để anh, để chị lên đường. Nếu vì buồn phiền và chán nản mà anh hoặc chị đi tìm sự quên lãng trong quán rượu, vũ trường hay mạng lưới internet thì đất nước sẽ không có một tương lai, trái đất sẽ không có một tương lai. Các bậc cha mẹ có thể đang nghĩ rằng bổn phận của các vị là phải làm ra tiền để nuôi mình, nhà người ta có xe hơi thì nhà mình cũng phải có xe hơi, nhà người ta có tủ lạnh, ti vi thì nhà mình cũng phải có tủ lạnh, ti vi, v.v... Giữa những người làm cha mẹ và các bạn có thể đang có một cái hố chia cách rất lớn, và các vị ấy có thể đang không biết rằng con trai hoặc con gái của các vị hiện đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới của họ. Thế giới của internet, thế giới của buông thả, của đam mê, của hưởng thụ bất chấp ngày mai, thế giới của sự phá hoại thân tâm bằng rượu chè, bằng ma túy, bằng sắc dục... Tội nghiệp cho các vị ấy. Nếu bạn đã lỡ sa vào thế giới ấy thì tôi mong những dòng tâm huyết này có thể giúp bạn tỉnh dậy. Chúng ta phải vùng vẫy để thoát ra khỏi cái thế giới nguy hiểm ấy ngay lập tức. Nhờ tình thương, nhờ ý thức trách nhiệm, ta sẽ không nỡ nào chuyên chở tổ tiên và cha mẹ ta trong ta đi vào tuyệt lộ.

Chung quanh ta bạo lực, tham nhũng, quyền uy, hư hỏng đang xảy ra, ngay trong giới những người lãnh đạo, lãnh đạo tinh thần cũng như xã hội. Bạn cũng như tôi, đã biết rằng pháp luật không đủ sức để đối trị với tham nhũng, hủ hóa và tàn ác. Chỉ có niềm tin, chỉ có chí nguyện, chỉ có sự tỉnh thức, chỉ có một giấc mơ lớn mới đủ sức tạo ra năng lượng đưa xã hội chúng ta vượt qua đến bờ an lành và hy vọng mà thôi. Tôi biết trái tim bạn còn nóng hổi, ý chí bạn còn nguyên vẹn. Bạn hãy để cho giấc mơ nâng bạn lên cao, đưa bạn vượt ra khỏi mọi bức tường giới hạn. Bạn sẽ có không gian thênh thang. Chúng ta đang còn có nhau. Chúng ta chưa mất niềm tin nơi tổ tiên, nơi tiềm lực quê hương và dân tộc.

Dựng Lại Tình Thâm , Ban Phát Hạnh Phúc

Này người bạn trẻ, nếu anh lắng nghe được thành công như thế đối với cha (hoặc với mẹ) thì chắc chắn cha (hoặc mẹ) sẽ lắng nghe được anh. Nếu chị lắng nghe được thành công như thế đối với cha (hoặc với mẹ) thì chắc chắn cha (hoặc mẹ) sẽ lắng nghe được chị. Anh hay chị sẽ có cơ hội nói ra được tất cả những gì chứa chất trong lòng mà chưa bao giờ nói ra được. Và anh sẽ nói ra được rất dễ, bởi vì anh đã biết sử dụng ái ngữ rồi. Anh (hay chị) có quyền và có bổn phận nói ra tất cả những gì sâu kín nhất trong lòng, kể cả những khổ đau, uất nghẹn hoặc mơ ước của mình. Và nếu anh hoặc chị biết nắm lấy hơi thở và làm chủ được thân tâm mình và những cảm xúc của mình thì anh hoặc chị sẽ sử dụng được ngôn từ hòa ái một cách dễ dàng. Ta nói để giúp cho cha hoặc mẹ ta điều chỉnh lại nhận thức của các vị ấy, để giúp cho các vị ấy thấy được những khó khăn, những khổ đau, những bất công mà ta đã phải gánh chịu, và cả những mơ ước của ta. Để cho các vị ấy có thể tiếp nhận được những gì ta nói, ta phải sử dụng cho được ngôn từ hòa ái. Ta chỉ nói ra những khó khăn, đau khổ và ước vọng của ta thôi mà ta không tỏ lộ sự trách móc, quy lỗi, buộc tội. Lời nói của ta vì thế sẽ không mang chất liệu chua xót và mỉa mai. Và ta phải thưa với các vị ấy là vì ta còn non dại cho nên ta đã có thể có những nhận thức và tri giác sai lầm, và ta cầu các vị soi sáng 1 cho ta, dạy bảo cho ta, nếu ta đã có những cái thấy sai lạc với sự thực. Ta cũng xin quý vị nghe ta cho hết trước khi dạy ta, bởi vì có như thế ta mới có cơ hội nói hết những gì ta có trong lòng. Nếu quý vị ngắt lời ta, sửa sai cho ta trong khi ta nói thì có thể ta sẽ không làm được việc ấy.

Người bạn trẻ ơi, tôi tin là anh có thể làm được việc này, chị có thể làm được việc này để xây dựng lại tình thâm. Tôi đã từng giúp cho nhiều người trẻ thành công trong sự thực tập lắng nghe và ái ngữ để tái lập truyền thông với cha mẹ và khôi phục lại được hạnh phúc gia đình.

Người bạn trẻ ơi, nếu anh đã từng đau khổ vì những lời trách móc, chửi mắng, buộc tội, những lời chua chát và cay đắng, thì anh hãy phát nguyện là từ nay về sau anh sẽ không bao giờ sử dụng những lời nói như thế (trong đạo Bụt gọi là ác ngữ, thô ngữ) đối với ai, và nhất là đối với những đứa con của anh trong tương lai. Khi trong lòng ta có uất ức, bực bội, phiền muộn, ta có thể nói ra những lời gây đổ vỡ, đổ vỡ trong ta và đổ vỡ trong những người khác, trong số đó có những người thân. Học phép ái ngữ, ta sẽ tránh được lỗi lầm này, và ta có thể tạo dựng hạnh phúc cho ta và cho người. 'Lời nói không mất tiền mua', nhưng lời nói có thể gây niềm tin, xây dựng tình huynh đệ , tái lập được truyền thông, đưa người ra khỏi những vùng ám trệ của mặc cảm tự ti, của phiền muộn, của chán nản, của tuyệt vọng. Chỉ cần sử dụng ái ngữ thôi, bạn đã có thể ban phát hạnh phúc cho rất nhiều người, trước hết là những người thân. Tôi đã thực tập, và tôi đã thành công. Rất nhiều bằng hữu của tôi, trong đó có những người trẻ, đã thực tập thành công. Bạn đừng tin rằng chỉ khi nào mình có nhiều tiền bạc và quyền thế mình mới giúp được người! Bạn có thể tạo hạnh phúc cho người, ngay từ giờ phút này, bằng sự thực tập ái ngữ của bạn.

------------------------------

1 'Soi sáng' có nghĩa là với ngôn từ hòa ái, với tình thương, chỉ cho người kia thấy được những ưu điểm và tài năng của người ấy để khuyến khích, và cũng chỉ cho người kia thấy những điểm còn yếu kém và những nhận thức sai lầm của người ấy và đề nghị những phương pháp cụ thể để người ấy có thể thực tập chuyển hóa, và để người ấy mỗi ngày mỗi đẹp thêm lên.

Đối Phó Với Cơn Bão Cảm Xúc

Muốn thành công trong việc thực tập ái ngữ, bạn phải biết cách đối phó và xử lý những cảm xúc của bạn, khi chúng phát hiện trong tâm. Mỗi khi một nỗi buồn, một cơn giận hay một niềm tuyệt vọng dâng lên, bạn phải có khả năng đối phó với nó. Đối phó ở đây không phải là chống cự, đè nén hoặc xua đuổi, bởi vì nỗi buồn cơn giận hay niềm tuyệt vọng ấy là một phần của chính bạn, và ta không nên chống cự, đè nén, hoặc đàn áp chính ta, vì như vậy là ta đối xử bạo động với chính ta. Nếu bạn biết trở về với hơi thở ý thức, bạn có thể chế tác được năng lượng có mặt , và với năng lượng đó, bạn nhận diện và ôm ấp nỗi buồn, cơn giận hay niềm tuyệt vọng đó một cách ưu ái và hết lòng, cũng giống như một bà mẹ đang ôm trong tay đứa hài nhi của chính mình khi em bé bị sốt, với tất cả tình thương. Năng lượng ưu ái này sẽ làm cho cơn giận hay nỗi buồn dịu lại. Mỗi khi trời nổi cơn giông bão, bạn biết trở về nhà, đóng hết các cửa sổ và cửa ra vào để cho gió mưa đừng xâm nhập và gây tàn hại. Nếu điện bị cắt thì bạn thắp đèn nến hay đèn dầu. Nếu trời lạnh thì bạn đi đốt lò sưởi. Bạn tạo ra được một vùng an toàn bên trong cho bạn trong khi cơn giông bão vẫn còn đang tiếp tục xảy ra. Một cảm xúc mãnh liệt cũng giống như một cơn bão tố có thể gây ra nhiều tai hại. Ta phải biết cách bảo vệ ta, phải tạo ra một không gian an toàn để ẩn náu trong thời gian cơn bão tố còn tồn tại. Ta không thể ngồi chờ và cầu mong cho cơn bão đi qua cho mau, trong khi ta hứng chịu tất cả những tàn hại cơn bão có thể gây ra cho thân tâm ta. Giữ cho thân tâm được bình an trong khi cơn bão tố đang xảy ra, đó là sự thực tập của ta. Có nhiều người đã thực tập và đã làm được như thế. Sau mỗi cơn bão tố, họ trở thành cứng cáp hơn, vững chãi hơn, quắc thước hơn và họ không còn sợ những cơn bão tố nữa. Họ không cầu cho 'trời yên bể lặng', họ chỉ thực tập cho 'chân cứng đá mềm.'

Mỗi khi một cơn sóng gió bắt đầu trỗi dậy, bạn hãy ngồi yên, giữ lưng cho thẳng, trở về với hơi thở, trở về với bản thân, đóng hết các cửa sổ của giác quan. Có tất cả sáu cửa sổ giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đừng nhìn, đừng nghe thêm nữa, đừng suy nghĩ mãi về cái mà bạn cho là nguồn gốc của nỗi khổ hay niềm đau của bạn: một câu nói, một lá thư, một bài báo, một tin tức... Bạn trở về với bạn, nắm lấy hơi thở, theo dõi hơi thở, bám chặt lấy hơi thở vào và hơi thở ra nhưngười thủy thủ đang nắm chặt bánh lái của chiếc tàu đang bị các đợt sóng trên đại dương xô đẩy. Hơi thở ý thức là giây neo, là bánh lái, là giây cương. Bạn thở những hơi thở dài, hoàn toàn chú tâm vào hơi thở đang ra vào. Bạn có thể chú ý tới bụng dưới, thấy được bụng dưới đang xẹp xuống khi bạn thở ra và phồng lên khi bạn thở vào. Mang sự chú tâm xuống bụng dưới, đừng để tâm lãng vãng trên đầu, nghĩa là đừng còn suy nghĩ, đừng còn tưởng tượng. Bạn chấm dứt hết mọi suy tư, chỉ bám sát vào hơi thở mà thôi. Và bạn tự nhắc mình: 'Ta đã từng đi qua nhiều cơn bão. Cơn bão nào rồi cũng phải đi qua, không có cơn bão nào ở lại mãi mãi hoài hoài. Trạng thái tâm lý (đạo Bụt gọi là tâm hành ) này vì vậy cũng sẽ đi qua. Cái gì cũng vô thường. Một cơn bão chỉ là một cơn bão. Ta không phải chỉ là một cơn bão. Ta có thể tìm thấy sự an toàn ngay trong cơn bão. Ta sẽ không để cho cơn bão gây tai hại trong ta.' Thấy được như thế, nhớ được như thế, ta đã bắt đầu làm chủ được ta rồi, và ta không còn là nạn nhân của cơn bão cảm xúc nữa. Nhìn vào đọt cây đang oằn oại trong cơn gió, ta có cảm tưởng là cây có thể bị gió thổi bay bất cứ lúc nào. Nhưng nếu ta nhìn xuống thân cây, gốc cây, thấy được cây đang có nhiều rễ bám sâu bám chặt vào lòng đất, ta sẽ thấy yên tâm, ta biết rằng cây sẽ đứng vững. Huyệt đan điền ở dưới rốn, chính là gốc cây. Ta hãy chú ý tới bụng dưới, mà đừng để tư tưởng hoặc cái thấy cái nghe cuốn ta đi lên phía đọt cây. Bạn thực tập thở như thế năm phút, mười phút hoặc mười lăm phút, tâm ý chỉ chú vào hơi thở và bụng dưới, để mặc cho cơn cảm xúc đi qua. Và khi cơn bão cảm xúc đi qua, ta biết rằng ta đã có khả năng bảo hộ ta, ta có khả năng quản lý được những cơn bão cảm xúc. Ta có niềm tin nơi ta, và ta sẽ không còn sợ hãi nữa. Ta đã biết cách tự bảo hộ ta mỗi khi cơn bão cảm xúc nổi dậy, cho nên ta rất yên lòng. Nhưng ta không đợi cho tới khi có một cơn bão cảm xúc nổi dậy mới bắt đầu thực tập. Ta phải bắt đầu thực tập ngay hôm nay, mỗi ngày từ năm tới mười phút. Và sau vài tuần lễ, ta đã nắm được phương pháp thở, và khi cơn bão cảm xúc nổi dậy, ta tự khắc nhớ để thực tập ngay.

Anh phải sống để giúp đời

Có những người trẻ không có khả năng đối trị được với các cơn cảm xúc của họ. Và khi quá đau khổ họ nghĩ rằng chỉ có chết mới chấm dứt được khổ đau thôi. Vì vậy có rất nhiều người trẻ tự sát khi họ lâm vào trạng thái tuyệt vọng, cô đơn hoặc chán chường. Ở Pháp mỗi ngày trung bình có 30 thanh niên tự tử vì lý do đó. Bạn ơi, cảm xúc chỉ là một cơn bão, nó tới, nó ở lại vài mươi phút, rồi nó đi. Tại sao ta phải chết vì nó? Ta có thể nhận diện nó, mỉm cười với nó, ôm lấy nó, và học hỏi được rất nhiều từ nó. Bạn nắm cho vững phương pháp thực tập đi, và bạn chỉ cách cho những người trẻ thực tập, nhất là các em bé. Mỗi khi em bé lâm vào tình trạng có cảm xúc mạnh, bạn có thể ôm em bé vào lòng, hoặc nắm lấy bàn tay em, mời em thực tập với bạn. Bạn chuyền cho em năng lượng vững chãi của bạn. Em nắm lấy tay tôi đây. Chúng ta cùng thở nhé.

-Thở vào, tôi thấy bụng tôi phồng ra.

-Thở ra, tôi thấy bụng tôi xẹp lại.

-Phồng ra.

-Xẹp xuống.

Anh em mình hãy thở vào thật sâu. Chị em mình hãy thở ra thật chậm. Em thấy không, có sao đâu. Anh đang chuyền năng lượng vững chãi của anh cho em. Chị đang chuyền năng lượng vững chãi của chị cho em. Thở vào em thấy khỏe. Thở ra em thấy nhẹ. Thở vào tâm em bắt đầu tĩnh lặng. Thở ra, miệng em đã có thể mỉm cười.

Bạn cũng có thể mời cha hay mẹ cùng thực tập. Và nếu các vị ấy thực tập thành công nhờ sự mời mọc, chỉ dẫn và yểm trợ của bạn, đó sẽ là một món quà rất lớn mà bạn hiến tặng cho các đấng sinh thành của mình.

Chiều Hướng Tâm Linh

Chúng ta ai cũng sẵn sàng bỏ ra sáu hay tám năm để giật một mảnh bằng. Chúng ta tin rằng mảnh bằng đó rất thiết yếu cho hạnh phúc. Ít người trong chúng ta chịu để ra ba tháng, sáu tháng hay một năm để tập luyện cho mình có khả năng đối trị với nỗi buồn cơn giận, để có thể lắng nghe bằng tâm từ bi và sử dụng được ngôn từ hòa ái. Tôi thấy có nhiều người có bằng cấp và địa vị xã hội cao nhưng không có hạnh phúc. Còn những người có khả năng tu tập kia lại có rất nhiều hạnh phúc và có thể tạo dựng hạnh phúc cho thật nhiều người. Nếu bạn có khả năng chuyển hóa được cơn giận, nỗi buồn và niềm thất vọng, nếu bạn sử dụng được các pháp lắng nghe và ái ngữ, bạn sẽ trở thành chàng hiệp sĩ tạo được hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người! Tôi đã thực tập, và tôi đã đào tạo được những thế hệ người trẻ làm được việc ấy. Hạnh phúc của chúng tôi lớn lắm, dù trên bước đường hành đạo giúp đời chúng tôi cũng vẫn gặp nhiều trở ngại, nhưng vì chúng tôi không đi riêng rẽ, chúng tôi luôn luôn tập đi như một dòng sông , nên nhờ dựa vào nhau chúng tôi luôn luôn vượt thắng được những khó khăn và trở ngại ấy. Chúng tôi đã từng tổ chức những khóa thực tập cho giới trị liệu tâm lý, giới bảo hộ sinh môi, giới cán sự xã hội, giới giáo chức, giới sinh viên, giới y sĩ và y tá, giới cựu chiến binh, giới thương gia, giới chính trị gia, giới dân biểu quốc hội, giới cảnh sát, giới luật gia, giới văn nghệ sĩ, giới tài tử điện ảnh, v.v... Chúng tôi cũng đã đi vào các nhà giam để mở những lớp thực tập, giúp cho người ta tìm thấy được an lạc và niềm vui sống trong khi còn ở trong tù. Trong thế giới chúng ta, giới nào cũng có khó khăn và khổ đau. Đem vào đời sống xã hội và chức nghiệp một chiều hướng đạo đức tâm linh, đó là một điều cần thiết. Giới nào có thực tập đều cũng thừa hưởng được nhiều lợi lạc. Họ thư giãn ra, họ tháo gỡ được niềm đau nỗi khổ của họ, họ nói được những lời yêu thương và hòa giải... Chúng tôi rất mong ước bạn trực tiếp chứng kiến được những chuyển hóa ấy để bạn có thêm niềm tin.

Đạo đức không phải là tôn giáo

Những tệ đoan xã hội, những hủ bại phong hóa, những tham nhũng dành giật, những trác táng liều lĩnh mà bạn trông thấy trong xã hội bây giờ... sẽ không thể nào xóa bỏ được nếu không có được một giấc mơ, một niềm tin, một lý tưởng. Những thời đại huy hoàng nhất của lịch sử dân tộc ta là những thời đại trong đó quốc dân có một niềm tin. Quốc dân không thể một ngày không có niềm tin. Mà niềm tin ở đây không hẳn phải là niềm tin nơi một chủ thuyết hay một tôn giáo. Cuồng tín nơi chủ thuyết hay cuồng tín nơi tôn giáo có thể đem lại bạo động, chiến tranh và căm thù. Ta phải có một đường hướng tâm linh, một nền tảng đạo đức. Đạo đức không phải là tôn giáo, dù rằng trong tôn giáo có thể có đạo đức. Cha ông ta đã biết tìm trong các truyền thống tâm linh những yếu tố đạo đức có khả năng làm kim chỉ nam cho cả một dân tộc. Các vua Lý, Trần đã làm được như thế và không bao giờ họ rơi vào lưới mê tín hoặc cuồng tín. Chúng ta hãy biết thừa hưởng được kinh nghiệm của cha ông.

Vua A dục (Ashoka) là ông vua đã thống nhất toàn cõi Ấn Độ. Với cách sống của ông cùng những thông điệp khắc trên các trụ đá dựng lên khắp nơi trong đất nước, vua đã nỗ lực xây dựng một niềm tin nơi hướng đi nhân ái và bất bạo động. Trụ đá của vua dựng ở vườn Lumbini (bây giờ là Rummindai, Nepal), nơi Bụt Thích Ca giáng sinh, mang những dòng chữ Brahmi và ngôn ngữ Magadhi, còn đứng vững cho đến ngày nay. Vua A dục đã chứng tỏ khả năng thống nhất đất nước mà cũng chứng tỏ được khả năng thống nhất lòng người.

Thông điệp từ bi và bất bạo động đã được vua truyền đi khắp nước, không phải dưới dạng tôn giáo mà dưới dạng đạo đức. Thời ấy có ít nhất là sáu truyền thống tôn giáo ở Ấn độ, và tuy vua là một Phật tử thuần thành, tự mình thực tập năm giới, nhưng những thông điệp từ bi và bất bạo động được cho khắc trên các trụ đá lại có tính cách vượt lên trên mọi hình thức tôn giáo. Nhờ sự hành trì năm giới và sống theo tinh thần ấy nên vua đã trở thành hình ảnh gương mẫu của một vị bồ tát tại gia, và nhờ vua mà đạo Bụt trước đó chỉ có mặt ở một vòng đai miền Trung Ấn độ từ nước Anga phía Đông đến nước Avanti phía Tây, đã lan xuống miền Nam, đi lên miền Bắc và trở thành một truyền thống có mặt ở toàn cõi Ấn độ. Vua còn yểm trợ sự thành lập những phái đoàn đem đạo Bụt đi tới các quốc gia khác trên thế giới, tới các quốc gia Hy lạp và Ai cập. Con trai của vua, thái tử Mahinda, đã nhận trách vụ đem đạo Bụt xuống đảo Lanka tức là Tích lan ngày nay.

Các vua Lý và Trần của chúng ta cũng đã từng hành xử theo nếp sống ấy. Từ vua Lý Thái Tổ đến vua Trần Nghệ Tông, vua nào cũng trì trai, giữ giới, thực tập theo tinh thần từ bi, bất bạo động và cũng thống nhất được đất nước và nhân tâm bằng con đường đạo lý. Có người nói từ bi quá thì mình sẽ yếu. Điều này hoàn toàn sai lạc. Sử gia Hoàng Xuân Hãn đã viết câu này trong sách Lý Thường Kiệt: 'Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của đạo Phật.' Thuần từ không có nghĩa là yếu kém. Thuần từ đưa đến sự thống nhất lòng người, đưa đến đoàn kết dân tộc. Võ công đời Lý rất hiển hách. Các cuộc bình Chiêm và phạt Tống sở dĩ luôn luôn thành công là tại nhờ lòng người thống nhất, biết trọng đạo đức, biết tin yêu nhau. Đời Trần cũng hùng mạnh như đời Lý, không những rạng rỡ về phía võ công mà còn về phía văn học. Các vua Trần đều có thực tập năm giới, lại có cả một ông vua nhường ngôi cho con để đi xuất gia, đó là vua Trần Nhân Tông. Đã xuất gia rồi mà vua (pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ) vẫn tiếp tục phục vụ cho đất nước về phương diện đạo đức như thường. Nhà chí sĩ Phan Chu Trinh đã nói 1 : 'Nay bà con ta thử xét: đời Trần tại sao dân tộc ta hùng dũng như vậy? Quân Nguyên thắng cả Á và Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu. Nào bị cướp giáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư?'

Đạo Bụt rất thịnh ở đời Lý, đời Trần, nhưng đạo Bụt không chủ trương độc tôn, đạo Bụt luôn luôn mở rộng để ôm lấy các truyền thống khác như Khổng giáo và Lão giáo. Thái độ cởi mở và bao dung ấy đã chinh phục được lòng người, đã đưa tới sự đồng tâm đồng chí của cả một dân tộc.

-------------------------

1 Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Lá Bối, 1974.

Một Nền Văn Hóa Hòa Bình

Năm 1997, tôi có dịp ngồi xuống với một số các vị đã từng được giải Nobel Hòa Bình (có gần 20 vị) và giúp vào việc soạn thảo Bản Tuyên Ngôn 2000 mà nội dung là một nếp sống có khả năng đưa tới một nền văn hóa Hòa Bình và Bất Bạo Động (Manifesto 2000, for a culture of Peace and Non Violence). Chúng tôi đã đề nghị với tổ chức Liên Hiệp Quốc về việc ban hành một quyết nghị về một thập niên dành cho việc tu tập và hoạt động cho một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động nhằm phục vụ cho tất cả trẻ em trên thế giới. Đề nghị ấy đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chấp thuận qua nghị quyết số A/RES/53125. Trong nghị quyết này, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố năm 2000 là 'Năm quốc tế của sự tu tập hòa bình' (International year of the Culture of Peace) và lấy thập niên 2001-2010 là 'thập niên quốc tế xiển dương việc tu tập bất bạo động và hòa bình để làm lợi lạc cho tất cả trẻ em trên thế giới' (International decade for the promotion of a culture of Non Violence and Peace for the Children in the World). Tổ chức UNESCO là tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) đã nhận trách nhiệm bảo trợ, điều hợp và xúc tiến việc vận động tu tập và xiển dương này: UNESCO đã phổ biến Tuyên Ngôn 2000 bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Chúng ta đã đông đến hơn 75 triệu

Nội dung của Tuyên Ngôn 2000 là sáu điểm để học hỏi và tu tập. Nội dung sáu điểm cũng tương tự như nội dung năm phép thực tập chánh niệm (ngũ giới), nhưng được trình bày bằng thứ ngôn ngữ không tôn giáo, đơn giản và vắn tắt hơn để đại đa số dân chúng trên thế giới thuộc nhiều truyền thống tâm linh khác nhau có thể đọc, hiểu và chấp nhận một cách dễ dàng. Mọi công dân của thế giới đều được khuyến khích đọc bản Tuyên Ngôn này, và tìm cách áp dụng vào đời sống hàng ngày trong phạm vi cá nhân, gia đình và xã hội, rồi quảng bá, giáo dục và yểm trợ cho nếp sống tỉnh thức theo tinh thần Tuyên Ngôn ấy. Tổ chức UNESCO cũng muốn mỗi người trong chúng ta sau khi đọc và chấp nhận đường hướng tu tập này thì ký tên vào bản Tuyên Ngôn và gửi về trụ sở UNESCO ở Paris . Năm 1999, tổ chức UNESCO mong rằng tới ngày 30.6.2000 thì có được ít nhất là vài chục triệu chữ ký để trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về Thiên Kỷ Mới sẽ được họp tại New York vào giữa tháng chín năm 2000. Ước vọng đó của UNESCO đã được thành tựu! Hôm nay, trong khi tôi viết những giòng này, thì UNESCO đã thu thập được bảy mươi lăm triệu, hai trăm sáu mươi bảy ngàn, chín trăm bốn mươi chín (75.267.949) chữ ký trong đó có chữ ký của nhiều vị nguyên thủ các nước trên thế giới, kể cả chữ ký của thủ tướng Phan Văn Khải. Năm 1999, văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội cũng đã cọng tác với hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam xuất bản cuốn Sổ tay Năm 2000, với tựa đề Hòa Bình Trong Tay Chúng Ta (Peace is in our Hands), trong đó có in Tuyên Ngôn 2000 và có lời thông báo về Năm Quốc Tế của sự tu tập Hòa Bình. Tiếc thay sách này chỉ in được có 3000 cuốn, và phổ biến rất giới hạn.

Nếu bạn muốn có văn bản Manifesto 2000, bạn có thể lấy từ mạng lưới, địa chỉ: www.unesco.org/manifesto2000. Bạn có thể kéo văn bản xuống, và chọn ngôn ngữ nào cũng được. Bạn có thể ký ngay sau đó, và lập tức bạn sẽ có văn bản chứng nhận là bạn đã ký vào Manifesto. Còn nếu bạn muốn gửi qua bưu điện thì địa chỉ là Manifesto 2000, Bưu Chính, Unesco, BP3-91167 Longjumeau Cedex 9, France. Nhưng quan trọng nhất không phải là chữ ký. Quan trọng nhất là bạn có thì giờ học hỏi và áp dụng Manifesto vào đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của bạn.

Tuyên Ngôn 2000

để đi tới một nền văn hóa Hòa Bình và Bất Bạo Động

Năm 2000 phải là một sự bắt đầu mới của tất cả chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể chuyển hóa tình trạng tranh chấp và bạo động hiện thời thành một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động. Điều này đòi hỏi sự góp phần của tất cả mọi người. Công trình thực tập này sẽ hiến tặng cho người trẻ và những thế hệ tương lai những giá trị mới có thể tạo dựng một thế giới trong đó nhân phẩm và hòa điệu được tôn trọng, một thế giới có công bình, có tình liên đới, tự do và thịnh vượng. Nền văn hóa hòa bình và bất bạo động này sẽ cho phép ta phát triển kinh tế mà không làm hại đến sinh môi và làm điều kiện cho sự phát triển toàn diện của mỗi con người.

Nhận thức được phần trách nhiệm của tôi đối với tương lai nhân loại, nhất là đối với trẻ em hôm nay và những thế hệ tương lai, tôi xin cam kết áp dụng những điều sau đây trong đời sống hàng ngày của tôi, của gia đình tôi, chức nghiệp tôi, đoàn thể tôi, đất nước tôi và địa phương tôi:

1. Xin tôn trọng sự sống dưới mọi hình thức. Nguyện tôn trọng sự sống và nhân phẩm của mỗi con người, nguyện không kỳ thị ai và không làm tổn hại đến mạng sống của ai.

2. Xin khước từ bạo động. Nguyện thực tập một cách tích cực đường lối bất bạo động, nguyện khước từ bạo động dưới bất cứ hình thức nào, bạo động thân thể (đánh giết, đày ải, tra tấn), bạo động dâm dục, bạo động tâm lý, bạo động kinh tế, bạo động xã hội và nhất là bạo động đối với những kẻ nghèo khổ, thiếu thốn và những kẻ không có phương tiện tự vệ như trẻ em và thiếu niên.

3. Xin mở rộng lòng từ ái. Nguyện chia sẻ thì giờ và tài chánh của tôi với kẻ thiếu thốn, nguyện mở rộng tâm từ ái bố thí để chấm dứt tình trạng bất công xã hội, tình trạng áp bức chính trị và kinh tế, và để cho mọi người một cơ hội đồng đều để đi học và kinh doanh.

4. Xin lắng nghe để hiểu. Nguyện bảo vệ quyền tự do ngôn luận và quyền đa diện văn hóa bằng cách chú tâm thực tập lắng nghe và đối thoại chống lại sự cuồng tín, vọng ngữ và ý hướng loại bỏ kẻ khác.

5. Xin bảo hộ trái đất. Nguyện học cách tiêu thụ mua sắm với tinh thần trách nhiệm và phát triển công nghiệp theo đường hướng bảo vệ sự sống dưới mọi hình thức để bảo tồn sự quân bình của những nguồn tư liệu thiên nhiên trong hoàn vũ.

6. Xin làm sống dậy tình liên đới. Nguyện đóng góp xây dựng và phát triển tăng thân hoặc cộng đồng với sự tham dự đầy đủ của giới phụ nữ và tôn trọng những nguyên tắc dân chủ để cùng nhau sáng tạo ra những hình thái tương trợ và liên đới mới. Để cụ thể hóa phần đóng góp của cá nhân tôi cho sự xiển dương một nền văn hóa Hòa Bình và Bất Bạo Động, tôi xin nguyện:

Tên, họ : __________________________________________

Năm sinh :_ _______________________________________

Ngày sinh : _______________________________________

Nam , nữ : ________________________________________

Thành phố (hoặc quận hay xã): _______________________

Quốc gia : ________________________________________

Ngày : ___________________________________________

Chữ ký :_ ________________________________________

Ông Frederico Mayer, giám đốc của UNESCO năm 1999 đã đề nghị tôi viết một cuốn giáo khoa thư chỉ dẫn đường hướng tu tập theo tinh thần Manifesto 2000. Tôi đã để ra hai năm để hoàn thành cuốn sách ấy, với sự cộng tác của nhiều thầy và sư cô Làng Mai. Cuốn sách ấy đã ra đời năm 2002 bằng tiếng Anh, do nhà xuất bản Free Press ở New York ấn hành. Tên của cuốn sách là Creating True Peace hiện đang được phiên dịch và ấn hành bằng nhiều thứ tiếng khác. Cuốn sách này, hỡi người bạn trẻ, tôi rất muốn anh đọc, tôi rất muốn chị đọc. Trong ấy bạn sẽ tìm thấy những chỉ dẫn rất thực tiễn để bạn có thể tu tập và chuyển hóa để trở thành những trụ cột cho tương lai.

Tu Tập Chứ Không Phải Là Kêu Gọi - Ði Như Một Dòng Sông

Trong số trên bảy mươi lăm triệu người ký vào Tuyên Ngôn 2000, dĩ nhiên ai cũng nhận thấy con đường tương lai của nhân loại là sáu điểm được nêu lên trong Tuyên Ngôn. Nhưng nội dung Tuyên Ngôn 2000 là một văn bản thực tập chứ không phải là những lời tuyên bố , mà muốn thực tập theo sáu điểm của Tuyên Ngôn, ta phải có sự nhắc nhở và yểm trợ của những người cùng sống với ta. Sự thật là đại đa số những người đã ký tên vào Tuyên Ngôn 2000 đã không có điều kiện để thực tập. Chỉ có những người sống trong các gia đình và trong những cộng đồng cùng có một lý tưởng mới có cơ hội thực tập thật sự. Trong bốn mươi năm sống và chia sẻ phép thực tập ở Tây Phương, chúng tôi ở Làng Mai đã khuyến khích các bạn tới Làng về thành lập những cộng đồng như thế, gọi là những 'cộng đồng sống trong ý thức' (tiếng Anh là Communities of Mindful Living). Các bạn đã thành lập trên một ngàn cộng đồng như vậy trên thế giới, và trong các cộng đồng ấy, ai cũng đang thực tập hết lòng. Nếu bạn có cảm hứng và niềm tin bạn cũng có thể tìm cách thuyết phục gia đình bạn hay cộng đồng bạn thực tập theo sáu điều ấy của Tuyên Ngôn 2000. Nội dung sáu điểm của Tuyên Ngôn 2000, như tôi đã nói, nếu bạn so sánh với năm phép thực tập chánh niệm tại Làng Mai, cũng không khác gì mấy. Năm 1995, tại Diễn Đàn State of The World do ông Mikhail Gorbatchev tổ chức ở San Francisco, USA, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo khoa học và văn hóa tham dự, tôi đã được mời đến để thuyết trình về tương lai nhân loại, đứng về khía cạnh tâm linh. Tôi cũng đã nói tới năm phép thực tập chánh niệm (The Five Mindfulness Trainings) như là con đường thoát duy nhất của nhân loại. Năm phép này chính là rút từ phép thực tập ngũ giới trong đạo Bụt, nhưng đã được trình bày như một phép thực tập không có màu sắc tôn giáo.

Đi như một dòng sông

Này người bạn trẻ, tôi cám ơn anh, tôi cám ơn chị đã chịu khó đọc cho tới đây. Tôi chỉ muốn bạn thấy được rằng giấc mơ của chúng ta không phải là một giấc mơ suông. Nó đang có đủ điều kiện để trở thành hiện thực. Và tất cả còn trông chờ vào bàn tay của bạn. Giấc mơ là giấc mơ chung của tất cả chúng ta. Thế kỷ thứ hai mươi là một thế kỷ có nhiều máu lửa và hận thù. Chủ nghĩa cá nhân đã lên ngôi trong thế kỷ ấy. Chúng ta cần học bài học của lịch sử. Ta không thể đi tìm hạnh phúc cá nhân và đi tìm bằng đường lối bạo động. Tất cả chúng ta đều cùng hội cùng thuyền. Ta không thể đi như một cá nhân, như một giọt nước. Một giọt nước sẽ bốc hơi trước khi ra tới biển cả. Chúng ta phải đi như một dòng sông, nương vào nhau, tay trong tay, cùng bảo hộ cho nhau, cùng nâng đỡ nhau. Thế kỷ hai mươi mốt phải là thế kỷ của tình huynh đệ.

Manifesto 2000

For a culture of Peace and Non-violence

The year 2000 must be a new beginning for us all. Together we can transform the culture of war and violence into a culture of peace and non-violence. This demands the participation of everyone. It gives the young people and future generations values that can inspire them to shape a world of dignity and harmony, a world of justice, solidarity, liberty, and prosperity. The culture of peace makes possible sustainable development, environmental protection and the personal fulfillment of each human being.

Recognizing my share of responsibility for the future of humanity, especially for today's children and those of future generations, I pledge - in my daily life, in my family, my work, my community, my country and my region, to:

1. Respect the life and dignity of each person without discrimination or prejudice.

2. Practice active non-violence, rejecting violence in all its forms: physical, sexual, psychological, economical and social, in particular towards the most deprived and vulnerable such as children and adolescents.

3. Share my time and material resources in a spirit of generosity to put an end to exclusion, injustice and political and economic oppression.

4. Defend freedom of expression and cultural diversity, giving preference always to dialogue and listening without engaging in fanaticism, defamation and the rejection of others.

5. Promote consumer behaviour that is responsible and development practices that respect all forms of life and preserve the balance of nature on the planet.

6. Contribute to the development of my community, with the full participation of women and respect for democratic principles, in order to create together new forms of solidarity.

To manifest my personal contribution to promote a Culture of Peace and Non-Violence, I undertake to:

Signature:_________________________________________

Date:____________________________________________

First Name :_______________________________________

FamilyName:______________________________________

Age:_____________________________________________

Sex: M - F Address:_________________________________

City:_____________________________________________

Zip/PostCode:_____________________________________

Country:__________________________________________

Năm Phương Pháp Thực Tập Chánh Niệm :

* Tiếng Việt

Đây là Giới Thứ Nhất:

Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hàng ngày của con.

Đây là Giới Thứ Hai:

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Đây là Giới Thứ Ba:

Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chánh sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Đây là Giới Thứ Tư:

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết rõ. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể.

Đây là Giới Thứ Năm:

Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

* Tiếng Anh

The First Mindfulness Training:

Aware of the suffering caused by the destruction of life, I am committed to cultivating compassion and learning ways to protect the lives of people, animals, plants, and minerals. I am determined not to kill, not to let others kill, and not to support any act of killing in the world, in my thinking, and in my way of life.

The Second Mindfulness Training:

Aware of the suffering caused by exploitation, social injustice, stealing, and oppression, I am committed to cultivating loving kindness and learning ways to work for the well-being of people, animals, plants, and minerals. I will practice generosity by sharing my time, energy, and material resources with those who are in real need. I am determined not to steal and not to possess anything that should belong to others. I will respect the property of others, but I will prevent others from profiting from human suffering or the suffering of other species on Earth.

The Third Mindfulness Training:

Aware of the suffering caused by sexual misconduct, I am committed to cultivating responsibility and learning ways to protect the safety and integrity of individuals, couples, families, and society. I am determined not to engage in sexual relations without love and a long-term commitment. To preserve the happiness of myself and others, I am determined to respect my commitments and the commitments of others. I will do everything in my power to protect children from sexual abuse and to prevent couples and families from being broken by sexual misconduct.

The Fourth Mindfulness Training:

Aware of the suffering caused by unmindful speech and the inability to listen to others, I am committed to cultivating loving speech and deep listening in order to bring joy and happiness to others and relieve others of their suffering. Knowing that words can create happiness or suffering, I am determined to speak truthfully, with words that inspire self-confidence, joy, and hope. I will not spread news that I do not know to be certain and will not criticize or condemn things of which I am not sure. I will refrain from uttering words that can cause division or discord, or that can cause the family or the community to break. I am determined to make all efforts to reconcile and resolve all conflicts, however small.

The Fifth Mindfulness Training:

Aware of the suffering caused by unmindful consumption, I am committed to cultivating good health, both physical and mental, for myself, my family, and my society by practicing mindful eating, drinking, and consuming. I will ingest only items that preserve peace, well-being, and joy in my body, in my consciousness, and in the collective body and consciousness of my family and society. I am determined not to use alcohol or any other intoxicant or to ingest foods or other items that contain toxins, such as certain TV programs, magazines, books, films, and conversations. I am aware that to damage my body or my consciousness with these poisons is to betray my ancestors, my parents, my society, and future generations. I will work to transform violence, fear, anger, and confusion in myself and in society by practicing a diet for myself and for society. I understand that a proper diet is crucial for self-transformation and for the transformation of society.

--- o0o ---

Nguồn: http://www.langmai.org

Trình bày: Nhị Tường.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/02/2024(Xem: 1871)
Từ 1983 đến 1985 khi đang ở Singapore, bận bịu với chương trình nghiên cứu Phật giáo tại Viện Phát triển Giáo Trình, tôi được Tu viện Phật giáo Srilankaramaya và một số đạo hữu mời giảng bốn loạt bài pháp nói về một vài tông phái chính của Phật giáo. Các bài giảng được ưa thích, và nhờ các cố gắng của Ô. Yeo Eng Chen và một số bạn khác, chúng đã được ghi âm, chép tay và in ấn để phát miễn phí cho các học viên. Kể từ đó, các bài pháp khởi đi từ hình thức của các tập rời được ngưỡng mộ và cũng được tái bản. Sau đó, tôi nhận thấy có vẻ hay hơn nếu in ấn bốn phần ấy thành một quyển hợp nhất, và với vài lần nhuận sắc, xuất bản chúng để cho công chúng dùng chung.
19/12/2023(Xem: 4295)
Cách đây chừng 30 năm, Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc chúng tôi có nhận được bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyou) bằng Hán Văn gồm 100 tập do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh từ Đài Loan giới thiệu để được tặng. Bộ Đại Tạng Kinh giá trị này do Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội xuất bản và gửi tặng đến các nơi có duyên. Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội dưới sự chứng minh và lãnh đạo tinh thần của cố Hòa Thượng Thích Tịnh Không đã làm được không biết bao nhiêu công đức truyền tải giáo lý Phật Đà qua việc xuất bản kinh điển và sách vở về Phật Giáo, với hình thức ấn tống bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Hoa Ngữ, Anh Ngữ, Pháp Ngữ, Đức Ngữ, Việt Ngữ. Nhờ đó tôi có cơ hội để tham cứu Kinh điển rất thuận tiện.
13/12/2023(Xem: 10395)
Hành Thiền, một nếp sống lành mạnh trong sáng, một phương pháp giáo dục hướng thượng (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
13/12/2023(Xem: 9747)
Đức Phật của Chúng Ta (Sách pdf của HT Thích Minh Châu)
09/06/2023(Xem: 2034)
Bộ phim Phi Thuyền Serenity (2005) với thể loại khoa học viễn tưởng đã giới thiệu một hình ảnh tên là Miranda, nơi các vấn đề của nhân loại được giải quyết thông quan khoa học công nghệ. Tham lam, giận dữ, si mê (tam độc), phiền não bởi buồn bã, lo lắng và tuyệt vọng - rõ ràng là trùng lặp với một số kiết sử cổ điển của Phật giáo (Skt., Pali: samyojana)
08/06/2023(Xem: 2930)
Đọc một quảng cáo trên mục rao vặt “vị trí tuyển dụng” của tờ báo The Star. Danh sách này là từ Cư sĩ lâm Thiên bách Phật giáo (Chempaka BudChempaka Buddhist Lodge, 千百家佛教居士林) ở Petaling Jaya, thành phố ở bang Selangor, Malaysia. Các cơ hội việc làm cho các tu sĩ Phật giáo ở Đông Nam Á là phổ biến và xuất hiện cùng với các cơ hội việc làm thế tục như nhân viên bán hàng
19/05/2023(Xem: 3177)
Tôi đã rất ấn tượng bởi một số chủ đề trùng lặp mà tôi gặp phải từ một số tác giả rất khác nhau. Cụ thể tôi đã thưởng ngoạn tác phẩm “Sapiens: Lược Sử Loài Người” (קיצור תולדות האנושות‎, Ḳitsur toldot ha-enoshut) của Tác giả, Thiền giả, Giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem, Cư sĩ Yuval Noah Harari, một tác phẩm nói bao quát về lịch sử tiến hóa của loài người từ thời cổ xưa trong thời kỳ đồ đá cho đến thế kỷ XXI, tập trung vào loài "Người tinh khôn" (Homo sapiens). Được ghi chép lại với khuôn khổ được cung cấp bởi các ngành khoa học tự nhiên, đặc biệt là sinh học tiến hóa.
19/05/2023(Xem: 4599)
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng đã kêu gọi đạo Phật ở thế kỷ 21, với sự nhấn mạnh không phải vào nghi lễ, cầu nguyện và lòng sùng mộ, đúng nghĩa hơn là nghiên cứu, tu học đặc biệt là các tác phẩm của 17 vị Luận sư vĩ đại thuộc Nalanda trường Đại học đầu tiên của Phật giáo. Để phù hợp với phương tiện thiện xảo của Đức Phật, nghiên cứu cần phải thích nghi với hoàn cảnh của thế kỷ 21, và phù hợp với các phương pháp truyền thống của Thời đại kỹ thuật số. Nhằm duy trì hiệu quả trong giáo dục Phật giáo, thì phải thích ứng với những nhu cầu thời đại, như nó đã luôn thực hành trong quá khứ. Đặc biệt là để tiếp tục truyền thống vĩ đại của giáo dục Phật giáo Nalanda, cần phải đáp ứng với các phương pháp giáo dục hiện đại, để cung cấp cho các thế hệ trẻ khả năng tiếp cận. Tôi xin dẫn chứng một số bối cảnh lịch sử để chứng minh rằng việc thích nghi với thời đại là phù hợp với truyền thống đạo Phật.
17/05/2023(Xem: 4683)
Hiện nay có một hiện tượng đáng ngại là một số tu sĩ thuyết pháp có một số tín đồ nghe theo, hoặc là trụ trì, trở nên vô cùng ngã mạn có những hành động, cử chỉ, lời nói khinh mạn tín đồ và tự cho mình đã chứng đắc có khi còn hơn cả Phật. Câu hỏi đặt ra là: Là trụ trì, hoặc thuyết pháp có cả triệu tín đồ đi theo, phát hành cả trăm băng đĩa, như thế đã là Phật chưa?
03/05/2023(Xem: 7426)
Khi Phật giáo (PG) du nhập vào Trung Hoa (TH) lần đầu tiên từ Ấn-độ và Trung Á thì những TH theo PG có khuynh hướng coi tôn giáo này là một phần hay một phái của Đạo Giáo Hoàng Lão, một hình thức Đạo Giáo bắt nguồn từ kinh sách và pháp thực hành được coi là của Hoàng Đế và Lão Tử. Những người khác chấp nhận ít hơn tôn giáo “ngoại lai” xâm nhập từ các xứ Tây Phương “man rợ” này PG là xa lạ và là một sự thách thức nguy hiểm cho trật tự xã hội và đạo đức TH, Trong mấy thế kỷ, hai thái độ này tạo thành cái nôi mà ở trong đó sự hiểu biết PG của người TH thành kính, trong khi các nhà
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567